Tải bản đầy đủ (.pdf) (92 trang)

Quản lý hoạt động giáo dục phòng ngừa bạo hành trẻ em ở các trường mầm non tư thục thị xã phước long, tỉnh bình phước

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (1.22 MB, 92 trang )

VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM
HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI

ĐINH THỊ THANH VÂN

QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC PHÒNG NGỪA
BẠO HÀNH TRẺ EM Ở CÁC TRƯỜNG MẦM NON
TƯ THỤC THỊ XÃ PHƯỚC LONG, BÌNH PHƯỚC

LUẬN VĂN THẠC SĨ QUẢN LÝ GIÁO DỤC

HÀ NỘI, 2018


VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM
HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI

ĐINH THỊ THANH VÂN

QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC PHÒNG NGỪA
BẠO HÀNH TRẺ EM Ở CÁC TRƯỜNG MẦM NON
TƯ THỤC THỊ XÃ PHƯỚC LONG, BÌNH PHƯỚC
Ngành: Quản lý giáo dục
Mã số: 8.14.01.14

LUẬN VĂN THẠC SĨ QUẢN LÝ GIÁO DỤC

NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC:
PGS.TS. NGUYỄN KHẮC HÙNG

HÀ NỘI, 2018




LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan Luận văn này là công trình nghiên cứu của cá nhân tôi,
được thực hiện dưới sự hướng dẫn khoa học của PGS TS. Nguyễn Khắc Hùng.
Đề tài này chưa được công bố bất cứ ở đâu và không trùng lập với đề tài nào
đã được công bố. Các nội dung số liệu, trích dẫn được ghi ở phần tài liệu tham
khảo. Tôi xin chịu trách nhiệm về lời cam đoan này và xin chịu trách nhiệm về
nghiên cứu của mình!

Tác giả luận văn

Đinh Thị Thanh Vân


MỤC LỤC
MỞ ĐẦU .................................................................................................................... 1
Chương 1. CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC
PHÒNG NGỪA BẠO HÀNH TRẺ EM Ở CÁC TRƯỜNG MẦM NON TƯ
THỤC ......................................................................................................................... 8
1.1. Một số khái niệm cơ bản ...................................................................................... 8
1.2. Hoạt động giáo dục phòng ngừa bạo hành trẻ em ở các trường mầm non tư thục
................................................................................................................................... 19
1.3. Quản lý hoạt động giáo dục phòng ngừa bạo hành trẻ em ở trường mầm non tư
thục ............................................................................................................................ 30
1.4. Các yếu tố ảnh hưởng tới quản lý hoạt động giáo dục phòng ngừa bạo hành trẻ
em ở các trường mầm non tư thục ............................................................................ 34
Chương 2. THỰC TRẠNG QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC PHÒNG
NGỪA BẠO HÀNH TRẺ EM Ở CÁC TRƯỜNG MẦM NON TƯ THỤC
TRÊN ĐỊA BÀN THỊ XÃ PHƯỚC LONG, BÌNH PHƯỚC .............................. 37

2.1. Một số nét về kinh tế - xã hội - giáo dục thị xã Phước Long, Bình Phước........ 37
2.2. Tổ chức khảo sát ................................................................................................ 39
2.3. Thực trạng hoạt động giáo dục phòng ngừa bạo hành trẻ em ở các trường mầm
non tư thục trên địa bàn thị xã Phước Long, Bình Phước ......................................... 42
2.4. Thực trạng quản lý hoạt động giáo dục phòng ngừa bạo hành trẻ em ở các
trường mầm non tư thục thị xã Phước Long, Bình Phước ........................................ 46
2.5. Thực trạng các yếu tố ảnh hưởng tới quản lý hoạt động giáo dục ở các trường
mầm non tư thục ở thị xã Phước Long, Bình Phước................................................. 49
2.6. Thực trạng cơ sở vật chất, thiết bị và kinh phí cho giáo dục mầm non tư thục ở
thị xã Phước Long, Bình Phước ................................................................................ 50
2.7. Nhận xét chung về thực trạng quản lý giáo dục phòng ngừa bạo hành trẻ ở các
trường mầm non thị xã Phước Long, Bình Phước .................................................... 51
Chương 3. BIỆN PHÁP QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC PHÒNG
NGỪA BẠO HÀNH TRẺ EM Ở CÁC TRƯỜNG MẦM NON TƯ THỤC
TRÊN ĐỊA BÀN THỊ XÃ PHƯỚC LONG, BÌNH PHƯỚC .............................. 53
3.1. Các nguyên tắc đề xuất biện pháp ...................................................................... 53
3.2. Các biện pháp quản lý hoạt động giáo dục phòng ngừa bạo hành trẻ em ở các
trường mầm non tư thục trên địa bàn quận thị xã Phước Long, Bình Phước ........... 54
3.3. Mối quan hệ giữa các biện pháp ........................................................................ 67
3.4. Cách thức khảo nghiệm ...................................................................................... 69
3.5 Kết quả khảo nghiệm .......................................................................................... 69
KẾT LUẬN VÀ KHUYẾN NGHỊ ......................................................................... 75
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
PHỤ LỤC


DANH MỤC CÁC TỪ VIẾT TẮT
BVCS&GD

Bảo vệ chăm sóc và giáo dục


BHTE

Bạo hành trẻ em

BGDDT

Bộ giáo dục đào tạo

BNV

Bộ nội vụ

CBQL

Cán bộ quản lý

GVMN

Giáo viên mầm non

ĐTB

Điểm trung bình

RKT

Rất khả thi



DANH MỤC BẢNG, BIỂU, SƠ ĐỒ
Bảng 2.1. Quy mô trẻ học các trường ngoài công lập trong 5 năm học qua.............38
Bảng 2.2. Quy mô trường, lớp và trẻ ở các trường công lập trong 5 năm qua .........38
Bảng 2.3. Quy mô, trình độ cán bộ quản lý thị xã Phước Long, Bình Phước ..........39
Bảng 2.4. Đội ngũ giáo viên mầm non 5 năm qua ...................................................39
Bảng 2.5. Kết quả khảo sát về nhận thức của các CBQL về tầm quan trọng của hoạt
động phòng ngừa bạo hành trẻ em trong các trường mầm non tư thục ....................42
Bảng 2.6. Kết quả khảo sát về mức độ thực hiện của hoạt động phòng ngừa bạo
hành trẻ em ở các trường mầm non tư thục ..............................................................43
Bảng 2.7. Kết quả khảo sát đánh giá về nội dung hoạt động giáo dục phòng ngừa
bạo hành trẻ em ở các trường mầm non tư thục ........................................................43
Bảng 2.8. Kết quả khảo sát về thực hiện các hình thức tổ chức hoạt động giáo dục
phòng ngừa bạo hành trẻ em ở các trường mầm non tư thục ....................................45
Bảng 2.9. Kết quả khảo sát đánh giá về hoạt động lập kế hoạch hoạt động giáo dục
phòng ngừa bạo hành trẻ em ở các trường mầm non tư thục ....................................46
Bảng 2.10. Kết quả khảo sát về thực hiện tổ chức chỉ đạo hoạt động giáo dục phòng
ngừa bạo hành trẻ em ở các trường mầm non tư thục ...............................................47
Bảng 2.11. Kết quả tổ chức thực hiện nội dung quản lý kiểm tra, đánh giá hoạt động
giáo dục phòng ngừa bạo hành trẻ em ở các trường mầm non tư thục .....................48
Bảng 2.12. Kết quả khảo sát về mức độ ảnh hưởng của các yếu tố tới quản lý hoạt
động giáo dục phòng ngừa bạo hành trẻ em ở trường mầm non tư thục ..................49
Bảng 2.13. Kết quả khảo sát về quản lý cơ sở vật chất, thiết bị hỗ trợ hoạt động
giáo dục cho các trường mầm non tư thục ................................................................51
Bảng 3.1: Kết quả khảo sát tính cần thiết của các biện pháp ....................................70
Bảng 3.2. Kết quả khảo sát tính khả thi của các biện pháp .......................................71
Biểu đồ 3.1. Tương quan giữa tính cần thiết và tính khả thi của các biệp pháp .......73


MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài

Trẻ em mầm non là hạnh phúc của gia đình, là tương lai của đất nước, là
người kế tục sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục (BVCS&GD) trẻ em mầm non luôn là một chủ
trương lớn của Đảng, Nhà nước và là mối quan tâm của toàn xã hội. Chủ tịch Hồ
Chí Minh từng nói: “Vì lợi ích mười năm trồng cây. Vì lợi ích trăm năm trồng
người”. Trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, chiến lược phát
triển con người được đặc biệt coi trọng, trong đó những ưu tiên cho trẻ em chiếm vị
trí hàng đầu. Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở Châu Á và là nước thứ hai trên thế
giới phê chuẩn Công ước quốc tế về quyền trẻ em (CRC). Ngay sau đó, Chương
trình hành động quốc gia vì trẻ em được thông qua, khẳng định những cố gắng, nỗ
lực trong việc BVCS&GD trẻ em của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.
Tuy nhiên, cũng cần phải nhận thức rằng, nước ta vốn là một nước nông
nghiệp lạc hậu, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, cùng với những hậu quả
hết sức nặng nề sau hơn 30 năm chiến tranh ác liệt mà trong một khoảng thời gian
ngắn chúng ta chưa thể khắc phục được. Thực tế lịch sử đó không những tác động
đến tình hình kinh tế - xã hội nói chung mà đặc biệt còn gây ra vô vàn khó khăn cho
việc nghiên cứu, thực hiện các chính sách xã hội, trong đó có việc chăm sóc và bảo vệ
trẻ em. Thêm vào đó là sự tác động của mặt trái cơ chế thị trường, nhũng thiếu sót
trong quản lý kinh tế - xã hội, sự hạn chế trong nhận thức của một bộ phận dân cư,
cùng nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan khác mà tình hình tội phạm, vi phạm
pháp luật về bảo vệ trẻ em có xu hướng ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp.
Thời gian qua, các phương tiện thông tin đại chúng liên tiếp đưa tin về các
vụ bạo hành trẻ em (BHTE) ở nhiều địa phương như:Vụ Quảng Thi Kim Hoa, chủ
cơ sở giữ trẻ ở Đồng Nai thẳng tay đánh đập, chửi bói các cháu bé mới ở lứa tuổi
mầm non; Vụ dùng băng dính dán vào miệng gây nên cái chết của một cháu bé cũng
ở thị xã Hồ Chí Minh; Vụ việc bảo mẫu tại Trường mầm non tư thục Mầm Xanh
(TPHCM) thường xuyên đánh, đạp, đập can nhựa vào đầu các bé 2-5 tuổi đang gây

1



bức xúc trong dư luận; Hay vụ việc tắm cho trẻ bằng chânxảy ra vào 20-11-2013 tại
một cơ sở trông trẻ tư nhân ở Bình Dương.…..và rất nhiều vụ việc khác liên quan
đến bạo hành trẻ em tại các trường mầm non trên cả nước, mà trong đó chủ yếu là
tại các cơ sở, trường mầm non tư thục, ngoài công lập. Những thông tin trên chẳng
những là một cú "sốc" mà còn là hồi chuông cảnh tỉnh cho toàn xã hội trong việc
chăm sóc và bảo vệ trẻ em.
Điều đáng tiếc đó là, khi hàng loạt những vụ xâm hại trẻ em được phát giác
trong đó có nhiều vụ đặc biệt nghiêm trọng kéo dài trong nhiều năm thì toàn xã hội
mới “bừng tỉnh” và nhận ra rằng việc chăm sóc, bảo vệ trẻ em ở nước ta vẫn còn rất
nhiều điều đáng phải được quan tâm, không chỉ trên phương diện chính trị, pháp lý,
xã hội mà đặc biệt là trong thực tiễn công tác trẻ em. Những vụ trẻ em bị ngược đãi,
hành hạ dã man kéo dài nhiều năm trước sự vô cảm của một bộ phận người dân
trong cộng đồng dân cư, sự thờ ơ, thiếu trách nhiệm của chính quyền địa phương và
các cơ quan chức năng, sự bàng quan của các đoàn thể quần chúng là những “mảng
tối” trong bức tranh về chiến lược chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em ở nước ta
hiện nay, cần phải được nghiên cứu, giải quyết càng sớm càng tốt.
Để củng cố quyết tâm đấu tranh loại trừ các hành vi xâm hại trẻ em ra khỏi
đời sống xã hội, đồng thời có thêm những tư liệu quan trọng trong nghiên cứu
BHTE, tác giả đã trực tiếp tìm hiểu, nghiên cứu, sưu tầm tài liệu tại những đầu mối,
trung tâm lớn như: Thư viện Quốc gia Việt Nam, Cục bảo vệ và chăm sóc trẻ em,
Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, khai thác từ mạng
Internet... nhưng thật sự ngạc nhiên khi có rất nhiều các công trình khoa học, luận
văn, luận án, chuyên đề nghiên cứu về tình trạng trẻ em phạm tội, trẻ em lang thang,
trẻ em hoạt động tệ nạn xã hội... trong khi đó lại thiếu vắng những công trình, tài
liệu về bảo vệ trẻ em, về xâm hại trẻ em, đặc biệt là về quản lý hoạt động giáo dục
phòng ngừa bạo hành trẻ em ở các trường mầm non thì gần như không có.
Bạo hành trẻ em nói chung và bạo hành trẻ em tại các trường mầm non tư
thục nói riêng đã và đang là một vấn nạn của xã hội, xâm hại nghiêm trọng đến cuộc
sống hiện tại và tương lai của trẻ, tác động xấu đến tình hình an ninh trật tự... Tuy


2


nhiên, hiện nay ở nước ta và kể cả ở nhiều nước trên thế giới, người ta vẫn tỏ ra
lúng túng, thậm chí là bế tắc trong việc việc quản lý và tìm ra giải pháp nhằm hạn
chế và ngăn chặn tệ nạn này. Vì vậy, việc nghiên cứu công tác quản lý hoạt động
giáo dục phòng ngừa BHTE ở các trường mầm non tư thục không những mang tính
cấp thiết, tính thời sự trước những đòi hỏi bức xúc từ thực tiễn đời sống xã hội, đặc
biệt là trước số phận của một bộ phận không nhỏ trẻ em đang gặp những hoàn cảnh
đạc biệt khó khăn, có nguy cơ bị bạo hành cao, mà còn là lương tâm đạo lý nhằm
góp phần tô thắm thêm truyền thống đạo đức nhân văn, nhân đạo cao cả của dân tộc
Việt Nam.
Từ những lý do trên, tôi chọn đề tài‘‘Quản lý hoạt động giáo dục phòng
ngừa bạo hành trẻ em ở các trường mầm non tư thục thị xã Phước Long, tỉnh Bình
Phước” để nghiên cứu.
2. Tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài
Trẻ em luôn là đối tượng được ưu tiên hàng đầu. Chính vì vậy, đến nay, đã
có rất nhiều sách, báo của nhiều tác giả trong nước viết về đối tượng này và những
vấn đề liên quan đến trẻ em, trong đó có vấn đề bạo hành trẻ và bạo hành trẻ mầm
non. Có thể kể ra như Cuốn “Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em có hoàn cảnh đặc
biệt khó khăn, chính sách, kinh nghiệm và mô hình thực tiễn” (2002) của Nguyễn
Ngọc Toản, Lê Tuyết Nhung, Nguyễn Hải Hữu [16] (chủ biên); “Tìm hiểu tâm lý trẻ
em” (2003) của Nguyễn Khắc Viện [38]. Hay tác giả Đặng Cảnh Khanh với tác
phẩm “Trẻ em, gia đình và sự kế thừa những giá trị truyền thống” [23] (2003).
Công trình nghiên cứu khoa học của tác giả Phạm Thị Thu Hằng [21] - “Bạo hành
trẻ em ở trường mầm non hiện nay”; Trương Thị Nga với đề tài khoa học “Quản lý
hoạt động chăm sóc trẻ ở các trường mầm non công lập, huyên Đông Anh, Hà
Nội”…Và một số bài viết trên các báo, như: “Bạo hành trẻ mầm non: Vì đâu nên
nỗi”, là tác phẩm dự thi liên hoan phát thanh toàn quốc Lần thứ XIII -2018, của tác

giả Nguyễn Thị Hằng - Nguyễn Minh Tính; [20] Bài báo khoa học “Nguyên nhân
dẫn đến bạo lực đối với trẻ em trong trường mầm non trên địa bàn TP. Hồ Chí
Minh” của hai tác giả Trịnh Viết Then, Trần Tuấn Lộ.[27]; Bài báo “Tại sao bạo

3


hành trẻ em thường xuyên xảy ra ở các cơ sở mầm non nhỏ lẻ” của tác giả Nguyên
Chi đăng trên Báo Dân Trí ngày 3/12/2018; tác giả Đặng Quốc Bảo với tham luận
“Chiến lược phát triển giáo dục mầm non - một số vấn đề nhìn từ bối cảnh kinh tế xã hội nước ta hiện nay” (Những vấn đề về chiến lược phát triển giáo dục trong thời
kì công nghiệp hóa, hiện đại hóa) [4]; Tác giả Nguyễn Thị Hoài An với đề tài:
“Biện pháp quản lý mầm non tư thục ở Hà Nội nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc
giáo dục trẻ” đã chỉ ra các biện pháp quản lí các cơ sở giáo dục mầm non tư thục ở
Hà Nội [2].
Trên đây là những tài liệu mà tác giả đã hệ thống, nghiên cứu nhằm định
hướng lý luận cho luận văn tốt nghiệp của mình. Và những bài viết trên chủ yếu tập
trung nghiên cứu về công tác quản lý giáo dục, quản lý nhà trường và quản lý dạy
học tại các cơ sở giáo dục mầm non trên cả nước. Tuy nhiên, chưa có một đề tài nào
nghiên cứu cụ thể về hoạt động quản lý hoạt động giáo dục phòng ngừa bạo hành
trẻ em trên địa bàn thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước.
3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
3.1. Mục đích nghiên cứu
Trên cơ phân tích lý luận, phân tích và đánh giá thực trạng quản lý hoạt động
giáo dục phòng ngừa bạo hành trẻ em ở các trường mầm non tư thục thị xã Phước
Long, tỉnh Bình Phước, đề xuất các biện pháp quản lý hoạt động giáo dục phòng
ngừa bạo hành trẻ em ở các trường mầm non tư thục thị xã Phước Long, tỉnh Bình
Phước hiện nay.
3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu
Luận văn có các nhiệm vụ nghiên cứu sau đây:
-Xác định cơ sở lý luận quản lý hoạt động giáo dục phòng ngừa bạo hành trẻ

em ở các trường mầm non tư thục
-Khảo sát, đánh giá thực trạng, phân tích nguyên nhân thực trạng quản lý
hoạt động giáo dục phòng ngừa bạo hành trẻ ở các trường mầm non tư thục trên địa
bàn Thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước.

4


-Đề xuất một số biện pháp quản lý hoạt động giáo dục phòng ngừa bạo hành
trẻ ở các trường mầm non tư thục trên địa bàn Thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước
hiện nay.
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
4.1. Đối tượng nghiên cứu
Quản lý hoạt động giáo dục phòng ngừa bạo hành trẻ em ở các trường mầm
non.
4.2. Phạm vi nghiên cứu
- Về nội dung: Đề tài tập trung nghiên cứu quản lý hoạt động giáo dục phòng
ngừa bạo hành trẻ em ở các trường mầm non tư thục ở Thị xã Phước Long, tỉnh
Bình Phước từ năm 2013 đến năm 2017.
- Về địa bàn: Khảo sát và thử nghiệm đánh giá tại 8 trường Mầm non tư thục
trên địa bàn Thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước, gồm:
+ Trường mầm non Tuổi Thơ
+ Trường mầm non Tuổi Ngọc
+ Trường mầm non Hoa Hồng
+ Trường mầm non VietStar.
+ Trường mầm - Về khách thể nghiên cứu là: 200 người. Cụ thể như sau: 5
cán bộ, lãnh đạo phòng giáo dục và đào tạo; 8 hiệu trưởng; 16 phó hiệu trưởng; 31
tổ trưởng chuyên môn các khối mầm non; 140 giáo viên mầm non tại các trường
được nghiên cứu.
- Về thời gian khảo sát: Hoạt động của các trường trên trong 03 năm trở lại đây.

5. Cơ sở lý lý luận và phương pháp nghiên cứu
5.1. Cơ sở lý luận
Từ việc làm rõ các khái niệm công cụ: Quản lý, quản lý giáo dục, quản lý
nhà trường, trẻ mầm non, bạo hành trẻ em; Thông qua các Nghị quyết, chính sách
của Đảng và Nhà nước về Trẻ em….Luận văn làm rõ khung lý thuyết về quản lý
hoạt động giáo dục phòng ngừa bạo hành trẻ em ở trường mầm non tư thục, để từ đó

5


xây dựng các biện pháp quản lý hoạt động giáo dục phòng ngừa bạo hành trẻ em ở
trường mầm non tư thục tại Thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước.
5.2. Phương pháp nghiên cứu
- Phương pháp nghiên cứu văn bản, tài liệu: Sưu tầm các văn kiện, tài liệu,
các văn bản có liên quan. Phân tích, tổng hợp các công trình: đề tài, luận văn, báo
cáo khoa học liên quan đến khoa học quản lý giáo dục, quản lý giáo dục mầm non
để xây dựng cơ sở lý luận cho đề tài nghiên cứu. Trên cơ sở lý luận, đưa ra giả
thuyết ban đầu cho công tác nghiên cứu.
- Phương pháp điều tra, khảo sát bằng bảng hỏi:Điều tra bằng bảng hỏi,
nhằm mục đích thu thập thông tin và đánh giá việc thực hiện và quản lý hoạt động
giáo dục phòng ngừa bạo hành trẻ em ở các trường mầm non tư thục.
- Phương pháp phỏng vấn sâu: Phỏng vấn sâu đối tượng nhằm tìm hiểu nhận
thức, làm rõ những khó khăn, những ý kiến có liên quan đến quản lý hoạt động giáo
dục phòng ngừa bạo hành trẻ em ở các trường mầm non tư thục, tìm hiểu thực trạng
về hoạt động giáo dục phòng ngừa bạo hành trẻ em và quản lý hoạt động giáo dục
phòng ngừa bạo hành trẻ em ở các trường mầm non tư thục thị xã Phước Long, tỉnh
Bình Phước và phỏng vấn các biện pháp quản lý phòng ngừa bạo hành trẻ em hiệu
quả.
- Phương pháp lấy ý kiến chuyên gia: Lấy ý kiến của hội đồng tư vấn đề
cương luận văn, chỉnh sửa thông qua giáo viên trực tiếp hướng dẫn. Đặc biệt, được

sử dụng để xin ý kiến các chuyên gia (khảo nghiệm) về tính cấp thiết và tính khả thi
của các biện pháp quản phòng ngừa bạo hành trẻ em do luận văn đề xuất.
- Phương pháp xử lý số liệu:Sử dụng các công thức toán học, thống kê số
liệu thu được để xử lý kết quả khảo sát, định lượng kết quả nghiên cứu và đưa ra
các đánh giá khoa học.
6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn
6.1. Ý nghĩa lí luận

6


Kết quả nghiên cứu của đề tài góp phần làm sáng tỏ và phong phú khung lý
thuyết về quản lý hoạt động giáo dục phòng ngừa bạo hành trẻ ở các trường mầm
non tư thục.
6.2. Ý nghĩa thực tiễn
Đề tài đã phân tích thực trạng quản lý hoạt động giáo dục phòng ngừa bạo
hành trẻ em, qua đó đề xuất được các biện pháp có thể được áp dụng vào thực tế
nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác quản lý giáo dục phòng ngừa bạo
hành trẻ em ở các trường mầm non tư thục trên địa bàn Thị xã Phước Long, và có
thể mở rộng áp dụng cho các trường mầm non tư thục khác trong toàn tỉnh Bình
Phước. Kết quả nghiên cứu đề tài còn là tài liệu tham khảo phong phú, bổ ích phục
vụ cho việc nghiên cứu, giảng dạy và học tập trong các nhà trường, cơ sở giáo dục,
trung tâm hướng nghiệp - dạy nghề, trung tâm bảo trợ trẻ em... trên phạm vi cả
nước.
7. Kết cấu của luận văn
Ngoài Mở đầu, Kết luận và khuyến nghị, luận văn gồm 3 chương:
Chương 1. Cơ sở lý luận về quản lý hoạt động giáo dục phòng ngừa bạo
hành trẻ em ở các trường mầm non tư thục.
Chương 2. Thực trạng quản lý hoạt động giáo dục phòng ngừa bạo hành trẻ
em ở các trường mầm non tư thục trên địa bàn thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước.

Chương 3. Biện pháp quản lý hoạt động giáo dục phòng ngừa bạo hành trẻ
em ở các trường mầm non tư thục trên địa bàn Thị xã Phước Long, tỉnh Bình
Phước.

7


Chương 1
CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC PHÒNG NGỪA
BẠO HÀNH TRẺ EM Ở CÁC TRƯỜNG MẦM NON TƯ THỤC
1.1. Một số khái niệm cơ bản
1.1.1. Quản lý, quản lý giáo dục và quản lý nhà trường
1.1.1.1. Quản lý
Hoạt động quản lý đã có từ xa xưa khi con người biết lao động theo từng
nhóm, đòi hỏi có sự tổ chức, điều khiển và phối hợp hành động. Quản lý là đối
tượng nghiên cứu của nhiều ngành khoa học, mỗi ngành khoa học nghiên cứu quản
lý từ góc độ riêng của mình và đưa ra nhiều định nghĩa khác nhau.
Theo Từ điển Tiếng Việt thông dụng thì: “Quản lý là tổ chức, điều khiển
hoạt động của một đơn vị, cơ quan.”
Tác giả H.Koontz, người sáng lập lý luận quản lý hiện đại, đã khẳng định:
“Quản lý là một hoạt động thiết yếu, nó đảm bảo phối hợp những nỗ lực hoạt động
cá nhân nhằm đạt được các mục đích của nhóm (tổ chức). Mục tiêu của quản lý là
hình thành một môi trường mà trong đó con người có thể đạt được các mục đích của
nhóm với thời gian, tiền bạc, vật chất và sự bất mãn cá nhân ít nhất” [15].
Theo tác giả F.W.Taylor (1856-1915), người sáng lập thuyết quản lý theo
khoa học thì: “Quản lý là biết chính xác điều bạn muốn người khác làm và sau đó
thấy rằng họ đã hoàn thành công việc một cách tốt nhất và rẻ nhất”.[3]
Tác giả Henry Fayol (1845-1925), cha đẻ của thuyết quản lý hành chính, đã
viết: “Quản lý hành chính là dự đoán và lập kế hoạch, tổ chức điều khiển, phối hợp
và kiểm tra” [3].

Thuật ngữ quản lý được định nghĩa theo nhiều cách khác nhau dựa trên cơ sở
những cách tiếp cận, lĩnh vực khác nhau. Tuy nhiên, luận văn này đã dựa theo định
nghĩa của các tác giả Nguyễn Quốc Chí và Nguyễn Thị Mỹ Lộc: Quản lý hoạt động
có định hướng, có chủ đích của chủ thể quản lý đến khách thể quản lý trong một tổ
chức nhằm làm cho tổ chức vận hành và đạt được mục đích của tổ chức, để xác
định: Quản lý là sự tác động hợp quy luật của chủ thể quản lý đến khách thể quản lý

8


bằng tổ hợp những cách thức, những phương pháp nhằm khai thác và sử dụng tối đa
các tiềm năng, các cơ hội của cá nhân cũng như của tổ chức, để đạt được mục tiêu
đã đề ra” [10].
Có thể nói rằng, những quan điểm nói trên tuy khác nhau về cách diễn đạt, về
góc độ tiếp cận, song đều gặp nhau ở nội dung cơ bản của khái niệm quản lý đó là:
Quản lý là quá trình tác động có chủ đích của chủ thể quản lý lên đối tượng quản lý
nhằm tối đa hóa hiệu quả sử dụng các nguồn lực cơ hội của tổ chức để đạt được
mục tiêu đặt ra. Hoạt động quản lý là loại hoạt động gắn liền với việc thực hiện các
chức năng chính sau đây: Hoạch định (Lập kế hoạch), tổ chức, chỉ đạo và kiểm tra,
giám sát.
1.1.1.2. Quản lý giáo dục
Bàn về “quản lý giáo dục là gì?”, các nhà lý luận và quản lý thực tiễn đã đưa
ra một số ý kiến khác nhau.
Theo tác giả Nguyễn Ngọc Quang thì:“Quản lý giáo dục theo nghĩa tổng quát
là hoạt động điều hành, phối hợp các lực lượng xã hội nhằm đẩy mạnh công tác đào
tạo thế hệ trẻ theo yêu cầu phát triển xã hội” [30]
Theo tác giả Trần Kiểm thì: “Quản lý giáo dục được hiểu là hệ thống những
tác động tự giác (có ý thức, có mục đích, có kế hoạch, có hệ thống) của chủ thể
quản lý đến tập thể giáo viên, công nhân viên, tập thể học sinh, cha mẹ học sinh và
các lực lượng xã hội trong và ngoài nhà trường nhằm thực hiện có chất lượng và

hiệu quả mục tiêu giáo dục của nhà trường”. [22]
Quản lý giáo dục là việc bảo đảm sự hoạt động của tổ chức trong điều kiện
có sự biến đổi liên tục của hệ thống giáo dục và môi trường, là chuyển hệ thống đến
trạng thái mới thích ứng với hoàn cảnh mới.
Quản lý giáo dục bao giờ cũng phải được định hướng tới những mục đích,
mục tiêu nhất định. Người quản lý phải trả lời được câu hỏi: Quản lý để làm gì?
Quản lý để đạt đến đích nào? Đích đến của từng chặng đường là mục tiêu. Đích ở
xa hoặc cuối cùng được gọi là mục đích.Mục đích tổng quát của sự nghiệp giáo dục
chính là mục đích tổng quát nhất của quản lý giáo dục. Quản lý giáo dục trong xã

9


hội ta hiện nay là hướng tới việc nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân
tài. Ở cấp độ nhân cách, quản lý giáo dục là quản lý sự hình thành và phát triển
nhân cách.
Các nhà quản lý giáo dục thực tiễn quan niệm rằng quản lý giáo dục theo
nghĩa tổng quan là hoạt động điều hành, phối hợp các lực lượng xã hội nhằm đẩy
mạnh công tác đào tạo thế hệ trẻ theo yêu cầu phát triển xã hội. Còn tác giả Bush T.
thì định nghĩa: “Quản lý giáo dục một cách khái quát, là sự tác động có tổ chức và
hướng đích của chủ thể quản lý giáo dục tới đối tượng quản lý giáo dục theo cách
sử dụng các nguồn lực càng có hiệu quả càng tốt nhằm mục tiêu đề ra”. Đối với
giáo dục Việt Nam, tác giả Nguyễn Ngọc Quang định nghĩa “Quản lý giáo dục là hệ
thống những tác động có mục đích, có kế hoạch, hợp quy luật của chủ thể quản lý
nhằm làm cho hệ vận hành theo đường lối và nguyên lý giáo dục của Đảng, thực
hiện được các tính chất của nhà trường xã hội chủ nghĩa Việt Nam, mà tiêu điểm
hội tụ là quá trình dạy học – giáo dục thế hệ trẻ, đưa hệ giáo dục tới mục tiêu dự
kiến, tiến lên trạng thái mới về chất”. [30, tr.31]
Tác giả Ewegbenro Elizabeth đưa ra định nghĩa về quản lý giáo dục trên
trang academia.edu: “Quản lý giáo dục là quá trình lập kế hoạch, tổ chức, hướng

dẫn và kiểm soát các hoạt động của một tổ chức bằng việc sử dụng các nguồn lực
con người và vật chất để hoàn thành một cách hiệu quả các chức năng dạy học và
hoạt động nghiên cứu mở rộng.”
Trong tiếng Việt, Quản lý giáo dục được hiểu là việc thực hiện đầy đủ các
chức năng kế hoạch hoá, tổ chức, lãnh đạo, kiểm tra trên toàn bộ các hoạt động giáo
dục và những cấu phần tài chính và vật chất của các hoạt động đó. Vì thế, “quản lý
giáo dục là quá trình thực hiện có định hướng và hợp quy luật các chức năng kế
hoạch hoá, tổ chức, chỉ đạo và kiểm tra nhằm đạt tới mục tiêu giáo dục đã đề ra.”
[25, tr. 15]
Có thể thấy rằng tuy có những cách diễn đạt khác nhau nhưng các định nghĩa
đều đề cập tới những yếu tố cơ bản của hoạt động quản lý gồm chủ thể quản lý giáo
dục, khách thể quản lý giáo dục, mục tiêu giáo dục và cách thức quản lý giáo dục.

10


Như vậy, quản lý giáo dục, cũng giống như quản lý các hoạt động khác, thực hiện
đầy đủ các chức năng kế hoạch hoá, tổ chức, chỉ đạo và kiểm tra nhằm đạt được
mục tiêu giáo dục đã đề ra.
Từ những khái niệm nêu trên, trong Luận văn này sử dụng khái niệm: Hoạt
động quản lý giáo dục chính là hệ thống tác động có mục đích, có kế hoạch, có ý
thức của chủ thể quản lý lên đối tượng quản lý theo những quy luật khách quan
nhằm đưa các hoạt động giáo dục- dạy học của một hệ thống giáo dục đạt tới mục
tiêu giáo dục- dạy học đã được đặt ra.
1.1.1.3. Quản lý nhà trường
Nhà trường là một thiết chế giáo dục thực hiện chức năng tổ chức cho người
học chiếm lĩnh tri thức của nhân loại, rèn luyện kỹ năng, hình thành các năng lực và
phẩm chất thiết yếu để tham gia xây dựng và phát triển xã hội.
Quản lý nhà trường là một hoạt động được thực hiện trên cơ sở những
nguyên lý chung của quản lý, đồng thời có những đặc trưng riêng của quản lý giáo

dục. Theo tác giả Nguyễn Ngọc Quang: Quản lý nhà trường là “tập hợp những tác
động tối ưu (cộng tác, tham gia, hỗ trợ, phối hợp, huy động, can thiệp...) của chủ
thể quản lý đến tập thể giáo viên, học sinh và các cán bộ khác nhằm tận dụng các
nguồn dự trữ do nhà nước đầu tư, lực lượng xã hội đóng góp và do lao động vốn tự
có hướng vào việc đẩy mạnh mọi hoạt động của nhà trường mà điểm hội tụ là quá
trình đào tạo thế hệ trẻ. Thực hiện có chất lượng, mục tiêu và kế hoạch đào tạo, đưa
nhà trường tiến lên trạng thái mới”. [30, tr. 10]
Theo Mai Quang Huy, Đinh Thị Kim Thoa, Trần Anh Tuấn: “Hoạt động
quản lý nhà trường là hoạt động của người hiệu trưởng và bộ máy quản lý của nhà
trường trong việc tập hợp, tổ chức các hoạt động của giáo viên, học sinh và các lực
lượng giáo dục khác cũng như huy động tối đa các nguồn lực để nâng cao chất
lượng giáo dục đào tạo trong nhà trường” [17, tr. 29]
Quản lý nhà trường bao gồm quản lý hoạt động dạy học; quản lý các hoạt
động giáo dục; quản lý nguồn nhân lực; quản lý tài chính và cơ sở vật chất; quản lý

11


các hoạt động kiểm tra – thanh tra và thông tin trong quản lý; và quản lý các mối
quan hệ phối hợp giữa nhà trường và các lực lượng xã hội.
Quản lý nhà trường là một hoạt động được thực hiện trên cơ sở những quy
luật chung của quản lý, đồng thời có những đặc trưng riêng của quả lý giáo dục
nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả và phát triển nhà trường theo mục tiêu giáo
dục. Quản lý nhà trường khác với quản lý các lĩnh vực khác, nó được quy định bởi
bản chất lao động sư phạm của người giáo viên, của quá trình dạy học và quá trình
giáo dục, trong đó mọi thành viên của nhà trường vừa là chủ thể quản lý, vừa là đối
tượng quản lý. Sản phẩm của các hoạt động trong nhà trường là nhân cách học sinh
được hình thành trong quá trình học tập và rèn luyện, phát triển đáp ứng yêu cầu
của xã hội trong những bối cảnh khác nhau.
Như vậy, quản lý nhà trường là tập hợp các tác động của chủ thể quản lý

đến khách thể quản lý nhằm đẩy mạnh mọi hoạt động của nhà trường, thực hiện các
mục tiêu giáo dục dự kiến.
1.1.2. Bạo hành trẻ em
Để xây dựng khái niệm, BHTE, trước hết cần nghiên cứu, tìm hiểu về bạo
lực trong xã hội. Lâu nay, khái niệm bạo lực vẫn thường được hiểu theo nghĩa hẹp
của chuyên ngành chính trị học. Với cách định nghĩa như vậy, bạo lực vẫn thường
được hiểu với tính chất của một phương thức vận động chính trị, được sử dụng để
giành chính quyền, giữ chính quyền, duy trì và sử dụng quyền lực nhà nước. Theo
Từ điển tiếng Việt 2003: “Bạo lực là sức mạnh dùng để trấn áp, lật đổ”. Theo Đại
từ điển tiếng Việt 1998: “Bạo lực là sức mạnh dùng để trấn áp, chống lại lực lượng
đối lập, lật đổ chính quyền”.
Tuy nhiên, không phải mọi hình thức bạo lực trong xã hội đều mang tính
chính trị, đều chỉ hướng vào việc lật đổ các đảng nhóm và phe phái chính trị. Người
ta có thể dùng bạo lực để hành xử với nhau trong cuộc sống hàng ngày vì rất nhiều
lý do. Chẳng hạn, để giết người, cướp của, hiếp dâm, chống người thi hành công vụ,
để giải quyết một sự bất hoà trong quan hệ xã hội, một sự tranh chấp quyền lợi giữa
hai người hàng xóm... Như vậy có thể nói bạo lực là một hiện tượng xã hội. Nó là

12


một phương thức hành xử trong các mối quan hệ giữa con người với con người và
tồn tại từ rất lâu trong lịch sử.
Nếu các mối quan hệ xã hội là vô cùng đa dạng và phức tạp thì hành vi bạo
lực trong việc xử lý các mối quan hệ này cũng đa dạng và phức tạp như vậy.
Các nhà khoa học đã cố gắng xếp đặt và phân chia các dạng bạo lực trong xã
hội thành nhiều nhóm khác nhau tuỳ thuộc vào phạm vi, khu vực, mức độ và hình
thức của dạng thức này. Nó có thể là bạo lực về chính trị, vũ trang, khủng bố lật đổ
hoặc bạo lực về kinh tế, tranh giành lợi nhuận; bạo lực ở cấp độ giai cấp hoặc ở cấp
độ các nhóm và tầng lớp xã hội; bạo lực trong phạm vi địa phương, khu vực hay

bạo lực trong phạm vi gia đình, nhà trường, tập thể lao động; bạo lực giữa cá nhân
với nhau.
Với bản chất là sử dụng sức mạnh trong các mối quan hệ xã hội, bạo lực có
thể là những hình thức chém giết, đánh đập, gây đầu rơi máu chảy, nhưng cũng có
thể là cưỡng bức, trấn áp, đe dọa về mặt tâm lý, tinh thần gây hoang mang, hoảng sợ
cho nạn nhân.
Bạo hành trẻ em có thể coi là một dạng thức của bạo lực trong xã hội. Đó là
việc các thành viên trong xã hội vận dụng sức mạnh để xử lý các vấn đề về trẻ em.
Sự khác biệt cơ bản giữa BHTE ở các trường mầm non tư thục với các dạng thức
bạo lực khác là ở chỗ BHTE ở các trường mầm non tư thục có đối tượng tác động là
những con người còn non nót, yếu đuối về cả thể chất lẫn tinh thần, chủ thể thực
hiện hành vi lại thường là những người có quan hệ huyết thống, quan hệ nuôi dưỡng
đối với trẻ em. Địa điểm xảy ra các vụ bạo hành chủ yếu là ở gia đinh, nhà trường,
nơi trông nom nuôi giữ trẻ - những nơi được coi là tổ ấm của hạnh phúc và những
sự yêu thương. Ngoài ra, đó còn là nhũng địa điểm mà lẽ ra trẻ em không nên có
mặt như ở công trường, nhà xưởng, bãi rác, bến xe, trung tâm cai nghiện, trường
giáo dưỡng...
Trên thế giới, BHTE là một cụm từ xuất hiện nhiều trên các phương tiện
thông tin đại chúng và được sử dụng chính thức trong các văn bản quốc tế về quyền
trẻ em. Tại Điều 19 (Công ước quốc tế về quyền trẻ em năm 1989) đưa ra quan

13


điểm: Bạo hành trẻ em đó là mọi hình thửc bạo lực về thể xác và tỉnh thần, gây tổn
thương hay xúc phạm, bỏ mặc hoặc sao nhãng trong việc chăm sóc, ngược đãi hoặc
bốc lột, kể cả sự xâm hại về tình dục. Đồng thời phân chia các hành vi bạo lực đối
với trẻ em thành 4 loại: Bạo lực thể chất; chểnh mảng trầm trọng trong chăm sóc;
bạo lực tâm lý; hành hạ tình dục.
Ở nước ta hiện nay, vẫn chưa có một quan điểm thống nhất về khái niệm

BHTE cũng như chưa có cơ quan, tổ chức nào đưa ra ý kiến chính thức về vấn đề
này. Việc nhận diện BHTE chủ yếu dựa trên cơ sở quan điểm quốc tế và sự so sánh
đối chiếu với các chuẩn mực xã hội. Theo đó, người ta có thể hiểu BHTE là những
hành vi vi phạm chuẩn mực đạo đức, trái với luân thường đạo lý và truyền thống tốt
đẹp của dân tộc, ở mức độ cao hơn có thể cấụ thành các tội bức tử, giết người cố ý
gây thương tích, làm nhục người khác... BHTE cũng có thể được hiểu là những
hành vi xâm phạm một cách thô bạo tới thân thể, đời sống tâm lý trẻ em thông qua
các hình thức biểu hiện cụ thể như: đánh đập, ngược đãi, hành hạ, lạm dụng bóc lột,
sỉ nhục v.v... Xét về tính chất, mức độ của hành vi xâm hại trẻ em cho thấy, một
hành vi chỉ được coi là bạo hành đối với trẻ em khi diễn ra một cách thường xuyên.
Những hành động có tính chất thi thoảng, kể cả đấm đá, tát tai, nếu không nghiêm
trọng đến sức khoẻ, tâm lý đều không thể coi là bạo hành. Tuy nhiên, nếu quan
niệm như vậy thì dường như nhiều hành vi bạo lực đã được bỏ qua, được tha thứ.
Do đó, những hành vi có thể ít xảy ra nhưng gây tổn thương nghiêm trọng hoặc có
nguy cơ gây tổn thương nghiêm trọng đến sức khoẻ, tinh thần của trẻ em cũng được
coi là bạo hành.
Từ những phân tích về đặc điểm trẻ em và những lý luận nêu trên có thể đưa
ra khái niệm tổng quát về BHTE như sau: “Bạo hành trẻ em là những hành vi trực
tiếp xâm hại hoặc đe dọa xâm hại đến sự phát triển bình thường về thể chất, tinh
thần củng như tâm - sinh lý trẻ em, từ đó gây ra những hậu quả xấu cho trẻ em, gia
đình và xã hội”.

14


1.1.3. Khái niệm quản lý phòng ngừa bạo hành trẻ em
Từ xa xưa, loài người đã ý thức được rằng, trẻ em là những cơ thể còn non
nớt cần được chăm sóc và bảo vệ một cách đặc biệt. Thời Trung cổ, cho dù trẻ em
có phải sớm tham gia vào thế giới người lớn thì chúng cũng được thừa nhận là khác
vói người lớn và có những nhu cầu riêng biệt, các phong trào tín ngưỡng, tôn giáo

thời kỳ này cấm trẻ em dốt nát và thuyết phục cho chúng được đi học. Các mục sư
nhấn mạnh rằng linh hồn của trẻ em, cũng như của người lớn phải được cứu rỗi và
các bậc cha mẹ có trách nhiệm đạo đức đối với sự khỏe mạnh về tinh thần của trẻ. Ở
thời kỳ Phục hưng, nhiều tài liệu về chăm sóc trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ được phổ biến
rộng rãi. Các trường học đầu tiên được thành lập để dạy cho các trẻ em trai thuộc
tầng lớp trên về các môn văn hóa và kinh tế chính trị; các trẻ em gái thuộc tầng lớp
tăng lữ, quý tộc được nhận vào các trường dòng để tiếp nhận các lời răn dạy nhằm
nuôi dưỡng tính thùy mị, sự phục tùng cũng như các kỹ năng mà người ta cho rằng
sẽ có ích cho vai trò làm vợ và làm mẹ trong tương lai. Đến thời đại Ánh sáng,
nhiều nhà giáo dục học đã đưa ra quan điểm nuôi dưỡng và giáo dục trẻ cần phải
thông qua lý lẽ thích hợp chứ không phải bằng kỷ luật hà khắc. Theo đó, cha mẹ
phải tìm được trạng thái cân bằng giữa hình thức quá nuông chiều và quá hà khắc
khi nuôi dạy trẻ. Sau này, nhiều chủ đề tương tự được lặp lại và bổ sung trong các
nghiên cứu đương đại về việc nuôi dạy con tốt và những chủ đề này cho thấy sự
tương phản đối với các hành vi BHTE ở các trường mầm non tư thục hiện nay. Điều
đó chứng tỏ, quan niệm về phòng, chống các hành vi xâm hại trẻ em đã có từ rất lâu
trong lịch sử.
Ngày nay, vấn đề bảo vệ trẻ em là một vấn đề toàn cầu. Phòng ngừa được đề
cập trong hoạt động của nhiều lĩnh vực, đó là hoạt động có mục đích, kế hoạch và
biện pháp. Tuy nhiên, cần phải nhận thức rằng, từ lâu phòng ngừa tội phạm và các
hiện tượng xã hội tiêu cực không phải là một ý niệm hoặc là một tư tưởng mang
tính trừu tượng, mà đó là hoạt động thực tế của Nhà nước và xã hội nhằm xây dựng
cuộc sống yên vui, lành mạnh, hạnh phúc cho nhân dân.

15


Có thể hiểu quản lý phòng ngừa BHTE một cách khái quát như sau: “Đó là
hoạt động của các cơ quan Nhà nước, các tổ chức xã hội và công dân bằng nhiều
biện pháp khác nhau không để các hành vi ngược đãi, hành hạ, thân thể... trẻ em xảy

ra và gây hậu quả xấu cho trẻ em, gia đình, xã hội; không để các thành viên trong xã
hội phải chịu các hình thức xử lý của pháp luật; ngăn chặn kịp thời, điều tra, làm rõ
để áp dụng các biện pháp xử lý thích đáng. Cuối cùng là cảm hoá, giáo dục người vi
phạm thay đổi nhận thức, thái độ, hành vi đối xử với trẻ em”.
Từ những nhận thức trên,luận văn sử dụng khái niệm quản lý hoạt động
phòng ngừa BHTE tai trường mầm non là:'' Những tác động có mục đích, có kế
hoạch của người hiệu trưởng mầm non và các lực lượng giáo dục trong nhà trường
đến hoạt động ngừa bạo hành trẻ em trong nhà trường mầm non nhằm ngăn ngừa,
giảm thiểu các hành vi ngược đãi, hành hạ, thân thể... cho trẻ em '', nhằm cảm hoá,
giáo dục người vi phạm thay đổi nhận thức, thái độ, hành vi đối xử với trẻ em để
nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ trong trường mầm non.
1.1.4. Trường mầm non tư thục
1.1.4.1. Vị trí của trường mầm non
Trường mầm non là bậc học đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc dân, đặt
nền móng cho sự phát triển về thể chất, nhận thức, tình cảm xã hội và thẩm mỹ cho
trẻ em. Những kỹ năng mà trẻ được tiếp thu qua chương trình chăm sóc, giáo dục
mầm non sẽ là nền tảng cho việc học tập và thành công sau này của trẻ. Những năm
đầu đời đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc hình thành nhân cách và phát
triển năng lực của trẻ, bởi trẻ bẩm sinh đã có khả năng tiếp thu học tập, não bộ đã
được lập trình để tiếp nhận các thông tin cảm quan và sử dụng để hình thành hiểu
biết và giao tiếp với thế giới, nhưng thiên hướng học tập của trẻ có thể bị hạn chế
bởi nhiều yếu tố như thể chất, nhận thức và tình cảm xã hội. Việc được hưởng sự
chăm sóc và phát triển tốt từ lứa tuổi trẻ thơ sẽ góp phần tạo nền móng vững chắc
cho sự phát triển trong tương lai của trẻ. Trường mầm non sẽ chuẩn bị cho trẻ
những kỹ năng như tự lập, sự kiềm chế, khả năng diễn đạt rõ ràng, đồng thời hình
thành hứng thú đối với việc đến trường tiểu học, tăng khả năng sẵn sàng để bước
vào giai đoạn giáo dục phổ thông.

16



1.1.4.2. Nhiệm vụ và quyền hạn của trường mầm non
Trường mầm non có các nhiệm và quyền hạn được quy định tại Điều 2 Điều lệ trường mầm non như sau:
- Tổ chức thực hiện việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em từ ba tháng
tuổi đến sáu tuổi theo chương trình giáo dục mầm non do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và
Đào tạo ban hành.
- Huy động trẻ em lứa tuổi mầm non đến trường; tổ chức giáo dục hoà nhập
cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em khuyết tật.
- Quản lý cán bộ, giáo viên, nhân viên để thực hiện nhiệm vụ nuôi dưỡng,
chăm sóc và giáo dục trẻ em.
- Huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực theo quy định của pháp luật.
- Xây dựng cơ sở vật chất theo yêu cầu chuẩn hóa, hiện đại hóa hoặc theo
yêu cầu tối thiểu đối với vùng đặc biệt khó khăn.
- Phối hợp với gia đình trẻ em, tổ chức và cá nhân để thực hiện hoạt động
nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ em.
- Tổ chức cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và trẻ em tham gia các
hoạt động xã hội trong cộng đồng.
- Thực hiện kiểm định chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ em
theo quy định [7,tr. 2].
1.1.4.3. Mục tiêu của giáo dục bậc mầm non
Mục tiêu GDMN được xác định căn cứ vào mục đích của nền giáo dục Việt
Nam, căn cứ xu hướng và đặc điểm phát triển sinh lý và tâm lý của trẻ từ 0 đến 6
tuổi. Mục tiêu GDMN là giúp trẻ em phát triển về thể chất, tình cảm, trí tuệ, thẩm
mĩ, hình thành các yếu tố đầu tiên của nhân cách, chuẩn bị cho trẻ vào lớp 1, hình
thành và phát triển ở trẻ em những chức năng tâm sinh lí, năng lực và phẩm chất
mang tính nền tảng, những kĩ năng cần thiết phù hợp với lứa tuổi, khơi dậy và phát
triển tối đa những khả năng tiểm ẩn, đặt nền tảng cho việc học ở các cấp học tiếp
theo và cho việc học tập suốt đời. Mục tiêu GDMN là giúp trẻ phát triển về thể chất,

17



tình cảm, trí tuệ, thẩm mỹ, hình thành những yếu tố đầu tiên của nhân cách, chuẩn
bị cho trẻ vào lớp 1 [9, tr. 29].
1.1.4.4. Đặc trưng của trường mầm non tư thục
Trường nầm non tư thục là cơ sở giáo dục mầm non thuộc hệ thống giáo dục
quốc dân của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhận trẻ em từ 3 tháng tuổi
đến 6 tuổi, do tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức kinh tế hoặc cá
nhân thành lập, đầu tư xây xây dựng cơ sở vật chất và đảm bảo kinh phí hoạt động
bằng vốn nước ngoài ngân sách nhà nước cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho
phép. Trường mầm non tư thục có tư cách pháp nhân, con dấu và được mở tài
khoản riêng. Cơ cấu tổ chức bao gồm:Hiệu trưởng hoặc Chủ nhóm trẻ, lớp mẫu giáo
độc lập tư thục; tổ trưởng tổ chuyên môn; giáo viên, nhân viêc và các nhóm trẻ, lớp
mẫu giáo. Tổ trưởng chuyên môn phải có bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm mầm
non trở lên.
Loại hình cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập được phát triển sớm (từ
những năm 1988-1990) phát triển với tốc độ nhanh và chiếm tỉ trọng tổng số trường
lớp và trẻ em ngành học mầm non. Loại hình cơ sở giáo dục mầm non ngoài công
lập nói chung, đặc biệt đặc biệt là các cơ sở giáo dục mầm non tư thục có vị trí và
vai trò quan trọng đáp ứng nhu cầu chăm sóc giáo dục trẻ mầm non của nhân dân;
nâng cao tỉ lệ huy động trẻ độ tuổi mầm non đến lớp góp phần phát triển sự nghiệp
giáo dục trên toàn đất nước [7, tr. 45].
Đặc trưng cơ bản của trường mầm non tư thục
Thực hiện Nghị quyết trung ương 2 khóa VIII và các chủ trương chính sách
của Đảng và nhà nước về phát triển GDMN nhà nước ngày càng được mở rộng về
quy mô, chất lượng giáo dục từng bước được nâng lên.Chủ trương xã hội hóa giáo
dục, đa dạng hóa loại hình trường, lớp được triển khai sâu rộng, loại hình trường lớp
mầm non ngoài công lập phát triển mạnh phù hợp với tính chất cấp học không bắt
buộc và quá trình hội nhập hóa quốc tế.
Mặc dù vậy, mạng lưới trường lớp mầm non vẫn chưa đủ để huy động trẻ ra

lớp đồng đều giữa các vùng, miền. Do vậy, loại hình cơ sở GDMN ngoài công lập

18


được phát triển sớm (từ những năm 1988-1990) phát triển với tốc độ nhanh và
chiếm tỉ trọng tổng số trường lớp và trẻ em ngành học mầm non. Loại hình cơ sở
GDMN ngoài công lập nói chung, đặc biệt đặc biệt là các cơ sở GDMN tư thục có
vị trí và vai trò quan trọng đáp ứng nhu cầu chăm sóc giáo dục trẻ mầm non của
nhân dân; nâng cao tỉ lệ huy động trẻ độ tuổi mầm non đến lớp góp phần phát triển
sự nghiệp giáo dục trên toàn đất nước.
Đặc trưng của các trường mầm non tư thục là do tổ chức xã hội, tổ chức xã
hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế hoặc cá nhân thành lập, đầu tư xây dựng cơ sở vật
chất và bảo đảm kinh phí hoạt động bằng nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước.
Trường mầm non tư thục có tư cách pháp nhân, con dấu và được mở tài khoản
riêng.
Những ưu điểm của trường mầm non tư thục:Số lượng trẻ ở mỗi lớp khá ít vì
vậy giáo viên dễ dàng chăm sóc cũng như có thể vui chơi cùng các bé.Cơ sở vật
chất khang trang, sạch đẹp do phí cơ sở vật chất cao gấp nhiều lần trường công
lập.Thời gian đưa đón trẻ linh hoạt, giờ đón trẻ từ 4 - 5 giờ chiều, có nhiều trường
còn nhận giữ trẻ thêm thời gian theo yêu cầu của phụ huynh và trông trẻ cả ngày thứ
bảy và chủ nhật.Trường mầm non tư thục thường có tiết học Tiếng Anh vỡ lòng cho
trẻ và áp dụng nhiều phương pháp giáo dục sớm của nước ngoài như phương pháp
Montessori, phương pháp Glenn doman, phương pháp Reggio Emilia…Thường
xuyên cập nhật các công cụ hỗ trợ việc quản lý trường để có nhiều thời gian chăm
sóc các con cũng như gửi thông tin, tương tác với phụ huynh.
1.2. Hoạt động giáo dục phòng ngừa bạo hành trẻ em ở các trường mầm
non tư thục
1.2.1. Nội dung giáo dục trẻ em ở các trường mầm non
Trong giai đoạn lứa tuổi mầm non, ở trẻ xuất hiện những khả năng nhất định

mang tính nền tảng cho những năng lực cao hơn sau này. Nếu những khả năng nền
tảng đó bị bỏ qua hoặc liên tục không được nuôi dưỡng thì trẻ không được chuẩn bị
tốt cho những bước phát triển về sau ví dụ khả năng nghe nhìn, phát triển ngôn ngữ,
nhận thức.

19


×