Tải bản đầy đủ (.doc) (4 trang)

Chia sẻ kinh nghiệm học và dạy văn

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (97.92 KB, 4 trang )

CHIA SẺ DẠY VÀ HỌC MÔN VĂN
Tôi hiện là học sinh lớp 11 chuyên Văn của trường THPT Chu Văn An. Tôi không
biết rõ lắm ở những nơi khác các bạn học Văn như thế nào nhưng nếu hỏi các bạn
lớp tôi, đảm bảo 100% đều trả lời rằng các bạn thấy hứng thú với môn Văn, với giờ
học Văn mặc dù không phải bạn nào cũng được điểm cao.
(Người gửi Hoàng Linh)
Một điều nữa tôi cũng có thể chắc chắn là trong lớp tôi không một ai chép Văn mẫu, dù
có thể có rất nhiều sách tham khảo. Bởi vì chép Văn mẫu không bao giờ được cô cho điểm
cao và chẳng có lý do gì để chúng tôi phải làm điều đó. Thậm chí năm ngoái cô giáo Văn
lớp tôi còn khuyên chúng tôi không nên đọc sách tham khảo về các bài Văn trong chương
trình học, có chăng chỉ đọc những bài nghiên cứu tổng hợp về những vấn đề liên quan. Bởi
vì khi đọc sách tham khảo, chúng tôi sẽ bị nhiễm cách viết Văn của họ, nhiễm quan điểm
của họ và khi viết sẽ bị bắt chước họ một cách vô thức, trong khi tự mình có thể viết hay
hơn với những ý kiến mới lạ hơn, thú vị hơn. Cô khuyên chúng tôi nếu có đọc văn mẫu thì
cũng chỉ là để phản bác ý kiến của họ thôi.
Giáo viên Văn năm nay của chúng tôi cũng vậy. Cô đánh giá rất cao sự sáng tạo của
học sinh. Những bài viết có ý tưởng mới lạ bao giờ cũng được đánh giá cao hơn. Ví dụ như
ở bài tập làm văn số 1, khi đề bài đưa ra một câu danh ngôn của nhân vật nổi tiếng, cô
khích lệ chúng tôi đưa ra những ý kiến khác hoặc thậm chí là trái ngược với câu danh ngôn
đó. Cả hai cô Văn của chúng tôi đều khuyên chúng tôi, giống như tôn chỉ của một tôn giáo
trước đây: không tin vào sách vở, không tin vào thánh nhân, chỉ tin vào mình.
Nhiều bạn học sinh tỏ ra rất khó khăn với môn Văn và khi biết tôi học chuyên Văn thì
thường lắc đầu lè lưỡi. Nhiều bạn lại coi thường môn Văn vì cho rằng học Văn chỉ là bịa,
là "chém gió", là mơ mộng và phi thực tế. Nhưng chúng tôi hoàn toàn không nghĩ thế.
Đứng trước một đề Văn chúng tôi không coi đó là đề bài cần phải viết cho hay để đạt điểm
cao, mà chúng tôi coi nó là một vấn đề cần trình bày ý kiến để giải quyết, và viết một bài
văn là cách mà chúng tôi thể hiện những suy nghĩ, quan điểm và quan niệm của mình, thể
hiện con người mình. Thế nên sau bài viết Văn đầu tiên cô giáo chúng tôi đã có thể "đọc"
được trong đó chính xác về tính cách mỗi người. Chỉ khi viết Văn một cách thành thực như
thế mới có thể thấy hứng thú.
Tôi cũng thành thật mong rằng các thầy cô giáo dạy Văn đều giống như hai cô giáo của


tôi, để cho học Văn không còn là một gánh nặng đối với học sinh. Và chắc chắn rằng cũng
sẽ rất thú vị khi chấm bài học sinh mà mỗi bài một vẻ, mỗi bài lại mang đến những cảm
xúc khác nhau. Như thế giáo viên cũng sẽ thấy hứng thú hơn với công việc dạy Văn
Cần tìm lại sự trung thực trong dạy và học Văn
Thay vì gò các em theo những khuôn mẫu có sẵn, hãy khuyến khích các em tự tìm
tòi, thể hiện các khám phá của bản thân. Thay vì kiểm tra xem bài viết của các em có
đủ ý theo dàn ý mẫu không, cần đánh giá xem các em viết có sáng tạo, có biểu cảm, có
mạch lạc và thuyết phục không.
( Người gửi Mạnh Phong)
Suốt quãng thời gian thơ ấu, tôi sống ở tỉnh lẻ và là đứa lông bông ngoài đường chơi
nhiều hơn học. Nhưng khi đó không khó lắm để kiếm một quyển như "Gánh xiếc lớp tôi"
của Viết Linh, "Dế mèn phiêu lưu ký" của Tô Hoài, hay "Không gia đình" của Hecto
Manlo... nên thỉnh thoảng tôi cũng đọc sách cho đỡ buồn.
Ở trong một môi trường chưa có nhiều thú vui giải trí thì việc đọc sách là việc rất tự
nhiên, ngay cả với trẻ con cấp 1. Học sinh lớp 3 tự đi bộ một quãng xa đến thư viện đọc
sách là chuyện bình thường.
Còn nhớ khi học lớp 4, mỗi giờ trả bài tập làm văn, cô giáo lại đọc các bài văn được
điểm từ 8 trở lên trước lớp, chỉ ra cái hay của bài văn và những chỗ chưa phù hợp hoặc có
thể phát triển sâu hơn. Suốt cả năm học tôi chỉ có một lần được cô đọc bài trước lớp, và đó
là vinh dự để đời. Cũng cả năm học đó, tôi chỉ thấy có một bài văn được 9 điểm, thực sự
hay và đến giờ tôi vẫn nhớ. Khi đó và cả những năm sau này, nếu có nhìn thấy sách tham
khảo, tôi sẽ nghĩ ngay đó là sách dành cho giáo viên.
Thời gian học phổ thông, tôi chỉ học văn vào loại khá. Nhưng cái sự không ngại đọc,
không ngại viết của tôi lại trở thành ưu thế đáng kể khi vào đại học và nhất là khi đi làm.
Tôi thấy rất ngạc nhiên khi nhiều người có bằng cấp, thậm chí học thạc sỹ ở nước ngoài về
vẫn viết ra những đoạn văn ngây ngô, những câu văn sai ngữ pháp, không rõ định nói cái
gì.
Mỗi khi cần viết công văn, tờ trình gì, họ nhất thiết phải làm theo mẫu, chứ không có
khả năng thể hiện quan điểm của bản thân về vấn đề một cách ngắn gọn, mạch lạc, thuyết
phục, theo đúng phong cách văn bản khoa học. Nhiều văn bản phải sửa đi sửa lại vài ba lần

trước khi tạm ổn để sử dụng, tốn không ít giấy mực. Có những đoạn người phụ trách đành
phải viết chính xác từng từ cho nhân viên đánh máy lại, cả hai đều bực mình và mệt mỏi.
Vậy để thấy việc học viết văn là vô cùng cần thiết, ngay cả đối với công việc đơn giản
hằng ngày của nhân viên văn phòng.
Không phải ai cũng có khả năng và nhu cầu học để sáng tác ra những tác phẩm văn học
có giá trị, nhưng được đào tạo để có khả năng thể hiện quan điểm của mình bằng văn bản
với văn phong phù hợp là điều tối cần thiết mà nền giáo dục phổ thông phải làm cho được.
Nền giáo dục của chúng ta hiện tại không chỉ tụt hậu so với nước ngoài mà còn tụt hậu so
với chính chúng ta những năm trước đây. Hiện tại, số đông học sinh THCS, THPT cảm
thấy ngại chạm vào bất cứ cuốn sách nào... có nhiều chữ, chỉ thích đọc chuyện tranh và vào
Internet, chơi game. Số chăm chỉ học thì chấp nhận học theo văn mẫu, viết đủ ý để lấy
điểm cao chứ không được dạy để cảm thụ văn học và thể hiện nó bằng ngôn ngữ của mình.
Với tư cách là cán bộ nơi các em thực tập, tôi đã từng hướng dẫn một số sinh viên của
của các trường đại học có tiếng viết luận văn, chuyên đề tốt nghiệp. Tất nhiên trong một
nhóm có người khá, người kém hơn, nhưng phần nhiều những gì các em đưa vào luận văn
của mình là tài liệu cóp nhặt từ Internet, báo chí, từ các báo cáo, số liệu của đơn vị thực tập
mà ít có những đánh giá, so sánh, nhận xét của cá nhân. Các giải pháp đưa ra phần nhiều
ngây ngô, cảm tính hoặc chung chung chứ không dựa trên những phân tích, đánh giá cụ thể
từ các số liệu được cung cấp.
Thực sự không hiểu nổi với những luận văn vừa rời rạc, vừa lủng củng như vậy mà em nào
cũng được chấm 8 - 9 điểm, thậm chí cao hơn.
Vấn đề chúng ta cần xem lại có lẽ là quan điểm đối với việc dạy và học môn văn từ các
cấp phổ thông cho đến giảng đường đại học. Thay vì gò các em theo những khuôn mẫu có
sẵn, hãy khuyến khích các em tự tìm tòi, thể hiện các khám phá của bản thân. Thay vì kiểm
tra xem bài viết của các em có đủ ý theo dàn ý mẫu không, cần đánh giá xem các em viết
có sáng tạo không, có biểu cảm không, có mạch lạc và thuyết phục không.
Bản thân các tác phẩm văn học luôn là sự tìm tòi, thể hiện quan điểm của cá nhân trước
những vấn đề cụ thể, trong một bối cảnh lịch sử cụ thể. Vì vậy cảm thụ và phân tích nó
cũng có muôn ngàn cách, miễn là có thể bằng các dẫn chứng, lý lẽ thuyết phục được người
đọc đồng tình với quan điểm của mình. Không thể coi một dàn ý nào đó là chuẩn mực,

đúng tuyệt đối và buộc phải tuân theo.
Đối với bậc học ĐH, CĐ, cần có những hướng dẫn cụ thể về cách viết văn nghị luận khoa
học: Cấu trúc câu cần đơn giản, dễ hiểu, dùng từ chính xác, đơn nghĩa, tuân thủ nghiêm
ngặt các quy định về trích dẫn tài liệu... Thứ chúng ta cần chuẩn hóa nhất là phương pháp
viết chứ không phải nội dung viết, hay nói cách khác, là các em viết như thế nào chứ
không phải các em viết cái gì.
Khen những cái mọi người đều khen, chê những cái mọi người đều chê bằng những lý lẽ
có sẵn mà không có chính kiến của bản thân sẽ tạo ra một lớp người với tư duy què quặt,
sống thụ động, hoạt động theo phong trào như những cỗ máy. Một xã hội bao gồm những
người không có chính kiến, sống không lý tưởng, sẵn sàng đặt sự tiện lợi nhất thời cho bản
thân lên trên lợi ích lâu dài của cộng đồng là một xã hội nguy hiểm, không bền vững.
Văn học, bên cạnh tư cách là công cụ biểu đạt quan điểm cá nhân còn là công cụ hữu
hiệu để giáo dục đạo đức, lý tưởng cho thế hệ trẻ. Vì vậy học văn cần bắt đầu từ học cách
sống trung thực với xã hội và với chính bản thân người học. Trên thực tế, chúng ta chỉ "nói
dối" và "ăn cắp" nếu những việc đó có lợi và không bị trừng phạt, hoặc khi sự thật không
được khuyến khích.
Đã đến lúc cần xem xét một cách nghiêm túc cách dạy và học môn văn ở trường phổ thông
để khuyến khích sự trung thực vô cùng cần thiết ấy.

×