Tải bản đầy đủ (.docx) (6 trang)

Thực tiễn xây dựng nhân vật và lựa chọn nhà văn

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (33.42 KB, 6 trang )

Thực tiễn xây dựng nhân vật và lựa chọn nhà văn
Vương Cường – 05-02-2015 07:54:09 AM

Trong khi vì mục tiêu tồn tại và phát triển ở từng giai đoạn lịch sử cụ thể, thực tiễn
vẫn âm thầm xây dựng các nhân vật đồng thời lựa chọn các nhà văn. Nhà văn bằng
ngôn ngữ của mình vừa phản ánh trung thực các nhân vật do thực tiễn xây dựng
nên, vừa thoả mãn nhu cầu thưởng thức của con người. Văn học nghệ thuật được
sinh ra từ yêu cầu thực tiễn lao động sản xuất, đấu tranh với thiên nhiên, giặc giã
và thưởng thức của con nguời trong hoạt động thực tiễn và đến lượt nó, tác động
lại thực tiễn, thúc đẩy thực tiễn phát triển theo quy luật khách quan.

Thực tiễn xây dựng nhân vật có thể mất nhiều hoặc ít thời gian. Điều này phụ
thuộc vào sự vận động khách quan của các hình thái kinh tế – xã hội. Xu thế ngày
càng rút ngắn, dường như thời gian ngày càng nhanh hơn, kiến thức ngày càng nén
chặt hơn, việc xây dựng nhân vật vì thế cũng nhanh hơn và lựa chọn nhà văn cũng
khắt khe hơn. Không nhất thiết thực tiễn phải xây dựng xong nhân vật, nhà văn vẫn
có thể hoàn thiện. Trong các tác phẩm lớn của văn học thế giới, nhân vật vừa được
thực tiễn vừa được nhà văn tài năng, đồng trục cùng hoàn thiện. Các nhân vật đó
luôn luôn là hình ảnh của lịch sử thu nhỏ từng giai đoạn. Ở nước ta, từ năm 1930
đến nay là giai đoạn văn học phát triển nhất, các nhân vật được ra đời gần như vậy.

Thực tiễn đã xây dựng các nhân vật chị Dậu, Chí Phèo mất bao nhiêu năm? Không
ai nói chính xác được, nhưng chắc chắn có trực tiếp 80 năm, người nông dân Việt
Nam phải sống trong một chế độ nửa thực dân, nửa phong kiến. Sự tha hoá con
người dưới hai tầng áp bức, bóc lột đó, đến những năm 30 (Thế kỷ XX) thì thực
tiễn xây dựng đến mức chị Dậu, Chí Phèo đã hiện hình phổ biến trong đời sống
nghèo nàn của nông dân Việt Nam. Nhà văn Ngô Tất Tố và Nam Cao bằng tài năng
đặc biệt của mình phát hiện và đưa chị Dậu, Chí Phèo từ trong đời sống thực tiễn
bước vào trang sách. Thực tiễn đã lựa chọn nhà văn: những tác phẩm phản ánh
trung thực đời sống đói khổ, rách rưới và tiếng kêu âm thầm đòi giải phóng của
người nông dân Việt Nam trước cách mạng tháng 8 năm 1945. Trên con đường xã




hội hoá, Chí Phèo là hình ảnh tương lai của chị Dậu, chị Dậu là hình ảnh quá khứ
của Chí Phèo mà thôi. Chị Dậu và Chí Phèo là các nhân vật văn học ấn tượng thế
kỷ XX.

Tuy nhiên cả Ngô Tất Tố và Nam Cao mới nhìn thấy nhân vật cụ thể trên con
đường tha hoá mà chưa thấy quá trình vận động của thực tiễn một cách tự giác. Do
đó, chị Dậu từ nhà cụ Cố ra thì trời tối đen như mực, thị Nở nhìn nhanh xuống
bụng bên trong có một Chí Phèo con. Nhưng thực tiễn đang tìm đường đi đến
tương lai. Ở đây, giữa nhà văn và thực tiễn không hoàn toàn thống nhất với nhau.
Một số nhà văn ít tin vào những người nông dân có thể làm việc đổi đời. Thực tiễn
thì không thế. Mấy năm sau, chính những người nông dân như chị Dậu đã vùng lên
dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam làm cuộc cách mạng tháng Tám để
giải phóng chính mình, họ đã là nhân vật mới. Không biết trong những người vác
bó tre chạy “Kháng chiến có 3 giai đoạn…” trong Đôi mắt của Nam Cao, có chị
Dậu và Chí Phèo chăng?

Giữa việc xây dựng nhân vật và lựa chọn nhà văn có một mối quan hệ. Có khi xây
dựng được nhân vật mà thiếu nhà văn thể hiện. Chế Lan Viên từng viết: nếu không
có truyện Kiều, thế kỷ đi tay không để viết về thế kỷ XVIII đó sao? Nhưng muốn
phát hiện được nhân vật, nhà văn phải có một thế giới quan và phương pháp khoa
học nhìn nhận sự vận động của thực tiễn trong các quy luật. “Sự vận động chính là
ở chỗ, mâu thuẫn đó cứ luôn luôn nảy sinh ra và đồng thời tự giải quyết lấy”. Con
người nhận thức được quá trình lịch sử tự nhiên, khách quan hoá quá trình đó có
thể chủ động thúc đẩy lịch sử phát triển rút ngắn. Nhà văn có thể sáng tạo các nhân
vật, tạo ra các tác phẩm có giá trị. Thiếu thế giới quan với phương pháp luận, nhà
văn không thể mô tả nhân vật mình trọn vẹn trên quỹ đạo phát triển xã hội, và rất
khó thu hút được độc giả. Rasun Gamzatov rất có lý khi ông khuyên các nhà văn
trẻ: Đừng nói: “Trao cho tôi đề tài!” Hãy nói “Trao cho tôi đôi mắt”.


Người đọc và nhà văn có cái chung là sự vận động của thực tiễn. Nhà văn mang
đến cho người đọc hình ảnh thực tiễn thông qua các nhân vật. Người đọc đứng


giữa một bên là thực tiễn, còn bên kia là ảnh của thực tiễn, tức là các nhân vật.
Những tác phẩm phản ánh đúng thực tiễn đã nói hộ người đọc những tâm tư,
nguyện vọng, những tình cảm yêu, ghét… Trên con đường hướng tới tương lai, nhà
văn trở thành người bạn, người thầy quý mến của họ. Văn học nước ta mấy chục
năm qua rất giỏi mô tả đời sống hiện thực, nhưng đều hạn chế sự mô tả vận động
của thực tiễn. Nhà văn viết bằng tâm huyết, tài năng bẩm sinh mà chưa đầy đủ một
phương pháp nhìn xuyên suốt sự vận động của thực tiễn.Thời xa vắng của Lê Lựu
là những trang viết trung thực, xúc động một thời con người bị tha hóa trong cơ
chế bao cấp không có lối ra.

Trong việc loại bỏ nền sản xuất hàng hoá ra khỏi đời sống xã hội các nước XHCN
từ năm 1927 thì sự phát triển ảo tưởng, duy ý chí bắt đầu từ đó. Xa rời quy luật
khách quan, không tuân thủ quy luật khách quan là đặc điểm của giai đoạn này. Ở
nước ta khi thực hiện cách mạng dân tộc, dân chủ, phần nào cơ chế bao cấp bị che
lấp những hạn chế, mục tiêu lớn nhất là giải phóng đất nước, tất cả vì tiền tuyến,
tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Đó là thời kỳ cả đất nước có chung nụ
cười, có chung khuôn mặt (ý thơ Chế Lan Viên).

Khi lịch sử bước sang giai đoạn khác, tất cả đều ngơ ngác trước một quán tính ít
phù hợp thực tiễn mới. V.I.Lênin có nói đại ý, kéo dài ưu điểm thì chính là khuyết
điểm. Thực tiễn đã xây dựng nhân vật Giang Minh Sài trong bối cảnh đó. Ngòi bút
tài năng của Lê Lựu đã mô tả chính xác, ấn tượng, hợp lý. Nhưng rồi trước sự bế
tắc do nhận thức của con người, thực tiễn vẫn tự tìm đường đi của nó. Giang Minh
Sài là tiếng kêu của lực lượng sản xuất đòi đổi mới để phát triển. Nhưng Lê Lựu đã
không nghe thấy và do đó chừng mực nào ta vẫn thấy giữa “Thời xa vắng” với

“Tắt đèn”, “Chí Phèo” có điểm giống nhau. Khi Giang Minh Sài bỏ vợ con về quê
dù làm chủ nhiệm HTX dùng mô hình VAC chăng nữa, thực tiễn không đòi giải
pháp như thế mà đòi hỏi cao hơn một nền sản xuất hàng hóa, một nền sản xuất cho
người khác để phát triển.


Từ năm 1986 đến nay, quy luật phát triển kinh tế – xã hội nước ta chứng minh điều
đó. Sau năm 1989, kinh tế hàng hoá, kinh tế thị trường đã vào thực tế nước ta. Sự
vận động và phát triển, do nó đem lại đã bắt đầu. Mâu thuẫn của sự phát triển ở
nước ta trong giai đoạn này phải chăng là vượt qua nghèo đói để đi đến giàu có văn
minh trong thực tế lạc hậu? Đọc “Mảnh đất lắm người nhiều ma” của nhà văn
Nguyễn Khắc Trường cũng gây ấn tượng tốt, nhưng mâu thuẫn trong quá trình đi
lên của nông thôn Bắc bộ có phải là mâu thuẫn dòng họ? Mâu thuẫn đó có phải là
mâu thuẫn cơ bản? Mặc dù là cuốn sách hay, nhưng phương pháp lại có gì rất cũ,
chủ quan, phảng phất những tư duy như đã trình bày trên. Kinh tế hàng hoá, kinh tế
thị trường sớm muộn cũng giải phóng những quan hệ kinh tế không phù hợp trên
con đường đi của nó.

Xây dựng nền kinh tế thị trường, phù hợp quy luật lịch sử để giải quyết vấn đề lạc
hậu, nghèo đói tiến tới văn minh trong điều kiện toàn cầu hoá, quốc tế hoá mà mỗi
bước đi của nó đều tạo ra nhiều thời cơ và lắm thách thức. Thậm chí thách thức còn
nằm trong mỗi thời cơ. Nước ta đã đi trên con đường ấy hơn 20 năm, bộ mặt xã hội
có nhiều thay đổi bất ngờ. Nhưng sự phát triển nhanh của thế giới có tính liên
hoàn, dường như đã làm cho tất cả chúng ta đều ít nhiều lạc hậu. Chúng ta từng
quen, mất mùa nông dân rất khổ, nhưng bây giờ lại chứng kiến được mùa có khi
nông dân còn khổ hơn. Ấy là chưa nói chúng ta đang sống cận kề – một thế giới
nghiêng về tri thức. Cơ cấu giá trị trong đơn vị hàng hoá của nhiều nước đã chiếm
70-80% giá trị lao động chất xám, giá trị lao động sống chỉ chiếm 20-30%. Sự co
kéo giữa giàu và nghèo không nằm trong một quốc gia. Cuộc chiến tranh kinh tế
mà trước hết là nhân lực và công nghệ. Công nghệ thế giới đã thay đổi thế hệ sau

1-2 năm. Công nghệ thông tin thay đổi theo tháng chứ không phải theo năm. Công
nghệ nước ta lạc hậu lại nằm trong nghịch lý. Công nghệ tiên tiến thì loại bỏ người
lao động ra khỏi dây chuyền, nhưng ổn định chính trị – xã hội lại là điều kiện tiên
quyết để phát triển. Nhân lực đào tạo ít đáp ứng thực tiễn kinh tế thị trường. Giáo
dục – Đào tạo còn trong cơn mê chạy theo thành tích. Khoa học chưa liên quan
trực tiếp với nền sản xuất xã hội.


Khác với thời chị Dậu, Chí Phèo, Giang Minh Sài, yếu tố thời đại đã trực tiếp cùng
thực tiễn nước ta xây dựng nhân vật. Nhân vật được tạo ra trong cuộc chiến tranh
kinh tế của thời đại mà giá rẻ là những cỗ trọng pháo có thể bắn thủng bất kỳ bức
trường thành nào. Nhân vật của chúng ta có thể hôm qua còn cấy gặt, hôm nay đã
là thị dân. Sự chuyển hóa này mang tính cơ học, không đủ thời gian cho sự biến
đổi. Nhân vật chúng ta nhiều kiến thức mà ít được thực tiễn thừa nhận, nhiều GS,
TS không vì thế mà lao động chất xám tăng lên. Những công nhân bậc cao trong
cơ chế cũ bỗng thừa ra trước những công nghệ mới. Nhân vật ngơ ngác trước các
hàng rào thuế quan bị xoá bỏ mà hàng rào cục bộ lại mọc lên nhiều hơn. Các yếu
tố văn hóa truyền thống cần cho sự phát triển cũng có nguy cơ bị mặt trái kinh tế
thị trường xóa bỏ. Dường như các nhân vật của chúng ta dưới tác động của kinh tế
thị trường nhiều màu sắc thời đại vừa thoáng hiện lại thoáng mất, rất khó định
hình. Sự vật chỉ đứng yên tạm thời chốc lát lại biến hóa ngay. Tình hình văn học
nghệ thuật trong những năm đổi mới cũng cho thấy điều đó: nhiều tác phẩm được
giải lại viết về quá khứ. Viết về thực tại vẫn sơ lược, dấu ấn thời đại, thực tiễn đất
nước vọng vào tác phẩm yếu ớt. Quỹ đạo Văn học Nghệ thuật chưa thể hiện được
dáng dấp quỹ đạo phát triển nói chung. Người đọc tìm về văn học nhưng ít được
chia sẻ. Trước đây trong cơ chế bao cấp, ngược về lịch sử, nhà văn viết dễ hơn,
thậm chí nhà văn đủ sức đi trước để dắt dẫn dư luận, mở đường phát triển. Nhưng
ngày nay, dường như khả năng đó bị chững lại. Tôi có nghe nhà văn Chu Lai nói
đại ý là, trước đây một cuốn tiểu thuyết anh viết có thể 6 tháng, riêng “Cuộc đời
dài lắm” mất 2 năm vì anh cần hiểu cổ phần hóa doanh nghiệp, thị trường chứng

khoán… Trong muôn vàn quan hệ tạo lập, góp phần xây dựng nhân vật của nhà
văn, có những khái niệm, những lý thuyết được rút ra từ thực tế lại tác động vào
thực tế, và giúp hình thành các nhân vật mới. Tác động của những quan hệ kinh tế
– xã hội – văn hóa mới vào nhân vật, qua hàng trăm nẻo đường. Thực tiễn thách
thức chúng ta trên mọi phương diện. Viết văn trong điều kiện hiện nay mới khó
làm sao. Nhà văn còn có cái nhìn của nhà văn hoá, của nhà triết học. Nền kinh tế
thị trường dị ứng với những kinh nghiệm. Nó ít can đảm chờ đợi kinh nghiệm, nó
buộc con người phải nhận thức tự giác. Vì vậy mà các nhân vật do thực tiễn đang
xây dựng chưa rõ hình hài, phải là nhà văn tài năng mới thể hiện được. Tôi có một
vài lần đem chuyện trên nói với vài nhà văn có thời là chủ lực, các anh đều thừa
nhận, giờ viết khó qúa. Tuy vậy, thực tiễn mới sẽ lựa chọn được nhà văn mới cho
mình.


Tư duy của nhà triết học, thẩm mỹ của nhà văn hoá, tài năng thiên bẩm và sự tu
luyện hoà quyện lại, phải chăng thực tiễn đang lựa chọn những tiêu chuẩn như vậy
đối với các nhà văn? Có khi con người không giúp, góp cùng thực tiễn trên con
đường đẩy nhanh tới tương lai. Nhưng thực tiễn cũng tự mình tìm được hướng tới
tương lai. Trên con đường đó, thực tiễn không quên xây dựng nhân vật và lựa chọn
các nhà văn. Hy vọng các nhân vật được các nhà văn phát hiện và các nhà văn
được thực tiễn lựa chọn.

(Nguồn: Báo Văn nghệ số 4/2015)



×