Tải bản đầy đủ (.pdf) (93 trang)

Đề tài viết về thiếu niên qua ba tác phẩm cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh và cây chuối non đi giày xanh của nguyễn nhật ánh

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (969.36 KB, 93 trang )

VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM
HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI

MAI QUÂN

ĐỀ TÀI VIẾT VỀ THIẾU NIÊN QUA BA TÁC PHẨM
CHO TÔI XIN MỘT VÉ ĐI TUỔI THƠ, TÔI THẤY
HOA VÀNG TRÊN CỎ XANH, CÂY CHUỐI NON
ĐI GIÀY XANH CỦA NGUYỄN NHẬT ÁNH

LUẬN VĂN THẠC SĨ VĂN HỌC VIỆT NAM

HÀ NỘI - 2019


VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM
HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI

MAI QUÂN

ĐỀ TÀI VIẾT VỀ THIẾU NIÊN QUA BA TÁC PHẨM
CHO TÔI XIN MỘT VÉ ĐI TUỔI THƠ, TÔI THẤY
HOA VÀNG TRÊN CỎ XANH, CÂY CHUỐI NON
ĐI GIÀY XANH CỦA NGUYỄN NHẬT ÁNH

Ngành : Văn học Việt Nam
Mã số : 8 22 01 21

NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC :
TS. ĐẶNG THỊ THU HÀ


HÀ NỘI - 2019


LỜI CAM ĐOAN
Với sự hướng dẫn chỉ bảo nhiệt tình của cô giáo - Tiến sĩ Đặng Thị Thu
Hà (Viện Văn học - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), tôi thực hiện
thành công đề cương và đề tài luận văn của mình: Đề tài viết về thiếu niên
qua ba tác phẩm Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ
xanh và Cây chuối non đi giày xanh của Nguyễn Nhật Ánh. Tôi xin cam
đoan đây là công trình nghiên cứu của cô trò chúng tôi. Luận văn của tôi hoàn
toàn trung thực và không trùng lặp với kết quả nghiên cứu của các tác giả
khác đã công bố.
Nếu sai, tôi xin hoàn toàn chịu trách nhiệm.
Hà Nội, tháng 3 năm 2019
Học viên

Mai Quân


MỤC LỤC

MỞ ĐẦU .......................................................................................................... 1
Chương 1: KHÁI QUÁT VỀ VĂN HỌC VIẾT CHO THIẾU NHI VÀ
NHÀ VĂN NGUYỄN NHẬT ÁNH ............................................................. 12
1.1. Khái quát về văn học thiếu nhi ở Việt Nam ............................................. 12
1.1.1. Khái niệm về văn học thiếu nhi ............................................................ 12
1.1.2. Khái quát về hành trình của văn học thiếu nhi ở Việt Nam.................. 13
1.2. Khái quát về nhà văn Nguyễn Nhật Ánh ................................................. 15
1.2.1. Nguyễn Nhật Ánh - nhà văn của thời đại nhiều biến động ................... 15
1.2.2. Khái quát hành trình sáng tác của Nguyễn Nhật Ánh........................... 18

1.3. Vị trí Nguyễn Nhật Ánh trong dòng văn học viết về thiếu nhi................ 21
Chương 2: MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM NỔI BẬT TRONG SÁNG TÁC VỀ ĐỀ
TÀI VIẾT CHO THIẾU NIÊN CỦA NGUYỄN NHẬT ÁNH ................. 24
2.1. Chủ đề nổi bật .......................................................................................... 25
2.1.1. Những kỉ niệm tuổi thơ ......................................................................... 25
2.1.2. Tình bạn và tình yêu tuổi mới lớn ......................................................... 31
2.2. Cốt truyện và nhân vật ............................................................................. 43
2.3. Nghệ thuật kể chuyện ............................................................................... 48
2.3.1. Người kể chuyện nhập vai .................................................................... 48
2.3.2. Ngôn ngữ kể chuyện ............................................................................. 53
2.3.3. Giọng điệu kể chuyện............................................................................ 55
2.3.4. Điểm nhìn song chiếu............................................................................ 57
Chương 3: DẤU ẤN VĂN HÓA DÂN GIAN TRONG SÁNG TÁC VỀ
ĐỀ TÀI THIẾU NIÊN CỦA NGUYỄN NHẬT ÁNH ............................... 61
3.1. Không gian làng quê Việt ........................................................................ 61
3.2. Những sinh hoạt văn hóa dân gian ........................................................... 64
3.2.1. Những trò chơi dân gian........................................................................ 64
3.2.3. Quan niệm và sự thực hành tín ngưỡng dân gian ................................. 72
3.2.4. Truyện mang yếu tố nghệ thuật tự sự dân gian ..................................... 73
KẾT LUẬN .................................................................................................... 77
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO ..................................................... 81


MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
Văn học Việt Nam hiện đại, đặc biệt là văn học Việt Nam đầu thế kỉ XXI được
đánh giá là vẫn đang tiếp tục hành trình hiện đại hóa và hội nhập với sự bộn bề giữa các
yếu tố truyền thống, hiện đại và hậu hiện đại. Trong giai đoạn này, mặc dù không xuất
hiện nhiều cây bút nổi bật như mấy thập kỉ cuối thế kỉ XX nhưng vẫn có một số nhà văn
ghi được và tiếp tục ghi được dấu ấn bằng những sáng tác có ảnh hưởng tới đời sống và

công chúng văn học mà Nguyễn Nhật Ánh là một trong những ví dụ tiêu biểu. Là một
nhà văn chuyên nghiệp chuyên viết về đề tài thiếu niên, Nguyễn Nhật Ánh là một tên
tuổi quen thuộc với nhiều lứa tuổi độc giả Việt Nam, đặc biệt là độc giả nhí. Trong mấy
chục năm cầm bút, đến nay nhà văn đã có trên 100 tác phẩm thuộc nhiều thể loại, trong
đó mảng "truyện dài" viết cho thiếu niên có số lượng phong phú và đồng thời cũng là
mảng sáng tác tiêu biểu hơn cả của Nguyễn Nhật Ánh.
Đặc biệt, trong bối cảnh truyền thông hiện đại với sự bùng nổ thông tin diễn ra
hàng ngày, hàng giờ, văn chương nói chung và các nhà văn nói riêng phải chật vật
cạnh tranh với nhiều loại hình nghệ thuật đương đại khác thì Nguyễn Nhật Ánh là
nhà văn nổi lên như một hiện tượng độc đáo - có lượng sách phát hành mới và số
lần tái bản liên tục với số lượng ngày càng tăng. Nhiều tác phẩm của ông đã vượt
qua ranh giới của thể loại (được chuyển thể thành các bộ phim) cũng như vượt qua
biên giới quốc gia (ví dụ truyện dài Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ được dịch ra
nhiều thứ tiếng như tiếng Hàn, Thái, Anh; Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh được
chuyển thể thành phim năm 2015) đã cho thấy sức cuốn hút của tác phẩm Nguyễn
Nhật Ánh đối với công chúng đương đại.
Chính sự bền bỉ trong sáng tác và những thành công của Nguyễn Nhật Ánh
đồng thời cũng khiến cho nhà văn trở thành một "hiện tượng" thu hút được sự quan
tâm của giới nghiên cứu.
Lựa chọn đề tài: Đề tài viết về thiếu niên qua ba tác phẩm Cho tôi xin một
vé đi tuổi thơ, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh và Cây chuối non đi giày xanh của
Nguyễn Nhật Ánh chúng tôi tập trung vào tìm hiểu những dấu ấn văn hóa dân gian,
một trong những yếu tố góp phần làm nên sức cuốn hút của tác phẩm Nguyễn Nhật
Ánh. Ba tác phẩm được chúng tôi lựa chọn khảo sát là ba truyện dài tiêu biểu trong
sáng tác của ông. Các tác phẩm này đều có số lượng phát hành ấn tượng hoặc được
tái bản nhiều lần. Ngoài tác phẩm Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ (được giải thưởng
1


văn học ASEAN năm 2010) và Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (được chuyển thể

thành phim năm 2015) đã xuất hiện trong một số công trình nghiên cứu về Nguyễn
Nhật Ánh trước đây, chúng tôi tập trung vào tác phẩm Cây chuối non đi giày xanh
là ấn phẩm mới nhất của ông (phát hành năm 2018 với số lượng lên tới 170.000
bản) với mong muốn trả lời câu hỏi điều gì đã làm nên thành công của ngòi bút
Nguyễn Nhật Ánh khi ông trường kì thâm canh trên mảnh ruộng đề tài thiếu niên.
2. Tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài
Là nhà văn gắn bó với đề tài viết về thiếu niên, Nguyễn Nhật Ánh đã sớm tạo
nên một vương quốc riêng cho mình và sớm khẳng định vị trí của mình trong dòng
văn học viết cho thiếu nhi ở Việt Nam bên cạnh những tên tuổi như Nguyễn Huy
Tưởng, Tô Hoài, Phạm Hổ, Võ Quảng, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Ngọc Thuần, …
Trở thành một “hiện tượng” trong văn học Việt Nam hiện đại, Nguyễn Nhật Ánh
không chỉ dành được sự quan tâm đông đảo công chúng bạn đọc mà còn thu hút được sự
chú ý của báo giới cũng như sớm trở thành đối tượng của giới nghiên cứu. Có khá nhiều
công trình, bài viết tìm hiểu về Nguyễn Nhật Ánh ở nhiều khía cạnh, nhiều chiều kích
với phạm vi rộng hẹp, mức độ nông sâu khác nhau. Tựu chung lại, có thể tạm phân
những tư liệu viết về Nguyễn Nhật Ánh thành hai mảng chính, gồm:
2.1. Các bài báo có tính chất giới thiệu, quảng bá về nhà văn và tác phẩm
Tính đến nay, đã có khá nhiều bài báo viết về Nguyễn Nhật Ánh và một số tác
phẩm của ông. Có thể kể đến các bài viết đăng trên nhiều tờ báo, tạp chí khác nhau
như Mực tím, Sài Gòn, Thanh niên, Văn nghệ, Phụ nữ đánh giá về cuộc đời, tính
cách, sự nghiệp cầm bút của ông - một “hiện tượng” văn học đương đại, một best
seller truyện viết cho thiếu nhi từ những góc nhìn khác nhau: có thể là của một
người bạn, người đọc bình thường, nhà báo, nhà nghiên cứu. Có những bài được
viết nhân kỉ niệm ngày sinh của ông, hoặc những bài phỏng vấn nhân dịp những tác
phẩm của ông xuất bản hoặc tái bản. Nhà văn Lê Minh Quốc (bạn thân của ông)
cũng có nhiều bài báo in trên báo Phụ nữ thành phố Hồ Chí Minh, số 31, 29/4/1992
nhận thấy những tác phẩm của Nhà văn xuất phát từ bộn bề cuộc sống đời thường,
nhưng rất “hồn nhiên, trong sáng của những nhân vật nhỏ tuổi không hề gợn lên
chút thù hằn, cay độc nào” [52, tr19]. Mặc dù cuộc đời nhà văn không suôn sẻ, êm ả
nhưng “trang viết cuộc đời này rất trong sáng và ngập tràn hi vọng” bởi thế ông

được bạn đọc yêu mến đồng thời cũng chứng minh cho sự “lao động nghiêm túc
trong công việc viết văn”. Lê Minh Quốc gọi ông bằng cái tên gần gũi “người
2


không có ngày chủ nhật” [53, tr35] và ông cũng là người bạn luôn trăn trở “giải mã
hiện tượng Nguyễn Nhật Ánh” cho bạn đọc vì sao Nguyễn Nhật Ánh lại có thể
“nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ lâu bền đến thế” [54, tr158].
Còn người bạn khác của ông - nhà thơ Đỗ Trung Quân lại nhận thấy ông là
“nhà văn lương thiện chân chính” [50, tr101]. Hay nhà thơ Trần Đăng Khoa rất gần
gũi và hóm hỉnh gọi ông là “tay phù thủy đại bợm, nhà ảo thuật” tìm xem bùa phép
của ông là ở đâu? Và đã tìm thấy ông có bùa phép ở bút pháp cơ bản giống bút pháp
kiểu Nguyễn Công Hoan: “lập ý, thắt nút, cởi nút” và bí quyết tạo nên thành công kì
lạ là ở “khả năng nắm bắt tâm lí lứa tuổi học trò” [33, tr138-142]. Hay trong bài
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh:“Tôi viết như cậu học trò”, nhà thơ Vũ Ân Thy thấy
ông “sống và nghĩ trong sáng hướng thiện” do ông là “sự kết hợp giữa cái Tâm, cái
Tình, cái Tài” viết vì niềm vui sáng tạo và niềm vui đáp lại tình cảm yêu quý của
mọi người đặc biệt là của trẻ em. ” [63, tr111-114].
Một người bạn văn thân quý khác của Nguyễn Nhật Ánh - nhà văn Nguyễn
Quang Lập lại cho rằng văn chương của ông có “tính gây nghiện” [35, tr189] qua
giọng điệu kể chuyện hóm hỉnh, triết lí mà mỗi trang viết của ông như “mỗi chuyến
tàu về tuổi thơ, ở đó có nhiều toa” khiến ta bất ngờ, say mê thậm chí bật cười, hoặc
rưng rưng, suy ngẫm. Nguyễn Nhật Ánh cũng chính là người “bán vé về tuổi thơ”
[36, tr212] và ông còn khẳng định rằng “trẻ con đứa nào không biết truyện Nguyễn
Nhật Ánh chắc chắn đứa đó cực dốt văn”.
Nhà văn Nhã Thuyên lại ví giá trị của truyện Nguyễn Nhật Ánh như “là loại
vitamin ngon lành sống động” [61, tr209].
Trong khi đó nhà văn Văn Hồng (nguyên Tổng biên tập NXB Kim Đồng) gọi
ông là “cây bút được mến mộ nhất của tuổi học trò” [27, tr40]. Và cũng chính ông
đến năm 2002 trên báo Tiền phong chủ nhật, số 38, 22/9/2002 khẳng định: ông

“một mình một chợ” vì “Nguyễn Nhật Ánh đã dày công phản ánh những sinh hoạt
muôn mặt của lứa tuổi học trò.” Qua nghệ thuật dẫn truyện hấp dẫn, tự nhiên, lối
viết theo kết cấu chương hồi, xây dựng nhân vật qua hành động và cảm xúc… thậm
chí nhiều tác phẩm ông viết theo lối viết văn trinh thám khơi gợi được trí tò mò,
ham tìm hiểu của tuổi học trò. Cũng chính Văn Hồng đã nhận xét “trong các nhà
văn đương đại Nguyễn Nhật Ánh giữ nhiều kỉ lục: là người viết có đông bạn đọc, là
nhà văn có nhiều cuộc giao lưu với bạn đọc, xuất hiện nhiều trên thông tin đại
chúng, sống đường hoàng bằng tiền nhuận bút”. Và khi viết cho thiếu nhi, Nguyễn
3


Nhật Ánh có “bút lực dồi dào như gặp vỉa quặng lộ thiên” bởi ông có bản lĩnh sáng
tạo được trẻ em thích, bởi “tạng hợp trẻ con”, bởi “cấu trúc đặc sắc” và cũng bởi
ông đã kết hợp yếu tố truyền thống và hiện đại, giữa tinh hoa dân tộc với đặc sắc
của thế giới, và bởi vốn văn học tay nghề cao nên ông trở thành “hiện tượng độc
đáo trong văn học thiếu nhi” [29, tr89].
Với các nhà báo lại nhìn nhận và đánh giá về ông và tác phẩm của ông giàu
tính ngợi ca. Như nhà báo Hiền Hòa trên báo Sài Gòn tiếp thị, 5/4/2010, cho rằng
Nguyễn Nhật Ánh là “người bắc cầu mộng cho lứa tuổi đang cần sự mơ mộng”.
Mộng mà ông viết không gắn với phép thuật kì ảo, những cuộc phiêu lưu kì thú mà
nó ở ngay cuộc sống thường nhật đã được lãng mạn hóa [26, tr167]. Bên cạnh đó,
nhà báo Mai Quỳnh Nga trên Báo Văn nghệ Công an, 10/7/2013 lại khẳng định
“thương hiệu nhà văn best seller của Nguyễn Nhật Ánh đến nay vẫn khó có ai soán
ngôi” [42, tr228]. Điều đó thành công bởi dường như ông không bao giờ “lớn” và
luôn “mang thế giới trong trẻo hồn nhiên đến với tuổi thơ và dẫn người lớn tìm về
sân ga tuổi nhỏ trong hỗn độn bể đời”.
Tác giả Tiểu Quyên trên báo Người Lao động, 11/12/2010 đã coi Nguyễn
Nhật Ánh như “giải cơn khát” cho độc giả Việt Nam và “cái tên Nguyễn Nhật Ánh
đã đủ bảo chứng để tạo nên sức hút cho tác phẩm bởi câu chuyện nào của anh cũng
khiến người ta phải đọc, phải nhớ, phải yêu thích”. Bởi “tác phẩm của Nguyễn Nhật

Ánh có nhiều thông điệp, nhiều tầng ý nghĩa khiến ta phải suy nghĩ” [62].
Trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn, 13/3/2014, nhà văn Nguyễn Vĩnh Nghiêm đã
tổng kết: “Nguyễn Nhật Ánh làm được điều mà nhiều nhà văn khác không đủ tài để
làm: biến trang sách của mình thành cái cớ để những đứa trẻ và người lớn gặp
nhau”. Nhưng ông “không phải là người dệt mộng đơn thuần” mà còn “là tay nhà
văn ý thức rất rõ sức mạnh của dụ ngôn” [43, tr277].
Ngoài ra, Nguyễn Nhật Ánh cũng trở thành tên tuổi nổi tiếng tốn nhiều giấy
mực của các nhà nghiên cứu. Ví như nhà phê bình văn học Nguyễn Thị Thanh Xuân
nhận thấy tác phẩm của ông có “tính hướng thiện và tính thơ trong trẻo”, “ngôn ngữ
chuẩn mực”, “chạm đúng vào khát vọng được tương giao, đối thoại của trẻ nhỏ” vì
thế ông đã “thổi vào cuộc sống của chúng ta một ánh sáng mới” [66, tr44-51]. Khi
đánh giá về sức cuốn hút của truyện thiếu nhi của Nguyễn Nhật Ánh, GS Phong Lê
nhận xét: “truyện viết cho thiếu nhi đạt được giá trị đích thực cũng sẽ là một tác
phẩm hay với người lớn” [40]. Còn theo tác giả Thái Phan Vàng Anh thì nhà văn là
4


“hiện tượng văn học đặc biệt” do ông đã “lạ hóa thế giới hàng ngày quen thuộc” và
vì vậy “Nguyễn Nhật Ánh là người kể chuyện thiếu nhi” [4, tr241].
Nhà nghiên cứu phê bình văn học Văn Giá thì khẳng định ông là “trường hợp
không thể tính đến của lịch sử văn học đương đại”, là đối tượng “nặng kí của giới
nghiên cứu phê bình văn học”, và “nhà văn thiếu nhi là danh xưng chật chội”, là
“hiệp sĩ tuổi thơ” [20, tr49]. GS.TS Lê Huy Bắc phải thừa nhận viết cho trẻ em đến
thời điểm này “chưa có ai sánh bằng Nguyễn Nhật Ánh” bởi ông “viết khỏe và viết
đều tay” [11, tr39]. Khi tìm hiểu văn chương Nguyễn Nhật Ánh, PGS.TS Lã Thị
Bắc Lý cũng đi tới kết luận rằng: “ông có bút lực dồi dào vào bậc nhất ở Việt Nam
những năm cuối thế kỉ XX đầu thế kỉ XXI” [39, tr20].
Từ một góc độ khác PGS.TS Vân Thanh đã tiến hành so sánh văn học thiếu
nhi với lịch sử từ Tô Hoài đến Nguyễn Nhật Ánh. Theo đó, tác phẩm của Nguyễn
Nhật Ánh đã khám phá thế giới tinh thần của trẻ thơ là sức tưởng tượng, thế giới

ước mơ, là do nhà văn “biết thời”, “yêu và tin cậy trẻ”, và hơn hết do văn phong rất
riêng biệt của ông. Do đó, ông là “nhà văn thân quý của tuổi thơ”.
Để tổng kết cho những nhận xét, đánh giá, lời khen tặng, bài viết tìm hiểu về
nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, chúng tôi mượn lời của William Naythons (dịch giả
người Mỹ) cho rằng: “tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh vừa rất toàn cầu, mà vừa rất
gần gũi tương đồng làm sao với tính Việt của đời thường: là sự thông thái mộc mạc
và sự hài hước cởi mở có từ trong máu.” [70, tr364].
Đông đảo nhà nghiên cứu phê bình, nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nhạc sĩ, bạn bè,
độc giả, dịch giả trong và ngoài nước đã dành nhiều tình cảm viết về cuộc đời và
hành trình sáng tác của ông vì thế, NXB Kim Đồng (năm 2012) biên soạn cuốn
“Nguyễn Nhật Ánh - hoàng tử bé trong thế giới tuổi thơ”. Đây là cuốn sách đầu tiên
viết về nhà văn Nguyễn Nhật Ánh với những thông tin đầy đủ, mới mẻ và thú vị
nhất về tác giả được thiếu nhi Việt Nam yêu thích nhất bấy giờ. Những câu chuyện
tâm tình của người đọc gần xa về ông được thể hiện trong cuốn “Nguyễn Nhật Ánh
và tôi” (Nhà xuất bản Trẻ 2013). Đặc biệt, nhân kỉ niệm sinh nhật tuổi 60 của nhà
văn, Trung tâm ngôn ngữ và văn học - nghệ thuật trẻ em của trường Đại học Sư
phạm Hà Nội đã tổ chức hội thảo Nguyễn Nhật Ánh - hành trình chinh phục tuổi
thơ. Hội thảo đã thu hút sự có mặt của hơn 40 diễn, nhà văn, nhà nghiên cứu cùng
rất nhiều học sinh, sinh viên của trường cũng như các độc giả yêu thích nhà văn
Nguyễn Nhật Ánh. Cuốn sách Nguyễn Nhật Ánh hiệp sĩ tuổi thơ (NXB Đại học
5


Quốc gia Hà Nội, 2015) ra đời đã chứng minh được giá trị thơ văn và sức lan tỏa
rộng lớn của ông trong cộng đồng.
Ngoài ra gần đây nhất, Nhà xuất bản Trẻ (năm 2017) đã xuất bản cuốn sách
“Nguyễn Nhật Ánh trong mắt đồng nghiệp” tổng hợp 75 bài tiểu luận, tùy bút của
bạn bè, đồng nghiệp trong và ngoài nước về con người và sáng tác của ông với những
nhìn nhận, bình giá, ngợi ca bằng tình cảm nồng hậu, trân trọng, kính phục nhất.
Như vậy có thể thấy những bài viết về Nguyễn Nhật Ánh của báo giới chủ yếu là

những bài viết có tính chất quảng bá, giới thiệu; còn những bài viết bạn đọc, bạn
văn, nhà nghiên cứu lại tập trung vào những kỉ niệm, nhận thức, tình cảm, đánh giá
về nhà văn và tác phẩm của ông… Nói cách khác, Nguyễn Nhật Ánh được nhìn
nhận ở nhiều chiều kích, trên các phương diện con người (con người văn chương và
con người đời thường), tác phẩm (với nhiều thái độ tiếp nhận, đánh giá: của cả bạn
đọc có chuyên môn và cảm nhận của bạn đọc thông thường).
2.2. Các bài viết, công trình có tính chất nghiên cứu về Nguyễn Nhật Ánh
2.2.1. Các công trình nghiên cứu về đề tài thiếu niên trong sáng tác của
Nguyễn Nhật Ánh
Là một nhà văn thành công trong dòng văn học viết cho thiếu nhi nhưng
những người yêu thích văn chương Nguyễn Nhật Ánh không chỉ giới hạn trong lứa
tuổi thiếu nhi. Tác phẩm của ông được nhiều thế hệ độc giả thuộc nhiều lứa tuổi
khác nhau tìm đọc. Nguyên nhân có lẽ một phần do nhà văn thường xuyên tâm
niệm rằng viết cho thiếu nhi nhưng cũng đồng thời tặng cho những ai từng là thiếu
nhi”. Trong hành trình sáng tạo của mình, ông dành cho lứa tuổi thiếu niên - tuổi
mới lớn sự ưu ái đặc biệt thể hiện qua hàng loạt những truyện dài “đình đám” đã
được bạn đọc nhiệt tình đón đọc như: Kính vạn hoa, Chuyện phù thủy xứ Lang
Biang, Ngồi khóc trên cây, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Bảy bước tới mùa hè,
Hạ đỏ, Mắt biếc, … và gần đây nhất là truyện Cây chuối non đi giày xanh (tháng
01/2018). Đây cũng là mảng đề tài ghi dấu nhiều thành công của nhà văn, đồng thời
thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu.
Có thể kể tới những bài viết của các giảng viên ở trường Đại học Sư phạm Hà
Nội như: PGS.TS Lã Thị Bắc Lý “Bê tô không chỉ là chuyện về cún; Không gian
giả tưởng trong Chúc một ngày tốt lành” của Nguyễn Nhật Ánh), PGS Nguyễn Văn
Long (Tuổi thơ và những rung động đầu đời qua ngòi bút Nguyễn Nhật Ánh trong
Bảy bước tới mùa hè), Nguyễn Thị Hải Phương (Nghệ thuật tự sự trong tác phẩm Tôi
6


thấy hoa vàng trên cỏ xanh của Nguyễn Nhật Ánh), Nguyễn Thanh Tâm (Chúc một

ngày tốt lành - diễn ngôn của nhà văn “mãi mãi tuổi 15”); những bài viết của các nhà
nghiên cứu tại Viện Văn học Việt Nam như: PGS.TS Lưu Khánh Thơ (Nước mắt hồi
sinh thế giới), PGS.TS Vân Thanh (Văn học thiếu nhi Việt Nam với một lịch sử: từ Tô
Hoài đến Nguyễn Nhật Ánh), PGS.TS Nguyễn Bích Thu (Muốn hiểu tâm lí trẻ em nên
đọc Nguyễn Nhật Ánh), và rất nhiều nhà nghiên cứu phê bình văn học khác nữa.
Ngoài ra, đề tài viết về thiếu niên của Nguyễn Nhật Ánh cũng là đối tượng thu
hút nhiều thế hệ sinh viên, học sinh, học viên sau đại học thể hiện qua một số đề tài
khóa luận, luận văn, luận án được thực hiện ở nhiều cơ sở đào tạo khác nhau.
Vào năm 2005, tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Phạm Thị Bền đã chọn đề
tài Thế giới trẻ thơ qua cách nhìn của Nguyễn Nhật Ánh trong bộ Kính vạn hoa để bảo
vệ luận văn Thạc sĩ chuyên ngành Văn học Việt Nam. Chị là một trong những người
tiên phong cho việc tìm hiểu thế giới nhân vật và văn phong của Nguyễn Nhật Ánh một
cách hệ thống trong một công trình nghiên cứu khoa học có tính chuyên sâu.
Tiếp đó, Vũ Thị Hương đã bảo vệ thành công đề tài Thạc sĩ về Thế giới nghệ
thuật truyện Nguyễn Nhật Ánh vào năm 2009 cũng tại trường Đại học Sư phạm này.
Ngoài ra, có thể kể tới một số đề tài nghiên cứu về Nguyễn Nhật Ánh được bảo vệ
thành công như: Hoàng Hương Giang với đề tài Cảm hứng hướng về tuổi thơ trong
truyện Nguyễn Nhật Ánh (năm 2011); Hồi ức trong truyện thiếu nhi của Nguyễn
Nhật Ánh là đề tài luận văn Thạc sĩ của Nguyễn Minh Phượng bảo vệ năm 2014 tại
Đại học Sư phạm Hà Nội; Nguyễn Thị Thương với đề tài Nghệ thuật tự sự trong
truyện Nguyễn Nhật Ánh (Đại học Khoa học xã hội và nhân văn năm 2014); Bùi Thị
Thu Thủy với đề tài Nhân vật tuổi mới lớn trong truyện Nguyễn Nhật Ánh (tại
trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 năm 2015); Nguyễn Thị Thu Trang với đề tài
Thời gian và không gian nghệ thuật trong truyện Nguyễn Nhật Ánh bảo vệ năm
2016 tại trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn; hay Nguyễn Thái Sơn bảo vệ
thành công đề tài Đặc sắc trong truyện dài của Nguyễn Nhật Ánh (qua Tôi thấy hoa
vàng trên cỏ xanh, Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, Con chó nhỏ đeo giỏ hoa hồng)
vào năm 2017 tại Học viện Khoa học xã hội… Bên cạnh đó còn có nhiều luận văn
và khóa luận tốt nghiệp hướng mối quan tâm tới thế giới nhân vật trong truyện của
ông như: Đặc điểm truyện Nguyễn Nhật Ánh (Phạm Thị Vân), Nhân vật trẻ em

trong truyện Nguyễn Nhật Ánh (Nguyễn Thị Đài Trang), Nhân vật dị biệt trong văn
xuôi Nguyễn Nhật Ánh và Nguyễn Ngọc Thuần (Phạm Thị Hằng), Nhóm nhân vật
bất toàn về nhân dạng trong sáng tác của Nguyễn Nhật Ánh (Phạm Thị Tuyết).
7


Nghệ thuật xây dựng nhân vật loài vật trong Chúc một ngày tốt lành của Nguyễn
Nhật Ánh (Võ Thị Tuyết Nhung)…
Có thể nhận thấy, đề tài viết về thiếu niên trong sáng tác của Nguyễn Nhật
Ánh đã được quan tâm nghiên cứu và đã đạt được một số thành tựu nhất định. Tuy
nhiên những nghiên cứu này chủ yếu tập trung vào một số phương diện như thế giới
tuổi thơ, nghệ thuật kể chuyện, ngôn ngữ và nhân vật trong tác phẩm của Nguyễn
Nhật Ánh mà chưa có công trình nào đi sâu tìm hiểu những giá trị văn hóa truyền
thống trong sáng tác về đề tài thiếu niên của ông. Chính điều này đã gợi mở cho
chúng tôi một khoảng trống khoa học khi lựa chọn thực hiện đề tài: Đề tài viết về
thiếu niên qua ba tác phẩm Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, Tôi thấy hoa vàng
trên cỏ xanh, Cây chuối non đi giày xanh của Nguyễn Nhật Ánh.
2.2.2. Các công trình nghiên cứu về 3 tác phẩm: Cho tôi xin một vé đi tuổi
thơ, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Cây chuối non đi giày xanh
Ba tác phẩm Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Cây
chuối non đi giày xanh nằm trong những tác phẩm xuất sắc và vô cùng nổi tiếng của
Nguyễn Nhật Ánh trong 10 năm trở lại đây. Trong đó, hai tác phẩm Cho tôi xin một
vé đi tuổi thơ (2008) và Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (2010) đã tiêu tốn nhiều
giấy mực và tâm huyết của nhiều nhà nghiên cứu, nhiều học viên. Nói Cho tôi xin
một vé đi tuổi thơ là truyện viết cho thiếu nhi hay cho mọi lứa tuổi đều đúng. Bởi
tính phổ quát của tác phẩm. Bởi nhà văn Nguyễn Nhật Ánh - “cha đẻ” của tác phẩm
này từng nói: “Tôi viết cuốn sách này không dành tặng cho trẻ em. Tôi viết cho
những ai từng là trẻ em”. Với số lượng trang sách không nhiều, truyện dường như
không có chuyện nhưng lại truyền tải cảm xúc nhân văn cho nhiều người mà “ông
bán vé cho tuổi thơ” (Nguyễn Quang Lập) đã gửi gắm, để cấp cho mọi người chiếc

vé lên “chuyến tàu lộng lẫy về tuổi thơ” (Nguyễn Trương Quý), để khi trẻ thơ níu
kéo người già mà nhà báo Lạc Long đã viết. Tuổi thơ là một thế giới đặc biệt mà
đời người đều trải qua và luôn đọng lại trong tâm trí. Khi có tuổi có thể người ta
lãng quên quá khứ, nhưng khi đọc truyện này thế giới nội tâm người lớn luôn hiện
hữu bên cạnh thế giới tuổi thơ hồn nhiên, trong trẻo, bình dị. Với tác giả Nguyễn
Thụy Anh trong bài viết Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ đã khẳng định ý nghĩa, sức
lan tỏa của truyện mang lại cho mọi người: “người lớn vô tâm mải miết với cuộc
sống cơm áo gạo tiền có thể dừng bước đôi chút mà ngoái về phía sau, nhớ lại thời
thơ ấu” và để hiểu trẻ con, có cách giáo dục, quan tâm, thương yêu các em hơn chứ
không áp đặt vô lối nữa. Ngoài ra với lứa tuổi thiếu niên, cuốn sách cũng đem lại

8


niềm vui thích vì các em thấy mình được đặt ngang hàng, trở thành người đối thoại
bày tỏ suy nghĩ của mình và mong người lớn coi trọng. Với tác giả Mai Sơn trong
Cuộc chiến của cu Mùi và sự thành công của Nguyễn Nhật Ánh đã chỉ ra sự độc đáo
của tác phẩm bởi sự đan xen liên tục giữa tiểu thuyết hư cấu và văn bản triết luận,
người kể chuyện sáng suốt và nhân vật miêu tả đang đắm chìm chính mình; sự kiện
quá khứ và hiện tại, nghệ thuật làm say mê và cách thức lay thức độc giả” [48,
tr326]. Và ông cũng cho rằng những tác phẩm của nhà văn là một “thành tố trong
cấu trúc giáo dục thẩm mĩ cho thiếu nhi bên cạnh những nền tảng giáo dục khác từ
gia đình, nhà trường, xã hội”.
Cũng bài viết lấy tên tác phẩm này, Anjali Vaidya cũng khẳng định “đây không
phải là cuốn sách hoàn toàn dành cho trẻ em” [69, tr297]. Nhà văn cũng thấy sự ảnh
hưởng của tuổi thơ đối với mỗi người. Nhà văn cũng chỉ ra rằng “Nguyễn Nhật Ánh
làm rất tốt - kể sự thật thế giới người lớn bằng cách nhìn nghiêng. Tuy nhiên, di
chuyển qua lại giữa góc nhìn của một đứa trẻ và triết lí của một người lớn có thể
thay đổi đột ngột, và cuốn sách thỉnh thoảng không đều hơi.”
Riêng với Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh lại được nhiều người viết khá nhiều và

khá chi tiết. Ví như bài viết của Vũ Hạnh Nhi bàn về Tình anh em tuyệt diệu trong
truyện này. Người viết đã khai thác sâu về khía cạnh tình cảm thương yêu của hai
anh em dành cho nhau đặc biệt là Tường (em) bao dung, hi sinh, yêu anh vô điều
kiện và tình cảm của Thiều với em có lúc hờn ghen, đánh đập, lừa em nhưng sâu
hơn cả vẫn là sự ăn năn hối hận khi làm em đau, khi nhận ra lỗi lầm của mình làm
mất đi niềm vui của người khác… Hay với bài viết của Phạm Thị Bền, Phạm Thị
Hằng (Từ Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh của Nguyễn Nhật Ánh nghĩ về sự khác
biệt) đã trình bày về sự khác biệt, về cái riêng trong vô số cái chung cái tương đồng
mà con người thường dễ dàng tìm thấy ở nhau: hoa tay, tính cách hai anh em, cái
hoàn hảo ở chính những con người có số phận éo le, dị thường. Có thể là bài Sự
tương đồng trong lối viết từ Quê người, Giăng thề của Tô Hoài đến Tôi thấy hoa
vàng trên cỏ xanh của Nguyễn Nhật Ánh của tác giả Phạm Minh Hoa đã so sánh
điểm giống nhau giữa hai tác giả viết cho thiếu nhi, viết nhiều, viết khỏe, đều lấy đề
tài từ “cuộc sống con người chốn làng quê; trò chơi của trẻ nhỏ, phong tục ma chay,
cưới hỏi”, bởi cách xây dựng nhân vật thật giản dị, chân thành, bởi yếu tố khai thác
tâm lí tuổi mới lớn trước ngưỡng cửa rung động đầu đời đó chính là tình yêu. Còn
điểm khác nhau giữa hai nhà văn ở tình huống, dòng mạch tâm lí nhân vật, cái kết
của truyện. Nếu truyện của Tô Hoài dang dở, u buồn, cùng quẫn và bế tắc thì truyện

9


của Nguyễn Nhật Ánh lại yêu đời, lạc quan, hóm hỉnh. Dù biết chịu ảnh hưởng của
yếu tố xã hội đến tác phẩm nhưng để chúng ta biết được văn học gắn liền với đời
sống con người “văn học vị nhân sinh”.
Trong cách bàn về nghệ thuật tự sự trong truyện này, Nguyễn Thị Hải Phương
cũng đã trình bày thành công của nhà văn từ nghệ thuật xây dựng nhân vật người kể
chuyện mang cái nhìn trẻ thơ, tâm hồn trẻ thơ; nghệ thuật xây dựng không gian và
thời gian nghệ thuật; nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ giọng điệu. Nguyễn Nhật Ánh
chính là một “nhà văn có sức sáng tạo dồi dào”, “tác phẩm thu hút bạn đọc” bởi

những trang truyện “nhẹ nhàng mà đầy ý nghĩa”.
Điểm qua một số công trình viết về Nguyễn Nhật Ánh có thể thấy những
nghiên cứu về Nguyễn Nhật Ánh khá phong phú song chưa có công trình nào đi sâu
tìm hiểu thế giới tuổi thiếu niên như là một nhân tố tạo nên sức hút của hiện tượng
Nguyễn Nhật Ánh, đặc biệt là chưa có bài viết nào bàn về truyện dài mới nhất của
ông: Cây chuối non đi giày xanh. Đây là nguồn tư liệu mới mẻ mà chúng tôi muốn
tập trung khai thác như một điểm nhấn ở đề tài này. Lựa chọn đề tài Đề tài viết về
thiếu niên qua ba tác phẩm Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, Tôi thấy hoa vàng
trên cỏ xanh, và Cây chuối non đi giày xanh của Nguyễn Nhật Ánh, những kết
quả nghiên cứu của các công trình đi trước là nguồn tham khảo quý trong quá trình
chúng tôi triển khai đề tài của mình.
3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
Tìm hiểu một số đặc điểm nổi bật trong sáng tác về đề tài thiếu niên của Nguyễn
Nhật Ánh. Trên cơ sở đó, luận văn đi sâu tìm hiểu khía cạnh dấu ấn văn hóa dân
gian trong sáng tác của ông nhằm góp phần lí giải "hiện tượng" một nhà văn viết
"chuyên" về một đề tài trong thời gian dài (mấy chục năm) mà vẫn được độc giả
đón nhận nồng nhiệt.
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
- Đối tượng nghiên cứu là thế giới tuổi thiếu niên được tái hiện trong sáng tác
của Nguyễn Nhật Ánh
- Phạm vi nghiên cứu: là 3 tác phẩm truyện dài (Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ,
Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Cây chuối non đi giày xanh), các tác phẩm khác
của Nguyễn Nhật Ánh sẽ chỉ được chúng tôi sử dụng với mục đích so sánh hoặc
làm rõ hơn những nhận định trong luận văn.
5. Cơ sở lí luận và phương pháp nghiên cứu
- Phương pháp phân tích, tổng hợp

10



- Phương pháp thống kê, phân loại
- Phương pháp so sánh, đối chiếu
- Phương pháp nghiên cứu loại hình
- Phương pháp nghiên cứu tiểu sử
-

Phương pháp hệ thống và phương pháp liên ngành.
6. Ý nghĩa lí luận và thực tiễn

-

Luận văn có những đóng góp nhất định về mặt tư liệu, cụ thể: Ngoài tác

phẩm Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ (được giải thưởng văn học ASEAN năm 2010)
và Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (được chuyển thể thành phim năm 2015) đã xuất
hiện trong một số công trình nghiên cứu về Nguyễn Nhật Ánh trước đây, chúng tôi
còn tập trung vào tác phẩm Cây chuối non đi giày xanh là ấn phẩm mới nhất của
ông (phát hành năm 2018 với số lượng lên tới 170.000 bản) với mong muốn trả lời
câu hỏi điều gì làm nên thành công của ngòi bút Nguyễn Nhật Ánh khi ông trường
kì thâm canh trên mảnh ruộng đề tài thiếu niên.
-

Thông qua ba tác phẩm Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, Tôi thấy hoa vàng trên

cỏ xanh, Cây chuối non đi giày xanh, luận văn đã tiến hành phác thảo diện mạo
truyện viết về đề tài thiếu niên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh dựa trên một số đặc
điểm nổi bật về nội dung và nghệ thuật.
-

Luận văn lần đầu đã đi sâu tìm hiểu khía cạnh dấu ấn văn hóa dân gian trong


sáng tác của Nguyễn Nhật Ánh nhằm góp phần lí giải “hiện tượng” một nhà văn
“chuyên” về một đề tài trong thời gian dài (mấy chục năm) mà vẫn được độc giả
đón nhận nồng nhiệt.
Kết quả nghiên cứu của đề tài có thể dùng làm tài liệu tham khảo cho các nhà
nghiên cứu, nhà giáo hoặc sinh viên, học sinh cũng như các bậc phụ huynh quan
tâm tới sáng tác của Nguyễn Nhật Ánh.
7. Kết cấu của luận văn
Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Tài liệu tham khảo, phần nội dung của đề tài
gồm 03 chương:
- Chương 1: Khái quát về văn học viết cho thiếu nhi và nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.
- Chương 2: Một số đặc điểm nổi bật trong sáng tác về đề tài thiếu niên của
Nguyễn Nhật Ánh.
- Chương 3: Dấu ấn văn hóa dân gian trong sáng tác về đề tài thiếu niên của
Nguyễn Nhật Ánh.

11


Chương 1
KHÁI QUÁT VỀ VĂN HỌC VIẾT CHO THIẾU NHI VÀ NHÀ VĂN
NGUYỄN NHẬT ÁNH
1.1. Khái quát về văn học thiếu nhi ở Việt Nam
1.1.1. Khái niệm về văn học thiếu nhi
Văn học phản ánh hiện thực cuộc sống ở nhiều khía cạnh, nhiều cung bậc. Nếu
hình dung cuộc sống là một bức tranh thì các nhà văn, thông qua lăng kính chủ quan
của mình, là người tái hiện những mảnh ghép của bức tranh ấy. Ngoài việc phản
ánh những xúc cảm riêng tư của cá nhân, ngòi bút của các nhà văn thường có xu
hướng hướng ngòi bút của mình tới những vấn đề có tính thời đại, chẳng hạn các
nhà văn hiện đại quan tâm tới vấn đề nhìn nhận, đánh giá lại chiến tranh, lịch sử,

nông thôn đổi mới, các vấn đề đô thị,… Trong đó, viết về/cho thiếu nhi cũng trở
thành một trong số những vấn đề được văn học Việt Nam hiện đại quan tâm. Nhiều
cây bút thuộc nhiều lứa tuổi, với nhiều phong cách nghệ thuật khác nhau như Tô
Hoài, Bùi Hiển, Phạm Hổ, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Ngọc Tư...
đã lựa chọn nâng niu, yêu thương, nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ qua các vần thơ, các
trang văn trong sáng, phù hợp với lứa tuổi thiếu nhi, tạo nên một dòng văn học viết
cho thiếu nhi với những thành tựu đáng được ghi nhận.
Vậy văn học viết cho thiếu nhi là gì? phát triển như thế nào? có dòng văn viết
cho thiếu niên ra sao?
Có rất nhiều quan điểm khác nhau định nghĩa về văn học thiếu nhi. Theo Từ
điển thuật ngữ văn học của Lê Bá Hán, văn học thiếu nhi theo nghĩa hẹp “gồm những
tác phẩm văn học hoặc phổ cập khoa học dành riêng cho thiếu nhi”. Nhưng có những
tác phẩm văn học viết cho thiếu nhi lại được người lớn đón nhận, người lớn sáng tác
cho thiếu nhi bên cạnh lực lượng thiếu nhi tự sáng tác cho lứa tuổi mình. Nhiều vấn đề
được đề cập đến trong dòng văn học này. Nhà văn Lê Phương Liên định nghĩa văn học
thiếu nhi là một thể loại văn học đặc thù nhằm phục vụ một đối tượng văn học rộng lớn
bao gồm: lứa tuổi mầm non (dưới 6 tuổi), lứa tuổi nhi đồng (từ 6 -10 tuổi), lứa tuổi
thiếu niên (từ 11 - 13 tuổi), tuổi mới lớn (từ 13, 14 tuổi - 18, 19 tuổi).
Vì thế, nhiều nhà nghiên cứu thống nhất cho rằng: “Văn học thiếu nhi là
những tác phẩm viết về thiếu nhi và viết cho thiếu nhi do người lớn hoặc trẻ em
sáng tác, được nhìn qua lăng kính trẻ thơ, có nội dung hướng đến giáo dục, bồi
dưỡng tâm hồn, nhân cách trẻ em ở mọi lứa tuổi khác nhau. Có thể coi những sáng
12


tác viết cho thiếu nhi bao gồm: những tác phẩm viết cho trẻ em tuổi mầm non;
những tác phẩm viết cho thiếu niên, nhi đồng; những tác phẩm viết cho tuổi mới
lớn.” [27]. Khái niệm này đã bàn đến kiểu loại, người sáng tác, nội dung và phân
loại các tác phẩm văn học thiếu nhi. Trong các định nghĩa trên, chúng tôi nhận thấy
định nghĩa về văn học thiếu nhi được tác giả Nguyễn Thị Thanh Hương đề cập là

hợp lí và có sức thuyết phục. Vì thế trong luận văn, chúng tôi hiểu văn học thiếu nhi
theo định nghĩa này và như vậy thì văn học viết về/cho thiếu niên cũng được xác
định là một bộ phận của văn học thiếu nhi.
1.1.2. Khái quát về hành trình của văn học thiếu nhi ở Việt Nam
Văn học thiếu nhi là một bộ phận của văn học dân tộc, nó là nhành hoa nhỏ
nở riêng nhưng đầy cuốn hút và ngày càng chứng minh được vị thế của mình.
Khởi nguồn của sự lớn lên về tinh thần của trẻ Việt Nam là một bầu trời đầy
trăng sao, hoàng tử, công chúa, bà tiên, ông Bụt, những cánh rừng xa xanh với bao
con thú biết nói, bao loài hoa cỏ đẹp tươi … có trong những lời kể thắm tình của bà,
lời ru ngọt ngào của mẹ êm đềm bên vành nôi. Trí tuệ non nớt được nuôi dưỡng
tưới đẫm bởi những bài ca dao, đồng dao, truyện thần thoại, cổ tích, ngụ ngôn…
nâng đỡ các em vào cuộc sống. Mạch nguồn dân gian này sẽ trở thành một kỉ niệm
đẹp không dễ phai nhòa trong kí ức tuổi thơ của mỗi người.
Văn học thiếu nhi không được quan tâm trong thời kì phong kiến trung đại.
Giai đoạn này lực lượng vua, quan, nho sĩ tiến bộ luôn tâm niệm bởi lễ giáo đạo đức
phong kiến hà khắc, bởi văn dĩ tải đạo thi dĩ ngôn chí. Họ chưa quan tâm đến độc
giả là trẻ em.
Đến những năm đầu thế kỉ XX, khi văn học viết bằng chữ Quốc ngữ ra đời,
các nhà văn đã có viết đến chuyện gia đình, những đứa trẻ như trong Cha con nghĩa
nặng của Hồ Biểu Chánh. Nhưng đề cập sâu đến đời sống nội tâm của trẻ là chưa
có. Giai đoạn từ 1930-1945, nhiều tác giả trong Tự lực văn đoàn đề cập đến những
đứa trẻ thành thị nhưng chưa khái quát được số phận, cuộc đời chúng. Còn những
nhà văn hiện thực phê phán như Nam Cao với một loạt các truyện ngắn viết về trẻ
nghèo ở nông thôn với nhiều bất hạnh, vất vả, đắng cay như: Từ ngày mẹ chết, Bài
học quét nhà, Trẻ con không được ăn thịt chó, Một đám cưới, Một bữa no… Còn
với Nguyễn Công Hoan là truyện Hai cái bụng, Bữa no đòn…. Nguyên Hồng với
Những ngày thơ ấu thực sự đã đem đến cho người đọc thấu hiểu những cơ cực
thường ngày, những lầm lũi, khó nhọc, những bươn chải mưu sinh, những nỗi đau
13



thể xác và tinh thần mà trẻ em xưa từng trải qua. Dẫu những đắng cay ấy có dày lên
thì chúng ta cũng hiểu giữa hoàn cảnh đất nước còn lầm than nô lệ thì trẻ em chịu
khổ, gánh nặng tâm hồn hoặc chưa được quan tâm đúng mực cũng là điều dễ hiểu.
Bên cạnh đó, một số cây bút hiện thực khác lại viết theo lối đồng dao, mượn chuyện
loài vật để giáo dục con người, đặc biệt đối tượng hướng đến của họ là trẻ em. Đó là
Tô Hoài với Đám cưới chuột, Võ sĩ Bọ Ngựa, Dế Mèn phiêu lưu kí khiến ta lạc vào
thế giới dễ thương, ngọt ngào của trẻ thơ. Qua giọng văn hóm hỉnh, giàu chất trữ
tình những con vật ngộ nghĩnh ấy chuyển tải được nội tâm đáng yêu, hồn nhiên
trong trẻo nhưng đầy tinh nghịch, thích phiêu lưu khám phá, thỏa trí tò mò, ham hỏi
của trẻ thơ.
Trong thời kì “vất vả đau thương” nhưng “tươi thắm vô ngần” của đất nước
Việt Nam, dù chịu nhiều đớn đau trong cuộc chiến gay go, quyết liệt chống thực
dân Pháp và đế quốc Mĩ thì ta vẫn nhận thấy một dấu hiệu đáng mừng là nhiều nhà
văn nhà thơ quan tâm đến trẻ em hơn, viết nhiều hơn và còn xuất hiện những tác giả
là trẻ em nữa. Báo Thiếu sinh - tiền thân của báo Thiếu niên tiền phong ra đời năm
1946 thể hiện được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với thế hệ măng non. Các tờ
báo khác là diễn đàn của các em như Tuổi trẻ, Măng non … hay Nhà xuất bản Kim
Đồng cũng ra mắt đã đánh dấu sự chuyển mình của văn học hướng đến đối tượng
nhỏ tuổi này. Dù các nhân vật chính đều là những tấm gương thiếu nhi dũng cảm
trong cuộc chiến đấu bảo vệ đất nước cũng đã thổi nguồn sinh khí cho các tác giả
khác niềm hào hứng viết nhiều, viết khỏe. Các cây bút đã có chỗ dựa là nhà xuất
bản Kim Đồng thì hiện thực xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và chống Mĩ ở
miền Nam đã trở thành đề tài khơi nguồn cảm hứng cho các tác giả cả về số lượng
và về chất lượng. Ở mảng thơ trữ tình, Tố Hữu đóng góp những bài thơ ca ngợi
những em bé liên lạc gan dạ, dũng cảm, nhiệt tình với cách mạng như: Lượm,
Phước ơi… Một số cái tên gây ấn tượng với thiếu nhi qua những bài thơ như đồng
dao của Võ Quảng, Phạm Hổ đã gần gũi với thế giới nội tâm các em. Riêng Trần
Đăng Khoa - nhà thơ thiếu nhi đã cho ra đời tập Góc sân khoảng trời hồn nhiên
đáng yêu, lí lắc. Xuất hiện nhiều tác phẩm văn xuôi viết về thiếu nhi vừa có giá trị

văn học vừa có giá trị lịch sử, địa lí như Đất rừng phương Nam (Đoàn Giỏi), Em bé
bên bờ sông Lai Vu (Vũ Cao), Cái Thăng (Võ Quảng)… Các tác giả không chỉ
hướng đến những sự kiện lịch sử như tiểu thuyết Lá cờ thêu sáu chữ vàng (Nguyễn
Huy Tưởng), An Cương với Sóng gió Bạch Đằng mà họ còn tập trung phản ánh góc
14


nhìn trẻ thơ về cuộc sống hàng ngày các em đang làm quen như: Bùi Hiển với
truyện ngắn Ngày công đầu tiên của cu Tí, Tô Hoài với Đàn chim gáy, Nguyễn
Kiên với Kể chuyện nông thôn…. Đề tài viết về mái trường cũng được chú ý. Sau
này khi miền Bắc vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội, vừa là hậu phương vững chắc cho
tiền tuyến lớn miền Nam thì văn học viết cho thiếu nhi càng dày thêm như: Quê nội
của Võ Quảng, Kim Đồng của Tô Hoài… Còn ở miền Nam lại là những em bé
chăm ngoan, yêu thương ba mẹ, thay ba mẹ chăm sóc các em khi họ sẵn sàng tham
gia kháng chiến. Phải kể đến chị em Chiến, Việt trong Những đứa con trong gia
đình (Nguyễn Thi), em bé trong Mẹ vắng nhà (Nguyễn Thi), bé Thu trong Chiếc
lược ngà (Nguyễn Quang Sáng) và còn có những em bé nơi núi rừng Xô Man, Tây
Nguyên thật thà, chân chất nhưng kiên định, trung thành với cách mạng như Tnú,
Mai khi nhỏ, là Dít, bé Heng trong Rừng xà nu (Nguyễn Trung Thành).
Sau khi đất nước hòa bình thống nhất, văn học đi tìm nguồn đề tài mới nhưng
chưa tạo được tiếng vang. Hơn nữa, văn học viết cho thiếu nhi không được đề cao
khi mà cuộc sống còn đang đối diện với cái đói, cái nghèo sau cuộc chiến. Chỉ từ
sau khi đổi mới căn bản đất nước, từ sau năm 1986, văn học nói chung và văn học
thiếu nhi nói riêng đã chạm sâu đến mọi mặt biến chuyển của đời sống xã hội,
những thay đổi của nền kinh tế thị trường, những gấp gáp trong lối sống chạy, sống
vội vàng tác động sâu sắc tới các gia đình và ảnh hưởng trực tiếp đến trẻ em. Đó là
các tác phẩm Búp sen xanh của Sơn Tùng, những cuốn tự truyện Tuổi thơ dữ dội
của Phùng Quán, Tuổi thơ im lặng của Duy Khán hướng về quá khứ; những tác
phẩm như Bàn có năm chỗ ngồi, Bồ câu không đưa thư, Buổi chiều Window, Cô gái
đến từ hôm qua của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Và những truyện ngắn của Nguyễn

Ngọc Thuần, Cao Xuân Sơn… Đề tài về thiếu nhi miền núi cũng được chú ý đến
như Đồi sói hú của Nguyễn Quỳnh. Những khai thác nội tâm tâm lí trẻ thơ dành
riêng cho lứa tuổi “teen” như Kính vạn hoa, Chuyện xứ Lang Biang của Nguyễn
Nhật Ánh, Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư… Lực lượng sáng tác đông đảo
hơn, trẻ trung hơn, đáp ứng được yêu cầu của xã hội. Vì thế, văn học viết cho thiếu
nhi sau năm 1986 đặc biệt là từ những năm 1995 trở lại đây có nhiều khởi sắc.
1.2. Khái quát về nhà văn Nguyễn Nhật Ánh
1.2.1. Nguyễn Nhật Ánh - nhà văn của thời đại nhiều biến động
Nguyễn Nhật Ánh sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh đất nước bị chia cắt hai
miền: sau năm 1954, miền Bắc hòa bình xây dựng chủ nghĩa xã hội, trở thành hậu
15


phương vững chắc cho tiền tuyến lớn miền Nam; miền Nam đương đầu chống đế
quốc Mĩ. Sau đại chiến mùa xuân 30/4/1975, nước nhà thống nhất cùng đoàn kết
tiến lên chủ nghĩa xã hội. Nhưng bước ra khỏi cuộc chiến kéo dài, nền kinh tế đất
nước còn yếu kém, lạc hậu, một thời gian dài chúng ta sống tự cung tự cấp và phải
dựa vào sự viện trợ của nước ngoài. Vừa hàn gắn vết thương chiến tranh, vừa cố
gắng bảo vệ hòa bình đất nước, vừa nỗ lực vươn mình ra thế giới, từ sau Đại hội
Đảng VI năm 1986, chúng ta đã đổi mới kinh tế, xã hội, văn hóa nghệ thuật mọi mặt
đời sống chính trị. Vì thế, sau hơn 30 năm đổi mới, chúng ta hiện nay đã có nhiều
bước chuyển mình. Đặc biệt về văn học nghệ thuật được đổi mới căn bản, các nhà
văn đã tạo ra một diện mạo mới đầy sức sống khi nhìn vấn đề đời sống xã hội hiện
thực hơn. Người dân và thị hiếu đọc cũng được nâng cao. Đối tượng trẻ em vừa là
đối tượng phản ánh vừa là đối tượng tiếp nhận được các nhà văn chú ý hơn. Thêm
vào đó là sự phát triển không ngừng của khoa học kĩ thuật hiện đại, người đọc có
nhiều kênh giao tiếp hơn. Đó là thách thức lớn với các nhà văn giữa những biến
động không ngừng của hiện thực để tạo dựng dấu ấn riêng cho mình. Nguyễn Nhật
Ánh đã tạo được vương quốc cho mình với những trang văn dành cho tuổi thiếu nhi,
thiếu niên và gần đây là thanh niên trẻ.

Nguyễn Nhật Ánh sinh ngày 07 tháng 5 năm 1955 tại làng Đo Đo, xã Bình
Quế, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Đó là một miền quê nghèo lam lũ, đất
cằn sỏi đá nhưng cũng có những phong cảnh hữu tình dễ khơi gợi cảm xúc cho tâm
hồn yêu văn chương của tác giả. Lời bài hát về xứ Quảng vẫn luôn da diết “Đất
Quảng Nam chưa mưa đã thấm, rượu hồng đào chưa nhấp đã say” đưa ta về với
mảnh đất miền Trung thời tiết khắc nghiệt, ngập đầy nắng nóng, gió cát hoặc những
trận lũ lụt lớn. Nhà văn từng đặc tả về quê mình trong Tôi thấy hoa vàng trên cỏ
xanh (tr238): “Mưa như người giận dai, gầm gừ xối xả và miên man, có cảm giác
mây đen đã kéo cả đại dương lên trời để bây giờ hả hê trút xuống. Nửa khuya, lũ từ
thượng nguồn tràn về, mực nước từ từ dâng lên mấp mé mặt giường. Cảnh vật sau
khi lũ đi qua trông hoang tàn như một phim trường vừa quay xong cảnh chiến
tranh”. Nhưng cũng từ mảnh đất nghèo nàn, luôn hứng chịu thiên tai ấy đã gieo
trồng nguồn đề tài không vơi cạn cho ông, tạo nên khối lượng tác phẩm lớn cho nền
văn học dân tộc. Vùng đất quê ông “nổi tiếng với những đụn cát trắng chạy dài đến
tận chân trời, mùa hè nhìn ra ngoài nắng đã thấy xây xẩm mặt mày” [54, tr155].
Hơn nữa vùng này còn nổi tiếng với khoai lang Trà Đõa “Quảng Nam có lụa Phú
16


Bông/ Có khoai Trà Đõa có sông Thu Bồn”. Ông yêu miền quê nắng gió, lam lũ của
mình, về làng Đo Đo, Trà Long “làng quê mình sỏi đá nhiều hơn thóc gạo, nghèo
khó muôn đời” (Mắt biếc) thương về dải đất miền Trung dãi dầu mưa bão, ông tri
ân bằng cách quảng bá ra thế giới với trang web: www.quandodo.com và bằng cả
những lời văn chân thực giàu hình ảnh và cảm xúc gửi gắm qua tác phẩm của mình.
Thuở nhỏ, ông học tại quê nhà (trường Tiểu La, Trần Cao Vân, Phan Chu
Trinh) tĩnh lặng, êm đềm bên gia đình. Từ năm 1973, ông vào Sài Gòn và học Sư
phạm. Ông từng tham gia chiến tranh chống Mĩ, dạy học, làm công tác Đoàn Thanh
niên. Đây cũng được coi là thời gian vất vả, bươn chải nhất trong cuộc đời ông. Ông
chịu nhiều thử thách gian nan của cuộc sống nhiều lúc tưởng chừng bế tắc. Nhưng
“Anh đã hứng lấy những đổi thay quanh mình để làm nên một gia tài quý báu” (Lê

Minh Quốc). Sau 1986, ông là phóng viên của Nhật báo Sài Gòn giải phóng. Ông viết
nhiều thể loại, thể tài khác nhau: sân khấu, thiếu nhi, bình luận thể thao. Ông có nhiều
bút danh như Chu Đình Ngạn, Anh Bồ Câu, Lê Duy Cật, Đông Phương Sóc, Sóc
Phương Đông … Nhưng có lẽ gần gũi thân quen nhất với độc giả là cái tên Nguyễn
Nhật Ánh - nhà văn thân quý của tuổi thơ, hoàng tử bé của thế giới tuổi thơ…
Thời đại nhiều biến động, cuộc sống bươn chải, lận đận nhiều thăng trầm đã
tạo dựng cho ông vốn sống phong phú. Ông thấu hiểu đời sống cơ cực, lam lũ của
những đứa trẻ và người dân xứ Quảng nói riêng và miền Trung nói chung. “Tôi có
thể nhìn thấy sự đói kém hiển hiện từng ngày trong mâm cơm. Nồi cơm lưng hơn.
Thức ăn ít đi. Cá thịt thưa dần, có hôm mất tích hẳn. Thỉnh thoảng có bữa tôm rang
thì con nào con nấy mặn chát muối bám quanh con tôm trắng xóa như tuyết. Chỉ với
một “con tôm tuyết” đó, tôi có thể ăn ba chén cơm.” [10, tr260]. Đó là lũ lụt, là cái
nghèo, cái đói, cái khổ quẩn quanh, đeo bám. Hơn nữa, ông lại ham mê tìm tòi, làm
việc có trách nhiệm, khiến tác phẩm của ông đậm chất hiện thực. Những trang văn
của ông ngồn ngộn chất tự nhiên như bước ra từ trong đời sống thường ngày của
người dân xứ Quảng nhưng cũng thấm đượm trữ tình. Hiện nay, ông đang sống tại
thành phố Hồ Chí Minh và là nhà văn nổi tiếng nhất ở Việt Nam với dòng văn viết
cho thiếu nhi và nói theo lời của PGS.TS Lã Thị Bắc Lý thì “Nguyễn Nhật Ánh
thuộc số người có bút lực dồi dào vào bậc nhất Việt Nam và là người gánh sứ mệnh
lịch sử - Người giữ lửa cho văn học thiếu nhi Việt Nam suốt thời kì Đổi mới và hội
nhập” [39, tr20] hay “Nguyễn Nhật Ánh đã đến lúc trở thành một trường hợp không
thể không tính đến của lịch sử văn học đương đại” [20, tr49].
17


1.2.2. Khái quát hành trình sáng tác của Nguyễn Nhật Ánh
Nguyễn Nhật Ánh trở thành cái tên quen thuộc và “thương hiệu riêng” với độc
giả nhỏ tuổi và cả các bậc phụ huynh Việt Nam suốt hơn 30 năm qua. Sáng tác của
ông đã đánh thức bao kí ức tuổi thơ dần quên lãng, gọi lại kỉ niệm hồn nhiên, vui
tươi qua trang văn gần gũi, nhẹ nhàng, trong sáng. Đọc văn của ông ta như được trở

lại với tuổi thơ quen thuộc của mình ngày nào. Tác phẩm của ông không kén độc
giả mà phù hợp với mọi lứa tuổi. Mỗi khi ông cho ra đời tác phẩm mới, công chúng
nồng nhiệt chờ mong đón đợi. Vì thế, ông đã trở thành nhà văn nổi tiếng nhất trong giai
đoạn đương đại, nhà văn có số lượng sách xuất bản nhiều nhất, tái bản nhiều nhất và
bán chạy nhất, một “best seller”. Nhiều tác phẩm của ông được dịch ra tiếng nước
ngoài. Và mọi người quen gọi ông là nhà văn của thế hệ thiếu nhi Việt Nam mà như
PGS.TS Văn Giá thì “e chừng cái danh xưng ấy vẫn chật chội” [15, tr49] bởi giọng
văn và nội dung truyện của Nguyễn Nhật Ánh chinh phục tất cả mọi đối tượng độc giả.
Nguyễn Nhật Ánh đã đóng góp công sức rất lớn cho đổi mới nền văn học đương
đại nước nhà đặc biệt là dòng văn học thiếu nhi - một mảnh đất màu mỡ nhưng ít người
thành công khi khai vỡ. Trẻ em được hòa mình vào những câu chuyện thân quen hàng
ngày, những xúc cảm bí mật tuổi thiếu niên mới lớn e ấp xinh tươi, những trò đùa nghịch
hồn nhiên trong trẻo. Người lớn có thể gọi lại tuổi thơ đã từng bị lãng quên nơi sâu thẳm
tâm hồn sau bao tháng ngày trăn trở với cuộc sống hiện thực bộn bề. Vì thế, truyện của
ông tự nhiên đi vào lòng người đọc, tạo một sức hút lớn.
Nguyễn Nhật Ánh là người viết văn giỏi ngay từ nhỏ. Ông yêu thích việc viết
văn. Ông ham mê đọc sách, truy tìm tài liệu, tạo nên những trang văn gần gụi, thân
thiết đặc biệt với thiếu nhi. Ông thử sức và đã thành công trên nhiều thể loại. Cụ thể:
1.2.2.1. Thơ
Năm 13 tuổi, ông đăng báo bài thơ đầu tiên. Tác phẩm đầu tiên in thành sách
là một tập thơ: Thành phố tháng tư (in chung với Lê Thị Kim, 1984, Nhà xuất bản
Tác phẩm mới). Ông còn có bài thơ được phổ nhạc Thành phố tình yêu và nỗi nhớ
rất nổi tiếng. Các tập thơ khác: Đầu xuân ra sông giặt áo (1986), Tứ tuyệt cho nàng
(1994), Lễ hội của đêm đen (1994). Thơ của ông vừa nhẹ nhàng, tươi vui nhưng có
nhiều bài thơ tình yêu chân thành, giàu xúc cảm.
1.2.2.2. Truyện dài
Truyện dài đầu tiên của ông là tác phẩm Trước vòng chung kết (1985, NXB
Măng Non). Hai mươi năm trở lại đây, ông tập trung viết văn xuôi, chuyên sáng tác
18



về đề tài thanh thiếu niên với sức viết bền bỉ, trong đó có năm ông cho ra mắt liên
tục 04 truyện dài. Những tác phẩm truyện dài hay tập truyện của ông “như một thỏi
nam châm lớn có sức hút kì diệu” với công chúng bạn đọc như: Cô gái đến từ hôm
qua (1989), Mắt biếc (1990), Bong bóng lên trời, Hạ đỏ (1991), Út Quyên và tôi, Đi
qua hoa cúc, Buổi chiều windows (1995), Chuyện xứ Lang Biang (2004-2006), Tôi
là Bêtô (2007), Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ (2008), Tôi thấy hoa vàng trên cỏ
xanh (2010), Con chó nhỏ mang giỏ hoa hồng, Ngày xưa có một chuyện tình
(2016), và mới đây 07/01/2018 là cuốn truyện Cây chuối non đi giày xanh được
xuất bản. Đây là mảnh đất mà ông gieo hạt mầm nhiều nhất và thu được vụ mùa bội
thu. Thế giới nhân vật trong sáng tác truyện dài của Nguyễn Nhật Ánh chủ yếu là
trẻ thơ, những bạn tuổi mới lớn. Có thể là bạn học trò nơi nông thôn xa xôi, cũng có
thể là một bạn nơi thành thị, đôi khi có cả loài động vật mà trẻ em yêu thích như Xin
lỗi mày Tai To, Tôi là Bê tô, Có hai con mèo ngồi bên cửa sổ, Chúc một ngày tốt
lành hay Con chó nhỏ mang giỏ hoa hồng. Phông nền truyện của ông thường diễn
ra ở miền quê nghèo lam lũ nhưng yên bình tại Quảng Nam quê ông cũng có khi
diễn ra giữa thành phố Hồ Chí Minh ồn ào, náo nhiệt. Ông gắn bó với trẻ nên bằng
giọng văn hài hước, đậm chất nghịch ngợm ông đưa người đọc trở về với những kỉ
niệm ấu thơ, nhặt nhạnh những niềm vui nỗi buồn thời học trò xa vắng, gọi dậy
những trái tim khô cằn đập thổn thức tình yêu học trò ngây thơ vụng dại. Ở thể loại
truyện dài này “Nguyễn Nhật Ánh thuộc số người có bút lực dồi dào vào bậc nhất ở
Việt Nam những năm cuối thế kỉ XX đầu thế kỉ XXI” [39, tr20].
1.2.2.3. Tạp văn
Bên cạnh đó, ông còn viết tạp văn với Sương khói quê nhà, Người Quảng đi ăn
mì Quảng (2012), Thương nhớ Trà Long (2014). Tạp văn là thể loại để ông tự do, thoải
mái viết, bàn về tất cả những vấn đề hơi thở cuộc sống bộn bề. Đồng thời, những tạp
văn ấy đã minh chứng được tình yêu cháy bỏng, nồng nàn của ông với quê hương. Dù
xa quê, lâu không trở về quê nhưng đọc những tạp văn này lại thấy quê hương với
những nét riêng thân thương đến vậy. Ông suy ngẫm về nhiều thứ quanh mình và đã
viết tri ân và quảng bá về quê hương mình - mảnh đất Quảng Nam.

Thành công của ông không chỉ dừng lại ở việc làm thơ, viết văn, viết báo mà
những tác phẩm của ông cũng đã được các đạo diễn phim yêu thích. Một số tác
phẩm của Nguyễn Nhật Ánh đã được chuyển thể vào điện ảnh: Áo trắng sân trường
(phim 1990) dựa trên truyện dài Nữ sinh (1989); Thằng quỷ nhỏ (phim 1997) dựa
19


trên truyện dài cùng tên; Chú bé rắc rối (phim 1998) dựa trên Chú bé rắc rối; Bong
bóng lên trời (phim) - chuyển thể cùng tên năm 1997, phim do Hãng phim truyện
Việt Nam (VFC) sản xuất cũng là bộ phim miền Bắc duy nhất; Nữ sinh (phim 2008
dài 10 tập) dựa trên truyện dài Nữ sinh, Bồ câu không đưa thư và Buổi chiều
Windows; Kính vạn hoa (phim 2004); Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (phim 2015);
Cô gái đến từ hôm qua (phim 2017); Ngồi khóc trên cây, Thiên thần nhỏ của tôi
(phim sẽ bấm máy vào tháng 09/2018 và phát sóng vào dịp hè 2019). Bởi những tác
phẩm này đều dễ chạm đến lòng trắc ẩn, những vui tươi, tinh nghịch, hồn nhiên
đáng nhớ tuổi học trò hay những “lần đầu rung động nỗi thương yêu”…
Năm 1990, truyện dài Chú bé rắc rối được Trung ương Đoàn Thanh niên
Cộng Sản Hồ Chí Minh trao giải thưởng Văn học Trẻ hạng A. Năm 1995, ông được
bầu chọn là nhà văn được yêu thích nhất trong 20 năm (1975-1995) qua cuộc trưng
cầu ý kiến bạn đọc về các gương mặt trẻ tiêu biểu trên mọi lĩnh vực của Thành
Đoàn thành phố Hồ Chí Minh và báo Tuổi trẻ, đồng thời được Hội nhà văn thành
phố Hồ Chí Minh chọn là một trong 20 nhà văn trẻ tiêu biểu trong 20 năm (19751995) và 30 năm (1975-2005). Năm 1998, ông được Nhà xuất bản Kim Đồng trao
giải cho nhà văn có sách bán chạy nhất. Năm 2003, bộ truyện nhiều tập Kính vạn
hoa được Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh trao huy chương “Vì
thế hệ trẻ” và được Hội nhà văn Việt Nam trao tặng thưởng. Năm 2009, ông nhận
giải thưởng của Hội nhà văn Việt Nam. Năm 2010, Nguyễn Nhật Ánh nhận giải
thưởng văn học ASEAN cho cuốn Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, giải thưởng
FAHASA năm 2012. Đến nay, ông đã xuất bản gần 100 tác phẩm và từ lâu đã trở
thành nhà văn thân thiết của các bạn đọc nhỏ tuổi ở Việt Nam. Nhà báo Nguyễn
Hoàng Sơn đã coi Nguyễn Nhật Ánh là “một hiện tượng” và cất công đi tìm bí

quyết văn chương của ông.
Nghe lời tâm sự của ông, đọc tác phẩm của ông, ngay cả phụ huynh cũng chìm
vào kí ức một thời tuổi nhỏ. Ai cũng có kí ức riêng mình nhưng cũng gắn bó với
bạn bè, thầy cô, mái trường, hàng xóm, người thân, quê hương... Những trò chơi
hồn nhiên khi bé thơ hay cả rung động đầu đời ngây thơ tuổi mới lớn chập chững
yêu thương hờn giận, hoặc lớn hơn nữa là tình yêu thật lòng, thật dạ đều được ông
viết ra với tâm hồn hồn hậu, nhẹ nhàng, nhiều đoạn còn gây cười hóm hỉnh. Nhưng
hơn hết cả, đề tài viết cho thiếu nhi được ông viết nhiều nhất và thành công nhất bởi
lòng yêu trẻ, gắn bó với trẻ, yêu quê, nhớ bạn và bởi kỉ niệm thời thơ ấu luôn ùa về.
20


“Ông dành cả cuộc đời của mình viết cho tuổi nhỏ vì ông phát hiện ra mình có khả
năng sống trong một tuổi thơ kéo dài bất tận, có trí nhớ dai đến từng chi tiết trong
thời hoa niên của mình, biết kể lại chúng khéo đến mức mỗi đứa trẻ đều có thể thấy
mình trong đó” [2, tr30]. Và như lời của GS.TS Lê Huy Bắc thì “viết truyện thiếu
nhi vốn đã khó nhưng để thành công như Nguyễn Nhật Ánh thì tiềm lực văn hóa có
lẽ cần gấp bội phần khi viết các loại truyện cho những đối tượng khác. Nhà văn
chứng tỏ được điều, thế giới con người dù già hay trẻ cũng đều cần chút “gia vị”
tuổi thơ. Những ai đánh mất tuổi thơ thì không thể tìm thấy được hạnh phúc ở thực
tại và tội ác thường có nguồn gốc từ những sai lạc từ tuổi thơ mà không kịp thời
điều chỉnh. Đến đây ta thấy, Nguyễn Nhật Ánh còn là môn đồ xuất sắc của Sigmund
Freud, và những ai trót lỡ đánh mất tuổi thơ thì có thể quay tìm lại, dẫu đã muộn
trên những trang viết ma mị nhưng thấm đẫm tình người của ông.”
1.3. Vị trí Nguyễn Nhật Ánh trong dòng văn học viết về thiếu nhi
Đề tài, chủ đề của văn học thiếu nhi Việt Nam rất đa dạng: phản ánh về cuộc
chiến đấu chống giặc giữ nước, phong trào xây dựng chủ nghĩa xã hội, lối sống mới,
việc học hành, miền núi, tình bạn, tình yêu học trò… mọi mặt phức tạp của đời
sống. Từ hệ thống thể loại tự sự đến trữ tình trong văn học dân gian như thần thoại,
cổ tích, truyện ngụ ngôn, ca dao, vè, câu đố… đến văn học viết như truyện ngắn,

truyện dài, tự truyện, thơ. Lực lượng sáng tác có sự gia tăng mạnh mẽ, mỗi người
lại có một phong cách riêng tạo nên sự đa sắc, đa thanh. Họ đã sáng tác nhiều hơn
để kịp thời giáo dục trẻ, kịp thời giải trí tránh khỏi những trò chơi vô bổ mà thế giới
công nghệ mang lại. Những nỗi đau bi kịch cuộc đời được nhìn qua mắt trẻ thơ
cũng nhẹ nhàng hơn, đậm chất nhân văn hơn. Cách viết, cách tiếp cận cũng có nhiều
đổi mới. Tuy nhiên, nhà văn gắn bó sâu nặng nhất với văn học thiếu nhi là Nguyễn
Nhật Ánh. Với số lượng tác phẩm ra mắt hàng năm trước sự ngóng chờ của độc giả
đã cho thấy sức hút trong văn phong và nội dung đề tài mà ông thể hiện. Một loạt
các tác phẩm vừa ra mắt đã gây tiếng vang lớn, vừa in xong lại tái bản luôn như: Cô
gái đến từ hôm qua, Mắt biếc, Hạ đỏ, Còn chút gì để nhớ, Cho tôi xin một vé đi tuổi
thơ, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Tôi là Bê tô, Con chó nhỏ mang giỏ hoa
hồng… Văn học thiếu nhi thực hiện chức năng giáo dục trẻ nhỏ của mình nên
những tác phẩm viết cho thiếu nhi đều thể hiện thế giới trẻ thơ ngộ nghĩnh, đáng
yêu, những cảm xúc rung động… Tô Hoài khẳng định: “Nội dung một tác phẩm
văn học viết cho thiếu nhi bao giờ cũng quán triệt vấn đề xây dựng đức tính con
21


×