Tải bản đầy đủ (.docx) (22 trang)

Phân tích các nhân vật nam trong Truyện Kiều

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (153.69 KB, 22 trang )

Nhóm 3:
Trương Lê Quỳnh Như
Huỳnh Thị Hồng Diễm
Lê Năng Long
Phạm Nguyễn Như Quỳnh
Phan Thanh Thanh


Nhóm 3:


Đặng Thanh Quân
Lê Thị Hồng Giang
Huỳnh Ngọc My
Nguyễn Bá Duy
Lê Thị Quỳnh Như
* Đề: Phân tích các nhân vật nam trong Truyện Kiều
1. Kim Trọng
Nguyễn Du đã dành số trang liên quan đến Kim Trọng rất nhiều, hầu như chỉ đứng
sau Thúy Kiều. Chàng Kim xuất hiện ở đầu truyện và cùng Kiều kết thúc câu chuyện.
Kim được miêu tả trong ánh mắt của Kiều là một phong thái trang nhã của thư sinh với
“lưng túi gió trăng” đậm chất tài tử văn nhân xưa. Ngay cả trong hành động, Kim cũng
khoan thai tỏ ra là người trang nhã, lịch sự hợp lễ giáo của một kẻ sĩ tài hoa:
“Hài văn lần bước dặm xanh,
Một vùng như thể cây quỳnh cây dao”
Từ đây, họ tên, gia thế, học vấn, tài năng của chàng dần hé lộ:
“Nguyên người quanh quất đâu xa
Họ Kim tên Trọng vốn nhà trâm anh.
Nền phú hậu, bậc tài danh,
Văn chương nết đất thông minh tính trời
Phong tư tài mạo tót vời,


Vào trong phong nhã ra ngoài hào hoa.”
Chàng quả là mẫu người lí tưởng của thời đại, Nguyễn Du đã ưu ái dành cho Kim
Trọng những vẻ đẹp hội tụ của trời và đất, lại xuất thân trong gia đình quyền quý, bậc tài
danh trong thiên hạ đã đủ để ta thấy sự quý mến, trân trọng mà tác giả gửi gắm vào. Kim
Trọng nghe tiếng tăm của Kiều, đã trộm nhớ thầm mong, gặp nhau rồi thì tìm mọi cách
để được gần và sẵn sàng đi hết cùng trời cuối đất để tìm cho kì được. Một lần trông thấy
nàng từ xa thôi, lòng chàng đã mặn mà bao nhiêu. Cả hai không hẹn mà nên:


“Người quốc sắc, kẻ thiên tài
Tình trong như đã, mặc ngoài còn e”
Tình cảm của Kim đã rõ rồi, cả hai cũng đã dường hiểu tình cảm của nhau, nhưng
vẫn e ấp, dịu dàng, kín đáo. Kim Trọng cố được ở gần nhà Kiều đã khó, ở gần rồi mà
muốn gặp lại càng khó hơn. Suốt mấy tháng ròng “Tường đông ghé mắt, ngày ngày hằng
trông”, Kim Trọng vẫn nhen nhóm niềm tin sẽ có lúc thấy được nàng. Nhờ vào chiếc
thoa, Kim Trọng có dịp được gặp Kiều, phút đầu tiên ấy biến thành chuyện trăm năm. Kẻ
si tình ấy phải đợi chờ cả một mùa xuân trôi vẫn chưa có dịp gặp Kiều, thời gian ấy, Kim
Trọng vẫn một lòng đăm đăm nhìn về nhà nàng, rồi buông câu như trách móc của người
đang yêu:
“Trách lòng hờ hững với lòng
Lửa hương chốc để lạnh lùng bấy lâu
Những là đắp nhớ đổi sầu
Tuyết sương nhuốm nửa mái đầu hoa râm”
Yêu nhiều bao nhiêu thì thời gian xa cách chỉ khiến Kim Trọng cảm giác khắc
khoải sầu nhớ bấy nhiêu. Thế rồi nàng cũng “xăm xăm băng lối” sang tìm chàng, mà là
những hai lần khi nhận ra nhà Kiều vẫn vắng, thì nàng liền bắt gặp chàng trong cảnh nửa
tỉnh nửa mê của người choáng ngợp trong hạnh phúc, cái dáng vẻ quá đỗi tài hoa và
phong nhã:
“Sinh vừa tựa án thiu thiu
Giở chiều như tỉnh giở chiều như mê”

Khi Kiều đánh đàn, tâm trạng say sưa, chăm chú của chàng gần gũi xiết bao:
“Ngọn đèn khi tỏ khi mờ
Khiến người ngồi đó mà ngơ ngẩn sầu
Khi tựa gối khi cúi đầu
Khi vò chín khúc khi chau đôi mày”
Họ hàn huyên với nhau bằng những lời lẽ tha thiết, giản dị, mà ở đây, cốt cách tài
hoa của mỗi người đã quá đỗi rõ ràng, không cần phải bận tâm gì cả.


Cuộc tình duyên trắc trở, họ từ biệt nhau trong lưu luyến, từ đây, bão tố nỗi dậy
trong đời Kiều. Nếu như Từ Hải là người đã giúp Kiều giải quyết tất cả ân oán thì Kim
Trọng là người trả lại cho Kiều lòng tin vào cuộc đời và chính bản thân nàng. Từ Hải và
Kim Trọng đã giúp Kiều xóa đi cái án “hồng nhan bạc mệnh” của mình.
Trong mười lăm năm lưu lạc, dẫu xa xôi cách trở nhưng họ luôn hướng về nhau,
không có ai sống trong lòng Kiều sâu đậm như Kim Trọng, và trong Kim Trọng, như
Kiều. Trong mọi nỗi nhớ của Kiều, luôn có bóng dáng của Kim, có lẽ vì đó là phần dang
dở và xót xa nhất của Kiều. Ngay cả khi Từ Hải xuất hiện, mối tình Kim Trọng vẫn cháy,
dẫu là yếu ớt vẫn không bao giờ thôi vương vấn. Gặp lại nàng sau mười lăm năm tìm
kiếm, Kiều không còn cái lưu luyến của thuở xa xưa, nhưng cũng không nguôi quên
chàng:
“Trông xem đủ mặt một nhà
Xuân già còn khỏe huyên già còn tươi,
Hai em phương trưởng hòa hai
Nọ chàng Kim đó là người ngày xưa”
Nếu nỗi nhớ Kiều dành cho Kim Trọng có lúc đầy lúc vơi, tùy vào những sóng gió
của cuộc đời nàng, thì Kim Trọng tương tư Kiều luôn một lòng sâu sắc như vậy. Nguyễn
Du đã lí tưởng hóa tình yêu Kim Trọng dành cho Kiều chăng, khi mà công danh sự
nghiệp đều tốt đẹp, hạnh phúc với Thúy Vân nhưng mối tình của Kim vẫn không thay
đổi:
“Có khi vắng vẻ thư phòng

Đốt lò hương, giở phiếm đồng ngày xưa
Bẻ bai rủ rỉ tiếng tơ
Trầm bay nhạt khói gió đưa lay rèm
Dường như trên nóc bên thềm
Tiếng Kiều đồng vọng bóng xiêm mơ màng”
Khi đối diện với chính mình giữa không gian vắng vẻ, trang nghiêm, hương trầm
và tiếng tơ như gợi lên hình bóng thân yêu đang lẩn khuất trong tâm hồn chàng. Kim
Trọng đỗ đạt làm quan, tương lai càng rộng mở thì càng khiến chàng day dứt xốn xang về
cuộc đời sóng gió phiêu bạt của Kiều. Kim sẵn sàng hi sinh tất cả để tìm Kiều:


“Rất mong treo ấn từ quan
Mấy sông cũng lội mấy ngàn cũng qua
Dấn mình vào áng can qua
Vào sinh ra tử họa là có nhau”
Kim Trọng chấp nhận từ bỏ chí lớn, chấp nhận mất đi công danh nơi quan trường
để tìm lại chính tình yêu của mình, có lẽ là một điều đáng chê bai trong góc nhìn lễ giáo
phong kiến, nhưng Kim sẽ nhận được sự trân trọng của người đời, bởi mất đi con đường
làm quan, nhưng có được gấp bội trên con đường làm người.
Kim Trọng không chỉ biết có yêu, tình yêu của Kim giúp chàng đứng trước những
điều mới mẻ trong quan niệm cuộc đời:
“Từ phen chiếc lá lìa rừng
Thăm tìm luống những liệu chừng nước mây”
Kim Trọng đáng trân trọng không phải vì tài hoa hay chí trượng phu, mà đáng trân
trọng vì tấm lòng sắt đá của mình. Khi mà giữa cái xã hội đầy kẻ dối trá, gian xảo, bất
công, đồng tiền như thước đo xoay vận đổi lòng, thì Kim Trọng lại san bằng mọi thành
kiến để mong nối lại duyên xưa với Kiều. Ngay cả quan niệm trinh tiết, một thứ thành
kiến nặng nề của xã hội bấy giờ, trong mắt Kim Trọng, Kiều vì chữ hiếu nên đành chịu
nhiều biến cố, nhưng không bụi nào làm đục được tâm hồn nàng mới là điều đáng quý
hơn cả. Tiếng nói cuối thơ của Nguyễn Du, là một Kim Trọng sáng chói giữa xã hội, một

Kim Trọng an ủi con người về lòng tin cuộc sống.
2. Từ Hải

Nếu Kim Trọng đến với Kiều là cái say đắm thường tình của bao cặp tình
nhân trên đời, Thúc Sinh đến với Kiều không có những giây phút sâu đậm mà chỉ
là tình cảm đầy những hiểu lầm, phiền hà rắc rối, thì Từ Hải lại mang một âm
hưởng đầy mới mẻ của anh hùng. Từ Hải tìm đến Kiều như tìm người tri kỉ, đã
vượt qua mọi lề thói mà vươn tới một cuộc sống trọn vẹn cho mình. Kiều hiểu Từ,
tin tưởng Từ. Từ cũng vậy, nhìn thấy được phần cao quý, khả năng vươn lên của
một cô gái ở chốn lầu xanh. Một người là tướng giặc và một người làm gái lầu
xanh đến với nhau như những người cô độc, cho nên chuyện tình của họ gắn với
chuyện tri kỉ, chuyện cơ nghiệp là vậy.
Từ xuất hiện với tầm vóc oai nghiêm, ngang tàn, hoành tráng:


“Râu hùm, hàm én, mày ngài,
Vai năm tấc rộng, thân mười thước cao.”
Lúc gặp Thúy Kiều lần đầu, Từ Hải đem ngay cái tự phụ của mình đối chọi
với cái tự phụ của người kỹ nữ, vốn nổi tiếng là hay bắt bậc làm cao trong việc
"chọn đá thử vàng".
Lời mở đầu câu chuyện của Từ với Kiều mạnh và sắc như một lưỡi
kiếm:
“Từ rằng tâm phúc tướng cờ
Phải người trăng gió vật vờ hay sao?
Bấy lâu nghe tiếng má đào
Mắt xanh chẳng để ai vào đó không?
Một đời được mấy anh hùng
Bỏ cho cá chậu chim lồng mà chơi.”
Rõ là khẩu khí của một anh hùng. Nhưng tình yêu của Kiều cũng không thể
giữ chân Từ Hải được trước chí lớn của chàng. Ra đi, Từ làm nên cả một cơ đồ.

Chưa hẳn cái chí lớn ấy chỉ vì mong muốn anh hùng của cá nhân, Từ Hải còn
muốn lượi gươm của mình dẹp được những bất bình cho Kiều. Từ giúp Kiều báo
ân báo oán, còn sẵn sàng phó thác việc này cho Kiều tất cả:
“Mặc nàng xử quyết bao đền cho minh”
Có thể thấy, Từ Hải đã giúp Kiều phá tan mọi bất công của nàng, trừ tiệt mọi
nguyên nhân khiến nàng đau khổ, là mẫu người không khuất phục trước những bất
công ở đời. Nhưng Từ đâu thấy được nguồn gốc của những bất công ấy là cái xã
hội, của chế độ phong kiến. Từ sinh ra để vẫy vùng ngang dọc, thì hẳn nhiên phải
đập đi cái trời cao đất rộng mà triều đình nắm giữ, nên triều đình có lí do để giết
Từ, còn Từ chỉ đơn giản thế thôi, không có lí do để gay gắt chiến đấu với triều
đình. Ý nghĩ ngang tàng của Từ còn thể hiện khi chàng nghe Kiều khuyên giải:
“Một tay gây dựng cơ đồ
Bấy lâu bể Sở sông Ngô tung hoàng
Bó thân về với triều đình
Hàng thần lơ láo phận mình ra đâu
Áo xiêm ràng buộc lấy nhau
Vào luồn ra cúi công hầu mà chi
Sao bằng riêng một biên thùy
Sức này há dễ làm gì được nhau”
Có lẽ chính vì vậy, ngang tàng ấy mà Hồ Tôn Hiến không muốn Từ Hải
mang tư tưởng tự do đầy bản lĩnh này về triều đình, nghĩa là Từ phải chết. Không
phải Từ Hải chỉ tự phụ lúc chưa hiển đạt, không phải Từ Hải chỉ kiêu hãnh lúc
thành công, Từ Hải còn kiêu hãnh cả lúc nguy biến, lúc sa cơ, lúc chết:
“Tử sinh liều ở trận tiền
Dạn dày cho biết gan lì tướng quân


...Khí thiêng khi đã về thần
Nhơn nhơn còn đứng chôn chân giữa vòng
Trơ như đá, vững như đồng

Ai lay chẳng chuyển, ai rung chẳng rời”
Từ Hải là một tượng trưng rất trong trẻo của tính đa cảm, của đức tự tin của
lòng kiêu hãnh tuyệt đối. Có thể nói suốt cả truyện Kiều, Nguyễn Du miêu tả các
nhân vật, không ai đẹp bằng Từ Hải, dễ quyến rũ bằng Từ hải. Từ Hải tự phụ mà ta
kính yêu, Từ Hải kiêu ngạo mà ta mến phục.
Được như vậy là bởi Từ Hải có một đặc tính mà không phải bất kỳ ai cũng
có được. Đó là chí độc lập ngang tàng. Bình sinh Từ Hải vẫn không chịu được sự
khuất phục:
“Giang hồ quen thói vẫy vùng
Gươm đàn nửa gánh, non sông một chèo”
Từ Hải chết có phải mắc mưu Hồ Tôn Hiến hay chết vì quá yêu Thúy
Kiều, muốn Kiều được trở về đoàn tụ gia đình, quê hương. Từ Hải chết vì cái say
sưa của trái tim mình. Chí độc lập của Từ Hải chỉ có thể siêu đổ được vì tình. Lúc
chết đứng giữa trận tiền, cái chân cứng đờ của Từ Hải cũng chỉ ngã xuống vì tình.
Cái thân mà "ai lay chẳng chuyển, ai rung chẳng rời" đó chỉ rơi xuống vì tiếng
khóc của Kiều mà thôi.
“Khóc rằng: " trí dũng có thừa
Bởi nghe lời thiếp đến cơ hội nầy
Mặt nào trông thấy nhau đây
Thà liều sống chết một ngày với nhau"
... Lạ thay! oan khí tương triền
Nàng vừa phục xuống, Từ liền ngã ra”
Nói lên sự suy nghỉ của Từ Hải, lúc Hồ Tôn Hiến dụ hàng, Nguyễn Du nói
lên tâm sự của mình:
“Bó thân về với triều đình
Hàng thần lơ láo phận mình ra đâu
Áo xiêm trói buộc lấy nhau
Vào luồn ra cúi công hầu mà chi?”
Nguyễn Du khinh bỉ bọn nho sĩ, không liêm sĩ, ra làm quan cho"ngụy triều"
( Triều đại Tây Sơn) . Ở cái khinh bỉ ấy, nảy nở ra sự kiêu hãnh của kẻ "cô trung

độc tỉnh".
Từ Hải chết như một anh hùng, tư thế đứng ấy là một bài học lịch sử lớn,
một lời tố cáo uất ức, nghẹn ngào, căm giận. Phải chăng Nguyễn Du đã gửi gắm
ước mơ và sức phản kháng vào nhân vật Từ Hải, Từ như một con chim đại bàng
kiêu hãnh bị cung tên của Hồ Tôn Hiến bắn rơi, nhưng sức sống của ước mơ vươn
lên trong xã hội thì vẫn còn ở đó.


3. Mã Giám Sinh
a.

Lai lịch bất minh, con người xấc xược, giả dối, vô phép, phàm tục:

Cái tên chung chung, không rõ ràng: “Giám Sinh” không phải là một cái tên, đó là
một từ dùng để chỉ người học trò Nho giáo xưa. Trong một vài thời đại nhất định, đây là
một chức danh có thể mua được bằng tiền. Qua cái tên này ta không thấy rõ gì về nhân vật.
Quê quán mập mờ: Nguyễn Du đã khéo léo vạch trần sự giả dối của Mã Giám Sinh,
ông giới thiệu hắn là một “Viễn khách”:
“Gần miền có một mụ nào
Đưa người viễn khách tìm vào ấn danh”
Tuy được giới thiệu là một viễn khách nhưng khi Mã Giám Sinh giới thiệu về mình:
“Hỏi quê, rằng: “Huyện Lâm Thanh cũng gần”.
Ở đây thấy được sự mâu thuẫn trong lời nói của Mã Giám sinh và lời giới thiệu của
mụ mối “viễn khách” mà sao “cũng gần”. Và sự thật là Mã Giám Sinh đã nói dối về quê
quán của mình: Quê ở Lâm Thanh nhưng lại nói là ở Lâm Thành.
=> Ở Mã Giám Sinh, những thông tin ban đầu cơ bản nhất về con người như tên
tuổi, quê quán đều có dấu hiệu bất minh, dối trá. Do vậy chúng ta thấy đây là một con
người không đáng tin cậy.
Nguyễn Du tiếp tục một cách khéo léo, hé lộ bản chất vô học của Mã Giám Sinh qua
những câu trả lời của hắn:

“Hỏi tên, rằng: “Mã Giám Sinh”
Hỏi quê, rằng: “Huyện Lâm Thanh cũng gần”
Nhìn vào hai câu thơ, ta nhận thấy nhịp thơ ngắn và được chia nhỏ nhiều lần (2/1/3,
2/1/3/2) kết hợp với điệp cấu trúc “Hỏi …rằng…” cho người đọc hình dung được cách thức
trả lời các câu hỏi của Mã Giám Sinh. Hỏi hắn thì hắn trả lời cộc lốc, không thưa gửi ai thể
hiện sự vô văn hóa trong giao tiếp với bề trên.
=> Cách nói năng của hắn đã bộc lộ một phần về con người của hắn. Hắn chẳng có
chút gì nho nhã, lịch sử của chàng “Giám Sinh”, hạng người có học.
Cố nhiên, Mã Giám Sinh cũng tin vào tác dụng bề ngoài của mình:
“Quá niên trạc ngoài tứ tuần
Mày râu nhẵn nhụi áo quần bảnh bao”


Hai câu thơ có sự tương phản: Câu lục hoàn toàn là từ Hán Việt, còn câu bát hoàn
toàn là từ thuần Việt. Câu lục có sắc thái trang trọng. Câu bát có sắc thái bình dị. Ở đây,
Nguyễn Du chủ ý tô đậm sự tương phản giữa tuổi tác của Mã Giám Sinh (trạc ngoài bốn
mươi) và vẻ bề ngoài không phù hợp với độ tuổi ấy của Mã Giám Sinh.
Đây cũng chính là thủ pháp nâng và hạ của trào phúng: Dùng cái trang trọng để nói
về độ tuổi: “Mày râu nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao”. Như chúng ta biết, mày râu là một
chuẩn mực thẩm mỹ của người xưa khi đánh giá một người đàn ông. Không phải tự nhiên
mà người đàn ông được gọi là “đấng mài râu”, hay “tu mi nam tử”. Ca dao: “Đàn ông
không có râu bất nghì”.Theo chuẩn mực thẩm mỹ người xưa, mày râu của người đàn ông
chính là biểu tượng cho nhân, nghĩa, là dấu hiệu của bậc đại trượng phu. Nguyễn Du tả Từ
Hải, một đấng anh hùng là “Râu hùm, hàm én, mày ngài”. Mã Giám Sinh đối lập hoàn toàn
với tất cả chuẩn mực ấy, mày râu nhẵn nhụi (trong quan niệm của người xưa) là dung mạo
của kẻ tiểu nhân, không đàng hoàng.
Hành động của Mã Giám Sinh, đã cho chúng ta thấy rõ hơn về bản chất lố lăng của
hắn. Đầu tiên Nguyễn Du tả cái tư thế tỏ ra làm chủ của Mã: “Trước thầy sau tớ lao xao”.
Từ láy “lao xao” tạo một cảm giác nhốn nháo, mất trât tự, vô kỷ luật, không phù hợp với sự
trang nghiêm, lịch sử của một buổi vấn danh. Cái kiểu bầu đoàn của hắn ập vào nhà Kiều

gợi ta nhớ đến bọn sai nha trước đây vu oan cho cha Kiều. Tác giả đã miêu tả cách ngồi của
tên họ Mã “Ghế trên ngồi tót sỗ sàng”, phó từ “tót” đặc tả tư thế ngồi của Mã Giám Sinh,
cộc cằn, xấc xược, ngang ngược. Nguyễn Du đã nhận xét rất xác đáng về hành động này:
“sỗ sàng”. Đây là sự thiếu lịch sự, vô phép tắc của một kẻ vô học hay cũng có thể đó là thói
quen của nghề nghiệp.
Sau khi gã bán ổn định, hắn trở mặt là một con người phàm tục:
“Khi về bỏ vắng trong nhà
Khi vào dùng dắng, khi ra vội vàng
Khi ăn khi nói lỡ làng
Khi thầy khi tớ xem thường xem khinh”
Hắn không lôi thôi, cốt chỉ muốn được việc. Nhưng khi thấy tài sắc của Kiều, cái
thói phàm của hắn bừng dậy, đối với hắn, chuyện trinh tiết cũng chỉ cần “nước vỏ lựu máu
mào gà” là sẽ xong. Nếu Tú Bà có hỏi, thì cùng lắm là mất “một buổi quỳ mà thôi”. Đó là
cái ti tiện nhầy nhụa mà Kiều đã khinh bỉ gọi là “giống hôi tanh”.
b. Mã Giám Sinh: một kẻ buôn người
Từ việc lột trần cái mác Giám Sinh, Nguyễn Du còn tiến đến một bước cao hơn
trong việc xây dựng nhân vật: làm bật lên bản chất con buôn của Mã Giám Sinh. Mã Giám


Sinh chính là hạng người đồi bại trong xã hội xưa, sống bám vào các kĩ viện, lừa các cô gái
lương thiện vào chốn thanh lâu để chúng chuộc lợi của bọn “buôn thịt bán người”.
- Tâm lý con buôn
“Đắn đo cân sắc cân tài
Ép cung cầm nguyệt, thử tài quạt thơ
Mặn nồng một vẻ một ưa,
Bằng lòng khách mới tùy cơ dặt dìu”
Vẻ ngoài, việc người con gái trình diễn tài nghệ của mình cho người đến xem mắt là
rất bình thường. Nhưng Nguyễn Du đã khéo léo chỉ ra cho người đọc, đây thực chất là một
cuộc buôn bán, thông qua từ chỉ hành động của con buôn: “cân”, “ép”, “thử”. Tâm lý con
buôn cũng được thể hiện rất sắc sảo: “Đắn đo”-“bằng lòng” – “tùy cơ dặt dìu” cho thấy

bọn buôn người có sự chọn lựa kĩ càng, suy tính về lợi nhuận.
- Lời nói con buôn
Mã Giám Sinh học đòi nói những lời lẽ rất hoa mỹ, bỏng bảy:
“Rằng: “Mua ngọc đến Lam Kiều”
Sinh nghi xin dạy bao nhiêu cho tường?”
Câu nói lịch sự duy nhất thốt ra từ miệng cũng chứa tiềm thức của một con buôn.
Chữ “mua” và “bao nhiêu” đã tố cáo hắn. Lời lẽ hoa mỹ của hắn thực chất chỉ là một lời
hỏi giá.
- Hành động con buôn:
Và cuối cùng hắn đã vứt cái mặt nạ ấy ra bằng việc mặc cả:
“Cò kè bớt một thêm hai
Giờ lâu ngã giá vâng ngoài bốn trăm”
Từ láy “cò kè” đã cho thấy bản tình bần tiện, chuộc lợi của Mã Giám Sinh. Nhịp thơ
ngắn: 2/2/2 tạo cảm giác thời gian kéo dài, mệt mỏi, chán chường. Cuộc ngã giá càng kéo
dài, nhân phẩm của Kiều càng bị chà đạp, giá trị của Kiều càng bị xúc phạm. Thị trường
của gã có nhiều diễn biến hồi hộp, gã đâu thể ngồi nhà ra oai như Tú Bà, gã phải tìm người
để mua khắp nơi với những thú vui mới đang chờ.
 Bằng bút pháp hiện thực với những tương phản, nghịch lý, Nguyễn Du đã xây
dựng buổi lễ vấn danh của Mã Giám Sinh như một sấn khấu bi- hài kịch. Hài vì: Mã Giám
Sinh xuất hiện như một tên hề,một kẻ vô lại dưới lớp mặt nạ người có học thức, hành động,
cử chỉ, lời nói đều nghịch ngạo, lố lăng, nực cười. Nguyễn Du đã bóc trần không khoan
nhượng bản chất xấu xa, tiểu nhân của Mã Giám Sinh, đồng thời cho người đọc thấy được
bản chất con buôn của hắn. Bi vì: Lễ vấn danh thực chất chính là một cuộc mua bán, mà
món hàng ở đây chính là Thúy Kiều. Người tới dạm hỏi thực chất là con buôn, được thế
nên vô phép, lấn lướt chủ nhà. Gia đình Vương viên ngoại, chính là người bán, phải nhún


nhường, chịu thiệt. Ở đây thể hiện giá trị nhân đạo xót thương và phẫn nộ: giá trị sắc, tài
của con người nay bị chà đạp đến tận cùng.
4. Sở Khanh

Tuy chỉ xuất hiện trong vài trang sách, nhưng cái tên Sở Khanh được Hoài Thanh
gọi là “lưu danh thiên cổ”, bởi là kiểu thông dụng nhất trong các nhân vật truyện Kiều.
Sở Khanh được Nguyễn Du cho xuất hiện trong khi Kiều đang bị nhốt ở lầu Ngưng Bích.
Lúc này Kiều đang cần một người giải thoát cho mình khỏi chốn lầu xanh, Sở Khanh
xuất hiện đúng vào lúc nàng cần hắn nhất, vì thế mới có thể thấy rõ được con người của
Sở Khanh. Bề ngoài cũng là chàng trai ngoại hình ưa nhìn, được Nguyễn Du khắc hoạ:
“Một chàng vừa trạc thanh xuân
Hình dong chải chuốt, áo khăn dịu dàng
Bóng nga thấp thoáng dưới mành
Trông nàng chàng cũng ra tình đeo đai
Nhưng cái ngoại hình ấy chưa hấp dẫn được Kiều, cũng chưa có gì đáng ngờ vực.
Tuy nhiên, tiếp xúc Kiều một cách sổ sàng, đường đột và lời nói của hắn đáng lí Kiều
phải chú ý hơn:
Than ôi! sắc nước hương trời,
Tiếc cho đâu bỗng lạc loài đến đây?
Giá đành trong nguyệt trên mây
Hoa sao hoa đến thế này hỡi hoa
Tức gan riêng giận trời già
Lòng này ai tỏ cho ta hỡi lòng”
Hắn cũng biết cách ăn nói khéo léo, vừa thương xót, thông hiểu cho Kiều bao
nhiêu điều, nhưng nói như thế cũng là tự hắn nhận rằng thiên hạ không ai hiểu mình.
Thương hoa tiếc ngọc rồi, hắn mới lên tiếng rằng sẽ cứu nàng ra khỏi chốn này như trở
bằng tay.
Thuyền quyên ví biết anh hùng
Ra tay tháo cũi, sổ lồng như chơi.


Hắn nói có vẻ như rất dễ dàng trong khi đây là chuyện vận mệnh của một con
người, sao lại là như chơi? Hắn tỏ ra là một anh hùng hào kiệt, gặp hoạn nạn không thể
không ra tay tương trợ, cứu vớt. Lúc đầu nói năng từ tốn nhỏ nhẹ, lại viết thư qua lại với

Kiều để thể hiện sự cảm mến của mình và chứng minh rằng bản thân hắn sẽ là chỗ dựa
cho Kiều lúc này, để nàng có thể tin tưởng hắn mà đem hết tâm tư của mình để giải bày,
Kiều cũng không kịp nghĩ ngợi điều gì, vì hắn đã đánh trúng mong muốn tìm một tri kỉ
và một trang hiệp khách. Lúc đầu là thế, nhưng nếu là một người chính nhân quân tử thì
sẽ không lẻn vào phòng nàng trong lúc đêm khuya như thế. Kiều cũng có phần ngại
ngùng nhưng nghĩ rằng hắn là ân nhân của mình nên ra chào và nói chuyện với hắn. Lúc
này, mặt đối mặt, nghe chuyện của Kiều lại tiếp tục tỏ vẻ bản thân hơn trước. Nếu lúc
trước chỉ nói suông một câu là “ra tay tháo cũi, sổ lồng như chơi” thì lúc này hắn như
quyết tâm hơn, hỏi Kiều rằng “thế nào xin quyết một bài cho xong”, rồi hắn còn nói
khoác lác hơn:
Rằng: “ta có ngựa truy phong,
Có tên dưới trướng, vốn dòng kiện nhi.
Thừa cơ lẻn bước ra đi,
Ba mươi sáu chước, chước gì là hơn.
Dù khi gió kép mưa đơn,
Có ta đây cũng chẳng ca cớ gì!”
Hắn nói bản thân mình có ngựa chạy nhanh, có hạ thủ tức là tay sai của mình lại
còn là người khoẻ mạnh có sức lực, Sở Khanh vừa khoe khoan thân thế của mình lại vừa
khuyên nhủ Kiều rằng hãy yên tâm vì với những thứ hắn có sẽ không cần phải lo lắng.
Hơn nữa, trong “thập tam lục kế” thì chạy là thượng sách. Đến đây, chúng ta sẽ cảm thấy
được con người Sở Khanh có phần không giống với một quân tử. Người quân tử thì ắt
đầu đội trời chân đạp đất, không có điều gì phải sợ mà phải chạy thoát thân. Nếu hắn là
một người quân tử thì chắc chắn sẽ dùng tiền của mình để chuộc Kiều ra, nhưng hắn
không như thế mà làm một chuyện mờ ám sau lưng người khác.
Kiều nghe những lời nói đó cũng có hoài nghi nhưng trong lúc cấp bách làm liều
nhắm mắt đưa chân “mà xem con tạo xoay vần đến đâu”, thế là sập bẫy của Sở Khanh,
mục đích của hắn đã đạt được. Lúc này thì con người hắn mới được vạch trần khi đưa
Kiều đi vào lúc trời gần sáng, đang đi thì nghe tiếng người ồn ào, Kiều “thổn thức gan
vàng” thì mới hay Sở Khanh đã “rẽ dây cương lối nào”. Chuyện đó do Tú Bà và Sở
Khanh thông đồng với nhau. Sở Khanh đã gạt nàng để cho Tú Bà có cớ để đánh đập, quát



mắng nàng, để nàng xin chừa và không nghĩ đến việc rời khỏi lầu xanh nữa mà sẽ tiếp
khách cho bà ta. Lúc ả Mã Kiều đưa nàng vào nhà kho nghỉ ngơi thì mới nói cho Kiều
hay về con người Sở Khanh và sự thật đằng sau:
Bạc tình nỏi tiếng lầu xanh
Một tay chôn biết mấy cành phù dung!
Đà đao, lập sẵn chước dùng,
Lạ gì một cốt, một đồng xưa nay!
Có ba mươi lạng trao tay,
Không dung chi có chuyện này, trò kia!
Rồi ra trở mặt tức thì
Bớt lời, liệu chớ sân si thiệt đời”
Lúc sau, Sở Khanh đã trở mặt đi vào, biết trước là Kiều nhưng vẫn làm nghơ muốn
xem mặt nàng và quát mắng nàng, lại còn định đánh đập nàng. Ta thấy được con người
Sở Khanh là một người hai mặt, trước nói một đằng sau làm một nẻo, lại còn xem như
chưa có chuyện gì, làm ra nhưng lại không thừa nhận,. Đến đây thì Kiều đã dùng “tích
việt” để vạch trần bộ mặt thật của Sở Khanh. Trước bao nhiêu người, lời ra tiếng vào,
cười chê khôn thấu, nên hắn lật lọng:
“Sở Khanh lên tiếng rêu rao:
Rằng nghe nói có con nào ở đây
Phao cho quyến gió rũ mây
Hãy xem cho biết mặt này là ai?”
Cái tốt đẹp ban đầu của Sở Khanh còn có thể ngờ vực, nhưng sự độc ác của hắn thì
không còn gì phải bàn cãi cả. Hắn xấu mặt nên muốn đẩy nàng xuống giếng khơi, cái trở
mặt man rợ ấy khiến người ta sửng sốt và kinh ngạc.
Sở Khanh là con người chuyên đi lừa lọc người khác, vì tiền mà sẵn sàng hãm hại
Kiều, bản chất lưu manh, giả dối, nguỵ biện cho mình, là một tên đàn ông xấu xa. Con
người của Sở Khanh đã trở thành đại diện cho loại người hay lừa gạt, dối trá, trở mặt với
người khác.



“Phụ tình án đã rõ ràng
Nhơ tuồng, nghỉ mới kiếm đường tháo lui.”
Có thể thấy, Nguyễn Du đã bày tỏ mọi sự khinh bỉ và căm giận của mình vào tên
vô lại ấy. Trong cuộc đời Kiều, chẳng biết nàng còn phải rơi đau đớn đến đâu nữa, nhưng
thi nhân họ Nguyễn liệu rằng đã rất trân trọng nàng khi đã gạt bỏ chi tiết trong Kim Vân
Kiều truyện là nàng phải ăn nằm với Sở Khanh. Nguyễn Du sẽ lại một lần im lặng trước
những phũ phàng của đời Kiều khi nàng rơi xuống vực sâu của một tai họa khác, một tai
họa mang tên Hồ Tôn Hiến.
5. Nhân vật Thúc Sinh
Nói như GS.Lê Đình Kỵ “trong ba người đàn ông đã giữ vai trò quan trọng trong
đời Kiều, Thúc Sinh là vô tích sự nhất, nhưng cũng là nhân vật hiện thực hơn cả”. Con
người của Thúc Sinh đã được Nguyễn Du miêu tả một cách tài tình, tính cách ham mê
“của lạ”, trụy lạc, nhu nhược, hèn nhát và giả dối, tất cả đều được thể hiện qua những
hành động lời nói của chàng ta.
Sau chuyện bị Sở Khanh lừa thì nàng đã yên phận cho đến khi Thúc Sinh xuất
hiện. Thúc Sinh là người có dòng dõi văn chương, có ăn học. Dù thế, nhưng cũng không
qua được ải mĩ nhân, chàng cũng thích đến lầu xanh để ngắm nhìn, uống rượu, ngâm thơ
với các hoa khôi, càng mê mẫn, thêm cái tính tiêu tiền hoang phí nên càng “say” trong
không khí của lầu xanh. Nếu chỉ như thế, ta thấy được Thúc Sinh cũng chỉ là một người
tầm thường. Cho đến một hôm trông thấy Kiều đang tắm thì chàng đã mê mẩn dáng hình
của nàng:
Rõ màu trông ngọc trắng ngà
Dày dày sẵn đúc một toà thiên nhiên
Quan hệ giữa Thúc Sinh và Thúy Kiều âu cũng đượm màu ăn chơi, vẫn là đồng
tiền của chốn lầu xanh chen vào cả. Quyến luyến không sao rời đi, muốn cưới nàng làm
vợ nên hỏi rõ đầu đuôi ngọn ngành. Kiều sau khi giải bày cho Thúc Sinh thì đã có ý
không dám trèo cao. Thúc Sinh vẫn một mực muốn cưới nàng về làm vợ lẽ và hứa rằng
sẽ che chở cho nàng:

Sinh rằng: “hãy nói dè chừng,
Lòng đây lòng đấy chưa từng hay sao?
Đường xa chớ ngại Ngô Lào,


Trăm điều hãy cứ trông vào một ta.
Đã gần chi có điều xa,
Đá vàng cũng quyết, phong ba cũng liều!”
Đến đây, ta thấy Thúc Sinh tuy không phải là người quân tử, vẫn mê đắm mĩ nhân,
vẫn tiêu tiền phung phí nhưng là người biết thương hoa tiếc ngọc, một lời đã quyết thì sẽ
làm cho bằng được, có lòng và thể hiện sự chân thật của mình. Nhưng sao lời hứa hẹn lại
kết bằng chữ “liều”, Thúc Sinh không lừa dối Kiều, nhưng trong lời nói đã cho thấy trước
một cái gì bấp bênh, trống rỗng. Kiều đang ở thế tuyệt vọng của người chết đuối đang
kiếm tìm một mảnh nổi để bám víu, nên với Thúc Sinh, đó là người có thể giúp nàng ra
khỏi chốn lầu xanh, mặc mọi rủi may. Thúc Sinh nhân cơ hội Kiều đi “thừa lương” thì
đem giấu nàng ở một nơi và mách tin cho Tú Bà để bà ta chấp nhận Thúc Sinh chuộc
nàng ra khỏi lầu xanh. Thế nhưng, cái cương quyết ấy cũng chỉ là vì chàng “quen thói
bóc rời” và tung tiền ra “cậy tay thầy thợ”.
Nửa năm chung sống hạnh phúc thì cha của Thúc Sinh đã đến và ngăn cấm chàng
lập thiếp lại còn là một cô gái lầu xanh. Thúc Sinh đã lên tiếng bảo vệ Kiều bằng những
lời lẽ hết sức chân thật, nhưng là của một kẻ ăn vụng bị bắt phạt:
Rằng: “Con biết tội đã nhiều,
Dẫu rằng sâm sét búa rìu cũng cam.
Trót vì tay đã nhúng chàm
Dại rồi con biết khôn làm sao đây!
Cùng nhau vả tiếng một ngày,
Ôm cầm ai nỡ dứt dây cho đành
Lượng trên quyết chẳng thương tình,
Bạc đen thôi có tiếc mình làm chi!”
Dù chàng có nói hết lời nhưng cha chàng vẫn đem lên quan xét xử, nhìn thấy Kiều

bị những trận đòn roi mà lòng đau xót khôn nguôi, vừa khóc vừa trách là do bản thân nên
Kiều mới bị như thế. Giải bày với mọi người rằng là do mình cầu thân với nàng trước
nhưng không ngờ bây giờ lại khiến nàng khổ vì chàng. Thúc Sinh dễ dàng phạm lỗi
nhưng cũng dễ dàng nhận lỗi. Nếu lấy nước mắt mà đo tình cảm, thì Thúc Sinh quả có


tình với Kiều, nhưng trong cái tình ấy còn có sự hối lỗi về mình. Rồi Thúc Sinh nói rằng
Kiều có chút tài nghệ, Kiều đề vài câu thì cha chàng đã chấp nhận nàng.
Thúc Sinh nghe Kiều khuyên răn về nhà với vợ cả thì cũng nghe theo và trở về,
đến nhà thì tình nghĩa vợ chồng lại mặn nồng mà uống rượu vui vẻ, muốn giải bày:
“Sự mình cũng rắp lân la giãi bày.
Mấy phen cười nói tỉnh say,
Tóc tơ bất động mảymay sự tình.
Nghĩ là bưng kín biệng bình,
Nào ai có khảo mà mình lại xưng!”
Tưởng rằng vợ mình tin tưởng nhưng không hề biết rằng khi trở về nơi ở của Kiều
thì mới hay nhà cửa bị đốt thành tro, trong nhà còn có bộ xương nên ngỡ rằng Kiều đã
chết. Thúc Sinh vô cùng đau khổ, nhưng thật ra cái nhớ tiếc ấy cho ta thấy cũng là của kẻ
hưởng thụ phàm tục, và cũng nguôi ngoai nhanh chóng:
“Tiếc hoa những ngậm ngùi xuân
Thân này dễ lại mấy lần gặp tiên”
Nhìn cảnh nhớ người chàng bèn tìm về cố hương. Đến đây, Thúc Sinh mới hay
Hoạn Thư đã bắt Kiều về làm người ở, nếu biết trước sự việc thì chàng đã nói thẳng cho
vợ chàng biết có lẽ sẽ không xảy ra những chuyện đau lòng như thế này. Trông thấy Kiều
mà không dám nhận mặt, trong lòng xót xa vô bờ. Chàng không muốn uống thêm rượu
thì Hoạn Thư hăm rằng sẽ rót đòn roi vào Kiều, bắt Kiều gải đàn cho vợ chồng họ nghe,
Thúc Sinh không dám làm trái lời vợ. Chàng tỏ ra khúm núm, than thầm, run sợ, bỏ mặc
Hoạn Thư làm gì Kiều thì làm. Trong cuộc rượu này, Thúc Sinh vừa là người ngoài cuộc,
vừa là người trong cuộc. Sau lại đúng lúc Hoạn Thư trở về nhà vấn an thì Thúc Sinh mới
dám lẻn ra ngoài gặp nàng:

Những là ngẩm thở, nuốt than
Tiểu thư phải buổi vấn an về nhà.
Thừa cơ, Sinh mới lẻn ra,
Xăm xăm đến mé vườn hoa với nàng
Sụt sùi giỡ nổi đoạn trường,


Giọt châu tầm tã, đẫm tràng áo xanh.
Cũng trò khóc lóc giở ra ngay khi bỏ mặc nàng trước sự cay độc của Hoạn Thư,
Thúc Sinh tỏ sự đau lòng khi thấy Kiều bị lâm vào cảnh này. Thế mà đến khi bị Hoạn
Thư phát hiện tra hỏi sự tình thì lại chối quanh chối co:
Dối quanh, Sinh mới liệu lời:
“Tìm hoa quá bước, xem người viết kinh”.
Khen rằng: “Bút pháp đã tinh,
So nào với thiếp Lan đình nào thua!
Thúc Sinh đến nước này vẫn không dám thừa nhận, vẫn cho mình là kẻ vô can khi
đứng trước vợ, và không chịu trách nhiệm khi đứng trước Kiều. Ta thấy Thúc Sinh không
phải là người quân tử, dù có tốt hơn Sở Khanh nhưng lại là người sợ vợ, sợ vợ nhưng vẫn
đến lầu xanh vẫn ăn chơi sa đoạ, cảm mến con gái khác đem về làm vợ nhưng cũng
không dám thừa nhận với người vợ cả.
Sau này, khi cùng Hoạn Thư bị giải đến chịu tội trước Kiều, Thúc Sinh lại tỏ ra
“mừng rỡ khôn cầm” trong lòng, Thúc Sinh run sợ trước Từ Hải, chứng tỏ chàng không
nghĩ là Kiều chịu ơn mình mà nghĩ mình phải đền tội, nhưng chàng mừng cho Kiều:
“Lòng riêng mừng sợ khôn cầm
Sợ thay mà lại mừng thầm cho ai.”
Đây cũng là một mặt tốt của Thúc, nhưng cũng chứng tỏ Thúc chưa bao giờ yêu
Kiều thực lòng của một người quân tử. Quan hệ giữa Kiều và Thúc chỉ có thế thôi, nên
Kiều cũng không ngần ngại mời chàng đến giáp mặt với Từ Hải. Vừa thua kém Hoạn
Thư, giờ đây Thúc cũng thua kém Kiều khi nàng chẳng quên lòng cố nhân, còn chàng thì
cuối cùng đã bỏ rơi Kiều.

 Thúc Sinh thuộc loại người trung gian trong truyện Kiều, có cái gì ngờ ngợ của
sự hỗn hợp Kim Trọng - Sở Khanh. Thúc Sinh muốn được như Kim Trọng và Từ Hải,
nhưng vì ươn hèn, bất lực và lại không có mối tình chân chính, nên hóa ra lại xử sự như
người dưng, khi lại như một Sở Khanh bất đắc dĩ. Giữa tốt - xấu, thật - giả, Nguyễn Du
đã xây dựng một Thúc Sinh mang ý nghĩa khách quan của một con người mang hai mặt
đen trắng.
6. Nhân vật Hồ Tôn Hiến


a. Lai lịch
Hồ Tôn Hiến được giới thiệu là:
“Có quan Tổng đốc trọng thần
Là Hồ Tôn Hiến kinh luân gồm tài”
(câu 2451 và 2452)
Chức vụ: làm quan Tổng đốc, có tài kinh luân. Tổng đốc được coi là một vị quan
"trọng thần" của triều đình được nhà vua trọng vọng:
“Ðẩy xe vâng chỉ đặc sai
Tiện nghi bát tiễn việc ngoài đổng nhung”
(Câu 2453- 2454 )
Là người có chức cao quyền trọng, đi thì có kẻ sai người hầu, có người phục vụ
cho cuộc sống sang trọng, giàu có của một người quý tộc. Hồ Tôn Hiến đã được tác giả
giới thiệu một cách khái quát: chức quan to đứng đầu một tỉnh thời phong kiến, có tài cai
trị, được vua tin tưởng cử ra trận.
b. Tính cách:
- Thông minh:
Hồ Tôn Hiến đã nghiên cứu kỹ đối phương, không đánh giá thấp Từ Hải, biết "Từ
là đấng anh hùng", lại biết người luôn sát cánh, cùng bàn bạc việc quân với Từ Hải là
Thúy Kiều. Là con người hành động, nhưng Hồ Tôn Hiến hành động như thế nào?
“Hồ công quyết kế thừa cơ
Lễ tiên sinh hậu khắc cờ lập công”

Hành động của Hồ Tôn Hiến được Nguyễn Du miêu tả với toàn chữ Hán, bật lên
cái khí thế tàn bạo, phản trắc của nhân vật. Không động binh vội mà thực hiện mưu kế để
làm tan rã ý chí chống đối của đối phương. Mưu kế đó là "Chiêu an".
Dù mưu kế "chiêu an", dù lễ vật hậu hĩnh, dù lời "thuyết hàng" ngon ngọt cũng
không có tác dụng gì, cũng không lay chuyển được người anh hùng chống bất công, ưa tự
do, không chịu khuất phục. Hồ Tôn Hiến đã rất hiểu đối phương nên ra ngón đòn "chiêu
an", "lễ vật", "thuyết hàng" tuy bước đầu không làm Từ Hải mắc mưu nhưng cũng đã làm
cho vợ của Từ Hải thấy xiêu lòng, đi theo chiều hướng có lợi cho triều đình.
- Gian xảo


Hồ Tôn Hiến là một quan Tổng đốc được mang danh trọng thần của triều đình,
nhiều tài kinh luân nhưng cái tài ấy nằm gọn trong một mưu mẹo rẻ mạt, không tín nghĩa.
Biết Từ “là đấng anh hùng” nên xử sự một cách hèn nhát.Hắn mượn tay Kiều thuyết
phục, chiêu an Từ Hải. Nhưng khi Hải bỏ võ khí về với triều đình, thì Hồ Tôn Hiến lại
âm mưu, bố trí phục binh đánh úp Từ Hải. Có thể thấy, Hồ Tôn Hiến là mẫu người đã
phản bội tất cả những ai mà hắn có thể phản bội được, từ kẻ địch đã nhận lời quy thuận,
đến một người phụ nữ mà mình đã nhờ vả để lập công.
- Đê hèn
Giết Từ Hải xong, hắn gặp lại Kiều như thế nào?
“Đem vào đến trước trung quân
Hồ công thấy mặt ân cần hỏi han
Rằng: “Nàng chút phận hồng nhan
Gặp cơn binh cách nhiều nàn cũng thương?...”
Giết chồng nàng, còn tỏ ra ân cần, đó chẳng khác nào là một lời thương hại đầy
lăng nhục. Mà sự thương hại ở đây liệu có thật không, khi nó vẫn không ngăn cản hắn mở
tiệc mở tiệc mừng thắng trận, một bữa tiệc còn tanh máu của chồng nàng và mừng trên
cái tan nát của cuộc đời nàng. Những tưởng như thế đã quá sức độc ác, ngờ đâu hắn lại
bắt Kiều hầu rượu bên bàn tiệc, lại dở say bắt nàng đánh đàn...
"Nghe càng đắm, ngắm càng say

Lạ cho mặt sắt cũng ngây vì tình"
Tiếng đàn “chau mày rơi châu” đầy xa xót cho thân phận Kiều, ấy vậy hắn vẫn có
thể buông lời ve vãn làm nhục Kiều, nỗi nhục này còn hơn cả nỗi nhục phải đánh đàn hầu
rượu cho Hoạn Thư và Thúc Sinh. Con người được xem là một trọng thần, trong tiệc hạ
công, còn bày tỏ đểu giả. Trong bữa tiệc này, Hồ Tôn Hiến lại tẩn mẩn tán tỉnh hỏi Kiều
sẽ tái giá với ai?
Dạy rằng: "Hương lửa ba sinh
Dây loan xin nối cầm lành cho ai?"
Thưa rằng: "Chút phận lạc loài
Trong mình nghĩ đã có người thác oan
Còn chi nữa cánh hoa tàn
Tơ lòng đã đứt dây đàn Tiểu Lân


Rộng thương còn mảnh hồng quần
Hơi tàn được thấy gốc phần là may
Lúc này, nàng Kiều đã nhận ra được bao sự gian xảo, dối trá, lừa lọc “trong mình
nghĩ đã có người thác oan”, “người thác oan” không ai khác chính là Từ Hải. Vì nàng
đã khuyên chàng đầu hàng triều đình mà gây nên cái chết của chồng. Mà bây giờ hắn còn
hỏi người vợ đương cảnh tang khó cho chồng về việc muốn lấy ai làm chồng.
=> Hồ Tôn Hiến: một con người lừa bịp, hiếu sát, dối trá, thâm độc, đớn hèn.
- Ích kỉ, chỉ nghĩ đến lợi ích của bản thân
Nếu Tú Bà, Sở Khanh, Hoạn Thư đối với Kiều có lúc này lúc khác, thì Hồ Tôn
Hiến bao giờ cũng một giọng ôn tồn ngay cả khi giở trò ong bướm.
“Hạ công chén đã quá say
Hồ công đến lúc rạng ngày nhớ ra
Nghĩ mình phương diện quốc gia
Quan trên ngắm xuống người ta trông vào
Phải tuần trăng gió hay sao?
Sự này biết tính thế nào được đây?”

(câu 2589 đến 2954)
Rõ ràng Hồ Tôn Hiến là người biết sợ, biệt ngượng, biết xấu hổ. Hắn muốn chiếm
lấy nàng Kiều nhưng lại bị sợ ảnh hưởng danh tiếng, là một vị quan chức cao “ Phương
diện quốc gia”. Cho nên, để bảo vệ cái tư cách đại thần của mình, hắn một lần nữa biến
Kiều thành một nạn nhân trực tiếp của hắn bằng cách gán Kiều cho tên thổ quan.. để nàng
tự chấm dấu cuối cùng cuộc đời đầy đau khổ của mình trên dòng sóng cuộn Tiền Ðường!
=> Âu Hồ Tôn Hiến cũng khác gì một kiểu Sở Khanh cao cấp, đều dụ dỗ và lừa
gạt Kiều, bắt đầu với mưu kế thâm hiểm và trở mặt ngay khi đạt ý đồ. Chỉ khác ở cách ra
tay của một nhà quan: lạnh lùng, không ồn ào, không tai tiếng. Hồ Tôn Hiến chỉ mang cái
lốt vỏ trọng thần mà tâm địa hết sức bỉ ổi và đê tiện.
 Hồ Tôn Hiến thông minh, đầy gian xảo, nhưng rốt cuộc cũng chỉ vì những lợi
ích của bản thân hắn mà luôn hành động đê hèn với người khác. Hồ Tôn Hiến hầu như là
nhân vật không biểu lộ tình cảm, ngay cả khi động lòng trước nhan sắc và tài năng của
Kiều, thì hắn vẫn giữ vẻ bình thản khó hiểu được, nhưng chẳng qua đó chỉ là giây phút
nhất thời lố bịch, nghiêng về thú tính hơn là rung động thực sự. Nguyễn Du đã để cho sự
việc tự tố cáo Hồ Tôn Hiến, đó là kiểu người “che đậy vuốt nanh và nọc độc/Nhưng nhai
xé thịt người ngọt xớt như đường”.


7. Các nhân vật khác
* Vương Ông: Cuộc đời Kiều sóng gió đau khổ bắt nguồn từ nỗi oan của cha.
Vương Ông xuất hiện trong truyện Kiều bằng nỗi buồn đau thương cho con trẻ. Là cha
già, nhìn thấy cảnh con trẻ đến tuổi “gieo cầu” mà lại vì mình nên chịu cảnh cò kè mua
bán của người khác, thì lòng dạ ông càng oan khốc hơn con. Ông cùng quẫn nghĩ đến cái
chết, may được Kiều khuyên giải nên đành ngậm đắng xuôi tay.
*Vương Quan: là nhân vật được tác giả nhắc tới rất mờ nhạt. Đó là đứa con út của
nhà họ Vương là người sẽ “nối dòng nho gia”, là một người khôi ngô tuấn tú, có học
thức, văn chương. Trong tiết thanh minh, ba chị em Thuý Kiều đi chơi xuân thì gặp Kim
Trọng. Vương Quan là cầu nối để Kiều và Kim Trọng gặp nhau và quyến luyến, vì
Vương Quan và Kim Trọng là bạn đồng môn của nhau. Đến đây thì Nguyễn Du không hề

nhắc đến Vương Qua, mãi cho đến khi nạn của Kiều đã trải qua thì mới kể rằng Vương
Quan và gia đình đều khó khăn phải may thuê, viết mướn. Tuy nhiên, là con người có chí
cầu tiến, một lòng với văn chương nên đã đỗ bảng bách khoa và ra làm quan. Chàng
Vương Quan là một người quân tử, lúc nghèo khổ được Chung lão giúp đỡ, chàng mang
ơn, đến khi đã thành danh đỗ đạt vẫn không hề phụ ơn bội nghĩa mà trả ơn bằng cách kết
duyên với Châu Trần. Thân là một vị quan, trong tay có nhiều nha hoàn tay sai, trước lo
việc nước là dẹp giặt loạn, để đất nước được thái bình, sau mới nghĩ đến tình riêng gia
đình. Vì vậy, Vương Quan đã nghĩ đến chị của mình và cùng Kim Trọng đi tìm Kiều, vì
lúc này gia đình đã được khá giả hơn. Sau khi tìm được Kiều, cả nhà đoàn tụ, Nguyễn Du
không còn nhắc đến Vương Quan nữa mà chủ yếu là cuộc nói chuyện giữa Kiều, Kim
Trọng và Thuý Vân.



×