Tải bản đầy đủ (.pdf) (198 trang)

Luận án tiến sĩ kinh tế chính sách tài khóa nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở việt nam

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (2 MB, 198 trang )

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

BỘ TÀI CHÍNH

NGUYỄN THANH GIANG

CHÍNH SÁCH TÀI KHÓA
NHẰM THÚC ĐẨY TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ
Ở VIỆT NAM

LUẬN ÁN TIẾN SĨ KINH TẾ

HÀ NỘI - 2018


BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

BỘ TÀI CHÍNH

HỌC VIỆN TÀI CHÍNH

NGUYỄN THANH GIANG

CHÍNH SÁCH TÀI KHÓA
NHẰM THÚC ĐẨY TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ
Ở VIỆT NAM

Chuyên ngành: Tài chính - Ngân hàng
Mã số: 62.34.02.01

LUẬN ÁN TIẾN SĨ KINH TẾ



Người hướng dẫn khoa học: 1. PGS.TS Đỗ Thị Phi Hoài
2. PGS.TS Phạm Ngọc Dũng

HÀ NỘI - 2018


i
LỜI CAM ĐOAN
Nghiên cứu sinh xin cam đoan đây là công trình
nghiên cứu khoa học riêng của nghiên cứu sinh, các số liệu
nêu trong luận án là trung thực và có nguồn gốc rõ ràng.
Những kết luận khoa học của luận án chưa từng được công
bố trong bất kỳ công trình nào khác.
TÁC GIẢ LUẬN ÁN

Nguyễn Thanh Giang


ii
MỤC LỤC
Lời cam đoan ........................................................................................................... i
Mục lục ................................................................................................................... ii
Danh mục các chữ viết tắt ..................................................................................... iv
Danh mục các bảng ................................................................................................ v
Danh mục các biểu đồ ........................................................................................... vi
Danh mục các hình ...............................................................................................vii
MỞ ĐẦU ................................................................................................................ 1
Chương 1: TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU VỀ CHÍNH SÁCH
TÀI KHÓA NHẰM THÚC ĐẨY TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ Ở

VIỆT NAM ........................................................................................... 7

1.1. Các công trình nghiên cứu ở nước ngoài và trong nước ................................. 7
1.2. Khoảng trống cho các vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu.................................. 22
1.3. Đóng góp mới của luận án ............................................................................ 23
Chương 2: NHỮNG LÝ LUẬN CƠ BẢN VỀ THÚC ĐẨY TĂNG TRƯỞNG
KINH TẾ CỦA CHÍNH SÁCH TÀI KHÓA ........................................ 24

2.1. Lý luận chung về chính sách tài khóa .......................................................... 24
2.2. Lý luận chung về tăng trưởng kinh tế ........................................................... 36
2.3. Những lý luận cơ bản của chính sách tài khóa nhằm thúc đẩy tăng
trưởng kinh tế ............................................................................................... 47
2.4. Kinh nghiệm hoạch định và sử dụng chính sách tài khóa nhằm thúc
đẩy tăng trưởng kinh tế ở một số quốc gia và bài học cho Việt Nam ......... 56
Chương 3: CHÍNH SÁCH TÀI KHÓA VỚI MỤC TIÊU THÚC ĐẨY TĂNG
TRƯỞNG KINH TẾ Ở VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 1991 - 2017 .............. 70

3.1. Bối cảnh kinh tế thế giới và những thành tựu cơ bản về phát triển
kinh tế - xã hội của Việt Nam từ 1991 đến 2017 ......................................... 70
3.2. Tình hình thực hiện chính sách tài khóa nhằm thúc đẩy tăng trưởng
kinh tế giai đoạn 1991 - 2017 ...................................................................... 78


iii
3.3. Kiểm định mô hình kinh tế lượng nghiên cứu tác động của chính sách
tài khóa tới tăng trưởng kinh tế.................................................................. 106
3.4. Kết quả đạt được và những hạn chế của chính sách tài khóa trong việc
thúc đẩy tăng trưởng kinh tế giai đoạn 1991 - 2017 .................................. 115
Chương 4: HOÀN THIỆN CHÍNH SÁCH TÀI KHÓA NHẰM THÚC ĐẨY
TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ Ở VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 2018 2025 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030.............................................. 133


4.1. Bối cảnh quốc tế và trong nước tác động đến tăng trưởng kinh tế của
Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 .................... 133
4.2. Quan điểm và định hướng hoàn thiện chính sách tài khóa nhằm thúc
đẩy tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và tầm
nhìn 2030 ................................................................................................... 136
4.3. Các giải pháp hoàn thiện chính sách tài khóa nhằm thúc đẩy tăng
trưởng kinh tế ở Việt Nam ......................................................................... 140
4.4. Điều kiện thực hiện các giải pháp ............................................................... 163
KẾT LUẬN ........................................................................................................ 169
DANH MỤC CÁC CÔNG TRÌNH CỦA TÁC GIẢ ĐÃ CÔNG BỐ .............. 171
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO .......................................................... 172
PHỤ LỤC........................................................................................................... 178


iv
DANH MỤC CÁC CHỮ VIẾT TẮT
ASXH
CNH-HĐH
CNXH
CSTK
CSTT
DN
ĐTPT
FDI
GTGT
IMF
KBNN
KTXH
NHTM

NHTW
NQ
NSĐP
NSNN
NSTW
PTKT

TNCN
TNDN
TNQD
TPCP
TSPXH
TTĐB
TTKT
WTO
XDCB
XHCN
XNK

: An sinh xã hội
: Công nghiệp hóa, hiện đại hóa
: Chủ nghĩa xã hội
: Chính sách tài khóa
: Chính sách tiền tệ
: Doanh nghiệp
: Đầu tư phát triển
: Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài
: Giá trị gia tăng
: Quỹ tiền tệ Thế giới
: Kho bạc nhà nước

: Kinh tế xã hội
: Ngân hàng Thương mại
: Ngân hàng Trung ương
: Nghị quyết
: Ngân sách địa phương
: Ngân sách Nhà nước
: Ngân sách Trung ương
: Phát triển kinh tế
: Quyết định
: Thu nhập cá nhân
: Thu nhập doanh nghiệp
: Thu nhập quốc dân
: Trái phiếu Chính phủ
: Tổng sản phẩm xã hội
: Tiêu thụ đặc biệt
: Tăng trưởng kinh tế
: Tổ chức thương mại Quốc tế
: Xây dựng cơ bản
: Xã hội chủ nghĩa
: Xuất nhập khẩu


v
DANH MỤC CÁC BẢNG
Bảng 3.1: Thu - chi NSNN so với GDP giai đoạn 1991 - 2000........................... 79
Bảng 3.2 : Cơ cấu chi NSNN giai đoạn 1991 - 2000 ........................................... 80
Bảng 3.3: Thu NSNN giai đoạn 2001 - 2010 ....................................................... 85
Bảng 3.4: Cơ cấu thu NSNN giai đoạn 2001 - 2010............................................ 87
Bảng 3.5: Gói kích thích kinh tế công bố tháng 5 năm 2009............................... 94
Bảng 3.6: Gánh nặng nợ công Việt Nam giai đoạn 2011 - 2017 ....................... 103

Bảng 3.7: Kết quả dự báo thử để kiểm tra độ chính xác của mô hình ............... 113


vi
DANH MỤC CÁC BIỂU ĐỒ
Biểu đồ 3.1: Tốc độ tăng trưởng GDP và GDP bình quân đầu người giai
đoạn 1991 - 2017........................................................................... 75
Biểu đồ 3.2: Tỷ lệ lạm phát giai đoạn 1991 - 2017 .............................................. 77
Biểu đồ 3.3: Tỷ lệ bội chi NSNN so với GDP giai đoạn 1991-2000 ................... 82
Biểu đồ 3.4: Tỷ trọng thu NSNN so với GDP của Việt Nam giai đoạn
2000 - 2010 ................................................................................... 86
Biểu đồ 3.5: Quy mô chi NSNN giai đoạn 2001-2010 ........................................ 88
Biểu đồ 3.6: Tỷ lệ chi NSNN so với GDP giai đoạn 2001 - 2010 ....................... 89
Biểu đồ 3.7: Bội chi Ngân sách và nguồn bù đắp bội chi giai đoạn 2000 - 2010 ...... 90
Biểu đồ 3.8: Tình hình nợ công và nợ nước ngoài của Việt Nam giai đoạn
2001 - 2010 ................................................................................... 90
Biểu đồ 3.9: Ảnh hưởng của CSTK đến tốc độ tăng trưởng của Việt Nam
thời kỳ 2001 - 2010 ....................................................................... 92
Biểu đồ 3.10: Cơ cấu thu NSNN giai đoạn 2011-2017........................................ 98
Biểu đồ 3.11: Cơ cấu chi NSNN giai đoạn 2011 - 2017 .................................... 100
Biểu đồ 3.12: Tình hình thu, chi, thâm hụt và bội chi NSNN Việt Nam
giai đoạn 2011 - 2017 ................................................................. 102
Biểu đồ 3.13: Tỷ lệ nợ công so với GDP giai đoạn 2011-2017 ......................... 103
Biểu đồ 3.14: Tỷ lệ nợ công và nợ chính phủ so với GDP giai đoạn
2010 - 2017 ................................................................................. 104


vii
DANH MỤC CÁC HÌNH
Hình 2.1: Ảnh hưởng của chính sách tài khóa ..................................................... 50

Hình 2.2: Mô tả tác động của chính sách tài khóa mở rộng và chính sách
tài khóa thắt chặt đối với tăng trưởng kinh tế ..................................... 51
Hình 4.1: Kiến nghị về cơ cấu thu NSNN ......................................................... 147
Hình 4.2: Kiến nghị về cơ cấu chi NSNN .......................................................... 151


1
MỞ ĐẦU
1. Sự cần thiết nghiên cứu đề tài
Chính sách tài khóa là một trong những công cụ quan trọng để Nhà nước
can thiệp, điều chỉnh kinh tế vĩ mô. Trên thế giới, lý thuyết về chính sách tài
khóa (CSTK) đã được nghiên cứu, vận dụng vào điều chỉnh kinh tế của các nước
sau Đại khủng hoảng kinh tế 1929 - 1933. Ở Việt Nam, vai trò của CSTK đối
với phát triển kinh tế xã hội (KTXH) ngày càng được khẳng định trong phát triển
nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN). Cùng với
những chuyển biến và đổi mới về kinh tế, CSTK cũng không ngừng được nghiên
cứu, xây dựng và vận dụng vào từng giai đoạn cụ thể và nó đã có những đóng
góp tích cực cho thực hiện các mục tiêu phát triển KTXH trong ngắn hạn, trung
hạn và dài hạn. Do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á 1997,
khủng hoảng và suy thoái kinh tế toàn cầu từ năm 2007 kéo dài đến nay, những
biến động bất lợi chính trị trong một số khu vực, khủng hoảng nợ công của Châu
Âu tới sự ổn định và phát triển kinh tế (PTKT) Việt Nam, CSTK ở Việt Nam
càng được Chính phủ, các cơ quan hoạch định chính sách, các nhà kinh tế nghiên
cứu kỹ lưỡng và có hệ thống hơn nhằm sử dụng linh hoạt và phát huy vai trò tích
cực, hạn chế những tác động tiêu cực của CSTK để giữ vững ổn định và thúc đẩy
tăng trưởng kinh tế (TTKT) trong nước.
Tuy nhiên, cho tới nay, các nghiên cứu về lý thuyết và tá́ c động của CSTK
nhằm thúc đẩy TTKT Việt Nam vẫn còn chưa đầy đủ và hệ thống. Những cuộc
khảo sát và nghiên cứu còn chưa mang tính tổng thể, kết quả chưa thật rõ ràng
nên dẫn đến tình trạng thiếu cơ sở về mặt lý luận và kinh nghiệm thực tiễn trong

quan điểm hoàn thiện CSTK nhằm thúc đẩy TTKT. Do đó, còn có nhiều ý kiến,
nhiều quan điểm trong việc hoàn thiện CSTK ở Việt Nam.
Mặt khác, trong PTKT Việt Nam hiện nay, do chịu nhiều tác động của các
yếu tố nội tại và tình hình kinh tế quốc tế, bên cạnh những thuận lợi cũng có
những khó khăn thách thức không nhỏ. Vì vậy, các chính sách kinh tế vĩ mô,


2
trong đó có CSTK cần phải được nghiên cứu, nhận thức và vận dụng một cách
khoa học nhất để điều chỉnh kịp thời nền kinh tế khi có những biến động, đảm
bảo ổn định và tăng trưởng bền vững.
Từ những vấn đề nêu trên, việc nghiên cứu lý luận và thực tiễn về CSTK
cùng với những tác động của nó tới nền kinh tế là cần thiết khách quan, qua đó,
làm rõ những luận cứ khoa học và thực tiễn trong việc hoàn thiện CSTK, đảm
bảo góp phần giải quyết những vấn đề trong PTKT Việt Nam hiện nay. Chính vì
vậy, nghiên cứu sinh đã mạnh dạn lựa chọn đề tài: “Chính sách tài khóa nhằm
thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam” nhằm góp phần nhất định vào nghiên
cứu, nhận thức và vận dụng một cách khoa học nhất CSTK trong thực tiễn ở Việt
Nam hiện nay.
2. Mục tiêu nghiên cứu của đề tài
- Hệ thống hóa, luận giải để góp phần hoàn thiện, nâng cao nhận thức lý
luận về CSTK và TTKT. Phân tích các tác động của CSTK tới tăng trưởng kinh
tế ở Việt Nam.
- Tìm hiểu kinh nghiệm của các nước trên thế giới trong việc hoạch định và
sử dụng CSTK, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm vận dụng cho Việt Nam.
- Phân tích, đánh giá thực trạng của CSTK và tác động của CSTK trong việc
thúc đẩy TTKT ở Việt Nam giai đoạn 1991 - 2017; chỉ ra những kết quả đạt được,
hạn chế và nguyên nhân của những hạn chế về CSTK nhằm thúc đẩy TTKT.
- Đề xuất một số giải pháp nhằm hoàn thiện CSTK trong việc thúc đẩy
TTKT Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030.

3. Đối tượng nghiên cứu
Xuất phát từ sự cần thiết của vấn đề cần nghiên cứu, trên cơ sở yêu cầu và
với khả năng nghiên cứu, luận án lựa chọn đối tượng nghiên cứu chính là tác
động của chính sách tài khóa đến tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam.
4. Phạm vi nghiên cứu
- Nội dung nghiên cứu: Chính sách tài khóa bao gồm hoạt động thu ngân
sách và chi tiêu của Chính phủ, cân đối và xử lý cân đối NSNN. Đây là một nội


3
dung rộng, liên quan đến nhiều mặt của đời sống kinh tế và xã hội. Bên cạnh đó,
TTKT thể hiện sự thay đổi về lượng của nền kinh tế.
Luận án đã nghiên cứu về lý thuyết và thực tiễn CSTK tác động đến nền
kinh tế vĩ mô. Cụ thể: CSTK mở rộng; CSTK thắt chặt; CSTK tự ổn định; CSTK
thuận và nghịch chu kỳ.
- Thời gian nghiên cứu: Luận án tập trung nghiên cứu đánh giá thực trạng
của CSTK nhằm thúc đẩy TTKT trong khoảng thời gian từ năm 1991 đến năm
2017. Số liệu Luận án sử dụng được thu thập từ những nguồn: số liệu do Ngân
hàng Thế giới công bố, số liệu Tổng cục Thống kê và Bộ Tài chính, do NCS tự
tổng hợp qua các báo cáo về NSNN được đăng công khai trên các website của
Chính phủ, Bộ Tài chính và Tổng cục thống kê. Trên cơ sở đó, nghiên cứu sinh đề
xuất những giải pháp đến năm 2025 và tầm nhìn 2030.
Phần định hướng mục tiêu dựa vào các tài liệu hiện hành từ năm 2011 đến
năm 2020 như: Nghị quyết 11/2011, Nghị quyết 01/2012, Nghị quyết 01,
02/2013 của Chính phủ, Chiến lược Tài chính đến năm 2020: Tầm nhìn và định
hướng, định hướng hoàn thiện CSTK Việt Nam, Chiến lược cải cách hệ thống
thuế Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020, Chiến lược phát triển KTXH 2011 - 2020
của đại hội Đảng lần thứ XI, Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị...
5. Phương pháp nghiên cứu
Luận án sử dụng phương pháp luận duy vật biện chứng và duy vật lịch sử

để đảm bảo việc nhận thức về lý luận, kinh nghiệm thực hiện CSTK của nước
ngoài, nghiên cứu lý thuyết CSTK của các nhà kinh tế cũng như tình hình thực
hiện CSTK ở Việt Nam. Trên nền tảng của phương pháp luận duy vật biện
chứng và duy vật lịch sử, để có các phân tích, đánh giá, lập luận có căn cứ khoa
học về đề tài nghiên cứu, NCS sử dụng các phương pháp sau:
- Các phương pháp tư duy khoa học: Qui nạp, diễn dịch, loại suy, phân tích,
tổng hợp, đối chiếu, so sánh, hệ thống hóa, khái quát hóa các dữ liệu NCS đã thu
thập được để làm sáng tỏ các vấn đề lý luận cơ bản về CSTK, về TTKT và tình
hình thực hiện CSTK nhằm thúc đẩy TTKT ở Việt Nam trong thời gian qua.


4
- Phương pháp phỏng vấn: phỏng vấn, xin ý kiến của các chuyên gia, các
đồng nghiệp trong và ngoài Học viện Tài chính về các vấn đề thuộc phạm vi
nghiên cứu của luận án nhằm nhận diện khách quan hơn về thực trạng thực hiện
CSTK nhằm thúc đẩy kinh tế ở Việt Nam trong thời gian qua, từ đó hướng tới
những quan điểm, định hướng và giải pháp hoàn thiện CSTK nhằm thúc đẩy
TTKT ở Việt Nam trong thời gian tới.
- Phương pháp thống kê, so sánh, phân tích, tổng hợp: Thông qua việc thống
kê, tổng hợp số liệu quyết toán và dự toán thu chi NSNN được công bố công khai
thông qua các tài liệu cũng như trên các website của Bộ Tài chính, Chính phủ…
NCS so sánh số liệu giữa các năm, các giai đoạn, giữa các yếu tố trong cùng một
năm để đánh giá và phân tích, để so sánh các chỉ tiêu KTXH theo thứ tự thời gian
và không gian để làm rõ các khía cạnh có liên quan đến nội dung luận án cụ thể là
đánh giá phân tích tình hình thực hiện CSTK nhằm thúc đẩy TTKT ở Việt Nam
giai đoạn 1991 - 2017.
- Phương pháp suy luận logic: Từ những vấn đề cơ sở lý luận và cơ sở thực
tiễn đặc biệt những hạn chế, yếu kém và nguyên nhân của hạn chế trong việc thực
hiện CSTK nhằm thúc đẩy TTKT giai đoạn 1991 - 2017, NCS suy luận logic để
đề xuất các giải pháp nhằm hoàn thiện CSTK trong việc thúc đẩy TTKT ở Việt

Nam giai đoạn 2018 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030.
Ngoài ra, nghiên cứu sinh cũng sử dụng phương pháp phân tích định
lượng bằng việc sử dụng mô hình, được khái quát trên cơ sở các hàm toán học
với các biến nội sinh và các biến ngoại sinh khác nhau. Mô hình được xây dựng
với mục tiêu là nghiên cứu mức độ tác động của các yếu tố: đầu tư Chính phủ và
mức độ động viên thu từ thuế tới nền kinh tế. Các yếu tố này chính là những nội
dung quan trọng của CSTK mà Chính phủ thường sử dụng phối hợp với CSTT
trong điều tiết nền kinh tế. Số liệu sử dụng trong mô hình là chuỗi thời gian từ
năm 1991 đến năm 2017. Nguồn số liệu: Niên Giám Thống kê các năm từ 1991 2017 và số liệu từ Bộ Tài chính. Phần mềm sử dụng trong mô hình là EVIEWS.


5
Bên cạnh đó, sử dụng mô hình để đưa ra dự đoán cho 3 năm 2018 đến
2020 với các giả định thay đổi các biến trong mô hình. Đây là điểm khác biệt của
nghiên cứu này so với các nghiên cứu trước đây ở Việt Nam.
Trong quá trình thực hiện đề tài, NCS cũng tìm hiểu và thực hiện đề tài
dựa trên các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về phát
triển KTXH.
6. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của đề tài
Ý nghĩa khoa học:
- Hệ thống hóa lý luận về CSTK và hoàn thiện CSTK nhằm thúc đẩy tăng
trưởng kinh tế. Bổ sung thêm quan điểm hoàn thiện CSTK nhằm thúc đẩy TTKT
ở Việt Nam.
- Tổng hợp số liệu qua các thời kỳ từ năm 1991 đến năm 2017, từ đó làm
căn cứ để đánh giá thực trạng của CSTK ở Việt Nam.
- Đề xuất các giải pháp hoàn thiện CSTK nhằm thúc đẩy TTKT ở Việt
Nam giai đoạn 2018 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030.
Ý nghĩa thực tiễn:
- Xây dựng các luận cứ cho việc hoàn thiện cũng như nâng cao hiệu quả
của CSTK ở Việt Nam.

- Phân tích, đánh giá những tác động của CSTK nhằm thúc đẩy tăng
trưởng kinh tế Việt Nam, chỉ ra những mặt đạt được và những tồn tại trong quá
trình thực hiện CSTK làm ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu tăng
trưởng kinh tế.
- Đề xuất các giải pháp về CSTK nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt
Nam trong thời gian tới.
7. Kết cấu của Luận án
Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Tài liệu tham khảo và Phụ lục, Luận án
được chia thành 4 chương như sau:
Chương 1: Tổng quan tình hình nghiên cứu về chính sách tài khóa nhằm
thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam.


6
Chương 2: Những lý luận cơ bản về thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của
chính sách tài khóa.
Chương 3: Chính sách tài khóa với mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
ở Việt Nam giai đoạn 1991 - 2017.
Chương 4: Hoàn thiện chính sách tài khóa nhằm thúc đẩy tăng trưởng
kinh tế ở Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030.


7
Chương 1
TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU VỀ CHÍNH SÁCH TÀI KHÓA
NHẰM THÚC ĐẨY TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ Ở VIỆT NAM
1.1. CÁC CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU Ở NƯỚC NGOÀI VÀ TRONG NƯỚC

1.1.1. Các công trình nghiên cứu ở nước ngoài
Có nhiều nghiên cứu về kinh tế vĩ mô và vi mô từ trước đến nay, nhưng

nhìn chung có thể kể đến những nhà kinh tế hàng đầu đã thực hiện nhiều nghiên
cứu về kinh tế, tăng trưởng kinh tế và phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến tăng
trưởng kinh tế. Có thể kể ra những đại diện ưu tú nhất, với các tác phẩm kinh điển
đã được công bố và được đánh giá cao như: Các công trình nghiên cứu của A.dam
Smith, Karl Mark, John Maynard Keynes, Cobb - Doughlas, Harrod - Domar hay
P.A.Samuelson về các mô hình tăng trưởng, phát triển kinh tế từ cổ điển đến tân
cổ điển và hiện đại.
Trước Đại khủng hoảng kinh tế 1929 - 1933, nền kinh tế thị trường tự do
của các nước Tư bản chủ nghĩa phát triển ổn định và bền vững. Trong tác phẩm:
“Của cải của các dân tộc” (The Wealth of Nations), Adam Smith, người được coi
là cha đẻ của môn kinh tế học cho rằng:
...người ta trong khi theo đuổi lợi ích riêng của mình dường như được
“một bàn tay vô hình” dẫn dắt để tăng thêm lợi ích cho xã hội. Nếu
như có một bàn tay vô hình, nếu như thị trường phân bổ các nguồn lực
một cách có hiệu quả sao cho các nhu cầu của người tiêu dùng được
thỏa mãn với chi phí tối thiểu, thì tại sao chính phủ lại phải can thiệp
vào nền kinh tế để làm gì? [47].
A.dam Smith cho rằng hàm sản lượng chỉ phụ thuộc vào năm yếu tố: sức
lao động, tiền vốn, đất đai, tiến bộ kỹ thuật và môi trường kinh tế xã hội. Chính
phủ không nên can thiệp mà để cho kinh tế thị trường tự do phát triển.
Trong tác phẩm “Những nguyên lý của kinh tế chính trị học và thuế
khóa”, David Ricardo cho rằng: nông nghiệp là ngành kinh tế quan trọng nhất, từ
đó các yếu tố cơ bản của TTKT là đất đai, lao động và vốn [29].


8
Đồng thuận với những tư tưởng trên, lý thuyết của trường phái Tân cổ
điển với đại diện là các nhà nghiên cứu như Stanley Jevons (Anh), Carl Menger
(Áo), Walras (Pháp) cho rằng: tiến bộ kỹ thuật là yếu tố cơ bản để thúc đẩy
TTKT. Và chính sách kinh tế của Chính phủ không thể tác động vào sản lượng

mà chỉ ảnh hưởng đến mức giá của nền kinh tế, vì vậy, vai trò của Chính phủ là
mờ nhạt trong TTKT.
Trong một số các nghiên cứu thuộc trường phái tân cổ điển khác như mô
hình tăng trưởng của Solow - Swan (1956) thì tăng trưởng sẽ hội tụ về một tốc
độ nhất định ở trạng thái bền vững và tốc độ tăng trưởng không phụ thuộc vào
các nhân tố bên trong mà chỉ phụ thuộc vào các yếu tố ngoại sinh như công nghệ
hay tốc độ tăng trưởng lao động.
Lý thuyết của Adam Smith đã được cổ súy trong nền kinh tế thị trường tự
do đang phát triển. Tuy nhiên, với biến động kinh tế tai hại nhất trong lịch sử Hợp
chủng quốc Hoa Kỳ, đó là cuộc Đại suy thoái kinh tế thời kỳ 1929 - 1933. Trong
những năm 1930, nước Mỹ và hệ thống tư bản chủ nghĩa đã trải qua nạn thất
nghiệp và suy giảm thu nhập trầm trọng, sự kiện này làm cho nhiều nhà kinh tế
nghi ngờ tính xác thực của lý thuyết kinh tế cổ điển. Trong hoàn cảnh như vậy,
năm 1936, John Maynard Keynes đã làm cuộc cách mạng trong kinh tế học bằng
cách công bố tác phẩm: Lý thuyết tổng quát về việc làm, lãi suất và tiền tệ [43].
Keynes đã đề xuất một phương pháp mới để phân tích nền kinh tế hoàn toàn khác
với lý thuyết cổ điển. Keynes cho rằng: tổng cầu thấp là do thu nhập thấp và thất
nghiệp cao. Keynes phê phán lý thuyết cổ điển vì nó giả định rằng chỉ có tổng cung
- tư bản, lao động và công nghệ quy định thu nhập quốc dân. Theo Keynes, điểm
cân bằng của nền kinh tế đạt được khi mà mức sử dụng lao động vừa đủ để đảm bảo
đáp ứng tổng cầu hữu hiệu, hiệu quả kinh tế sẽ phát huy ở mức cao nhất nếu có tác
động tích cực lên tổng cầu. Vì vậy, khi sản lượng chưa đạt được sản lượng tiềm
năng nhà nước cần phải tác động, can thiệp vào nền kinh tế để khắc phục mất cân
đối, nhằm tăng tỷ lệ sử dụng lao động, tăng sản lượng, thông qua tăng chi tiêu chính
phủ hoặc giảm thuế. Cần thiết phải có vai trò Nhà nước trong điều tiết kinh tế để đối


9
phó với khủng hoảng và thất nghiệp; Nhà nước nên sử dụng quyền hạn đó để đánh
thuế và gia tăng chi tiêu, qua đó để tác động lên chu kỳ kinh doanh. Chi tiêu của

Chính phủ là khoản đầu tư công cộng, bơm thêm tiền vào nền kinh tế để tăng tổng
cầu. Trong học thuyết của mình, J.M.Keynes đề cao CSTK, ông lập luận rằng, cần
thiết phải có vai trò của nhà nước trong điều tiết kinh tế để chống đỡ khủng hoảng
và thất nghiệp, nhà nước nên sử dụng quyền hạn của mình để đánh thuế và gia tăng
chi tiêu, qua đó để tác động lên chu kỳ kinh tế [43].
Các nhà kinh tế theo trường phái kinh tế học Keynes cho rằng, CSTK có
hiệu quả to lớn trong chống chu kỳ kinh tế. Họ sử dụng mô hình đường ISLM [43] để chứng minh CSTK phát huy tác dụng thông qua việc giảm thuế suất
trong các giai đoạn thu hẹp và suy thoái, giúp hạn chế việc suy giảm sản lượng
nhờ tăng đầu tư ngoài khu vực nhà nước, trong khi việc tăng thuế suất trong các
giai đoạn tăng trưởng nóng giúp hạn chế tốc độ lạm phát nhờ cắt giảm tiêu dùng
ngoài khu vực nhà nước.
Ủng hộ lý thuyết của Keynes, David Begg; Stanley Fischer; Rudiger
Dornbusch trong công trình: Kinh tế học [40], cho rằng: Nguyên cớ chung để
Chính phủ can thiệp vào nền kinh tế thị trường là do trục trặc của thị trường, do
thất bại của thị trường. Đôi khi do thị trường không phân bổ các nguồn lực một
cách có hiệu quả, và sự can thiệp của Chính phủ có thể cải thiện hoạt động kinh
tế. Lý thuyết Kinh tế học chỉ ra sáu trục trặc lớn của thị trường khiến cho có sự
can thiệp của Chính phủ, sáu trục trặc đó là: Chu kỳ kinh tế; Hàng hóa công
cộng; Các ngoại ứng; Các vấn đề liên quan đến thông tin; Độc quyền và quyền
lực đối với thị trường; Tái phân phối thu nhập và hàng khuyến dụng [40].
David Begg đã nhấn mạnh tác động của CSTK đến sản lượng cân bằng,
phân tích ảnh hưởng của thuế ròng và ảnh hưởng của chi tiêu chính phủ đối với
sản lượng, đồng thời đưa ra khái niệm số nhân ngân sách cân bằng - chỉ ra việc
cùng tăng chi tiêu chính phủ và giảm thuế sẽ làm tăng sản lượng.
Kinh tế học của Paul A. Samuelson [46] cũng đã đề cập đến CSTK, trong
đó Samuelson cho rằng: trên giác độ kinh tế vĩ mô, chi tiêu của Chính phủ cũng


10
ảnh hưởng đến mức chi tiêu nói chung của cả nền kinh tế và do đó có tác động

đến mức GDP, và thuế cũng ảnh hưởng đến nền kinh tế thông qua tác động làm
giảm thu nhập của mọi người, đồng thời tác động đến giá cả hàng hóa và các yếu
tố sản xuất, do đó, ảnh hưởng đến hành vi và động cơ khuyến khích.
N.Gregory Mankiw, là người đại diện xuất sắc cho trường phái Keynes
mới, với tác phẩm: Kinh tế học [44] đã thành công trong việc kết nối, hệ thống
hóa nhiều đóng góp quý báu của các nhà kinh tế cổ điển, tân cổ điển và cổ điển
mới. Mô hình IS - LM vẫn đóng vai trò chủ đạo để giải thích lý thuyết của
Keynes, theo đó: Vì mua hàng của chính phủ là một thành tố của chi tiêu, nên tại
bất kỳ mức thu nhập cho trước nào, khi mức mua hàng của Chính phủ cao hơn,
chi tiêu dự kiến cũng cao hơn. Nếu mua hàng của chính phủ tăng thêm một
lượng bằng ∆G, đường chi tiêu dự kiến sẽ dịch chuyển lên phía trên một khoảng
bằng ∆G. Trạng thái cân bằng của nền kinh tế sẽ dịch chuyển lên trên, qua đó
cũng làm thu nhập Y tăng. Cần lưu ý rằng, mức tăng thu nhập (∆Y) cao hơn mức
tăng mua hàng của chính phủ (∆G), do vậy, CSTK có tác động khuếch đại đối với
thu nhập, điều đó có nghĩa là ∆Y lớn hơn ∆G. Tỷ số ∆Y/ ∆G được gọi là nhân tử
mua hàng của Chính phủ, nó cho biết thu nhập tăng thêm bao nhiêu khi mua hàng
của chính phủ tăng thêm 1 USD. Sở dĩ CSTK có tác dụng khuếch đại thu nhập vì:
Theo hàm tiêu dùng, thu nhập cao hơn dẫn đến mức tiêu dùng cao hơn. Vì mức
mua hàng của chính phủ tăng thêm làm tăng thêm thu nhập, cho nên nó lại làm
tăng tiêu dùng, tiếp đó làm tăng thu nhập hơn nữa, sau đó lại làm tăng tiêu dùng
và v.v… Mặt khác, tại một mức thu nhập bất kỳ nào đó biện pháp cắt giảm thuế ở
mức ∆T làm cho chi tiêu dự kiến tăng thêm một lượng tương ứng bằng MPC. ∆T.
Trạng thái cân bằng sẽ dịch chuyển, thu nhập Y tăng. Trong trường hợp này
CSTK cũng có tác dụng khuếch đại đối với thu nhập.
Tuy nhiên, có những điều còn tranh cãi nhiều trong kinh tế học vĩ mô về
vấn đề liệu chính phủ có nên và ở chừng mực nào đó có thể ổn định nền kinh tế,
vì vậy, bên cạnh những nhà kinh tế ủng hộ, có những nghiên cứu không đồng
thuận với Keynes. Các nhà kinh tế học bảo thủ, kể cả những người đoạt giải



11
thưởng Nobel kinh tế như: Milton Friedman thuộc học viện Hoover và James
Buchanan thuộc Đại học tổng hợp George Mason, đã lập luận rằng: trong thực
tiễn chính phủ còn thậm chí hay thất bại hơn so với thị trường trong việc phân bổ
các nguồn lực một cách có hiệu quả. James Buchanan cho rằng: hậu quả mà học
thuyết kinh tế của J.M. Keynes để lại cho nền kinh tế là ở chỗ hợp thức hóa bội
chi NSNN. Ông chứng minh rằng: kể từ khi Chính phủ Mỹ vận dụng lý thuyết
kinh tế của Keynes vào đầu những năm 1960 đến nay, NSNN Liên bang Mỹ liên
tục trong tình trạng bội chi với quy mô bội chi có xu hướng tăng dần. Kết quả là
ngày nay chính quyền Mỹ trở thành con nợ lớn nhất thế giới [43].
Theo quan điểm của Ricardo (Nhà kinh tế học nổi tiếng trong thế kỷ 19)
trong thuyết: Cân bằng Ricardo (Ricardian equivalence) còn được gọi là Định lý
cân bằng Barro-Ricardo (Barro-Ricardo equivalence theorem) cho rằng: nguyên
tắc chung là nợ chính phủ tương đương với thuế trong tương lai, và nếu người
tiêu dùng biết nhìn xa, thuế trong tương lai tương đương với thuế hiện tại [29].
Do đó, việc tài trợ cho chi tiêu chính phủ bằng vay nợ tương đương với cách tài
trợ cho nó bằng thuế. Hàm ý của Cân bằng Ricardo là biện pháp cắt giảm thuế
được tài trợ bằng vay nợ không tác động tới tiêu dùng. Hộ gia đình tiết kiệm
phần thu nhập khả dụng tăng thêm để sau này trả cho phần nợ thuế hàm chứa
trong bản thân biện pháp cắt giảm thuế, sự gia tăng tiết kiệm cá nhân vừa đủ để
bù đắp lại sự giảm sút trong tiết kiệm công cộng. Tiết kiệm quốc dân - tức là
tổng của tiết kiệm cá nhân và tiết kiệm công cộng - vẫn giữ nguyên như cũ. Biện
pháp cắt giảm thuế do đó không có tác dụng như phương pháp phân tích truyền
thống dự báo. Logic của Cân bằng Ricardo không hàm ý rằng mọi thay đổi trong
CSTK đều không có tác dụng. Những thay đổi trong CSTK sẽ tác động đến chi
tiêu của người tiêu dùng nếu chúng tác động vào chi tiêu của chính phủ.
Thời gian gần đây, nhiều nhà kinh tế đã đưa vai trò của CSTK vào các mô
hình tăng trưởng tân cổ điển. Như Arrow và Kurz (1969), Fisher và Turnovsky
(1998). Đặc biệt, Barro (1990) đã nghiên cứu xem chi tiêu Chính phủ có ảnh
hưởng thế nào đến tăng trưởng dài hạn. Bằng cách giả định chi tiêu chính phủ có



12
vai trò bổ trợ cho sản xuất của khu vực tư nhân, mô hình của ông đã chỉ ra mối
quan hệ không đơn điệu giữa quy mô chi tiêu chính phủ và tăng trưởng. Tiếp đó,
nhiều nhà kinh tế như Devarajan (1996), Chen (2006), và Ghosh và Gregoriou
(2008) đã mở rộng mô hình của Barro để xem xét tác động của các thành phần
chi tiêu chính phủ khác nhau đối với tăng trưởng kinh tế. Bằng cách gán các hệ
số co giãn khác nhau cho các thành phần chi tiêu chính phủ khác nhau, các mô
hình của họ có thể xác định quy mô và cơ cấu tối ưu của khu vực nhà nước đối
với TTKT. Cùng với sự phát triển của các mô hình lý thuyết trong lĩnh vực này,
nhiều nghiên cứu thực nghiệm cũng được thực hiện bởi nhiều nhà kinh tế như
Grier và Tullock (1987), Summers và Heston (1988), Aschauer (1989), Barro
(1990, 1991), Easterly và Rebelo (1993) và nhiều bài báo khác. Hầu hết các
nghiên cứu này đều cho thấy sự gia tăng đầu tư công có tác động tích cực đối với
TTKT; trái lại, sự gia tăng tiêu dùng Chính phủ có thể làm giảm TTKT.
1.1.2. Các công trình nghiên cứu ở trong nước
Ở Việt Nam, đã có một số các công trình nghiên cứu về CSTK nói chung và
đánh giá tác động của CSTK đối với TTKT nói riêng. Cụ thể như sau:
* Các công trình nghiên cứu là những luận án tiến sĩ trong nước.
- Một trong những nghiên cứu về lý thuyết đi sâu vào lý thuyết CSTK và
vai trò của CSTK là đề tài luận án tiến sĩ của tác giả Bùi Đức Thụ, “Cơ sở lý
luận và thực tiễn của việc điều tiết nền kinh tế thị trường thông qua chính sách
tài khóa ở nước ta” [31].
Luận án đã đi sâu phân tích về mặt lý thuyết CSTK, vai trò điều tiết của
CSTK đối với nền kinh tế thị trường; qua phân tích thực trạng về nhận thức, vận
dụng trong xây dựng và thực thi CSTK ở Việt Nam, luận án đưa ra các giải pháp sử
dụng các công cụ của CSTK để nâng cao hiệu lực quản lý và điều tiết nền kinh tế
của Chính phủ Việt Nam. Có thể nói, luận án của tác giả Bùi Đức Thụ là một tài
liệu tham khảo rất có ý nghĩa về mặt lý luận. Tuy nhiên, luận án chủ yếu đề cập đến

những vấn đề có tính chất lý luận, phần phân tích về thực trạng và tác động của
CSTK tới phát triển kinh tế ở Việt Nam còn nhiều hạn chế. Hơn nữa, luận án là


13
công trình nghiên cứu từ năm 1998, cho đến nay, trong bối cảnh hội nhập kinh tế
quốc tế, tình hình PTKT, tài chính của nước ta đã có nhiều thay đổi và đặt ra những
thách thức trong thời kỳ mới.
- “Chính sách tài khóa của các nước đang phát triển - trường hợp của
Việt Nam” của tác giả Lê Huy Trọng [34].
Theo tác giả, CSTK là quyết định của Chính phủ về chi tiêu và thuế khóa.
CSTK luôn hướng tới nhằm đạt ba mục tiêu cơ bản: Tăng trưởng kinh tế; Ổn
định kinh tế và Phân phối công bằng.
Chính sách tài khóa được đặc trưng bởi ba nội dung chủ yếu, đó là: chính
sách động viên NSNN, chính sách chi NSNN và chính sách bội chi NSNN.
Trong từng bộ phận đó lại có nhiều chính sách cụ thể phục vụ mục đích khác
nhau. Các bộ phận luôn có mối liên hệ mật thiết, tác động qua lại lẫn nhau để tạo
nên sức mạnh tổng hợp của chính sách.
Trên cơ sở khảo sát, nghiên cứu về CSTK của một số nước đang phát
triển, thực trạng của CSTK của Việt Nam, nghiên cứu mô hình kinh tế lượng, tác
giả nêu một số giải pháp hạn chế bội chi ngân sách, trong đó lưu ý đến vay nợ để
bù đắp bội chi ngân sách: Nên vay nợ vào thời điểm nào, vay trong nước hay vay
nước ngoài?
- “Tác động của phân cấp tài khóa đến tăng trưởng kinh tế của Việt
Nam” của tác giả Mai Đình Lâm [15].
Đề tài nghiên cứu tác động của phân cấp tài khóa đến TTKT Việt Nam
trong mô hình hàm sản xuất đa biến trên cơ sở có điều chỉnh độ trễ, qua đó luận
án làm rõ các vấn đề: Đánh giá tác động của phân cấp tài khóa đến TTKT của
Việt Nam, hoàn thiện mô hình lý thuyết nghiên cứu và đánh giá tác động của
phân cấp tài khóa đến TTKT, đề xuất chính sách nhằm hoàn thiện phân cấp tài

khóa tác động tích cực thúc đẩy TTKT Việt Nam. Nội dung của luận án do tác
giả Mai Đình Lâm thực hiện có một mảng kiến thức liên quan đến nội dung đề
tài nghiên cứu đó là phân cấp tài khóa và tác động của phân cấp tài khóa đến
TTKT Việt Nam. Đề tài này đã công bố từ năm 2012, trong khi nền kinh tế đã có


14
nhiều biến động và phát triển, vì vậy, luận án là một tài liệu cho NCS tham khảo
về mặt phương pháp và mô hình.
- “Hoàn thiện hệ thống tài chính nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng
kinh tế ở Việt Nam giai đoạn 2006-2010” của tác giả Trần Đình Toàn [33].
Luận án chủ yếu nghiên cứu về tài chính và hệ thống tài chính, vai trò của
các khâu trong hệ thống tài chính quốc gia trong thúc đẩy TTKT. Mặt khác, nội
dung đề tài luận án tập trung đi sâu phân tích các công cụ của chính sách tiền tệ
(CSTT) với ổn định và TTKT, phân tích mối quan hệ của CSTT với CSTK. Như
vậy, luận án của tác giả Trần Đình Toàn chủ yếu đi sâu phân tích các công cụ
của CSTT, không phân tích về chính sách tài khóa như thuế và chi tiêu ngân
sách nhà nước.
- “Tác động của chính sách tài khóa đến phát triển kinh tế Việt Nam” của
tác giả Bùi Nhật Tân [26].
Luận án đã nghiên cứu, đánh giá các tác động của chính sách tài khóa đến
phát triển kinh tế Việt Nam. Luận án đã làm rõ các vấn đề: đưa ra lý luận chung
về CSTK và phát triển kinh tế; đánh giá thực trạng CSTK gắn với tình hình phát
triển kinh tế Việt Nam giai đoạn 2004 - 2014, trong đó đã nêu rõ tình hình sử
dụng công cụ thu, chi, bội chi NSNN, nợ công trong giai đoạn nêu trên. Như
vậy, nội dung của luận án do tác giả Bùi Nhật Tân thực hiện cũng có một mảng
kiến thức liên quan đến nội dung về CSTK, số liệu nghiên cứu trong 10 năm từ
2004 - 2014 và đề tài đã được công bố năm 2015. Công trình này cũng là một tài
liệu để NCS tham khảo trong quá trình nghiên cứu.
* Các công trình nghiên cứu là những Đề tài nghiên cứu khoa học các cấp:

- Bùi Đường Nghiêu, “Đổi mới chính sách tài khóa đáp ứng yêu cầu
chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2001-2010” [19].
Nội dung nghiên cứu của tác giả đã tổng kết, đánh giá kết quả điều hành
CSTK giai đoạn 1991 - 2000 dựa trên cơ sở tổng hợp, phân tích kết quả thu, chi
NSNN; đồng thời đặt ra những vấn đề đối với CSTK của Việt Nam, mạnh dạn
chỉ rõ những khiếm khuyết trong điều hành NSNN trong các thời đoạn trước đó,


15
nêu các định hướng, các giải pháp về CSTK cho giai đoạn 2001 - 2010. Đây là
công trình nghiên cứu tương đối đầy đủ, chi tiết về kết quả thu - chi NSNN trong
giai đoạn 1991 - 2000 và những kiến nghị cho giai đoạn cụ thể 2010 - 2010 gắn
với thực trạng phát triển KTXH và yêu cầu đặt ra đối với CSTK trong giai đoạn
này. Tuy nhiên, đề tài chưa hệ thống hóa về mặt lý thuyết về CSTK do đó chủ
yếu cũng chỉ có giá trị về đánh giá thực tiễn chứ chưa đề cập đến những giải
pháp dài hạn hơn.
- Trịnh Huy Quách, “Hiệu lực và hiệu quả của chính sách tài khóa, cơ sở lý
luận để xem xét các vấn đề thực tiễn Việt Nam” [23].
Trịnh Huy Quách và các cộng sự đã luận giải những vấn đề lý luận về
CSTK, hiệu lực, hiệu quả của CSTK, phân tích và làm rõ mối quan hệ giữa
CSTK với lạm phát, tỷ lệ lao động có việc làm và CSTK với ổn định kinh tế vĩ
mô. Trên cơ sở nền tảng lý thuyết, nhóm tác giả xác định những thách thức đối
với CSTK ở Việt Nam và đưa ra cơ sở lý luận về những biện pháp tài khóa gắn
với ba vấn đề chính là lạm phát, tỷ lệ lao động có việc làm và ổn định kinh tế vĩ
mô. Tuy nhiên, đề tài lại chỉ chú trọng về nêu và phân tích về lý thuyết mà không
đi vào phân tích số liệu thực tế các nước cũng như ở Việt Nam để thấy rõ được
các vấn đề lý luận đã nêu vận dụng cũng như kết quả đạt được ra sao, do đó, giá
trị của đề tài nhìn chung chỉ có ý nghĩa tham khảo sâu về lý thuyết, chưa đề cập
đến các giải pháp cụ thể.
- Lê Xuân Sang, “Cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc điều chỉnh chính

sách tài khóa của Việt Nam sau khi gia nhập WTO” [25].
Tác giả đã phân tích các nhân tố xác định tính cần thiết phải điều chỉnh
chính sách tài khóa thành viên sau khi trở thành thành viên của tổ chức này;
phân tích những bài học kinh nghiệm của các nước (đang phát triển, kém phát
triển và chuyển đổi) trong điều chỉnh chính sách thuế - thuế quan trong thực hiện
các cam kết gia nhập WTO, điều chỉnh chính sách trợ cấp trong nông nghiệp,
dịch vụ để nâng cao năng lực ngành hàng và thúc đẩy công nghiệp hóa, hỗ trợ
thương mại và xúc tiến xuất khẩu và thực hiện công bằng xã hội, nhất là bảo vệ


16
các đối tượng dễ bị tổn thương trong quá trình tự do hóa thương mại; đánh giá
những tồn đọng, bất cập trong chính sách thuế quan và trợ cấp của Việt Nam
trong thời gian qua, đặc biệt, đánh giá tác động, thách thức của việc gia nhập
WTO đối với các khía cạnh tài khóa của Việt Nam; đưa ra một số tư tưởng chủ
đạo và phương hướng cơ bản trong điều chỉnh chính sách thuế và trợ cấp của
Việt Nam trong thời gian tới.
Nghiên cứu này đã đưa ra một khuôn khổ phân tích có hệ thống, tham khảo
kinh nghiệm quốc tế trong điều chỉnh CSTK, nhất là dựa trên việc “soi chiếu”
thực tiễn vận dụng và điều chỉnh CSTK Việt Nam trước khi gia nhập WTO và các
tác động dự kiến khi Việt Nam là thành viên của tổ chức này để đưa ra hệ thống
giải pháp điều chỉnh CSTK của mình.
Đề tài này đã được thực hiện từ năm 2006 và nội dung chủ yếu là đưa ra
các giải pháp để điều chỉnh các công cụ của CSTK Việt Nam sau khi gia nhập
WTO để góp phần đảm bảo nguồn NSNN bền vững, nâng cao năng lực của các
ngành hàng, thúc đẩy xuất khẩu và TTKT và giảm thiểu tác động tiêu cực của việc
gia nhập tổ chức này.
- Nguyễn Thị Nguyệt, “Đánh giá vai trò của chính sách tài khóa đối với
ổn định chu kỳ kinh tế ở Việt Nam từ năm 1996 đến nay thông qua đo lường
xung lực tài khóa” [21].

Nội dung chủ yếu của đề tài đề cập là: Lý thuyết và thực tiễn cho thấy
CSTK có ảnh hưởng to lớn trong chống chu kỳ kinh tế thông qua công cụ tài
khóa. Cùng với các chính sách kinh tế vĩ mô khác, đặc biệt là CSTT, CSTK là một
trong các công cụ trọng yếu giữ vai trò quyết định trong việc quản lý, điều tiết vĩ
mô nền kinh tế.
Kết quả cho thấy CSTK của Việt Nam trong việc ổn định chu kỳ kinh tế
khá tương đồng với các nước đang phát triển khác là mang tính thuận chu kỳ và
tiềm ẩn nhiều bất ổn vĩ mô. Kết quả nghiên cứu cho thấy CSTK nên phù hợp với
vị trí của chu kỳ kinh tế với sản lượng tiềm năng. Chính sách phản chu kỳ trong
giai đoạn suy thoái thường có ảnh hưởng tích cực đến TTKT. Cũng lưu ý rằng,
chính sách phản chu kỳ cũng có độ trễ, nghĩa là thường không có phản ứng tích


×