Tải bản đầy đủ (.docx) (21 trang)

Miễn giảm nghĩa vụ thi hành án là gì? Tại sao lại có chủ trương miễn giảm nghĩa vụ thi hành án? Ý kiến về vấn đề này?

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (135.2 KB, 21 trang )

MỤC LỤC
A. PHẦN MỞ ĐẦU.......................................................................................1
B. PHẦN NỘI DUNG...................................................................................1
I. Cơ sở của chủ trương miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án dân sự.......1
1. Khái niệm, đặc điểm.........................................................................1
2. Cơ sở của chủ trương miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án...............3
2.1. Cơ sở lý luận...................................................................................3
2.2. Cơ sở pháp lý..................................................................................4
2.3. Cơ sở thực tiễn...............................................................................5
3. Ý nghĩa của chế định miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án................6
II. Quy định pháp luật về miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án.................7
1.

Nguyên tắc miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án..............................7

2.

Điều kiện xét miễn, giảm thi hành án..........................................8

3.

Thẩm quyền xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án...................11

4.

Thủ tục miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án..................................11

III. Quan điểm đối với chủ trương miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án15
1.

Về nội dung quy định của pháp luật..........................................15



2.

Về thực tiễn thực hiện việc miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án. 16

C. PHẦN KẾT LUẬN.................................................................................18
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO...................................................19

0


A. PHẦN MỞ ĐẦU
Thi hành án dân sự là việc tổ chức thi hành các bản án, quyết định dân sự
được đưa ra thi hành theo quy định của các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền
nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức. Hoạt
động thi hành án dân sự là một hoạt động tư pháp nhằm phát huy hiệu lực của
các bản án, quyết định của Tòa án trong thực tế. Vì vậy việc đảm bảo công tác
thi hành án được kịp thời, đầy đủ, đúng pháp luật là vô cùng quan trọng. Tuy
nhiên, thực tiễn cho thấy, vì nhiều lý do chủ quan hoặc khách quan mà việc thực
hiện nghĩa vụ thi hành án trở nên bất khả thi đối với người phải thi hành án. Từ
việc nhận định thực tế này, pháp luật thi hành án dân sự đã quy định nội dung
miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với những người phải thi hành án không đủ
điều kiện về tài sản để thực hiện nghĩa vụ.
Với bài tiểu luận này, em sẽ tìm hiểu nội dung chế định miễn, giảm nghĩa vụ
thi hành án dân sự cũng như cơ sở của chủ trương này thông qua đề tài: Miễn
giảm nghĩa vụ thi hành án là gì? Tại sao lại có chủ trương miễn giảm nghĩa
vụ thi hành án? Ý kiến của em về vấn đề này?

B. PHẦN NỘI DUNG
I. Cơ sở của chủ trương miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án dân sự

1. Khái niệm, đặc điểm
Theo từ điển tiếng Việt, “nghĩa vụ” được hiểu là việc bắt buộc phải làm đối
với xã hội, đối với người khác mà pháp luật hay đạo đức quy định. Như vậy, nói
đến việc miễn, giảm nghĩa vụ có thể hiểu là loại trừ, không cần phải thực hiện
công việc hoặc làm giảm đi mức độ công việc mà trước đó đáng nhẽ bắt buộc
phải làm đối với xã hội, đối với người khác.
Trong pháp luật thi hành án dân sự, nghĩa vụ là thuật ngữ gắn liền với người
phải thi hành án. (Khoản 3 Điều 3 Luật Thi hành án dân sự sửa đổi, bổ sung:
Người phải thi hành án là cá nhân, cơ quan, tổ chức phải thực hiện nghĩa vụ

1


trong bản án, quyết định được thi hành). Cụ thể các khái niệm miễn, giảm nghĩa
vụ thi hành án dân sự được hiểu như sau:
Miễn nghĩa vụ thi hành án dân sự là trường hợp người phải thi hành án có
nghĩa vụ nộp một khoản tiền, tài sản để thu nộp ngân sách Nhà nước theo bản
án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật nhưng chưa thực hiện hoặc
mới thực hiện được một phần mà có đủ điều kiện do pháp luật quy định nên
được Tòa án có thẩm quyền quyết định miễn thi hành toàn bộ các khoản thu nộp
ngân sách Nhà nước còn lại.1
Giảm nghĩa vụ thi hành án dân sự là trường hợp người phải thi hành án có
nghĩa vụ nộp một khoản tiền, tài sản để thu nộp ngân sách Nhà nước theo bản
án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật nhưng chưa thực hiện hoặc
mới thực hiện được một phần mà có đủ điều kiện do pháp luật quy định nên
được Tòa án có thẩm quyền quyết định giảm một phần các khoản thu nộp ngân
sách Nhà nước.2
Từ các khái niệm trên, có thể các đặc điểm cụ thể sau:
Một, đối tượng được miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án dân sự là người phải
thi hành án. Nhưng không phải tất cả những người phải thi hành án đều được xét

miễn, giảm thi hành án. Họ phải là người chưa thực hiện hoặc đã thực hiện một
phần nghĩa vụ và đáp ứng đủ các điều kiện mà pháp luật quy định.
Hai, người được thi hành án là Nhà nước, nói cách khác, nghĩa vụ thi hành
án được miễn, giảm ở đây là nghĩa vụ đối với ngân sách Nhà nước. Theo Khoản
14 Điều 4 Luật Ngân sách nhà nước 2015, ngân sách nhà nước là toàn bộ các
khoản thu, chi của Nhà nước được dự toán và thực hiện trong một khoảng thời
gian nhất định do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định để bảo đảm thực
hiện các chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước.

1 Khoản 2 Điều 1 Thông tư liên tịch 10/2010/TTLT-BTP-BTC-BCA-VKSNDTC-TANDTC hướng dẫn
việc miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước
2 Khoản 3 Điều 1 Thông tư liên tịch 10/2010/TTLT-BTP-BTC-BCA-VKSNDTC-TANDTC hướng dẫn
việc miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước

2


Theo quy định tại Điều 2 Thông tư liên tịch số 12/2015/TTLT-BTP-BTCTANDTC-VKSNDTC ngày 15 tháng 9 năm 2015 Hướng dẫn việc miễn, giảm
nghĩa vụ THA đối với khoản thu, nộp ngân sách nhà nước, các khoản thu, nộp
cho ngân sách nhà nước thuộc diện được xét miễn, giảm THA gồm: tiền phạt,
truy thu tiền, tài sản thu lợi bất chính, án phí, lệ phí Tòa án, tịch thu sung quỹ
nhà nước, các khoản thu, nộp khác cho ngân sách nhà nước được xác định trong
bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật; lãi chậm THA đối với
khoản được miễn, giảm (nếu có).
Ba, chủ thể có thẩm quyền quyết định việc miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án
là Tòa án. Cụ thể việc xác định Tòa án nào có thẩm quyền sẽ được phân tích ở
nội dung sau.
2. Cơ sở của chủ trương miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án
2.1. Cơ sở lý luận
Khi bản án, quyết định dân sự của Tòa án có hiệu lực pháp luật thì các chủ

thể có quyền và nghĩa vụ thi hành án phải thực hiện quyền và nghĩa vụ của
mình. Tuy nhiên, trên thực tế, có nhiều trường hợp việc thi hành án không thể
thực hiện được do người phải thi hành án qua một thời gian dài vẫn không có tài
sản để thi hành án và khả năng để họ có tài sản để thi hành án là không có. Ví
như những trường hợp người bị lũ lụt, thiên tai không còn tài sản gì hay việc thi
hành án với những người đã bị kết án hình sự về tội sử dụng ma túy còn bị xử
phạt tiền là bất khả thi, bởi họ vốn là những người không có tiền. Nếu cứ nhất
định buộc người phải thi hành án phải thi hành án thì cơ quan thi hành án dân sự
sẽ mất rất nhiều thời gian, công sức, thậm chí là chi phí để xác minh, theo dõi
điều kiện thi hành án của họ. Ngoài ra cũng tồn tại nhiều trường hợp tài sản của
người phải thi hành án có giá trị nhỏ nhưng tổ chức thi hành án thì chi phí lại có
thể rất cao, từ đó khiến hiệu quả thi hành án dân sự không được đảm bảo. Trên
cơ sở đó, để đảm bảo hiệu quả của công tác thi hành án dân sự và sớm ổn định
các quan hệ xã hội, pháp luật thi hành án dân sự đã quy định về miễn, giảm
nghĩa vụ thi hành án dân sự của người phải thi hành án trong một số trường hợp
3


nhất định. Sự ra đời của chế định miễn, giảm thi hành án này cũng một mặt thể
hiện tính nhân đạo sâu sắc của pháp luật đối với thực tế khả năng tài chính của
người phải thi hành án.
2.2. Cơ sở pháp lý
Ngày 28 tháng 8 năm 1989, Pháp lệnh Thi hành án dân sự đầu tiên được ban
hành, tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc tăng cường, hoàn thiện tổ chức và
hoạt động thi hành án dân sự. Pháp lệnh này chưa có quy định về miễn, giảm
nghĩa vụ thi hành án. Tuy nhiên, tại Điều 21 Pháp lệnh có nội dung Chánh án
Toà án đã ra quyết định thi hành án có quyền trả lại đơn yêu cầu thi hành án
trong trường hợp xác định người phải thi hành án không có tài sản để thi hành
án. Đây có thể xem là cơ sở đầu tiên cho những quy định về miễn, giảm nghĩa
vụ thi hành án đối với người phải thi hành án sau này.

Ngày 14/01/2004, Uỷ ban thường vụ Quốc hội thông qua Pháp lệnh Thi
hành án dân sự năm 2004 với nhiều đổi mới quan trọng về thi hành án dân sự.
Tại Pháp lệnh này, vấn đề về miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đã lần đầu tiên
được quy định. Cụ thể ở Điều 32. Miễn, giảm thi hành án đối với khoản án
phí, tiền phạt. Theo đó, nếu người phải thi hành án không có tài sản, thu nhập
hoặc điều kiện khác để thi hành án thì có thể được xét miễn, giảm nghĩa vụ thi
hành án sau khi hết các mức thời hạn luật định. Tuy nhiên, quy định về miễn,
giảm thi hành án trong thời kỳ này chỉ mới áp dụng với khoản án phí, tiền phạt.
Ngày 14/11/2008, Quốc hội khoá XII đã thông qua Luật Thi hành án dân sự
năm 2008, văn bản có giá trị pháp lý cao nhất từ trước tới nay. Về nội dung
miễn, giảm nghĩa vụ THA đã ban hành Thông tư liên tịch 10/2010/TTLT-BTPBTC-BCA-VKSNDTC-TANDTC Hướng dẫn việc miễn, giảm nghĩa vụ thi hành
án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước.
Để tiếp tục hoàn thiện thể chế về thi hành án dân sự, ngày 25/11/2014 tại Kỳ
họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thi hành
án dân sự, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2015 đến nay. Tính đến thời
điểm hiện tại, việc miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án dân sự được quy định tại:
4


Các điều từ Điều 61 đến Điều 64 LTHADS 2008 (sửa đổi, bổ sung 2014) và
Thông tư liên tịch số 12/2015/TTLT-BTP-BTC-TANDTC-VKSNDTC Hướng
dẫn việc miễn, giảm nghĩa vụ THA đối với khoản thu, nộp ngân sách Nhà nước.
Như vậy, qua sự hình thành, phát triển của pháp luật thi hành án dân sự và
cụ thể là chế định miễn, giảm thi hành án. Có thể thấy sự cần thiết phải xây
dựng chế định về miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án và hơn thế, xu hướng của Nhà
nước ta đối với chủ trường này là mở rộng dần các điều kiện, mức miễn, giảm
nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước. Đồng thời,
phạm vi khoản thu được xét miễn, giảm cũng có chiều hướng mở rộng.
2.3. Cơ sở thực tiễn
Thông qua thực hiện tìm hiểu và thống kê, có thể chỉ ra số liệu kết quả thi

hành án tại một số địa phương nói riêng và cả nước nói chung như sau:
Nam Định: Trong 6 tháng đầu năm 2017, toàn ngành đã phối hợp với Viện
KSND rà soát và lập hồ sơ đề nghị TAND xét miễn, giảm thi hành án 25 việc
với số tiền gần 30 tỷ đồng. 1
Hà Nội: Cục THADS Hà Nội hiện còn tồn 1.248 việc/49.645.068.000 đồng.
Đây là số vụ việc tồn trên 10 năm
Cả nước: Số liệu thống kê 6 tháng từ tháng 10-2013 đến tháng 4-2014,
ngành THADS thụ lý hơn 513.000 việc và gần 73,6 nghìn tỷ đồng. Trong số việc
và số tiền có điều kiện xử lý, đã giải quyết xong 204.640 việc và gần 13,5 nghìn
tỷ đồng. Song, số việc phải hoãn THA chiếm số lượng lớn (100.152 việc, tương
ứng với số tiền gần 6.000 tỷ đồng) 2. Còn theo số liệu thống kê 6 tháng đầu năm
2017, số việc chuyển kỳ sau của cả nước là 353.399 việc, số tiền chuyển kỳ sau
119.317 tỷ 480 triệu 169 nghìn đồng.
Đối với thực trạng về số lượng án thi hành đáng báo động này, các địa
phương đều đã chỉ ra một số các nguyên nhân, trong đó được nhắc đến nhiều
nhất là do người phải thi hành án không có tài sản; đang chấp hành hình phạt tù
1 />2 />
5


dài hạn, không có thu nhập. Trong phương hướng khắc phục, Cơ quan THA các
địa phương đề xuất nhiều giải pháp, như Chi cục Thi hành án dân sự TP Quy
Nhơn (Bình Định) khẳng định: Làm tốt công tác lập hồ sơ xét miễn, giảm các
khoản thu nộp ngân sách nhà nước là một trong những giải pháp quan trọng. 1 Cơ
quan THA các địa phương cũng như Bộ Tư pháp đều thống nhất, một trong
những phương hướng giảm thiểu án tồn đọng chính là Đẩy mạnh công tác miễn
giảm thi hành án đối với những vụ việc đủ điều kiện.
Tóm lại, số liệu các địa phương và cả nước nói chung đều cho thấy một thực
trạng chung về số lượng án tồn đọng lớn, trải dài từ năm này qua năm khác. Gây
hậu quả tổn thất lớn đối với ngân sách Nhà nước, hơn nữa còn đòi hỏi phải thực

hiện xác minh điều kiện thi hành án tiến hành mỗi năm, gây nhiều bất cập, tốn
kém. Giải thích cho tình trạng này, một trong những nguyên nhân lớn nhất được
nêu ra luôn là do tình trạng, khả năng tài sản của người phải thi hành án. Trên cơ
sở thực tiễn này, chủ trương miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án được nêu ra như
một giải pháp hiệu quả để làm giảm án tồn đọng. Do vậy, pháp luật cần hướng
tới hoàn thiện hơn nữa chế định miễn, giảm thi hành án để giải quyết thực tiễn
án tồn đọng lớn.
3. Ý nghĩa của chế định miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án
Trên những cơ sở lý luận cũng như cơ sở thực tiễn đã phân tích, có thể thấy
việc quy định về miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án mang những ý nghĩa nhất
định:
Thứ nhất, việc miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu nộp ngân
sách nhà nước thể hiện tính nhân đạo sâu sắc của Đảng, Nhà nước trong quá
trình thực thi pháp luật nói chung và trong lĩnh vực thi hành án dân sự nói riêng,
Bởi thực tế trong nhiều trường hợp, người phải thi hành án không thể tự lo cuộc
sống hằng ngày của mình, nên việc yêu cầu họ thực hiện nghĩa vụ thi hành án
trở nên bất khả thi. Do đó, các quy định về miễn khoản thu nộp ngân sách Nhà
nước có tác dụng lớn làm giảm áp lực mưu sinh cho những người này.
1 />
6


Thứ hai, giải quyết được tình trạng án tồn đọng kéo dài từ năm này đến năm
khác. Việc giảm thiểu tình trạng án tồn đọng ngoài việc tăng cường hiệu quả
công tác thi hành án, có giúp làm giảm thiểu các chi phí như chi phí xác minh
điều kiện thi hành án từ năm này qua năm khác, …
II. Quy định pháp luật về miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án
1. Nguyên tắc miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án
Kết hợp quy định tại Khoản 5 Điều 61 Luật THA sửa đổi và Điều 3. Nguyên
tắc xét miễn, giảm thi hành án của Thông tư liên tịch 12/2015/ TTLT-BTPBTC-TANDTC-VKSNDTC, có thể xác định chủ trương miễn, giảm nghĩa vụ thi

hành án đối với ngân sách nhà nước được thực hiện trên cơ sở ba nguyên tắc
sau:
Thứ nhất, việc xét miễn, giảm THA phải được thực hiện một cách khách
quan, công khai, minh bạch, đúng đối tượng, đúng thời hạn và các quy định của
pháp luật về thi hành án dân sự, pháp luật có liên quan. Đây là nguyên tắc mới
được bổ sung trong quy định về miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản
thu, nộp ngân sách nhà nước, nhằm tạo sự công bằng trong việc thi hành án.
Thứ hai, người được xét miễn, giảm thi hành án không phải nộp chi phí liên
quan đến việc xét miễn, giảm. Chi phí cho việc xét miễn, giảm thi hành án được
lấy từ kinh phí hoạt động của cơ quan thực hiện việc miễn, giảm thi hành án.
Đây là một quy tắc hợp lý, xuất phát từ điều kiện người phải thi hành án không
có tài sản, không có thu nhập hoặc thu nhập không đảm bảo mới được xét miễn,
giảm thi thành án thì các chi phí liên quan cũng cần được xét miễn.
Thứ ba, người phải thi hành án đủ điều kiện xét miễn, giảm thi hành án chỉ
được xét miễn hoặc giảm một lần trong 01 năm đối với mỗi bản án, quyết định.
Quy định này là sự kế thừa và tổng hợp lại nguyên tắc đã được nêu tại Khoản 4
Điều 61 Luật Thi hành án dân sự 2008.
Như vậy, việc quy định các nguyên tắc xét miễn, giảm nghĩa vụ Thi hành án
theo Luật thi hành án dân sự sửa đổi và Thông tư liên tịch 12/2015 đã có sự kế
7


thừa các nội dung tại Luật Thi hành án dân sự 2008 cùng Thông tư liên tịch
10/2010 và bổ sung thêm nguyên tắc khách quan, công khai, minh bạch, đúng
đối tượng, đúng thời hạn. Việc bổ sung quy định này đã góp phần giúp cho việc
miễn, giảm thi hành án được thực hiện đúng pháp luật, bảo đảm được mục đích
của nó.
2. Điều kiện xét miễn, giảm thi hành án
Điều kiện xét miễn nghĩa vụ thi hành án: Điều 61 Luật Thi hành án sửa đổi
bổ sung quy định hai trường hợp được xét miễn nghĩa vụ thi hành án tương ứng

tại Khoản 1, Khoản 2. Cụ thể:
Khoản 1 Điều 61 quy định: người phải THA được xét miễn nghĩa vụ THA
nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau:
Một là, người THA không có tài sản hoặc có tài sản nhưng tài sản đó theo
quy định của pháp luật không được xử lý để thi hành án hoặc không có thu nhập
hoặc có thu nhập chỉ bảo đảm cuộc sống tối thiểu cho người phải thi hành án và
người mà họ có trách nhiệm nuôi dưỡng. Luật Thi hành án dân sự 2008 chỉ quy
định về người phải thi hành án không có tài sản và theo hướng dẫn tại Điều 1
Thông tư liên tịch 10/2010, Người phải THA không có tài sản để THA là người
không có tài sản tại thời điểm xác minh hoặc có tài sản nhưng tài sản chỉ có giá
trị nhỏ, không đủ hoặc chỉ đủ chi phí thì hành án, tài sản mà theo quy định của
pháp luật không được xử lí để THA hoặc tài sản không bán được, không có thu
nhập hoặc mức thu nhập thấp, chỉ đủ đảm bảo cho cuộc sống tối thiểu của bản
thân họ và gia đình. Như vậy, Luật Thi hành án sửa đổi đã cụ thể hóa, chi tiết
hóa “người phải THA không có tài sản” trên cơ sở hướng dẫn của Thông tư liên
tịch 10/2010.
Tài sản theo quy định pháp luật không được xử lý để thi hành án có thể kể
đến một số tài sản như sau: Nhà ở duy nhất của cá nhân và gia đình người bị
cưỡng chế có diện tích tối thiểu theo quy định của pháp luật về cư trú; đồ dùng

8


thờ cúng; di vật, huân chương, huy chương, bằng khen; tài sản phục vụ quốc
phòng và an ninh; tài sản đang được cầm cố, thế chấp hợp pháp…
Hai là, hết thời hạn 05 năm, kể từ ngày ra quyết định thi hành án đối với
khoản thu nộp ngân sách nhà nước có giá trị dưới 2.000.000 đồng hoặc hết thời
hạn 10 năm, kể từ ngày ra quyết định thi hành án đối với khoản thu nộp ngân
sách nhà nước có giá trị từ 2.000.000 đồng đến dưới 5.000.000 đồng.
Trước đây, khi Luật Thi hành án dân sự 2008 chưa được sửa đổi, bổ sung thì

luật chỉ mới quy định trường hợp người THA không có tài sản thi hành án sẽ
được xét miễn nghĩa vụ thi hành án khi hết thời hạn do luật định. Tuy nhiên, với
sự thay đổi liên tục của xã hội, thì xuất hiện nhiều trường hợp khác cũng cần
được xem xét miễn nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu, nộp ngân sách nhà
nước mà không chỉ có mỗi trường hợp người thi hành án không có tài sản. Do
đó, để khắc phục thiếu sót này, Luật thi hành án sửa đổi, bổ sung đã bổ sung
những trường hợp như người THA có tài sản nhưng tài sản đó theo quy định của
pháp luật không được xử lý để thi hành án hoặc không có thu nhập hoặc có thu
nhập chỉ bảo đảm cuộc sống tối thiểu cho người phải thi hành án và người mà họ
có trách nhiệm nuôi dưỡng cũng được xét miễn nghĩa vụ THA khi đáp ứng được
cả điều kiện về thời hạn được quy định tại điểm b Khoản 1 Điều 61.
Ngoài ra, Khoản 1 Điều 61 Luật THADS năm sửa đổi, bổ sung 2014 đã mở
rộng mức xét miễn nghĩa vụ THA mà không yêu cầu “đã thi hành được một
phần” khi hết thời hạn 05 năm: nâng mức nghĩa vụ phải thi hành từ mức “án phí
không có giá ngạch” lên thành “khoản thu, nộp ngân sách Nhà nước có giá trị
dưới 2 triệu đồng” hoặc hết thời hạn 10 năm, kể từ ngày ra quyết định thi hành
án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước có giá trị từ 2.000.000 đồng đến
dưới 5.000.000 đồng . Quy định này mở rộng khá nhiều diện được xét miễn thi
hành mà không cần thi hành được một phần nghĩa vụ.
Khoản 2 Điều 61 quy định điều kiện xét miễn đối với người đã thực hiện
một phần nghĩa vụ THA:

9


Một là, khi người thi hành án không có tài sản hoặc có tài sản nhưng tài sản
đó theo quy định của pháp luật không được xử lý để thi hành án hoặc không có
thu nhập hoặc có thu nhập chỉ bảo đảm cuộc sống tối thiểu cho người phải thi
hành án và người mà họ có trách nhiệm nuôi dưỡng.
Hai là, hết thời hạn 05 năm, kể từ ngày ra quyết định thi hành án mà phần

nghĩa vụ còn lại có giá trị dưới 5.000.000 đồng hoặc hết thời hạn 10 năm, kể từ
ngày ra quyết định thi hành án mà phần nghĩa vụ còn lại có giá trị từ 5.000.000
đồng đến dưới 10.000.000 đồng.
Ngoài ra, Khoản 4 Điều 61 Luật Thi hành án dân sự còn bổ sung quy định
phù hợp với nguyên tắc xét miễn hình phạt của Bộ luật Hình sự, xét miễn nghĩa
vụ THA đối với người phải thi hành án đã tích cực thi hành được một phần án
phí, tiền phạt nhưng lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn kéo dài hoặc
lập công lớn.
Người phải thi hành án lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn kéo
dài là người bị giảm sút hoặc mất thu nhập, mất toàn bộ hoặc phần lớn tài sản do
tai nạn, ốm đau, thiên tai, hỏa hoạn hoặc sự kiện bất khả kháng khác dẫn đến
không đảm bảo hoặc chỉ đảm bảo được cuộc sống tối thiểu cho bản thân người
đó và người mà họ có trách nhiệm nuôi dưỡng từ mười hai tháng trở lên, kể từ
thời điểm xảy ra sự kiện đó đến thời điểm xét miễn, giảm thi hành án.
Người phải thi hành án lập công lớn là người đã có hành động giúp cơ quan
nhà nước có thẩm quyền phát hiện, truy bắt, điều tra tội phạm; cứu được người
khác trong tình thế hiểm nghèo hoặc cứu được tài sản của Nhà nước, của tập thể,
của công dân trong thiên tai, hỏa hoạn hoặc sự kiện bất khả kháng khác; có phát
minh, sáng chế hoặc sáng kiến có giá trị lớn được các cơ quan nhà nước có thẩm
quyền xác nhận.1
Thi hành được một phần khoản thu, nộp ngân sách nhà nước ở đây được
hiểu là đã thi hành được ít nhất bằng một phần năm mươi khoản thu, nộp ngân
1 khoản 2 Điều 4 Thông tư liên tịch 12/2015

10


sách nhà nước hoặc khoản án phí phải thi hành theo bản án, quyết định của Tòa
án.
Điều kiện xét giảm nghĩa vụ thi hành án: Quy định tại Khoản 3 Điều 61,

theo đó, trường hợp được xét giảm nghĩa vụ thi hành án đối với người thi hành
án chỉ đặt ra khi người phải THA đã thi hành được một phần nghĩa vụ THA của
mình nhưng sau đó họ không còn hoặc có tài sản nhưng tài sản đó theo quy định
của pháp luật không được xử lý để thi hành án hoặc không có thu nhập hoặc có
thu nhập chỉ bảo đảm cuộc sống tối thiểu cho người phải thi hành án và người
mà họ có trách nhiệm nuôi dưỡng và khi đáp ứng được một trong các điều kiện
sau đây:
Một là, hết thời hạn 05 năm, kể từ ngày ra quyết định thi hành án mà phần
nghĩa vụ còn lại có giá trị từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, mỗi lần
giảm không quá một phần tư số tiền còn lại phải thi hành án.
Hai là, hết thời hạn 10 năm, kể từ ngày ra quyết định thi hành án mà phần
nghĩa vụ còn lại có giá trị từ trên 100.000.000 đồng, mỗi lần giảm không quá
một phần năm số tiền còn lại phải thi hành án nhưng tối đa không quá
50.000.000 đồng
3. Thẩm quyền xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án
Việc lập hồ sơ đề nghị xét miễn giảm nghĩa vụ Thi hành án được thực hiện
bởi cơ quan thi hành án dân sự, nhưng thẩm quyền quyết định chấp nhận hay
không việc miễn, giảm thi hành án lại thuộc về Tòa án. Cụ thể, khoản 1 Điều 63
quy định rõ: Việc xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu nộp
ngân sách nhà nước thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã,
thành phố thuộc tỉnh, Tòa án quân sự khu vực (sau đây gọi chung là Tòa án nhân
dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương) nơi cơ quan thi
hành án dân sự đang tổ chức việc thi hành án có trụ sở.
Như vậy có thể thấy thẩm quyền xét miễn, giảm THADS được quy định
theo tiêu chí lãnh thổ. Việc pháp luật quy định thẩm quyền xét miễn, giảm thì
11


hành án dân sự theo tiêu chí này sẽ tạo được điều kiện thuận lợi cho cơ quan có
thẩm quyền xét miễn, giảm nghĩa vụ THA trong việc xác minh về điều kiện tài

sản, khả năng thi hành nghĩa vụ và thời gian THA của người phải THA.
4. Thủ tục miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án
Thủ tục xét miễn, giảm thi hành án đối với khoản thu ngân sách nhà nước
được thực hiện theo hướng dẫn tại Chương II Thông tư liên tịch số
12/2015/TTLT-BTP-BTC-TANDTC-VKSNDTC ngày 15/09/2015:
Một, xác minh điều kiện để xét miễn, giảm THA: Thực hiện xác minh điều
kiện để xét miễn, giảm thi hành án phải dựa vào một trong các căn cứ:
Thứ nhất, đã có quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành án đối với
người phải thi hành án do Thủ trưởng cơ quan thi hành án ban hành và đáp ứng
đủ các điều kiện về thời hạn, mức tiền đã nêu tại mục 2. Điều kiện miễn, giảm
nghĩa vụ thi hành án.
Thứ hai, có đơn đề nghị xét miễn, giảm thi hành án của người phải thi hành
án gửi cho Cơ quan thi hành án dân sự. Đơn này có thể được gửi trực tiếp hoặc
thông qua đường bưu điện.
Thứ ba, có yêu cầu lập hồ sơ đề nghị xét miễn, giảm thi hành án của Viện
Kiểm sát gửi tới cơ quan Thi hành án dân sự. Việc yêu cầu của Viện kiểm sát
phải có căn cứ xác định rõ người phải thi hành án có đủ điều kiện để được xét
miễn, giảm thi hành án, nhưng cơ quan Thi hành án dân sự không lập hồ sơ.
Sau khi có một trong ba căn cứ đã nêu trên đây, Chấp hành viên tiến hành
xác minh để lập hồ sơ đề nghị xét miễn, giảm thi hành án; đối với trường hợp
thứ hai, nếu xét thấy người phải thi hành án chưa đủ các điều kiện về khả năng
tài chính, thời hạn hay mức tiền nghĩa vụ thì cơ quan Thi hành án dân sự thông
báo cho người phải thi hành án đã có đơn đề nghị xét miễn, giảm thi hành án
biết và không phải tiến hành xác minh.

12


Việc xác minh điều kiện thi hành án để xét miễn, giảm thi hành án thực hiện
theo quy định tại Điều 44 Luật Thi hành án dân sự. Khi việc xác minh hoàn tất,

nếu người phải thi hành án không đủ điều kiện xét miễn, giảm thì trong thời hạn
05 ngày làm việc, kể từ ngày có kết quả xác minh, cơ quan Thi hành án dân sự
phải thông báo bằng văn bản cho người phải thi hành án đã có đơn đề nghị xét
miễn, giảm thi hành án hoặc Viện kiểm sát đã yêu cầu lập hồ sơ đề nghị xét
miễn, giảm thi hành án biết, nêu rõ lý do chưa đủ điều kiện xét miễn, giảm.
Hai, lập hồ sơ đề nghị xét miễn, giảm thi hành án
Việc lập hồ sơ do Chấp hành viên thực hiện trong vòng 05 ngày kể từ khi có
kết quả xác minh cho thấy người phải thi hành án đủ điều kiện xét miễn, giảm
thi hành án. Việc lập hồ sơ phải báo cáo Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự
để chuyển Viện kiểm sát cùng cấp thực hiện kiểm sát.
Về nội dung, hồ sơ bao gồm các tài liệu sau đây:
1. Văn bản đề nghị xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án của Thủ trưởng cơ
quan thi hành án dân sự hoặc của Viện trưởng Viện kiểm sát trong trường hợp đề
nghị xét miễn, giảm khoản tiền phạt.
2. Bản án, quyết định của Tòa án, quyết định thi hành án của cơ quan thi
hành án dân sự.
3. Biên bản xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án được
thực hiện trong thời hạn không quá 03 tháng trước khi đề nghị xét miễn, giảm.
4. Tài liệu khác chứng minh điều kiện được xét miễn, giảm nghĩa vụ thi
hành án của người phải thi hành án, nếu có. Tài liệu khác có thể là một trong các
loại: Chứng từ thu - chi tiền thi hành án; Giấy xác nhận của cơ sở khám bệnh,
chữa bệnh từ cấp huyện trở lên trong trường hợp người phải thi hành án bị tai
nạn, đau ốm kéo dài; Giấy xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã trong trường
hợp người phải thi hành án bị thiệt hại tài sản do thiên tai, hỏa hoạn hoặc sự kiện
bất khả kháng khác; Giấy xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong
trường hợp người phải thi hành án lập công lớn; Phiếu xác nhận của cơ sở giam
13


giữ nơi người phải thi hành án đang chấp hành án phạt tù; Quyết định của Thủ

trưởng cơ quan Thi hành án dân sự về việc người phải thi hành án chưa có điều
kiện thi hành án; Tài liệu chứng minh khác liên quan đến điều kiện xét miễn,
giảm thi hành án.
5. Ý kiến bằng văn bản của Viện kiểm sát cùng cấp trong trường hợp cơ
quan thi hành án dân sự đề nghị xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án.
Ba, thụ lý hồ sơ xét, miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án dân sự: Trong thời hạn
02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị xét miễn, giảm nghĩa vụ
thi hành án, Tòa án có thẩm quyền phải thụ lý hồ sơ đề nghị xét miễn, giảm
nghĩa vụ thi hành án. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý hồ sơ
đề nghị xét miễn, giảm thi hành án, Chánh án Tòa án có thẩm quyền xét miễn,
giảm thi hành án phân công một Thẩm phán thụ lý hồ sơ và giải quyết việc xét
miễn, giảm thi hành án. Thẩm phán được phân công có quyền yêu cầu Viện
kiểm sát hoặc cơ quan Thi hành án dân sự giải thích những điểm chưa rõ hoặc
bổ sung giấy tờ cần thiết trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được
yêu cầu. Quá thời hạn nêu trên, nếu cơ quan được yêu cầu không giải thích hoặc
bổ sung giấy tờ cần thiết thì Thẩm phán trả lại hồ sơ cho cơ quan đã đề nghị.
Trường hợp hồ sơ đề nghị xét miễn, giảm bị Tòa án trả lại do chưa đầy đủ
hoặc thực hiện không đúng thủ tục, Viện kiểm sát hoặc cơ quan Thi hành án dân
sự có trách nhiệm hoàn thiện hồ sơ, thủ tục và đề nghị Tòa án có thẩm quyền
xem xét trong kỳ xét miễn, giảm gần nhất.
Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày thụ lý hồ sơ, Thẩm phán được phân công
giải quyết vụ việc phải mở phiên họp xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án.
Bốn, mở phiên họp xét miễn, giảm THA: Phiên họp xét miễn, giảm nghĩa vụ
thi hành án do một Thẩm phán chủ trì, có sự tham dự của đại diện Viện kiểm sát
cùng cấp, cơ quan thi hành án dân sự đã đề nghị xét miễn, giảm. Trước đó,
Thẩm phán chủ trì phiên họp xét miễn, giảm thi hành án có trách nhiệm thông
báo về thời gian, địa điểm phiên họp xét miễn, giảm cho những người tham dự.
14



Khi tiến hành xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án, đại diện cơ quan thi hành
án dân sự trình bày tóm tắt hồ sơ đề nghị xét miễn, giảm; đại diện Viện kiểm sát
phát biểu ý kiến về hồ sơ đề nghị xét miễn, giảm. Trên cơ sở xem xét hồ sơ và ý
kiến của đại diện của Viện kiểm sát, cơ quan thi hành án dân sự, Thẩm phán ra
quyết định chấp nhận, chấp nhận một phần hoặc không chấp nhận đề nghị xét
miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án.
Năm, ra quyết định về việc miễn, giảm nghĩa vụ THA: Quyết định phải bằng
văn bản và có những nội dung theo quy định tại khoản 3 Điều 9 Thông tư liên
tịch số 12/2015. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định về
việc miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án, Toà án phải gửi quyết định đó cho người
được xét miễn, giảm thi hành án, Viện kiểm sát cùng cấp, Viện kiểm sát cấp trên
trực tiếp, cơ quan thi hành án dân sự đã đề nghị xét miễn, giảm nghĩa vụ thi
hành án, trại giam, trại tạm giam nơi người được xét miễn, giảm nghĩa vụ thi
hành đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước đang chấp hành hình phạt tù.
Quyết định về việc miễn, giảm thi hành án của Tòa án có hiệu lực thi hành
kể từ ngày hết thời hạn kháng nghị của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp theo quy
định tại Khoản 1 Điều 64 Luật Thi hành án dân sự mà Viện kiểm sát không
kháng nghị.
Sáu, thi hành quyết định của Tòa án về việc miễn, giảm thi hành án: Sau khi
quyết định về việc miễn, giảm thi hành án có hiệu lực và không phát sinh trường
hợp người phải thi hành án có hành vi cất giấu, tẩu tán tài sản thì cơ quan Thi
hành án dân sự ra quyết định đình chỉ thi hành án (đối với quyết định miễn thi
hành án) hoặc cơ quan Thi hành án dân sự thực hiện thi hành đối với khoản thu,
nộp ngân sách nhà nước còn lại (sau khi đã trừ đi phần nghĩa vụ được giảm đối
với quyết định giảm một phần nghĩa vụ thi hành án). Đối với trường hợp Tòa án
quyết định không miễn, giảm khoản thu, nộp ngân sách nhà nước thì cơ quan
Thi hành án dân sự có trách nhiệm tiếp tục tổ chức thi hành theo quy định.
III. Quan điểm đối với chủ trương miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án
1. Về nội dung quy định của pháp luật
15



Qua việc phân tích cơ sở của chủ trương miễn, giảm nghĩa vụ THA, có thể
thấy đây là một chế định cần thiết trong pháp luật thi hành án, có ý nghĩa lớn
trong thực hiện công tác thi hành án. Tuy nhiên, bên cạnh tính nhân đạo, cũng
cần xét đến trường hợp nhiều người phải thi hành án có tài sản nhưng có hành vi
che giấu, tẩu tán tài sán, không chịu thực hiện nghĩa vụ thi hành án. Liên quan
đến vấn đề này cũng cần xét đến cơ chế xác minh điều kiện thi hành án quy định
tại Điều 44 Luật Thi hành án dân sự. Tức là, nội dung miễn, giảm nghĩa vụ THA
còn cần đặt trong mối tương quan với các chế định khác của pháp luật thi hành
án dân sự cũng như thực tiễn quy định khác của pháp luật và mặt biểu hiện của
đời sống xã hội. Thêm nữa, quy định về miễn, giảm phải bảo đảm các điều kiện
phù hợp với chính sách hình sự và các nguyên tắc quy định của Bộ luật Hình sự,
Luật Thi hành án hình sự.
Bên cạnh những ý kiến về việc mở rộng thêm điều kiện được xét miễn, giảm
THA cũng có những quan điểm trái chiều cho rằng cần bảo vệ ngân sách nhà
nước, việc miễn, giảm cần quy định cụ thể, chặt chẽ hơn để tránh bị lợi dụng,
thất thoát tài sản của Nhà nước. Đối với quan điểm này có thể đề xuất một số ý
kiến: không áp dụng xét miễn, giảm thi hành án khoản thu nộp ngân sách nhà
nước đối với người bị kết án về các tội phạm tham nhũng và các tội xâm phạm
trật tự quản lý kinh tế; tuân thủ nguyên tắc người bị kết án đã chấp hành được
một phần nghĩa vụ thi hành án; xác định rõ diện đối tượng được miễn thi hành
án vì các lý do nhân đạo theo các điều kiện cụ thể.
Tóm lại, đối với nội dung miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án dân sự: về điều
kiện số tiền để xét miễn, giảm là hợp lý trong bối cảnh kinh tế, xã hội hiện nay.
Tuy nhiên, thực tiễn chứng minh cơ chế, thủ tục cũng như việc thực hiện nói
chung còn nhiều bất cập, và nguyên nhân không chỉ xuất phát từ hoạt động của
Chấp hành viên hay cơ quan Thi hành án dân sự mà còn do nội dung quy định
pháp luật còn chưa đủ đảm bảo. Việc hoàn thiện hơn quy định pháp luật vẫn
luôn được đặt ra đối với nội dung này. Pháp luật cần quy định chặt chẽ hơn về

điều kiện xét miễn, giảm thi hành án, đối tượng xét miễn giảm cũng như các thủ
16


tục liên quan như thủ tục xác minh điều kiện thi hành án để một mặt thể hiện
tính nhân đạo của pháp luật, đồng thời cũng hạn chế tổn thất ngân sách Nhà
nước.
2. Về thực tiễn thực hiện việc miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án
Thực tiễn trong thực hiện các quy định của pháp luật về miễn, giảm nghĩa
vụ thi hành án có một số vấn đề đáng lưu ý như sau:
Thứ nhất, trường hợp người phải thi hành án đã thi hành được một phần
khoản thu nộp ngân sách nhà nước, mặc dù thuộc trường hợp quy định tại điểm
a khoản 1 Điều 61, thời gian kể từ ngày ra quyết định thi hành án đã quá 5 năm
nhưng chưa đủ 10 năm, và số tiền còn phải thi hành từ 5.000.000 đồng đến dưới
10.000.000 đồng thì không có căn cứ để xét giảm một phần nghĩa vụ thi hành
án. Trường hợp này đều không thuộc khoản 2 hay khoản 3 của Điều 61 nhưng rõ
ràng phần nghĩa vụ của họ ít hơn so với mức được xét giảm thi hành án. Như
vậy, đối với trường hợp này, có nên quy định một cơ chế xét miễn, giảm hợp lý
cho họ.
Thực tiễn đã có trường hợp như sau: A và B đều là người phải thi hành án
đối với Nhà nước, trong đó, A phải nộp số tiền 20.000.000 đồng, B phải nộp
10.000.000 đồng. Trong quá trình tổ chức thi hành án, A đã thi hành một phần
khoản tiền là 1.000.000 đồng. B đã thi hành một phần khoản tiền là 3.000.000
đồng. Qua xác minh thì hiện cả A và B không có bất cứ tài sản hay nguồn thu
nhập gì để đảm bảo cho việc thi hành án đối với khoản tiền phạt còn lại và đã có
Quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành án đối với A và B. Như vậy, A và
B đều thuộc diện chưa có điều kiện thi hành và đã hết thời hạn 5 năm, kể từ
ngày ra quyết định thi hành án. Tuy nhiên Chi cục Thi hành án dân sự chỉ lập hồ
sơ để đề nghị xét giảm một phần nghĩa vụ thi hành án cho A theo quy định tại
điểm a khoản 3 Điều 61 Luật Thi hành án dân sự nói trên, vì số tiền A còn phải

thi hành án là 19.000.000 đồng (trong khoảng từ 10.000.000 đồng đến
100.000.000 đồng); còn B thì chưa thể đề nghị xét giảm một phần nghĩa vụ thi
hành án được (mặc dù B đã chấp hành được nhiều hơn A), vì số tiền B còn phải
17


thi hành án là 7.000.000 đồng (không thuộc phạm vi quy định tại điểm a khoản 3
Điều 61 Luật Thi hành án dân sự). Do vậy trong trường hợp này B phải chờ đến
khi hết thời hạn 10 năm, kể từ ngày ra quyết định thi hành án thì mới có thể áp
dụng điểm b khoản 2 Điều 61 Luật Thi hành án dân sự để đề nghị xét miễn phần
nghĩa vụ còn lại cho B.
Thứ hai, việc thực hiện xét miễn phần án phí, tiền phạt cho một số đối
tượng, cụ thể như người lập công lớn. Đối với nội dung này còn tồn tại một số
vướng mắc như thời điểm lập công để xét miễn, về cách hiểu đối với điều kiện
“Đã tích cực thi hành được một phần án phí, tiền phạt”. Ví dụ có trường hợp:
Tháng 9/2013, ông Nguyễn Văn A đã có công cứu người trong trận lũ ở huyện
B, tỉnh C và được UBND tỉnh tặng bằng khen. Năm 2015 ông A bị bắt và xét xử
vì tội mua bán trái phép chất ma túy. Thời hạn tù 15 năm và phải nộp án phí
200.000đ, tiền phạt 20.000.000đ. Quá trình thi hành án ông A đã thi hành được
1.600.000đ. Vậy trường hợp này có xét miễn khoản tiền phạt và án phí cho ông
A và việc ông A thi hành án như vậy đã được xác định tích cực thi hành hay
chưa? Bởi có ý kiến cho rằng, tích cực thi hành án ngoài việc nộp đủ một phần
tiền theo Thông tư liên tịch 12/2015, người phải thi hành án có phải có ý thức
chấp hành pháp luật, tích cực thi hành nghĩa vụ (có thể thể hiện ở việc nhiều lần
nộp tiền thi hành án, khi có điều kiện đều tự nguyện thi hành). Tóm lại, đối với
nội dung này vẫn cần một số hướng dẫn chi tiết hơn trong áp dụng.
Thứ ba, đối với trường hợp không xác định được nơi cư trú của người phải
thi hành án. Trường hợp này gây nhiều khó khăn cho công tác xác minh điều
kiện thi hành án cũng như trong xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án. Vấn đề thi
hành án không xác định được nơi cư trí của người phải thi hành án có rất nhiều

quan điểm khác nhau, vì vậy khó thực thi trong thực tế.

C. PHẦN KẾT LUẬN
Tóm lại, đối với chế định miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án, trước hết cần
khẳng định đây là một quy định mang tính nhân đạo của pháp luật Việt Nam, đối
với những trường hợp đủ điều kiện để xét miễn giảm đối với các khoản thu nộp
18


Ngân sách nhà nước đã nêu. Không những vậy, quy định này còn góp phần đảm
bảo cho tính nghiêm minh của pháp luật, tính đồng bộ của thi hành án dân sự.
Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức tham gia quan hệ
thi hành án dân sự. Đồng thời, nâng cao hiệu quả công tác Thi hành án dân sự
trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan, những bất
cập thể hiện trong thực tiễn áp dụng pháp luật về miễn, giảm nghĩa vụ thi hành
án một phần lớn xuất phát từ việc những quy định của pháp luật chưa thực sự
hoàn thiện. Do đó, ngoài việc đề ra chủ trương tăng cường chất lượng, hiệu quả
của công tác Thi hành án, đào tạo bồi dưỡng năng lực Chấp hành viên thì cũng
cần hoàn thiện thêm chế định pháp luật đối với nội dung này.

19


DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.
2.
3.
4.
5.


Luật Thi hành án dân sự 2008 sửa đổi bổ sung 2014;
Luật Thi hành án dân sự 2008;
Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004;
Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 1989;
Thông tư liên tịch 12/2015/TTLT-BTP-BTC-BCA-VKSNDTC-TANDTC
Hướng dẫn việc miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu nộp

ngân sách nhà nước;
6. Thông tư liên tịch 10/2010/TTLT-BTP-BTC-BCA-VKSNDTC-TANDTC
Hướng dẫn việc miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu nộp
ngân sách nhà nước;
7. Trường Đại học Luật Hà Nội, giáo trình Luật Thi hành án dân sự Việt
Nam, Nxb. Công an Nhân dân, Hà Nội, 2012;
Một số trang web:
/>
Và một số trang báo địa phương.

20



×