Tải bản đầy đủ (.pdf) (66 trang)

Thực hiện chính sách việc làm cho thanh niên từ thực tiễn tỉnh quảng nam

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (969.93 KB, 66 trang )

VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM
HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI

TRẦN THỊ NGỌC THẢO

THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH
VIỆC LÀM CHO THANH NIÊN
TỪ THỰC TIỄN TỈNH QUẢNG NAM

LUẬN VĂN THẠC SĨ CHÍNH SÁCH CÔNG

HÀ NỘI, năm 2018


VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM
HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI

TRẦN THỊ NGỌC THẢO

THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH
VIỆC LÀM CHO THANH NIÊN
TỪ THỰC TIỄN TỈNH QUẢNG NAM

Chuyên ngành: Chính sách công
Mã số: 834.04.02

LUẬN VĂN THẠC SĨ CHÍNH SÁCH CÔNG

NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC:
PGS.TS. HỒ VIỆT HẠNH


HÀ NỘI, năm 2018



MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
Thanh niên (TN) là lực lượng quan trọng giữ vai trò xung kích trong
việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh. Nhận
thức sâu sắc về vai trò, vị trí của TN đối với tương lai của đất nước, Chủ tịch
Hồ Chí Minh và Đảng ta luôn quan tâm đến nhiệm vụ bồi dưỡng các thế hệ
thanh niên Việt Nam. Chăm lo giáo dục, bồi dưỡng và phát triển TN vừa là
mục tiêu, vừa là động lực bảo đảm cho sự ổn định và phát triển của đất nước,
tại Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X đã ban
hành Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 25-7-2008 về “Tăng cường sự lãnh đạo
của Đảng đối với công tác TN thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại
hóa” đã chỉ rõ nhiệm vụ: Nâng cao chất lượng lao động trẻ, giải quyết việc
làm, tăng thu nhập và cải thiện đời sống cho TN.
Từ nhận thức nêu trên, thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều
chính sách phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực trẻ. Đối với
địa phương tỉnh Quảng Nam, các cấp ủy Đảng, chính quyền cũng đã quan tâm
đến chất lượng nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh, qua đó, tỉnh Quảng Nam đã
đầu tư cho các cơ sở dạy nghề, chuyển giao tiến bộ khoa học - công nghệ
(KH-CN) vào sản xuất, nhờ đó nhiều cơ hội việc làm được tạo ra để giải
quyết lao động tại chỗ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội (KT-XH),
rút ngắn khoảng cách giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn, giảm sức ép lao
động di chuyển tự do về các thành phố lớn, phân bổ cơ cấu lao động hợp lý
hơn, giảm các tệ nạn xã hội, góp phần củng cố, ổn định hệ thống chính trị.
Tuy nhiên, trên thực tế công tác giải quyết việc làm cho TN còn nhiều
bất cập, nạn thất nghiệp và thiếu việc làm, thiếu định hướng nghề nghiệp, khó
khăn trong tiếp cận việc làm, quan hệ cung cầu trong lao động TN đang mất

1


cân đối.... Do vậy, việc định hướng nghề nghiệp, tạo việc làm, giảm thiểu tình
trạng thất nghiệp cho TN hiện nay đang là một vấn đề cấp bách, cần phải
được giải quyết, muốn giải quyết tốt vấn đề này đòi hỏi sự quan tâm, cộng
đồng trách nhiệm của các cấp, các ngành, các chủ thể xã hội liên quan.
Từ những khó khăn trong công tác giải quyết việc làm cho TN như đã
nêu ở trên, học viên chọn đề tài “Thực hiện chính sách việc làm cho TN từ
thực tiễn tỉnh Quảng Nam” để làm luận văn tốt nghiệp Thạc sĩ chuyên ngành
Chính sách công.
2. Tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài
Qua quá trình tham khảo tài liệu phục vụ cho luận văn, trong thời gian
qua ở Việt Nam đã có nhiều công trình nghiên cứu đến vấn đề việc làm, giải
quyết việc làm dưới nhiều góc độ khác nhau, có thể nêu một số đề tài sau:
- Luận văn Thạc sĩ của Đặng Thị Phương Thảo, Học viện Chính trị Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh (2010) “Việc làm cho TN trong quá trình
CNH, HĐH ở Việt Nam”.
- Bài viết của Thạc sĩ Nguyễn Thúy Hà (2013) về “Chính sách việc
làm: thực trạng và giải pháp”. Bài viết tập trung nghiên cứu thực trạng, tình
hình việc làm ở nước ta từ đó đưa ra những giải pháp cơ bản trong quá trình
thực hiện chính sách lao động , việc làm ở nước ta trong những năm tới, đáp
ứng yêu cầu cơ cấu lại và sử dụng hợp lý nguồn lực lao động xã hội để phát
triển kinh tế nước ta, hướng tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công
bằng, văn minh.
- Luận văn thạc sĩ chuyên ngành Quản lý công của Đinh Nguyên Vũ
(2016) về “Quản lý nhà nước về tạo việc làm cho TN nông thôn tại tỉnh
Quảng Nam”. Luận văn này tập trung nghiên cứu những vấn đề có tính lý
luận và thực tiễn công tác quản lý nhà nước về tạo việc làm cho TN nông thôn
ở tỉnh Quảng Nam hiện nay, đặc biệt nâng cao khả năng nghiên cứu và phục
2



vụ cho công tác quản lý nhà nước nói chung, tạo việc làm cho TN nông thôn
trên địa bàn tỉnh Quảng Nam nói riêng.
- Luận văn thạc sĩ chuyên ngành chính sách công của Lại Hữu Bình
(năm 2017) về “ Thực hiện chính sách việc làm cho TN từ thực tiễn thị xã Sơn
Tây, thành phố Hà Nội”. Luận văn này đã tập trung vào việc đánh giá tình
hình thực hiện chính sách việc làm cho TN ở thị xã Sơn Tây thời gian qua, từ
đó đưa ra các giải pháp nâng cao hiệu quả chính sách việc làm cho TN ở nước
ta hiện nay.
- Luận văn thạc sĩ chuyên ngành chính sách công của Huỳnh Văn Tám
(2017) về “Giải pháp chính sách đào tạo nghề và tạo việc làm cho TN từ thực
tiễn thành phố Đà Nẵng”. Luận văn tập trung vào nghiên cứu lý luận và thực
tiễn về giải pháp chính sách đào tạo nghề, tạo việc làm đối với TN. Qua đó
đánh giá những việc làm được, những hạn chế về chính sách đào tạo nghề và
tạo việc làm cho TN trên địa bàn thành phố Đà Nẵng thời gian qua, từ đó đưa
ra những giải pháp về chính sách đào tạo nghề, tạo việc làm cho TN tại thành
phố Đà Nẵng đến năm 2025.
- Ngoài những tài liệu mà học viên đã tiếp cận như đã nêu ở trên, các
bài viết về vấn đề việc làm, giải quyết việc làm nói chung và cho TN nói riêng
ở những cách tiếp cận khác nhau được đăng tải trên các trang website, cổng
thông tin điện tử của các sở, ban, ngành, các địa phương, đơn vị và các tạp
chí, trang tin …..
Mặc dù đã có nhiều bài viết về vấn đề việc làm, giải quyết việc làm cho
TN ở nhiều góc độ, nhiều địa phương khác nhau, tuy nhiên hiện nay chưa có
một luận văn nào nghiên cứu nội dung việc thực hiện chính sách việc làm cho
TN trên địa bàn tỉnh Quảng Nam một cách cơ bản, toàn diện và có hệ thống.

3



3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
3.1. Mục đích nghiên cứu
Trên cơ sở nghiên cứu lý luận và thực trạng quá trình thực hiện chính
sách việc làm cho TN tại tỉnh Quảng Nam từ đó đề xuất được một số giải
pháp nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách việc làm cho TN trên địa bàn
tỉnh Quảng Nam.
3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu
- Làm sáng tỏ về mặt lý luận: khái niệm việc làm, chính sách việc làm,
thực hiện chính sách việc làm cho TN; nội dung các bước trong tổ chức thực
hiện chính sách việc làm cho TN; các yếu tố ảnh hưởng đến thực hiện chính
sách việc làm cho TN.
- Đánh giá làm rõ thực trạng thực hiện chính sách việc làm cho TN tại
tỉnh Quảng Nam; chỉ rõ ưu điểm, hạn chế, bất cập và những nguyên nhân của
các hạn chế, bất cập.
- Đề xuất giải pháp chủ yếu nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách
việc làm cho TN trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
4.1. Đối tượng nghiên cứu
Chính sách việc làm cho TN trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.
4.2. Phạm vi nghiên cứu
+ Về không gian: trên địa bàn tỉnh Quảng Nam
+ Về thời gian: từ năm 2011 đến nay
5. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu
5.1. Cơ sở lý luận
Trong quá trình làm luận văn, học viên nghiên cứu dựa trên cơ sở lý
luận của Chủ nghĩa Mác -Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; các nội dung quan
điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với công tác TN, trong đó có
4



chính sách việc làm cho TN.
5.2. Phương pháp nghiên cứu
Tác giả luận văn dựa vào các phương pháp như: phân tích, tổng hợp, so
sánh, thống kê để giải quyết các vấn đề đặt ra.
6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn
6.1. Ý nghĩa lý luận
Góp phần cung cấp những vấn đề có tính lý luận về thực hiện chính
sách việc làm cho TN tỉnh Quảng Nam.
6.1. Ý nghĩa thực tiễn
Trên cơ sở phân tích thực trạng thực hiện chính sách việc làm cho TN
trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, từ đó đề xuất được những phương pháp nhằm
làm tốt việc thực hiện chính sách việc làm cho TN trong thời gian tới, góp
phần giữ vững ổn định chính trị, an ninh quốc phòng, kinh tế, xã hội trên địa
bàn tỉnh.
7. Kết cấu của luận văn
Chương 1. Những vấn đề lý luận về thực hiện chính sách việc làm cho
thanh niên
Chương 2. Thực trạng thực hiện chính sách việc làm cho thanh niên
trên địa bàn tỉnh Quảng Nam trong giai đoạn hiện nay.
Chương 3. Nội dung các giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả việc
thực hiện chính sách việc làm cho thanh niên trên địa bàn tỉnh Quảng Nam
thời gian tới.

5


CHƯƠNG 1
NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH
VIỆC LÀM CHO THANH NIÊN

1.1. Hệ thống các khái niệm cơ bản
1.1.1. Khái niệm việc làm
Trước tiên muốn hiểu khái niệm cụm từ “việc làm”, chúng ta phải tìm
hiểu khái niệm của cụm từ “lao động” vì giữa chúng có mối quan hệ mật thiết
với nhau.
“Lao động” là hoạt động cần thiết và gắn chặt với lợi ích của con người
bởi vì lao động là một hoạt động không thể thiếu được của con người. Bản
thân mỗi con người trong nền sản xuất xã hội đều chiếm những vị trí nhất
định, mỗi vị trí mà người lao động chiếm giữ trong hệ thống sản xuất xã hội
với tư cách là một sự kết hợp của các yếu tố khác trong quá trình sản xuất
được gọi là chỗ làm hay việc làm.
Như vậy, việc làm là một phạm trù tồn tại khách quan trong nền sản
xuất xã hội, phụ thuộc vào các điều kiện hiện có của nền sản xuất. Người lao
động được coi là có việc làm khi chiếm giữ một vị trí nhất định trong hệ
thống sản xuất của xã hội. Nhờ có việc làm mà người lao động mới thực hiện
được quá trình lao động tạo ra sản phẩm cho xã hội, cho bản thân.
Như vậy, một hoạt động được coi là việc làm khi có những đặc điểm
sau: Đó là những công việc mà người lao động nhận được tiền công, đó là
những công việc mà người lao động thu lợi nhuận cho bản thân và gia đình,
hoạt động đó phải được pháp luật thừa nhận.
Ở Việt Nam, khái niệm việc làm đã được quy định tại Điều 13 của Bộ
luật lao động: “Mọi hoạt động lao động tạo ra nguồn thu nhập không bị pháp
luật cấm đều được thừa nhận là việc làm”.
6


1.1.2. Khái niệm chính sách việc làm cho thanh niên
1.1.2.1. Khái niệm chính sách việc làm
* Chính sách:
Theo Từ điển tiếng Việt thì “chính sách” là “sách lược và kế hoạch cụ

thể nhằm đạt một mục đích nhất định, dựa vào đường lối chính trị chung và
tình hình thực tế mà đề ra”.
Theo Vũ Cao Đàm thì “chính sách là một tập hợp biện pháp được thể
chế hóa mà một chủ thể quyền lực, hoặc chủ thể quản lý đưa ra, trong đó tạo
sự ưu đãi một hoặc một số nhóm xã hội, kích thích vào động cơ hoạt động của
họ nhằm thực hiện một mục tiêu ưu tiên nào đó trong chiến lược phát triển
của một hệ thống xã hội”.
* Chính sách công:
Theo PGS. TS Nguyễn Khắc Bình: “Chính sách công là những hành
động ứng xử của Nhà nước với các vấn đề phát sinh trong đời sống cộng
đồng, được thể hiện bằng nhiều hình thức khác nhau, nhằm thúc đẩy xã hội
phát triển theo định hướng”.
Theo PGS.TS Đỗ Phú Hải: “Chính sách công là một tập hợp các quyết
định chính trị có liên quan của Đảng và Nhà nước nhằm lựa chọn các mục
tiêu cụ thể và giải pháp thực hiện giải quyết các vấn đề xã hội theo mục tiêu
tổng thể đã xác định”
Theo PGS.TS Hồ Tấn Sáng, Nguyễn Thị Tâm: “ Chính sách công là
định hướng hành động do nhà nước lựa chọn để giải quyết những vấn đề phát
sinh trong đời sống cộng đồng phù hợp với thái độ chính trị trong mỗi thời kỳ
nhằm giữ cho xã hội phát triển theo định hướng [19, tr.15].
Trên cơ sở tham khảo các cách tiếp cận khác nhau về chính sách công,
có thể đi đến quan niệm: “Chính sách công là những quyết định của chủ thể
được trao quyền lực công nhằm giải quyết những vấn đề vì lợi ích của cộng
7


đồng” [12, tr.6].
* Chính sách việc làm
Từ những khái niệm nêu trên, có thể hiểu chính sách việc làm như sau:
“Chính sách việc làm là tổng thể các quan điểm, chủ trương, mục tiêu, giải

pháp và công cụ nhằm sử dụng lực lượng lao động và tạo việc làm cho lực
lượng lao động đó”.
1.1.2.2. Thực hiện Chính sách việc làm cho thanh niên
* Thanh niên là gì?
Theo Luật Thanh niên Việt Nam năm 2005: “Thanh niên là công dân
Việt Nam từ mười sáu tuổi đến ba mươi tuổi”.
* Thực hiện chính sách là gì?
Theo PGS.TS. Nguyễn Khắc Bình: “Thực hiện chính sách là toàn bộ
quá trình chuyển hóa ý chí của chủ thể trong chính sách thành hiện thực với
các đối tượng quản lý nhằm đạt được mục tiêu định hướng của Nhà nước".
Từ những khái niệm về việc làm, thanh niên, thực hiện chính sách như
đã nêu ở trên, có thể đi đến một khái niệm chung về thực hiện chính sách việc
làm cho TN như sau: Thực hiện chính sách việc làm cho TN là toàn bộ quá
trình đưa chính sách vào đời sống xã hội theo một trình tự quy định và thống
nhất nhằm giải quyết vấn đề việc làm đang diễn ra đối với TN trong một
phạm vi không gian và thời gian nhất định.
1.2. Chính sách việc làm cho thanh niên ở nước ta hiện nay
Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa
X) về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác TN thời kỳ đẩy
mạnh công nghiệp hóa- hiện đại hóa (CNH- HĐH)", trong đó có nội dung:
Nâng cao chất lượng lao động trẻ, giải quyết việc làm, tăng thu nhập và cải
thiện đời sống cho TN, đây là vấn đề được Đảng và Nhà nước ta quan tâm chỉ
đạo kịp thời trong thời gian qua với nhiều giải pháp mang tính bền vững và có
8


định hướng như:
Có chính sách tín dụng ưu đãi cho các cơ sở dạy nghề, đặc biệt các
nghề kỹ thuật cao; ưu đãi cho TN vay vốn tạo việc làm; quan tâm đến việc đi
xuất khẩu lao động có thời hạn ở nước ngoài đối với TN, trong đó chú trọng

giáo dục ý thức kỷ luật, kỹ năng lao động, tay nghề cho đối tượng này.
Có kế hoạch đào tạo hợp lý giữa các đối tượng ở các chương trình đào tạo
trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học.
Quan tâm đến việc dạy nghề cho thanh niên nông thôn (TNNT), thanh
niên dân tộc thiểu số, bộ đội xuất ngũ ...
Khuyến khích TN làm giàu chính đáng; biểu dương, tôn vinh, nhân rộng
các mô hình TN sản xuất kinh doanh giỏi.
Trước đó, để thực hiện có hiệu quả công tác đào tạo nghề và giải quyết
việc làm cho TN, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số
103/2008/QĐ-TTg ngày 21/07/2008 về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ thanh
niên học nghề và tạo việc làm giai đoạn 2008 - 2015”. Mục tiêu chung của
Đề án là: “Nâng cao nhận thức của TN và toàn xã hội về học nghề, lập
nghiệp; tạo bước đột phá về tăng số lượng và nâng cao chất lượng dạy nghề,
tạo việc làm cho TN, nhằm phát huy và sử dụng có hiệu quả nguồn lao động,
nhất là TN, đáp ứng yêu cầu CNH- HĐH và hội nhập kinh tế quốc tế”, trong
đó có nhấn mạnh nội dung: “Giám sát, đánh giá việc thực hiện các chính
sách của Nhà nước về học nghề và tạo việc làm cho TN nhằm bảo đảm hiệu
quả việc thực hiện các chính sách của Nhà nước về học nghề, tạo việc làm
cho TN theo quy định của pháp luật; góp ý, đề xuất với Nhà nước về các
chính sách liên quan”.
Nhằm đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người

lao động nói chung đặc biệt là các đối tượng lao động TN, từ năm 2011 đến
năm 2016, Chính phủ đã ban hành rất nhiều chủ trương, chính sách quan
9


trọng, cụ thể là:
Nghị định số 103/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ quy
định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều của Luật Công an nhân dân;

Nghị định số 27/2016/NĐ-CP ngày 06/4/2016 của Chính phủ quy định
một số chế độ, chính sách đối với hạ sĩ quan, binh sĩ phục vụ tại ngũ, xuất ngũ
và thân nhân của hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ;
Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính
phủ phê duyệt Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020;
Quyết định số 71/2009/QĐ-TTg ngày 29/4/2009 của Thủ tướng Chính
phủ phê duyệt Đề án hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động
góp phần giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009 - 2020;
Quyết định số 121/2009/QĐ-TTg ngày 09/10/2009 của Thủ tướng
Chính phủ về cơ chế hoạt động của các cơ sở dạy nghề thuộc Bộ Quốc phòng
và chính sách hỗ trợ bộ đội xuất ngũ học nghề;
Quyết định số 2474/QĐ-TTg ngày 30/12/2011 của Thủ tướng Chính
phủ phê duyệt Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 20112020.
Trên cơ sở những chủ trương, chính sách lớn của Đảng, một số Bộ, cơ
quan ở Trung ương có liên quan xây dựng các đề án tuyển chọn các đối tượng
thanh niên tình nguyện tham gia các chương trình, đề án, dự án như:
Bộ Nội vụ với Dự án tuyển chọn 600 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại
học tăng cường về làm Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã thuộc 64 huyện
nghèo;
Bộ Quốc phòng với Dự án tăng cường trí thức trẻ tình nguyện đến
công tác tại các khu kinh tế quốc phòng giai đoạn 2011 - 2020;
Đoàn TNCS Hồ Chí Minh với Dự án các Làng thanh niên lập nghiệp
tại các địa phương đã đươc phê duyệt.
10


Nhờ có những chính sách việc làm phù hợp với từng đối tượng TN mà
trong thời gian qua vấn đề đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho TN đã đạt
được những kết quả hết sức to lớn như: từ năm 2011 - 2016, hằng năm cả
nước đã giải quyết việc làm cho khoảng 1,5-1,6 triệu lao động, trong đó lao

động trong độ tuổi TN là chủ yếu (chiếm khoảng 60%); trên 285 nghìn bộ đội
xuất ngũ tham gia học nghề tại các cơ sở dạy nghề trong và ngoài quân đội
(chiếm khoảng 40% số bộ đội xuất ngũ hàng năm), 70 - 80% bộ đội xuất ngũ
sau khi học nghề đã có việc làm ổn định. Nhiều mô hình, cách làm hiệu quả
trong giải quyết việc làm cho bộ đội, công an xuất ngũ như: tổ chức các phiên
giao dịch việc làm dành riêng cho bộ đội xuất ngũ; phối hợp giữa các đơn vị
quân đội, công an với chính quyền địa phương, các cơ sở đào tạo… Song
song với phát triển kinh tế tạo việc làm, hoạt động cho vay vốn từ Quỹ Quốc
gia về việc làm tiếp tục phát huy vai trò hỗ trợ tạo việc làm cho người lao
động một cách hiệu quả. Hiện nay, tổng nguồn vốn của Quỹ quốc gia về việc
làm khoảng 5.050 tỷ đồng, doanh số cho vay hằng năm từ 2.200 - 2.500 tỷ
đồng góp phần hỗ trợ giải quyết việc làm cho khoảng 100 nghìn lao động chủ
yếu ở khu vực nông thôn.
Tháng 3/2017, Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội và Trung ương
Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã ký chương trình phối hợp giai
đoạn 2017-2020, trong đó tập trung nội dung tư vấn hướng nghiệp, giáo dục
nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho` TN.
1.3. Các bước tổ chức thực hiện chính sách việc làm cho thanh niên
1.3.1. Xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện chính sách việc làm
cho Thanh niên
Kế hoạch thực hiện chính sách việc làm cho TN ở cấp nào sẽ do cơ
quan chủ trì của cấp đó xây dựng (đối với cấp tỉnh là do ủy ban nhân dân tỉnh
(UBND), đối với cấp huyện là do UBND huyện). Nếu cấp có thẩm quyền xây
11


dựng kế hoạch tốt thì việc thực hiện chính sách được tiến hành tốt và trong
quá trình triển khai thực hiện chính sách sẽ không cần phải điều chỉnh. Chỉ có
cấp có thẩm quyền xây dựng chính sách thì mới có quyền điều chỉnh kế
hoạch thực hiện chính sách.

Xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện chính sách việc làm cho TN
bao gồm:
+ Kế hoạch tổ chức điều hành.
+ Kế hoạch cung cấp các nguồn vật lực.

+ Kế hoạch thời gian triển khai thực hiện.
+ Kế hoạch kiểm tra, đôn đốc thời gian thực hiện.
+ Ngoài ra cần phải ban hành nội quy, quy chế về tổ chức điều
hành, khen thưởng, kỷ luật ….
1.3.2. Phổ biến, tuyên truyền chính sách việc làm cho thanh niên
Đổi mới hình thức, phương pháp và thực hiện tốt công tác phổ biến,
tuyên truyền chính sách việc làm cho TN nhằm giúp cho các đối tượng chính
sách và mọi người dân hiểu rõ về mục đích, yêu cầu của chính sách để họ tự
giác thực hiện theo yêu cầu quản lý của nhà nước như: tổ chức các chiến dịch
truyền thông nhằm tạo mối quan tâm thúc đẩy sự thay đổi nhận thức của
toàn xã hội đối với vấn đề việc làm cho TN, nghiên cứu xây dựng, phát triển
các chương trình, sản xuất các sản phẩm truyền thông về việc làm cho TN
thông qua các kênh thông tin đại chúng, các trang mạng xã hội, hoạt động tư
vấn hay tổ chức các hoạt động tư vấn, truyền thông trực tiếp thông qua các
cuộc thi, diễn đàn, hội nghị, hội thảo, mít tinh, tập huấn sinh hoạt chuyên đề,
sinh hoạt ngoại khóa, các câu lạc bộ tại cộng đồng, trường học về việc làm
1.3.3. Phân công, phối hợp thực hiện chính sách việc làm cho thanh
niên
Trong việc thực hiện chính sách việc làm cho TN, cấp có thẩm quyền
12


cần phải có sự phân công công việc cụ thể cho các sở, ban, ngành, địa phương
cũng như công tác phối hợp, hỗ trợ của các đơn vị có liên qan đến việc thực
hiện chính sách. Trong quá trình phân công nhiệm vụ cần chú ý đến trình độ

chuyên môn và lợi thế của từng tập thể, cá nhân; bên cạnh đó, hạn chế việc
phân công nhiệm vụ bị chồng chéo, không cụ thể sẽ dẫn đến việc thực hiện
chính sách không hiệu quả.
1.3.4. Duy trì chính sách việc làm cho thanh niên
Đây là nội dung hết sức quan trọng trong quá trình thực hiện chính
sách. Xây dựng chính sách là một quá trình đòi hỏi phải có sự vào cuộc của
các ngành, các cấp có liên quan, tuy nhiên làm sao để chính sách được tồn tại
và phát huy tác dụng trong đời sống, đặc biệt là đêm lại quyền lợi cho TN là
vấn đề hết sức quan trọng. Trong thực tế, sau khi ban hành chính sách đến
giai đoạn thực hiện chính sách thì gặp phải những khó khăn nhất định do sự
thay đổi môi trường chính sách trước và sau khi ban hành. Do vậy, muốn
chính sách việc làm cho TN được triển khai thực hiện tốt thì các cơ quan quản
lý nhà nước về chính sách việc làm cho TN từ Trung ương đến địa phương
cần sử dụng hệ thống, công cụ quản lý để tác động nhằm tạo lập môi trường
thuận lợi cho việc thực thi chính sách.
1.3.5. Điều chỉnh chính sách việc làm cho thanh niên
Để việc triển khai thực hiện chính sách việc làm cho TN phù hợp với
yêu cầu quản lý và tình hình thực tế của đất nước thì trong quá trình triển khai
thực hiện cần có sự điều chỉnh, đây là một hoạt động cần thiết diễn ra thường
xuyên trong tiến trình tổ chức thực hiện chính sách việc làm cho TN, miễn là
không làm thay đổi mục tiêu của chính sách việc làm cho TN. Theo quy định,
cơ quan nào ban hành chính sách thì được quyền điều chỉnh, bổ sung chính
sách, nhưng trên thực tế việc điều chỉnh cơ chế và biện pháp chính sách diễn
ra khá linh hoạt vì thế các cơ quan quản lý nhà nước về việc làm cho TN từng
13


địa phương cần chủ động điều chỉnh cơ chế chính sách cho phù hợp với tình
hình kinh tế - xã hội từng địa phương mình.
1.3.6. Đôn đốc, theo dõi, kiểm tra thực hiện chính sách việc làm cho

thanh niên
Thông qua việc đôn đốc, theo dõi, kiểm tra việc tổ chức thực hiện chính
sách nhằm kịp thời bổ sung, hoàn thiện và chấn chỉnh công tác thực hiện
chính sách ở các cấp, giúp nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách ở các địa
phương, đơn vị.
Các cơ quan nhà nước ở mỗi cấp là cơ quan kiểm tra, giám sát quá trình
thực hiện chính sách việc làm cho TN ở cấp đó. Bên cạnh đó để đảm bảo tính
khách quan trong công tác kiểm tra, giám sát và tính dân chủ trong quá trình
thực hiện chính sách thì cần có sự tham gia của các tổ chức chính trị xã hội, đặc
biệt là chính đối tượng được thụ hưởng chính sách.
1.3.7. Đánh giá, tổng kết, rút kinh nghiệm thực hiện chính sách việc
làm cho thanh niên
Đánh giá, tổng kết, rút kinh nghiệm thực hiện chính sách việc làm cho
TN là khâu không thể thiếu trong quá trình thực hiện chính sách. Có thể dựa
vào các nội dung sau để đánh giá việc thực hiện chính sách việc làm cho TN
như: tính hiệu quả của chính sách; tính hiệu lực của chính sách; kết quả thực
hiện chính sách; kỹ năng tổ chức triển khai thực hiện chính sách của các cơ
quan nhà nước và đội ngũ cán bộ, công chức (CBCC); khả năng huy động sự
tham gia của các chủ thể khác vào quá trình thực hiện chính sách. Mục đích
cuối cùng của việc đánh giá thực hiện chính sách việc làm cho TN là những
lợi ích mà chính sách mang lại cho xã hội, đặc biệt là các đối tượng của chính
sách, sự thay đổi về nhận thức, hành động, tình trạng việc làm ….. của các đối
tượng TN trước và sau khi chính sách có hiệu lực thi hành. Đồng thời qua
việc đánh giá các cơ quan có thẩm quyền xây dựng chinh sách sẽ rút kinh
14


nghiệm để đề ra những nội dung phù hợp đối với chính sách việc làm cho TN
trong những giai đoạn tiếp theo.
1.4. Các yếu tố ảnh hưởng đến thực hiện chính sách việc làm cho

thanh niên
1.4.1. Chất lượng của chính sách việc làm cho thanh niên
Trong thời gian qua, ở nước ta các chính sách về việc làm đã được
ban hành tương đối đầy đủ như: Chính sách hỗ trợ để tạo và tự tạo việc làm
cho người lao động; Chính sách hỗ trợ đưa người lao động đi làm việc ở
nước ngoài; chính sách chung về việc làm… Các chính sách nêu trên, ngày
càng đi vào cuộc sống, các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương
ngày càng có sự quan tâm đến các đối tượng TN một cách có hiệu quả, từ
những chủ trương, chính sách chung của Đảng và Nhà nước ta về việc làm
cho TN; các Bộ, ngành Trung ương, các địa phương đã cụ thể hóa thành
những kế hoạch, đề án thực hiện một cách có hiệu quả, TN có cơ hội tìm
kiếm việc làm phù hợp với trình độ chuyên môn, tay nghề lao động ngày
càng tăng, góp phần ổn định nền kinh tế, văn hóa, chính trị của đất nước.
Mặc dù, chính sách việc làm cho TN của nước ta trong thời gian qua đã
đạt được những kết quả đáng khích lệ, tuy nhiên tỷ lệ thất nghiệp trong TN
vẫn còn cao, chất lượng lao động còn thấp chưa đáp ứng được nhu cầu của
các doanh nghiệp, việc xuất khẩu lao động trong độ tuổi TN còn ít, mặc dù
đây là lực lượng chủ yếu trong cơ cấu lao động của nước ta.
1.4.2. Chủ thể tham gia thực hiện chính sách việc làm cho thanh
niên
Chủ thể tham gia thực hiện chính sách việc làm cho TN bao gồm:
Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang bộ, Hội đồng nhân dân (HĐND), Ủy ban
nhân dân (UBND) các cấp (gọi chung là các cơ quan trong bộ máy hành
chính nhà nước từ Trung ương đến địa phương), các tổ chức chính trị xã hội,
15


nhân dân, cán bộ, công chức nhà nước có thẩm quyền .... Trong quá trình
triển khai thực hiện chính sách, các cơ quan trong bộ máy hành chính nhà
nước giữ vai trò điều tiết, định hướng các hoạt động thực hiện chính sách

bằng những công cụ quản lý của mình, giúp cho quá trình này luôn bám sát
mục tiêu của chính sách.
1.4.3. Đối tượng chịu sự tác động của chính sách
Đối tượng của chính sách ở đây là TN. Do vậy, việc hiểu và nắm bắt
được đặc tính của TN là việc cần thiết đối với các cơ quan ban hành chính
sách. Độ tuổi TN là độ tuổi sung sức nhất về thể chất và trí tuệ, đây là độ tuổi
năng động, sáng tạo nhất đối với mỗi con người. Tuy nhiên, hiện nay trong

quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, trước tác động tiêu cực bởi mặt trái của
nền kinh tế thị trường, vẫn còn một bộ phận TN sống thiếu lý tưởng, nhận
thức chính trị, ý thức chấp hành pháp luật còn hạn chế, thiếu ý chí rèn
luyện, sống thực dụng, tình trạng tội phạm và tệ nạn xã hội trong TN có xu
hướng tăng. Tính chủ động, sáng tạo, năng lực thực hành sau đào tạo của
TN còn yếu, chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn… Chính vì vậy, họ cần được
sự giúp đỡ, chăm lo, giáo dục của các thế hệ đi trước và toàn xã hội. Do vậy,
chủ thể ban hành chính sách không thể không quan tâm đến đặc tính, tâm lý
của TN để đề ra giải pháp thực hiện chính sách việc làm TN đạt kết quả tốt
nhất.
1.4.4. Điều kiện tự nhiên, kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội
Lịch sử phát triển cho thấy ở đâu có điều kiện tự nhiên thuận lợi, tài
nguyên phong phú thì ở đó có điều kiện thuận lợi hơn đối với vấn đề giải
quyết việc làm và cơ cấu việc làm. Tài nguyên thiên nhiên là yếu tố cơ bản
của quá trình sản xuất vì nó vừa là đối tượng lao động, vừa là tư liệu lao động,
là cơ sở quan trọng hàng đầu của sản xuất vật chất, tạo ra việc làm cho người
lao động. Việt Nam có nguồn tài nguyên phong phú, đa dạng, nhờ đó đã góp
16


phần tạo ra nhiều việc làm cho người lao động, thúc đẩy kinh tế tăng trưởng,
làm thay đổi mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội trong những năm qua. Tuy

nhiên, do tốc độ gia tăng dân số trong quá khứ quá nhanh nên số người bước
vào độ tuổi lao động ngày càng nhiều, tốc độ tạo việc làm không thể tăng kịp
với tốc độ gia tăng của nguồn lao động; vì vậy, vấn đề đặt ra hiện nay đòi hỏi
phải phát huy và khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên cùng với
các nguồn lực khác như lao động, vốn, công nghệ… để tạo ra nhiều việc làm
mới cho người lao động, đảm bảo cho nền kinh tế tiếp tục phát triển nhanh và
bền vững, đưa sự nghiệp đổi mới đất nước tiếp tục đi lên.
Phong tục tập quán ở từng vùng, từng địa phương, đặc biệt là ở các
vùng nông thôn ít nhiều cũng đã ảnh hưởng đến việc thực hiện chính sách
việc làm cho TN.
Số lượng, tốc độ gia tăng và cơ cấu dân số có ảnh hưởng rất lớn tới
nguồn lao động và việc giải quyết việc làm của mỗi quốc gia. Dân số tăng
nhanh dẫn tới việc phân bố dân cư không hợp lý, không gắn kết được lao
động với các nguồn lực khác (đất đai, tài nguyên thiên nhiên, vốn…) khiến
cho việc tạo việc làm mới càng khó khăn, thất nghiệp càng cao. Dân số gia
tăng sẽ buộc ngân sách Nhà nước nói chung, xã hội nói riêng phải giảm chi
cho đầu tư phát triển, tăng chi cho tiêu dùng. Tình trạng di dân tự do từ nông
thôn đổ ra đô thị để tìm việc làm kiếm sống gây ra sức ép khó khăn việc làm
cho các đô thị. Mặt khác, giảm tốc độ tăng dân số sẽ dẫn đến việc “già hoá”
dân số, tỷ lệ người cao tuổi tăng lên và đòi hỏi các chi phí về bảo hiểm xã hội
và an sinh xã hội tăng lên… ảnh hưởng lớn tới cơ cấu và chất lượng của dân
số. Từ những thực tế trên đây, vấn đề đặt ra là cần hướng tới việc “Bảo tồn
tính cân bằng, ổn định bên trong của sự phát triển dân số” nhằm đạt được mục
tiêu ổn định tỷ lệ sinh hợp lý, nâng cao chất lượng dân số, trên cơ sở đó mà
phát triển nguồn lực lao động cả về số lượng và chất lượng, đáp ứng được nhu
17


cầu đòi hỏi ngày càng cao của thị trường sức lao động.
Một trong những yếu tố ảnh hưởng đến việc thực hiện chính sách việc

làm cho TN là trình độ phát triển kinh tế của địa phương, đây là yếu tố quyết
định đến chính sách việc làm cho người lao động nói chung trong đó có lao
động TN. Nếu nền kinh tế địa phương phát triển tốt sẽ kêu gọi được nhiều dự
án, doanh nghiệp vào đầu tư, từ đó tạo ra việc phân ngành trong từng lĩnh vực
làm đa dạng về ngành nghề, đáp ứng nhu cầu lao động ở nhiều trình độ khác
nhau.
Tiến bộ khoa học - công nghệ (KH-CN): sẽ làm tăng yêu cầu việc làm
cho lao động phức tạp, có kỹ thuật và ngược lại, làm giảm việc làm đối với
lao động giản đơn. Quá trình phát triển của mỗi quốc gia ngày nay được cấu
trúc lại dựa trên những lợi thế của nguồn lực con người với hàm lượng trí tuệ
ngày một gia tăng. Nhờ có sự tiến bộ của KH- CN mà phần tỷ lệ lao động chân
tay kết tinh vào sản phẩm ngày một giảm rõ rệt, hàm lượng lao động “chất
xám” kết tinh vào sản phẩm ngày càng cao. Như vậy, sự phát triển của KHCN mang lại nhiều cơ hội tạo ra việc làm, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức.
Xu hướng chung hiện nay là tăng lao động phức tạp, có kỹ thuật cao, giảm lao
động giản đơn. Hiện nay, không chỉ ở Việt Nam mà các nước trên thế giới lĩnh
vực KH-CN phát triển như vũ bão, là lực lượng trực tiếp tham gia vào quá
trình sản xuất vật chất. Do vậy, đòi hỏi người lao động phải chủ động tiếp thu,
áp dụng những thành tựu của KH-CN tiên tiến vào công việc đảm nhiệm,
thường xuyên học tập, nâng cao tay nghề, chuyên môn nghiệp vụ để không bị
lạc hậu với thời cuộc.
Chính sách giải quyết việc làm của Đảng và Nhà nước: vấn đề quan
trọng hàng đầu trong việc giải quyết việc làm là Đảng và Nhà nước ta phải có
những chính sách KT-XH cụ thể, qua đó tạo điều kiện thuận lợi để người lao
động có thể tự tạo việc. Các chính sách tác động đến việc làm có nhiều loại,
18


có loại tác động trực tiếp, có loại tác động gián tiếp tạo thành một hệ thống
chính sách hoàn chỉnh, đồng bộ có quan hệ tác động qua lại, bổ sung cho nhau
hướng vào phát triển cả cung lẫn cầu về lao động; đồng thời làm cho cung và

cầu về lao động xích lại gần nhau, phù hợp với nhau. Thực chất là tạo ra sự
phù hợp giữa cơ cấu lao động với cơ cấu kinh tế chính sách giải quyết việc
làm rất đa dạng, trong đó các chính sách chủ yếu thường được đề cập đến là
chính sách đất đai, chính sách giáo dục và đào tạo, chính sách công nghiệp,
chính sách phát triển nghề truyền thống...
Như vậy, muốn thực hiện tốt chính sách việc làm cho TN phải chú
trọng phát triển mặt tích cực của các nhân tố ảnh hưởng đến việc làm và chất
lượng lao động, mặt khác, phải có những biện pháp tích cực nhằm triệt tiêu
những mặt tiêu cực của các nhân tố đó.
Tiểu kết Chương 1
Thực hiện chính sách là khâu đặc biệt quan trọng trong chu trình chính
sách, có nhiệm vụ hiện thực hóa chính sách, đưa chính sách đi vào cuộc sống,
đối với chính sách việc làm cho TN nó càng quan trọng, cấp bách hơn do vai
trò cũng như tầm quan trọng của TN đối với sự phát triển tương lai của mỗi
quốc gia, dân tộc. Nội dung của chương 1 đã làm rõ các khái niệm về chính
sách, chính sách công,chính sách việc làm, tổ chức thực hiện chính sách
việc làm cho TN và khung lý thuyết về quy trình tổ chức triển khai thực hiện
chính sách việc làm cho TN. Từ những nghiên cứu lý luận về việc làm cho
TN, những yếu tố ảnh hưởng đến quá trình thực hiện chính sách ở chương này
sẽ là cơ sở, nền tảng và điều kiện quan trọng để nghiên cứu, phân tích về thực
trạng tổ chức thực hiện chính sách việc làm cho TN tại tỉnh Quảng Nam.

19


CHƯƠNG 2
THỰC TRẠNG THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH VIỆC LÀM CHO
THANH NIÊN TẠI TỈNH QUẢNG NAM HIỆN NAY
2.1. Đặc điểm tự nhiên, tình hình phát triển Kinh tế- xã hội, tình
hình thanh niên của tỉnh Quảng Nam ảnh hưởng đến việc thực hiện

chính sách việc làm cho thanh niên
2.1.1. Đặc điểm tự nhiên
Quảng Nam là một tỉnh ven biển, nằm ở trung độ của cả nước, trong
vùng phát triển kinh tế trọng điểm miền Trung, phía Bắc giáp thành phố Đà
Nẵng, phía Đông giáp biển Đông với trên 125 km bờ biển, phía Tây giáp tỉnh
Kon Tum và nước cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào, phía Nam giáp tỉnh
Quảng Ngãi, Diện tích tự nhiên 10.574.74 km2, dân số 1.487.721 người, có
Cảng Kỳ Hà và sân bay Chu Lai, là cửa ngõ ra biển của khu vực Nam Lào
qua hành lang Đông - Tây, trong không gian đường hàng hải và hàng không
quốc tế.
Quảng Nam có 18 huyện, thị xã và thành phố, trong đó có 9 huyện
miền núi là Nam Trà My, Bắc Trà My, Tiên Phước, Nông Sơn, Hiệp Đức,
Đông Giang, Nam Giang, Phước Sơn; 9 huyện, thị xã, thành phố đồng bằng:
Phú Ninh, Núi Thành, Đại Lộc, Thăng Bình, Quế Sơn, Duy Xuyên, thị xã
Điện Bàn, thành phố Tam Kỳ và thành phố Hội An.
Quảng Nam có địa hình phức tạp, thấp dần từ Tây sang Đông, hình
thành ba vùng sinh thái: vùng núi cao, vùng trung du, vùng đồng bằng và ven
biển; nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới điển hình, chỉ có 2 mùa là mùa khô và
mùa mưa. Nhiệt độ trung bình năm 20 - 210C, không có sự cách biệt lớn giữa
các tháng trong năm, ở Quảng Nam thì mùa mưa trùng với mùa bão, nên các
cơn bão đổ vào miền Trung thường gây ra lở đất, lũ quét ở các huyện miền
20


núi và ngập lụt ở các huyện đồng bằng.
Tỉnh Quảng Nam có 2 di sản văn hóa thế giới (gồm khu đền tháp Mỹ
Sơn và đô thị cổ Hội An), vì vậy rất có lợi thế trong phát triển kinh tế du lịch.
Hai di sản văn hoá thế giới là phố cổ Hội An, di tích Mỹ Sơn và nhiều địa
điểm di tích lịch sử và văn hoá cùng với nhiều loại hình văn hoá (như hát
tuồng, hát đối, hát bài chòi) và các quần thể kiến trúc khác như chứng tích

Núi Thành, tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng…tạo nên những điểm du lịch
thu hút khách đến tham quan, tìm hiểu. Những làng nghề thủ công mỹ nghệ
truyền thống độc đáo (làng đúc đồng Phước Kiều, làng ươm tơ dệt lụa Mã
Châu, làng mộc Kim Bồng) và những vùng ruộng, đồi, sông nước giữ nguyên
nét điển hình của làng quê Việt Nam, hội đủ các yếu tố phát triển du lịch đồng
quê, du lịch vườn, tạo thêm sức hấp dẫn đối với khách du lịch.
2.1.2. Đặc điểm kinh tế- xã hội
* Về dân số
Dân số Quảng Nam (tính đến tháng 12/2016) là 1.487.721 người, với
mật độ dân số trung bình là 141 người/km2; gồm có các tộc người thiểu số cư
trú lâu đời là người Xê Đăng, người Co, người Gie Triêng, người CơTu. Trên
70% dân số tỉnh Quảng Nam sinh sống ở nông thôn, so với cả nước thì tỉnh
Quảng Nam là tỉnh có tỷ lệ dân số sinh sống ở nông thôn cao.
* Về Nguồn nhân lực
Quảng Nam có lực lượng lao động dồi dào, với 881 nghìn người, trong
đó nam giới chiếm 49%. Tỷ trọng dân số có việc làm so với dân số 15 tuổi trở
lên của tỉnh là 77,2%, nghĩa là còn 22,8% số người không có việc làm. Trong
số lao động có việc làm còn 512,9 nghìn lao động chưa qua đào tạo chuyên
môn kỹ thuật, tay nghề chiếm 59%. Lao động có chuyên môn kỹ thuật, tay
nghề có 356,2 nghìn lao động, chiếm 41%. các địa phương có tỷ lệ lao động
qua đào tạo cao như: huyện Núi Thành, thị xã Điện Bàn và thành phố Tam Kỳ.
21


* Về Giáo dục - Đào tạo
Chất lượng giáo dục không ngừng được nâng cao, mạng lưới trường,
lớp được sắp xếp, quy hoạch phù hợp với tình hình thực tế của địa phương;
quy mô các cấp học, ngành học được quan tâm mở rộng. Các trường đại học,
cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề trên địa bàn tỉnh ngày càng
phát triển nhanh, từng bước nâng cao chất lượng và đa dạng hóa loại hình đào

tạo, đặc biệt là đào tạo nghề đã đáp ứng yêu cầu lao động có chất lượng cho
các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
* Về cơ sở hạ tầng
Mạng lưới giao thông trên địa bàn tỉnh ngày càng được quan tâm nâng
cấp, tạo điều kiện giao thông thông suốt giữa các địa phương trong tỉnh, trong
nước và quốc tế. Hệ thống điện, nước sinh hoạt, nước phục vụ cho sản xuất
nông nghiệp đáp ứng được nhu cầu sử dụng của hầu hết của người dân ở hầu
hết các địa phương trong tỉnh.
Các thiết chế văn hóa phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí của nhân dân
phát triển đa dạng, đều khắp; nhiều công trình có ý nghĩa lớn về văn hóa - xã
hội được xây dựng như: Quảng trường 24/3, Tượng đài Mẹ Việt Nam anh
hùng, Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh, Bảo tàng tỉnh... Đến nay, đã có 100% huyện,
thị, thành phố có đủ các thiết chế văn hóa; 60% số xã, phường, thị trấn có nhà
văn hóa; 80% số thôn, khối phố có nhà văn hóa. Ngoài việc tiếp tục đầu tư
nâng cấp các bệnh viện công, thời gian qua trên địa bàn tỉnh đã có nhiều bệnh
viện tư đi vào hoạt động, làm giảm tải ở các bệnh viện công như bệnh viện Đa
Khoa Minh Thiện, Thái Bình Dương, Vĩnh Đức, Thăng Hoa ... Hạ tầng các
đô thị trung tâm huyện, nhất là các huyện mới chia tách Nông Sơn, Phú Ninh,
Tây Giang, Nam Trà My đã được tập trung đầu tư xây dựng, nhờ đó tạo sự
thay đổi rõ rệt diện mạo đô thị ở các địa phương.

22


×