Tải bản đầy đủ (.pdf) (273 trang)

LUẬN ÁN TIẾN SĨ QUẢN LÝ DI SẢN VĂN HÓA PHẬT GIÁO Ở TỈNH HÀ TĨNH

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (4.12 MB, 273 trang )

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH

VIỆN VĂN HÓA NGHỆ THUẬT QUỐC GIA VIỆT NAM

Trần Thị Diệu Thúy

QUẢN LÝ DI SẢN VĂN HÓA PHẬT GIÁO
Ở TỈNH HÀ TĨNH

LUẬN ÁN TIẾN SĨ QUẢN LÝ VĂN HÓA

Hà Nội - 2018


BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH

VIỆN VĂN HÓA NGHỆ THUẬT QUỐC GIA VIỆT NAM

Trần Thị Diệu Thúy

QUẢN LÝ DI SẢN VĂN HÓA PHẬT GIÁO
Ở TỈNH HÀ TĨNH

Chuyên ngành: Quản lý văn hóa
Mã số: 9319042

LUẬN ÁN TIẾN SĨ QUẢN LÝ VĂN HÓA



Ngƣời hƣớng dẫn khoa học
GS.TS Kiều Thu Hoạch

Hà Nội - 2018


1

LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan luận án tiến sĩ Quản lý di sản văn hóa phật giáo ở tỉnh
Hà Tĩnh là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Các trích dẫn, số liệu và kết quả
liên quan luận án là trung thực có xuất xứ rõ ràng.
Hà Nội, ngày 21 tháng 8 năm 2018
Nghiên cứu sinh

Trần Thị Diệu Thúy


2

MỤC LỤC
Lời cam đoan.................................................................................................................... 1
Danh mục chữ viết tắt ...................................................................................................... 3
Danh mục các bảng .......................................................................................................... 4
MỞ ĐẦU ....................................................................................................................5
Chƣơng 1: TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU VÀ CƠ SỞ LÝ LUẬN
VỀ QUẢN LÝ DI SẢN VĂN HÓA PHẬT GIÁO ................................................10
1.1. Tổng quan tình hình nghiên cứu ........................................................................10
1.2. Cơ sở lý luận của luận án ...................................................................................18

Tiểu kết ......................................................................................................................36
Chƣơng 2: DI SẢN VĂN HÓA PHẬT GIÁO Ở HÀ TĨNH ...................................37
2.1. Khái quát chung về di sản văn hóa Phật giáo Hà Tĩnh ......................................37
2.2. Những ngôi chùa được xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia ............39
2.3. Những ngôi chùa được xếp hạng di tích cấp tỉnh ..............................................68
2.4. Những ngôi chùa chưa xếp hạng di tích.............................................................79
Tiểu kết ......................................................................................................................80
Chƣơng 3: THỰC TRẠNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ DI SẢN VĂN HÓA
PHẬT GIÁO Ở HÀ TĨNH ......................................................................................82
3.1. Hệ thống văn bản pháp luật về quản lý di sản văn hóa ......................................82
3.2. Phân tích mô hình quản lý di sản văn hóa Phật giáo Hà Tĩnh ...........................92
3.3. Thành quả và hạn chế của công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa
Phật giáo ..................................................................................................................108
Tiểu kết ....................................................................................................................130
Chƣơng 4: GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC QUẢN LÝ
DI SẢN VĂN HOÁ PHẬT GIÁO Ở HÀ TĨNH HIỆN NAY ............................132
4.1. Những giải pháp chung đối với di sản văn hóa vật thể và di sản phi vật thể ...132
4.2. Giải pháp bảo tồn giá trị di sản văn hóa vật thể tại các di sản văn hóa Phật giáo
Hà Tĩnh ....................................................................................................................145
Tiểu kết ....................................................................................................................154
KẾT LUẬN ............................................................................................................156
DANH MỤC BÀI VIẾT CỦA TÁC GIẢ ĐÃ CÔNG BỐ .................................160
TÀI LIỆU THAM KHẢO ....................................................................................161
PHỤ LỤC ...............................................................................................................168


3

DANH MỤC CHỮ VIẾT TẮT TRONG LUẬN ÁN
Chữ viết tắt

Chữ viết đầy đủ
BQL

Ban quản lý

BVHTT

Bộ Văn hóa thông tin

BVHTTDL

Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch

ch,b

Chủ biên

CHXHCNVN

Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

CNH, HĐH

Công nghiệp hóa, hiện đại hóa

DSVH

Di sản văn hóa

DTLSVH


Di tích lịch sử - văn hóa

GS

Giáo sư

HĐBT

Hội đồng Bộ trưởng

Nxb

Nhà xuất bản

PGS

Phó giáo sư

SVHTTDL

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

tk

Thế kỷ

TP HCM

Thành phố Hồ Chí Minh


tr

Trang

TS

Tiến sĩ

UBND

Ủy ban nhân dân

X



h

Huyện

TX

Thị xã


4

DANH MỤC CÁC BẢNG TRONG LUẬN ÁN
Bảng 1:


Danh mục các ngôi ở chùa Hà Tĩnh được xếp hạng di tích cấp

41

Quốc gia
Bảng 2:

Danh mục tượng cổ trong các ngôi Chùa được xếp hạng di

72

tích lịch sử – văn hóa cấp tỉnh ở Hà Tĩnh
Bảng 3:

Danh mục cổ vật trong các ngôi chùa xếp hạng di tích lịch

73

sử - văn hóa cấp tỉnh ở Hà Tĩnh
Bảng 4:

Danh sách các sư trụ trì tại các ngôi chùa đã được xếp hạng

96

di tích
Bảng 5:

Danh mục các nghi lễ, trò diễn, trò chơi cần nghiên cứu để khôi

phục tại các lễ hội chùa ở Hà Tĩnh

147


5

MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Di sản văn hóa Phật giáo Hà Tĩnh là những giá trị vật chất và tinh thần do
cộng đồng cư dân Hà Tĩnh sáng tạo ra trong quá trình lịch sử phát triển của vùng đất
này. Nghiên cứu di sản văn hóa Phật giáo Hà Tĩnh từ góc độ quản lý văn hóa là một
việc làm có ý nghĩa. Nó càng có ý nghĩa cấp thiết hơn trong bối cảnh kinh tế thị
trường hiện nay, khi mà lối sống hối hả của cuộc sống hiện đại, cùng với nó là các
tác động tiêu cực của thời kỳ hội nhập (toàn cầu hóa) đang biểu lộ ngày càng rõ nét
trong các giá trị tư tưởng, đạo đức của xã hội. Trước bối cảnh đó, một hiện tượng
rất đáng quan tâm là: con người tìm đến ngày một nhiều với niềm tin tôn giáo, tín
ngưỡng, trong đó có Phật giáo, tín ngưỡng thờ Mẫu, thờ anh hùng dân tộc và các tín
ngưỡng dân gian khác.
Hà Tĩnh là một vùng đất có bề dày lịch sử và có những hoàn cảnh lịch sử khá
đặc biệt. Đây là một vùng “phên dậu” của đất nước, vùng biên cương xa xôi, nơi
tiếp giáp với các nền văn hóa láng giềng. Cư dân nơi đây đã từng trải qua những
cuộc chiến để giữ gìn từng tấc đất của Tổ Quốc. Vì vậy, kho tàng di sản văn hóa Hà
Tĩnh luôn gắn với quá trình khai hoang lập ấp và giữ biên thùy. Trong đó, Phật giáo
là một trong những thành phần quan trọng của di sản văn hóa ấy. Tuy nhiên, nhiều
di sản văn hóa tâm linh, trong đó có di sản văn hóa Phật giáo đã bị phá hủy. Những
năm gần đây, người dân có những thay đổi nhận thức về giá trị văn hoá của tôn
giáo, đạo Phật đã trở thành một nhân tố quan trọng trong đời sống tinh thần của
nhân dân. Chính vì vậy, việc nghiên cứu, đánh giá lại các giá trị của di sản văn hóa
Phật giáo, tiêu biểu nhất là những di tích lịch sử - văn hóa (chùa, tháp, thiền viện...)

là vô cùng quan trọng và cấp thiết.
Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh thực hiện Nghị Quyết của Hội nghị Trung
Ương 5 (khóa VIII) về việc xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc,
một trong những nội dung đó là bảo tồn, kế thừa và phát huy các giá trị di sản văn
hóa dân tộc, trong đó có di sản văn hóa Phật giáo. Bên cạnh những thành tựu đạt
được, công tác này vẫn còn những hạn chế nhất định. Để có thể sử dụng một cách


6

tốt nhất những giá trị của di sản văn hóa Phật giáo vào quá trình phát triển kinh tế,
xã hội của địa phương, ngoài việc nghiên cứu, đánh giá các giá trị của di sản văn
hóa, cần thiết phải nhìn nhận những khiếm khuyết trong việc quản lý, bảo vệ, khai
thác và phát huy các giá trị văn hóa Phật giáo để rút ra những bài học kinh nghiệm.
Đã có nhiều công trình viết về di sản văn hóa Phật giáo Hà Tĩnh. Nhưng
những công trình này, chủ yếu dừng ở mức giới thiệu các giá trị vật thể và phi vật
thể của một số ngôi chùa cụ thể, đó là sưu tầm, mô tả một số chùa cổ xưa trên đất
Hà Tĩnh. Chưa có công trình nào nghiên cứu một cách hệ thống, toàn diện về hiện
trạng của những di sản văn hóa Phật giáo, cũng chưa có công trình nào đánh giá
toàn diện những khó khăn, bất cập và thành tựu của công tác quản lý di sản văn hóa
Phật giáo Hà Tĩnh kể từ khi luật về di sản văn hóa ban hành năm 2001.
Đó là lý do để chúng tôi lựa chọn đề tài Quản lý Di sản văn hóa Phật giáo ở
tỉnh Hà Tĩnh cho luận án tiến sĩ, chuyên ngành Quản lý văn hóa. Tiến hành nghiên
cứu đề tài này, chúng tôi muốn khẳng định: Di sản văn hóa Phật giáo, tiêu biểu là di
tích lịch sử - văn hóa Phật giáo, được nhìn nhận như một bộ phận hữu cơ trong quá
trình phát triển kinh tế - xã hội, tạo ra động lực cho sự phát triển (xét dưới góc độ
tác động tới việc hình thành nhân cách con người) và đào tạo nguồn nhân lực có
chất lượng, phục vụ trực tiếp cho phát triển. Không những thế, chúng tôi muốn
chứng minh rằng, di sản văn hóa Phật giáo chính là một nguồn lực trực tiếp tham
gia vào sự phát triển kinh tế-xã hội nếu như các giá trị ấy được đưa vào quỹ đạo của

ngành du lịch. Hiện trạng những di sản văn hóa này đã được cải thiện đáng kể, nhất
là từ khi có Luật Di sản văn hóa ra đời. Tuy nhiên, còn không ít bất cập, tồn tại cần
phải khắc phục, để không ngừng nâng cao hơn nữa hiệu quả của công tác quản lý di
sản văn hóa nói chung trong đó có di sản văn hóa Phật giáo ở Hà Tĩnh nói riêng.
2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
Mục đích của luận án là đánh giá thực trạng và tìm ra các giải pháp nâng cao
hiệu quả quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hoá Phật giáo trên
địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Từ đó, luận án đề ra những nhiệm vụ cụ thể sau:
- Nghiên cứu lý luận về di sản và quản lý di sản


7

- Mô tả, đánh giá hiện trạng di sản văn hoá Phật giáo trên địa bàn Hà Tĩnh và
vai trò của di sản này trong đời sống và sự phát triển của nó đối với văn hóa xã hội
của Hà Tĩnh.
- Phân tích thực trạng công tác quản lý di sản văn hoá Phật giáo trên địa bàn
Hà Tĩnh từ năm 2001 đến năm 2016.
- Đề xuất giải pháp để nâng cao hiệu quả quản lý, bảo tồn, phát huy, giá trị di
sản văn hóa Phật giáo trên địa bàn Hà Tĩnh.
3. Đối tƣợng và phạm vi nghiên cứu
3.1. Đối tượng nghiên cứu
Luận án tập trung nghiên cứu: Công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di
sản văn hóa Phật giáo ở Hà Tĩnh (đương nhiên khi nghiên cứu công tác quản lý di sản
cũng cần đề cập đến các sinh hoạt văn hoá Phật giáo của người dân địa phương, đặc
điểm và hiện trạng của các di sản văn hóa Phật giáo tiêu biểu nhất là các chùa, tháp,
thiền viện - mà chúng tôi gọi chung là Di tích lịch sử - văn hóa Phật giáo).
3.2. Phạm vi nghiên cứu
Phạm vi vấn đề nghiên cứu: Tập trung nghiên cứu công tác quản lý Nhà
nước về di sản văn hóa từ các khía cạnh cụ thể: Hệ thống văn bản quản lý, mô hình

quản lý, đội ngũ nhân sự và các hoạt động thực thi pháp luật trong việc bảo tồn và
phát huy giá trị di sản văn hóa Phật giáo ở Hà Tĩnh.
Phạm vi không gian: Các di tích lịch sử văn hóa Phật giáo trên địa bàn Hà
Tĩnh, tập trung vào các di tích đã được xếp hạng.
Về mặt thời gian: Luận án tập trung nghiên cứu công tác quản lý di sản văn
hoá Phật giáo trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh từ sau khi Luật Di sản văn hóa được ban
hành (2001) đến năm 2016.
4. Câu hỏi và giả thuyết nghiên cứu
4.1. Câu hỏi nghiên cứu
1. Hiện trạng các di tích lịch sử - văn hóa Phật giáo ở Hà Tĩnh như thế nào?
Các di sản này đã chịu những hậu quả gì dưới tác động của thực tiễn lịch sử?


8

2. Việc thực thi quy phạm Pháp luật trong quản lý di sản văn hóa phật giáo ở
Hà Tĩnh có thuận lợi, khó khăn gì? Thực trạng công tác quản lý di sản văn hóa Phật
giáo ở Hà Tĩnh từ năm 2001 đến năm 2016, thành tựu và hạn chế?
3. Cần phải có những giải pháp gì để nâng cao hiệu quả, khắc phục những
bất cập trong quản lý các di sản văn hóa Phật giáo?
4.2. Giả thuyết nghiên cứu
Công tác quản lý di sản văn hóa Phật giáo ở Hà Tĩnh (kể từ năm 2001) đã đạt
được nhiều thành tựu. Tuy nhiên vẫn còn tồn tại một số bất cập, cần đề xuất giải
pháp nâng cao hiệu quả quản lý di sản văn hóa Phật giáo.
5. Phƣơng pháp nghiên cứu
- Sử dụng phương pháp tiếp cận liên ngành, phương pháp mô hình hóa, khảo
sát thực địa, phỏng vấn sâu, nghiên cứu tài liệu… để đánh giá thực trạng quản lý,
bảo tồn và phát huy giá trị của các di sản văn hóa Phật giáo trên địa bàn Hà Tĩnh.
- Sử dụng các phương pháp thống kê, phân tích kết hợp với phương pháp tiếp
cận văn hóa - lịch sử đánh giá toàn bộ di sản văn hóa Phật giáo Hà Tĩnh.

6. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của đề tài
Về mặt khoa học
Luận án sau khi hoàn thành sẽ góp phần hệ thống hoá lý luận về quản lý di
sản văn hoá nói chung và quản lý di sản văn hoá Phật giáo ở Hà Tĩnh nói riêng.
Trên cơ sở nhận diện giá trị và phân tích hiện trạng quản lý, đề xuất các giải pháp
nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý di sản văn hóa Phật giáo ở Hà Tĩnh.
Về mặt thực tiễn
- Kết quả nghiên cứu của luận án góp phần nhận diện các giá trị di sản văn
hoá Phật giáo.
- Các giải pháp được đề xuất trong nghiên cứu có thể ứng dụng vào thực tiễn
góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý di sản văn hoá Phật giáo.
- Luận án có thể trở thành tài liệu tham khảo cho các nghiên cứu về văn hóa
nói chung và quản lý di sản văn hóa Phật giáo nói riêng.


9

7. Đóng góp mới của luận án
Kết quả nghiên cứu của luận án sẽ góp phần nâng cao lý luận và tính ứng
dụng trong công tác quản lý di sản văn hóa thông qua các điểm mới sau đây.
- Luận án cung cấp một bản mô tả thực trạng những di sản văn hóa Phật giáo
tiêu biểu ở Hà Tĩnh.
- Là công trình nghiên cứu toàn diện về các chủ thể quản lý, mô hình quản
lý, thành tựu và tồn tại trong quản lý di sản văn hóa Phật giáo ở Hà Tĩnh. Và giải
pháp được đề xuất về hoàn thiện mô hình quản lý, nâng cao hiệu quả quản lý di sản
văn hóa Phật giáo Hà Tĩnh có tính khả thi.
8. Nội dung của Luận án
Ngoài Mở đầu (5 trang), Kết luận (4 trang), Tài liệu tham khảo (11 trang),
Phụ lục (101 trang), luận án chia làm 4 chương:
Chương 1: Tổng quan tình hình nghiên cứu và cơ sở lý luận về quản lý Di

sản văn hóa Phật giáo (27 trang)
Chương 2: Di sản văn hóa Phật giáo ở Hà Tĩnh (43 trang)
Chương 3: Thực trạng quản lý di sản văn hóa Phật giáo ở Hà Tĩnh (48 trang)
Chương 4: Giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý di sản văn hóa Phật giáo ở
Hà Tĩnh hiện nay (23 trang).


10

Chƣơng 1
TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU VÀ CƠ SỞ LÝ LUẬN
VỀ QUẢN LÝ DI SẢN VĂN HÓA PHẬT GIÁO
1.1. Tổng quan tình hình nghiên cứu
Cho đến nay, còn thiếu vắng những công trình chuyên khảo hoặc chuyên
luận nghiên cứu về quản lý di sản văn hóa Phật giáo ở Hà Tĩnh. Tuy nhiên, liên
quan đến vấn đề này có nhiều công trình có thể tham khảo ở những khía cạnh và
mức độ nhất định:
1.1.1. Nhóm công trình mang tính lý luận
Trong số các công trình thuộc vấn đề lý luận cơ sở cho luận án, phải kể đến
nhóm các công trình nghiên cứu về di sản văn hóa nói chung, các công trình nghiên
cứu công tác bảo tồn, khai thác, phát huy giá trị di sản văn hóa Hà Tĩnh nói riêng.
Tiêu biểu cho hướng tiếp cận này, có thể kể đến các công trình Bảo tồn di tích lịch
sử văn hoá của tác giả Nguyễn Đăng Duy và Trịnh Minh Đức [50], Giáo trình Quản
lý di sản văn hoá, Nguyễn Thị Kim Loan (chủ biên) và Nguyễn Trường Tân biên
soạn [78], công trình Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể Thăng Long Hà Nội, do GS.TS. Nguyễn Chí Bền (chủ biên) [28]. Giáo trình Quản lý di sản văn
hoá với phát triển du lịch do tác giả Lê Hồng Lý (chủ biên), Dương Văn Sáu, Đặng
Hoài Thu biên soạn [84], Đề tài cấp Nhà nước Bảo tồn và phát huy các giá trị Di
sản văn hoá Phật giáo Việt Nam trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội và hội
nhập quốc tế do tác giả Đặng Văn Bài làm chủ nhiệm năm 2012 [6].
Tùy theo mục đích nghiên cứu cụ thể mà các tác giả này đã tiếp cận với di

sản văn hóa theo các hướng khác nhau. Giáo trình Quản lý di sản văn hóa của các
tác giả Nguyễn Thị Kim Loan (ch,b), Nguyễn Trường Tân [78], đã hệ thống hóa
những vấn đề lý luận cơ bản liên quan đến di sản, như: Khái niệm, đặc trưng, phân
loại di sản văn hóa, phân tích vai trò của di sản văn hóa trong sự phát triển kinh tếxã hội. Nghiên cứu này đã khái quát, hệ thống hóa di sản văn hóa Việt Nam, trong
đó có đề cập đến di sản văn hóa Phật giáo, nhưng chỉ là các di sản văn hóa vật thể,
cụ thể là những ngôi chùa. Ngoài ra, các tác giả chủ yếu tập trung phân tích những


11

vấn đề về quản lý Nhà nước, và nghiệp vụ quản lý di sản văn hóa nói chung. Những
biện pháp nhằm khai thác, phát huy các giá trị của di sản văn hóa là cơ sở quan
trọng để tác giả luận án vận dụng vào nghiên cứu cách quản lý và khai thác các giá
trị di sản văn hóa Phật giáo Hà Tĩnh.
Công trình nghiên cứu Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể Thăng
Long - Hà Nội [28], đã trình bày, phân tích những vấn đề về lý luận, thực tiễn, kinh
nghiệm bảo tồn, phát huy giá trị của di sản văn hóa vật thể Thăng Long - Hà Nội,
những quan điểm mới về quản lý di sản của nhiều nước trên thế giới có thể áp dụng
vào thực tiễn ở nước ta, đề xuất các nhóm khuyến nghị để bảo tồn và phát huy giá
trị của các di sản văn hóa vật thể của thủ đô. Công trình cung cấp kiến thức lý luận,
để tác giả luận án tham khảo, áp dụng nghiên cứu vào đề tài Quản lý di sản văn hóa
Phật giáo ở Hà Tĩnh.
Với nghiên cứu Quản lý di sản văn hoá với phát triển du lịch [83], nhóm tác
giả lại nêu lên cơ sở để sử dụng các giá trị của di sản văn hóa vào hoạt động du lịch
- một trong những hoạt động hữu hiệu nhất để vừa quảng bá, tôn vinh, vừa sử dụng
các giá trị di sản văn hóa như một nguồn lực phát triển kinh tế xã hội.
Cuốn Bảo tồn di tích lịch sử văn hoá của nhóm tác giả Trịnh Minh Đức và
Nguyễn Đăng Duy, đặt ra những vấn đề lý luận và công tác nghiệp vụ bảo tồn từ
khía cạnh nghiên cứu bảo tàng học [50], cung cấp cơ sở lý luận chung mà không đề
cập vào loại hình di tích cụ thể. Tuy nhiên, đây cũng là những gợi ý tốt để tác giả

luận án tham khảo và vận dụng.
Văn bản Hướng dẫn thực hiện công ước di sản thế giới [133], UNESCO đặt
ra vấn đề xây dựng kế hoạch quản lý các khu di sản thế giới, với các mục tiêu:
1/Muốn quản lý di sản phải nhận diện chính xác giá trị nổi bật toàn cầu của khu di
sản. 2/Phải xác định rõ những áp lực từ tự nhiên và các hoạt động kinh tế - xã hội
tới khả năng bảo tồn và phát huy di sản. 3/Cơ chế, chính sách phù hợp để thực thi
việc quản lý di sản. 4/Chương trình hành động cụ thể nhằm hạn chế, ngăn ngừa
những yếu tố ảnh hưởng tới di sản. 5/Thu hút các nguồn lực xã hội cho hoạt động
bảo tồn DSVH. Và quan trọng là cơ chế kiểm soát việc triển khai kế hoạch quản lý


12

DSVH của các quốc gia thành viên. Tài liệu này là một trong những cơ sở lý luận
quan trọng để tác giả luận án áp dụng nhận diện đối tượng nghiên cứu.
Bên cạnh những công trình mang tính lý luận chung về quản lý di sản, còn có
các công trình nghiên cứu trực tiếp đến di sản văn hóa Phật giáo. Tác giả Trần Lâm
Biền với nghiên cứu Chùa Việt [14], đã giới thiệu khái quát về Lịch sử hình thành
chùa Việt và quá trình lịch sử hình thành Phật giáo ở Việt Nam. Tác giả đã trình bày
rõ đặc điểm văn hoá, nghệ thuật, kiểu kiến trúc và phong cách tượng phật giáo tại
các chùa Việt, từ thế kỷ XI, XII đến thế kỷ XIX.
Chùa Việt Nam [109] của Hà Văn Tấn, Nguyễn Văn Kự, Phạm Ngọc Long
giới thiệu, là bộ sách ảnh các chùa Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử và trong đời
sống văn hoá cộng đồng. Tác giả đã khảo sát những ngôi chùa, nói lên đặc điểm của
Phật giáo Việt Nam. Nhóm tác giả đã cung cấp các bức ảnh đẹp về ngôi chùa, về
tượng Phật, về đồ thờ tự, khái quát về lịch sử chùa, bản sắc chùa Việt so với các
chùa nước khác. Đây là cẩm nang cho tác giả luận án khi tiến hành nghiên cứu,
khảo sát, nhận diện những giá trị của các ngôi chùa ở Hà Tĩnh. Còn cuốn Giá trị
nghệ thuật tượng thờ thế kỷ XVII trong chùa Việt ở Bắc Bộ của tác giả Triệu Thế
Việt, đã xác định các khái niệm mỹ thuật liên quan đến nhận dạng tượng, đặc điểm

người Việt vùng đồng bằng Bắc Bộ. Nghiên cứu này đã nêu rõ giá trị của ngôi chùa
Việt trong đời sống văn hoá tinh thần của người Việt, những điều kiện xã hội tác
động đến điêu khắc và trang trí của tượng thờ thế kỷ XVII. Khái quát sự ra đời của
các tượng thờ qua các thời kỳ, các quy chuẩn tạo hình của tượng thờ và các phong
cách mỹ thuật, sự bài trí tượng thờ qua các thời kỳ lịch sử và trong mối tương quan
với tượng thờ Ấn Độ, Trung Quốc, Champa. Khảo tả, đánh giá về nghệ thuật điêu
khắc và trang trí của tượng thờ trong chùa Việt thế kỷ XVII. Đây là những gợi ý
quý giá cho tác giả luận án để có cơ sở xem xét các vấn đề tương tự trong bối cảnh
của văn hóa Phật giáo Hà Tĩnh.
Ngoài những cuốn chuyên khảo nêu trên, liên quan đến những giá trị văn hóa
Phật giáo Việt Nam nói chung còn có các bài viết đăng trên các tạp chí nghiên cứu
chuyên ngành, như: “Nét độc đáo của chùa Việt Nam” của tác giả Lê Xuân Phương,


13

đăng trên tạp chí Đông Nam Á, số 8, 2005, tr.27-28. Bài “Kiến trúc chùa Việt cổ ở
miền Bắc” của tác giả Nguyễn Thị Ngọc Lan, đăng trên tạp chí Xây dựng, tháng 5,
2009, tr.50-53. Bài “Tam quan trong kiến trúc chùa Việt Nam” của tác giả Phạm
Tuấn, đăng trên tạp chí Xưa và Nay, 2006, số 257, tr.23-27. Bài “Vài ý kiến về quản
lý di sản văn hóa Phật giáo ở nước ta hiện nay” của tác giả Nguyễn Quốc Hùng,
đăng trên Tạp chí Quản lý văn hóa, thể thao và du lịch, số 49-2017, tr.36, đây là bài
viết đã có nhiều gợi ý bổ ích cho tác giả luận án [65].
Bên cạnh các công trình nghiên cứu chung về di sản văn hóa Phật giáo Việt
Nam, còn có một số công trình giới thiệu về thắng cảnh, giá trị lịch sử, văn hoá,
nghệ thuật của một số ngôi chùa tiêu biểu của Hà Tĩnh, như Hoa Tạng (sách Nghi
Xuân huyện nhất thống chí (Quyển hạ) [47, tr.142], chùa Nghèn (Nghệ An cổ tích
lục), chùa Hương Tích (Thơ của La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp), sách Thiên Lộc
huyện phong thổ chí của Lưu Công Đạo viết năm 1811, chùa Thiên Tượng, chùa
Long Đàm, chùa Sư Tử Yên Hà, chùa Am, chùa Bạch Đế (“Hoan Châu phong thổ

ký”, của Trần Danh Lâm, bản dịch Ngô Đức Thọ) [47, tr.167].
Một trong những công trình cổ, có giá trị nghiên cứu chùa của Hà Tĩnh, phải
kể đến An Tĩnh cổ lục, nguyên văn chữ Pháp là Le Vieux An Tinh, là tác phẩm địa
chí của học giả người Pháp Hipolyte Le Breton, ghi chép lại những chuyện xưa ở
vùng Nghệ An - Hà Tĩnh. Cuốn sách được Tập san “Đô thành hiếu cổ”, xuất bản
năm 1936, bằng tiếng Pháp. Năm 2005, tác phẩm này được nhóm dịch giả Nguyễn
Đình Khang và Nguyễn Văn Phú dịch ra tiếng Việt, nhà xuất bản Nghệ An kết hợp
với Trung tâm Văn hóa ngôn ngữ Đông Tây xuất bản (Hà Nội, 2005).
Với sự gắn bó và yêu mến vùng đất Nghệ Tĩnh, mà thời đó, gọi là An Tĩnh,
Le Breton khi đó là giáo viên Trường Quốc học Vinh, đã luôn tìm hiểu về vùng đất
này qua học trò, qua các bậc phụ huynh là những nhà nho giàu kiến thức trong
vùng. Không chỉ nghiên cứu, tìm hiểu qua sách vở, qua lời kể của cư dân địa
phương, ông còn tổ chức cho học viên đến tham quan từng di tích. Đặc biệt đến
nghiên cứu di tích, danh thắng nào, Breton đều có chụp ảnh. Ông đã để lại một bộ
ảnh di tích, danh thắng xứ Nghệ, chụp từ những năm 1920- 1930 rất quý giá


14

(khoảng 120 tấm ảnh). Trong số di tích ông đưa sinh viên đến nghiên cứu và chụp
ảnh có nhiều ngôi chùa cổ và các bức tượng. Theo Breton, chùa Hương Tích có từ
thời Cao Biền cai trị (vào thế kỷ 9) và chính Cao Biền là người có công xây dựng
chùa này [30].
Cuốn sách Chùa cổ Hà Tĩnh của Thái Kim Đỉnh [46], đã giới thiệu khái quát
tình hình Phật giáo ở Hà Tĩnh, chủ yếu ở vùng trung tâm núi Hồng, giới thiệu đặc
điểm về chùa ở vùng này (vùng Nam sông Lam). Tác giả cũng đã khảo tả được 417
ngôi chùa, có các phụ lục, một số hình ảnh, thơ ca về các chùa ở Hà Tĩnh, đồng thời
liệt kê 26 ngôi chùa hiện chỉ còn những tên gọi. Cuốn sách là nguồn tài liệu vô cùng
quý giá để tác giả luận án thấy được sự ra đời và phát triển văn hoá Phật giáo ở một
thời kỳ của xứ Nghệ nói chung, của Hà Tĩnh nói riêng. Sách cũng khiến cho tác giả

luận án trăn trở, cần nghiên cứu về sự mất đi, về vấn đề trùng tu, tôn tạo, khôi phục
lại những gì có thể đối với các di tích, để kho tàng di sản văn hoá của xứ này thêm
phong phú, đa dạng, góp phần vào việc phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Bài viết “Chùa Đá” của tác giả Nguyễn Tuyết Mây, in trên Tạp chí Văn hoá
Hà Tĩnh, tr.23-25, số 189, tháng 4 năm 2014, đã khảo tả, giới thiệu về giá trị lịch sử,
văn hoá, tâm linh, kiến trúc nghệ thuật (dấu tích còn lại) với những giá trị tinh thần
phục vụ đời sống, sinh hoạt người dân địa phương của ngôi chùa. Ngoài ra, tác giả
còn giới thiệu, đề cập đến về vấn đề bảo tồn, như “Dự án trùng tu, phục dựng chùa
Đá”, đã và đang được triển khai thực hiện [85].
Qua một số công trình nghiên cứu nói trên, chúng ta có thể khẳng định, Phật
giáo ở Hà Tĩnh, đã có một quá trình lịch sử ra đời và phát triển mạnh ở thời Lý,
Trần, Lê Sơ. Nó có những đặc điểm riêng, mang nét đặc trưng của văn hoá vùng,
miền, có những giá trị văn hoá, kiến trúc, nghệ thuật, tâm linh nhất định trong đời
sống văn hoá xã hội, đóng góp một phần không nhỏ vào kho tàng di sản văn hoá
phong phú của Hà Tĩnh. Thế nhưng hiện nay, không ít các ngôi chùa - di sản văn
hoá Phật giáo đã trở thành phế tích, chỉ còn lại một số hiện vật, chứng tích, nhưng
cũng đang bị xuống cấp trầm trọng. Vấn đề đặt ra là cần lý giải nguyên nhân biến
mất của các di tích, tìm hiểu công tác trùng tu, tôn tạo, bảo tồn, xây dựng lại các di


15

tích đã mất và bảo tồn, phát huy giá trị của các di sản còn lại đúng như tinh thần của
Luật Di Sản văn hoá ngày 29/6/2001, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Di
Sản văn hoá ngày 18/6/2009 và Thông tư số 18/2012/TT-BVHTTDL ngày 28 tháng
12 năm 2012, của Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch quy định (chi tiết
một số Quy định về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích) [81]. Đây là một trong những
vấn đề luận án quan tâm thực hiện.
1.1.2. Nhóm tài liệu nghiên cứu về quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di
sản văn hoá Phật giáo trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh

Thực tế, Phật giáo ở Hà Tĩnh có một quá trình phát triển, có nhiều công trình
kiến trúc nghệ thuật lưu danh, nhiều hiện vật cổ có giá trị đặc biệt, hàng trăm ngôi
chùa đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hoá của nhân dân địa phương. Công tác quản
lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Phật giáo, từ lâu đã được chính quyền
quan tâm. Nghiên cứu bản Hương ước Hà Tĩnh [70], cho thấy cha ông ta xưa rất coi
trọng việc bảo vệ chùa, giữ gìn cổ vật, quan tâm các sư trụ trì.
Chẳng hạn hương ước xã Phù Lưu Thượng, tổng Phù Lưu huyện Can Lộc
(bản hương ước viết năm Tự Đức thứ 7 (1854), điều 17 về quản lý văn hóa chùa thờ
Phật), ghi rõ: “Các thôn trong xã đều có chùa đều giao cho người trong thôn biết
Phật giáo cày cấy ruộng chùa, để các ngày sóc, vọng đèn nhang kính lễ và quét dọn
sạch sẽ, không được giao cho các sư phải chi phí, làm việc mệt nhọc”.
Hương ước thôn Trường Lưu, xã Lai Thạch, huyện Thiên Lộc, phủ Đức Thọ
“Các đền chùa giao cho nhà sư ở chùa quét dọn sạch sẽ, nếu có gió mưa dột nát thì
trình rõ với bản thôn để tu sửa, nếu có gì sai sót thì nhà đền và nhà sư đều phải chịu
trách phạt”.
Hương ước thôn Thượng Thạch, tổng Chu Lễ, huyện Hương Khê ghi Bảo
Đại 6 (1931), Điều 14: Việc tế lễ, ngày lễ Phật hằng năm, chỉ dùng đèn nhang hoa
quả, oản, trà nước mà thôi không được mượn cớ sách nhiễu lễ vật.
Làng nào cũng có ruộng tự (ruộng chùa) giao cho các sư các chùa trông nom,
để nuôi sư và chi phí việc dầu đèn thờ Phật...


16

Đơn cử một vài ví dụ như trên cũng có thể thấy rằng, từ xa xưa, ông cha ta
đã rất quan tâm bảo tồn, giữ gìn các giá trị văn hóa Phật giáo.
Ngoài ra, có 05 công trình nghiên cứu tiêu biểu: Báo cáo tổng kết khoa học
Nghiên cứu định hướng bảo tồn và phát huy giá trị hệ thống di tích trên địa bàn
tỉnh Hà Tĩnh [8]; đề tài Nghiên cứu các giá trị di sản văn hoá chùa Hương Tích vào
khai thác phát triển du lịch [34]; Hà Tĩnh di tích Quốc gia và di tích Quốc gia đặc

biệt [12]; công trình Hà Tĩnh đất văn vật Hồng Lam [47]; bài viết Chùa Diên Quang
và những chứng tích về Hoàng Hậu Bạch Ngọc ở Vùng La Giang Đức Thọ; 44 hồ
sơ di tích kiến trúc nghệ thuật các chùa Hà Tĩnh. Các tác giả và nhóm tác giả nêu
trên đều nhất trí cho rằng, Hà Tĩnh có một kho tàng di sản văn hoá, trong đó có di
sản văn hoá Phật giáo có giá trị lịch sử văn hoá, khoa học nghệ thuật, góp phần
không nhỏ trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá Hà Tĩnh “Góp phần thúc
đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn công nghiệp hoá, hiện đại hoá, mở
cửa, hội nhập” [8, tr.13].
Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá Phật giáo cũng đã được
các tác giả đặt ra ở nhiều khía cạnh khác nhau.
Với công trình Hà Tĩnh đất văn vật Hồng Lam, Thái Kim Đỉnh giới thiệu,
khảo tả khá chi tiết về cảnh quan, lịch sử văn hoá, kiến trúc cũng như các lần trùng
tu, tôn tạo chín ngôi chùa trên vùng đất này, bao gồm: Hoa Tạng, Chùa Nghèn và
Ngọn Tháp Cổ, Hương Tích, Chùa Ân Quang, Quả chuông chùa Rối, chùa Thiên
Tượng, Chùa Diên Quang, Chùa Tịnh Sơn, Chùa Yên Lạc. Song ở công trình này,
tác giả mới dừng lại ở việc khảo tả để giới thiệu vẻ đẹp của những ngôi chùa, khẳng
định di tích tồn tại có lịch sử văn hoá của nó. Tác giả đánh giá những ngôi chùa này
là những di tích kiến trúc nghệ thuật có giá trị lịch sử văn hoá.
Qua nghiên cứu 44 hồ sơ di tích về các chùa thuộc các xã, huyện, thành phố
trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, trong đó có 7 ngôi chùa được xếp hạng di tích cấp quốc
gia, 37 ngôi chùa được xếp hạng di tích cấp tỉnh. Hồ sơ cung cấp khá đầy đủ thông
tin về các ngôi chùa như: Tên gọi, địa điểm phân bố, đường đi đến, sự kiện, nhân
vật lịch sử liên quan, loại hình di tích, các hiện vật trong chùa, giá trị lịch sử văn


17

hoá nghệ thuật, tình trạng bảo quản, các phương án bảo vệ, sử dụng di tích, cơ sở
pháp lý sử dụng di tích, những tư liệu bổ sung. Đây là nguồn tư liệu quý để người
viết sử dụng làm cơ sở phân tích, đánh giá trong luận án. Tuy vậy, hồ sơ di tích mới

dừng lại ở việc nêu hiện trạng bảo quản di tích. Việc đề xuất các phương án bảo vệ
di tích còn chung chung, không có tính phân loại, hơn nữa, hồ sơ chưa quy hoạch
được các phương án bảo tồn, trùng tu, tôn tạo di tích, đặc biệt là chưa đặt ra vấn đề
bảo tồn gắn với phát triển.
Đề tài Nghiên cứu các giá trị di sản văn hoá chùa Hương Tích vào khai thác
phát triển du lịch [9], đã có một cái nhìn tổng thể về di sản văn hoá chùa Hương
Tích. Bên cạnh đó, nhóm tác giả đề tài cũng đã đề ra được tám giải pháp cơ bản, cụ
thể, khoa học, để bảo tồn, phát huy các giá trị di sản vào khai thác phát triển du lịch.
Các quan điểm về di sản và quan điểm bảo tồn được nhóm tác giả thể hiện trong
công trình là cơ sở lý thuyết và thực tiễn để tác giả luận án kế thừa và phát triển. Từ
đó đề ra các biện pháp bảo tồn, phát huy di sản, cụ thể khai thác, phát triển du lịch
bền vững, đáp ứng nhu cầu tinh thần của người dân, phục vụ cho mục tiêu chiến
lược phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Hà Tĩnh trong cơ chế thị trường và hội nhập
quốc tế. Nội dung này sẽ được thực hiện trong luận án.
Công trình Hà Tĩnh di tích Quốc Gia và di tích Quốc Gia đặc biệt [12],
nhóm tác giả đã tập trung giới thiệu những nét cơ bản nhất về địa điểm phân bố, giá
trị kiến trúc nghệ thuật, giá trị lịch sử văn hoá của 02 di tích cấp quốc gia đặc biệt
và 70 di tích cấp quốc gia, trong đó có 07 ngôi chùa - di sản văn hoá Phật giáo được
xếp hạng di tích quốc gia, nhằm giới thiệu, tuyên truyền, quảng bá rộng rãi, giúp
cho mọi người (trong và ngoài nước, bạn bè quốc tế) có thêm những hiểu biết về
miền đất và con người Hà Tĩnh... Tuyên truyền, quảng bá những giá trị của di sản là
một trong những biện pháp bảo tồn mà tác giả luận án sẽ kế thừa, nghiên cứu, đề
cập trong luận án của mình. Nhóm các nhà nghiên cứu Phạm Đức Ban, Hồ Bách
Khoa, Nguyễn Thị Vân, Trần Hồng Dần đã khảo tả chi tiết một số di tích Phật giáo
trên địa bàn tỉnh, vấn đề bảo tồn, trùng tu, tôn tạo, xây dựng và phát huy giá trị của
di tích đã được nhóm tác giả đặt ra, nhưng chưa có giải pháp cụ thể. “Bảo tồn và


18


phát huy giá trị hệ thống di tích không thể tách rời với phát triển bền vững là công
việc của toàn xã hội” [8, tr.198]. Các nhà nghiên cứu văn hoá đều thống nhất: để
làm tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá của di tích nói chung, di tích
văn hoá Phật giáo nói riêng, cần đi sâu mô tả cấu trúc, cũng như phân tích cụ thể giá
trị lịch sử và văn hoá, khoa học của di tích, phân tích nguyên nhân một số di tích trở
thành phế tích. Phân tích được mối quan hệ giữa những giá trị truyền thống và hiện
đại, giữa bảo tồn và phát triển.
Luận văn thạc sỹ lịch sử của tác giả Hồ Đức Tiến [125], cũng có một phần
giới thiệu về việc trùng tu và phục dựng một số ngôi chùa tiêu biểu ở Hà Tĩnh trong
công cuộc phục hưng Phật giáo. Tuy nhiên, với mục đích nghiên cứu về lịch sử Phật
giáo, tác giả không quan tâm khảo sát các vấn đề liên quan đến nguồn ngân sách,
việc phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể và các vấn đề khác liên quan
đến quản lý di sản. Nhưng, luận văn cung cấp nhiều cứ liệu quan trọng, hỗ trợ cho
việc phân tích thành tựu của quản lý di sản văn hóa Phật giáo những năm gần đây.
Các công trình nêu trên tuy có đề cập tới việc bảo tồn, khai thác và phát huy
các giá trị di sản văn hóa Phật giáo Hà Tĩnh, nhưng chỉ tập trung vào loại hình di
sản văn hóa vật thể, chủ yếu là các ngôi chùa. Số công trình nghiên cứu về di sản
văn hóa phi vật thể rất hiếm.
Như vậy, cho đến nay, dù có một số tài liệu ít nhiều liên quan đến việc quản
lý, bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa phật giáo Hà Tĩnh. Nhưng các tác
giả, với mục đích nghiên cứu riêng, họ mới đề cập đến một vài khía cạnh, hoặc một
bộ phận trong tổng thể các vấn đề về quản lý di sản văn hóa Phật giáo ở Hà Tĩnh.
Chưa có một công trình nào đánh giá một cách toàn diện về giá trị của các di sản
văn hóa Phật giáo ở Hà Tĩnh, thực trạng quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị của các
di sản này, để thấy được những ưu điểm và hạn chế của công tác quản lý di sản
trong những năm qua, từ đó, đề xuất những giải pháp, nâng cao công tác quản lý và
phát huy giá trị của toàn bộ di sản này. Đây chính là nhiệm vụ của tác giả luận án.
1.2. Cơ sở lý luận của luận án
Với tính chất là những di tích lịch sử -văn hóa của một địa phương, việc



19

nghiên cứu quản lý di sản văn hoá Phật giáo ở Hà Tĩnh cần phải vận dụng một số
lý thuyết đặc trưng cho việc nghiên cứu này, đó là lý thuyết vùng văn hóa. Các di
tích được hình thành và phát triển trong một không gian nhất định, không gian của
Hà Tĩnh. Vì vậy, dưới lý thuyết của vùng văn hóa, sẽ cho ta thấy vai trò nhất định
của các di tích Phật giáo trong việc đóng góp vào quá trình tạo ra những nét tương
đồng và khác biệt về văn hóa của vùng lãnh thổ này, làm cơ sở để xác định những
nét đặc thù cần thiết phải có trong chính sách quản lý cho phù hợp và khoa học.
Mặt khác, Phật giáo là một tôn giáo có mặt lâu đời trong văn hóa Việt Nam.
Nghiên cứu các di sản văn hóa Phật giáo từ khía cạnh quản lý, nhất thiết phải được
đặt trong mối quan hệ tổng thể với các yếu tố, các hiện tượng văn hóa khác. Đồng
thời, phải đặt trong mối tương tác với môi trường sinh thái nhân văn là điều kiện tự
nhiên, kinh tế, xã hội của Hà Tĩnh. Nói cách khác, phải tiếp cận chúng dưới ánh
sáng của lý luận về mối quan hệ giữa tôn giáo và văn hóa.
Để phục vụ cho mục đích chính là đánh giá thực trạng quản lý, và đề ra
những giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý di sản văn hóa Phật giáo, ngoài việc vận
dụng các lý thuyết vùng văn hó, lý thuyết về mối quan hệ giữa tôn giáo và văn hóa,
luận án cũng cần nghiên cứu nền tảng lý luận về quản lý di sản văn hóa, bao gồm
các khái niệm, quan điểm và nội dung quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị của di sản
văn hóa theo các văn bản quy phạm pháp luật về di sản văn hóa nói chung, về di sản
văn hóa Phật giáo nói riêng.
1.2.1. Mối quan hệ giữa tôn giáo và văn hóa
1.2.1.1. Khái lược về mối quan hệ giữa tôn giáo và văn hóa
Văn hóa và tôn giáo là khái niệm khá phức tạp, làm tốn nhiều giấy mực của
các nhà nghiên cứu. Cho đến nay, có nhiều định nghĩa khác nhau về hai khái niệm
này. Các định nghĩa khác nhau, chủ yếu xuất phát từ các góc độ tiếp cận khác nhau.
Nhìn chung, các nhà nghiên cứu cho rằng, giữa văn hóa và tôn giáo có mối quan hệ
chặt chẽ, tương tác biện chứng lẫn nhau, tôn giáo là một bộ phận của văn hóa. Hiện

nay, có hai quan điểm về vai trò của Tôn giáo đối với văn hóa.


20

Thứ nhất, theo quan điểm thần học thì tôn giáo là cái tối cao, nó quyết định
đặc trưng của văn hóa. Đại diện cho khuynh hướng này, có thể kể đến nhà Thần học
theo đạo Tin Lành là P. Tilich (1886-1965). Trong tác phẩm Thần học văn hóa, ông
đã khẳng định rằng: “Tôn giáo là sự quan tâm tối cao…Tôn giáo là thực thể, là cơ
sở và là chiều sâu của đời sống tinh thần của con người” [153]. Tôn giáo nuôi
dưỡng văn hóa và đem lại ý nghĩa cho văn hóa. Chính vì vậy mà ông chia văn hóa
thành ba loại hình, tùy thuộc vào sự tác động nhiều hay ít của tôn giáo đối với văn
hóa. Đó là văn hoá thần trị (theonomos), văn hoá dị trị (hetoros), văn hoá tự trị
(autos). Theo ông, trong văn hóa thần trị, tôn giáo là cơ sở tinh thần tự nhiên, loại
hình này không thực hiện được và không đạt tới được trong lịch sử. Loại hình văn
hoá dị trị là biểu hiện tha hóa, cực đoan của văn hóa Thần trị, trong đó, tôn giáo là
hệ thống cực quyền, văn hóa phục tùng tôn giáo. Loại hình văn hóa tự trị lại là một
dạng tha hóa cực đoan khác đối lập với dị trị, coi con người làm trung tâm, vì thế
đặc trưng cho loại hình này là chủ nghĩa nhân đạo, nhân văn.
Khuynh hướng thứ hai, xuất phát từ quan niệm tôn giáo cũng là một hiện
tượng xã hội, hiện tượng của văn hóa, nên nó chịu tác động của các bộ phận khác
của văn hóa và đến lượt mình, nó cũng tác động sâu sắc lên các thành tố khác của
văn hóa. Chính vì vậy, mà văn hoá khác nhau, làm cho tôn giáo có sắc thái khác
nhau và ngược lại tôn giáo khác nhau làm cho văn hoá khác nhau. Do đó, bỏ qua
các di sản văn hóa gắn liền với các tôn giáo, sẽ làm nghèo đi đáng kể một nền văn
hóa của dân tộc, hay địa phương nhất định. Đại diện cho khuynh hướng này, là các
nhà nghiên cứu văn hóa Macxit. Trong luận án, chúng tôi cũng tán đồng quan điểm
thứ hai về mối quan hệ giữa tôn giáo và văn hóa.
Tôn giáo có thể là một tiêu chí quan trọng để xác định một vùng, một khu
vực văn hóa khác nhau: văn hoá Thiên Chúa giáo, văn hoá Phật giáo, văn hoá Hồi

giáo, văn hoá Nho giáo… Ở một quốc gia, có thể chia thành các tiểu vùng văn hoá
chịu ảnh hưởng của các tôn giáo. Tuỳ theo hoàn cảnh lịch sử, tôn giáo có ít nhiều
ảnh hưởng, tác động đến toàn bộ văn hoá xã hội, cũng như các lĩnh vực riêng biệt


21

của văn hoá. Tôn giáo là một thành tố của văn hoá, được sinh ra từ văn hoá và sau
đó nó góp phần thúc đẩy, hoặc kìm hãm sự phát triển văn hoá.
Chúng tôi tán thành quan điểm của tác giả Hoàng Minh Thiện khi ông kết
luận rằng:
Mối quan hệ giữa tôn giáo và văn hoá là mối quan hệ bộ phận và tổng
thể không thể tách rời. Tôn giáo là một hiện tượng của văn hoá hay là
một bộ phận của văn hoá nên có mối quan hệ phổ biến, cơ bản và quan
trọng trong từng giai đoạn lịch sử. Văn hóa là toàn bộ những hoạt động
của con người bao gồm hoạt động vật chất và hoạt động tinh thần. Nền
văn hoá bao trùm cả lĩnh vực tôn giáo [153].
1.2.1.2. Vận dụng lý thuyết về mối quan hệ giữa Tôn giáo và văn hóa trong
nghiên cứu quản lý di sản văn hóa Phật giáo Hà Tĩnh
Xuất phát từ những lý luận trên đây về mối quan hệ giữa tôn giáo đối với văn
hóa dân tộc và địa phương, chúng tôi nhận thấy rằng:
Thứ nhất, Phật giáo đã từng đóng vai trò là nền tảng tinh thần chủ đạo trong
nền văn hóa Việt Nam nói chung và Hà Tĩnh nói riêng. Chính vì thế di sản văn hóa
Phật giáo là một bộ phận quan trọng của di sản văn hóa Hà Tĩnh, nó góp phần tạo
nên đặc trưng riêng của Hà Tĩnh;
Thứ hai, Phật giáo đã từng có tác động mạnh mẽ, toàn diện lên đời sống xã
hội thời Lý, Trần và còn tác động nhiều lên thành tố văn hóa khác vào các thời điểm
lịch sử khác nhau. Ngược lại, Phật giáo cũng chịu sự tác động của các thành tố văn
hóa khác. Vì thế, khi nghiên cứu công tác quản lý di sản văn hóa Phật giáo (giới hạn
trong các di tích lịch sử chùa, tháp, thiền viện), không chỉ nghiên cứu việc quản lý,

bảo tồn, phát huy các giá trị vật thể (các công trình kiến trúc, các hiện vật, cổ
vật…), mà còn phải nghiên cứu việc bảo tồn và phát huy cả các giá trị văn hóa phi
vật thể liên quan đến các di tích này (như truyền thuyết, thần tích, lễ hội, nghi lễ,
các giá trị văn hóa tinh thần của Phật giáo…).
Thứ ba, Khi nghiên cứu các chính sách quản lý di sản văn hóa nói chung, cần
chú trọng đến các chính sách về tôn giáo, tín ngưỡng. Vì những văn bản này đều là


22

cơ sở để thực hiện việc quản lý các di sản văn hóa tôn giáo nói chung và di sản văn
hóa Phật giáo nói riêng.
Việc vận dụng lý thuyết này sẽ được biện giải ở chương 2 (khi phân tích, mô
tả tổ hợp các giá trị vật thể và phi vật thể của di tích), và chương 3 (khi phân tích về
chính sách quản lý di sản văn hóa Phật giáo).
1.2.2. Cơ sở lý thuyết về vùng văn hóa
1.2.2.1. Khái lược về lý thuyết vùng văn hóa
Di tích lịch sử -văn hóa là một trong những bộ phận quan trọng của văn hóa
dân tộc, cũng như văn hóa địa phương. Nó được hình thành trong một quá trình lịch
sử lâu dài và có khả năng phát huy vai trò của mình trong sự phát triển kinh tế xã
hội vùng miền, quốc gia. Một trong những quy luật phát triển văn hóa chính là quy
luật tương tác với môi trường tự nhiên của nó. Các nhà văn hóa học, ngay từ thế kỷ
XIX đã nhìn ra những nét đặc trưng mang tính địa văn hóa, nghĩa là, mỗi vùng miền
gắn với điều kiện tự nhiên riêng biệt, với cộng đồng chủ thể sáng tạo riêng biệt, từ
đó, cũng tạo ra những giá trị đặc trưng riêng. Đầu thế kỷ XIX, lý thuyết vùng văn
hóa, không gian văn hóa được nhiều nhà khoa học quan tâm, nghiên cứu.
Trường phái xuất hiện sớm là thuyết “khuyếch tán văn hoá” ở Tây Âu. Tuy
không nghiên cứu trực tiếp về vùng văn hoá, song một số quan điểm đã manh nha
xuất hiện có liên quan đến vùng văn hoá. Thuyết này ra đời với mục đích giải thích
hiện tượng tương đồng văn hoá không hoàn toàn đồng nhất. Sự xuất hiện của lý

thuyết “vùng văn hóa” trong nhân chủng học Mỹ, như một bước đột phá ở cuối thế
kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Trên cơ sở nghiên cứu khá tường tận về người da đỏ châu
Mỹ, các nhà nhân chủng học Mỹ đã đưa ra lý thuyết “vùng văn hóa”, “loại hình văn
hóa” và "trung tâm văn hóa", mà đại diện tiêu biểu là C.L.Wisler. Ông cho rằng,
nghiên cứu các vùng văn hóa, nhất thiết phải bắt đầu từ việc phân tích một tổ hợp các
yếu tố văn hóa, rằng không thể nhìn nhận riêng lẻ từng yếu tố một, chúng hợp thành
một thể thống nhất không thể chia cắt, và đó chính là kết quả của quá trình lâu dài
nhóm dân cư ấy thích ứng với những điều kiện của môi trường sinh thái.
Trên cơ sở những quan điểm lý thuyết của các nhà nhân chủng học Mỹ, các


23

nhà nghiên cứu dân tộc học Xô Viết đã kế thừa trên bình diện rộng lớn hơn, đã bàn
tới vấn đề nghiên cứu liên văn hoá. Từ những năm 30 của thế kỷ này, trong một số
công trình của S.P.Tônxtop và A.M.Dôlôrarep, đã đề cập đến vấn đề không gian địa
lý của các hiện tượng văn hoá. Vấn đề này là tiền đề cho sự xuất hiện lý thuyết về
“Loại hình kinh tế-văn hoá” và “khu vực văn hoá-lịch sử” (còn gọi là khu vực lịch
sử-dân tộc học hay vùng văn hóa - lịch sử).
Với việc đưa ra khái niệm loại hình kinh tế-văn hóa (loại hình kinh tế-xã hội)
của các nhà dân tộc học Xô Viết là để giải thích hiện tượng tương đồng và khác biệt
văn hóa kể trên: Đó là một tổng thể các đặc điểm kinh tế và văn hóa, hình thành
trong quá trình lịch sử của các dân tộc khác nhau, cùng ở một trình độ phát triển
kinh tế-xã hội và sinh sống trong môi trường địa lý tự nhiên như nhau [150, tr.28].
Để bao quát việc nhận thức các hiện tượng tương đồng và khác biệt văn hóa
giữa các vùng và các dân tộc, các nhà dân tộc học Xô Viết, không chỉ sử dụng khái
niệm loại hình kinh tế-văn hóa, mà còn dùng cả khái niệm vùng văn hóa-lịch sử
(vùng lịch sử-văn hóa). Vùng văn hóa-lịch sử (vùng lịch sử-dân tộc học hay gọi tắt
là vùng văn hóa) là một vùng mà ở đó sinh sống những tộc người. Trong quá trình
lịch sử lâu dài, giữa họ có những giao lưu, ảnh hưởng khăng khít với nhau, từ đó

hình thành nên những yếu tố văn hóa chung thể hiện trong văn hóa vật chất cũng
như văn hóa tinh thần [150, tr.124].
Ở Việt Nam, từ những năm 70 của thế kỷ XX, đã có nhiều công trình nghiên
cứu mang tính thực nghiệm “lý thuyết vùng văn hóa” áp dụng vào Việt Nam của
các học giả trong nước. Tuy quan điểm về lý thuyết “vùng văn hóa” có khác nhau
về tiêu chí phân vùng, sự nhận diện vùng văn hóa theo cấu trúc, hệ thống, tổ hợp
hay theo sắc thái văn hóa... Nhưng điểm thống nhất chung là “vùng văn hóa” với
đặc trưng phản ánh của một “trường văn hóa” và biểu hiện như một “không gian
văn hóa” với những giá trị đồng dạng.
Khái niệm “vùng văn hóa” còn được áp dụng ở phạm vi hẹp, chỉ những
vùng, miền có những đặc điểm địa lý, kinh tế, văn hóa, xã hội có chung những nét
tương đồng nhất định về địa lý, văn hóa, lịch sử và kinh tế. Vấn đề “trường văn


×