Tải bản đầy đủ (.docx) (5 trang)

Bi kịch của con người trong cánh đồng bất tận

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (31.33 KB, 5 trang )

Nguyễn Ngọc Tư là một nhà văn trẻ chỉ mới xuất hiện trong thời gian gần đây,
nhưng tác phẩm của chị đã có sức ảnh hưởng và đã gây tiếng vang trong nền văn
học. Truyện của Nguyễn Ngọc Tư thật giản dị và đậm chất Nam Bộ. Mỗi truyện
ngắn của chị là một bức tranh vẽ về cuộc đời, về thân phận con người trong cuộc
sống. Có thể nói với Cánh đồng bất tận, Nguyễn Ngọc Tư đã trở thành một hiện
tượng nổi bật trong đời sống văn học sau đổi mới, nhất là khoảng 10 năm đầu của
thế kỷ XXI. Vừa ra mắt bạn đọc, lập tức nó trở thành đề tài nóng bỏng của nhiều
cuộc bút chiến, của rất nhiều cuộc tranh luận với các ý kiến khác nhau. Song xét
một cách toàn diện, Cánh đồng bất tận ra đời có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với nền
văn xuôi đương đại. Đến với Cánh đồng bất tận độc giả bắt gặp nhiều mảnh đời cơ
cực, lầm than, tảo tần sớm hôm mà vẫn không thoát khỏi cái nghèo. Và cũng chính
cái nghèo luôn đeo bám dẫn đến những bi kịch đau thương .
Đọc Cánh đồng bất tận, độc giả không khỏi ngậm ngùi cho những số phận con
người bị cái nghèo đeo bám. Cái nghèo là nguyên nhân sâu xa dẫn đến những bi
kịch không lối thoát. Gia đình nhân vật Út Vũ là một mô hình thu nhỏ cho những
bi kịch của thế lực đồng tiền. Út vũ- là mẫu người đàn ông chất phát, làm lụng vất
vả để chăm lo vợ con, với ý nghĩ giản đơn: “Chỉ cần mình hết lòng yêu thương,
gánh hết sự kiếm sống nhọc nhằn thì sẽ được đền đáp xứng đáng”. Ông chăm lo
cho gia đình từ những việc nặng nhọc đến những việc vô cùng nhỏ nhặt: “Quanh
hè, dài theo những lối đi ra vườn, ra bến là những cục đá tảng, những thân dừa chẻ
hai, cha tôi đã hì hục lót để suốt một mùa mưa, chân má tôi không bị dính sình
bùn”. Từ chi tiết ấy thể hiện được tính cách của nhân vật này, một người luôn chăm
chút cho tổ ấm. Thế nhưng, cuộc đời nó vốn dĩ không giản đơn như cái suy nghĩ
của ông, hết lòng yêu thương, gánh hết sự nhọc nhằn chưa hẳn được đền đáp xứng
đáng. Chính cái nghèo, cái thiếu thốn mà ông đã mất vợ. Người vợ của ông đã
không vượt qua được cám dỗ của phù hoa. Ông đốt tất cả đồ đạc rồi bắt đầu một
cuộc đời du mục, bi kịch của ông bắt đầu từ đó. Ông trở nên lạnh lùng, vô cảm và
muốn trả thù với những người phụ nữ. Nuôi vịt chạy đồng là đời sống kinh tế của
gia đình ông, thế nhưng khi bầy vịt bị chôn sống ông lại dững dưng. Bởi vì: “Với
nổi đau sâu hoắm sẳn trong lòng, thì những biến cố khác chẳng qua là một vết
xước ngoài da, nhằm nhò gì”. Không dừng lại ở thái độ thờ ơ, vô cảm, ông còn


lạnh lùng và tàn nhẫn, muốn trả thù đời bằng việc đến với những người đàn bà gieo
cho họ một tình cảm rồi rũ áo ra đi: “với những người đàn bà sau nầy, cha tôi tính
toán rất vừa vặn, sao cho vừa đủ yêu, vừa đủ đau, vừa đủ bẽ bàng, và bỏ rơi họ


đúng lúc”. Ông dững dưng như không có chuyện gì: “Nhạt nhẽo hơn cả việc quan
hệ theo mùa, theo bản năng, trong cha tôi không còn một chút cảm xúc nào, nét
mặt ngập tràn những rắp tâm, chưa gặp mặt đã tính chuyện phụ phàng”. Trong con
mắt Điền: “Cha làm chuyện đó thì cũng giống như mấy con vịt đạp mái”, vô cảm
và lạnh lùng, chẳng có tính người. Với ai ông cũng có một sự tính toán: Sương đến
với Út Vũ tưởng rằng cuộc đời ông sẽ khác, sẽ trở về với hình ảnh một người cha
ngày nào trong mắt của Điền và Nương. Thế nhưng sau cuộc ái ân ông lại trả tiền
xòng phẳng: “Tôi trả cho hồi hôm…rồi cha điềm nhiên phủi đít đủng đỉnh đứng
lên, sự khinh miệt và đắc thắng no nê trong mắt”. Ông coi thường Sương là một
con điếm, trong mắt ông việc quan hệ ái tình chỉ là việc bán mua chứ chẳng phải là
cho và nhận. Sương vì bảo vệ cho cuộc sống gia đình ông mà đã hi sinh bản thân
qua đêm cùng những tên cán bộ, đáp lại tấm chân tình ấy là một cái nhìn miệt thị:
“sao, hồi tối vui không? Chắc họ tưởng cô là vợ tôi nên hứng thú lắm hả? cứ để họ
nghĩ vậy…”. Bi kịch đồng tiền đã đưa Út Vũ trở thành một con người khác, từ một
người sống có lí tưởng, chăm chút gia đình bé nhỏ của mình trở thành một con
người lạnh lùng, vô cảm. Và cái giá của ông phải trả cho bi kịch của cuộc đời mình
là Điền đã ra đi không tin tức, những cuộc vui đùa ái ân của ông với những người
phụ nữ được báo ứng bằng việc tận mắt chứng kiến cảnh tượng con gái mình bị
cưỡng hiếp: “nó đè nghiến, giữ cho mặt ông hướng về phía tôi. Và bọn chúng thay
phiên nhau, giữ cho cha chỉ một tư thế đó, mắt cha tôi ầng ậc nước, tôi không hiểu
là phèn hay máu nhoèn nhoẹt”. Trong hoàn cảnh đau thương ấy, người mà Nương
cầu cứu không phải là ông, Nương gọi “Điền! Điền ơi!” . Còn gì đau đớn hơn khi
từ lúc nào hình ảnh người cha không còn là chỗ dựa thiêng liêng cho con cái. Cái
bi kịch của Út Vũ quá lớn, nó sinh ra từ những cám dỗ của thế lực đồng tiền.
Đồng tiền có sức mạnh vạn năng, nó tạo nên những bi kịch cho những ai quá khao

khát nó mà thực hiện những hành vi trái với luân thường đạo lí. Vợ của Út Vũ là
điển hình cho những bi kịch xuất phát từ sự cám dỗ của phù hoa. Chị ngao ngán và
thở dài với cái nghèo: “Má tôi thở dài khi ghe cha ghé bến vì biết mai mốt cha lại
đi. Má tôi thở dài khi tắm, khi nước trôi dài trên làn da trắng như bông bưởi. Lúc
ngồi vá những bộ quần áo cũ. Mỗi lần ghe vải ghé trước bến, má cũng thở dài, tay
bối rối nắn vào hai túi áo mỏng kẹp lép. Thở dài khi thằng Điền bảo cho con xin
tiền mua kẹo má ơi”. Chính đồng tiền làm chị thay đổi, chị đánh đổi những xấp vải
bằng cuộc ái ân với người thương lái. Để rồi khi con mình phát hiện, chị tủi nhục
và bỏ nhà ra đi. Chính chị là người tạo nên bi kịch của gia đình Út Vũ. Chị đã gieo


rắc vào con mình những gì không đáng thấy, làm loang lỗ vết thương tinh thần cho
những đứa bé đang lớn lên. Chị đã làm cho Út Vũ trở nên hoang dại và vô cảm,
làm tan nát cả một gia đình tưởng chừng quá hạnh phúc này. Bi kịch của đồng tiền
không tha thứ bất ai muốn có nó bằng những hành động không chân chính, đó còn
là bi kịch của Sương. Vì kiếm tiền Sương sống bằng nghề buôn hương bán phấn:
“Chị sống nhờ những món tiền họ cắm câu đêm đêm, bằng tiền bán lúa, dừa khô
hay những buồng chuối chín. Cũng có lúc thu hoạch bất ngờ, khi chị mồi chài được
một người đàn ông chơi trò giường chiếu, suốt hai ngày hai đêm, và chị được một
triệu hai. Đó là vốn vay xóa đói giảm nghèo...”. Để rồi khi chị đến với Út Vũ, chị
không thể nào xóa được vai trò là một “con đĩ” trong mắt ông. Chị mủi lòng khi
ông sòng phẳng trả tiền sau cuộc ân ái, chị cay đắng: “mắc cười quá, tới mấy con
cá quỷ nầy còn chê chị. Câu nói nghe tỉnh bơ, bâng quơ mà tủi vô phương”. Chị
cảm động trước tấm chân tình của chị em Nương: “Thật cảm động khi bị đánh tả
tơi bầm dập vậy mà hai đứa nhỏ nầy lại trìu mến, quyến luyến lạ lùng”. Dường như
chị được trở về với một con người hướng thiện, muốn sống một cuộc đời thật trong
sạch cùng với gia đình này, chị hy sinh để bảo vệ nguồn sống cho họ. Nhưng dù
chị có làm gì vẫn không rột rữa được hình hài một “con đĩ” trong mắt Út Vũ. Chị
chua xót: “chị...làm đĩ quen rồi, mấy chuyện này nhằm bà gì mấy cưng buồn”. Chị
rớt nước mắt trước sự lạnh lùng của Út Vũ rồi chọn cách ra đi. Cuộc đời của chị sẽ

đi đâu? Về đâu? Khi người ta luôn nhìn chị với dáng hình một người không đứng
đắn. Đó là bi kịch của con người vì tiền mà đánh mất danh dự của bản thân, để trả
giá bằng cuộc đời luôn bị phỉ báng, xem thường.
Đọc Cánh đồng bất tận, chắc hẳn ai cũng không khỏi xót xa cho cuộc đời Điền và
Nương, hai nhân vật là hệ quả của bi kịch từ sức mạnh đồng tiền mà những đấng
sinh thành gây ra cho chúng. Người mẹ ra đi vì đồng tiền bỏ lại chúng khi còn quá
nhỏ. Chúng ngỡ ngàng trước cuộc sống rồi phải mạnh mẽ để thích nghi như những
đứa trẻ mồ côi không có mẹ. Với Điền kí ức về mẹ quá ít nó chẳng hiểu thương mẹ
phải ra sao: “Người ta thương mẹ ra làm sao?. Mặt nó dãn ra, khi biết cây kẹp tóc,
trái dừa tươi hay con cá thát lát…mà nó dành cho chị cũng giống như người ta vẫn
thường dành cho mẹ. và niềm nhớ lúc đi xa, nỗi khao khát được nằm gần, được dúi
mũi mình vào da thịt người đó”. Còn với Nương: “tôi không dám nhớ tới má, bởi
ngay khi nghĩ đến má, lập tức hình ảnh ấy hiện ra. Theo đó là rực rỡ trên da thịt
màu vải má tôi vừa đổi được”. Người mẹ ấy đã gây ra cho những đứa con mình
một bi kịch của sự thiếu vắng tình thương, còn gì đau lòng hơn khi con không dám


nhớ tới mẹ, kí ức dường như là một gì đó quá đau lòng với Nương. Đau lòng hơn
khi càng lớn Nương càng giống mẹ, nó đã gieo lên nỗi nhớ má trong lòng Điền và
nỗi hận thù trong lòng ba, tuổi của Nương đúng lẽ phải được học tập, vui đùa thế
như với Nương công việc quá là khó khăn khi phải thay đổi chính mình: “Những
thói quen, những cái gì liên quan đến má tôi phủi gần sạch rồi, nhưng tôi làm sao
có thể từ bỏ hình hài nầy. Tôi đành để cha đánh mắng để ông bớt đau chút lòng”.
Mọi thứ dường như quá sức mà hằng ngày Nương phải cố gắng để thực hiện,
Nương phải sống khác đi với chính mình để ba đươc vui. Có lúc sự thiếu thốn tình
thương của hai đứa trẻ này mà độc giả không khỏi xót xa lòng: “phải chi ông nầy
là ông nội mình, thương đỡ chơi hen Hai?. Nghe câu đó tôi bổng thấy mình nghèo
rơi, nghèo rớt đến nỗi không có…ông nội để thương”. Chúng tập sống lạnh lùng và
vô cảm để không bị những trận đòn roi, chẳng dám yêu thương ai vì sợ không nỡ
chia lìa: “Sống đời mục đồng, chúng tôi buộc mình đừng yêu thương, quyến luyến

bất cứ ai, để khỏi ngậm ngùi, để lòng dững dưng khi cuốn lều, nhổ sào đi sang
cánh đồng khác, dòng kinh khác”. Không có mẹ, cha lại lạnh lùng, chúng tự học tất
cả, dù mỗi bài học đều có cái giá của nó. Để rồi như những cây hoang dại, chúng
lớn lên bằng nghị lực: “Nhìn bướm bay, nhìn mây tôi biết ngày nắng hay mưa.
Nghe bìm bịp kêu chúng tôi biết nước lên. Dừng ghe ở tuyến kênh nào, thằng Điền
trèo lên ngọn cây cao, ngó bao quát cánh đồng và tính toán xem có thể cầm vịt ở
đâu bao nhiêu lâu thì hết thức ăn, đúng chóc”. Thiếu vắng tình thương: “chị em tôi
học cách yêu thương đàn vịt hy vọng sẽ không bị đau như yêu thương một con
người nào đó. Nhiều khi nhìn thằng Điền dỏng tai coi mấy con vịt nói cái gì, tôi
giật mình”.
Bi kịch thiếu vắng tình thương đã làm Điền trở thành một cây hoang, vươn mình
đứng thẳng, nó đầy nghị lực. Thiếu vắng một vòng tay người mẹ để chăm chút, chỉ
bảo khi đến tuổi trưởng thành: “Điền chối bỏ niềm vui được trở thành một người
đàn ông thực thụ. Nó tự kìm hãm bản băng trổi dậy mạnh mẽ ở tuổi dậy thì bằng
tất cả sự miệt thị, giận dữ, căm thù. Nó phản kháng bằng cách trút sạch những gì
cha tôi có, cha tôi làm”. Và bi kịch hơn khi Nương nhận ra rằng: “tôi cảm giác sự
đổ vỡ khi Điền theo đuổi chị, và chị thì chạy theo cha”. Khi Sương ra đi, Điền đã
chạy theo để kiếm tìm, liệu rồi Điền sẽ đi về đâu với tuổi đời còn quá trẻ. Và rồi có
phải chăng là những bi kịch lại ra đời. Với Nương bi kịch luôn đeo bám nhân vật
này, vui chẳng dám cười, buồn chẳng dám khóc. Thiếu vắng tình thương nó không
biết phải xoay sở thế nào cho lần kinh nguyệt đầu tiên; “máu chảy giữa hai đùi


không tạnh được, tôi thụp xuống, bụm chỗ ấy lại. máu chảy từ từ qua kẽ tay, tôi
thấy mình rỗng ra, tái nhợt, chết dần”. cái kết của nhân vật này càng đáng thương
hơn, bao nhiêu khổ hạnh trên cỏi đời mà đấng sinh thành gây ra Nương phải gánh
chịu. Nương bị hãm hiếp trước mặt cha, thế nhưng bao nhiêu nghị lực mà Nương
đã tạo ra cho mình không đánh nhân vật này gục ngã, Nương nghĩ đến việc đặt tên
cho những đứa con nếu nàng có thai “đứa bé đó, nhất định nó sẽ đặt tên là Thương,
là Nhớ hay Dịu, Xuyến, Hường…đứa bé không cha nhưng chắc chắn được đến

trường, sẽ tươi tỉnh và vui vẻ sống đến hết đời vì được mẹ dạy, là trẻ con, đôi khi
nên tha thứ lỗi lầm của người lớn”. Những câu nói ấy của Nương chính là niềm tin
và nghị lực, Nương không muốn con mình sẽ sống đời mục đồng, nó sẽ có mẹ, nó
sẽ được bù đắp những gì mà Nương thiếu thốn.

Với Cánh đồng bất tận, Nguyễn Ngọc Tư đã phác họa những bi kịch của con người
với cái nghèo đeo bám. Mỗi nhân vật đều có một bi kịch riêng, nhưng điểm chung
là trực tiếp và gián tiếp chịu sự ảnh hưởng của sức mạnh đồng tiền. Đọc tác phẩm,
độc giả không khỏi bùi ngùi, xúc động. Nguyễn Ngọc Tư đã đưa lối khai thác mới
cho đề tài quen thuộc, bi kịch của con người dưới ngòi bút của chị hiện lên với tất
cả những gì khổ đau nhất. chị xứng đáng được xem là “hiện tượng” trong văn học
sau đổi mới.



×