Tiếng ve sầu rỉ rả ngân vang, hoa phượng đỏ nở rộ sân trường, cái nóng miền trung oai bức
quá, báo hiệu mùa hè lại về - một năm học trôi qua, nhưng giây phút này đây cũng là lúc phải
‘chạnh lòng’ suy gẫm với bao nỗi niềm trăn trở khi còn đâu đó mẫu chuyện đáng buồn như tôi trình
bày dưới đây.
Chả là ở một ngôi trường tại tỉnh nọ, nơi đã được nâng cấp lên thành phố hơn một năm nay.
Trong ngôi trường này có một TTCM ở tổ N nọ, được chỉ định lên làm TT năm bảy năm nay sau
khi có một TT kỳ cựu, đầy tâm huyết chuyển công tác sang một trường khác. Vị tổ trưởng này
không hiểu vì sao mà vẫn chễm chệ ngồi trên ghế với cái chức TT ấy mà không biết là vị này có
nghe những lời xì xào, chê bai của các thành viên trong tổ nói về năng lực CM cũng như thái độ ứng
xử của mình với các thành viên khác trong tổ không? Trong khi lãnh đạo nhà trường hầu như không
hề hay biết. Có lẽ là 'phân cấp quản lý rồi' nên tổ nào, thì tổ ấy làm việc miễn là có báo cáo cho hay
là được chăng? Hay là họ sợ ‘đấu tranh’ là ‘tránh đâu’ dễ bị ghi tên vào sổ ‘thù vặt’ như chơi!
Vị TT này năng lực thì có hạn, lại thêm cái bệnh lười biếng, nhưng có tài lấy lòng cấp trên
và ‘để ý’ cấp dưới. Hễ anh chị em nào bị chấm vào ‘sổ thù vặt’ rồi thì khó thoát, dễ bị pênanty lắm.
Sự thiếu trách nhiệm và làm việc kiểu qua loa, đại khái cho rồi việc với phương châm cái gì có lợi
cho mình thì làm, nhưng cho tập thể thì thoái thác hoặc ‘bán cái’ cho người khác. Một trong nhiều
chuyện vặt là qua việc phân chia chuyên môn vào đầu năm học, vị TT này chọn cho mình toàn lớp
A, lớp có nhiều học sinh khá, giỏi – dễ dạy - dễ bảo đỡ phải hao hơi tổn tiếng như các lớp khác.
Trong các cuộc họp tổ chuyên môn, hiếm khi vị tổ trưởng này đem chuyện chuyên môn ra bàn bạc
góp ý, hâm nóng lại phương pháp mới về đặc trưng bộ môn – mà đây vẫn là vấn đề chưa ngã ngũ –
cùng với việc với bài này nên dạy như thế nào để đạt chất lượng cao? Phân công dự giờ, thao giảng
góp ý chuyên môn theo chuyên đề hầu như không có, hễ ai đề cập đến chuyện CM thì vị này lảng đi
chuyện khác…“Thượng bất chính, hạ tất loạn” ông bà ta nói quả không sai. Trong cuộc họp chỉ có
vị TT này và thư ký tổ là làm việc nhiều nhất – TT truyền đạt lại nội dung của cuộc họp liên tịch,
phân công.v.v… và thư ký chép vào biên bản trong khi mặc sức các thành viên bên dưới ngồi nói
chuyện riêng, thậm chí nói to, đùa giỡn vô tư, hoặc ngồi im thin thít không hé răng nói nửa lời …
Không kiểm tra, không dự giờ, không biết giáo viên này bỏ tiết mấy lần trong tháng, giáo viên kia
có khuyết điểm gì cần chấn chỉnh, đề thi ra có chỗ nào không phù hợp, và ưu điểm gì cần phát huy.
Không theo dõi, không ghi chép, không có biểu điểm thi đua cho nên cuối năm học cứ ngó mặt nhau
– để lấy lòng GV, thế là LĐG tất cho khỏe. Còn việc đăng ký CSTĐ thì chả ai muốn, mà không ai
muốn đăng ký CSTĐ cũng đúng thôi - vì sao? Vì cái Danh hiệu CSTĐ mà TT có trong các năm qua
thật sự chưa xứng đáng cho lắm, không lẽ cả tổ không có ai đạt danh hiệu CSTĐ cũng thấy kỳ kỳ
sao ấy. Kỳ thật toàn là ‘đối phó’qua mắt cấp trên một cách ngoạn mục – Phiếu đánh giá tiết dạy thì
nhờ các giáo viên thân cận ghi khống chỉ rồi ký tên vào chứ thật sự có đi dự giờ thăm lớp gì đâu, thế
mà nhiều năm liền vẫn lọt được con mắt lãnh đạo mới tài chứ!!! Một người có lòng tự trọng thôi đã
không làm việc đó rồi huống hồ chi là một nhà giáo - mà còn giữ chức vụ TT nữa, đáng ‘Gườm’
thật!
Vị TT này miệng luôn nói áp dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy, thế nhưng có khi nào
vị này tự tay soạn một bài giảng nên nền Powerpoint để dạy một tiết hoàn chỉnh đâu, đến ngay cả
việc tải bài về từ trang GAĐT trên mạng Violet cũng không biết cách nữa mới sợ chứ “tôi không
thổi phồng lên đâu! – Khó tin nhưng có thật đấy!”. Trong các lần kiểm tra học kỳ, vị TT này lười
đến nỗi chẳng cần xem các giáo viên được phân công ra đề thi có ra đề đúng về hình thức, chính tả
không , có ma trận đề, có phản biện không? Đến khi tiến hành thi, thì có đề thi bị ‘trục trặt’ nhưng
rồi có bao giờ được đem ra để góp ý đâu, vì sợ trách nhiệm trong sai sót đó có phần của mình, cho
nên ‘huề cả làng’ chỉ tội cho các em học sinh phải vắt óc ra mà hiểu các tiêu đề, ý đồ riêng của
người ra đề, có tội nghiệp cho các em không chứ!
Để thúc đẩy việc thực hiện dạy tốt, học tốt, áp dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy, nhà
trường tổ chức hội giảng đầu năm. Trong tổ đã có Gv xung phong thực hiện việc thao giảng rồi,
nhưng để thử tài TT và cũng xem năng lực áp dụng công nghệ thông tin vào việc giảng dạy của vị
TT này đến mức độ nào ‘năng thuyết có năng hành’ không, các thành viên trong tổ đề nghị vị TT
này tham gia thao giảng. Trước sự kiên quyết yêu cầu của tổ viên, vị TT không thể nào từ chối
“cháy nhà mới ló mặt chuột” không thể kham nổi, cho nên vị này mới sử dụng ‘chiêu thức’ mới là
phân công lại cho 2 giáo viên sành về vi tính, một soạn phần đầu, một Gv khác soạn phần cuối, thêm
thắt vào chút đỉnh rồi ghép lại thành một GA soạn trên nền Powerpoint hoàn chỉnh, viện cớ là thao
giảng là việc chung của toàn tổ. Sau đó vị này đem đi thực hành và mời GV trong tổ đến dự, qua hai
lớp mà mình phụ trách xem, tập “làm nháp diễn viên” xem diễn có ăn ý khán giả không, có hợp thời
gian không, với bài giảng như vậy có phát huy trí lực học sinh – lấy HS làm TT chưa, có đúng
phương pháp…. Sau hai tiết thực hành diễn xuất nháp lại phải diễn thật rồi! Vào ngày hội giảng đó
nhà trường mời cả chuyên viên (CV) phụ trách chuyên môn của Sở về dự và góp ý. ‘Đầu có xuôi thì
đuôi mới lọt”, vị TT này ‘rào trước, đón sau’ để tạo ấn tượng ban đầu và cũng lấy lòng CV này, vị
TT đã ‘lấy của làng làm lịnh’ gọi là cả tổ cùng gặp gỡ, giao lưu tại một nhà hàng khá sang trọng.
Thế rồi ‘việc trình diễn’ cũng tạm gọi là ‘thành công’ – nhưng diễn viên thì chưa nhập vai một cách
thành thạo cho lắm và giá thành của buổi biểu diễn đó khá tốn kém đến nỗi vị CV chuyên môn sở
này cũng phải thốt lên vừa đùa, vừa thật rằng một tiết dạy như thế này quá tốn kém, phải tính tiền kê
giờ cho một GV bấm máy tính trình chiếu, ba GV khác phát bài tập được photo trên giấy, một giáo
viên trực giảng và còn tiền photo bài tập cho HS – Nhưng mà thế cũng được vì vài ba năm mới có
một lần, đem chia ra cho mấy mươi tháng học, thì cũng không đáng là bao! Câu nói mới thâm thúy
làm sao! Làm gì có chuyện trong thực tế một tiết học 45 phút lại có GV trợ giảng, không chỉ một
GV mà những bốn GV như thế, lại cộng thêm tốn cả trăm ngàn tiền photo. Nhưng rồi trong khi góp
ý tiết dạy vị TT này đã nhanh nhảu phát biểu rằng đây là công trình của tập thể tổ, giáo án do tổ
cùng soạn và TT chỉ là người đại diện lên dạy mà thôi, nghe đến đây CV này đành phải nói ‘nhìn
chung là Tốt’ một cách miễn cưỡng vì lẽ ‘đắt nhân tâm” mà, nếu nói ‘chưa được’ có phải mếch lòng
cả chục GV trong tổ đang ngồi nghe hay sao? Trơ trẽn làm sao! Đến khi nhận thưởng và quà lưu
niệm do nhà trường trao nhân ngày hội giảng, vị TT này nhận một cách “phấn khởi” không ngượng
ngùng và sử dụng phần thưởng này riêng cho cá nhân mình thôi. Thậm tệ hơn là vị TT này chẳng có
một lời cảm ơn chung chung đến các đồng nghiệp đã giúp đỡ mình soạn bài, trợ giảng chứ chưa nói
đến một ly nước thay lời cảm ơn. Lại một phen ‘xầm xị sau lưng’ giữa các thành viên trong tổ. Thấy
mới ‘kỳ quặc’ không chứ!
Để trang bị kiến thức tốt cho HS trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, sở GD&ĐT có công văn chỉ
thị mỗi tổ CM ở các trường THPT phải nộp lên một đề thi thi thử, sau đó chia sẻ giữa các trường với
nhau. Không biết là vì căn bệnh lười biếng đang hoành hành hay không đủ trình độ ra đề hay sao mà
vị TT này nhờ ai đó tải về một đề thi ngẫu nhiên từ mạng Violet. Khi nộp lên, đề thi này không qua
mắt được các CV của Sở cho nên đề thi đó bị loại ngay, không nằm trong danh sách các đề thi được
chia sẻ trên mạng của sở. ‘Thật buồn!’. Và còn có một việc làm khá ‘khó coi’ là khi đăng ký CSTĐ,
vị TT này phải viết sáng kiến kinh nghiệm. Mà SKKN là những gì đã áp dụng qua thực tiễn rồi, dù
là ở chừng mực nào đó thôi mà có hiệu quả và do tự tay mình sáng kiến ra thì mới đúng nghĩa của
nó, đàng này vị TT này ‘xơi tái’ một SKKN của đồng nghiệp chia sẻ để áp dụng rồi biến SKKN này
như một con ếch ‘bị thịt” chặt đầu, chặt đui lấy khúc giữa. Còn sỉ nhục nào hơn việc làm này! Hằng
ngày đứng trước lớp thầy giáo dạy HS phải thật thà, phải tư duy trong học tập, phải phát huy trí lực
… phải tôn trọng luật pháp, một lời nói của người khác, khi sử dụng ta cũng phải đặt giữa hai dấu
ngoặc kép, huống hồ gì mà cả một SKKN, là tác phẩm nhỏ của người khác, phải tốn bao là thời gian
viết lên. Thế mà vị TT này làm được cái việc ‘động trời’ đó mà không có một mảy may hổ thẹn với
chính bản thân mình, chứ chưa nói là hổ thẹn vì tiếng vào, lời ra trong đồng nghiệp – khi ký tên xác
nhận vào SKKN này tất cả các thành viên trong tổ đều tủm tỉm cười – vì quá ư là lố bịch. Trong lúc
nghành giáo dục đang thực hiện cuộc vận động hai không với năm nội dung cho toàn thể giáo viên,
nhằm xây dựng một mái trường thân thiện – Học sinh tích cực. Mà mái trường thân thiện phải là nơi
có những người thầy cô giáo có phẩm chất tốt, trước là phải giữ được quan hệ tốt với nhau. Đâu đó
vẫn còn có những mẫu chuyện thật đáng ‘xao lòng’ - Đáng tiếc thay!!!
Lê Thanh Chính Trực - Ghi theo lời kể của một số thầy cô giáo - 05/2009