So sánh mô hình quản lý công mới (hành chính phát triển) với mô hình hành chính truyền thống
Tác giả : Th.s Thái Xuân Sang - Gv Khoa Quản lý Nhà nước
File đính kèm: Không có
So với các nghành khoa học xã hội khác, khoa học hành chính công ra đời tương đối muộn, năm 1887
Woodrow Wilon (1856-1924) viết cuốn sách “Nghiên cứu về Hành chính công”, với việc khẳng định:
“Thực hiện Hiến pháp khó hơn là xây dựng nên nó”, Ông đã đặt viên gạch đầu tiên cho việc phát triển
một lĩnh vực khoa học liên quan đến sự quản lý của Chính phủ và vận dụng nguồn lực tri thức để thực
hiện có hiệu quả công việc quản lý của một quốc gia. Hành chính công là khoa học nghiên cứu các quy
luật quản lý có hiệu quả những công việc xã hội của các tổ chức hành chính Nhà nước. Kể từ khi khoa
học Hành chính công ra đời đã có nhiều mô hình lý thuyết khác nhau với các bước phát triển thăng trầm.
Trong những năm gần đây (thập kỷ 80 và những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ XX) rất nhiều nước trên
thế giới đặt vấn đề xem xét lại khu vực công về quy mô và khả năng điều hành sự phát triển của đất
nước, đặc biệt một số nước như Anh, Mỹ. Những nước này đã đưa ra mô hình Quản lý công mới (Hành
chính phát triển) thay thế cho mô hình Hành chính công truyền thống. Việt Nam đang trong tiến trình
đẩy mạnh cải cách hành chính, hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế của thế giới. Để hội nhập
thành công, ngoài sự quyết tâm về mặt chính trị, Việt Nam cần phải tự xây dựng mô hình quản lý có hiệu
quả. Ở Việt Nam, khoa học hành chính ra đời và phát triển rất muộn, lại phải chịu sự tác động trực tiếp
của Chính trị, chính vì vậy tính độc lập của khoa học hành chính mờ nhạt. Chúng ta thực sự chưa có một
mô hình hành chính công. Trong phạm vi bài viết này, với phương pháp hành chính so sánh, tác giả trình
bày một cách hệ thống hai mô hình hành chính phổ biến trên thế giới hiện nay.
Trong điều kiện kính tế - xã hội phát triển nhanh chóng như ngày nay, khi nền hành chính nhà nước có sự
phát triển theo xu hướng tiến bộ tích cực (chuyển từ hành chính cai trị sang hành chính phục vụ): trong
khoa học hành chính đã xuất hiện thuật ngữ “hành chính phát triển”. Từ đó, thuật ngữ “hành chính
truyền thống” cũng được quan tâm, nghiên cứu trong mối tương quan với “Hành chính phát triển”
Hành chính truyền thống được hiểu là cách thức tổ chức và hoạt đôngj của các cơ quan nhà nước thuộc
các kiểu nhà nước trong lịch sử, cũng như các cơ quan, tổ chức khác, trên cơ sở những nguyên tắc, quy
tắc nhất định (bao gồm cả nguyên tắc chính trị-xã hội và nguyên tắc tổ chức - kỹ thuật) do nhà nước hoặc
các chủ thể đặt ra mà bản chất chủ yếu thiên về tính “cai trị”, phương thức hoạt động dựa trên cơ sở thi
hành các quy định một cách “cứng nhắc”, lấy tổ chức thứ bậc chặt chẽ, trình tự, thủ tục và việc thực hiện
nghiêm ngặt các thủ tục đó làm biện pháp tối ưu mà ít quan tâm đến kết quả hoạt động của nhà nước,
của các cơ quan, tổ chức hay của công chức nhà nước.
Hành chính phát triển (Quản lý công mới) thường được sử dụng khi nói đến “Mô hình hành chính công
theo các tiêu chí hiện đại, chủ động, năng động, nhạy bén, thích nghi cao nhằm đáp ứng các yêu cầu
quản lý và dịch vụ tối đa trong các điều kiện kinh tế thị truờng phát triển mạnh mẽ và những quan hệ
quốc tế ngày càng phụ thuộc chặt chẽ lẫn nhau”
Chuyển đổi từ Hành chính công truyền thống sang Quản lý công (Hành chính phát triển) là xu hướng phổ
biến trên thế giới, đặc biệt là những nước kinh tế thi trường phát triển. Vì sao lại vậy ? Nguyên nhân là:
Thứ nhất: Về quy mô của Chính phủ, nhiều quốc gia cho rằng bộ máy của Chính phủ quá lớn, chi phí cho
việc duy trì bộ máy đó ngày càng tăng trong khi đó hiêu quả hoạt động của nó ngày càng giảm đi. Do đó
cần phải xem xét lại quy mô và vai trò của Chính phủ. Theo quan điểm mới, vai trò của Chính phủ chuyển
từ “chèo thuyền” sang “lái thuyền”. Nhà nước không nên ôm đồm làm hết mọi dịch vụ mà nên dân chủ
hoá gắn liền với phân quyền, xã hội hoá nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả quản lý của Nhà nước.
Thứ hai, chất lượng dịch vụ công chất lượng thấp, loại hình kém đa dạng, phong phú giá cả lại cao hơn
khu vực tư . Mặt khác, về bối cảnh và xu hướng thời đại tác động đến mô hình hành chính công truyền
thống dẫn đến sự xuất hiện mô hình hành chính phát triển. Đó là: Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học,
công nghệ đòi hỏi sự đièu chỉnh kinh tế và phát triển nền hành chính; sự phát triển nền kinh tế thị
trường và toàn cầu hoá kinh tế điều chỉnh các mối quan hệ quốc tế và do đó ảnh hưởng đến nền hành
chính công của mỗi nước trong quá trình hội nhập. Xu hướng dân chủ hoá đời sống xã hội do trình độ
dân trí được nâng cao; tình thế chung buộc Nhà nước phải một mặt xã hội hoá, tư nhân hoá, chấp nhận
sự tham gia của công chúng vào công việc quản lý nhà nước, đồng thời phải can thiệp ngày càng sâu vào
các quá trình kinh tế- xã hội và cải tiến mô hình nền hành chính công và nâng cao chất lượng dịch vụ đối
với người dân - những “khách hàng” của nền hành chính..
Như vậy về bản chất, hành chính truyền thống và hành chính phát triển đều là đối tượng nghiên cứu của
khoa học hành chính công được xây dựng bởi một hệ thống các khái niệm,hệ thống lý thuyết hành chính
công với nhiều cách tiếp cận khác nhau . Sự khác nhau cơ bản ở đây là “mô hình”, mỗi “mô hình” có
những thế mạnh và phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội trong những giai đoạn lịch sử nhất định của
các quốc gia. Đi sâu vào nghiên cứu hai “mô hình” dựa trên một số tiêu thức chúng ta nhận thấy những
điểm khác nhau cơ bản sau đây:
So sánh tiêu thức mục tiêu: hành chính công truyền thống; bảo đảm đúng chu trình, đúng quy tắc, thủ
tục hành chính (đầu vào). Đánh giá việc quản lý hành chính thông qua xem xét mức độ thực thi các quy
tắc, thủ tục hành chính. Trong khi đó, mục tiêu của hành chính phát triển là: Bảo đảm kết qua tốt nhất,
hiệu quả cao nhất (đầu ra); dùng các tiêu chí cụ thể để đánh giá kết quả quản lý hành chính.
Đối với công chức của hành chính công truyền thống: trách nhiệm của người công chức; nhà quản lý là
giám sát việc thực hiện và giải quyết công việc theo quy chế thủ tục. Những quy định, điều kiện để công
chức thực thi công vụ theo một hệ thống thứ bậc rất chặt chẽ, cứng nhắc theo quy định. Thời gian làm
việc của công chức được quy định chặt chẽ, có thời gian công (làm việc ở cơ quan) và thời gian tư (thời
gian không làm việc ở cơ quan). Công chức mang tính trung lập, không tham gia chính trị, thực hiện một
cách trung lập các chính sách do các nhà chính trị đề ra. Trong khi đó, đối với công chức của hành chính
phát triển: Trách nhiệm của người công chức, nhà quản lý chủ yếu là bảo đảm thực hiện mục đích, đạt
kết quả tốt, hiệu quả cao. Những quy định, điều kiện để công chức thực thi nhiệm vụ có hình thức linh
hoạt, mềm dẻo hơn. Thời gian làm việc linh hoạt hơn, có thể họ làm việc trong một thời gian nhất định,
có thể làm chính thức hoặc hợp đồng (có một phần thời gian làm công vụ tại nhà). Công chức cam kết về
mặt chính trị cao hơn trong các hoạt động của mình, các hoạt động hành chính mang tính chính trị nhiều
hơn.
Đối với Chính phủ của hành chính công truyền thống: Mọi công vụ được Chính phủ thực thi, giải quyết
theo pháp luật quy định. Chức năng của Chính phủ nặng về hành chính xã hội, trực tiếp tham gia các
công việc công ích xã hội. Chức năng của Chính phủ thuần tuý mang tính hành chính không trực tiếp liên
hệ đến thị trường. Trong khi đó, đối với Chính phủ của hành chính phát triển: Các công vụ mang tính
chính trị nhiều hơn, ảnh hưởng của chính trị ngày càng lớn trong hành chính. Chức năng tham gia trực
tiếp các dịch vụ công cộng ngày càng giảm bớt mà thông qua việc xã hội hoá các dịch vụ đó để quản lý xã
hội, nhưng vẫn có sự quản lý của Nhà nước. Chức năng của Chính phủ đối mặt với những thách thức của
thi trường. Nền hành chính phát triển của các nước đều phải quan tâm và gánh vác nghĩa vụ chung đối
với những vấn đề của loài người như nghèo đói, dịch bệnh, môi truờng, ma tuý, tội phạm…..
Nói tóm lại, Quản lý công mới (Hành chính phát triển) có cách tiếp cận mới đối với hành chính công
truyền thống. Sự xuất hiện của mô hình này đã làm cho cách thức hoạt động của khu vực công có nhiều
thay đổi đáng kể. Với các đặc tính của mô hình mới: hiệu quả hoạt động quản lý, phi quy chế hoá, phân
quyền, áp dụng một số yếu tố của cơ ché thi trường, gắn bó với chính trị, tư nhân hoá một phần hoạt
đọng của Nhà nước, vận dụng nhiều phương pháp quản lý doanh nghiệp, xu hướng quốc tế hoá ; mô
hình hành chính phát triển xuất hiện nhằm khắc phục những yếu kém không phù hợp của mô hình hành
chính truyền thống . Nền kinh tế Việt Nam đang vận hành theo cơ chế thị trường và ngày càng hội nhập
sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu. Chức năng của Chính phủ chắc chắn sẽ phải đối mặt với những thách
thức của thị trường trong nước và thị trường thế giới. Vận dụng những nhân tố hợp lý của mô hình Quản
lý công mới (Hành chính phát triển) để xây dựng một mô hình mang tính đặc sắc Việt Nam, đẩy mạnh cải
cách hành chính theo kịp cải cách kinh tế đang là câu hỏi đặt ra đối với các nhà lãnh đạo, quản lý và các
nhà khoa học hành chính ./.