Tải bản đầy đủ (.docx) (13 trang)

Bình luận về quy định tại Điều 127 Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam năm 2014

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (87.72 KB, 13 trang )

MỞ ĐẦU
Hôn nhân có yếu tố nước ngoài đang trở thành hiện tượng khá phổ biến trong
thời gian qua. Song song với đó thì ly hôn có yếu tố nước ngoài cũng gia tăng đáng
kể. Bởi vậy, sự điều chỉnh của pháp luật cho vấn đề ly hôn có yếu tố nước ngoài
càng trở nên cần thiết để có thể bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
Chính vì thế, việc hiểu rõ các vấn đề pháp lý liên quan đến quan hệ ly hôn có yếu tố
nước ngoài là một điều rất cần thiết. Chính vì thế em xin chọn đề tài: “Bình luận
về quy định tại Điều 127 Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam năm 2014” để tìm
hiểu.

NỘI DUNG
I.LÝ LUẬN CHUNG VỀ QUAN HỆ LY HÔN CÓ YÊU TỐ NƯỚC NGOÀI
1.Khái niệm ly hôn có yếu tố nước ngoài
Ly hôn có yếu tố nước ngoài là việc ly hôn giữa công dân Việt Nam và người
nước ngoài; giữa người nước ngoài với nhau thường trú tại Việt Nam; giữa công
dân Việt Nam với nhau mà căn cứ để xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ hôn nhân
theo pháp luật nước ngoài hoặc tài sản liên quan ở nước ngoài.
Khi giải quyết ly hôn có yếu tố nước ngoài thì Tòa án không những chỉ áp
dụng pháp luật của Việt Nam mà còn phải chú ý tới pháp luật nước ngoài. Vấn đề
lựa chọn pháp luật để áp dụng trong ly hôn có yếu tố nước ngoài cũng là một điều
khá trọng. Nếu lựa chọn không đúng thì bản án hoặc Quyết định có thể bị hủy. Đặc
biệt là pháp luật cùa nước nơi thường trú chung của vợ chồng hay là pháp luật nơi
có bất động sản của vợ chồng. Từ các cơ sở trên ta có thể thấy quan hệ ly hôn có
yếu tố nước ngoài có một trong các yếu tố sau:
- Yếu tố chủ thể: Quan hệ ly hôn được coi là có yếu tố nước ngoài khi có ít
nhất một trong các bên chủ thể tham gia là người nước ngoài, người Việt Nam định
cư ở nước ngoài. Pháp luật Việt Nam quy định người nước ngoài là người không có


quốc tịch Việt Nam, bao gồm người có quốc tịch nước ngoài và người không quốc
tịch.


- Yếu tố làm chấm dứt quan hệ hôn nhân: Bao gồm căn cứ để xác lập, thay
đổi, chấm dứt quan hệ hôn nhân. Đó chính là sự kiện pháp lý làm chấm dứt quan hệ
hôn nhân. Điều kiện để xác định việc ly hôn có yếu tố nước ngoài hay không trong
trường hợp này là sự kiện pháp lý đó phải theo pháp luật nước ngoài hoặc xảy ra ở
nước ngoài. Đối với những quan hệ này, yếu tố chủ thể không được đặt ra. Nghĩa
là, trong trường hợp các bên chủ thể tham gia đều là công dân Việt Nam, nhưng nếu
sự kiện pháp lý là chấm dứt quan hệ hôn nhân xảy ra ở nước ngoài hoặc theo pháp
luật nước ngoài thì quan hệ đó là quan hệ ly hôn có yếu tố nước ngoài.
- Yếu tố vị trí của tài sản liên quan đến quan hệ ly hôn: Trong trường hợp
này, không cần xét đến hai yếu tố trên, nếu tài sản liên quan đến quan hệ ly hôn
không nằm trên lãnh thổ Việt Nam mà ở nước ngoài, thì quan hệ đó cũng được coi
là quan hệ ly hôn có yếu tố nước ngoài. Bên cạnh đó, một quan hệ ly hôn khi không
xét đến cả ba yếu tố trên nhưng nếu quan hệ ly hôn chấm dứt bằng một bản án,
quyết định ly hôn của Toà án hoặc cơ quan khác có thẩm quyền của nước ngoài thì
đó cũng là một trong những dấu hiệu xác định quan hệ ly hôn đó là quan hệ ly hôn
có yếu tố nước ngoài. Như vậy, để xác định một quan lệ ly hôn có yếu tố nước
ngoài cần xét đến một trong các yếu tố trên, nếu đáp ứng điều kiện đối với ít nhất
một yếu tố để quan hệ ly hôn đó trở thành quan hệ ly hôn có yếu tố nước ngoài thì
không cần xét đến các yếu tố còn lại.
2.Các trường hợp phát sinh quan hệ ly hôn có yếu tố nước ngoài
Theo quy định tại Điều 127 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định
về việc ly hôn có yếu tố nước ngoài như sau:
“1. Việc ly hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, giữa người
nước ngoài với nhau thường trú ở Việt Nam được giải quyết tại cơ quan có thẩm
quyền của Việt Nam theo quy định của Luật này.


2. Trong trường hợp bên là công dân Việt Nam không thường trú ở Việt Nam
vào thời điểm yêu cầu ly hôn thì việc ly hôn được giải quyết theo pháp luật của
nước nơi thường trú chung của vợ chồng; nếu họ không có nơi thường trú chung

thì giải quyết theo pháp luật Việt Nam.
3. Việc giải quyết tài sản là bất động sản ở nước ngoài khi ly hôn tuân theo
pháp luật của nước nơi có bất động sản đó.”
Theo quy định trên, các trường hợp phát sinh quan hệ ly hôn có yếu tố nước
ngoài sẽ gồm các trường hợp sau:
- Công dân ở Việt Nam muốn xin ly hôn với công dân Việt Nam định cư ở
nước ngoài. Người muốn ly hôn ở Việt Nam
- Các bên đều là công dân Việt Nam kết hôn ở nước ngoài theo pháp luật
nước ngoài, xin ly hôn ở Việt Nam.
- Người nước ngoài đang ở nước ngoài muốn xin ly hôn với người Việt Nam
ở Việt Nam.
- Công dân Việt Nam ở Việt Nam xin ly hôn với người nước ngài đang cứ trú
ở nước ngoài.
- Công dân Việt Nam xin ly hôn với công dân Việt Nam nhưng tài sản là bất
động sản đang ở nước ngoài.
3. Nguồn pháp luật điều chỉnh quan hệ ly hôn có yếu tố nước ngoài
3.1. Các loại nguồn pháp luật điều chỉnh quan hệ ly hôn có yếu tố nước ngoài
Nguồn pháp luật điều chỉnh quan hệ ly hôn có yếu tố nước ngoài gồm hai
loại là nguồn pháp luật quốc gia và nguồn pháp luật quốc tế. Trong đó, nguồn pháp
luật quốc gia giữ vai trò chủ yếu.
3.1.1. Nguồn pháp luật quốc gia
Nguồn pháp luật quốc gia bao gồm tất cả các quy định của pháp luật quốc
gia liên quan đến vấn đề điều chỉnh pháp lý quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố
nước ngoài nói chung và quan hệ ly hôn có yếu tố nước ngoài nói riêng. Nguồn


pháp luật quốc gia ở mỗi nước có thể là nguồn thành văn nếu thuộc hệ thống Civil
Law cũng có thể là nguồn không thành văn nếu thuộc hệ thống Common Law hoặc
có thể gồm cả nguồn thành văn và không thành văn. Các quy định nói trên ở Việt
Nam được quy định chủ yếu trong các văn bản pháp luật sau đây:

- Hiến pháp. Quyền của công dân trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình nói
chung và hôn nhân gia đình có yếu tố nước ngoài nói riêng bao gồm cả lĩnh vực ly
hôn có yếu tố nước ngoài là một trong những quyền cơ bản được Hiến pháp khẳng
định. Đó là nhân quyền – quyền tối cao của công dân được Nhà nước và pháp luật
tôn trọng, bảo vệ. Do vậy,trong các bảnHiến pháp của Việt Nam: Hiến pháp năm
1946; Hiến pháp năm 1960; Hiến pháp năm 1980; Hiến pháp năm 1992, đặc biệt là
bản Hiến pháp năm 2013 đều quy định rất rõ quyền này. Đây là những quy định có
tính nguyên tắc và trên tinh thần của các quy định này, các cơ quan có thẩm quyền
của Nhà nước đã ban hành các bộ Luật, đạo luật và một hệ thống văn bản hướng
dẫn thi hành dưới luật nhằm điều chỉnh lĩnh vực hôn nhân và gia đình nói chung và
hôn nhân gia đình có yếu tố nước ngoài nói riêng, bao gồm cả lĩnh vực ly hôn có
yếu tố nước ngoài.
- Bộ Luật Dân sự Việt Nam năm 1995, Bộ Luật Dân sự Việt Nam năm 2005,
Bộ Luật Dân sự Việt Nam năm 2015 và các văn bản hướng dẫn thi hành đều có
những quy định liên quan đến vấn đề hôn nhân gia đình nói chung và vấn đề ly hôn
và ly hôn có yếu tố nước ngoài nói riêng.
- Luật Hôn nhân và Gia đình. Đây là đạo luật chuyên ngành điều chỉnh quan
hệ hôn nhân và gia đình, trong đó có quan hệ ly hôn và ly hôn có yếu tố nước
ngoài. Trước khi Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 chúng đã từng có các đạo
luật hôn nhân và gia đình sau đây: Luật Hôn nhân và Gia đình năm 1959, Pháp lệnh
về hôn nhân và gia đình giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài năm 1993,
Luật Hôn nhân và Gia đình năm 1986, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000. Đi
kèm theo từng đạo luật là hệ thống các văn bản hướng dẫn thi hành cụ thể.
3.1.2. Nguồn pháp luật quốc tế điều chỉnh quan hệ ly hôn có yếu tố nước ngoài


- Điều ước quốc tế Về mặt lý luận, nguồn quốc tế điều chỉnh quan hệ hôn
nhân và gia đình, trong đó có quan hệ ly hôn và ly hôn có yếu tố nước ngoài nói
riêng là các Điều ước quốc tế toàn cầu, Điều ước quốc tế khu vực và Điều ước quốc
tế song phương. Tuy nhiên, trong thực tiễn hiện nay mới chỉ có các Điều ước quốc

tế khu vực và song phương giữa các quốc gia có quy định về vấn đề ly hôn có yếu
tố nước ngoài. Song các Điều ước quốc tế loại này không điều chỉnh cụ thể mà chỉ
quy định nguyên tắc chọn pháp luật để áp dụng khi giải quyết vấn đề ly hôn có yếu
tố nước ngoài. Ví dụ như Công ước La Haye về tư pháp quốc tế năm 1902, công
ước Bustamante năm 1928 và nhiều Điều ước quốc tế song phương về tương trợ tư
pháp.
- Tập quán quốc tế Về mặt lý luận, tập quán quốc tế cũng là nguồn pháp luật
điều chỉnh quan hệ hôn nhân và gia đình, trong đó có quan hệ ly hôn và ly hôn có
yếu tố nước ngoài. Tuy nhiên cho đến nay chưa có công trình nào hệ thống hóa hay
tổng hợp được các tập quán quốc tế cụ thể đã và đang được áp dụng khi giải quyết
vấn đề này trên thực tế. Nó chủ yếu được vận dụng với tính chất tập quán quốc gia
trong khuôn khổ loại nguồn quốc gia và do từng quốc gia tự xác định.
3.2. Mối quan hệ giữa các loại nguồn pháp luật điều chỉnh quan hệ ly hôn có
yếu tố nước ngoài
Như đã trình bày ở Mục 3.1, nguồn pháp luật điều chỉnh quan hệ ly hôn có
yếu tố nước ngoài gồm hai loại là nguồn pháp luật quốc gia và nguồn pháp luật
quốc tế. Trong đó, nguồn pháp luật quốc gia giữ vai trò chủ yếu. Hai loại nguồn này
tác động qua lại và bổ sung cho nhau trong việc điều chỉnh quan hệ ly hôn có yếu
tố nước ngoài. Theo thông lệ và nguyên tắc xử lý mối quan hệ giữa pháp luật quốc
gia với các Điều ước quốc tế mà quốc gia là thành viêntrong lĩnh vực dân sự nói
chung và trong lĩnh vực ly hôn có yếu tố nước ngoài nói riêng, nếu cùng một vấn
đề mà quy định của Điều ước quốc tế mà quốc gia là thành viên khác với quy định
của pháp luật quốc gia thì áp dụng các quy định của Điều ước quốc tế đó. Trên thực
tế hiện nay, trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài nói chung và


ly hôn có yếu tố nước ngoài nói riêng, không có các quy phạm thực chất thống nhất
mà mới chỉ có các quy phạm xung đột thống nhất. Vì vậy, khi giải quyết vấn đề ly
hôn có yếu tố nước ngoài nếu quy định của Điều ước quốc tế mà quốc gia là thành
viên khác với quy định của pháp luật quốc gia thì ưu tiên áp dụng các quy định của

Điều ước quốc tế đó.
II. NGUYÊN TẮC ÁP DỤNG PHÁP LUẬT ĐỂ GIẢI QUYẾT LY HÔN CÓ
YẾU TỐ NƯỚC NGOÀI TẠI VIỆT NAM
Trong pháp luật về hôn nhân và gia đình của các nước quy định về ly hôn có
nhiều điểm khác nhau, thậm chí ở một số nước pháp luật còn cấm ly hôn. Do đó, có
thể nói ly hôn là một trong những vấn đề phức tạp trong các quan hệ về hôn nhân
và gia đình có yếu tố nước ngoài.
1.Giải quyết xung đột pháp luật về ly hôn ở một số nước
Khi phát sinh xung đột pháp luật trong quan hệ ly hôn, các nước thường áp
dụng hệ thuộc luật quốc tịch của các bên đương sự, luật nơi cư trú, luật của nước có
tòa án, luật của nước có quan hệ mật thiết nhất với vợ chồng hay áp dụng phối hợp
các nguyên tắc trên. Trong số các hệ thuộc luật này thì hệ thuộc luật quốc tịch của
các bên đương sự được ưu tiên áp dụng.
Chẳng hạn, Điều 54 Luật tư pháp quốc tế Ba Lan 2011 quy định: quan hệ ly
hôn được giải quyết theo luật của nước mà vợ chồng là công dân vào thời điểm đưa
đơn ly hôn (khoản 1). Trong trường hợp hai vợ chồng khác quốc tịch thì giải quyết
theo luật nơi thường trú chung của hai vợ chồng, nếu họ không có nơi thường trú
chung cuối cùng (khoản 2). Trong trường hợp áp dụng các hệ thuộc luật trên mà
vẫn không xác định dược luật áp dụng thì ly hôn sẽ được điều chỉnh theo luật Ba
Lan (khoản 3). Ngoài ra, theo khoản 4 Điều 54 Luật tư pháp quốc tế Ba Lan năm
2011, các quy định trên áp dụng cho ly hôn cũng áp dụng cho ly thân có yếu tố
nước ngoài.
Các nguyên tắc áp dụng luật trên cũng được ghi nhận trong pháp luật một số
nước khác. Chẳng hạn, Điều 25 Luật tư pháp quốc tế của Nhật Bản 2006 quy định:


quan hệ ly hôn được giải quyết theo luật nơi thường trú chung của hai vợ chồng,
nếu họ không có nơi thường trú chung thì áp dụng luật của nước có quan hệ mật
thiết nhất với vợ chồng. Tuy nhiên, khi một bên vợ hoặc chồng là công dân Nhật
Bản và thường trú ở Nhật Bản thì việc ly hôn tuân theo luật Nhật Bản (Điều 27).

Cũng giống pháp luật của một số nước trên, luật tư pháp quốc tế Hàn Quốc
2006 quy định các căn cứ áp dụng pháp luật để điều chỉnh ly hôn và việc áp dụng
pháp luật theo thứ tự sau:
- Áp dụng luật quốc tịch của vợ chồng nếu họ cùng quốc tịch;
- Áp dụng luật nơi thường trú của vợ chồng nếu họ có cùng nơi thường trú;
- Áp dụng luật của nước mà vợ chồng có mối quan hệ chặt chẽ nhất (Điều
37). Và cũng giống pháp luật của Nhật Bản, khi xác định luật áp dụng giải quyết ly
hôn, pháp luật Hàn Quốc đưa ra ngoại lệ: Nếu một trong hai vợ chồng là công dân
Hàn Quốc và thường trú tại Hàn Quốc thì việc ly hôn được điều chỉnh bởi pháp luật
của Hàn Quốc.
Khác với pháp luật một số nước, pháp luật của Cộng hòa Pháp lại đưa ra quy
phạm xung đột kết hợp nhiều hệ thuộc để xác định luật của pháp sẽ được áp dụng
điều chỉnh quan hệ ly hôn có yếu tố nước ngoài. Năm 1975, nhân dự án luật về cải
cách pháp luật về ly hôn (Luật ngày 11/7/1975). Pháp đã đưa vào Bộ luật dân sự
1984 một điều luật mới: Điều 310 về xung đột pháp luật về ly hôn và ly thân. Điều
310 Bộ luật dân sự Pháp quy định: Ly hôn và ly thân chịu sự điều chỉnh của pháp
luật Pháp:
+ Nếu cả hai vợ chồng cùng có quốc tịch Pháp;
+ Nếu cả hai vợ chồng cùng cư trú trên lãnh thổ Pháp;
+ Khi không có pháp luật của nước nào khác có thẩm quyền điều chỉnh vụ ly
hôn hay ly thân đó, trong khi Tòa án Pháp có thẩm quyền vụ ly hôn hay ly thân đó.
Như vậy, theo Điều 310 Bộ luật dân sự Pháp, luật của Pháp sẽ được áp dụng
khi quan hệ ly hôn thuộc một trong ba trường hợp trên.


Một điểm đặc biệt trong xác định pháp luật điều chỉnh quan hệ ly hôn có yếu
tố nước ngoài, đó là pháp luật của Trung Quốc cho phép các bên lựa chọn luật áp
dụng. Điều 26, 27 Đạo luật 2010 của Trung Quốc điều chỉnh ly hôn theo hai trường
hợp: thuận tình và không thuận tình ly hôn.
- Trong trường hợp thuận tình ly hôn: Các bên có thể thỏa thuận lựa chọn

luật nơi thường trú hoặc luật quốc tịch của một trong các bên làm luật áp dụng đối
với việc thuận tình ly hôn. Trường hợp không có sự thỏa thuận, luật nơi thường trú
chung được áp dụng; nếu không có nơi thường trú chung, luật của nước mà các bên
có cùng quốc tịch được áp dụng; nếu không có cùng quốc tịch, luật của nước nơi có
cơ quan tiến hành việc ly hôn được áp dụng (Điều 26 Đạo luật 2010 của Trung
Quốc).
- Trong trường hợp không thuận tình ly hôn sẽ tuân theo pháp luật của nước
nơi có Tòa án (Điều 27 Đạo luật 2010 của Trung Quốc).
2.Nguyên tắc và phương pháp điều chỉnh quan hệ ly hôn có yêu tố nước ngoài
tại Việt Nam
2.1. Nguyên tắc điều chỉnh
Trong việc điều chỉnh quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài nói
chung và ly hôn có yếu tố nước ngoài nói riêng, ngoài việc phải tôn trọng các
nguyên tắc cơ bản của pháp luật quốc gia, pháp luật hôn nhân và gia đình quốc gia
được áp dụng theo chỉ dẫn của quy phạm xung đột chúng ta còn phải tuân theo một
số nguyên tắc đặc thù. Cụ thể bao gồm các nguyên tắc sau đây:
- Tôn trọng và bảo vệ quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài nói
chung và quan hệ ly hôn có yếu tố nước ngoài nói riêng phù hợp với pháp luật quốc
gia theo chỉ dẫn của quy phạm xung đột và điều ước quốc tế mà quốc gia là thành
viên.
- Dành cho người nước ngoài chế độ đãi ngộ quốc dân trong lĩnh vực hôn
nhân và gia đình nói chung và quan hệ ly hôn có yếu tố nước ngoài nói riêng.


- Không áp dụng pháp luật nước ngoài theo chỉ dẫn của quy phạm xung đột,
nếu xét thấy hậu quả áp dụng pháp luật nước ngoài trái với trật tự công cộng hay
các nguyên tắc cơ bản của pháp luật quốc gia của mình. Các nguyên tắc điều chỉnh
quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài nói chung và ly hôn có yếu tố
nước ngoài nói riêng nêu trên hoàn toàn phù hợp với những nguyên tắc cơ bản của
tư pháp quốc tế và công pháp quốc tế hiện đại và sẽ là cơ sở để bảo vệ các quyền và

lợi ích hợp pháp, chính đáng của các cá nhân trong giao lưu dân sự quốc tế góp
phần thúc đẩy phát triển quan hệ kinh tế, thương mại giữa các quốc gia.
2.2. Phương pháp điều chỉnh
Về mặt lý luận cũng như trên thực tế, hiện nay có hai phương pháp điều
chỉnh quan hệ dân sự theo nghĩa rộng có yếu tố nước ngoài. Đó là phương pháp
thực chất (áp dụng quy phạm thực chất thống nhất) và phương pháp xung đột
(phương pháp áp dụng quy phạm xung đột).
Như đã trình bày ở Mục 3.2, hiện nay, trên thế giới chưa có quy phạm thực
chất thống nhất điều chỉnh quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài nói
chung và ly hôn có yếu tố nước ngoài nói riêngnên trong lĩnh vực này hiện chỉ có
phương pháp áp dụng quy phạm xung đột. Và như vậy, các vấn đề cụ thể về ly hôn
có yếu tố nước ngoài sẽ được giải quyết theo pháp luật quốc gia được quy phạm
xung đột chỉ dẫn áp dụng.
Các quy phạm xung đột hướng dẫn chọn pháp luật điều chỉnh quan hệ ly hôn
có yếu tố nước ngoài bao gồm quy phạm xung đột do quốc gia tự xây dựng và quy
phạm xung đột thống nhất do các quốc gia thỏa thuận xây dựng bằng cách ký kết
các Điều ước quốc tế để cùng áp dụng. Tuy nhiên, quy phạm xung đột do quốc gia
tự xây dựng là chủ yếu. Hiện nay, các nước trên thế giới áp dụng các quy phạm
xung đột chủ yếu sau đây để hướng dẫn chọn pháp luật điều chỉnh quan hệ ly hôn
có yếu tố nước ngoài:
- Quy phạm xung đột quy định áp dụng luật theo quốc tịch của đương sự.
Đây là quy phạm chủ yếu và được áp dụng rộng rãi trên thế giới để giải quyết xung


đột pháp luật trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài nói chung
và trong lĩnh vực ly hôn có yếu tố nước ngoài nói riêng được quy định trong pháp
luật dân sự của nhiều nước trên thế giới và cả trong Công ước La Haye về tư pháp
quốc tế năm 1902, công ước Bustamante năm 1928 và nhiều điều ước quốc tế song
phương về tương trợ tư pháp.
- Quy phạm xung đột quy định áp dụng luật theo nơi cư trú của đương sự.

Quy phạm này được áp dụng trong những trường hợp không áp dụng luật theo quốc
tịch của đương sự mà pháp luật quốc gia hoặc điều ước quốc tế quy định. Ở Hoa
Kỳ, Vương quốc Anh và một số nước Nam Mỹ quy phạm này còn là quy phạm chủ
yếu được áp dụng để giải quyết xung đột pháp luật về hôn nhân và gia đình có yếu
tố nước ngoài nói chung và trong lĩnh vực ly hôn có yếu tố nước ngoài nói riêng.
- Quy phạm xung đột quy định áp dụng luật theo nơi có tài sản của vợ chồng.
Quy phạm này được áp dụng chủ yếu trong lĩnh vực sở hữu, thừa kế bất động sản
v.v…có yếu tố nước ngoài nhưng trong một số trường hợp cũng được áp dụng để
giải quyết xung đột pháp luật về hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài nói
chung và trong lĩnh vực ly hôn có yếu tố nước ngoài nói riêng.
- Quy phạm xung đột quy định áp dụng luật theo nơi tòa án có thẩm quyền
giải quyết vụ việc. Quy phạm này được quy định trong pháp luật quốc gia của các
nước và trong cả các Điều ước quốc tế, đặc biệt Điều ước quốc tế về tương trợ tư
pháp và được áp dụng chủ yếu trong lĩnh vực tố tụng dân sự có yếu tố nước ngoài
nhưng trong một số trường hợp cũng được áp dụng để giải quyết xung đột pháp
luật về hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài nói chung và trong lĩnh vực ly
hôn có yếu tố nước ngoài nói riêng.
Việc áp dụng quy phạm xung đột nào cụ thể do từng quốc gia tự quy định
trong pháp luật quốc gia hoặc thỏa thuận với nhau để quy định trong Điều ước quốc
tế. Ví dụ, theo Điều 17 Bộ Luật Dân sự Đức, việc ly hôn được giải quyết theo luật
của nước người chồng mang quốc tịch khi xin ly hôn, và cho phép dẫn chiếu ngược
trở lại hoặc dẫn ciếu đến luật của nước thứ ba. Đồng thời còn quy định chỉ cho


phép áp dụng pháp luật nước ngoài để giải quyết việc ly hôn khi nội dung của nó
phù hợp với điều kiện ly hôn mà pháp luật của Đức quy định.
Theo quy định của các nước Đông Âu, vấn đề ly hôn được giải quyết theo
pháp luật của nước mà vợ chồng mang quốc tịch lúc xin ly hôn (Điều 21 Luật Tư
pháp quốc tế của cộng hòa Séc, Điều 17 Luật Tư pháp quốc tế của cộng hòa Balan,
Điều 95 Luật Hôn nhân và Gia định của Bungary…). Trường hợp vợ chồng có

quốc tịch khác nhau lúc xin ly hôn thì áp dụng luật nơi chung sống của vợ chồng
(theo pháp luật Balan) hoặc luật của nước có tòa án giải quyết việc ly hôn (theo
pháp luật của cộng hòa Séc)v.v… Việc áp dụng luật nơi cư trú của vợ chồng cũng
được nhiều nước quy định. Ví dụ, theo pháp luật của Pháp, việc ly hôn được giải
quyết theo pháp luật nơi cư trú chung của hai vợ chòng; trường hợp vợ chồng
không có nới thường trú chung thì áp dụng pháp luật của nước mà vợ chồng mang
quốc tịch. Tòa án Pháp cũng vẫn công nhận một số trường hợp việc ly hôn được
giải quyết trên cơ sở pháp luật nước ngoài mặc dù điều kiện ly hôn không được
pháp luật của pháp quy định.
Việc áp dụng luật của nước mà tòa án giải quyết việc ly hôn là thực tiễn phổ
biến ở các nước như Anh, Hoa Kỳ, Singapore, Thụy Sỹ và Trung Quốc…. Như vậy,
việc xác định thẩm quyền của tòa án trong việc giải quyết vấn đề ly hôn cũng đồng
thời là xác định luật áp dụng cho bản thân việc ly hôn. Ở các nước này, thẩm quyền
của tòa án thường được xác định theo nơi cư trú của đương sự, mặc dù, về nội
dung, khái niệm nới cư trú ở các nước không hoàn toàn giống nhau.
III.MỘT SỐ KIẾN NGHỊ ĐỂ HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VIỆT NAM VỀ
CHẾ ĐỊNH LY HÔN CÓ YẾU TỐ NƯỚC NGOÀI
Thứ nhất, sửa đổi, bổ sung luật để kịp thời điều chỉnh những quan hệ mới
phát sinh. Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 đang bộc lộ những bất cập trong
quá trình áp dụng, trong đó có cả những bất cập trong việc giải quyết ly hôn có yếu
tố nước ngoài. Cũng như quy định chặt chẽ hơn cá điều kiện kết hôn có yếu tố nước


ngoài để tiến tới hạn chế việc kết hôn có yếu tố nước ngoài có sự ‘tự nguyện giả
tạo’ dẫn đến việc ly hôn.
Thứ hai, cần nhiều hơn những văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành. Rất nhiều
vụ án trở nên phức tạp do chính sự bất cần của nguyên đơn khi họ không tìm hiểu
kĩ đối tác của mình. Điều này không chỉ khiến họ phải gánh chịu thiệt thòi mà còn
gây khó khăn, tốn kém về thời gian, công sức cho Tòa án. Cũng có những vụ án
gặp vướng do ý thức pháp luật của bị đơn – chẳng hạn bị đơn bỏ về nước trốn tránh

nghĩa vụ ra tòa – Tòa án rất khó có biện pháp bắt buộc triệu họ về Việt Nam để
tham gia vụ kiện ly hôn. Mặt khác, hiện nay hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện
nên còn nhiều bất cập trong việc xét xử các vụ án ly hôn có yếu tố nước ngoài. Tòa
án chỉ công nhận những vụ án ly hôn khi có bản án ly hôn ở nước ngoài hoặc có
thỏa thuận ly hôn của người chồng hoặc vợ. Nhiều Tòa án địa phương đã kiến nghị
với Tòa án nhân dân tối cao nên có hướng dẫn cụ thể để có cơ sở xét xử những
trường hợp trên.
Thứ ba, hoàn thiện việc ký kết các Hiệp định tương trợ tư pháp với các quốc
gia, đặc biệt là các quốc gia có công dân kết hôn nhiều với công dân Việt Nam, để
làm cơ sở cho việc giải quyết ly hôn có yếu tố nước ngoài một các có hiệu quả.
Nhưng trên hết, chẳng một biện pháp nào có ý nghĩa hơn việc tuyên truyền giáo
dục về tác hại của hôn nhân có yếu tố nước ngoài khi không có sự tự nguyện thực
sự và tác hại của ly hôn có yếu tố nước ngoài đối với đất nước, xã hội, gia đình và
bản thân người tham gia vào quan hệ.

KẾT LUẬN
Quan hệ hôn nhân và gia đình ở nước ta, trong đó có quan hệ ly hôn có yếu
tố nước ngoài đang diễn ra ngày càng phức tạp và khó giải quyết. Để giải quyết vấn
đề này tốt hơn trong thời gian tới, thiết nghĩ một mặt nhà nước phải xây dựng và
ban hành những văn bản pháp luật điều chỉnh vấn đề này có hiệu quả hơn nữa. Mặt
khác, mỗi một chủ thể tham gia quan hệ này phải có ý thức thực hiện và tuân thủ
pháp luật tốt hơn nữa.


DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014;
2. Bộ luật Dân sự 2015
3. 15 Hiệp định tương trợ tư pháp giữa Việt Nam với các nước
4. Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình tư pháp quốc tế, Nxb. Tư pháp, Hà Nội,
2017;

5. Khoa Luât – Đại học quốc gia Hà Nội, Giáo trình tư pháp quốc tế, Nxb. ĐHQG,
Hà Nội, 2013;
6. trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, Giáo trình Tư pháp quốc tế, Nxb
Hồng Đức, 2015



×