THẤY GÌ TỪ TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ CỦA VIỆT NAM
Mức độ tăng trưởng kinh tế của mỗi quốc gia đều phụ thuộc vào các yếu tố đầu vào
và đầu ra. Nghiên cứu về sự đóng góp của các yếu tố đối với tăng trưởng kinh tế có ý
nghĩa về nhiều mặt, không những xác định vị trí của từng yếu tố để có kế hoạch khai
thác, mà còn có ý nghĩa xác định được yếu tố tiềm ẩn gia tăng lạm phát.
1- Tăng trưởng do các yếu tố đầu vào: Tăng trưởng kinh tế xét ở đầu vào, có ba yếu tố đóng góp.
Đó là sự đóng góp của yếu tố số lượng vốn đầu tư, đóng góp của số lượng lao động và đóng góp
của yếu tố năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP). Theo tính toán ban đầu, yếu tố số lượng vốn
đầu tư đã đóng góp khoảng 57%, yếu tố số lượng lao động đóng góp khoảng 20%, yếu tố TFP
đóng góp 23%. Từ sự đóng góp như trên, có thể rút ra một số nhận xét đáng lưu ý.
Một là, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam dựa chủ yếu vào sự đóng góp của yếu tố số lượng vốn
đầu tư. Tỷ lệ vốn đầu tư so với GDP từ năm 2004 đến nay đều đã vượt qua mốc 40% (năm 2004
đạt 40,7%, năm 2005 đạt 40,9%, năm 2006 đạt 41%, ước năm 2007 đạt 40,4%), kế hoạch năm
2008 còn cao hơn, lên đến 42%.
Đây là tỷ lệ thuộc loại cao nhất thế giới, chỉ sau tỷ lệ trên dưới 44% của Trung Quốc - một tỷ lệ làm
cho tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đạt cao nhất thế giới, đã nhiều năm liền tăng hai chữ số,
hiện đang giữ kỷ lục thế giới về số năm tăng trưởng liên tục (28 năm), nhưng Trung Quốc đưa ra
mục tiêu giảm độ nóng của tăng trưởng và đẩy mạnh chống lạm phát do tốc độ tăng giá tính theo
năm của tháng 2/2008 đã lên đến 8,3%, cao nhất trong 12 năm qua.
Hai là, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam hiện còn dựa một phần quan trọng vào yếu tố số lượng
lao động, sự quan trọng này được xét trên hai mặt. Một mặt, do nguồn lao động hàng năm vẫn còn
tăng khoảng 2%, tức là trên 1 triệu người mỗi năm. Mặt khác, do tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị và tỷ
lệ thiếu việc làm ở nông thôn còn cao.
Ba là, nếu tính cả sự đóng góp của yếu tố số lượng vốn đầu tư và sự đóng góp của yếu tố số
lượng lao động, thì hai yếu tố này đã đóng góp trên ba phần tư tổng tốc độ tăng trưởng kinh tế của
Việt Nam. Điều đó chứng tỏ, sự đóng góp của yếu tố TFP đối với tổng tốc độ tăng trưởng kinh tế
còn nhỏ, chưa được một phần tư, thấp chỉ bằng hai phần ba tỷ trọng đóng góp của yếu tố này của
các nước trong khu vực hiện nay.
Điều đó cũng chứng tỏ, nền kinh tế Việt Nam hiện vẫn đi theo hướng tăng trưởng về số lượng,
chưa chuyển sang tăng trưởng về chất lượng, vẫn chủ yếu phát triển theo chiều rộng, chưa
chuyển mạnh sang phát triển theo chiều sâu.
Hiệu quả sử dụng vốn chưa cao: TFP là tổng hợp của các nhân tố hiệu quả sử dụng vốn đầu tư và
năng suất lao động. Hiệu quả sử dụng vốn đầu tư được thể hiện ở nhiều chỉ tiêu. Gần đây, trên
các diễn đàn hội thảo và trên một số phương tiện thông tin đại chúng, khi đề cập đến hiệu quả đầu
tư các chuyên gia thường dùng hệ số ICOR.
Chỉ tiêu này được tính bằng nhiều cách, song theo cách tính đơn giản mà các chuyên gia đề cập
là lấy tỷ lệ vốn đầu tư/GDP chia cho tốc độ tăng trưởng GDP. Hệ số ICOR càng lớn thì hiệu quả
đầu tư càng thấp và ngược lại.
Tỷ lệ vốn đầu tư/GDP và tốc độ tăng GDP thì ICOR qua các thời kỳ như sau: Tính chung ICOR
của Việt Nam trong thời kỳ 1991-2007 là 4,86 lần, cao hơn nhiều so với 2,7 lần của Đài Loan
(trong thời kỳ 1961-1980), 3 lần của Hàn Quốc (trong thời kỳ 1961- 1980), 3,7 lần của Indonesia
(trong thời kỳ 1981-1995), 4 lần của Trung Quốc (trong thời kỳ 2001-2006), 4,1 lần của Thái Lan
(trong thời kỳ 1981-1995); cũng cao hơn so với 4,6 lần của Malaysia (trong thời kỳ 1981-1995).
Điều đó chứng tỏ, hiệu quả đầu tư của Việt Nam còn thấp
Hiệu quả đầu tư còn được tính theo cách lấy GDP chia cho vốn đầu tư hàng năm (đều tính theo
giá thực tế). Theo cách này, thì GDP/vốn đầu tư (có nghĩa là 1 đồng vốn đầu tư tạo ra được bao
nhiêu đồng GDP) của Việt Nam đã bị sút giảm qua các thời kỳ: nếu thời kỳ 1991-1995 đạt 3,55
đồng/đồng, thì năm 1996-2000 còn 3,0 đồng/đồng, 2001-2005 còn 2,56 đồng/đồng, 2006-2007 còn
2,46 đồng/đồng.
Năng suất lao động của toàn nền kinh tế thấp (năm 2007) mới đạt 25.886.000 đồng/người, của
nhóm ngành nông, lâm nghiệp - thuỷ sản còn đạt thấp hơn chỉ có 9.607.000 đồng/người, ngay cả
nhóm ngành công nghiệp-xây dựng cao nhất cũng mới đạt 55.072.000 đồng/người và của nhóm
ngành dịch vụ cũng chỉ đạt 38.159.000 đồng/người. (quy ra USD các số liệu tương ứng: khoảng
1.600 USD, 600 USD, 3.438 USD, và 2.385 USD).
Các con số trên còn thấp xa so với năng suất lao động chung của thế giới (trên 14.600 USD), còn
thấp hơn cả mức bình quân đầu người của thế giới (khoảng 6.500 USD/người). Với năng suất
thấp như trên thì giá trị thặng dư còn đang rất nhỏ nhoi.
Một nền kinh tế tăng trưởng chủ yếu dựa vào vốn, mà hiệu quả đầu tư thấp, nhất là hiệu quả đầu
tư của khu vực kinh tế Nhà nước còn thấp hơn; năng suất lao động thấp,... nên nhu cầu đối với
tiền tệ, yêu cầu cung tiền luôn luôn cao, tạo sức ép làm tăng lạm phát. Sức ép này cộng hưởng với
lạm phát trên thế giới trong khi đồng Việt Nam được neo giá chặt với USD mà USD lại mất giá lớn
so với các đồng tiền mà Việt Nam có quan hệ buôn bán lớn nhất lại càng tạo ra sưc ép lạm phát
tại Việt Nam lớn hơn các nước.
2- Các yếu tố đầu ra: Tăng trưởng kinh tế xét ở yếu tố đầu ra có ba yếu tố đóng góp. Đó là sự
đóng góp của tiêu dùng cuối cùng, của tích lũy tài sản, của xuất khẩu ròng (xuất khẩu ròng được
tính bằng xuất khẩu trừ đi nhập khẩu). Có một số nhận xét được rút ra từ đóng góp của các yếu tố
đầu ra đối với tăng trưởng kinh tế:
Thứ nhất, tăng trưởng kinh tế chủ yếu do tăng trưởng tiêu dùng cuối cùng. Điều đó được lý giải là
do quy mô GDP của Việt Nam còn thấp, nên tỷ trọng tiêu dùng cuối cùng hiện đang chiếm tỷ trọng
lớn trong GDP (trên dưới 70%); mức tiêu dùng bình quân đầu người trong nhiều năm còn thấp nên
nhu cầu và tốc độ tăng thường khá cao (mấy năm liên tục tăng trên 7%, gần bằng với tốc độ tăng
của GDP).
Một nét quan trọng là tiêu dùng cuối cùng thông qua mua bán trên thị trường ngày một chiếm tỷ
trọng lớn, do tốc độ tăng qua các năm (đã loại trừ yếu tố giá) gần đây liên tục tăng hai chữ số
(năm 2002 tăng 11,2%, năm 2003 tăng 15,2%, năm 2004 tăng 10,8%, năm 2005 tăng 11,3%, năm
2006 tăng 12,5%, năm 2007 tăng 11,4%). Khi tiêu dùng cuối cùng thông qua mua bán trên thị
trường tăng nhanh và trở thành động lực của tăng trưởng kinh tế thì một mặt nó hấp dẫn các nhà
đầu tư nước ngoài, mặt khác tạo áp lực tăng cung tiền tệ, tạo áp lực lạm phát.
Cùng với tăng trưởng tiêu dùng chung thì tiêu dùng của một bộ phận dân cư đã tăng rất cao về
quy mô, đa dạng về chủng loại, mẫu mã, chất lượng. Cùng với xu hướng này cũng đã xuất hiện
tâm lý ưa chuộng hàng hiệu, hàng ngoại, thậm chí mua bán với bất kỳ giá nào.
Thứ hai, tăng trưởng kinh tế do tăng trưởng tích lũy tài sản chiếm tỷ trọng khá cao. Đây cũng là
một tín hiệu tốt thể hiện tâm lý tiết kiệm để dành cho tích lũy của khu vực Đông Nam Á nói chung
và Việt Nam nói riêng.
Tuy nhiên, bên cạnh việc trực tiếp đầu tư tăng trưởng, có một phần không nhỏ đã được để dành
dưới dạng cất trữ hoặc chạy lòng vòng qua các kênh gây ra những cơn sốt nóng hoặc lạnh ở các
kênh này mà không được đầu tư trực tiếp cho sản xuất kinh doanh. Hiện có hàng trăm tỷ đồng vốn
đầu tư đang được chôn vào bất động sản, vàng.
Thứ ba, tăng trưởng xuất khẩu ròng hiện đang mang dấu âm do nhập siêu gia tăng mạnh cả về
quy mô, cả về tỷ lệ so với xuất khẩu. Nhập siêu cả về hàng hóa, cả về dịch vụ. Riêng về hàng hóa,
năm 2007 lớn gấp 2,5 lần năm 2006, năm nay mới qua 3 tháng mà đã gấp 3,8 lần cùng kỳ, khả
năng cả năm có thể gấp rưỡi hoặc cao hơn so với năm trước.(vneconomy.com.vn