Tải bản đầy đủ (.pdf) (124 trang)

nghiên cứu xác định giống và ảnh hưởng của một số loại phân bón hữu cơ vi sinh đến sinh trưởng, phát triển, năng suất của cây đậu xanh tại thành phố hải dương

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (3.24 MB, 124 trang )

HỌC VIỆN NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

VŨ THỊ DUNG

NGHIÊN CỨU XÁC ĐỊNH GIỐNG VÀ ẢNH HƯỞNG CỦA
MỘT SỐ LOẠI PHÂN BÓN HỮU CƠ VI SINH ĐẾN SINH
TRƯỞNG, PHÁT TRIỂN, NĂNG SUẤT CỦA CÂY ĐẬU
XANH TẠI THÀNH PHỐ HẢI DƯƠNG
Chuyên ngành:

Khoa học cây trồng

Mã số:

60.62.01.10

Người hướng dẫn khoa học:

TS. Vũ Đình Chính

NHÀ XUẤT BẢN ĐẠI HỌC NÔNG NGHIỆP - 2016



LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi, các kết quả nghiên
cứu được trình bày trong luận văn là trung thực, khách quan và chưa từng dùng để bảo
vệ lấy bất kỳ học vị nào.
Tôi xin cam đoan rằng mọi sự giúp đỡ cho việc thực hiện luận văn đã được cám
ơn, các thông tin trích dẫn trong luận văn này đều được chỉ rõ nguồn gốc.
Hà Nội, ngày



tháng

năm 2016

Tác giả luận văn

Vũ Thị Dung

i


LỜI CẢM ƠN
Trong suốt thời gian học tập, nghiên cứu và hoàn thành luận văn, tôi đã nhận được
sự hướng dẫn, chỉ bảo tận tình của các thầy cô giáo, sự giúp đỡ, động viên của bạn bè,
đồng nghiệp và gia đình.
Nhân dịp hoàn thành luận văn, cho phép tôi được bày tỏ lòng kính trọng và biết
ơn sâu sắc TS. Vũ Đình Chính đã tận tình hướng dẫn, dành nhiều công sức, thời gian và
tạo điều kiện cho tôi trong suốt quá trình học tập và thực hiện đề tài.
Tôi xin bày tỏ lòng biết ơn chân thành tới Ban Giám đốc, Ban Quản lý đào tạo, Bộ
môn Cây công nghiệp và cây thuốc, Khoa Nông học - Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã
tận tình giúp đỡ tôi trong quá trình học tập, thực hiện đề tài và hoàn thành luận văn.
Tôi xin chân thành cảm ơn tập thể lãnh đạo, cán bộ viên chức Trung tâm kiểm
nghiệm thuốc – mỹ phẩm – thực phẩm tỉnh Hải Dương, UBND phường Việt Hòa, thành
phố Hải Dương, hộ gia đình ông Trần Thế Sự đã giúp đỡ và tạo điều kiện cho tôi trong
suốt quá trình thực hiện đề tài.
Xin chân thành cảm ơn gia đình, người thân, bạn bè, đồng nghiệp đã tạo mọi điều
kiện thuận lợi và giúp đỡ tôi về mọi mặt, động viên khuyến khích tôi hoàn thành luận văn./.
Hà Nội, ngày


tháng

năm 2016

Tác giả luận văn

Vũ Thị Dung

ii


MỤC LỤC
Lời cam đoan ................................................................................................................ i
Lời cảm ơn ................................................................................................................... ii
Mục lục ...................................................................................................................... iii
Danh mục chữ viết tắt.................................................................................................. vi
Danh mục bảng .......................................................................................................... vii
Trích yếu luận văn ....................................................................................................... ix
Thesis abstract ...............................................................................................................x
Phần 1. Mở đầu ...........................................................................................................1
1.1.

Tính cấp thiết của đề tài ...................................................................................1

1.2.

Mục tiêu và yêu cầu của đề tài .........................................................................2

1.2.1.


Mục tiêu đề tài .................................................................................................2

1.2.2.

Yêu cầu của đề tài ............................................................................................2

1.3.

Phạm vi nghiên cứu .........................................................................................2

1.4.

Ý nghĩa khoa học và thực tiễn ..........................................................................2

1.4.1.

Ý nghĩa khoa học .............................................................................................2

1.4.2.

Ý nghĩa thực tiễn .............................................................................................3

Phần 2. Tổng quan tài liệu ..........................................................................................4
2.1.

Tình hình sản xuất đậu xanh trên thế giới và Việt Nam ....................................4

2.1.1.

Tình hình sản xuất đậu xanh trên thế giới .........................................................4


2.1.2.

Tình hình sản xuất đậu xanh ở Việt Nam .........................................................6

2.2.

Một số kết quả nghiên cứu về đậu xanh trên thế giới và Việt Nam ...................7

2.2.1.

Một số kết quả nghiên cứu về đậu xanh trên thế giới ........................................7

2.2.2.

Một số kết quả nghiên cứu về đậu xanh tại Việt Nam.....................................17

Phần 3. Vật liệu và phương pháp nghiên cứu ..........................................................25
3.1.

Thời gian nghiên cứu .....................................................................................25

3.2.

Địa điểm nghiên cứu ......................................................................................25

3.3.

Vật liệu nghiên cứu........................................................................................25


3.4.

Nội dung nghiên cứu......................................................................................26

3.5.

Phương pháp nghiên cứu ...............................................................................26

iii


3.5.1.

Thiết kế thí nghiệm ........................................................................................26

3.5.2.

Các chỉ tiêu nghiên cứu và phương pháp xác định ..........................................28

3.5.3.

Quy trình nghiên cứu .....................................................................................30

3.5.4.

Phân tích số liệu.............................................................................................31

Phần 4. Kết quả và thảo luận ....................................................................................32
4.1.


Điều kiện khí hậu và đất đai tại thành phố Hải Dương vụ hè thu năm 2015 ....32

4.2.

Kết quả nghiên cứu khả năng sinh trưởng phát triển và năng suất của một
số giống đậu xanh trong điều kiện vụ hè thu tại thành phố Hải Dương ...........33

4.2.1.

Thời gian sinh trưởng, phát triển của các giống đậu xanh thí nghiệm tại
thành phố Hải Dương vụ hè thu 2015.............................................................33

4.2.2.

Động thái tăng trưởng chiều cao cây của các giống đậu xanh thí nghiệm
tại thành phố Hải Dương vụ hè thu 2015 ........................................................36

4.2.3.

Động thái ra lá của các giống đậu xanh thí nghiệm tại thành phố Hải
Dương vụ hè thu 2015 ...................................................................................37

4.2.4.

Chỉ số diện tích lá của các giống đậu xanh thí nghiệm tại thành phố Hải
Dương vụ hè thu 2015 ...................................................................................38

4.2.5.

Một số chỉ tiêu sinh trưởng, phát triển của các giống đậu xanh thí nghiệm

tại thành phố Hải Dương vụ hè thu 2015 ........................................................40

4.2.6.

Khả năng tích lũy chất khô của các giống đậu xanh thí nghiệm tại thành
phố Hải Dương vụ hè thu 2015 ......................................................................41

4.2.7.

Khả năng hình thành nốt sần của các giống đậu xanh thí nghiệm tại thành
phố Hải Dương vụ hè thu 2015 ......................................................................43

4.2.8.

Mức độ nhiễm sâu bệnh của các giống đậu xanh thí nghiệm tại thành phố
Hải Dương vụ hè thu 2015 .............................................................................45

4.2.9.

Các yếu tố cấu thành năng suất của các giống đậu xanh thí nghiệm tại
thành phố Hải Dương vụ hè thu 2015.............................................................46

4.2.10. Năng suất của các giống đậu xanh thí nghiệm tại thành phố Hải Dương vụ
hè thu 2015 ....................................................................................................48
4.3.

Kết quả nghiên cứu ảnh hưởng của các loại phân bón HCVS đến sinh
trưởng, phát triển và năng suất của giống đậu xanh ĐX14 và ĐX208 trong
điều kiện vụ hè thu tại thành phố Hải Dương .................................................50


4.3.1.

Ảnh hưởng của các loại phân bón HCVS đến thời gian sinh trưởng của hai
giống đậu xanh ĐX14 và ĐX208 tại thành phố Hải Dương vụ

thu 2015 ........................................................................................................50

iv


4.3.2.

Ảnh hưởng của các loại phân bón HCVS đến động thái tăng trưởng chiều
cao cây của hai giống đậu xanh thí nghiệm tại thành phố Hải Dương vụ hè
thu 2015 ........................................................................................................51

4.3.3.

Ảnh hưởng của các loại phân bón HCVS đến động thái ra lá của hai giống
đậu xanh ĐX14 và ĐX208 tại thành phố Hải Dương vụ hè thu 2015..............52

4.3.4.

Ảnh hưởng của các loại phân bón HCVS đến chỉ số diện tích lá của hai
giống đậu xanh ĐX14 và ĐX208 tại thành phố Hải Dương vụ hè thu 2015 ....53

4.3.5.

Ảnh hưởng của các loại phân bón HCVS đến khả năng sinh trưởng của hai
giống đậu xanh thí nghiệm tại thành phố Hải Dương vụ hè thu 2015..............55


4.3.6.

Ảnh hưởng của các loại phân bón HCVS đến khả năng tích lũy chất khô
của 2 giống đậu xanh ĐX14 và ĐX208 tại thành phố Hải Dương vụ hè thu
2015 ..............................................................................................................57

4.3.7.

Ảnh hưởng của các loại phân bón HCVS đến số lượng và khối lượng nốt
sần của hai giống đậu xanh ĐX14 và ĐX208 tại thành phố Hải Dương vụ
hè thu 2015 ....................................................................................................58

4.3.8.

Ảnh hưởng của các loại phân bón HCVS đến mức độ nhiễm sâu
bệnh của hai giống đậu xanh ĐX14 và ĐX208 tại thành phố Hải Dương
vụ hè thu 2015 ...............................................................................................60

4.3.9.

Ảnh hưởng của các loại phân bón HCVS đến các yếu tố cấu thành năng
suất của hai giống đậu xanh ĐX14 và ĐX208 tại thành phố Hải Dương vụ
hè thu 2015 ....................................................................................................61

4.3.10. Ảnh hưởng của các loại phân bón HCVS đến năng suất của hai giống đậu
xanh ĐX14 và ĐX208 tại thành phố Hải Dương vụ hè thu 2015 ....................62
4.3.11. Ảnh hưởng của các loại phân bón đến hiệu quả kinh tế của hai giống
ĐX14 và ĐX208 tại thành phố Hải Dương vụ hè thu 2015.............................64
Phần 5. Kết luận và kiến nghị ...................................................................................66

5.1.

Kết luận ........................................................................................................66

5.2.

Kiến nghị .......................................................................................................66

Tài liệu tham khảo .......................................................................................................67
Phụ lục ......................................................................................................................73

v


DANH MỤC CHỮ VIẾT TẮT
Chữ viết tắt

Nghĩa tiếng Việt

AVRDC

Trung tâm Nghiên cứu phát triển rau châu Á

BNNPTNT

Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn

CS. (et al.)

Cộng sự


CT

Công thức

Đ/c

Công thức đối chứng

ĐBSCL

Đồng bằng sông Cửu Long

ĐVT

Đơn vị tính

FAO

Tổ chức Nông - Lương quốc tế

HA

Acid humic

HCVS

Hữu cơ vi sinh

HCVSVĐCCN


Hữu cơ vi sinh vật đa chủng, đa chức năng

ICRISAT

Viện nghiên cứu cây trồng quốc tế cho vùng
nhiệt đới bán khô hạn ở Ấn Độ

NSG

Ngày sau gieo

NSLT

Năng suất lý thuyết

NSTT

Năng suất thực thu

PB

Phân bón

PGPR

Vi sinh vật thúc đẩy sinh trưởng ở cây trồng

RCB


Thiết kế khối ngẫu nhiên đầy đủ

QCVN

Quy chuẩn Quốc gia (Việt Nam)

TB

Trung bình

TCN

Tiêu chuẩn ngành

VSV

Vi sinh vật

vi


DANH MỤC BẢNG
Bảng 2.1. Tình hình sản xuất đậu xanh trên thế giới qua các năm 2005 – 2013 ................4
Bảng 4.1. Điều kiện khí hậu thành phố Hải Dương trong vụ hè thu
năm 2015 ..................................................................................................33
Bảng 4.2. Thời gian sinh trưởng của các giống đậu xanh ...........................................34
Bảng 4.3. Động thái tăng trưởng chiều cao cây của các giống đậu xanh ....................37
Bảng 4.4. Động thái ra lá trên thân chính của các giống đậu xanh..............................38
Bảng 4.5. Chỉ số diện tích lá của các giống đậu xanh.................................................39
Bảng 4.6. Khả năng sinh trưởng, phát triển của các giống đậu xanh ..........................40

Bảng 4.7. Khả năng tích lũy chất khô của các giống đậu xanh ...................................42
Bảng 4.8. Khả năng hình thành nốt sần của các giống đậu xanh ................................44
Bảng 4.9. Mức độ nhiễm sâu bệnh của các giống đậu xanh .......................................45
Bảng 4.10. Các yếu tố cấu thành năng suất của các giống đậu xanh.............................47
Bảng 4.11. Năng suất của các giống đậu xanh .............................................................48
Bảng 4.12. Ảnh hưởng của các loại phân bón HCVS đến thời gian sinh trưởng
của hai giống đậu xanh ĐX14 và ĐX208...................................................51
Bảng 4.13. Ảnh hưởng của các loại phân bón HCVS đến động thái tăng trưởng
chiều cao cây của hai giống đậu xanh ĐX14 và ĐX208 .............................52
Bảng 4.14. Ảnh hưởng của các loại phân bón HCVS đến động thái ra lá trên thân
chính của hai giống đậu xanh ĐX14 và ĐX208 .........................................53
Bảng 4.15. Ảnh hưởng của các loại phân bón HCVS đến chỉ số diện tích lá của
hai giống đậu xanh ĐX14 và ĐX208 .........................................................55
Bảng 4.16. Ảnh hưởng của các loại phân bón HCVS đến khả năng sinh trưởng
của hai giống đậu xanh ĐX14 và ĐX208...................................................56
Bảng 4.17. Ảnh hưởng của các loại phân bón HCVS đến khả năng tích lũy chất
khô của hai giống đậu xanh ĐX14 và ĐX208 ............................................57
Bảng 4.18. Ảnh hưởng của các loại phân bón HCVS đến số lượng nốt sần của
hai giống đậu xanh ĐX14 và ĐX208 .........................................................59
Bảng 4.19. Ảnh hưởng của các loại phân bón HCVS đến mức độ nhiễm sâu bệnh
của hai giống đậu xanh ĐX14 và ĐX208...................................................60
Bảng 4.20. Ảnh hưởng của các loại phân bón HCVS đến các yếu tố cấu thành
năng suất của hai giống đậu xanh ĐX14 và ĐX208 ...................................62

vii


Bảng 4.21. Ảnh hưởng của các loại phân bón HCVS đến năng suất của hai
giống đậu xanh ĐX14 và ĐX208...............................................................63
Bảng 4.22. Ảnh hưởng của liều lượng phân bón đến hiệu quả kinh tế của hai

giống đậu xanh ĐX14 và ĐX208...............................................................64

viii


TRÍCH YẾU LUẬN VĂN
Tên tác giả: Vũ Thị Dung
Tên Luận văn: “Nghiên cứu xác định giống và ảnh hưởng của một số loại phân bón
hữu cơ vi sinh đến sinh trưởng, phát triển, năng suất của cây đậu xanh tại thành phố
Hải Dương”
Ngành: Khoa học cây trồng

Mã số: 60.62.01.10

Tên cơ sở đào tạo: Học viện Nông nghiệp Việt Nam
Để nông dân có cơ sở lựa chọn giống đậu xanh cũng như loại phân bón hữu cơ
vi sinh hiệu quả trong tình hình sản xuất nông nghiệp hiện nay tại thành phố Hải
Dương. Hai thí nghiệm so sánh được tiến hành vào vụ hè thu 2015 trên đất phù sa sông
Hồng không bồi đắp tại phường Việt Hòa - thành phố Hải Dương.
Thí nghiệm thứ nhất gồm 7 giống (ĐX11, ĐX14, ĐX17, ĐX22, ĐX208,
ĐXVN5, ĐXVN7) đã được bố trí theo khối ngẫu nhiên đầy đủ (RCB), với 3 lần nhắc
lại. Có sai khác ý nghĩa ở một số đặc điểm nông học và năng suất giữa các công thức thí
nghiệm. Kết quả chỉ ra rằng trong vụ hè thu, các giống đậu xanh có thời gian sinh
trưởng, phát triển từ 68 – 74 ngày và năng suất đạt từ 13,71 đến 18,74 tạ/ha. Hai giống
cho năng suất cao nhất là giống ĐX14 (17,85 tạ/ha) và ĐX208 (18,74 tạ/ha) tại Hải
Dương, tăng hơn so với công thức đối chứng (ĐX11) từ 3,89 đến 4,78 tạ/ha
Thí nghiệm thứ hai được thiết kế theo kiểu ô chính- ô phụ với 3 lần nhắc lại và 8
công thức là sự kết hợp ô chính: 4 loại phân bón hữu cơ vi sinh (phân HCVS Sông
Gianh, phân HCVS MT, phân HCVS Quế Lâm, phân HCVS Humic) và ô phụ: 2 giống
(ĐX14, ĐX208). Kết quả chỉ ra rằng, các phân bón HCVS khác nhau đều ảnh hưởng tới

sự sinh trưởng phát triển năng suất của đậu xanh tại các công thức thí nghiệm. Khi áp
dụng 1,5 tấn phân bón HCVS + 400kg vôi bột + 30 kg N + 90 kgP2O5 + 60 kg K2O/ ha
bón cho đậu xanh đều cho năng suất cao 16,73 đến 18,93 ta/ha với giống ĐX14 và
17,79 đến 20,23 tạ/ha với giống ĐX208. Trong đó, phân bón HCVS Quế Lâm cho kết
quả cao nhất về sinh trưởng, phát triển và năng suất đậu xanh trên cả 2 giống, năng suất
đạt 18,93 tạ/ha với giống ĐX14 và 20,23 tạ/ha với giống ĐX208. Phân tích lợi nhuận
kinh tế thì phân bón HCVS quế lâm đạt hiệu quả kinh tế cao nhất trong vụ hè thu, lợi
tức (khoảng 3,18 triệu đồng/ha) so với sử dụng phân bón HCVS Sông Gianh. Với tình
hình sản xuất ở thành phố Hải Dương, phân chuồng trở lên khan hiếm thì việc sử dụng
phân bón HCVS để thay thế cho phân chuồng là hết sức cần thiết. Và kết quả nghiên
cứu này không chỉ tìm ra một số loại phân bón phù hợp cho cây đậu xanh mà còn tạo
nhiều sự lựa chọn cho nông dân sử dụng các loại phân bón phù hợp với tình hình sản
xuất cũng như thị trường cung ứng phân bón.

ix


THESIS ABSTRACT
Master candidate: Vu Thi Dung
Thesis title: “The studies identify varieties and the effects of microbial organic
fertilizers to growth, development, yield of mungbean (Vigna radiata (L.) Wilczek) in
Hai Duong city".
Major: Crop Science

Code: 60.62.01.10

Education organization: Vietnam National University of Agriculture (VNUA)
In order to help farmers adopt mungbean varieties as well as organic microbial
fertilizers available in current agricultural production in Hai Duong city. Two
comparative experiments were conducted in the 2015 summer - autumn crop on Red

River Delta’s alluvial soils at Viet Hoa quarter - Hai Duong city.
The first experiment consists of 7 varieties (DX11, DX14, DX17, DX22, DX208,
DXVN5, DXVN7) were arranged in a Randomized Complete Block (RCB) design, with
3 replications. There were significant differences on horticultural characters and yield
among the treatments. The results showed that in summer - autumn crop, the mungbean
varieties take about 68 - 74 days to grow and development which are 13,71 to 18,74
ta/ha. Two varieties had the highest yields by DX14 variety (17,85 ta/ha) and DX 208
variety (18,74 ta/ha) in Hai Duong, increased yield by 3,89 – 4,78 ta/ha as compared
with the control (DX11).
The second experiment was designed split-plot with three replications and 8
treatments which are combination of main plot by: 4 microbial organic fertilizer
(Song Gianh fertilizer, MT fertilizer, Que Lam fertilizer, Humic fertilizer) and subplot by: 2 mungbean varieties (DX14, DX208). The result showed that various
microbial organic fertilizers also affected to growth, deverlopment and yield of
mungbean among the treatments. If applying 1,5ton microbial organic fertilizer +
400 kg CaO (lime) + 30 kg N + 90 kgP2O5 + 60 kg K2O/ ha on mungbean also got
good yields which are 16,73 to 18,93 ta/ha on DX14 variety and 17,79 to 20,23 ta/ha
on DX208 variety. Que Lam microbial organic fertilizer gave the highest results on
growth, deverlopment and yield of two varieties which were 18,93 ta/ha on DX14
and 20,23 ta/ha on DX208. Analysis of benefit showed that applying Que Lam
microbial organic fertilizer were the highest income in summer-autumn season, net
return (for 3,18 million Viet Nam dong. ha-1) compared with applocation of Song
Gianh feritilizer. With agricultural productivity in Hai Duong city, the manure is
becoming scarce so that using microbial organic fertilizers in order to instead of
manure which is very necessary. And this study results not only find out some profit
fertilizer on mungbean but also creat more chose for farmer to apply fertilizer kinds
accord with productivity demand and supply fertilizer market.

x



PHẦN 1. MỞ ĐẦU
1.1. TÍNH CẤP THIẾT CỦA ĐỀ TÀI
Cây đậu xanh tên khoa học là Vigna radiata (L.) Wilczek, có nguồn gốc từ
Ấn Độ và Trung Á, được trồng ở nhiều nước châu Á như Thái Lan, Philippine,
Myanmar, Indonesia… ngoài ra, cây đậu xanh cũng được trồng ở nhiều nơi thuộc
Châu Phi, Châu Úc, Châu Mỹ.
Cây đậu xanh là cây công nghiệp ngắn ngày có giá trị dinh dưỡng và kinh
tế cao. Trong 100 g đậu xanh chứa 25 -28% protein, 1,0 - 1,5% chất béo, 3,5 –
4,5% chất xơ, 4,5- 5,5% tro, 60 - 65% cacbohydrate, nhiều khoáng chất và các
vitamine khác (Kole, 2007). Đây là nguồn thực phẩm giàu dinh dưỡng cho con
người, nó được chế biến và sử dụng ở nhiều dạng khác nhau như chè, xôi, cháo,
bánh trưng, bánh tét, giá đậu. Về mặt y học, đậu xanh được xem như dược liệu
tốt trong phòng, điều trị bệnh và bồi bổ sức khỏe như phòng chống chứng xơ
cứng động mạch, điều trị bệnh cao huyết áp, làm hạ mỡ máu, bảo vệ gan, giải
độc, giảm nguy cơ ung thư vú, tuyến tiền liệt. Ngoài ra, sản phẩm đậu xanh như
cây, lá, rễ, hạt được sử dụng trong chế biến thức ăn chăn nuôi cho thủy sản, gia
súc đem lại an toàn, hiệu quả kinh tế hơn các loại đậu khác.
Trong canh tác học, việc trồng đậu xanh có ý nghĩa quan trọng góp phần
cải tạo đất nhờ các nốt sần cố định đạm sống cộng sinh ở rễ đậu và phần thân lá
rụng xuống cung cấp thêm chất mùn cho đất, đồng thời, nâng cao hệ số sử dụng
đất do đậu xanh có chu kỳ sinh trưởng ngắn, có khả năng thích ứng rộng với điều
kiện khắc nghiệt, chịu hạn tốt thích hợp tham gia vào nhiều công thức cây trồng
(xen canh, luân canh, gối vụ). Từ những ưu điểm trên, cho nên cây đậu xanh
được sản xuất và tiêu thụ ngày càng tăng trong nước và trên thế giới.
Ở Việt Nam, cây đậu xanh là một trong ba cây họ đậu chính đứng sau lạc,
đậu tương, được trồng rải rác ở hầu hết các vùng sinh thái trong cả nước. Hiện
nay, chưa có một thống kê chính thức về cây trồng này, tuy nhiên theo số liệu thu
thập được thì đậu xanh có năng suất trung bình khoảng 0,7 tấn/ha, biến động theo
mùa trồng, trong đó vụ Đông Xuân, vụ Xuân Hè năng suất cao nhất (1,5 –1,8
tấn/ha) (Nguyễn Văn Chương và cs., 2014).

Hiện nay, trong hệ thống cây trồng màu tại tỉnh Hải Dương thì các cây đậu
tương, cây lạc, cây ngô, cà chua đã có những tiến bộ nhất định do địa phương

1


có những chủ trương, đầu tư ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật về giống và biện
pháp canh tác vào sản xuất. Trong khi đó, cây đậu xanh vẫn bị coi là cây trồng
phụ để tận dụng đất đai, lao động, giống sử dụng chủ yếu giống cũ, không có
chọn lọc. Mặt khác, các cơ quan hữu quan chưa có chủ trương, giải pháp kịp
thời nên chưa chú trọng đến việc đầu tư thâm canh và đưa các giống đậu xanh
mới vào sản xuất. Do đó, diện tích trồng đậu xanh tại Hải Dương không đáng
kể và năng suất thấp.
Vì vậy, để phát triển cây đậu xanh ở tỉnh Hải Dương nói chung và thành
phố Hải Dương nói riêng cần có những nghiên cứu để xác định giống thích hợp
và biện pháp kỹ thuật phù hợp, trong đó, một hướng cần quan tâm hiện nay là
phân hữu cơ vi sinh thay thế cho phân chuồng khan hiếm. Xuất phát từ thực tế
trên chúng tôi nghiên cứu đề tài: “Nghiên cứu xác định giống và ảnh hưởng
của một số loại phân bón hữu cơ vi sinh đến sinh trưởng, phát triển, năng suất
của cây đậu xanh tại thành phố Hải Dương”.
1.2. MỤC TIÊU VÀ YÊU CẦU CỦA ĐỀ TÀI
1.2.1. Mục tiêu đề tài
Nghiên cứu đề tài nhằm xác định một số giống đậu xanh triển vọng, năng
suất cao và loại phân bón hữu cơ vi sinh phù hợp cho đậu xanh tại Hải Dương,
góp phần hoàn thiện quy trình sản xuất đậu xanh ở địa phương.
1.2.2. Yêu cầu của đề tài
- Đánh giá khả năng sinh trưởng, phát triển, năng suất của một số giống
đậu xanh tại Hải Dương trong điều kiện vụ hè thu 2015.
- Đánh giá ảnh hưởng của một số loại phân bón hữu cơ vi sinh đến sinh
trưởng, phát triển, năng suất và hiệu quả kinh tế của một số giống đậu xanh tại

thành phố Hải Dương trong điều kiện vụ hè thu 2015.
1.3. PHẠM VI NGHIÊN CỨU
Các thí nghiệm được tiến hành với 7 giống đậu xanh, trên đất phù sa sông
Hồng không được bồi đắp tại thành phố Hải Dương trong điều kiện vụ hè thu 2015.
1.4. Ý NGHĨA KHOA HỌC VÀ THỰC TIỄN
1.4.1. Ý nghĩa khoa học
Bổ sung các dẫn liệu cơ bản trong nghiên cứu về giống và loại phân bón

2


hữu cơ vi sinh thích hợp cho một số giống đậu xanh tại Hải Dương.
Sử dụng làm tài liệu tham khảo trong giảng dạy nghiên cứu và chuyển giao
tiến bộ kỹ thuật.
1.4.2. Ý nghĩa thực tiễn
Bổ sung giống đậu xanh tốt và loại phân bón hữu cơ thích hợp, góp phần
nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập, cải thiện đời sống người trồng đậu
xanh tại Hải Dương góp phần khuyến cáo mở rộng diện tích trồng đậu xanh trên
phạm vi tỉnh Hải Dương.

3


PHẦN 2. TỔNG QUAN TÀI LIỆU
2.1. TÌNH HÌNH SẢN XUẤT ĐẬU XANH TRÊN THẾ GIỚI VÀ VIỆT NAM
2.1.1. Tình hình sản xuất đậu xanh trên thế giới
Cây đậu xanh đã được phát triển ở các lục địa Châu Á, Châu Âu, Châu
Phi, Châu Đại Dương, đặc biệt là châu Á và có khoảng 49 nước trên thế giới
trồng đậu xanh có con số thống kê trên FAOSTAT 2013.
Từ trước những năm 1960, đậu xanh được trồng trên các khu đất bờ, mức

độ canh tác thấp nên tình hình sản xuất còn hạn chế. Từ những năm 1960 trở lại
đây, ngoài nhu cầu sử dụng thì vấn đề dinh dưỡng là mối lo ngại ở nhiều nước
đang phát triển. Điều này đã hướng sản xuất nông nghiệp tập trung vào ngũ cốc,
đậu (bao gồm đậu xanh) nhiều hơn dẫn đến tình hình sản xuất đậu xanh thế giới
nói chung và các nước trồng đậu xanh nói riêng có nhiều biến đổi. Và trong
những năm gần đây tình hình sản xuất đậu xanh thế giới ngày một tăng cụ thể
như Bảng 2.1.
Bảng 2.1. Tình hình sản xuất đậu xanh trên thế giới
qua các năm 2005 – 2013
Diện tích

Năng suất

Sản lượng

(triệu ha)

(tạ /ha)

(triệu tấn)

2005

10,2

8,3

8,4

2006


10,5

8,0

8,5

2007

11,3

8,7

9,7

2008

11,1

7,8

8,6

2009

11,5

9,1

10,4


2010

12,0

9,2

11,1

2011

13,3

8,9

11,8

2012

12,3

9,4

11,6

2013

13,5

9,6


13,1

Năm

Nguồn: FAOSTAT (2013)

4


Theo Bảng 2.1 cho thấy, nhìn chung tình hình sản xuất đậu xanh trên thế
giới qua các năm từ năm 2005 – 2013 luôn cho các giá trị về diện tích, năng suất,
sản lượng năm sau cao hơn năm trước. Cụ thể, từ năm 2005 – 2006, tình hình sản
xuất không biến đổi nhiều, các giá trị sản xuất tăng nhẹ, diện tích tăng từ 10,2 –
10,5 triệu tấn, năng suất năm 2006 có giảm so với năm trước 0,3 tạ/ha, sản lượng
tăng từ 8,4 -8,5 triệu tấn. Sang năm 2007, tình hình sản xuất tăng mạnh hơn, các
giá trị sản xuất tăng tương ứng 0,8 triệu ha, 0,7 tạ/ha, 1,2 triệu tấn so với năm
trước. Năm 2008, do nguyên nhân nào đó mà tình hình sản xuất đậu xanh bị suy
giảm nghiêm trọng dẫn đến năng suất đạt giá trị thấp nhất 7,8 tạ/ha và sản lượng
không cao chỉ đạt 8,6 triệu tấn. Từ năm 2009 – 2010, tình hình sản xuất đậu xanh
thế giới phục hồi, có nhiều biến đổi lớn diện tích gần 12 triệu ha, năng suất đạt
9,1 – 9,2 tạ/ha, sản lượng tăng mạnh 10,4 – 11,1 triệu tấn tăng hơn năm 2008 trên
1,8 triệu tấn đậu xanh. So với 2010, năm 2011 có năng suất giảm hơn 0,3 tạ/ha
song do diện tích luôn duy trì mức tăng đều nên sản lượng không bị ảnh hưởng
nhiều và tăng hơn năm trước 700.000 tấn. Đến năm 2012, diện tích trồng đậu
xanh của thế giới giảm mạnh xuống 1 triệu ha so với năm 2011 nhưng do bù lại
năng suất khá cao 9,4 tạ/ha dẫn đến sản lượng giảm khoảng 200.000 tấn. Năm
2013, là năm có tình hình sản xuất mạnh nhất, cả về diện tích, năng suất, sản
lượng đều đạt giá trị cao nhất tương ứng 13,5 ha, 9,6 tạ/ha, 13,1 triệu tấn. Đây
cũng là minh chứng cho thành quả tiến bộ khoa học kỹ thuật, các lỗ lực nghiên

cứu cải tiến giống mang lại, mở ra một tương lai chưa có điểm dừng năng suất,
sản lượng cho tương lai sản xuất đậu xanh trên thế giới.
Sản suất đậu xanh của thế giới chung cũng như phần lớn các quốc gia
trồng đậu xanh nói riêng đều tăng về quy mô, năng suất, sản lượng. Ở Ấn Độ là
nước sản xuất đậu xanh lớn nhất trên thế giới, chiếm tới 65% diện tích và 54%
sản lượng đậu xanh của thế giới. Diện tích sản xuất và năng suất chiều hướng gia
tăng từ năm 1964-1965, diện tích gieo trồng từ 1,99 triệu ha - 3,54 triệu ha, sản
lượng 0,60 triệu tấn - 1,81 triệu tấn, sản xuất tập trung chủ yếu ở Rajasthan,
Maharashtra, Andhra Pradesh, Karnataka, Orissa và Bihar của Ấn Độ. Tuy Ấn
Độ đứng đầu về diện tích và sản lượng thế giới, nhưng năng suất trung bình của
đậu xanh lại rất thấp 316 kg/ha lên 408 kg/ha trong giai đoạn từ 1998-2008
(Khatik et al., 2007; Shanmugasundaram et al., 2009). Giai đoạn 2011 – 2014,
năng suất cũng chỉ đạt 890- 930 kg/ha (FAOSTAT, 2013).
Ở Bangladesh, năm 1980 diện tích trồng đậu xanh chỉ đạt 15 nghìn ha, sản

5


lượng 7 nghìn tấn, năng suất trung bình đạt 467 kg/ha. Đến năm 2000, diện tích đậu
xanh đã tăng lên 55 nghìn ha, sản lượng đạt 36 nghìn tấn, năng suất bình quân là 654
kg/ha (Weinberger et al., 2006). Diện tích sản xuất tiếp tục mở rộng lên đến 70
nghìn ha năm 2006 và chiếm 70% diện tích trồng trọt, tốc độ bình quân tăng hàng
năm 9,5% (Shanmugasundaram et al., 2009). Do áp dụng khoa học tiến bộ vào sản
xuất nên những năm gần đây năng suất tăng từ 8 – 9,6 tạ/ha (FAOSTAT, 2013).
Những năm 1950, Trung Quốc là nước sản xuất đậu xanh có diện tích
gieo trồng đạt 1,64 triệu ha và sản lượng là 800.000 tấn, tuy nhiên năng suất còn
thấp và chỉ đạt khoảng 488 kg/ha. Sự suy giảm sản xuất đậu xanh của Trung
Quốc qua những năm 1960 và những năm 1970. Sau đó chính phủ Trung Quốc
đã có những thay đổi về chính sách nông nghiệp liên quan đến sản xuất đậu
xanh, áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất nên tình hình sản xuất

đậu xanh được cải thiện từ những năm 1980 và đến năm 2000, sản lượng đậu
xanh tăng bình quân 2,4%/năm, năng suất tăng 1,7%/năm và diện tích tăng
0,7% (Shanmugasundaram et al., 2009).
2.1.2. Tình hình sản xuất đậu xanh ở Việt Nam
Ở Việt Nam, cây đậu xanh được trồng từ lâu đời, phân bố chủ yếu ở các vùng:
Vùng núi phía Bắc: bao gồm các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Hoà Bình, Cao
Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Hà Giang và Quảng
Ninh có năng suất trung bình 600 kg/ha – 700 kg/ha.
Vùng đồng bằng và trung du Bắc Bộ: Năng suất trung bình vùng này là 8
– 10 tạ/ha
Vùng duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên: Là vùng có diện tích
trồng và sản lượng hàng năm lớn, chủ yếu trồng thuần.
Vùng Đông Nam Bộ: là vùng sản xuất đậu xanh quy mô lớn chiếm 26%
diện tích gieo trồng cả nước, năng suất bình quân còn thấp đạt khoảng 500 kg/ha
(Nguyễn Đức Cường, 2009).
Quy mô, năng suất, sản lượng của đậu xanh còn hạn chế so với các cây
trồng họ đậu (lạc, đậu tương) cũng như các cây trồng chính bởi thiếu sự quan tâm
đầu tư như sử dụng giống cũ của địa phương, không được chọn lọc, diện tích
trồng đậu xanh còn manh mún nhỏ lẻ, tận dụng trên đất xấu không thể trồng cây
lương thực vì thiếu nước, tranh thủ bố trí cơ cấu cây đậu xanh trồng xen, gối với
các loại cây trồng khác, không có điều kiện thâm canh, tranh thủ lao động, mất

6


nhiều công lao động vào thu hoạch thường 2- 4 lần, công đoạn thu hoạch và tách
hạt đa phần là thủ công, rất khó khăn cho việc trồng với diện tích lớn. Mặt khác,
các giống chưa được thử nghiệm, tuyển chọn cho từng vùng sinh thái và các biện
pháp kỹ thuật kèm theo, nên việc phát triển các giống đậu xanh tốt, năng suất cao
vào sản xuất còn rất chậm, việc đầu tư thâm canh cũng chưa được nghiên cứu kỹ,

nhất là công tác bảo vệ thực vật, thời vụ gieo trồng, đầu tư phân bón, nông dân
rất thiếu thông tin. Do đó, năng suất đậu xanh nước ta có thời điểm rất thấp chỉ
đạt 5-6 tạ/ha (Đường Hồng Dật, 2006).
Những năm gần đây tình hình sản xuất đậu xanh cả nước nói chung và một
số khu vực nói riêng có những cải thiện rõ rệt. Từ năm 1996 - 2005, diện tích trồng
đậu xanh cả nước dao động khoảng 200.000ha, năng suất tăng từ 6,3 – 7,6 tạ/ha,
sản lượng đạt từ 120 – 160 nghìn tấn (Đồng Nguyễn Thái, 2013). Một số khu vực
có diện tích trồng đậu xanh lớn ở vùng duyên hải Bắc Trung Bộ như tỉnh Nghệ An
diện tích gieo trồng 5.136 – 9.866 ha năng suất khá cao từ 6,75 – 8,31 tạ/ha, tỉnh
Hà Tĩnh diện tích gieo trồng 11.076 – 11857 ha năng suất đạt 8,92 – 9,87 tạ/ha
trong những năm 2008 – 2011 (Nguyễn Ngọc Quất và cs., 2012).
Hiện nay, một số vùng sản xuất lúa thiếu nước tưới, hạn hán, việc trồng
lúa kém hiệu quả dẫn đến tình trạng đất bỏ hoang. Để khắc phục tình trạng này
nhiều tỉnh vùng trong cả nước đã thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng như
64ha ở tỉnh Hà Tĩnh, 50ha ở Ninh Thuận từ trồng cây lúa sang trồng cây đậu
xanh đem lại hiệu quả kinh tế cao gấp 4 - 5 lần so với trồng lúa. Và các cơ quan
chức năng đang hướng phát triển sản xuất đậu xanh ở một số vùng trồng chính tại
các tỉnh phía Nam.
2.2. MỘT SỐ KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VỀ ĐẬU XANH TRÊN THẾ GIỚI
VÀ VIỆT NAM
2.2.1. Một số kết quả nghiên cứu về đậu xanh trên thế giới
2.2.1.1. Nghiên cứu về chọn tạo giống
Với những giá trị hữu dụng và tiềm năng lợi nhuận thu được từ cây đậu
xanh đã thúc đẩy nhu cầu thị trường, sự gia tăng sản xuất, nâng cao năng suất,
sản lượng đậu xanh. Và đồng thời cũng thúc đẩy tiến độ hoạt động nghiên cứu,
hợp tác nhằm đưa ra các giải pháp phát triển giống nhằm cải thiện tình hình sản
xuất đậu xanh hơn nữa. Nhiều trung tâm, tổ chức nghiên cứu đậu xanh được
thành lập ở nhiều quốc gia như Trung tâm vùng châu Á (Bangkok, Thái Lan),

7



Trung tâm vùng Châu phi (Arusha, Tanzania), Hiệp hội đậu xanh ở Úc, Viện
nghiên cứu cây trồng quốc tế cho vùng nhiệt đới bán khô hạn ICRISAT (Ấn Độ),
Trung tâm Nghiên cứu phát triển rau châu Á (AVRDC) ở Đài Loan,... nhằm thực
hiện đánh giá, nghiên cứu, chọn tạo, phát triển nhiều giống mới, cải tiến giống
địa phương. Trên các cơ sở mục tiêu cụ thể: chọn giống có năng suất cao, ổn định
(>2 tấn/ha), hạt lớn (50-60g/ 1000 hạt giống) thay cho các giống địa phương chỉ
25 - 30g/1000 hạt, ngắn ngày 60-75 ngày, chín tập trung; kết hợp với chọn giống
ít phản ứng với ánh sáng; chọn giống có khả năng kháng bệnh đốm lá vi khuẩn
Cercospora, bệnh phấn trắng, mọt đậu xanh, sâu đục trái và bọ cánh cứng; cho
chỉ số thu hoạch cao (Fernandez and Shanmugasundaram, 1988).
Mục tiêu cải tiến giống đậu xanh thúc đẩy tiến độ hoạt động hợp tác,
nghiên cứu, phổ biến giống ở các tổ chức nghiên cứu tại nhiều quốc gia. AVRDC
đã đóng góp đáng kể vào chương trình cải thiện giống đậu xanh trên thế giới.
Chương trình cải tiến AVRDC đã phát triển mạng lưới đa quốc gia gồm 29 các tổ
chức nghiên cứu chủ chốt tại nhiều nước châu Á như Bangladesh, Trung Quốc,
Ấn Độ, Myanmar, Pakistan, Sri Lanka, Thái Lan. Các mẫu giống được gửi tới
các nước để thử nghiệm, chọn tạo và trong vòng khoảng 30 năm, đến đầu năm
2009, 27 quốc gia đã đưa ra sản xuất 112 dòng giống đậu xanh cải tiến, cho năng
suất tăng từ 0,3 tấn/ha lên 2,7 tấn/ha, nhiều giống cải tiến kháng bệnh đốm lá và
phấn trắng. Hiện nay, AVRDC lưu trữ bộ sưu tập giống cây lớn nhất thế giới với
10.745 chi Vigna, có 6.379 có 6.379 mẫu giống đậu xanh (Easdown et al., 2010).
Chương trình hợp tác giữa các Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Nhiệt
đới (Nhật Bản), Trung tâm Nghiên cứu Cây trồng Chinat (Thái Lan), Viện Tài
nguyên Cây trồng Quốc gia Nhật Bản và AVRDC. Trong chương trình nghiên
cứu này có 497 mẫu đã được sử dụng cho việc đánh giá kiểu sinh trưởng, 651
mẫu cho việc đánh giá đặc điểm hạt và 590 mẫu cho việc đánh giá sự đa dạng
protein. Hầu hết các mẫu giống này đều được cung cấp bởi các ngân hàng gen
của AVRDC, trường đại học Tokyo (Nhật Bản) và Viện Tài nguyên Cây trồng

Quốc gia Nhật Bản (Tomooka et al., 1990).
Ở Trung Quốc, các nhà khoa học đã thu thập và lưu giữ 4.936 mẫu giống
đậu xanh từ các vùng trong cả nước, 60% các mẫu giống này đã được tiến hành
phân tích thành phần dinh dưỡng, đánh giá khả năng chống chịu sâu bệnh hại,
khả năng chống chịu điều kiện thời tiết bất thuận. Hơn 200 dòng, giống đậu xanh
từ AVRDC được nghiên cứu đánh giá tại Trung Quốc (Zhang et al., 2003).

8


Ở Philippines, theo nhiều tài liệu nghiên cứu cho thấy, chương trình cải
tiến giống đậu xanh được bắt đầu từ rất sớm, trước năm 1916. Nhưng mãi tới
năm 1956, chương trình chọn tạo giống đậu mới thực sự khởi sắc bằng các
phương pháp khác nhau như phục tráng các giống đậu xanh địa phương Glossy
green S-1, Glabrous Green, Dull Green 28-1, Dull Green 28-1; chọn tạo ra giống
BPI Mg9, Pagasa 7 cho năng suất cao cao tử 1,87 – 2,8 tấn/ha tùy mùa vụ trồng,
Pagasa - 3 có khả năng chống bệnh đốm lá tốt và miễn dịch đối với bệnh khảm
virus, giống Pagasa -5 có khả năng chống bệnh đốm lá rất tốt, chống chịu khá đối
với bệnh phấn trắng. Các giống Pagasa này được AVRDC sử dụng làm nguồn
gen tạo giống chống bệnh.
Ở Úc, vào những năm 1930, đậu xanh chỉ dùng làm thức ăn gia súc, phân
xanh và tới năm 1975 chính thức nghiên cứu và trồng thực nghiệm. Mục tiêu
chọn ra giống có tính đồng đều, tăng sản lượng, giống ngắn ngày, có khả năng
chống thiệt hại thời tiết (quan trọng là chịu hạn), kháng bệnh như bệnh đốm lá
Cercospora do Cercospora canescens, bệnh phấn trắng gây ra bởi Sphaerotheca
fuliginea. Trong 30 năm, 12 giống mới phát triển từ giống địa phương và dòng
giống chuyển giao của AVRDC đã được phổ biến cho nông dân Úc gieo trồng
như Satin Ii, Crystal R, Celera, Delta, Green Diamond. Đặc biệt, giống "delta"
được chọn tạo từ dòng VC 1973a mà AVRDC gửi sang úc, nay được trồng tại Úc
và rất phổ biến ở Thái Lan, Trung Quốc, Myanmar, Hàn Quốc, Malaysia, Bhutan,

và USA (Shanmugasundaram et al., 2009).
2.2.1.2. Một số kết quả nghiên cứu về phân bón trên thế giới
a. Phân bón vô cơ
- Các nguyên tố đa lượng
Đạm: Từ rất nhiều nghiên cứu cho thấy, đạm đóng vai trò chính trong quá
trình sinh – lý - hóa của cây, có ảnh hưởng lớn nhất tới sự sinh trưởng, phát triển,
năng suất so với các nguyên tố dinh dưỡng cần thiết khác
Lượng đạm đậu xanh hấp thu khá lớn, để tạo thành 1 tấn hạt, đậu xanh cần
40-42kg N. Trong hạt đậu xanh, 50% tổng lượng đạm trong hạt được lấy trực tiếp
từ đạm nitrat trong đất vào giai đoạn làm hạt, 50% lượng đạm còn lại được huy
động từ các mô của thân lá. Nếu thiếu nghiêm trọng cây còi cọc, lá vàng nhanh,
cây mềm yếu, chồi, rễ, đẻ nhánh kém, do đó khả năng tích luỹ chất khô giảm, các
yếu tố cấu thành năng suất giảm và năng suất hạt giảm đáng kể. Tuy nhiên nếu

9


bón quá nhiều N và bón không cân đối với các nguyên tố đa lượng khác thì cây
cao vóng, khả năng chống đổ kém, hạt lép thậm chí không ra hoa.
Bón phân đạm tùy vào đất, độ ẩm, thời gian sinh trưởng của cây để cây
sinh trưởng, phát triển, cho năng suất tốt. Nên bón phân giai đoạn cây con, ra
hoa, hình thành quả. Ở giai đoạn cây con sau khi lượng đạm dự trữ trong hạt cạn
kiệt, trước khi nốt sần có thể hoạt động tạo ra lượng đạm cần thiết thì sự sinh
trưởng của cây đậu xanh phụ thuộc vào lượng đạm có trong đất và làm tăng đáng
kể năng suất đậu xanh. Ở giai đoạn ra hoa, hình thành quả là giai đoạn đậu xanh
hấp thu đạm nhiều nhất bón giai đoạn này sẽ cho năng suất cao, làm tăng năng
suất hạt tới 18%, còn bón đạm vào giai đoạn trước khi ra hoa chỉ làm tăng sự
sinh trưởng thân lá (Park, 1978; Sekhon et al., 1987).
Lân: Là thành phần cấu tạo của nucleoprotein, phosphilipids, enzymes và
những hợp chất khác của cây. Nguyên tố này có một vai trò quan trọng trong

chuyển hóa năng lượng của tế bào thực vật, tăng cường sự phát triển của rễ, số
lượng nốt sần, thúc đẩy nhanh quá trình ra hoa, chín quả, tăng số quả/cây, khối
lượng 1000 hạt, có thể làm tăng từ 24,9% đến 26,2% hàm lượng Protein
(Despande and Bathkal, 1965; Mian and Hossain, 2014). Do đó, sự hấp thu
phospho của cây là rất quan trọng, nếu không cung cấp đủ lượng phospho cho
cây thì không thể đạt năng suất tối đa, hoạt động của vi khuẩn Rhizobium sp. sẽ
bị ức chế, phần lớn lượng phân lân bón vào đất bị cố định hoá và đậu xanh không
sử dụng được cây sẽ còi cọc, ban đầu có màu lá xanh đậm, sau đó mất màu, màu
sắc lốm đốm, đốt trên thân và cuống lá tía.
Lượng lân cần để tạo ra 1 tấn hạt đậu xanh từ 3-5kg. Tuy nhiên, đậu xanh
cũng tương tự như một số cây đậu đỗ khác về khả năng hút lân chậm, hiệu quả
hút lân thấp, hàm lượng phospho không thể được bù lại một lượng nhỏ như chất
dinh dưỡng khác nên người sản xuất phải bón một lượng lân khá lớn (do chất
anthocyanin tích lũy), hàm lượng protein thấp (Poehlman et al., 1991).
Sự hấp thu phospho của cây bị ảnh hưởng bởi gồm các yếu tố khí hậu, các
yếu tố gắn liền với đất và cây trồng. Các yếu tố khí hậu quan trọng đó bao gồm
nhiệt độ đất, độ ẩm và bức xạ mặt trời. Yếu tố quan trọng gắn liền với đất và cây
trồng bao gồm nồng độ của nó trong dung dịch đất, kết cấu đất, hàm lượng chất
hữu cơ, pH của đất, sự có mặt của các chất dinh dưỡng thiết yếu khác về số
lượng, tỉ lệ và các hoạt động của vi sinh vật. Loài và chủng loài cũng ảnh hưởng
đến sự hấp thụ của nguyên tố này (Abyar et al., 2014).

10


Ở hầu hết các nước nhiệt đới, đậu xanh được trồng trên những chân đất
thiếu lân nên đậu xanh có phản ứng tốt với việc bón phân lân ở các loại đất cũng
như khí hậu khác nhau. Hàng loạt thí nghiệm đã được triển khai ở Ấn Độ trên các
loại đất khác nhau: đất chua, đất phù sa, đất lateric cho thấy nếu bón 35-50
kgP2O5/ha tăng năng suất đậu xanh từ 15 - 19%, nếu bón với lượng > 60

kgP2O5/ha làm tăng năng suất đậu xanh từ 32 - 44%. Trên đất thịt, hiệu quả của
phân lân cao hơn rất nhiều, lượng 20 – 30 kgP2O5/ha đã đưa năng suất đậu xanh
tăng từ 51-53% so với không bón. Nhìn chung, lượng phân bón từ 40 - 80
kgP2O5 được sử dụng nhiều ở Ấn Độ, phụ thuộc vào môi trường đất (Moolani
and Jana, 1965; Khandkar et al., 1985; Arya and Kalra, 1988).
Kali: Mặc dù kali không phải là một thành phần cấu trúc của cây nhưng
nó gần như là tham gia vào tất cả các quy trình sống của cây như tham gia quá
trình quang hợp, sự thoát hơi nước, quá trình héo sinh lý, kích thích sự hấp thụ
hơn nitơ và phospho, tăng khả năng chịu hạn, chống đổ thông qua việc tăng
lượng cellulose trong thân cây, làm chậm quá trình phát triển của bệnh. Trong
cây, kali tồn tại dưới dạng muối vô cơ hoà tan và muối của axit hữu cơ trong tế
bào. Bộ phận non hoạt động sinh lý mạnh thường chứa nhiều kali. Kali dễ dàng
vận chuyển từ bộ phận già đến bộ phận non của cây. Trong cây trồng kali được
huy động nhiều vào thời kỳ bắt đầu ra hoa, quả. Thiếu kali ở giai đoạn này làm
tăng tỷ lệ rụng hoa, quả, giảm số quả/cây và khối lượng 1000 hạt. Trong đất, biết
kali trong đất đa phần tồn tại dưới dạng hợp chất khoáng không tan, vì vậy cây
hấp thu rất chậm và cần một lượng phân bón khá lớn (Poehlman et al., 1991).
Các yếu tố ảnh hưởng tới sự hấp thu kali như đất, khí hậu, bố trí cây trồng,
mật độ và sự tương tác các chất dinh dưỡng của cây. Trong đó, độ ẩm, nhiệt độ là
yếu tố ảnh hưởng lớn đến tốc độ khuếch tán K+ từ đất vào cây, độ ẩm đất tăng từ
10% đến 28%, tốc độ khuếch tán K+ tăng 2,8 lần so ở mức bình thường. Tốc độ
khuếch tán K+ gia tăng từ 1,6 - 1,7 lần khi nhiệt độ tăng từ 50C đến 300C (Abyar
et al., 2014) nên phải đảm bảo độ ẩm, nhiệt độ tốt cho cây hấp thu kali.
Các nguyên tố đa lượng N, P, K có ảnh hưởng lớn của tới sinh trưởng,
phát triển của cây. Sự thay đổi liều lượng phân bón hay sự kết hợp các nguyên tố
dinh dưỡng trong công thức phân bón cũng ảnh hưởng tới hiệu quả sản xuất.
Theo Mian and Hossain (2014) cho thấy, nitơ ở các mức 0 kgN/ha, 40
kgN/ha, 60 kgN/ha và 80 kgN/ha có ảnh hưởng khác nhau tới chức năng sinh

11



lý, năng suất của đậu xanh ở trên các mật độ khác nhau (30 cây/m2, 35 cây/m2
và 40 cây/m2). Và ở mức 60 kgN/ha và 80 kgN/ha cho các chỉ tiêu tốc độ sinh
trưởng, tổng lượng chất, chỉ số diện tích lá và chiều cao cây cao nhất, trong khi
40 kg/ha có tăng trưởng trung bình. Nhưng trong tương tác mật độ - phân bón,
năng suất hạt giốngở mức 40 kgN/ha với mật độ 40 m2 đạt giá trị cao nhất là
1.963 kg/ha.
Việc bón phân lân sẽ không có hiệu quả nếu không kết hợp với việc bón
đạm và năng suất hạt cao nhất khi kết hợp bón 90 kgP2O5 với 35 – 40 kgN/ha
(Patel and Parmar, 1986). Vì vậy, phương pháp bón, liều lượng thích hợp sẽ thúc
đẩy năng suất, cho lợi nhuận tốt. Ở Iran khuyến cáo nên bón 150 kg/ha phân bón
supe lân và 60 kg/ha urea bón vào đất để cung cấp nitơ, phospho cho đậu xanh
(Abyar et al., 2014).
Theo Ibrahim and Ismaiel (2004) cho biết, khi bón K ở các cấp độ khác
nhau (0, 25, 50, 75, 100 và 125 kgK/ha) cùng với công thức phân bón 20 kgN/ha
+ 50 kgP2O5/ha đều có ảnh hưởng đáng kể tới số lượng của quả/cây, số hạt/quả,
năng suất hạt/ha và năng suất hạt cao nhất (1,67 tấn/ha) ở mức 75 kgK/ha.
Qua các kết quả nghiên cứu cho ta thấy, phân bón N, P, K có ảnh hưởng
trực tiếp tới năng suất cây đậu xanh thì hàm lượng thành phần phân bón cao chưa
phải là giải pháp tối ưu cho năng suất tốt và gây lãng phí. Và tùy vào điều kiện
ngoại cảnh, nhu cầu ở từng giai đoạn gian phát triển của cây và các công thức
nghiên cứu, ở giới hạn nhất định liều lượng phân bón thích hợp, cân đối sẽ cho
hiệu quả sản xuất tốt nhất.
- Các nguyên tố trung, vi lượng
So với nguyên tố đa lượng, cây chỉ cần một lượng nguyên tố trung lượng
ít hơn như Ca, S... và đặc biệt, một lượng rất nhỏ nguyên tố vi lượng như: B, Cu,
Fe, Mn, Mo, Ni và Zn để cây hoàn thành chu kỳ sinh trưởng bình thường và năng
suất cao. Cây đậu xanh có thể hấp thu các chất này từ đất cũng đủ cho quá trình
sinh trưởng phát triển của cây, do đó ít phải bổ sung các loại vi lượng này.

Canxi cần cho sự phát triển ban đầu của rễ. Thiếu canxi rễ chuyển sang
màu nâu rồi dần dần suy yếu khả năng hút chất dinh dưỡng. Trong đất trồng đậu
xanh hàm lượng canxi có thể lớn gấp 10 lần kali. Vùng nhiệt đới ẩm thường có
hàm lượng canxi dễ tiêu thấp, do đó bón vôi cho đất trồng đậu đã trở thành tập
quán từ lâu đời.

12


Lưu huỳnh là thành phần của nhiều loại axít amin quan trọng trong cây,
lưu huỳnh có mặt trong thành phần protein của đậu xanh. Thiếu lưu huỳnh, sự
sinh trưởng của cây bị cản trở, lá có biểu hiện vàng nhạt, cây chậm phát triển.
Magiê là thành phần quan trọng của diệp lục và có vai trò rất quan
trọng trong việc tăng năng suất đậu xanh. Thiếu Mg có thể làm suy giảm năng
suất đậu xanh.
b. Một số kết quả nghiên cứu bón phân hữu cơ vi sinh (HCVS)
Hiện nay, nhiều vùng đất trên thế giới có thành phần đá vôi, độ pH cao,
hạn hán liên tục, sử dụng phân bón không cân đối làm đất trai cứng, hàm lượng
chất hữu cơ thấp, độ phì kém làm mất cân bằng tăng trưởng của cây trồng nói
chung và đậu xanh nói riêng. Để khắc phục các vấn đề khó khăn đó, việc áp dụng
phân bón HCVS trong sản xuất nông nghiệp là một giải pháp khả quan, bởi phân
bón HCVS cải thiện đáng kể tình trạng lý – hóa - sinh học của đất, cung cấp
nhiều dưỡng chất quan trọng cho cây trồng, tăng năng suất cây trồng, giảm thiểu
hoặc thay thế một lượng lớn phân hoá học tạo nền nông nghiệp thân thiện với
môi trường, bền vững và hữu cơ.
Phân HCVS là một loại sản phẩm kết hợp chủ yếu giữa một hay nhiều loài
vi sinh vật được tuyển chọn ở mật độ đảm bảo theo tiêu chuẩn ban hành với các
hợp chất hữu cơ có nguồn gốc khác nhau (phế thải nông, lâm nghiệp, chăn nuôi,
chế biến, phế thải đô thị, phế thải sinh hoạt...). Trong đó, các hợp chất hữu cơ
dưới tác động của VSV hoặc các hoạt chất sinh học của chúng được chuyển hóa

thành mùn.
Chất hữu cơ và các loài VSV trong phân bón cũng như các loài VSV sống
trong đất, nước, vùng rễ của cây có ý nghĩa quan trọng trong các mối quan hệ
giữa cây trồng - đất - phân bón (dinh dưỡng).
Chất hữu cơ có chứa thành phần axit humic, đây là một hợp chất hữu cơ
sinh học kích thích đáng kể cho sự sinh trưởng, phát triển và tăng năng suất của
cây trồng như kích thích sự nảy mầm, ra rễ, lá, tăng số lượng, chất lượng của
quả trên cây đậu xanh, khả năng hấp thu dinh dưỡng của cây trồng, kiểm soát
bào tử nấm bệnh trong đất (Bandani et al., 2014). Bên cạnh đó, chất hữu cơ là
nguồn thực phẩm cần thiết cho vi sinh vật đất tăng sinh khối, phát triển và thực
hiện những chức năng quan trọng như chuyển hóa chất hữu cơ trong đất, tham
gia vào các chu trình chuyển hóa carbon, đạm, lân.... Từ đó cho thấy, chất hữu

13


×