BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM NGHỆ THUẬT TW
P
BÙI THU HUYỀN
BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY NGHỀ TÒ HE
TRUYỀN THỐNG TẠI LÀNG XUÂN LA,
XÃ PHƯỢNG DỰC, HUYỆN PHÚ XUYÊN, HÀ NỘI
LUẬN VĂN THẠC SĨ QUẢN LÝ VĂN HÓA
Khóa 5 (2016 - 2018)
Hà Nội, 2018
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM NGHỆ THUẬT TW
BÙI THU HUYỀN
BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY NGHỀ TÒ HE
TRUYỀN THỐNG TẠI LÀNG XUÂN LA,
XÃ PHƯỢNG DỰC, HUYỆN PHÚ XUYÊN, HÀ NỘI
LUẬN VĂN THẠC SĨ
Chuyên ngành: Quản lý văn hóa
Mã số: 8319042
Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS Nguyễn Duy Thiệu
Hà Nội, 2018
LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan đề tài “Bảo tồn và phát huy nghề tò he truyền
thống tại làng Xuân La, xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, Hà Nội” là
công trình nghiên cứu của riêng tôi. Đề tài này người viết chưa công bố ở
bất kỳ đâu và không trùng lặp với bất cứ đề tài nào đã được công bố. Một
số thông tin liên quan, số liệu và trích dẫn đều được ghi rõ tại phần tài liệu
tham khảo và phụ lục trong luận văn.
Tôi xin chịu trách nhiệm hoàn toàn về lời cam đoan này.
Hà Nội, ngày tháng năm 2018
Tác giả luận văn
Bùi Thu Huyền
DANH MỤC CHỮ VIẾT TẮT
ANTV
An ninh tivi (Kênh Truyền hình Công an nhân dân)
ASEAN
Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á
CLB
Câu lạc bộ
HĐND
Hội đồng nhân dân
HTXNN
Hợp tác xã nông nghiệp
KHXH
Khoa học xã hội
NQ- CP
Nghị quyết- Chính phủ
NQ/TW
Nghị quyết/Trung ương
Nxb
Nhà xuất bản
QĐ-TTg
Quyết định-Thủ tướng
tr
trang
UBND
Ủy ban Nhân dân
UNESCO
Tổ chức giáo dục, Khoa học và
Văn hóa của Liên hiệp quốc
VHDT
Văn hóa dân tộc
VHNT
Văn hóa nghệ thuật
VHTT
Văn hóa - Thông tin
MỤC LỤC
MỞ ĐẦU ...................................................................................................... 1
Chương 1: NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG VỀ BẢO TỒN, PHÁT HUY
VÀ VỀ NGHỀ TÒ HE TRUYỀN THỐNG TẠI LÀNG XUÂN LA .......... 8
1.1. Một số khái niệm chung ........................................................................ 8
1.1.1. Quản lý và quản lý nhà nước về văn hóa ........................................... 8
1.1.2. Bảo tồn ............................. .................................................................. 9
1.1.3. Phát huy ........... ................................................................................. 11
1.1.4. Nghề và nghề truyền thống .............................................................. 13
1.1.5. Tò he và nghề tò he ............ .............................................................. 15
1.2. Nội dung bảo tồn và phát huy ............................................................. 16
1.3. Căn cứ pháp lý để quản lý hoạt động bảo tồn và phát huy nghề
truyền thống ........ ....................................................................................... 17
1.4. Về làng Xuân La và về nghề tò he tại làng Xuân La .......................... 18
1.4.1. Về làng Xuân La ................... ........................................................... 18
1.4.2. Về nghề tò he tại làng Xuân La ........................................................ 23
1.5. Những giá trị của nghề tò he truyền thống tại làng Xuân La .............. 30
1.5.1. Giá trị văn hóa....................... ........................................................... 30
1.5.2. Giá trị cho sinh kế ............... ............................................................. 35
Tiểu kết ....................................................................................................... 36
Chương 2: HIỆN TRẠNG CÔNG TÁC BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY
NGHỀ TÒ HE TRUYỀN THỐNG TẠI LÀNG XUÂN LA ..................... 38
2.1. Cơ chế phối hợp trong việc bảo tồn và phát huy nghề tò he truyền
thống ........................................................................................................... 38
2.1.1. Cơ quan quản lý nhà nước cấp xã .................................................... 38
2.1.2. Cộng đồng dân cư làng Xuân La, xã Phượng Dực, huyện Phú
Xuyên, Hà Nội ............................................................................................ 40
2.1.3. Cơ chế phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước và người dân địa
phương trong việc bảo tồn và phát huy nghề tò he .................................... 42
2.2. Quản lý hoạt động bảo tồn và phát huy nghề tò he truyền thống ....... 43
2.2.1. Ban hành hướng dẫn văn bản dưới luật của địa phương và các cơ
quan tham gia bảo tồn và phát huy nghề tò he ........................................... 43
2.2.2. Công tác nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê, đánh giá giá trị nghề tò he
truyền thống tại làng Xuân La .................................................................... 46
2.2.3. Công tác vinh danh nghệ nhân tò he làng Xuân La ......................... 49
2.2.4. Công tác khôi phục, truyền nghề và phát triển nghề tò he làng
Xuân La ...................................................................................................... 52
2.2.5. Thanh kiểm tra và thi đua khen thưởng ........................................... 55
2.3. Ưu điểm và hạn chế trong công tác bảo tồn và phát huy nghề tò he
làng Xuân La .............................................................................................. 57
2.3.1. Ưu điểm ............................................................................................ 58
2.3.2. Hạn chế ............................................................................................. 59
Tiểu kết ....................................................................................................... 65
Chương 3: ĐỊNH HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP BẢO TỒN, PHÁT HUY
NGHỀ TÒ HE TRUYỀN THỐNG TẠI LÀNG XUÂN LA ..................... 67
3.1. Định hướng .......................................................................................... 67
3.2. Các giải pháp ....................................................................................... 70
3.2.1. Các giải pháp về bảo tồn .................................................................. 70
3.2.2. Các giải pháp về phát huy ................................................................ 79
Tiểu kết ....................................................................................................... 92
KẾT LUẬN ................................................................................................ 93
TÀI LIỆU THAM KHẢO .......................................................................... 95
PHỤ LỤC .................................................................................................. 100
1
MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Nghề thủ công truyền thống từ nhiều thế kỷ qua cùng với những biến
cố của đất nước, đều có sự thăng trầm - gắn với một “sứ mệnh” vừa nhân
văn vừa cao cả. Sứ mệnh đó là lưu giữ lại những giá trị văn hóa truyền
thống, góp phần không nhỏ tạo nên bản sắc văn hóa của mỗi làng quê. Đây
chính là yếu tố gắn kết tình người sống trong cùng một xóm làng, lại đóng
một vai trò cốt yếu để sản xuất ra các sản phẩm tiêu dùng. Cùng với đó,
nghề truyền thống có nhiệm vụ giải quyết việc làm cho người lao động ở
những cộng đồng dân cư. Mỗi sản phẩm của nghề truyền thống được ví
như những tác phẩm nghệ thuật, phong tục, tập quán của xã hội đất nước
Việt Nam xưa nay.
Bảo tồn và phát huy nghề thủ công truyền thống chính là làm tăng
sức mạnh nội lực của dân tộc bởi nó mang trong mình những kết tinh trí tuệ
và nhân văn của con người nhưng lại đang đứng trước nguy cơ bị mai một
và lãng quên. Nghề thủ công truyền thống mà tôi nhắc đến chính là nghề tò
he truyền thống ở làng Xuân La, xã Phương Dực, huyện Phú Xuyên, thành
phố Hà Nội.
Tò he từ xưa kia đã có một tầm quan trọng đối với hoạt động vui
chơi, giải trí và giáo dục cho trẻ em Việt Nam. Là một món đồ chơi mang
giá trị dân gian hết sức độc đáo, tinh tế, khoa học gắn với bản sắc dân tộc.
Tò he là sự đúc kết từ trí tuệ dân gian truyền thống, giản dị và mộc mạc
như những câu đồng dao cổ. Sức hút của tò he chưa bao giờ bị phai mờ bởi
tài nghệ của những người thợ và cách tạo hình hết sức ấn tượng, hồn nhiên
của chính nó. Có chăng, là vì những thăng trầm lịch sử của đất nước bởi
chiến tranh, đói khổ... mà người ta phải tạm gác lại, tạm quên đi một nét
đẹp văn hóa dân gian đã từng tồn tại hơn 300 năm. Chính sách khôi phục
nghề truyền thống của Nhà nước năm 1992, là bước ngoặt trở mình tỉnh
2
dậy của nghề tò he truyền thống duy nhất tại Việt Nam. Tuy nhiên, trước sự
lấn sân của các sản phẩm trò chơi hiện đại trong nước và ngoài nước trên
thị trường nội địa và ngoại địa, tò he đang có những sự yếu thế, mất đi khả
năng cạnh tranh sẵn có. Trong khi đó, mặt trái của nền công nghiệp hóa,
hiện đại hóa đang một lúc lớn dần theo thời gian, khi mà giới trẻ càng ngày
càng phụ thuộc vào máy móc, chìm đắm trong game bạo lực, mạng xã hội
ảo... tiếp thu từ nền văn hóa Tây phương. Chính những điều bất lợi đó, làm
thui chột đi khả năng sáng tạo, quan sát hay những đức tính tốt đẹp, được
giáo dục ngay từ đầu khi trẻ em tiếp xúc với thế giới. Và, để khắc phục
được những điều đó, tò he lại làm rất tốt khi sở hữu một vẻ đẹp ngây thơ
hồn nhiên, thân thiện với môi trường, hết sức an toàn với trẻ nhỏ và mang
tính giáo dục, tính nhân văn cao. Trẻ em chính là những thế hệ ươm mầm
quyết định cho tương lai sau này của đất nước. Chúng ta không có quyền
làm mất đi tuổi thơ trong sáng, hồn nhiên và năng động của chúng chỉ vì
nhịp sống vội vã.
Nghề tò he không chỉ là sinh kế mà còn là một hoạt động mang tính
văn hóa rất hấp dẫn và có giá trị. Sản phẩm của nghề tò he không chỉ cung
cấp cho trẻ em vui chơi mà nó đã hình thành nên một tập quán văn hóa đặc
thù và điển hình ở châu thổ Bắc Bộ. Do đó việc bảo tồn và phát huy nghề
tò he không chỉ có ý nghĩa đảm bảo sinh kế cho một bộ phận cư dân mà
còn có ý nghĩa trong việc bảo tồn một loại hình văn hóa dân gian đặc sắc.
Sự phát triển nhanh chóng của xã hội đã có những tác động và ảnh
hưởng lớn đến sức sống của tò he. Trong thời điểm hiện tại, loại hình đồ
chơi dân gian này không những không bị triệt tiêu mà còn phát triển mạnh
mẽ hơn. Hiện nay, tò he đã từng bước khôi phục và khẳng định giá trị của
mình, thế nhưng vẫn không thiếu những lý do ngáng đường cho sự phát
triển từ nội lực của nghề, khiến nghề đứng trước những khó khăn trong việc
tìm đầu ra cho sản phẩm, tận dụng triệt để thị trường trong và ngoài nước,
3
phát triển theo con đường du lịch và thương mại làng nghề để lưu giữ lại
những giá trị văn hóa, bản sắc dân tộc. Và hơn hết là góp phần xây dựng lại
một tâm hồn lành mạnh, một nếp sống khoa học, hài hòa với thiên nhiên và
môi trường mà trẻ em Việt Nam đang dần bị mất đi bởi những mặt trái của
nền công nghiệp hiện đại.
Chính vì những lý do đã nêu trên, tôi quyết định chọn đề tài “Bảo
tồn và phát huy nghề tò he truyền thống tại làng Xuân La, xã Phượng
Dực, huyện Phú Xuyên, Hà Nội” làm luận văn tốt nghiệp thạc sĩ chuyên
ngành Quản lý văn hóa.
2. Lịch sử nghiên cứu
Một số nghiên cứu về bảo tồn và phát huy nghề nặn tò he làng Xuân
La, xã Phương Dực, huyện Phú Xuyên đã từng thực hiện:
- Khóa luận tốt nghiệp ngành Bảo tồn bảo tàng của Lê Thị Hồng Thơ
thực hiện năm 2008 tại Trường Đại học Văn hóa, khoa Bảo Tàng: Tìm hiểu
nghề nặn tò he Xuân La một nét đẹp văn hóa dân gian. Tác giả tìm hiểu,
nghiên cứu tổng quan về lịch sử, con người Xuân La, lịch sử nghề và tổ
nghề nặn tò he cùng với các phân tích về nguyên liệu, cách làm ra thành
phẩm. Nêu ra thực trạng của làng nghề ở thời điểm tính đến năm 2008 và
đưa một số phương pháp bảo tồn và phát triển làng nghề.
- Khóa luận tốt nghiệp ngành Văn hóa du lịch của Nguyễn Thanh
Hương thực hiện năm 2011 tại Trường Đại học Văn hóa, khoa Văn hóa Du
lịch: Khai thác giá trị độc đáo của làng nghề tò he Xuân La để phát triển
du lịch. Tác giả chủ yếu nghiên cứu về các giải pháp đưa làng nghề Xuân
La phát triển theo hướng du lịch làng nghề cũng như chỉ ra được hiện trạng
khai thác du lịch tại làng nghề tò he Xuân La.
- Trong cuốn Phát triển làng nghề truyền thống trong quá trình công
nghiệp hoá, hiện đại hoá của tác giả Mai Thế Hớn (2003), Nxb Chính trị
4
Quốc gia nghiên cứu kỹ những thách thức mà các làng nghề truyền thống
trong nước phải đối mặt trong thời kỳ công nghiệp hóa hiện đại hóa.
- Trong cuốn Các công trình nghiên cứu của Bảo tàng dân tộc học
Việt Nam, tập 4 do tác giả Nguyễn Văn Huy chủ biên (2004), Nxb Khoa
học Xã hội đã cho người đọc biết về nghề tò he Xuân La xưa kia về tổ
nghề, các công đoạn làm tò he và những nghệ nhân dân gian tài năng, nổi
tiếng trong nghề nặn tò he.
- Trong cuốn Văn hóa dân gian do Viện Văn hóa Dân gian Việt Nam
biên soạn (2007), Nxb Viện Văn hóa Dân gian, Ủy ban Khoa học Xã hội
Việt Nam đã giới thiệu sơ lược về lịch sử xã Phương Dực, đánh giá và phân
tích các giá trị của nghề và sản phẩm tò he, đưa tò he đặt vào thế giới quan
của thị trường tiêu thụ một cách khách quan và thỏa đáng.
- Trong cuốn Lễ hội Việt Nam do tác giả Lê Trung Vũ, tác giả Lê
Hồng Lý đồng chủ biên (2000), Nxb Văn hóa - Thông tin đã nhắc đến tò he
là một món quà quê - một kỷ niệm không thể thiếu trong dịp lễ hội tặng cho
người thân.
- Trong cuốn Frequently Asked Questions about Vietnamese Culture
(Tủ sách hỏi đáp về Văn hóa Việt Nam), tập 2 - Tết Trung thu (tham khảo
biên dịch Văn hóa Việt Nam) do tác giả Hữu Ngọc và Lady Borton đồng chủ
biên (2004), Nxb Thế giới đã đề cập đến lịch sử 300 năm của nghề tò he, mô
tả ngôn ngữ hình khối và màu sắc của sản phẩm tò he, đánh giá giá trị kinh tế
của tò he mang lại cho người dân Xuân La ở thành thị và nông thôn.
- Trong cuốn Văn hóa kinh doanh thời đổi mới: Những bài báo và
phóng sự chọn lọc do tác giả Ngô Minh Khôi chủ biên (2000), Nxb Thuận
Hóa đã nói về tò he đặt trong bối cảnh làng quê tương tác đối tượng trẻ em
là một trò chơi dân dã, giản dị, lưu động và phong phú.
Bên cạnh đó, đã có rất nhiều những bài báo, tạp chí hay những phóng
sự nhắc đến tò he làng Xuân La nhưng chỉ dừng ở mức mang tính giới
5
thiệu tổng quan chưa chuyên sâu. Những cuốn sách viết về làng nghề
truyền thống như của các tác giả nối tiếng cũng ít nhắc tới.
Như vậy, chưa có một tác giả nào tiến hành nghiên cứu sâu về vấn đề
Bảo tồn và phát huy nghề nặn tò he làng Xuân La một cách toàn diện và
thực tế nhất thông qua các giai đoạn phát triển tính cho đến năm 2018. Do
vậy, việc nghiên cứu tìm ra các giải pháp bảo tồn và phát huy từ thực tiễn
một cách toàn diện và sát sao nhất, đáp ứng được đúng yêu cầu bảo tồn,
khôi phục, phát huy giá trị vật chất và tinh thần của nghề tiểu thủ công nặn
tò he làng Xuân La trong thời đại mới là một vấn đề cấp thiết trong thời
điểm hiện tại là một đòi hỏi mới của thực tiễn. Trong quá trình nghiên cứu,
luận văn đã tiếp thu và nghiên cứu các thành quả của công trình nghiên đi
trước, kết hợp với công tác điều tra, nghiên cứu thực địa, phỏng vấn thu thập
thông tin từ đó phân tích được thực trạng và những vấn đề đặt ra từ đó tìm ra
hướng đi rõ ràng, giải quyết những vấn đề thực tiễn bám sát vào mục đích bảo
tồn và phát huy nghề nặn tò he làng Xuân La gắn với xu hướng công nghiệp
hóa, hiện đại hóa ngày nay.
3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
3.1. Mục đích nghiên cứu
Luận văn đi sâu vào vấn đề nâng cao hiệu quả bảo tồn và phát huy nghề
tò he truyền thống tại làng Xuân La, xã Phương Dực, huyện Phú Xuyên.
3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu
Làm rõ các khái niệm liên quan và nội dung công tác bảo tồn và phát
huy nghề truyền thống.
Trình bày các văn bản pháp luật làm cơ sở khoa học, pháp lý cho
công tác quản lý nhà nước về bảo tồn và phát huy nghề truyền thống tò
he làng Xuân La.
Khái quát quá trình hình thành, phát triển của nghề tò he làng Xuân
La, xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên; đánh giá giá trị, vai trò của nghề tò
he trong đời sống kinh tế, văn hóa xã hội của người dân xã Phượng Dực.
6
Xác định, đánh giá thực trạng của nghề tò he trong bối cảnh kinh tế thị
trường, văn hóa xã hội của huyện Phú Xuyên; xác định những ưu điểm và
nhược điểm trong vấn đề bảo tồn và phát huy của nghề tò he làng Xuân La;
đưa ra những phương pháp nhằm bảo tồn và phát huy nghề tò he làng Xuân
La trong giai đoạn hiện nay.
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
4.1. Đối tượng nghiên cứu
Quản lý hoạt động bảo tồn và phát huy nghề tò he truyền thống tại
làng Xuân La, xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội.
4.2. Phạm vi nghiên cứu
Về không gian nghiên cứu: Nghiên cứu nghề tò he làng Xuân La tại
xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội.
Về thời gian: Nghiên cứu nghề tò he làng Xuân La từ 1992 (mốc thời
gian đánh dấu sự vực dậy của tò he do chính sách khôi phục nghề truyền
thống của Đảng và Nhà nước) cho đến nay.
5. Phương pháp nghiên cứu
Luận văn sử dụng cách tiếp cận liên ngành và tổng hợp nhiều
phương pháp để phục vụ công tác nghiên cứu trên địa bàn cụ thể:
- Cách tiếp cận liên ngành: lịch sử, văn hóa học, xã hội học.
- Các phương pháp:
+ Phương pháp thống kê, phân tích, tổng hợp tài liệu: Kế thừa các
công trình nghiên cứu liên quan đến đối tượng nghiên cứu của Luận văn.
+ Phương pháp điền dã, khảo sát thực tế: tiến hành phỏng vấn các
đối tượng là các nghệ nhân tò he, các cán bộ quản lý địa phương trong
ngành văn hóa thể thao và du lịch.
6. Những đóng góp của luận văn
- Luận văn tập hợp và cung cấp những quan điểm về công tác bảo tồn,
phát huy di sản văn hóa nói chung, nghề tò he nói riêng, lấy đó làm cơ sở lý
luận, tài liệu tham khảo cho các nghiên cứu về nghề tò he làng Xuân La.
7
- Tổng hợp những truyền thuyết về sự ra đời, tồn tại và phát triển cũng
như những giá trị đặc sắc của nghề tò he và sản phẩm tò he làng Xuân La.
- Luận văn từ thực trạng nghề tò he làng Xuân La nêu ra những khó
khăn, thuận lợi trong việc bảo tồn và phát huy nghề tò he làng Xuân La,
đưa ra những giải pháp cho vấn đề giữ gìn, trao truyền, phát triển nghề tò
he làng Xuân La.
7. Cấu trúc của luận văn
Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Tài liệu tham khảo và Phụ lục, Luận
văn gồm có 03 chương, cụ thể như sau:
Chương 1: Những vấn đề chung về bảo tồn, phát huy và về nghề tò
he truyền thống tại làng Xuân La
Chương 2: Hiện trạng bảo tồn và phát huy nghề tò he truyền thống
tại làng Xuân La
Chương 3: Định hướng và Giải pháp bảo tồn, phát huy nghề tò he
truyền thống tại làng Xuân La
8
Chương 1
NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG VỀ BẢO TỒN, PHÁT HUY VÀ
VỀ NGHỀ TÒ HE TRUYỀN THỐNG TẠI LÀNG XUÂN LA
1.1. Một số khái niệm chung
1.1.1. Quản lý và quản lý nhà nước về văn hóa
1.1.1.1. Quản lý
Quản lý là một vấn đề ngày càng được quan tâm và chú ý nhiều hơn
khi xã hội loài người phát triển, sinh ra các hoạt động tổ chức, sự phân
công lao động. Tất cả các tổ chức không phân biệt nhỏ hay lớn đều cần yếu
tố quản lý làm tiền cơ bản để tồn tại và tuân thủ. Ngày nay, khái niệm về
quản lý có rất nhiều cách giải thích.
Theo nghĩa Hán Việt: “Quản” có nghĩa là trông coi, gìn giữ theo
những yêu cầu nhất định; “Lý” có nghĩa là tổ chức và điều khiển theo các
hoạt động yêu cầu nhất định [20, tr.265].
Trong cuốn Hán Việt Từ điển hiện đại định nghĩa: “Quản lý là sự
trông nom, coi sóc, quản thúc, bó buộc ai đó theo một khuôn mẫu, quy
định, nguyên tắc, luật pháp đã đề ra” [26, tr.489].
“Quản lý là hoạt động tác động một cách có tổ chức và định hướng
của chủ thể quản lý vào một đối tượng để điều chỉnh các quá trình phát
triển xã hội và hành vi của con người, nhằm duy trì tính ổn định và phát
triển đối tượng theo những mục tiêu đề ra” [19, tr.5].
Quản lý ở nước ta ngoài ra còn được hiểu là sự can thiệp của lãnh
đạo nhằm giám sát, tổ chức, điều hành con người trong mối quan hệ cấp
trên, cấp dưới.
Tóm lại, quản lý có thể hiểu là một hoạt động giám sát, điều hành
theo một định hướng nhất định nhằm đưa đối tượng, tổ chức nào đó phát
triển theo hướng ổn định, bền vững, có tổ chức.
9
1.1.1.2. Quản lý nhà nước về văn hóa
Khái niệm về quản lý nhà nước: Quản lý nhà nước là sự tác động
có tổ chức và điều chỉnh bằng quyền lực nhà nước đối với quá
trình xã hội và hành vi hoạt động của công dân do các cơ quan
nhà nước hành pháp từ Trung ương đến cơ sở tiến hành để thực
hiện chức năng và nhiệm vụ của Nhà nước, phát triển các mối
quan hệ, duy trì trật tự an ninh, thỏa mãn những nhu cầu hằng
ngày của nhân dân [22, tr.19].
“Quản lý nhà nước về văn hóa là sự tác động liên tục, có tổ chức, có
chủ đích của Nhà nước bằng hệ thống pháp luật và bộ máy nhằm phát triển
văn hóa, điều chỉnh hoạt động của mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân trong lĩnh
vực văn hóa và liên quan” [19, tr.2].
Quản lý nhà nước về văn hóa chính là sự lãnh đạo, định hướng, điều
hành các hoạt động của các cơ quan, các tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực
văn hóa nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đất
nước Việt Nam với tinh thần xây dựng một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà
bản sắc dân tộc.
1.1.2. Bảo tồn
Trên thế giới hiện nay có rất nhiều quan điểm khác nhau về bảo tồn.
Các quan điểm về bảo tồn di sản văn hóa sẽ tùy thuộc vào từng loại hình di
sản mà đưa ra các quan điểm bảo tồn khác nhau để vừa giữ được những giá
trị nguyên gốc nhưng vẫn phát huy được những giá trị của nó trong xã hội
đương đại. Các quan điểm bảo tồn lớn có thể kể đến như quan điểm bảo tồn
nguyên trạng, quan điểm bảo tồn trên cơ sở kế thừa và quan điểm bảo tồn
phát triển.
“Đầu tiên, quan điểm bảo tồn nguyên vẹn được phát triển từ những
năm 50 của thế kỷ XIX. Bảo tồn là giữ lại, không bị mất đi, không bị thay
10
đổi, biến hóa, hoặc biến thái” [5, tr.168]. Đây là quan điểm được khá nhiều
học giả ủng hộ, đặc biệt là các nhà bảo tồn, bảo tàng trong lĩnh vực di sản
văn hóa. Với quan điểm này, những thành tựu về vật chất và tinh thần ở các
thời đại trước cần được bảo vệ một cách nguyên vẹn, nguyên gốc và cách
biệt với những tác động của xã hội đương đại. Bởi mỗi tác động từ môi
trường ngoại cảnh xét theo cấp độ thời gian sẽ sinh ra thêm các giá trị văn
hóa khác giống như các tầng văn hóa chồng chất lên nhau nên không thể
đảm bảo sự bảo toàn vẹn nguyên về mặt ý nghĩa, giá trị mà lớp thế hệ trước
đã chuyển giao lại. Cũng từ đó mà các thế hệ sau sẽ không thể phát huy
những di sản đó một cách thích hợp, đúng như lý do chúng đã xuất hiện và
tồn tại và khiến họ cũng gặp khó khăn trong việc tìm cách truy nguyên lại
những giá trị vốn có. Đây là quan điểm bảo tồn nguyên trạng khá thịnh
hành trên thế giới vừa đơn giản lại dễ hiểu. Thế nhưng nhược điểm của nó
là mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển. Nếu chỉ bảo tồn nguyên vẹn thì di
sản chỉ có ý nghĩa trong quá khứ và mất đi khả năng phát huy giá trị ở thời
điểm hiện tại. Với quan điểm này, các sản phẩm văn hóa được bảo vệ trong
môi trường khép kín và mang lại một số kết quả rất đáng quan tâm. Tuy
nhiên, quan điểm này có hạn chế là làm khô cứng các sản phẩm văn hóa.
Quan điểm thứ hai về bảo tồn là bảo tồn trên cơ sở kế thừa: không
chỉ những đồ tạo tác hay những tòa nhà mà cả các bộ sưu tập và
các di sản khác cũng được bảo tồn dựa vào kế thừa; các tiêu chí
lựa chọn không chỉ phụ thuộc vào bản chất bên trong của di sản
mà cả những yếu tố nằm bên ngoài, không thuộc về bản chất của
di sản; không chỉ quan tâm đến hình thức mà còn cả các chức
năng của di sản [5, tr.176].
Với quan điểm này, sản phẩm văn hóa nào có sức sống mãnh liệt,
có giá trị, có nền tảng vững chắc do được chắt lọc, chưng cất, được thử
11
thách qua nhiều bước thăng trầm của lịch sử sẽ có nhiều cơ hội và lợi thế tự
khẳng định mình nhiều hơn. Điều đó phụ thuộc vào các tiêu trí và hệ giá trị.
Bảo tồn kế thừa không phải là cố gắng dập khuôn nguyên gốc, khư khư giữ
nguyên như cũ, bất di bất dịch, mà là bảo tồn vừa có sự kế thừa vừa có sự
bổ sung những yếu tố mới, làm cho nó tương thích và có sức sống trong
hoàn cảnh mới. Từ đó, văn hóa chỉ có thể tồn tại và phát triển trên cơ sở
chuyển hóa những giá trị văn hóa của quá khứ và tiếp tục được nâng cao,
phát triển thành nền văn hóa mới, vừa hiện đại và đậm đà bản sắc dân tộc.
Tuy nhiên, với quan điểm bảo tồn này, các giá trị văn hóa đích thực có thể
bị đánh mất hay dẫn đến những hành vi biến dạng, bóp méo di sản.
Nhìn chung, các quan điểm bảo tồn cần được nghiên cứu và lựa chọn
trong các hiện tượng đang có nguy cơ bị mất đi, những yếu tố, những khả
năng tiềm ẩn để làm cho chúng tồn tại cùng với sự phát triển đi lên của
cuộc sống. Mục đích cao nhất của bảo tồn chính là đưa di sản vào cuộc
sống để phát huy giá trị của chúng. Các quan điểm trên cần được nhìn nhận
linh hoạt. Và để hiểu một cách đầy đủ và đúng nghĩa, tránh những cách
hiểu máy móc, siêu hình, thiếu cái nhìn biện chứng về khái niệm bảo tồn, bảo
tồn cần được đặt trong mối quan hệ với phát huy. Có như vậy, hoạt động bảo
tồn mới có ý nghĩa và có tính khả thi mà không trở thành lực cản đối với sự
phát triển của xã hội. Trong vấn đề bảo tồn, người làng Xuân La vẫn tiếp tục
làm tò he chính là cách bảo tồn sống và là cách bảo tồn tốt nhất.
1.1.3. Phát huy
“Phát huy là làm cho cái hay, cái tốt lan rộng tác dụng và tiếp tục phát
triển thêm” [38, tr.759].
Ở lĩnh vực di sản văn hóa, phát huy được sử dụng để đưa giá trị văn
hóa đến với cộng đồng, giúp cộng đồng phát triển kinh tế và đáp ứng cho
công tác bảo tồn di sản văn hóa hoàn thiện hơn. Nằm trong mối quan hệ
biện chứng với bảo tồn, phát huy di sản văn hóa cần thực hiện kế thừa có
12
chọn lọc những tinh hoa văn hóa của đời trước để lại, làm cho các giá trị
của di sản văn hóa thấm sâu, lan tỏa vào đời sống cộng đồng; phát huy
cần mở rộng giao lưu văn hóa để làm giàu thêm bản sắc văn hóa và làm
thăng hoa giá trị văn hóa trong bối cảnh toàn cầu hóa; và nhằm mục tiêu
phát triển du lịch bền vững, phục vụ tích cực cho công tác bảo tồn di sản
văn hóa.
Theo quan điểm của UNESCO, phát huy được hiểu là những cái hay,
cái đẹp, cái tốt tỏa tác dụng và tiếp tục nảy nở từ ít đến nhiều, từ hẹp đến
rộng, từ đơn giản đến phức tạp. Có thể thấy, phát huy các giác trị văn hóa
cần phải kế thừa chọn lọc những tinh hoa văn hóa đời trước để lại, để các
giá trị ấy thấm sâu, lan tỏa vào đời sống của cộng đồng xã hội. Sự tích lũy
trong quá khứ, trải qua thời gian của lịch sử, các giá trị văn hóa trở thành
một bộ phận quan trọng hợp thành vốn di sản văn hóa quý báu của dân tộc
và cũng có thể là của nhân loại. Bởi vậy, phát huy các giá trị di sản văn hóa
phải kế thừa được những phần chọn lọc ấy, sáng tạo thêm để cộng đồng có
thể nhận diện, trân trọng những giá trị ấy, tránh có cái nhìn phiến diện, khơi
lên lòng tự hào dân tộc nhằm chung tay bảo tồn di sản văn hóa địa phương,
dân tộc và nhân loại. Sự đúc kết kinh nghiệm từ thực tiễn sao cho phù hợp
với thời đại mới từ đó xây dựng và phát triển kinh tế là mục tiêu của phát
huy. Bên cạnh đó, phát huy cần kết hợp với việc mở rộng giao lưu văn hóa
làm giàu thêm bản sắc văn hóa và làm thăng hoa các giá trị văn hóa trong
bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay.
Qua thực tiễn của quá trình phát triển sự vật hiện tượng, có thể nói,
mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển luôn đặt ra trong tiến trình này. Bảo
tồn di sản văn hóa không chỉ là cất giữ để không đánh mất, để giữ gìn bản
sắc dân tộc, bảo tồn là để phát triển, khai thác các giá trị văn hóa truyền
thống là làm cho nó có thể sống lại, làm cho các giá trị đó tồn tại trong đời
13
sống thực, năng động hóa các hình thức tồn tại của di sản văn hóa trên cơ
sở thu hút sự quan tâm của các tầng lớp của xã hội, nhờ đó mà các giá trị
được vận hành, thâm nhập vào cuộc sống hiện tại. Phát huy chính là để
đưa các giá trị văn hóa đến với cộng đồng, thực hiện phát triển kinh tế và
đáp ứng cho công tác quản lý hoạt động bảo tồn di sản văn hóa được
hoàn thiện hơn.
1.1.4. Nghề và nghề truyền thống
1.1.4.1. Khái niệm nghề, nghề truyền thống
Khái niệm nghề: “Nghề là công việc chuyên môn theo sở trường
hoặc theo sự phân công của xã hội” [38, tr.702]. Như vậy có thể hiểu, nghề
là một sự lựa chọn có tính dài lâu và ổn định mà mỗi người có thể dựa vào
đó có được thu nhập để phục vụ cho đời sống của mình. Sự đào tạo chính
là tiền đề tạo nên các tri thức, kinh nghiệm, kỹ năng... cho một nghề để
tạo ra các loại sản phẩm đáp ứng các nhu cầu của xã hội. Nghề bao gồm
nhiều chuyên môn. Nghề thường gắn với nghiệp. Nghiệp là sự phát triển
cao hơn của nghề, khi nghề đó gắn bó mật thiết với toàn bộ cuộc đời của
một con người.
Một số khái niệm về nghề truyền thống:
Nghề truyền thống: Thông thường là những nghề tiểu thủ công
nghiệp được hình thành, tồn tại và phát triển lâu đời trong lịch sử,
được sản xuất tập trung tại một làng hay một vùng nào đó. Từ đó
hình thành các làng nghề, phố nghề, xã nghề. Đặc trưng cơ bản
nhất của nghề truyền thống là nghề đó phải tạo ra các sản phẩm
đáp ứng các yêu cầu của cuộc sống xã hội, tồn tại trong thời gian
dài, được giữ gìn, trao truyền và kế tục trong những khoảng thời
gian tiếp sau. Những nghề được coi là truyền thống đều phải có
kỹ thuật và công nghệ đi kèm với quy trình sản xuất, đồng thời
14
phải có các nghệ nhân và đội ngũ thợ lành nghề. Các sản phẩm
làm ra của các nghề truyền thống vừa có tính kinh tế khi nó là
hàng hóa, vừa có tính nghệ thuật khi nó là các sản phẩm mang
đậm bản sắc văn hóa dân tộc [49].
Nghề truyền thống: là nghề sản xuất hoàn toàn hay một phần bằng
chân tay những vật dụng trang trí, tiêu dùng, đòi hỏi các kỹ năng tay
chân và nghệ thuật, được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, áp
dụng trong sản xuất hàng hóa quy mô nhỏ. Nghề thủ công thường
được chia thành các lĩnh vực: văn hóa tinh thần; sản xuất, chế biến
hàng tiêu dùng; chế biến lương thực thực phẩm… [39, tr.7].
Nghề thủ công truyền thống đã xuất hiện rất lâu trong lịch sử mỗi
dân tộc, gắn với các giai đoạn phát triển kinh tế xã hội. Bởi vậy, những sản
phẩm, hàng hóa của nghề truyền thống thường mang những giá trị bản sắc
văn hóa độc đáo, mang tính bản địa, đúc kết các kinh nghiệm, thực tiễn sâu
sắc. Phạm vi phát triển của nghề thủ công truyền thống nằm trong đơn vị
làng xã nên phần đông những người dân trong làng đều biết nghề, hiểu về
đặc tính sản phẩm, quy trình sản xuất, đầu ra…
Sự ra đời, tồn tại và phát triển của nghề truyền thống vốn lâu đời nên
mang tính lịch sử, vì vậy sẽ luôn có sự biến đổi, mở rộng… để thích nghi
với từng giai đoạn, thời đại. Nghề truyền thống ngày nay kết hợp với những
thành tựu của khoa học kỹ thuật, đã được hỗ trợ ít nhiều trong quy trình
hay phương tiện sản xuất, trong việc sử dụng nguồn lao động hay cả vấn đề
nguyên liệu, chất liệu sử dụng. Chính vì vậy, đặc điểm đặc trưng của những
nghề truyền thống đặt trong thời đại phát triển khoa học kỹ thuật ngày nay,
có bề dày lịch sử lâu đời, được lưu truyền qua các thế hệ là được hỗ trợ, áp
dụng các phương pháp, kỹ thuật sản xuất mới nhưng vẫn đảm bảo tính thủ
công truyền thống và sản phẩm vẫn giữ được những nét đặc sắc của văn
hóa dân tộc.
15
1.1.5. Tò he và nghề tò he
1.1.5.1. Tò he
Tò he là một đồ chơi dân gian cho trẻ em quen thuộc với các thế hệ
người Việt và đặc biệt in sâu vào tuổi thơ mỗi người. Với cách tạo hình đầy
sinh động, hấp dẫn, người nặn tò he như là một nghệ sĩ và tò he chính là
một tác phẩm nghệ thuật đầy màu sắc tươi vui, rạng rỡ. Tò he có thể ăn
được và là đồ chơi đảm bảo tính an toàn cho trẻ nhỏ.
Là một trong số ít những trò chơi dân gian còn lưu truyền đến ngày
nay, tò hè có một lịch sử hình thành và phát triển mang đặc trưng của nền
văn hóa nông nghiệp miền Bắc Việt Nam. Tò he xuất phát điểm vốn là một
sản phẩm phục vụ cho nhu cầu tâm linh, cúng bái với các mâm ngũ quả,
các con vật như công, gà, lợn, cá... Vì vậy, tò he ban đầu được gọi là đồ
chơi chim cò. Ở một số nơi ở miền Bắc, người ta còn gọi là "con bánh" vì
bên cạnh hình thù các con vật, tò he còn được nặn thành nải chuối, quả cau,
chân giò, đĩa xôi... tạo thành mâm cỗ để đi chùa dâng cúng. Loại sản phẩm
này có màu sắc tương đối giống đồ thực và có pha thêm chút đường nên có
thể ăn được. Sau này, sản phẩm được gắn với một chiếc kèn ống, ở đầu kèn
có quét chút mạch nha, khi thổi phát ra âm thanh "tò te" thế nên có tên là
"tò te", sau này đổi thành "tò he".
Nghệ nhân ưu tú Chu Tiến Công sau nhiều năm gắn bó với nghề đã
đưa ra khái niệm về tò he như sau: “Tò he được làm từ bột gạo nguyên chất
nuôi sống con người, được tạo hình thành các loại động vật, cây cảnh,
mâm xôi… với những màu sắc phối hợp sinh động, vui mắt lâu dần được
trẻ con ưa thích trở thành một món đồ chơi dân gian” [Phụ lục 7, tr.149].
1.1.5.2. Nghề tò he
Thông qua quá trình tìm hiểu, đúc kết từ những thuật ngữ, khái niệm,
những kinh nghiệm từ các nghệ nhân tò he, chúng tôi đưa ra quan điểm về
nghề tò he như sau:
16
“Nghề tò he là nghề thủ công truyền thống tại làng Xuân La, xã
Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, Hà Nội đã có từ lâu đời, trước đây còn gọi
là nghề chim cò thuộc vào hàng con bánh, vì làm từ bột gạo nguyên chất
nuôi sống con người. Sản phẩm được gọi với tên chung là tò he với những
hình dáng phong phú từ động vật đến cây cảnh và con người”.
1.2. Nội dung bảo tồn và phát huy
Nội dung bảo tồn và phát huy làng nghề, nghề truyền thống trong
Luật di sản văn hóa số 28/2001/QH10:
Điều 24: Nhà nước có chính sách khuyến khích việc duy trì, phục hồi
và phát triển các nghề thủ công truyền thống có giá trị tiêu biểu; nghiên cứu
và ứng dụng những tri thức về y, dược học cổ truyền; duy trì và phát huy
giá trị văn hóa ẩm thực, giá trị về trang phục truyền thống dân tộc và các tri
thức dân gian khác.
Điều 26: Nhà nước tôn vinh và có chính sách đãi ngộ đối với nghệ
nhân, nghệ sĩ nắm giữ và có công phổ biến nghệ thuật truyền thống, bí
quyết nghề nghiệp có giá trị đặc biệt.
Những nội dung được đề ra ở Điều 24 và Điều 26 đã khẳng định
được Nhà nước rất coi trọng và quan tâm tới việc bảo tồn và phát huy các
giá trị văn hóa truyền thống. Đây cũng là phương châm và cơ sở để các cơ
quan cấp quản lý liên quan thực thi và đưa ra những chính sách, văn bản
dưới luật nhằm bảo tồn và phát huy di sản văn hóa nói chung, nghề truyền
thống nói riêng.
Đi kèm với nội dung bảo tồn và phát huy nghề truyền thống, Nhà
nước còn đề ra những hoạt động quản lý về văn hóa bao gồm:
- Hoạt động xây dựng, ban hành các chủ trương và văn bản dưới
luật về văn hoá.
- Hoạt động tổ chức thực hiện của bộ máy các cơ quan quản lý
nhà nước về văn hoá.
17
- Hoạt động thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực
văn hoá.
1.3. Căn cứ pháp lý để quản lý hoạt động bảo tồn và phát huy nghề
truyền thống
Ngày 29/6/2001, Quốc hội đã ban hành Luật di sản văn hóa số
28/2001/QH10 quy định pháp lý về vấn đề bảo tồn, phát huy nghề truyền
thống. Luật đã đưa nghề truyền thống vào hạng mục Di sản văn hóa phi vật
thể, quy định rõ quyền, nghĩa vụ của tổ chức cá nhân cũng như bảo vệ và
phát huy các giá trị đó.
Ngày 04/08/2014, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành
Quyết định ban hành quy định về chính sách khuyến khích phát triển làng
nghề thành phố Hà Nội số 31/2014/QĐ-UBND. Quyết định đã nêu rõ
được phạm vi đối tượng cũng như phạm vi áp dụng trong việc khôi phục,
bảo tồn và phát triển làng nghề, nghề truyền thống, đưa ra những chính
sách hỗ trợ xúc tiến thương mại, phân bổ nhiệm vụ với từng tổ chức.
Nghề tò he làng Xuân La nằm trong danh mục các làng nghề kết hợp du lịch
ghi rõ ở Quyết định này.
Ngày 18/11/2015, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội ban hành
Quyết định phê duyệt kế hoạch thực hiện chính sách khuyến khích phát
triển làng nghề thành phố Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020 số 6230/QĐUBND đã đưa ra chi tiết các kế hoạch, chính sách phát triển làng nghề,
nghề truyền thống từ đào tạo nghề, nâng cao trình độ doanh nghiệp, hỗ trợ
các hộ kinh doanh, các doanh nghiệp nhỏ…
Thông qua Luật di sản văn hóa và các Quyết định được ban hành vừa
nêu trên, nghề truyền thống đã được Đảng và Nhà nước nhìn nhận vai trò,
đưa ra những chính sách, kế hoạch quan tâm đúng đắn. Tuy nhiên, những
chính sách bảo tồn và phát huy còn hạn chế, chưa thực sự đi vào thực tiễn
18
để đạt được mục đích chính đối với nghề truyền thống, trong đó có nghề tò
he tại làng Xuân La.
Ở tầm quốc tế, Công ước về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể năm
2003 của UNESCO là tài liệu quan trọng để vận dụng cho công tác bảo tồn
và phát huy văn hóa phi vật thể nói chung, bảo tồn nghề tò he nói riêng.
1.4. Về làng Xuân La và về nghề tò he tại làng Xuân La
1.4.1. Về làng Xuân La
1.4.1.1. Vị trí địa lí và điều kiện tự nhiên
Làng Xuân La thuộc xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, Hà Nội. Nơi
đây cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 30 km về phía Tây theo
đường giao thông quốc lộ 1A (Hà Nội - Sài Gòn). Huyện Phú Xuyên là đơn
vị hành chính cấp huyện của Thủ đô Hà Nội. Phía Bắc giáp huyện Thường
Tín; phía Nam giáp huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam; phía Đông giáp sông
Hồng và huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên; phía Tây giáp huyện Ứng
Hòa, Hà Nội. Phú Xuyên là huyện trũng nhất của tỉnh Hà Tây (cũ), có sông
Nhuệ chảy từ bắc xuống nam và các sông khác như sông Hồng, sông Duy
Tiên, sông Lương, sông Vân Đình. Phú Xuyên có hệ thống giao thông rất
thuận lợi, có tuyến đường sắt Bắc - Nam dài 12 km chạy qua, tuyến đường
thủy sông Hồng dài 17 km, tuyến đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ dài 7
km, điểm đầu đường Cầu Giẽ - Ninh Bình, Quốc Lộ 1A dài 12 km trên địa
bàn tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh tế - xã hội của huyện.
Huyện có 2 thị trấn và 26 xã.
Tổng diện tích đất tự nhiên của làng Xuân La là 392ha, trong đó
đất nông nghiệp là 386ha. Tổng số hộ là 830 hộ, số khẩu là 3850
khẩu, ngành nghề chính là nông nghiệp. Xuân La nằm phía trung
tâm huyện Phú Xuyên, phía tây bắc giáp làng Phượng Vũ (cùng
xã Phượng Dực), phía đông bắc giáp xã Văn Tự huyện Thường
Tín, phía nam giáp xã Đại Thắng, phía tây nam giáp xã Văn
Hoàng [36, tr.1].
19
Xuân La là làng lớn nhất trong ba làng của xã Phượng Dực và có hệ
thống ngành nghề truyền thống nổi bật và đa dạng như: chạm đục, điêu
khắc gỗ, cào bông, may màn và nặn tò he. Làng Xuân La là một làng nhỏ
thuộc khu vực đồng bằng châu thổ sông Hồng - cái nôi của nền văn minh
lúa nước, cội nguồn của những tinh hoa văn hoá dân tộc mà cha ông đã lưu
truyền còn lại cho đến ngày nay. Điều kiện khí hậu mang nét đặc trưng của
khí hậu nhiệt đới, chia làm bốn mùa rõ rệt, tạo nên cơ cấu mùa vụ đa dạng.
Chính vì vậy mà các sản phẩm nông nghiệp hết sức phong phú không chỉ
cung cấp cho chính cuộc sống người dân nơi đây mà còn cung cấp cho cả
thị trường bên ngoài. Đời sống của nhân dân vì thế cũng được nâng cao lên
rất nhiều.
Làng Xuân La được vinh hạnh sinh ra trong cái nôi của nền văn minh
đồng bằng sông Hồng, được thiên nhiên ưu đãi, giao thông thuận lợi. Chính
vì vậy, văn hóa nơi đây cũng mang cái hồn của nền nông nghiệp đã được
hình thành từ lâu.
1.4.1.2. Lịch sử hình thành
"Làng Xuân La (thôn Xuân La) xưa kia có tên gọi là làng Chạ Xuân.
Làng thuộc xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, Hà Nội. Xã Phượng Dực
nổi tiếng là vùng đất văn hiến. Từ đời nhà Lê, cách đây 250 năm, Phượng
Dực vẫn thuộc Thường Tín cho mãi đến năm 1953 mới cắt về huyện Phú
Xuyên" [36, tr.1].
Đây là miền đồng bằng chiêm trũng, dân Phượng Dực xưa chỉ làm
ruộng một vụ - vụ chiêm.
Lúc đầu làng có tên là làng Chạ (Kẻ Chạ) rồi vì lý do định cư vào giữa
mùa xuân nên đổi thành Chạ Xuân. Sau đó, khi khai khẩn làm ăn ở vùng
đồng ruộng bao la nên làng Xuân La ra đời. Làng Xuân La xưa có ba ao lớn
gồm có: ao Cả, ao Trung, ao Giao. Tương truyền là nơi trú ngụ của thuỷ
quân, cụ Lĩnh Đồn. Tại đây đã từng chứa những chiếc thuyền rồng lớn có