MỞ ĐẦU
Khi đất nước đang trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, cố gắng
vươn mình lên phát triển hội nhập với thế giới thì trong xã hội cũng ngày càng phát
sinh nhiều vấn đề pháp lý, những mâu thuẫn, tranh chấp. Vì vậy, vai trò của người
tư vấn pháp luật ngày càng được nâng cao trong thực tiễn cuộc sống. Tuy nhiên để
tư vấn được đòi hỏi một người cần có rất nhiều kỹ năng và một trong số chúng là
kỹ năng tư vấn pháp luật bằng lời nói. Vì vậy để hiều thêm về kỹ năng này trong
hoạt động tư vấn pháp luật em xin lựa chọn đề bài: "Phân tích kỹ năng tư vấn
pháp luật bằng lời nói. Minh họa bằng các tình huống thực tế" đề làm bài tập
học kỳ.
NỘI DUNG
I, Khái niệm chung về tư vấn pháp luật bằng lời nói
1.Khái niệm
Dù còn có nhiều cách tiếp cận và định nghĩa khác nhau về tư vấn pháp luật,
tuy nhiên, từ góc độ lý luận và thực tiễn, tư vấn pháp luật được hiểu là việc giải
đáp pháp luật, hướng dẫn cá nhân, tổ chức trong nước và nước ngoài xử sự đúng
pháp luật; cung cấp dịch vụ pháp lý giúp cho các cá nhân, tổ chức thực hiện và bảo
vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Hoạt động này không chỉ bao gồm việc
chuyển tải nội dung của một điều luật, một văn bản pháp luật, hoặc cung cấp thông
tin về những quy định pháp luật có liên quan mà còn là việc sử dụng kiến thức
pháp luật và kinh nghiệm của các chuyên gia pháp luật. Như vậy, người thực hiện
tư vấn phải sử dụng lao động trí óc của mình để đưa ra một lời khuyên, giúp khách
hàng có một hướng giải quyết đúng đắn.
Tư vấn pháp luật bằng lời nói là việc luật sư phải trả lời các yêu cầu của
khách hàng dưới hình thức lời nói chứ không phải bằng văn bản. Hình thức này
thường được áp dụng đối với các vụ việc có tính chất đơn giản. Các khách hàng
thường gặp gỡ luật sư để trình bày vụ việc của họ và nhờ luật sư giúp họ tìm giải
pháp để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình một cách nhanh chóng và có hiệu
quả.
2, Đặc điểm
- Tư vấn pháp luật bằng lời nói là việc thực hiện trong khuôn khổ hoạt động
nghề nghiệp của người tư vấn với những yêu cầu đặc thù
- Việc tư vấn pháp luật bằng lời nói là hoạt động có đối tượng, mục đích cụ
thể
- Nói là công cụ, phương tiện thực hiện nhiệm vụ nghề nghiệp của người tư
vấn.
- Việc tư vấn này có khả năng tác động trực tiếp đến người được tư vấn.
3, Các hình thức tư vấn
-
Tư vấn trực tiếp
Tư vấn qua điện thoại, tổng đài tư vấn
Tư vấn qua đài phát thanh, truyền hình
Tư vấn trực tuyến
4, Các yêu cầu về nội dung nói
- Yêu cầu về nội dung nói:
+ Nói đúng pháp luật
+ Nói đầy đủ nội dung
+ Nói một cách khách quan, nói một cách khách quan, không tuỳ tiện, suy diễn.
+ Nói có căn cứ
+ Nói có lập luận chặt chẽ
+ Nói có chất lượng
- Yêu cầu về cách nói:
+ Ngôn ngữ chuẩn xác, ngắn gọn, dễ hiểu.
+ Trình bày rành mạch, rõ ràng, có logic
+ Trình bày có tóm tắt, kết luận để khách hàng nắm được những điều quan
trọng nhất
+ Cách nói phù hợp với từng đối tượng được tư vấn
+ Nói hay, hấp dẫn
II, Các kỹ năng tư vấn pháp luật bằng lời nói
Qua thực tiễn hoạt động tư vấn pháp luật cho thấy hình thức tư vấn bằng
miệng là hình thức phổ biến. Với các vụ việc có tính chất đơn giản, các khách hàng
Việt Nam thường gặp gỡ nguười tư vấn để tìm hiểu bản chất pháp lý của vụ việc
trên cơ sở đó giúp họ tìm giải pháp để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp một cách
nhanh chóng có hiệu quả. Tuy vậy, hoạt động tư vấn pháp luật là một hoạt động đa
dạng, phức tạp đòi hỏi một quá trình lao động trí óc. Vì vậy, khi trực tiếp bằng lời
nói cho khách hàng, quá trình tư vấn có một số đặc điểm sau đây:`
1, Kỹ năng làm chủ giọng nói
Trong khi tư vấn, có rất nhiều người khi nói thường không để ý tới tiết tấu và
tốc độ, tư vấn cho khách hàng chỉ dùng một ngữ điệu và tốc độ nói nên rất đơn
điệu, nhàm chán. Do đó, tiết tấu và tốc độ là điều kiện cần thiết
Tiết tấu của ngôn ngữ không phải luôn nhất quán, mà luôn có sự khác biệt.
Trong thơ ca luôn có trọng âm, trong khi tiết tấu văn xuôi thay đổi theo cảm xúc.
Tư vấn pháp luật cũng vậy, nhất định phải điều chỉnh tiết tấu nói sao cho phù hợp
với từng chủ đề và hoàn cảnh, như vậy thì mới có thể thu hút được khách hàng.
Tương tự như vậy đối với tốc độ nói. nếu người tâm lí nói quá nhanh sẽ khiến
người nghe có tâm lí căng thẳng và lo lắng. Không chỉ vậy, người tư vấn sẽ không
thể nói rõ ràng và người khác sẽ không hiểu người tư vấn muốn đề cập đến nội
dung gì. Còn nếu nói quá chậm, khách hàng sẽ dễ cảm thấy nhàm chán và không bị
thu hút.
Do đó, người tư vấn phải phát âm chuẩn, rành mạch rõ ràng để người được tư
vấn dễ nghe. Ngoài ra, người tư vấn phải biết điều chỉnh âm lượng cũng như tốc độ
nói vừa phải, dễ nghe không gây khó chịu hay người nghe không kịp hiểu vấn đề
cần tư vấn. Cuối cùng là về ngữ điệu, điểm nhấn trong từng câu chữ giúp cho
người nghe thấy thuyết phục, có sự tin tưởng vào cuộc tư vấn. Qua đó, việc làm
chủ giọng nói là yếu tố cần thiết, cơ bản mà người tư vấn cần rèn luyện thật kỹ
càng
2, Kỹ năng nói khi tiếp xúc khách hàng
Khi gặp gỡ khách hàng, người tư vấn cần trao đổi tên tuổi, vị trí công tác của
mình trong Văn phòng để khách hàng tiện nói chuyện và liên lạc, tạo niềm tin cho
khách hàng. Tiếp theo đó người tư vấn sẽ yêu cầu khách hàng trình bày sơ qua về
vụ việc, nếu vụ việc đó thuộc lĩnh vực thuộc chuyên môn người tư vấn đang làm
thì người tư vấn có thể tư vấn trực tiếp cho khách hàng, còn nếu không thuộc lĩnh
vực mình chuyên sâu thì có thể khéo léo giải thích cho khách hàng để mình có thể
nhận được sự trợ giúp từ một người tư vấn chuyên trách khác.
3, Kỹ năng nói khi khai thác
Thứ nhất: Người tư vấn cần phải lắng nghe khách hàng trình bày và ghi chép
đầy đủ nội dung chính, ý chính, trên cơ sở đó đặt câu hỏi để làm rõ thêm. Thông
thường lần đầu tiên tiếp xúc, người tư vấn chưa thể nắm bắt một cách chắc chắn
bản chất của sự việc đó hơn nữa, khách hàng thường trình bày theo ý chí chủ quan
và bỏ qua nhiều chi tiết mà họ cho là không cần thiết.Vì vậy, người tư vấn cần gợi
ý những vấn đề để khách hàng trình bày đúng bản chất của vụ việc. Người tư vấn
nên lưu ý khách hàng, chỉ có thể đưa ra giải pháp chính xác, đầy đủ và đúng pháp
luật nếu khách hàng trình bày vấn đề trung thực và khách quan.
Các câu hỏi mà luật sư đặt ra cần hướng tới việc làm sáng tỏ các nội dung cơ
bản sau: khách hàng muốn gì ở lời tư vấn của luật sư? Đâu là quan hệ pháp lý chủ
yếu cần quan tâm nhất và cần được tập trung giải quyết? Còn các quan hệ khác có
mối quan hệ với quan hệ pháp lý mấu chốt như thế nào?
Thứ hai: Sau khi nghe khách hàng trình bày xong, luật sư nên diễn đạt lại câu
chuyện của khách hàng theo cách hiểu của mình. Việc làm này nhằm mục đích
đảm bảo rằng luật sư đã hiểu đúng câu chuyện của khách hàng và nếu phát hiện có
điểm nào nhầm lẫn hoặc chưa rõ, khách hàng kịp đính chính ngay
Thứ ba: người tư vấn yêu cầu khách hàng cung cấp các tài liệu liên quan đến
vấn đề cần tư vấn. Những giấy tờ tài liệu này phản ánh diễn biến của quá trình
tranh chấp hoặc bản chất của vụ việc mà khách hàng yêu câu tư vấn. Nếu không có
những tài liệu này, việc tư vấn có thể không chinh xác . Sau khi khách hàng cung
cấp đầy đủ các văn bản, giấy tờ, tài liệu có liên quan,dngười tư vấn cần phải giành
thời gian để đọc các giấy tờ tài liệu đó. Đối với các tài liệu bằng tiếng nước ngoài
nhất thiết phải được dịch ra bằng tiếng Việt để hiểu đúng nguyên văn tài liệu đó,
đồng thời cũng đính kèm hồ sơ để sử dụng lâu dài. Trong trường hợp sau khi nghe
khách hàng trình bày và nghiên cứu các tài liệu do khách hàng cung cấp mà thấy
không thể trả lời ngay được, phải thông báo điều đó cho khách hàng và hẹn khách
hàng gặp vào một ngày khác.
Thứ tư: việc tra cứu tài liệu tham khảo. Việc dùng các quy định của pháp luật
để làm cơ sơ cho các kết luận của mình đều là bắt buộc . Trong nhiều trường hợp
khách hàng biết họ đúng họ không giải thích được và yêu cầu người tư vấn phải
cung cấp cho họ cơ sở pháp luật để khẳng định yêu cầu của họ. Đối với người tư
vấn việc tra cứu tài liệu tham khảo bắt buộc bởi vì: Trước hết là để khẳng định với
khách hàng rằng người tư vấn đang tư vấn theo luật chứ không phải theo cảm tính
chủ quan của mình. Sau việc tra cứu tài liệu tham khảo giúp người tư vấn khẳng
định chính suy nghĩ của mình.
4, Kỹ năng nói khi trình bày phương án tư vấn
Người tư vấn phải định hướng cho khách hàng. Về thực chất là việc đưa ra
giải pháp bằng miệng cho khách hàng để trả lời các vấn đề mà khách hàng yêu cầu.
Người tư vấn phải đưa ra được các giải pháp khác nhau cho nội dung được yêu
cầu, nêu rõ tính hợp pháp, tính khả thi, căn cứ pháp luật áp dụng của từng giải
pháp, những điểm thuận lợi cũng như rủi ro của từng phương pháp. Cuối cùng là
lời khuyên của người tư vấn nên lựa chọn giải quyết vụ việc theo giải pháp nào và
sắp xếp các giải pháp theo thứ tự ưu tiên.
Trong nhiều trường hợp, có những vấn đề khách hàng yêu cầu tư vấn ngay
người tư vấn vẫn phải thận trọng phải có đủ thông tin chắc chắn mới có thể đưa ra
các kết luận, bởi một kết luận sai sẽ làm ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ của
khách hàng, làm giảm uy tín của người tư vấn. Do đó, có trường hợp, người tư vấn
có thể khéo léo hẹn khách hàng trở lại vào một dịp khác hoặc mình sẽ trả lời bằng
thư, trao đổi qua điện thoại sau để có thêm thời gian tìm hiểu giải quyết vấn đề của
khách hàng.
Một trong những nguyên tắc khi tiến hành tư vấn cho khách hàng là luật sư
phải thể hiện thái độ trung thực, phân tích các vấn đề cơ sở pháp lý và luôn đứng
về phía khách hàng của mình. Trong quá trình tư vấn, luật sư có thể kết hợp làm
công tác của người hòa giải giúp hai bên đương sự hòa giải, thỏa thuận với nhau để
tìm một giải pháp thỏa đáng. Tuy nhiên, trong trường hợp hòa giải, luật sư phải cho
khách hàng biết bản chất của vấn đề, tức là đưa vụ án ra xét xử tại Tòa án hoặc
trọng tài họ sẽ được lợi gì và nếu tự hòa giải họ cũng sẽ được lợi gì.
III, Minh hoạ bằng tình huống thực tiễn.
Tình huống:
“Bà Dương Hồng Hoa có 4 thửa đất rẫy liền kề nhau tổng diện tích 18 000 mét
vuông. Trên các bìa đỏ và tờ bản đồ không thể hiện đường đi, và trước nay đều
phải đi nhờ một đường nhất định, kể cả chủ cũ. Hiện chủ đất liền kề không cho đi
nhờ đường nữa. Bà Hoa đã đàm phán với các chủ đất xung quanh nhưng không ai
chịu. Con đường đi nhờ cũ là đường thuận tiện nhất, dài 71m, còn các chủ đất
khác ở dưới thung lũng, đất triền, khó khăn cho việc đi lại. Bà Hoa có đến trung
tâm tư vấn pháp luật của trường Đại học Luật Hà Nội để nhờ tư vấn.”
Áp dụng kỹ năng tư vấn bằng lời nói:
Khi thấy bà Hoa đến, người tư vấn viên ra mở cửa, bắt tay chào đón bà Hoa.
Sau đó, người tư vấn mời bà Hoa ngồi và uống nước với một phong thái thân thiện.
Với những kỹ năng chuyên môn trang bị đầy đủ của mình, trước hết người tư vấn
viên sẽ tự giới thiệu về bản thân, vị trí công tác của mình trong Văn phòng tư vấn
pháp luật, tiếp đó, người tư vấn viên sẽ hỏi thông tin về bà Hoa để có thể tiện nói
chuyện và liện lạc cũng như tạo niềm tin cho bà.
Khi bắt đầu đi vào trọng tâm của vấn đề, người tư vấn sẽ lắng nghe những
trình bày về sự việc của bà Hoa. Không chỉ vậy người tư vấn cần ghi lại những vấn
đề chính của vụ việc như “bà Hoa có 4 thửa đất liền kề nhưng không có lối đi”,
“từ chủ cũ đến nay đều đi nhờ một đường nhất định”, “trên bản đồ và bìa đổ
không thể hiện lối đi”, “chủ đất liền kề không cho đi nhờ”, “đường đi cũ là lối đi
thuận tiện nhất”. Tử những thông tin được bà Hoa đưa ra, người tư vấn đã xác
định được bà Hoa muốn mình tư vấn về lĩnh vực dân sự, cụ thể là việc lối đi qua
bất động sản liền kề.
Sau khi nghe xog trình bày của bà Hoa, người tư vấn nêu lại diễn biến theo
cách hiểu của mình. Việc làm đó nhằm mục đích đảm bảo người tư vấn đã hiểu
đúng câu chuyện của bà Hoa. Tiếp đó, người tư vấn có thể đặt thêm những câu
hiểu để làm rõ vấn đề như: “Việc trước đó chủ cũ và chủ đất liền kề có thoả thuận,
đàm phán gì với nhau về lối đi qua đất liền kề này không?” , “Bà đã đàm phán với
chủ đất liền kề chưa?”, “Việc đàm phán diễn ra như nào?”, “Chủ đất liền kề có
yêu cầu gì trong đàm phán không?”.
Tiếp đó, người tư vấn yêu cầu bà Hoa cung cấp giấy tờ về 4 thửa đất rẫy như
bìa đỏ, tờ bản đồ, các giấy tờ liên quan khác….Sau khi bà Hoa đã cung cấp đầy đủ
giấy tờ tài liệu, người tư vấn sẽ đọc đồng thời hình thành luôn giải pháp trên cơ sở
sắp xếp các tài liệu theo tầm quan trọng của nó.
Vì đây là lĩnh vực về dân sự, người tư vấn sẽ tìm tài liệu tham khảo trong các
quy định của pháp luật làm cơ sở cho các kết luận của mình là điều bắt buộc. Cụ
thể trong tình huống, người tư vấn cần xem xét các điều luật 273 về quyền sử dụng
hạn chế bất động sản liền kề BLDS 2015, Điều 275 về quyền lối đi qua bất động
sản liền kề BLDS 2015 cũng như các quy định pháp luật khác về lối đi qua bất
động sản liền kề
Cuối cùng, người tư vấn sẽ định hướng cho bà Hoa về cách giải quyết vụ việc
trên: Bà Hoa có quyền yêu cầu chủ đất liền kề có con đường thuận tiện nhất cho
thửa đất củabà phải dành một lối đi ra và người đó phải có nghĩa vụ đáp ứng yêu
cầu đó. Trong trường hợp chủ đất liền kề cố tình không cho bà mở lối đi, căn cứ
các quy định trên, bà có quyền khởi kiện ra tòa án có thẩm quyền yêu cầu giải
quyết, buộc người đó cho phép mở lối đi riêng cho mình, để có thể thuận tiện hoạt
động, sinh hoạt. Sau khi đã đưa ra những định hướng, người tư vấn cũng đưa ra
những lời khuyên nên lựa chọn giải quyết vụ việc theo giải pháp nào là hợp lý và
có lợi cho bà Hoa nhất.
Và chú trọng nhất cần thiết trong quá trình tư vấn, người tư vấn luôn nói rõ
ràng, rành mạch, có ngữ điệu, điểm nhấn, tốc độ vừa phải, dễ nghe để có thể tăng
thêm tính thuyết phục cho bà Hoa
KẾT LUẬN
Qua phân tích và minh hoạ ở trên, tư vấn pháp luật cho chúng ta thấy hình thức tư
vấn pháp luật bằng miệng là hình thức cơ bản quan trọng nhất hoạt động tư vấn,
quyết định lớn đến thành công trong suốt quá trình tư vấn, đó không chỉ là cách cư
xử khôn khéo của các luật sư, các tư vấn viên, mà còn phải được kết hợp hài hòa cả
kiến thức đã học với, lao động trí óc với kinh nghiệm thức tiễn từ bản thân.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1, Học viện tư pháp ( 2012) , Giáo Trình kĩ năng tư vấn pháp luật, NXB , CAND
2. Trương nhật Quang, Kĩ năng hành nghề tư vấn pháp Luật của Luật Sư, NXB
Lao Động 2012
3. />4. />5. />