Tải bản đầy đủ (.doc) (16 trang)

Pháp luật việt nam về ép buộc trong kinh doanh, gièm pha doanh nghiệp khác, gây rối loạn hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác và thực tiễn thực

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (101.23 KB, 16 trang )

MỤC LỤC
A. LỜI NÓI ĐẦU…………………………………………………………………...1
B. NỘI DUNG………………………………………………………………………2
1. Khái quát về cạnh tranh không lành mạnh…………………………………..2
1.1 Khái niệm cạnh tranh………………………………………………………..2
1.2 Khái niệm cạnh tranh không lành mạnh…………………………………...3
2. Pháp luật Việt Nam về ép buộc trong kinh doanh, gièm pha doanh nghiệp
khác, gây rối hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác……………………4
2.1 Ép buộc trong kinh doanh…………………………………………………..4
2.2 Gièm pha doanh nghiệp khác……………………………………………….6
2.3 Gây rối hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác……………………9
3. Thực tiễn thực hiện……………………………………………………………11
3.1 Những kết quả đạt được…………………………………………………….11
3.2 Những khó khăn thách thức……………………………………………….12
4. Một số kiến nghị nhằm hoàn thiện và nâng cao hiệu quả thực thi PL……..12
C. KẾT BÀI…………………………………………………………………...……14
D. DANH MỤC TÀI LIỀU THAM KHẢO………………………………………15


A. LỜI NÓI ĐẦU
Cạnh tranh xuất hiện và tồn tại khách quan trong quá trình hình thành và phát
triển của sản xuất hàng hoá và trở thành đặc trưng cơ bản của cơ chế thị trường. Cạnh
tranh được thừa nhận là yếu tố đảm bảo duy trì tính năng động và hiệu quả của nền
kinh tế. Trong bối cảnh hiện tại của nền kinh tế Việt Nam, cạnh tranh lành mạnh và
bình đẳng đóng vai trò trụ cột, đảm bảo sự vận hành hiệu quả của cơ chế thị trường.
Tuy nhiên với sự gia tăng không ngừng về số lượng cũng như quy mô của các doanh
nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân, sự hiện diện của các doanh nghiệp với vốn đầu
tư nước ngoài có sự vượt trội về khả năng tài chính, hành vi cạnh tranh ngày càng trở
nên gay gắt và quyết liệt hơn, đặc biệt cạnh tranh không lành mạnh trở nên khó kiểm
soát hơn.
Thực hiện chính sách đổi mới toàn diện, Nhà nước đã và đang tập trung xây dựng


và hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm quản lý có hiệu quả nền kinh tế thị trường định
hướng xã hội chủ nghĩa. Cơ chế kinh tế thị trường đặt ra nhu cầu phải thiết lập và duy
trì một môi trường cạnh tranh công bằng, hạn chế và từng bước loại bỏ cạnh tranh
không lành mạnh nhằm tạo điều kiện phát triển cho tất cả các chủ thể kinh doanh.
Cạnh tranh không lành mạnh được chia thành nhiều nhóm khác nhau gắn liền với từng
đặc trưng nhất định. Hiện nay, pháp luật nhìn chung đã có sự điều chỉnh đối với hành
vi cạnh tranh không lành mạnh. Thông qua tìm hiểu đề tài “Pháp luật Việt Nam về ép
buộc trong kinh doanh, gièm pha doanh nghiệp khác, gây rối loạn hoạt động kinh
doanh của doanh nghiệp khác và thực tiễn thực hiện” ta sẽ hiểu rõ hơn về một số hình
vi cạnh tranh không lành mạnh ở Việt Nam.

2


B. NỘI DUNG
1. Khái quát về cạnh tranh không lành mạnh
1.1 Khái niệm cạnh tranh
Cạnh tranh là nền tảng cho sự vận hành của cơ chế thị trường, thúc đẩy và hợp lý
hóa sản xuất, thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng của xã hội và là động lực cho sự phát triển
chung của toàn bộ nền kinh tế. Trên thực tế khái niệm cạnh tranh đã xuất hiện từ rất
lâu và có rất nhiều cách hiểu khác nhau về khái niệm này. Nhưng cho đến ngày nay
các nhà nghiên cứu vẫn chưa thực sự thống nhất cũng như chưa đưa ra được một khái
niệm cạnh tranh thực sự chính xác và đầy đủ.
Dưới góc độ kinh tế, cạnh tranh là hành vi của hai hay nhiều chủ thể kinh doanh
trên thị trường với mục đích giành cho mình ưu thế cao hơn so với những chủ thể kinh
doanh khác, từ đó lôi kéo về phía mình càng nhiều khách hàng càng tốt. Tuy vậy, cạnh
tranh chỉ xuất hiện và tồn tại trong nền kinh tế thị trường – nơi có sự tham gia của ít
nhất hai hay nhiều người cung cấp hoặc có nhu cầu và những người này có ít nhất một
số mục đích đối kháng nhau.
Cạnh tranh có những đặc điểm cơ bản sau:

- Thứ nhất, cạnh tranh là sự ganh đua giữa ít nhất là hai chủ thể kinh doanh trở
lên trên thị trường và là đối thủ của nhau. Chủ thể của cạnh tranh phải là các cá nhân,
tổ chức kinh doanh có tư cách pháp lí độc lập.
- Thứ hai, quá trình cạnh tranh giữa các đối thủ phải diễn ra trên một thị trường
cụ thể. Pháp luật về cạnh tranh của các nước trên thế giới trong đó có Việt Nam
thường quy định về thị trường liên quan để xác định hành vi cạnh tranh.
- Thứ ba, cạnh tranh chỉ xuất hiện và tồn tại trong điều kiện của cơ chế thị trường.
Trong nền kinh tế khép kín, tự cung tự cấp, nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung không
tồn tại cạnh tranh.
- Thứ tư, mục đích của cạnh tranh là nhằm lôi kéo, giành giật khách hàng dẫn tới
việc đẩy giá thành sản phẩm xuống hoặc nâng cao chất lượng sản phẩm. Các doanh
nghiệp, nền kinh tế lẫn người tiêu dùng đều được hưởng lợi từ cạnh tranh.
3


1.2 Khái niệm cạnh tranh không lành mạnh
Khoản 4 Điều 3 Luật cạnh tranh năm 2004 quy định: “Hành vi cạnh tranh không
lành mạnh là hành vi cạnh tranh của doanh nghiệp trong quá trình kinh doanh trái
với các chuẩn mực thông thường về đạo đức kinh doanh, gây thiệt hại hoặc có thể gây
thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp khác
hoặc người tiêu dùng”.
Từ khái niệm trên, chúng ta có thể thấy hành vi cạnh tranh không lành mạnh có
một số đặc điểm sau:
- Thứ nhất, hành vi cạnh tranh không lành mạnh là hành vi cạnh tranh do các chủ
thể kinh doanh trên thị trường thực hiện.
- Thứ hai, về mục đích của hành vi cạnh tranh không lành mạnh thì đó phải là
hành vi vì mục tiêu cạnh tranh và phải nhằm vào một đối thủ cạnh tranh cụ thể.
- Thứ ba, về hình thức biểu hiện của hành vi cạnh tranh không lành mạnh đó là
hành vi có biểu hiện trái với các chuẩn mực thông thường về đạo đức kinh doanh.
- Thứ tư, về hậu quả của hành vi cạnh tranh không lành mạnh đó là gây thiệt hại

hoặc có thể gây thiệt hại tới lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của doanh
nghiệp và mọi người tiêu dùng.
Điều 39 Luật cạnh tranh năm 2004 đã chỉ rõ các loại hành vi cạnh tranh được coi
là không lành mạnh:
“1. Chỉ dẫn gây nhầm lẫn;
2. Xâm phạm bí mật kinh doanh;
3. Ép buộc trong kinh doanh;
4. Gièm pha doanh nghiệp khác;
5. Gây rối hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác;
6. Quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh;
7. Khuyến mại nhằm cạnh tranh không lành mạnh;
8. Phân biệt đối xử của hiệp hội;
9. Bán hàng đa cấp bất chính;
4


10. Các hành vi cạnh tranh không lành mạnh khác theo tiêu chí xác định tại
khoản 4 Điều 3 của Luật này do Chính phủ quy định”.
Trong các hành vi cạnh tranh không lành mạnh trên, ba hành vi ép buộc trong
kinh doanh, gièm pha doanh nghiệp khác và gây rối hoạt động kinh doanh của doanh
nghiệp khác là những hành vi cạnh tranh không lành mạnh có những dấu hiệu thể hiện
trong đời sống thực tế tương đối rõ.
2. Pháp luật Việt Nam về ép buộc trong kinh doanh, gièm pha doanh nghiệp
khác, gây rối hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác
2.1 Ép buộc trong kinh doanh
Căn cứ Điều 42 Luật cạnh tranh 2004 thì ép buộc trong kinh doanh là hành vi của
doanh nghiệp đe dọa hoặc cưỡng ép khách hàng, đối tác kinh doanh của doanh nghiệp
khác để buộc họ không giao dịch hoặc ngừng giao dịch với doanh nghiệp đó.
Theo đó, đối tượng bị ép buộc ở đây là khách hàng hoặc đối tác kinh doanh của
doanh nghiệp khác. Về tính chất của hành vi thì hành vi này là hành vi ngăn cản hoạt

động kinh doanh của doanh nghiệp khác bằng các thủ đoạn khác nhau, được biểu hiện
thông qua các hành vi sau:
- Đe dọa đối tác kinh doanh và khách hàng của doanh nghiệp là đối thủ cạnh
tranh: Hành vi đe dọa có thể là dùng những công cụ phương tiện tác động đến tâm lý,
sự lựa chọn đúng đắn của khách hàng và doanh nghiệp, làm cho họ có cảm giác lo sợ,
buộc phải thực hiện những hành vi ngoài ý muốn. Hành vi đe dọa có thể là sử dụng
những đe dọa về vật chất hoặc cũng có thể là những đe dọa về tinh thần như trừng
phạt kinh tế, tiết lộ bí mật đời tư, cắt hợp đồng… Tuy nhiên, về mặt lý luận, hành vi
đe dọa phải mang tính chất hiện hữu và có thể thực hiện ngay được. Sự đe dọa đó
cũng phải đủ mạnh để làm tê liệt ý chí của khách hàng và doanh nghiệp. Mặt khác, nó
cũng phải hướng vào một chủ thể xác định, nếu hành vi chỉ mang tính bâng quơ, hời
hợt, ám chỉ thì không thể coi là hành vi đe dọa trong kinh doanh.
- Cưỡng ép: Đây là hành vi mang tính chất ép buộc doanh nghiệp, khách hành
bằng cách đặt họ vào những tình thế bị động, làm cho họ không thể biểu hiện ý chí
5


một cách đúng đắn được, không có sự lựa chọn trong cách cư xử của mình. Biểu hiện
của hành vi cưỡng ép có thể là sử dụng những lợi ích vật chất, đưa ra điều kiện liên
quan đến công việc, đưa ra những hứa hẹn hấp dẫn…
Về hình thức thực hiện ở đây là buộc khách hàng, đối tác kinh doanh của doanh
nghiệp khác không được giao dịch hoặc ngừng giao dịch với doanh nghiệp đó.
Về hậu quả của hành vi này là làm ảnh hưởng trực tiếp tới lợi ích của khách
hàng, đối tác kinh doanh của doanh nghiệp khác và đối thủ cạnh tranh. Thực chất hành
vi này giống như một sự “cấm vận kinh tế” đối với doanh nghiệp, nó gây cho doanh
nghiệp những khó khăn trong quá trình kinh doanh hợp pháp. Chính điều này sẽ làm
kìm hãm sự hình thành một môi trường kinh doanh thực sự văn hóa, lành mạnh.
Chủ thể tiến hành hành vi ép buộc trong kinh doanh có thể là chủ doanh nghiệp,
nhân viên của doanh nghiệp hoặc bất kỳ cá nhân nào khác với mục đích cạnh tranh
không lành mạnh. Việc chứng minh được động cơ, mục đích, người chủ mưu… của

hành vi này là điều kiện cơ bản để có thể kết luận chủ thể đó có vi phạm quy định về
chống cạnh tranh không lành mạnh hay không.
Theo Điều 32 Nghị định số 120/2005/NĐ-CP ngày 30/9/2005 về xử lí vi phạm
pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh quy định về xử lý vi phạm khi doanh nghiệp thực
hiện hành vi ép buộc trong kinh doanh:
“1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi ép buộc
khách hàng, đối tác kinh doanh của doanh nghiệp khác bằng hành vi đe dọa hoặc
cưỡng ép để buộc họ không giao dịch hoặc ngừng giao dịch với doanh nghiệp đó.
2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm ép
buộc trong kinh doanh quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp ép buộc khách
hàng hoặc đối tác kinh doanh lớn nhất của đối thủ cạnh tranh.
3. Ngoài việc bị phạt tiền theo quy định tại khoản 1 và 2 Điều này, doanh nghiệp
vi phạm còn bị tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi vi
phạm bao gồm cả tịch thu toàn bộ khoản lợi nhuận thu được từ việc thực hiện hành vi
vi phạm”.

6


Tóm lại, hành vi ép buộc trong kinh doanh là hành vi gây ra tác động xấu đối với
môi trường cạnh tranh lành mạnh, vừa gây thiệt hại cho đối thủ lại làm ảnh hưởng tới
lợi ích của khách hàng. Để đảm bảo quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp, quyền
và lợi ích hợp pháp của khách hàng, bước đầu pháp luật đã có những quy định điều
chỉnh những hành vi này. Tuy nhiên những quy định này cũng chỉ mới tiếp cận ở mức
độ khái quát nhất và vì vậy, để thực sự ngăn chặn được những hành vi này, đòi hỏi
phải có những hướng dẫn cụ thể và những chế tài đủ mạnh để xử lý kịp thời những
hành vi đó.
2.2 Gièm pha doanh nghiệp khác
Điều 43 Luật cạnh tranh 2004 quy định: “Cấm doanh nghiệp gièm pha doanh
nghiệp khác bằng hành vi trực tiếp hoặc gián tiếp đưa ra thông tin không trung thực,

gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, tình trạng tài chính và hoạt động kinh doanh của
doanh nghiệp đó”.
Đối tượng bị gièm pha là doanh nghiệp khác hay nói cách khác là đối thủ cạnh
tranh của doanh nghiệp thực hiện hành vi. Đối tượng của hành vi gièm pha có thể liên
quan tới các mặt của doanh nghiệp như uy tín, văn hóa doanh nghiệp, chất lượng sản
phẩm, cách thức bán hàng, tiềm lực kinh tế - tài chính…
Hình thức biểu hiện của hành vi này là việc doanh nghiệp trực tiếp hoặc gián tiếp
đưa ra những thông tin không trung thực về doanh nghiệp khác. Bản chất của hành vi
này cũng là hành vi nhằm ngăn cản hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác.
Nhìn chung, hành vi gièm pha doanh nghiệp khác có thể được biểu hiện dưới những
hình thức sau:
- Thông tin sai lệch về chất lượng sản phẩm: Đối với khách hàng, chất lượng
hàng hóa, dịch vụ là điều mà họ quan tâm nhất, vì vậy doanh nghiệp luôn tìm cách để
nâng cao chất lượng sản phẩm của mình. Nếu muốn thật sự lôi kéo được khách hàng,
thuyết phục khách hàng sử dụng hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp thì việc cải tiến
chất lượng sản phẩm là phương pháp hiệu quả nhất. Tuy nhiên, chính vì điều này mà
nhiều khi doanh nghiệp lại đánh vào tâm lý nghi ngờ của người tiêu dùng đối với
7


những sản phẩm mà chất lượng của họ đã được khẳng định bằng cách đưa ra những
thông tin sai lệch. Khách hàng lại thường không có điều kiện để kiểm chứng thông tin,
nên nhiều khi chỉ cần có thông tin xấu về sản phẩm thì họ sẽ ngần ngại khi sử dụng
những sản phẩm đó. Doanh nghiệp cạnh tranh thường tung những tin đồn thất thiệt về
chất lượng sản phẩm của đối thủ cạnh tranh hay nói cách khác, họ “nhen nhóm” sự
nghi ngờ của khách hàng trong việc sử dụng những hàng hóa, dịch vụ của đối thủ
mình. Hành vi này có thể làm cho những doanh nghiệp khác lâm vào tình trạng khó
khăn, việc kinh doanh chắc chắn bị ảnh hưởng và việc khắc phục cũng không thể tiến
hành trong một sớm một chiều. Có thể coi đây là hành vi cạnh tranh không lành mạnh
mang tính cổ điển nhất.

- Thông tin sai lệch ảnh hưởng đến uy tín, tình trạng tài chính và hoạt động kinh
doanh của doanh nghiệp khác: Hành vi này về bản chất là gây cho khách hàng một ấn
tượng xấu về đối thủ cạnh tranh. Thủ đoạn mà các doanh nghiệp thường sử dụng có
thể là đưa ra những thông tin sai lệch về nhân thân, cuộc sống đời tư của chủ doanh
nghiệp, cách hành xử của doanh nghiệp đối với người khác… Hành vi cũng có thể
nhằm vào tình trạng tài chính của doanh nghiệp. Những thông tin xấu về tình trạng tài
chính có thể gây cho những đối tác đang làm ăn, giao dịch với doanh nghiệp cảm giác
không yên tâm và do đó công việc kinh doanh chắc chắn sẽ gặp những cản trở nhất
định. Có thể khẳng định, bất kỳ hành vi nào của doanh nghiệp cũng đều có thể trở
thành đối tượng của những hành vi gièm pha, bằng cách thổi phồng những sự việc,
nhiều khi doanh nghiệp đã làm cho đối thủ cạnh tranh của mình những thiệt hại không
lường trước được.
Và hậu quả của hành vi này là làm ảnh hưởng xấu tới uy tín, tình hình tài chính
và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác. Khi điều tra về hành vi gièm pha
doanh nghiệp khác, hậu quả phải được xác định là hiện thực, doanh nghiệp bị gièm
pha đã phải gánh chịu những bất lợi về uy tín, về tài chính và tình hình kinh doanh do
thông tin không trung thực gây ra. Mọi sự suy đoán về hậu quả không được coi là cơ
sở để kết luận về sự vi phạm.

8


Tuy nhiên không phải bất kỳ một thông tin nào ảnh hưởng đến doanh nghiệp
khác cũng là những hành vi gièm pha doanh nghiệp, mà nó phải đảm bảo một số tiêu
chí nhất định:
Thứ nhất, hành vi này phải xuất phát từ đối thủ cạnh tranh và vì mục đích cạnh
tranh.
Thứ hai, hành vi cạnh tranh phải nhằm vào đối thủ cạnh tranh trong một thị
trường liên quan (bao gồm thị trường sản phẩm liên quan và thị trường địa lý liên
quan).

Cũng cần phải phân biệt giữa việc gièm pha, bôi nhọ… với những đánh giá, nhận
xét về kinh doanh khác. Đây cũng là vấn đề phổ biến trong hoạt động kinh doanh.
Nhận định, đánh giá về một chủ thể kinh doanh nào đó là không thể tránh khỏi. Tuy
nhiên, những nhận định, đánh giá đó không có mục đích cạnh tranh mang nhiều thái
độ chủ quan và thông thường không bị cấm dưới giác độ của pháp luật chống cạnh
tranh không lành mạnh.
Theo Điều 33 Nghị định số 120/2005/NĐ-CP ngày 30/9/2005 về xử lí vi phạm
pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh quy định hình thức xử phạt khi thực hiện hành vi
gièm pha doanh nghiệp khác:
“1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi gièm pha
doanh nghiệp khác bằng hành vi gián tiếp đưa ra thông tin không trung thực, gây ảnh
hưởng xấu đến uy tín, tình trạng tài chính và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp
khác.
2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi gièm pha
doanh nghiệp khác bằng hành vi trực tiếp đưa ra thông tin không trung thực, gây ảnh
hưởng xấu đến uy tín, tình trạng tài chính và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp
khác.
3. Ngoài việc bị phạt tiền theo quy định tại khoản 1 và 2 Điều này, doanh nghiệp
vi phạm còn có thể bị áp dụng một hoặc một số hình thức xử phạt bổ sung và biện
pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 3 Điều 30 của Nghị định này”.

9


Như vậy, hành vi gièm pha doanh nghiệp khác là một hiện tượng thường gặp
trong nền kinh tế thị trường, nó ảnh hưởng xấu đến môi trường cạnh tranh lành mạnh,
làm thiệt hại đến uy tín, lợi ích của doanh nghiệp cũng như lợi ích của người tiêu
dùng. Luật cạnh tranh 2004 đã đưa ra những chế định quan trọng nhằm hạn chế và xử
lý những hành vi này, đây chính là cơ sở để các cơ quan nhà nước áp dụng trong quá
trình đấu tranh với những hành vi tiêu cực đó. Tuy nhiên những quy định này vẫn

chưa thể hiện một cách đầy đủ những căn cứ để xử lý nghiêm khắc và còn những vấn
đề chưa rõ ràng. Điều này đòi hỏi trong thời gian tới cần có những bổ sung hướng dẫn
nhằm góp phần đấu tranh với những hành vi xấu này.
2.3 Gây rối hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác
Trong quá trình hoạt động kinh doanh, chủ thể kinh doanh có thể sử dụng bất kỳ
phương tiện cạnh tranh hợp pháp nào để đạt được lợi thế trong kinh doanh. Nhưng nếu
doanh nghiệp lại hoạt động kinh doanh bằng cách gây rối, cản trở hoạt động kinh
doanh của doanh nghiệp khác thì bị coi là bất hợp pháp. Để đảm bảo quyền kinh
doanh của các chủ thể trên thị trường, Điều 44 Luật cạnh tranh 2004 quy định: “Cấm
doanh nghiệp gây rối hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác bằng hành vi trực
tiếp hoặc gián tiếp cản trở, làm gián đoạn hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp
đó”.
Về hình thức biểu hiện và tính chất của hành vi này là gây rối hoạt động kinh
doanh của doanh nghiệp khác cũng là chiến lược ngăn cản hoạt động kinh doanh của
doanh nghiệp khác. Hành vi gây rối hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác có
thể được biểu hiện dưới hai hình thức:
- Hành vi nhằm cản trở hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác: Loại hành
vi này có thể được biểu hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như tác động trực tiếp
đến nguồn cung cấp nguyên vật liệu, cản trở việc tiêu thụ hàng hóa, ép giá… nó làm
cho doanh nghiệp gặp những khó khăn nhất định trong quá trình kinh doanh.
- Hành vi làm gián đoạn hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác: Hành vi
này được biểu hiện bằng việc thực hiện những hoạt động làm cho quá trình kinh
10


doanh bị gián đoạn ở một công đoạn nào đấy và doanh nghiệp phải mất một thời gian
dài mới hoạt động trở lại được. Nó có thể là hành vi phá hoại máy móc công nghệ vì
trong những dây chuyền công nghệ hiện đại, chỉ cần hỏng đi một chi tiết nhỏ, một bộ
phận nhỏ thì hoạt động kinh doanh cũng không thể thực hiện được. Cũng có thể là
hành vi mua chuộc, dụ dỗ cán bộ, công nhân kỹ thuật có trình độ cao làm cho doanh

nghiệp rơi vào tình trạng không thể tiến hành hoạt động kinh doanh được hoặc cũng
có thể là hành vi kích động, xúi giục công nhân bãi công, đình công làm cho hoạt
động kinh doanh bị ngưng trệ.
Hậu quả của hành vi này cũng là nhằm cản trở, làm gián đoạn hoạt động kinh
doanh của doanh nghiệp khác.
Theo Điều 34 Nghị định số 120/2005/NĐ-CP ngày 30/9/2005 về xử lí vi phạm
pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh quy định về xử phạt khi thực hiện hành vi gây rối
hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác:
“1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi gây rối
hoạt động kinh doanh hợp pháp của doanh nghiệp khác bằng hành vi trực tiếp hoặc
gián tiếp cản trở, làm gián đoạn hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đó.
2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi gây rối
hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác làm cho doanh nghiệp bị gây rối không
thể tiếp tục tiến hành hoạt động kinh doanh một cách bình thường.
3. Ngoài việc bị phạt tiền theo quy định tại khoản 1 và 2 Điều này, doanh nghiệp
vi phạm còn có thể bị áp dụng một hoặc một số hình thức xử phạt bổ sung và biện
pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 3 Điều 30 của Nghị định này”.
Luật cạnh tranh 2004 đã bước đầu ghi nhận hành vi này là hành vi cạnh tranh
không lành mạnh cần phải ngăn chặn, tuy nhiên các biểu hiện cụ thể của hành vi này
chưa mang tính điển hình nên cần có những quy định rõ hơn để việc xử lý của cơ quan
có thẩm quyền được chặt chẽ hơn.

11


3. Thực tiễn thực hiện
Ví dụ một vụ việc xảy ra trong thực tế: Vụ việc tranh chấp giữa hai công ty Taxi
Thu Hương và V20 tại Hà Nội là một ví dụ cho hành vi gây rối hoạt động kinh doanh
của người khác. Năm 2001, Taxi V20 có 124 đầu xe, chiếm 5% số xe taxi của Hà Nội,
nhưng đã chiếm 30-40% thị phần vận chuyển hành khách bằng taxi của Hà nội do giá

cả và cung cách phục vụ hợp lý. Tuy nhiên, từ đầu tháng 10/2001, Trung tâm điều
khiển vô tuyến điện của V20 bị tê liệt do một dải tần chèn phá và Trung tâm kiểm soát
tần số khu vực I đã phát hiện một số đài phát sóng lạ trên địa bàn Hà Nội, có vị trí
phát sóng thường xuyên thay đổi, gây nhiễu, phá liên lạc của hãng Taxi V20. Ngày
19/10, Trung tâm kiểm soát tần số khu vực I đã xác định được 2 vị trí phát sóng vô
tuyến điện gây nhiễu vô tuyến điện trên cột ăngten (tại 25 Láng Hạ, Đống Đa, trụ sở
của Công ty xe Du lịch Hà Nội) và tại nhà số 5, phố Tây Sơn, Đống Đa (trụ sở Công
ty Thương mại và Du lịch Hoàn Thắng, chủ sở hữu Taxi Thu Hương). Đêm 22/10 Lực
lượng cảnh sát điều tra đã cùng các cán bộ Trung tâm kiểm soát tần số khu vực I phát
hiện tại trụ sở của hãng Taxi Thu Hương 5 thiết bị phát sóng, khuyếch đại gây nhiễu
loạn hệ thống thông tin của Taxi V20. Chủ nhân của các thiết bị cũng là chủ hàng Taxi
Thu Hường đã thừa nhận sai phạm. Hành vi gây rối nói trên đã làm cho gần 10.000
cuộc gọi của khách hàng gọi tới V20 không thể thực hiện, gây thiệt hại trên dưới 300
triệu đồng trong 10 ngày thực hiện việc phá hoại, gây những tổn hại về uy tín của Taxi
V20 trước khách hàng.
3.1 Những kết quả đạt được
- Thứ nhất, phạm vi điều chỉnh phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế. Luật
không quy định và điều chỉnh các hành vi cạnh tranh lành mạnh. Luật chỉ quy định về
các hành vi cạnh tranh không lành mạnh để kiểm soát và xử lý những hành vi này
nhằm tạo lập và duy trì môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng.
- Thứ hai, tạo môi trường pháp lý cho cạnh tranh phát triển. Luật xác lập chuẩn
mực chung cho đạo đức kinh doanh, góp phần hình thành ý thức cạnh tranh lành mạnh
trong doanh nhân.
12


- Thứ ba, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật kinh tế.
3.2 Những khó khăn thách thức
- Các biện pháp, mức xử lý vi phạm cạnh tranh không lành mạnh còn quá nhẹ,
không răn đe được các doanh nghiệp.

- Thiếu một đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp để đảm bảo việc thực thi có hiệu quả
pháp luật cạnh tranh.
- Thị trường Việt Nam còn tồn tại nhiều rào cản cho việc thực thi pháp luật cạnh
tranh không lành mạnh như rào cản của cơ quan công quyền, của những tập đoàn kinh
tế lớn, đặc biệt là những công ty nhà nước có sự bảo trợ của các cơ quan chủ quản
nắm quyền lực công.
- Trình độ nhận thức và hiểu biết pháp luật cạnh tranh của các doanh nghiệp và
người tiêu dùng còn chưa cao.
4. Một số kiến nghị nhằm hoàn thiện và nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật
- Các hành vi ép buộc trong kinh doanh, gièm pha doanh nghiệp khác, gây rối
hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác đều có chung bản chất nhưng Luật cạnh
tranh lại tách ra thành những hành vi cạnh tranh không lành mạnh riêng biệt.
- Cần hình thành cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, các bộ, ngành cũng như cơ
chế giải quyết các vụ việc cạnh tranh không lành mạnh: hành vi cạnh tranh không lành
mạnh không phải chỉ diễn ra trong một lĩnh vực nhất định mà nó diễn ra trên nhiều
mặt của nền kinh tế, gây ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của nền kinh tế nói
chung cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu
dùng nói riêng. Việc đấu tranh với những hành vi tiêu cực này là trách nhiệm của toàn
xã hội. Vì vậy chúng ta cần hình thành một cơ chế giải quyết phù hợp, đồng bộ, có sự
phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, bộ, ngành nhằm phát hiện và xử lý các hành vi
cạnh tranh không lành mạnh một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất.
- Xây dựng đội ngũ điều tra viên có trình độ chuyên môn cao.

13


- Đào tạo kiến thức về cạnh tranh cho các Thẩm phán để đảm bảo công bằng và
hiệu quả trong toàn bộ quá trình xử lý vụ việc cạnh tranh.
- Nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp.
- Nâng cao hiệu quả hoạt động của các hiệp hội: Hiệp hội ngành nghề là một

kênh hỗ trợ đắc lực cho sự phát triển của doanh nghiệp trong việc cung cấp thông tin
về thị trường, giá cả, tình hình tài chính… trong và ngoài nước cũng như công tác tư
vấn để doanh nghiệp có thể hoạt động được một cách tốt nhất. Hiệp hội cũng chính là
tổ chức đại diện hợp pháp về mặt quyền lợi, giúp doanh nghiệp giải quyết những tranh
chấp phát sinh trong quá trình sản xuất kinh doanh cũng như trong buôn bán quốc tế.
Vì thế cần phải nâng cao vai trò và hiệu quả hoạt động của các hiệp hội.
- Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về cạnh tranh đến người
tiêu dùng, chủ thể kinh doanh cũng như toàn xã hội: Người tiêu dùng, nhà kinh doanh
là những chủ thể chủ yếu của nền kinh tế thị trường. Vì thế hiểu biết hơn về pháp luật
cạnh tranh sẽ giúp họ hạn chế tối đa những hành vi vi phạm, đồng thời nhận biết và có
cách thức bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình, từ đó duy trì và củng cố môi trường
cạnh tranh lành mạnh.

14


C. KẾT BÀI
Thiếu cạnh tranh sẽ không thể có sự phát triển kinh tế. Thiếu cạnh tranh lành
mạnh sẽ không đảm bảo được sự phát triển đó diễn ra công bằng. Thiếu luật điều tiết
cạnh tranh, cạnh tranh công bằng có thể sẽ chuyển hóa lệch lạc thành cạnh tranh
không lành mạnh, từ đó dẫn tới sự lụi tàn của nền kinh tế. Do đó trong cơ chế kinh tế
thị trường sẽ không thể thiếu pháp luật cạnh tranh. Pháp luật cạnh tranh được đặt ra
nhằm tạo lập và duy trì môi trường kinh doanh bình đẳng, đảm bảo sự ganh đua công
bằng giữa các chủ thể kinh doanh theo một trật tự và trong khuôn khổ định sẵn.
Những hành vi cạnh tranh không lành mạnh như ép buộc trong kinh doanh, gièm pha
doanh nghiệp khác, gây rối loạn hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác nhằm
ngăn cản hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác sẽ bị xử lý nghiêm minh theo
quy định của pháp luật cạnh tranh.

15



DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình luật cạnh tranh, Nxb. Công an nhân
dân, Hà Nội, 2011.
2. Tìm hiểu pháp luật chống cạnh tranh không lành mạnh ở Việt Nam : Khoá luận
tốt ghiệp / Phạm Thị Hằng; Người hướng dẫn: ThS. Đoàn Trung Kiên . - H.,
2006
3. Pháp luật chống cạnh tranh không lành mạnh ở Việt Nam - Một số vấn đề lý
luận và thực tiễn : Khoá luận tốt nghiệp / Hà Thị Hằng; Người hướng dẫn: ThS.
Đoàn Trung Kiên . - H., 2009
4. Cạnh tranh không lành mạnh: thực trạng và những đề xuất trong việc xử lý và
giải quyết tranh chấp ở Việt Nam : Khoá luận tốt nghiệp / Đinh Đức Minh;
Người hướng dẫn: TS. Tăng Văn Nghĩa . - Hà Nội, 2010

16



×