Tải bản đầy đủ (.doc) (2 trang)

TẠI SAO LẠI CÓ CÁC NHÓM MÁU KHÁC NHAU?

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (101.09 KB, 2 trang )

Tại sao lại có các nhóm máu khác nhau?
1/3/2008 10:37:40 PM
Năm 1901, nhà bác học người Áo Karl Landsteiner phát hiện ra rằng có các nhóm máu khác nhau.
Khi trộn hai nhóm máu không tương thích với nhau thì sẽ dẫn đến tình trạng đông kết. Những tế
bào hồng cầu bị đông kết sẽ bị vỡ và gây ra những phản ứng độc. Điều này có thể dẫn đến tử
vong cho người được nhận máu. Karl Landsteiner cũng nhận thấy rằng việc đông kết máu là một
phản ứng miễn dịch. Phản ứng này xảy ra khi trong máu của người nhận có các kháng thể chống
lại các tế bào máu của người cho.
Phát hiện của Karl Landsteiner đã cho phép lựa chọn đúng nhóm máu để truyền và nhờ vậy
đã mở đường cho việc truyền máu được tiến hành một cách an toàn. Với phát hiện này ông
đã được trao giải Nobel Y Học vào năm 1930.
Thành phần cấu tạo máu

Một người trưởng thành có khoảng 4-6 lít máu trong cơ thể. Máu gồm nhiều loại tế bào
trôi nổi trong một dịch lỏng gọi là huyết tương. Trong đó:
Tế bào hồng cầu gồm có hemoglobin, là một protein có khả năng mang oxy. Nó có chức
năng vận chuyển oxy đến và loại bỏ carbon dioxide ra khỏi các mô trong cơ thể.
Tế bào bạch cầu có khả năng chống nhiễm trùng.
Các tiểu huyết cầu giúp làm máu đông (chẳng hạn như khi bị thương)
Huyết tương chứa muối và các loại protein khác

Các nhóm máu khác nhau

Sự khác nhau giữa các nhóm máu là do sự có mặt hay không có mặt các phân tử protein
gọi là các kháng nguyên và các kháng thể. Các kháng nguyên nằm trên bề mặt của tế bào
hồng cầu còn các kháng thể thì nằm trong huyết tương. Con người có các nhóm máu khác
nhau thì có các sự kết hợp khác nhau của những phân tử này. Nhóm máu tùy thuộc vào sự
di truyền từ bố mẹ.

Theo hệ thống nhóm máu ABO thì có 4 nhóm máu là A, B, AB và O.
Nhóm máu A: trong máu có kháng nguyên A trên bề mặt tế bào hồng cầu và kháng thể B


trong huyết tương.
Nhóm máu B: có kháng nguyên B trên bề mặt tế bào hồng cầu và kháng thể A trong huyết
tương.
Nhóm máu AB: có cả kháng nguyên A và B trên bề mặt tế bào hồng cầu nhưng không có
kháng thể A hay B nào trong huyết tương
Nhóm máu O: không có kháng nguyên A hay B nào trên bề mặt tế bào hồng cầu nhưng lại
có cả kháng thể A và B trong huyết tương.
Ngoài ra, nhiều người còn có thể có một loại nhân tố được gọi là Rh trên bề mặt tế bào
hồng cầu. Đây cũng là một kháng nguyên và những người có nó được gọi thuộc nhóm
Rh+. Những người không có thì gọi là nhóm Rh-. Một người có nhóm máu Rh+ thì có thể
nhận máu từ một người thuộc nhóm Rh+ hay Rh- mà không có vấn đề gì nguy hiểm xảy ra.
Còn một người nhóm Rh- thì không thể nhận máu Rh+ vì nó có thể tạo ra các kháng thể
gây phản ứng với các tế bào máu.
Theo những hệ thống nhóm máu trên đây thì một người có thể thuộc một trong 8 nhóm
máu sau: A Rh+, B Rh+, AB Rh+, O Rh+, A Rh-, B Rh-, AB Rh-, O Rh-

Điều gì xảy ra khi truyền máu không tương thích?

Để việc truyền máu diễn ra thành công, các nhóm máu ABO và Rh phải có sự tương thích
giữa máu cho và máu nhận. Nếu không, các tế bào hồng cầu từ máu cho sẽ bị đông kết.
Các tế bào hồng cầu bị đông kết sẽ bị vỡ và các chất trong đó sẽ tràn ra cơ thể. Trong tế
bào hồng cầu có chứa các hemoglobin.
Hemoglobin sẽ trở nên độc hại khi nằm bên ngoài tế bào hồng cầu. Điều này có thể dẫn
đến tử vong cho người nhận máu.
Dĩ nhiên những người có cùng nhóm máu thì sẽ đều có thể truyền máu cho nhau. Ngoài ra
một số trường hợp người ta có thể nhận những nhóm máu khác, chỉ cần người nhận thuộc
nhóm máu mà trong máu không có những kháng thể chống lại kháng nguyên trong máu
người cho.
Nhóm O là nhóm cho được mọi người nhưng chỉ nhận được nhóm máu O mà thôi. Nhóm
AB thì nhận được tất cả các nhóm máu nhưng chỉ cho được người có nhóm máu AB.

Nhóm A cho được nhóm A và AB, nhận nhóm A và O. Nhóm B cho được nhóm B và AB,
nhận nhóm B và O.

×