Tải bản đầy đủ (.doc) (18 trang)

Thực trạng và giải pháp phát triển kinh tế trang trại Tổng hợp trên đại bàn huyện Đông Sơn

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (132.54 KB, 18 trang )

1. ĐẶT VẤN ĐỀ:
Kinh tế trang trại là một loại hình kinh tế phổ biến trong nông, lâm, ngư
nghiệp hình thành và phát triển ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Những năm
gần đây, tại Việt Nam kinh tế trang trại đã và đang phát triển với quy mô và trình
độ sản xuất cao. Sự phát triển đó đã có ảnh hưởng lớn trong việc phát triển nông
nghiệp nông thôn và là hình thức tổ chức kinh tế khơi dậy và phát huy những
tiềm năng sẵn có, thích hợp trong việc cơ giới hóa, công nghiệp hóa và áp dụng
khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp. Trong các
Hội nghị TW khoá VII và VIII Đảng ta đã xác định rõ phát triển kinh tế trang trại
sẽ góp phần thúc đẩy CNH - HĐH Nông nghiệp Nông thôn.
Cũng như các địa phương khác trong cả nước, Thanh Hóa nói chung và
huyện Đông Sơn nói riêng cũng có nhiều tiềm năng cho phát triển nông nghiệp,
trong đó có phát triển kinh tế trang trại. Trong những năm gần đây, kinh tế trang
trại đã và đang từng bước khẳng định vai trò vị trí của nó trong sản xuất nông
nghiệp của địa phương. Các loại hình trang trại ở huyện Đông Sơn chủ yếu là các
trang trại chăn nuôi, trồng trọt và trang trại tổng hợp. Tuy nhiên, kinh tế trang trại
ở Đông Sơn phát triển chưa tương xứng với tiềm năng của địa phương. Bên cạnh
một số trang trại đã và đang hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả, còn một
bộ phận rất lớn các trang trại còn lúng túng trong việc tổ chức sản xuất, áp dụng
khoa học kỹ thuật, định hướng đầu tư cho sản xuất kinh doanh, tìm kiếm thị
trường,…
Vấn đề cần quan tâm chính là hiệu quả kinh tế, thu nhập của từng loại
trang trại như thế nào, loại trang trại nào phổ biến nhất trên địa bàn, đến nay vẫn
chưa có kết quả cụ thể. Vì vậy, đánh giá hiệu quả kinh tế của từng loại trang trại
cũng như việc chọn giống cây trồng vật nuôi, đặc biệt là về quy mô và mức độ
đầu tư như thế nào cho hiệu quả cao nhất. Để từ đó, làm rõ vai trò của trang trại
trong quá trình thúc đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương, góp
phần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hoá và hiện đại hoá nông nghiệp nông
thôn, xây dựng nông thôn mới.
2. CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN VỀ TRANG TRẠI
1




Trang trại là hình thức tổ chức sản xuất hàng hóa trong nông nghiệp,
nông thôn, chủ yếu dựa vào hộ gia đình, nhằm mở rộng quy mô và nâng cao
hiệu quả sản xuất trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản,
trồng rừng, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ nông, lâm, thủy sản. Phát triển
kinh tế trang trại nhằm khai thác, sử dụng có hiệu quả đất đai, vốn, kỹ thuật,
kinh nghiệm quản lý góp phần phát triển nông nghiệp bền vững; tạo việc làm,
tăng thu nhập, khuyến khích làm giàu đi đôi với xóa đói giảm nghèo; phân bổ
lại lao động, dân cư, xây dựng nông thôn mới. Quá trình chuyển dịch, tích tụ
ruộng đất hình thành các trang trại gắn liền với quá trình phân công lại lao động
ở nông thôn, từng bước chuyển dịch lao động nông nghiệp sang làm các ngành
phi nông nghiệp, thúc đẩy tiến trình công nghiệp hóa trong nông nghiệp và
nông thôn. Nói cách khác trang trại là một hệ thống cơ bản bao gồm nhiều hệ
thống phụ nông nghiệp, chúng có tác động qua lại lẫn nhau và có ảnh hưởng
đến hệ thống khác cũng như môi trường xung quanh.
Ở Việt Nam kinh tế trang trại phát triển ở hầu hết các ngành sản xuất nông
- lâm - ngư nghiệp với quy mô và phương thức sản xuất đa dạng. Để thống nhất
tiêu chí nhận dạng trang trại, Bộ Nông nghiệp-PTNT và Tổng cục Thống Kê đã
ban hành Thông tư liên tịch số 69/2000/TTLT-BNN-TCTK ngày 23/6/2000
hướng dẫn tiêu chí để xác định kinh tế trang trại, Thông tư số 74/2003/TT-BNN
ngày 04/07/2003, bổ xung mục III của thông tư liên tịch số 69 năm 2000. Ngày
13/4/2011 Bộ NN-PTNT ban hành Thông tư số 27/2011/TT-BNNPTNT quy định
về tiêu chí và thủ tục cấp giấy chứng nhận kinh tế trng trại.
2.1. Cơ sở lý luận về kinh tế trang trại.
Trang trại là hình thức tổ chức sản xuất quan trọng trong nền nông nghiệp
thế giới. Ở các nước phát triển, trang trại gia đình có vai trò to lớn và quyết định
trong sản xuất nông nghiệp và tuyệt đại bộ phận nông sản cung cấp cho xã hội
được sản xuất ra trong các trang trại gia đình.
Để đánh giá hiệu quả hoạt động sản xuất của trang trại cần phải đánh giá

trên cả ba mặt đó là về hiệu quả kinh tế, hiệu quả xã hội và hiệu quả môi trường.
Ba mặt trên của trang trại có mối quan hệ chặt chẽ và tác động qua lại lẫn nhau.
2


Sự kết hợp hài hòa ba mặt này sẽ đảm bảo cho kinh tế trang trại phát triển bền
vững và bảo vệ tốt môi trường, sử dụng tối ưu các nguồn lực.
2.2 Cơ sở thực tiễn về phát triển trang trại.
Cho đến những năm cuối của thập niên 80 của thế kỷ XX, Đảng và Nhà
nước ta đã thực hiện đổi mới toàn diện nền kinh tế theo hướng xây dựng nền kinh
tế nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của nhà nước.
Nghị quyết 10 – NQ/TW ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị (khoá VI) về phát huy
vai trò tự chủ của kinh tế hộ nông dân, đã đặt nền móng cho kinh tế trang trại
phát triển. Với những thành tựu của công cuộc đổi mới, sản xuất nông nghiệp đã
có những bước phát triển vượt bậc, nhiều hộ nông dân bước đầu đã có tích luỹ,
tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế trang trại phát triển. Tiếp theo là Nghị quyết 05NQ/HNTW (Hội nghị lần V, BCH TW Đảng khoá VII), Nghị quyết số 04 NQ/HNTW (Hội nghị TW Đảng lần IV), Nghị quyết số 05 - NQ/HNTW (Hội
nghị TW Đảng lần VI), Hội nghị nghiên cứu kinh tế trang trại (7/1998) của Ban
kinh tế Trung ương và Nghị quyết 03/2000/NQ-CP ngày 02/2/2000 của Chính
phủ về phát triển kinh tế trang trại, từ đó các tỉnh thành phố đã tiến hành khảo
sát, hội thảo để đánh giá tình hình phát triển kinh tế trang trại và đề xuất các
chính sách, giải pháp nhằm đưa kinh tế trang trại phát triển ngày càng hiệu quả
theo định hướng CNH - HĐH Nông nghiệp Nông thôn.
Theo kết quả Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2011
cho thấy: Tính đến thời điểm 01/7/2011 cả nước có 113.699 trang trại, sử dụng
457.070ha đất sản xuất, bình quân mỗi trang trại sử dụng 4,02ha đất và 3,34 lao
động , vốn sản xuất kinh doanh bình quân cho 1 trang trại là 239,4 triệu đồng.
Tổng giá trị hàng hóa, dịch vụ của các trang trại năm 2011 đạt 39.388 tỷ đồng,
bình quân đạt 370 triệu đồng 1 trang trại. Theo đó, đồng bằng sông Cửu Long,
Đông Nam Bộ và Tây Nguyên là những vùng tập trung số lượng trang trại nhiều
nhất. Ba vùng này có 83.063 trang trại, chiếm 70,4%; riêng đồng bằng sông Cửu

Long chiếm gần 50% số trang trại trong cả nước. Loại hình trang trại ngày càng
đa dạng và có sự chuyển dịch cơ cấu theo hướng giảm tỷ trọng các trang trại
trồng cây hàng năm và cây lâu năm và tăng tỷ trọng các trang trại chăn nuôi, nuôi
3


trồng thủy sản và sản xuất kinh doanh tổng hợp. Cơ cấu các loại hình trang trại
được thể hiện rõ ở vị trí địa lý từng vùng kinh tế, vùng núi, gò đồi chủ yếu phát
triển các trang trại trồng cây lâu năm, vùng đồng bằng lại phát huy thế mạnh của
mình là phát triển các trang trại trồng cây hàng năm, trang trại chăn nuôi và nuôi
trồng thuỷ sản do có điều kiện phát triển và thị trường tiêu thụ rộng lớn. Cụ thể:
Đồng bằng sông Hồng trang trại chăn nuôi chiếm ưu thế với 7.436 trang trại;
Đồng bằng sông Cửu Long các trang trại thuỷ sản chiếm ưu thế với 24.634 trang
trại và trang trại trồng cây hàng năm là 24.333, trang trại cây ăn quả lâu năm là
1.966 trang trại; Vùng Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và Bắc Trung bộ chiếm số
lượng lớn ở các trang trại trồng cây lâu năm.
Thực tế trên đã khẳng định chủ trương phát triển kinh tế trang trại là hoàn
toàn đúng đắn. Kinh tế trang trại khá đa dạng về quy mô, loại hình sản xuất, cơ
cấu ngành nghề, thành phần của chủ trang trại, nhưng đều đã đem lại hiệu quả
kinh tế, xã hội, môi trường sinh thái rõ rệt nhờ phát huy tốt nội lực, khai thác mọi
tiềm năng và cơ hội để phát triển. Trang trại ở Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển
nhanh và ngày càng đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi cơ cấu
sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản, tạo việc làm, tăng của cải vật chất cho
mình, cộng đồng và xã hội.
Tuy nhiên bên cạnh những thành quả đạt được, thực tế phát triển trang trại
ở Việt Nam đang đặt ra nhiều vấn đề đòi hỏi Nhà nước, các cấp, các ngành và các
chủ trang trại phải quan tâm giải quyết những mặt yếu kém của quá trình này. Đó
là vấn đề việc làm ở nông thôn do tích tụ ruộng đất, tranh chấp đất đai, phá rừng
nguyên sinh, rừng ngập mặn làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái bền vững
và lợi ích của các đối tượng trong xã hội.

3. THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN KINH TẾ TRANG TRẠI
3.1. Điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội
Đông Sơn là một huyện đồng bằng nằm ở cửa ngõ phía Tây thành phố
Thanh Hoá, có toạ độ địa lý từ 19o43, đến 19o51, vĩ độ Bắc và 105o33, đến 105o45,
kinh độ Đông.
Phía Bắc giáp huyện Thiệu Hoá,
4


Phía Nam giáp huyện Quảng Xương và Nông Cống,
Phía Đông giáp Thành phố Thanh Hoá,
Phía Tây giáp huyện Triệu Sơn,
Tổng diện tích tự nhiên của huyện là 8.240,62 ha, trong đó: Diện tích đất
sản xuất nông nghiệp là 4.944,76 ha. Đông Sơn có 15 xã và 1 thị trấn, cách thành
phố Thanh Hoá 5 km về phía Tây, trên địa bàn huyện có quốc lộ 45 và 47, tỉnh lộ
521, với vị trí địa lý tương đối thuận lợi nên Đông Sơn có cơ hội giao lưu với thị
trường bên ngoài, tiếp cận với các tiến bộ khoa học kỹ thuật.
Là huyện có vị trí địa lý thuận lợi, tài nguyên khoáng sản phong phú nên
Đông Sơn có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế. Trong những năm gần đây,
tình hình kinh tế-xã hội của huyện đã tiến triển rõ nét, tốc độ tăng trưởng kinh tế
ở mức khá, cơ cấu kinh tế đã có những bước chuyển biến tích cực, đời sống của
nhân dân từng bước được cải thiện. Tuy nhiên từ tháng 6/2012 đến nay, Đông
Sơn đã trở thành một huyện chủ yếu là sản xuất nông nghiệp; hầu hết các xã có
công nghiệp sản xuất đá xuất khẩu, ốp lát đã chuyển về thành phố Thanh Hóa.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế ước đạt 14,5%, tuy thấp hơn kế hoạch (15,5%),
nhưng cao hơn so với bình quân chung của cả tỉnh (10,3%), trong đó: nông lâm,
thủy sản tăng 4,2%; công nghiệp - xây dựng tăng 19,6%; dịch vụ thương mại tăng
18,4%.
Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực; ngành nông, lâm, thủy
sản chiếm 41,4 %; công nghiệp - xây dựng chiếm 26,3%; dịch vụ - thương mại chiếm

32,3%.
Văn hoá, giáo dục, y tế tiếp tục được duy trì và phát triển; quốc phòng – an
ninh được giữ vững.
3.2. Tình hình phát triển trang trại ở Đông Sơn.
Kinh tế trang trại tuy mới hình thành trong những năm đổi mới, nhưng
bước đầu cũng đã phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng, qui mô và hiệu
quả kinh tế - xã hội. Trước năm 1995 mô hình kinh tế trang trại ở huyện Đông
Sơn đã hình thành với số lượng 6 trang trại, đến năm 1999 là 14 trang trại. Ban
Thường vụ Tỉnh uỷ (khoá XIV) ban hành Nghị quyết số 07 NQ/TU ngày
5


02/06/1999 về khuyến khích phát triển kinh tế trang trại; UBND tỉnh Thanh Hóa
đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi nhằm phát huy thế mạnh của các trang trại
như Quyết định số 1813/QĐ-CT ngày 03/06/2003 của chủ tịch UBND tỉnh
Thanh Hóa “quy định tạm thời việc cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại”,
Quyết định số 4101/2005/QĐ-UBND ngày 30/12/2005 của UBND tỉnh về “hỗ
trợ đầu tư phát triển kinh tế trang trại”. Quyết định số 271/2011/QĐ-UBND
ngày 21/01/2011 của UBND tỉnh về ban hành cơ chế, chính sách phát triển chăn
nuôi giai đoạn 2011-2015, BCH Đảng bộ huyện ban hành Nghị quyết 06-NQ/HU
ngày 20/7/2003 về chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi và phát triển kinh tế
trang trại giai đoạn 2003-2010 và Chương trình hành động số 27 ngày 30/9/2003
thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TU của BCH Tỉnh ủy (khóa XV) về phát triển chăn
nuôi gia súc, gia cầm giai đoạn 2003-2010. Nghị quyết số 02-NQ/HU ngày
20/9/2010 về việc tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi và
phát triển kinh tế trang trại giai đoạn 2011-2015.
Năm 2003, Huyện phê duyệt được 23 dự án lập trang trại. Năm 2004 tăng
lên 62, năm 2005 là 71, năm 2006 có 90 hộ được Huyện phê duyệt dự án làm
trang trại. Đến hết năm 2013 toàn huyện có 272 trang trại và gia trại trong đó có :
63 trang trại chăn nuôi (gồm 9 trang trại chăn nuôi lợn; 14 trang trại chăn nuôi

bò; 17 trang trại chăn nuôi gia cầm); 6 trang trại sản xuất nấm,mục nhĩ; 3 trang
trại trồng hoa cây cảnh; 200 trang trại, gia trại tổng hợp (trong đó có 115 trang
trại có diện tích từ 1ha trở lên), có 72 trang trại đã được cấp giấy chưng nhận
quyền sử dụng đất. Theo tiêu chí mới quy định tại Thông tư số 27 toàn huyện
mới có 7 trang trại đạt tiêu chí.
Đất đã giao cho phát triển kinh tế trang trại là 308 ha, chủ yếu từ đất nông
nghiệp khó giao trước đây 127,56 ha do điều kiện tưới, tiêu khó khăn. Đất cơ bản
của hộ do tích tụ và chuyển đổi, chuyển nhượng là 173.6 ha chiếm 58% đất trang
trại.
Tổng số vốn đã đầu tư 54.162 triệu đồng, bình quân 250,9 triệu đồng/trang
trại; trong đó: vốn vay Ngân hàng 29.867 triệu đồng còn lại là vốn tự có của chủ
trang trại và vốn huy động trong nhân dân. Tổng số lao động thường xuyên trong
6


các trang trại là 417 người; trong đó lao động của hộ làm trang trại là 331 người,
lao động thuê thường xuyên là 86 người. Lao động thời vụ thuê lúc cao nhất 250
người.
Kết quả sản xuất, kinh doanh của các trang trại, gia trại năm 2013 theo số
liệu thống kê báo cáo của UBND các xã, thị trấn: Ngoài 2 trang trại có mức thu
nhập cao như ở Trang trại Ô Nhân - Đông Hoàng, bà Vệ - Đông Hòa; còn lại năm
2013các trang trại có kết quả sản xuất tốt, trên tổng số 230 trang trại, gia trại
được thống kê có:
24 trang trại, gia trại thu nhập 15 – 30 triệu đồng/năm chiếm 10.4%;
46 trang trại, gia trại thu nhập 31 – 50 triệu đồng/năm chiếm 20.0%;
46 trang trại, gia trại thu nhập 51 – 70 triệu đồng/năm chiếm 20.0%;
57 trang trại, gia trại thu nhập 71 – 100 triệu đồng/năm chiếm 24.8%;
38 trang trại, gia trại thu nhập 101 – 150 triệu đồng/năm chiếm 16.5%;
9 trang trại, gia trại thu nhập 151 – 200 triệu đồng/năm chiếm 3.9%;
10 trang trại, gia trại thu nhập trên 200 triệu đồng/năm chiếm 4.4%;

Các trang trại, gia trại khác đang ở trong giai đoạn đầu tư ban đầu nên thu
nhập còn thấp.
Hệ thống các trang trại ở Đông Sơn hình thành và phát triển từ năm 2003,
tuy số lượng còn ít, quy mô sản xuất còn nhỏ, phân tán, nhưng đã và đang
chứng tỏ ngày càng rỏ rệt tính ưu việt trong sản xuất nông nghiệp, góp phần
đáng kể trong việc làm chuyển biến tâm lý, nhận thức từ sản xuất nhỏ sang sản
xuất tập trung, cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp hướng tới cánh đồng
mẫu lớn. Kinh tế trang trại mở ra điều kiện, cơ hội khai thác tốt tiềm năng về
đất đai, vốn, về lao động để phát triển sản xuất, tạo thêm việc làm và thu nhập
cho nông dân, góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi tăng
giá trị thu nhập và hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp.
Các yếu tố sản xuất của các trang trại tổng hợp ở huyện Đông Sơn
- Chủ trang trại.
- Sử dụng đất của các trang trại.
- Sử dụng lao động của các trang trại:
7


- Vốn sản xuất của các trang trại.
3.3. Đánh giá sự phát triển các trang trại tại huyện Đông Sơn
3.3.1. Những kết quả đạt được trong quá trình phát triển trang trại
Sự hình thành và phát triển trang trại trong những năm qua với những
kết quả và hiệu quả đạt được cao hơn hẳn kinh tế hộ tiểu nông trong vùng,
phần nào đã khẳng định được ưu thế to lớn của loại hình trang trại trong sản
xuất nông nghiệp, phù hợp với qui luật khách quan của nền kinh tế thị trường
trong điều kiện tự nhiên cũng như tiềm năng sẵn có của huyện Đông Sơn.
Trang trại đã có bước phát triển nhanh về số lượng, chất lượng; đa dạng về
loại hình sản xuất kinh doanh, thể hiện tính vượt trội so với kinh tế hộ thuần
nông. Trên 300ha đất canh tác sản xuất nông nghiệp bấp bênh trước đây đã được
cải tạo chuyển đổi thành trang trại. Nếu tính giá trị thu nhập trên 1 ha/năm thì đa

số các trang trại ở huyện Đông Sơn đều đã vượt xa con số 80 triệu đồng.
Các trang trại cũng là nơi đi đầu trong việc ứng dụng tiến bộ khoa học
công nghệ mới vào sản xuất như các giống cây, giống con có năng suất, chất
lượng cao, quy trình chế biến theo phương pháp công nghiệp, quy trình phòng trừ
dịch bệnh tổng hợp cho cây trồng, vật nuôi, sử dụng hầm bioga để xử lý chất thải
chăn nuôi, phụ phẩm khí sinh học làm phân bón cho cây trồng, cải thiện khả
năng canh tác của đất, tăng hoạt động của vi sinh vật, tăng khả năng giữ nước,
thấm nước, đất dễ vỡ có lợi cho việc canh tác….
Các trang trại cũng đã thúc đẩy sự liên kết giữa 4 nhà (nhà nước, nhà khoa
học, nhà doanh nghiệp và nhà nông) gần nhau hơn, thúc đẩy quá trình chuyển
dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn; tạo lập các vùng sản xuất hàng hoá
nông – lâm – thuỷ sản tập trung, làm cơ sở cho công nghiệp chế biến và ngành
nghề dịch vụ ở nông thôn ra đời, góp phần đẩy nhanh tiến trình CNH – HĐH
nông nghiệp, nông thôn, làm cho bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới.
Các trang trại đã khai thác tiềm năng đất đai, vốn, lao động, trong dân đầu
tư vào phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng nhanh giá trị hàng
hoá nông, lâm nghiệp và thuỷ sản, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng nhanh tốc
độ phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, góp phần cải thiện cân bằng môi trường sinh
8


thái.
Mô hình trang trại phát triển đã tạo thêm việc làm cho hàng nghìn lao động
nông thôn tại chỗ, tăng thu nhập, góp phần xoá đói giảm nghèo. Một số trang trại
đã góp phần sản xuất và cung ứng giống tốt, làm dịch vụ, kỹ thuật, tiêu thụ sản
phẩm cho nông dân trong vùng.
Về tiêu thụ sản phẩm, bước đầu đã hình thành những mối quan hệ liên kết
liên doanh giữa các trang trại với các đơn vị bên ngoài địa bàn, đặc biệt các chủ
trang trại lại là người tích cực nhất trong việc tìm kiếm thị trường, chủ động tạo
lập thị trường.

Từ năm 2006 đến nay Hội Làm vườn và Trang trại huyện Đông Sơn được
thành lập và hàng năm tổ chức hội nghị gặp mặt, toạ đàm với các chủ trang trại
cùng các ban, ngành, đoàn thể huyện. Qua hội nghị chủ trang trại có phương
hướng sản xuất kinh doanh cho năm tới, các cấp uỷ Đảng, chính quyền ở Đông
Sơn đã có những chỉ đạo kịp thời cho các trang trại, khích lệ không những đối
với các chủ trang trại, mà còn động viên các hộ nông dân khác mạnh dạn chuyển
đổi cây trồng vật nuôi, thay đổi phương thức làm ăn của gia đình mình, vươn lên
làm giàu chính đáng.
Từ những mô hình kinh tế trang trại làm ăn có hiệu quả ở các vùng trên địa
bàn huyện, sẽ là tiền đề cơ sở thực tiễn giúp các chủ trang trại thấy được chí hướng
muốn làm giàu và vươn lên sản xuất hàng hoá, gắn sản xuất với chế biến, với thị
trường theo hình thức liên kết đa chiều trong khu vực nông thôn.
Mặc dù, hiện nay các mô hình trang trại của huyện Đông Sơn đều làm ăn
có lãi và cho hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, để khai thác tốt hơn nữa tiềm năng
của các trang trại đòi hỏi các cấp uỷ Đảng, chính quyền huyện Đông Sơn cần có
biện pháp và chính sách ưu tiên phát triển trang trại để đạt hiệu quả cao hơn.
3.3.2. Những tồn tại trong quá trình phát triển trang trại
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc phát triển kinh tế trang trại ở
Đông Sơn còn một số tồn tại đó là: Tốc độ phát triển và hiệu quả sản xuất của
trang trại trong thời gian qua còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế
của Huyện; số lượng trang trại còn ít, quy mô sản xuất còn nhỏ, hiệu quả đầu tư
9


ở nhiều trang trại còn thấp; chưa hình thành được các khu trang trại tập trung, ít
có mô hình sản xuất tiên tiến, phù hợp với tình hình chung để có thể vận dụng
giới thiệu học tập nhân ra diện rộng. Khoa học kỹ thuật và công nghệ sản xuất
tiên tiến chậm được áp dụng vào sản xuất, chỉ đạo phát triển kinh tế trang trại ở
nhiều địa phương không theo kịp với yêu cầu của sản xuất.
Nguyên nhân và những tồn tại:

- Trình độ quản lý và tổ chức sản xuất của các chủ trang trại còn ở mức
thấp. Đa số các chủ trang trại từ nông dân lao động phổ thông, vừa thiếu vốn, vừa
thiếu kinh nghiệm tổ chức, quản lý sản xuất nên hiệu quả đầu tư sản xuất còn
thấp. Vị trí làm trang trại là những vùng đất khó khăn về thuỷ lợi, giao thông,
điện nên những năm đầu phải bỏ nhiều vốn và công sức để đầu tư cải tạo.
- Hiệu quả sản xuất của các trang trại nhìn chung còn ở mức thấp. Đa số là
đầu tư sản xuất trồng trọt-chăn nuôi-thủy sản kết hợp, việc áp dụng tiến bộ kỹ
thuật tiên tiến vào sản xuất còn chậm, chưa mạnh dạn, sản xuất chưa theo kịp yêu
cầu của thị trường. Chi phí đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng của các trang trại còn
quá cao, không tương xứng với hiệu quả của sản xuất.
- Sự gắn kết, hợp tác giữa các trang trại chưa thực sự gắn bó. Sự phối hợp
hỗ trợ, giúp đỡ của các ngành, các cấp cho trang trại còn hạn chế.
- Ảnh hưởng của dịch cúm gia cầm, dịch lở mồm long móng, tai xanh và
những thông tin về việc sử dụng hooc-môn, hoá chất trong thức ăn chăn nuôi có
thể gây tổn hại sức khoẻ người tiêu dùng, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, thị
trường tiêu thụ không ổn định trong những năm gần đây đang làm nản lòng
những nhà chăn nuôi, những chủ trang trại, gia trại.
- Bình quân diện tích đất nông nghiệp/người thấp, giá chuyển nhượng đất
cao, cơ sở hạ tầng cho phát triển kinh tế trang trại còn thấp nên chi phí đầu tư xây
dựng trang trại cao, giá thành sản xuất cao, khó thu hút được người có vốn đầu tư
phát triển kinh tế trang trại.
3.3.3. Khả năng phát triển trang trại của huyện Đông Sơn
- Khả năng về lao động
Mật độ dân số ở huyện Đông Sơn so với các huyện, thành phố trong toàn
10


tỉnh Thanh Hóa là lớn nhất 1.009 người/km2. Điều này dẫn đến thực tế là lực
lượng lao động ở Đông Sơn là đông và dồi dào. Mặc dù huyện đã có nhiều
chương trình về giải quyết việc cho người dân nhưng mới chỉ đáp ứng được một

lượng nhỏ lao động, còn một lượng lớn lao động thiếu việc làm, phải đi làm ăn
xa. Như vậy, nhu cầu lao là động ở địa phương là rất lớn chưa đáp ứng đủ nhu
cầu, những lao động thiếu việc làm chủ yếu là lao động có trình độ chuyên môn
và tay nghề thấp dẫn đến khó tham gia vào lao động của các trang trại. Tuy
nhiên, về lao động hầu hết của trang trại đều có khả năng đảm bảo, còn lại một
phần đi thuê chiếm một tỷ lệ nhỏ, nhu cầu lao động lớn nhất là vào thời điểm lúc
thu các sản phẩm.
- Khả năng về tích tụ đất đai và xu hướng tích tụ đất đai của các trang
trại
Thực hiện Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị về giao đất lâu dài cho hộ nông
dân, tỉnh Thanh Hóa cụ thể hóa nghị quyết 10 và xây dựng hướng dẫn sử dụng
đất và chia đất dựa trên tổng quỹ đất canh tác của toàn tỉnh, chia theo tổng số
nhân khẩu có mặt ở địa phương tại thời điểm 1/4/1990 thì đất nông nghiệp bình
quân trên đầu người là 0,7 - 1,0 sào/1 nhân khẩu. So với tiêu chí về quy mô đất
đai đối với các trang trại tổng hợp thì mức bình quân đất đai/1 nhân khẩu của
huyện Đông Sơn là thấp.
Bên cạnh những thuận lợi Đông Sơn còn gặp những khó khăn trong việc tích
tụ đất đai như hiện tượng có nhiều hộ gia đình muốn đấu thầu đất để phát triển trang
trại nhưng quỹ đất ở xã hầu như đã hết, nên chỉ còn đất ở quỹ công điền. Phần lớn
các chủ trang trại đã đấu thầu đất đai ở các diện tích cấy lúa bấp bênh, có tầng glây
cao chuyển sang phát triển kinh tế trang trại, hướng theo mô hình lúa-cá kết hợp. Do
vậy, việc tích tụ ruộng đất ở quy mô diện tích lớn đối với các trang trại cũng gặp
nhiều khó khăn vì quỹ đất có hạn, việc mua bán chuyển nhượng được sự đồng ý của
chính quyền địa phương.
- Trình độ của chủ trang trại
Các chủ trang trại huyện Đông Sơn phần lớn chưa được đào tạo về kỹ
thuật canh tác và tổ chức quản lý sản xuất kinh doanh.
11



Các chủ trang trại hầu hết điều hành sản xuất kinh doanh bằng kinh
nghiệm là chính dẫn đến hiệu quả kinh tế trang trại còn hạn chế. Đây cũng là một
trong những khó khăn ảnh hưởng đến sự phát triển của kinh tế trang trại không
chỉ trong trước mắt mà cả trong tương lai. Do vậy, trong thời gian tới cần có
những kế hoạch đào tạo, đào tạo lại cho chủ trang trại để đáp ứng được với nền
khoa học kỹ thuật hiện đại trong thời kỳ mới, tổ chức quản lý sản xuất kinh
doanh trang trại ngày một hiệu quả cao hơn.
Đông Sơn còn nhiều tiềm năng phát triển kinh tế trang trại đó là môi
trường chính sách thuận lợi, việc phát triển kinh tế trang trại phù hợp với chủ
trương, đường lối chính sách của Đảng và Chính phủ nói chung, mục tiêu phát
triển kinh tế trang trại của tỉnh Thanh Hóa và huyện Đông Sơn nói riêng; phần
lớn các trang trại đều tự túc được lao động cần thiết cho sản xuất kinh doanh,
việc thuê mướn lao động chỉ ở thời vụ; điều quan trọng nhất là các trang trại đều
làm ăn có hiệu quả hơn hẳn các nông hộ trong huyện.
Về lâu dài, việc đào tạo nâng cao trình độ của các chủ trang trại, nâng cao
khả năng cạnh tranh của các trang trại nhất là trong điều kiện hội nhập là một vấn
đề quan trọng cần được các cấp, các ngành quan tâm, tạo điều kiện. Việc đầu tư
theo chiều sâu cần được quan tâm một cách thoả đáng. Vốn và đất đai là hai khó
khăn cơ bản trước mắt cần giải quyết.
4. PHƯƠNG HƯỚNG, GIẢI PHÁP.
4.1. Về quy hoạch
- Dựa trên quy hoạch tổng thể về phát triển kinh tế xã hội của huyện Đông
Sơn đến năm 2020, nhất là quy hoạch về phát triển nông nghiệp trong quy hoạch
xây dựng Nông thôn mới, bố trí các quỹ đất hợp lý và hướng dẫn các chủ trang
trại xây dựng, phát triển trang trại theo định hướng chung. Khuyến cáo cho các
chủ trang trại sản xuất, kinh doanh theo nhu cầu thị trường.
+ Các xã Đông Ninh, Đông Hoàng, Đông Thanh, Đông Tiến, Đông Xuân,
Đông Anh, Đông Khê, Đông Minh, đất nông nghiệp nằm trên đất vàn và vàn cao,
có độ pH trung bình, mùn cao, tầng canh tác dày. Phát triển trang trại nên ưu tiên
trồng các cây lương thực đặc biệt là cây lúa chất lượng cao, rau chất lượng cao,

12


hoa cây cảnh, đậu tương và cây dược liệu; chăn nuôi bò thịt, lợn và gia cầm.
+ Các xã Đông Hòa, Đông Yên, Đông Thịnh, Đông Văn, Đông Phú, Đông
Quang, Đông Nam, địa hình thấp nên trồng trọt phát triển cây lương thực, cây
rau; Chăn nuôi bò thịt, lợn, thủy cầm, đặc biệt phát triển theo mô hình lúa-cá.
+ Thị trấn Rừng thông trồng lúa chất lượng cao, rau đậu thực phẩm và hoa
cây cảnh.
4.2. Về vốn và đầu tư tín dụng
Một trong những đặc trưng quan trọng của trang trại là nhu cầu về vốn lớn,
điều này đòi hỏi chính sách cho vay vốn, tín dụng phải phù hợp với loại hình
kinh tế. Để giải quyết vấn đề này cần có một số biện pháp sau:
- Nhà nước cần tăng thêm nguồn vốn cho vay mức trung hạn và dài hạn
nhằm đáp ứng nhu cầu về vốn để phục vụ sản xuất kinh doanh trong các trang
trại. Đồng thời, cần có chính sách cho vay vốn với lãi suất ưu đãi, đơn giản hoá
thủ tục vay vốn, đặc biệt quan tâm đến các trang trại ở một số xã có khả năng sản
xuất quy mô lớn.
- Hỗ trợ một phần vốn xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng như thủy lợi,
giao thông, điện nước sinh hoạt, thông tin, chợ và các tổ chức thu mua, cung ứng
vật tư… cho những khu vực có trang trại theo phương châm “Nhà nước và nhân
dân cùng làm”.
- Dành một phần vốn thỏa đáng từ các chương trình, dự án như vốn tín
dụng ưu đãi, vốn viện trợ, quỹ quốc gia giải quyết việc làm … cho các trang trại
vay để đầu tư sản xuất.
- Tạo môi trường pháp lý thuận lợi để thu hút nguồn vốn của các tổ chức,
cá nhân trong và ngoài nước đầu tư vào phát triển kinh tế trang trại theo định
hướng chung của xã hội.
- Các chủ trang trại tự huy động nguồn vốn trong gia đình, bạn bè người
thân, để huy động nguồn vốn nhàn rỗi, đầu tư và phát triển nhằm phát huy nội

lực.
4.3. Về đất đai
Đất đai là sự quan tâm hàng đầu của các chủ trang trại, huyện Đông Sơn
13


đã có nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích trang trại phát triển như tạo
điều kiện cho quá trình tập trung đất, tích tụ đất, khuyến khích các trang trại được
hình thành và phát triển. Từ đó đất đai ngày càng được sử dụng hợp lý hơn và
hiệu quả hơn.
Khuyến khích tích tụ đất đai nhất là ở những vùng trũng thuộc diện tích
đất canh tác sản xuất 2 vụ lúa gặp khó khăn. Đồng thời tạo điều kiện cho những
người có nguyện vọng nhận thầu đất công ích, ao, hồ để đầu tư phát triển kinh tế
trang trại với mức thuế thấp.
Hiện nay một số hộ gia đình có nguyện vọng thuê đất để phát triển trang
trại nhưng họ chưa yên tâm, do đó các cấp chính quyền cần tạo điều kiện về mặt
pháp lý, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, kể cả đất đấu thầu giấy chứng
nhận kinh tế trang trại để các chủ trang trại yên tâm đầu tư vào sản xuất kinh
doanh.
4.4. Về thị trường
- Xây dựng và hoàn thiện công tác quy hoạch và phát triển các vùng
chuyên môn hoá sản xuất cây ăn quả và chăn nuôi, trên cơ sở đó đầu tư xây dựng
các cơ sở chế biến nông sản hàng hoá để thu hút sản phẩm của trang trại hoặc
làm cho giá trị hàng hoá được nâng cao.
- Mở rộng và phát triển mạnh hệ thống tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và
chăn nuôi. Trong đó, cần nhấn mạnh vai trò của các doanh nghiệp thương mại
trong nước ở những vùng có sản phẩm đặc sản khuyến khích sự tham gia của mọi
thành phần kinh tế để giải quyết đầu ra cho các trang trại.
- Hướng dẫn các chủ trang trại hình thành các loại sổ sách ghi chép và tính
toán hiệu quả sản xuất kinh doanh, phương pháp lập kế hoạch kinh doanh.

- Nhà nước tăng cường công tác dự báo thị trường và cung cấp kịp thời
thông tin thị trường cho các trang trại bằng nhiều hình thức. Có chính sách bảo
hộ sản xuất, giảm bớt mất mát cho trang trại khi gặp biến động bất thường của
khí hậu thời tiết.
- Cần có chủ trương chính sách cụ thể về thị trường nông thôn như thị
trường sức lao động, thị trường vốn, thị trường dịch vụ, hàng hoá, nhằm tạo điều
14


kiện thuận lợi nâng cao giá trị hàng hoá nông sản của trang trại.
4.5. Về Khoa học và công nghệ
Hiện tại ở Đông Sơn đang gặp khó khăn về kỹ thuật sản xuất, các chủ
trang trại thường áp dụng kinh nghiệm của mình để chăn nuôi và trồng trọt, chưa
áp dụng theo đúng quy trình kỹ thuật. Mặt khác công nghệ sau thu hoạch đã có
nhưng chưa nhiều, chủ yếu tiêu thụ trong nước nên việc tiêu thụ sản phẩm gặp
nhiều khó khăn.
Để sản phẩm nông nghiệp của trang trại có thể cạnh tranh được trên thị
trường thì đòi hỏi sản phẩm phải có chất lượng cao, giá thành thấp vì vậy các
trang trại cần có sự trợ giúp tích cực từ phía nhà nước từ khoa học công nghệ.
Muốn vậy nhà nước cần khuyến khích các tổ chức, các thành phần kinh tế, các
nhà nghiên cứu tập trung đầu tư chuyển giao công nghệ, trước hết là việc tuyển
chọn giống cây trồng, vật nuôi có năng suất cao, có giá trị kinh tế cao, sau đó là
công nghệ sau thu hoạch và cải tiến kỹ thuật canh tác.
4.6. Về phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn
Hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn có vai trò lớn đối với việc phát triển một
nền nông nghiệp sản xuất hàng hoá trong đó có sự phát triển kinh tế trang trại.
Trong những năm tiếp theo cần làm tốt một số công việc sau:
- Xây dựng và nâng cấp mạng lưới giao thông trong vùng, bao gồm đường
liên huyện, liên xã, liên thôn (rải nhựa, đá cấp phối).
- Nâng cao năng lực hoạt động của hệ thống thuỷ lợi bằng việc cải tạo

nâng cấp các cơ sở sẵn có (các hồ, đập chứa nước, trạm bơm...), xây dựng thêm
một số công trình mới, hoàn thiện và bê tông hoá hệ thống kênh mương nội
đồng. Đặc biệt chú ý tới các xã nằm trong vùng thường xuyên bị úng, lụt của
huyện.
- Quy hoạch xây dựng các cơ sở chế biến, các trạm thu mua, các chợ nông
thôn phục vụ nhu cầu chế biến và tiêu thụ sản phẩm hàng hoá.
4.7. Về đào tạo bồi dưỡng nâng cao kiến thức cho chủ trang trại
Nâng cao trình độ quản lý sản xuất kinh doanh và trình độ khoa học kỹ
thuật chủ trang trại ở Đông Sơn là một việc làm hết sức cần thiết vì các chủ trang
15


trại ở đây hầu hết có trình độ trung học phổ thông, bằng chuyên môn về nông
nghiệp gần như không có.
- Về hình thức đào tạo: Đào tạo theo nhiều hình thức đa dạng như mở các
lớp tập huấn, hội thảo đầu bờ, thăm quan, chuyển giao khoa học kỹ thuật với sự
tham gia của nhiều tổ chức chính trị xã hội.
- Về đối tượng đào tạo: Xác định đối tượng đào tạo ngoài chủ trang trại,
còn những người có nguyện vọng tha thiết và có khả năng trở thành chủ trang
trại.
- Về nội dung đào tạo: Cần đào tạo cho chủ trang trại những vấn đề chung
để phát triển kinh tế trang trại như: về vị trí, vai trò, xu hướng phát triển trang
trại, các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước,
kiến thức về quản trị kinh doanh nông nghiệp, đặc biệt là các vấn đề về kỹ thuật
nông nghiệp, nội dung đào tạo phải dễ hiểu, dễ nhớ, phù hợp với tình hình thực
tế ở điạ phương.
Giải pháp chung ở hầu hết các trang trại là vấn đề vốn, lao động, sản xuất
hàng hoá, hoạt động ngành nghề phụ, nâng cao trình độ văn hoá, trình độ chuyên
môn và trình độ lý luận chính trị cho các chủ trang trại.
5. KẾT LUẬN

1. Trong điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội như hiện nay ở huyện Đông
Sơn hiệu quả kinh tế của sản xuất trang trại cao hơn rõ rệt so với canh tác truyền
thống, có liên quan nhiều với hiệu quả sử dụng lao động gia đình và hiệu quả sử
dụng vốn lưu động. Trang trại có nhiều lao động nên tập trung mở rộng quy mô
trang trại và nuôi cá. Những trang trại có nhiều vốn lưu động nhưng thiếu lao
động nên sử dụng quy mô trang trại trung bình.
2. Phát triển kinh tế trang trại ở Đông Sơn có hạn chế là các trang trại có
quy mô lớn về diện tích tập trung nhiều vào sản xuất lúa hiệu quả kinh tế thấp,
muốn tăng hiệu quả sản xuất trong trang trại loại này cần mở rộng diện tích canh
tác lúa – cá hoặc chuyên cá thay thế canh tác 2 lúa trước đây. Trên đất trũng nuôi
cá thuần đạt hiệu quả kinh tế cao nhưng chỉ có thể áp dụng với các trang trại có
vốn và lao động. Những hộ chỉ có lao động nhưng thiếu vốn nên áp dụng canh
16


tác lúa – cá.
3. Hệ thống canh tác ở các trang trại có liên quan đến độ cao của địa hình:
Trên đất trũng hoặc vàn thấp nên sử dụng mô hình canh tác lúa-cá hoặc chuyên
cá. Trên đất vàn 2 công thức luân canh Lúa xuân – Lúa mùa – Khoai lang đông
và Lúa xuân – Lúa mùa – Cải bắp có thu nhập cao. Trên đất vàn cao hiện có 7
công thức luân canh, đáng chú ý là công thức Lạc xuân – Khoai lang đông, Lạc
xuân – Mía tím có thu nhập thuần trên 100 tr.đồng/ha cần mở rộng.
4. Một số biện pháp kỹ thuật trong sản xuất trang trại cho thấy:
- Sản xuất lúa ở trang trại áp dụng phương thức gieo vãi có thu nhập thuần
cao hơn lúa cấy là 1,1 lần.
- Các loại cây màu trồng ở các trang trại nên áp dụng cây mía tím, cây lạc
hoặc cây khoai lang.
- Trong số 9 loại rau được trồng trên đất trang trại vụ đông xuân chọn được
2 loại (Bầu dài, Su su); vụ xuân hè và hè thu chọn được 3 loại (Bí đỏ, Mướp
đắng, Bí xanh); vụ thu đông chọn được cây cà chua.

- Trong số 14 loại cây ăn quả được trồng ở trang trại chọn được 4 loại (Táo
ta, Ổi, Chanh, Quất cảnh) có thu nhập thuần khá.
5. Phát triển trang trại là hướng đi đúng của huyện, để đẩy mạnh phát triển
kinh tế trang trại cần áp dụng đồng bộ hệ thống các chính sách, các giải pháp
kinh tế vĩ mô, kinh tế vi mô như đất đai, vốn, thị trường, lao động được áp dụng
khoa học và điều kiện của thị trường, địa phương và các loại hình sản xuất của
trang trại./.

17


ỦY BAN NHÂN DÂN HUYỆN ĐÔNG SƠN
--------------------

TIỂU LUẬN
THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN KINH TẾ
TRANG TRẠI TỔNG HỢP TRÊN ĐỊA BÀN
HUYỆN ĐÔNG SƠN

HỌ VÀ TÊN: LÊ HOÀNG TRUNG

LỚP BỒI DƯỠNG KIẾN THỨC QLNN
CHƯƠNG TRÌNH CHUYÊN VIÊN

Đơn vị công tác: UBND Huyện Đông Sơn

Đông Sơn, tháng 5 năm 2019

18




×