TRUYỆN NGẮN TRỮ TÌNH CỦA THẠCH LAM
VÀ THANH TỊNH TRONG NỀN VĂN XUÔI VIỆT NAM
TỪ ĐẦU THẾ KỶ XX ĐẾN CÁCH MẠNG THÁNG TÁM 1945
MỤC LỤC
PHẦN MỞ ĐẦU.......................................................................................................1
1. Lý do chọn đề tài...................................................................................................1
2. Lịch sử vấn đề.......................................................................................................3
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu.......................................................................15
4. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu......................................................................15
5. Phương pháp nghiên cứu.....................................................................................16
6. Đóng góp của luận văn........................................................................................16
7. Bố cục luận văn...................................................................................................16
Chương I:. KHÁI QUÁT LOẠI HÌNH TRUYỆN NGẮN TRỮ TÌNH TRONG BỨC
TRANH TRUYỆN NGẮN VIỆT NAM TỪ ĐẦU THẾ KỶ XX ĐẾN CÁCH
MẠNG THÁNG TÁM 1945...................................................................................17
1.1. Khái niệm truyện ngắn trữ tình.........................................................................17
1.1.1. Khái niệm truyện ngắn..................................................................................17
1.1.2. Khái niệm truyện ngắn trữ tình.....................................................................20
1.2. Sự vận động của truyện ngắn trong nền văn học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX
và sự xuất hiện dòng truyện ngắn trữ tình...............................................................23
1.2.1. Từ đầu thế kỷ XX đến khoảng năm 1920.....................................................24
1.2.2. Từ năm 1920 – 1930.....................................................................................25
1.2.3. Từ 1930 - 1945.............................................................................................26
1.3. Vị trí của Thạch Lam và Thanh Tịnh trong dòng truyện ngắn trữ tình..............29
1.3.1. Vị trí của Thạch Lam....................................................................................29
1.3.2. Vị trí của Thanh Tịnh....................................................................................33
Chương II: TRUYỆN NGẮN TRỮ TÌNH CỦA THẠCH LAM VÀ THANH TỊNH
NHÌN TỪ PHƯƠNG DIỆN NỘI DUNG................................................................36
2.1 Bức tranh thiên nhiên........................................................................................36
2.2 Hình tượng nhân vật..........................................................................................43
2.2.1 Những người dân nghèo................................................................................44
2.2.2 Nhân vật tri thức tiểu tư sản...........................................................................49
2.2.3. Cách miêu tả nhân vật...................................................................................53
2.3. Hình tượng tác giả............................................................................................61
2.3.1. Khái niệm và biểu hiện..................................................................................61
2.3.2. Thạch Lam.....................................................................................................62
2.3.3 Thanh Tịnh.....................................................................................................63
Chương III: TRUYỆN NGẮN TRỮ TÌNH CỦA THẠCH LAM VÀ THANH TỊNH
NHÌN TỪ PHƯƠNG THỨC THỂ HIỆN................................................................67
3.1 Cốt truyện và tổ chức tình huống......................................................................68
3.1.1 Cốt truyện.......................................................................................................68
3.1.2 Tổ chức tình huống.........................................................................................70
3.2 Kết cấu..............................................................................................................76
3.3 Giọng điệu........................................................................................................80
3.3.1 Giọng thương cảm, trầm buồn........................................................................81
3.3.2 Giọng trầm tĩnh khoan hòa..............................................................................85
3.3.3 Giọng thủ thỉ, tâm tình....................................................................................87
3.4 Ngôn ngữ..........................................................................................................89
3.4.1 Ngôn ngữ giàu hình ảnh và cảm giác..............................................................90
3.4.2 Ngôn ngữ giản dị, tinh tế, gắn với cuộc sống đời thường...............................93
KẾT LUẬN.............................................................................................................98
TÀI LIỆU THAM KHẢO.....................................................................................102
PHẦN MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
1.1. Văn học Việt Nam đầu thế kỷ XX đến Cách mạng tháng Tám 1945 phát
triển một cách mạnh mẽ và đạt được những thành tựu to lớn ở hầu hết mọi lĩnh vực.
Những thành tựu đó đã làm thay đổi hẳn diện mạo của văn học dân tộc, mang tới
cho nền văn học bộ mặt ngày càng hiện đại.
Sự phát triển cao với những thành tựu, thể loại của Văn học Việt Nam nửa
đầu thế kỉ XX, đặc biệt thể hiện rõ chặng cuối 1930- 1945. Có thể nói thành tựu
quan trọng nhất của công cuộc hiên đại hóa văn học là sự hình thành văn xuôi Quốc
ngữ. Càng về sau càng có những kết tinh cao ở các thể loại, khuynh hướng. Nền văn
học này với những tác giả và tác phẩm phong phú với những đại diện tiêu biểu như:
Nguyễn Công Hoan, Nam Cao, Tô Hoài, Thạch Lam, Thanh Tịnh, Kim Lân… Mỗi
tác giả có một quan điểm sáng tác, một quan niệm nghệ thuật riêng và đều có những
đóng góp to lớn cho nền văn học nước nhà. Những tác phẩm truyện ngắn trong giai
đoạn này đã phản ánh rõ nét, chân thực đời sống của đông đảo tầng lớp nhân dân
trong xã hội đương thời. Đó là sự lên án, phê phán phơi bày bộ mặt thực tàn ác xấu
xa của tầng lớp thống trị đối với những người dân lao động thấp cổ bé họng, cùng
những tấn bi kịch tinh thần của tầng lớp tri thức tiểu tư sản được thể hiện trog các
tác hẩm của Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Bùi Hiển… Bên cạnh đó còn có những tác
phẩm đi sâu vào phản ánh thế giới nội tâm của các nhân vật với những tính cách,
phẩm chất đạo đức, cuộc sống sinh hoạt của họ qua ngôn ngữ giàu cảm xúc, hình
ảnh chân thực như sáng tác của nhà văn Thạch Lam, Thanh Tịnh, …
1.2. Riêng ở lĩnh vực truyện ngắn, văn học Việt Nam nửa đầu XX ngày càng
có có những thành tựu lớn cùng với quá trình hiện đại hóa. Truyện ngắn phát triển
phong phú và định hình ra nhiều khuynh hướng với những tác giả tiêu biểu. Trong
đó có khuynh hướng truyện ngắn trữ tình với những cây bút tiêu biểu như Thạch
Lam, Thanh Tịnh. Chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy sự gần gũi nhau về phong
cách, quan niệm thẩm mĩ trong các truyện ngắn trữ tình của các tác giả. Điều này
thể hiện trong cách lựa chọn cốt truyện tâm lý, nhìn nhận khám phá hiện thực, chọn
1
lọc các chi tiết của đời sống, cách xây dựng nhân vật truyện, cách tổ chức tình
huống truyện…
Trong cuốn Truyện ngắn Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX, Hà Minh Đức đã có
những ý kiến tổng kết sự phát triển của thể loại truyện ngắn trong nửa đầu thế kỷ
XX. Ông đánh giá cao những đóng góp của đội ngũ những cây bút truyện ngắn giai
đoạn 1940 – 1945 như Vũ Bằng, Bùi Hiển, Thanh Châu, Kim Lân, Thạch Lam,
Nguyên Hồng. Về Nam Cao và Tô Hoài, ông cho rằng họ: “đều rất thành công
trong truyện ngắn” [48;14]. Nam Cao thì:“tạo một phong cách truyện ngắn riêng
độc đáo và có bản sắc” [48;16], còn Tô Hoài: “lại thành công trong lĩnh vực khám
phá về phong tục tập quán ở làng quê vùng ven thành” [48;17]. Riêng với dòng văn
xuôi lãng mạn trong thời kỳ này ông nhận thấy: “Chưa bao giờ trong văn học lại có
những cá tính lạ, phức tạp và nhiều vẻ như giai đoạn này. Mối quan hệ giữa cuộc
đời và nghệ thuật như thu ngắn lại, lại vừa như cách xa thêm” [48;715].
Trong cuốn Văn xuôi lãng mạn Việt Nam 1930 – 1945, khi nhận xét về giai
đoạn văn học 1940 – 1945, Nguyễn Hoành Khung cũng đánh giá cao những tác giả
truyện ngắn được gọi là “lãng mạn” mới xuất hiện ở giai đoạn này. Ông cho rằng,
trong văn xuôi lãng mạn, “vẫn có những sáng tác trong lành”. Thanh Tịnh với tập
truyện ngắn Quê mẹ, Hồ Dzếnh với tập Chân trời cũ, đều là những cây bút hồn
hậu, nặng lòng yêu thương và chan chứa chất thơ” [99;1960]. Khi đánh giá về dòng
văn học hiện thực Việt Nam, nhà nghiên cứu cũng đã thấy được những cách tân
quan trọng của thể loại truyện ngắn: “Các nhà văn khá sắc sảo, tỉnh táo khi đi
vào“cái hàng ngày” và tác phẩm có tính chân thực rõ rệt giống như bản thân đời
sống. Mặt khác, nhiều tác phẩm có ý vị đậm đà, tính triết lý quyện với chất trữ tình
thấm thía. Tâm lý nhân vật được thể hiện tinh tế, sắc sảo hơn. Ngôn ngữ cũng sinh
động, gần đời sống hàng ngày hơn” [99;1953].
1.3. Truyện ngắn trữ tình bao gồm nhiều cây bút: Thạch Lam, Thanh Tịnh,
Hồ Dzếnh, Xuân Diệu, Thanh Châu… Các tác giả có sự gần gũi nhau về phong
cách, quan niệm thẩm mỹ và điều đó được thể hiện trong cách lựa chọn cốt truyện
2
tâm lý, nhìn nhận khám phá hiện thực, chọn lọc các chi tiết của đời sống, cách xây
dựng nhân vật truyện, cách tổ chức tình huống truyện.
1.4. Trong khuynh hướng truyện ngắn trữ tình, Thạch Lam và Thanh Tịnh là
những
gương mặt tiêu biểu, hiện đang được giảng dạy trong nhà trường.
Vì các lí do trên, luận văn chọn đề tài: “Truyện ngắn trữ tình của Thạch
Lam và Thanh Tịnh trong nền văn xuôi Việt Nam từ đầu thế kỷ XX đến Cách
mạng tháng Tám 1945” để làm rõ thêm phong cách nghệ thuật của hai tác giả.
Đồng thời góp phần vào công việc giảng dạy trong nhà trường.
2. Lịch sử vấn đề
Trong văn học Việt Nam từ đầu thế kỷ XX đến Cách mạng tháng Tám 1945,
sự xuất hiện của Thạch Lam, Thanh Tịnh,… đã góp phần chứng tỏ sự phong phú, đa
dạng của văn xuôi. Hơn nửa thế trôi qua, từng có nhiều công trình nghiên cứu, bài
viết về hai tác giả này.
2.1. Những ý kiến về khuynh hướng truyện ngắn trong văn học Việt
Nam nửa đầu thế kỷ XX.
Trong ba mươi năm đầu của thế kỷ XIX, các tác giả thường chia tiểu thuyết
được thành ba loại: đoản thiên tiểu thuyết, trung thiên tiểu thuyết và trường thiên
tiểu thuyết. Với cách phân chia này, truyện ngắn những năm đầu thế kỷ XX được
xem là một bộ phận, một dạng của tiểu thuyết, có những đặc điểm như tiểu thuyết
và tiểu thuyết có quy mô nhỏ. Cho đến nay, khi bàn về truyện ngắn, các ý kiến đều
cho rằng truyện ngắn và tiểu thuyết là hai dạng thức văn học gần gũi nhau. Vì thế,
khi phân loại truyện ngắn, các tác giả Phạm Quỳnh, Vũ Ngọc Phan và Phan Cự Đệ
đều đặt truyện ngắn trong tiểu thuyết.
Tiểu thuyết có nguồn gốc từ mảnh đất Nam Bộ, nơi diễn ra sự giao thoa, tiếp
xúc giữ nền văn hóa Việt với văn học Phương Tây. Truyện ngắn ra đời trong bối
cảnh văn hóa - xã hội hiện đại, gắn liền với kiểu tư duy nghệ thuật mới. Sự xuất
hiện của truyện ngắn mang đến những nét mới trong cách thức chiếm lĩnh, thể hiện
đời sống và cấu trúc nghệ thuật của tác phẩm.
3
Về phương diện nghệ thuật, các nhà văn cũng chưa có một quan niệm rõ
ràng. Trong Giọt máu chung tình tòng đình thảm kịch, Tân Dân Tử viết: “Trong
cuốn tiểu thuyết này, những lời nói giọng tình, câu chuyện đặt để kỹ càng, có lối
văn chương, có mùi tao nhã, có chỗ cao đàm hùng biện mà làm ngọn roi kích bác
cho phong tục đương thời, chỗ thì nghị luận khuyên trừng, làm một phương thức bổ
ích tinh thần cho kẻ hậu sanh, hậu tấn” [180;14].
Ý kiến trên dù vẫn còn sơ lược nhưng bước đầu đã cho thấy được những
quan niệm của các nhà văn về thể loại truyện ngắn
Phải đến khi Phạm Quỳnh cho đăng 1ên Nam Phong tạp chí số 43, tháng 1 –
1921 bài báo có tựa đề Khảo về tiểu thuyết thì vấn đề lí luận về tiểu thuyết ở nước
ta lần đầu tiên được bàn đến một cách chính thức. Nội dung của bài báo đã thể hiện
một cách khá đầy đủ quan niệm của ông chủ Nam Phong tạp chí về thể loại tiểu
thuyết:“Tiểu thuyết là một truyện viết bằng xuôi dặt ra để tả tình tự người ta, phong
tục xã hội, hay những sự lạ tích lỳ, đủ làm cho người đọc có hứng thú… phạm vi
của tiểu thuyết rộng lắm: phàm sách thì không phải là sách dạy học, sách lí luận,
sách khảo cứu, sách thơ ca thời là tiểu thuyết cả, mà tiểu thuyết có khi lại gồm
được cả các yếu tố kia, vì trong một bộ tiểu thuyết cũng có chỗ nghị luận, chỗ khảo
cứu, chỗ ngâm vịnh, chỗ khuyên răn, cứ nghĩa hai chữ “tiểu thuyết” trong sách Tàu
thời lại rộng lắm nữa, phàm sách gì không phải là “chính thư” đều là tiểu thuyết
cả” [151;85].
Bên cạnh đó, Phạm Quỳnh còn bàn về việc xây dựng kết cấu của tiểu thuyết:
“Phần cốt yếu trong phép làm tiểu thuyết là sự kết cấu”, “phàm kết cấu ra một
truyện phải có một truyện phải có hai phần, một là nhân vật, hai là tình tiết, nghĩa
là người và việc”. Với việc xây dựng nhân vật, ông cho rằng: “bao giờ cũng phải
căn cứ ở cái tính thông thường của loài người”. Theo Phạm Quỳnh, “các nhân vật
trong tiểu thuyết phải có sinh hoạt như đời thường, cử động như người thật, chớ
không như cái tượng gỗ hay là hình bù nhìn được… người trong tiểu thuyết phải tả
như thế nào cho những “mô dạng”, nghĩa là một người có thể làm một biểu hiện
cho một người trong xã hội, mà mỗi người vẫn có một tính cách riêng, tức là nhân
4
vật kết cấu ra phải có một phần phổ thông giống với nhiều người, và một phần đặc
biệt riêng của một người vậy” [151;85].
Về “lối hành văn”, nhà khảo cứu nhận xét: “Văn tiểu thuyết chính là văn tự
sự, tự sự nghĩa là văn kể chuyện, và “trong một bộ tiểu thuyết không có lối văn gì là
không dùng đến”. Ông chê lối văn Tầu, gọi đó là lối văn “chép sử”, lối văn “không
đảo ngược”, lối văn “đường thẳng”. Đồng thời, ông cổ vũ cho lối văn phương Tây,
vì “văn Tây có cái vẻ đẹp đột ngột tự nhiên, kể chuyện gì nói ngay vào việc, có ý
lanh lẹ, hoạt bát, vì cứ theo cái điệu trong truyện mà khi hoãn, khi gấp, khi gần khi
xa… bao giờ cũng là in với nghĩa truyện”. Đặc biệt, theo ông, ngôn ngữ nhân vật
trong tiểu thuyết phải có cá tính: “Người nào nói theo tính cách riêng của người
ấy”, “mỗi câu nói là một nét bút tả cái tâm tính một người vậy” [151;86].
Phạm Quỳnh đã đề cập đến vấn đề quan trọng của tiểu thuyết trong bài viết
của mình, tuy chưa thật hoàn chỉnh nhưng đó là ý kiến góp phần quan trọng đối với
quá trình sáng tác, thưởng thức và phê bình văn học đương thời.
Tiểu thuyết nở rộ vào những năm 30, 40 của thế kỷ XX và đã có một chỗ
đứng vững chắc trong đời sống văn học nước nhà, kéo theo đó là những công trình
công nghiên cứu và phân tích sâu về thể loại. Phải kể đến: Lược thảo về sự tiến
hóa của quốc văn trong lối viết tiểu thuyết (1932) của Trúc Hà, Phê bình và cảo
luận (1933) của Thiếu Sơn, Ba mươi năm văn học (1941) của Ngọc Khuê, Theo
dòng (1941), của Thạch Lam, Nhà văn hiện đại (1942) của Vũ Ngọc Phan…
Thạch Lam, trong bài Quan niệm trong tiểu thuyết in trong tập Theo dòng
đã cho rằng khuynh hướngcủa tiểu thuyết bây giờ là “hết sức gần sự sống, để được
linh hoạt và thật như cuộc đời”. Theo nhà văn, hiện có quan niệm khác nhau về tiểu
thuyết. Một quan niệm cho rằng: “Tiểu thuyết là một câu chuyện tưởng tượng có
đầu, có đuôi hẳn hoi” và “đặc tính của tiểu thuyết là sự duy nhất”, tức là “bao
nhiêu tình tiết, bao nhiêu tư tưởng, và bao nhiêu cái hay của tiểu thuyết đều quy cả
về một mối. Không có đoạn nào đối với tâm lý của truyện có thể là thừa, hay là
không có lien lạc trực tiếp và mật thiết với cốt truyện. Vì vậy, nên các nhà văn đó có
cái khuynh hướng thu tất cả về một hay hai nhân vật chính, cốt ý để cái hứng thú
5
của truyện không bị rải rác. Về mặt tâm lý lại thu về một tình cảm gọn ghẽ, phân
tách riêng ra, như ái tình, lòng ghen ghét, kiêu ngạo… mà tình cảm ấy cũng lấy ở
độ cao mãnh liệt nhất của nó mà thôi. Ngoài ra, những cái gì mà theo quan niệm
trên, người ta cho là phụ thuộc đều vứt bỏ đi cả… Các nhà văn kia có cái kiêu vọng
đạt tới cái gì bất di bất dịch trong lòng người, cái gì cốt yếu trong tính tình của
người và ở bất cứ người trong hạng nào, ở dân tộc nào cũng đều giống nhau”
[151;85;86;87]. Quan niệm thứ hai cho rằng:“Tiểu thuyết là sự sống”, vì vậy,
“không phải phân tách riêng ra một trạng thái nào của tâm hồn người ta cả. Người
ta bao giờ cũng chịu rất sâu xa ảnh hưởng của hoàn cảnh” [151;87]. Với cách quan
niệm trên, sự sống trong các tiểu thuyết loại này thường “không bao giờ xuất hiện
mà không xô dẩy vồ dập, với một cái trật tự hình như là rối loạn, chẳng khác gì một
nguồn nước reo đương vượt bờ tràn ra ngoài” [151;89]. Theo quan niệm của Thạch
Lam, nhân vật chịu sự chi phối của cốt truyện, còn tính cách của nhân vật được xây
dựng để phục vụ cho nội dung câu chuyện.
Về cốt truyện, Thạch Lam phê phán loại truyện được tạo nên cho độc giả chỉ
“cốt xem truyện”. Bởi, ông cho rằng: “độc giả không cần chú ý đến cách xếp đặt và
bố trí câu chuyện trong tiểu thuyết… họ cốt chú ý đến cách diễn tả tâm lý của tác
giả có đúng hay không đúng, hời hợt hay sâu sắc” [106;293]. Trương Chính cũng
viết:“Độc giả không cần đến cốt truyện, nhưng chăm chú đến những cử chỉ cỏn
con, những mẩu chuyện không đâu mà ý nghĩa đến tâm lý phiền phức của nhân
vật” [21;173].
Về nhân vật, các tác giả cho rằng: đó là những con người của đời sống hằng
ngày cùng với những hoạt động, công việc của làng quê, họ có cảm xúc và những
mối quan hệ cụ thể với mọi người xung quanh. Với quan niệm: “Nhà nghệ sĩ giỏi là
nhà nghệ sĩ tạo ra những nhân vật thật và hoạt động, ngoài những tính cách và đặc
điểm của cái địa vị xã hội, tìm đến cái bí mật không tả được trong mỗi con người ”
[151,82], Thạch Lam chủ trương phải “tìm đến cái bí mật”, trong con người và hết
sức đề cao việc xây dựng laoij nhân vật phức tạp, đa chiều. Ông cho rằng: “Một
6
người rất tốt có thể có những lúc giận dữ, tàn ác có thể có những lúc hiền hậu,
nhân từ” [151;81].
Qua những ý kiến trên, các tác giả đã chỉ ra đặc điểm của nhân vật trong
truyện, đó là những con người đa diện, phức tạp và mọi tính cách của họ đều được
thể hiện trong đời sống hằng ngày. Những nhân vật không chỉ mang “những tính
cách và đặc điểm của cái địa vị xã hội”, mà còn có một thế giới bên trong phong
phú, chứa đầy những “bí mật không tả được” (Thạch Lam). Đúng như Bùi Hiển
nhận định,“mỗi người là một cái gì đó thống nhất, nhưng đồng thời cũng là cái gì
đó phức tạp, vì có nhiều mâu thuẫn bên trong” [69;33]. Đó là những người, mà theo
cách nói của Vũ Bằng, là loại “nhân vật sống”, cứ không phải là loại “nhân vật đại
biểu” như trong truyện truyền thống.
Trên đây là những ý kiến về tiểu thuyết và truyện ngắn của các giả thời tiền
chiến và hiện đại, hầu hết các ý kiến đều thể hiện sự quan niệm mới mẻ, đặc biệt là
của nhà văn Thạch Lam. Con người trong sự phát triển về tính cách, diễn biến tâm
lý, đời sống tâm hồn… đem đến cho văn học Việt Nam đầu thế kỷ XX sự phát triển,
tiến bộ vượt.
2.2. Những ý kiến về truyện ngắn của nhà văn Thạch Lam và Thanh Tịnh
2.2.1. Về truyện ngắn Thạch Lam
Trong lời tựa:“Gió lạnh đầu mùa”, Khải Hưng đã ca ngợi Thạch Lam là một
tài năng trẻ và khẳng định:“Nếu ta có thể chia ra hai hạng nhà văn thiên về tư
tưởng và nhà văn thiên về cảm giác thì tôi quả quyết Thạch Lam đặt vào hạng dưới.
Ở chỗ người khác dùng lối rất đậm để tả cảnh tả tình thì ông chỉ nói, nói một cách
giản dị cái cảm giác của ông”. Ở đây, Khái Hưng đã chỉ ra nét đặc sắc thể hiện
trong bút pháp của Thạch Lam. Cũng ngay từ đây, khi tập truyện Gió lạnh đầu mùa
ra đời, Khải Hưng đã khẳng định điểm nổi bật ở Thạch Lam là sự thành thực:
“Thành thực, đó là đức tính không có không được của nhà văn. Ở Thạch Lam, sự
thành thực lại trở nên sự can đảm, tôi vẫn ao ước có cái can đảm ấy nhưng không
sao có được cái can đảm mà tôi thấy ở Tolstoi, mà trong đám văn sĩ mới nước ta tôi
thấy ở Thạch Lam” [65].
7
Vũ Ngọc Phan trong Nhà văn hiện đại cũng nhấn mạnh Thạch Lam: “ Có
một ngòi bút lặng lẽ, điềm tĩnh vô cùng, ngòi bút chuyên tả tỉ mỉ những cái rất nhỏ
và và rất đẹp, những tình cảm, cảm giác cỏn con nay nở và biểu lộ ở đủ các hạng
người, mà ông tả một cách tinh vi” [160;450]. Chính vì thế, trong những dòng đầu
tiên giới thiệu về Thạch Lam, nhà phê bình nhận xét: “Trong các truyện ngắn,
truyện dài của ông (tức Thạch Lam), tình cảm đều có vị trí đặc biệt”. Ý kiến của
Vũ Ngọc Phan đã nhận được sự đồng tình của nhiều nhà nghiên cứu về Thạch Lam.
Nhà phê bình hết lời ca ngợi tập truyện ngắn Sợi tóc và cho rằng :“Đến tập truyện
ngắn Sợi tóc, Thạch Lam đã tiến một bước khá dài trên đường nghệ thuật. Vẫn là
những truyện tình cảm, nhưng ở đây người ta thấy sâu sắc, vừa đẹp đẽ vô cùng, về
cả văn xuôi lẫn kết cấu [160; 456]. Ông xem những truyện Tối ba mươi, Cô hàng
xén, Tình xưa, Sợi tóc là“những truyện vào hạng những đoản thiên tiểu thuyết đáng
kể là hay nhất trong văn chương Việt Nam” [60;457].
Không dừng lại ở đó, Thạch Lam đã lặng lẽ bày tỏ tấm lòng trắc ẩn và lòng
xót thương chân thành đối với số phận thê thảm của những mảnh đời rách nát trong
xã hội bấy giờ. Một cơn giận, Nhà mẹ Lê, Đói, Hai lần chết… là những câu
chuyện cảm động về số phận con người. Bên cạnh những sáng tác chứa đựng bao
tấn bi kịch nhân sinh, những sáng tác đậm chất trữ tình của Thạch Lam còn gợi ra
những rung cảm nhẹ nhõm và mới mẻ trong thế giới nội tâm của con người: Gió
lạnh đầu mùa, Hai đứa trẻ, Đứa con đầu lòng… Đi vào thế giới bên trong con
người để khám phá, miêu tả và đạt tới sự tinh tế bất ngờ đã trở thành phong cách
sáng tác của ông. Nhà nghiên cứu Nguyễn Hoành Khung đã nhận xét: “Thạch Lam
đem đến cho văn xuôi đương đại một cách cảm thụ tinh vi, bình dị mà mới mẻ, đầy
khám phá đối với thế giới xung quanh cùng thế giới nội tâm. Ngòi bút ấy đặc biệt
tinh tế khi phát hiện, phân tích những cảm giác mới mẻ, thoáng qua, những biến
thái nhỏ nhất của tâm hồn” [99;13].
Nhà nghiên cứu Bùi Việt Thắng trong bài viết Người chắt chiu cái đẹp
khẳng định: “Thạch Lam là người có ý thức chắt chiu và bảo tồn cái đẹp có giá trị
văn hóa của cộng đồng dân tộc” [71;170]. Lê Dục Tú trong Quan niệm con người
8
trong sáng tác của Thạch Lam (Tạp chí Văn nghệ quân đội, số 4, 1993) một lần
nữa khẳng định chiều sâu nhân bản trong ngòi bút miêu tả nhân vật của Thạch Lam:
“Dù trong cảnh ngộ nào con người trong sự miêu tả của Thạch Lam vẫn luôn
hướng về một thế giới tinh thần đẹp đẽ, trong sáng và giàu tính nhân bản” [89;1622]. Trong bài Nguyễn Nhật Duật chỉ ra rằng: “Bằng một giọng văn nhẹ nhàng, đơn
giản và trong sáng, Thạch Lam đã gợi cho chúng ta cả một bối cảnh Việt Nam
không còn nữa với ngày nay cả một bầu không khí thah bình, thơ mộng và nghèo
khốn” [25; 12-16].
Nguyễn Đăng Mạnh sau khi xem xét tỉ mỉ những nét nổi bật trong ngòi bút
Thạch Lam cũng nhận xét rằng:“Thạch Lam có những đặc tính thích hợp cho lối
đoản thiên: khuynh hướng hướng nội, cái nhìn phân tích sâu sắc, chú ý đến cái
động cơ vô hình của một biến thái tâm lý, sự thành thật đến can đảm, những đức
tính đã giúp ngòi bút ông biểu diễn ở bề sâu và đưa đến sự thành công ở những
đoản thiên nổi tiếng như Một cơn giận, Gió lạnh đầu mùa, Tối ba mươi, Tình xưa,
Sợi tóc” [145;497].
Còn Nguyễn Tuân, trong Lời bạt Tuyển tập Thạch Lam, đã chỉ rõ những
thành công và bút pháp Thạch Lam: “Nói đến Thạch Lam người ta nhớ đến truyện
ngắn nhiều hơn truyện dài và một số truyện ngắn của Thạch Lam có thể coi như là
mẫu mực được”.
Trong bài Thi pháp truyện ngắn Thạch Lam, Phạm Phú Phong cũng nhận
thấy: “Tâm hồn Thạch Lam là đối tượng cho nhà văn khám phá miêu tả”. Cùng
chung suy nghĩ đó, Trần Ngọc Dung khẳng định nét khác biệt trong truyện ngắn
Thạch Lam chính là ở chỗ: “ Hé mở cho ta thấy cuộc sống ẩn kín bên trong của con
người dường như chỉ biết cúi đầu trước số kiếp”. Phan Diễm Phương trong bài Thi
pháp truyện ngắn Thạch Lam cũng cho rằng: “chú trọng vào đời sống tâm linh,
xem cái đời sống cần là đời sống bên trong, đời sống tâm hồn, từ đó lấy việc diễn tả
đúng và thấu đáo cái tâm lý uyển chuyển của con người làm công việc hàng đầu –
điều này nếu chưa đến mức được xem là đặc trưng chất lượng của truyện, theo như
quan niệm của Thạch Lam”.
9
Đánh giá về Ngôn ngữ truyện ngắn Thạch Lam, tác giả Hà Văn Đức bài
Ngôn ngữ và giọng điệu trong truyện ngắn Thạch Lam cho rằng: “Chất thơ trong
tác phẩm Thạch Lam được thể hiện ở ngôn ngữ, giọng văn nhẹ nhàng, thủ thỉ,
Thạch Lam đã đánh thức miền ký ức của mỗi người, đánh thức những xúc cảm
thầm kín nhất, sâu xa nhất về những kỉ niệm yêu dấu đã qua trong tâm hồn mỗi
người”. Lê Thị Dục Tú cũng nhấn mạnh nhiều đoạn văn của Thạch Lam “cho đến
hôm nay vẫn có thể coi là những đoạn văn mẫu mực cả về cú pháp lẫn hình ảnh”.
Tác giả đã dẫn ra rất nhiều câu văn, đoạn văn “hoàn hảo” trong truyện ngắn của
Thạch Lam. Lê Thị Đức Hạnh cũng nhất trí với ý kiến đó khi nhận ra sự “giản dị,
tinh tế, nhẹ nhàng, uyển chuyển, giàu hình ảnh, giàu cảm xúc, nhiều khi đậm chất
thơ” của ngôn ngữ trong truyện ngắn của Thạch Lam [8].
Nguyễn Đăng Mạnh sau khi xem xét tỉ mỉ những nét nổi bật trong ngòi bút
Thạch Lam cũng nhận xét rằng: “Thạch Lam có những đặc tính thích hợp cho lối
đoản thiên: khuynh hướng hướng nội, cái nhìn phân tích sâu sắc, chú ý đến cái
động cơ vô hình của một biến thái tâm lý, sự thành thật đến can đảm, những đức
tính đã giúp ngòi bút ông biểu diễn ở bề sâu và đưa đến sự thành công ở những
đoản thiên nổi tiếng như Một cơn giận, Gió lạnh đầu mùa, Tối ba mươi, Tình xưa,
Sợi tóc” [145;497].
Liên quan đến yếu tố trữ tình, nhiều tác giả đã nói đến cốt truyện và kết cấu,
giọng điệu và ngôn ngữ trần thuật trong sáng tác của Thạch Lam. Phần lớn ý kiến
của các nhà nghiên cứu đều nhấn mạnh cốt truyện của Thạch Lam rất đơn giản, hầu
như không có chuyện gì đáng kể. Cũng như vậy, kết cấu truyện ngắn của Thạch
Lam được tuân thủ theo lối kết câu tâm lý như lời nhận xét của Nguyễn Hoành
Khung trong Lời giới thiệu văn xuôi lãng mạnViệt Nam 1930- 1945 (1989): “Ông
đặc biệt tinh tế khi diễn tả, phân tích những rung động bên trong, những cảm giác
mong manh thoáng qua, những biến thái tinh vi của tâm hồn trước ngoại cảnh”.
Tuy vậy, vẫn cần có một cái nhìn đầy đủ về cốt truyện và kết cấu truyện ngắn Thạch
Lam trong tư cách là một thủ pháp nghệ thuật .
10
Nhận xét về giọng điệu của truyện ngắn Thạch Lam, các nhà nghiên cứu đều
khẳng định giọng điệu chủ đạo trong truyện ngắn Thạch Lam là giọng trữ tình sâu
lắng. Trong bài Phong cách truyện ngắn Thạch Lam, Trần Ngọc Dung viết: “mỗi
truyễn ngắn của Thạch Lam có cấu tứ và giọng điệu như một bài thơ trữ tình”. Gần
với với nhận xét đó, Lê Dục Tú cho rằng: “lối văn nhẹ nhàng đậm chất trữ tình man
mác, giàu cảm xúc và nhạc điệu” là yếu tố quan trọng làm nên dấu ấn đặc biệt
trong văn phẩm Thạch Lam .
Trong Tuyển tập Thạch Lam (1988), Phong Lê viết lời giới thiệu khá dày
dặn. Đặt Thạch Lam trong Tự lực văn đoàn, nhà nghiên cứu đã xem xét truyện ngắn
Thạch Lam “ở giá trị hiện thực trên một số cảnh đời, ở tình thương và lòng trân
trọng người nghèo, ở ý vị và màu sắc dân tộc, mà Thạch Lam không nặng vì những
dòng chữ to tát, hoặc những cấu trúc gấp gáp, vội vàng. Câu chữ chỉ cần đủ cho
phô diễn, và ôm sát những cảnh ngộ, những tâm trạng cần phô diễn”. Câu văn của
Thạch Lam “mềm mại, uyển chuyển, giàu hình ảnh, nhạc điệu mà không mất đi vẻ
giản dị, tinh gọn, không thừa thãi lời, chữ, không làm duyên dáng một cách uốn éo,
cầu kỳ”. Tóm lại, Phong Lê đã khẳng định Thạch Lam có “những đóng góp cho văn
xuôi Tiếng Việt giữ được vẻ đẹp riêng tươi đậm và lâu bền của nó” [17; 28].
Nguyễn Tuân – tác giả Vang bóng một thời đã trân trọng nhận xét: “Nói đến
nghệ thuật của Thạch Lam, tức là nói cụ thể đến nghệ thuật viết truyện ngắn của
Thạch Lam. Một số truyện ngắn của Thạch Lam có thể coi như là mâu mực được”.
Nguyễn Tuân đã đặt Thạch Lam trong tiến trình chung của văn học dân tộc, nhất
trong nền “Văn xuôi Việt Nam hãy còn trẻ tuổi” để nhận xét và khẳng định: “Bằng
sáng tác văn học, Thạch Lam đã làm cho tiếng nói Việt Nam gọn ghẽ đi, co duỗi
thêm, mềm mại ra và tươi đậm hơn. Thạch Lam có đem sinh sắc vào tiếng ta…và
đánh giá một nhà văn, đứng về nghề nghiệp chuyên môn mà bàn, thì giá trị một nhà
văn xuôi, cụ thể còn là những công đức lập ngôn của nhà văn đó mở mang vốn
liếng dân tộc về tiếng nói được đến mức nào và đã góp phần sáng tạo của mình vào
ngôn ngữ Việt Nam như thế nào” [58].
11
Như vậy, trong Văn học Việt Nam từ đầu thế kỷ XX đến Cách mạng tháng
Tám 1945, sự xuất hiện của Thạch Lam đã mở ra một bước tiến mới cho truyện
ngắn trữ tình nói chung và địa hạt truyện ngắn nói riêng. Nhiều nhà nghiên cứu đã
dành những trang viết chân trọng để đánh giá vai trò, vị trí, đặc điểm, phong cách
nghệ thuật cùng với những đóng góp của Thạch Lam cho nền văn học dân tộc.
2.2.2 Về truyện ngắn Thanh Tịnh
Thanh Tịnh là nhà văn ít được nghiên cứu toàn diện, kỹ càng hơn so với các
nhà văn trong nhóm Tự lực văn đoàn. Đến nay, số lượng các bài nghiên cứu về
Thanh Tịnh không nhiều lắm. Chưa có công trình qui mô lớn nào nghiên cứu, khảo
luận về Thanh Tịnh một cách riêng biệt, độc lập.
Những người đã từng viết hoặc nhắc đến Thanh Tịnh trong các bài nghiên
cứu của mình là : Hoài Anh, Huy Cận, Tầm Dương,Hà Minh Đức, Nguyễn Hoành
Khung, Vương Trí Nhàn, Vũ Ngọc Phan, Ngô Văn Phú, Thạch Lam, Thế Phong,
Nguyễn Mạnh Trinh, Nguyễn Thị Thu Trang, Bùi Việt Thắng…Trong số đó có một
số bài viết theo thể loại chân dung tác giả, trong đó có lược qua toàn bộ sự nghiệp
của Thanh Tịnh bao gồm cả truyện ngắn, truyện dài, thơ, độc tấu, kịch… Nói
chung, các ý kiến đánh giá về Thanh Tịnh trước năm 1945 là khá thống nhất, đều
cho rằng: “mỗi truyện ngắn của Thanh Tịnh như một bài thơ vịnh gọn và có dư vị
trữ tình lắng sâu” - Trần Hữu Tá; “tấm lòng nghệ sĩ biết rung cảm một cách thiết
tha trước cuộc sống chân chất, nguyên sơ, thuần phác đã mang đến cho truyện
ngắn của ông không chỉ có chân, có tình mà còn rất có duyên” (Phan Quốc Lữ),
“cái mơ hồ bàng bạc” - Nguyễn Nam Trân, “nhiều truyện của Thanh Tịnh có
khuynh hướng lãng mạn rõ rệt”, và “một số truyện khác lại có khuynh hướng hiện
thực. Một chủ nghĩa hiện thực trữ tình” [7].
Có thể nói, người đầu tiên nhận ra tài năng văn xuôi của Thanh Tịnh chính là
Thạch Lam khi ông viết lời tựa cho tập truyện ngắn đầu tiên Quê mẹ - Thanh Tịnh
xuất bản năm 1941. Thạch Lam đã dùng những câu chữ đẹp nhất để ca ngợi nó.
Ông đã hiểu và nhận thấy sự chi phối mạnh mẽ của con người thi sĩ Thanh Tịnh đối
với nhìn cuộc sống: “Có lẽ linh hồn người ở đấy còn nhiều màu sắc khác nhau,
12
trong cuộc sống còn nhiều bi kịch khác, nhưng mà tác giả chỉ tác giả chỉ tả cái vẻ
êm ả và nên thơ. Tâm hồn vừa ưa thích cái gì vừa đẹp đẽ, vừa nhè nhẹ, tác giả
không lách đi sâu, nhưng dừng lại ở một làn gió, ở một cái thoáng hương thơm của
hoa cỏ bốn mùa”. Ông nhận thấy ở Thanh Tịnh một tình yêu quê hương xứ sở đằm
thắm, thiết tha. Thạch Lam đã có những nhận xét tinh tế về Thanh Tịnh: “Thanh
Tịnh đã muốn làm người mục đồng ngồi dưới bóng tre thổi sáo để ca hát những
đám mây và làn gió lướt bay trên cánh đồng ca hát những vẻ đẹp của đời thôn quê”
[57;350].
Tiếp theo, đánh giá về Thanh Tịnh, Vũ Ngọc Phan đã xếp nhà văn này vào
cùng dòng:“ tiểu thuyết tình cảm” với Thạch Lam, Ông cho rằng: “Thứ tình cảm
êm dịu, nhẹ nhàng, thứ tình của người thôn quê hồn hậu Trung kì, diễn ra trong
những khung cảnh sông nước, đồng ruộng… Cái tình quê trong hầu hết các truyện
ở tập Quê mẹ bao giờ cũng rung rinh, lai láng trong những đêm trăng sáng. Trên
những mặt sông im hay trong những buổi chiều tà, gió hiu hắt thổi. Tình, trăng,
nước, đó là tất cả những cái làm tài liệu cho Thanh Tịnh để xây dựng nên những
truyện Quê mẹ [26;193]. Theo ông: “Hầu hết những truyện ngắn của Thanh Tịnh
lại chỉ những cái đầy thơ mộng, đầy huyền ảo”, một số ít lại như Ngậm ngải tìm
trầm, Am cu ly xe là có: “cốt truyện hay, xây dựng vững chắc, phải cái văn viết cẩu
thả” [26; 197].
Hà Minh Đức đã so sánh sự gần gũi về chất trữ tình, chất thơ trong sáng tác
của Thanh Tịnh và một số nhà văn khác như nhà văn Nga Pauxtopxki: “kết hợp
giữa phản ánh và bộc lộ cảm xúc cá nhân đậm chất trữ tình, chất thơ như sáng tác
của Pauxtopxki, Thạch Lam, Xuân Diệu, Thanh Tịnh ...” [42;33], “Có thể nói mạch
truyện của Thạch Lam, Hồ Dzếnh, Thanh Tịnh đã nói lên vẻ đẹp nội cảm của tâm
hồn trước cuộc sống…” [42;37].
Vương Trí Nhàn lại nhận xét rằng: “Chỗ khác của Thanh Tịnh so với một số
tác giả thời tiền chiến, là khi diễn tả những nỗi bất hạnh của con người ông không
làm cho nó chói lên quá đáng, nhân vật trong truyện cũng như tác giả không kêu to
sau các trang sách, song sự bất hạnh vì lại hiện ra không ai có thể cưỡng lại nổi,
13
nó như không khí bao quanh người ta và sống lâu với nó, ta quên đi lúc nào không
biết” [64,230].
Nhà thơ Huy Cận phát hiện ra cái :“mùi vị quê rất đậm” trong truyện ngắn
của Thanh Tịnh: “Tôi muốn nói thêm một điều, bao áng văn đẹp ấy gợi lòng yêu
quê hương, đất nước, yêu những gì là văn minh, văn hóa nước nhà, lại có những
tác phẩm mà:“ mùi vị đất quê( như cái truyện ngắn của Thanh Tịnh) thật đáng trân
trọng…” [46; 1369].
Hoài Anh khi viết chân dung Thanh Tịnh đã nhận xét: “Hầu hết truyện ngắn
Thanh Tịnh là truyện kể (récit), Thanh Tịnh để tâm hồn tràn ngập ánh trăng, dòng
sông và câu hát, sống giữa những con người quê chất phác, giản dị như chị Sương
trong Tình thư, cô Hương trong Quê bạn” [59; 1150].
Nguyễn Mạnh Trinh viết về chân dung Thanh Tịnh: “Quê hương của ông là
nơi chốn của thơ mộng huyền ảo, của những lãng mạn thăng hoa thành ngôn ngữ.
Đọc lại, những câu văn mang âm hưởng thi ca với văn phong tùy bút sang cả làm
cho trí tưởng tượng như bị kích thích và đi xa hơn những phong cảnh thường
nhật”… “Thơ Thanh Tịnh bình dị, truyện ngắn Thanh Tịnh sâu sắc và hình như
trong tất cả văn mạch của ông phảng phất những nỗi buồn” [58].
Nguyễn Hoành Khung, trong một số bài tiểu luận của mình cũng nhận xét
về Thanh Tịnh: “mỗi truyện ngắn của Thanh Tịnh là một bài thơ, mang chất thơ
của cảnh vật và tâm hồn con người Việt Nam bình dị xiết bao thương mến. Song
ngòi bút rất thi sĩ ấy không chỉ khai thác những gì thi vị, ngọt ngào, mà còn viết nên
những trang nhức nhối, đầy ám ảnh về số phận thê thảm của người nghèo khổ
trong cuộc sống vật lộn dữ dội với đời sống” [45;14].
Như vậy, qua những ý kiến trên, ta nhận thấy rằng: những công trình nghiên
cứu về Thanh Tịnh tuy chưa thật nhiều nhưng hầu hết các ý kiến đánh giá đều thừa
nhận sự đóng góp của Thanh Tịnh trong nền văn học nước nhà nói chung và trong
thể loại truyện ngắn nói riêng, đều chỉ ra tình yêu quê hương thiết tha, dư vị trữ tình
đậm đà trong các thiên truyện của ông.
14
3.
Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
3.1. Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu mà chúng tôi tập trung khảo sát đó khuynh hướng
truyện ngắn trữ tình của Thạch Lam, Thanh Tịnh trong các tác phẩm văn xuôi.
Trong quá trình nghiên cứu, nhằm làm sáng tỏ luận điểm cần chứng minh, tôi sẽ
tiến hành so sánh truyện ngắn của Thạch Lam, Thanh Tịnh với một số nhà văn cùng
thời như Nam Cao, Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố, Nguyễn Tuân…
3.2.Phạm vi nghiên cứu
Về truyện ngắn của Thạch Lam: Khảo sát chủ yếu qua các tập:
- Gió đầu mùa (1937)
- Nắng trong vườn (1938)
- Sợi tóc (1942)
Về truyện ngắn của Thanh Tịnh: Khảo sát qua các tập:
- Quê mẹ (1941)
- Chị và em (1942 )
- Ngậm ngải tìm trầm (1943)
4.
Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
4.1. Mục đích
- Khẳng định vị trí của khuynh hướng truyện ngắn trữ tình trong bức tranh
truyện ngắn nói chung và trong văn xuôi Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX nói riêng.
- Phân tích phong cách nghệ thuật đặc sắc của hai nhà văn trên.
4.2 Nhiệm vụ
- Khái quát bức tranh truyện ngắn trong Văn học Việt Nam nửa đầu thế kỷ
XX và vị trí của khuynh hướng truyện ngắn trữ tình.
- Phân tích những hình tượng nghệ thuật chủ yếu trong truyện ngắn Thạch
Lam, Thanh Tịnh.
- Phân tích một số đặc điểm về phương diện nghệ thuật của truyện ngắn
Thạch Lam, Thanh Tịnh .
15
5.
Phương pháp nghiên cứu
Căn cứ vào mục đích và đối tượng nghiên cứu để hoàn thành các nhiệm vụ
cơ bản trên, luận văn sử dụng một số phương pháp nghiên cứu cơ bản sau:
5.1 Phương pháp lịch sử- xã hội: đặt truyện ngắn trữ tình vào bối cảnh lịch
sử đương thời để xem xét đánh giá
5.2 Phân tích tác phẩm theo đặc trưng thể loại: Vận dụng kiến thức về thể
loại truyện ngắn về thi pháp truyện ngắn để phân tích các sáng tác của hai nhà văn
5.3 Phương pháp hệ thống: Xem xét, phân tích truyện ngắn của hai nhà văn
trong mối quan hệ với các khuynh truyện ngắn khác.
5.4 Phương pháp so sánh đối chiếu:
So sánh hai nhà văn này với nhau
So sánh hai nhà văn này với những nhà văn khác
6.
Đóng góp của luận văn
- Luận văn kế thừa những nhận định, đánh giá của các nhà nghiên cứu đi
trước đồng thời phân tích toàn diện cụ thể thêm để từ đó làm rõ phong cách nghệ
thuật trong truyện ngắn của Thạch Lam, Thanh Tịnh.
- Ngoài ra, bằng việc tìm ra những nét đặc sắc riêng trong truyện ngắn của
Thanh Tịnh, Thạch Lam, luận văn sẽ góp thêm một tiếng nói khẳng định vị trí của
hai tác giả này trong lịch sử văn học Việt Nam hiện đại, góp phần vào việc giảng
dạy và nghiên cứu tác phẩm của hai nhà văn trong nhà trường nói riêng và trong
truyện ngắn Việt Nam nói chung.
7.
Bố cục luận văn
Ngoài phần Mở đầu, Kết luận và Thư mục tài liệu tham khảo, nội dung chính
của luận văn gồm ba chương:
Chương I: Loại hình truyện ngắn trữ tình trong bức tranh truyện ngắn
Việt Nam từ đầu thế kỷ XX đến Cách mạng tháng Tám 1945.
Chương II: Truyện ngắn trữ tình của Thạch Lam và Thanh Tịnh nhìn
từ phương diện nội dung.
Chương III: Truyện ngắn trữ tình của Thạch Lam và Thanh Tịnh nhìn
từ phương thức thể hiện.
16
Chương I:
KHÁI QUÁT LOẠI HÌNH TRUYỆN NGẮN TRỮ TÌNH
TRONG BỨC TRANH TRUYỆN NGẮN VIỆT NAM
TỪ ĐẦU THẾ KỶ XX ĐẾN CÁCH MẠNG THÁNG TÁM 1945
1.1. Khái niệm truyện ngắn trữ tình
1.1.1. Khái niệm truyện ngắn
Truyện ngắn là một thể loại của văn học hiện đại nhưng xuất xứ cùng khái
niệm về nó vẫn còn là một vấn đề được tranh luận trong giới nghiên cứu văn học
bởi thực tiễn phong phú và biến chuyển không ngừng.
Hiện nay có nhiều ý kiến khác nhau về thời điểm ra đời của truyện ngắn. Một
số tác giả như Lê Huy Bắc, Nguyễn Đăng Na, Bùi Việt Thắng…cùng các nhà văn
khác như Vũ Tú Nam, Ngyễn Quang Thân…cho rằng truyện ngắn Việt Nam ra đời
từ thời Cổ đại, xuất hiện cùng với thơ và kịch. Đó là những câu chuyện mang hơi
hướng của lịch sử, mầu sắc huyền ảo hoặc truyện truyền kỳ được sáng tạo dựa trên
nội dung và lối kể dân gian như: Việt điện u linh – Lý Tế Xuyên, Lĩnh Nam Chích
Quái – Trần Thế Pháp, Thánh Tông di thảo - Lê Thánh Tông, Truyền kỳ mạn lục –
Nguyễn Dữ.
Ý kiến của các nhà nghiên cứu khác như Mã Giang Lân, Nguyễn Hoành
Khung, Lê Bá Hán, Nguyễn Khắc Phi, Trần Đình Sử cùng nhóm tác giả Từ điển
văn học (bộ mới) cho rằng: thể loại truyện ngắn nước ta xuất hiện trong thời hiện
đại, cùng với sự xuất hiện của văn xuôi, chữ quốc ngữ, báo chí và xuất bản. Cho
đến những năm đầu thế kỷ XX thì truyện ngắn mới xuất hiện với tư cách là một thể
loại văn học. Tác phẩm tiêu biểu đánh dấu sự ra đời của truyện ngắn và cũng là thể
loại tiểu thuyết mang tính hiện đại của Việt Nam là Truyện Thầy Lazarô Phiền –
Nguyễn Trọng Quản, viết bằng văn xuôi quốc ngữ theo lối viết của Phương Tây.
Đây cũng là ý kiến của nhiều nhà văn, trong đó có Nguyễn Công Hoan. Ông
cho rằng: “Loại truyện ngắn viết bằng văn xuôi theo nghệ thuật Âu Tây loại mới có
trong văn học Việt Nam, từ ngày ta chịu ảnh hưởng của văn học Pháp… Cho nên
loại truyện viết theo nghệ thuật Âu Tây. Ta theo Trung Quốc mà gọi là tiểu thuyết,
17
cái nào viết trong vài trang thì gọi là đoản thiên – tiểu thuyết… Năm 1932, báo
Phong Hóa dịch “đoản thiên tiểu thuyết” ra tiếng ta, gọi là truyện ngắn” [63;10].
Với truyện ngắn, việc xác lập lại một khái niệm cũng là vấn đề không
dễ:“Thật ra thì cho đến bây giờ cũng chưa có ai tìm ra được một khái niệm thật
chuẩn về tiểu thuyết hay truyện ngắn” [46;20]. Bởi cũng như tiểu thuyết, khái niệm
truyện ngắn có sự thay đổi, biến hóa linh hoạt theo thời gian.
Truyện ngắn có nguồn gốc tiếng Italia, novella có nghĩa đầu tiên là “cái
tin”,“một chuyện mới lạ” (Tiếng Pháp; Nouvelle, tiếng Anh short story, tiếng Trung
Quốc; Đoản thiên tiểu thuyết). Từ trước đến nay có rất nhiều định nghĩa khác nhau
về thể loại truyện ngắn ở khắp các châu lục. Nhà thơ Đức, Gớt, xác định Novella là
“là một câu chuyện lạ đang xảy ra làm ta kinh ngạc” [35;11]. Nhà văn
K.Pauxtôpoxki (Nga) cho rằng: “Thực chất truyện ngắn là gì? Tôi nghĩ truyện
ngắn là một truyện ngắn gọn trong đó cái không bình thường hiện ra nư một cái gì
đó bình thường” [35;16]. D. Grônôpxki trong sách Đọc truyện ngắn viết:“Truyện
ngắn là một thể lọai muôn hình, muôn vẻ, biến đổi không cùng. Nó là một vật biến
hóa như quả chanh của Lọ Lem. Biến hóa về kiểu loại: tình cảm, trào phúng, kỳ ảo,
hướng về biến cố thật hay tưởng tượng, hiện thực hoặc phóng túng. Biến hóa về nội
dung: thay đổi vô cùng tận…Trong thế giới của truyện ngắn, cái gì cũng thành biến
cố, thậm chí sự thiếu vắng tình tiết, diện biến cũng gây hiệu quả, vì nó làm cho sự
chờ đợi bị hụt hẫng” [35;12].
Trong Từ điển Văn học do nhà xuất bản Khoa học Xã hội ấn hành năm
1984, truyện ngắn được quan niệm là một loại “truyện”, một “hình thức tự sự loại
nhỏ. Truyện ngắn khác với truyện vừa ở dung lượng nhỏ hơn, tập trung mô tả một
mảnh của cuộc sống: một biến cố hay một vài biến cố xảy ra trong một vài giai
đoạn nào đó của đời sống nhân vật, biểu hiện một mặt nào đó của tính cách nhân
vật, thể hiện một khía cạnh nào đó của xã hội” [11;457]. Truyện ngắn được định
tính là “loại tự sự cỡ nhỏ” trong Từ điển thuật điển thật ngữ Văn học do Lê Bá
Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khác Phi chủ biên. Các soạn giả của cuố Từ điển này
nhằm nhấn mạnh đến một số đặc điểm mấu chốt làm nên thể lọai truyện ngắn về
18
dung lượng, nội dung, nhân vật, cốt truyện, kết cấu, bút pháp và chi tiết. Thể loại
này cũng được đánh giá là “gần gũi với đời sống hàng ngày, súc tính, dễ đọc, lại
thường gắn liền với hoạt động báo chí, do đó có tác dụng, ảnh hưởng kịp thời trong
đời sống” [53;314 – 315]. Từ điển Văn học bộ mới do Đỗ Đức Hiểu, Nguyễn Huệ
Chi, Phùng Văn Tửu, Trần Hữu Tá chủ biên, xuất bản năm 2004 định nghĩa truyện
ngắn là:“thể loại tự sự cỡ nhỏ, thường được viết bằng văn xuôi, đề cập đến hầu hết
các phương diện của đời sống con người và xã hội. Nét nổi bật của truyện ngắn là
sự giới hạn về dung lượng; tác phẩm truyện ngắn thích hợp với việc người tiếp
nhận (độc giả) đọc nó liền mạch không nghỉ” [112;1846].
Mặc dù chưa đi đến thống nhất về định nghĩa nhưng phần lớn các nhà văn và
các nhà nghiên cứu đều đồng ý cho rằng, truyện ngắn một hình thức tự sự cỡ nhỏ,
tập trung mô tả một mảnh cuộc sống, một vài biến cố trong đời sống nhân vật, biểu
hiện một mặt nào đó của tính cách nhân vật, một khía cạnh nào đó của xã hội.
Truyện ngắn có tính quy định về dung lượng, cốt truyện, nghệ thuật xây dựng và
khắc họa tính cách nhân vật cũng như nhiều đặc điểm khác về thời gian, không
gian, biến cố, chi tiết nghệ thuật.
So với tiểu thuyết, truyện ngắn có dung lượng ngắn hơn và số lượng nhân vật ít
hơn. Truyện ngắn thường đi một khoảnh khắc của cuộc sống, đời người, nó thường
hướng về cái đơn nhất, thể hiện đầy đủ nhật mọi cung bậc cảm xúc của con người.
Có thể khái quát sự khác biệt của hai thể loại này, qua cách ví von của nhà
nghiên cứu Triều Dương Nguyễn Cần Mẫn:“Tiểu thuyết thường vươn tới cái toàn
thể. Còn truyện ngắn hướng về cái đơn nhất. Nếu ví tiểu thuyết như một căn phòng
ấm áp thì truyện ngắn chỉ là một ngọn lửa nhiệt lượng tập trung thật mạnh ở nhiệt
độ cao. Nếu tiểu thuyết là cả một con người với đầy đủ phục sức, dáng vóc, đường
nét hoặc thậm chí là cả một đám đông với nhiều kiểu, nhiều vẻ khác nhau thì truyện
ngắn chỉ là một đôi mắt – nhưng đây là “cửa sổ tâm hồn” hoặc thậm chí là một cái
ngước mắt, một ánh mắt vừa có sức cuốn hút mà độ sâu thẳm không thể lường
trước” [200;378].
19
Như vậy, truyện ngắn là một thể loại văn xuôi nghệ thuật, bản chất là ngắn,
là hàm súc dồn nén, là khái quát nghệ thuật cuộc sống theo chiều sâu và thực sự
phát triển hơn nữa ở nền văn học hiện đại.
1.1.2. Khái niệm truyện ngắn trữ tình
Từ điển tiếng Việt do GS Hoàng Phê (chủ biên) ghi: trữ tình: “có nội dung
phản ánh hiện thực bằng cách biểu hiện những ý nghĩ, xúc cảm, tâm trạng riêng
của con người, kể cả bản thân của người nghệ sĩ, trước cuộc sống” [8;1035].
Trữ tình thường là những tác phẩm không rõ cốt truyện, không chứa đựng
nhiều sự kiện lớn, nhiều xung đột lớn, kết cấu của nó thiên về dòng tâm trạng.
Về thuật ngữ “trữ tình”, trong Từ điển thuật ngữ văn học viết: “Nếu tự sự
thể hiện tư tưởng tình cảm của tác giả bằng con đường tái hiện lại một cách khách
quan các hiện tượng đời sống thì trữ tình lại phản ánh đời sống bằng cách bộc lộ
trực tiếp ý thức của con người, nghĩa là con người tự cảm thấy mình qua những ấn
tượng, ý nghĩ, cảm xúc chủ quan của mình đối với thế giới và nhân sinh. Phương
thức trữ tình cũng tái hiện các hiện tượng của đời sống như trực tiếp miêu tả phong
cảnh thiên nhiên hoặc ít nhiều thuật lại nhiều sự kiện tương đối liên tục… nhưng sự
tái hiện này không mang mục đích tự thân mà tạo điều kiện để chủ thể bộc lộ những
cảm xúc chiêm nghiệm, suy tưởng của mình. Tác phẩm trữ tình thể hiện tâm trạng.
Do đó, nó thường không có cốt truyện, hiểu theo nghĩa chặt chẽ của từ này và dung
lượng của nó thường ngắn vì một trạng thái tâm trạng không thể kéo dài…[6;373].
Nguyễn Minh Châu lý giải về bản chất của loại truyện này:“Có những
người viết truyện ngắn sau khi đã diễn tả cái diễn biến, bên ngoài hoặc tả hết sức
tiết kiệm mà chỉ chuyên chú vào cái bên trong, vào cái mà nhân vật thu nhận được
ở bên trong tâm hồn họ, bằng những câu đối thoại, bằng những phản ứng tâm lý rất
tâm lý rất tinh tế. Vì thế đã đẻ ra một loại truyện ngắn mà ta thường gọi là truyện
không có cốt truyện. Chẳng qua chỉ là một thủ đoạn văn học cốt để nhân vật và
phần nội tâm của nhân vật trực tiếp tiếp xúc với người đọc” [15;138].
Trong luận án Ba phong cách truyện ngắn trữ tình trong văn học Việt Nam
giai đoạn 1930 - 1945, Phạm Thu Hương viết:“Trong tác phẩm trữ tình, yếu tố chủ
20
quan của nhà văn bao giờ cũng rất đậm nét và nó được thể hiện ở tất cả các
phương diện nghệ thuật: Dù tả cảnh, tả ngoại hình nhân vật hay nội tâm nhân
vật… Truyện ngắn trữ tình thường không có cốt truyện. Nó có kết cấu gần với cấu
tứ của thơ trữ tình. Truyện ngắn trữ tình thường đi sâu miêu tả một cách tinh tế
những phản ứng của tâm thức đối với “kinh nghiệm”. Ý nghĩa của truyện thường
gắn với không khí bàng bạc, tâm trạng… bàng bạc trong tác phẩm” [80].
Bùi Việt Thắng gọi truyện ngắn trữ tình là kiểu truyện ngắn tâm
tình:“Truyện tâm tình còn được gọi là truyện ngắn gần với thơ vì trong đó có sự
phối hợp giữa việc diễn tả cảm xúc trữ tình với kể chuyện. Truyện ngắn trong bản
chất của nó là một thể loại tự sự - trữ tình cô đúc, ý ngoài chữ, tạo ấn tượng và liên
tưởng [15;138] … “Trong kiểu truyện ngắn tâm tình, sự cảm thụ thiên nhiên trong
toàn bộ các giác quan là một đặc điểm trong cách miêu tả của nhà văn” [15;140].
Tuy nhiên để làm cho văn học phong phú, đa dạng thì cần có yếu tố tự sự. Tự sự
được gắn liền với thuật ngữ tác phẩm. Theo đó, tác phẩm tự sự là sự tái hiện đời
sống trong toàn bộ tính khách quan của nó. Tác phẩm phản ánh hiện thực qua bức
tranh mở rộng của đời sống trong không gian, thời gian, qua các sự kiện, biến cố
xảy ra trong cuộc đời con người. Trong tác phẩm tự sự nhà văn cũng thể hiện tư
tưởng và tình cảm của mình. Nhưng ở đây, tư tưởng và tình cảm của nhà văn thâm
nhập sâu sắc vào sự kiện và hành động bên ngoài của con người tới mức dường như
không có sự phân biệt nào cả… Nguyên tắc phản ánh hiện thực trong tính khách
quan đã đặt trần thuật vào vị trí của nhân tố tổ chức ra thế giới nghệ thuật của tác
phẩm tự sự, đòi hỏi nhà văn phải tạo ra hiện tượng “người trần thuật” [52;285].
Cũng như nhiều tác phẩm văn xuôi khác, truyện ngắn của Thạch Lam và Thanh
Tịnh có sự hòa quyện chung giữa yếu tố trữ tình và tự sự tạo nên sự đồng điệu đến
ngạc nhiên.
Như vậy, truyện ngắn trữ tình là một dạng trong thể loại truyện ngắn, có
người quan niệm nó là “kiểu truyện tâm tình”, có người cho là “truyện ngắn trữ
tình”, có người quan niệm nó là có người gọi là “truyện không có cốt truyện”, hoặc
là “văn xuôi trữ tình”…
21
Từ khái niệm trên, chúng tôi xác định truyện ngắn trữ tình có mấy đặc trưng
cơ bản sau:
- Đối tượng và nội dung phản ánh thường là cảnh đời, cảnh sống, cảnh sắc
thiên nhiên hàm chứa nhiều cảm xúc, gợi niềm vui, nỗi buồn của con người. Dưới
ngòi bút hiện thực của Thạch Lam, con người dường như quanh năm suốt tháng
phải vật lộn với cái nghèo, cái đói, họ ít có những giờ phút sống cho riêng mình và
cho người khác. Những thực trạng đau đớn ấy ta đều bắt gặp ở trong những truyện
ngắn như: Cô hàng xén, Gió lạnh đầu mùa, Nhà mẹ Lê, Hai lần chết, Tối ba
mươi… có những trang làm người đọc xúc động rớt nước mắt và thấm đầy dư vị xót
xa.
- Cái tôi tác giả, người trần thuật thường giàu cảm xúc, thường sống với tâm
trạng, cảm xúc của mình và dãi bày một cách cụ thể trực tiếp trước đối tượng, cuộc
đời. “Tôi đi học” là tâm trạng của một cậu bé lần đầu được đến trường vứi những
câu văn mượt mà, cảm xúc:“Hằng năm cứ vào cuối thu lá ngoài đường rụng nhiều
và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức kỷ niệm mơn man
của buổi tựu trường. Tôi quên thế nào được những cảm giác trong sáng ấy nảy nở
trong lòng tôi như mấy cánh hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng… Buổi
mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và đầy gió lạnh, mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi
dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp”.
- Truyện ngắn trữ tình thường là những tác phẩm không rõ cốt truyện, không
chứa đựng nhiều sự kiện lớn, nhiều xung đột lớn, kết cấu của nó thiên về dòng tâm
trạng. Truyện ngắn “Hai đứa trẻ” là sự hòa quyện của hai yếu tố hiện thực và lãng
mạn, truyện không có cốt truyện, nhà văn chủ yếu đi sâu khai thác thế giới nội tâm
của nhân vật. Thạch Lam đã cho người đọc thấy được bức tranh toàn cảnh về cuộc
sống nghèo túng, chật hẹp của những người dân nơi phố huyện nói riêng và bức
tranh xã hội Việt Nam trước cách mạng tháng Tám nói chung.
- Ngôn ngữ và lời văn trong truyện ngắn trữ tình chứa đựng cảm xúc, lan
truyền trực tiếp tới người đọc:
22