Krông Ana, huyền thoại dòng sông Mẹ
Bài đăng báo Tuổi trẻ Online ngày 12-9-2008
/>ArticleID=277550&ChannelID=100
TTO - Krông Ana, tiếng Ê Đê có nghĩa là sông Cái, cũng có thể hiểu đó là sông Mẹ,
sông Con gái. Đồng hành cùng Krông Ana còn có Krông Nô, cũng được hiểu là
sông Đực hay là sông Cha, sông Con trai. Hai con sông hợp lại thành dòng sông
Sêrêpôk hùng vĩ, cuồn cuộn chảy trên cao nguyên Đắc Lắc.
Truyền thuyết của người Ê Đê kể rằng, ngày xưa, có một cô gái yêu chàng trai ở
bên kia sông. Nhưng nhà cô gái nghèo, không có chiêng ché, trâu bò để “bắt” chàng
trai về làm chồng. Hai bên gia đình do có hiềm khích nên cũng ngăn cấm không cho
hai người thương nhau. Đau khổ, tuyệt vọng, cả hai cùng gieo mình xuống sông tự
vẫn. Cô gái hóa thành dòng Krông Ana, chàng trai hóa thành dòng Krông Nô. Còn
dòng sông Sêrêpôk chính là sự hòa quyện vĩnh hằng của hai người, như lời ngợi ca
một tình yêu thủy chung, bất diệt.
Tôi vẫn thích cái tên sông Mẹ của dòng sông, bởi sông đã sinh ra bao cánh đồng
màu mỡ cùng với những buôn làng, xóm thôn trù phú dọc đôi bờ, tạo nên sự sống
cho vùng đất này. Không biết từ vùng núi cao Khánh Dương của trập trùng thảo
nguyên Ma Đ’răk, băng qua những cánh rừng đại ngàn, qua những vùng quê, suốt
hành trình cần mẫn, nhọc nhằn của mình, sông đã đem lại cuộc sống tươi vui đầm
ấm cho bao người. Chỉ biết, người M’Nông, người Ê Đê, người Kinh… quần tụ bên
hai bờ sông Mẹ ngày càng đông đúc, tháng năm vui cuộc sống cấy cày, chài lưới.
Nếu đi thuyền dọc sông Krông Ana, đoạn từ buôn Triết đến khu vực Ngã Sáu - nơi
hợp lưu của hai dòng sông Krông Ana và Krông Nô, ta có cảm giác như đang đi
giữa mênh mang của vùng sông nước miền Tây Nam bộ.
Ven bờ, lục bình kết thành từng bè từng mảng dập dềnh, hoa tím ngát. Dòng sông
uốn lượn giữa cánh đồng bát ngát hút tầm mắt, gợi nhớ tới một miền quê nơi đồng
bằng xa ngái. Những bờ lau sậy phất phơ. Chấp chới những cánh cò trắng. Ríu ran
từng đàn chim le le, chim sếu…Vài chiếc thuyền đang bập bềnh trên sông. Người
dân chài ngồi đạp thuyền, thả lưới. Mái chèo khua nước ràn rạt. Thỉnh thoảng, một
chiếc thuyền máy chở người, chở hàng phành phạch xé nước chạy qua. Tiếng nước
vỗ vào bờ oàm oạp, oàm oạp. Rồi sông lại đắm trong êm ả, bằng lặng, trôi về phía
chân trời.
Bên bờ sông, dễ dàng nhận ra những buôn làng của người Ê Đê, những cư dân lâu
đời của vùng đất này: buôn Triết, buôn Trấp, buôn Krông, buôn Tơ Lơ, buôn
Kuôp…Vẫn là những ngôi nhà sàn dài quen thuộc nhưng cuộc sống của buôn làng
đã đổi mới rất nhiều. Những chàng trai Ê Đê lái máy cày ruộng, những cô gái Ê Đê
qua sông cấy lúa, lúc rảnh rỗi lại đi buông câu, thả lưới. Chiều chiều, bến nước đầu
buôn rộn vang tiếng cười. Sóng nước lao xao như lòng người đang dâng đầy niềm
vui dào dạt.
Người dân trong buôn vẫn kể rằng khoảng đầu những năm 1980 trở về trước, vùng
đất này còn hoang vu lắm. Bờ sông cỏ dại um tùm, cây cối rậm rạp, lau sậy ngút
ngát. Heo rừng, chồn cáo, trăn rắn đủ loài. Người ta còn bắt gặp cả cá sấu trong
những bãi sình lầy ven sông. Mới đó mà nơi đây đã trở thành ruộng đồng, làng xóm,
trở thành quê hương thứ hai của bao người đến từ khắp mọi miền đất nước.
Sông cũng đã trở nên thân thương, gần gũi với bao người con mới đến đất này lập
nghiệp. Những xóm thôn của người xứ Quảng đi kinh tế mới lên đây hầu hết đều
nằm ở gần sông Krông Ana. Họ vốn là những người dân của vùng sông nước. Điện
Bàn, Quảng Điền, Thăng Bình, Hòa Vang… là những thôn như thế. Giăng câu, thả
lưới trên sông. Đặt lờ, úp nơm, đơm đó ở những bàu, đìa, đầm, láng.
Sông Krông Ana hào phóng dâng tặng cho con người đủ loại tôm cá. Những buổi
sớm tinh mơ, thuyền câu về, bến sông như một chợ đầu mối, tấp nập người mua kẻ
bán. Từng thúng cá tươi ngon được khiêng từ trên thuyền xuống. Cá chép, cá rô, cá
lóc, cá thát lát, cá sặt, tôm, tép, lươn, cua, ốc… đủ thứ đủ loại. Có những con cá lóc,
cá chép nặng tới vài cân. Có cả những mớ cá lăng - loại cá quý hiếm, thơm ngon nổi
tiếng. Dòng sông Mẹ thật bao dung, rộng mở. Gương mặt của những “ngư phủ” phờ
phạc sau một đêm vất vả vẫn ánh lên niềm vui rạng rỡ.
Dòng nước ngọt lành trĩu nặng phù sa của sông Mẹ đã tưới tắm, bồi đắp cho đồng
ruộng. Một năm hai vụ, quanh năm bờ bãi bên sông nhộn nhịp người cấy cày. Mùa
đến, lúa chín bời bời. Dòng sông trôi miên man giữa đôi bờ vàng rực lúa chín. Sau
vụ gặt tháng mười, khi lúa đã xếp đầy nhà kho, buôn làng lại làm lễ Cúng bến nước.
Chiêng trống vang lừng bến sông.
Trai gái nhịp nhàng trong vòng múa xoang. Lễ vật được bày ra: ché rượu cần, con
gà trống, thịt trâu, thịt bò… Già làng trịnh trọng trong bộ trang phục tế lễ, cất cao
lời mời thần linh về nhận chút lễ vật của buôn làng tạ ơn thần linh đã phù hộ cho
mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt.
Đã bước sang tháng chín, đang mùa nước, dòng sông ăm ắp đầy. Lúa đồng, đám
đang đứng cái, óng ả như tấm lưng ong của các cô gái, đám đã vào mẩy, đám đã đỏ
đuôi… hứa hẹn một vụ bội thu. Dòng sông Mẹ mang trong mình huyền thoại về câu
chuyện tình bi thương của đôi trai gái xưa kia và cũng đang chảy trong huyền thoại
của cuộc sống mới hôm nay.
HOÀNG MINH SƠN
/>