Tải bản đầy đủ (.doc) (5 trang)

7 5 tư tưởng hồ chí minh về chiến lược

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (43.25 KB, 5 trang )

Tư tưởng Hồ Chí Minh về chiến lược “trồng người”.
/>Tư tưởng về chiến lược trồng người là một giá trị to lớn Hồ Chí Minh đã để lại
cho dân tộc Việt Nam, chiến lược trồng người của Hồ Chí Minh là tư tưởng nhất quán,
xuyên suốt trong cuộc đời Người, mang tính nhân văn sâu sắc và có giá trị to lớn đối
với sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước trong giai đoạn hiện nay.
Là một người suốt đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc,
giải phóng con người, Hồ Chí Minh rất quan tâm đến những quyền con người xứng
đáng được hưởng, những quyền "bất khả xâm phạm”, đó là "quyền được sống, quyền
tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”(1) , sự quan tâm của Người đã trở thành khát
vọng giải phóng triệt để con người, là ham muốn tột bậc của Hồ Chí Minh trong suốt
cuộc đời 79 mùa xuân của mình. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh có một chiều sâu về văn
hóa, chiều sâu đó xét ra chính là chủ nghĩa nhân đạo, chủ nghĩa nhân văn cao cả, đó là
sự tôn trọng, đề cao và nâng cao những giá trị thuộc về con người.
Ngay từ rất sớm, Hồ Chí Minh đã nêu ra yêu cầu tất yếu để xây dựng một xã hội
mới, chế độ mới tốt đẹp hơn – Chủ nghĩa xã hội đó chính là yếu tố con người, Hồ Chí
Minh cho rằng: "vô luận việc gì, đều do người làm ra, và từ nhỏ đến to, từ gần đến xa,
đều thế cả”(2) , Người cũng khẳng định: "Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, trước hết
cần có những con người xã hội chủ nghĩa” (3), theo Hồ Chí Minh những con người xã
hội chủ nghĩa này phải hội đủ 2 yếu tố đó là "vừa hồng, vừa chuyên”, nói rộng ra đó
thực chất chính là hai mặt đức và tài, trong đó Hồ Chí Minh coi đạo đức là gốc, là nền
tảng, là yếu tố căn cốt của con người mới và là nhân tố thể hiện sự ưu việt của chủ
nghĩa xã hội.
Vậy, muốn có những con người xã hội chủ nghĩa thì cần phải làm gì? Hồ Chí
Minh cho rằng: "vì lợi ích mười năm phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng
người”(4) , muốn có những con người đủ đức, đủ tài để đảm đương nhiệm vụ trọng đại
của dân tộc thì phải tiến hành "trồng người” đó là lợi ích trăm năm, là kế sách lớn cho
sự phát triển.


Trong bản Di chúc lịch sử Người để để lại cho toàn Đảng và toàn dân ta, Hồ Chí
Minh yêu cầu công việc đầu tiên mà Đảng phải làm sau khi đã "chỉnh đốn” lại đó là


"công việc đối với con người”(5) , trong đó Hồ Chí Minh đã căn dặn "Bồi dưỡng thế
hệ cách mạng cho đời sau là một việc làm rất quan trọng và rất cần thiết” (6). Để làm
được điều đó thì Người cho rằng "Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng
cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa "hồng”,
vừa "chuyên”(7)
Tư tưởng Hồ Chí Minh về chiến lược "trồng người”, rất toàn diện và sâu sắc. Tùy
từng thời kỳ và nhiệm vụ cách mạng khác nhau, Hồ Chí Minh lại đặt ra những yêu cầu
khác nhau về công tác trồng người. Nhưng tựu chung lại có thể khái quát thành những
nội dung lớn sau đây:
Thứ nhất, chiến lược trồng người phải làm sao đào tạo được những con người có
đạo đức cách mạng, đó là lòng trung thành với tổ quốc và nhân dân, không ngừng bồi
dưỡng, trau dồi những phẩm chất đạo đức cách mạng: cần, kiệm, liêm chính, chí công,
vô tư, có lòng yêu thương con người và tinh thần quốc tế vô sản, có ý thức và tinh thần
làm chủ tập thể "mình vì mọi người, mọi người vì mình”(8) , đồng thời Hồ Chí Minh
cũng yêu cầu phải đấu tranh chống lại những căn bệnh do chủ nghĩa cá nhân sinh ra
như tham ô, lãng phí, quan liêu. Theo Hồ Chí Minh, đó chính là một thứ giặc nguy
hiểm, giặc nội xâm, giặc ở trong lòng, nó phá hoại sự nghiệp của chúng ta từ bên
trong, nó là "kẻ địch nguy hiểm của chủ nghĩa xã hội” vì vậy phải kiên quyết "quét
sạch”.
Thứ hai, chiến lược trồng người là phải tạo nên những con người có ý chí học
hỏi, cầu tiến bộ, không ngừng vươn lên làm chủ những thành tựu văn hóa, khoa học kỹ
thuật, những hiểu biết mới của thời đại. Trong "Thư gửi các học sinh” nhân ngày khai
trường năm 1945, Người đã chỉ ra nhiệm vụ cho thế hệ trẻ đó là "phải xây dựng lại cơ
đồ mà tổ tiên đã để lại cho chúng ta” , để "cho chúng ta theo kịp các nước khác trên
hoàn cầu”, đó là một trách nhiệm rất nặng nề song cũng vô cùng vẻ vang. Trong nhiệm
vụ vẻ vang giáo dục, đào tạo ấy, Hồ Chí Minh yêu cầu Đảng và Nhà nước phải hết sức
quan tâm, chú ý vì đó là tiền đồ, là tương lai của dân tộc. Hồ Chí Minh cho rằng nhiệm
vụ của Đảng và Chính phủ trong sự nghiệp cách mạng to lớn ấy là "cần chọn một số



ưu tú nhất, cho các cháu ấy đi học thêm các ngành, các nghề, để đào đạo thành những
cán bộ và công nhân có kỹ thuật giỏi, tư tưởng tốt, lập trường cách mạng vững chắc.
Đó là đội quân chủ lực trong công cuộc xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội ở nước
ta”(9) .
Theo Hồ Chí Minh, sức hấp dẫn của chủ nghĩa xã hội chưa phải là ở lý tưởng cao
xa, ở mức sống vật chất dồi dào, ở tư tưởng được tự do giải phóng, mà trước hết là ở
những giá trị đạo đức cao đẹp, ở phẩm chất của những người cộng sản luôn sống và
chiến đấu cho lý tưởng đó của loài người thành hiện thực(10) . Trong bài nói chuyện
tại buổi lễ khai mạc đại học nhân dân Việt Nam ngày 19/1/1955 Người đã chỉ ra nhiệm
vụ của thế hệ trẻ trong thời kỳ kiến thiết nước nhà xây dựng chế độ mới đó là "không
phải là hỏi nước nhà đã cho mình những gì. Mà phải tự hỏi mình đã làm gì cho nước
nhà? Mình phải làm thế nào cho ích lợi nước nhà nhiều hơn? Mình đã vì lợi ích nước
nhà mà hy sinh phấn đấu chừng nào?” (11), vì vậy, thế hệ trẻ phải có trách nhiệm với
sự tồn vong, hưng thịnh của dân tộc.
Thứ ba, chiến lược trồng người phải tạo nên những con người có tinh thần tìm
tòi, nghiên cứu, sáng tạo, "Phải có quyết tâm, đã làm việc gì thì làm cho đến nơi đến
chốn, làm cho kỳ được. Phải có lòng ham tiến bộ, ham học hỏi, học luôn, học mãi.
Học văn hoá, học chính trị, học nghề nghiệp”(12) . Đó là những con người phải nhạy
bén với cái mới, biết vận dụng nó vào thực tế công tác để nâng cao năng suất, chất
lượng, hiệu quả. Đồng thời, đó phải là những con người "có chí tự động, tự cường, tự
lập, phải có khí khái ham làm việc, chứ không ham địa vị” (13). Hồ Chí Minh cũng
yêu cầu thế hệ trẻ phải hết sức tránh xa ba sự ham muốn đó là ham muốn về tiền tài,
danh vọng và quyền lực, Người còn cho rằng "thanh niên cần phải chống tâm lý tự tư,
tự lợi, chỉ lo lợi ích riêng và sinh hoạt riêng của mình. Chống tâm lý ham sung sướng
và tránh khó nhọc. Chống thói xem khinh lao động nhất là lao động chân tay. Chống
lười biếng, xa xỉ. Chống cách sinh hoạt ủy mị, chống kiêu ngạo, giả dối, khoe
khoang”(14) có làm được như thế thì "mới xứng đáng thanh niên là chủ nhân tương lai
của nước nhà.”(15) . Người căn dặn thế hệ trẻ phải chú trọng bồi dưỡng, rèn luyện
không ngừng các phẩm chất của đạo đức cách mạng đó là cần, kiệm, liêm, chính, chí
công vô tư, những tác phong đẹp đẽ của đạo đức như khiêm tốn, giản dị, siêng năng,



gan dạ, sáng tạo và những đức tính tốt đẹp như trung thành, thật thà, chính trực. Hồ
Chí Minh đã đặt trọn niềm tin và sự kỳ vọng vào thế hệ trẻ. Người khẳng định: "Thanh
niên là người chủ tương lai của nước nhà”, "nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh
một phần lớn là do các thanh niên”(16) . Với Hồ Chí Minh, tiền đồ và tương lai của
dân tộc Việt Nam gắn bó chặt chẽ với tiền đồ và tương lai của đội ngũ thanh niên.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về chiến lược trồng người là một hệ thống quan điểm
chặt chẽ, phong phú, hợp logic trong tiến trình phát triển tư tưởng của Người. Tư
tưởng đó vừa thể hiện tính khoa học, vừa mang tính cách mạng và là một nội dung
quan trọng trong toàn bộ hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh, một đóng góp quan trọng
trong kho tàng lý luận của chủ nghĩa Mác – Lênin về con người và giải phóng con
người.
Sự nghiệp đổi mới đã đi qua được hơn 25 năm, chúng ta đã giành được những
thắng lợi to lớn về kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội, vị thế của đất nước không ngừng
được tăng cao trên trường quốc tế, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện, tuy
vậy tiềm lực của chúng ta còn rất lớn, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, trước yêu cầu
của sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa và phát triển nền kinh tế tri thức,để có
một thế hệ tương lai đủ đức, đủ tài gánh vác các trọng trách lớn lao của dân tộc, đưa
Việt Nam "sánh vai với các cường quốc năm châu”. Chúng ta phải đào tạo ra những
công dân tốt và cán bộ tốt cho nước nhà, đó là những con người phải có cả đạo đức và
tài năng, những người thực sự xứng đáng gánh vác những tiền đồ to lớn mà thế hệ cha
ông đã để lại. Trong sự nghiệp vĩ đại đó, Đảng, Chính phủ và Nhân dân phải có trách
nhiệm đối với sứ mệnh này. "Đó là một trách nhiệm nặng nề, nhưng rất vẻ vang. Mong
mọi người phải cố gắng làm trọn nhiệm vụ”(17) .
Đào Tuấn Anh - Nguyễn Thị Liên
Học viện Chính sách và Phát triển - Đại học Luật Hà Nội
(1)Hồ Chí Minh: toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 4, tr.1
(2)Hồ Chí Minh: toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 5, tr.281
(3)Hồ Chí Minh: toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 13, tr.66



(4)Hồ Chí Minh: toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 11, tr.528
(5)Hồ Chí Minh: toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 15, tr.616
(6)Hồ Chí Minh: toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 15, tr.622
(7)Hồ Chí Minh: toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 15, tr.622
(8)Hồ Chí Minh: toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 13, tr.66
(9)Hồ Chí Minh: toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 15, tr.616617
(10)Giáo trình tư tuởng Hồ Chí Minh, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2009,
tr.252
(11)Hồ Chí Minh: toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 9, tr.265
(12)Hồ Chí Minh: toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 5, tr.464
(13)Hồ Chí Minh: toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 5, tr.464
(14)Hồ Chí Minh: toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 9, tr.265
(15)Hồ Chí Minh: toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 5, tr.464
(16)Hồ Chí Minh: toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 5, tr.216
(17)Hồ Chí Minh: toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 11, tr.518



×