Tải bản đầy đủ (.pdf) (108 trang)

Phân tích hiệu quả kinh tế của các hộ nuôi tôm thẻ chân trắng bán thâm canh tại huyện đông hòa, tỉnh phú yên

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (1.26 MB, 108 trang )

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC NHA TRANG

LƯƠNG MINH NHẤT

PHÂN TÍCH HIỆU QUẢ KINH TẾ CỦA CÁC HỘ NUÔI
TÔM THẺ CHÂN TRẮNG BÁN THÂM CANH TẠI
HUYỆN ĐÔNG HÒA, TỈNH PHÚ YÊN

LUẬN VĂN THẠC SĨ

KHÁNH HÒA - 2018


BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC NHA TRANG

LƯƠNG MINH NHẤT

PHÂN TÍCH HIỆU QUẢ KINH TẾ CỦA CÁC HỘ NUÔI
TÔM THẺ CHÂN TRẮNG BÁN THÂM CANH TẠI
HUYỆN ĐÔNG HÒA, TỈNH PHÚ YÊN

LUẬN VĂN THẠC SĨ
Ngành:

Kinh tế phát triển

Mã số:

8310105



Quyết định giao đề tài:

447/QĐ-ĐHNT ngày 10/5/2017

Quyết định thành lập hội đồng:

913/QĐ-ĐHNT ngày 20/8/2018

Ngày bảo vệ:

11/9/2018

Người hướng dẫn khoa học:
PGS.TS LÊ KIM LONG
Chủ tịch Hội Đồng:
TS. PHẠM THÀNH THÁI
Phòng Đào tạo Sau Đại học:

KHÁNH HÒA - 2018


LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan mọi kết quả cuả đề tài “Phân tích hiệu quả kinh tế của các hộ
nuôi tôm thẻ chân trắng bán thâm canh tại huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên” là công
trình nghiên cứu của cá nhân tôi và chưa từng được công bố trong bất cứ công trình
khoa học nào khác cho tới thời điểm này.
Khánh Hòa, tháng 9 năm 2018
Tác giả luận văn


Lương Minh Nhất

iii


LỜI CẢM ƠN
Trong suốt thời gian thực hiện đề tài, tôi đã nhận được sự giúp đỡ của quý phòng
ban trường Đại học Nha Trang đã tạo điều kiện tốt nhất cho tôi được hoàn thành đề tài.
Đặc biệt là sự hướng dẫn tận tình của PGS.TS. Lê Kim Long, người đã dành nhiều
thời gian và tâm huyết để giúp tôi hoàn thành tốt đề tài. Qua đây, tôi xin gửi lời cảm
ơn sâu sắc đến sự giúp đỡ này.
Xin chân thành cảm ơn đến quý Thầy/Cô của Khoa Kinh tế đã tận tình truyền đạt
những kiến thức quý báu trong suốt thời gian học tập và thực hiện đề tài.
Cuối cùng tôi xin gửi lời cảm ơn đến gia đình và tất cả các bạn bè đã giúp đỡ,
động viên tôi trong suốt quá trình học tập và thực hiện đề tài.
Tôi xin chân thành cảm ơn.
Khánh Hòa, tháng 9 năm 2018
Tác giả luận văn

Lương Minh Nhất

iv


MỤC LỤC
LỜI CAM ĐOAN.......................................................................................................... iii
LỜI CẢM ƠN.................................................................................................................iv
MỤC LỤC .......................................................................................................................v
DANH MỤC CÁC CHỮ VIẾT TẮT.......................................................................... viii
DANH MỤC BẢNG ......................................................................................................ix

DANH MỤC HÌNH .......................................................................................................xi
TRÍCH YẾU LUẬN VĂN ............................................................................................xii
CHƯƠNG 1: GIỚI THIỆU ..........................................................................................1
1.1. Tính cấp thiết của đề tài............................................................................................1
1.2. Mục tiêu của đề tài ...................................................................................................3
1.2.1. Mục tiêu chung ......................................................................................................3
1.2.2. Mục tiêu cụ thể ......................................................................................................3
1.3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu ............................................................................3
1.4. Phương pháp nghiên cứu ..........................................................................................4
1.5. Ý nghĩa của kết quả nghiên cứu ...............................................................................4
1.6. Kết cấu của nghiên cứu ............................................................................................4
Kết luận chương 1 ...........................................................................................................5
CHƯƠNG 2: TỔNG QUAN TÀI LIỆU VÀ CƠ SỞ LÝ THUYẾT .........................6
2.1. Tổng quan tài liệu .....................................................................................................6
2.1.1. Nghiên cứu trong nước ..........................................................................................6
2.1.2. Nghiên cứu ngoài nước .........................................................................................8
2.2. Cơ sở lý thuyết........................................................................................................10
2.2.1. Khái niệm hiệu quả kinh tế..................................................................................10
2.2.2. Bản chất và tiêu chuẩn của hiệu quả kinh tế .......................................................17
2.3. Các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả kinh tế theo cách tiếp cận doanh thu và chi phí ....21
2.3.1. Hệ thống chỉ tiêu phản ánh kết quả kinh tế theo cách tiếp cận doanh thu và chi
phí ..................................................................................................................................21
v


2.3.2. Hệ thống chỉ tiêu phản ánh hiệu quả kinh tế .......................................................25
2.4. Các quan điểm đánh giá hiệu quả...........................................................................26
Kết luận chương 2 .........................................................................................................27
CHƯƠNG 3: PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU ......................................................28
3.1. Phương pháp chọn mẫu ..........................................................................................28

3.2. Phương pháp chọn mẫu/quy mô mẫu .....................................................................28
3.2.1. Tổng thể...............................................................................................................28
3.2.2. Phương pháp chọn mẫu .......................................................................................28
3.2.3. Kích thước mẫu ...................................................................................................28
3.3. Loại dữ liệu cần thu thập ........................................................................................29
3.4. Công cụ phân tích dữ liệu.......................................................................................29
3.5. Khung phân tích của nghiên cứu ............................................................................29
3.5.1. Khung tính toán ...................................................................................................29
3.5.2. Các mô hình nghiên cứu......................................................................................30
Kết luận chương 3 .........................................................................................................34
CHƯƠNG 4: PHÂN TÍCH VÀ THẢO LUẬN KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU ..........35
4.1. Mô tả hiện trạng......................................................................................................35
4.1.1. Đặc điểm tập quán nuôi tôm thẻ chân trắng bán thâm canh tại hạ lưu sông Bàn
Thạch huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên..........................................................................35
4.1.2. Tình hình nuôi tôm thẻ bán thâm canh huyện Đông Hòa ...................................38
4.2. Phân tích kết quả nghiên cứu..................................................................................38
4.2.1. Thông tin chủ hộ nghiên cứu...............................................................................38
4.2.2. Thông tin về thực trạng nghề nuôi tôm thẻ chân trắng hiện nay.........................41
4.2.3. Đánh giá về hình thức bán sản phẩm và giá tôm nuôi thương phẩm ..................45
4.2.4. Đánh giá về khả năng tiếp cận vốn vay để đầu tư sản xuất.................................46
4.2.5. Nguyện vọng về chính sách của nhà nước và hướng phát triển trong thời gian tới.... 47
4.3. Thông tin kỹ thuật sản xuất ....................................................................................48
4.3.1. Thông tin mật độ nuôi .........................................................................................48
4.3.2. Thông tin chất lượng giống, hình thức nuôi và năng suất nuôi...........................49
vi


4.4. Tổng quan về chi phí sản xuất của 3 vùng nuôi tôm..............................................50
4.4.1. Vùng nuôi tôm tại khu vực Thị trấn Hòa Hiệp Trung.........................................50
4.4.2. Vùng nuôi tôm xã Hòa Hiệp Nam.......................................................................51

4.4.3. Vùng nuôi tôm xã Hòa Tâm ................................................................................52
4.4.4. So sánh chỉ tiêu chi phí sản xuất của ba vùng nuôi tôm......................................52
4.5. So sánh các chỉ tiêu khả năng sinh lợi của ba vùng nuôi .......................................53
4.5.1. Mô tả các chỉ tiêu tổng hợp của 3 vùng nuôi ......................................................53
4.5.2. So sánh các chỉ tiêu khả năng sinh lợi của ba vùng nuôi ....................................57
4.6. Phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến khả năng sinh lợi của nghề nuôi tôm thẻ
chân trắng bán thâm canh huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên ..........................................58
4.6.1. Mô hình nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến khả năng sinh lợi....................58
4.6.2. Đánh giá độ phù hợp của mô hình.......................................................................59
4.6.3. Kiểm định giả thuyết về độ phù hợp của mô hình ..............................................60
4.6.4. Dò tìm các giả định cần thiết ...............................................................................60
4.6.5. Kết quả mô hình hồi quy và bàn luận..................................................................62
4.7. Đánh giá hiện trạng vùng nuôi tôm thẻ chân trắng huyện Đông Hòa ....................63
Kết luận chương 4 .........................................................................................................65
CHƯƠNG 5: KẾT LUẬN VÀ GỢI Ý CHÍNH SÁCH/KIẾN NGHỊ .....................66
5.1. Kết luận...................................................................................................................66
5.2. Các gợi ý chính sách/kiến nghị...............................................................................67
5.2.1. Phân tích ma trận SWOT.....................................................................................67
5.2.2. Gợi ý chính sách ..................................................................................................73
5.3. Những hạn chế của nghiên cứu và hướng nghiên cứu tiếp theo ............................85
Kết luận chương 5 .........................................................................................................86
TÀI LIỆU THAM KHẢO .............................................................................................87
PHỤ LỤC

vii


DANH MỤC CÁC CHỮ VIẾT TẮT
HQKT


:

Hiệu quả kinh tế

KHTSCĐ :

Khấu hao tài sản cố định

NTTS

:

Nuôi trồng thủy sản

TCT

:

Thẻ chân trắng

UBND

:

Ủy ban nhân dân

viii


DANH MỤC BẢNG

Bảng 3.1: Định nghĩa và các biến số và kỳ vọng ..........................................................32
Bảng 4.1: Diện tích, sản lượng thương phẩm, sản lượng con giống Tôm thẻ chân trắng
vùng nuôi huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên giai đoạn 2000 - 2015 ...............................38
Bảng 4.2: Giới tính của người được phỏng vấn ............................................................39
Bảng 4.3: Nghề nghiệp chính của chủ hộ......................................................................39
Bảng 4.4: Trình độ học vấn của chủ hộ.........................................................................39
Bảng 4.5: Số nhân khẩu, lao động, kinh nghiệm và diện tích .......................................40
Bảng 4.6: Kỹ thuật nuôi của chủ hộ ..............................................................................41
Bảng 4.7: Lý do tham gia nuôi tôm...............................................................................41
Bảng 4.8: Đánh giá mức độ khó khăn trong quá trình nuôi tôm...................................42
Bảng 4.9: Mức độ khó khăn khi thu hoạch sản phẩm ...................................................44
Bảng 4.10: Hình thức bán sản phẩm .............................................................................45
Bảng 4.11: Giá bán tôm nuôi thương phẩm ..................................................................46
Bảng 4.12: Đánh giá khả năng tiếp cận nguồn vốn đầu tư............................................46
Bảng 4.13: Những khó khăn gặp phải khi vay vốn đầu tư ............................................47
Bảng 4.14: Nguyện vọng của người nuôi về chính sách của nhà nước và hướng phát
triền nghề nuôi tôm........................................................................................................47
Bảng 4.15: Mật độ nuôi tôm thẻ chân trắng thương phẩm............................................48
Bảng 4.16: Chất lượng con giống..................................................................................49
Bảng 4.17: Năng suất nuôi tôm thẻ chân trắng .............................................................49
Bảng 4.18: Cơ cấu chi phí vùng nuôi tôm Thị trấn Hòa Hiệp Trung............................50
Bảng 4.19: Cơ cấu chi phí vùng nuôi tôm xã Hòa Hiệp Nam.......................................51
Bảng 4.20: Cơ cấu chi phí vùng nuôi tôm xã Hòa Tâm ................................................52
Bảng 4.21: So sánh chi phí sản xuất ba vùng nuôi........................................................53
Bảng 4.22: Thống kê mô tả các chỉ tiêu khả năng sinh lợi của vùng nuôi tôm ............54
Bảng 4.23: Thống kê mô tả các chỉ tiêu khả năng sinh lợi của vùng nuôi tôm xã Hòa
Hiệp Nam.......................................................................................................................55
ix



Bảng 4.24: Thống kê mô tả các chỉ tiêu khả năng sinh lợi của vùng nuôi tôm Xã Hòa Tâm .... 56
Bảng 4.25: So sánh giá trị trung bình của 3 vùng nuôi .................................................57
Bảng 4.26. Mô hình nghiên cứu các đặc điểm sản xuất của nông hộ ảnh hưởng tới khả
năng sinh lợi ..................................................................................................................59
Bảng 4.27: Mức độ tương quan các nhân tố ảnh hưởng đến khả năng sinh lợi ............59
Bảng 4.28: Kiểm định độ phù hợp của mô hình............................................................60
Bảng 4.29: Hệ số hồi qui các nhân tố ảnh hưởng tới khả năng sinh lợi........................62
Bảng 4.30: Tổng hợp ưu điểm và tồn tại của vùng nuôi tôm thẻ chân trắng tại huyện
Đông Hòa, tỉnh Phú Yên ...............................................................................................64

x


DANH MỤC HÌNH
Hình 3.1: Phân tích hiệu quả sản xuất ...........................................................................30
Hình 3.2: Mô hình các nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế của hộ nuôi tôm thẻ
chân trắng bán thâm canh huyện Đông Hòa..................................................................31
Hình 4.1: Thu dọn chất thải ...........................................................................................35
Hình 4.2: Đổ chất thải vào ao xử lý...............................................................................36
Hình 4.3: Phơi ao...........................................................................................................36
Hình 4.4: Vãi vôi đáy ao nuôi .......................................................................................37
Hình 4.5: Tạo màu nước ao nuôi ...................................................................................37
Hình 4.6: Đồ thị phân tán giữa các phần dư và giá trị dự đoán chuẩn hóa ...................61
Hình 4.7: Biểu đồ tần số (Histogram) để khảo sát phân phối của phần dư...................61

xi


TRÍCH YẾU LUẬN VĂN
Mục tiêu của đề tài: “Phân tích hiệu quả kinh tế của các hộ nuôi tôm thẻ chân trắng

bán thâm canh huyện Đông Hòa tỉnh Phú Yên” là đánh giá hiệu quả kinh tế theo cách tiếp

cận doanh thu và chi phí ( khả năng sinh lợi) và xác định các nhân tố ảnh hưởng quan
trọng của các hộ nuôi tôm thẻ chân trắng bán thâm canh tại huyện Đông Hòa, tỉnh Phú
Yên, từ đó đưa ra một số kiến nghị cho người nuôi và chính quyền địa phương nhằm
góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho nghề nuôi Tôm thẻ chân trắng trên cát.
Các phương pháp phân tích chính được sử dụng trong nghiên cứu là cứu định
tính kết hợp sử dụng phương pháp nghiên cứu định lượng với dữ liệu thu thập trên cơ
sở bảng câu hỏi điều tra của 200 hộ nuôi tôm thẻ chân trắng bán thâm canh huyện
Đông Hòa, tỉnh Phú Yên, kết hợp với việc thu thập các thông tin về tình hình nuôi tôm
thẻ chân trắng trong những năm gần đây để tìm ra các nhân tố ảnh hưởng đến khả năng
sinh lợi của nghề nuôi này, thông qua việc phân tích các thông tin thu được và xử lý số
liệu bằng phần mềm Excel và SPSS.
Thông qua việc khảo sát 200 hộ nuôi tôm thẻ chân trắng bán thâm canh tại huyện
Đông Hòa về kết quả sản xuất trong năm 2016, kết quả nghiên cứu cho thấy một số vấn
đề chính liên quan đến doanh thu và lợi nhuận của hộ dân tham gia nuôi tôm như sau:
Năng suất trung bình của hộ nuôi khoảng 6,29 tấn/ha/vụ, giá bán trung bình
khoảng 90.000 đồng/kg mang lại doanh thu trung bình cho hộ nuôi khoảng gần 600
triệu đồng/ha/vụ. Điều này cho thấy hoạt động nuôi tôm thẻ bán thâm canh đã mang
lại lợi nhuận cho hộ nuôi..
Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy có sự khác biệt khá lớn về mật độ nuôi, mức
độ đầu tư và năng suất nuôi giữa các vùng nuôi. Kết quả ước lượng trong số 8 biến đưa
vào mô hình các nhân tố ảnh hưởng đến khả năng sinh lợi của nghề nuôi tôm thẻ bán thâm
canh huyện Đông Hòa, gồm: Tập huấn, trình độ của người nuôi, vay vốn, kinh nghiệm, diện
tích nuôi, giá bán tôm, số lao động và năng suất nuôi thì chỉ có 4 biến: Diện tích nuôi,
giá bán tôm và năng suất là có ảnh hưởng đến khả năng sinh lợi (thặng dư của nhà sản
xuất/ha) của nghề nuôi này ở mức có ý nghĩa thống kê (với giá trị Sig <0,05).

xii



Từ những kết quả phân tích được cho thấy rằng khả năng đàm phán của các hộ
nuôi khi bán tôm thương phẩm, việc gia tăng diện tích nuôi và gia tăng năng suất là
điều kiện cần thiết để nâng cao khả năng sinh lợi cho nghề nuôi tôm thẻ chân trắng bán
thâm canh huyện Đông Hòa nói riêng và ở Việt Nam nói chung.
Từ khóa: Khả năng sinh lợi, nghề nuôi tôm, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên.

xiii


CHƯƠNG 1: GIỚI THIỆU
1.1. Tính cấp thiết của đề tài
Hiện nay trên thế giới, nghề nuôi tôm thương phẩm là một trong những nghề
nuôi phát triển nhất. Trong đó các quốc gia đứng đầu về sản lượng tôm gồm: Trung
Quốc, Thái Lan, Indonesia, Việt Nam…Nghề nuôi tôm đem lại lợi nhuận cao, góp
phần nâng cao đời sống người dân, giải quyết việc làm, phát triển kinh tế xã hội … từ
đó hạn chế sự khai thác quá mức tài nguyên sinh vật biển.
Việt Nam có đường bờ biển dài 3.260km và vùng đặc quyền kinh tế trên biển
rộng hơn 1 triệu km2. Ngoài ra nhờ hệ thống sông ngòi, đầm, phá khá dày đặc nước ta
có vùng mặt nước nội địa lớn rộng hơn 1,4 triệu ha với trữ lượng hải sản ước tính có
khoảng 4,2 triệu tấn và nguồn tái tạo là khoảng 1,73 triệu tấn, đây là một trong những
ngành xuất khẩu chủ lực, đóng góp khoảng 4% GDP của nền kinh tế. Giai đoạn 2000 –
2012, ngành thuỷ sản có tốc độ tăng trưởng nhanh, bình quân đạt 15%/năm. Hiện tại,
Việt Nam là một trong 10 nước xuất khẩu thuỷ sản hàng đầu thế giới.
Tôm thẻ chân trắng (Penaeus vannamei Boone, 1931) là loài tôm nhiệt đới có
nguồn gốc từ Nam Mỹ, được nuôi phổ biến ở các nước châu Mỹ La tinh. Đây là đối
tượng nuôi có giá trị kinh tế cao, có thị trường lớn và sản lượng không ngừng gia tăng.
Tôm có thịt ngon, giàu dinh dưỡng, tỷ lệ phần thịt nhiều, sinh trưởng nhanh, mùa vụ
sinh sản tương đối dài và có thể thành thục đẻ nhiều lần. Thức ăn cho tôm thẻ chân
trắng yêu cầu hàm lượng đạm thấp hơn tôm sú. Tôm thẻ chân trắng có thể chịu được

sự thay đổi của môi trường và đặc biệt có thể nuôi được trong các thủy vực nước mặn,
nước ngọt và nước lợ. Một số nước châu Á như Đài Loan, Trung Quốc bắt đầu di nhập
nuôi thử nghiệm đối tượng này vào những năm của thập niên 70. Tại Việt Nam tôm
thẻ chân trắng được đưa vào nuôi thử nghiệm từ năm 2001, đến nay loài tôm này đã
trở thành đối tượng nuôi phổ biến ở nhiều địa phương trên cả nước.
Phú Yên là tỉnh thuộc vùng duyên hải Nam Trung bộ, phía Bắc giáp tỉnh Bình
Định, phía Nam giáp tỉnh Khánh Hòa, phía Tây giáp tỉnh Đắk Lắk và Gia Lai, phía Đông
giáp Biển Đông. Có diện tích tự nhiên hơn 5.060km2, với 189km chiều dài bờ biển, hình
thành nhiều eo, vịnh, đầm phá, … có lợi thế về đánh bắt và nuôi trồng thủy sản
Trong đó, nuôi trồng thủy sản nước lợ, mặn là một trong những ngành kinh tế
mạnh của tỉnh, với tổng diện tích thả nuôi là gần 3.000ha, sản lượng thu hoạch bình
1


quân gần 10 nghìn tấn/năm, với nhiều loại thủy sản có giá trị cao như tôm sú, tôm thẻ
chân trắng, tôm hùm, sò huyết, cá các loại, … Các vùng nuôi trồng thủy sản lợ, mặn
của tỉnh Phú Yên tập trung ở các huyện Đông Hòa, Thị xã Sông Cầu và huyện Tuy
An, với các vùng như đầm Cù Mông, đầm Ô Loan, vịnh Xuân Đài…
Ngay từ khi triển khai, đối tượng tôm thẻ chân trắng đã được nhiều người dân
hưởng ứng chuyển đổi nhờ những ưu điểm vượt trội của nó so với tôm sú như: Dễ sinh
sản và thuần dưỡng, có thể nuôi ở mật độ cao, yêu cầu hàm lượng protein trong thức
ăn thấp hơn so với tôm sú, chịu được nhiệt độ thấp và chịu được nước có chất lượng
kém hơn so với tôm sú, chúng có thể nuôi được ở nhiều loại thủy vực khác nhau. Tôm
thẻ chân trắng được nuôi nhiều tại Phú Yên từ năm 2005, tập trung tại các vùng nuôi
chính như huyện Đông Hòa (1.000 ha) Theo thống kê của Chi cục Nuôi trồng Thủy
sản Năm 2012, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng của tỉnh là 1.941 ha, giảm 11,2% trên
2.635 ha tổng diện tích nuôi trồng thủy sản ao đìa cả năm. Sản lượng 5.784 tấn, giảm
28,8% trên tổng sản lượng nuôi trồng thuỷ sản cả năm 7.934 tấn, giảm 20,4% so năm
2011; năng suất bình quân 3 tấn/ha.
Trong những năm qua, do lợi nhuận từ nghề nuôi tôm thẻ chân trắng mang lại

khá cao nên diện tích nuôi ngày càng gia tăng không theo quy hoạch của địa phương
và của ngành. Diện tích nuôi gia tăng tỷ lệ thuận với mức độ ô nhiễm môi trường, dịch
bệnh bùng phát và lây lan. Đây cũng chính là hệ quả của việc quản lý chưa chặt chẽ,
trình độ của người nuôi còn hạn chế, nhất là kỹ thuật quản lý môi trường, phòng ngừa
dịch bệnh trên tôm nuôi..., làm cho nghề nuôi tôm thẻ chân trắng chưa thật sự phát
triển bền vững. Mặc dù lợi nhuận mang lại tuy có cao nhưng thiếu tính ổn định, còn
tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy cơ. Gần đây, dó dịch bệnh xảy ra thường xuyên nên xu
hướng dịch chuyển từ nuôi tôm thẻ thâm canh sang nuôi bán thâm canh ở quy mô
nông hộ đang xảy ra phổ biến tại Phú Yên (Xem Lê Kim Long & cộng sự, 2016).
Bên cạnh đó, việc gia nhập tổ chức thương mại thế giới (WTO) tạo sức cạnh
tranh lớn trong thị trường xuất khẩu tôm thẻ ngày càng khó khăn hơn trong điều kiện
khắt khe, các rào cản kỹ thuật về hệ thống quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực
phẩm, các yếu tố đầu vào của quá trình nuôi làm ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả của
nghề nuôi này.
Trước tình trạng trên, phân tích hiệu quả kinh tế và việc tìm ra các nhân tố ảnh
hưởng đến hiệu quả kinh tế của nghề nuôi tôm thẻ chân trắng bán thâm canh tại hạ lưu
2


Sông Bàn Thạch tỉnh Phú Yên trong thời gian qua là rất cần thiết, nhằm tạo cơ sở khoa
học cho việc quy hoạch vùng nuôi của địa phương, giúp cho nghề nuôi tôm thẻ chân
trắng phát triển ổn định và bền vững. Xuất phát từ yêu cầu thực tế đó, tôi đã chọn đề
tài “Phân tích hiệu quả kinh tế của các hộ nuôi tôm thẻ chân trắng bán thâm canh
tại huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên” làm luận văn thạc sĩ của mình, nhằm mục đích
góp phần nâng cao lợi nhuận và phát triển nghề nuôi này theo định hướng bền vững
cho tỉnh Phú Yên nói riêng và trong cả nước nói chung.
1.2. Mục tiêu của đề tài
1.2.1. Mục tiêu chung
Phân tích hiệu quả kinh tế theo cách tiếp cận doanh thu và chi phí ( khả năng
sinh lợi) của các hộ nuôi tôm thẻ chân trắng bán thâm canh huyện Đông Hòa, tỉnh Phú

Yên, từ đó đưa ra một số kiến nghị cho người nuôi và chính quyền địa phương nhằm
góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho nghề nuôi này.
1.2.2. Mục tiêu cụ thể
Đánh giá hiệu quả kinh tế theo cách tiếp cận doanh thu và chi phí (khả năng sinh
lợi) của nghề nuôi tôm thẻ chân trắng bán thâm canh huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên.
Xác định các nhân tố ảnh hưởng đến khả năng sinh lợi của nghề nuôi tôm thẻ
chân trắng bán thâm canh huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên.
Đề xuất một số khuyến nghị cho chính quyền và người nuôi tôm nhằm nâng cao
hiệu quả sản xuất nghề nuôi tôm thẻ chân trắng bán thâm canh huyện Đông Hòa, tỉnh
Phú Yên trong thời gian tới.
1.3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu là đánh giá hiệu quả kinh tế của các hộ nuôi Tôm thẻ chân
trắng bán thâm canh huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên.
Phạm vi nghiên cứu
Nghiên cứu này sử dụng cách tiếp cận hiệu quả kinh tế trên cơ sở doanh thu và
chi phí phát sinh trong hoạt động nuôi tôm. Đối tượng khảo sát là các hộ nuôi Tôm thẻ
chân trắng bán thâm canh huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên. Nghiên cứu này thu thập
tình hình nuôi Tôm thẻ chân trắng bán thâm canh tại huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên
vào năm 2016.
3


1.4. Phương pháp nghiên cứu
Với những mục tiêu đặt ra, đề tài sử dụng phương pháp nghiên cứu định tính
kết hợp sử dụng phương pháp nghiên cứu định lượng với dữ liệu thu thập trên cơ sở
bảng câu hỏi điều tra của hơn 80-100 hộ nuôi tại khu vực nghiên cứu, kết hợp với việc
thu thập các thông tin về tình hình nuôi tỉnh Phú Yên trong những năm ngần đây để
tìm ra các nhân tố ảnh hưởng đến khả năng sinh lợi của nghề nuôi này, thông qua việc
phân tích các thông tin thu được và xử lý số liệu bằng excel.

1.5. Ý nghĩa của kết quả nghiên cứu
- Về khoa học
Kết quả nghiên cứu của đề tài góp phần làm sáng tỏ khả năng sinh lợi của tôm
thẻ chân trắng bán thâm canh, xác định các nhân tố ảnh hưởng đến khả năng sinh lợi
của tôm thẻ chân trắng bán thâm canh.
Những kết luận của đề tài sẽ là một tài liệu hỗ trợ cho người nuôi và các cơ
quan chức năng trong việc lập kế hoạch và quy hoạch để nghề nuôi Tôm thẻ chân
trắng bán thâm canh có hiệu quả và bền vững.
- Về thực tiễn
Cung cấp số liệu, dữ liệu về thực trạng và các đánh giá về hiệu quả kinh tế nghề
nuôi Tôm thẻ chân trắng bán thâm canh huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên
Kết quả nghiên cứu sẽ giúp cho người nuôi tôm thẻ chân trắng bán thâm canh
huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên có những định hướng và giải pháp đúng đắn nhằm
phát triển nghề nuôi một cách hiệu quả, bền vững.
Luận văn còn là tài liệu tham khảo hữu ích cho những nghiên cứu tiếp theo về
hiệu quả kinh tế của nghề nuôi Tôm thẻ chân trắng bán thâm canh.
1.6. Kết cấu của nghiên cứu
Ngoài phần mở đầu, lời cam đoan, lời cảm ơn, các danh mục phụ lục, tài liệu tham
khảo, đề tài này bao gồm năm chương:
Chương 1 là phần giới thiệu. Chương trình bày tính cấp thiết của đề tài, mục tiêu, đối
tượng và phương pháp nghiên cứu, ý nghĩa của kết quả nghiên cứu. Bên cạnh đó, chương
cũng trình bày kết cấu của luận văn, cũng như là nội dung tóm tắt của từng chương.
Chương 2 trình bày cơ sở lý thuyết. Chương trình bày cơ sở lý thuyết về hiệu quả
kinh tế theo cách tiếp cận doanh thu và chi phí (tức khả năng sinh lời), các công thức
tính hiệu quả kinh tế. Bên cạnh đó, chương cũng trình bày tổng quan các nghiên cứu
liên quan đến đề tài: trong và ngoài nước.
4


Chương 3 trình bày phương pháp nghiên cứu. Chương trình bày phương pháp

nghiên cứu định tính cũng như định lượng, cách chọn mẫu. Bên cạnh đó, chương cũng
trình bày khung phân tích, các mô hình nghiên cứu
Chương 4 trình bày kết quả nghiên cứu. Chương này giới thiệu vị trí địa lý và
điều kiện tự nhiên tại khu vực huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên, đưa ra các thông tin về
chủ hộ nuôi và thực trạng nghề nuôi tôm thẻ chân trắng bán thâm canh huyện Đông
Hòa, tỉnh Phú Yên, thông tin về kỹ thuật sản xuất mà tác giả điều tra được. Đồng thời
tác giả cũng đưa ra các kết quả nghiên cứu của đề tài như: Tổng quan về chi phí sản
xuất của hai vùng nuôi, so sánh khả năng sinh lợi của hai vùng nuôi, từ đó phân tích
các nhân tố ảnh hưởng đến khả năng sinh lợi của hai vùng nuôi tôm thẻ chân trắng bán
thâm canh huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên.
Chương 5 trình bày phần kết luận, gợi ý chính sách và hạn chế của đề tài. Các gợi
ý chính sách chủ yếu liên quan đến kết quả mô hình của đề tài cũng như thông qua
thảo luận của các chuyên gia để góp phần đưa nghề nuôi tôm thẻ chân trắng bán thâm
canh hiệu quả bền vững.
Kết luận chương 1
Chương 1 trình bày tính cấp thiết của đề tài, mục tiêu, đối tượng và phương pháp
nghiên cứu, ý nghĩa của kết quả nghiên cứu. Bên cạnh đó, chương cũng trình bày kết
cấu của luận văn, cũng như là nội dung tóm tắt của từng chương.

5


CHƯƠNG 2: TỔNG QUAN TÀI LIỆU VÀ CƠ SỞ LÝ THUYẾT
2.1. Tổng quan tài liệu
2.1.1. Nghiên cứu trong nước
Nghề nuôi tôm đã có ở Việt Nam từ lâu đời. Nghề này bắt đầu khởi sắc từ những
năm sau đổi mới với con tôm sú. Từ sau năm 2000, nghề nuôi tôm thẻ chân trắng bắt
đầu phát triển nhanh chóng và đóng vai trò rất quan trọng trong nghề nuôi tôm Việt
Nam. Do vậy, làm thế nào để phát triển bền vững nghề nuôi này đã và đang là câu hỏi
nghiên cứu quan trọng. Trần Văn Nhường và các cộng sự (2004) với nghiên cứu

“Ngành nuôi tôm Việt Nam hiện trạng, cơ hội và thách thức” đã khái quát hiện trạng
nuôi tôm Việt Nam từ những năm bắt đầu đổi mới đến 2003. Cụ thể, tác giả đã đề cập
đến: (i) ảnh hưởng của phát triển nghề nuôi tôm đối với các mặt kinh tế, xã hội và môi
trường; (ii) các thách thức nghề nuôi tôm đang gặp phải; (iii) một số chính sách quan
trọng của chính phủ đối với nghề nuôi tôm; (iv) từ đó, nghiên cứu thảo luận tính bền
vững của nghề nuôi tôm và đưa ra một số khuyến nghị chính sách nhằm định hướng
phát triển nuôi tôm bền vững. Để phân tích cơ sở khoa học của phát triển nuôi bền
vững tôm thẻ chân trắng ở Việt Nam, tác giả Đào Văn Trí (2009) đã tiến hành thu thập
mẫu đại diện tại một số tỉnh, các tiêu chuẩn ngành về nuôi tôm và các thông tin nghiên
cứu có liên quan ở nước ngoài. Trên cơ sở đó, tác giả đã đánh giá tổng quan tình hình
sản xuất giống và nuôi tôm thẻ chân trắng thương phẩm tại Việt Nam, chỉ ra được
những ưu việt của nghề nuôi tôm thẻ chân trắng so với tôm sú, đồng thời phân tích
được những nguy cơ có thể ảnh hưởng đến phát triển nghề nuôi theo hướng bền vững.
Tuy nhiên, nghiên cứu chỉ dừng lại việc mô tả khái quát về thực trạng nghề nuôi tôm
thẻ chân trắng, cách tiếp cận còn sơ lược để làm luận cứ đề ra giải pháp phát triển bền
vững nghề tôm thẻ chân trắng ở Việt Nam.
Các nghiên cứu về hiện trạng và giải pháp phát triển nghề nuôi tôm theo hướng
bền vững có Đinh Thị Hằng (2010), Lương Văn Thanh và Dương Công Chính (2010).
Nếu như Đinh Thị Hằng (2010) chỉ tập trung đánh giá tại tỉnh Nghệ An, thì Lương
Văn Thanh và Dương Công Chính (2010) đã mở rộng nghiên cứu ra một số tỉnh duyên
hải Nam Trung Bộ. Cũng theo hướng này, Lê Bảo (2010) đã nghiên cứu tương đối
toàn diện nghề nuôi tôm ở Vùng duyên hải Nam Trung Bộ theo hướng bền vững. Dù
vậy, dưới cách tiếp cận phân tích các chỉ số đơn lẻ về nhiều mặt khác nhau nên các kết
quả còn tương đối hạn chế. Nhìn chung, các nghiên cứu này đã chỉ ra được một số
6


nguyên nhân cơ bản dẫn tới sự suy thoái của nghề nuôi như: phát triển tự phát, thiếu
quy hoạch tổng thể, ô nhiễm môi trường trầm trọng… từ đó thấy được tính cấp thiết
cần phải phát triển nghề nuôi tôm theo cách tiếp cận bền vững. Tuy nhiên, giải pháp

của các nghiên cứu này chỉ dừng lại mang tính chất khuyến cáo, sơ lược, không xác
định được các trọng tâm đột phá và không đánh giá được tính khả thi.
Cùng hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, nhiều nghiên cứu cải tiến về kỹ
thuật sản xuất giống và nuôi tôm thương phẩm ra đời. Các nghiên cứu về kỹ thuật sản
xuất giống tiêu biểu có Nguyễn Văn Khương và các cộng sự (2012); Trần Văn Dũng
và Micciche Luca (2012). Hai nghiên cứu này chủ yếu đề cập đến các kỹ thuật sản
xuất giống tôm thẻ chân trắng cho tỉnh Quảng Ngãi và huyện Tuy Phong - Bình
Thuận, là hai khu vực có nghề nuôi tôm phát triển mạnh so với cả nước. Các nghiên
cứu về kỹ thuật nuôi tôm thương phẩm tiêu biểu có Bùi Quang Tề (2009) và Nguyễn
Văn Phát và các cộng sự (2012). Trong đó, tác giả Bùi Quang Tề (2009) tập trung vào
việc cải thiện công nghệ nuôi tôm thâm canh để đạt được chuẩn quy phạm thực hành
nuôi trồng thủy sản tốt (GAP) với mục tiêu giảm thiểu dịch bệnh và chất gây ô nhiễm
môi trường.
Lê Kim Long và cộng sự (2012) “Phân tích hiệu quả sử dụng yếu tố đầu vào và
khả năng sinh lợi của nghề nuôi tôm thẻ chân trắng thương phẩm tại thị xã Ninh Hòa,
tỉnh Khánh Hòa”. Nhóm tác giả đã Nghiên cứu đo lường khả năng sinh lợi cho các hộ
nuôi tôm thẻ chân trắng tại thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa dựa trên 2 chỉ tiêu là
thặng dư của người sản xuất và lợi nhuận trên một hec-ta nuôi. Kết quả điều tra 248 hộ
nuôi trong năm 2011 cho thấy bình quân lợi nhuận trên đơn vị hec-ta là âm, - 9.810
ngàn đồng/ha, giá trị nhỏ nhất - 857.217 ngàn đồng/ha, giá trị lớn nhất 831.636 ngàn
đồng/ha với độ lệch chuẩn là 235.394, trong đó chỉ có 40,73% số hộ là có lãi. Dù vậy,
bình quân thặng dư của người sản xuất, chỉ tiêu ảnh hưởng đến quyết định tiếp tục sản
xuất hay ngừng, là dương 142.434 ngàn đồng/ha, giá trị nhỏ nhất là -339.875 ngàn
đồng/ha, giá trị lớn nhất là 1.050.000 ngàn đồng/ha, độ lệch chuẩn là 235.394. Kết quả
nghiên cứu hàm ý rằng mặc dù nghề nuôi đang gặp khó khăn (lợi nhuận bình quân/ha
âm) nhưng các hộ vẫn tiếp tục tham gia nuôi (thặng dư người sản xuất/ha dương), đây
là nghề rủi ro lớn (độ lệch chuẩn lớn và các giá trị min của cả 2 chỉ tiêu đều âm) nhưng
sức hấp dẫn của nghề cao (giá trị max của cả 2 chỉ tiêu đều dương và lớn hơn nhiều so
với giá trị trung bình).
7



2.1.2. Nghiên cứu ngoài nước
Do tầm quan trọng đặc biệt của nghề nuôi tôm, ngay từ năm 1998, các chuyên
gia của FAO đã nhóm họp tại Bangkok, dựa vào kinh nghiệm phát triển nghề nuôi
tôm, để đề xuất các tiêu chí của nghề nuôi tôm bền vững (FAO, 1998). Đến năm
2000, FAO (Tổ chức Lương nông Thế giới) và NACA (Mạng lưới các Trung tâm nuôi
trồng Châu Á - Thái Bình dương) đã nhóm họp ở Bankok và ra tuyên bố về chiến lược
phát triển nghề nuôi sau năm 2000 với quan điểm “phát triển, chấp nhận và áp dụng
các tiêu chí, chỉ số đánh giá tính bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường để phát
triển nghề nuôi” (FAO, 2000).
Để đáp ứng sự gia tăng mạnh mẽ nhu cầu của thị trường đối với các sản phẩm
thủy sản nuôi trồng khi các nguồn lực sản xuất hạn chế - ở cả góc độ của người nuôi
và các nhà quản lý, hoạch định chính sách - việc phân tích hiệu quả sử các nguồn lực
đầu vào (hiệu quả kỹ thuật theo định hướng đầu vào) để tìm cách gia tăng sản lượng
đầu ra mà không phải sử dụng nhiều hơn các yếu tố đầu vào của sản xuất vào là một
chủ đề rất được quan tâm. Farrell (1957) là người đầu tiên xây dựng một cách có hệ
thống về lý thuyết này và hiện tại có hai phương pháp phân tích chính là Data
Envelopment Analysis (DEA) được khởi xướng bởi Charnes và các cộng sự năm 1978
và phương pháp Stochastic Production Frontier (SPF) được phát triển bởi Battese và
Coelli năm 1995 (trích dẫn theo Charnes và các cộng sự, 2013).
Tôm là sản phẩm nuôi trồng quan trọng, đặc biệt ở các nước đang phát triển.
Nghiên cứu nâng cao hiệu quả kỹ thuật của nghề nuôi tôm đã được quan tâm từ khá
lâu trên thế giới (xem lược khảo của Sharma & Leung, 2003 và Iliyasu và các cộng sự,
2014; Thap và các cộng sự, 2016). Các nghiên cứu tiêu biểu trong nghề nuôi tôm
thường áp dụng phương pháp phân tích với cách tiếp cận tối thiểu hóa đầu vào với đầu
ra không đổi vì: (i) các cơ sở nuôi ở các nước đang phát triển thường có nguồn lực đầu
vào tài chính có hạn và do đó, tiết kiệm chi phí sản xuất đóng vai trò quan trọng; (ii)
các cơ sở nuôi dễ kiểm soát đầu vào hơn nhiều so với đầu ra (do các cơ sở nuôi không
có quyền lực đối với thị trường đầu ra); và (iii) việc sử dụng lãng phí đầu vào trong

nghề nuôi, đặc biệt là thức ăn và kháng sinh, hóa chất đang thách thức nghiêm trọng
tính bền vững của các nghề nuôi. Rõ ràng, việc nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực
đầu vào vừa giúp gia tăng khả năng sinh lợi của nghề đồng thời cũng giảm bớt ô
nhiễm môi trường do sử dụng tiết kiệm hơn thức ăn, kháng sinh và hóa chất (nguồn
8


phát sinh ô nhiễm), và do vậy, gia tăng tính bền vững của nghề nuôi trồng thủy sản.
Các nghiên cứu nâng cao hiệu quả kỹ thuật nghề nuôi tôm có thể kể đến như sau.
Nghiên cứu gần đây là của Thap và các cộng sự (2016). Nhóm tác giả đã sử dụng
mô hình Double bootstrapped DEA để ước lượng, sửa chệch và phân tích hiệu quả kỹ
thuật (có chú trọng sửa vấn đề khi biến phụ thuộc có giá trị nằm trong khoảng [0, 1])
của nghề nuôi tôm thẻ chân trắng ở Ninh Thuận. Kết quả nghiên cứu cho thấy hiệu quả
kỹ thuật của nghề đạt 0,73. Như vậy, bình quân, các yếu tố đầu vào biến đổi của sản
xuất có thể giảm xuống 27% trong khi vẫn duy trì được đầu ra không đổi. Nâng cao
hiệu quả kỹ thuật, rõ ràng, là rất quan trọng để phát triển bền vững nghề nuôi tôm thẻ ở
Ninh Thuận. Dù không ước lượng trực tiếp, nghiên cứu cũng cho thấy yếu tố môi
trường cũng đang ảnh hưởng tiêu cực đến nghề nuôi tôm thẻ tại Ninh Thuận.
Nguyen & Fisher (2014) đã áp dụng mô hình meta-fronteir DEA để nghiên cứu
nghề nuôi tôm (tôm thẻ, sú, càng xanh,…) với dữ liệu chéo của Đồng bằng Sông Cửu
Long. Kết quả nghiên cứu cho thấy hiệu quả kỹ thuật của nghề nuôi tôm ở đây là
tương đối thấp và nghề nuôi thâm canh có mức hiệu quả thấp hơn, và do vậy đang lãng
phí đầu vào nhiều hơn so với nghề nuôi bán thâm canh. Như vậy, nghiên cứu nâng cao
hiệu quả kỹ thuật là rất quan trọng để phát triển bền vững nghề nuôi tôm, đặc biệt là
nghề nuôi thâm canh ở đây. Nghiên cứu này cũng nhận thấy ô nhiễm môi trường đã
ảnh hưởng tiêu cực tới nghề nuôi tôm. Một điểm cũng cần nhấn mạnh là nghiên cứu
này nhận thấy việc tập huấn kỹ thuật của các trung tâm khuyến ngư nuôi tôm ở Đồng
bằng Sông Cửu Long hiện đang áp dụng không phù hợp với thực tiễn. Nghiên cứu này
cũng nhấn mạnh rằng hiện các nghiên cứu phát triển nghề nuôi tôm ở Việt Nam còn
rất hạn chế, rất cần các nghiên cứu sâu sắc, kế tiếp để hướng tới một nghề nuôi tôm

bền vững ở Việt Nam.
Reddy và các cộng sự (2008) đã sử dụng cách tiếp cận phân tích SPF để đánh giá
hiệu quả kỹ thuật của nghề nuôi tôm ở Ấn độ. Kết quả nghiên cứu cho thấy nghề nuôi
tôm Peneaus monodon ở vùng Andhra Pradesh có mức phi hiệu quả rất thấp, chỉ
khoảng 7%. Devi (2004) đã sử dụng cả hai cách tiếp cận DEA và SPF để tính toán và
so sánh kết quả nghiên cứu cho nghề nuôi tôm bán thâm canh và quảng canh ở Ấn độ.
Kết quả nghiên cứu cho thấy việc sử dụng các cách tiếp cận khác nhau sẽ cho kết quả
và kết luận tương đối khác nhau. Mức độ phi hiệu quả của nghề nuôi bán thâm canh
giao động từ 9-11% trong khi nghề nuôi quảng canh giao động từ 22-48%.
9


Gunaratne & Leung (1996) đã áp dụng mô hình meta-fronteir SPF để nghiên cứu
các nghề nuôi tôm ở Châu Á với dữ liệu chéo của các quốc gia như: Bangladesh, Ấn
độ, Indonesia, Malaysia, Philipines, Sri Lanka, Đài Loan, Thái Lan và Việt Nam. Kết
quả nghiên cứu cho thấy hiệu quả kỹ thuật của nghề nuôi tôm của Việt Nam là tương
đối cao ở Châu Á với nghề thâm canh đạt 52,6% và bán thâm canh đạt 58%. Như vậy,
nghiên cứu nâng cao hiệu quả kỹ thuật là rất quan trọng để phát triển bền vững nghề
nuôi tôm ở Châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng.
Như vậy, đã có nhiều nghiên cứu nhằm đánh giá và nâng cao hiệu quả kinh tế
theo cách tiếp cận kinh tế vi mô (bằng các kỹ thuật phân tích DEA hoặc SPF). Tuy
nhiên, việc đánh giá hiệu quả kinh tế theo cách tiếp cận doanh thu và chi phí (khả năng
sinh lời, đây là cách tiếp cận phân tích hiệu quả kinh tế truyền thống) vẫn là phương
pháp được nhiều đối tượng quan tâm, từ các nhà quản trị tài chính, các nhà đầu tư cho
tới các tổ chức cho vay, vì nó gắn liền với lợi ích của họ ở hiện tại và tương lai, đồng
thời là một trong những cơ sở tham khảo để ra quyết định đầu tư, cho vay hay các
quyết định tài chính khác sao cho phù hợp. Khả năng sinh lời có mối quan hệ chặt chẽ
với năng lực hoạt động và khả năng thanh toán của hộ nuôi tôm thẻ chân trắng tại
huyện Đông Hòa. Để đánh giá hiệu quả kinh tế theo cách tiếp cận doanh thu và chi phí
(khả năng sinh lời), nhà phân tích có thể sử dụng nhiều chỉ tiêu khác nhau (xem chi tiết

thêm ở Lê Kim Long, 2017)
2.2. Cơ sở lý thuyết
2.2.1. Khái niệm hiệu quả kinh tế
Hiệu quả hiểu theo nghĩa phổ thông, phổ biến trong cách nói của mọi người:
‘’Kết quả như yêu cầu của việc làm mang lại hiệu quả”.
Xét góc độ thuật ngữ chuyên môn, hiểu hiệu quả theo nghĩa kinh tế nó là “Mối
quan hệ giữa đầu vào các yếu tố khan hiếm với đầu ra hàng hoá và dịch vụ, có thể
được đo lường theo hiện vật gọi là hiệu quả kỹ thuật hoặc theo chi phí thì được gọi là
hiệu quả kinh tế. Khái niệm hiệu quả kinh tế được dùng như một tiêu chuẩn để xem
xét các tài nguyên được thị trường phân phối như thế nào”
Ngày nay, người ta vẫn chưa có một khái niệm thống nhất về hiệu quả. Ở mỗi
góc độ, lĩnh vực khác nhau thì hiệu quả cũng được xem xét nhìn nhận khác nhau và
thông thường khi nói đến hiệu quả của một lĩnh vực nào đó thì chúng ta xem xét vấn
đề hiệu quả trên các lĩnh vực: kinh tế, chính trị và xã hội. Tương ứng ta có 3 phạm trù:
hiệu quả kinh tế, hiệu quả chính trị và hiệu quả xã hội.
10


Hiệu quả kinh tế: Nếu xét trên phạm vi từng khía cạnh, từng yếu tố, từng ngành
thì chúng ta có phạm trù hiệu quả kinh tế. Có thể hiểu hiệu quả kinh tế là hệ số giữa
kết quả thu về và chi phí bỏ ra để đạt được kết quả đó. Kết quả thu về đề cập trong
khái niệm này có thể là doanh thu, lợi nhuận, tổng sản phẩm công nghiệp… Hiệu quả
kinh tế thể hiện trình độ sử dụng các yếu tố đầu vào trong quá trình sản xuất kinh doanh.
Hiệu quả chính trị, xã hội: Nếu đứng trên phạm vi toàn xã hội và nền kinh tế
quốc dân thì ta có hai phạm trù hiệu quả chính trị và hiệu quả xã hội. Hai phạm trù này
phản ánh ảnh hưởng của hoạt động sản xuất kinh doanh đối với việc giải quyết những
yêu cầu và mục tiêu chung của toàn bộ nền kinh tế xã hội. Và hai loại hiệu quả này có
vị trí quan trọng trong việc phát triển đất nước một cách toàn diện và bền vững. Hiệu
quả chính trị, xã hội phản ánh trình độ phát triển nền kinh tế xã hội ở các mặt: trình độ
tổ chức sản xuất, trình độ quản lý, mức sống bình quân.

Phải luôn có sự cân đối giữa hiệu quả kinh tế với hiệu quả chính trị, xã hội. Đây
là một nguyên tắc để phát triển kinh tế, xã hội của một quốc gia một cách liên tục và
lâu dài. Bất kỳ một sự mất cân đối nào sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng.
Mặc dù đã có sự thống nhất rằng phạm trù hiệu quả sản xuất kinh doanh phản
ánh mặt chất lượng của hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng vẫn chưa có sự thống
nhất trong quan niệm về hiệu quả sản xuất kinh doanh. Các nhà kinh tế và thống kê có
nhiều quan điểm khác nhau về hiệu quả sản xuất kinh doanh do điều kiện lịch sử và
giác độ nghiên cứu là không giống nhau.
"Hiệu quả là kết quả đạt được trong hoạt động kinh tế, là doanh thu trong tiêu
thụ hàng hóa”. Theo quan điểm này thì hiệu quả là tốc độ tăng của kết quả đạt được
như: Tốc độ tăng của doanh thu, của lợi nhuận. Như vậy hiệu quả được đồng nhất với
các chỉ tiêu kết quả hay với nhịp độ tăng của các chỉ tiêu ấy. Quan điểm này thực sự
không còn phù hợp với điều kiện ngày nay. Kết quả sản xuất có thể tăng lên do tăng
chi phí, mở rộng sử dụng các nguồn sản xuất (đầu vào của quá trình sản xuất). Nếu
hai doanh nghiệp có cùng một kết quả sản xuất tuy có hai mức chi phí khác nhau, theo
quan điểm này thì hiệu quả sản xuất kinh doanh của chúng là như nhau.
"Hiệu quả được xác định bằng nhịp độ tăng tổng sản phẩm mà xã hội hoặc thu
nhập quốc dân”. Xét trên phạm vi của doanh nghiệp, theo quan điểm này thì hiệu quả
sản xuất kinh doanh và nhịp độ tăng giá trị tổng sản lượng là một. Nhìn trên một góc
độ nào đó thì quan điểm này cũng gần giống như quan điểm trên. Nó cũng không đề
11


cập tới chi phí bỏ ra để đạt được giá trị tổng sản lượng đó. Nếu tốc độ tăng của chi phí
sản xuất được các nguồn lực được huy động tăng nhanh hơn nhịp độ tăng giá trị tổng
sản lượng thì sao. Hơn nữa, việc chọn năm gốc có ảnh hưởng rất lớn đến kết quả so
sánh. Với mỗi năm gốc khác nhau chúng ta lại có mức hiệu quả khác nhau của cùng
một năm nghiên cứu.
"Hiệu quả sản xuất diễn ra khi sản xuất không thể tăng sản lượng một loại hàng
hóa mà không cắt giảm sản xuất của một loại hàng hóa khác. Một nền kinh tế có hiệu

quả nằm trên đường giới hạn khả năng sản xuất của nó”. Nhìn nhận quan điểm này
dưới giác độ doanh nghiệp thì tình hình sản xuất kinh doanh có hiệu quả khi nằm trên
đường giới hạn khả năng sản xuất của nó. Giới hạn khả năng sản xuất của doanh
nghiệp được xác định bằng giá trị tổng sản lượng tiềm năng, là giá trị tổng sản lượng
cao nhất có thể đạt được ứng với tình hình công nghệ và nhân công nhất định. Theo
quan điểm này thì hiệu quả thể hiện ở sự so sánh mức thực tế và mức "tối đa" về sản
lượng. Tỷ lệ so sánh càng gần 1 càng có hiệu quả. Mặt khác ta thấy quan điểm này
tuy đã đề cập đến các yếu tố đầu vào nhưng lại đề cập không đầy đủ.
"Hiệu quả kinh tế nền sản xuất xã hội là mức độ hữu ích của sản phẩm được
sản xuất ra, tức là giá trị sử dụng của nó chứ không phải là giá trị”. Theo tác giả của
quan điểm này, mức độ thỏa mãn nhu cầu phụ thuộc vào các tác dụng vật chất cụ thể
chứ không phải giá trị trừu tượng nào đó. Tuy nhiên quan điểm này gặp phải trở ngại
là khó tính được tính hữu ích của sản phẩm được sản xuất ra. Và nếu vậy thì chúng ta
không thể so sánh được tính hữu ích giữa các sản phẩm, do đó cũng không đánh giá
được tính hiệu quả của hoạt động sản xuất kinh doanh.
"Hiệu quả kinh tế được xác định bởi quan hệ tỷ lệ giữa sự tăng lên của đại
lượng kết quả và chi phí”. Quan điểm này phản ánh hiệu quả chưa đầy đủ và trọn vẹn.
Nó chỉ đề cập đến hiệu quả của phần tăng thêm bằng cách so sánh giữa phần gia tăng
của kinh doanh sản xuất và phần gia tăng của chi phí sản xuất chứ chưa đề cập toàn bộ
phần tham gia vào quá trình sản xuất, kinh doanh. Xét trên quan điểm triết học Mác
Lênin thì mọi sự vật, hiện tượng đều có mối quan hệ mật thiết, hữu cơ với nhau chứ
không tồn tại một cách riêng lẻ, độc lập. Sản xuất kinh doanh không nằm ngoài quy
luật này, các yếu tố "tăng thêm" giảm đi có liên hệ với các yếu tố sẵn có. Chúng trực
tiếp hoặc gián tiếp các động tới kết quả sản xuất kinh doanh. Hiệu quả sản xuất kinh
doanh luôn là kết quả tổng hợp của toàn bộ phần tham gia vào quá trình sản xuất kinh
12


×