Tải bản đầy đủ (.doc) (12 trang)

Do ăn chơi đua đòi, kiên (SN 1988) bàn với một số đối tượng khác giả làm chủ nợ đến nhà ép bố mẹ kiên là ông nguyễn văn vượng và bà nguyễn thị đường đ

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (99.59 KB, 12 trang )

ĐỀ BÀI
Bài 6 :
Do ăn chơi đua đòi, Kiên (SN 1988) bàn với một số đối tượng khác giả làm chủ nợ đến
nhà ép bố mẹ Kiên là ông Nguyễn Văn Vượng và bà Nguyễn Thị Đường đưa tiền.
Cụ thể, ngày 7/7/2010, Kiên nói với bố mẹ là đi cắt tóc rồi không về nhà. Kiên mang
chiếc xe máy của gia đình cầm cố được 11 triệu đồng, thuê nhà nghỉ ở xã Nam Hồng. Tại đây,
Kiên bàn với Lê Văn Hà (SN 1987, ở Bắc Đồng, Đông Anh) và Đỗ Tiến Dũng (SN 1983, ở
Yên Mỗ, Ninh Bình) viết giấy vay nợ của họ 200 triệu đồng.
Sáng 8/7, Dũng, Hà đi taxi đến gặp bố mẹ Kiên thông báo việc con trai họ nợ số tiền 200
triệu đồng, đã trả 40 triệu, còn nợ 160 triệu. Dũng đưa ra giấy nợ do Kiên tự viết, song ông bà
Vượng không đồng ý trả nợ nên Dũng đành ra về.
Kiên và Hà tiếp tục giao cho Dũng quay lại nhà đe dọa bố mẹ Kiên. Chiều cùng ngày, Hà,
Dũng lại đến nhà Kiên dọa nếu đến trưa ngày 9/7 không thấy Kiên đến trả tiền sẽ tìm bắt Kiên
cho đi tù hoặc chặt chân, tay. Tuy nhiên, ông bà Vượng vẫn kiên quyết không chịu đưa tiền.
Bực tức, sáng 9/7, Kiên nhờ Dũng đến nhà thông báo đã bắt được Kiên. Đến 17h cùng
ngày, tại nhà Kiên, Dũng vờ gọi điện và bật loa để ông bà Vượng nghe thấy tiếng con trai kêu
cứu “Bố mẹ ơi, cứu con với”. Các đối tượng thay nhau vỗ vào tường và đệm để hai phụ huynh
này nghe giống với cảnh con trai đang bị tra tấn.
Dũng dọa nếu ông bà Vượng không trả tiền, chúng sẽ đưa Kiên đi Quảng Ninh giải quyết.
Sợ hãi, lo lắng cho con, ông bà Vượng đành hứa sẽ trả nợ.
Một tiếng sau, ông Vượng điện thoại xin trả trước 60 triệu đồng, số còn lại trả dần trong
vòng 20 ngày. Dũng đồng ý và bảo họ mang tiền đến khu vực cầu Lớn, Nam Hồng giao tiền.
Ông Vượng bí mất báo cho công an nên khi đang nhận tiền, Dũng bị bắt quả tang. Có ý kiến
cho rằng Kiên phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Dũng và Hà phạm tội bắt cóc nhằm chiếm
đoạt tài sản.
Hỏi :
1. Hãy định tội danh đối với Kiên, Dũng và Hà. Hãy phản bác ý kiến anh (chị) cho là sai
[4 điểm]
2. Giả sử việc nợ tiền của Kiên là thật và Kiên bị Dũng, Hà bắt để đòi bố mẹ Kiên trả tiền.
Tội danh của Dũng, Hà có thay đổi không? Tại sao? [3 điểm]



BÀI LÀM
1. Định tội danh đối với Kiên, Dũng và Hà. Phản bác ý kiến anh (chị) cho là sai.
Ý kiến : Kiên phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Dũng và Hà phạm tội bắt cóc
nhằm chiếm đoạt tài sản là ý kiến SAI. Khẳng định Kiên, Dũng và Hà là đồng phạm tội
cưỡng đoạt tài sản theo Điều 135 BLHS.
Với các tình tiết đã nêu, nhóm chúng em đưa ra phân tích và xem xét 3 tội danh có thể
gây ra nhầm lẫn trong quá trình định tội đối với Kiên, Dũng và Hà, đó là : Tội cưỡng đoạt tài
sản (Điều 135 BLHS), Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 139 BLHS) và Tội bắt cóc nhằm
chiếm đoạt tài sản (Điều 134 BLHS).
- Cưỡng đoạt tài sản là hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần
người khác nhằm chiếm đoạt tài sản.
- Lừa đảo chiếm đoạt tài sản là hành vi chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn gian dối.
- Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản là hành vi bắt người làm con tin nhằm buộc người khác
phải nộp cho mình một khoản tiền hoặc tài sản thì mới thả người bị bắt.
Trong tình huống này, Kiên, Dũng và Hà là đồng phạm. Điều 20 BLHS có quy định :
“Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm.” . Đồng
phạm đòi hỏi có những dấu hiệu sau :
+ Dấu hiệu về mặt khách quan, đồng phạm đòi hỏi hai dấu hiệu : Có từ hai người trở lên và
những người này có đủ điều kiện của chủ thể tội phạm, đồng thời, những người này phải cùng
thực hiện tội phạm (cố ý).
+ Dấu hiệu về mặt chủ quan, đồng phạm đòi hỏi những người cùng thực hiện tội phạm đều có
lỗi cố ý. Đối với những tội có dấu hiệu mục đích phạm tội là dấu hiệu bắt buộc, đồng phạm đòi
hỏi những người cùng thực hiện phải có cùng mục đích phạm tội đó. Dấu hiệu lỗi trong đồng
phạm được thể hiện qua việc mỗi người tham gia đều biết hành vi của mình là nguy hiểm cho
xã hội và đều biết người khác cũng có hành vi nguy hiểm cho xã hội cùng với mình (về lý trí),
cùng mong muốn có hoạt động chung hoặc có ý thức để mặc cho hậu quả phát sinh (về ý chí).
Xét các dấu hiệu về đồng phạm và dữ kiện đề bài cho, ta thấy Kiên, Dũng và Hà cùng cố
ý thực hiện một tội phạm, cụ thể là thực hiện những hành vi để chiếm đoạt tài sản của bố mẹ
Kiên (ông Vượng và bà Đường). Cả 3 người này đều biết mục đích của nhau, đã có sự bàn bạc

2


và chuẩn bị từ trước cho hành vi phạm tội của mình để sau đó phối hợp thực hiện tội phạm.
Bởi vậy, Kiên, Dũng và Hà cùng phạm một tội danh với vai trò là đồng phạm, trong đó Kiên là
người tổ chức (là người chủ mưu, đưa ra kế hoạch bàn với Dũng và Hà; giao cho 2 đối tượng
này giả làm chủ nợ đến gặp bố mẹ Kiên để đòi tiền), còn Dũng và Hà là người thực hành (là
người đến nhà Kiên, trực tiếp thực hiện các hành vi được mô tả trong CTTP). Để xác định
Kiên, Dũng và Hà phạm tội nào, cần đi vào phân tích 3 tội danh nêu trên.
Cả ba tội phạm : Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, Tội cưỡng đoạt tài sản và Tội lừa
đảo chiếm đoạt tài sản đều là các tội nằm trong nhóm các tội xâm phạm sở hữu có tính chiếm
đoạt. Do đó dấu hiệu pháp lý của 3 tôi phạm này có những điểm chung :
* Về chủ thể :

Chủ thể của tội phạm là chủ thể thường – là người có năng lực trách nhiệm hình sự và
đạt độ tuổi luật định, đã thực hiện hành vi trái pháp luật : chiếm đoạt tài sản của người khác
hay cố ý chuyển dịch trái pháp luật tài sản đang thuộc sự quản lý của chủ tài sản thành tài
sản của mình.
3 đối tượng Kiên (SN 1988), Dũng (SN 1983) và Hà (SN 1987) vào thời điểm xảy ra
vụ án năm 2010 đều đạt độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Tình
huống cũng không đề cập tới việc Kiên, Dũng và Hà không có năng lực trách nhiệm hình
sự hay mất năng lực trách nhiệm hình sự. Vì vậy, ta mặc nhiên kết luận Kiên, Dũng và Hà
hoàn toàn có đủ điều kiện là chủ thể của 3 tội danh trên.
* Về khách thể :
Cả 3 tội danh này đều thuộc nhóm tội xâm phạm sở hữu có tính chiếm đoạt - đều xâm
phạm tới quan hệ sở hữu là quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ. Ngoài ra, tội bắt cóc
nhằm chiếm đoạt tài sản và tội cưỡng đoạt tài sản còn xâm hại đến quan hệ nhân thân :
+ Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản xâm phạm đến quan hệ nhân thân, đó là quyền tự
do thân thể của “con tin” và quyền tự do ý chí của chủ tài sản.
+ Quan hệ nhân thân bị xâm phạm ở tội cưỡng đoạt tài sản chỉ có thể là những thiệt hại về

tinh thần (sợ hãi, lo âu), tuy có ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng không gây thương tích cho
người bị hại.

3


Hành vi của Kiên, Dũng và Hà là hành vi chiếm đoạt tài sản của ông Vượng, bà
Đường (bố mẹ của Kiên) đã xâm phạm đến quan hệ sở hữu. Hơn nữa, hành vi của 3 đối
tượng này cũng đã xâm phạm tới quan hệ nhân thân ở mức độ ít nghiêm trọng khi làm ảnh
hưởng tới tinh thần, gây nên tâm lý lo lắng, sợ hãi đối với ông Vượng, bà Đường.
* Về mặt chủ quan của người phạm tội :
Đối với cả 3 tội danh này, người phạm tội đều có lỗi cố ý trực tiếp. Điều 9 BLHS quy
định về lỗi cố ý trục tiếp của người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội như sau : “1.
Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu
quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra.” Người phạm tội thực hiện hành vi
nguy hiểm cho xã hội nhằm mục đích và mong muốn chiếm đoạt được tài sản của chủ sở
hữu.
Ở tình huống này, lỗi của Kiên, Dũng và Hà đều là lỗi cố ý trực tiếp. Vào thời điểm
xảy ra sự việc trên, 3 người Kiên, Dũng và Hà đều là những người khỏe mạnh, ở độ tuổi
trưởng thành cả về nhận thức và hành động. Nhưng do ăn chơi đua đòi mà Kiên đã bàn với
Dũng và Hà – bạn của Kiên, giả làm chủ nợ đến nhà ép bố mẹ Kiên phải đưa tiền cho
chúng. Cả 3 đều hoàn toàn có thể nhận thức được tính chất nguy hiểm trong hành vi của
mình, thấy trước hậu quả của hành vi là sự thiệt hại về tài sản cho bố mẹ Kiên và mong
muốn chiếm đoạt bằng được số tài sản theo yêu cầu trong giấy vay nợ mà Kiên tự viết.
* Sự khác nhau giữa ba tội phạm này được thể hiện qua dấu hiệu về mặt khách quan của
tội phạm :
- Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản :
CTTP đòi hỏi người phạm tội có hành vi bắt cóc con tin và hành vi đe dọa chủ tài sản.
Hành vi bắt cóc là hành vi bắt giữ người trái phép bằng những thủ đoạn khác nhau.
Người bị bắt giữ có thể là trẻ em hoặc người lớn có quan hệ tình cảm thân thiết với chủ tài

sản. Mối quan hệ này có thể là quan hệ gia đình : ông bà với cháu, cha mẹ với con, vợ
chồng hoặc có thể là quan hệ xã hội khác như bạn bè, cơ quan, tổ chức…
Để đạt được mục đích chiếm đoạt tài sản, người phạm tội sau khi có hành vi bắt cóc
con tin, sẽ tiến hành đe dọa người thân của con tin. Hành vi đe dọa ở đây là hành vi đe dọa
dùng vũ lực nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe của con tin trong trường hợp người bị đe
4


dọa không thỏa mãn yêu cầu chiếm đoạt của người phạm tội. Cách thức chuyển lời đe dọa
có thể khác nhau (qua thư, qua điện thoại hoặc gặp trực tiếp…). Điều này đã tạo tâm lý lo
sợ cho người bị đe dọa, buộc họ phải thỏa mãn yêu cầu giao nộp tài sản của người phạm tội
nếu muốn tính mạng, sức khỏe của con tin được an toàn.
Trong tình huống, ta thấy có sự đòi hỏi thỏa mãn yêu cầu về tài sản và hành vi đe dọa
liên tiếp xảy ra với mức độ tăng dần. Ban đầu, Dũng và Hà đưa ra giấy vay nợ mà Kiên tự
viết (đã bàn cùng với Dũng và Hà trước đó) cho ông Vượng bà Đường, đòi ông bà phải trả
số nợ cho con trai mình là 160 triệu đồng. Ông bà Vượng không đồng ý trả nợ nên Dũng và
Hà lại tiếp tục đến nhà đòi nợ và kèm theo việc đe dọa bố mẹ Kiên với nội dung : nếu đến
trưa ngày 9/7/2010 mà không thấy Kiên đến trả tiền sẽ tìm bắt Kiên cho đi tù hoặc chặt
chân, tay. Sau lời đe dọa, ông bà Vượng vẫn kiên quyết không chịu đưa tiền. Chúng bực
tức, thông báo đến bố mẹ Kiên đã bắt được Kiên và gọi điện với sự đe dọa có mức độ
nghiêm trọng hơn khi để họ nghe thấy tiếng kêu cứu của Kiên trong tình trạng bị tra tấn.
Dũng dọa nếu ông bà Vượng không trả tiền, chúng sẽ đưa Kiên đi Quảng Ninh giải quyết.
Nhưng thực tế, hành vi bắt cóc là không có thật. Việc bắt cóc, viết giấy đòi nợ cũng như
từng bước đe dọa bố mẹ Kiên đều là những hành vi nằm trong kế hoạch của 3 đối tượng
Kiên, Dũng và Hà nhằm chiếm đoạt tài sản.
CTTP của tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản theo Điều 134 BLHS có 2 dấu hiệu bắt
buộc để định tội đó là người phạm tội phải có hành vi bắt cóc và hành vi đe dọa chủ tài sản.
Trong tình huống này, hành vi đe dọa chủ tài sản đã xảy ra nhưng hành vi mấu chốt là bắt
cóc con tin lại không có thật.
Như vậy, hành vi của Kiên, Dũng và Hà chưa đủ dấu hiệu cấu thành tội bắt cóc

nhằm chiếm đoạt tài sản theo Điều 134 BLHS.
- Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản :
Người phạm tội có hành vi chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn gian dối. Thủ đoạn gian dối
được thể hiện bằng những hành vi cụ thể nhằm đánh lừa chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản
như qua lời nói bằng cách cho thông tin giả (giả danh, giả chữ kí…), xuất trình giấy tờ sai sự
thật hoặc qua những việc làm cụ thể (cân, đo, đong, đếm thiếu)... để tiếp cận tài sản, làm tiền
đề cho việc chiếm đoạt tài sản sau đó.
5


Thủ đoạn gian dối của người phạm tội bao giờ cũng phải có trước khi có việc giao tài sản
giữa người bị hại với người phạm tội thì mới là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Thủ đoạn
lừa dối là điều kiện để hành vi chiếm đoạt xảy ra và hành vi chiếm đoạt vừa là mục đích vừa là
kết quả của thủ đoạn lừa dối. Sau khi người phạm tội đưa ra những thông tin giả, chủ tài sản
tin đó là sự thật và tự nguyện giao tài sản cho người phạm tội và cho rằng việc giao tài sản cho
người có thủ đoạn gian dối như vậy là hoàn toàn hợp pháp.
Chỉ có thể định tội với tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản khi người phạm tội bằng thủ
đoạn lừa dối đã làm chủ được tài sản bị chiếm đoạt và người bị lừa dối đã mất khả năng làm
chủ tài sản đó trên thực tế.
Nhận thấy trong tình huống, hành vi của Kiên, Dũng và Hà đều có thủ đoạn lừa dối để
chiếm đoạt tài sản. Kiên không nợ tiền Dũng và Hà, nhưng do ăn chơi đua đòi nên Kiên đã bàn
cùng với Dũng và Hà giả làm chủ nợ đến nhà ép bố mẹ Kiên đưa tiền cho chúng. Để ông bà
Vượng tin Dũng và Hà là chủ nợ, Kiên đã viết giấy vay nợ của hai người này 200 triệu đồng,
và cho họ mang đến nhà yêu cầu bố mẹ mình phải trả nợ. Theo kế hoạch, Dũng và Hà đi taxi
đến gặp bố mẹ Kiên thông báo việc con trai họ nợ số tiền 200 triệu đồng, đã trả được 40 triệu,
còn nợ 160 triệu đồng. Dũng đưa ra giấy nợ do Kiên tự viết, song ông bà Vượng không đồng ý
trả nợ nên Dũng đành ra về. Các hành vi sau đó cũng mang tính chất lừa đảo, đó là việc Dũng
gọi điện cho ông bà Vượng đe dọa việc chúng đã bắt được con trai của ông bà Vượng và để họ
nghe thấy tiếng tra tấn, tiếng kêu cứu của Kiên. Sự bắt cóc, sự tra tấn có tiếng kêu cứu đều do
3 đối tượng dàn dựng lên nhằm lừa dối ông bà Vượng. Kiên, Dũng và Hà thực hiện thủ đoạn

gian dối này nhằm gây sức ép tâm lý đối với ông bà Vượng, khiến họ phải lo lắng, sợ hãi, rồi
sẽ đưa tiền theo yêu cầu của bọn chúng. Nhưng sau tất cả các hành vi thể hiện thủ đoạn gian
dối của 3 đối tượng, ông bà Vượng vẫn không giao tiền cho Dũng và Hà hay không trả nợ cho
Kiên theo giấy vay nợ mà Dũng và Hà mang đến.
Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là tội có CTTP vật chất, đòi hỏi phải có hậu quả là thiệt hại
về tài sản xảy ra trong thực tế, cụ thể là giá trị tài sản bị chiếm đoạt. Như vậy, tội lừa đảo
chiếm đoạt tài sản chỉ coi là hoàn thành khi người phạm tội chiếm đoạt được tài sản. Nhưng ở
tình huống này, ông bà Vượng không giao tiền cho Dũng và Hà, nên Dũng và Hà không chiếm
đoạt được số tiền 160 triệu đồng. Như vậy, tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản chưa hoàn thành.

6


Cần nhấn mạnh chi tiết : sau lời đe dọa cuối cùng của Dũng qua việc Dũng cho ông
Vượng bà Đường nghe thấy tiếng con trai ông bà – là Kiên kêu cứu, tiếng Kiên đang bị tra tấn
qua điện thoại và lời dọa sẽ đưa Kiên đi Quảng Ninh giải quyết, ông bà Vượng đã đồng ý giao
tiền cho Dũng và Hà. Nhưng việc giao tiền của bố mẹ Kiên cho Dũng và Hà hoàn toàn không
có sự tự nguyện. Ông bà Vượng đồng ý giao tài sản cho Dũng và Hà bởi tâm lý lo lắng cho
tính mạng, sức khỏe của Kiên, sợ Kiên sẽ tiếp tục bị hành hạ bởi chủ nợ. Ông Vượng đã điện
thoại xin trả trước 60 triệu đồng và hẹn địa điểm mang tiền đến. Ông cũng đã bí mật báo cho
công an, khiến Dũng bị bắt quả tang khi đang nhận tiền. Dũng bị bắt đồng nghĩa với việc cả 3
người Kiên, Dũng và Hà không nhận được bất cứ khoản tiền nào từ ông bà Vượng.
Xét về mức độ nguy hiểm, hành vi của Kiên, Dũng và Hà không chỉ dừng lại ở việc dùng
thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản mà đã có sự nguy hiểm hơn khi kèm theo hành vi đe dọa
tới tâm lý, tinh thần của chủ tài sản. Điều này thể hiện những dấu hiệu của CTTP khác. Ta có
thể kết luận, Kiên, Dũng và Hà không phải là đồng phạm của tội lừa đảo chiếm đoạt tài
sản theo Điều 139 BLHS.
- Tội cưỡng đoạt tài sản :
Hành vi khách quan của tội cưỡng đoạt tài sản có thể là hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực
hoặc hành vi uy hiếp tinh thần người khác.

Hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực là hành vi dọa sẽ gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe nếu
không thỏa mãn yêu cầu chiếm đoạt tài sản của người phạm tội. Giữa hành vi đe dọa và việc
dùng vũ lực ở tội cưỡng đoạt tài sản có khoảng cách về thời gian. Sức mãnh liệt của sự đe dọa
chưa đến mức có thể làm tê liệt ý chí chống cự của người bị đe dọa mà chỉ có khả năng khống
chế ý chí của họ. Người bị đe dọa còn có điều kiện suy nghĩ, cân nhắc để quyết định hành
động.
Hành vi uy hiếp tinh thần là hành vi dọa gây thiệt hại về tài sản, danh dự, uy tín bằng bất
cứ thủ đoạn nào nếu người bị uy hiếp không thỏa mãn yêu cầu chiếm đoạt tài sản của người
phạm tội. Hành vi này cũng có khả năng làm khống chế ý chí của người bị đe dọa.
Những điều đe dọa có thể có thực, có thể không có thực hoặc có thực một phần. Điều luật
không giới hạn những thủ đoạn của hành vi uy hiếp tinh thần trong tội cưỡng đoạt tài sản. Bất
cứ thủ đoạn nào có thể uy hiếp được, có thể khống chế được ý chí của người khác đều được

7


coi là thủ đoạn của hành vi uy hiếp tinh thần trong tội cưỡng đoạt tài sản. Người bị đe doạ có
thể là chủ tài sản hoặc chỉ là người có trách nhiệm đối với tài sản.
Dựa trên phân tích đối với hai tội danh trên, ta thấy Kiên, Dũng và Hà đã có những hành
vi thuộc CTTP của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đó là chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn gian
dối. Nhưng hậu quả thiệt hại về tài sản của ông bà Vượng chưa xảy ra hay Kiên, Dũng và Hà
không chiếm đoạt được số tài sản mà chúng yêu cầu ông bà Vượng phải đáp ứng. Cùng với thủ
đoạn gian dối, Kiên, Dũng và Hà đã có những hành vi đe dọa tới bố mẹ Kiên để chiếm đoạt
được tài sản. Quá trình phạm tội của 3 đối tượng này diễn ra liên tiếp trong 3 ngày 7/7, 8/7, 9/7
năm 2010 đã thể hiện được mức độ nguy hiểm của hành vi đe dọa nhằm uy hiếp tinh thần đối
với ông bà Vượng :
+ Ngày 7/7/2010, Kiên nói với bố mẹ là ông Vượng bà Đường là đi cắt tóc rồi không về
nhà. Sau khi cầm cố chiếc xe máy, tại nhà nghỉ xã Nam Hồng, Kiên đã bàn bạc cùng với 2 đối
tượng là Dũng và Hà giả làm chủ nợ đến nhà Kiên đòi tiền theo giấy vay nợ với số tiền là 200
triệu đồng mà Kiên tự viết.

+ Ngày 8/7/2010, Dũng và Hà đến nhà gặp ông Vượng bà Đường thông báo việc Kiên còn
nợ 160 triệu trong tổng số 200 triệu đồng đã vay và đưa ra giấy vay nợ do Kiên viết làm bằng
chứng. Ông bà Vượng không đồng ý trả số tiền này, Dũng và Hà đành ra về.
Nếu chỉ dừng lại ở đây thì cả 3 đối tượng Kiên, Dũng và Hà đã phạm tội lừa đảo chiếm
đoạt tài sản ở giai đoạn phạm tội chưa đạt vì chưa chiếm đoạt được tài sản của ông bà Vượng.
Tuy nhiên, vì không chiếm đoạt được tài sản theo cách đó, Kiên và Hà tiếp tục giao cho Dũng
quay lại nhà để đe dọa bố mẹ Kiên. Từ đây, đã bắt đầu có dấu hiệu của hành vi đe dọa của tội
cưỡng đoạt tài sản.
Chiều 8/7/2010, Hà và Dũng lại đến nhà Kiên dọa nếu đến trưa 9/7 không thấy Kiên đến
trả tiền sẽ tìm bắt Kiên cho đi tù hoặc chặt chân, tay. Đây là sự đe dọa nhằm uy hiếp tinh thần
đối với ông bà Vượng, với mong muốn ông bà này vì lo sợ cho con trai sẽ mau chóng đưa tiền
cho bọn chúng. Tuy nhiên, ông bà Vượng vẫn kiên quyết không chịu đưa tiền.
+ Sáng 9/7/2010, Kiên nhờ Dũng đến nhà thông báo đã bắt được Kiên. Đến 17h cùng ngày,
tại nhà của Kiên, Dũng vờ gọi điện và bật loa để ông bà Vượng nghe thấy tiếng con trai kêu
cứu “bố mẹ ơi, cứu con với”. Các đối tượng này thay nhau vỗ vào tượng và đệm để hai phụ
huynh này nghe giống với cảnh con trai đang bị tra tấn. Dũng dọa nếu ông bà Vượng không trả
8


tiền, chúng sẽ đưa Kiên đi Quảng Ninh giải quyết. Sợ hãi, lo lắng cho con, ông bà Vượng đành
hứa sẽ trả nợ.
Một loạt các sự việc : Kiên bị Dũng và Hà bắt, Kiên bị tra tấn, sẽ bị Dũng và Hà chặt
chân tay và đưa đi Quảng Ninh giải quyết là không có thật nhưng tất cả các hành vi đó đều là
sự đe dọa đối với ông bà Vượng, gây ra tâm lý sợ hãi, lo lắng và có thể khiến họ phải giao tiền
cho 3 đối tượng. Nhận được những đe dọa này, ông Vượng bà Đường có thể lựa chọn giao
hoặc không giao tài sản. CTTP của tội cưỡng đoạt tài sản không đòi hỏi những hành vi đe dọa
của người phạm tội là có thật hay không có thật hay chỉ có thật một phần trên thực tế. Nhưng
đối với tình huống này, thì mọi việc từ đầu đến cuối xảy ra đối với Kiên đều không có thật.
Kiên không có khoản nợ nào, không hề bị bắt giữ nhưng 3 đối tượng này đã xây dựng nên câu
chuyện Kiên nợ một khoản tiền lớn, bị bắt cóc, bị tra tấn để đòi nợ bởi chủ nợ rất chuyên

nghiệp là Dũng và Hà. Việc này khiến bố mẹ Kiên tin rằng con mình đang gặp nguy hiểm, vì
lo lắng và sợ hãi cho con nên đã đồng ý giao tài sản cho Dũng, Hà. Hành vi đe dọa chính là
hành vi thể hiện thủ đoạn gian dối trong kế hoạch của Kiên, Dũng và Hà nhằm chiếm đoạt tài
sản.
So sánh với sự gian dối ban đầu là nói dối về khoản nợ và giấy tờ vay nợ giả do Kiên viết
thì hành vi đe dọa giả xảy ra sau đó có tính nguy hiểm cao hơn. Sự gian dối trong tội lừa đảo
chiếm đoạt tài sản là đưa ra thông tin không đúng sự thật để chủ tài sản tự nguyện giao tài sản
cho người phạm tội. Còn sự gian dối trong hành vi đe dọa của tội cưỡng đoạt tài sản như tình
huống nêu trên là nhằm ép buộc đến cùng chủ tài sản – ông bà Vượng phải giao tài sản cho các
đối tượng phạm tội. Việc giao tài sản của chủ tài sản cho người phạm tội không có tính tự
nguyện mà là miễn cưỡng do bị đe dọa, gây ra tâm lý lo lắng, sợ hãi. Hơn nữa, hành vi đe dọa
có dấu hiệu tăng tiến về mức độ nguy hiểm đã cho thấy quyết tâm thực hiện được tội phạm và
mong muốn chiếm đoạt được tài sản của 3 đối tượng là cao hơn nhiều so với hành vi chỉ nhằm
lừa đảo chiếm đoạt tài sản ban đầu. Như vậy, các hành vi của Kiên, Dũng và Hà có đầy đủ
các dấu hiệu cấu thành tội cưỡng đoạt tài sản theo Điều 135 BLHS.
Kết luận : - ý kiến cho rằng Kiên phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là Sai bởi hành
vi của Kiên cùng với đồng phạm là Dũng và Hà có tính nguy hiểm cao hơn, có chứa các dấu
hiệu cấu thành tội phạm khác, vượt ngoài ranh giới của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
9


- ý kiến cho rằng Dũng và Hà phạm tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản là
Sai bởi hành vi của Dũng và Hà chưa đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm này.
Khẳng định, Kiên, Dũng và Hà là đồng phạm của nhau và cùng phạm tội cưỡng đoạt
tài sản theo Điều 135 BLHS.
2. Giả sử việc nợ tiền của Kiên là thật và Kiên bị Dũng, Hà bắt để đòi bố mẹ Kiên trả tiền.
Tội danh của Dũng, Hà đã có thay đổi so với ý kiến đã nêu.
Trong tình huống này, ta khẳng định Dũng và Hà đã phạm tội bắt cóc nhằm chiếm
đoạt tài sản theo quy định tại Điều 134 BLHS.
Dựa trên những phân tích tại câu 1 về tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản và căn cứ vào

tình huống mới này, nhóm chúng em xin phân tích rõ hơn nữa dấu hiệu pháp lý của tội phạm
để định tội danh cho 2 đối tượng Dũng và Hà :
* Về chủ thể :
Chủ thể của tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản là chủ thể thường. Như đã phân tích thì
Dũng và Hà có đẩy đủ điều kiện để là chủ thể của tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản.
* Về khách thể :
Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản đồng thời xâm phạm đến hai khách thể trực tiếp
được luật hình sự bảo vệ. Đó là quan hệ nhân thân (xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh
dự, nhân phẩm của người bị bắt cóc) và quan hệ tài sản (xâm phạm quyền sở hữu tài sản của
những người thân người bị bắt cóc).
Việc Dũng và Hà bắt Kiên làm con tin kèm theo hành vi yêu cầu bố mẹ Kiên phải giao
cho mình số tiền mà Kiên đã nợ đã xâm phạm tới quyền tự do thân thể của Kiên và quyền sở
hữu tài sản của bố mẹ Kiên.
* Mặt chủ quan của người phạm tội :
Lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý. Mục đích của người phạm tội là chiếm đoạt tài sản.
Khi thực hiện hành vi bắt cóc và hành vi đe dọa xâm phạm tính mạng, sức khỏe của con tin,
người phạm tội nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản, buộc chủ tài sản phải giao nộp tài sản.
Lỗi của Dũng và Hà trong trường hợp này là lỗi cố ý trực tiếp. Dũng và Hà nhận thức
được hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, nhận thức được hậu quả xảy ra và mong
muốn hậu quả xảy ra đó là thiệt hại về tài sản đối với ông Vượng bà Đường, mong muốn ông
bà Vượng giao nộp tài sản – 160 triệu đồng cho mình.
10


Ở tình huống này, Dũng và Hà bắt giữ Kiên làm con tin và yêu cầu ông bà Vượng phải
đưa tiền cho chúng là để trả nợ cho Kiên. Tuy nhiên, tài sản mà 2 đối tượng này yêu cầu giao
nộp lại là số tiền thuộc sở hữu của bố mẹ Kiên, tương ứng với số tiền mà Kiên vay nợ, chứ
không phải đòi nợ số tiền thuộc sở hữu của Kiên. Điều này đã thể hiện sự chiếm đoạt tài sản.
* Mặt khách quan của tội phạm :
Như đã phân tích ở trên, hành vi khách quan của người phạm tội bắt cóc chiếm đoạt tài

sản là bắt giữ người làm con tin và yêu cầu, đe dọa chủ tài sản phải giao nộp tài sản cho mình.
Với dữ kiện Kiên nợ tiền của Dũng và Hà, Kiên không trả nợ nên Dũng và Hà đã bắt
Kiên để đòi bố mẹ Kiên – ông Vượng bà Đường trả tiền. Ở đây, có hai hành vi xảy ra, hành vi
thứ nhất là hành vi bắt giữ Kiên, hành vi thứ hai là hành vi đe dọa, yêu cầu bố mẹ Kiên trả
tiền. Cả hai hành vi này đều được mô tả trong CTTP của tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản
theo Điều 134 BLHS.
Hành vi bắt giữ Kiên trái pháp luật kết hợp với hành vi đe dọa liên tiếp đã xâm phạm tới
quyền tự do thân thể của “con tin” và qua đây đã xâm phạm đến tự do ý chí của chủ tài sản.
Những hành vi trên đã tất yếu dẫn tới tâm lý lo lắng, sợ hãi cho bố mẹ Kiên, buộc bố mẹ Kiên
phải giao nộp tiền cho chúng.
Dũng và Hà đòi ông bà Vượng giao nộp tiền chính là số tiền tương ứng với số nợ mà
Kiên đang nợ Dũng và Hà. Nhưng đây không phải là hành vi đòi nợ. Ta thấy, Kiên (SN 1988)
là người hoàn toàn bình thường, có đủ năng lực trách nhiệm dân sự. Theo quy định tại Điều
283 Bộ luật dân sự về Nguyên tắc thực hiện nghĩa vụ dân sự : “Bên có nghĩa vụ dân sự phải
thực hiện nghĩa vụ của mình một cách trung thực, theo tinh thần hợp tác, đúng cam kết, không
trái pháp luật, đạo đức xã hội.” Điều 40 Luật hôn nhân và gia đình chỉ quy định về việc Bồi
thường thiệt hại cho con : “Cha mẹ phải bồi thường thiệt hại do con chưa thành niên, con đã
thành niên mất năng lực hành vi dân sự gây ra…” Như vậy, không có pháp luật nào quy định
bố mẹ phải thực hiện nghĩa vụ dân sự cho con đã thành niên và có đầy đủ trách nhiệm dân sự
khi con không thực hiện được nghĩa vụ dân sự của mình. Vì vậy, Kiên có nghĩa vụ phải tự
thanh toán, chi trả, thực hiện các nghĩa vụ dân sự theo đúng thỏa thuận về việc vay tiền với
Dũng và Hà. Bố mẹ Kiên – ông bà Vượng không có nghĩa vụ phải trả nợ cho Kiên.
Số tiền Dũng và Hà đòi ông Đường bà Vượng phải đưa cho mình là tài sản của họ, không
phải là tài sản thuộc sở hữu của Kiên. Bố mẹ Kiên đưa tiền cho Dũng và Hà là trái với ý muốn
11


của họ, là sự miễn cưỡng giao tiền vì sợ hãi, lo lắng cho sự an toàn về tính mạng, sức khỏe của
Kiên. Điều này đã thể hiện tính chất chiếm đoạt tài sản trong hành vi của Dũng và Hà.
Kết luận, theo tình huống giả sử đưa ra, Dũng và Hà đã phạm tội Bắt cóc nhằm chiếm

đoạt tài sản theo Điều 134 BLHS.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Giáo trình : Luật Hình sự Việt Nam, Tập 1 và 2 – Trường Đại học Luật Hà Nội
Nhà xuất bản Công an nhân dân
2. Bộ Luật Hình sự năm 1999 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009)
3. Sách : Bình luận khoa học Bộ Luật Hình sự, Tập 2 – Các tội xâm phạm sở hữu,
Đinh Văn Quế - Thạc sỹ Luật học, Tòa án nhân dân tối cao
4. Bộ luật dân sự năm 2005, Luật hôn nhân và gia đình

12



×