Tải bản đầy đủ (.docx) (8 trang)

Biểu cảm về loài cây em yêu

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (85.85 KB, 8 trang )

Biểu cảm về Loài cây em yêu (chọn bất
cứ loại cây gì ở Làng quê Việt Nam: Tre,
dừa, chuối, gạo, đa...không viết lại cây
sấu)
Người đăng: Mưa bụi - Ngày: 11/10/2018

Bài viết tập làm văn số 2 - ngữ văn lớp 7 đề: Loài cây em yêu (chọn bất cứ loại cây gì ở Làng quê Việt
Nam: Tre, dừa, chuối, gạo, đa...không viết lại cây sấu). Sau đây, tech12h gửi đến cho bạn đọc những
bài văn mẫu hay nhất, mời các bạn cùng tham khảo.



Bài mẫu 1: Văn biểu cảm về loài cây em yêu - Cây tre



Bài mẫu 2: Văn biểu cảm về loài cây em yêu - Cây khế



Bài mẫu 3: Văn biểu cảm về loài cây em yêu - Cây bàng



Bài mẫu 4: Văn biểu cảm về loài cây em yêu - Cây sưa



Bài mẫu 5: Văn biểu cảm về loài cây em yêu - Cây đa

Back to top



Bài mẫu 1: Văn biểu cảm về loài cây em yêu - Cây tre
Dàn bài


Mở bài: Giới thiệu loại cây em yêu đó chính là cây tre biểu tượng cho đất nước và con người
Việt Nam



Thân bài:
o

Hình bóng cây tre có mặt khắp nơi trên mọi miền đất của tổ quốc

o

Tre là loài cây đã đi sâu vào tiềm thức của tôi từ thời ấu thơ

o

Nơi sỏi đá khô cằn, nơi đất vôi bạc màu nghèo sinh dưỡng, tre vẫn không ngại vươn
mình lên đón mặt trời.

o

Tre đã trở thành người bạn thân thiết, trở thành một phần của cuộc sống con người

o


Cây đa, quán nước, đình làng và lũy tre xanh là niềm thổn thức của bao trái tim xa quê

o

Thời bom đạn: “ Tre xung phong vào xe tăng đại bác. Tre giữ làng, giữ nước, giữ mái
nhà tranh, giữ đồng lúa chín..."

o

Trờ về đời thường, tre hòa mình vào cuộc sống, cùng con người dựng xây hạnh phúc....


o



Những buổi trưa hè lộng gió, tiếng võng tre kẽo cà kẽo kẹt, tiếng sáo diều du dương bay
bổng, ôm ấp cả làng quê êm ả thanh bình.

Kết bài: Hình tượng cây tre luôn mang một ý nghĩa lớn lao, đặc biệt trong trái tim con người Việt.
Đối với tôi, tre là quê hương ruột thịt...
Bài làm
“Tre xanh xanh tự bao giờ
Chuyện ngày xưa đã có bờ tre xanh”

Tre từ bao đời nay đã trở thành biểu tượng cho đất nước và con người Việt Nam. Tre âm thầm lặng lẽ
bước vào cuộc sống của con người Việt, gắn bó như một phần máu thịt không thể tách rời. Sinh ra và
lớn lên ở một vùng quê rì rào những lũy tre xanh, cây tre là loài cây tôi yêu nhất.
Trên khắp mọi miền của Tổ quốc thân yêu, đâu đâu ta cũng có thể nhìn thấy bóng tre xanh nghiêng mình
trong gió. Tre bắt nguồn từ đâu? Tre có tự bao giờ? Chẳng một truyền thuyết nào hoàn chỉnh về cây tre.

Tôi chỉ nhớ rằng trong kí ức tuổi thơ, những ngày còn bé xíu, tôi đã đọc vanh vách truyện Thánh Gióng
nhổ tre ngà, dũng mãnh chiến thắng giặc Ân xâm lược.
Những cánh đồng thẳng cánh cò bay, những dòng sông mềm như dải lụa, những cánh diều trên bầu trời
lộng gió cùng lũy tre xanh rợp mát đã trở thành tuổi thơ tươi đẹp của lũ trẻ làng quê nghèo chúng tôi.
Thời gian qua đi, trong trí nhớ non nớt của những đứa trẻ, hình ảnh cây tre gầy guộc mà thẳng đứng vẫn
không phai mờ. Kì diệu làm sao những chiếc lá mong manh mà sắc nhọn! Cơn gió nào vô tình thổi qua,
bứt chiếc lá tre đã ngả vàng xoay tròn rồi rơi xuống mặt nước, lững lờ trôi như chiếc thuyền nan tí hon.
Kiên cường biết mấy những cây tre đoàn kết với nhau, tay ôm tay níu mà nên lũy lên thành! Có loài cây
nào sức sống bền bỉ, dẻo dai hơn cây tre? Nơi sỏi đá khô cằn, nơi đất vôi bạc màu nghèo sinh dưỡng,
tre vẫn không ngại vươn mình lên đón mặt trời. Tre mộc mạc, dẻo dai mà cứng cáp, thanh cao chí khí
như người.
Không biết tự khi nào, tre đã trở thành người bạn thân thiết, trở thành một phần của cuộc sống con
ngươì. Thuở lọt lòng, tôi lớn lên trong tình yêu thương của cha mẹ, trong những lời ru ngọt ngào và trong
cả chiếc nôi tre nhỏ bé mà bao trọn tình yêu. Những buổi chiều lộng gió, tiếng cười giòn tan của chúng
tôi vang lên giữa miền quê khi chơi thả diều – những con diều làm từ thân tre. Và làm sao quên được,
những đêm Rằm phá cỗ Trung Thu, tôi theo chúng bạn cầm chiếc đèn lồng vót gọt từ tre, nối đuôi nhau
chạy khắp xóm làng. Tre chính là loài cây mà khi nhắc đến, ông bà tôi không giấu được niềm vui vẻ, hoài
niệm về những ngày đan lát bao năm trở lại. Chiếc thúng, chiếc rổ và đồ dùng ngày xưa, tất cả đều từ tre
mà làm thành. Có lẽ vì thế, tình cảm mặn mà của thế hệ đi trước đã dần truyền sang thế hệ tôi. Dưới
bóng tre xanh, thấp thoáng mái đình, ngôi chùa cổ kính rêu phong. Cây đa, quán nước, đình làng và lũy
tre xanh là niềm thổn thức của bao trái tim xa quê. Tết đến xuân về, bà và mẹ chẽ tre làm lạt gói bánh
chưng, khăng khít như những mối tình thuở ban đầu dưới bóng tre xanh. Tre mang theo niềm vui thơ
ngây trẻ thơ, mang theo chút khoan khoái của tuổi già.
Ngược dòng thời gian đề quay về những ngày trong quá khứ, những tháng ngày kháng chiến oanh liệt,
tôi thấy lòng mình đầy khâm phục và tự hào. “ Tre xung phong vào xe tăng đại bác. Tre giữ làng, giữ
nước, giữ mái nhà tranh, giữ đồng lúa chín. Tre hi sinh để bảo vệ con người”. Trong bom đạn chiến
tranh, dưới bàn tay tàn ác của kẻ thù, tre anh hùng bất khuất, tre lấy thân mình che chở bảo vệ cả quê
hương. Tre xanh trong chiến tranh là đồng chí, là chiến sĩ kiên cường.
Trở về hiện thực đời thường, tre hòa mình vào cuộc sống, cùng con người dựng xây hạnh phúc. Tre đi
vào thơ ca, trở thành cảm hứng sáng tác bất tận cho những người nghệ sĩ. Trong khúc ca về đất nước

và con người, tre nhẹ nhàng xuất hiện gắn bó, yêu thương “Cánh đồng ta năm đôi ba vụ. Tre với người
vất vả quanh năm”, “ Lạt này gói bánh chưng xanh. Cho mai lấy trúc cho anh lấy nàng”. Tre cất lên khúc


nhạc đồng quê, đó là những buổi trưa hè lộng gió, tiếng võng tre kẽo cà kẽo kẹt, tiếng sáo diều du dương
bay bổng, ôm ấp cả làng quê êm ả thanh bình.
Cuộc sống hôm nay đã ít nhiều thay đổi, tre tuy không còn gần gũi, thân cận với con người như trước.
Nhưng hình tượng cây tre vẫn mang một ý nghĩa lớn lao, đặc biệt trong trái tim con người Việt. Đối với
tôi, tre là quê hương ruột thịt, là linh hồn thiêng liêng của dân tộc mình.
Back to top

Bài mẫu 2: Văn biểu cảm về loài cây em yêu - Cây khế
Dàn bài


Mở bài: Giới thiệu cây khế, loài cây em yêu bởi cái đẹp bình dị, thanh cao và cả những kỉ niệm
tuổi thơ tôi từng gắn bó



Thân bài:



o

Cây khế được trồng từ ngày tôi còn lên ba, đến nay nó đã vươn lên cao và xòe tán rộng.

o


Tôi thích ngửi mùi hoa khế, thích thú trước từng chùm hoa mọc âm thầm tim tím cả một
bầu trời.

o

Đã bao lần tôi say sưa trước hình thù kì lại của trái khế, không giống với bất kì loại trái
nào

o

Cây khế đi vào đời sống của người dân quê tôi như một phần không thể thiếu: nấu canh
chua, mắm chưng, khế chấm muối....

o

Tuổi thơ của tôi trôi qua dưới bóng cây khế trong lành: chơi dưới bóng cây khế, hái khế
ăn,...

o

Cây khế của tuổi thơ, cây khế của ước mơ tôi ơi! Tôi mãi gọi tên như một người bạn
chân thành.

Kết bài: Tôi đã lớn, nhưng dù ở nơi đâu, thấy thấp thoáng màu hoa khế và cái hương thoang
thoảng dịu dàng, tôi lại cảm thấy bình yên đến lạ lùng
Bài làm

Là người Việt Nam chắc chẳng ai xa lạ với cây khế. Tôi biết cây khế trước khi được nghe kể câu chuyện
Ăn khế trả vàng và ngân nga lời bài hát “quê hương là chùm khế ngọt”. Tôi yêu loài cây này bởi cái vẻ
đẹp bình dị mà thanh cao của nó cũng như yêu những kỉ niệm tuổi thơ tôi từng gắn bó dưới bóng cây.

Cây khế của tôi được trồng trước nhà từ ngày tôi còn lên ba. Ngày trước nó vốn là cây mọc hoang phía
sau hè nhưng vì bà tôi sợ nó cô đơn nên đã dời ra trước sân. Cây khế biết ơn bà nên vươn cành cao và
xòe tán rộng. Tôi thương cái dáng mảnh khảnh của cành chịu nhiều sương gió mà vẫn dẻo dai. Tôi quý
cái gốc sần sùi nhiều vết thẹo, tôi đã nhiều lần khóc khi tiễn những chiếc lá vàng về đất. Lá khế không to
nhưng đủ bóng mát cả một góc sân bởi lá có bao giờ mọc lẻ loi. Cho đến bây giờ tôi vẫn giữ thói quen
ngửi mùi hoa khế. Tôi thích thú trước từng chùm hoa mọc âm thầm tim tím cả một bầu trời. Hoa khế
không rực rỡ, không ngát hương nhưng lại có sức quyến rũ kì lạ với chúng tôi. Mùi của hoa như mùi của


cỏ, của lá, của rơm rạ quê hương. Điều kí diệu nhất vẫn nằm ở trái khế xanh xanh khi còn non và ngả
vàng khi chín. Đã bao lần tôi say sưa trước hình thù kì lại của trái khế, không giống với bất kì loại trái
nào, khế có 5 múi rõ ràng.
Ngày trước tôi chưa hề biết cây khế lại đi vào thơ ca, văn học nhiều đến vậy. Tô chỉ biết rằng nó đi vào
đời sống của người dân quê tôi như một phần không thể thiếu. Mẹ tôi thường hái trái khế chín nấu canh
chua cá lóc. Ba thì thích ăn mắm chưng, ba bảo mắm chưng không thể thiếu chuối chát và khế. Nhìn
những khoanh khế được cắt mỏng hình ngôi sao bày trên dĩa không ai có thể cưỡng lại sự hấp dẫn của
món ăn. Bà tôi lại thích trồng cây khế trước nhà để cây rợp bóng mát cho các cháu vui chơi. Không chỉ
thế cây khế còn là cả một niềm mơ mộng đối với lũ trẻ chúng tôi. Những buổi trưa hè, chúng tôi rủ nhau
cất nhà chòi bên gốc khế rồi hái từng chùm khế xuống chấm với ít muối cùng nhau ăn. Đứa thì nhăn mặt,
đứa hít hà nhưng chẳng mấy chốc cả rổ khế hết nhẵn. Thế nhưng chẳng bao giờ chúng tôi nở hái đến
quả cuối cùng trên cây. Chúng tôi ngây thơ nghĩ rằng một ngày nào đó có chú chim quạ đến ăn khế sẽ
đền đáp cho chúng tôi những món đồ chơi thật đẹp.
Cứ thế tuổi thơ của tôi trôi qua dưới bóng cây khế trong lành. Những đêm trăng sáng tôi thả hồn mình
vào miền cổ tích với những ánh sao rực rỡ trên bầu trời và chiếc đèn lồng xanh, vàng là những trái khế
đung đưa. Bà đã kể biết bao câu chuyện, làm sao tôi có thể đi qua hết cũng như chẳng thể nào nhớ nỗi
mấy mùa hoa khế rụng. Cây khế của tuổi thơ, cây khế của ước mơ tôi ơi! Tôi mãi gọi tên như một người
bạn chân thành.
Tôi đã lớn, cây khế cũng già tôi chẳng còn chơi trò trốn tìm bên gốc khế cũng chẳng thể nhìn thấy cây
mỗi ngày. Thế nhưng dù ở nơi đâu, thấy thấp thoáng màu hoa khế và cái hương thoang thoảng dịu dàng,
tôi lại cảm thấy bình yên đến lạ lùng. Tôi yêu cảm giác bình yên ấy như tình yêu mà tôi dành cho loài cây

mẹ quê hương của mình.
Back to top

Bài mẫu 3: Văn biểu cảm về loài cây em yêu - Cây bàng
Dàn bài


Mở bài: Cây bàng - một người bạn gần gũi nhất, thân thương nhất và không bao giờ vắng mặt
trong cuộc sống của em.



Thân bài:
o

Vào mùa nào, cây bàng cũng có một vẻ đẹp riêng, khi trẻ trung xanh mướt khi già cỗi,
sắt siu.

o

Em thích nhất là ngắm nhìn cây bàng vào xuân với những chồi non chúm chím hé nở

o

Mùa hè sang mang đến cho cây bàng một sức sống mạnh mẽ, rợp bóng mát xanh um là
chiếc ô che mát cho chúng em vui chơi

o

Bàng vào thu, những chùm quả bàng bắt đầu chín toả hương thơm nồng nàn ngai ngái

phảng phất

o

Thương nhất là khi cây bàng vào đông, cây trơ trụi lá, những chiếc cành bơ vơ trong tiết
trời lạnh cắt




Kết bài: Em yêu cây bàng như yêu một người bạn lặng thầm bình dị và gần gũi. Cây bàng là nhà
ở, là phố phường, là trường học, là kỷ niệm...là tất cả những gì mà em gắn bó và yêu quý.
Bài làm

Trước sân nhà em có một cây bàng. Truờng em cũng rất nhiều bàng. Hai bên hè phố nơi em ở lại là
những dãy bàng xanh ngút ngái. Những cây bàng đứng đó, nhìn em lớn lên và lưu giữ bao kỷ niệm ấu
thơ. Em yêu cây bàng như yêu một người bạn gần gũi nhất, thân thương nhất và không bao giờ vắng
mặt trong cuộc sống của em.
Vào mùa nào, cây bàng cũng có một vẻ đẹp riêng, khi trẻ trung xanh mướt khi già cỗi, sắt siu. Cây bàng
lúc tươi tắn, lúc trầm ngâm, lúc vui, lúc buồn như con người vậy.
Em thích nhất là ngắm nhìn cây bàng vào xuân. Đó là mùa hồi sinh của vạn vật. Trong làn mưa bụi, hơi
lạnh se se, những chồi non chúm chím hé nở trên những nhành cây gầy mảnh vươn dài, xoè rộng. Màu
xanh non nớt, mượt mà ấy làm dãy phố sáng bừng lên sau một mùa đông dài xanh xám. Có lúc em thấy
cây bàng đang cháy lên những ngọn nến xanh. Có lúc em lại thấy dường như bàng là một cô gái đang
múa đèn duyên dáng. Cây bàng biến hoá với bao hình dáng kỳ diệu.
Những chồi bàng lớn rất nhanh. Khi trong những vòm lá bắt đầu lấp ló nhánh hoa li ti ấy là lúc mùa xuân
sắp tàn nhường quyền tạo hoá cho mùa hè rực rỡ. Mùa hè sang mang đến cho cây bàng một sức sống
mạnh mẽ. Cả phố phường ngợp bóng mát xanh um của những tán bàng toả rợp. Em lại được nô đùa
chơi đồ hàng, chơi nhảy dây với lũ bạn dưới gốc bàng. Cây bàng đu đưa, rì rào hiền như một người bạn
lớn tốt bụng xoè rộng cánh tay cầm ô che nắng cho chúng em vui chơi. Và mỗi buổi trưa hè, em lại mở

cửa sổ ngủ dưới tiếng ve bàng râm ran êm ả, dưới vòm hương lá bàng nồng dịu và những chùm quả
xanh non chao chao trong nắng.
Lũ trẻ trong xóm em bao giờ cũng háo hức đón cây bàng vào thu. Bởi khi ấy những chùm quả bàng bắt
đầu chín toả hương thơm nồng nàn ngai ngái phảng phất quyến rũ khắp phố phường . Em còn nhớ một
buổi chiều đi lao động ở trường, cả cô trò tụ tập dưới gốc bàng to nhất sân trường đẩy bàng chín ăn. Cô
cứ đẩy được chùm nào cả bọn lại xúm xút tranh nhau. Em cắn ngập răng vào quả chín cảm nhận cái vị
ngọt rất riêng, bùi ngùi như vị của nắng thu mà thêm yêu da diết cây bàng thân quen ấy. Cây bàng sần
sùi, nâu xám. Mỗi vết nám là một kỷ niệm học trò được lưu giữ . Một ngày nào đó, khi em xa rời mái
trường yêu dấu, em sẽ về đây đặt tay lên những vết chai sần này để tìm lại bao ký ức đẹp tuổi thơ.
Thương nhất là khi cây bàng vào đông. Dãy bàng ngoài phố thỉnh thoảng lại rùng mình khi cơn gió lạnh
lướt qua. Trong nắng đông hao hao, những chiếc lá bàng đỏ sạm buồn buồn. Bà bán xôi đầu ngõ gói xôi
bằng chiếc lá đỏ ấy cầm gói xôi vừa thổi vừa ăn, em mới thấy cây bàng dù khi tươi tốt hay khi tàn úa vẫn
luôn luôn có ích cho đời. Dưới gốc bàng đơn côi, trơ trọi khẳng khiu ngoài phố, quán cóc mọc lên nhiều
hơn, lũ trẻ xóm em ít ngồi chơi hơn. Còn ở sân trường thì thật vắng vẻ. Chúng em chẳng muốn ra ngoài
vì lạnh. Lúc ấy trông cây bàng thật tội. Cái dáng gầy guộc, khô se thỉnh thoảng lại lay lay như muốn gọi
chúng em “Lại đây chơi với tôi đi, tôi buồn lắm”! Nhưng chắc chắn bàng sẽ vượt qua mùa đông buốt giá
một cách dễ dàng thôi. Trong cái giá rét ấy, những nhánh cây ngày nào cũng giơ ngón tay gầy gom nắng
đông lại chăm chút, ấp ủ một cái gì đó để khi mùa xuân về thì tách lên những búp nõn xanh tươi. Cây
bàng lại hồi sinh, lại bắt đầu một vòng sống mới đẹp đẽ hơn, rực rỡ hơn. Em rất khâm phục sức sống bất
diệt của cây bàng.
Em yêu cây bàng như yêu một người bạn lặng thầm bình dị và gần gũi. Người bạn ấy lúc nào cũng ở
bên cạnh em, có mặt trong cuộc sống của em. Một ngày nào đó, em không còn được ăn trái bàng chín
thơm nồng, không được cầm gói xôi bọc lá bàng đỏ đầu đông nóng hổi, không được nghe tiếng ve bàng
rộn rã thì cuộc sống khi ấy sẽ tẻ nhạt biết bao. Cây bàng là nhà ở, là phố phường, là trường học, là kỷ
niệm...là tất cả những gì mà em gắn bó và yêu quý.
Back to top


Bài mẫu 4: Văn biểu cảm về loài cây em yêu - Cây sưa
Dàn bài



Mở bài: Em yêu mùa xuân và yêu những chùm hoa sưa rực rỡ trên những con đường đầy mộng
mơ của Hà Nội



Thân bài:



o

Cây sưa ngủ vùi giữa mùa đông lạnh lẽo dưới cái tán sù sì để rồi ngày xuân trở thành
một nàng tiên xinh đẹp

o

Chẳng có một tâm hồn nào lại không một lần rung lên khi bắt gặp vòm hoa lặng lẽ kiêu
sa ấy

o

Chẳng có loài hoa nào lại cùng thay lá, đâm chồi, ra hoa và lụi tàn trong một mùa duy
nhất như hoa sưa.

o

Khoảnh khắc hoa rộ lên để rồi lại vụt qua chỉ như trong chớp mắt.


o

Hoa sưa là loại hoa khiến cho phố phường Hà Nội trở nên đẹp đẽ hơn, kiêu sa hơn khi
mỗi độ xuân về

o

Hoa sưa gắn với tôi "cả một trời" kỉ niệm của thời học sinh

Kết bài: Năm nay, hoa sưa nở vẫn nhiều, vẫn đẹp đến lạ, nhưng tôi chợt thấy buồn vì không
phải ai cũng hiểu và trân trọng vẻ đẹp của nó
Bài làm

Hà Nội - biết bao năm trôi qua vẫn chẳng đổi thay... Cứ mỗi độ xuân sang, thời tiết ấm áp lên, hoa sưa lại
rực nở trên những con đường đầy mộng mơ của Hà Nội. Hoa sưa trắng cây, trắng trời như những bông
tuyết bay trong gió mà chẳng bao giờ tan biến mất. Cái màu trắng muốt tinh khôi trong tiết trời se se lạnh
sao mà yêu đến lạ. Cây sưa ngủ vùi giữa mùa đông lạnh lẽo dưới cái tán sù sì, với lớp lá vàng ảm đạm,
để rồi một ngày xuân bỗng bừng lên trút cái lớp vỏ già nua trở thành nàng tiên mùa xuân xinh đẹp.
Chẳng có một tâm hồn nào lại không một lần rung lên khi bắt gặp vòm hoa lặng lẽ kiêu sa ấy. Cũng
chẳng có vần thơ, tranh nào diễn tả hết cái hồn của sưa, giống như tâm hồn người con gái Hà Nội. Một
chiều lang thang trên những con đường quen thuộc, tôi chợt giật mình vì mới chỉ mấy hôm trước đây
thôi, hoa sưa còn e ấp điểm vài sắc trắng trên những thân cành khẳng khiu mà giờ lại nồng nàn bung lên
sức sống mãnh liệt. Bỗng nhiên cảm thấy lòng rưng rưng, như gặp lại một người bạn cũ. Chẳng có loài
hoa nào lại cùng thay lá, đâm chồi, ra hoa và lụi tàn trong một mùa duy nhất như hoa sưa.
Cũng thật chẳng sai khi ai đó nói rằng: "hoa sưa có mùa và mùa ngắn nhất năm". Nhanh lắm, cái khoảnh
khắc hoa rộ lên để rồi lại vụt qua chỉ như trong chớp mắt. Vẻ đẹp tươi tắn nhưng cũng thấm đẫm những
u hoài, hoa mang trong mình quy luật vĩnh hằng của tạo hoá, cái đẹp thế gian chẳng thể được cho riêng
ai, rồi sẽ đến một lúc lụi tàn. Nếu như Hà Nội mùa thu làm say lòng người bởi hương hoa sữa thơm nồng
từng con phố, nếu như mùa đông làm hiu hắt không gian với những cây sấu già trơ trụi, nếu như mùa hè
cháy lên sắc tím bằng lăng, thì tạo hoá cũng thật công bằng khi ban cho mùa xuân một nét riêng của

mình – hoa sưa. Dưới cái nắng nhẹ nhàng của mùa xuân, sắc hoa sưa thật chan hoà, dịu dàng, nhưng
nếu đứng dưới tán hoa sưa sau cơn mưa, mới cảm nhận hết sự khác biệt kỳ lạ của nó.


Giống như một thứ ánh sáng mát mẻ, vừa làm tâm hồn người ta thanh tĩnh, có thể xua tan hết muộn
phiền... hoa sưa gắn với tôi "cả một trời" kỉ niệm của thời học sinh. Đó là những ngày đi học qua con
đường Hoàng Hoa Thám xanh mướt bốn mùa với những tán cây rợp lá. Đó là những chiều lang thang
trong vườn Bách thảo để nhớ tên của các loài cây. Và đặc biệt hơn, đó là vào mùa xuân, khi những chùm
sưa đầu tiên hé nở, rồi rộ lên như say, như mê trong một sắc màu tinh khiết.
Năm nay, hoa sưa nở vẫn nhiều, vẫn đẹp đến lạ, nhưng tôi chợt thấy buồn vì không phải ai cũng hiểu và
trân trọng vẻ đẹp một thành phố, nhờ có những chùm hoa sưa tinh khiết thanh tao. Tiền bạc, lợi lộc đã
làm con người ta mờ mắt và ích kỷ phạm tội, để chẳng ngại ngần giữa đêm trộm đốn ngã từng thân cây
gỗ sưa, để những dòng nhựa chảy ra âm thầm, xa xót. Khách du lịch đến Hà Nội cũng yêu sắc trắng
thuần khiết của những chùm hoa li ti kia lắm. Thế nhưng họ đâu hiểu rằng loài hoa bé nhỏ này giờ không
còn được sống cuộc sống bình yên.
Giữa lòng phố cổ yên ả, cây sưa vẫn từng ngày từng giờ lo lắng bởi không biết sẽ bị đốn ngã lúc nào.
Năm nay, hoa sưa vẫn đẹp dịu dàng, vẫn say men hương nồng trời đất... Nhưng hoa có cảm hoá được
chăng những tâm hồn cằn cỗi để một ngày biết rung động trước vẻ đẹp của cuộc sống? Biết hoa có lòng
người? Biết người có hiểu lòng hoa......?
Back to top

Bài mẫu 5: Văn biểu cảm về loài cây em yêu - Cây đa
Dàn bài


Mở bài: Không biết tự bao giờ, cùng với bến nước sân đình, cây đa đã trở thành biểu tượng của
làng quê đất Việt....




Thân bài:



o

Cây đa đã quá quen thuộc đối với người nông dân Việt Nam, cây đa đã gắn bó sâu sắc
với làng.

o

Cây đa đi vào ca dao, trong chuyện cổ tích, trong mỗi khúc dân ca

o

Cây đa không mang giá trị cao về kinh tế nhưng lại có giá trị lớn về tinh thần

o

Trong bão táp phong ba, trải qua bao thế hệ cây đa vẫn sừng sững tỏa bóng mát giữa
trời, ôm cả một góc quê hương

o

Cây đa trở thành nơi trú chân cho bác nông dân nghỉ ngơi, cho lũ trẻ nô đùa, cho đàn
chim bay về làm tổ....

o

Thời xa xưa, cây đa đi vào lịch sử mỗi làng, là nơi treo cờ khởi nghĩa, cất dấu tư từ, treo

kẻng báo động....

o

Cây đa dường như trở thành nỗi kinh hoàng cho lũ giặc và là nơi bình yên cho xóm làng

Kết bài: Cây đa là biểu tượng của sự yên bình, biểu tượng của một làng quê văn hóa Việt Nam,
vì vậy, hãy giữ gìn và trồng thêm cây đa để.....
Bài làm


Không biết tự bao giờ, cùng với bến nước sân đình, cây đa đã trở thành biểu tượng của làng quê đất
Việt. Ai đó xa quê hẳn không thể không có những phút nao lòng mỗi khi nhớ về những kỉ niệm bên gốc
đa làng. Cây đa đi vào ca dao, trong chuyện cổ tích, trong mỗi khúc dân ca. Quên sao được câu chuyện
của bà dưới gốc đa có Thạch Sanh, chú cuội. Nhớ vô cùng điệu lí cây đa người thương ta đã hát. Cây đa
bến nước sân đình phải chăng đã trở thành những thiết chế văn hóa không thể thiếu được của làng quê?
Thật vậy, với đặc tính sinh vật của mình, cây đa đã gắn bó sâu sắc với làng. Đa rất dễ trồng và sống lâu
tới ngàn tuổi. Trong bão táp phong ba, trải qua bao thế hệ cây đa vẫn sừng sững tỏa bóng mát giữa trời,
ôm cả một góc quê hương. Cành đa vươn đến đâu buông rễ chùm, rễ nổi đến đó. Từ rễ hóa thành thân,
để cây đa có thêm nhiều cội. Có cây có tới chín cội lừng lững uy nghiêm cả một góc làng. Những cội đa
đó như những cánh tay khổng lồ, cơ bắp cuồn cuộn nâng cả tán cây lên giữa trời xanh.
Ngoài những cội chính ra đó, đa còn có nhiều lá rễ chùm rễ phụ buông lơ lửng lưng trời như tóc ai đang
xòa bay trong gió. Trẻ chăn trâu tha hồ ẩn náu trong từng cội đó chơi trò đuổi bắt. Lá đa xanh ngắt bốn
mùa chim gọi về làm tổ. Trong vòm lá, chim ríu rít gọi bầy. Dưới gốc đa trẻ nô đùa hò hét. Và kia, con trâu
nhà ai đang mơ màng lim dim nằm nhai cỏ để cho lũ chim sáo nhảy nhót cả lên đầu.
Đa không có giá trị kinh tế như các loài cây khác, không có quả thơm như mít như xoài; không có hoa đỏ
như gạo, hoa tím như xoan. Đa chỉ có tấm thân lực lưỡng trăm cành hiên ngang và tán lá quanh năm
xanh ngát. Đa chỉ có bóng mát cho đời. Đa càng sống lâu càng khỏe chắc kiên cường. Bởi thế giá trị tinh
thần của cây đa thật lớn. Đa là cây cao bóng cả của làng. Chim muông tìm đến đa để làm tổ. Người
thương lấy gốc đa để làm nơi hò hẹn đợi chờ. Xao xuyến làm sao một đêm trăng, cành đa la đà trước

ngõ để cho ai đó ngắm trăng ngơ ngẩn đợi người! Những trưa hạ oi nồng, gốc đa thành nơi dừng chân
cho bao lữ khách.
Người làng ra đồng ra bãi gồng gánh trên vai, cả con trâu cái cày cũng lấy gốc đa làm chỗ nghỉ. Quán
nước ven đường dưới gốc đa ấy râm ran bao chuyện ở đời. Bát nước chè xanh hay bát vối đặc cùng với
ngọn gió mát làng dưới bóng đa rì rào ấy đã xua đi bao gian khó nhọc nhằn của cuộc sống mưu sinh.
Cổng làng bên cạnh gốc đa nơi thuở thiếu thời ta chong chong chờ mẹ đi chợ về có gió cành đa vỗ về
ôm ấp để đến bây giờ cái cảnh ấy vẫn hoài niệm canh cánh mãi trong ta. Và anh nghệ sĩ góc máy nào
gam màu nào để anh có được một tấm ảnh một bức tranh cổng làng ta, mái đình quê ta với gốc đa sần
sùi rêu mốc, lá đa xanh ngát đẹp ngời đến thế!
Cây đa đi vào lịch sử mỗi làng. Thời chống Pháp, ngọn đa là nơi treo cờ khởi nghĩa, gốc đa là nơi cất
giấu thư từ, tài liệu bí mật. Thời chống Mĩ gốc đa lại là chòi gác máy bay, nơi treo kẻng báo động. Còn
mãi trong ta cây đa Tân Trào thủ đô kháng chiến khi xưa. Đa là nỗi kinh hoàng cho lũ giặc, là bình yên
cho xóm làng. Phải chăng "thân cây đa" cũng là từ ý nghĩa đó. Đa là một trong những biểu tượng của
làng.
Bác Hồ - người anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, người đã phát động Tết trồng
cây và việc trồng cây mỗi mùa xuân đến theo lời Bác dạy là một nét đẹp văn hóa của người Việt Nam
chúng ta. Cả cuộc đời Người, Bác đã trồng biết bao cây xanh tạo bóng mát cho đời, trong đó có nhiều
cây đa. Tết Kỉ Dậu (1969) Tết cuối cùng của đời người, Người đã kịp trồng cây đa cuối cùng tại xã Vật
Lại (Ba Vì). Những cây đa Bác trồng đã vươn cành xanh lá tỏa bóng rợp mát quê hương. Theo chân
Bác, cùng với việc trồng cây ăn quả, cây lấy gỗ, chúng ta hãy trồng thêm nhiều cây đa nữa ở những nơi
trung tâm làng xã để cho "cây đa bến nước sân đình" mãi là những tín hiệu bình yên, biểu tượng của một
làng quê văn hóa Việt Nam.



×