Tình hình bệnh trên cá tra nuôi hiện nay
Nguồn: vietlinh.com.vn
Trong vài năm trở lại đây, phong trào nuôi cá tra xuất khẩu ở DBSCL tăng
rất nhanh, đem về cho đất nước một nguồn ngoại tệ rất lớn. Thế nhưng, do phát
triển quá nhanh không theo quy hoạch nên bệnh trên cá tra nuôi hiện nay xảy ra
ngày càng nhiều nhưng việc điều trị lại kém hiệu quả đang là vấn đề quan tâm
hàng đầu của người nuôi cá và cả các nhà chuyên môn.
Qua thực tế sản xuất, cần một số giải pháp nhằm hạn chế tình hình dịch
bệnh hiện nay.
Con giống: Trước đây giống cá tra nuôi là nguồn giống tự nhiên kết hợp
với môi trường nuôi còn tốt nên cá có sức sống cao và bệnh trên cá nuôi trong thời
gian này rất ít khi xảy ra. Tuy nhiên, từ năm 1999 thì việc sản xuất giống nhân tạo
cá tra phát triển, sản lượng giống nhân tạo ngày một tăng nhanh để đáp ứng nhu
cầu người nuôi, nhưng mặt trái của sự gia tăng sản lượng giống là chất lượng
giống ngày càng suy giảm do đa số các trại giống đều chưa có lý lịch cá bố mẹ,
tuyển chọn cá bố mẹ từ các ao nuôi cùng đàn có thể gây nên hiện tượng đồng
huyết từ đó cá bột nở ra có sức sống kém hơn nhiều so với cá bột khai thác từ tự
nhiên.
Chính vì vậy, để con giống cá tra đảm bảo chất lượng (có giấy chứng nhận
của cơ quan quản lý khi xuất bán) cung cấp cho người nuôi, các ngành chức năng
cần tăng cường kiểm soát chất lượng tại các cơ sở sản xuất cá giống, đảm bảo trại
sản xuất giống đạt tiêu chuẩn ngành mới được hành nghề và kiên quyết xử lý
những trường hợp vi phạm, và điều quan trọng là lương tâm trách nhiệm của
người làm giống.
Môi trường: Hầu hết các trại nuôi cá đều không dành diện tích làm ao xử lý
nước mà nước ao nuôi được thải trực tiếp ra sông rạch và nước cấp vào ao cũng lại
lấy trực tiếp từ sông rạch nên việc lây nhiễm bệnh rất cao. Nguyên nhân nguồn
nước nuôi cá tra có dấu hiệu ô nhiễm cao có thể là:
+ Hai bờ sông Hậu và sông Tiền có nhiều khu công nghiệp xen lẫn với các
trang trại nuôi cá tra. Nước thải các khu công nghiệp chưa qua xử lý mà thải trực
tiếp ra sông rạch là mối nguy lớn do nước chứa nhiều hóa chất độc và kim loại
nặng. Các ngành có liên quan nên có những biện pháp kỹ thuật xử lý nước thải áp
dụng thích hợp cho các nhà máy sản xuất đó và xử lý nghiêm những trường hợp
xả nước thải trực tiếp ra môi trường của các nhà máy ở khu công nghiệp vì công
việc này trước nay thực hiện chưa được tốt, có như vậy mới góp phần làm cho môi
trường được trong sạch nếu không sẽ tạo ra những dòng sông chết rất khó khắc
phục.
+ Dư lượng thuốc bảo vệ thực vật từ ruộng, vườn chảy ra sông rạch sau
những trận mưa cũng là nguồn ô nhiễm nguy hiểm. Hướng tới các ngành chuyên
môn có liên quan cần nghiên cứu những quy trình kỹ thuật theo hướng “sạch” và
hướng dẫn cho mọi người nông dân áp dụng vào quy trình sản xuất của mình
nhằm đảm bảo được môi trường và sản phẩm “sạch” cho con người.
+ Thải trực tiếp nước ao nuôi cá, bùn đáy ao, nước sinh hoạt từ các khu dân
cư không được xử lý ra môi trường chung cũng góp phần làm nước sông ô nhiễm
hữu cơ tăng cao, làm hàm lượng oxy trong nước giảm, các khí CO2, H2S… tăng
lên. Ngoài ra việc xả nước từ các ao cá bệnh, vứt cá chết bừa bãi ra nguồn nước
hay tận dụng cá bệnh làm thức ăn cho cá trê, cá lóc đã làm bệnh phát triển thêm
trên phạm vi rộng. Các hộ nuôi nên có kế hoạch xây dựng ao lắng và ao xử lý
nước thải, từng bước áp dụng các quy trình kỹ thuật mới (SQF, GAP…).
Môi trường nuôi ngày càng biểu hiện xấu kết hợp với việc nuôi cá tra phát
triển nhanh mà không theo quy hoạch (lượng chất hữu cơ thải trực tiếp ra môi
trường là rất lớn so với nuôi các đối tượng thủy sản khác) nên cá nuôi ngày càng
phải chịu đựng với điều kiện môi trường sống khắc nghiệt, dễ bệnh hơn trước rất
nhiều lần. Chính vì vậy, hiện nay người nuôi phải thực hiện việc phát triển nuôi
thân thiện với môi trường làm sao không làm thay đổi môi trường mà làm môi
trường tốt hơn bằng các biện pháp như áp dụng quy trình kỹ thuật nuôi tiên tiến:
nuôi trong vùng quy hoạch, có ao xử lý nước, sử dụng hóa chất, kháng sinh hợp lý.
Mật độ nuôi cao hơn khuyến cáo kỹ thuật rất nhiều (50-80 con/m2) có
những bất lợi nghiêm trọng như:
+ Cá nuôi luôn ở trong tình trạng stress liên tục mà đó là nhân tố tác động
đến sự bộc phát bệnh và gây chết cá.
+ Việc thiếu oxy gây cho cá luôn trong tình trạng sức khỏe yếu. Khi oxy
thấp cá phải trồi lên mặt nước đớp khí liên tục để lấy oxy và sự vận động liên tục
làm tiêu hao năng lượng và dễ nhiễm ngoại ký sinh ở mang.
+ Làm tăng lượng mùn bã hữu cơ do thức ăn dư thừa và chất thải của cá từ
đó làm nước luôn trong tình trạng giàu dinh dưỡng. Khí NH3, tiêu hao oxy hóa
học (COD), tiêu hao oxy sinh học (BOD) cao và oxy luôn thấp nên người nuôi
phải thay nước liên tục để loại bớt độc chất, tăng oxy và qua đó góp phần đưa
mầm bệnh và nguồn nước xấu từ ngoài vào ao nuôi (nhất là đối với trường hợp lấy
nước trực tiếp ngoài môi trường).
+ Làm cạnh tranh không gian sống dẫn đến cá phân đàn cao, cá yếu và cá
nhỏ luôn bị cá khỏe chen lấn, cạnh tranh thức ăn, cạnh tranh không gian sống nên
phải dạt vào bờ và nhóm cá này ngày càng yếu và dễ bệnh hơn do chất lượng nước
gần bờ xấu, nhiều rong tảo và thiếu thức ăn.
Từ những bất lợi của việc nuôi mật độ cao như trên, người nuôi phải nhìn
nhận rõ một thực tế là nuôi mật độ cao chưa chắc có hiệu quả cao bằng nuôi mật
độ vừa phải như khuyến cáo kỹ thuật và điều quan trọng là nó không mang được
tính bền vững trong nghề nuôi cá tra.
Từ các yếu tố được đề cập cho thấy con giống suy thoái kết hợp mật độ
nuôi cao và môi trường nước ngày càng ô nhiễm là nguyên nhân làm cho bệnh
trên cá tra nuôi xảy ra nhiều hơn trong giai đoạn hiện nay. Nếu tất cả những người
nuôi đều đồng lòng biết được những nguyên nhân trên và tìm hướng khắc phục
những nguyên nhân đó thì nghề nuôi cá tra sẽ phát triển bền vững.