Hoàng Lê nhất thống chí
Ngô gia văn phái
Hồi thứ bảy
Phò Lê đế, đạo Vũ thành lại ra quân
Đốt Trịnh cung, chúa án đô phải bỏ nước.
Lại nói, Thạc quận công (Hoàng Phùng Cơ) sau khi thua trận ở cửa Thuý ái, liền chạy về
vùng Hưng Hoá, nương nhờ ở nhà một phiên mục là Đinh Công Hồ. Kịp khi nghe tin quân
Tây Sơn đã rút về Nam, quận Thạc bèn tới trấn Sơn Tây, thu nhặt binh lính để về bảo vệ
kinh thành. Khi ấy hoàng thượng vẫn thường cho người qua lại chỗ quận Thạc, vua tôi rất
là ăn ý với nhau.
Đến lúc này được tin quận Thạc đã tới, nhà vua liền sai ông ta đem quân vào đóng ở cửa ô
Trường Bắn để bảo vệ hoàng thành. Lúc vào thành, quận Thạc đến lạy chào nhà vua, rồi
sau mới ra chào án đô vương.
Bấy giờ, người trong kinh nhao nhao đồn rằng: "Thạc vào bè với vua; Nhưỡng vào bè với
chúa. Hai người sẽ có ngày dàn quân đánh nhau. Cả hai đều là tướng mạnh chưa biết ai
thua ai được?". Hoặc có người lại nói rằng: "Vua với chúa thế lực cũng ngang nhau, nhưng
vua có phần mạnh hơn một chút".
án đô vương thường sai người đến uý lạo quận Thạc, khuyên Thạc nên giúp đỡ nhà chúa.
Nhưỡng cũng hay cho người đi lại biếu xén để liên kết với quận Thạc.
Thủ hạ của quận Thạc có người tên là Nguyễn Liên, thấy thế lớn trong thiên hạ đang có
chiều ngả về phía chúa, nên cho rằng việc Nhưỡng phò chúa khó mà có thể xoay chuyển
được. Rồi nhân đó, muốn cho quận Thạc hợp vào với Nhưỡng, Liên bèn cố khuyên quận
Thạc bỏ vua mà theo chúa. Quận Thạc trả lời:
- Người ta khó nhọc mới làm được mâm cỗ ngon, mình bỗng xông đến, chọc ngay đũavào
mà ăn, còn ra cái mặt mũi gì nữa?
Liên nói:
- Hiện nay ngôi chúa tuy đã lập, nhưng quyền chúa chưa định xong. Ông Nhưỡng vì đã trót
hứa với hoàng thượng là quyền bính thuộc về nhà vua, nên bây giờ không dám hé răng nói
lại. Chúa ngồi chồm chỗm ở trong phủ, mà hoá ra chính phủ chẳng có người nào, dân
không biết theo ai. Việc ấy không có ông thì không xong. Người xưa có câu: "Làm việc thì
dễ; làm cho nên việc mới khó". Bây giờ nếu ông gánh lấy cái khó ấy, thì công nghiệp
chẳng kém gì ông Nhưỡng đâu!
Quận Thạc hỏi:
- Thế thì nên làm ra sao?
Liên đáp:
- Người ta có thể họp được các quan, sao ông lại không chịu họp? Nay ông hãy định ngày
hội họp các quan để bàn về việc đặt tên các quan chức rồi sau đem những lời bàn ấy mà tâu
xin với nhà vua, hẳn là nhà vua phải nghe theo.
Quận Thạc khen phải, rồi sai thảo tờ hiểu thị các quan văn võ, đại ý nói rằng:
"Khi Nguyễn Hữu Chỉnh đưa giặc vào cướp nước, mỗ vâng mệnh dẹp giặc, chẳng may đã
sai phạm quân luật và làm tan vỡ quân đội, đến nỗi kinh thành không giữ được, thật là
đáng chịu tội muôn lần. May nhờ lòng trời hối hoạ (một quan niệm cũ cho rằng, mọi tai
hoạ ở trên đời đều là do trời gieo rắc, khi tai hoạ hết, ấy là lúc trời đã hối lại), quân giặc
phải lẻn trốn về. Nay non sông lại y nguyên, vua chúa vẫn như cũ. Nhưng giường mối đã
đổ, triều chính lại càng rối bời. Tướng võ, quan văn, há nên một mực im lặng? Vậy xin
định đến ngày này tháng này, hội họp ở bộ Lễ, cùng nhau bàn định, rồi sẽ tâu lên hoàng
thượng và trình lên vương thượng biết; sau đó xin giao xuống cho thi hành, để chỉnh đốn
lại thể thống của triều đình".
Mọi người thấy tờ hiểu thị đó, đều cho rằng quận Thạc vì nhà vua mà mở ra cuộc họp ấy,
để báo thù lại cuộc họp của Nhưỡng ở Tây-long trước đây. Đến ngày đã định, quận Thạc
kéo quân từ hoàng thành ra, Nhưỡng dẫn quân từ phủ chúa lại, người ta chắc là hai tướng
sắp sửa đánh nhau, có kẻ sợ vạ lây đã phải lánh đi nơi khác. Nhưng đến khi thấy hai tướng
đã gặp nhau mà không xảy ra chuyện gì, thì người ta lại đồ rằng quận Thạc lừa cho
Nhưỡng ngồi vào họp rồi mới bắt, tướng trẻ tất phải mắc mưu tướng già. Rút lại, chẳng ai
hiểu được ý định của quận Thạc như thế nào?
Kịp đến lúc các quan văn võ đến họp, chào hỏi nhau xong, quận Thạc nói:
- Chúa lên ngôi đã hơn một tuần, mà chính sự vẫn chưa ra đầu ra mối gì cả, các ông có ý
kiến gì xin cứ bày tỏ, rồi cùng lựa chọn những điều đáng làm để đem tâu xin với bề trên.
Mọi người còn chưa biết nói thế nào. Trong đám có Ninh Tốn là tay lắm mưu mẹo giảo
quyệt, định dùng lối nói lập lờ nước đôi để dò ý quận Thạc, bèn lên tiếng mà rằng:
- Từ khi sáng nghiệp về sau, quyền ở nhà vua. Từ ngày trung hưng lại đây, quyền ở phủ
chúa...
Tốn vừa mở miệng đến đấy, đã bị Nhưỡng hỏi vặn ngay:
- Bây giờ là sau đời sáng ngiệp hay là sau đời trung hưng? Làm sao lại còn nói đèo thêm
đời sáng nghiệp vào nữa? Xem viên ấy là quan chức gì mà nói dốt đến vậy?
Tốn vốn có tài đối đáp nhanh nhẹn, liền nói luôn:
- ấy là tôi cũng chỉ viện dẫn ra để tỏ rằng, từ sau đời trung hưng thì như thế đó mà thôi!
Nhưỡng nói:
- Nếu vậy thì mời ông ra thảo bản nghị sự.
Tốn bèn thảo một bản nháp, đại ý như sau:
"Nhà vua, nhà chúa, vẫn là một thể. Nay tên gọi các chức quan ở phủ chúa phải theo như
chỉ ý của nhà vua vừa mới định, nhưng cũng nên giữ cả tên gọi cũ. Vậy xin để chức bình
chương kiêm chức tham tụng, tham tri kiêm bồi tụng, thiêm thư kiêm thiêm sai, đô cấp sự
kiêm lục phiên tri phiên. Về hàng quan võ thì những chức chưởng phủ, thự phủ, sẽ thêm
vào những chữ ngũ quân đô đốc phủ, tả hữu đô đốc. Còn nhà nghị sự ở ngoài cửa phủ đã
quen tai mắt thiên hạ, xin cứ để nguyên như tên cũ. Các việc chính sự sau khi bàn xong,
trước hết phải trình cho chúa biết, rồi sau mới tâu vua để xin nhà vua quyết định".
Nhưỡng coi bản nháp của tờ nghị sự, thấy lời văn chứa đựng những ý từ khôn khéo, tiếng
rằng theo vua mà kỳ thực là xem trọng ở chúa, bèn đổi ra giọng vui mừng mà rằng:
- Người ta khen ông là tay lão luyện về nghề từ hàn, quả thật là không sai! Vừa nãy tôi nói
lỡ lời, xin ông đừng giận.
Rồi Nhưỡng bảo Tốn chép thành bản tâu để dâng lên nhà vua. Lúc bản tâu đã chép xong,
Nhưỡng tự thấy rằng việc làm ấy và lời hứa của mình với nhà vua trước đây là trái ngược
nhau, nên không dám giáp mặt vua, bèn cáo từ các quan mà về dinh. Các viên quan võ
cùng đều theo Nhưỡng ra về hết. Chỉ còn lại quận Thạc và mấy viên quan văn vào điện để
xin mệnh của nhà vua.
Hoàng thượng lúc đầu tưởng quận Thạc hẳn phải thuận theo ý mình, nên rất mừng, cho
người dẫn ông ta vào ra mắt. Đến khi coi hết tờ tâu, hoàng thượng nổi giận mà rằng:
- Tham tụng, bồi tụng cứ việc tham tụng, bồi tụng, hà tất phải đèo thêm bình chương, tham
tri? Chưởng thự cứ việc chưởng thự, can gì phải đèo thêm ngũ quân đô đốc? Bọn các
ngươi lấy hư văn mà đánh lừa ta; bịp bợm, xảo trá như vậy, há phải là lễ thờ vua?
Quận Thạc nghĩ xưa nay mình với nhà vua vốn có ân tình sâu xa, bỗng dưng vô cớ thay đổi
thì thật là xấu hổ, vì vậy, không dám hé răng, chỉ cúi rập đầu tạ tội mà thôi.
Ninh Tốn quỳ tâu:
- Nay ở ngoài thành đều là bãi chiến trường, thiên hạ đang loạn lớn, mà chính sự trong
triều đình thì vẫn còn rối bời. Lũ thần trót phạm oai trời, thật là sợ hãi khôn xiết. Dám xin
hoàng thượng soi xét.
Hoàng thượng nói:
- Ngoài thành đều là bãi chiến trường, vạ ấy hỏi tại nhà ai gây ra? Đâu phải là lỗi ở trẫm?
Thôi đừng nói lắm, lũ ngươi tưởng rằng bè đảng đông, có thể ăn hiếp được trẫm, thì cứ
việc làm đi! Cần gì mà phải xin mãi?
Bọn quận Thạc đều sợ hãi, bồ hôi toát ra khắp lưng, không dám nài xin gì nữa; bèn cùng
nhau phủ phục ở sân rồng, mãi đến đầu canh một chưa dậy.
Hoàng thượng thấy họ cứ nằm lỳ ở sân, nghĩ rằng người ta đã có bụng khác với mình,
không thể trông cậy được nữa, dầu có cố giữ ý mình cũng là vô ích, bèn ưng cho lời tâu
của họ.
Bọn quận Thạc xin được mệnh lệnh rồi, liền lạy tạ mà ra.
Hôm sau, họ cùng vào phủ để lựa chọn các quan. Mọi người bàn bạc cho rằng, chúa mới
được lên ngôi, những người mà hoàng thượng tin dùng như loại Tứ xuyên hầu, chưa nên
gạt bỏ vội. Rồi họ bèn lấy Tứ xuyên hầu (tức Phan Lê Phiên) làm chức bình chương kiêm
tham tụng; Kế liệt hầu (tức Bùi Huy Bích) và Khuê phong hầu (tức Phan Cận) cùng làm
chức đồng bình chương sự kiêm hành tham tụng; quận Thạc làm trung quân đô đốc phủ, tả
đô đốc chưởng phủ sự, tước Thạc vũ công; Nhưỡng làm đông quân đô đốc phủ, hữu đô
đốc thự phủ sự, tước Liễn quận công; Ngô Trọng Khuê, Ninh Tốn đều làm tham tri chính
sự kiêm bồi tụng; Nguyễn Huy Chiểu, Phan Huy ích, cả bọn gồm sáu người đều làm chức
đô cấp sự trung, kiêm thiêm sai tri phiên trong sáu khoa.
Mệnh đó được ban xuống. Tứ xuyên hầu từ chối không nhận. Kế liệt hầu thì tự thẹn mình
không làm được công trạng gì, nói:
- Ta làm tể tướng không được tốt lành (trỏ việc Bùi Huy Bích trước kia làm tham tụng
(tướng quốc) nhưng bất lực, để Tây Sơn lấy được Bắc Hà). Việc trước hãy còn tấm gương
sờ sờ ra đấy. Một đời lại định mấy lần làm hại nước người ta nữa? (người ta đây chỉ vào
nhà vua; quan niệm phong kiến cho nước là của vua).
Rồi Kế liệt hầu cũng không chịu nhận chức. Chỉ có Khuê phong hầu một mình gánh vác
công việc. Nhưng bấy giờ quyền bính trong nước đều ở tay Nhưỡng. Còn quận Thạc thì già
nua dốt nát, chẳng biết gì đến chính sự, chỉ giữ một chức quan cho đủ số mà thôi:
Quan liêu trong chính phủ đã đầy đủ, họ bèn ngày ngày bàn mưu tìm kế để đè nén nhà vua,
muốn cho tất cả quyền hành về việc binh, việc dân đều thuộc về phủ chúa. Riêng có bổng
lộc của nhà vua, thì họ bàn nhau đãi hậu hơn các triều trước một chút. Nhưng hoàng
thượng cũng không chịu lép vế, cứ mỗi việc mỗi giằng giữ co kéo, thành ra các việc binh,
dân, chính đều rối tung chẳng đâu vào đâu. Rồi đó hoàng thượng lại ra sức mộ thêm binh
mã để tự vệ, và ngấm ngầm lập mưu chế ngự nhà chúa.
Lệ cũ, nội điện nhà vua có một viên quan phụ tá. án đô vương bèn sai một hoàng thân tin
cẩn của mình đến sung vào chức đó. Hoàng thượng bảo với vị hoàng thân ấy rằng:
- Ta vừa cho lên làm chúa, sập ngồi còn rung rinh, thế mà đã vội sai người đến dòm dỏ,
làm như nền nếp lúc thái bình ấy. Ông về bảo chúa án đô rằng, chúa đã sai ông đến làm
phụ tá cho trẫm, thì trẫm cũng khiến ông trở lại làm phụ tá cho chúa.
Vị hoàng thân ấy lui ra, hoàng thượng bèn dặn mấy người tả hữu:
- Các ngươi hãy nhớ lấy, hễ mà người này còn lại đây nữa, thì cứ chặt chân hắn đi cho ta!
Thế là từ đó, vua chúa đâm ra thù nhau.
Hồi án đô vương mới vào kinh thành, Trọng Tế trốn về huyện Gia Lâm. Vương vốn mến
tư cách của Trọng Tế, lúc này bèn cho sứ giả đi mời. Khi Tế đến nơi, vương nói:
Trong lúc giặc mọi vào cướp kinh kỳ, các quan văn võ hoặc chạy trốn hoặc đầu hàng, riêng
ngươi là nho thần lại dám lập đồn bên cạnh kinh thành để chống nhau với giặc; cái tiếng
nghĩa khí của ngươi đã làm rung động cả nước, bọn giặc càn rỡ sở dĩ phải trốn đi, cũng
chính là sợ về oai phong của ngươi. Điều đó, quận Thạc quận Liễn không thể sánh kịp. Vả
lại, ngươi mới thoạt vào thành đã lấy ngay việc lập chúa làm điều trước nhất. Tuy việc
quận Thuỵ không thành, nhưng thanh thế nhà chúa lại nhen nhúm lên được cũng là từ đấy.
Nay ta mới được lên ngôi, nhà vua với ta lại chưa hoà thuận, mà thiên hạ thì đang còn rối
ren, vậy ngươi hãy cố ở lại giúp ta.
Sau đó án đô vương bèn cho Tế trông nom về việc tài phú. Nguyễn Mậu Nễ, học trò của
Tế, cũng được cất nhắc lên làm chức tiến triều.
Tế vốn có bụng oán giận nhà vua, liền nói với án đô vương:
- Cái thuyết nhất thống (tập trung quyền bính vào tay nhà vua) do ở giặc Chỉnh xướng ra,
thật không nghĩa lý gì hết. Xưa nay nhà vua vẫn uỷ quyền cho nhà chúa, mà nhà chúa thì
phò giúp mối giường của nhà vua; có hề "nhị thống" (quyền lực thuộc vào cả vua và chúa)
bao giờ? Nhà vua đã chẳng chịu chung tai nạn với nhà chúa, trái lại còn lấy sự thất bại của
nhà chúa để làm lợi cho mình. Bọn Tứ xuyên hầu đã cúi mình theo giặc, giờ lại hùa theo
nhà vua mà không biết chi đến chúa. Đó đều là những việc mà lẽ trời, tình người đều
không thể dung tha. Dạo nọ vì chúa đến chậm, thần bất đắc dĩ mà phải phò Thuỵ quận
công. Nếu chúa đến sớm, thì thần há lại để cho bọn đầu hàng giặc tới nay vẫn còn trốn
khỏi hình pháp? Tôn thất nhà vua hãy còn nhiều, tìm một vị khác làm người khoanh tay rủ
áo, tưởng cũng không thiếu gì. Chúa mà đến sớm hơn nữa, ông vua "lông đỏ" hẳn đã phải
đi theo bọn giặc "lông đỏ" từ lâu rồi!
Đoạn, Tế xui án đô vương cho quân vây điện vua ở, bắt hết bọn gia thần của vua giết đi,
rồi bỏ vua này mà lập vua khác.
Mưu mô đã định xong, Tế bèn sai Nguyễn Mậu Nễ đem quân chẹn ở phía trước điện, đồng
thời ngầm cho Nhuận trạch hầu (Bùi Nhuận) lẻn vào cửa Đông Hoa để đánh úp mé sau.
Hoàng thượng nghe tin có biến, liền sai các hoàng thân đem hết binh lính đã mộ ra chống
giữ. Nễ cưỡi voi đến ngoài cửa Đại Hưng, khí thế rất mạnh, khiến cho trong điện ai nấy
đều run sợ, cơ hồ muốn tan vỡ. Thình lình thấy quận Thạc ngồi trên đầu voi từ phía sau
điện xông tới cửa Đông Hoa, ngăn Nễ không được vào nữa và quát:
- Mày muốn sống thì mau mau thu quân về, bằng không, tao sẽ chặt đầu mày trước để bêu
ra cho thiên hạ coi, rồi sau sẽ bắt nốt những tên trong đảng nghịch.
Nguyên quận Thạc vốn ghen với danh vọng của Tế, vả lại trong bụng cũng không ưng cái
việc đại nghịch ấy; mặt khác, lúc bấy giờ, quận Thạc đang làm chức đề lãnh chính hiệu,
phải gìn giữ hoàng thành, e rằng trong điện có biến thì mình cũng mang tội, vì vậy quận
Thạc phải kíp ngăn cản.
Nghe Thạc quát, Nễ sợ hãi lùi ngay, Nhuận trạch hầu cũng không dám vào nữa. Thế là
trong điện được vô sự.
Hoàng thượng giận lắm, bảo các quan tả hữu rằng:
- Đảng ác đã đông, gốc hoạ khó mà nhổ nổi. Nếu không có hữu quân (chỉ vào Nguyễn Hữu
Chỉnh) trở lại, thì việc tất không xong.
Rồi đó, hoàng thượng bèn bàn tính việc vời Nguyễn Hữu Chỉnh đem quân ra bảo vệ kinh
sư.
Lại nói, sau khi quân Nam lén lút về, Chỉnh cướp được chiếc thuyền hối hả đuổi theo, ra
đến biển lại bị gió cản lại luôn mấy ngày, chừng hơn một tuần mới vào đến cửa biển Hội
Thống. Lúc thuyền của Chỉnh đậu ở dưới bến Động Hải (tức xã Đông Hải, quê Chỉnh. Nay
thuộc Nghi Lộc, Nghệ Tĩnh), thì cũng vừa gặp lúc anh em Tây Sơn đi đường bộ đã vào tới
Vĩnh Doanh (tức vùng thị xã Vinh-Bến Thuỷ bây giờ) Bình nghe tin Chỉnh đã trốn thoát và
theo về đến đó thì cả kinh mà rằng:
- Thằng chết tiệt này khéo tìm đường sống, thật chẳng khác gì mười lăm giống quỉ dạ xoa
luân hồi làm hại, cắt cũng không đứt đi cho.
Tuy vậy, lúc Chỉnh vào ra mắt, Bình vẫn vỗ về yên ủi. Chỉnh xin theo Bình cùng về, Bình
nói:
- Nay quận Thạc quận Liễn chưa trừ xong, nước An Nam phi ông không ai trị nổi; ông hãy
tạm ở đây đã!
Rồi Bình sai người san sẻ các thứ súng đồng, súng sắt, cùng những khí giới, đồ lề thu được
ở Bắc Hà, đem đến Đông Hải cho Chỉnh.
Chỉnh từ chối không nhận.
Bình lại cho Chỉnh hai mươi lạng vàng, hai trăm lạng bạc, và để lại một trăm tên lính để hộ
vệ cho Chỉnh, Chỉnh nghĩ để số lính ấy cũng chẳng dùng được bèn nhận vàng bạc, trả lại
lính và nói:
- Tôi xin được tự mộ lấy quân địa phương mà dùng. Nếu như sức tôi không đủ, phải đưa
thư cáo cấp, thì bấy giờ mong ông hãy chú ý sai tướng sĩ giúp đỡ tôi.
Bình ưng lời, rồi về Phú Xuân, lưu Chiêu viễn hầu đóng lại ở Kỳ Hoa để hưởng ứng với
Chỉnh. Nhưng Bình về rồi thì Chiêu viễn hầu cứ đóng lỳ ở Kỳ Hoa không hề liên lạc gì với
Chỉnh.
Chỉnh ở dưới thuyền, thủ hạ chỉ có hơn ba chục người, thành thử không dám bỏ thuyền lên
cạn.
Người xứ Nghệ biết Chỉnh đang lúc thân cô thế cùng liền bàn nhau định ngày khởi binh
bắt Chỉnh.
Chỉnh được tin, vội gọi người anh rể là Nguyễn Kim Khuê xuống thuyền để bàn cách đối
phó. Chỉnh bảo Khuê:
- Nay trong nước rối loạn, tôi muốn chiếm cứ lấy trấn này để tính việc lấy thiên hạ. ý anh
thấy thế nào? Mưu mẹo của anh sắp đặt ra sao?
Kim Khuê người làng Đặng Điền, huyện Chân Phúc, từng làm chức tri huyện, là bậc túc
học và có mưu trí. Thấy Chỉnh hỏi vậy, Khuê liền bày mưu rằng:
- Tên tuổi ông, thiên hạ không ai là không sợ! Sức ông lấy Nghệ An, chẳng qua chỉ như trở
bàn tay. Nay người trong trấn này tuy biết ông thân cô thế cùng, song họ vẫn chưa biết rõ
hư thực thế nào. Tờ hịch của họ mới truyền đi, chỉ là những lời đưa đẩy lẫn nhau, chưa kẻ
nào dám thò đầu ra trước. Nếu ông làm trước để chặn họ, hẳn họ sẽ trở tay không kịp. Hiện
nay ông mà có được một ngàn thủ hạ, thì ông có thể dọc ngang khắp thiên hạ vậy!
Chỉnh nói:
- Anh nói rất hợp ý tôi.
Rồi đó, Chỉnh bèn làm tờ hịch lông gà (dịch chữ "vũ hịch". Thời xưa, trên tờ Hịch văn mộ
quân người ta thường cắm chiếc lông gà, để tỏ ý phải thi hành thật mau, phải làm gấp như
bay) để điều động quân lính. Hịch phát bắt đầu từ làng Chỉnh ở. Ra lệnh hễ chậm một khắc