A. LỜI MỞ ĐẦU
Con người là trung tâm của xã hội, mọi hoạt động của xã hội đều do con người
thực hiện. Sự phát triển của xã hội phụ thuộc vào những cá nhân trong xã hội và con
người cũng là trung tâm mà phát luật hướng tới bảo vệ. Trong Luật Hiến pháp của
Việt Nam tại Điều 71 quy định: “ Công dân có quyền bất khả xâm phạm về thân
thể, được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khỏe…”. Từ đó, BLDS 2005 đã cụ thể
hóa bằng việc ghi nhận quyền quyền đảm bảo về an toàn về tính mạng, sức khỏe,
thân thể là một trong những quyền nhân thân cơ bản. Để hiểu hơn quyền này em xin
chọn đề tài: “ Phân tích một vụ việc thực tế liên quan đến quyền được đảm bảo an
toàn về tính mạng, sức khỏe, thân thể của cá nhân và đưa ra nhận xét, kiến
nghị”.
B. GIẢI QUYẾT VẪN ĐỀ
I.
MỘT SỐ VẤN ĐỀ CƠ BẢN VỀ QUYỀN ĐƯỢC ĐẢM BẢO AN
TOÀN TÍNH MẠNG, SỨC KHỎE, THÂN THỂ CỦA CÁ NHÂN
1. Khái niệm, đặc điểm quyền được đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe,
thân thể
BLDS ghi nhận khá nhiều quyền nhân thân khác nhau và quyền được đảm bảo an
toàn về tính mạng, sức khỏe, thân thể là một trong những quyền nhân thân cơ bản.
Tính mạng, sức khỏe, thân thể là những yếu tố gắn liền với mỗi con người kể từ khi
sinh ra. Tính mạng, sức khỏe, thân thể là những yếu tố quyết định sự sống còn, tồn
tại của con người ảnh hưởng đến toàn bộ quá trình sống, chất lượng cuộc sống của
mỗi người. Do đó, đảm bảo an toàn về tính mạng, sức khỏe, thân thể của cá nhân là
vô cùng quan trọng.
Như vậy, đảm bảo an toàn về tính mạng, sức khỏe, thân thể là đảm bảo duy trì
trạng thái sức khỏe bình thường cả về thể chất, tâm thần lẫn xã hội, ngăn chặn
những yếu tố gây tổn hại đến sức khỏe. Bảo đảm an toàn về tính mạng là đảm
bảo duy trì sự sống tự nhiên của mỗi con người về mặt sinh học. Bảo đảm an
toàn về thân thể là đảm bảo sự duy trì bất khả xâm phạm và sự toàn vẹn của một
cơ thể con người.
2. Đặc điểm quyền đảm bảo an toàn về tính mạng, sức khỏe, thân thể
Quyền đảm bảo an toàn về tính mạng, sức khỏe, thân thể là một quyền nhân thân
mang các đặc điểm chung của quyền nhân thân như pháp luật dân sự quy định.
Ngoài ra, nó còn có những đặc điểm riêng sau:
Thứ nhất, đối tượng của quyền này là tính mạng, sức khỏe, thân thể - những yếu tố
gắn liền với một cơ thể con người, đây là các yếu tố như là thuộc tính tự nhiên mà
1
một con người từ khi sinh ra đã có, không cần phải có sự ghi nhận, công nhận của
bất kì chủ thể nào khác.
Thứ hai, chủ thể quyền đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe, thân thể là cá nhân.
Thứ ba, quyền đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe, thân thể là quyền nhân thân
mà hành vi xâm phạm tác động vào chủ thể quyền.
Thứ tư, quyền đảm bảo an toàn về tính mạng, sức khỏe được bảo hộ khi chủ thể
quyền – cá nhân lúc còn sống, quyền đảm bảo an toàn về thân thể được bảo hộ cả
khi cá nhân còn sống và cả khi cá nhân đã chết nhưng thân thể vẫn còn.
Thứ năm, quyền đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe, thân thể không phụ thuộc
vào yêu cầu.
Thứ sáu, quyền đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe, thân thể nằm trong hệ thống
quyền nhân thân và có mỗi quan hệ với các quyền nhân thân khác.
Như vậy, quyền đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe, thân thể mang những đặc
điểm cơ bản của quyền nhân thân và có những điểm khác biệt về đối tượng, hành vi
xâm phạm, thời hạn bảo hộ, phương thức bảo vệ so với các quyền nhân thân khác,
đồng thời có mối liên hệ với quyền hiến bộ phận cơ thể, quyền hiến xác, bộ phận cơ
thể sau khi chết…
3. Sơ lược lịch sử pháp luật Việt Nam về quyền đảm bảo an toàn về tính
mạng, sức khỏe, thân thể
Giai đoạn 1945 – 1959:
Cùng với sự thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, trên cơ sở
Hiến pháp 1946, Chính phủ đã ban hành một số văn bản pháp luật cụ thể hóa quyền
tự do dân chủ, trong đó bảo vệ tính mạng của nhân dân, kiều dân nước ngoài là một
trong những nội dung cơ bản. Nhìn chung, pháp luật thời kì này là pháp luật thời
chiến nhằm phục vụ kịp thời cho những công việc cấp bách, chủ yếu của cách mạng
nên chưa thể xây dựng một cách có hệ thống đầy đủ. Những quy định về quyền
nhân thân nói chung, quyền đảm bảo an toàn về tính mạng, sức khỏe, thân thể nói
riêng chưa được quy định cụ thể nhưng cũng đã thể hiện sự quan tâm nhất định của
Nhà nước tới vấn đề này.
Giai đoạn 1959 – 1980:
Sau khi Hiến pháp 1959 ra đời ghi nhận mọi công dân có quyền bình đẳng
trước pháp luật, có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, người lao động có quyền
được nghỉ ngơi. Trên cơ sở của Hiến pháp, Hội đồng Chính phủ đã ban hành nhiều
văn bản về bảo hiểm xã hội, bảo hộ lao động, y tế.
Trong khi đó, chính quyền Sài Gòn cũng ban hành nhiều văn bản pháp luật
nhưng chủ yếu việc thực hiện chúng lại chỉ bảo vệ lợi ích của một nhóm người phục
2
vụ trong Chính quyền Cộng hòa.
Giai đoạn 1980 – 1992:
Sau khi Hiến pháp 1980 ra đời thì đã quy định quyền và nghĩa vụ cơ bản của
công dân và những quyền cơ bản này đã được cụ thể hóa trong các văn bản pháp
luật chuyên ngành. Trong giai đoạn này, quyền được đảm bảo an toàn tính mạng,
sức khỏe, thân thể chỉ được ghi nhận trong đạo luật cơ bản là Hiến pháp. Chỉ đến
khi BLDS 1995 ra đời thì quyền đảm bảo an toàn về tính mạng, sức khỏe, thân thể
mới được quy định một cách có hệ thống và tiếp tục được hoàn thiện trong BLDS
2005.
Giai đoạn 1992 tới nay:
BLDS 1995 ra đời thì quyền nhân thân được hệ thống một cách cụ thể. BLDS
1995 đã ghi nhận quyền đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe, thân thể với nội dung
khá chi tiết tại Điều 32. Tuy nhiên, các quy định về quyền nhân thân nói chung,
quyền đảm bảo an toàn về tính mạng, sức khỏe, thân thể nói riêng còn tồn tại những
hạn chế. Sau khi Hiến pháp 1992 được sửa đổi bổ sung, BLDS 2005 được Quốc hội
thông qua, nội dung quyền đảm bảo an toàn về tính mạng, sức khỏe, thân thể cũng
được chỉnh sửa cho phù hợp nhưng về cơ bản là kế thừa BLDS 1995. Điểm tiến bộ
của BLDS 2005 liên quan đến quyền nhân thân nói chung và quyền được đảm bảo
an toàn về tính mạng, sức khỏe, thân thể nói riêng là các quy định, hướng dẫn xác
định trách nhiệm bồi thường thiệt hại cụ thể, thỏa đáng hơn.
Việc ghi nhận quyền nhân thân nói chung và quyền được đảm bảo an toàn về tính
mạng, sức khỏe, thân thể nói riêng trong BLDS đã trở thành cơ sở pháp lí quan
trọng cho cá nhân thực hiện quyền lợi chính đáng của mình, thể hiện sự tôn trọng
đối với các giá trị đích thực của con người đúng với bản chất của Nhà nước ta, Nhà
nước của do dân, vì dân.
II.
PHÂN TÍCH MỘT VỤ VIỆC THỰC TẾ
1. Vụ việc thực tế
Chiều 1.9.2012, lãnh đạo Công an H.Đông Anh (TP.Hà Nội) cho biết đã khởi tố
vụ án cố ý gây thương tích gây hậu quả chết người và tạm giữ hình sự đối với
người: Hoàng Ngọc Tuyên (32 tuổi) - Phó trưởng công an xã Kim Nỗ; Nguyễn
Trọng Kiên (21 tuổi), Đoàn Văn Tuyến (29 tuổi) và Hoàng Ngọc Thức (23 tuổi) đều
cùng là công an viên xã Kim Nỗ. Qua điều tra, Công an H.Đông An làm rõ: 8 giờ 15
phút ngày 30.8, UBND xã Kim Nỗ tổ chức thi hành Quyết định cưỡng chế phá dỡ
công trình vi phạm trật tự xây dựng của hộ gia đình ông Nguyễn Mậu Diệp có bố là
ông Nguyễn Mậu Thuận (54 tuổi, trú tại thôn Đoài, xã Kim Nỗ, H.Đông Anh).
Đến 13 giờ 30 phút cùng ngày, ông Nguyễn Đức Vọng là Trưởng công an xã
3
Kim Nỗ nhận được tin báo của ông Nguyễn Mậu Phú (55 tuổi, trú ở thôn Đoài, xã
Kim Nỗ) trình báo về việc vợ ông Phú là bà Đoàn Thị Bút (54 tuổi) bị ông Nguyễn
Mậu Thuận dùng gạch đánh gây thương tích, nên đã phân công Hoàng Ngọc Tuyên
là Phó công an xã giải quyết vụ việc. Tiếp đó, ông Hoàng Ngọc Tuyên đã chỉ đạo
Hoàng Ngọc Thức, Đoàn Văn Tuyến và Nguyễn Trọng Kiên đều là công an viên
mời ông Thuận đến trụ sở công an xã làm việc. Khi đến trụ sở công an xã, Nguyễn
Trọng Kiên, Hoàng Ngọc Thức và Đoàn Văn Tuyến đã sử dụng khóa số 8 khóa tay
ông Thuận ra phía sau rồi đưa ông Thuận vào ngồi ghế gỗ trong phòng làm việc.
Tại đây, ông Thuận có hành vi chửi bới, lăng mạ và đe doạ lực lượng công an
xã, nên Kiên, Tuyến, Thức tiếp tục sử dụng 4 khóa số 8 khóa hai chân, hai tay của
ông Thuận vào chân ghế. Tiếp tục bị ông Thuận chửi bới, Kiên và Tuyên đã dùng
dùi cui cao su đánh liên tiếp vào đùi phải và đùi trái ông Thuận. Chưa dừng lại ở đó,
Tuyên bảo Kiên dùng hai chiếc bút bi kẹp vào các ngón tay của ông Thuận và bóp
mạnh, làm ông Thuận kêu đau. Tiếp đến, Tuyên vừa hỏi ông Thuận vừa yêu
cầu Kiên ghi lời khai, nhưng ông Thuận không ký biên bản, nên Tuyên và Kiên tiếp
tục đánh ông Thuận.
Đến 16 giờ cùng ngày, thấy ông Thuận có biểu hiện khó thở, Tuyên yêu
cầu Thức và Tuyến tháo khóa số 8 rồi đưa ông Thuận lên giường nơi phòng làm
việc. Sau đó, số người này dùng tay ép lồng ngực hô hấp nhân tạo cho ông Thuận,
đồng thời gọi điện cho chị Nguyễn Thị Hạnh là Trạm trưởng Trạm Y tế xã Kim Nỗ
và anh Lê Văn Bổng là y sĩ Trạm y tế xã Kim Nỗ đến cấp cứu. Tại đây, do đo nhịp
tim của ông Thuận thấy đập rời rạc và cũng không đo được huyết áp nên hai người
này đã yêu cầu đưa ông Thuận đến Bệnh viện Đa khoa Đông Anh cấp cứu.
Theo xác định của Bệnh viện Đa khoa Đông Anh, ông Nguyễn Mậu Thuận
được đưa vào viện lúc 16 giờ 45 phút trong tình trạng: da lạnh, tím toàn thân, huyết
áp không đo được, nhịp thở không thấy, đồng tử giãn tối đa, không có phản xạ ánh
sáng, ngừng tuần hoàn ngoại biên, đã tử vong trước khi đưa tới bệnh viện. Qua
khám khám nghiệm hiện trường, pháp y tử thi, Công an H.Đông An xác định: ông
Thuận bị gãy xương sườn số 6, 7, 8 bên trái. Ngoài ra, bệnh nhân có bệnh xơ gan lại
đang trong tình trạng say rượu, nên khi bị ngoại lực tác động sẽ gây ngừng tim
dẫn đến tử vong. Đến 7 giờ ngày 1.9, nạn nhân Nguyễn Mậu Thuận đã được gia
đình mai táng ở nghĩa trang xã. Hiện vụ việc đang được Công an H.Đông Anh tiếp
tục điều tra, xử lý nghiêm.
2.
Phân tích
4
Tại Điều 71 Hiến pháp cũng quy định: “ Công dân có quyền bất khả xâm phạm
về thân thể, được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân
phẩm”. Quyền được đảm bảo về an toàn tính mạng, sức khỏe, thân thể được ghi
nhận tại Điều 32 BLDS 2005. Qua quy định đó có thể thấy rằng quyền được đảm
bảo an toàn tính mạng, sức khỏe, thân thể đã được hoàn thiện ở mức độ cao, phù
hợp với điều kiện kinh tế của nước ta trong quá trình công nghiệp hóa – hiện đại
hóa.
2.1. Nội dung quyền đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe, thân thể
Quyền được đảm bảo an toàn về tính mạng:
Cá nhân có quyền được đảm bảo an toàn về tính mạng, không ai có quyền
xâm phạm sự sống của cá nhân, trừ trường hợp phòng vệ chính đáng hoặc tình thế
cấp thiết hay theo quy định của pháp luật thì họ phạm tội đặc biệt nghiêm trọng và
cần loại trừ khỏi xã hội( tử hình). Nếu vượt quá trường hợp phòng vệ chính đáng
hoặc tình thế cấp thiết thì vẫn bị coi là hành vi xâm phạm tính mạng của người khác.
Còn trong trường hợp người đó cần bị loại trừ khỏi xã hội thì phải do cơ quan Nhà
nước, người có thẩm quyền thực hiện theo trình tự, thủ tục pháp luật quy định chứ
không thực hiện bởi bất kì chủ thể nào khác.
Quyền được đảm bảo an toàn về sức khỏe
Đảm bảo an toàn về sức khỏe tức là duy trì trạng thái sức khỏe bình thường
về thể chất, tâm thần và xã hội. Như vậy, quyền đảm bảo an toàn về sức khỏe là
quyền của cá nhân được sống trong môi trường an toàn để đảm bảo về sức khỏe. Cá
nhân có quyền được khám, kiểm tra sức khỏe, được chăm sóc chữa bệnh tại các cơ
sở y tế khi bệnh tật, ốm đau… Theo Luật khám chữa bệnh thì cá nhân có quyền
khám, chữa bệnh phù hợp với điều kiện thực tế( Điều 7), tôn trọng bí mật riêng
tư( Điều 8), quyền được tôn trọng danh dự, bảo vệ sức khỏe trong khám chữa
bệnh( Điều 9)… Tương ứng với quyền của người khám chữa bệnh là các nghĩa vụ
của người hành nghề khám chữa bệnh, các cơ sở khám chữa bệnh. Luật khám chữa
bệnh cũng quy định khá chặt chẽ về điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề tại Điều 18.
Bên cạnh đó, Nhà nước cũng ban hành các quy định pháp luật về bảo hiểm y
tế - hình thức bảo hiểm trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, không vì mục đích lợi
nhuận do Nhà nước tổ chức thực hiện. Ngoài ra Bộ luật lao động cũng quy định
quyền của người được bảo hộ lao động, làm việc trong điều kiện được đảm bảo an
toàn lao động, vệ sinh lao động và những quy định chặt chẽ về bảo hộ lao động.
Quyền đảm bảo an toàn về thân thể
Cá nhân có quyền đảm bảo an toàn về thân thể không những khi còn sống mà
cả khi đã chết. Đảm bảo an toàn về thân thể không chỉ là đảm bảo sự toàn vẹn của
5
thân thể mà còn là đảm bảo sự bất khả xâm phạm về thân thể. Đây là quyền dân sự
tuyệt đối của mỗi cá nhân, mọi sự xâm hại trái luật thì chủ thể gây ra phải có trách
nhiệm bồi thường.
2.2. Phân tích
Trong vụ việc trên thì khi có thông tin là bà Đoàn Thị Bút bị dùng gạch đánh gây
thương tích nên ông Nguyễn Đức Vọng đã cử Hoàng Ngọc Tuyến xuống giải quyết
vụ việc. Khi được đưa về trụ sở công an xã thì ông Thuận đã có hành vi chửi bới,
lăng mạ và đe dọa lực lượng công an xã. Do những công an xã này không kiềm chế
được đã có hành vi sử dụng bạo lực đối với ông Thuận và ép ông kí vào biên bản
nhưng ông không kí. Ông Thuận đã tử vong vào chiều ngày 30.8.
Có thể thấy hành vi của những công an viên đã xâm phạm nghiêm trọng tới
quyền được đảm bảo về an toàn tính mạng, sức khỏe của ông Thuận. Đối tượng của
hành vi xâm phạm chính là tính mạng, sức khỏe thân thể của cá nhân( ông Thuận).
Tức hành vi của những công an viên đã tác động tới chính bản thân chủ thể
quyền( ông Thuận), gây ra thiệt hại trực tiếp trên thân thể con người – hành vi đánh
đập đó đã làm cho ông Thuận tử vong. Quyền đảm bảo an toàn về tính mạng, sức
khỏe, thân thể là quyền dân sự tuyệt đối của ông Thuận, mọi hành vi xâm phạm đều
bị coi là trái pháp luật và phải có trách nhiệm bồi thường khi không có lỗi. Trong
pháp luật dân sự thì lỗi vô ý hay cố ý không có ý nghĩa trong việc xác định đó có
phải là hành vi xâm phạm quyền phải chịu trách nhiệm dân sự hay không mà chỉ là
một yếu tố quyết định mức bồi thường. Đây chính là sự khác biệt so với pháp luật
hình sự.
Trong vụ án trên thì các công an viên cố ý làm cho ông Thuận bị thương và có đủ
yếu tố cấu thành tội cố ý gây thương tích theo quy định tại Điều 104 BLHS bởi:
- Về phía các công an viên:
Đã có hành vi tác động đến thân thể của ông Thuận như dùng dùi cui cao su đánh
vào đùi ông Thuận, dùng hai chiếc bút bi kẹp vào ngón tay và bóp mạnh. Tiếp đến,
Tuyên vừa hỏi ông Thuận vừa yêu cầu Kiên ghi lời khai nhưng ông Thuận không kí
vào biên bản, nên Tuyên và Kiên tiếp tục đánh ông Thuận. Chính những hành vi đó
đã làm cho ông Thuận bị gãy sương sườn bên trái, do ông bị bệnh sơ gan và đang
trong tình trạng say rượu nên khi có tác động ngoại lực sẽ làm cho tim ngừng đập
dẫn đến tử vong.
Khi thực hiện hành vi trên thì họ nhận thức rõ hành vi của mình nhất định
hoaowcj có thể gây ra thương tích hoặc tổn hại sức khỏe cho ông Thuận; mong
muốn hoặc có ý thức để cho hậu quả đó xảy ra – tức chỉ mong muốn hoặc để mặc
cho nạn nhân bị thương, bị tổn hại đến sức khỏe chứ không muốn nạn nhân chết. Vì
6
khi thấy ông Thuận có hiện tượng khó thở thì Tuyên đã yêu cầu Thức và Tuyến tháo
khóa còng số 8 rồi đưa ông Thuận lên giường và hô hấp nhân tạo đồng thời gọi điện
cho trạm trưởng, y sĩ trạm y tế xã đến cấp cứu – không mong muốn ông Thuận chết.
- Về phía nạn nhân:
Phải bị tổn hại tới sức khỏe ở mức đáng kể - ông Thuận đã tử vong trước khi đưa
tới bệnh viện. Từ những dấu hiệu cơ bản trên thì hành vi của những công an viên
trong vụ việc trên đã xâm phạm nghiêm trọng tới tính mạng, sức khỏe của ông
Thuận, đủ yếu tố cấu thành tội cố ý gây thương tích theo quy định tại Điều 104
BLHS.
Và cũng tại khoản 2 Điều 32 BLDS 2005 thông qua việc quy định đối với các
chủ thể khác thì cá nhân có quyền được cứu giúp khi bị tai nạn, bệnh tật mà tính
mạng bị đe dọa. Khi có hiện tượng khó thở thì những công an viên đã nhanh chóng
bằng mọi biện pháp( tự hô hấp nhân tạo, gọi điện cho trạm trưởng, y sĩ đến cấp cứu)
– sơ cứu, cấp cứu trong phạm vi, khả năng chuyên môn, điều kiện vật chất trong
hoàn cảnh đó( khoản 1 Điều 32 Luật khám bệnh, chữa bệnh 2009). Và khi khi
không đo được nhịp tim của ông Thuận thì đã yêu cầu đưa ông Thuận đến bệnh viện
đa khoa huyện Đông Anh để cấp cứu. Khi tới bệnh viện trong tình trạng: da lạnh,
tím tái toàn thân, huyết áp không đo được, nhịp thở không thông, đồng tử giãn tối
đa, không có phản xạ ánh sang, ngừng tuần hoàn ngoại biên, đã tử vong trước khi
đưa tới bệnh viện. Tức khi phát hiện ra hiện tượng của ông Thuận thì những người
có mặt ở đấy đã thực hiện trách nhiệm của mình là đưa tới bệnh viện và bệnh viện
đa khoa huyện Đông Anh đã không từ chối việc cứu chữa, đã tận dụng mọi phương
tiện, khả năng hiện có để cứu chữa bệnh nhân, nhưng ông Thuận đã tử vong trước
khi tới bệnh viện( Điều 52, 53 Luật khám bệnh, chữa bệnh 2009).
Trong BLDS 2005 không quy định biện pháp bảo vệ riêng cho quyền đảm bảo an
toàn về tính mạng, sức khỏe, thân thể mà quy định chung với việc bảo vệ quyền
nhân thân tại Điều 25 BLDS 2005. Theo đó, quyền nhân thân của cá nhân khi bị
xâm phạm thì người đó có thể lựa chọn cách thức khác nhau để đảm bảo quyền lợi
của mình như: tự mình cải chính; yêu cầu người vi phạm hoặc yêu cầu cơ quan, tổ
chức có thẩm quyền buộc người vi phạm xin lỗi, cải chính công khai; yêu cầu người
vi phạm hoặc cơ quan, tổ thức có thẩm quyền buộc người vi phạm bồi thường thiệt
hại. Vì vây, người nhà – đại diện cho ông Thuận có thể chọn cho mình một cách
thức hợp lí nhất nhằm bảo vệ riêng cho quyền được đảm bảo an toàn tính mạng, sức
khỏe của ông Thuận.
Trong vụ việc trên thì hành vi của Hoàng Ngọc Tuyên (32 tuổi) - Phó trưởng
công an xã Kim Nỗ; Nguyễn Trọng Kiên (21 tuổi), Đoàn Văn Tuyến (29 tuổi) và
7
Hoàng Ngọc Thức (23 tuổi) đều cùng là công an viên xã Kim Nỗ đủ yếu tố cấu
thành tội phạm( tội cố ý gây thương tích) và phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy
định của pháp luật hình sự.
3. Nhận xét, kiến nghị
3.1. Nhận xét
Con người là vốn quý của xã hội của xã hội nên pháp luật Việt Nam có khá nhiều
quy định, ghi nhận và bảo vệ quyền đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe, thân thể
trong các pháp luật chuyên ngành khác nhau. Tùy vào mức độ của hành vi vi phạm
mà người có hành vi có thể phải chịu trách nhiệm dân sự, bị xử lí kỉ luật, trách
nhiệm hành chính hay trách nhiệm hình sự.
Từ việc nghiên cứu các quy định của pháp luật dân sự Việt Nam hiện hành về
quyền đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe, thân thể có thể thấy quyền đảm bảo an
toàn, tính mạng, sức khỏe, thân thể đã được quan tâm đúng mức. Thể hiện ở quy
định khá cụ thể trong việc ghi nhận quyền cũng như biện pháp bảo vệ quyền. Nhưng
các quy định về bồi thường thiệt hại vẫn chỉ có tính chất tương đối, trừ những
trường hợp mà các đương sự tự thỏa thuận được với nhau và người gây thiệt hại
xâm phạm tới quyền được đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe, thân thể có khả
năng về kinh tế. Nhiều khi mức bồi thường thiệt hại chỉ mang tính chất tượng trưng
chứ không bù đắp được thiệt hại xảy ra. Tuy nhiên, việc sửa đổi bổ sung các quy
định pháp luật liên quan đến vấn đề này cần phải được cân nhắc kĩ lưỡng và cần có
những công trình tổng kết thực tiễn để có những quy định phù hợp và có ý nghĩa
thực tế hơn.
3.2. Kiến nghị
3.2.1. Tình hình xâm phạm tính mạng, sức khỏe, thân thể của cá nhân
Trong thời gian tình trạng xâm phạm tính mạng sức khỏe ngày càng gia tăng, xảy
ra với tính chất, mức độ ngày càng nghiêm trọng, hành vi hết sức giã man, tàn bạo
không chỉ là giữa các bằng nhóm giang hồ mà còn giữa các cá nhân. Nhiều đối
tượng sẵn sang xâm phạm tính mạng, sức khỏe của người khác chỉ vì những mâu
thuẫn nhỏ bộc phát nhất thời. Các trường hợp giết người với hành vi vô cùng giã
man diễn ra cũng không ít như vụ án Lê Văn Luyện – giết người, cướp tài sản ở Phố
Sàn, Bắc Giang hay như vụ án xác chết không đầu do Nguyễn Đức Nghĩa thực
hiện… Hay gần đây dư luận cũng bức xúc trước hàng loạt vụ bạo hành trẻ em trong
đó có các vụ “ bảo mẫu” hành hạ trẻ em tại các nhà trẻ tư nhân như vụ án bà Quảng
Thị Kim Thoa, vụ án tra tấn giã man bé Hào Anh tại Đầm Dơi… Bên cạnh đó, có
các vụ gây ra tai nạn giao thông rồi bỏ chạy, bỏ mặc người gặp nạn xảy ra thường
xuyên, người qua đường cũng vô tâm bỏ mặc người gặp nạn hoặc thậm chí lợi dụng
8
tình huống đó để trục lợi. Tại các cơ sở khám chữa bệnh hiện tượng người hành
nghề khám chữa bệnh thiếu y đức, thiếu tinh thần trách nhiệm dẫn đến thiệt mạng về
tính mạng, sức khỏe, thân thể cho bệnh nhân. Điển hình gần đây có nhiều vụ việc
thai phụ sinh xong thì tử vong một cách bất thường như vụ chị Trần Thị L. chuyển
dạ từ đêm 23/10 và đến 2h sáng 24/10 gia đình đã đưa chị L. xuống Bệnh viện Đa
khoa khu vực Tây Bắc Nghệ An (thuộc thị xã Thái Hòa, Nghệ An) nhập viện, xin
mổ sớm. Sau khi cháu bé ra đời được chuyển đi chỗ khác, các bác sỹ tiến hành gây
tê và khâu cho nạn nhân. Tuy nhiên, đến khoảng 14h ngày 24/10, gia đình nhận
được tin chị L đã tử vong.
Có thể thấy tình hình xâm phạm tính mạng, sức khỏe, thân thể của cá nhân đang
diễn ra khá thường xuyên luôn theo chiều hướng gia tăng, từ đó gây ra sự bất ổn
trong xã hội.
3.2.2. Kiến nghị
- Hoàn thiện các quy định pháp luật dân sự về quyền đảm bảo an toàn về
tính mạng, sức khỏe, thân thể
+ Cần sửa đổi quy định tại khoản 2, Điều 32 BLDS 2005 như sau: “ khi phát hiện
người đang ở tình trạng nguy hiểm đến tính mạng thì người phát hiện có trách
nhiệm…” - điều này phù hợp với đạo đức xã hội cũng như quy định tại Điều 102
BLHS. Cần bổ sung quy định hướng dẫn, giải quyết quyền lợi của các bên trong
trường hợp cứu giúp người đang gặp nguy hiểm về tính mạng mà vi phạm nghĩa vụ
với chủ thể khác.
+ Cần có hướng dẫn cụ thể về quy định tại khoản 3, 4 Điều 32 BLDS 2005 về việc
thực hiện phương pháp chữa bệnh mới trên cơ thể người, việc gây mê, mổ, cắt bỏ…;
mổ tử thi của người chết trong trường hợp người đó khi còn sống không có ý kiến gì
thì phải được sự đồng ý của cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên hoặc người giám
hộ.
+ Khoản 3 Điều 307 BLDS cần bổ sung quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt
hại “ người gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, thân thể… phải bồi thường một
khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần cho người bị thiệt hại hoặc người thân thích
thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại hoặc người đã trực tiếp nuôi
dưỡng người bị thiệt hại, người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng”.
+ Cần bổ sung hướng dẫn quy định tại điểm b, khoản 1 Điều 609 BLDS 2005 quy
định về xác định thu nhập thực tế bị giảm sút hoặc mất của người bị thiệt hại. Sửa
9
đổi nguyên tắc chỉ tính bồi thường thiệt hại cho một người chăm sóc người bị thiệt
hại do mất khả năng lao động tại nghị quyết 03/ 2006/ NQ – HĐTP
+ Cần bổ sung quy định nếu người thiệt hại đang có nghĩa vụ phải cấp dưỡng cho
người khác mà bản thân của họ cũng không còn khả năng lao động để tạo thu nhập
thì chủ thể gây thiệt hại phải bồi thường khoản tiền để thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng
đó.
+ BLDS cần bổ sung mức bồi thường về bù đắp tổn thất tinh thần tối thiểu nếu các
bên không thỏa thuận được và căn cứ để cơ quan xét xử đưa ra mức bồi thường thiệt
hại, đảm bảo việc áp dụng mức bồi thường thiệt hại một cách thống nhất.
- Hoàn thiện pháp luật Tố tụng dân sự và hệ thống các cơ quan xét xử:
+ Pháp luật tố tụng dân sự cần có những quy định cụ thể, đầy đủ, thống nhất về các
vấn đề liên quan như: cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, người
tham gia tố tụng, chứng minh, chứng cứ…
+ Cùng với việc hoàn thiện pháp luật về Tố tụng dân sự, cần tổ chức kiện toàn tổ
chức Tòa án, tạo điều kiện cho các toàn án độc lập xét xử, nâng cao trình độ chuyên
môn, nghiệp vụ, phẩm chất chính trị, đạo đức… cho cán bộ Tòa án.
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, giáo dục đạo đức
Cá nhân được đảm bảo an toàn về tính mạng, sức khỏe một cách hiệu quả nhất
khi được các chủ thể khác tôn trọng. Khi tính nhân đạo, lòng yêu thương con người
được nuôi dưỡng thì trở thành hành động thiết thực mà không cần một sức mạnh
cưỡng chế nào. Do đó, việc giáo dục đạo đức, lối sống cần được xem trọng trong
mỗi gia đình, nhà trường. Bên cạnh giáo dục đạo đức thì tuyên truyền, giáo dục
pháp luật cũng rất cần thiết. Việc giáo dục, tuyên truyền pháp luật phải được tiến
hành thường xuyên, sâu rộng. Hình thức tuyên truyền phải đa dạng, áp dụng phù
hợp với yêu cầu của mỗi đối tượng thì mới thu hút được sự quan tâm và phát huy
hiệu quả.
C. KẾT THÚC VẤN ĐỀ
Quyền đảm bảo an toàn về tính mạng, sức khỏe, thân thể là một quyền được ghi
nhận trong BLDS. Nó không những mang những đặc điểm chung của quyền nhân
thân mà còn có những đặc điểm riêng. Đây là một quyền nhân thân độc lập nhưng
có nội dung thống nhất với các quyền nhân thân liên quan đến thân thể của cá nhân.
10
Tuy nhiên, việc thực hiện và bảo vệ quyền đảm bảo an toàn về tính mạng, sức khỏe,
thân thể vẫn còn bộ lộ một số hạn chế bất cập, cần được tiếp tục hoàn thiện để đảm
bảo quyền lợi chính đáng của người dân.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bộ luật dân sự Việt Nam 2005.
2. Bộ luật hình sự 1999( sửa đổi, bổ sung 2009).
3. Giáo trình Luật dân sự Việt Nam, trường đại học Luật Hà Nội, NXB Công an
Nhân dân, Hà Nội, 2009.
4. Bình luận khoa học Bộ luật dân sự Việt Nam, Tập 1 – Những quy định chung,
NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội 2001.
5. Bình luận khoa học Bộ luật hình sự phần các tội phạm, Tập 1 – Các tội phạm
xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người, NXB
Thành Phố Hồ Chí Minh.
6. Phùng Thị Tuyết Trinh, Quyền đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe, thân thể
trong pháp luật dân sự Việt Nam, Luật văn thạc sĩ luật học, Trường đại học
Luật Hà Nội, Hà Nội 2012.
7. Trần Minh Châu, Bồi thường thiệt hại trong trường hợp sức khỏe và tính
mạng bị xâm phạm – một số vấn đề lí luận và thực tiễn, Luận văn thạc sĩ luật
học, Trường đại học Luật Hà Nội, Hà Nội 2006.
8. Lê Thị Hoa, Quyền nhân thân liên quan đến thân thể cá nhân theo quy định
của BLDS 2005, Luận văn thạc sĩ luật học, Trường đại học Luật Hà Nội, Hà
Nội 2006.
9. Trường đại học Luật Hà Nội, Quyền nhân thân của cá nhân và bảo vệ quyền
nhân thân theo pháp luật dân sự, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường, Hà
Nội 2008.
10.An Văn Khoái, Những bất cập trong quy định về bồi thường thiệt hại do tính
mạng bị xâm phạm, Tạp chí Tòa án Nhân dân, 2010.
11