Tải bản đầy đủ (.docx) (4 trang)

PHÂN TÍCH DIỄN BIẾN tâm TRẠNG KIỀU TRONG 14 câu thơ giữa

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (63.21 KB, 4 trang )

PHÂN TÍCH DIỄN BIẾN TÂM TRẠNG KIỀU TRONG ĐOẠN THƠ SAU:
Chiếc vành với bức tờ mây....
... Tưới xin giọt nước cho người thác oan
I.

MỞ BÀI

Nếu “Độc Tiểu Thanh kí” là đỉnh cao trong nghệ thuật thơ văn chữ Hán của Nguyễn
Du thì “Truyện Kiều” là kiệt tác của văn học viết bằng ngôn ngữ và thể thơ của dân
tộc. Qua trang đời của người con gái tài hoa bạc mệnh – Thúy Kiều, Nguyễn Du đã
phải đau đớn thốt lên:
Đau đớn thay phận đàn bà
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung
Trao duyên là nốt nhạc buồn khởi đầu cho cung đàn bạc mệnh suốt 15 năm của
Thúy Kiều. Trong đó đoạn thơ sau vừa thể hiện bi kịch của Kiều vừa gửi gắm tấm
lòng nhân đạo cao cả của Nguyễn Du.
Trích
II.
THÂN BÀI
1. Vị trí đoạn trích

- Đoạn trích „Trao duyên“ thuộc các câu từ 723 đến 756 - phần 2 của tác phẩm –
phần Gia biến.
- Trước đoạn trích là cảnh bọn sai nha gây nên vụ án oan trái đối với gia đình Kiều
khiến nàng buộc phải hi sinh mối tình với Kim Trọng, bán mình để có tiền chuộc
cha và em khỏi đòn tra khảo dã man. Việc bán mình thu xếp xong xuôi, việc nhà coi
như đã tạm thong dong, Kiều ngồi thao thức trắng đêm nghĩ đến thân phận và tình
yêu lỡ dở của mình.
“Dầu chong trắng đĩa lệ tràn thấm khăn”
Nàng chỉ day dứt một điều rằng:
“Nợ tình chưa trả cho ai


Khối tình đem xuống tuyền đài chưa tan”
Chợt Thúy Vân tỉnh dậy và Kiều khẩn khoản nhờ Thúy Vân thay mình trả nghĩa cho
chàng Kim...
Sau khi mở lời trao duyên và thuyết phục Thúy Vân nhận lời, Kiều đã trao kỉ vật
cho em và dặn dò em.


2. Phân tích đoạn thơ
a. Trao kỉ vật

- Nghệ thuật liệt kê với nhịp thơ chậm rãi như làm hiện lên trước mắt người đọc
hình tượng nàng Kiều đang lần giở từng kỉ vật, vừa trao cho em vừa tiếc nuối, lưu
luyến không nỡ rời xa.
Chiếc vành với bức tờ mây
Duyên này thì giữ vật này của chung...
...Mất người còn chút của tin
Phím đàn với mảnh hương nguyền ngày xưa
- Chiếc vành, bức tờ mây, phím đàn và mảnh hương nguyền đều là những kỉ vật gợi
bao kỉ niệm đẹp đẽ và thiêng liêng. Đẹp đẽ bởi nó gắn liền với những ngày tháng
tươi đẹp nhất của cuộc đời Thúy Kiều: “Hoa hương càng tỏ thức hồng / Đầu mày
cuối mắt càng nồng thức yêu”. Thiêng liêng bởi nó là của riêng chỉ của Kiều và Kim
Trọng, Kiều không muốn trao cho người thứ ba, mặc dù người đó là em mình.
- Bao xót xa trong hai chữ “của chung”: “Duyên này... của chung”. Theo quan niệm
dân gian, người ta gặp và yêu nhau là cái duyên tiền định từ kiếp trước, duyên ấy đã
trao cho em nhưng vật chứng tình yêu lại là của chung- tức là của cả ba người KimVân- Kiều. Lời nói như ngầm chia cắt chữ duyên và chữ tình: duyên em hãy giữ lấy
còn tình của chị vẫn hiện diện trong từng kỉ vật.
- 4 dòng thơ đều nói về kỉ vật nhưng không hề được Nguyễn Du đặt nối tiếp nhau.
Bởi lẽ kỉ vật đâu thể dễ trao, Kiều dùng dằng, cố níu giữ từng phút giây kỉ vật là của
riêng mình. Mỗi kỉ vật trao đi là mỗi khúc đoạn trường.
=> Bốn dòng thơ tràn ngập sự tiếc nuối, đau đớn, giằng xé của một tâm trạng đầy

mâu thuẫn. Trao kỉ vật là lúc Kiều phải chia li, vĩnh biệt mối tình đầu đẹp đẽ, đầy
mộng ước của nàng. K đã sống hết mình vì tình yêu đầu đời ấy thì thử hỏi sao nàng
không đau đớn, xót xa cho được?
b. Dặn dò em
Trao kỉ vật xong, Kiều dặn dò em – lời dặn dò không đơn thuần của một người chị
sắp thành gia thất.
Dù em nên vợ nên chồng
Xót người mệnh bạc ắt lòng chẳng quên...
- Lời dặn dò của Kiều hướng về thời gian tương lai. Vẫn biết “trao duyên” là tình
yêu tan vỡ, là chia lìa vĩnh viễn nhưng tương lai trong dự cảm của Kiều không chỉ
chia li mà còn tách biệt thành hai thế giới:


+ Thế giới của Vân và Kim Trọng là “nên vợ nên chồng, là cùng “đốt lò hương ấy,
so tơ phím này”.
+ Thế giới của Kiều là mệnh bạc, mất người, hiu hiu gió, hồn, nát thân bồ liễu, dạ
đài, người thác oan.
- Cùng là phím đàn và mảnh hương ấy, xưa minh chứng cho lời thề nguyền trăm
năm của Kim và Kiều, tương lai cảnh vẫn thế nhưng người không còn.
Mất người còn chút của tin
Phím đàn với mảnh hương nguyền ngày xưa
- Vậy là sau khi trao kỉ vật, Kiều coi như mình đã chết. Lời nói với Vân như vọng
về từ thế giới bên kia. Nếu lúc trước Kiều muốn hiện diện tấm chân tình trong kỉ vật
gửi Vân làm “của chung” thì giờ đây, kỉ vật vô tri vô giác chẳng thể thỏa được niềm
thương nỗi nhớ, Kiều khao khát trở về gặp người yêu, dù chỉ hóa thân thành ngọn
gió mỏng manh. Và Kiều dặn em:
Mai sau dù có bao giờ
Đốt lò hương ấy so tơ phím này
Trong toàn bộ Truyện Kiều, ngày trở về gặp người yêu, ngày tái hợp của đôi lứa
Kim – Kiều bao giờ cũng chỉ là những tháng năm mong manh vô định biểu hiện

dưới dạng những từ ngữ phiếm chỉ:
Trùng trùng dẫu họa có khi...
Biết bao giờ nối lại lời nước non...
Và lần Trao duyên này cũng thế, ước vọng trở về không xác định thời gian:
“Mai sau dù có bao giờ”.
Trong không khí vừa thiêng liêng vừa gợi nhớ “đốt lò hương”, “so tơ phím”, hình
ảnh Kiều trở về đầy ám ảnh:
Trông ra ngọn cỏ lá cây
Thấy hiu hiu gió thì hay chị về
Hồn còn mang nặng lời thề
Nát thân bồ liễu đền nghì trúc mai
Dạ đài cách mặt khuất lời
Rưới xin giọt nước cho người thác oan


Nếu hình ảnh Kiều trở về vật vờ trong ngọn gió gợi linh hồn yếu đuối, hư ảo thì
động từ mạnh “nát thân” đặt ở đầu câu thơ “nát thân bồ liễu đền nghì trúc mai” lại
cho thấy một thái độ quyết liệt khẳng định tình yêu, sự chung thủy, vẹn tròn lời thề.
Thì ra linh hồn ấy dù yếu đuối nhưng nặng lời thề nên có sức mạnh thật bất ngờ. Lời
nguyện ước ba sinh đó thôi thúc Thúy Kiều bằng mọi cách phải trở về gặp người
yêu. Nhưng thực tế phũ phàng đó một lần nữa ngăn cản Kiều:
Dạ đài cách mặt khuất lời
Trong dự cảm của Thúy Kiều, tương lai Kiều và Kim không chỉ chia li mà còn âm
dương cách biệt. Hình ảnh Kiều muốn nói mà không nói được ở thế giới bên kia
thật đáng thương biết bao! Nàng tự nhận mình là người thác oan – người phải chịu
cái chết oan khuất.
- Câu chuyện của Thúy Kiều gợi lại biết bao thiên tình sử oan khuất trong văn học
và cuộc sống. Nàng Mị Châu chết oan vì “trái tim lầm chỗ để trên đầu” phải nhờ
đến nước giếng Trọng Thủy để rửa oan. Linh hồn chàng Trương Chi hiện về trong
đáy chén cần giọt nước mắt của Mị Nương để tan biến. Linh hồn nặng lời thề của

Kiều cũng cần lắm một giọt nước giải oan.
- Trao duyên xong tức là chữ tình, chữ hiếu đã vẹn cả đôi đường, lẽ ra Kiều phải
thanh thản mà ra đi nhưng lạ thay, nàng lại thấy mình là một linh hồn oan khuất,
không thể siêu thoát vẫn vật vờ, vương vấn nơi trần gian. Như vậy cho dù có chết
thì nàng cũng không thể quên được mối tình giữa mình và Kim Trọng. Sự thủy
chung, mãnh liệt trong tình yêu của người con gái ấy không thế lực nào có thể ngăn
cản được.
3. Khái quát chung
- Nội dung: Đoạn thơ diễn tả nỗi đau đớn, giằng xé của một trái tim đã bị bóp nghẹt
quyền yêu khi vừa phải trao duyên cho em đã phải trao kỉ vật. Ẩn sau những dòng
thơ trao kỉ vật và dặn dò em đầy đau đớn ấy là trái tim của một nhà nghệ sĩ chân
chính – nhà nhân đạo từ trong cốt tủy, từng dòng thơ ẩn chứa sự cảm thông sâu sắc
của Nguyễn Du với từng nỗi đau đứt đoạn của Thúy Kiều. Quả là “nếu không có
con mắt nhìn suốt sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt ngàn đời thì chừng nào có được cái
bút lực ấy” (Mộng Liên Đường chủ nhân).
Đoạn thơ cũng cho thấy một tình yêu vừa mãnh liệt vừa đau đớn của “cái thuở ban
đầu lưu luyến ấy – nghìn năm hồ dễ mấy ai quên” (Thế Lữ) và vẻ đẹp thủy chung
son sắt của Thúy Kiều – một vẻ đẹp ít được nhấn mạnh hơn trong những trang tình
tiếp theo của nàng Kiều.
- Nghệ thuật: Để diễn tả tâm trạng đầy mâu thuẫn, phức tạp của Kiều khi trao kỉ vật
và dặn dò em, ngôn ngữ của ND tỏ ra vô cùng sâu sắc khi sử dụng hàng loạt từ ngữ
nói về cái chết, cùng với nghệ thuật liệt kê, dẫn điển tích,... Quả là ngôn ngữ của
ND có khả năng siêu việt trong việc đi sâu vào từng ngóc ngách nội tâm cuả nhân
vật để diễn tả những cung bậc tình cảm sâu sắc, khó nói nhất của con người.



×