Tải bản đầy đủ (.pdf) (151 trang)

Phan khôi với vấn đề tiếp xúc văn hóa đông tây trước năm 1945

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (903.61 KB, 151 trang )

ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƢỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
----------

ĐẶNG THỊ HUYỀN TRANG

PHAN KHÔI VỚI VẤN ĐỀ TIẾP XÚC VĂN HÓA
ĐÔNG - TÂY TRƢỚC NĂM 1945

LUẬN VĂN THẠC SĨ LỊCH SỬ

Hà Nội - 2017


ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƢỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
----------

ĐẶNG THỊ HUYỀN TRANG

PHAN KHÔI VỚI VẤN ĐỀ TIẾP XÚC VĂN HÓA
ĐÔNG - TÂY TRƢỚC NĂM 1945

Luận văn Thạc sĩ chuyên ngành Lịch sử Việt Nam
Mã số: 60.22.03.13

Cán bộ hướng dẫn khoa học: PGS.TS Trần Viết Nghĩa

Hà Nội - 2017



LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan luận văn này là kết quả nghiên cứu của
riêng tôi dưới sự hướng dẫn của PGS.TS Trần Viết Nghĩa và
chưa từng được công bố trong bất kì công trình nào khác.
Tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm về luận văn này.
Hà Nội, ngày 19 tháng 12 năm 2017
Tác giả

Đặng Thị Huyền Trang


LỜI CẢM ƠN

Để hoàn thành luận văn này, tôi đã nhận được sự hướng dẫn, giúp đỡ
và góp ý nhiệt tình của nhiều cá nhân và tập thể.
Trước hết, tôi xin chân thành cảm ơn Ban Giám hiệu Trường Đại học
Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội cùng Quý thầy cô
trong trường và Khoa Lịch sử đã tạo điều kiện cho tôi hoàn thành tốt khóa học
này.
Tôi xin gửi lời cảm ơn sâu sắc đến PGS. TS Trần Viết Nghĩa. Thầy đã
luôn tận tình, chu đáo và động viên kịp thời từ khi định hướng cho tôi lựa
chọn đề tài nghiên cứu cho đến khi hoàn thành luận văn.
Cuối cùng, tôi gửi lời cảm ơn sâu sắc đến gia đình, người thân và bạn
bè đã luôn động viên, hỗ trợ tôi trong quá trình thực hiện luận văn.
Mặc dù đã rất cố gắng, song luận văn khó tránh khỏi những hạn chế
và thiếu sót nhất định. Kính mong nhận được sự thông cảm cùng những
nhận xét, góp ý quý báu của Quý thầy cô và các bạn.
Hà Nội, ngày 19 tháng 12 năm 2017
Học viên


Đặng Thị Huyền Trang


MỤC LỤC
MỞ ĐẦU……………………………………………………………………... 4
1. Lí do chọn đề tài……………………………………………………………

4

2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề…………………………………………………. 5
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu………………………………………….. 9
4. Phương pháp nghiên cứu và nguồn tài liệu………………………………… 10
5. Đóng góp của luận văn……………………………………………………..

12

6. Bố cục luận văn…………………………………………………………...... 13
Chƣơng 1: CUỘC ĐỜI PHAN KHÔI VÀ VẤN ĐỀ TIẾP XÚC
VĂN HÓA ĐÔNG TÂY Ở VIỆT NAM THỜI PHÁP THUỘC………….. 14
1.1. Cuộc đời Phan Khôi…..………………………………………………….. 14
1.2. Vấn đề tiếp xúc văn hóa Đông - Tây ở Việt Nam thời Pháp thuộc………

31

Tiểu kết chương 1…………………………………………………………….. 36
Chƣơng 2: QUAN ĐIỂM CỦA PHAN KHÔI VỀ VẤN ĐỀ
TIẾP XÚC VĂN HÓA ĐÔNG - TÂY TRƢỚC NĂM 1945……………….. 38
2.1. Về văn hóa phương Đông……………………………............................... 38
2.2. Về văn hóa phương Tây……………………………...…………………... 59
2.3. Sự khác biệt Đông phương và Tây phương……………………………… 75

2.4. Thái độ ứng xử trong tiếp xúc văn hóa Đông – Tây trước năm 1945……

80

Tiểu kết chương 2…………………………………………………………......

87

Chƣơng 3. MỘT SỐ ĐÓNG GÓP VỀ VĂN HÓA CỦA PHAN KHÔI
TRƢỚC NĂM 1945.........................................................................................

90

3.1. Phổ biến và phát triển chữ Quốc ngữ…………………………………….. 90
3.2. Xây dựng nền Quốc học mới……………………………………….......... 93
3.3. Khơi dòng Thơ mới……………………………………………………....

96

3.4. Đổi mới nghiên cứu lịch sử ………………................................................ 101
1


3.5. Đổi mới trên lĩnh vực tư tưởng…………………………………………... 103
Tiểu kết chương 3…………………………………………………………......

112

KẾT LUẬN…………………………………………………………………... 114
TÀI LIỆU THAM KHẢO…………………………………………………... 118

PHỤ LỤC…………………………………………………………….............. 132

2


Chân dung Phan Khôi

3


MỞ ĐẦU
1. Lí do chọn đề tài
Phan Khôi (1887-1959) là một nhà báo, nhà văn hóa, nhà tư tưởng lớn
nửa đầu thế kỉ XX. Vốn là người thông minh, sắc sảo, nhạy cảm trước cái mới
nên ông sớm bỏ lối học khoa cử để chuyển sang học chữ Quốc ngữ và tiếng
Pháp. Ông là một trong những nhà báo có nhiều bài viết nhất ở Việt Nam
trước năm 1945 đăng trên nhiều tờ báo ở cả ba miền như: Đông Tây, Đăng Cổ
tùng báo, Nam Phong, Hữu Thanh, Hà Nội báo, Phụ nữ thời đàm… ở Hà Nội;
Đông Pháp thời báo, Thần chung, Phụ nữ Tân văn, Trung lập… ở Sài Gòn;
Tràng An, Sông Hương… ở Huế). Một trong những chủ đề báo chí mà ông
viết nhiều và dành được sự quan tâm của người đọc là văn hóa. Trên diễn đàn
báo chí, ông thẳng thắn tranh luận các vấn đề văn hóa Việt Nam đầu thế kỉ
XX đặc biệt là vấn đề tiếp xúc văn hóa Đông - Tây.
Quá trình xâm nhập của thực dân Pháp đồng thời cũng đưa đến cuộc gặp gỡ
lịch sử giữa hai nền văn minh Âu - Á. Xã hội Việt Nam gần như bị xáo động hoàn
toàn trong cuộc giao lưu, tiếp biến ấy. Mâu thuẫn, xung đột văn hóa Đông - Tây
trở thành một đặc điểm lớn của văn hóa Việt Nam đầu thế kỉ XX. Các nhà Nho, trí
thức cấp tiến lúc bấy giờ đóng vai trò mở đường, khởi xướng những cuộc tranh
luận về văn hóa, từ đó tìm ra những cách thức ứng xử phù hợp với văn hóa
phương Đông và phương Tây, cách tiếp thu tinh hoa văn hóa phương Tây, cách

bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, và cách thức xây dựng một
nền văn hóa Việt Nam mới trên tinh thần hòa hợp văn hóa Đông - Tây. Phan Khôi
thuộc số những trí thức hàng đầu có công tạo ra mặt bằng tri thức và văn hóa cho
xã hội Việt Nam những năm đầu thế kỉ XX, nhưng khác với họ, ông thể hiện
mình ở vai trò phản biện, và sự phản biện đó đem lại chiều sâu mới cho tri thức.
Khi nghiên cứu văn hóa Việt Nam buổi đầu thế kỉ XX, không thể không nhắc đến
Phan Khôi bởi tầm vóc, vai trò to lớn của ông đối với văn hóa Việt Nam.
4


Tháng 8 năm 2007, nhân 120 năm ngày sinh Phan Khôi, lần đầu tiên Hội
Khoa học Lịch sử Việt Nam, Tạp chí Xưa & Nay đã tổ chức lễ kỉ niệm tại hội
trường Bảo tàng Cách mạng Việt Nam (25 Tông Đản, Hà Nội), với sự có mặt
của một số nhà nghiên cứu cùng con cháu dòng họ Phan Khôi. Buổi gặp mặt
này mới chỉ hé mở đôi chút câu chuyện về cuộc đời và sự nghiệp của Phan
Khôi nhằm “giải oan” cho ông, chưa phải là một cuộc hội thảo khoa học. Đến
đầu năm 2017, Phan Khôi được Quỹ Văn hóa Phan Chu Trinh vinh danh là
“Danh nhân văn hóa Việt Nam thời hiện đại”. Tuy nhiên, cho đến nay chưa có
công trình nghiên cứu nào thể hiện được một cách đầy đủ, khách quan về vai
trò và ảnh hưởng của Phan Khôi đối với quá trình tiếp xúc văn hóa Đông - Tây
ở Việt Nam trước năm 1945.
Thế kỉ XXI là thế kỉ mà xu hướng khu vực hóa, toàn cầu hóa trở thành
xu thế chung của thế giới, vấn đề hội nhập nhưng không hòa tan, phát triển
kinh tế nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hóa dân tộc đặt ra ngày càng cấp
thiết. Những bài học quý giá về quan điểm tiếp xúc văn hóa Đông - Tây của
Phan Khôi từ những thập kỉ đầu thế kỉ XX vẫn giữ nguyên giá trị. Vì vậy, tôi
quyết định chọn đề tài Phan Khôi với vấn đề tiếp xúc văn hóa Đông – Tây
trước năm 1945 làm đề tài cho Luận văn Thạc sĩ của mình.
2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề
Vì “nhạy cảm” chính trị mà trong một thời gian dài Phan Khôi bị rơi vào

quên lãng, nhưng trong thời gian gần đây, các nhà nghiên cứu đã đánh giá
khách quan hơn về cuộc đời, sự nghiệp cùng những đóng góp của ông đối nền
văn hóa nước nhà. Chính vì thế mà nhiều hội thảo khoa học về ông được tổ
chức, nhiều cuốn sách ra đời và nhiều bài nghiên cứu được đăng trên tạp chí.
2.1.1. Phan Khôi trong các sách nghiên cứu về lịch sử báo chí, văn học
đầu thế kỉ XX
Cuốn sách Thiếu Sơn, Nghệ thuật và Nhân sinh (Lê Quang Hưng sưu
5


tầm và chỉnh lí, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, năm 2000) gồm nhiều bài
phê bình nhân vật - các tác giả, nhà văn, nhà báo, chính khách nổi tiếng đầu
thế kỉ XX của nhà văn, nhà phê bình văn học Thiếu Sơn. Với thái độ công
bằng, thẳng thắn, những nhận xét sắc sảo, Thiếu Sơn viết về các học giả nổi
tiếng: Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Phan Khôi, Hồ Biểu Chánh, Hoàng
Ngọc Phách… Trong đó, với Bài học Phan Khôi, Thiếu Sơn khắc họa: “Hầu
hết độc giả bỏ 15 xu ra mua Phụ nữ Tân văn đều chỉ muốn được coi bài của
Phan Khôi hay Chương Dân, những bài viết gãy gọn, sáng sủa, đanh thép với
những đề tài mới mẻ, những lí luận thần tình làm cho người đọc say mê mà
thống khoái. Cái đặc biệt ở Phan Khôi là chống công thức (non conformiste)"
[31, tr.353].
Cuốn sách Phan Khôi - Tiếng Việt, Báo chí và Thơ mới (Vu Gia, Nxb
Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2003) dày gần 700 trang với
15 chương, bằng sự khách quan, công bằng, tác giả đã giúp người đọc hiểu rõ,
kĩ và đúng chân dung tinh thần và nhân cách Phan Khôi: tinh thần yêu nước
nồng nhiệt từ thuở thiếu niên đến lúc bạc đầu; khát vọng và nhiệt tình đổi mới
sôi sục; lối sống trong sáng, rạch ròi, ngay thẳng đến mức cực đoan (Chương
1: Huyền thoại của một thời, Chương 2: Người làm chủ được bản ngã)... Vu
Gia còn làm rõ nhiều vấn đề về những nội dung nổi bật trong các tác phẩm
báo chí của Phan Khôi. Bên cạnh đó, tác giả cũng giới thiệu một số nhận

định, đánh giá về Phan Khôi của một số học giả nổi tiếng như Hoài Thanh,
Lưu Trọng Lư, Vũ Ngọc Phan và Thanh Lãng.
2.1.2. Các cuộc tọa đàm, hội thảo khoa học về Phan Khôi
Cuộc Tọa đàm tưởng niệm nhân 120 năm ngày sinh của ông (18872007) đã tập hợp nhiều bài viết của các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, nhà
văn ghi nhận, đánh giá cao những đóng góp của Phan Khôi trong các lĩnh
vực.
6


Tháng 7 năm 2010, Nxb Tri thức và Quỹ Văn hóa Phan Chu Trinh tổ
chức buổi tọa đàm Phan Khôi và nhân cách người làm báo ưa phản biện. Bài
phát biểu của Lại Nguyên Ân và những chia sẻ của Chu Hảo đã góp phần
dựng lại chân dung Phan Khôi - một trí thức, một nhà báo lớn của báo chí
Việt Nam 50 năm đầu thế kỉ XX. Phạm Duy Hiển, Nguyên Ngọc cho rằng
Phan Khôi xứng đáng được coi là nhà khoa học đầu tiên của Việt Nam. Ông
thể hiện sự am hiểu sâu sắc về nhiều lĩnh vực trong các công trình đăng tải
trên báo chí. Ông cũng là người có tinh thần phổ biến khoa học cho đại bộ
phận dân chúng lúc bấy giờ. Các ý kiến tại buổi tọa đàm đều cho rằng, do
nhiều nguyên nhân khác nhau, cho tới nay, vị trí và vai trò của Phan Khôi
trong lịch sử Việt Nam vẫn chưa được nhìn nhận một cách đúng mức.
Tháng 10 năm 2014, Hội thảo khoa học với chủ đề Phan Khôi và những
đóng góp trên lĩnh vực văn hóa dân tộc nhân dịp kỉ niệm 127 năm ngày sinh
Phan Khôi tại Thành phố Tam Kỳ do Sở Văn hóa Thông tin và Du lịch và
Liên hiệp các hội khoa học kĩ thuật tỉnh Quảng Nam tổ chức. Hội thảo đi sâu
vào việc nhìn nhận, đánh giá con người trí thức Phan Khôi một cách đa chiều
từ cá tính, cuộc đời đến vai trò nhà báo, nhà văn với nhiều cách tân, phản biện
xuất sắc từng để lại dấu ấn và gây tiếng vang trong cả nước. Theo Dương
Trung Quốc, điều đáng mừng là trước khi tổ chức hội thảo, ban tổ chức đã tập
hợp in thành kỉ yếu với 50 tham luận của nhiều nhà nghiên cứu tên tuổi và cả
những tác giả mới cùng những nhìn nhận cũng khá mới mẻ về Phan Khôi.

Một số tham luận được trình bày tại hội thảo tiếp tục ghi nhận những đóng
góp của Phan Khôi trên các lĩnh vực: Vị thế Phan Khôi trong phong trào Thơ
mới - Nhìn từ thực tại Thơ mới 1932-1945 (Nguyễn Hữu Sơn), Phan Khôi với
việc bảo vệ quyền lợi của người dân (Trương Công Huỳnh Kỳ), Phan Khôi người Quảng Nam thứ thiệt (Phạm Phú Phong), Quê hương, gia thế Phan
Khôi (Nguyễn Văn Ðăng), Phan Khôi với thơ trào phúng và nghề làm
7


báo (Vu Gia), Phan Khôi với luận lí học (Ngô Quang Huy), Ðóng góp của
Phan Khôi về nghiên cứu Việt ngữ (Phan Thanh Minh)…
Tháng 3 năm 2017, Quỹ Văn hóa Phan Chu Trinh đã tôn vinh Phan Khôi
là “Danh nhân văn hóa Việt Nam thời hiện đại” để khẳng định những cống
hiến quan trọng của Phan Khôi cho nền văn hóa, học thuật của nước nhà. Phan
Khôi đã trở thành cái tên thứ năm được vinh danh trong dự án cao quý nhằm
lưu giữ và phổ biến tới công chúng tầm vóc cũng như di sản to lớn mà các danh
nhân lỗi lạc đã để lại trong lịch sử hiện đại Việt Nam kể từ thế kỉ XIX.
2.1.3. Một số luận án, luận văn nghiên cứu về Phan Khôi
Luận án tiến sĩ báo chí học Những đóng góp của Phan Khôi đối với báo
chí Việt Nam đầu thế kỉ XX (2015) của nghiên cứu sinh Phạm Thị Thành trên
cơ sở việc tìm hiểu, phân tích sự nghiệp báo chí và khắc họa chân dung nhà
báo Phan Khôi đã tổng kết, đánh giá những đóng góp của ông đối với sự phát
triển của báo chí Việt Nam đầu thế kỉ XX; tìm đến sự nhìn nhận công bằng,
khách quan hơn đối với Phan Khôi trong lịch sử báo chí Việt Nam. Tuy nhiên
luận án chưa đi sâu nghiên cứu quan điểm, thái độ và những đóng góp của ông
đối với công cuộc tiếp xúc văn hóa Đông - Tây ở Việt Nam đầu thế kỉ XX.
Ngoài những công trình đã nêu ở trên, còn có một số luận văn thạc sĩ,
khóa luận cử nhân khác nghiên cứu về con người, sự nghiệp hoặc một khía
cạnh trong sự nghiệp của Phan Khôi như Luận văn Thạc sĩ sử học Tiếp biến
văn hóa Đông - Tây đầu thế kỉ XX nhìn từ góc độ báo chí qua trường hợp Phan
Khôi của Kiều Thị Ngọc Lan (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học

Quốc gia Hà Nội, 2008), Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ học Bước đầu tìm hiểu
nghệ thuật sáng tạo trong ngôn từ của nhà báo Phan Khôi của Phạm Anh
Nguyên (Đại học Thái Nguyên, 2013), Luận văn Thạc sĩ văn học Vấn đề phụ
nữ trong trước tác của Phan Khôi của Cao Cẩm Thi (Đại học Khoa học Xã hội
và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, 2013), Luận văn Thạc sĩ Báo chí học
8


Phan Khôi và một số cuộc tranh luận tiêu biểu trên diễn đàn báo chí đầu thế kỉ
XX của Nguyễn Thị Minh Hằng (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại
học Quốc gia Hà Nội, 2017).
Có thể thấy những nghiên cứu trên đã trình bày được những đóng góp của
Phan Khôi liên quan đến văn chương, báo chí, văn hóa...; quan điểm, thái độ của
Phan Khôi trên một hoặc một số khía cạnh của công cuộc tiếp xúc văn hóa Đông
– Tây. Tuy nhiên cho đến nay, vẫn chưa có một công trình nghiên cứu riêng
biệt, chuyên sâu nào về Phan Khôi với vấn đề tiếp xúc văn hóa Đông – Tây
trước năm 1945. Vì vậy, việc tìm hiểu vấn đề trên có ý nghĩa quan trọng và
thiết thực.
3. Đối tƣợng và phạm vi nghiên cứu
3.1. Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của luận văn là Phan Khôi với vấn đề tiếp xúc văn
hóa Đông - Tây trước năm 1945.
3.2. Phạm vi nghiên cứu
- Về thời gian: từ năm 1928 đến năm 1945. Đây là thời gian mà Phan
Khôi có nhiều bài viết thể hiện rõ quan điểm, thái độ về vấn đề tiếp xúc văn
hóa Đông - Tây ở Việt Nam.
- Về không gian: Nghiên cứu tại Việt Nam.
- Về nội dung: Luận văn tập trung vào một số nội dung chính như sau:
+ Cuộc đời và sự nghiệp của Phan Khôi.
+ Quan điểm của Phan Khôi về văn hóa phương Đông.

+ Quan điểm của Phan Khôi về văn hóa phương Tây.
+ Quan điểm của Phan Khôi về sự khác biệt giữa Đông phương và Tây
phương.
+ Thái độ ứng xử trong tiếp xúc văn hóa Đông – Tây trước năm 1945.
+ Một số đóng góp của Phan Khôi đối với văn hóa Việt Nam trước năm 1945.
9


4. Phƣơng pháp nghiên cứu và nguồn tài liệu
4.1. Phương pháp nghiên cứu
Tôi đã sử dụng các phương pháp nghiên cứu lịch sử, phương pháp
nghiên cứu văn hóa, phương pháp nghiên cứu báo chí, phương pháp lôgíc, so
sánh, đối chiếu, tổng hợp… để thực hiện luận văn này.
4.2. Nguồn tài liệu
Tôi sử dụng nhiều nguồn tài liệu khác nhau như các sách nghiên cứu, hồi kí,
tạp chí, tham luận tại các hội thảo khoa học về Phan Khôi để thực hiện luận văn.
4.2.1. Phan Khôi trong các hồi kí
- Cuốn hồi kí Nhớ cha tôi - Phan Khôi (Phan Thị Mỹ Khanh, Nxb Đà
Nẵng, năm 2001) đã giới thiệu gia cảnh và những chặng đường đời của Phan
Khôi; những chuyện đời thường, chuyện văn nghiệp của ông; một số tác
phẩm của Phan Khôi và một số bình luận, nhận định của các nhà văn, nhà
nghiên cứu, nhà báo viết về Phan Khôi. Những dòng khép lại đoạn kết, tác giả
viết: “Năm nay tròn 40 năm ngày cha tôi đi vào cõi vĩnh hằng. Nhìn lại cuộc
đời thăng trầm của ông, những năm tháng vinh quang thời tráng niên, rồi
chuỗi ngày lận đận tuổi xế chiều, tôi không khỏi ngậm ngùi vừa thương, vừa
tiếc. Với đôi điều hiểu biết còn nông cạn, với mớ kỉ niệm buồn vui lẫn lộn, tôi
xin trân trọng gởi đến bạn đọc những trang hồi ức trung thực mà tôi ấp ủ từ
lâu, qua đó, bạn đọc sẽ hiểu thêm về con người của cha tôi" [41, tr.142].
Cuốn hồi kí là tiếng lòng đầy cảm động của người con gái khi nhìn lại cuộc
đời và sự nghiệp của cha mình.

- Cuốn hồi kí Nắng được thì cứ nắng (Nxb Tri thức, năm 2013) do người
con trai út của ông – Phan An Sa viết chứa đựng rất nhiều thông tin về Phan
Khôi, mặc dù sách chỉ giới hạn ở giai đoạn 1936 đến cuối đời ông - thời kì
Phan Khôi từ vai trò chủ nhiệm tuần báo Sông Hương đến vai trò chủ nhiệm
tuần báo Nhân văn rồi đi vào văn học sử Việt Nam với tư cách một trong số
10


những tác gia trọng yếu của phong trào Nhân văn - Giai phẩm. Trong cuốn
sách này, tác giả khai thác được các nguồn kí ức của các thành viên trong đại
gia đình Phan Khôi, nhất là hồi ức của bà Nguyễn Thị Huệ, mẹ của tác giả người phụ nữ luôn bên cạnh Phan Khôi từ năm 1934 đến 1946 ở Hà Nội, Huế,
Sài Gòn, Quảng Nam và từ năm 1955 đến 1959 ở Hà Nội.
4.2.2. Bộ sách sưu tầm các tác phẩm báo chí của Phan Khôi
Bộ sách do nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân sưu tầm và biên soạn, gồm
08 cuốn: Phan Khôi, tác phẩm đăng báo 1928 (Nhà xuất bản Đà Nẵng và
Trung tâm Văn hóa Đông Tây, năm 2003); Phan Khôi, tác phẩm đăng báo
1929 (Nhà xuất bản Đà Nẵng và Trung tâm Văn hóa Đông Tây, năm 2004);
Phan Khôi, tác phẩm đăng báo 1930 (Nhà Xuất bản Đà Nẵng và Trung tâm
Văn hóa Đông Tây, năm 2005); Phan Khôi, tác phẩm đăng báo 1931 (Nhà
xuất bản Hội Nhà văn, năm 2006); Phan Khôi, tác phẩm đăng báo 1932 (Nhà
xuất bản Tri thức, năm 2009); Phan Khôi, tác phẩm đăng báo năm 1933-1934
(Nhà xuất bản Tri thức, năm 2010); Phan Khôi, tác phẩm đăng báo năm 1935
(Nhà xuất bản Tri thức, năm 2011); Phan Khôi, tác phẩm đăng báo 1936
(Nhà xuất bản Tri thức, năm 2012); Phan Khôi, tác phẩm đăng báo năm 1937
(Nhà xuất bản Tri thức, năm 2013).
Đây là công trình sưu tầm số lượng khổng lồ các tác phẩm báo chí của
Phan Khôi từ năm 1928 đến năm 1937, cũng là thời kì “cây bút” Phan Khôi sung
sức nhất trên diễn đàn báo chí Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX, với đủ các thể loại
báo chí: Thời sự trong nước và quốc tế, tùy bút, ghi chép, bình luận chính trị,
văn hóa, nghệ thuật, phiếm luận, ý kiến, nói chuyện nghề báo, tranh luận về các

lĩnh vực văn hóa, chính trị… Theo tác giả Lại Nguyên Ân:“Phan Khôi là một
trong những tên tuổi lớn của báo chí, văn học và tư tưởng Việt Nam thế kỉ XX.
Tìm hiểu các lĩnh vực ấy, người ta không thể bỏ qua vai trò Phan Khôi và vì vậy
không thể không tìm hiểu ít ra là một phần trong số những điều Phan Khôi đã
11


viết ra, đã đăng báo, in sách suốt hơn nửa thế kỉ sống và hoạt động của ông”
[121, tr.6]. Trong khi “Sự nghiệp của Phan Khôi hầu hết hay còn nằm rải rác
trên mặt báo. Mà có lẽ những gì tinh túy nhất của ông, linh lợi nhất nơi ông,
hóm hỉnh nhất ở ông, “Phan Khôi nhất” trong ông… hình như đều chưa được in
thành sách mà hãy còn giấu kín dưới những chồng báo” [115, tr.110]. Vì vậy,
Lại Nguyên Ân cho rằng: “Trong tình hình tư liệu hiện tại, việc nghiên cứu một
tác giả như Phan Khôi giờ đây có lẽ buộc phải bắt đầu từ công việc sưu tầm và
công bố lại, nếu không được toàn bộ thì cũng phải được phần khá lớn những tác
phẩm của ông, từng đăng tải trên báo chí khắp ba miền Việt Nam từ những năm
20 đến những năm 50 (thế kỉ XX)” [4, tr.6].
Như vậy, có thể nói bộ sách sưu tầm những tác phẩm đăng báo của Phan
Khôi các năm 1928, 1929, 1930, 1931, 1932, 1933 - 1934, 1935, 1936, 1937
do Lại Nguyên Ân sưu tầm và biên soạn có giá trị quan trọng, là nguồn tư liệu
quý giá cho những nghiên cứu về học giả Phan Khôi.
Cuốn sách Phan Khôi – Vấn đề phụ nữ ở nước ta, (Lại Nguyên Ân sưu
tầm và biên soạn, Nxb Phụ nữ, 2016) là cuốn tư liệu gồm 6 phần, tập hợp
những bài viết và tác phẩm của Phan Khôi về vấn đề phụ nữ. Có thể nói, Phan
Khôi là một trong những tác gia Việt Nam đầu tiên tiếp cận tư tưởng nữ
quyền một cách hệ thống và thuyết phục.
Bên cạnh đó là các tài liệu nghiên cứu về các học giả khác cùng thời với
Phan Khôi, các công trình liên quan đến lịch sử cận đại về giáo dục, báo chí, văn
hóa... Đặc biệt là những tài liệu liên quan đến vấn đề tiếp xúc văn hóa Đông - Tây.
5. Đóng góp của luận văn

- Hệ thống hóa những bài viết, những cuộc tranh luận thể hiện rõ quan
điểm, thái độ của Phan Khôi đối với từng khía cạnh của vấn đề tiếp xúc văn
hóa Đông - Tây ở Việt Nam trước năm 1945.
- Làm sáng tỏ được những đóng góp của Phan Khôi đối với việc định
12


hướng xây dựng nền văn hóa mới nói chung và công cuộc tiếp xúc văn hóa
Đông - Tây nói riêng.
- Rút ra một số kinh nghiệm về thái độ, quan điểm và bản lĩnh ứng xử
đối với quá trình tiếp xúc văn hóa trong bối cảnh toàn cầu hóa, khu vực hóa
hiện nay.
- Kết quả luận văn góp một cách nhìn mới, đánh giá công bằng hơn đối
với cuộc đời, sự nghiệp của Phan Khôi, bên cạnh những hạn chế của ông ở
những thời điểm lịch sử cụ thể.
6. Bố cục luận văn
Ngoài phần mở đầu, kết luận, tài liệu tham khảo và phụ lục, luận văn
gồm ba chương như sau:
Chương 1: Cuộc đời Phan Khôi và vấn đề tiếp xúc văn hóa Đông - Tây ở
Việt Nam thời Pháp thuộc.
Chương 2: Quan điểm của Phan Khôi về tiếp xúc văn hóa Đông - Tây ở
Việt Nam trước năm 1945.
Chương 3: Một số đóng góp về văn hóa của Phan Khôi trước năm 1945.

13


Chƣơng 1
CUỘC ĐỜI PHAN KHÔI VÀ VẤN ĐỀ TIẾP XÚC
VĂN HÓA ĐÔNG – TÂY Ở VIỆT NAM THỜI PHÁP THUỘC

1.1. Cuộc đời Phan Khôi
Phan Khôi hiệu là Chương Dân, sinh ngày 6-10-1887 tại làng Bảo An,
xã Điện Quang, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Ông được sinh ra trong
một gia đình danh gia vọng tộc, và là trưởng nam trong gia đình. Ông được
học chữ Nho một cách bài bản từ nhỏ. Dòng họ Phan của ông nổi tiếng với
những người con ưu tú như chí sĩ Phan Thành Tài – nhân vật chủ chốt của
phong trào Duy Tân ở Quảng Nam và Việt Nam Quang phục Hội ở miền
Trung, bị thực dân Pháp bắt và xử trảm năm 1916; ba vị đại biểu Quốc hội
khóa đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa như Phan Diêu, Phan
Bôi (tức Huỳnh Hữu Nam) và Phan Thao. Ông nội của Phan Khôi từng làm
Án sát tỉnh Khánh Hòa dưới triều vua Tự Ðức, còn ông ngoại là Hoàng Diệu Tổng đốc hai tỉnh Hà Nội và Ninh Bình.
Thân sinh của Phan Khôi là Phan Trân. Phan Trân vốn sinh trưởng trong
dòng dõi nho gia hiển đạt nên học giỏi và thi đỗ đại khoa. Khi ấy, do hoàn
cảnh gia đình khó khăn: nhạc phụ tuẫn tiết vì tổ quốc, còn cha lại bị triều đình
cách chức, nên Phan Trân đành ra làm Tri phủ Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa.
Ông nghĩ rằng với đồng lương quan phủ có thể chu cấp cho cả gia đình hai
bên trong cảnh khó khăn. Tuy nhiên, cha của Phan Khôi làm quan cũng chỉ ba
năm. Sau đó, vì cãi nhau với viên Công sứ Pháp tỉnh Khánh Hòa nên ông cáo
bệnh về hưu dạy học, lúc mới 38 tuổi. Phan Khôi chỉ có một người em gái (gia
đình gọi là cô Ba), bà là vợ nhà văn Sở Cuồng Lê Dư và là mẹ của Hằng
Phương (vợ của Vũ Ngọc Phan), Hằng Phân (vợ của Hoàng Văn Chí) và Hằng
Huân (vợ của tướng Nguyễn Sơn).

14


Năm 1913, Phan Khôi kết hôn với Lương Thị Tuệ, quê ở huyện Đại Lộc,
tỉnh Quảng Nam, con của Lương Thúc Kỳ. Ông Lương Thúc Kỳ đỗ cử nhân
năm 1900, làm quan tại Huế, sau dạy trường Dục Thanh (ngôi trường đầu tiên
của phong trào Duy Tân, mở năm 1905 ở Phan Thiết). Năm 1908, Lương

Thúc Kỳ bị bắt và giam ở Côn Đảo tới năm 1917. Phan Khôi với bà Lương
Thị Tuệ có 8 người con: Phan Thao, Phan Cừ, Phan Thị Hựu Khanh, Phan
Thị Bang Khanh, một con trai chết lúc 10 tuổi, Phan Thị Mỹ Khanh, Phan Thị
Tiểu Khanh, Phan Trản. Người vợ thứ hai tên là Nguyễn Thị Huệ. Hai người
chung sống từ năm 1935 và sinh được ba người con: Phan Nam Sinh, Phan
Thị Thái, Phan Lang Sa (sau tự đổi tên thành Phan An Sa).
Mảnh đất địa linh, nhân kiệt Quảng Nam chính là cái nôi hình thành nên
tính cách, bản lĩnh rất riêng và độc đáo của Phan Khôi. Tiếp nhận nền văn hóa
Chăm pa, và ngay sau đó, từ rất sớm, con người trên vùng đất mới Quảng
Nam là những người Việt đầu tiên tiếp xúc với văn hóa phương Tây qua các
nhà buôn, các giáo sĩ rồi đến người Hoa, người Nhật qua cửa biển Hội An. Sự
giao lưu với nhiều luồng văn hóa khác nhau ấy đã để lại những dấu ấn đậm
nhạt khác nhau trên mọi mặt sinh hoạt xã hội, thể hiện trong các hình thái văn
hóa dân gian, tạo nên nét đặc thù riêng biệt của vùng văn hóa Quảng Nam
trong nền văn hóa chung của dân tộc Việt, đã hun đúc nên con người Quảng
Nam có ý chí, bản lĩnh kiên cường, tính tình phóng khoáng, ham chuộng tự
do, kiên nhẫn, chịu khó, ham học hỏi, cầu tiến, khả năng tiếp nhận và phát
huy cái mới. Sức sống, sức sáng tạo của người dân nơi đây luôn gắn liền với
sự “nhạy cảm với cái mới, khao khát cái mới như đất hạn khát mưa, háo hức
hút ngay từ giọt nước đầu tiên. Thậm chí khi chưa thật sự có giọt nước nào,
chưa thật sự mưa đã náo nức hóng về mưa, cảm nhận ra nó rất sớm, chờ đón
nó nồng nhiệt” [126, tr.6].

15


Trong suốt lịch sử hình thành và phát triển, đất Quảng Nam được coi là
vùng “đất học”, “đất khoa bảng”. Nơi đây là quê hương của nhiều nhân tài
học rộng, đỗ cao, nhiều vị anh hùng dân tộc qua các thời kì, những con người
làm rạng danh đất Quảng như Phạm Phú Thứ, Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc

Kháng, Phan Chu Trinh, Hoàng Diệu, Nguyễn Duy Hiệu, Trần Cao Vân,…
Từ đầu triều Nguyễn, tại Quảng Nam đã hình thành một trung tâm văn
học được coi là đứng thứ hai đất nước sau trung tâm văn học cổ kính Thủ đô
Hà Nội. Tinh tuý của học thuật Quảng Nam là cái học thấu suốt, cách vật trí
tri, học để hiểu biết thêm ý nghĩa và mục đích của học vấn, học đi đôi với
hành, học để phát huy đạo đức. Học hành giỏi, thi đỗ làm quan, là con đường
lập thân của người đàn ông Việt Nam thời trước. Quan trường là phương tiện
tốt để những người yêu nước thương dân đem khả năng của mình ra phục
vụ. Ða số những danh sĩ Quảng Nam là những người yêu nước thương dân.
Họ là những vị quan thanh liêm nổi tiếng. Gặp thời loạn li, đất nước bị ngoại
xâm, họ tích cực chống giặc bảo vệ tổ quốc, hoặc từ quan để tham gia vào các
phong trào cách mạng giải phóng dân tộc.
Phan Khôi là một trong những người tiêu biểu cho “Quảng Nam hay
cãi”. Không phải ngẫu nhiên mà người Quảng có câu “lí sự quá Phan Khôi”.
Ông vốn không phải là người bảo thủ, mà luôn nhạy bén với cái mới. Cái “cốt
tính” xứ Quảng đã ăn sâu vào máu thịt ông, hình thành nên hệ thống tư duy
thể hiện “sự vươn lên của tâm hồn, tinh thần bất khuất, đức tính chịu khó,
hăng hái làm việc nghĩa, rất can đảm, sẵn sàng hi sinh đấu tranh chống
những thế lực đàn áp... Đó là cái trầm lặng của con người nghĩ nhiều, cảm
nhiều, hành động nhiều và gặp trường hợp nào cũng biết nói lớn. Cái cá tính
ấy được thể hiện qua hành động thì vô cùng phong phú. Người xứ Quảng rất
giàu tình cảm, nhưng không bộc lộ ồn ào mà lại thầm kín, bền chặt. Họ giản
dị, thiết thực, thẳng thắn, chân thành, rất giàu nghị lực. Đó là mẫu người có ý
16


chí cương quyết, có con tim hào hùng” [31, tr.82]. Phan Khôi là mẫu người
như thế.
Một trong những người có ảnh hưởng sâu sắc đến tính cách và bản lĩnh
của Phan Khôi đó là bà cố nội - người dựng nghiệp họ Phan ở Điện Bàn. Phan

Khôi từng viết: “Họ Phan chúng tôi, ông thủy tổ nguyên ở Nghệ An vào lập
làng tại Quảng Nam, kêu là Bảo An” [4, tr.229]. Làng Bảo An do ba họ
Nguyễn, Ngô và Phan lập ra. Họ Phan từ khởi thủy đến đời ông cố Phan Khôi
vốn “nghèo hèn, dốt nát”, năm 1809, ông lấy bà cố, chung sống 15 năm, có 7
con thì ông mất; người con út (ông nội Phan Khôi) mới 2 tuổi. Bà cố buôn
gánh ở Hội An, nuôi con trong 6 năm. Bà tái giá, làm vợ kế một ông Đội khá
giả ở làng Hội Vực nhưng bà ra điều kiện: phải để cho bà về nhà chồng trước
trông nom con cái.
Theo lời những người già trong làng, bà thường cưỡi ngựa đi từ làng Hội
Vực về Bảo An hay ngược lại, đồ vật chất đầy trên cổ ngựa, nhờ vậy mà các
con bà được ăn học. Sáu năm sau, ông Đội mất, bà đem 2 con với ông Đội về
nuôi cùng 7 con đời chồng trước. Nhờ có vốn, bà mở đại lí buôn đường với
Tàu khách ở Hội An, trở thành người phụ nữ đầu tiên có hãng xuất cảng
đường và thành “cự phú". Dù có công lớn với gia đình, nhưng vì tội tái giá,
nên sau khi mất (ở tuổi 73), bà không được chôn ở đất công của làng. Vì
vậy, trong Chuyện bà cố tôi đăng trên Phụ nữ tân văn, số 25, ngày 17-101929, Phan Khôi đòi kiện cái luật cổ hủ của xã hội thời ấy.
Người phụ nữ độc lập, cưỡi ngựa "nhảy qua" hàng rào lễ giáo cổ hủ đầu
thế kỉ XIX đã tác động mạnh mẽ đến tư tưởng và hành động của Phan Khôi. Vì
thế, ông luôn đấu tranh cho quyền làm người của phụ nữ đồng thời tiên
phong và phản biện trong nhiều lĩnh vực văn hóa và tư tưởng.
Ngay từ nhỏ, Phan Khôi đã nổi tiếng thông minh, ham học hỏi và hay “lí
sự”. Trong cuốn tự truyện Đi học đi thi, Phan Khôi đã viết về mình: “Tôi từ
17


nhỏ có tư bẩm thông minh lạ. Lên 13 tuổi đã “cụ thể tam trường”: Nghĩa là
về lối văn khoa cử, kinh nghĩa ở trường nhất, thi phú trường nhì, văn sách
trường ba tôi đều làm được cả trong tuổi ấy. Ông nội tôi và ông thân tôi đều
để hi vọng vào tôi nhiều lắm. Ông nội tôi sống đến năm tôi 16 tuổi, đi thi
khoa đầu, hỏng trường nhất, rồi người mới mất” [145, tr.518]. Phan Khôi

học Trần Quý Cáp 10 năm, từ năm 1896 đến năm 1906. Trần Quý Cáp (18701908) - Tiến sĩ khoa Giáp Thìn (1904) cùng với Huỳnh Thúc Kháng đậu
Hoàng giáp cùng khoa và Phan Chu Trinh đậu Phó bảng (1901), là ba nhà
lãnh đạo Duy Tân. Sau khi đỗ đạt, năm 1905, ba ông rủ nhau đi vào Nam và
phát động phong trào Duy Tân (1906-1908), chủ trương bài xích cử nghiệp,
đề xướng tân học. Trần Quý Cáp là người hướng dẫn tư tưởng thanh thiếu
niên và tiếp tục vun xới tinh thần ái quốc ở Phan Khôi. Học trò của thầy Trần
Quý Cáp có đến hàng nghìn người.
Trần Quý Cáp là người hay chữ nhất trong ba vị lãnh tụ Duy Tân. Huỳnh
Thúc Kháng cho biết: “Về thi văn của Tiên sinh không lưu bản cảo, chỉ có
đồng nhân cùng tôi còn nhớ đôi bài lượm lặt chép thành tập, gửi nơi Tiêu
Đẩu Nguyễn Bá Trác” [40, tr.16]. Cái chết thảm khốc của Trần Quý Cáp đã in
dấu ấn sâu đậm trong cuộc đời Phan Khôi và ảnh hưởng sâu xa đến đường lối
văn hoá và sự tranh đấu bất bạo động của ông sau này.
Năm 1905, Phan Khôi ra Huế thi Hương, nhưng thi trượt ở bậc Cử nhân
và chỉ được xếp hạng Tú tài (vì thế mà Phan Khôi thường lấy biệt hiệu là Tú
Sơn). Chán lối học từ chương khuôn sáo và thi cử nên Phan Khôi không tiếp
tục chuẩn bị cho khoa thi tiếp theo. Lúc bấy giờ, trước ảnh hưởng của làn
sóng duy tân trong và ngoài nước, Phan Khôi chuyển sang học chữ Quốc ngữ
và tiếng Pháp. Cùng với sự kiện này, Phan Khôi mạnh dạn cắt tóc ngắn, đi
quyên tiền và chọn người cho phong trào Đông Du bất chấp sự phản đối của
cụ thân sinh và họ hàng gia tộc.
18


Năm 1906, Phan Khôi học chữ Quốc ngữ với Phan Thành Tài, một
người bà con trong họ. Phan Thành Tài chỉ mới biết đọc biết viết, không đủ
sức dạy lên nữa nên Phan Khôi chuyển sang trường thầy Lê Hiên tại làng Phi
Phú (nay thuộc xã Điện Quang, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam). Thầy Lê
Hiên chỉ mới đỗ bằng Tiểu học nên chỉ có thể dạy Quốc ngữ và tiếng Pháp
theo chương trình lớp vỡ lòng và dự bị. Phan Khôi học Hán văn từ nhỏ, nhờ

đọc các sách Tân thư nên có tinh thần duy tân và tin ở dân quyền. Khi phong
trào Duy Tân dấy lên, Phan Khôi lập tức hưởng ứng.
Năm 1907, Phan Khôi ra Hà Nội, dạy chữ Hán ở trường Đông Kinh
nghĩa thục và viết bài cho tờ Đăng Cổ tùng báo do phong trào này xuất bản.
Năm 1908, trường Đông Kinh nghĩa thục và tờ Đăng Cổ tùng báo bị
cấm, Phan Khôi lánh về Nam Định học tiếng Pháp với Nguyễn Bá Học, một
nhà Nho sớm biết tiếng Pháp ở trình độ cao hơn thầy Lê Hiên.
Năm 1909, Phan Khôi ra Huế nộp đơn xin vào học trường dòng Pellerin
do các cố đạo Thiên chúa sáng lập, chuyên dạy các môn bằng tiếng Pháp.
Thấy Phan Khôi lớn tuổi (22 tuổi) nhưng ham học nên trường này nhận đơn,
song lại buộc Phan Khôi sát hạch vào lớp nhì, học cùng bọn trẻ lên 10. Hai
tháng đầu, Phan Khôi bị xếp hạng chót. Tháng thứ ba, Phan Khôi vượt lên
đứng đầu. Học được mấy tháng thì ở nhà có đại tang nên Phan Khôi phải về
quê thọ tang và thôi học, ở nhà.
Lúc này có một số phong trào tự phát của quần chúng nổi lên, Phan Khôi
tham gia biểu tình xin xâu, đòi giảm xâu thuế, rồi tham gia phong trào Duy Tân ở
Quảng Nam. Trong một cuộc biểu tình đòi giảm thuế Phan Khôi bị bắt và bị giam
tại nhà lao Hội An cùng Huỳnh Thúc Kháng và nhiều nhân sĩ yêu nước khác.
Trong thời gian bị tù (1911-1913), ngoài việc thơ phú xướng họa với các
nhân sĩ bạn tù, Phan Khôi tự học tiếng Pháp. Đầu năm 1914, vì có chiến tranh

19


Đức - Pháp, Toàn quyền Albert Sarraut mới ân xá cho nhiều tù nhân, trong đó
có Phan Khôi.
Sau khi ra tù, ông trở về nhà cưới vợ và mở lớp dạy chữ Hán. Ông cải
tiến cách giảng bài dễ hiểu, khác với các thầy đồ xưa, khiến cho học trò xa
gần nô nức đến học. Năm 1916, Phan Khôi thôi dạy và khuyên học trò nên
học chữ Quốc ngữ và chữ Pháp. Sau đó, ông ra Hải Phòng làm thư kí cho

Công ti vận tải đường thủy của Bạch Thái Bưởi, chuyên viết thư từ giao dịch
bằng chữ Hán với các hãng buôn Hồng Kông, Vân Nam,... và thảo các văn
thư ngắn bằng tiếng Pháp gửi các hãng tàu thủy ở Pháp để kiếm sống. Công
việc này không phù hợp với nguyện vọng nâng cao kiến thức nên sau đó Phan
Khôi xin thôi việc, mặc dù Bạch Thái Bưởi làm mọi cách để giữ chân ông.
Từ tháng 2-1918 đến tháng 5-1919, ông được Nguyễn Bá Trác giới thiệu
vào Nam Phong, viết bài quốc ngữ đầu tiên trên Nam Phong số 8 (2-1918),
khai trương mục Nam Âm thi thoại với bút danh Chương Dân. Ông viết cả
chữ Hán lẫn chữ Việt, với nhiều thể loại: nghị luận, khảo luận lẫn sáng tác
văn chương. Tuy nhiên, ngoài mục Nam Âm thi thoại, tác giả chưa thể hiện
được gì nhiều ở các bài mục khác. Trong thời gian làm việc cho Nam Phong,
Phan Khôi sưu tầm sách chữ Hán, chữ Pháp để nghiên cứu khoa luận lí học và
trao đổi, thảo luận môn học này với một số sinh viên trường Cao đẳng Sư
phạm Hà Nội. Ngoài ra ông tìm đọc sách, báo Trung Quốc xuất bản trong và
sau Cách mạng Tân Hợi (1911), tìm hiểu sự phát triển của nền văn học Trung
Hoa, đặc biệt chú trọng nghiên cứu các nhà văn tiến bộ như Lỗ Tấn, Hồ
Thích,... Trung Quốc vào thời điểm sau Cách mạng Tân Hợi và nhất là sau
cuộc Ngũ Tứ vận động (ngày 4-5-1919 với sự tham gia đông đảo của học
sinh, sinh viên), giới trí thức nhận thấy cần phải có một lối văn gần với quốc
dân hơn. Bạch thoại (văn bình dân) được đề cao và văn ngôn có tính bác học
bị xét lại. Thật ra, trước cuộc vận động này, trí thức Trung Quốc cũng đã
20


nhiều lần đặt lại vấn đề đổi mới văn nghệ. Những xao động này cũng ảnh
hưởng tới học giới, văn giới Việt Nam những năm đầu thế kỉ XX. Tất nhiên,
Phan Khôi để tâm theo dõi những chuyển biến tư tưởng ở Trung Quốc. Ông
đổi hẳn lối viết văn rườm rà sang thể văn rành mạch, phân tích, lí lẽ.
Hơn một năm sau, Phan Khôi rời Hà Nội vào Sài Gòn. Tờ báo đầu tiên ở
Sài Gòn mà Phan Khôi cộng tác là Lục tỉnh tân văn với loạt bài kéo dài thành

mục báo đăng nhiều kì về thường thức xã hội hoặc khảo về ngôn ngữ. Đó là
mục Làm dân phải biết và mục Ghi chép tiếng An Nam. Ít lâu sau bị sa thải vì
viết bài công kích một viên chức cao cấp Pháp sắp lên làm Toàn quyền.
Tháng 9-1919, ông trở về quê Quảng Nam.
Trong hai năm 1921-1922, ông viết cho Thực nghiệp dân báo và Hữu
Thanh ở Hà Nội. Năm 1922 ông vào Nam, liên lạc và hoạt động với nhóm
Nguyễn An Ninh.
Từ năm 1922-1925, ông xuống Cà Mau ẩn náu. Trong thời gian này, ông
tiếp tục học thêm tiếng Pháp bằng cách viết thư với Dejean de la Bâtie và dịch
Kinh Thánh (dịch toàn bộ Tân Ước và 1/3 Cựu Ước) từ bản tiếng Hán và Pháp
văn sang Quốc ngữ.
Sau khi Phan Chu Trinh mất (1926), Phan Khôi soạn bản Hiệu triệu quốc
dân và viết Lịch sử Phan Chu Trinh.
Đầu năm 1928 được đánh dấu là thời kì thứ hai Phan Khôi góp mặt với
báo chí Sài Gòn. Thời kì này kéo dài khoảng 5 năm (1928-1933), hoạt động
báo chí của ông gắn với các tờ Đông Pháp thời báo, Thần chung, Phụ nữ Tân
văn, Trung lập tiếng Việt, và một số ít với các tờ Quần báo hoặc Hoa kiều
nhật báo viết bằng chữ Hán ở Chợ Lớn. Cũng cần nhắc lại đây là giai đoạn
báo chí Sài Gòn lớn mạnh nhờ làn gió mới từ phong trào Duy Tân từ Pháp trở
về. Từ năm 1923, Nguyễn An Ninh đã từ Pháp về Sài Gòn để lập báo Le
Cloche fêlée (Chuông rè) mở màn cho cuộc đấu tranh bằng báo chí đầy hứng
21


×