Tải bản đầy đủ (.pdf) (212 trang)

Biến đổi sinh kế của người mường vùng lòng hồ thủy điện hòa bình ở nơi tái định cư

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (9.34 MB, 212 trang )

ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN

TRỊNH THỊ HẠNH

BIẾN ĐỔI SINH KẾ CỦA NGƯỜI MƯỜNG VÙNG
LÒNG HỒ THỦY ĐIỆN HÒA BÌNH
Ở NƠI TÁI ĐỊNH CƯ

LUẬN ÁN TIẾN SĨ LỊCH SỬ

Hà Nội – 2017
i


ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN

TRỊNH THỊ HẠNH
BIẾN ĐỔI SINH KẾ CỦA NGƯỜI MƯỜNG VÙNG
LÒNG HỒ THỦY ĐIỆN HÒA BÌNH
Ở NƠI TÁI ĐỊNH CƯ
Chuyên ngành: Dân tộc học
Mã số: 62 22 70 01

LUẬN ÁN TIẾN SĨ LỊCH SỬ
NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC:
1.PGS.TS Nguyễn Văn Chính
2. PGS.TS Trần Văn Bình

Hà Nội – 2017


ii


LỜI CAM ĐOAN

Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Các số liệu,
kết quả nêu trong luận án là trung thực và chưa từng được ai công bố trong bất
kỳ công trình nào khác. Những quan điểm mà luận án kế thừa của những tác giả
đi trước đều được trích dẫn nguồn chính xác, cụ thể.
Hà Nội, ngày 15 tháng 2 năm 2017

Nghiên cứu sinh

Trịnh Thị Hạnh

i


LỜI CẢM ƠN
Trong quá trình thực hiện và hoàn thành luận án “Biến đổi sinh kế của
người Mường vùng lòng hồ thủy điện Hòa Bình ở nơi tái định cư”, tôi đã nhận
được sự giúp đỡ hiệu quả của nhiều cơ quan, tập thể và cá nhân.
Đầu tiên, tôi xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới PGS.TS Nguyễn Văn
Chính và PGS.TS Trần Văn Bình – hai người thầy đã tận tình chỉ bảo cho tôi từ
việc xác định đề tài, hướng tiếp cận, cách thu thập và xử lý tư liệu, cách trình
bày kết quả nghiên cứu, giúp tôi hoàn thành nhiệm vụ học tập của mình.
Tôi cũng xin bày tỏ lòng cảm ơn chân thành tới:
- Khoa Nhân học, mà trước đó là bộ môn Dân tộc học thuộc Khoa Lịch
sử, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội, là
cái nôi hình thành, nuôi dưỡng niềm đam mê nghiên cứu dân tộc học của tôi

ngay từ khi tôi mới chập chững bước chân vào cánh cửa trường Đại học.
- Cục Tham mưu, Tổng cục Hậu cần – Kỹ thuật, Bộ Công an – nơi tôi
đang công tác, đã tạo điều kiện để tôi hoàn thành chương trình học tập, nghiên
cứu và bảo vệ luận án.
- Ủy ban nhân dân xã Hiền Lương và những người dân ở đây đã yêu
quý, giúp đỡ tôi như một người con của vùng đất này từ những năm 2009 đến
nay, không ngại ngần chia sẻ với tôi những câu chuyện vui buồn trong đời
sống của mình.
Cảm ơn gia đình, quý thầy cô, những người bạn và đồng nghiệp đã luôn
khích lệ, động viên tôi vượt qua nhiều trở ngại để hoàn thành luận án.
Hà Nội, ngày 15 tháng 2 năm 2017
Nghiên cứu sinh

Trịnh Thị Hạnh

ii


Mục lục
Lời cam đoan
Lời cảm ơn
Mục lục
Danh mục chữ viết tắt
Danh mục các bảng
Danh mục các hộp
MỞ ĐẦU .................................................................................................................... 1
1.Lý do chọn đề tài ...................................................................................................... 1
2.Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu ............................................................................ 3
3.Đối tượng và phạm vi nghiên cứu ............................................................................. 3
4.Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của đề tài ................................................................... 3

5.Bố cục của luận án .................................................................................................... 5
CHƯƠNG 1: TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU, CƠ SỞ LÝ THUYẾT
VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU ....................................................................... 6
1.1 Tổng quan tình hình nghiên cứu ............................................................................. 6
1.1.1 Vấn đề tái định cư bắt buộc trong các công trình thủy điện ................................ 6
1.1.2 Các nguồn sinh kế và vốn xã hội trong tái định cư bắt buộc ............................ 13
1.1.3 Tình hình nghiên cứu ở Việt Nam ................................................................... 19
1.2 Cơ sở lý thuyết và phương pháp nghiên cứu......................................................... 28
1.2.1 Cơ sở lý thuyết .................................................................................................. 28
1.2.2 Một số khái niệm cơ bản sử dụng trong luận án ................................................ 38
1.2.3 Phương pháp nghiên cứu ................................................................................... 41
Tiểu kết chương 1 ...................................................................................................... 43
CHƯƠNG 2: QUÁ TRÌNH TÁI ĐỊNH CƯ THỦY ĐIỆN HÒA BÌNH VÀ ĐỊA
BÀN NGHIÊN CỨU ................................................................................................ 45
2.1 Tái định cư thủy điện Hòa Bình ..........................................................................452.1.1 Những nét lớn về thủy điện Hòa Bình ............................................................... 45
2.1.2 Một số đặc điểm của tái định cư ........................................................................ 47
2.1.3 Các chính sách tái định cư và hậu tái định cư .................................................... 49
2.2 Quá trình tái định cư và địa bàn nghiên cứu ......................................................... 53
2.2.1 Người Mường ở khu vực lòng hồ ...................................................................... 53
iii


2.2.2 Quá trình tái định cư ở xã Hiền Lương .............................................................. 55
2.2.3

Xóm Ké ................................................................................................. 63

2.2.4 Xóm Lương Phong............................................................................................ 65
Tiểu kết ..................................................................................................................... 66
CHƯƠNG 3: BIẾN ĐỔI SINH KẾ TRONG MÔ HÌNH DI VÉN: XÓM KÉ ..... 68

3. 1 Quá trình tái cấu trúc lại xóm Ké sau tái định cư ................................................. 68
3.2 Các nguồn sinh kế ở xóm Ké ............................................................................... 69
3.3 Nguồn vốn xã hội ở xóm Ké ................................................................................ 78
3.4 Các hoạt động sinh kế sau “di vén” ...................................................................... 88
3.5 Đánh giá kết quả của nguồn sinh kế mới ............................................................ 102
Tiểu kết ................................................................................................................... 106
CHƯƠNG 4: BIẾN ĐỔI SINH KẾ TRONG MÔ HÌNH LẬP LÀNG MỚI XÓM
LƯƠNG PHONG................................................................................................... 108
4.1 Sự hình thành xóm Lương Phong sau tái định cư ............................................... 108
4.2 Các nguồn sinh kế .............................................................................................. 117
4.3 Nguồn vốn xã hội ở xóm Lương Phong.............................................................. 120
4.4 Các hoạt động sinh kế sau lập làng tái định cư ................................................... 128
4.5 Đánh giá kết quả của nguồn sinh kế mới ............................................................ 132
Tiểu kết ................................................................................................................... 134
CHƯƠNG 5: CÁC HOẠT ĐỘNG HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN SAU TÁI ĐỊNH CƯ . 137
5.1 Hoạt động hỗ trợ phát triển của nhà nước........................................................... 137
5.2 Hoạt động hỗ trợ phát triển của các tổ chức phi chính phủ (NGO)...................... 143
5.3 Đánh giá các hoạt động hỗ trợ phát triển ............................................................ 147
Tiểu kết ................................................................................................................... 159
KẾT LUẬN ............................................................................................................ 161
DANH MỤC CÁC CÔNG TRÌNH KHOA HỌC CỦA TÁC GIẢ CÓ LIÊN
QUAN ĐẾN LUẬN ÁN ......................................................................................... 166
TÀI LIỆU THAM KHẢO ..................................................................................... 167

iv


DANH MỤC CÁC CHỮ VIẾT TẮT

AAV


Tổ chức Action Aid quốc tế

ADB

Ngân hàng phát triển châu Á

AFAP

Quỹ Ốttrâylia vì nhân dân châu Á và
Thái Bình Dương

CODE

Viện tư vấn và nghiên cứu phát triển

CRES

Trung tâm nghiên môi trường và xã
hội

DFID

Bộ phát triển quốc tế Anh

IRR

Rủi ro bần cùng hóa và tái thiết

JICA


Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản

JENFODA

Dự án phục hồi rừng đầu nguồn tự
nhiên đã bị suy thoái tại miền Bắc Việt
Nam

HTX

Hợp tác xã

NIAPP

Viện quy hoạch và thiết kế nông
nghiệp

NGOs

Các tổ chức phi chính phủ

Nxb

Nhà xuất bản

Tc

Tạp chí


TĐC

Tái định cư

UBND

Ủy ban Nhân dân

UNDP

Chương trình phát triển Liên hợp quốc

VUSTA

Liên hiệp hội khoa học và kỹ thuật
Việt Nam

WB

Ngân hàng thế giới

WCD

Ủy ban thế giới về Đập

Đ

Việt Nam đồng

v



Danh sách bảng, hộp trong luận án

Trang
Bảng 2.1

Chuyển dân xã Hiền Lương (1982-1992)

54

Bảng 3.1

Số dân xóm Ké qua một số năm

65

Bảng 3.2

Địa hình thổ nhưỡng xóm Ké

66

Bảng 3.3

Tài sản cơ bản của các hộ gia đình xóm Ké trong năm 72
2004 và 2011

Bảng 3.4


Quan hệ xã hội của ông N.Q.Đ

80

Bảng 3.5

Thu nhập từ cây ngô

87

Bảng: 3.6

Tập đoàn cây trồng lâu năm xóm Ké từ 1986 đến nay

89

Bảng: 3.7

Thống kê cây trồng trong gia đình ông Hà Viêt Si

89

(thời điểm năm 1998)
Bảng 3.8

Số người đi lao động nước ngoài tại xóm Ké năm 2016

95

Bảng 4.1


Nguồn gốc các hộ xóm Lương Phong

113

Bảng 4.2

Tuổi đời bình quân chủ hộ xóm Lương Phong

113

Bảng 4.3

Địa chỉ và số tiền của khách mừng đám liên hoan con lên 118
đường nhập ngũ

Bảng 4.4

Thu nhập các nhóm hộ ở Lương Phong

123

Bảng 4.5

Tỷ lệ đóng góp của các hoạt động kinh tế vào tổng thu 123
nhập hộ gia đình xóm Lương Phong

Hộp 3.1: Chi công xóm Ké năm 2015, tr.82
Hộp 3.2: Câu chuyện đầu tư vào nghề đánh bắt tôm cá lòng hồ của gia đình ông
Hà Viết Sâm, tr. 93


vi



MỞ ĐẦU
1.Lý do chọn đề tài
Tái định cư (TĐC) bắt buộc, đặc biệt là TĐC bắt buộc do các dự án phát triển
đã và đang đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết ở Việt Nam và nhiều nơi trên toàn thế
giới, trong đó có việc đảm bảo cuộc sống của người dân sau TĐC. Đây không chỉ là
vấn đề kinh tế, mà quan trọng hơn còn là vấn đề thích ứng văn hóa của một cộng đồng
cư dân khi phải chuyển đến nơi ở mới có nhiều khác biệt với nơi ở cũ. Tìm hiểu sự
biến đổi sinh kế nhằm khám phá sự thích ứng văn hóa của con người khi TĐC bắt
buộc, buộc phải đối diện với một môi trường tự nhiên và xã hội mới là lý do khoa học
để chúng tôi chọn đề tài này.
TĐC bắt buộc luôn đồng hành với phát triển, điều này có nghĩa TĐC bắt buộc
gắn liền với xã hội loài người; càng có nhiều dự án phát triển thì càng nhiều người
phải TĐC bắt buộc. Hơn nữa, TĐC bắt buộc còn xảy ra khi thiên tai (động đất, sạt lở,
sóng thần…), chiến tranh, hay do những quyết định của Nhà nước như chương trình
định canh định cư. TĐC là một hoạt động không thể tránh khỏi của xã hội loài người.
Tuy nhiên, TĐC thế nào để đảm bảo cuộc sống cho những người TĐC, để họ cũng
được hưởng trái ngọt của công cuộc phát triển chứ không phải ‘ăn quả đắng’, trở thành
‘nạn nhân’, thành đối tượng ‘phải hi sinh’ cho sự phát triển? CODE (2011, tr.15) đã
nhận định rằng: “Ở Việt Nam cũng như trên thế giới có rất ít dự án TĐC, đặc biệt là
đối với TĐC các dự án thủy điện thành công trong việc phục hồi sinh kế, chưa nói đến
đảm bảo sinh kế bền vững”.
Đây là vấn đề trăn trở của nhiều nhà khoa học, nhiều người làm chính sách. Đối
với loại hình TĐC bắt buộc do các dự án phát triển, nhiều công trình nghiên cứu tập
trung vào vấn đề sinh kế, sự biến đổi sinh kế của người dân sau TĐC đã chỉ ra được
hiện trạng đời sống khó khăn, nguyên nhân chủ yếu khiến người dân không khôi phục

được sinh kế của họ. Nhóm nguyên nhân được biết đến nhiều nhất là thiếu/khó tiếp
cận được vốn tự nhiên (đất canh tác, rừng, diện tích mặt nước, bãi chăn thả tự
nhiên…), vốn vật chất (cơ sở hạ tầng nghèo nàn…), vốn con người (trình độ dân trí
thấp, không áp dụng được khoa học kỹ thuật vào sản xuất…). Và để khắc phục hiện
trạng này, hầu hết các nghiên cứu đều khuyến nghị cần có chính sách TĐC thỏa đáng
hơn, với số tiền đền bù lớn hơn, thời gian hỗ trợ lâu hơn, có cơ chế hỗ trợ toàn diện,
vốn đầu tư trực tiếp cho sản xuất lớn hơn… để giúp người dân khôi phục sinh kế. Tuy
1


vậy, cho tới nay đảm bảo sinh kế người dân TĐC bắt buộc vẫn là một vấn đề khó.
Chưa có được lời giải cho bài toán trên từ góc độ kinh tế, một số học giả trên thế giới
đã cố gắng tìm những căn nguyên và giải pháp từ góc độ văn hóa. Theodore
E.Downing và Carment Garcia – Downing (2009) chỉ ra rằng những nghiên cứu về tác
động của TĐC bắt buộc trên thế giới hiện nay ít chú ý đến các khía cạnh phi kinh tế,
khía cạnh văn hóa, tâm lý xã hội, trong khi giảm thiểu những thiệt hại này có thể ngăn
chặn rất nhiều vấn đề khác. Một số nghiên cứu khác cũng cho rằng, TĐC bắt buộc đã
làm phân tán kết cấu xã hội đang tồn tại mà những hộ gia đình nghèo dựa vào đó để có
được những nguồn lực để sống sót (Melissa Quetulio-Navarra, 2012; Tulsi C.Bisht,
2014). Tuy nhiên, vai trò và cách thức mà các yếu tố văn hóa đóng góp trong việc xây
dựng sinh kế cho người dân sau TĐC bắt buộc dường như vẫn là câu hỏi treo lơ lửng.
Tìm được câu trả lời này, chúng ta cũng sẽ tìm được cách để hiện thực hóa chủ trương
“văn hóa là động lực của phát triển”.
Việt Nam là nước đang phát triển, nơi mà rất nhiều dự án phát triển đã và đang
được triển khai, điều này đồng nghĩa với số lượng người phải TĐC bắt buộc ngày càng
lớn. Các dự án về năng lượng, đặc biệt là việc xây dựng các công trình thủy điện ở nơi
đầu nguồn các con sông, đã phải di chuyển một số lượng lớn dân cư, chủ yếu là đồng
bào các tộc người thiểu số đã có lịch sử cư trú lâu đời, gắn chặt với hoạt động sản xuất
nông nghiệp. Việc đảm bảo đời sống cho đối tượng là người dân tộc thiểu số phải TĐC
bắt buộc trong điều kiện quỹ đất sản xuất ở các địa phương hạn hẹp, khả năng chuyển

đổi nghề nghiệp khó khăn đang đặt ra thách thức không chỉ với các cấp chính quyền,
mà cả với các nhà nghiên cứu và hoạch định chính sách. Làm thế nào để cuộc sống của
người dân TĐC ‘bằng hoặc hơn nơi ở cũ’ không chỉ ở con chữ mà trở thành thực tế là
một câu hỏi đã nhiều năm nay, chưa được giải quyết một cách thấu đáo.
Xuất phát từ cơ sở khoa học và thực tiễn như trên, chúng tôi chọn đề tài “Biến
đổi sinh kế của người Mường vùng lòng hồ thủy điện Hòa Bình ở nơi tái định cư” làm
Luận án tiến sĩ Lịch sử chuyên ngành Dân tộc học. TĐC công trình thủy điện Hòa
Bình đã diễn ra cách đây gần 40 năm - một khoảng thời gian đủ dài để có thể làm công
tác nghiên cứu mang tính tổng kết, tìm ra được sự biến đổi sinh kế của người dân sau
TĐC, khám phá sự thích ứng văn hóa của người Mường diễn ra như thế nào ở nơi ở
mới và để chỉ ra được những thành công, hạn chế trong việc xây dựng và thực hành
chính sách TĐC, chính sách phát triển vùng miền núi ở Việt Nam.
2


2.Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
Mục đích: Tìm hiểu sự biến đổi, thích ứng văn hóa, cụ thể là văn hóa sản xuất
của tộc người Mường khi phải TĐC bắt buộc do tác động của công trình thủy điện Hòa
Bình. Theo đó, người Mường chủ thể văn hóa vùng lòng hồ được đặt vào vị trí trung
tâm để soi chiếu nhằm tìm hiểu sự thích ứng của họ trong môi trường mới.
Nhiệm vụ:
(1) Nghiên cứu sự biến đổi sinh kế của người Mường tại nơi TĐC xây dựng
thủy điện Hòa Bình thông qua hai mô hình TĐC là “di vén” và “lập làng mới”;
(2) Khám phá vai trò của vốn xã hội trong quá trình khôi phục sinh kế của
người Mường sau TĐC.
(3) Tìm kiếm những giải pháp có ý nghĩa đối với việc xây dựng và thực hiện
chính sách TĐC, chính sách phát triển ở nhiều dự án phát triển khác tại Việt Nam.
3.Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
- Đối tượng nghiên cứu: 1/ Có nhiều tộc người phải TĐC khi thủy điện Hòa
Bình được xây dựng (Thái, Tày, Kinh…), nhưng nghiên cứu này chỉ tập trung vào tộc

người Mường, là tộc người có bề dày lịch sử, có bản sắc văn hóa truyền thống lâu đời;
2/Tập trung nghiên cứu tộc người Mường phải TĐC trong hai mô hình TĐC cụ thể là
di vén và lập làng mới; 3/Những biến đổi trong việc tiếp cận/ sử dụng các nguồn sinh
kế và sự biến đổi trong quá trình triển khai các chiến lược sinh kế của cộng đồng dân
cư của người Mường tại nơi TĐC.
- Phạm vi nghiên cứu:
Về mặt thời gian: từ khi bắt đầu quá trình TĐC ở địa bàn nghiên cứu (1982)
đến nay;
Về không gian: nghiên cứu 2 mô hình TĐC trên địa bàn xã Hiền Lương, huyện
Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình, cụ thể là ở 2 xóm: xóm Ké và xóm Lương Phong;
Về nội dung: tập trung nghiên cứu biến đổi sinh kế, bao gồm: các nguồn lực
sinh kế, trong đó tập trung vào nguồn vốn xã hội, các chiến lược và kết quả sinh kế và
các thể chế, tổ chức (tập trung vào các chính sách phát triển của Nhà nước và các
NGO) mang tính kết nối, tăng cường/giảm thiểu các nguồn lực sinh kế.
4. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của đề tài
Về mặt khoa học

3


Đã có nhiều nghiên cứu về sinh kế của người dân TĐC bắt buộc từ nhiều góc
độ như xã hội học, chính trị học, dân số học, pháp luật, môi trường và xung đột tài
nguyên…và có nhiều nghiên cứu mang tính ứng dụng của các NGO quốc tế cũng như
trong nước. Nhưng dưới góc độ của nhân học, khoa học lấy con người làm trung tâm,
đặc biệt là những nhóm dân số dễ bị tổn thương, thì vấn đề sinh kế không chỉ mang
tính kinh tế đơn thuần, mà nó là vấn đề biến đổi và thích ứng văn hóa của tộc người bị
TĐC bắt buộc. Cho đến nay, những nghiên cứu mang tính nhân học về tộc người thiểu
số, đặc biệt là về những nhóm tộc người thiểu số bị tổn thương do các chương trình dự
án phát triển của Nhà nước gây ra chưa nhiều. Nghiên cứu nhân học này lấy sự đa
dạng văn hóa của con người làm trung tâm, và quan điểm văn hóa là động lực của sự

phát triển làm hệ soi chiếu để thấy được biến đổi về mặt sinh kế của một tộc người
trong môi trường mới và những yếu tố tác động đến nó. Từ đó, nghiên cứu góp phần
giải thích sự biến đổi và thích ứng văn hóa của nhóm tộc người thiểu số bị TĐC bắt
buộc trong một môi trường sinh thái mới, cụ thể là người Mường ở nơi TĐC. Nên từ
những cứ liệu diền dã dân tộc học, luận án hi vọng sẽ đưa lại những biểu biết về biến
đổi sinh kế, về sự thích ứng văn hóa của người Mường dưới tác động của TĐC bắt
buộc.
Góp phần vào nhận thức và lý luận về sinh kế, về những yếu tố tác động đến
sinh kế bền vững cũng như những yếu tố để xây dựng được một sinh kế bền vững.
Trong nhiều nghiên cứu đã tiến hành về sinh kế và cuộc thảo luận về vai trò của các
nguồn lực sinh kế, dường như nguồn lực hữu hình (tài nguyên thiên nhiên, cơ sở hạ
tầng, vốn) vẫn được ưu tiên để đầu tư, coi như đó là những nguồn lực cơ bản nhất để
cải thiện sinh kế hiện tại, đạt được sinh kế bền vững. Tuy nhiên, phát hiện của nghiên
cứu này chỉ ra rằng, vốn xã hội – nguồn vốn vô hình (chủ yếu quan hệ gia đình, dòng
họ, làng xóm, thân hữu và quan hệ với thế giới siêu nhiên) cũng đóng vai trò quan
trọng trong việc phục hồi sinh kế cho người dân sau TĐC và cũng là yếu tố quan trọng
để đạt được sinh kế bền vững. Vốn xã hội phải được xem xét ngang bằng cùng với các
nguồn vốn hữu hình khác, vì nó sẽ quyết định khả năng tiếp cận và cách thức mà
người ta sử dụng các vốn còn lại như thế nào để đạt được sinh kế bền vững.
Về mặt thực tiễn
Trên cơ sở phân tích sự biến đổi sinh kế của người Mường ở 2 mô hình TĐC
khác nhau và xem xét những tác động của các hoạt động hỗ trợ phát triển của Nhà
4


nước và các NGO, luận án sẽ đưa ra một số ngụ ý cho các hoạt động thực tiễn, đặc biệt
trên khía cạnh thực hành chính sách của nhà nước và các NGO đối với TĐC bắt buộc.
Đó là trong việc lập kế hoạch, tổ chức thực hiện các hoạt động hỗ trợ phát triển phải
tôn trọng sự đa dạng văn hóa của các tộc người ở địa bàn tiến hành hỗ trợ, phải tôn
trọng tri thức bản địa và có biện pháp phù hợp để huy động sự tham gia của người dân

ở mức độ cao nhất. Có như thế những hoạt động hỗ trợ mới đạt được mục đích của
mình và người dân mới đạt được sinh kế bền vững.
5.Bố cục của luận án
Luận án ngoài phần mở đầu, kết luận, tài liệu tham khảo, phụ lục, gồm có 5 chương:
Chương 1: Tổng quan tình hình nghiên cứu, cơ sở lý thuyết và phương pháp nghiên
cứu
Chương 2: Quá trình tái định cư thủy điện Hòa Bình và địa bàn nghiên cứu
Chương 3: Biến đổi sinh kế trong mô hình “di vén”: xóm Ké
Chương 4: Biến đổi sinh kế trong mô hình “lập làng mới”: xóm Lương Phong
Chương 5: Các hoạt động hỗ trợ phát triển sau tái định cư.

5


CHƯƠNG 1
TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU, CƠ SỞ LÝ THUYẾT VÀ
PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
Trong chương này, chúng tôi sẽ giới thiệu tổng quan tình hình nghiên cứu về
TĐC bắt buộc do các dự án phát triển và vấn đề về sinh kế/biến đổi sinh kế của người
dân sau TĐC trên thế giới, cụ thể sẽ trình bày những lý thuyết nghiên cứu chính cũng
như các cách tiếp cận đang được các học giả sử dụng. Chúng tôi cũng chỉ ra những
điểm mạnh và điểm yếu của từng lý thuyết nghiên cứu, cách tiếp cận và khoảng trống
trong nghiên cứu về sinh kế của người dân sau TĐC. Tương tự, phần tổng quan tình
hình nghiên cứu về sinh kế/biến đổi sinh kế của người dân TĐC thủy điện ở Việt Nam
và thủy điện Hòa Bình cũng được phân tích để chỉ ra những thành tựu cũng như những
khoảng trống cần được bổ sung. Từ phần tổng quan tài liệu này, chúng tôi xác định
được nội dung, lý thuyết, phương pháp nghiên cứu được vận dụng trong luận án.
1.1 Tổng quan tình hình nghiên cứu
1.1.1 Vấn đề tái định cư bắt buộc trong các công trình thủy điện
TĐC thực chất là một hình thức di dân. TĐC được hiểu là con người phải tạo

dựng lại cuộc sống mới sau khi phải di dời khỏi nơi cư trú cũ của họ (CODE 2011b;
tr.11). Di dân TĐC thường được phân thành hai loại từ quan điểm của những người
lập chính sách là di dân tự nguyện và di dân không tự nguyện. TĐC không tự nguyện
được hiểu là TĐC xảy ra khi bản thân các hộ gia đình quyết định di chuyển không vì
các lý do của chính bản thân họ. TĐC không tự nguyện xảy ra khi triển khai các dự án
phát triển, do thiên tai, do chiến tranh. TĐC các công trình thủy điện, thủy lợi là thuộc
loại di TĐC bắt buộc/không tự nguyện do các dự án phát triển và có nhiều đặc điểm
khác với các loại TĐC không tự nguyện do các nguyên nhân khác. TĐC bắt buộc gây
ra nhiều biến đổi trong cuộc sống của người dân sau đấy, trong đó có sinh kế, và có thể
coi biến đổi là một hằng số của TĐC.
1.1.1.1 Các mô hình lý thuyết nghiên cứu về tái định cư bắt buộc
TĐC bắt buộc bởi các dự án phát triển, được quan tâm nghiên cứu nhiều do nó
xảy ra ở mọi nơi trên thế giới và số người bị ảnh hưởng lớn nhất. Theo ước tính của
Cernea (1990), ở Trung Quốc và Ấn Độ số người phải di cư vì các con đập trong vòng
50 năm là từ 20 – 30 triệu người. Lúc đầu, các nghiên cứu về loại hình TĐC bắt buộc
sử dụng chung lý thuyết với những nghiên cứu về người tị nạn, sau đó phát triển thành
6


những lý thuyết riêng nhờ những nghiên cứu thực địa từ khắp nơi trên thế giới về chủ
đề này..
*Mô hình lý thuyết 4 giai đoạn của Scudder và Colson
Lý thuyết liên quan đến TĐC bắt buộc đầu tiên được xây dựng năm 1982 bởi
Scudder và Colson. Qua nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung, mô hình này được hoàn chỉnh,
gồm 4 giai đoạn: tìm kiếm – chuyển đổi – phát triển – hội nhập. Mô hình này tập trung
vào những căng thẳng của người TĐC và những hành vi phản ứng cụ thể của họ trong
từng giai đoạn. Ban đầu mô hình này được xây dựng để áp dụng đối với các quá trình
định cư tự nguyện, sau đó Scudder mở rộng mô hình này cho một số quá trình TĐC
bắt buộc, nhưng chỉ là những quá trình TĐC bắt buộc đã thành công và hoàn tất cả 4
giai đoạn. Mô hình này đã được nhiều lần áp dụng trong nghiên cứu TĐC, cung cấp

những hiểu biết quan trọng và đưa ra những khuyến nghị chính sách. TĐC không
thành công không được mô hình hóa trong lý thuyết của Scudder và Colson.
Tuy nhiên, những minh chứng từ trên khắp thế giới cho thấy rằng các chương
trình TĐC bắt buộc phần lớn là thất bại. Chính Scudder (2005) đã làm một cuộc cuộc
khảo sát về đời sống của người dân sau TĐC ở 50 dự án thủy điện trên toàn thế giới và
kết quả là 36 trường hợp (chiếm 82% tổng số trường hợp được khảo sát), đời sống
người dân bị bần cùng hóa so với trước khi bị di chuyển và chỉ 7% trường hợp mức
sống của người dân được cải thiện1. Do vậy, mô hình 4 giai đoạn trên dần bị thay thế
bởi các mô hình lý thuyết khác.
*Mô hình lý thuyết IRR của Cernea
Mô hình IRR (Impoverishment risks and reconstruction model) – mô hình rủi ro
bần cùng hóa và tái thiết của Cernea (1997) đã đưa ra 8 nguy cơ rủi ro có thể xảy ra
bởi TĐC không tự nguyện, đó là: không có đất (sự chiếm đoạt vốn đất), thất nghiệp
(thậm chí ở cả những dự án có đưa lại vài công việc mới), vô gia cư (mất nhà, không
chỉ là ngôi nhà hiện hữu về vật chất, mà là một gia đình, một không gian văn hóa), bị
lề hóa (lạc hậu cả về kinh tế và tinh thần), thức ăn hạn chế hay không đủ dinh dưỡng
(lượng calo trung bình mỗi ngày thấp, bị suy nhược), tỷ lệ mắc bệnh và tử vong cao,
mất quyền truy cập vào các tài sản và dịch vụ chung (rừng, nguồn nước, đất chăn thả
vốn bổ sung thức ăn và thu nhâp cho những người nghèo), cộng đồng bị chia cắt. Từ
những nguy cơ rủi ro này, chiến lược tái thiết được thực hiện dựa trên sự đảo chiều
1

/>
7


những nguy cơ trên. Mô hình này cũng tích hợp trong nó tất cả sự hiểu biết về các
nguồn vốn, và khẳng định rằng, trong quá trình TĐC bắt buộc, người dân bị mất vốn
dưới tất cả các hình thức của nó. Mô hình này có chức năng dự đoán, chuẩn đoán
(đánh giá và giải thích), hướng dẫn lập kế hoạch và xây dựng giả thiết để giảm thiểu

các rủi ro. Những nghiên cứu thực địa về TĐC bắt buộc trên thế giới đều có thể được
khái quát hóa trong mô hình IRR. Để TĐC thành công, mô hình này đòi hỏi phải có sự
tham gia của người dân ở cấp cao nhất và sự minh bạch về thông tin và có cơ chế rõ
ràng trong quá trình truyền, nhận và xử lý thông tin để nâng cao năng lực giải trình của
các cơ quan chức năng, cũng như tránh những xung đột có thể xảy ra. Mô hình này
đưa ra các nội dung kinh tế - xã hội của cả hai sự kiện di dời và khôi phục sinh kế. Các
học viên và các nhà nghiên cứu có thể sử dụng mô hình này như là một công cụ chuẩn
đoán – chuẩn đoán các vấn đề mà di cư bắt buộc có thể đưa lại; - công cụ tiên đoán –
cung cấp những cảnh báo về những tác dụng phụ xảy ra trước khi di dời; - công cụ giải
quyết vấn đề: hướng tới hành động; - công cụ hướng dẫn nghiên cứu: nó có thể được
sử dụng như một khung khái niệm cho sự hình thành giả thuyết. Mô hình IRR của
Cernea được cho là có ảnh hưởng nhất đến nghiên cứu TĐC hiện đại vì nó đưa ra một
cơ sở quan trọng cho việc phân tích TĐC không tự nguyện và cho phép những người
thực hiện nghiên cứu trong lĩnh vực này thảo luận và tranh luận về các vấn đề di dời
không tự nguyện một cách có hệ thống. Tuy nhiên hạn chế của cách tiếp cận này là
Cernea tập trung quá mức vào bối cảnh thể chế, dùng thể chế để đánh giá những rủi ro
và đưa ra các biện pháp can thiệp mà chưa chú ý rằng, ngoài bối cảnh thế chế còn có
nhiều yếu tố khác để giải thích nguyên nhân những rủi ro bần cùng hóa cũng như cách
thức thoát khỏi những rủi ro đó. Sự đa dạng trong việc giải thích các nguyên nhân bần
cùng hóa cũng như sự đa dạng của các biện pháp thoát khỏi nó, ví dụ như bằng
những nhân tố văn hóa, vị trí địa lý, đặc điểm cá nhân và hộ gia đình... chưa được
chú ý đúng mức trong mô hình này (Melissa Quetulio – Navarra, 2014). Trong
việc áp dụng mô hình IRR này vào nghiên cứu, phần lớn các tác giả chỉ chú ý đến
các rủi ro đầu tiên là mất đất, thất nghiệp, vô gia cư, mất quyền truy cập vào các
tài sản và dịch vụ chung mà chưa chú ý đến rủi ro cộng đồng bị chia cắt và hậu
quả của nó (Phạm Hữu Tý, 2015).
*Lý thuyết gián đoạn văn hóa tâm lý xã hội (theory about the psycho – socio –
cultural disruprtion) của Downing và Garcia – Downing (mô hình lý thuyết R-D-R’)
8



Một lý thuyết khác bắt nguồn từ sự băn khoăn của Theodore E. Downing và
Carmen Garcia – Downing (2009) là liệu sự chú ý quá mức và những khía cạnh kinh tế
của TĐC có bỏ qua những vấn đề cốt yếu trong văn hóa có thể giảm thiểu nguy cơ bần
cùng hóa do TĐC gây ra?. Từ đây, Theodore và Carmen Garcia (2009) đã phác thảo
một lý thuyết để nghiên cứu văn hóa tâm lý xã hội của cộng đồng bị di chuyển bắt
buộc trong một bài nghiên cứu ngắn. Đây là một bài viết mang tính lý thuyết, có minh
họa bằng những nghiên cứu của các tác giả khác. Trong bài viết này, các tác giả cho
rằng, TĐC bắt buộc đã chuyển đổi nền văn hóa quen thuộc sang một nền văn hóa đối
nghịch/xa lạ và sau một thời gian, một nền văn hóa quen thuộc gần giống như trước
được hình thành (mô hình R-D-R’: Routine – Dissonant - Routine’ (tạm dịch: quen
thuộc – đối nghịch – quen thuộc’)). Các tác giả nhấn mạnh, nền văn hóa quen thuộc
sau TĐC, nếu được tái lập sớm có thể giúp giải quyết những những căng thẳng gây ra
do sự di chuyển. Và vấn đề chúng ta cần làm là tạo điều kiện để văn hóa quen thuộc
mới được thiết lập nhanh chóng. Điều này sẽ giúp giảm thiểu các vấn đề về bần cùng
hóa văn hóa, tâm lý xã hội cũng như tăng cường năng lực về văn hóa và xã hội cho
những người di chuyển. Các tác giả cho rằng những rủi ro về văn hóa, tâm lý xã hội có
thể nhìn thấy ở mọi nơi: trong cuộc sống khó khăn, việc tổ chức lại các mối quan hệ xã
hội, những tài sản kinh tế và xã hội bị mất, những người đứng đầu bị lật đổ, mọi người
(đặc biệt là người già) trở nên ốm yếu, năng lực chống lại những đe dọa từ bên ngoài
bị giảm. Tuy nhiên những thông tin này lại không tiết lộ những động lực nằm bên dưới
để có thể giảm thiểu chúng. Một câu hỏi mang tính giả thiết được đặt ra là việc tổ chức
lại các quan hệ xã hội phải chăng là ưu thế hơn những cách khác trong việc ổn định lại
đời sống sau TĐC?. Từ đó các tác giả đi tìm những dẫn chứng trong các nghiên cứu
thực địa khác và lý giải rằng: nền văn hóa quen thuộc với những đặc tính cơ bản là trật
tự, an toàn và có thể dự đoán trước được trong cuộc sống hàng ngày đưa lại cảm giác
về sức khỏe và sự thịnh vượng. Trong diễn tiến của văn hóa quen thuộc luôn có đổ vỡ/
đứt gãy vi mô và sự điều chỉnh trở thành vô cùng thông dụng. Cá nhân thường dựa
vào mạng lưới thân tộc hay bạn bè của mình để mở rộng nguồn lực và vượt qua những
đổ vỡ vi mô này. Khi buộc phải di chuyển, sự mất ổn định của văn hóa quen thuộc diễn

ra mạnh mẽ. Văn hóa quen thuộc lúc đó đã biến thành cái gọi là văn hóa đối nghịch,
một sự xắp xếp tạm thời của không gian, thời gian, các mối quan hệ, thể chế và cấu
trúc văn hóa tâm lý – xã hội. Sự đối nghịch này có thể xuất hiện trước khi có sự di
9


chuyển về mặt vật lý. Trong số các hộ gia đình bị dịch chuyển, rủi ro của sự bần cùng
hóa xã hội thường là reo rắc sự thất thường và tổn thương phổ biến là mất đi sự tiếp
cận với mạng lưới xã hội an toàn. Văn hóa đối nghịch này có những đặc tính là: thứ
nhất là sự xuất hiện những quy tắc đối nghịch tạm thời mà bình thường trong nền văn
hóa quen thuộc nó không được chấp nhận. Thứ hai là sự quá tải đối nghịch, là sự quá
sức trong sự đáp ứng về văn hóa trước những rủi ro mới và bắt buộc phải tìm kiếm sự
hỗ trợ khác. Phát triển một chiến lược văn hóa mới để vượt qua được những khủng
hoảng do TĐC mang lại có thể diễn ra trong nhiều thế hệ. Kết quả của sự đổ vỡ xã hội
do TĐC bắt buộc gây ra có thể làm suy yếu vốn xã hội. Thứ ba, sự xáo trộn văn hóa
quen thuộc bắt đầu một quá trình bần cùng hóa vì xác định lại quyền tiếp cận đối với
những nguồn tài nguyên được cho phép hàng ngày và thường là việc tiếp cận với các
nguồn tài nguyên trở lên khó khăn hơn. Thứ tư, những người dịch chuyển có thể làm
tăng mức độ thường xuyên của các nghi lễ như là một sự tái khẳng định bản sắc nhóm.
Như vậy, nếu quá trình tồn tại của nền văn hóa đối nghịch càng kéo dài, cộng đồng bị
di chuyển bắt buộc càng ở lâu trong bối cảnh bất ổn định. Việc cần làm của các nhà
hoạch định TĐC là tạo ra cơ chế để nhanh chóng thiết lập lại nền văn hóa quen thuộc,
có thể không giống y nguyên với nền văn hóa trước TĐC, nhưng phải có những giá trị
cốt lõi của nền văn hóa trước đó. Làm được điều này, sẽ giảm thiểu được một phần
những rủi ro bần cùng hóa do TĐC gây nên, cộng đồng sau TĐC sẽ ổn định.
Sự ra đời của mô hình lý thuyết R-D-R’ bên cạnh mô hình IRR của Cernea và
mô hình 4 giai đoạn của Scudder không chỉ khẳng định mối quan tâm của các học giả
đối với TĐC bắt buộc ngày càng tăng, mà cũng thừa nhận một thực tế rằng, chưa có
mô hình lý thuyết nào là hoàn hảo trong việc giải quyết các hệ quả do TĐC bắt buộc
gây ra. Tuy nhiên, sự áp dụng mô hình R-D-R’ để giải quyết các bài toán TĐC bắt

buộc trong thực tế chưa có nhiều.
Trong 3 lý thuyết trên, luận án chủ yếu sử dụng mô hình lý thuyết R-D-R’ của
Theodore E. Downing và Carmen Garcia – Downing vì nó phù hợp với mục tiêu luận
án đề ra.
1.1.1.2 Các cách tiếp cận đối với TĐC bắt buộc
Hiện nay trên thế giới, đang phổ biến 3 cách tiếp cận với TĐC là: 1/cách tiếp
cận từ góc độ quản lý (cách tiếp cận từ trên xuống) ; 2/ tiếp cận dựa trên quyền (từ

10


dưới lên); 3/ cách tiếp cận trung gian của hai tiếp cận trên là: tiếp cận từ quyền và
những rủi ro (Phạm Hữu Tý 2015, tr .99).
* Các tiếp cận từ góc độ quản lý cho rằng, TĐC là đầu ra không thể tránh khỏi
và chắc chắn sẽ xảy ra nhưng lại không được định hướng trước của quá trình phát
triển. Cách tiếp cận này được đề cao bởi những người lập kế hoạch TĐC, những nhà
quản lý, thường tìm kiếm giải pháp để giảm thiểu tác động bất lợi của TĐC trong việc
lập và thực hiện những chính sách liên quan đến TĐC. Mô hình IRR của Cernea là
một minh chứng điển hình cho cách tiếp cận này. Việc vận dụng mô hình IRR vào việc
đo lường, đánh giá những rủi ro và đưa ra các biện pháp để khôi phục cuộc sống cho
người dân sau TĐC trở thành phổ biến trong các dự án mà Ngân hàng thế giới (WB)
cho vay vốn,
Tuy nhiên cách tiếp cận này bị phê phán là mang nặng tính chất áp đặt từ trên
xuống, quá nhạy cảm với “nhu cầu” của người dân mà thường bỏ qua những nguồn lực
mà họ đang nắm giữ (Phạm Hữu Tý, 2015, tr.9).
*Cách tiếp cận dựa trên quyền.
Theo Phạm Hữu Tý (2015), cách tiếp cận thứ hai được yêu thích bởi những học
giả nghiên cứu thiên về hành động, xem TĐC như một biểu hiện của cuộc khủng
hoảng về phát triển và họ làm việc với những nguyên nhân chính gây ra nó. Họ cho
rằng, TĐC bắt buộc là bằng chứng của một sự phát triển không đồng đều và sự phân

phối không công bằng những giá trị và lợi nhuận, điều này không làm thúc đẩy chung
sự thịnh vượng của toàn xã hội mà còn phá hủy những cách thức đang tồn tại của cuộc
sống. Đại diện tiêu biểu của cách tiếp cận này là Parasuraman (1999), cho rằng những
dự án phát triển thường đem lại sự thiên vị và lợi ích cho nhóm số ít người có quyền
lực. Ngoài ra có thể kể đến các nhà nghiên cứu có cùng mối quan tâm như Turton
(2006), Koenig (2006).
Cách tiếp cận này bị phê phán là đã không kết nối được TĐC bắt buộc trong
tiến trình hội nhập của quốc gia vào khu vực toàn cầu và những lợi ích mà tiến trình
này mang lại. (Phạm Hữu Tý 2015).
Hiện nay trên cơ sở cách tiếp cận dựa trên quyền, cách tiếp giới và thủy điện
cũng đang được một số NGO và nhà nghiên cứu chú ý, với quan điểm chính cho rằng
sự thay đổi cuộc sống của người dân khi TĐC bắt buộc là lớn nhất đối với những
người phụ nữ, do sự tiếp cận với các giá trị phát triển của họ ít hơn nam giới (Carol
11


Yong Ooi Lin 2001; GREENID 2013). Nghiên cứu quá trình TĐC bởi việc xây dựng
đập Babagon của người Kadazandusun, Yong Ooi Lin đã phát hiện ra rằng, TĐC đã
cấu trúc lại mối quan hệ giới, sinh kế, hệ thống giá trị và văn hóa. Khi đất của tộc
người này bị lấy mất để xây dựng đập, điều này đồng nghĩa với việc nền kinh tế truyền
thống, bản sắc văn hóa, tâm linh và tri thức của người dân bản địa bị mất. Và phụ nữ là
người bị lâm vào tình trạng tồi tệ hơn, bởi phụ nữ là người thu lượm thực phẩm và
thuốc từ rừng, và được coi là người giữ gìn những nghi lễ liên quan đến nông nghiệp
và chữa bệnh. Khi đất bị mất, những kiến thức của phụ nữ và kỹ năng về nghi lễ trở
thành vô nghĩa và họ trở thành nhóm bị thiệt thòi nhất trong những người bị thiệt thòi.
* Cách tiếp cận thứ 3 được đưa ra bởi Ủy ban Thế giới về đập (WCD), dung
hòa hai cách tiếp cận trên, nhưng không được sự ủng hộ hay đồng tình của những
người theo hai cách tiếp cận trên. Những khuyến nghị của WCD (2000) phát triển dựa
trên khái niệm quyền của Liên hợp quốc vào năm 1986, cho rằng phát triển bao gồm 5
yếu tố cơ bản: bình đẳng trong việc phân bổ nguồn lực và lợi ích; đảm bảo sự bền

vững trong của các nguồn lực cơ bản trên thế giới; mở rộng sự tham gia trong việc ra
quyết định; sự quản lý có hiệu quả; đáp ứng những nhu cầu của hiện tại và tương lai
(Koenig 2006, tr.112). Và để công bằng trong phát triển, WCD lập luận rằng, những
chương trình phát triển phải tập trung vào nâng năng lực con người, mở rộng những cơ
hội về mặt xã hội bằng việc tập trung giải quyết những hạn chế về mặt xã hội, con
người mà chúng tạo ra sự hạn chế trong việc lựa chọn của con người (WCD 2000).
Cũng như các mô hình lý thuyết, cho đến hiện nay, chưa cách tiếp cận nào về
TĐC bắt buộc là hoàn hảo. Nhưng tất cả đều không thể phủ nhận được một thực tế
rằng, những người TĐC bắt buộc “thường bị nghèo hơn, bị lề hóa và cô lập” (Phạm
Hữu Tý, 2015, tr 101).
Dù theo hướng tiếp cận nào, các nhà nghiên cứu về TĐC bắt buộc trên thế giới
đang có một sự đồng thuận lớn với quan điểm mà Mc Donald (1996) nêu ra trong cụm
từ “TĐC với phát triển”, và nó không ngừng được mở rộng bởi những nhà nghiên cứu
mang tính hàn lâm trên thực địa, những người làm chính sách ở các tổ chức quốc tế và
cả các quan chức chính phủ. Vilayvanh Phonepraseuth (2012) cho rằng, những người
cổ vũ cho quan điểm này thường tập trung tập trung vào việc phê phán vấn đề bồi
thường, và có một sự đồng thuận lớn, cho rằng: bồi thường là phần không thể thiếu
trong TĐC bắt buộc và có ý nghĩa quan trọng đối với sự khôi phục của những người
12


buộc phải di chuyển, nhưng khoản tiền và mảnh đất người dân được đền bù hoàn toàn
không đủ để khôi phục sinh kế trước đó của họ. Những người thực hành phát triển lập
luận rằng bần cùng hóa có thể được giảm thiểu hoặc tránh được bằng cách lập kế
hoạch cẩn thận, trong đó có chương trình phát triển cho các cộng đồng bị ảnh hưởng.
Để giảm thiểu những tác động của TĐC và sau đó đưa những người TĐC quay trở lại
con đường phát triển trước đó của họ, những nhà thực hành phát triển bình luận thêm
rằng, TĐC phải được đảm bảo như là một dự án phát triển đúng nghĩa của nó. Khái
niệm về TĐC với phát triển đang được ủng hộ rộng rãi của các học giả trong lĩnh vực
nghiên cứu về TĐC, và cả trong chính sách của các tổ chức quốc tế và ngày càng tăng

ở những chính phủ quốc gia. Bao trùm trong triết lý này là kỳ vọng rằng trong trường
hợp di dời cưỡng bức, cuộc sống của những người bị ảnh hưởng có thể được biến đổi
theo chiều hướng tốt hơn. Với cách tiếp cận này, người ta hy vọng rằng những nguy cơ
bần cùng hóa có thể được giảm thiểu hoặc tránh, mức sống được khôi phục, sinh kế
được cải thiện và cộng đồng bị ảnh hưởng có thể phát triển bền vững. Cách tiếp cận
này đòi hỏi phải tập trung vào chương trình tái thiết hướng đến tính toàn diện là phải
khôi phục tất cả các nguồn vốn cho họ, đảm bảo sự phát triển bền vững, đảm bảo tính
công bằng của phát triển. Và về nguyên tắc, nó đòi hỏi sự tôn trọng quyền con người,
trong đó nhấn mạnh quyền được tham gia.
WB (2004) ủng hộ tích cực quan điểm này. WB quảng bá trường hợp thủy điện
Nam Thueun 2 ở Lào – một thủy điện mà WB từng hứa hẹn rằng sẽ là một mẫu hình
mới về thủy điện bền vững và chương trình TĐC đã tạo ra được cơ hội phát triển cho
người dân bị ảnh hưởng và cuộc sống của họ trở lên tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, theo đánh
giá của Tổ chức sông ngòi quốc tế, những luận điểm mà WB cho là thành công khi
thực hiện dự án này như: giảm đói nghèo, đời sống các cộng đồng TĐC được cải thiện,
tác động tới hạ nguồn được hạn chế chỉ là những “ảo tưởng” (International River,
2015)2. Như vậy, tại dự án thủy điện mà được tổ chức tài chính lớn nhất thế giới quảng
bá là thành công, khi được áp dụng những cách tiếp cận mới nhất cũng không thể củng
cố được lập luận rằng đời sống của người dân TĐC được cải thiện. Điều này cũng
chứng tỏ là chưa có cách tiếp cận nào là hiệu quả đối với bài toán mà thủy điện đặt ra.
1.1.2 Các nguồn sinh kế và vốn xã hội trong tái định cư bắt buộc

2

/>
13


Các nghiên cứu về TĐC thủy điện trên thế giới dù là theo lý thuyết hay hướng
tiếp cận nào hầu hết đều bắt nguồn và tập trung vào giải quyết vấn đề khôi phục sinh

kế cho người dân sau TĐC. Vilayvanh Phonepraseuth (2012; tr 25), cho rằng, đã có sự
tích hợp những khái niệm phát triển bền vững trong những sáng kiến khôi phục sinh
kế. Và vấn đề ‘khôi phục sinh kế’ trở thành vấn đề quan trọng nhất trong mọi cuộc
thảo luận về TĐC và phát triển. Khôi phục sinh kế cho người dân sau TĐC là cả một
quá trình bên cạnh việc đền bù và định cư để đảm bảo rằng, dòng thu nhập, sinh kế và
hệ thống xã hội được dựng lại, những người bị ảnh hưởng và con cháu của họ đạt được
sự bền vững tốt hơn. Theo Vilayvanh phonepraseuth (2012; tr 25), có một sự đồng
thuận lớn giữa nhiều nhà nghiên cứu khi cho rằng trong quá trình chuyển cư, người
dân thường mất tất cả mọi loại vốn: vốn tự nhiên, vốn vật chất, vốn con người, vốn xã
hội, và việc mất các loại vốn trên làm yếu đi khả năng của cộng đồng trong việc xây
dựng lại cuộc sống và sinh kế của họ. Những mất mát này còn tước quyền
(disempowering) của những người bị ảnh hưởng, làm cho những yêu cầu về quyền và
tiếp cận tài nguyên của họ trở lên khó khăn hơn.
Để khôi phục sinh kế cho người dân sau TĐC, phần lớn các nghiên cứu đều
hướng tới việc khôi phục các nguồn vốn sinh kế, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến
nguồn vốn mang tính vật chất như đất, rừng, cơ sở hạ tầng, tiền đền bù (ADB 1998,
2003; WB, 2004; Mathur 1995; Duan & McDonald 2004; McDonald 2006). Như trong
các nghiên cứu của mình, Cernea đánh giá nguồn vốn tự nhiên, đặc biệt là đất đai rất
quan trọng với người dân TĐC trong việc khôi phục sinh kế. Trong bài giới thiệu cuốn
sách viết vào năm 2000, Cernea cho biết, thành phần đầu tiên của việc kiến thiết và
khôi phục sinh kế mà mô hình IRR chú ý đến là đất và việc làm, sau đó xem xét việc
kiến thiết lại cộng đồng, nhà ở và các dịch vụ xã hội. Theo tác giả, “bố trí cho những
người dịch chuyển đất sản xuất hay thu nhập có từ việc làm là trung tâm của việc xây
dựng lại sinh kế” (Cernea 2000, tr.33). Nghiên cứu của Mahapatra (1999) về những
cộng đồng TĐC do việc xây dựng đập ở Ấn Độ cũng khẳng định rằng mất đất sản xuất
đưa lại sự bần cùng hóa cao nhất trong TĐC không tự nguyện.
Trong các nguồn vốn để khôi phục sinh kế cho người dân sau TĐC, vai trò của
nguồn vốn xã hội cũng đã dành được sự quan tâm nhiều của một số nhà nghiên cứu.
Tuy nhiên, những phát hiện về vốn xã hội mới dừng lại ở các nghiên cứu mang tính lý
thuyết và gần như chưa được áp dụng vào thực tiễn.

14


Về mặt lý thuyết, tác động của TĐC đến nguồn vốn xã hội của người dân bên
cạnh các nguồn vốn khác đã được một số nhà nghiên cứu quan tâm (Ceanea 1993,
1997, 2000; Theodore E.Downing và Carment Garcia – Downing 2009; Carol Yong
Ooi Lin 2001; Philip Hirsch 1992; Dolores Koenig 2001; Melissa Quetylio – Navarra
2013). Các tác giả này cho rằng, di dân bắt buộc làm phá vỡ các cấu trúc xã hội hiện
có, làm phân tán các cộng đồng và phá bỏ các tổ chức xã hội và mối quan hệ giữa các
cá nhân. Một mạng lưới không chính thức để giúp đỡ lẫn nhau vốn rất bền vững trong
cuộc sống và những dịch vụ tình nguyện trong địa phương bị gián đoạn. Và Cernea
(1997) kết luận, đây là sự một sự mất mát của “vốn xã hội”, mà chức năng chính của
nó là dàn xếp được sự mất mát của vốn tự nhiên, tài chính và vốn con người. Vốn xã
hội bị mất thông qua sự chia cắt xã hội thường không được đền bù, và thực tế này để
lại những hậu quả lâu dài. Mạng lưới xã hội với chức năng huy động các thành viên
của nhóm hành động vì lợi ích chung hoặc đáp ứng một nhu cầu cấp thiết nào đó, khi
đã bị vỡ rất khó có thể xây dựng lại được. Và chi phí nặng nhất khi phải chuyển cư
chính là những chi phí phát sinh từ việc những mối quan hệ xã hội của cá nhân bị cắt
đứt trong một môi trường quen thuộc để đối mặt với một môi trường mới xa lạ, bất ổn.
Cernea cũng thừa nhận một thực tế rằng, đảo chiều rủi ro này để khôi phục sự gắn kết
cộng đồng là vấn đề cần thiết nhưng khó khăn vì nó không được sự hoạch định hoặc bị
bỏ qua trong các chính sách về TĐC.
Việc xây dựng lại cộng đồng yêu cầu sự khôi phục cấu trúc của các nhóm, trong
đó có các tổ chức chính thức và phi chính thức. Tái tạo cấu trúc cộng đồng và những
nguồn lực thuộc sở hữu cộng đồng là một vấn đề phức tạp. Cùng chủ đề này, Dolares
Koenig (2001), phân tích, di chuyển bắt buộc gây ra đứt gãy về mặt xã hội và nguy cơ
bị lề hóa đối với từng cá nhân, gia đình và cộng đồng. Con người là một phần của một
hệ thống văn hóa – xã hội và chính điều này mang lại ý nghĩa cho cuộc sống của họ.
Việc phải di chuyển bắt buộc đã chia cắt, làm mất đi các mạng lưới xã hội của họ
khiến họ cảm thấy bị bất lực, phụ thuộc và dễ bị tổn thương. Kể cả khi được di chuyển

cả nhóm, nhóm này vẫn mất đi năng lực làm việc trong một bối cảnh mới. Quá trình lề
hóa được nhìn nhận là một quá trình mà trong đó cá nhân, gia đình bị mất đi quyền lực
kinh tế và kinh nghiệm do họ không thể sử dụng các kỹ năng cũ tại một địa điểm mới
(điều này đồng nghĩa với việc vốn con người trở nên lỗi thời). Sau TĐC, họ mất đi khả
năng kiểm soát không gian vật lý và những kiến thức, kỹ năng cũ trở nên vô tác dụng.
15


Điều này cũng có thể đưa một nhóm dân tộc xuống nấc thang cuối cùng trong bảng
xếp hạng quốc gia. Để khắc phục những rủi ro này, các chiến lược phục hồi cần nhấn
mạnh vào việc tái thiết cộng đồng và mạng lưới xã hội cho người chuyển cư, kiên trì
theo đuổi chiến lược gắn kết xã hội. Biện pháp giáo dục và tăng cường kỹ năng để sử
dụng các nguồn tài nguyên mới trong môi trường mới là một phần cần thiết để chống
lại nguy cơ lề hóa. Tuy nhiên, việc chuyển cư theo nhóm cũng đặt ra nhiều vấn đề về
việc phân bố quyền lực, về sự xung đột giữa nhóm chuyển cư và nhóm nhận cư và
xung đột ngay trong một cộng đồng. Từ đó, Koenig đặt trọng tâm nghiên cứu của
mình vào những cách gắn kết xã hội bị mất và sự lề hóa của cá nhân/cộng đồng ảnh
hưởng đến khả năng của người TĐC trong việc sử dụng những nguồn lực kinh tế và
kiểm soát cuộc sống của họ. Đặc biệt, Koenig quan tâm đến việc bần cùng hóa do sự
mất đi giá trị của kiến thức cá nhân (vốn con người), kiến thức xã hội (vốn xã hội)
trong một môi trường vật lý mới và bần cùng hóa do sự mất mát năng lực tổ chức hiệu
quả những mục tiêu của địa phương. Những mất mát về nguồn lực xã hội và văn hóa
không chỉ ảnh hưởng đến kinh tế mà nó còn là sự mất mát lớn trong chính bản thân nó.
Những phát hiện này của Koenig giúp chúng ta hiểu sâu hơn về nguy cơ cuối
cùng trong 8 nguy cơ bần cùng hóa trong mô hình của IRR của Cernea và cũng bổ
sung thêm cho mô hình này nguy cơ còn thiếu, đó là nguy cơ của việc mất đi các giá
trị của kiến thức cá nhân, tri thức bản địa.
Những mất mát mà cộng đồng bị di chuyển có thể nhìn thấy đầu tiên là việc
không có chỗ ở, mất an ninh lương thực, tăng tỷ lệ mắc bệnh và tử vong do căng thẳng
và thay đổi môi trường khi di chuyển. Những nguy cơ này xuất hiện trước, trong TĐC

và cả về sau này. Trong thời gian trong, ngay sau khi di chuyển, đây là những vấn đề
được chính quyền, ban quản lý dự án quan tâm giải quyết, ví dụ không có nhà ở có thể
xử lý bằng kế hoạch xây dựng nhà ở, cung ứng vật liệu xây dựng…, thiếu lương thực
có thể giải quyết được bằng một loạt các chương trình viện trợ lương thực, bệnh tật có
thể giải quyết bằng các chương trình tiêm phòng và phòng chống dịch bệnh. Nhóm
nguy cơ về phúc lợi xã hội có thể coi là dễ giải quyết nhất vì nó là những nguy cơ dễ
nhận biết nhất và tương đối dễ để giảm nhẹ trong ngắn hạn. Tuy nhiên nhiều dự án
TĐC chỉ nhận thấy những nguy cơ này và sau khi đã có những hoạt động giảm nhẹ các
rủi ro này, đã coi như giải quyết xong mọi vấn đề của TĐC. Những nguy cơ về sự chia
cắt cộng đồng và biện pháp để gắn kết xã hội hầu như bị bỏ qua.
16


×