Tải bản đầy đủ (.docx) (10 trang)

Bài tập nhóm tháng 1 hiến pháp (8 điểm) chính sách giáo dục đại học ở nước ta hiện nay

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (75.91 KB, 10 trang )

LỜI MỞ ĐẦU

"Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người" câu nói đó
của Hồ Chí Minh từ lâu đã được xem là lời khẳng định cho vai trò của giáo dục đối
với nước ta. Giáo dục từ lâu đã được xem là lĩnh vực tối quan trọng, quyết định sự
phát triển, giàu mạnh của quốc gia. Nhận thức toàn diện và sâu sắc về vai trò, nhiệm
vụ, nội dung, qui luật vận động của giáo dục - đào tạo, đặc biệt là giáo dục đại học
trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, nhà nước ta đã có những chính sách
đặc biệt ưu tiên, coi trọng ngành giáo dục.
Đặt giáo dục đại học trong hoàn cảnh toàn cầu hoá mạnh mẽ và nền kinh tế tri
thức chiếm ưu thế như hiện nay, việc giáo dục - đào tạo đại học lại càng cấp thiết hơn
nữa. Xu thế toàn cầu hoá, khu vực hoá trong lĩnh vực kinh tế - xã hội làm cho các
quốc gia, kể cả các quốc gia phát triển và các quốc gia đang phát triển phải cấu trúc
lại nền kinh tế theo hướng mở rộng liên kết để tối ưu hoá sự cạnh tranh và hợp tác
toàn cầu. “Kinh tế tri thức” và “xã hội thông tin” đang dần dần hình thành trên cơ sở
phát triển hàm lượng trí tuệ cao trong sản xuất, dịch vụ và quản lý ở tất cả các quốc
gia với mức độ khác nhau, tuỳ thuộc vào sự chuẩn bị của hệ thống giáo dục quốc dân
và nhất là giáo dục đại học. Tài năng và trí tuệ, năng lực và bản lĩnh trong lao động
sáng tạo của con người không phải xuất hiện một cách ngẫu nhiên, tự phát mà phải
trải qua một quá trình chuẩn bị và đào tạo công phu, bền bỉ, có hệ thống. Trong
tương lai không xa, chính những sinh viên đại học được đào tạo bài bản, kĩ càng sẽ
đóng vai trò mũi nhọn, vai trò tiên quyết cho sự phát triển của xã hội và tăng trưởng
kinh tế nhanh và bền vững. Trong khuân khổ bài viết của mình, chúng tôi xin được
làm rõ những chính sách của Đảng, Nhà nước về giáo dục đại học trong Hiến pháp
hiện hành (1992), Luật Giáo dục (2005) và Luật giáo dục sửa đổi năm 2010.


Giáo dục là hoạt động quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển xã hội. Giáo
dục hiện nay vẫn trọng “rèn đức luyện tài”, kế thừa truyền thống tốt đẹp nhưng
không chỉ dừng lại ở đó, mà còn đòi hỏi trình độ chuyên môn có thể đáp ứng nhu
cầu của xã hội trong bối cảnh toàn cầu hóa. Vì thế, nhà nước ta đã có những chính


sách phù hợp với giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng, quy định trong
Hiến pháp 1992 và sửa đổi 2001, Luật giáo dục 2005 và sửa đổi 2010 và tới đây là
Luật giáo dục đại học sẽ chính thức có hiệu lực.
I. Một số khái niệm
Chính sách là những công cụ của nhà nước, được nhà nước ban hành để thực
hiện một mục tiêu cụ thể của đất nước.
Giáo dục là quá trình hoạt động nhằm tác động một cách có hệ thống đến sự
phát triển tinh thần, thể chất của con người nhằm tạo ra những phẩm chất và
năng lực cần thiết của con người phù hợp với yêu cầu của xã hội. Giáo dục là
quá trình dạy, rèn luyện và học tập nhằm nâng cao tri thức khoa học và kĩ năng
nghề nghiệp.
Đại học là cơ sở giáo dục đại học bao gồm tổ hợp các trường cao đẳng,
trường đại học, viện nghiên cứu khoa học thành viên thuộc các lĩnh vực chuyên
môn khác nhau, tổ chức theo hai cấp, để đào tạo các trình độ của giáo dục đại
học.
Giáo dục đại học là một dây chuyền sản xuất mà đầu ra là nguồn nhân lực
đạt chuẩn; là đào tạo để trở thành nhà nghiên cứu; là quản lý việc tổ chức giảng
dạy một cách hiệu quả; là mở rộng cơ hội trong cuộc sống cho người học.
Chính sách đối với giáo dục đại học là những định hướng, những nguyên tắc
cơ bản trong việc xác định mục đích, nhiệm vụ, đối tượng, nội dung, phương
pháp giáo dục đại học và tổ chức hệ thống giáo dục và đào tạo đại học.
Theo quy định của pháp luật hiện hành, chính sách của Nhà nước đối với
giáo dục đại học Việt Nam được đề cập trước hết là trong Hiến pháp năm 1992,
sửa đổi năm 2001 (điều 35, 36) và được quy định trong Luật Giáo dục năm
2005.
II. Phân tích cụ thể chính sách đối với giáo dục đại học ở nước ta


Trước khi tìm hiểu cụ thể về giáo dục đại học, cần làm rõ những nguyên tắc
và nội dung cơ bản của chính sách giáo dục. Bởi dù là giáo dục mầm non, giáo

dục phổ thông hay giáo dục đại học trước khi có những chính sách riêng cũng
cần phải tuân theo những chính sách nói chung của nền giáo dục.
Ở điều 35 Hiến pháp 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) có một số điểm cần
lưu ý như sau:
Thứ nhất, phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu. Đây là chủ trương
đúng đắn và thiết thực của nhà nước. Quốc gia nào cũng cần tập trung phát triển
giáo dục vì giáo dục là nền tảng của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất
nước. Phát triển giáo dục, nâng cao chất lượng đào tạo ở các cấp học, đặc biệt là
đào tạo đại học là nhiệm vụ quan trọng, gắn liền với nâng cao hiệu quả, quản lý
nhà nước trong lĩnh vực giáo dục đào tạo. Sự phân bố các cơ sở giáo dục đại học
đã dần rộng khắp trên phạm vi cả nước. Theo Báo cáo mới nhất của Bộ Giáo dục
và Đào tạo (Số: 760 /BC-BGDĐT) ngày 29 tháng 10 năm 2009, năm 1987 cả
nước có 101 trường đại học và cao đẳng, nhưng đến tháng 9 năm 2009 đã có 376
trường đại học và cao đẳng, tăng gấp 3,7 lần.
Thứ hai, nhà nước và xã hội phát triển giáo dục. Thế giới đang có những
thay đổi sâu sắc về giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng. Dù nhà
nước đã có một số cải cách nhưng nhìn chung giáo dục nước ta vẫn còn nhiều
bất cập. Vì vậy, chính sách xã hội hóa giáo dục của nhà nước ta có thể xem là
một bước đi lớn. Đặc biệt, đối với giáo dục đại học, xã hội hóa giáo dục có ý
nghĩa quan trọng. Nhờ đó mà sinh viên được tạo điều kiện thuận lợi để tiếp cận
với những nền giáo dục tiên tiến hơn của nước ngoài, quá trình cạnh tranh về
chất lượng đào tạo giữa các trường sẽ nâng cao chất lượng đào tạo, nguồn vốn từ
xã hội đầu tư cho giáo dục đại học nâng cao cơ sở vật chất, phương pháp dạy và
học.


Nội dung cơ bản của chính sách giáo dục tại điều 36 Hiến pháp 1992 (sửa
đổi, bổ sung năm 2001):
Thứ nhất, nhà nước phát triển cân đối hệ thống giáo dục, tức là phát triển
các hình thức trường quốc lập, dân lập và các hình thức giáo dục khác, cho xây

dựng cơ sở vật chất, đào tạo đội ngũ giảng dạy đối với tất cả các cấp học. Với
101 trường đại học và cao đẳng năm 1987 chúng ta chưa có trường ngoài công
lập, đến năm 1997 cả nước đã có 15 trường đại học ngoài công lập và đến tháng
9 năm 2009 có 81 trường đại học, cao đẳng ngoài công lập, chiếm 21,5%. Đến
nay, đã có 40/63 tỉnh, thành phố có trường đại học (đạt tỷ lệ 63%); có 60/63 tỉnh,
thành có trường cao đẳng (đạt tỷ lệ 95%) và có 62/63 tỉnh, thành có ít nhất 1
trường cao đẳng hoặc đại học (đạt tỷ lệ 98%, trừ tỉnh Đắk Nông chưa có trường
đại học, cao đẳng nào); 35/63 tỉnh có thêm trường đại học mới.
Thứ hai, nhà nước ưu tiên đầu tư cho giáo dục, khuyến khích các nguồn
đầu tư khác. Nhà nước có những chính sách đảm bảo cho sự phát triển của nền
giáo dục đại học nước ta như: ban hành luật giáo dục đại học (có hiệu lực từ
ngày 1/1/2013), chuyển từ học biên chế sang học tín chỉ, đầu tư về trang thiết bị,
cơ sở hạ tầng, bồi dưỡng nghiệp vụ đội ngũ giảng dạy, tạo điều kiện cho các tổ
chức giáo dục nước ngoài mở trường lớp giảng dạy ở Việt Nam,…
Thứ ba, nhà nước thực hiện chính sách ưu tiên bảo đảm phát triển giáo
dục ở miền núi ,các vùng dân tôc thiểu số và các vùng đặc biệt khó khăn.
Những năm gần đây, giáo dục miền núi đã có những bước tiến dài nhờ những
chính sách đúng đắn của nhà nước. Tuy nhiên việc nâng cao chất lượng giáo dục
ở những vùng này vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là việc nâng cao chất lượng
giáo dục đại học. Nhà nước đã đưa ra một số chính sách khuyến khích phát triển
giáo dục đại học ở vùng sâu vùng xa như: Chương trình cử tuyển học sinh dân
tộc thiểu số vào các trường Cao đẳng, đại học; bảo đảm mức học bổng, chính


sách hỗ trợ đối với học sinh, sinh viên là người dân tộc thiểu số học tập tại các
trường đào tạo công lập; có chính sách đào tạo, sử dụng học sinh, sinh viên
người dân tộc thiểu số sau khi ra tốt nghiệp các trường Cao đẳng, đại học…
Cụ thể hơn, cần đi sâu phân tích chính sách của Nhà nước đối với giáo dục
đại học ở Việt Nam theo quy định ở Luật giáo dục 2005 và Luật giáo dục sửa đổi
2010, mục 4: Giáo dục đại học.

1. Mục tiêu của giáo dục đại học
Theo điều 38, mục 4, Luật giáo dục 2005 thì giáo dục đại học gồm đào tạo
một số trình độ nhất định: cao đẳng, đại học, thạc sĩ và tiến sĩ. Dựa vào đó, giáo
dục đại học bên cạnh mục tiêu chung còn có những mục tiêu riêng đối với từng
trình độ được đào tạo. Mục tiêu của giáo dục đại học là đào tạo người học có
phẩm chất chính trị, đạo đức, có ý thức phục vụ nhân dân, có kiến thức và năng
lực thực hành nghề nghiệp tương xứng với trình độ đào tạo, có sức khoẻ, đáp
ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (điều 39, khoản 1). Cụ thể: Đào tạo
trình độ cao đẳng giúp sinh viên có kiến thức chuyên môn và kỹ năng thực hành
cơ bản để giải quyết những vấn đề thông thường thuộc chuyên ngành được đào
tạo. Đào tạo trình độ đại học giúp sinh viên nắm vững kiến thức chuyên môn và
có kỹ năng thực hành thành thạo, có khả năng làm việc độc lập, sáng tạo và giải
quyết những vấn đề thuộc chuyên ngành được đào tạo. Đào tạo trình độ thạc sĩ
giúp học viên nắm vững lý thuyết, có trình độ cao về thực hành, có khả năng làm
việc độc lập, sáng tạo và có năng lực phát hiện, giải quyết những vấn đề thuộc
chuyên ngành được đào tạo. Đào tạo trình độ tiến sĩ giúp nghiên cứu sinh có
trình độ cao về lý thuyết và thực hành, có năng lực nghiên cứu độc lập, sáng tạo,
phát hiện và giải quyết những vấn đề mới về khoa học, công nghệ, hướng dẫn
nghiên cứu khoa học và hoạt động chuyên môn.


Mục tiêu trên đã được đặt ra tương đối phù hợp. Tuy nhiên những thay đổi
trong tình hình kinh tế xã hội hiện nay đòi hỏi ta phải có sự điều chỉnh cho phù
hợp. Sự cạnh tranh gay gắt với các công ty nước ngoài khiến ta phải có một
nguồn nhân lực cao. Vì vậy, Luật GDĐH đã đặt thêm mục tiêu phát triển nghiên
cứu khoa học, tính sáng tạo, tính chuyên nghiệp, khả năng ứng dụng công nghệ
và thích nghi với môi trường làm việc.
2. Yêu cầu nội dung và phương pháp giáo dục đại học
Về nội dung, giáo dục đại học phải có tính hiện đại và phát triển, bảo đảm cơ
cấu hợp lý giữa kiến thức khoa học cơ bản, ngoại ngữ và công nghệ thông tin

với kiến thức chuyên môn và các bộ môn khoa học Mác - Lênin, tư tưởng Hồ
Chí Minh; kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp, bản sắc văn hóa dân tộc;
tương ứng với trình độ chung của khu vực và thế giới (trích điều 40, Luật GD
2005). Nội dung giáo dục này lại cụ thể, riêng biệt với từng trình độ đào tạo (quy
định rõ trong luật). Ví dụ với đào tạo trình độ đại học, sinh viên cần có những
kiến thức cơ bản và chuyên môn tương đối hoàn chỉnh (chẳng hạn như khi học
luật trước tiên phải học các môn đại cương, mang tính lý luận. Sau khi đã nắm
vững kiến thức cơ bản, sinh viên có thể chọn học các môn theo chuyên ngành
riêng của mình). Ngoài ra, sinh viên được rèn luyện các kĩ năng, phương pháp
làm việc khoa học (ví dụ môn Phương pháp học đại học ngành luật giúp ích rất
nhiều cho sinh viên cách học hiệu quả)…
Về phương pháp đào tạo thì cũng tùy từng trình độ đào tạo, các phương pháp
sẽ có những điểm riêng biệt (Điều 40). Tuy nhiên, nhìn chung với trình độ nào
thì phương pháp quan trọng cũng là người học phải phối hợp việc tự học, tự
nghiên cứu với những bài giảng trên lớp, phát triển tư duy sáng tạo của chính
bản thân.


3. Chương trình giáo dục đại học
Luật giáo dục 2005 quy định: “Chương trình giáo dục đại học thể hiện mục
tiêu giáo dục đại học; quy định chuẩn kiến thức, kỹ năng, phạm vi và cấu trúc
nội dung giáo dục đại học, phương pháp và hình thức đào tạo, cách thức đánh
giá kết quả đào tạo đối với mỗi môn học, ngành học, trình độ đào tạo của giáo
dục đại học; bảo đảm yêu cầu liên thông với các chương trình giáo dục khác”.
Chương trình khung do Bộ GDĐT quy định dựa trên cơ sở thẩm định của Hội
đồng quốc gia thẩm định ngành về chương trình giáo dục đại học, từ đó, các cơ
sở đào tạo tự xây dựng chương trình giáo dục của riêng mình. Tuy nhiên, điều
này khiến cho các cơ sở khó có thể linh hoạt điều chỉnh chương trình sao cho
phù hợp nhất với từng ngành đào tạo. Do đó, khi ban hành Luật GDĐH 2013, ta
đã có những thay đổi nhất định, quy định rằng các cơ sở giáo dục đại học “tự

chịu trách nhiệm trong việc xây dựng, thẩm định, ban hành chương trình đào tạo
trình độ cao đẳng, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ”(Điều 36 - LGDĐH), và có quy định
thêm về các cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài. Đây là do yêu cầu tất yếu
để hợp tác quốc tế trong giáo dục, đồng thời cũng để phù hợp hơn với Hiến pháp
1992.
Về giáo trình giáo dục đại học, hiệu trưởng các trường chịu trách nhiệm tổ
chức biên soạn và duyệt giáo trình sử dụng trong trường mình. Bộ Giáo dục đào
tạo biên soạn và duyệt các giáo trình chung sử dụng trong các trường.
4. Quyền hạn đối với giáo dục đại học
Mỗi cơ sở đào tạo (trường đại học, cao đẳng, trung cấp) lại có những
quyền hạn riêng như được Nhà nước giao và cho thuê cơ sở vật chất; có
quyền liên kết với các tổ chức kinh tế, giáo dục, văn hóa,… nhằm nâng cao
chất lượng giáo dục; có quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong xây dựng


chương trình giảng dạy và học tập, xây dựng chỉ tiêu tuyển sinh, đãi ngộ nhà
giáo, cán bộ, nhân viên,…(điều 59, 60 Luật giáo dục 2005). Ví dụ như kì thi
tuyển sinh đại học, cao đẳng vừa qua, các trường đã được tự chủ về chỉ tiêu
tuyển sinh, có trường tự tổ chức chấm thi…
5. Đối tượng của giáo dục đại học
Đối tượng của giáo dục đại học gồm học sinh phổ thông đã tốt nghiệp trung
học phổ thông và trúng tuyển vào một trường đại học hệ chính quy hoặc hệ
ngoài ngân sách do Nhà nước quản lí. Đối tượng này là nguồn nhân lực chính
phục vụ đắc lực cho công cuộc xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc sau này.
Do đó, đây là đối tượng cần được quan tâm đặc biệt và cũng có những quyền
nhất định (được đảm bảo tiếp nhận kiến thức và rèn luyện kĩ năng, được miễn
giảm học phí...)
III.

Một số vấn đề tồn tại và đề xuất giải pháp


Ở một số nguyên tắc, nội dung chính sách của Nhà nước đối với giáo dục đại
học Việt Nam, chúng tôi đã đề cập tới thực trạng thực hiện những chính sách đó.
Đến đây, bài viết nêu thêm một số vấn đề tiêu biểu còn tồn tại trong sự phát triển
giáo dục đại học ở Việt Nam và một số giải pháp:
Trước tiên, các trường đại học mở ra ngày càng nhiều mà chất lượng đào tạo
không cao. Không những thế đội ngũ giáo viên có trình độ giáo sư,phó giáo sư
,thạc sỹ rất ít hoặc phân bố không hợp lý (Trong số 25 – 30% giáo sư và phó
giáo sư trên tổng số đang trực tiếp giảng dạy tại các trường đại học và cao đẳng,
tập trung chủ yếu vẫn ở một số trường đại học lớn tại Hà Nội và thành phố Hồ
Chí Minh).


Thứ hai, số lượng sinh viên hàng năm ở nước ta tăng nhưng chất lượng lại có
xu hướng giảm, chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại
hóa. Nhiều cuộc điều tra, thăm dò cho thấy, có khoảng 50% sinh viên tốt nghiệp
đại học ở Việt Nam không tìm được việc làm đúng chuyên môn, điều đó phản
ánh sự thiếu liên kết nghiêm trọng giữa đào tạo và nhu cầu của thị trường.
Chương trình đại học của nước ta còn nặng về lý thuyết. Có thể nêu một dẫn
chứng như việc Intel tuyển kỹ sư cho cơ sở sản xuất của họ ở thành phố Hồ Chí
Minh. Khi công ty này thực hiện một cuộc kiểm tra đánh giá theo tiêu chuẩn với
2.000 sinh viên Công nghệ thông tin Việt Nam, chỉ có 90 ứng cử viên, nghĩa là
5%, vượt qua cuộc kiểm tra, và trong nhóm này, chỉ có 40 người có đủ trình độ
tiếng Anh đạt yêu cầu tuyển dụng. Intel xác nhận rằng đây là kết quả tệ nhất mà
họ từng gặp ở những nước mà họ đầu tư.
Tiếp theo, mặc dù bộ giáo dục đã áp dụng cách thức đào tạo theo tín chỉ ở các
trường đại học trong nước – đây là chính sách lớn của Bộ giáo dục,học theo kinh
nghiệm và thành tựu của các nước tiên tiến phương Tây song việc thực hiện nó
vẫn gặp nhiều khó khăn, nhất là vấn đề về người dạy và người học, do nhiều
nguyên nhân chủ quan và khách quan. Nguyên nhân chủ quan thuộc về năng lực,

trình độ, tinh thần của cả người dạy và người học. Nguyên nhân khách quan
thuộc về cơ chế, chương trình và các điều kiện vật chất, kỹ thuật và các phương
tiện liên quan, tác động khác.
Cuối cùng, cơ sở vật chất kĩ thuật phục vụ cho việc dạy và học còn nhiều yếu
kém. Nhiều trường đại học ở cả những thành phố lớn hay ở các tỉnh,thành phố
nhỏ đều thừa nhận rằng cơ sở vật chất còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được
nhu cầu của người sử dụng từ diện tích, trang thiết bị học tập như máy chiếu,
máy vi tính, bàn ghế…đều chưa đầy đủ. Nếu xét diện tích phòng học đạt
“chuẩn” là 6m2/SV thì không mấy cơ sở làm được. Thậm chí, nhiều trường tỉ lệ
còn rất thấp như: ĐH Luật Hà Nội (0,65m 2/SV), ĐH Văn hóa Hà Nội (1m2), ĐH


Kinh tế - Kĩ thuật công nghiệp TPHCM (1,03m 2)...Đồng thời, chưa trường nào
đủ diện tích để bố trí nơi làm việc cho GS, PGS, GV chính theo quy định. Vì
vậy, chưa phục vụ tốt cho việc học tập của sinh viên cũng như việc giảng dạy
của giáo viên.
Về giải pháp: Thứ nhất, xây dựng một chiến lược giáo dục riêng (VD như
nâng cao lao động, rèn luyện và tôn trọng phát triển nhân cách cá nhân,…). Thứ
hai, cơ cấu lại ngành học cho phù hợp với yêu cầu của thực tiễn phát triển đất
nước để tránh tình trạng quá chú trọng đến những ngành học thu lợi nhuận cao,
những ngành “hot”. Thứ ba, cải cách hành chính và trao quyền tự chủ cho các
trường đại học để các trường tự quyết định đầu tư cơ sở vật chất và chuyên môn
hóa sâu về lĩnh vực đào tạo của mình. Thứ tư, thực hiện đồng bộ và nghiêm
chỉnh công tác kiểm định chất lượng đại học về cả cơ sở vật chất và chất lượng
giảng dạy – học tập. Thứ năm, kiên quyết ngừng các cơ sở đào tạo đại học không
đạt chuẩn.
Kết luận: Nhìn chung vấn đề giáo dục đại học nói riêng và giáo dục nói chung
bên cạnh những điểm tích cực cần tiếp tục phát huy cũng vẫn còn nhiều tồn tại bất
cập. Những vấn đề đó không thể giải quyết trong một sớm một chiều. Với vai trò và
mục tiêu của giáo dục đại học, Nhà nước cũng như bản thân các trường đại học cần

đề xuất nhiều biện pháp khắc phục để nền giáo dục Việt Nam ta thực hiện được mục
tiêu phát triển giáo dục đã đề ra cũng như theo kịp nền giáo dục của các quốc gia
tiên tiến trên thế giới.



×