PHÒNG GD&ĐT ÂN THI
TRƯỜNG TIỂU HỌC TÂN PHÚC
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆTNAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
Số : 26 /BC-THTP
Ân Thi, ngày 07 tháng 5 năm 2019
BÁO CÁO
Tình hình thực hiện Mô hình trường học mới Việt Nam, Bàn tay nặn bột, Mĩ
thuật Đan Mạch, Tiếng Việt CNGD, dạy học Âm nhạc, Hoạt động giáo dục ngoài
giờ lên lớp theo định hướng phát triển năng lực
(Kèm theo CV 137/PGDĐT-GDTH ngày 26/4/2019)
I. Mô hình trường học mới Việt Nam
1. Thuận lợi, khó khăn
1.1 Thuận lợi:
Nhà trường đảm bảo 1 lớp/ phòng và sĩ số học sinh không nhiều nên rất
thuận lợi cho dạy và học theo mô hình trường học mới. Thiết kế của bài học mô
hình trường học mới được xây dựng 3 trong 1, điều đó rất tiện cho GV và HS
trong hoạt động dạy và học. Sách đa số kênh hình và kênh chữ rõ ràng, dễ hiểu
giúp học sinh tiếp cận bài học một cách dễ dàng. Học tập theo mô hình trường
học mới giúp học sinh phát huy tính tự học, sáng tạo, tính tự giác, tự quản, sự tự
tin, hứng thú trong học tập. Với phương pháp dạy học mới, giúp các em phát
huy tốt các kĩ năng: KN giao tiếp, KN hợp tác, KN tự đánh giá lẫn nhau trong
giờ học.Phát huy tính tích cực của học sinh thông qua các kí hiệu của từng hoạt
động: HĐ cá nhân, HĐ cặp đôi, HĐ nhóm, HĐ chung cả lớp, HĐ với cộng
đồng.
Dạy học theo mô hình trường học mới tạo điều kiện đẩy mạnh đổi mới
PPDH và các hình thức dạy học trên cơ sở tổ chức các hoạt động phát huy tính
tích cực, chủ động, khả năng tự học của học sinh. Tăng khả năng thực hành, vận
dụng, chú ý tích hợp với hoạt động phát triển ngôn ngữ của học sinh thông qua
các hoạt động học tập. Chú trọng khai thác và sử dụng những kinh nghiệm của
học sinh trong đời sống hàng ngày. Gắn kết giữa nội dung dạy học với đời sống
thực tiễn của học sinh, của cộng đồng thông qua HĐ ứng dụng của mỗi bài. Và
khuyến khích HS tích luỹ kiến thức qua gia đình, cộng đồng, rèn cho các em kĩ
năng giai quyết các vấn đề, các khó khăn của chính bản thân.
Nhờ sự thay đổi cách thức thiết kế về kênh hình và kênh chữ màu sắc bắt
mắt khiến học sinh có hứng thú trong học tập. Bên cạnh đó mỗi bài học được
thiết kế theo cấu trúc của 10 bước học tập và 5 bước giảng dạy nên rất thuận lợi.
1.2 Khó khăn:
Yêu cầu của chương trình là học sinh khi học lên lớp 2 phải biết đọc và viết
thành thạo, thì mới tự học được, nhưng thực tế còn số ít học sinh kĩ năng đọc
còn hạn chế nên khả năng tự học chưa hiệu quả. Số lượng học sinh làm nhóm
trưởng để điều hành hoạt động nhóm không nhiều. Môn Tự nhiên-Xã hội không
có phân phối chương trình cụ thể nên GV còn lúng túng khi dạy. Mô hình học
nhóm suốt trong buổi học, tạo cho một bộ phận học sinh có cơ hội nói chuyện
riêng và ỷ lại vào người khác.GV khó kiểm soát hết hoạt động học tập của học
sinh. Phòng học hẹp. Không phát huy được khả năng sáng tạo của giáo viên,
những hoạt động ứng dụng cho học sinh rất rập khuôn. Không sử dụng tới các
thiết bị ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học. Nhiều ngữ liệu chưa
phù hợp với các vùng, miền. Các logo có khi không phù hợp với các trường, các
lớp. Chưa khai thác được trí thông minh của học sinh, học sinh học tập rất ồn.
2. Một số kết quả
Nhà trường thực hiện khối lớp 2-3-4 thực hiện mô hình trường học mới
toàn phần; các lớp khối 5 áp dụng dạy học Mô hình trường học mới ở môn
Khoa học, Lịch sử và Địa lí. Nhìn chung, mô hình trường học mới mặc dù vẫn
còn những hạn chế (quan điểm của xã hội, điều kiện cơ sở vật chất, tài liệu
hướng dẫn học, nhận thức của phụ huynh, trình độ của giáo viên) nhưng cơ bản
đã thể hiện được những ưu điểm vượt trội so với mô hình dạy học truyền thống.
Cách thức tổ chức tài liệu học “ba trong một” cùng với hình thức dạy học nhóm
triệt để đã tạo nên điểm đổi mới thuyết phục của mô hình dạy học này. Theo đó,
người học thực sự là trung tâm của quá trình giáo dục. Giáo viên thực sự trở
thành người hướng dẫn, tổ chức cho học sinh trải nghiệm, tự rút ra kiến thức
mới.
Qua hai năm thực hiện, chất lượng học sinh nâng lên rõ rệt. Đặc biệt là kĩ
năng tự học, tự tin giao tiếp tốt. Giáo viên khá thành thạo trong dạy học theo mô
hình trường học mới; có nhiều giáo viên đạt giải cao trong hội thi giáo viên dạy
giỏi cấp huyện.
3. Giải pháp, kiến nghị
3.1 Giải pháp
Nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lý và giáo viên về ưu điểm của mô
hình trường học mới; làm tốt công tác tuyên truyền đến cha mẹ học sinh và
cộng đồng về tính ưu việt của mô hình trường học mới để cha mẹ học sinh và
cộng đồng yên tâm ủng hộ nhà trường.
Tăng cường bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho giáo viên. Bước vào
năm học mới, giáo viên được bồi dưỡng thông qua chuyên đề chuyên môn theo
trường và cụm trường, thông qua sinh hoạt tổ, nhóm chuyên môn về dạy học
theo mô hình trường học mới. Bên cạnh đó, tăng cường dự giờ thăm lớp để rút
kinh nghiệm trong quá trình giảng dạy. Ban giám hiệu tích cực giờ thăm lớp hỗ
trợ giáo viên. Chỉ đạo giáo viên chuẩn bị tốt những tiết học chuẩn bị trước khi
vào dạy học theo mô hình trường học mới, nhất là khối lớp 2 năm đầu học sinh
làm quen với mô hình này.
Nhà trường làm tốt công tác tham mưu với chính quyền, vận động các
lực lượng xã hội cùng tham gia, trao đổi với cha mẹ học sinh tạo ra sự đồng
thuận trong triển khai mô hình trường học. Nhà trường đầu tư kinh phí trang bị
hệ thống biểu bảng theo quy định, một số công cụ hỗ trợ trong dạy học theo mô
hình này. Huy động cha mẹ học sinh cùng tham gia trang trí lớp học. Mua sắm
bàn ghế đạt chuẩn theo quy định.
Giáo viên làm tốt công tác chủ nhiệm lớp như thường xuyên thay đổi hội
đồng tự quản, luân phiên nhóm trưởng, thay đổi chỗ ngồi cho học sinh… Với
lớp đông học sinh hoặc dạy bộ phận có thể vẫn ngồi theo mô hình truyền thống
đến tiết học hoạt động nhóm thì quay lại.
Tổ chuyên môn đẩy mạnh tăng cường sinh hoạt chuyên môn theo nghiên
cứu bài học, giáo viên mạnh dạn thay đổi logo, điều chỉnh nội dung dạy học
cho phù hợp với tình hình thực tế của lớp; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông
tin vào dạy học để mở rộng khắc sâu kiến thức cho học sinh. Xây dựng hệ
thống bài tập để phát triển năng lực cho học sinh.
3.2. Kiến nghị
Một là, dạy mô hình trường học mới cần dạy toàn phần không nên dạy
bộ phận một môn Tự nhiên Xã hội sẽ không hiệu quả.
Hai là, cần cung cấp thêm cho giáo viên những tài liệu để nâng cao chất
lượng vì sách tham khảo dành cho mô hình này rất ít.
II. Bàn tay nặn bột
1. Thuận lợi, khó khăn
1.1. Thuận lợi
Phương pháp BTNB là một phương pháp có tiến trình dạy học rõ ràng, dễ
hiểu, áp dụng được ở điều kiện các trường Tiểu học hiện nay.
Giáo viên được tập huấn, bồi dưỡng thường xuyên thông qua chuyên đề
chuyên môn do các cấp tổ chức nên giáo viên nắm chắc phương pháp và vận
dụng khá tốt vào giảng dạy môn Tự nhiên -Xã hội và Khoa học ở tiểu học.
Học sinh tích cực tham gia hoạt động thí nghiệm để tìm tòi, phát hiện kiến
thức. Học sinh được thực nghiệm nhiều hơn; sự chuẩn bị bài từ hai phía cho việc
chiếm lĩnh kiến thức mới: Giáo viên - học sinh.
1.2. Khó khăn
a) Về điều kiện, cơ sở vật chất
Trang thiết bị chưa đầy đủ, còn thiếu các phương tiện hỗ trợ hoạt động
báo cáo, thảo luận của học sinh như máy tính, máy chiếu vật thể,…Dụng cụ thí
nghiệm còn chưa đồng bộ và độ chính xác không cao nên rất khó khi học sinh tự
làm thí nghiệm.
b) Chương trình sách giáo khoa
Học sinh thường lệ thuộc vào nội dung có sẵn trong sách giáo khoa, hạn
chế đến việc tìm tòi, tự bộc lộ quan điểm, ý kiến cá nhân.
c) Về đội ngũ giáo viên
Với phương pháp BTNB, để có thể cung cấp những kiến thức toàn diện và
kỹ năng thực hành mới cho học sinh sẽ mất rất nhiều thời gian, đòi hỏi giáo viên
cần phải có sự chuẩn bị kỹ càng, chu đáo, dự kiến nhiều tình huống cần giải
quyết… Nếu không sẽ ảnh hưởng đến thời lượng của toàn tiết học và các môn
học khác.
Áp dụng phương pháp BTNB, nếu kiến thức khoa học, năng lực giáo viên
hạn chế sẽ bỡ ngỡ, lúng túng trong việc trả lời, giải đáp các câu hỏi, thắc mắc
của học sinh nêu ra …
Để không lộ ý đồ dạy học nên giáo viên phải chuẩn bị nhiều dụng cụ thí
nghiệm cho nhiều nhóm học sinh.
d, Về học sinh
Một số lớp học sinh đông nên việc tổ chức học tập theo nhóm rất khó
khăn trong tổ chức các hoạt động thực tế cho học sinh. Trình độ của học sinh
không đồng đều.
2. Một số kết quả
Giáo viên nắm chắc tiến trình dạy học, chủ động soạn bài, tích cực suy
nghĩ, tìm tòi các thí nghiệm dạy học theo phương pháp Bàn tay nặn bột.
Học sinh hứng thú trong học tập, các em được tự tìm tòi, tự khám phá và
tìm ra kiến thức mới nên các em rất thích. Học sinh hiểu bài chắc và khắc sâu
được kiến thức. Đồng thời phương pháp dạy học “Bàn tay nặn bột” cũng góp
phần giúp học sinh phát triển năng lực quan sát, thực hành; kĩ năng làm việc hợp
tác theo nhóm,... rèn được nhiều kỹ năng: kỹ năng diễn đạt qua ngôn ngữ nói,
viết; tự tin, mạnh dạn hơn khi diễn đạt trước đám đông.
Qua thời gian áp dụng với phương pháp dạy học Bàn tay năn bột tại
trường cho thấy đây là một phương pháp dạy học rất hiệu quả đối với môn học
khoa học tự nhiên. 100% học sinh hoàn thành nội dung môn học.
3. Giải pháp, kiến nghị
3.1. Giải pháp
Giáo viên đứng lớp thực hiện nghiêm túc, trao đổi thống nhất trong
nhóm chuyên môn về từng bài dạy có thể vận dụng phương pháp thực hiện,
đánh giá rút kinh nghiệm trong họp tổ nhóm chuyên môn để đảm bảo tất cả các
giáo viên đều có thể thiết kế và vận dụng thành thạo để nâng cao chất lượng
dạy học.
Khối chuyên môn lựa chọn các bài trong môn học có thể áp dụng
phương pháp BTNB ghi vào sổ đầu bài những bài dạy có áp dụng phương pháp
bàn tay nặn bột và thực hiện trong quá trình dạy học.
Giáo viên cần chuẩn bị tốt các dụng cụ thí nghiệm cho học sinh; trước khi
lên lớp giáo viên phải tiến hành làm thí nghiệm trước để xem kết quả thí nghiệm
có xảy ra không? Cần cho các em tự do trao đổi để đưa ra dự đoán ban đầu.
Đồng thời giáo viên phải luôn trang bị cho mình một vốn kiến thức chắc chắn
mới có thể giải quyết các tình huống nảy sinh trong tiết học vì vậy đòi hỏi người
giáo viên phải nghiên cứu bài trước khi dạy.
3.2 Kiến nghị
Một là, tăng cường dự giờ bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên.
Hai là, đầu tư trang thiết bị, dụng cụ thí nghiệm để cho học sinh thực
hành.
Ba là, cho phép giáo viên kéo dài thời gian cho tiết học theo quy định nếu
như thí nghiệm chưa thành công.
III. Mỹ thuật Đan Mạch
1. Thuận lợi, khó khăn
1.1. Thuận lợi.
Nhà trường đã có phòng chức năng riêng cho môn Mĩ thuật, giáo viên
được tập huấn dạy môn Mĩ thuật phương pháp mới của Đan Mạch nên nắm
vững quy trình dạy học. Học sinh rất hứng thú với phương pháp mới.
1.2. Khó khăn.
Tuy nhà trường đã có phòng chức năng riêng và có tủ đựng đồ dùng
nhưng quá nhỏ nên việc cất giữ đồ dùng của tất cả các khối lớp gặp nhiều khó
khăn.Thời gian điều tiết chương trình phải phụ thuộc vào thời gian hoạt động
chung của toàn trường đối với những môn học khác nên tiết học chưa liền mạch
khoảng cách các tiết cách nhau quá xa nên học sinh bị gián đoạn.
2. Kết quả đạt được.
Tuy bước đầu tổ chức dạy học theo phương pháp mới còn gặp nhiều khó
khăn về cơ sở vật chất, các điều kiện phục vụ dạy học,... nhưng bằng sự sáng
tạo, nhiệt tình và tâm huyết với nghề, không ngại khó khi tiếp cận với phương
pháp mới. Những tiết dạy được áp dụng theo phương pháp mới của Đan Mạch
đã đạt được một số kết quả như sau:
Giáo viên biết cách lập kế hoạch và tổ chức những quy trình dạy học linh
hoạt phù hợp với điều kiện của địa phương. Tổ chức đánh giá liên tục quá trình
học mĩ thuật để phát triển các năng lực học tập, khả năng sáng tạo và kĩ năng
sống cho mỗi học sinh. Phối hợp và chia sẻ kinh nghiệm với các đồng nghiệp.
Học sinh say mê học tập hơn, không bị áp lực nhiều về mặt thời gian hoặc
sợ mình không làm được. Đối với học sinh có năng khiếu thì được bộc lộ khả
năng của mình, qua đó tinh thần hợp tác nhóm trong môn Mĩ thuật và các môn
học khác được nâng cao.
3. Giải pháp, kiến nghị
3.1. Giải pháp
Tiếp tục triển khai dạy học Mĩ thuật theo phương pháp Đan Mạch theo
Công văn số 578/SGDĐT- GDTH ngày 18/5/2016 của Sở Giáo dục và Đào tạo.
Giáo viên chủ động sắp xếp bài dạy theo tinh thần nhóm các bài học thành các
chủ đề, lập kế hoạch cho từng hoạt động hoặc cho toàn quy trình mĩ thuật phù
hợp với tình hình thực tế, dạy 1 tiết/ tuần. Giáo viên tích cực sử dụng tài liệu
“Dạy học Mĩ thuật dành cho giáo viên tiểu học” và sử dụng các quy trình của
phương pháp mới để thực hiện các bài dạy.
Ban giám hiệu; tổ trưởng chuyên môn chủ động theo dõi, rút kinh nghiệm
hỗ trợ kĩ thuật cho giáo viên, tạo điều kiện cho giáo viên tham gia sinh hoạt theo
cụm trường.
3.2. Kiến nghị
Một là, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang bị thêm tủ đựng sản phẩm
của học sinh.
Hai là, cho phép xã hội hóa giáo dục để huy động cha mẹ học sinh cùng
tham gia chuẩn bị đồ dùng cho con.
III. Thực hiện dạy Tiếng Việt CNGD
1. Thuận lợi, khó khăn
1.1 Thuận lợi:
Giáo viên không phải soạn bài nên có thời gian nghiên cứu thiết kế bài
giảng có sẵn của sách công nghệ giáo dục. Giáo viên chỉ cần thực hiện đúng, đủ
quy trình trong sách thiết kế. Tài liệu thiết kế chi tiết cho các dạng bài, các mẫu
của từng tiết dạy. Việc chuẩn bị đồ dùng dạy học của giáo viên ít hơn, cũng đơn
giản, nhẹ nhàng hơn, đa số các thao tác đều có sẵn trong thiết kế bài giảng.
1.2. Khó khăn
Trong tiết dạy, giáo viên phải nói, làm việc khá nhiều; tiết học kéo dài vì
nội dung mới, nhiều kể cả đọc kể cả viết. Một số bài dạy mẫu 4 vần nên thời
gian không đảm bảo. Thời gian đầu học sinh làm quen nên đọc nhưng không
nhận diện được mặt chữ. Vì thế dư luận xã hội không đồng thuận với chương
trình này nên giáo viên gặp phải một số khó khăn. Ở hoạt động hướng dẫn viết
chưa có bộ mẫu chữ cho học sinh quan sát.
2. Kết quả đạt được.
Trong năm học giáo viên được bồi dưỡng 2 chuyên đề cấp cụm trường.
Giáo viên đã nắm chắc và thực hiện thành thạo các khâu bước, quy trình dạy;
các việc được hoạt động khá linh hoạt. Tổng số lớp được học 3/3 lớp , tổng số
học sinh được học 112/112 = 100%. Học sinh đều đọc thông, viết thạo nắm
vững luật chính tả.
3. Giải pháp, kiến nghị
3.1. Giải pháp
Nhà trường lựa chọn giáo viên có chuyên môn tốt, có kĩ năng làm việc
với trẻ để dạy lớp 1. Giáo viên nghiên cứu kĩ tài liệu hướng dẫn; thiết kế dạy
học và băng hình để thực hiện dạy môn Tiếng Việt lớp 1 công nghệ giáo dục.
Giáo viên làm tốt công tác truyền thông để phụ huynh học sinh hiểu và
yên tâm về chất lượng dạy học Tiếng Việt 1 - CNGD trước dư luận trên mạng
xã hội.
Chú trọng rèn kĩ năng hoạt động cho học sinh theo quy trình học, yêu cầu
100% học sinh tham gia hoạt động học tập; không bỏ sót học sinh nào.
Trong quá trình triển khai đến mẫu bài nào giáo viên xem băng mẫu
phần đó và thống nhất trong tổ chuyên môn về cách thức thực hiện từng phần.
BGH tổ chức cho tổ chuyên môn tăng cường sinh hoạt chuyên môn, dự
giờ rút kinh nghiệm; hội đồng nhà trường thống nhất từ khâu nhận thức đến quá
thực hiện, tuyên truyền tư vấn cho phụ huynh học sinh để phụ huynh học sinh
phối hợp trong quá trình thực hiện.
Giáo viên phân loại mức độ học tập của từng học sinh, đối với những học
sinh hạn chế, giáo viên báo cáo ban giám hiệu, phối hợp với phụ huynh uốn nắn
ngay từ đầu năm học đến nay 100% học sinh đạt yêu cầu biết đọc; viết;...
Đầu tư kinh phí mua bộ chữ mẫu, mua bảng ô li nhằm giúp giáo viên thuận lợi
trong quá trình dạy.
3.2. Kiến nghị
Một là, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang bị cho mỗi lớp một bộ chữ
mẫu.
Hai là, tăng cường hỗ trợ tư vấn về phương pháp dạy cho giáo viên nhiều
hơn nữa.
V. Dạy học Âm nhạc
1. Thuận lợi, khó khăn
1.1. Thuận lợi:
Trường đạt chuẩn quốc gia nên có phòng học Âm nhạc, có đầy đủ trang
thiết bị tối thiểu phục vụ dạy học âm nhạc. Giáo viên âm nhạc đều có trình độ
đại học được tập huấn dạy học theo định hướn phát triển năng lực. Đa số các em
học sinh yêu thích âm nhạc, một số em tỏ ra có năng khiếu âm nhạc.
1.2. Khó khăn:
Nhà trường chưa có phòng học Mĩ thuật riêng. Giáo viên hạn chế trong
việc sử dụng nhạc cụ đàn. Học sinh vùng nông thôn, trình độ âm nhạc không
đồng đều nên việc tổ chức học sinh trải nghiệm chiếm lĩnh kiến thức âm nhạc
còn hạn chế. Các em chưa coi trọng môn học, coi đây là môn học phụ nên hình
thành thái độ không nghiêm túc, thiếu tập trung, chưa thực sự chú ý vào việc học
làm ảnh hưởng đến không khí học tập chung của lớp. Giáo viên ít sử dụng các
phương tiện dạy học bổ trợ như tranh ảnh, các loại máy nghe nhạc, băng, đĩa để
giới thiệu. Việc đổi mới phương pháp giảng dạy còn chậm.
2. Một số kết quả
Giáo viên đã nắm chắc 4 mục tiêu và 5 hoạt động dạy học theo định
hướng phát triển năng lực; các hoạt động được vận dụng khá linh hoạt. Giáo
viên tham gia 4 lượt sinh hoạt chuyên môn theo môn học cấ huyện. Tổng số lớp
được học 13/13 lớp, tổng số học sinh được học 420/420 = 100%.
3. Giải pháp, kiến nghị
3.1. Giải pháp
Chỉ đạo giáo viên soạn giảng theo định hướng phát triển năng lực; tăng
cường công tác dự giờ thăm lớp, sinh hoạt chuyên môn theo cụm trường
3.2. Kiến nghị
Đề nghị tăng cường sinh hoạt chuyên môn theo môn học nhiều hơn. Vì
mỗi trường chỉ có 1 đến 2 giáo viên Âm nhạc nên đề nghị giáo viên tăng cường
dự giờ trên Internet để học hỏi.
VI. Hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp theo định hướng phát triển
năng lực
1. Thuận lợi, khó khăn
1.1. Thuận lợi
Trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 nên hoạt động giáo dục ngoài giờ đi
vào nền nếp. Ban giám hiệu quan tâm sâu sát, chỉ đạo sát sao hoạt động giáo dục
ngoài giờ. Tổng phụ trách tâm huyết có năng lực tổ chức các hoạt động ngoài
giờ, được tập huấn đầy cách tổ chức hoạt động giáo dục ngoài giờ theo định
hướng phát triển năng lực. Giáo viên chủ nhiệm tích cực tham gia, cùn tổ chức
cho học sinh.
1.2. Khó khăn
Nguồn kinh phí còn hạn chế nên việc tổ chức các hoạt động ở nhà trường
còn chưa nhiều. Những hoạt động trải nghiệm thực tế ngoài nhà trường tại địa
phương còn chưa nhiều. Học sinh lớp 1,2,3 còn nhỏ nên việc hướng dẫn để các
em tự tổ chức các hoạt động trải nghiệm rất vất vả.
2. Một số kết quả
Trường đã tổ chức 1 chuyên đề về tổ chức các hoạt động trải nghiệm sáng
tạo ở trường tiểu học.
Nhà trường đã thay đổi hình thức chào cờ theo định hướng phát triển
năng lực, học sinh tự thiết kế nội dung chào cờ dưới sự định hướng của giáo
viên trực ban và giáo viên tổng phụ trách.
Học sinh tham gia sinh hoạt tập thể ngày khai giảng, ngày 20/11, ngày
22/12 đã tỏ chức học sinh viếng nghĩa trang liệt sỹ, mời cựu chiến binh nói
chuyện, thi văn nghệ, khiêu vũ thể thao... Tổ chức học sinh trải nghiệm tết Hàn
thực, trải nghiệm dã ngoại ở Cố Đô Hoa Lư và khu học tập Núi Ngăm. Thi đấu
bóng đã cấp trường, cấp huyện đoạt giải Ba, có hai cầu thủ tham gia thi đấu cấp
tỉnh...
Tổ chức sân chơi cho học sinh như Trạng nguyên Tiếng Việt có 5 em đoạt
giải cấp tỉnh ( 1 nhì, 1 Ba, 3KK) Thi viết chữ đẹp cấp tỉnh 1 Ba, 1 KK, Thi trạng
nguyên nhỏ tuổi cấp tỉnh: 2 em đoạt giải KK. Trạng nguyên nhí Tiếng Anh 2
Nhì, 1 Ba.
Duy trì tổ chức thực hiện kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh
vào thứ hai hàng tuần hoặc giờ sinh hoạt cuối tuần.
3. Giải pháp, kiến nghị
3.1. Giải pháp
Tổng phụ trách xây dựng kế hoạch hoạt động năm học, tuần, tháng, cụ
thể, chi tiết cho từng hoạt động, hình thức hoạt động phong phú, chống hoạt
động hình thức, qua loa, chiếu lệ.
Phối hợp với các lực lượng xã hội địa phương, Đoàn thanh niên, Hội
CMHS cùng nhà trường chăm lo các hoạt động sinh hoạt tập thể cho phong
phú.
Kết hợp với giáo viên chủ nhiệm, giáo viên Âm Nhạc, giáo viên Mĩ
thuật duy trì các nề nếp hàng ngày, hoàn thiện về sổ sách liên đội và chi đội,
thực hiện tốt bài múa sân trường, tổ chức các trò chơi dân gian, hát dân ca.
Hướng dẫn học sinh sư tầm những trò chơi dân gian truyền thống.
Tổ chức tiết chào cờ theo hướng đổi mới và phát huy năng lực của học
sinh.
3.2. Kiến nghị
Một là, đầu tư kinh phí hoặc cho phép các nhà trường huy động cha mẹ
học sinh ủng hộ để tổ chức cho các em trải nghiệm tại nhà trường.
Hai là, thay đổi những bài múa sân trường bằng bài múa khác vì những
bài đó đã tập nhiều năm.
Ba là,Tăng cường tập huấn cho Hiệu trưởng, giáo viên Tổng phụ trách đội
một số hình thức tổ chức hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp theo định hướng
phát triển năng lực.
Tân Phúc, ngày 7 tháng 5 năm 2019
HIỆU TRƯỞNG