Tải bản đầy đủ (.pdf) (189 trang)

SỰ KẾ THỪA VÀ PHÁT TRIỂN NGHỆ THUẬT CHÈO TRUYỀN THỐNG CỦA TÀO MẠT TRONG BỘ BA BÀI CA GIỮ NƯỚC

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (2.47 MB, 189 trang )

GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH

VIỆN VĂN HÓA NGHỆ THUẬT QUỐC GIA VIỆT NAM

Nguyễn Thị Thanh Nga

SỰ KẾ THỪA VÀ PHÁT TRIỂN
NGHỆ THUẬT CHÈO TRUYỀN THỐNG CỦA TÀO MẠT
TRONG BỘ BA BÀI CA GIỮ NƯỚC

LUẬN ÁN TIẾN SĨ NGHỆ THUẬT

Hà Nội – 2018


ii

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH

VIỆN VĂN HÓA NGHỆ THUẬT QUỐC GIA VIỆT NAM
------------

Nguyễn Thị Thanh Nga

SỰ KẾ THỪA VÀ PHÁT TRIỂN
NGHỆ THUẬT CHÈO TRUYỀN THỐNG CỦA TÀO MẠT
TRONG BỘ BA BÀI CA GIỮ NƯỚC


Chuyên ngành: Lý luận và Lịch sử Sân khấu
Mã số: 9210221

Người hướng dẫn khoa học: GS. TS Lê Thị Hoài Phương

Hà Nội – 2018


i

LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan luận án tiến sĩ Sự kế thừa và phát triển nghệ thuật
Chèo truyền thống của Tào Mạt trong bộ ba Bài ca giữ nước là công trình
nghiên cứu do tôi viết dưới sự hướng dẫn của GS.TS. Lê Thị Hoài Phương.
Các kết quả nghiên cứu được trích dẫn trong luận án là trung thực và có xuất
xứ rõ ràng.

Hà Nội, ngày

tháng

năm 2018

Tác giả luận án

Nguyễn Thị Thanh Nga


ii


DANH MỤC CÁC CHỮ VIẾT TẮT
Viết tắt

Viết đầy đủ

GS

Giáo sư

HCV

Huy chương Vàng

NCKH

Nghiên cứu khoa học

NCS

Nghiên cứu sinh

NNC

Nhà nghiên cứu

NNDG

Nghệ nhân dân gian

NS


Nhạc sĩ

NSDG

Nghệ sĩ dân gian

NSND

Nghệ sĩ Nhân dân

NSƯT

Nghệ sĩ Ưu tú

NTBD

Nghệ thuật biểu diễn

NTSKTT

Nghệ thuật sân khấu truyền thống

Nxb

Nhà xuất bản

PGS

Phó giáo sư


SKKH

Sân khấu kịch hát

SKTT

Sân khấu truyền thống

TCHC

Tổng cục Hậu cần

Tr.

Trang


iii

QUY ƯỚC VỀ CÁCH GỌI TÊN TÁC PHẨM BÀI CA GIỮ NƯỚC
Tác phẩm sân khấu Bài ca giữ nước của cố NSND Tào Mạt bao gồm ba
vở Chèo liên hoàn, được sáng tác từ cuối năm 1979, đến 1985 có sửa chữa.
Từ khi ra đời cho đến nay, tác phẩm Bài ca giữ nước được viết, nói đến
với nhiều cách có khác nhau: “bộ ba vở Chèo Bài ca giữ nước”, “bộ Chèo ba
vở Bài ca giữ nước”, “bộ ba Chèo Bài ca giữ nước”, “bộ ba Bài ca giữ
nước”, có người chỉ gọi đơn giản là “Bài ca giữ nước”. Về cách viết, có
người để tên tác phẩm trong ngoặc kép “Bài ca giữ nước” (in nghiêng hoặc
không in nghiêng), có người chỉ viết Bài ca giữ nước (không có ngoặc kép, in
nghiêng)... Tất cả cách viết và nói này không có gì sai, và dù theo cách nào thì

người đọc, người nghe đều hiểu đây là tác phẩm Chèo Bài ca giữ nước của
tác giả Tào Mạt, bao gồm ba vở:
- Lý Thánh Tông chọn người tài (tên khác là: Lý Thánh Tông tuyển hiền);
- Ỷ Lan coi việc nước (tên khác là: Nhiếp chính Ỷ Lan);
- Lý Nhân Tông học làm vua (tên khác là: Lý Nhân Tông kế nghiệp).
Để phù hợp với quy cách trình bày của một luận án tiến sĩ, cần có cách
gọi thống nhất, tác giả luận án xin chọn cách dùng như sau
1. Về tên của tác phẩm: Tác giả luận án sử dụng thống nhất cụm từ:
“bộ ba Chèo Bài ca giữ nước”, bởi các lý do sau:
- Tên gọi “bộ ba Chèo” do chính tác giả Tào Mạt đã dùng, được Thanh
Mai ghi lại trong bài “Mấy điều tâm sự”, in trong tập Tào Mạt - Những lời
tâm huyết, do Nxb Sân khấu in năm 1992 [34, tr. 94 – 98].
- Năm 1995, Nxb Sân khấu xuất bản sách Tào Mạt – Tác phẩm chọn
lọc [35], cũng dùng cụm từ “Bộ ba Chèo”.
- Năm 2003, Nxb Sân khấu xuất bản cuốn Tác phẩm được Giải thưởng Hồ
Chí Minh. Tào Mạt, Đỉnh cao phía trước, Bộ ba Chèo Bài ca giữ nước [36].


iv

Riêng trong tên của luận án, để tránh sự trùng lặp phải dùng chữ
“Chèo” hai lần, nên tác giả luận án phải viết là “... bộ ba Bài ca giữ nước”.
2. Về tên gọi của ba vở trong bộ ba Chèo Bài ca giữ nước
Tên gọi của ba vở trong bộ ba Chèo Bài ca giữ nước được in trong các
sách xuất bản năm 1995 và 2003 là những tên gọi ban đầu, do chính tác giả
Tào Mạt đặt tên. Đó là các vở:
1. Lý Thánh Tông chọn người tài
2. Ỷ Lan coi việc nước
3. Lý Nhân Tông học làm vua
Sau khi ra mắt, vì lý do nhạy cảm chính trị, tác giả và lãnh đạo Đoàn

Nghệ thuật Tổng cục Hậu cần phải đổi tên (là những tên khác, đã ghi ở trên)
để đi tham gia Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc 1980 và 1985. Vở
diễn đi tham dự Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc 1980 là tập 1 và
tập 2 gộp lại, lấy tên là Nhiếp chính Ỷ Lan. Vở tham dự Hội diễn Sân khấu
chuyên nghiệp toàn quốc 1985 là tập 3 – Lý Nhân Tông học làm Vua, nhưng
đổi tên là Lý Nhân Tông kế nghiệp.
Nhưng đến khi xuất bản năm 1995, cũng như sau khi tác phẩm được
Giải thưởng Hồ Chí Minh và in thành sách thì tên của 3 vở trong bộ ba Chèo
Bài ca giữ nước được lấy lại tên ban đầu do tác giả đặt.
Vì những lý do trên, trong luận án này, tác giả luận án thống nhất sử
dụng các tên gọi ban đầu của 3 vở, do tác giả Tào Mạt đặt và như các sách đã
xuất bản. Chỉ trong trường hợp cần thiết, để đảm bảo tính lịch sử của sự kiện,
thì sẽ tùy bối cảnh mà sử dụng tên gọi nào cho phù hợp, hoặc khi trích dẫn của
tác giả nào đó, thì tác giả luận án phải tôn trọng văn bản gốc, trích nguyên văn.


v

MỤC LỤC
LỜI CAM ĐOAN .............................................................................................. i
DANH MỤC CÁC CHỮ VIẾT TẮT ............................................................... ii
QUY ƯỚC VỀ CÁCH GỌI TÊN TÁC PHẨM BÀI CA GIỮ NƯỚC ............ iii
MỞ ĐẦU ........................................................................................................... 1
Chương 1 TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU, CƠ SỞ LÝ LUẬN
VÀ THỰC TIỄN CỦA ĐỀ TÀI LUẬN ÁN .................................................. 13
1.1. Tổng quan tình hình nghiên cứu .............................................................. 13
1.2.Cơ sở lý luận của đề tài ............................................................................. 27
1.3. Cơ sở thực tiễn của đề tài ......................................................................... 42
Tiểu kết ............................................................................................................ 58
Chương 2 TÀO MẠT SÁNG TÁC VÀ DÀN DỰNG BỘ BA CHÈO BÀI CA

GIỮ NƯỚC TRÊN CƠ SỞ KẾ THỪA VÀ PHÁT TRIỂN NGHỆ THUẬT
CHÈO TRUYỀN THỐNG ............................................................................. 60
2.1. Nghệ thuật xây dựng cốt truyện và sắp trò trong kịch bản Chèo ................ 60
2.2. Nghệ thuật xây dựng hình tượng nhân vật Hề ......................................... 72
2.3. Sáng tác và sử dụng các làn điệu Chèo .................................................... 80
2.4. Phương thức sáng tác, dàn dựng và nghệ thuật biểu diễn........................ 90
Tiểu kết ............................................................................................................ 98
Chương 3 NHỮNG ĐÓNG GÓP CỦA TÀO MẠT VÀ BỘ BA CHÈO BÀI
CA GIỮ NƯỚC ............................................................................................. 101
3.1. Những đóng góp về mặt chính trị - xã hội................................................ 101
3.2. Những đóng góp về mặt nghệ thuật cho sân khấu kịch hát Việt Nam .......... 113
Tiểu kết .......................................................................................................... 128
KẾT LUẬN ................................................................................................... 131
DANH MỤC NHỮNG CÔNG TRÌNH ĐÃ CÔNG BỐ CỦA TÁC GIẢ .. 135
TÀI LIỆU THAM KHẢO ............................................................................. 136
PHỤ LỤC ...................................................................................................... 145


1

MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Trong kho tàng NTBD vô cùng phong phú của Việt Nam, nghệ thuật
Chèo và Tuồng là hai loại hình NTSKTT có lịch sử hình thành và phát triển
lâu đời từ hàng trăm năm trước. Trải qua bao biến thiên thăng trầm của lịch sử
dân tộc, cả nghệ thuật Tuồng và Chèo đều đã có những thời kỳ phát triển rực
rỡ cũng như có những giai đoạn bế tắc, mai một... Theo quy luật phát triển
của tự nhiên và xã hội, cũng giống như mọi sự vật, hiện tượng, NTSKTT
Tuồng và Chèo luôn có sự vận động để thích ứng với con người và xã hội ở
các thời kỳ khác nhau. Trong sự vận động ấy, có những yếu tố nghệ thuật

được gìn giữ, lưu truyền và bồi đắp từ thế hệ này qua thế hệ khác, trở thành
truyền thống tốt đẹp; song song với đó, có những yếu tố dần dần bị mai một,
bị thất truyền, hoặc bị biến đổi đến mức mất gốc do những cố gắng “cách tân”
của các nghệ sĩ nhưng thiếu phương pháp khoa học... Lịch sử tồn tại và phát
triển của sân khấu Tuồng, Chèo cho thấy nhiều cuộc “thử nghiệm”, “cách
tân” Tuồng, Chèo không đem lại kết quả như mong muốn.
Riêng về nghệ thuật Chèo, ngay từ đầu thế kỷ XX đã có hai cuộc cách
tân Chèo cổ: Lần cách tân thứ nhất bắt đầu vào khoảng năm 1907, 1908, kéo
dài đến 1922, được người đương thời gọi là phong trào “Chèo Văn minh”;
Lần cách tân thứ hai vào quãng năm 1924, được gọi là phong trào “Chèo Cải
lương”, gắn với tên tuổi của “chủ soái” Nguyễn Đình Nghị. Người ta ghi nhận
một số thành công của Nguyễn Đình Nghị trong việc đã cố gắng đưa Chèo
đến gần hơn với công chúng mới lúc bấy giờ, là tầng lớp tiểu tư sản và thị dân
ở các đô thị lớn. Song, vì nhiều lý do, những cố gắng đó vẫn chưa làm cho
Chèo có thể tồn tại và phát triển lâu dài ở đô thị được...


2

Sau Cách mạng tháng Tám, nhất là đầu những năm 1960, với chủ
trương phục hồi vốn cổ của Đảng và Nhà nước, NTSKTT được đặc biệt quan
tâm, nhiều vở diễn truyền thống được phục hồi, chỉnh lý, nâng cao; bên cạnh
đó, nhiều vở mới được sáng tác, lấy đề tài phản ánh cuộc sống mới, con người
mới. Thực tế cho thấy, so với sân khấu Tuồng thì sân khấu Chèo có lợi thế
hơn trong việc tiếp cận với công chúng mới, trong việc phản ánh cuộc sống
hiện đại.
Những năm 70, 80 của thế kỷ XX sân khấu Chèo xuất hiện xu hướng ra
đời khá nhiều vở được gọi là “Chèo mới”, “Chèo hiện đại”. Trong số những
vở “Chèo mới” ấy có một số vở thành công ở một số phương diện nào đó, bên
cạnh đó có một số vở được gọi là “Kịch cắm ca” chứ không còn là Chèo nữa.

Trong quá trình tìm tòi hướng đi cho NTSKTT trong xã hội đương đại, có
người đã đánh mất những giá trị quý báu của nghệ thuật truyền thống mà các
thế hệ cha ông đã dày công tích lũy; Cũng có người có tâm, cố gắng tìm tòi
một hướng đi, với mong muốn cải tiến để đem Chèo đến gần hơn với lớp
khán giả mới, nhưng chưa thực sự có kết quả. Trong bối cảnh của đất nước
sau ngày thống nhất (1975), khi sân khấu truyền thống đứng trước sự cạnh
tranh khốc liệt của nhiều loại hình nghệ thuật giải trí khác, sân khấu Chèo rơi
vào khủng hoảng, mất phương hướng. Hơn bao giờ hết, vấn đề bảo tồn, kế
thừa và phát triển nghệ thuật Chèo như thế nào càng trở nên bức thiết.
Trong bối cảnh ấy của sân khấu nước nhà, sự ra đời của bộ ba Chèo Bài
ca giữ nước của Tào Mạt (được ông sáng tác trong khoảng thời gian từ năm
1979 đến năm 1985) là một hiện tượng đáng mừng của những người làm
Chèo và của công chúng khán giả yêu Chèo. Mừng vì đây là một thành công
rất đáng trân trọng, rất có giá trị trong công cuộc kế thừa và phát huy những
giá trị đẹp đẽ của nghệ thuật Chèo cổ trong đời sống xã hội Việt Nam hiện
đại. Bộ ba Chèo Bài ca giữ nước là sự minh chứng hùng hồn cho cái điều mà


3

nhiều người làm Chèo Việt Nam còn nghi ngờ, rằng: hoàn toàn có thể sáng
tác và dàn dựng những vở “Chèo mới” vừa phản ánh được những vấn đề của
thời đại, phù hợp với tư tưởng và thị hiếu thẩm mỹ của con người Việt Nam
hiện đại, mà vẫn đậm đà chất Chèo truyền thống của cha ông, thậm chí làm
cho nó hay hơn, hấp dẫn hơn...
Bộ ba Chèo Bài ca giữ nước ra đời đã trở thành một hiện tượng trong
đời sống chính trị - xã hội và sân khấu của đất nước lúc bấy giờ. Nhiều cuộc
tọa đàm, hội thảo khoa học được tổ chức để giới chuyên môn bàn luận, đánh
giá, đúc rút kinh nghiệm từ bộ ba Chèo Bài ca giữ nước để lấy đó làm bài học
kinh nghiệm làm nghề, nhằm phát triển nghệ thuật Chèo trong xã hội Việt

Nam hiện đại. Cho đến nay, sau gần 30 năm đã trôi qua, nhu cầu nghiên cứu,
nhận định, đánh giá một cách toàn diện bộ ba Chèo Bài ca giữ nước hầu như
vẫn là điều được giới sân khấu, nhất là những người trong ngành Chèo, không
ngừng quan tâm. Đấy là lý do chính thôi thúc tác giả luận án chọn vấn đề
nghiên cứu Sự kế thừa và phát triển nghệ thuật Chèo truyền thống của Tào
Mạt trong bộ ba Bài ca giữ nước làm đề tài luận án tiến sĩ của mình.
Bên cạnh lý do trên, còn có một lý do mang tính chất cá nhân của tác
giả luận án - vốn là một diễn viên từng có trên 18 năm (1991 – 2010) công tác
tại Đoàn Chèo Tổng cục Hậu cần (nay là Nhà hát Chèo Quân đội). Năm 2002,
theo chủ trương của Bộ Quốc phòng, Nhà hát phục hồi cả 3 vở trong Bài ca
giữ nước, tác giả luận án may mắn có cơ hội được phân công đóng vai cô
Trinh (trong tập 1- Lý Thánh Tông chọn người tài), vai Hề Hoạn (trong tập 2:
Ỷ Lan coi việc nước), và vai hề Nhỡ (trong tập 3 – Lý Nhân Tông học làm
vua). Tuy không có cơ may được làm việc trực tiếp với NSND Tào Mạt,
nhưng tác giả luận án đã được nghe rất nhiều câu chuyện thú vị và cảm động
do các nghệ sĩ đàn anh, đàn chị - thế hệ đầu tiên đã từng tham gia biểu diễn
trong Bài ca giữ nước, là những người đã được tác giả, đạo diễn Tào Mạt trực


4

tiếp rèn dạy, kể cho nghe về những ngày tháng tập luyện và biểu diễn bộ ba
Chèo Bài ca giữ nước dưới sự chỉ đạo của tác giả, đạo diễn Tào Mạt. Nhờ đó,
tác giả luận án có cơ hội hiểu biết khá kỹ lưỡng về cách nghĩ, cách làm của
ông khi dàn dựng các vở Chèo trong bộ ba Bài ca giữ nước... Những bài học
nghề nghiệp quý báu mà tác giả luận án đã lĩnh hội được ngày đó đã giúp
NCS hình thành tư duy nghiên cứu, chắc chắn sẽ rất bổ ích cho tác giả luận án
khi thực hiện đề tài Sự kế thừa và phát triển nghệ thuật Chèo truyền thống
của Tào Mạt trong bộ ba Bài ca giữ nước. Tác giả luận án tâm niệm rằng,
việc thực hiện đề tài luận án tiến sĩ này là một sự tri ân của tác giả luận án đối

với cố NSND Tào Mạt và với Nhà hát Chèo Quân đội, là đơn vị mà tác giả
luận án đã từng có nhiều năm gắn bó.
2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
2.1. Mục đích nghiên cứu
- Mục đích tổng quát
Nghiên cứu Sự kế thừa và phát triển nghệ thuật Chèo truyền thống của
Tào Mạt trong tác phẩm bộ ba Chèo Bài ca giữ nước, NCS hướng tới mục
đích rút ra những bài học nghề nghiệp cho việc sáng tác, dàn dựng và biểu
diễn Chèo trong đời sống hiện đại với phương châm vừa gìn giữ, bảo tồn các
giá trị truyền thống của Chèo cổ, vừa phát triển nghệ thuật Chèo để hoà nhập
với xã hội Việt Nam hiện đại.
- Mục tiêu cụ thể
Khẳng định những thành công của tác giả, đạo diễn Tào Mạt trong việc
kế thừa và phát triển nghệ thuật Chèo truyền thống, thể hiện cụ thể trong bộ
ba Chèo Bài ca giữ nước trên các phương diện sau:
+ Kế thừa và phát triển nghệ thuật Chèo truyền thống trong xây dựng
cốt truyện và sắp trò;


5

+ Kế thừa và phát triển nghệ thuật Chèo truyền thống trong xây dựng
hình tượng nhân vật Hề;
+ Kế thừa và phát triển nghệ thuật Chèo truyền thống trong sáng tác và
sử dụng các làn điệu Chèo;
+ Kế thừa và phát triển nghệ thuật Chèo truyền thống trong phương
thức sáng tác, dàn dựng và nghệ thuật biểu diễn.
2.2. Nhiệm vụ nghiên cứu
- Tổng quan những công trình nghiên cứu về nghệ thuật Chèo nói
chung, về Tào Mạt và tác phẩm sân khấu của ông nói riêng, trong đó nêu bật

những đặc trưng cơ bản của nghệ thuật Chèo truyền thống cần được kế thừa
và phát huy trong việc sáng tạo những vở Chèo hiện đại.
- Hệ thống hóa một số vấn đề lịch sử và lý luận cơ bản của NTSK
Chèo Việt Nam.
- Phân tích, đánh giá những đóng góp về lý luận và thực tiễn của tác
giả, đạo diễn Tào Mạt và Đoàn Chèo Tổng cục Hậu cần qua bộ ba Chèo Bài
ca giữ nước.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
3.1. Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu chính của luận án là những sáng tạo của tác giả,
đạo diễn Tào Mạt trong việc kế thừa và phát triển nghệ thuật Chèo truyền
thống trong bộ ba Chèo Bài ca giữ nước.
3.2. Phạm vi nghiên cứu
3.2.1. Phạm vi vấn đề nghiên cứu
Trọng tâm nghiên cứu của luận án là sự kế thừa và phát triển nghệ thuật
Chèo truyền thống của Tào Mạt trong sáng tác và dàn dựng bộ ba Bài ca giữ
nước, thể hiện trên các phương diện cơ bản: xây dựng cốt truyện; xây dựng
nhân vật Hề Chèo; sáng tác và sử dụng các làn điệu Chèo; phương pháp dàn


6

dựng và nghệ thuật biểu diễn.
3.2.2. Phạm vi đối tượng khảo sát
Phạm vi khảo sát của luận án là tác phẩm bộ ba Chèo Bài ca giữ nước
trên hai bình diện: Kịch bản văn học và vở diễn.
Về kịch bản, tác giả luận án sẽ dựa theo sách: Tào Mạt, Tác phẩm được
Giải thưởng Hồ Chí Minh (Đỉnh cao phía trước, Bộ ba Chèo Bài ca giữ nước:
Lý Thánh Tông chọn người tài, Ỷ Lan coi việc nước, Lý Nhân Tông học làm
vua), do Nxb Sân khấu xuất bản năm 2003 [35].

Về vở diễn, tác giả luận án sẽ nghiên cứu bản diễn đầu tiên của Đoàn
Chèo Tổng cục Hậu cần (nay là Nhà hát Chèo Quân đội), được tác giả, đạo
diễn Tào Mạt trực tiếp chỉ đạo và dàn dựng; bên cạnh đó có tham khảo thêm vở
diễn phục hồi năm 2002, cũng của Đoàn Chèo Tổng cục Hậu cần.
4. Phương pháp nghiên cứu
Luận án với đề tài Sự kế thừa và phát triển nghệ thuật Chèo truyền
thống của Tào Mạt trong bộ ba Bài ca giữ nước thuộc loại đề tài nghiên cứu
tác giả và tác phẩm, đánh giá những thành quả sáng tạo của một người nghệ sĩ
vừa là tác giả, vừa là đạo diễn – cố NSND Tào Mạt, với cả quá trình tìm tòi,
thử nghiệm phương pháp nghệ thuật mới và đã thành công.
Vì đối tượng nghiên cứu của luận án thuộc lĩnh vực sân khấu, nên tác
giả luận án cần vận dụng những vấn đề lý luận và phương pháp của nghệ
thuật học, trong đó cơ bản là sân khấu học. Tuy nhiên, khởi nguồn của nghệ
thuật Chèo truyền thống là Chèo sân đình - là một hiện tượng văn hoá dân
gian Việt. Hơn nữa, luận án nghiên cứu vấn đề kế thừa và phát triển nghệ
thuật Chèo truyền thống, trên hai bình diện là kịch bản và vở diễn. Như vậy,
để có thể thực hiện công việc nghiên cứu, tác giả luận án cần sử dụng phương
pháp nghiên cứu liên ngành, bao gồm: lý luận văn học, sân khấu học, văn hoá
học (chú trọng văn hoá dân gian), sử học, phương pháp nghiên cứu điền dã,


7

v.v.. Một số phương pháp nghiên cứu cơ bản được vận dụng cụ thể trong luận
án như sau:
- Phương pháp nghiên cứu của lý luận văn học
Để phân tích và đánh giá bộ ba Chèo Bài ca giữ nước của Tào Mạt
dưới góc độ kế thừa và phát triển nghệ thuật Chèo truyền thống, trước hết tác
giả luận án cần nghiên cứu thân thế (xuất xứ, hoàn cảnh xuất thân, truyền
thống gia đình, quá trình trưởng thành, học vấn, v.v...) của cố NSND Tào

Mạt; đồng thời cần nghiên cứu về sự nghiệp sáng tác của ông cùng với tư
tưởng, nhân sinh quan của tác giả thể hiện trong các tác phẩm... Kết quả
nghiên cứu này sẽ mang lại cái nhìn khái quát về thân thế và sự nghiệp của cố
NSND Tào Mạt, từ đó sẽ có được sự lý giải cho những việc làm, những mong
muốn và ý tưởng mà tác giả Tào Mạt đã gửi gắm vào các tác phẩm sân khấu
của mình, nhất là trong bộ ba Chèo Bài ca giữ nước.
- Phương pháp nghiên cứu của sân khấu học
Đây là phương pháp trọng tâm, chủ đạo của luận án, đáp ứng đúng yêu
cầu của mã ngành luận án. Vận dụng những vấn đề lý luận cơ bản của sân
khấu học, tác giả luận án tìm hiểu và bàn luận về các vấn đề cốt yếu của nghệ
thuật Chèo truyền thống nói chung (như cốt truyện, kết cấu, hình tượng nhân
vật, các nguyên tắc nghệ thuật, nghệ thuật biểu diễn, v.v...) và của bộ ba Chèo
Bài ca giữ nước nói riêng. Mỗi tác phẩm sân khấu (kịch bản và vở diễn) là
một thể thống nhất, có kết cấu chặt chẽ, các thành tố có mối liên kết mật thiết
với nhau, tương hỗ lẫn nhau, cốt truyện diễn biến như một câu chuyện kể theo
nguyên tắc tự sự của nghệ thuật Chèo... Khi nghiên cứu về sự kế thừa và phát
triển nghệ thuật Chèo truyền thống của Tào Mạt trong quá trình ông sáng tác
và dàn dựng bộ ba Chèo Bài ca giữ nước, trong phạm vi nghiên cứu của luận
án, tác giả luận án đã xác định bốn phương diện cơ bản nhất, nổi bật nhất để
thực hiện các mục tiêu nghiên cứu.


8

- Phương pháp nghiên cứu văn hóa dân gian
Nghệ thuật Chèo vốn xuất phát là nghệ thuật dân gian, là sản phẩm của
nền văn hóa lúa nước vùng châu thổ Bắc bộ. Chủ thể sáng tạo nên nghệ thuật
Chèo buổi ban đầu là những người nông dân đích thực. Vì vậy, những vở diễn
của sân khấu Chèo cổ, Chèo truyền thống là những tác phẩm nghệ thuật đậm
đặc chất văn hóa dân gian, được sáng tác với phương thức tập thể và truyền

nghề với phương pháp truyền khẩu.
Nghiên cứu vấn đề Tào Mạt kế thừa và phát triển nghệ thuật Chèo
truyền thống để vận dụng vào công việc sáng tác và dàn dựng bộ ba Chèo Bài
ca giữ nước, tác giả luận án cần sử dụng phương pháp nghiên cứu văn hóa
dân gian để tìm hiểu, phân tích các nguyên tắc và phương pháp của nghệ thuật
Chèo truyền thống, từ đó đối chiếu, so sánh với công việc sáng tạo của Tào
Mạt và các cộng sự của ông trong quá trình sáng tác, dàn dựng bộ ba Chèo
Bài ca giữ nước.
- Phương pháp lịch sử - hồi cố
Tác giả Tào Mạt sáng tác tác phẩm bộ ba Bài ca giữ nước trong khoảng
thời gian từ năm 1979 – 1985 và ông mất vào năm 1993. Để nghiên cứu về
tác giả và tác phẩm của ông cần vận dụng các phương pháp nghiên cứu như:
phương pháp hồi cố, phương pháp lịch sử; tác giả luận án cần đặt đối tượng
nghiên cứu vào đúng môi trường xã hội và môi trường nghệ thuật mà Tào Mạt
đã sống và sáng tạo với các điều kiện lịch sử cụ thể, đồng thời phải nhìn nhận
nó trong sự vận động không ngừng nghỉ của cuộc sống, với những biến cố của
đất nước... Có như vậy mới có thể đánh giá một cách khách quan những thành
công hay hạn chế của tác giả và tác phẩm.
- Phương pháp nghiên cứu điền dã
Để tìm hiểu quá trình sáng tác và dàn dựng bộ ba Chèo Bài ca giữ nước
của tác giả, đạo diễn Tào Mạt và ê kíp sáng tạo của Đoàn Chèo TCHC, tác giả


9

luận án đã thực thiện các chuyến đi nghiên cứu điền dã để thu thập tài liệu và
gặp gỡ các nghệ sĩ - những người đã từng trực tiếp làm việc với cố NSND
Tào Mạt thời kỳ dàn dựng bộ ba Chèo Bài ca giữ nước. Thông qua các cuộc
phỏng vấn sâu đối với các nghệ sĩ, tác giả luận án đã thu thập được khá nhiều
thông tin bổ ích, giúp cho tác giả luận án hiểu sâu hơn, kỹ hơn về phương

pháp làm việc của tác giả, đạo diễn Tào Mạt với phương thức “sáng tác đồng
thời bốn khâu”: (văn - kịch bản, nhạc - hát, múa, diễn, họa) vô cùng độc đáo.
Nhờ đó, luận án có thêm nhiều chi tiết sinh động, có cái nhìn toàn diện hơn,
sâu hơn về công trình nghệ thuật đặc sắc của Tào Mạt và tập thể nghệ sĩ
Đoàn Chèo TCHC. Đây là một trong những đóng góp mới của luận án, vì hầu
như chưa có công trình nghiên cứu đi trước nào về bộ ba Chèo Bài ca giữ
nước khai thác sâu về phương diện này.
5. Câu hỏi nghiên cứu và giả thuyết nghiên cứu
5.1. Câu hỏi nghiên cứu
Câu hỏi khái quát, bao trùm lên toàn bộ các vấn đề nghiên cứu của luận
án là: Tào Mạt đã kế thừa và phát triển những yếu tố gì của nghệ thuật Chèo
truyền thống và đã vận dụng như thế nào vào sáng tác và dàn dựng bộ ba
Chèo Bài ca giữ nước?
5.2 .Giả thuyết nghiên cứu
Từ câu hỏi nghiên cứu trên, luận án có hai giả thuyết nghiên cứu là:
Thứ nhất, Tào Mạt đã kế thừa và phát triển nghệ thuật Chèo truyền
thống trong bộ ba Chèo Bài ca giữ nước trên bốn phương diện cụ thể:
- Trong việc xây dựng cốt truyện và sắp trò;
- Trong việc xây dựng nhân vật Hề Hoạn – Hề Già;
- Trong việc sử dụng chất liệu ca dao, dân ca để sáng tác các làn điệu,
lời ca mới;
- Trong phương thức sáng tác, dàn dựng và nghệ thuật biểu diễn


10

Thứ hai, phương thức “sáng tác đồng thời 4 khâu” của Tào Mạt và các
cộng sự là một trong những nhân tố cơ bản tạo nên thành công của bộ ba
Chèo Bài ca giữ nước.
6. Cở sở lý luận vận dụng trong nghiên cứu đề tài

Một tác phẩm sân khấu tồn tại dưới hai dạng: Kịch bản văn học và vở
diễn sân khấu. Hai dạng này vừa tồn tại độc lập, vừa có mối quan hệ chặt chẽ
với nhau. Nghiên cứu bộ ba Chèo Bài ca giữ nước của Tào Mạt, tác giả luận
án đặt nhiệm vụ vừa nghiên cứu kịch bản văn học, vừa nghiên cứu cả ba vở
diễn sân khấu – bản diễn của Đoàn Chèo Tổng cục Hậu cần (nay là Nhà hát
Chèo Quân đội). Để thực hiện nhiệm vụ này, luận án cần áp dụng những quan
điểm lý luận của nghiên cứu văn học, đồng thời của Sân khấu học.
Lý luận văn học chỉ ra rằng, khi nghiên cứu một tác giả và tác phẩm
của tác giả đó thì trước hết cần tìm hiểu thân thế (hoàn cảnh xuất thân, giáo
dục, học vấn, tư tưởng chính trị...) của tác giả từ thời niên thiếu cho đến khi
trưởng thành, vì đây là những yếu tố có ảnh hưởng quyết định đến việc hình
thành tính cách, nhân sinh quan, tư tưởng chính trị của tác giả, là những điều
sau này sẽ được phản ánh trong tác phẩm của ông ta. Tiếp đến là cần tìm hiểu
toàn bộ sự nghiệp sáng tác của tác giả để thấy được quá trình định hình phong
cách, bút pháp, tìm ra những đặc điểm nổi bật hay những hạn chế về tư tưởng,
về nghệ thuật, v.v... Trên cơ sở đó, đến bước nghiên cứu tác phẩm cụ thể (đối
tượng nghiên cứu), cần đặt tác phẩm trong bối cảnh lịch sử, xã hội mà nó ra
đời để phân tích, đánh giá; đồng thời đặt tác phẩm cụ thể đó trong mối tương
quan với các tác phẩm khác trong cái tổng thể sự nghiệp sáng tác của chính
tác giả. Có như vậy mới có thể đánh giá được chính xác và khách quan về tác
phẩm cụ thể đó.
Để nghiên cứu về Tào Mạt và bộ ba Chèo Bài ca giữ nước, tác giả luận
án đã thực hiện đúng các bước như phương pháp nghiên cứu văn học yêu cầu.


11

Với đối tượng nghiên cứu của đề tài là sự kế thừa và phát triển nghệ
thuật Chèo truyền thống của Tào Mạt trong bộ ba Chèo Bài ca giữ nước, tác
giả luận án cần vận dụng lý thuyết về “kế thừa” và “phát triển” vào trường

hợp cụ thể trong Bài ca giữ nước của Tào Mạt để phân tích và chứng minh
ông đã kế thừa và phát triển Chèo truyền thống như thế nào.
Thông thường, trong một số trường hợp nghiên cứu nào đó, có thể tách
hai quá trình “kế thừa” và “phát triển” để phân tích riêng rẽ. Tuy nhiên, với
trường hợp cụ thể của luận án này, Tào Mạt đã sử dụng phương thức tiến
hành đồng bộ bốn khâu (văn, nhạc, diễn, vẽ) thì sự “kế thừa” và “phát triển”
(nghệ thuật Chèo truyền thống) đã hòa quyện vào làm một, làm thành một quá
trình sáng tạo đầy ngẫu hứng của các nghệ sĩ. Đây là lý do tác giả luận án
không tách rời công việc “kế thừa” và “phát triển”, cũng như không thể tách
rời công việc của sáng tác của tác giả Tào Mạt với công việc dàn dựng của
đạo diễn Tào Mạt để xem xét.
Việc áp dụng một số quan điểm và phương pháp nghiên cứu văn học,
của sân khấu học, lý thuyết về kế thừa và phát triển sẽ giúp NCS hoàn thành
mục đích nghiên cứu của luận án. Kết quả nghiên cứu của luận án sẽ là lời
giải đáp cho các giả thuyết nghiên cứu mà tác giả luận án đã đặt ra.
7. Đóng góp của luận án
7.1. Đóng góp về mặt lý luận
Nghiên cứu bộ ba vở Chèo Bài ca giữ nước của Tào Mạt, luận án
khẳng định, khái quát một cách có hệ thống những thành công xuất sắc của
tác giả, đạo diễn Tào Mạt trong việc kế thừa và phát triển nghệ thuật Chèo
truyền thống để xây dựng tác phẩm Chèo hiện đại, từ đó nâng lên thành các
vấn đề mang tính lý luận của nghệ thuật sân khấu kịch hát dân tộc trên
phương diện sáng tác, dàn dựng và biểu diễn.


12

7.2. Đóng góp về mặt thực tiễn
Qua việc phân tích, khẳng định những thành công của bộ ba vở Chèo
Bài ca giữ nước của Tào Mạt, luận án nêu những bài học kinh nghiệm về sự

kế thừa, phát triển và vận dụng sáng tạo các giá trị nghệ thuật đặc sắc của
Chèo truyền thống vào việc sáng tác và dàn dựng các tác phẩm Chèo trong
thời hiện đại; luận án có thể là tài liệu tham khảo hữu ích cho các tác giả, đạo
diễn, diễn viên của sân khấu Chèo, đồng thời là tài liệu tham khảo trong nhà
trường đào tạo các chuyên ngành nghệ thuật sân khấu kịch hát dân tộc.
8. Bố cục của luận án
Ngoài phần Mở đầu (12 trang), Kết luận (4 trang), Tài liệu tham khảo
(8 trang) và Phụ lục (39 trang), luận án bao gồm ba chương:
Chương 1: Tổng quan tình hình nghiên cứu, cơ sở lý luận và thực tiễn
của đề tài luận án (47 trang).
Chương 2: Tào Mạt sáng tác và dàn dựng bộ ba Chèo Bài ca giữ nước
trên cơ sở kế thừa và phát triển nghệ thuật Chèo truyền thống (41 trang).
Chương 3: Những đóng góp của Tào Mạt và bộ ba Chèo Bài ca giữ
nước (30 trang).


13

Chương 1
TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU, CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ
THỰC TIỄN CỦA ĐỀ TÀI LUẬN ÁN
1.1. Tổng quan tình hình nghiên cứu
Sau khi thu thập và nghiên cứu các nguồn tài liệu có liên quan đến đề tài
luận án, NCS nhận thấy có thể phân loại các tài liệu này theo ba nhóm chính:
- Nhóm các công trình nghiên cứu về nghệ thuật Chèo truyền thống;
- Nhóm các công trình nghiên cứu về sự kế thừa và cách tân nghệ thuật
Chèo truyền thống;
- Nhóm các công trình nghiên cứu về Tào Mạt và tác phẩm Chèo.
Trong mỗi nhóm lớn này, NCS phân thành các nhóm nhỏ hơn có cùng
một vấn đề nghiên cứu, ví dụ như nghiên cứu về lịch sử và lý luận chung, hay

nghiên cứu chuyên sâu các yếu tố nghệ thuật trong Chèo truyền thống như:
kịch bản Chèo, âm nhạc trong Chèo, múa Chèo, Hề Chèo, v.v...
1.1.1. Các công trình nghiên cứu về nghệ thuật Chèo truyền thống
Trong nhóm này, NCS chia thành hai nhóm nhỏ: nhóm các công trình
nghiên cứu tổng hợp về lịch sử và lý luận nghệ thuật Chèo truyền thống, và
nhóm các công trình nghiên cứu chuyên sâu về các yếu tố nghệ thuật trong
Chèo truyền thống.
1.1.1.1. Các công trình nghiên cứu tổng hợp về lịch sử và lý luận nghệ
thuật Chèo truyền thống
Trước hết cần kể tới công trình Bước đầu tìm hiểu sân khấu Chèo của
hai tác giả Trần Việt Ngữ và Hoàng Kiều [52]. Công trình nghiên cứu bao
gồm bốn phần lớn. Tại phần I, các tác giả dành để nói về Quá trình hình
thành và phát triển của nghệ thuật Chèo. Phần II bàn về Tính chất sân khấu
Chèo cổ. Trong phần III với tiêu đề Nghệ thuật sân khấu Chèo cổ, các tác giả


14

lần lượt bàn về các bộ phận cơ bản cấu thành nên nghệ thuật Chèo, đó là: Văn
Chèo; Nhạc Chèo; Múa Chèo. Phần IV là Tổng luận, trong đó các tác giả
tổng kết, khái quát lại các nội dung đã bàn luận ở các phần trước.
NCS nhận thấy công trình nghiên cứu trên có một số mục rất gần gũi
hoặc liên quan trực tiếp đến đề tài luận án như: Tính tập thể và truyền miệng,
Phương pháp sân khấu và xây dựng nhân vật, Giá trị trào lộng và vai hề,
Nghệ thuật sử dụng lời văn, ... bởi vì chúng có liên quan đến vấn đề kế thừa
và phát triển nghệ thuật Chèo truyền thống của Tào Mạt khi ông sáng tác và
chỉ đạo dàn dựng bộ ba Bài ca giữ nước.
Về các công trình nghiên cứu đậm tính lý luận về nghệ thuật Chèo, cần
kể tới công trình Chèo – một hiện tượng sân khấu dân tộc của Trần Bảng [1].
Năm 1999, tác phẩm này đã được Viện Sân khấu in lại, lấy tên là Khái luận

về Chèo [2]. Với công trình này, GS. NSND Trần Bảng đã đóng góp cho công
tác nghiên cứu lý luận và thực tiễn sân khấu Chèo nhiều ý kiến sâu sắc, giúp
cho người đọc hiểu thêm về loại hình nghệ thuật độc đáo của dân tộc. Nhiều
nhận định, đánh giá của ông về vấn đề bảo tồn, kế thừa và phát huy nghệ
thuật Chèo truyền thống vào Chèo hiện đại là ý kiến quý báu để NCS tham
khảo và vận dụng trong luận án.
Trong công trình Lịch sử nghệ thuật Chèo đến giữa thế kỷ XX [12], tác
giả Hà Văn Cầu đã bàn về Các yếu tố cấu thành chèo, trong đó các yếu tố như
Nghệ nhân, Trò nhại, Thơ ca, Các bài hát chèo là những yếu tố cấu thành cơ
bản nhất của trò diễn và vở diễn Chèo. Tác giả còn viết về Quá trình hình thành
và phát triển chèo, bắt đầu “từ thời sơ sử đến buổi đầu độc lập thời Đinh Lê”,
qua các thời Lý Trần, thời Lê, đến thời Nguyễn, dừng lại ở năm 1945 với sự kiện
lịch sử là cuộc Cách mạng tháng Tám.
Chuyên luận này giúp cho NCS hiểu thêm về hoạt động của sân khấu
Chèo trong quá khứ xa xưa, hiểu thêm về cách thức, phương pháp sáng tạo của


15

các nghệ nhân Chèo trong các thế kỷ trước, từ đó liên hệ tới phương pháp sáng
tạo của Tào Mạt trong bộ ba Chèo Bài ca giữ nước.
Là một nhà viết Chèo nổi tiếng đã cống hiến cho sân khấu Chèo nhiều
kịch bản hay, tác giả TS. Trần Đình Ngôn đồng thời còn là nhà nghiên cứu
Chèo có uy tín, đóng góp cho công tác nghiên cứu lịch sử và lý luận về nghệ
thuật Chèo truyền thống có giá trị khoa học và thực tiễn.
Trong cuốn Đường trường phải chiều [42], tác giả Trần Đình Ngôn khái
quát quá trình hình thành nên kịch bản văn học của NTSK Chèo, bàn về phương
pháp nghệ thuật của Chèo với “những nguyên tắc tương đối ổn định” và “những
yếu tố luôn luôn phát triển trong Chèo”..., bàn luận về các khía cạnh khác của
NTSK Chèo như: Đặc trưng ngôn ngữ của Chèo, Văn học Chèo, Nghệ thuật biểu

diễn trong Chèo, Trang trí và đạo cụ trong Chèo, Hề Chèo, v.v...
Trong cuốn Con đường phát triển của Chèo [50] tác giả Trần Đình Ngôn
đã đề cập tới một số khuynh hướng mà NTSK Chèo đã trải qua như “Chèo Văn
minh”, “Chèo Cải lương”, “Chèo cải tiến”, “Chèo cách tân”, “kịch Chèo”... ,
nhưng đáng chú ý là “khuynh hướng phát triển trên cơ sở kế thừa những nguyên
tắc cơ bản và đặc trưng ngôn ngữ nghệ thuật của chèo cổ” [50, tr. 80]. Đây là
một vấn đề có liên quan trực tiếp đến đề tài của luận án, bởi đây cũng chính là
khuynh hướng mà Tào Mạt luôn tuân thủ trong sự nghiệp làm Chèo của ông,
nhất là trong quá trình sáng tác và dàn dựng bộ ba Bài ca giữ nước.
Đóng góp cho công tác nghiên cứu lý luận về NTSK nói chung, về
nghệ thuật Chèo nói riêng, PGS Tất Thắng có hai công trình: Sân khấu truyền
thống - Từ chức năng giáo huấn đạo đức [80], và Nghệ thuật Chèo - nhận
thức từ một phía [81]. Cuốn Diện mạo sân khấu – nghệ sĩ và tác phẩm [82] là
tập hợp các bài viết của PGS Tất Thắng về các tác giả, đạo diễn sân khấu Việt
Nam, về các vấn đề của sân khấu Cách mạng Việt Nam suốt 50 năm trưởng
thành và phát triển.


16

PGS. TS Trần Trí Trắc đã có một số sách nghiên cứu về NTSK, trong
đó có một số bài viết về Chèo. Đặc biệt, trong cuốn Sân khấu và nghệ sĩ sáng
tạo (Phê bình và tiểu luận) [85], có bài Góp bàn về nghệ sĩ Nguyễn Đình Nghị,
thể hiện những đánh giá của ông về vai trò của Nguyễn Đình Nghị trong
phong trào “Chèo Văn minh”, “Chèo Cải lương”. Đây là vấn đề NCS quan
tâm và sẽ bàn luận trong luận án của mình.
Ngoài ra, còn có các bài viết nghiên cứu của nhiều tác giả được tổng
hợp lại trong một số cuốn sách hoặc kỷ yếu hội thảo. Về loại này tiêu biểu có
cuốn Tổng luận nghệ thuật Chèo nửa sau thế kỷ 20 [22], trong đó có chuyên
luận Quá trình hình thành và phát triển nghệ thuật Chèo của GS Hà Văn Cầu,

khảo luận Tìm hiểu sân khấu Chèo của GS Vũ Khắc Khoan, khảo luận Hát
Chèo của dân tộc Việt Nam là các công trình nghiên cứu có giá trị khoa học
về nguồn gốc, quá trình hình thành và phát triển của NTSK Chèo, về cấu trúc
vở diễn và các yếu tố nghệ thuật trong Chèo...
1.1.1.2. Các công trình nghiên cứu chuyên sâu về các thành tố nghệ
thuật trong Chèo truyền thống
 Nghiên cứu vấn đề sáng tác kịch bản Chèo.
Cho đến nay đã có 6 công trình (được in thành sách) bàn về phương
pháp sáng tác kịch bản Chèo, đó là các cuốn: Bước đầu viết Chèo của Tú Mỡ
[37]; Tìm hiểu phương pháp viết Chèo [7] và Mấy vấn đề trong kịch bản Chèo
[9] của Hà Văn Cầu; Cách viết một vở Chèo của Trần Việt Ngữ [53]; Kịch bản
Chèo từ dân gian đến bác học [43] và Nghệ thuật viết Chèo [47] của Trần
Đình Ngôn.
Cuốn Tìm hiểu phương pháp viết Chèo của NNC Hà Văn Cầu được coi
là một công trình nghiên cứu chuyên sâu đầu tiên về phương pháp viết Chèo.
Trong công trình này tác giả đã bàn luận đến các thành tố cơ bản nhất của một
tác phẩm Chèo như về Thể loại và cốt truyện của Chèo, về Nhân vật chèo,


17

hay về Lời trò... Cùng với những nhận định xác đáng về nghệ thuật Chèo như
“Trong Chèo yếu tố tự sự chiếm ưu thế hơn yếu tố trữ tình”, hay “lời trò trong
các vở chèo mang phong vị ngôn ngữ dân gian rất đậm đà, đặc biệt là phong
vị của ca dao, tục ngữ và tiếu lâm truyện cười”, điều khiến NCS đặc biệt quan
tâm là nhận định của ông về nhân vật Chèo. Viết về các nhân vật trong Chèo,
tác giả Hà Văn Cầu so sánh với nhân vật trong kịch nói: “Nhân vật trong chèo
là những nhân vật định hình, khác với nhân vật trong kịch nói là những nhân
vật phát triển”, và ông giải thích rằng: “Đối với nhân vật phát triển thì khi
màn sân khấu mở lên, nhân vật bước ra sân khấu, khán giả chưa thể nào biết

rõ tính cách của nhân vật đó như thế nào, tâm trạng họ ra sao. Nhân vật phát
triển dần dần từng bước... Trái lại, nhân vật trong chèo lại bộc lộ tính cách
ngay từ phút đầu bước ra sân khấu” [7, tr. 39].
Năm 1977, NNC Hà Văn Cầu cho ra đời cuốn Mấy vấn đề trong kịch
bản Chèo. Nhìn tổng thể, các nhận định mang tính quan điểm học thuật của
tác giả Hà Văn Cầu trong hai công trình nghiên cứu này (cách nhau 13 năm)
là thống nhất, không có gì thay đổi.
Năm 1984, có thêm một cuốn sách bàn về kịch bản Chèo, đó là cuốn
Cách viết một vở Chèo [53] của tác giả Trần Việt Ngữ. Cuốn sách bao gồm
bảy chương, nhưng bàn luận trực tiếp vào vấn đề “cách viết một vở Chèo” chỉ
tập trung ở ba chương, là chương ba - Bố cục của bản trò; chương bốn - Xây
dựng nhân vật, và chương năm – Văn chương Chèo. Bên cạnh đó, tác giả Trần
Việt Ngữ có nói kỹ hơn về phần Giáo đầu và Vãn trò.
TS Trần Đình Ngôn đã có hai công trình nghiên cứu chuyên sâu về kịch
bản Chèo và phương pháp viết Chèo: Cuốn Kịch bản Chèo từ dân gian đến bác
học [43] và cuốn Nghệ thuật viết Chèo.Trong cuốn Nghệ thuật viết Chèo, NCS
đặc biệt quan tâm đến chương bốn với tiêu đề Xây dựng nhân vật trong kịch
bản Chèo truyền thống. Tại đây tác giả Trần Đình Ngôn đã thể hiện rõ quan


18

điểm của mình khi cho rằng “nhân vật trong Chèo đã đi từ một nét tính cách
định hình tiến tới nhân vật có nhiều nét tính cách và có sự phát triển thậm chí
đổi thay tính cách” [47, tr.76]. Tác giả cho rằng “nhân vật Chèo được xây dựng
theo phương pháp mô hình hóa và chuyển hóa mô hình” [47, tr.78].
Tóm lại, những công trình nghiên cứu trên là tài liệu quý để NCS tham
khảo, giúp cho NCS hiểu biết thêm về cách thức sáng tác một vở Chèo mà
xưa kia các nghệ nhân Chèo dân gian vẫn làm, từ đó đối chiếu với cách làm
các vở Chèo mới ngày nay, trong đó có cách làm của tác giả - đạo diễn Tào

Mạt với bộ ba Chèo Bài ca giữ nước, chỉ ra cái gì Tào Mạt kế thừa của các
nghệ nhân đi trước, cái gì là của ông bổ sung thêm, phát triển lên.
 Nghiên cứu về Hề Chèo
Trong các cuốn sách bàn về kịch bản Chèo của các tác giả Hà Văn Cầu,
Trần Đình Ngôn mà NCS vừa giới thiệu ở trên, các tác giả đều ít nhiều có nói tới
nhân vật Hề Chèo. Bên cạnh đó, có một số công trình nghiên cứu lấy đối tượng
nghiên cứu chính là Hề Chèo. Có thể điểm tên các công trình chính: Bước đầu
tìm hiểu tiếng cười trong Chèo cổ [52]; Hề Chèo (chọn lọc) [8]; Tiếng cười
trên sân khấu truyền thống [57]; Sự kế thừa, phát triển nghệ thuật xây dựng
nhân vật Hề từ chèo cổ đến chèo hiện đại [15] ...
Ngoài ra, còn có một số công trình nghiên cứu tổng hợp về nghệ thuật
Chèo nhưng có dành riêng một mục viết về Hề Chèo, ví dụ như trong cuốn
Bước đầu tìm hiểu sân khấu chèo [51] có mục Giá trị trào lộng và vai hề (từ
tr. 125 – 135); hay trong cuốn Đường trường phải chiều [42] có mục Hề Chèo
(từ tr. 153 – 166); trong cuốn Đường trường chông chênh [44] có mục Học
tập Hề Chèo – tục mà thanh (từ tr. 174 – 182)...
Các công trình nghiên cứu Hề Chèo đều thống nhất quan điểm khi đánh
giá về Hề Chèo trên các phương diện sau:


×