Tải bản đầy đủ (.doc) (20 trang)

Hoàng Lê nhất thống chí Hồi 10

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (137.45 KB, 20 trang )

Hoàng Lê nhất thống chí
Ngô gia văn phái
Hồi 10

Lân dương hầu phò chúa vượt biển đến Yên Quảng
Bằng công Chỉnh mời vua qua sông đi Lạng Sơn

Lại nói, Chỉnh thấy lời lẽ trong tờ biểu, gọi mình là thằng giặc, thì nổi giận đùng đùng,
vung gươm quát to:
- Cái quân mất nước kia mà chưa biết sợ, còn dám múa bút khua lưỡi để lừa người trong
nước! Hôm nay ta thề với hắn một sống một thác. Tướng sĩ các ngươi đều phải trông cờ
nghe trống, ra sức xông vào trận mạc, chỉ có tiến không có lùi. Kẻ nào không nghe mệnh
lệnh đã có thanh gươm này!
Rồi Chỉnh vận đồ trận, lên mình voi, cầm lá cờ đỏ vẫy các quân sĩ tiến về phía trước.
Nguyễn Như Thái tế ngựa vào trận hò reo "giết giặc". Súng nổ, cung bắn, tên đạn bay tới
tấp như mưa rào.
Quân bên tả của chúa chống không nổi cơ hồ sắp vỡ. Chúa bèn sai đội tiền phong hợp với
hai đội tả hữu vừa đánh vừa lui vào trong luỹ, rồi chia quân để cố thủ.
Chỉnh dàn quân giáp liền với luỹ, bốn mặt đánh vào, suốt nửa ngày không lấy được luỹ.
Đến tối, mưa dầm rả rích, gió thổi ào ào, trời đất đen ngòm, cách gang tấc không trông
thấy gì. Chỉnh hạ lệnh cho quân lính vây sát luỹ của chúa. Chúa bèn chia quân làm ba toán.
Những người dũng cảm thì làm hai cánh quân trước và sau, do Toại và Châu đốc suất.
Những người già yếu thì cho làm cánh giữa, chúa tự dẫn đi.
Đêm đã yên lặng, chiêng trống im bặt, đèn lửa tắt hết. Ngoài luỹ súng bắn liên thanh không
ngớt, mà trong luỹ im lặng như tờ. Chỉnh sai quân do thám ngầm đến dưới luỹ nghe ngóng,
hình như trong luỹ không có người, nhưng cũng không lường được hư thực ra sao.
Đến canh tư, mưa và sấm sét lại nổi lên dữ dội.
Chúa sai mở rộng cửa luỹ, bảo Toại, Châu ra trước, mỗi người đem năm mươi tên dũng sĩ,
đánh thẳng vào doanh của Chỉnh; Toại đánh mặt tả, Châu đánh mặt hữu, mở một đường ở
giữa. Tiếp đó chúa dồn quân ra, nhằm phía đông mà chạy, để Toại và Châu làm đội chặn
hậu.


Đêm ấy, quân của Chỉnh không phân biệt ai với ai, bắn nhau đâm nhau lộn bậy. Sáng ra
mới biết rõ sự thật, thì đuổi theo không kịp nữa rồi. Chỉnh dồn quân vào luỹ, chỉ thấy nhà
cửa rỗng không, sai quân tìm kiếm khí giới lương thực, chẳng được gì hết. Chỉnh rầu rầu
không vui, liền rút quân về kinh.
Chúa Trịnh chạy đến Hàm Giang, nương tựa vào Đinh Tích Nhưỡng. Bao nhiêu quân lính
già yếu, chúa đều cho về, chỉ để hai tướng Châu, Toại và hơn một trăm thủ hạ ở lại với
mình. Nhưỡng sai dọn riêng một trại để cho chúa ở.
Tính Nhưỡng nóng nảy, lại không thông thạo nghề làm tướng, và cũng không phải thật thà
có lòng trung nghĩa. Lời nói, việc làm thường ngày của Nhưỡng cũng đều là giả dối, cốt
lấy tiếng mà thôi. Từ khi xuất thân tới nay, Nhưỡng chỉ quen thuỷ chiến, chứ chưa từng
đốc suất lính bộ. Sau trận thua ở huyện Kim Động, Nhưỡng bỏ hết thuyền bè, thất thểu
chạy về miền đông, giữ trấn thành Hải Dương. May nhờ ở đấy sẵn có quân lương, nhưng
Nhưỡng không khéo vỗ về trăm họ, lại thả lỏng cho bộ hạ cướp bóc xóm làng, nên dân
chúng hai phủ Thượng Hồng, Hạ Hồng đều căm giận. Hào mục các nơi hùa nhau nổi lên
đánh lại, Nhưỡng phải bỏ chạy về Hàm Giang. Khi nghe tin Tây Sơn đã về Nam, Nhưỡng
lại kéo quân vào kinh, định mưu lập quận Thuỵ để chống vua Lê. Đến khi quận Thuỵ thua
chạy. Nhưỡng bất đắc dĩ lại phải bám vào chúa Trịnh Bồng. Lúc nghe tin Chỉnh lại ra Bắc,
sợ Chỉnh không dong mình, Nhưỡng bèn dẫn quân về đông, xin lĩnh hai trấn Hải Dương,
Yên Quảng để tránh tai vạ. Khi chúa chạy về Quế ổ, Nhưỡng vẫn vẫy vùng ở phía đông,
chưa hề lần nào đến thăm chúa. Đến lúc này, chúa đến Hàm Giang, Nhưỡng luôn luôn tỏ
vẻ nhạt nhẽo, lễ ý xem chừng cũng đơn bạc. Toại và Châu đêm ngày ở bên cạnh chúa. Đối
với Toại thì Nhưỡng ghen ghét là con nhà tướng; đối với Châu thì Nhưỡng khinh rẻ là kẻ
bạch đinh. Hai người dò biết ý Nhưỡng, sợ có điều gì bất trắc, nên đều từ giã chúa và ra đi
cùng một ngày.
Chúa khóc lóc tiễn đưa hai người và nói:
- Tục ngữ có câu "chết đuối vớ phải bọt", bám cũng không được, chẳng bao lâu nữa ta
cũng đi thôi, giữ các ngươi lại làm gì cho nhục!
Chúa ở lại hơn 10 ngày. Nhưỡng không hề nói đến việc quân, việc nước. Chợt một đêm,
Nhưỡng tới chỗ chúa ở mà nói:
- Trời thanh trăng sáng, vẻ thu rất đẹp, thần đã đem rượu lên thuyền chờ đợi, xin chúa đi

chơi một lúc, ngắm xem phong cảnh, cho khuây nỗi buồn.
Chúa tỏ vẻ sầu não mà rằng:
- Phong cảnh vẫn như thường mà ngước mắt thấy non sông khác lạ. Ta chưa giết được
quân thù, không nên quên ngồi trên áo giáp. Bơi thuyền uống rượu không phải là việc của
ta ngày nay. Tướng quân hãy đi mà chơi!
Sau khi Nhưỡng đi, chúa rầu rầu tựa ghế, bảo bọn người hầu:
- Quan võ đều không thể trông cậy, hoặc giả bọn quan văn có khá hơn chăng? Chúa bèn
viết bức thư, sai người ngấm ngầm đưa cho quan bình chương là Trương Đăng Quỹ. Thư
nói rằng:
"Kiếp này sinh ra lỗi thời, gặp lúc nhà nước lắm nạn; lạm dự vào dòng đích nhà chúa, rất lo
cho việc tôn miếu xã tắc. Dâng biểu trần tình, may được hoàng thượng cho về triều kiến.
Lúc mới về, chỉ muốn giữ lấy việc thờ phụng tổ tiên cho tròn đạo hiếu, thực không có bụng
chuyên quyền giữ nước. Sự thế đổi thay, lại bị chư tướng ép buộc, thành ra trái ý hoàng
thượng. Lúc Chỉnh vào kinh, cung khuyết liền bị tiêu huỷ. Con chim bị cháy tổ, bay quanh
không biết nương nhờ vào đâu. Vì thế phải phiêu bạt giang hồ, không dám về nơi kinh
khuyết. Nay Quế ổ, mai Hàm Giang, chỉ vì lo tìm nơi trú ngụ, bèn vướng lấy hình tích
chống chế triều đình, khiến kẻ ghét mình có cớ mà nói. Mảnh lòng kính thuận, không có
cách nào thấu đến bề trên. Ông hãy dùng lời lẽ khéo léo, tâu bày giúp cho. Lần này, dù tiến
dù lui, tuỳ theo mệnh lệnh của hoàng thượng".
Quỹ tiếp thư ấy, liền đem tâu vua. Vua ngậm ngùi mà rằng:
- Tấm lòng thật thà của chúa, trẫm đã lường biết. Chỉ vì không khéo xử sự trong lúc gặp
biến cố nên mới đến nỗi như thế. Nếu đã nghĩ lại và biết hối lỗi, trẫm sẽ có cách đỗi đãi,
chẳng những giữ được dòng dõi, mà cũng không mất địa vị giàu sang.
Luôn dịp, vua Lê bèn sai Quỹ làm sứ thần đi nghênh tiếp, đón chúa về triều.
Lúc đó, chúa ở Hàm Giang, nghe nói Nhưỡng và Chỉnh ngấm ngầm thông tin tức với nhau,
ngỡ rằng bọn chúng có mưu đồ gì khác, liền than rằng:
- Đây không phải là chỗ yên lành có thể ở được. Ta thà vượt biển vào núi còn hơn là ngồi
lại mà chịu nhục.
Rồi chúa sai người hầu bí mật mượn mấy chiếc thuyền buôn, đang đêm đem cả đồ đảng,
thuận gió giương buồm chạy thẳng tới Sơn Nam. Sáng ngày Nhưỡng mới biết, rất lấy làm

kinh sợ mà nói:
- Chúa đi sang nam mà không bảo cho ta biết trước, phải chăng là có ý ngờ ta? Nếu không
theo chúa, lòng này không sao bộc bạch ra được, thiên hạ sẽ cho ta là người thế nào?
Tức thì, Nhưỡng cũng cưỡi chiếc thuyền binh chạy theo chúa.
Chúa đến huyện Chân Định thì có Phạm Tôn Lân (Cương mục chép là Phạm Đình Thiện)
lên thuyền yết kiến.
Lân quê ở làng Bác Trạch, huyện Chân Định (nay là huyện Kiến Xương, thuộc Thái Bình),
vốn dòng dõi thế phiệt; ông tổ đời trước là Phạm Tôn Nhậm, một danh tướng của Trịnh
Doanh, khoảng đầu niên hiệu Cảnh hưng từng lập được nhiều chiến công, trong quận ấp ai
cũng kính phục. Tính Lân hào hiệp, khách ăn trong nhà thường có hàng trăm, khí giới cất
giấu đầy đủ. Trong đám thổ hào của trấn Sơn Nam hạ, Lân là bậc nhất.
Lúc ấy gặp chúa, Lân bàn việc binh cùng chúa, và vạch chước tiến thủ. Chúa rất mừng và
nói:
- Tiếc rằng ta gặp ngươi muộn quá! Ngươi hãy gắng giúp ta để nối công đức của tổ tiên
ngày xưa.
Lân nói:
- Tuần vốn không có tài gì. May được nhờ oai linh của chúa, dám đâu không hết lòng hết
sức.
Rồi đó, Lân mời chúa về nhà, nhóm họp đồ đảng, hộ vệ cho chúa.
Hôm sau, Nhưỡng cũng đã theo đến nơi. Trước hết. Nhưỡng sai người đưa một tờ khải cho
chúa, trong nói:
"Nhà thần bao đời được đội ơn dày, một lòng với nhà chúa. Nay thần với Chỉnh, nói về
tình tuy có quen thuộc, nhưng nói về thế thì không thể nào đứng đôi. Cả nước ai cũng biết
điều đó, thần dám có lòng nào để nhục đến tổ tiên đời trước, xin chúa soi xét cho, khiến
thần có thể lập được chút công, bù lại lỗi trước...".
Chúa xem khải rồi hỏi ý Lân, Lân vốn nghe tiếng tăm của Nhưỡng, thường coi là tay cự
phách xứ đông, nay may được chung sức làm việc thì rất lấy làm mừng, nên cố khuyên
chúa đem lòng thành thực mà dùng Nhưỡng để thêm thế lực. Chúa nghe lời, Lân lập tức tự
mình ra đón Nhưỡng cùng vào gặp chúa. Do đó, hai người rất là tương đắc. Họ liền đưa
hịch đi các phủ Thái Bình, Kiến Xương, Thiên Trường (Thái Bình, Kiến Xương sau đều

thuộc tỉnh Thái Bình. Thiên Trường sau là Xuân Trường thuộc Nam Định (Hà Nam
Ninh)), hẹn cùng dấy quân đánh Chỉnh. Trong khoảng mười ngày, người theo về có đến
vài vạn. Họ định ngày cùng tiến quân, thuyền bè đầy sông, thanh thế lừng lẫy xa gần đều
hưởng ứng. Nhiều người cho rằng, nghiệp chúa có thể tính ngày mà khôi phục. Con em
nhà quan lúc trước, như bọn Đoàn Nguyễn Tuấn, Phạm Giáp, Nhữ Công Liêu, Đào Nhữ
Toản cũng đều chiêu mộ người làng đến họp. Các xứ đông tây cùng nổi dậy trong một lúc.
Bấy giờ Trương Đăng Quỹ vâng mệnh đi đón chúa, đến huyện Tiên Hưng, đường bị
nghẽn, phải trở lại.
Vừa lúc ấy có người từ kinh thành tới yết kiến chúa, nói rõ việc Chỉnh chuyên quyền kiêu
ngạo, lòng người không phục, vua cũng nghi kỵ, và khuyên chúa nên kíp tiến binh đánh
Chỉnh. Chúa nói:
- Ta có viên tướng cũ là Bùi Nhuận, hiện ở kinh thành, coi quân Kim-ngô, lĩnh chức tứ
thành đề lĩnh, có thể bảo y làm nội ứng. Chức trách của Nhuận là việc tuần phòng, chắc
không ai nghi ngờ.
Rồi chúa bèn sai người đưa tờ chỉ bí mật cho Nhuận, nói về việc ấy.
Tiếp chỉ, Nhuận liền bàn với người thân tín. Đổi hết các quân canh giữ cửa ô. Con Hữu
Chỉnh là Bái xuyên hầu dò biết việc đó, lập tức sai quân bắt Nhuận; rồi sai tướng của
Chỉnh là Nguyễn Viết Tuyển hiện làm chức trấn thủ Sơn Nam đem quân đánh chúa.
Lúc lính thuỷ của Tuyển tới sông Ngô Đồng (thuộc huyện Giao Thuỷ, Nam Định (Hà Nam
Ninh)), mà lính bộ chưa đến cửa Đại Hoàng (thuộc huyện Yên Mô, Ninh Bình (Hà Nam
Ninh)), có người dò biết về báo với chúa. Nhưỡng đem hai chục thuyền biển lớn nhất, dàn
ngang sông thành trận chữ "nhất", trên đầu thuyền bày đặt các thứ súng, trông như bức
thành. Quân Tuyển đến đánh, vì thuyền nhỏ không thể chống cự, nhiều chiếc bị súng Bảo-
long bắn chìm xuống sông, Tuyển sợ, định lui giữ Hoàng-giang (tên sông, thuộc phủ Lý
Nhân, Hà Nam (Hà Nam Ninh)) để cùng bộ binh nương tựa lẫn nhau.
Thình lình có gió đông nam nổi lên, Nhưỡng liền sai các hải thuyền tản ra, ghé sát vào hai
bờ, rồi buộc thuyền lại mà lên bộ. Tiếp đó Nhưỡng chỉ huy quân lính từ trên bờ theo chiều
gió bắn xuống thuyền quân của Tuyển. Nhưng quân của Nhưỡng toàn là quân ô hợp, đứng,
ngồi, tiến, lui chưa quen hiệu lệnh, lại hờ hững không có chí chiến đấu; nên sau khi lên bộ,
hàng ngũ lộn xộn, chẳng ra sao. Tuyển ở dưới sông trông thấy vậy, liền hô to:

- Quân Nhưỡng thua rồi!
Thế là quân lính của Nhưỡng đâm nghi hoặc, rồi hoảng sợ, tan vỡ, đua nhau cướp đường
mà chạy, giày xéo lẫn nhau, không sao ngăn cấm được nữa. Thuyền bè bỏ bừa ven sông,
đều bị quân Tuyển bắt được.
Quân Lân ở sau, trông thấy quân của Nhưỡng thua chạy tan tác, lại nghe nói Nhưỡng đã bị
giặc giết rồi, nên đều kinh ngạc run sợ. Riêng Lân cũng không thể kiềm thúc được nữa, thế
là cùng lúc ấy, đám quân tan vỡ luôn. Lân bèn hộ vệ chúa, cưỡi một chiếc thuyền, xuôi
dòng chạy sang phủ Thái Bình. Chừng nửa đêm, đến huyện Đông Quan, chợt nghe tiếng
súng đùng đùng, giống như hiệu lệnh hành quân. Có người bảo quân Tuyển đuổi theo. Có
người ngờ là bọn kẻ cướp. Sau Lân sai người đi dò, mới biết đó là quân của Trần Mạnh
Khuông.
Trần Mạnh Khuông là một người hào mục ở huyện Đông Quan, gia tư giàu có, lại có nghĩa
khí. Khi mới tiếp được tờ hịch, lập tức tụ tập quân lính trong huyện để hưởng ứng việc
nghĩa, hẹn ngày hôm ấy xuất quân ra đi. Lúc này quân Khuông đóng ở Bái Hạ, cách đấy
không xa.
Nghe nói, chúa bèn vội vàng sai người đến gọi Khuông. Khuông theo sứ giả tới yết kiến,
chúa nói:
- Quả nhân tài hèn, đức kém, không biết tự lượng sức mình, hễ hành động gì liền bị vấp
ngã. Bây giờ nên làm thế nào?
Khuông nói:
- Thua được là sự thường của nhà binh, dù là đạo quân thắng trận luôn, cũng phải có một
lúc thua trận. Cho nên tướng giỏi đời xưa trước hết phải xem hình thế, đắp doanh luỹ, chứa
lương thực, phòng bị sẵn những khi xảy ra việc cần kíp, làm cho khi tiến có thể đánh, khi
lui có thể giữ. Đó chính là cái chước vạn toàn, không làm gì đến nỗi thua một trận mà đã
phải bẹp hẳn. ở huyện tôi có làng Bái Hạ, bốn mặt đều là đồng lầy, phía trước có sông lớn
chặn ngang, chỉ có một lối ra vào, lại có khe nhỏ quanh co thông với con sông, có thể dùng
để chuyển vận quân lương. Cuộc loạn lạc năm trước, địa phương đây ở vào chỗ xung yếu
của hai vùng đông và nam, nên tôi đã cho sửa sang lại, nay hào rãnh đều đã bền vững. Chỉ
hiềm luôn mấy năm mất mùa, thóc lúa tích trữ chưa được đầy đủ mà thôi. Xin chúa hãy
tạm dời xa giá về đó, rồi thong thả sẽ tính chuyện sau.

Chúa Trịnh nghe theo, bèn phong cho Lân làm quân phủ trưởng sử. Khuông làm chức hành
doanh sứ, dẫn quân vào đóng ở ấp Bái Hạ.
ở đó mới được vài đêm, Khuông sai người đi trưng thu lương thực chưa về, thì Chỉnh đã
lại sai Nguyễn Như Thái đem lính bộ đến, hợp với quân của Tuyển, hai đường thuỷ bộ tiếp
nhau, hai mặt trước sau đánh dồn lại. Trong đồn dựa vào tình thế hiểm yếu mà giữ, quân
Chỉnh đánh luôn mười ngày không hạ được. Tuyển bèn đắp luỹ dài để tuyệt đường lương
thực của quân chúa. Quân chúa hết lương đến nỗi phải đào cả củ chuối mà ăn, tình thế rất
là khốn quẫn.
Lân và Khuông vội gọi các thủ hạ mà bảo rằng:
- Ngồi đây để làm con ma chết đói của làng Bái Hạ, sao bằng quyết một trận tử chiến, giết
lấy vài trăm tên giặc cho sướng tay? Các ngươi ai là người có thể chung lòng góp sức với
ta, để ta khỏi mang tiếng phụ chúa mà các ngươi cũng không mang tiếng phụ ta. Dẫu có
chết còn được làm con ma trung nghĩa. May mà không chết, rồi đây công lao sự nghiệp sẽ
không biết đến đâu mà lường!
Mọi người nghe nói đều cảm động, có hơn trăm người xin theo. Đêm đến, bốn bề đã vắng
lặng, họ bèn cưỡi thuyền nan, theo đường khe mà đi ra. Nhân lúc Tuyển và Thái sơ ý, họ
liền phóng hoả đốt doanh trại. Hai người hoang mang không kịp chống cự. Lân và Khuông
tức thì phá vỡ vòng vây, đem chúa ra, cướp mấy chiếc thuyền, rồi theo cửa biển chạy thẳng
về phía đông. Tuyển đem quân đuổi theo, nhưng không kịp. Thái thả quân vào làng Bái
Hạ, chém giết lung tung, trai, gái, già, trẻ, không sót lại một người. Từ khi dấy cuộc binh
đao tới lúc này, không chỗ nào không có nạn chém giết, nhưng chưa có đâu bị chém giết
thảm hại như ở đây.
Lại nói, sau trận thua ở sông Ngô Đồng, Nhưỡng một mình chạy về phía đông, thuyền bè
và đồ quân dụng bỏ mất gần hết.
Đến khi đồn Bái Hạ bị vỡ, chúa chạy về Hải Dương, lại cùng bọn Lân vượt biển tới đất
Quảng Yên, giả làm khách buôn, chia nhau ở trọ trong các nhà dân ở châu Vạn Ninh (nay
là đất Móng Cái (Quảng Ninh)). Chẳng bao lâu, Lân vì có việc nhà, cáo từ xin về, người
theo hầu chúa chỉ còn lại Mạnh Khuông mà thôi. Sau đó hơn một tháng, Khuông lại mắc
bệnh, rồi chết. Lúc bấy giờ, bên cạnh chúa không còn có ai, chúa một mình sống lẩn lút ở
vùng ven biển, tình cảnh rất là điêu đứng.

Chúa nghĩ bụng: "Giầu sang ở kiếp phù sinh, đều là cảnh mộng. Bởi vậy, ngày xưa đã có
người xin thề đời đời đừng sinh vào nhà đế vương... Phật thương hết thảy chúng sinh bị
chìm đắm trong biển khổ. óc Người thông suốt, ý kiến Người thông suốt, thật như gương
sáng muôn đời. Từ lúc ta ở trọ đất Chương Đức đã có ý nghĩ như thế. Bây giờ nên quay
đầu lại là hơn".
Thế rồi chúa Trịnh gột sạch ma chướng ở đời, tự xưng là Hải đạt thiền sư, dạo khắp các
chùa ở vùng Lạng Sơn, Cao Bằng.
Bấy giờ có người học trò đất Kinh Bắc tên là Vũ Kiền, chạy loạn lên ở Lạng Sơn. Một
hôm Kiền gặp Hải đạt thiền sư ở chùa Tam Giáo, nhân trong lúc đàm kinh thuyết pháp,
Kiền ngầm biết đó là chúa, bèn báo với bọn phiên thần ở đó là Hà Quốc Ký, và Nguyễn
Khắc Trần (có bản chép là Nguyễn Khắc Lâm).
Hai người bèn vờ nói là có việc làm chay, đón Hải đạt thiền sư về nhà, rồi đuổi hết người
nhà ra mà bảo với nhà sư rằng:
- Chúng tôi nối đời làm bề tôi ở chốn biên cương. ở xa vẫn mến oai đức của triều đình,
thường chỉ nghe người ta nói vua Lê chúa Trịnh như ở trên trời. Nếu như thiên hạ vô sự,
bọn chúng tôi làm gì được trông thấy chúa. Chẳng may nhà nước có nạn, xe chúa phải tới
nơi biên ải, thần dân ai chẳng đau lòng. Lúc này chính là dịp cho kẻ trung thần nghĩa sĩ ra
tài linh luân. Vậy chúng tôi xin rước chúa về ở Đoàn Thành (tức thành trấn Lạng Sơn),
xướng nghĩa cả, để lo việc hưng phục. Trông nhờ vào phúc hồng của chúa, thành được
công lớn thì may chăng lũ tù trưởng nhỏ mọn ở xứ mọi rợ này được dự vào hàng cuối ở
vân đài (Vân Đài: Đài cao chạm mây, nơi vua Minh-đế nhà Hán sai vẽ hình 28 người công
thần), ấy là ý nguyện của chúng tôi.
Nhà sư nhắm mắt chắp tay, khoan thai trả lời:
- Sư già này xuất gia theo Phật, không can dự gì đến việc đời. Các ông chớ có nhận lầm,
khiến cho đương lúc yên lặng, lại sinh ra bao nhiêu nỗi phiền não. Trong thiên hạ, ai là
vua, ai là chúa, đã có mệnh trời; sư già này chỉ biết một lọ một bát, tu hành ở cửa thiền,
làm môn đồ đức Phật Như lai mà thôi.
Vũ Kiền lúc ấy cũng thưa rằng:
- Thần tuy chưa được vào chầu phủ chúa, nhưng khi du học ở kinh sư cũng đã từng trông
trộm dung nhan của chúa. Người trong nước còn có lòng ấy, chúa cũng không nên từ chối.

Thần nghe nói, nghiệp vương phải khó nhọc, không thể ngồi yên mà làm nên được. Bởi
vậy, Quang Võ đã phải bạc cả tóc đầu, Tiên chúa (Quang Võ là vua đầu nhà Đông-Hán.
Tiên chúa tức Lưu Bị, là vua nhà Thục đời Tam-quốc) thì phải mòn hết thịt vế. Những cơn
nguy hiểm ở Quế ổ và Bái Hạ gần đây, cũng giống việc Tuy Thuỷ, Hô Đà đời Hán (theo
Hán thư, sau khi Hán vương là Lưu Bang vào chiếm Bành Thành, Sở vương là Hạng Võ
đem quân trở về, phá tan quân Hán trên sông Tuy Thuỷ và vây Hán vương ba vòng, may
gặp có gió lớn nổi lên, thổi tan quân Sở, Hán vương mới chạy thoát.
Cũng theo Hán thư: Khi vua Quang Võ đi đến trạm Khúc-Dương, phía sau có quân Lương
Vang theo đuổi, mọi người đều kinh sợ, Quang Võ cho người đi dò đường thì họ nói, trước
mặt có sông Hô Đà nước chảy mạnh lắm, không thể qua được. Quang Võ lại bảo Vương
Bá đi xem lại. Vương Bá e quân lính hoảng sợ, bèn nói dối là ở sông băng giá đóng rất
chắc, có thể đi qua được. Quang Võ bèn bảo Bá hộ vệ mình qua sông, nhưng mới qua được
mấy người thì băng đã tan. ở đây, mượn hai điển này để nói làm nên nghiệp lớn thế nào
cũng phải trải qua nhiều gian nan, nguy hiểm thì mới đi tới thành công), chỉ vì không nản
chí, không ngã lòng, rốt cuộc họ đã làm nên nghiệp lớn. Thần chưa từng bao giờ thấy ai
đường đường là một vị vương giả mà lại lui về làm nhà sư nhàn hạ. Xin chúa hãy nghĩ lại!
Nhà sư khóc và nói:
- Cái cảnh "Thử ly" "Mạch tú" ("Thử ly" là một bài thơ trong Kinh Thi nói về cảnh cung
điện nhà Chu bị tan hoang thành ra ruộng lúa. "Mạch Tú" là bài hát của Cơ tử nói về việc
nhà Thương mất nước, cung điện thành ruộng cấy lúa mạch. - ở đây chỉ cảnh tang thương
của họ Trịnh) ở đâu cũng đều cảm động. Ta không phải là loài gỗ đá, sao không căm hờn.
Nhưng đã biết sức của ta, mà vẫn không thể dành được với trời, nên đành phải nín nhịn để
giữ lấy mình, đâu còn dám làm càn để lại lầm lẫn lần nữa?
Chúa đã nói lộ bản tướng, liền bị mọi người vin lấy mà bắt buộc phải truyền sắc lệnh ra để
điểm quân, thu lương.
Bọn Ký và Trần đều là kẻ tầm thường, không nghiêm cấm nổi thủ hạ, để chúng làm bừa
những việc phi pháp. Nhân dân không thể chịu đựng được, họ bèn nổi lên làm loạn, giết
bọn Ký và Trần, rồi đuổi chúa đi. Chúa chạy về đất Hữu Lũng (nay thuộc Lạng Sơn) rồi từ
đó nấp náu trong chốn núi rừng, cả nước không còn thấy mặt chúa ở đâu nữa.
Họ Trịnh từ Thái vương là Trịnh Kiểm thụ phong, truyền đến Thịnh vương là Trịnh Sâm,

vừa được tám đời thì xảy ra biến loạn. Rồi đến Đoan nam vương là Trịnh Khải, án đô
vương là Trịnh Bồng thì nghiệp chúa hết. Tất cả trước sau gồm 243 năm (theo Lịch triều
hiến chương lại chí thì tất cả là 248 năm, gồm 11 đời chúa, kể từ Trịnh Kiểm năm Kỷ hợi
(1539) đến Trịnh Bồng năm Bính ngọ (1786)).
Xét trong địa ký chép về đất phát tích của tổ tiên họ Trịnh có lời đoán rằng:
"Chẳng đế chẳng bá, quyền nghiêng thiên hạ, truyền được tám đời, trong nhà dấy vạ".
Xem thế đủ biết, cái lý hưng vong tuy là việc của người, mà cũng tự có số mệnh vậy.

×