Tải bản đầy đủ (.doc) (24 trang)

CHUYÊN ĐỀ:HƯỚNG DẪN HỌC SINH ÔN TẬP VÀ TRẢ LỜI CÁC CÂU HỎI VỀ 7 VÙNG KINH TẾ ĐỊA LÍ 12

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (174.68 KB, 24 trang )

CHUYÊN ĐỀ ĐỊA LÍ
HƯỚNG DẪN HỌC SINH ÔN TẬP VÀ TRẢ LỜI CÁC CÂU HỎI VỀ 7
VÙNG KINH TẾ - ĐỊA LÍ 12

Tác giả: Hoàng Thị Minh
Giáo viên trường: THPT Quang Hà
Đối tượng bồi dưỡng: Học sinh lớp 12
Số tiết dự kiến: 12 tiết

LỜI NÓI ĐẦU

1


Năm học 2014 – 2015 là năm học đầu tiên thực hiện đổi mới thi cử theo
hình thức gộp chung hai kì thi tốt nghiệp và thi đại học, cao đẳng trước
đây thành kì thi THPT quốc gia. Điều đó đặt ra yêu cầu cho toàn ngành
giáo dục nói chung và cho cấp THPT nói riêng sự đổi mới kịp thời nhằm
trang bị cho học sinh các kiến thức, kĩ năng cơ bản nhất trước khi bước
vào kì thi quan trọng này.
Riêng đối với đặc thù môn Địa Lí là môn học đòi hỏi học sinh đáp ứng được cả
yêu cầu về kiến thức và kĩ năng. Trong đó, lượng kiến thức lí thuyết
chiếm khoảng 65 đến 70% tổng số điểm. Trong chương trình Địa lí lớp 12
bao gồm hai phần lớn là Địa lí tự nhiên Việt Nam và Địa lí kinh tế xã hội
Việt Nam. Trong đó, phần Địa lí các vùng kinh tế là một nội dung quan
trọng và tương đối khó với lượng kiến thức lớn, không thể thiếu trong cấu
trúc đề thi môn Địa lí.
Xuất phát từ thực tế trên, tác giả xây dựng chuyên đề “Hướng dẫn học sinh ôn
tập và trả lời câu hỏi về 7 vùng kinh tế” của nước ta nhằm giúp học sinh
có định hướng một cách khái quát và rõ ràng nhất khi làm bài thi THPT
quốc gia môn Địa lí. Chuyên đề bao gồm các dạng câu hỏi, cách trả lời


và một số ví dụ cụ thể khi trả lời các câu hỏi liên quan đến 7 vùng kinh tế.
Trong quá trình viết, do thời gian có hạn, bản thân còn phải học hỏi nhiều
nên chuyên đề không thể tránh khỏi những thiếu xót, tác giả mong muốn đón
nhận được những góp ý chân thành từ các thầy cô để chuyên đề được hoàn thiện
hơn.
Xin trân trọng cảm ơn!

2


PHẦN I: CÁC KIẾN THỨC TRỌNG TÂM CẦN ĐẠT ĐƯỢC TRONG
CHUYÊN ĐỀ
Trong chuyên đề Địa lí 7 vùng kinh tế, các kiến thức trọng tâm gồm:
* Vấn đề khai thác thế mạnh ở Trung du miền núi Bắc Bộ
- Vai trò của TDMNBB đối với phát triển kinh tế, xã hội và an ninh quốc phòng
của nước ta.
- Phân tích tiềm năng, hiện trạng và giải pháp sử dụng, khai thác hiệu quả các
thế mạnh của vùng
+ Khai thác khoáng sản, thủy điện
+ Chăn nuôi đại gia súc
+ Trồng và chế biến cây dược liệu, cây CN, rau quả cận nhiệt và ôn đới
+ Kinh tế biển
* Vấn đề chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo ngành ở Đồng bằng sông Hồng
- Phân tích các nguồn lực phát triển kinh tế xã hội của Đồng bằng sông
Hồng( thế mạnh, hạn chế, các vấn đề trọng tâm cần giải quyết)
- Hiểu và trình bày về chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo ngành:
+ Lí do vì sao phải chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo ngành
+ Thực trạng chuyển dịch
+ Các định hướng chính để đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo ngành.
* Vấn đề phát triển kinh tế xã hội ở Bắc Trung Bộ

- Phân tích để thấy việc hình thành cơ cấu nông lâm ngư nghiệp góp phần phát
triển bền vững ở Bắc Trung Bộ
- Việc phát triển cơ sở hạ tầng GTVT tạo bước ngoặt quan trọng trong hình
thành cơ cấu kinh tế của vùng.
* Vấn đề phát triển kinh tế xã hội ở Duyên hải Nam Trung Bộ
- Phân tích các điều kiện phát triển, hiện trạng phát triển và phân bố công nghiệp
của vùng.
- Trình bày được tiềm năng và hiện trạng phát triển tổng hợp kinh tế biển, so
sánh với Bắc Trung Bộ.
- Giải thích được vì sao việc tăng cường kết cấu hạ tầng giao thong vận tải có ý
nghĩa quan trọng trong hình thành cơ cấu kinh tế của vùng.
* Vấn đề khai thác thế mạnh ở Tây Nguyên
- Phân tích được ý nghĩa vị trí địa lí của Tây Nguyên.
- Trình bày các điều kiện phát triển cây CN lâu năm nói chung và cây cà phê nói
riêng, các biện pháp phát triển ổn định cây cà phê của vùng.
3


- Trình bày tiềm năng, hiện trạng, giải pháp khai thác hợp lí tài nguyên rừng ở
Tây Nguyên.
- Tiềm năng, hiện trạng và ý nghĩa của việc phát triển thủy điện.
* Vấn đề khai thác lãnh thổ theo chiều sâu ở Đông Nam Bộ
- Hiểu được vì sao phải khai thác lãnh thổ theo chiều sâu ở Đông Nam Bộ
- Trình bày hiện trạng và phương hướng khai thác lãnh thổ theo chiều sâu trong
nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ và phát triển tổng hợp kinh tế biển.
* Vấn đề sử dụng hợp lí và cải tạo tự nhiên ở Đồng bằng sông Cửu Long
- Hiểu được vì sao phải sử dụng hợp lí và cải tạo tự nhiên ở Đồng bằng sông
Cửu Long, hiện trạng và giải pháp.
- Phân tích các thế mạnh và hạn chế tự nhiên ảnh hưởng đến phát triển kinh tế xã
hội của vùng.

PHẦN II: CÁC DẠNG CÂU HỎI VÀ CÁCH TRẢ LỜI CÂU HỎI TRONG
PHẦN ĐỊA LÍ 7 VÙNG KINH TẾ
1. Dạng câu hỏi trình bày
Đây là dạng câu hỏi dễ nhất trong bài làm môn Địa lí vì đa phần các em chỉ cần
tái hiện kiến thức đã được học, có sự sắp xếp cho phù hợp với yêu cầu của đề
bài hoặc có kèm thêm một số ý nhận xét vấn đề một cách khái quát nhất.
Đối với dạng câu hỏi này, học sinh cần đọc kĩ đề bài để xác định đúng, đủ lượng
kiến thức mà đề bài yêu cầu, tránh dài dòng hoặc thừa, thiếu thì sẽ dễ đạt điểm
tối đa.
Ví dụ: Hãy trình bày một số phương hướng chính để khai thác lãnh thổ
theo chiều sâu trong công nghiệp của Đông Nam Bộ?
Hướng dẫn trả lời
- Tiếp tục phát triển nguồn điện và mạng lưới điện để giải quyết vấn đề năng
lượng
+ Xây dựng nhiều nhà máy thủy điện mới
+ Xây dựng và mở rộng các nhà máy điện tuốc bin khí…
+ Xây dựng mạng lưới điện trung và hạ thế, sử dụng điện từ đường dây 500kv
và 220kv
- Mở rộng quan hệ đầu tư với nước ngoài

4


- Chú ý vấn đề bảo vệ môi trường, phát triển công nghiệp tránh làm tổn hại đến
ngành du lịch nhiều tiềm năng
2. Dạng câu hỏi chứng minh
So với dạng câu hỏi trình bày thì dạng này khó hơn ở chỗ học sinh cần dựa vào
kiến thức cơ bản để đưa ra những nhận xét cần thiết và phải có dẫn chứng cụ
thể. Dẫn chứng có thể bằng số liệu tuyệt đối hoặc tương đối, số liệu sách giáo
khoa hoặc số liệu mới cập nhât.

Yêu cầu đối với dạng câu hỏi này là xác định đúng trọng tâm câu hỏi và đưa ra
dẫn chứng thuyết phục, nếu chỉ có kiến thức lí thuyết đơn thuần thì bài làm
không cụ thể, mang tính khai quát chung chung và không đạt điểm cao.
Ví dụ: Chứng minh rằng thế mạnh về thủy điện của Tây Nguyên đang được
phát huy và điều này sẽ là động lực cho phát triển kinh tế xã hội của vùng
Hướng dẫn trả lời
-Trước đây, đã xây dựng các nhà máy thủy điện Đa Nhim 160MW, Đrây HLinh
12MW.
- Đã và đang hình thành các bậc thang thủy điện
+ Trên sông Xê Xan: Thủy điện Yaly( 720MW), Xexan 3, Xexan 3A, Xexan 4,
Pray Krong với tổng công suất 1500 MW.
+ Trên sông Xre PoK có 6 bậc thang thủy điện trong đó lớn nhất là thủy điện
Buôn Kuop 280 MW.
+ Trên sông Đồng Nai có nhà máy Đại Ninh, Đồng Nai 3, 4 đang được xây
dựng.
-Ý nghĩa của các công trình thủy điện ở Tây Nguyên:
+ Tạo điều kiện thuận lợi hơn để phát triển các ngành công nghiệp, trong đó có
việc khai thác và chế biến bột nhôm từ boxit.
+ Đem lại nguồn nước tưới quan trọng cho Tây Nguyên trong mùa khô
+ Phục vụ cho du lịch và nuôi trồng thủy sản.
3. Dạng câu hỏi phân tích
Dạng câu hỏi này yêu cầu học sinh phải vận dụng tổng hợp nhiều kiến thức, có
thể cả về địa lí tự nhiên và địa lí kinh tế xã hội. Trong quá trình làm bài, khổng
chỉ cần đưa ra các ý khái quát dựa trên cơ sở kiến thức cơ bản mà cần biết vận
5


dụng linh hoạt để nhận xét, minh chứng ở mức độ sâu hơn dạng trình bày và
chứng minh.
Ví dụ: Phân tích các điều kiện để đồng bằng sông Cửu Long trở thành vựa

lúa lớn nhất nước ta?
Hướng dẫn trả lời
* Điều kiện tự nhiên:
- Địa hình và đất: Là đồng bằng châu thổ lớn nhất nước ta, địa hình bằng phẳng,
diện tích đất phù sa ngọt lớn và được bồi đắp hàng năm, thuận lợi để thâm canh
lúa nước.
- Khí hậu: Mang đặc điểm cận xích đạo gió mùa, nhiệt độ trung bình cao quanh
năm, lượng mưa trên 2000mm, không có mùa đông lạnh, thích hợp với điều kiện
sinh thái của cây lúa nước, tạo thuận lợi để thâm canh, tăng vụ.
- Nguồn nước: Lượng mưa lớn, mạng lưới sông ngòi kênh rạch chằng chịt, thủy
chế sông điều hòa, cung cấp nước tưới cho nông nghiệp nói chung và cho lúa
nước nói riêng.
* Điều kiện kinh tế xã hội
- Dân cư và lao động: Mật độ dân số tương đối cao, dân cư có kinh nghiệm thâm
canh lúa nước.
- Cơ sở vật chất kĩ thuật, hạ tầng: Có 1 số trung tâm công nghiệp và điểm công
nghiệp chế biến( Cần Thơ, Cà Mau, …), giao thong đường thủy phát triển, nhiều
công trình thủy lợi đang được xây dựng…
- Đường lối chính sách: Được coi là vùng trọng điểm số 1 về lương thực thực
phẩm của nước ta
- Thị trường: Cung cấp lương thực cho hầu hết các vùng trong nước và đóng vai
trò chủ đạo trong xuất khẩu lúa gạo của nước ta.
* Khó khăn:
- Thiếu nước trong mùa khô, hiện tượng triều cường, lũ lụt
- Diện tích đất phèn đất mặn lớn
- Thiếu các cơ sở chế biến và giao thong nhiều nơi chưa phát triển.
6


4. Dạng câu hỏi giải thích

Có thể nói đây là dạng câu hỏi khó nhưng rất hay gặp trong phần Địa lí về 7
vùng kinh tế. Dạng câu hỏi này đòi hỏi học sinh phải nắm vững kiến thức cơ bản
để giải thích các sự vật, hiện tượng địa lí trên cơ sở tổng hợp kiến thức và sử
dụng các mối liên hệ nhân quả.
Trong dạng câu hỏi giải thích lại có thể chia làm 4 loại câu hỏi
- Câu hỏi giải thích dạng nguồn lực:
+ Với dạng câu hỏi này cần dựa trên nền các nguồn lực phát triển kinh tế xã hội
là nguồn lực tự nhiên và nguồn lực kinh tế xã hội.
+ Sau đó, căn cứ vào yêu cầu của đề bài để xác định mức độ kiến thức cần đưa
vào, có những câu hỏi chỉ cần dựa vào nguồn lực tự nhiên, có câu lại cần cả
nguồn lực tự nhiên và kinh tế xã hội để giải thích.
+ Ví dụ: Tại sao đồng bằng sông Hồng là vùng có mật độ dân số cao nhất cả
nước?
Với câu hỏi này cần dựa vào các điều kiện thuận lợi về tự nhiên( địa hình, đất,
nước, khí hậu), các thuận lợi về kinh tế xã hội( Có thủ đô, tập trung nhiều TTCN
và dịch vụ lớn, giao thông phát triển, lịch sử khai thác lãnh thổ lâu đời gắn với
thâm canh lúa nước) để lí giải nguyên nhân.
- Câu hỏi giải thích dựa vào khái niệm: Với dạng câu hỏi này cần dựa vào khái
niệm các ngành, các hiện tượng, sau đó áp dụng vào từng lãnh thổ cụ thể để
minh chứng.
+ Ví dụ: Tại sao công nghiệp dầu khí là một trong những ngành trọng điểm ở
Đông Nam Bộ?
Câu hỏi này cần dựa trên khái niệm về ngành công nghiệp trọng điểm( Có thế
mạnh lâu dài, mang lại hiệu quả kinh tế cao, tác động mạnh đến các ngành kinh
tế khác) để giải thích cụ thể ở Đông Nam Bộ( Đưa ra thế mạnh về các bể trầm
tích, các mỏ dầu khí lớn; hiện trạng khai thác, tác động đến kinh tế xã hội của
vùng và của cả nước)

7



- Câu hỏi giải thích về mỗi vấn đề tiêu biểu của từng vùng: Mỗi vùng kinh tế
đều có những vấn đề tiêu biểu nhất. Ví dụ: Tại sao phải chuyển dịch cơ cấu kinh
tế theo ngành ở Đồng bằng sông Hồng? Tại sao phải hình thành cơ cấu nông lâm
ngư nghiệp để phát triển bền vững ở Bắc Trung Bộ? Tại sao phải thực hiện khai
thác lãnh thổ theo chiều sâu ở Đông Nam Bộ? Tại sao phải sử dụng hợp lí và cải
tạo tự nhiên ở Đồng bằng sông Cửu Long?
Với loại câu hỏi này, cách trả lời là
+ Vai trò của vùng đó trong phát triển KTXH của cả nước
+ Hiện trạng vấn đề ở vùng đó ra sao ( Điều đã thực hiện được và điều còn hạn
chế)
+ Ý nghĩa của việc thực hiện vấn đề đó đối với vùng và đối với cả nước.
- Câu hỏi giải thích không theo mẫu cố định: Ví dụ: Tại sao Đồng bằng sông cửu
Long phải sống chung với lũ? Tại sao khai thác rừng ở Tây Nguyên phải đi đôi
với tu bổ và bảo vệ rừng?
Với dạng câu hỏi này cần đọc kĩ đề, xác định kiến thức và đưa ra dàn ý sắp xếp
các ý cho phù hợp với yêu cầu của đề bài.
5. Dạng câu hỏi so sánh
Đây cũng là dạng câu hỏi khó thường gặp trong phần Địa lí 7 vùng kinh tế.
Dạng câu hỏi này đòi hỏi học sinh phải vận dụng tổng hợp kiến thức của nhiều
phần khác nhau, thường là yêu cầu so sánh về một vấn đề nào đó giữa các vùng.
Học sinh cần phân tích để đưa ra những điểm giống nhau và khác nhau, làm nổi
trội thế mạnh riêng của vùng nào nhiều ưu thế hơn.
Ví dụ: So sánh sự khác nhau về điều kiện phát triển cây công nghiệp lâu năm
giữa Tây Nguyên với Trung du miền núi Bắc Bộ, so sánh sự khác nhau về khả
năng phát triển tổng hợp kinh tế biển giữa Duyên hải Nam Trung Bộ với Đông
Nam Bộ?...
Với những câu hỏi này, học sinh phải đưa ra những nét riêng của từng vùng về
tự nhiên, kinh tế xã hội để so sánh, sau đó làm nổi bật những ưu thế nổi trội của
mỗi vùng. Ví dụ: Trung du miền núi Bắc Bộ có ưu thế là khí hậu có mùa đông

8


lạnh, cơ cấu cây CN lâu năm đa dạng cả loài nhiệt đới, cận nhiệt và ôn đới, nổi
bật là cây cận nhiệt và ôn đới thì Tây Nguyên lại chủ yếu là cây công nghiệp có
nguồn gốc nhiệt đới…
PHẦN III: MỘT SỐ VÍ DỤ CỤ THỂ VỀ TỪNG DẠNG CÂU HỎI VÀ GỢI
Ý TRẢ LỜI
1.Dạng câu hỏi trình bày
Câu hỏi 1: Sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo ngành ở đồng bằng sông Hồng
diễn ra như thế nào? Nêu những định hướng chính trong tương lai?
Hướng dẫn trả lời
* Hiện trạng chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo ngành
- Chuyển dịch tích cực theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa
+ Giảm tỉ trọng khu vực nông lâm ngư nghiệp còn 16,8%( 2005)
+ Tăng tỉ trọng khu vực công nghiệp – xây dựng và dịch vụ: Năm 2005 tỉ trọng
2 khu vực lần lượt là 39,3% và 43,9%.
- Tuy nhiên, tốc độ chuyển dịch chậm, chưa tương xứng với tiềm năng và chưa
phát huy hết vai trò của vùng, tỉ trọng khu vực I còn cao, tỉ trọng khu vực III
tăng trưởng chưa ổn định.
* Các định hướng chính:
- Xu hướng chung: Tiếp tục giảm tỉ trọng khu vực I, tăng tỉ trọng khu vực II và
III, đảm bảo tăng trưởng kinh tế nhanh hiệu quả gắn với giải quyết các vấn đề xã
hội và môi trường.
- Trong nội bộ từng ngành:
+ Khu vực I: Giảm tỉ trọng trồng trọt, tăng tỉ trọng chăn nuôi và thủy sản; giảm
tỉ trọng cây lương thực, tăng tỉ trọng cây thực phẩm, cây ăn quả.
+ Khu vực II: Đẩy mạnh các ngành công nghiệp trọng điểm: Chế biến lương
thực thực phẩm, dệt may, cơ khí – điện tử…
+ Khu vực III: Đẩy mạnh du lịch và các dịch vụ ngân hàng, giáo dục…

Câu hỏi 2: Trình bày các điều kiện tự nhiên để phát triển cây cà phê ở Tây
Nguyên? Giải pháp phát triển ổn định cây cà phê ở vùng này?
9


Hướng dẫn trả lời
* Các điều kiện tự nhiên để phát triển cây cà phê
- Địa hình và đất: Gồm các cao nguyên ba dan xếp tầng đồ sộ bề mặt tương đối
bằng phẳng, thích hợp để phát triển các vùng chuyên canh cây cà phê quy mô
lớn.
- Khí hậu: Mang đặc điểm khí hậu cận xích đạo, thích hợp với điều kiện sinh
thái của cà phê, lại có mùa khô để phơi sấy bảo quản sản phẩm.
- Nguồn nước: Có 1 số sông lớn ngoài giá trị thủy điện còn đem đến nguồn nước
tưới quan trọng cho cầy cà phê.
* Giải pháp phát triển ổn định cây cà phê:
- Hoàn thiện quy hoạch các vùng chuyên canh cây cà phê, mở rộng diện tích có
kế hoạch và cơ sở khoa học đi đôi với bảo vệ rừng và phát triển thủy lợi.
- Đa dạng hóa cơ cấu cây công nghiệp để sử dụng hợp lí tài nguyên và hạn chế
rủi ro do thị trường.
- Đẩy mạnh chế biến sản phẩm và đẩy mạnh xuất khẩu.
Câu hỏi 3: Trình bày tiềm năng và hiện trạng khai thác, chế biến khoáng sản
ở Trung du miền núi Bắc Bộ?
Hướng dẫn trả lời
*Tiềm năng
Là vùng giàu tài nguyên khoáng sản nhất nước ta, đa dạng về chủng loại, nhiều
mỏ trữ lượng lớn, chất lượng tốt
-Than đá: Tập trung 90% trữ lượng than cả nước, chất lượng tốt nhất Đông Nam
Á.
- Apatit: Ở Lào Cai
- Thiếc và boxit ở Cao Bằng

- Sắt: Yên Bái
- Đồng, Niken, đất hiếm, chì, kẽm… phân bố rải rác ở một số nơi.
* Hiện trạng khai thác và chế biến

10


- Sản lượng than khai thác trên 30 triệu tấn/ năm làm nhiên liệu cho các nhà máy
nhiệt điện và xuất khẩu. Các nhà máy nhiệt điện trong vùng là: Uông Bí, Cao
Ngạn, Na Dương, Cẩm Phả
- Mỗi năm sản xuất 1000 tấn thiếc
- Khai thác 600 nghìn tấn quặng apatit để sản xuất phân lân.
- Khó khăn:
+ Đa số là các mỏ nhỏ, nằm ở nơi khó khai thác
+ Thiếu phương tiện khai thác hiện đại, thiếu vốn
+ Nhiều nơi môi trường bị suy thoái.
2. Dạng câu hỏi chứng minh
Câu hỏi 1: Hãy chứng minh nhận định: “ Trung du miền núi Bắc Bộ có vị trí
đặc biệt, lại có mạng lưới giao thông vận tải đang được đầu tư nâng cấp, nên
ngày càng thuận lợi trong giao lưu với các vùng khác trong nước và xây
dựng nền kinh tế mở”.
Hướng dẫn trả lời
* Trung du miền núi Bắc Bộ có vị trí địa lí đặc biệt:
- Trung du miền núi Bắc Bộ gồm các tỉnh thuộc Đông Bắc và Tây Bắc, là vùng
có diện tích lớn nhất nước ta (trên 101 nghìn km2).
- Phía Bắc giáp Trung Quốc đường biên giới dài 1400km, phía Tây giáp Thượng
Lào là điều kiện thuận lợi để giao lưu hợp tác bằng đường bộ đồng thời có ý
nghĩa đặc biệt quan trọng về an ninh quốc phòng.
- Phía Nam giáp Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ là hai vùng cung cấp
các nguyên nhiên liệu, lao động và là thị trường tiêu thụ lớn cho TDMN Bắc Bộ.

- Phía Đông giáp Vịnh Bắc Bộ mở ra biển Đông rộng lớn tạo điều kiện thuận lợi
để phát triển tổng hợp các ngành kinh tế biển.
* Mạng lưới giao thông vận tải đang được đầu tư nâng cấp:
- Việc thông thương với các nước láng giềng được tiến hành qua các cửa khẩu
quan trọng như: Thanh Thủy, Hữu Nghị, Móng Cái, Tây Trang…

11


- Mạng lưới đường bộ, đường sắt ngày càng hoàn thiện, nâng cấp tạo mối liên
kết giữa Đông Bắc với Tây Bắc, giữa TDMN Bắc Bộ với các vùng trong nước:
+ Đường bộ: Quốc lộ 279 nối Đông Bắc với Tây Bắc, quốc lộ 1A, 2,3, 4B, 6 nối
liền TDMN Bắc Bộ với Đồng bằng sông Hồng, với thủ đô Hà Nội.
+ Đường sắt Hà Nội- Lào Cai, Hà Nội- Thái Nguyên- Lạng Sơn…
- Xây dựng và mở rộng hệ thống cảng nước sâu như Cái Lân, Hạ Long nhằm
đẩy mạnh giao thông đường biển với các vùng trong nước và các nước trên thế
giới.
- Hệ thống các sân bay được nâng cấp đảm nhận vận tải trong nước như sân bay
Điện Biên, Sơn La.
Câu hỏi 2: Chứng minh rằng việc xây dựng các công trình thủy lợi có ý nghĩa
hàng đầu trong việc sử dụng hợp lí tài nguyên nông nghiệp của Đông Nam
Bộ
Hướng dẫn trả lời
- Nhiều công trình thủy lợi đã được xây dựng:
+ Công trình thủy lợi Dầu Tiếng trên thượng lưu sông Sài Gòn là công trình thủy
lợi lớn nhất của nước ta hiện nay.
+ Dự án thủy lợi Phước Hòa được thực thi giúp chia một phần nước của sông Bé
cho sông Sài Gòn, cung cấp nước sạch cho sinh hoạt và sản xuất.
- Ý nghĩa của các công trình thủy lợi:
+ Giải quyết nước tưới cho các vùng khô hạn về mùa khô và tiêu nước cho các

vùng thấp dọc sông Đồng Nai và sông La Ngà
+ Làm tăng diện tích đất trồng trọt, tăng hệ số sử dụng đất và đảm bảo tốt hơn
vấn đề lương thực thực phẩm của vùng.
3. Dạng câu hỏi phân tích
Câu hỏi 1: Phân tích các điều kiện tự nhiên để phát triển tổng hợp kinh tế
biển ở Duyên hải Nam Trung Bộ?
Hướng dẫn trả lời
*Đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản:
12


- Tất cả các tỉnh đều giáp biển, có 2 ngư trường lớn là Hoàng Sa – Trường Sa và
Ninh Thuận – Bình Thuận với nhiều bãi tôm bãi cá lớn, nhiều loài đặc sản.
- Bờ biển nhiều vũng vịnh thuận lợi để nuôi trồng thủy sản nước lợ, nước mặn.
* Khai thác khoáng sản ở thềm lục địa
- Vùng thềm lục địa đã được khẳng định là có dầu khí thuộc bể trầm tích Thổ
Chu – Mã Lai.
- Là vùng có tiềm năng sản xuất muối lớn nhất do nước biển sâu, năng quanh
năm và ít sông lớn đổ ra biển với những vùng sản xuất muối nổi tiếng như Sa
Huỳnh, Cà Ná…
* Giao thông biển
- Bờ biển dài, khúc khuỷu, thềm lục địa hẹp và sâu nên có nhiều thuận lợi để xây
dựng các cảng nước sâu nhất trong các vùng kinh tế.
- Gần nhiều tuyến đường hàng hải quốc tế quan trọng
* Du lịch biển: Nắng quanh năm, không có mùa đông lạnh là lợi thế để phát
triển du lịch biển đảo với nhiều bãi biển đẹp nổi tiếng thế giới như Mĩ Khê, Nha
Trang, Sa Huỳnh…Trong đó Nha Trang và Đà Nẵng là 2 trung tâm du lịch lớn.
Câu hỏi 2: Phân tích các nguồn lực ảnh hưởng đến chuyển dịch cơ cấu kinh
tế ở ĐBSH?
Hướng dẫn trả lời

a) Vị trí địa lý:
+ Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc tạo động lực phát triển vùng và các
vùng khác
+ Dễ dàng giao lưu kinh tế với các vùng khác và với nước ngoài.
+ Gần các vùng giàu tài nguyên.
b) Tài nguyên thiên nhiên đa dạng:
- Diện tích đất nông nghiệp khoảng 760. 000 ha, trong đó 70% là đất phù sa màu
mỡ, có giá trị lớn về sản xuất nông nghiệp. Đất nông nghiệp chiếm 51,2% DT
vùng.
13


- Khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa, có mùa đông lạnh làm cho cơ cấu cây trồng đa
dạng.
- Tài nguyên nước phong phú, có giá trị lớn về kinh tế là hệ thống sông Hồng và
sông Thái Bình. Ngoài ra còn có nước ngầm, nước nóng, nước khoáng.
- Tài nguyên biển: bờ biển dài 400 km, vùng biển có tiềm năng lớn để phát triển
nhiều ngành kinh tế (đánh bắt và nuôi trồng thuỷ sản, giao thông, du lịch)
- Khoáng sản không nhiều, có giá trị là đá vôi, sét, cao lanh, than nâu, khí tự
nhiên.
c) Điều kiện kinh tế- xã hội:
- Dân cư đông nên có lợi thế:
+ Có nguồn lao động dồi dào, nguồn lao động này có nhiều kinh nghiệm và
truyền thống trong sản xuất, chất lượng lao động cao.
+ Tạo ra thị trường có sức mua lớn.
- Chính sách: có sự đầu tư của Nhà nước và nước ngoài.
- Kết cấu hạ tầng phát triển mạnh (giao thông, điện, nước…)
- Cơ sở vật chất kỹ thuật cho các ngành ngày càng hoàn thiện: hệ thống thuỷ lợi,
các trạm, trại bảo vệ cây trồng, vật nuôi, nhà máy chế biến…
- Có lịch sử khai phá lâu đời, là nơi tập trung nhiều di tích, lễ hội, làng nghề

truyền thống…với 2 trung tâm KT- XH là Hà Nội và Hải Phòng.
* Hạn chế:
- Dân cư đông, mật độ dân số cao gây khó khăn cho phát triển kinh tế, nâng cao
chất lượng cuộc sống, bảo vệ tài nguyên, môi trường.
- Chịu ảnh hưởng của nhiều thiên tai.
- Sự suy thoái tài nguyên, môi trường.
4. Dạng câu hỏi giải thích
14


Câu hỏi 1: Tại sao Đông nam Bộ là vùng công nghiệp phát triển nhất nước
ta?
Hướng dẫn trả lời
*Vị trí địa lí:
- Giáp các vùng nguyên liệu và thị trường lớn: Tây Nguyên, Duyên hải Nam
Trung Bộ, ĐB sông Cửu Long cung cấp cho Đông nam Bộ lương thực thực
phẩm, cây công nghiệp, khoáng sản
- Giáp biển, thuận lợi phát triển tổng hợp kinh tế biển.
- Giáp Campuchia, giao thương thuận lợi bằng đường bộ qua các cửa khẩu.
* Tài nguyên thiên nhiên
- Khoáng sản: Dầu khí có trữ lượng lớn tập trung ở thềm lục địa với 5 mỏ dầu
đang được khai thác, cung cấp nguyên nhiên liệu cho nhiều ngành công nghiệp
và là mặt hàng xuất khẩu chủ lực
- Tài nguyên nước: Hệ thống sông Đồng Nai có trữ năng thủy điện lớn, lại có 2
hồ chứa là Dầu Tiếng và Trị An cung cấp nước trong mùa khô
- Sinh vật: Đây là vùng chuyên canh cây công nghiệp lớn nhất nước ta, cơ cấu
sản phẩm đa dạng, cộng thêm khai thác và nuôi trồng thủy hải sản là nguyên liệu
của nhiều ngành công nghiệp chế biến và xuất khẩu.
* Kinh tế xã hội
- Dân cư, lao động: Mật độ dân số cao thứ hai sau Đồng bằng sông Hồng, tập

trung đội ngũ lao động có kĩ thuật đông đảo và thu hút lao động có chất xá từ
các vùng khác nên năng động, nhạy bén trong công nghiệp, dịch vụ.
- Cơ sở vật chất kĩ thuật, cơ sở hạ tầng:
+ Tập trung nhiều trung tâm công nghiệp quy mô lớn, cơ cấu ngành đa dạng,
nhiều ngành có hàm lượng chất xám cao: Dầu khí, cơ khí, điện tử tin học…
+ Mạng lưới giao thông vận tải tương đối đồng bộ với đầy đủ các loại hình giao
thong, có thành phố Hồ Chí Minh là đầu mối giao thong lớn nhất nước ta( San
bay Tân Sơn Nhất, cảng Sài Gòn – Vũng Tàu- Thị Vải, quốc lộ 1A, đường sắt
Thống Nhất)
15


-. Đường lối chính sách, vốn: Đây là vùng kinh tế phát triển nhất nước ta, đứng
đầu cả nước về thi hút đầu tư nước ngoài, xuất khẩu, giá trị sản xuất công
nghiệp…
- Thị trường: Cung cấp nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nước ta: Dầu khí,
các sản phẩm công nghiệp chế biến…
Câu hỏi 2: Tại sao phải phải đặt vấn đề sử dụng hợp lí và cải tạo tự nhiên ở
Đồng bằng sông Cửu Long?
Hướng dẫn trả lời
- Đồng bằng có vị trí chiến lược trong phát triển KT- XH nước ta (vùng trọng
điểm số 1 về sản xuất lương thực- thực phẩm).
- Lịch sử khai thác lãnh thổ mới đây, việc sử dụng, cải tạo tự nhiên là vấn đề cấp
bách nhằm biến thành một khu vực kinh tế quan trọng.
- Giải quyết nhu cầu lương thực cho cả nước và xuất khẩu.
- Vùng có nhiều tiềm năng lớn cần được khai thác hợp lý:
+ Đất phù sa màu mỡ thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp.
+ Khí hậu cận xích đạo, thời tiết ít biến động, thích hợp cho sự sinh trưởng và
phát triển của cây trồng, vật nuôi.
+ Nguồn nước dồi dào thuận cho thủy lợi, giao thông, nuôi trồng thủy sản.

+ Tài nguyên sinh vật phong phú, nhiều loại cá, tôm và các sân chim.
+ Có tiềm năng về khai thác dầu khí.
Câu hỏi 3: Tại sao lại khảng định cây cà phê là sản phẩm cây CN chuyên
môn hóa số 1 ở Tây nguyên?Các vấn đề đặt ra đối với việc phát triển cây cà
phê ở vùng này?
Hướng dẫn trả lời
- Khái niệm sản phẩm chuyên môn hóa: Là sản phẩm được sản xuất căn cứ vào
nhu cầu hàng hóa ngoài vung dựa trên nững điều kiện sản xuất thuận lợi nhất mà
các vùng khác không có hoặc có nhưng không thuận lợi bằng
16


- Tây Nguyên có thế mạnh vượt trội về ĐKTN để phát triển cây cà phê:
+ Gồm các cao nguyên ba dan xếp tầng độ sộ, bề mặt tương đối rộng, bằng
phẳng với tổng S đất badan khoảng 2 triệu ha, thích hợp nhất để trồng cà phê.
+ Khí hậu cận xích đạo nóng ẩm, có mùa khô sâu sắc phù hợp với ddwacj điểm
sinh thái của cây cà phê và có mùa khô để phơi sấy, bảo quản sản phẩm.
- Cà phê chiếm ưu thế lớn so với các vùng khác trong nước và so với các cây
CN khác của vùng:
+ Năm 2005, S cà phê của Tây Nguyên là 445,4 nghìn ha và sản lượng là 763,6
nghìn tấn, chiếm 89,5% diện tích và 98,4% sản lượng cà phê cả nước
+ Cà phê chiếm 70,2% diện tích cây CN lâu năm của Tây Nguyên và chiếm
28% diện tích đất nông nghiệp của vùng.
- Sản phẩm cà phê của Tây Nguyên bên cạnh phục vụ nhu cầu trong nước thì
chủ yếu đảm nhận vai trò xuất khẩu ra thị trường quốc tế như 1 sản phẩm mũi
nhọn.
* Các vấn đề đặt ra:
- Mở rộng S cà phê quá nhanh, không hợp lí ảnh hưởng tới lớp phủ thực vật,
nhất là vùng có độ dốc lớn.
- Thiếu nước tưới trong mùa khô

- Công nghệ sau thu hoạch và chế biến cà phê còn yếu nên chất lượng sản phẩm
chư cao, giá thấp hơn giá thị trường
- Sự biến động thất thường của thị trường thế giới.
5. Dạng câu hỏi so sánh
Câu hỏi 1: So sánh quy mô và cơ cấu cây công nghiệp giữa Tây Nguyên với
Đông Nam Bộ? Giải thích nguyên nhân của những điểm giống nhau và khác
nhau đó.
Hướng dẫn trả lời
17


a.Giống nhau:
-Về quy mô: Là 2 vùng chuyên canh câycông nghiệp lớn nhất nước ta, hội tụ
nhiều thuận lợi cả về tự nhiên và KTXH để phát triển cây công nghiệp.
- Về cơ cấu:
+ Chủ yếu là các câycông nghiệp có nguồn gốc nhiệt đới điển hình
+ Cây công nghiệp lâu năm đóng vai trò chủ yếu trong cơ cấu cây công nghiệp.
b.Khác nhau
- Về quy mô:
+ Đông Nam Bộ là vùng chuyên canh cây CN lớn nhất nước ta
+ Tây Nguyên là vùng chuyên canh cây CN lớn thứ hai
- Về cơ cấu cây CN:
+ ĐNB
. Đều là các cây có nguồn gốc nhiệt đới điển hình
.Cao su đóng vai trò quan trọng nhất trong cơ cấu cây CN, ngoài ra còn có cà
phê, tiêu, điều
. Bên cạnh các cây CN lâu năm, ĐNB cũng là vùng trông các cây CN hàng năm
với quy mô lớn nhất: Đậu tương, mía, lạc…
+ Tây Nguyên
. Có cả cây CN nhiệt đới và cận nhiệt

. Cà phê đóng vai trò quan trọng nhất trong cơ cấu cây CN
. Cây CN lâu năm là chủ yếu, các cây CN hàng năm chưa phát triển.
c. Nguyên nhân:
- Hai vùng đều hội tụ nhiều ĐKTN thuận lợi để phát triển cây CN, nhất là cây
CN nhiệt đới: Khí hậu cận xích đạo, đất trồng phong phú, phân bố tập trung…
18


- Tây Nguyên:
+ Khí hậu cận xích đạo phân hóa theo độ cao nên có thể trồng cả cây CN cận
nhiệt
+ Đất đỏ ba dân có S lớn nhất thích hợp nhất với cây cà phê
+ Các điều kiện KTXH của Tây Nguyên còn nhiều hạn chế nên quy mô vfa cơ
cấu cây CN nhỏ hơn ĐNB.
- Đông Nam Bộ:
+ Khí hậu cận xích đạo điển hình
+ Đất phù sa cổ chiếm S lớn trên địa hình đồi lượn song thích hợp nhất với cây
cao su. Ngoài ra còn có đất ba dan, đất xám bạc màu nên có thể đa dạng cơ cấu
cây trồng
+ Các điều kiện KTXH đều thuận lợi hơn Tây Nguyên nên quy mô lớn hơn và
hướng chuyên môn hóa đa dạng hơn.
Câu hỏi 2: So sánh thế mạnh phát triển tổng hợp kinh tế biển giữa Duyên hải
Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ.
Hướng dẫn trả lời
a. Giống nhau: Đều có nhiều thuận lợi để phát triển tổng hợp kinh tế biển, đặc
biệt là ĐKTN.
b. Khác nhau
* ĐKTN:
- Về đánh bắt và nuôi trồng thủy hải sản: DHNTB có nhiều tiềm năng hơn với 2
ngư trường lớn, nhiều tỉnh trọng điểm, bờ biển dài và nhiều vũng vịnh hơn, còn

ĐNB tập trung chủ yếu ở Bà Rịa Vũng Tàu.
- Về khai thác khoáng sản biển:
+ ĐNB nổi bật với trữ lượng dầu khí lớn nhất trong các vùng, tập trung hầu hết
sản lượng dầu khí khai thác của cả nước.
19


+ DHNTB có tiềm năng muối, titan và dầu khí nhưng hiện nay chủ yếu mới khai
thác muối.
- Về GTVT biển:
+ DHNTB nhiều tiềm năng để xây dựng các cảng nước sâu nhất trong các vùng,
bờ biển dài nhiều vũng vịnh.
+ ĐNB tập trung ở TPHCM và Bà Rịa Vũng Tàu
- Du lịch biển: DHNTB nhiều bãi tắm đẹp nổi tiếng thế giới còn ĐNB tập trung
ở Bà Rịa Vũng Tàu.
* KTXH
- Nhìn chung các điều kiện KTXH của ĐNB tốt và đồng bộ hơn DHNTB nên
mặc dù nhiều tiềm năng về tự nhiên hơn nhưng các ngành kinh tế biển của
DHNTB chưa phát triển bằng ĐNB, chưa tương xứng với tiềm năng.
Câu hỏi 3: So sánh thế mạnh phát triển LTTP giữa ĐBSCL và ĐBSH?
Hướng dẫn trả lời
a. Giống nhau
* Vai trò và quy mô:
- Là 2 đồng bằng châu thổ lớn nhất nước ta do phù sa sông bồi đắp
- Là 2 vùng trọng điểm lớn nhất trong sản xuất LTTP của cả nước, đóng vai trò
quyết định trong việc đảm bảo nhu cầu LTTP trong nước và xuất khẩu:
+ Lúa gạo là cây trồng chủ đạo
+ Diện tich canh tác NN lớn nhất
+ Sản lượng lớn nhất và năng suất cao nhất cả nước về LTTP.
* Điều kiện phát triển:

- ĐKTN và TNTN:

20


+ Địa hình bằng phẳng, đất phù sa màu mỡ thuận lợi cho phát triển NN, đặc biệt
là lúa nước.
+ Khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa để phát triển nền NN nhiệt đới điển hình, khả
năng thâm canh tăng vụ cao.
+ Nhiều hệ thống sông lớn, nước phong phú, diện tích mặt nước lớn để tưới tiêu,
nuôi trồng thủy hải sản và phát triển giao thong.
+ Tiếp giáp vùng biển rộng lớn nhiều tiềm năng với các ngư trường lớn thuận lợi
để khai thác, nuôi trồng thủy hải sản.
- Điều kiện KTXH:
+ Là 2 vùng dân số đông, mật độ dân số cao, lao động có kinh nghiệm sản xuất
NN với lịch sử quần cư lâu đời.
+ Có nhiều cơ sở chế biến LTTP với mạng lưới giao thong ngày càng hoàn thiện
+ Nhiều đô thị lớn, thị trường tiêu thụ rộng cả trong và ngoài nước.
b. Khác nhau
* Vai trò và quy mô
- ĐBSCL là vùng trọng điểm số 1, ĐBSH là vùng trọng điểm số 2
- Nhiều chỉ tiêu về tiềm năng và hiện trạng LTTP của ĐBSCL lớn hơn ĐBSH:
Diện tích, sản lượng, bình quần đầu người…)
* Điều kiện phát triển
- Điều kiện tự nhiên:
+ Địa hình và đất: ĐBSCL địa hình bằng phẳng hơn, đất phù sa được bồi đắp
hàng năm nên màu mỡ hơn và khả năng mở rộng diện tích đất NN còn nhiều
hơn ĐBSH.
+ Khí hậu:


21


. ĐBSCL có khí hậu cận xích đạo nóng ẩm, mùa khô sâu sắc nên có thể phát
triển nền NN nhiệt đới điển hình.
. ĐBSH khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa có 1 mùa đông lạnh nên có thể có cả loài
cận nhiệt và ôn đới đa dạng, đặc biệt là thế mạnh rau vụ đông.
+ Nước: ĐBSCL có mạng lưới sông ngòi kênh rạch chằng chịt, diện tích mặt
nước lớn hơn ĐBSH nên thuận lợi hơn trong giao thong đường thủy và nuôi
trồng thủy sản
+ Biển: ĐBSCL có nhiều tỉnh giáp biển với ngư trường lớn hơn ĐBSH nên tiềm
năng khai thác, đánh bắt thủy hải sản lớn hơn, lại có diện tích rừng ngập mặn rất
lớn.
- Điều kiện KTXH:
+ Dân cư lao động: ĐBSH dân số đông, mật độ dân số cao hơn, lao động có
kinh nghiệm và trình độ thâm canh cao hơn ĐBSCL
+ Lịch sử quàn cư và khai thác lãnh thổ ở ĐBSH sớm hơn ĐBSCL
+ ĐBSH có CN phát triển, nhiểu TTCN lớn với mạng lưới GTVT khá đồng bộ,
hiện đại hơn nhiều so với ĐBSCL nên CN chế biến LTTP phát triển hơn, trình
độ thâm canh và năng suất lúa cao hơn ĐBSCL.
+ Thị trường tiêu thụ : Các sản phẩm LTTP của ĐBSH chủ yếu tiêu thụ trong
nước trong khi ĐBSCL đóng vai trò chính cung cấp các mặt hàng xuất khẩu chủ
lực về LTTP như lúa gạo, thủy hải sản…

22


TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Hướng dẫn giải các dạng bài tập từ các đề thi quốc gia của Bộ giáo dục và đào
tạo – NXB Đại học quốc gia Hà Nội năm 2009.

2. Sách giáo khoa Địa lí 12 (Ban cơ bản và Nâng cao) – NXB Giáo dục năm
2009.
3. Sách giáo viên Địa lí 12 - NXB Giáo dục năm 2009.
4. Các đề thi cao đẳng, đại học các năm học 2012 -2013, 2013 – 2014 và đề thi
THPT quốc gia năm học 2014 – 2015.

23



×