Tải bản đầy đủ (.pdf) (170 trang)

Triết lý nhân sinh trong phúc âm và ý nghĩa của nó đối với lối sống của tín đồ công giáo việt nam hiện nay

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (1.1 MB, 170 trang )

ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN

ĐỖ XUÂN HIỂN

TRIẾT LÝ NHÂN SINH TRONG PHÚC ÂM
VÀ Ý NGHĨA CỦA NÓ ĐỐI VỚI LỐI SỐNG
CỦA TÍN ĐỒ CÔNG GIÁO VIỆT NAM HIỆN NAY

LUẬN ÁN TIẾN SĨ TRIẾT HỌC

HÀ NỘI - 2017


ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN

ĐỖ XUÂN HIỂN

TRIẾT LÝ NHÂN SINH TRONG PHÚC ÂM
VÀ Ý NGHĨA CỦA NÓ ĐỐI VỚI LỐI SỐNG
CỦA TÍN ĐỒ CÔNG GIÁO VIỆT NAM HIỆN NAY

LUẬN ÁN TIẾN SĨ TRIẾT HỌC
Chuyên ngành: CNDVBC&CNDVLS
Mã số: 62.22.03.02
Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS. LÊ THỊ VÂN HẠNH
XÁC NHẬN NCS ĐÃ CHỈNH SỬA THEO QUYẾT NGHỊ
CỦA HỘI ĐỒNG ĐÁNH GIÁ LUẬN ÁN TIẾN SĨ CẤP ĐHQG

Người hướng dẫn khoa học



Chủ tịch Hội đồng đánh giá
Luận án tiến sĩ

PGS.TS. Lê Thị Vân Hạnh

PGS.TS. Nguyễn Anh Tuấn

HÀ NỘI - 2017


LỜI CAM ĐOAN

Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của
riêng tôi. Các số liệu nêu trong luận án là trung thực, có
nguồn gốc rõ ràng. Những kết luận khoa học của luận án
chưa được ai công bố trong bất kỳ công trình nào.

Hà Nội, ngày 27 tháng 12 năm 2017
TÁC GIẢ LUẬN ÁN

Đỗ Xuân Hiển


DANH MỤC CÁC CHỮ VIẾT TẮT

1 Cr

: 1. Cô-rin-tô


1Mcb

: 1 Ma-ca-bê

2 Tm

: 2 Ti-mô-thê

2Mcb

: 2 Ma-ca-bê

Cv

: Công vụ Tông đồ

Ga

: Gio-an

GH

: Giáo hội

GHCG

: Giáo hội Công giáo

Gl


: Ga-lát

GM

: Giám mục

Hc

: Huấn ca

HĐGM

: Hội đồng Giám mục

Lc

: Lu-ca

LM

: Linh mục

Lv

: Lê-vi

Mc

: Mác-cô


Mt

: Mát-thêu

NCS

: Nghiên cứu sinh

Nxb

: Nhà xuất bản

Pl

: Phi-líp-phê

Rm

: Rô-ma

St

: Sáng thế

Tp.

: Thành phố

UBĐKCGVN


: Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam

UBTWMTTQVN : Ủy ban Trung ương Mặt Trận Tổ quốc Việt Nam


CHÚ GIẢI CÁCH TRÍCH DẪN TÀI LIỆU THAM KHẢO
Trong luận án này, chúng tôi sử dụng cách trích dẫn cụ thể sau đây:
Thứ nhất, với tài liệu tham khảo của Giáo hội Công giáo, chúng tôi sử
dụng phương pháp trích dẫn phổ thông của Công giáo: Chẳng hạn, tài liệu là
Kinh thánh, khi trích dẫn đoạn 5, từ câu 2 đến câu 11 Sách Tin Mừng theo
Thánh Mát-thêu (Tám mối phúc), chúng tôi ghi [Mt 5, 2-11]; hoặc khi trích
dẫn đoạn 5, câu 17 Sách Sáng thế, chúng tôi ghi [St 5, 17].
Thứ hai, với những tài liệu tham khảo khác, chúng tôi sử dụng phương
pháp trích dẫn thông thường của một luận án tiến sỹ


MỤC LỤC
Trang
MỤC LỤC .................................................................................................................................. 1
MỞ ĐẦU..................................................................................................................................... 2

Chương 1: TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN ĐẾN
ĐỀ TÀI ....................................................................................................................................... 7
1.1. Những công trình nghiên cứu về hoàn cảnh ra đời của triết lý nhân sinh
trong Phúc âm .....................................................................................................7
1.2. Những công trình nghiên cứu tiếp cận đến nội dung cơ bản của triết lý
nhân sinh trong Phúc âm...................................................................................16
1.3. Những công trình tiếp cận tới ảnh hưởng của triết lý nhân sinh trong
Phúc âm đến lối sống của người Công giáo Việt Nam hiện nay......................26
1.4. Đánh giá chung về các nghiên cứu và những vấn đề luận án cần tiếp tục

giải quyết ..........................................................................................................31
Chương 2: KHÁI QUÁT CHUNG VỀ PHÚC ÂM VÀ NHỮNG ĐIỀU KIỆN,
TIỀN ĐỀ RA ĐỜI CỦA TRIẾT LÝ NHÂN SINH TRONG PHÚC ÂM............................. 34
2.1. Khái quát về Phúc âm và một số khái niệm liên quan .......................................34
2.2. Những điều kiện dẫn đến sự ra đời của triết lý nhân sinh trong Phúc âm .........42
2.3. Các tiền đề lý luận dẫn đến sự ra đời của triết lý nhân sinh trong Phúc âm...........56
Chương 3: NỘI DUNG CỦA TRIẾT LÝ NHÂN SINH TRONG PHÚC ÂM ................... 74
3.1. Quan niệm về lẽ sống trong Phúc âm.................................................................74
3.2. Quan niệm về lối sống trong Phúc âm ...............................................................89
3.3. Một số nhận xét về triết lý nhân sinh trong Phúc âm.......................................104
Chương 4: Ý NGHĨA CỦA TRIẾT LÝ NHÂN SINH TRONG PHÚC ÂM ĐỐI
VỚI LỐI SỐNG TÍN ĐỒ CÔNG GIÁO VIỆT NAM VÀ VẤN ĐỀ ĐẶT RA,
KHUYẾN NGHỊ ....................................................................................................................112

4.1. Ý nghĩa của triết lý nhân sinh trong Phúc âm đối với lối sống của tín đồ
Công giáo Việt Nam .......................................................................................112
4.2. Lối sống của tín đồ Công giáo ở Việt Nam hiện nay - những vấn đề đặt
ra và khuyến nghị đối với Đảng, Nhà nước....................................................133
KẾT LUẬN.............................................................................................................................148
DANH MỤC CÁC CÔNG TRÌNH KHOA HỌC ĐÃ CÔNG BỐ CỦA TÁC GIẢ
LIÊN QUAN ĐẾN LUẬN ÁN...............................................................................................150
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO ..............................................................................151
PHỤ LỤC

1


MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Xã hội phương Tây hiện đại đang đứng trước một sự thật là, dù khoa

học và công nghệ đã đem lại những tiền đề cần thiết cho sự phát triển toàn
diện của con người, song việc quá đề cao giá trị vật chất cùng với kiểu tư duy
duy lý có phần cực đoan, ít nhiều đã làm cho con người đánh mất những giá
trị tinh thần nhân văn cao cả. Các dục vọng "tham, sân, si", các con quỷ satan
"danh, lợi, tình, quyền" dường như ngày càng đóng vai trò là"chủ nhân" đích
thực của con người [178, tr.262]. Là một trong các đại diện vĩ đại nhất của
khoa học tự nhiên thế kỷ XX, Albert Einstein nhận thấy sự "lệch chuẩn" về
giá trị ở con người hiện đại do quá sa vào lối sống duy vật chất [48, tr.54-55].
Nền văn minh hiện đại ngày càng dễ bị tổn thương hơn và nhân tố chủ yếu tạo
ra mối nguy hiểm ấy lại là cái ác tiềm ẩn nơi bản thân con người cùng với sự
vô trách nhiệm, vị kỷ, sử dụng mọi phương tiện để sát hại đồng loại của mình.
Chính vì vậy, với tính cách là lĩnh vực biểu thị "lòng nhân", "hướng
thiện" của con người, tôn giáo tiếp tục có ảnh hưởng đáng kể đến nếp sống
của con người hiện đại. Tôn giáo, quan điểm nhân sinh và đạo đức tôn giáo,
đang đóng vai trò một nhân tố kích thích con người giữ lại nhân tính đích thực
cho lẽ sống của mình. Một bài học từ kinh nghiệm của xã hội phương Tây
hiện đại là, trong điều kiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá, cần phải chú trọng
nhiều hơn tới những giá trị văn hóa tinh thần ẩn chứa trong văn hóa nhân văn
nói chung và trong các tôn giáo nói riêng, không nên để cho "Chúa đã chết"
(Nietzsche), "ngày tàn của Châu Âu" (Spengler), "khủng hoảng của loài
người" (Husserl), "phi nhân văn hóa triết học và nghệ thuật" (Ortega y
Gasset) diễn ra.
Việt Nam là một quốc gia đa văn hóa, dân tộc, tôn giáo; việc tìm ra
"cộng đồng chung về giá trị tinh thần nhân văn" cho một cuộc sống an bình
trên mảnh đất từng kinh qua nhiều cuộc chiến tàn khốc cùng với biết bao mất

2


mát về người và của, đòi hỏi người Việt Nam cần nhận thức đúng các giá trị

văn hóa, nhân văn của tín ngưỡng, tôn giáo đang tồn tại, tích hợp chúng
nhằm làm phong phú thêm văn hóa tinh thần người Việt truyền thống theo
tinh thần "tôn giáo là văn hóa" của Hồ Chí Minh. Muốn vậy, trước hết chúng
ta cũng cần quán triệt quan điểm, chính sách đối với tôn giáo của Đảng ta là:
Đạo đức tôn giáo có nhiều điểm phù hợp với công cuộc xây dựng xã hội
mới. Xây dựng văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động
lực để phát triển đất nước, văn hóa phải đặt ngang hàng với kinh tế, chính
trị. Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc đi đôi với tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân
loại. Phát triển văn hóa để xây dựng con người phát triển toàn diện. Ngày
nay, đất nước ta đang ở thời kỳ phát triển đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện
đại hóa nhằm mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn
minh" và đã đạt được những thành công nhất định. Mức sống và chất lượng
sống của người dân đã từng bước được cải thiện. Những thành quả của công
cuộc "Đổi mới đất nước" tạo ra những tiền đề có tính quyết định cho sự phát
triển toàn diện con người.
Kitô giáo là một tôn giáo thế giới, đang tồn tại ở hầu khắp các nước
trên thế giới. Kitô giáo đề cao cái đẹp tinh thần, cái thiện, đạo đức thánh
thiện, tình yêu tha nhân. Tại Việt Nam, Kitô giáo, gồm cả đạo Công giáo và
đạo Tin lành, từ lâu đã trở thành tôn giáo của một bộ phận dân cư không nhỏ;
trong đó đạo Công giáo có tín đồ đông đảo hơn và có bề dày truyền thống
hơn. Đạo Công giáo đã và đang hòa nhập, đồng hành cùng với văn hóa Việt,
góp phần làm phong phú văn hóa Việt nhờ những giá trị tốt đẹp mà nó mang
lại. Các giá trị văn hóa nhân sinh của đạo Công giáo thể hiện cô đọng nhất
trong Phúc âm, với nội dung triết lý nhân sinh sâu sắc, phản ánh những giá trị
căn bản nhất của bản chất người, giúp con người hoàn thiện đạo đức, lối sống
của mình. Triết lý nhân sinh của Phúc âm đề cập tới những chiều cạnh nền
tảng của tồn tại người như những nguyên lý sinh tồn của con người, cơ sở bản

3



thể của sự sống đích thực người, mà nếu phát huy được vai trò của nó hiện
nay, sẽ góp phần đáng kể vào việc khắc phục mối nguy hiểm lớn nhất của loài
người là "không có khả năng tái hiện nhân tính" (S.Franc). Chính Phúc âm đề
cập tới "nhân tính" đó của loài người cũng như cách thức bảo vệ, gìn giữ và
phát triển nó.
Tại Việt Nam, Phúc âm đã và đang tiếp tục được phổ biến với chủ đề
cụ thể hằng năm trong cộng đồng Công giáo. Như: năm 2014 là năm Tân
Phúc âm hóa đời sống gia đình, năm 2015 là Phúc âm hóa đời sống giáo xứ
và cộng đoàn và năm 2016 là năm Phúc âm hóa đời sống xã hội. Việc
nghiên cứu Phúc âm từ phương diện triết học nhân sinh không chỉ có giá trị
lý luận, mà còn có ý nghĩa thực tiễn to lớn. Ở nước ta, đã có những công
trình nghiên cứu Phúc âm, nhưng chủ yếu mới dừng lại ở góc độ thần học,
do đó còn có nhiều vấn đề đòi hỏi phải được nghiên cứu từ phương diện triết
học mác xít, không phải để phủ định sạch trơn, mà để kế thừa biện chứng,
theo tinh thần tiếp biến văn hóa mà Lênin đã lưu ý những người Cộng sản.
Hơn nữa, từ mục tiêu xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, chúng
ta cần nghiên cứu triết lý nhân sinh được đúc kết trong Phúc âm để nhận
thức một cách có chiều sâu những biểu hiện của chúng trong lối sống, lẽ
sống của đồng bào Công giáo Việt Nam, để rồi có giải pháp phát huy mặt
tích cực của nó nhằm làm phong phú cho nền văn hóa dân tộc.
Những vấn đề nêu ra trên đây đã chứng tỏ tính cấp thiết cả về mặt lý
luận và thực tiễn hiện nay. Vì thế, NCS quyết định lựa chọn đề tài "Triết lý
nhân sinh trong Phúc âm và ý nghĩa của nó đối với lối sống của tín đồ
Công giáo Việt Nam hiện nay" làm luận án tiến sỹ triết học của mình.
2. Mục đích và nhiệm vụ của luận án
Mục đích nghiên cứu của luận án là phân tích các nội dung cơ bản
trong triết lý nhân sinh của Phúc âm; phân tích, làm rõ ý nghĩa của nó đối với
lối sống của tín đồ Công giáo Việt Nam hiện nay.


4


Để đạt tới mục đích đó, luận án sẽ giải quyết những nhiệm vụ cơ
bản sau:
- Nêu rõ hoàn cảnh và các tiền đề dẫn tới sự ra đời của triết lý
nhân sinh trong Phúc âm.
- Phân tích và hệ thống hóa các nội dung cơ bản của triết lý nhân sinh
trong Phúc âm.
- Làm rõ ý nghĩa của triết lý nhân sinh trong Phúc âm đối với lối sống của
tín đồ Công giáo Việt Nam hiện nay.
3. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu của luận án
Luận án được triển khai dựa trên cơ sở lý luận của chủ nghĩa Mác Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về tôn giáo nói chung và đạo Công giáo nói
riêng. Đồng thời có tham khảo một số lý thuyết khác nghiên cứu về tôn giáo,
như: Lý thuyết thực thể tôn giáo, lý thuyết xung đột, văn hóa vùng - lịch sử và
tâm lý học tôn giáo.
Luận án được tiến hành với việc sử dụng phương pháp luận của chủ
nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử. Đồng thời luận án
sử dụng các phương pháp nghiên cứu khoa học liên ngành, như phương
pháp nghiên cứu của nhân học tôn giáo, triết học tôn giáo, tôn giáo học,
chính trị học, sử học; và các phương pháp nghiên cứu cụ thể khác, như hệ
thống - cấu trúc, nguyên tắc thống nhất giữa lôgíc với lịch sử, phân tích với
tổng hợp...
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của luận án
Đối tượng nghiên cứu: Luận án nghiên cứu triết lý nhân sinh của đạo
Công giáo được trình bày trong sách Phúc âm của Kinh thánh Tân ước và
biểu hiện, ý nghĩa đối với lối sống của tín đồ Công giáo Việt Nam.
Phạm vi nghiên cứu gồm: bốn văn bản Phúc âm của các Thánh Mátthêu, Lu-ca, Mác-cô, Gio-an trong Kinh thánh Tân ước và các văn kiện của

5



Giáo hội Công giáo liên quan tới triết lý nhân sinh trong Phúc âm cùng những
tài liệu thực tiễn về đồng bào Công giáo ở Việt Nam hiện nay.
5. Đóng góp mới của luận án
- Làm rõ quan niệm và những nội dung cơ bản của triết lý nhân sinh
trong Phúc âm; đưa ra những nhận xét về triết lý nhân sinh trong Phúc âm.
- Khái quát những biểu hiện cơ bản của triết lý nhân sinh trong Phúc
âm ở đời sống tín đồ Công giáo Việt Nam từ các phương diện đạo và đời
hiện nay.
- Rút ra những vấn đề đặt ra từ lối sống của đồng bào Công giáo Việt
nam hiện nay đối với mối quan hệ giữa Công giáo và dân tộc.
6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận án
- Luận án mong muốn góp phần cung cấp một số luận cứ khoa học để
tham khảo trong việc xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật của Đảng
và Nhà nước đối với tôn giáo nói chung và với đạo Công giáo nói riêng ở Việt
Nam hiện nay; đồng thời sử dụng làm tài liệu học tập cho sinh viên, học viên
Học viện Cảnh sát nhân dân nói riêng và các Học viện, trường Đại học Công
an nhân dân.
- Luận án, ở một mức độ nhất định, có ý nghĩa như một đóng góp trực
tiếp cho việc đổi mới công tác đối với Công giáo ở nước ta hiện nay.
7. Kết cấu của luận án
- Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo và phụ lục,
luận án bao gồm 4 chương, 12 tiết.

6


Chương 1
TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU

LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI
Triết lý nhân sinh trong Phúc âm là một trong các nội dung quan trọng
nhất của sách Tân ước. Do đó, việc nghiên cứu Phúc âm nói chung và triết lý
nhân sinh trong Phúc âm nói riêng đã được các nhà khoa học, các giáo phụ,
các nhà biện hộ giáo và học giả của Hội Thánh nghiên cứu trên các phương
diện khác nhau. Trên thế giới đã có một số công trình nghiên cứu về Phúc
âm và triết lý nhân sinh trong Phúc âm. Ở nước ta, việc nghiên cứu Phúc âm
nói chung và triết lý nhân sinh trong Phúc âm nói riêng cho đến nay chưa
thật sự nhiều.
Với mục đích tìm hiểu những nghiên cứu đã thực hiện liên quan đến
hướng nghiên cứu của luận án, làm rõ những kết quả đã đạt được và đặt ra
những vấn đề cần được tiếp tục nghiên cứu trong luận án của mình, NCS tìm
đọc và tổng quan những nghiên cứu về triết lý nhân sinh trong Phúc âm và ảnh
hưởng của nó đến lối sống của tín đồ Công giáo Việt Nam hiện nay như sau.
1.1. Những công trình nghiên cứu về hoàn cảnh ra đời của triết lý
nhân sinh trong Phúc âm
1.1.1. Nghiên cứu về điều kiện ra đời của triết lý nhân sinh trong
Phúc âm
Về điều kiện kinh tế - xã hội và chính trị cho sự ra đời của triết lý nhân
sinh trong Phúc âm, có thể khẳng định rằng, triết lý Kitô giáo là đối tượng
nghiên cứu từ rất lâu của nhiều thế hệ các học giả. Song, không hiểu tại sao
các điều kiện kinh tế - xã hội và chính trị cho sự ra đời của nó lại ít được bàn
luận. Ngay cả các công trình nghiên cứu mác xít về lịch sử tư tưởng triết học
phương Tây trung cổ [58], trong đó triết học Kitô giáo chiếm ưu thế tuyệt đối,
từ lập trường lý luận là quan niệm duy vật về lịch sử, cũng không phân tích
sâu sắc và toàn diện các điều kiện này.

7



Mặc dù vậy, gần đây chúng ta có thể bắt gặp một số tài liệu luận bàn
một cách gián tiếp về các điều kiện lịch sử - xã hội và chính trị cho sự ra đời
của Kitô giáo cùng với triết lý nhân sinh của nó. Trong cuốn "Do Thái trí tuệ
toàn thư", các tác giả Long Đan và Đỗ Văn Bình (Nxb. Thời đại, Hà Nội,
2010) đã giới thiệu lịch sử Do Thái trước khi Chúa Kitô xuất hiện. Nó bao
gồm ba lần mất nước là lần thứ nhất vào năm 721 tr.Cn, lần thứ hai vào năm
331 tr.Cn, lần thứ ba vào năm 64 tr.Cn, hệ quả là Jerusalem bị san bằng, đền
thờ bị phá hủy, hàng vạn người Do Thái gồm cả quốc vương, các nhà tư tế,
cho tới dân thường bị bắt đi đày làm nô lệ ở Babylon, các bộ tộc Do Thái bị ly
tán và bất đồng với nhau, bị "Hy Lạp hóa" và sự kết hợp văn hóa Hy Lạp với
văn hóa Do Thái truyền thống đã làm hình thành một nền văn hóa đặc trưng
vừa mang tính Do Thái vừa mang tính Hy Lạp [41, tr.40-48].
Theo các tác giả, chính điều kiện lịch sử - xã hội và chính trị ấy đã dẫn
tới triết lý nhân sinh của Kitô giáo. Sự suy thoái và sụp đổ của Vương quyền
Hobre, đền thờ bị tàn phá cùng sự biến mất của Nhóm Sadoc với các nhà tư tế
đã mở đường cho các nhà hiền triết, học giả tôn giáo lớn mạnh trong vai trò là
chỗ dựa tinh thần cho cộng đồng Do Thái. Khi Vương quốc Hobre bị xóa sổ,
vương thất bị bắt đày sang Ba Tư, chính quyền của người Do Thái không còn
nữa. Đền thờ bị phá hủy, giới tư tế, được coi là trung gian giữa người Do Thái
với Thiên Chúa cũng mất vai trò đối với cộng đồng, đó chính là lúc các học
giả Kinh thánh với vai trò là những "ngôn sứ" của Thiên Chúa xuất hiện
hướng dẫn người Do Thái tuân giữ Lề luật, yêu thương nhau, lên án cái ác và
nuôi dưỡng lòng tin vào Thiên Chúa. Có nhiều "ngôn sứ" lớn đã xuất hiện,
nhưng người hoàn thành suất sắc vai trò đề cao cái thiện, lên án cái ác và dự
báo sự xuất hiện của Chúa Giêsu chính là ông Gio-an "Tiền hô". Trong dòng
chảy của lịch sử, những năm tháng khổ nạn và hạnh phúc, các yếu tố của tinh
thần bác ái sống trong lòng người Do Thái để rồi Chúa xuất hiện một cách
toàn diện trong Tân ước [41, tr.52-55].

8



Trong cuốn "Tôn giáo học nhập môn" (Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2006),
khi phân tích điều kiện chính trị - xã hội cho sự ra đời tư tưởng triết lý nhân
sinh của Kitô giáo, các tác giả nêu bật một thực tế là vốn ra đời trong lòng các
giáo phái khắc kỷ, chống đối lại Do Thái giáo bị giáo điều hóa, xuyên tạc và
chính quyền La Mã, Kitô giáo nguyên thủy ngay từ đầu đã tự tuyên bố mình
là học thuyết của dân nghèo bị áp bức, của những người cùng khổ và bị tù
đày. Với tính cách là học thuyết mang tính "an ủi", định hướng nghị lực của
những người bị áp bức vào các lý tưởng tôn giáo, Kitô giáo nguyên thủy
không những đối lập với những kẻ cầm quyền, chịu sự truy nã tàn bạo từ phía
chính quyền, mà còn chứa đựng những yếu tố cấp tiến. Đó là việc không chấp
nhận những chuẩn tắc sinh hoạt (lối sống) đã hình thành. Mặc dù không mang
tinh thần cách mạng tích cực, nhưng với việc tuyên bố nguyên tắc bình đẳng
giữa người với người và tuân giữ điều đó, sự ra đời của triết lý nhân sinh Kitô
giáo là lời thách thức đối với trật tự xã hội phân biệt đẳng cấp đương thời.
Bài học về nhân sinh quan cơ bản được rút ra từ đó là cần học hỏi văn
hóa khoan dung và hòa bình trong thế giới vốn có đầy rẫy những xung đột.
Tin và yêu, cam chịu và hy vọng là những phẩm chất cần thiết để xác lập
nhân sinh quan dựa trên tình yêu tha nhân như Chúa Giêsu đã dạy: "Hãy
thương yêu người ta như mình ta vậy". Như vậy, tư tưởng triết lý nhân sinh cơ
bản của Kitô giáo là tư tưởng về tội lỗi và cứu rỗi con người. Con người mắc
tội trước Chúa và chính điều này làm cho mọi người trở nên bình đẳng.
Nhưng con người có thể thanh tẩy tội lỗi, nếu họ ý thức là họ mắc tội, nếu họ
hướng ý nghĩ của mình vào việc thanh tẩy tội lỗi, biết ăn năn và sám hối [155,
tr.90-91]. Tư tưởng này có ý nghĩa rất quan trọng đối với định hướng tư tưởng
của luận án.
Từ những nguồn tài liệu đã được NCS sưu tầm, có thể khẳng định rằng,
các điều kiện kinh tế - xã hội cho sự ra đời tư tưởng triết lý nhân sinh trong
Phúc âm chưa được nghiên cứu thỏa đáng. Vì vậy NCS sẽ phải phân tích


9


chúng cách toàn diện và sâu sắc hơn trong Luận án của mình để nêu bật tính
chất duy vật lịch sử trong cách tiếp cận của mình với vấn đề triết lý nhân sinh
trong Phúc âm.
Về các điều kiện văn hóa, trước hết cần nhắc tới công trình "Các phạm
trù văn hoá Trung cổ" [58] (Nxb. Văn hóa thông tin, 1987) của nhà nghiên
cứu A.Ja.Gurevich người Nga, trong đó ông đã đề cập tới điều kiện văn hóa
cho sự ra đời của văn hóa trung cổ nói chung và chủ yếu là tư tưởng triết lý
nhân sinh của Kitô giáo nói riêng như hạt nhân của nó. Theo A.Ja.Gurevich,
triết học là sự phản tư đối với những cơ sở văn hóa của thời đại lịch sử tương
ứng bằng hệ thống các phạm trù của mình. Với cách tiếp cận nhân học văn
hóa sâu sắc và hoàn toàn xác thực như vậy, ông đã xác lập những phạm trù cơ
bản của văn hoá Trung cổ là không gian, thời gian, lao động, phụng tự,
Thượng đế để nêu bật những biểu hiện cơ bản của triết lý nhân sinh Kitô giáo
qua lối sống của các tín đồ.
Cuốn sách "Tôn giáo học nhập môn" (Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2006)
đưa ra tư tưởng rằng, triết lý nhân sinh của Kitô giáo biểu thị các phẩm chất
của con người thể hiện trên các mặt sinh hoạt chính trị - xã hội, kinh tế và đạo
đức. Triết lý này biểu hiện sự khủng hoảng của những giá trị văn hóa nhân
sinh Hy La cổ đại: thói ích kỷ, thái độ thờ ơ đối với đau khổ của tha nhân, và
cho rằng các giá trị tinh thần của Kitô giáo với cốt lõi là "tình yêu tha nhân"
chính là lối thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng ấy. Nói cách khác, những giá trị
duy lý và duy mỹ của văn hóa Hy lạp cổ đại là chưa đủ, cần bổ sung giá trị
duy thiện như ba "đế", "rường cột" cho một cuộc sống cộng đồng tốt đẹp.
Trong tác phẩm "Do Thái trí tuệ toàn thư" (Nxb. Thời đại, Hà Nội,
2010), các tác giả Long Đan và Đỗ Văn Bình nhấn mạnh rằng, sự đô hộ và áp
đặt văn hóa của người Hy Lạp và người Ba Tư lên người Do Thái đã tạo điều

kiện cho người Do Thái tiếp thu có chọn lọc và phát triển tinh hoa triết học
Hy Lạp, tôn giáo Ba Tư để tiếp tục củng cố, bảo vệ niềm tin tôn giáo của dân

10


tộc mình và hình thành tôn giáo thế giới. Với Bái Hỏa giáo Ba Tư, sau khi
được phép trở về xây dựng lại Jerusalem, người Do Thái đã tiếp thu một số
yếu tố của Bái Hỏa giáo để chỉnh sửa lại giáo quy Do Thái giáo, đã tiếp nhận
có chọn lọc và phát triển một số yếu tố trong tư tưởng triết học Hy Lạp để
hình thành nền triết học Do Thái - Hy Lạp mang đậm sắc thái phương Đông.
Chính trong những ngày tháng đau khổ, người Do Thái đã nhận ra rằng, các
dân tộc khác cũng chịu chung số phận như họ và người Do Thái có chung nỗi
niềm đồng cảm này. Họ cảm thấy đây là sự bất công và nhân loại cần đến sự
che chở của một Đấng Cứu thế và tất cả phải được cố kết với nhau bằng tình
bác ái cao cả theo tinh thần vạn vật đồng nhất thể và sự thiện tuyệt đối. Chúa
Kitô xuất hiện trong hoàn cảnh như vậy [41, tr.57-60].
Trong tập I cuốn "Lịch sử triết học phương Tây", gồm 3 tập (Nxb.
Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2015), tác giả Đỗ Minh Hợp đã nêu bật các đặc
điểm văn hóa của giai đoạn La Mã trong dòng chảy chung của tư tưởng Hy La cổ đại. Đây cũng chính là điều kiện văn hóa cho sự ra đời của triết lý
nhân sinh trong Phúc âm. Tác giả khẳng định rằng, cùng với việc mở rộng
lãnh thổ Hy Lạp sang không gian Ba Tư, thế giới trở nên quá lớn và không
thể bao quát hết. Nếu trước đây mỗi công dân đều có thể quan sát hết cuộc
sống của polis, lợi ích xã hội và lợi ích cá nhân ở đây hòa làm một, giữa
chúng không có xung đột đáng kể. Thì nay, kiểu xã hội mới (chế độ quân
chủ Hy Lạp, sau đó - Đế chế La Mã) thể hiện là một thực tại hoàn toàn khác.
Thế giới mới thực sự không thể bao quát hết, ý thức con người bị lúng túng
trước không gian bao la, những đô thị, những cá nhân và những quan hệ vô
cùng đa dạng. Con người riêng biệt, nếu nó không phải là đại diện của quyền
lực tối cao, không còn có ảnh hưởng đến tiến trình của những sự kiện xã hội.

Cuộc sống riêng tư và cuộc sống xã hội hoàn toàn bị tách biệt, xã hội trở
thành môi trường xa lạ đối với con người, không tương dung với tồn tại cá
thể của nó [88, tr.345].

11


Theo tác giả, vào thời Cổ đại hậu kỳ, tư duy triết học có động lực của
mình là nhu cầu tinh thần: "con người sống trên thế gian như thế nào?" Vấn
đề về số phận của con người là vấn đề chủ yếu trong suốt quá trình phát triển
của tư tưởng Cổ đại. Song, trong mỗi giai đoạn, nó được xem xét và giải
quyết trong bối cảnh khác biệt. Triết học Cổ đại hậu kỳ tiếp tục quan tâm sâu
sắc đến số phận con người. Nhưng, khác với triết học cổ điển, các nhà triết
học thời Hy Lạp hóa - La Mã không quan niệm thế giới người là một chỉnh
thể thống nhất. Triết học Cổ điển quan niệm cá thể người và loài người có liên
hệ mật thiết: đây là hai phương diện của một tồn tại. Triết học Cổ đại hậu kỳ
tách biệt thế giới xã hội và đời sống nhà nước ra khỏi cá nhân, coi chúng
mang tính bên ngoài đối với họ. Bây giờ, con người là một cá thể người cụ
thể, là một cá nhân cụ thể. Tư tưởng triết học thời Hy Lạp hóa - La Mã quan
tâm đến chính số phận của cá nhân ở trên thế gian.
Các nhà triết học Cổ đại hậu kỳ hướng đến mục đích: họ cố hiểu cái gì
trong cuộc đời này là tốt nhất đối với con người, con người đạt tới trạng thái
tồn tại tốt nhất, hạnh phúc nhất như thế nào? Thêm vào đó, con người không
còn là con người cùng với những khát vọng (chính trị hay văn hóa) chung, mà
là cá nhân cụ thể. Họ quan tâm đến địa vị cá nhân trên thế gian này, đến
những năng lực và những vấn đề của cá nhân, đến các lực lượng tác động đến
mỗi cá nhân, đến những xung đột chúng ta trải qua, kết cục của chúng và
thâm nhập của chúng vào số phận cá nhân. Con người đang sống trên thế gian
cần đề cao cái gì và đi theo con đường nào để đạt tới số phận tốt đẹp nhất,
hạnh phúc nhất? - đó là vấn đề then chốt, mọi tìm tòi của các nhà triết học cổ

đại hậu kỳ. Trong lịch sử văn minh châu Âu không có một thời đại lớn nào
mà cá nhân tự cảm nhận thấy mình sâu sắc và trở thành chỗ dựa quan trọng
như vậy cho tồn tại của riêng mình.
Trong suốt sáu thế kỷ - từ khi vương quốc của Alexandr Macédonia
hình thành cho đến lúc Đế chế Kitô giáo của Constantine xuất hiện, - loài

12


người cổ đại đã để cho cá nhân hoàn toàn dựa vào những nỗ lực của bản thân.
Tín đồ Kitô giáo có Chúa và Kinh thánh" [88, tr.356-359]. Những nhận xét
sâu sắc này cho thấy rõ bối cảnh văn hóa cho sự ra đời của tư tưởng triết lý
nhân sinh trong Phúc âm như triết lý mang đậm sắc thái nhân cách chủ nghĩa,
duy đạo đức.
Như vậy, tài liệu nghiên cứu về các điều kiện kinh tế - xã hội, chính trị,
văn hóa cho sự ra đời triết lý nhân sinh trong Phúc âm vẫn còn ít, các tài liệu
hiện có mới chỉ khái quát được sinh hoạt văn hóa tinh thần ở thời đại Hy Lạp
hậu kỳ đang suy thoái, "thú tính" đang vượt trội "nhân tính" và ra sức lộng
hành. Sự tồn tại và phát triển của văn minh Cổ đại bị đe dọa, đòi hỏi phải tạo
dựng một hệ thống giá trị văn hóa tinh thần mới. Tư tưởng triết lý nhân sinh
trong Phúc âm là câu trả lời cho vấn đề cốt tử về nhân sinh quan của con
người Cổ đại.
1.1.2. Các tài liệu về tiền đề lý luận ra đời triết lý nhân sinh trong
Phúc âm
Tổng quan những tài liệu thuộc nhóm này, có thể khái quát như sau.
Trong bài viết "Bái Hỏa giáo và dấu vết trong Kitô giáo qua sách Tân
ước" (T/c Nghiên cứu Tôn giáo, 11, 2015, tr.77-90), ngoài phần nội dung giới
thiệu cô đọng những luận điểm cơ bản của tôn giáo này, tác giả Bùi Kim
Chuyên đã chỉ ra hàng loạt ảnh hưởng của Bái Hỏa giáo đến tư tưởng triết lý
nhân sinh trong Phúc âm. Đó là: (1) nhân sinh quan "lấy bác ái làm hạt nhân";

(2) quan điểm về cái ác như kết quả của việc con người tự do lựa chọn để đi
theo cái Thiện hoặc cái Ác; (3) quan điểm của Bái Hỏa giáo về đạo đức trong
sạch toàn diện được kế thừa và phát triển thành mối quan hệ bác ái. Tác giả
kết luận "Tư tưởng bác ái của Kitô giáo trong Tân ước có một phần kế thừa và
phát triển theo cách riêng những tiền đề tư tưởng của Bái Hỏa giáo ở các quan
điểm: Thiên đường - Địa ngục; sự phán xét; cuộc sống đời sau và quan điểm
về cái ác" [30, tr.87].

13


Những tài liệu về ảnh hưởng của triết lý nhân sinh trong Cựu ước đến
sự ra đời của tư tưởng triết lý nhân sinh trong Phúc âm của LM. Lý Minh
Tuấn, đặc biệt các kết quả nghiên cứu trong hai cuốn sách với nhan đề là
"Đức Giêsu: cái nhìn từ Cựu ước" (Nxb. Tôn giáo, HN., 2013) và" Công giáo
và Đức Kitô: Kinh thánh qua cái nhìn từ phương Đông"(Nxb. Tôn giáo, HN.,
2014). Trong hai cuốn sách này, LM. Lý Minh Tuấn phân tích quá trình ra
đời, hình thành và phát triển của tư tưởng triết lý nhân sinh trong Phúc âm
như sự phản ánh của quá trình hình thành những giá trị tinh thần - đạo đức
chung của nhân loại diễn ra ở tất cả các nền văn hoá phương Đông và phương
Tây và được phản ánh trong những tác phẩm văn hóa và đặc biệt là trong triết
lý nhân sinh tương ứng. Một điểm cần lưu ý là vấn đề "tư tưởng triết lý nhân
sinh trong Phúc âm" đã được LM. Lý Minh Tuấn xem xét từ góc độ quan hệ
giữa "Ngã" với "tha Nhân", tức là từ góc độ quan hệ liên cá nhân, dưới chiều
cạnh văn hóa nhân sinh. Hơn nữa, lịch sử nhân loại được ông luận giải chính
từ góc độ phát triển tính nhân văn trong quan hệ "đối nhân" dựa trên cơ sở
"đối thần". Đây là cái nhìn sâu sắc và lạc quan về tương lai của loài người từ
góc độ phát triển văn hóa nhân sinh, trong đó tôn giáo giữ một vị trí đáng kể.
Từ góc độ đó, LM. Lý Minh Tuấn đã trình bày khái quát lịch sử xuất hiện,
tiến hóa và hoàn thiện tư tưởng triết lý nhân sinh trong Phúc âm. Tài liệu này

có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với việc tìm hiểu tiền đề tư tưởng cho sự ra
đời triết lý nhân sinh trong Phúc âm.
Trong cuốn " Triết học thượng cổ Tây phương ảnh hưởng trên Kitô
giáo " (Nxb. Phương Đông, 2010), tác giả Phan Văn Tình đã luận giải hình
tượng Chúa Giêsu theo quan điểm triết học Phương Tây cổ đại. Theo tác giả,
quan niệm về Thượng Đế được xây dựng nhờ xuất phát từ tư tưởng của hai
triết gia là Plato và Aristotle. Theo Plato, Thượng Đế là sự thiện tuyệt đối, là
ý tưởng tuyệt đối và sự hiện hữu của Ngài là không thể nghi ngờ. Mọi sự tốt
lành và vũ trụ đều được tạo ra do sự ưu ái của Thượng Đế. Theo Aristotle, sự

14


vận động là có tính thường hằng và tất cả sự vận động đều do kết quả tác
động của "Đệ nhất Động cơ" có tính thường hằng. Về sau, các triết gia Kitô
giáo gắn cho "Đệ nhất Động cơ" một cái tên mới là "Thiên Chúa". Theo tác
giả, điều này có vẻ hơi khiên cưỡng và cắt xén. Phan Văn Tình cho rằng, con
đường khả dĩ nhất để nhận thức được Thiên Chúa là thông qua triết học, tôn
giáo và khoa học [149, tr.29-32].
Cuốn "Đại cương lịch sử triết học phương Tây" (Nxb. Đại học Tổng
hợp Hồ Chí Minh, Tp. HCM, 2006) của nhóm tác giả Đỗ Minh Hợp, Nguyễn
Thanh, Nguyễn Anh Tuấn đã chỉ ra triết học Hy Lạp cổ đại là tiền đề quan
trọng của triết lý nhân sinh trong Phúc âm. Các tác giả khẳng định "Kitô giáo
đánh dấu một bước ngoặt triệt để trong tư duy triết học… việc phổ biến Kitô
giáo đồng thời cũng có nghĩa là sự xuất hiện một triết học mới" [84, tr.121].
Trong cuốn sách này, các tác giả đã phân tích ảnh hưởng của triết học Hy Lạp
cổ đại trên tư tưởng triết lý nhân sinh trong Phúc âm được thể hiện qua sự
hình thành một văn hóa nhân sinh mới. Văn hóa này có các nền tảng của mình
là tính toàn vẹn và toàn thiện của nhân cách lý tưởng (chủ nghĩa nhân cách),
là tự do ý chí trong lựa chọn nhân tính, là tính siêu nhiên và siêu việt của nhân

tính và bản chất tinh thần của "ngã" đích thực [84, tr.122-128].
Trong tác phẩm "Hành trình khám phá triết học Phương Tây" (Phạm
Phi Hoành dịch, Nhà xuất bản Từ điển Bách khoa, năm 2012), Willam
F.Lawhead đã bàn về tiền đề tư tưởng cho sự ra đời tư tưởng nhân sinh quan
then chốt của Phúc âm "tôn giáo tình yêu tha nhân" là các tư tưởng triết học
của Socrates và Plato. Theo tác giả, quan điểm của Socrates về con người với
phần linh hồn và thân xác cũng đã rõ ràng. Theo đó, phần "Psyche" (dịch là
linh hồn) là luồng khí của sự sống, còn thân thể là con người vật chất, linh
hồn là bản chất của con người, còn thân thể chỉ là phần vật chất đi kèm. Nếu
chỉ chăm lo cho phần thân xác, tích lũy của cải, danh vọng, mà không chăm lo
phần linh hồn, thì cũng giống như đánh bóng cho đôi giày, nhưng bỏ mặc đôi

15


chân lở loét. Socrates lên án lối sống chạy theo thân xác và vị kỷ cá nhân vì
nó hủy hoại tâm hồn và không gì có thể tệ hại hơn cho con người là có một
tâm hồn bệnh hoạn. Ông đề cao việc hoàn thành tốt nhiệm vụ với mọi người.
Ông chủ trương, thà chịu đau khổ còn hơn là gây ra đau khổ cho người khác.
Với Plato, con người gồm hai phần: 1) thể xác, tức là phần hữu hình biến đổi
và không thật, 2) phần siêu hình chứa linh hồn, giá trị và tính hữu lý của con
người. Theo Willam F.Lawhead, triết học Socrates và Plato đã làm rõ nội hàm
của tình yêu tha nhân trong quan hệ giữa người với người [105, tr.61-74].
Như vậy, sau khi tổng quan tài liệu có liên quan tới các tiền đề tư tưởng
cho sự ra đời triết lý nhân sinh trong Phúc âm, có thể khẳng định rằng, các
tiền đề tư tưởng cho sự ra đời triết lý nhân sinh trong Phúc âm được các tác
giả chỉ ra là Bái Hỏa giáo, tư tưởng triết học của Cựu ước và triết học Hy La
cổ đại. Song, dường như các tác giả chủ yếu chỉ tập trung phân tích tiền đề tư
tưởng triết học Hy Lạp cổ đại đã có ảnh hưởng trên tư tưởng triết lý nhân sinh
trong Phúc âm. Duy nhất LM. Lý Minh Tuấn cố phác họa mối liên hệ mang

tính phát sinh về mặt tư tưởng giữa tư tưởng triết lý nhân sinh trong Cựu ước
với triết lý nhân sinh trong Phúc âm.
1.2. Những công trình nghiên cứu tiếp cận đến nội dung cơ bản của
triết lý nhân sinh trong Phúc âm
1.2.1. Những tài liệu liên quan đến nội dung triết lý nhân sinh trong
Phúc âm
Phúc âm được viết vào khoảng những thế kỷ đầu Công nguyên.
Xuyên suốt Phúc âm là câu chuyện về Chúa Giêsu như "Thiên Chúa làm
người và sống giữa loài người", giáng thế truyền giảng về Nước Trời, ơn
cứu độ và cái chết của Ngài để chuộc lỗi cho cả loài người. Theo đó, con
người ta vì tội Tổ tông nên đã quên mất rằng, mỗi người đều có thể trở thành
con của Thiên Chúa. Do vậy Phúc âm xác quyết rằng, mọi người là bình

16


đẳng và nếu biết ăn năn sám hối, biết ăn ở trọn lành, thực hiện lối sống bác
ái, yêu thương tha nhân, thì sẽ được về bên Thiên Chúa trong ngày phán xét
chung. Ngược lại, sẽ bị vứt xuống địa ngục cho khóc lóc và nghiến răng. Nói
cách khác, do mối quan hệ giữa người với người bị "lỗi", nên người ta cư xử
với nhau khá vị kỷ, chỉ vì cái tôi cá nhân mà đã làm nên nhiều hệ lụy xấu
trong quan hệ giữa người với người. Chính lúc đó đã xuất hiện nhà tư tưởng
Giêsu với triết lý yêu thương. Triết lý nhân sinh của Chúa Giêsu đã chỉ ra
thế nào là cái ác và sửa "lỗi" trong mối quan hệ giữa người với người theo
hướng bác ái, mở ra thời kỳ Tin Mừng, đưa nhân loại tiến tới cùng đích
Chân, Thiện, Mỹ. Để hình thành toàn cảnh các nghiên cứu về tư tưởng triết
lý nhân sinh trong Phúc âm, nghiên cứu sinh giới thiệu một số công trình
nghiên cứu quan trọng sau đây.
Trong cuốn "Tôn giáo Lý luận Xưa và Nay" (Nxb. Đại học Tổng hợp
Thành phố Hồ Chí Minh, 2006), các tác giả đặt ra vấn đề: phải chăng tất cả

mọi cái ở đây đều được vay mượn, sáng tác ra hay là có một cơ sở lịch sử
thực nào đó? Theo phái Thần học, cơ sở của truyền thống Phúc âm là các thần
thoại, trước hết là thần thoại về thần chết đi và sống lại mà tất cả các tôn giáo
Cận Đông đều biết rất rõ, như thần thoại về sự thụ thai trinh bạch. Những luận
điểm xác đáng của trường phái này thể hiện ở chỗ, cơ sở thần thoại của Phúc
âm là một điều hiển nhiên, rằng những vay mượn và việc xử lý những ảnh
hưởng xa lạ trong khuôn khổ của một sự tổng hợp mới thật sự là cơ sở quan
trọng, nền móng của Tin lành. Theo phái Lịch sử, cơ sở của truyền thống
Phúc âm là những sự kiện có thực. Tuy nhiên, có rất nhiều câu hỏi mà phái
này không thể trả lời được như: Phải chăng trong hiện thực lịch sử có nhà
truyền giáo đi phiêu bạt kiểu như vậy? Và nếu có thì ông ta đã ở những đâu và
khi nào? Ông ta đã truyền bá những gì, ai đã đi theo ông ta, tất cả những điều
đó dẫn tới cái gì ?

17


Trong cuốn " Công giáo và Đức Kitô: Kinh thánh qua cái nhìn từ
phương Đông" (Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2014), vốn là người ủng hộ phái lịch
sử, Lý Minh Tuấn lại sử dụng chính các tư liệu lịch sử của người Do thái và
người La Mã để chứng minh Chúa Giêsu là nhân vật lịch sử có thật [165,
tr.643]. Lý Minh Tuấn lý giải thần tính trong con người Chúa Giêsu [165,
tr.655-658]. Trong cuốn "Ông tổ Đạo Công giáo", (Nhà in Rô-ma, 71
Gambetta, Đại lộ Hàng cỏ, Hà Nội, 1948), tác giả Đông Anh tìm ra ở Chúa
Giêsu tất cả những bản tính tốt của con người để chứng minh Đức Ngài là
Thiên Chúa. Cũng đi theo phái lịch sử, Giáo sư Pier Luigi Baima Bollone
trong cuốn "Mầu nhiệm của tấm khăn liệm" (do Nhà Xuất bản Sperling và
Kupfert ấn hành năm 1996) đã xác nhận tính xác thực của Tấm khăn liệm
Thành Turino thông qua các phân tích khoa học hiện đại. Theo ông, kết quả
phân tích đồng vị Carbon (C14) cho thấy tấm khăn này là minh chứng cho

việc có một Chúa Giêsu bằng xương bằng thịt và đã chết theo những trình tự
ghi trong Phúc âm.
Trong cuốn "Kinh thánh thật sự dạy gì", (Nhà Xuất bản Watch Tower
Bible and Tract Society of Pensylvania, Mỹ, 2011) đã đánh giá tích cực những gì
Kinh thánh mang lại cho con người. Theo đó, những điều tốt đẹp trong Kinh
thánh không hề hão huyền. Trong đời sống hiện đại, Kinh thánh giúp người ta
đối phó tốt hơn với những vấn đề của ngày nay và làm cho tâm trí người ta trở
nên thanh thản bằng cách giải đáp một số thắc mắc, như nguồn gốc của đau khổ,
cách thức vượt qua lo âu trong cuộc sống, con đường dẫn tới cuộc sống gia đình
hạnh phúc, số phận của con người sau cái chết [102, tr.6].
Ngoài ra, chúng ta còn cần phải kể tới các công trình của Giáo hội Công
giáo đề cập tới triết lý nhân sinh trong Phúc âm. Đó là cuốn "Sách Giáo lý của
Hội thánh Công giáo" (Catechismus Catholicae Ecclesiae) do Tòa thánh Vatican
soạn thảo và Đức Giáo hoàng Gioan - Phaolô II công bố năm 1992 (Nxb. Tôn
giáo, HN, 2012). Tác phẩm này thể hiện rõ sự trở về một cách mạnh mẽ với tinh

18


thần của triết lý nhân sinh trong Phúc âm cùng với hơi thở thời đại được Công
đồng Vatican II gợi hứng. Có thể nói, Giáo lý của Hội thánh Công giáo là bản
tổng quát về tư tưởng triết lý nhân sinh trong Phúc âm.
"Bộ Giáo luật 1983" (Nxb. Tôn giáo, HN., 2007) là bộ luật hoàn chỉnh
đầu tiên của Giáo hội Công giáo sau gần 2000 năm tồn tại, nó có mục đích
định hướng sinh hoạt của tín đồ Kitô giáo vào những giá trị tinh thần nền
tảng, cấu thành bổn phận của người Công giáo trong đời sống đức tin, như tự
do, lương tâm, lề luật, quyền bính và ánh sáng của Kinh thánh.
Một tài liệu có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với việc làm sáng tỏ nội
dung của triết lý nhân sinh trong Phúc âm là Tóm lược học thuyết xã hội của
Giáo hội Công giáo do Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình công bố

(Tóm lược học thuyết xã hội của Giáo hội. Nxb. Tôn giáo, HN, 2009). Tóm
lược này tập trung vào những giá trị bất khả xâm phạm của con người, vào
bổn phận của cá nhân trong các lĩnh vực hoạt động xã hội khác nhau và trong
sự tương tác với tha nhân nhằm bảo vệ và nâng cao phẩm giá con người.
Trong Lời mở của 11 chương sách Sáng thế (NXB. Tôn giáo, HN,
2000), Linh mục Giuse Nguyễn An Khang nhấn mạnh tự do là giá trị tinh
thần quan trọng nhất của con người, quy định nhân tính đích thực của con
người. Triết lý nhân sinh trong Phúc âm xoay quanh vấn đề về tự do ý chí của
con người và thái độ trung thành với Chúa (mẫu nhân tính lý tưởng).
1.2.2. Những tài liệu nghiên cứu tiếp cận đến quan niệm về lẽ sống
trong Phúc âm
Đối với triết lý nhân sinh trong Phúc âm, "Bài giảng trên núi" được coi
là Hiến chương Nước Trời, nên sự chỉ dẫn được nêu ra trong bản văn này có
một giá trị vô song trong hành trình của ơn gọi làm người. Các công trình
nghiên cứu trên, ít hay nhiều đều viện dẫn đến bản văn này. Đặc biệt, "Phúc
âm vào đời - Khảo học về bài giảng trên núi của Chúa Giê-su" (Nxb. Tôn
giáo, HN., 2006) của Nguyễn Sinh là một khảo cứu công phu về tư tưởng triết

19


lý nhân sinh trong Phúc âm và có giá trị thực tiễn cao. Trước hết, tác giả tiến
hành phân tích một cách chi tiết về Tám mối phúc thật như những nhân đức
của con người lý tưởng và từ đó, tác giả vạch rõ những bổn phận của Kitô hữu
với tính cách là "người tín đồ thật". Tám mối phúc được liên hệ đến mười
điều răn thành những quy chuẩn về "đạo làm người" (lẽ sống) và những chỉ
dẫn về "con đường đạt đạo" (lối sống).
Nói về con đường để trở nên nhân cách hoàn thiện, lý tưởng theo triết
lý nhân sinh Kitô giáo, công trình "Gương Chúa Giêsu" (Nxb. Tôn giáo, Hà
Nội, 2009, do Lm. Lê Bá Tư dịch) của Thomas Kempit có nội dung rất phong

phú và sâu sắc. Đây là "cẩm nang" dành cho các cha đạo của Giáo hội Công
giáo, có sức ảnh hưởng rất lớn trong hoạt động giáo dục đạo đức cho con
người phương Tây. Công trình này bàn luận về tất cả các phẩm chất đạo đức
cần phải có của tín đồ Kitô giáo để trở nên nhân cách lý tưởng theo như Chúa
Giêsu - Đấng được nhìn nhận dưới góc độ một nhân cách hiện sinh trọn vẹn,
một nhân cách lý tưởng tuyệt đối.
Hàng loạt những công trình đề cập đến "nhân cách lý tưởng" đối với
Kitô hữu như: "Những mẫu gương sống thánh thiện" (Nxb. Tôn giáo, HN.,
2012) của Lm. Vũ Văn Tự Chương, "Niềm tin của người Công giáo" (Nxb.
Tôn giáo, HN., 2009, Phạm Minh Thiện, Tống Viết Hiệp, Phạm Minh Trinh
dịch) của Bruno Chenu, Francois Caudreau, "Đời sống mới trong Chúa Kitô"
(Nxb. Tôn giáo, HN, 2012) của R.Cantalamessa, "Tình yêu chính là sứ vụ"
(Nxb. Tôn giáo, HN, 2012) của Lm. Quirico T. Pedregosa, "Hôn nhân thánh"
(Nxb. Tôn giáo, HN, 2013) của Gary Thomas, "Những nẻo đưởng theo Chúa
Kitô") (Nxb. Tôn giáo, HN, 2012) của Gérard Muchery, G.Calos, "Suy Lời
Chúa, ngẫm sự đời" (Nxb. Tôn giáo, HN, 2010) của Linh mục Dương Trung
Tín, "Lời Chúa và cuộc sống" (Nxb. Tôn giáo, HN, 2010) của Xuân Thu,
"Sống với Đức Giêsu Kitô như được trình bày trong Tin mừng" (Nxb. Tôn
giáo, HN, 2009) của Vinh Sơn Quang Huy, "Đường về Emmaus" của ĐGM.

20


×