Tải bản đầy đủ (.docx) (2 trang)

Suy nghĩ của em về nhân vật chị dậu qua đoạn trích

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (54.02 KB, 2 trang )

Suy nghĩ của em về nhân vật chị Dậu qua đoạn trích Tức nước vỡ bờ (tiểu thuyết Tắt đèn của Ngô Tất
Tố)
Bài làm:
Thời gian vẫn chảy trôi và bốn mùa vẫn xoay chuyển. Con người chỉ đến một lần trong đời và cũng chỉ
một lần ra đi mãi mãi. Nhưng những gì là nghệ thuật thì vẫn còn tồn tại mãi với thời gian. Ngô Tất Tố đã
đến với văn đàn và để lại dấu ấn của mình bằng hàng loạt những tác phẩm vạch trần hiện thực tối tăm,
mù mịt của xã hội Việt Nam trước cách mạng. Một trong số ấy, không thể không kể tới tiểu thuyết Tắt
đèn với hình ảnh của chị Dậu - một người phụ nữ nông dân vừa giàu tình yêu thương, vừa có sức
sống tiềm tàng, mạnh mẽ. Những phẩm chất đẹp đẽ ấy của chị được tác giả khắc họa thành công
qua đoạn trích Tức nước vỡ bờ.
Ngô Tất Tố là một con người đa tài. Ông được biết tới là một học giả có nhiều công trình khảo cứu có
giá trị, một nhà báo nổi tiếng với khuynh hướng dân chủ tiến bộ, giàu tính chiến đấu và đặc biệt, ông
được biết tới nhiều hơn cả với tư cách là một cây bút hiện thực xuất sắc chuyên viết về nông thôn trước
Cách mạng. Tắt đèn là tác phẩm tiêu biểu nhất của Ngô Tất Tố khi ông đã dựng nên một bức màn đen
tối với không khí sôi sục, khẩn trương của nông thôn mùa sưu thuế. Cũng ở đó, người ta được chứng
kiến số phận của những người nông dân ở tầng đáy của xã hội, đó là gia đình chị Dậu. Nhưng hơn cả,
tác phẩm của ông làm ngời sáng phẩm chất của người phụ nữ nông dân trong thực xã hội bất nhân
đương thời - nhân vật chị Dậu. Đoạn trích Tức nước vỡ bờ thuộc chương XVIII của tác phẩm.
Ngay từ nhan đề Tức nước vỡ bờ cũng đã gợi cho người đọc nhiều suy nghĩ. Người biên soạn đã
mượn một hình ảnh trong thực tế, khi nước dâng cao, lực tác động quá mạnh, bờ bãi không đủ sức
chống đỡ thì nước sẽ dềnh lên, làm vỡ bờ, tràn ra tạo thành lũ. Ở đây, ta có thể hiểu đó chính là sự phản
kháng một cách mạnh mẽ của chị Dậu trước hành động áp bức, bóc lột tàn nhẫn, không bàn đến nhân
tính, tình nghĩa giữa con người với con người của bọn lính lệ và người nhà lí trưởng. Nói cách khác,
nhan đễ đã đưa ra một quy luật tất yếu của cuộc sống: có áp bức thì sẽ có đấu tranh. Mà sự đấu tranh ấy
bắt nguồn từ nhân phẩm của con người và tình yêu thương gia đình.
Ngô Tất Tố đã sử dụng bút pháp tương phản đối lập để dựng nên bức chân dung đối lập hoàn toàn. Bọn
cai lệ hiện lên với vẻ tàn nhẫn, độc ác, hèn hạ bao nhiêu thì chị Dậu lại hiện lên với vẻ đẹp sáng ngời của
phẩm chất và nhân cách bấy nhiêu. Trong suốt đoạn trích, người ta bắt gặp hình ảnh của một chị
Dậu yêu thương chồng con hết mực. Bà lão hàng xóm tốt bụng mang bát gạo sang để chị nấu cháo
cho cả nhà với lời khuyên anh Dậu trốn đi để giữ lại mạng, không thì còn bị hành cho không ra hình dạng
con người. Khi ấy, chị Dậu đồng tình với bà những vẫn muốn để anh Dậu "ăn lấy vài húp" vì "nhịn đói từ


sáng hôm qua tới giờ". Rồi chị rón rén bưng một bát lớn tới chỗ chồng nằm và nhỏ nhẹ "Thầy em hãy cố
ngồi dậy húp ít cháo cho đỡ xót ruột". Chỉ bằng một chi tiết ấy thôi người đọc cũng có thể hình dung về
tấm lòng của người vợ tảo tần, lam lũ. Chứng kiến cảnh chồng bị đánh đâp, hành hạ vì không đủ tiền
đóng tiền sưu, người phụ nữ ấy đã phải chạy vạy khắp nơi để lo sưu cho chồng, thậm chí phải bán cả
đàn chó mới đẻ, cả đứa con gái lớn nhất của mình mà chị vẫn không hề trách cứ chồng nửa lời. Có thể
nói, chị Dậu là hiện thân của người phụ nữ Việt Nam truyền thống, giàu đức hi sinh, yêu thương gia đình
và có thể dùng cả sinh mạng đánh đổi lấy hạnh phúc bình dị của gia đình.
Không những thế, trong đoạn trích, người đọc còn chứng kiến một chị Dậu với sức sống tiềm
tàng, mãnh liệt. Anh Dậu vừa mới tỉnh lại, còn chưa kịp húp bát cháo, bọn lính lệ và người nhà lí trưởng
đã xông vào nhà. Mặc cho chị Dậu nài nỉ, van xin, nói hết tình hết lí bọn cai lệ vẫn bỏ ngoài tai, đòi sấn sổ
tới trói gô anh Dậu lôi ra đình. Ngô Tất Tố đã dồn bút lực để miêu tả diễn biến tâm lí của nhân vật trong
thời khắc này. Sự thay đổi trong cách xưng hô của chị Dậu từ "Cháu van ông...ông tha cho" sang "Chồng
tôi đau ốm, các ông không được phép hành hạ!" rồi cuối cùng là "Mày trói chồng bà đi, bà cho mày xem!"
đã được Ngô Tất Tố quan sát thật tinh tế. Từ vị thế của một kẻ đi cầu xin tình thương, chị Dậu đã biến
thành vị thế của một kẻ bề trên, với sức mạnh không thể cưỡng lại được. Cách xưng hô "mày - tao"
trước khi cuộc ẩu đả bắt đầu cho ta hiểu được rằng, lúc này chị Dậu đã ngang hàng với những tên cai lệ,


lí trưởng - những kẻ vốn dĩ là đại diện cho tầng lớp thống trị lúc bây giờ, thậm chí ta còn thấy ở chị một
sự khinh bỉ. Nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Phan đã nhận xét "Cái đoạn chị Dậu đánh nhau với tên cai lệ là
một đoạn tuyệt khéo" . Quả thực, đọc đoạn này, ai cũng cảm thấy hả hê, sung sướng khi thấy chị Dậu
"túm cổ hắn, ấn dúi ra cửa" khiến hắn "ngã chỏng quèo trên mặt đất", hai người từ giằng co, du đẩy nhau
đến "áp vào vật nhau" và kết cục là "hắn bị chị này túm tóc lẳng cho một cái, ngã nhào ra thềm". Sự nổi
dậy mạnh mẽ với dáng vóc và sức lực của người đàn bà lực điền, chị Dậu đã giành lại được tự tôn và
nhân phẩm của mình, bảo vệ gia đình mình khỏi móng vuốt độc ác của bọn thống trị, trong chốc lát. Dù
có bị ngồi tù nhưng chị Dậu không thể chịu nổi khi "chúng nó làm tình làm tội" mình mãi. Ngô Tất Tố đã
khái quát một quy luật thường thấy của cuộc sống, sức chịu đựng của con người là có giới hạn, một khi
đã vượt qua giới hạn ấy thì sự phản kháng lại là điều tất yêu. Đồng thời, ông cũng vẽ ra cho người nông
dân trước cách mạng con đường để thoát khỏi sự tăm tối, u mê, khổ đau của những năm tháng thúc sưu
thuế, thoát khỏi sự bóc lột tàn tệ của bọn thực dân phong kiến đương thời, chính là đứng lên đấu tranh

chống lại chúng, đòi lại quyền sống cho mình. Có lẽ vì thế mà Nguyễn Tuần đã cho rằng "với tác
phẩm Tắt đèn,Ngô Tất Tố đã xui người nông dân nổi loạn".
Bằng ngòi bút hiện thực sinh động cùng bút pháp tương phản đối lập, đoạn trích Tức nước vỡ bờ (trích
tiểu thuyết Tắt đèn của Ngô Tất Tố) đã vạch trần bộ mặt tàn ác, bất nhân của xã hội thực dân phong kiến
đương thời; xã hội ấy đã đẩy người nông dân vào tình cảnh vô cùng cực khổ, khiến họ phải liều mạng
chống lại. Nổi bật hơn cả là vẻ đẹp tâm hồn của chị Dậ, người phụ nữ nông dân, vừa giàu tình yêu
thương vừa có sức sống tiềm tàng mạnh mẽ.



×