Tải bản đầy đủ (.pdf) (95 trang)

Tội trốn thuế trong Bộ luật Hình sự năm 2015

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (2.92 MB, 95 trang )

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƢỜNG ĐẠI HỌC LUẬT HÀ NỘI

BỘ TƢ PHÁP

TRƢƠNG VĂN TIẾN

TỘI TRỐN THUẾ TRONG
BỘ LUẬT HÌNH SỰ NĂM 2015

LUẬN VĂN THẠC SĨ LUẬT HỌC
(Định hƣớng ứng dụng)

HÀ NỘI - 2018


BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƢỜNG ĐẠI HỌC LUẬT HÀ NỘI

BỘ TƢ PHÁP

TRƢƠNG VĂN TIẾN

TỘI TRỐN THUẾ TRONG
BỘ LUẬT HÌNH SỰ NĂM 2015

Chuyên ngành : Luật hình sự và tố tụng hình sự
Mã số
: 8380104

LUẬN VĂN THẠC SĨ LUẬT HỌC


(Định hƣớng ứng dụng)

Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS: Trƣơng Quang Vinh

HÀ NỘI - 2018


LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu khoa học độc lập của riêng tôi.
Các kết quả nêu trong luận văn chưa được công bố trong bất kỳ công trình nào khác.
Các số liệu trong luận văn là trung thực, có nguồn gốc rõ ràng và được trích dẫn đầy đủ
theo quy định.
Tôi xin chịu trách nhiệm về tính chính xác và trung thực của luận văn này.
TÁC GIẢ LUẬN VĂN

Trƣơng Văn Tiến


DANH MỤC CÁC TỪ VIẾT TẮT
BLHS

Bộ luật hình sự

BTC

Bộ tài chính

BNV

Bộ nội vụ


CATP

Công an thành phố

GTGT

Giá trị gia tăng

KSĐT

Kiểm sát điều tra

KSXX

Kiểm sát xét xử

TANDTC

Tòa án nhân dân tối cao

THQCT

Thực hành quyền công tố

TNHH

Trách nhiệm hữu hạn

TNHS


Trách nhiệm hình sự

VKSNDTC

Viện kiểm sát nhân dân tối cao


MỤC LỤC
MỞ ĐẦU .................................................................................................................... 1
Chƣơng 1 .................................................................................................................... 7
QUY ĐỊNH CỦA LUẬT HÌNH SỰ VỀ TỘI TRỐN THUẾ................................. 7
1.1. Khái niệm tội trốn thuế và các đặc điểm của tội trốn thuế ......................7
1.1.1.
1.1.2.

Khái niệm tội trốn thuế...........................................................................7
Các đặc điểm của tội trốn thuế ...............................................................8

1.2. Các dấu hiệu pháp lý của tội trốn thuế theo quy định của Bộ luật hình
sự năm 2015 ...........................................................................................................10
1.2.1. Khách thể của tội trốn thuế ..................................................................10
1.2.2. Mặt khách quan của tội trốn thuế .......................................................11
1.2.3. Chủ thể của tội trốn thuế......................................................................17
1.2.4. Mặt chủ quan của tội trốn thuế ...........................................................19
1.3. Hình phạt áp dụng đối với tội trốn thuế ...................................................20
1.4. Phân biệt tội trốn thuế với một số tội phạm khác ......................................28
1.4.1. Phân biệt tội trốn thuế với tội buôn lậu ..................................................29
1.4.2. Phân biệt tội trốn thuế với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong lĩnh vực
thuế ......................................................................................................................30

1.4.3. Phân biệt tội trốn thuế với tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành công
cụ chuyển nhượng giả hoặc các giấy tờ có giá giả khác ..................................31
1.5. Lịch sử lập pháp hình sự Việt Nam về tội trốn thuế từ sau cách mạng tháng
8 năm 1945 đến trƣớc khi ban hành bộ luật hình sự Việt Nam năm 2015..........32
1.5.1. Giai đoạn sau cách mạng tháng 8 năm 1945 đến trước khi ban hành Bộ
luật hình sự năm 1985 .......................................................................................32
1.5.2. Giai đoạn từ khi ban hành Bộ luật hình sự năm 1985 đến trước khi ban
hành Bộ luật hình sự năm 1999 ........................................................................34
1.5.3. Giai đoạn từ khi ban hành Bộ luật hình sự năm 1999 đến trước khi ban
hành Bộ luật hình sự năm 2015 ........................................................................36
1.6. Tội trốn thuế theo quy định trong Bộ luật hình sự của một số nƣớc trên
thế giới....................................................................................................................37
1.6.1. Tội trốn thuế trong bộ luật hình sự của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa .37
1.6.2. Tội trốn thuế trong bộ luật hình sự của Liên bang Nga ........................40
TIỂU KẾT CHƢƠNG 1 ......................................................................................... 43


Chƣơng 2 .................................................................................................................. 44
THỰC TIẾN ÁP DỤNG PHÁP LUẬT VÀ CÁC GIẢI PHÁP NÂNG CAO
HIỆU QUẢ ÁP DỤNG PHÁP LUẬT ................................................................... 44
ĐỐI VỚI TỘI TRỐN THUẾ TẠI VIỆT NAM .................................................... 44
2.1. Thực tiễn áp dụng pháp luật đối với tội trốn thuế tại Việt Nam giai đoạn
từ năm 2013 đến năm 2017 ..................................................................................44
2.1.1. Những kết quả đạt được trong hoạt động áp dụng pháp luật đối với tội
trốn thuế tại Việt Nam ........................................................................................44
2.1.2. Những hạn chế, sai lầm trong hoạt động áp dụng pháp luật đối với tội
trốn thuế ..............................................................................................................49
2.1.3. Nguyên nhân của những hạn chế, sai lầm trong hoạt động áp dụng
pháp luật đối với tội trốn thuế............................................................................55
2.2. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động áp dụng pháp luật đối với

tội trốn thuế tại Việt Nam ....................................................................................60
2.2.1. Hoàn thiện pháp luật và hướng dẫn thi hành pháp luật .......................60
2.2.2. Tăng cường công tác kiểm tra và phát triển án lệ ..................................63
2.2.3. Nâng cao năng lực của người tiến hành tố tụng và luật sư ..................64
2.2.4. Một số giải pháp khác ..............................................................................66
TIỂU KẾT CHƢƠNG 2 ......................................................................................... 68
KẾT LUẬN .............................................................................................................. 70

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
PHỤ LỤC


DANH MỤC BẢNG
Bảng 2.1. Tình hình thụ lý và giải quyết của Tòa án nhân dân các cấp đối với tội
phạm trốn thuế từ năm 2013 – 2017 ......................................................................... 45
Bảng 2.2. Số vụ án khởi tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và số vụ án bị xử về tội
lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến lĩnh vực thuế ........................................... 45
Bảng 2.3. Số vụ án khởi tố về tội buôn lậu và số vụ án bị xử về tội buôn lậu liên
quan đến lĩnh vực thuế .............................................................................................. 46
Bảng 2.4. Số vụ án khởi tố về lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công
vụ và số vụ án bị xử về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ
liên quan đến lĩnh vực thuế ....................................................................................... 46
Bảng 2.5. Hình phạt áp dụng đối với các bị cáo phạm tội trốn thuế ........................ 48


1

MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
Thuế xuất hiện cùng với sự ra đời của Nhà nước, đó là khoản giá trị vật chất

mà người dân có nghĩa vụ đóng góp, để Nhà nước duy trì việc thực hiện chức năng
và nhiệm vụ của mình. Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, hệ thống các khoản
thuế và các chính sách pháp luật về thuế ngày càng đa dạng và hoàn thiện; các khoản
đóng góp của người dân cho Nhà nước được pháp luật quy định cụ thể và công khai.
Bất kỳ một nhà nước nào để tồn tại và duy trì các hoạt động bình thường, đều cần
đến các nguồn thu từ thuế. Đó không chỉ là sự đóng góp bắt buộc của người dân cho
ngân sách nhà nước, để nhà nước sử dụng các khoản thu thuế đó đầu tư quay trở lại
để quản lý duy trì ổn định trật tự xã hội, xây dựng cơ sở vật chất, tạo môi trường tốt
nhất để người dân cùng sinh hoạt, lao động và phát triển. Trong nền kinh tế thị
trường, định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta; thuế còn là công cụ để nhà nước
quản lý, điều tiết cân bằng nền kinh tế vĩ mô, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh,
công bằng và văn minh.
Nhận thức được tầm quan trọng đó các quy định, chính sách về thuế và nghĩa
vụ đóng thuế luôn được Nhà nước quy định ngày càng chặt chẽ và hoàn thiện trong
các văn bản luật và dưới luật, như: Luật quản lý thuế 2006 (đã được sửa đổi, bổ sung
năm 2012); Nghị định số 83/2013/NĐ-CP ngày 22/7/2013 của Chính phủ quy định
chi tiết thi hành một số điều của Luật quản lý thuế và luật sửa đổi bổ sung một số
điều của Luật quản lý thuế. Nghị định 91/2014 /NĐ-CP ngày 01/10/2014 của Chính
Phủ sửa đổi, bổ sung một số điều tại các Nghị định quy định về thuế.Thông tư số
156/TT – BTC ngày 06/11/2013 hướng dẫn thi hành một số điều Luật Quản lý thuế;
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế 2014; Nghị định số
12/2015/NĐ-CP ngày 12/02/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật sửa
đổi, bổ sung một số điều tại các Luật về thuế và sửa đổi, bổ sung một số điều của
các Nghị định về thuế…
Trong bối cảnh hiện nay, đất nước ngày càng phát triển, nền kinh tế ngày
càng tăng trưởng, vai trò của thuế lại càng quan trọng. Tuy nhiên, một bộ phận
người dân có nghĩa vụ đóng thuế lại chưa ý thức được tầm quan trọng của thuế và
trách nhiệm của mình đối với nhà nước, mà tìm mọi cách, mọi thủ đoạn để trốn thuế.
Số vụ án trốn thuế ngày càng nhiều, và số lượng các khoản thuế bị thất thu ngày
càng lớn với thủ đoạn ngày càng tinh vi và xảo quyệt. Điều này gây thiệt hại rất lớn



2

cho nhà nước và xã hội, làm thất thu nguồn ngân sách nhà nước, ảnh hưởng đến sự
cần bằng của nền kinh tế vĩ mô, và tạo nên môi trường kinh doanh không lành mạnh.
Trước thực trạng đó, các cơ quan chức năng đã có nhiều biện pháp thanh tra,
điều tra xử lý các hành vi trốn thuế; tùy từng tính chất và mức độ mà người trốn thuế
có thể bị xử lý vi phạm về hành chính hoặc xử lý hình sự, nhưng chủ yếu là xử phạt
vi phạm hành chính; còn xử lý về hình sự vẫn còn hạn chế và quá trình xem xét xử
lý hình sự đối với tội phạm trốn thuế vẫn còn nhiều tồn tại, sai sót do những nguyên
nhân chủ quan và khách quan nhất định. Do đó tính răn đe, phòng ngừa các hành vi
trốn thuế vẫn chưa đạt hiệu quả cao. Có thể nói, luật hình sự và quá trình xử lý hình
sự đối với tội trốn thuế là công cụ rất hữu hiệu để trấn áp các hành vi phạm tội trốn
thuế trong bối cảnh hiện nay. Để đáp ứng đòi hỏi này, bộ luật hình sự năm 2015 ra
đời, đã có nhiều sửa đổi bổ sung để hoàn thiện hơn các quy định về các hành vi
phạm tội trốn thuế, theo hướng quy định chặt chẽ và cụ thể hơn. Vì vậy, việc nghiên
cứu đề tài “Tội trốn thuế trong Bộ luật hình sự 2015”mang tính cấp thiết không chỉ
về mặt lý luận mà còn đáp ứng những đòi hỏi của thực tiễn đặt ra.
2. Tình hình nghiên cứu
Hành vi trốn thuế được hình sự hóa kể từ khi BLHS năm 1985 ra đời; sau khi
BLHS năm 1985 được ban hành, việc nghiên cứu tội trốn thuế được thể hiện trong
các sách, giáo trình, luận văn, luận án, đề tài nghiên cứu, các bài báo khoa học:
Sách chuyên khảo: Hiện chưa có tài liệu chuyên khảo nào nghiên cứu một
cách chuyên sâu, riêng biệt về “Tội trốn thuế”, một số tài liệu nghiên cứu trong đó
đề cập đến: “Tội trôn thuế”: Bình luận khoa học Bộ luật hình sự của Viện Khoa học
pháp lý, Bộ tư pháp, nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1987; Bình luận khoa học Bộ
luật hình sự, phần các tội phạm, tập 1 (Bình luận chuyên sâu) của Th.S Đinh Văn
Quế, Nxb thành phố Hồ Chí Minh, 2002; Bình luận khoa học bộ luật hình sự 2015
sửa đổi bổ sung 2017 phần các tội phạm của GS.TS. Nguyễn Ngọc Hòa, nxb Tư

Pháp, Hà Nội, 2018…
Giáo trình: Giáo trình luật hình sự Việt Nam (phần các tội phạm) của Khoa
luật – Đại học Quốc gia Hà Nội, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2002; Giáo
trình Luật hình sự Việt Nam của trường Đại học luật Hà Nội, Nxb Công an nhân dân,
Hà Nội, 2000; Giáo trình luật hình sự Việt Nam (phần các tội phạm) của Khoa luật –
Đại học Quốc gia Hà Nội, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 1997; Giáo trình
Luật hình sự Việt Nam, tập II của trường Đại học luật Hà Nội, Nxb Công an nhân


3

dân, Hà Nội, 1998; Giáo trình luật hình sự Việt Nam (phần các tội phạm, tập 1) của
Trường đại học Kiểm sát Hà Nội, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2016…
Các công trình nghiên cứu trên chỉ đề cập đến tội phạm trốn thuế ở góc độ
nghiên cứu chung với các tội phạm khác trong bộ luật hình sự, vì vậy mà chưa đi sâu
nghiên cứu, phân tích một cách độc lập về tội phạm trốn thuế và thực tiễn áp dụng
pháp luật hình sự trong xử lý tội phạm trốn thuế.
Bên cạnh đó còn có các bài viết, các công trình nghiên cứu khác đã đề cập đến
các khía cạnh khác nhau của Tội trốn thuế: Thái Nguyên Toàn (2013), “Bàn về tội
trốn thuế trong Bộ luật hình sự Việt Nam”, Tạp chí kiểm sát số 23, tháng 12/2013;
Chuyên đề: Thực tiễn thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra các vụ án hình sự
về tội trốn thuế - một số giải pháp và kiến nghị, của Viện kiểm sát nhân dân Tối cao –
Vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án hình sự về kinh tế và chức vụ Hà
Nội, (2007)…
Ở cấp độ luận văn: Luân văn thạc sỹ luật học của tác giả Nguyên Việt Dũng
với đề tài: “Những vấn đề lý luận và thực tiễn về tội trốn thuế trong luật hình sự
Việt nam, khoa luật đại học quốc gia Hà Nội, 2010; Luận văn thạc sĩ luật học “tội
trốn thuế theo luật hình sự Việt Nam ” (trên cơ sở số liệu thực tiễn địa bàn thành phố
Hà Nội), Hà Nội – 2015 của tác giả Trần Thị Hoa – Đại học quốc gia Hà Nội. Như
vậy, các công trình nghiên cứu về mặt pháp lý và thực tiễn về tội trốn thuế đã bắt

đầu được nghiên cứu chuyên sâu ở góc độ Luận văn thạc sỹ. Tuy nhiên, phạm vi
mới chỉ dừng lại ở việc nghiên cứu trong phạm vi một địa bàn cụ thể. Bên cạnh đó,
các luận văn nghiên cứu tội trốn thuế dựa trên quy định của các văn bản pháp luật cũ
trước đây. Do đó, việc nghiên cứu nội dung pháp lý về tội trốn thuế vẫn là đề tài mới
trong giai đoạn hiện nay. Vì vậy, tác giả quyết định lựa chọn đề tài “Tội trốn thuế
trong Bộ luật hình sự Việt Nam” để nghiên cứu ở cấp độ luận văn nhằm tiếp tục
nghiên cứu, đánh giá về những quy định của BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung năm
2017) về tội trốn thuế trong sự phân tích, đối chiếu với thực tế xử lý. Từ đó đề xuất
giải pháp, kiến nghị hoàn thiện hơn nữa Tội trốn thuế trong pháp luật hình sự Việt
Nam.
3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu

3.1. Mục đích nghiên cứu
Mục đích nghiên cứu của luận văn là để phân tích làm rõ các quy định của
pháp luật hiện hành về xử lý hình sự đối với tội trốn thuế. Và thực tiễn việc áp dụng
các quy định đó vào việc điều tra, truy tố, xét xử tội trốn thuế trên địa bàn cả nước.


4

Trên cơ sở đó, chỉ ra những hạn chế tồn tại của pháp luật cũng như trong công tác áp
dụng pháp luật để xử lý tội phạm trốn thuế trên địa bàn cả nước. Thống nhất một số
quan điểm về tội trốn thuế và đưa ra các giải pháp kiến nghị để nâng cao hiệu quả
trong việc phát hiện và xử lý tội trốn thuế trên địa bàn cả nước.

3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu
Để đạt được mục đích trên, luận văn triển khai thực hiện các nhiệm vụ sau:
- Nghiên cứu, phân tích những yếu tố cấu thành tội phạm của tội trốn thuế,
các quy định về hình phạt đối với tội trốn thuế; so sánh tội trốn thuế với một số tội
khác có liên quan từ đó rút ra những tồn tại, hạn chế cần khắc phục của các quy định

về tội trốn thuế trong pháp luật hiện hành;
- Nghiên cứu, đánh giá thực tiễn áp dụng các quy định của pháp luật về tội
trốn thuế, đồng thời phân tích làm rõ những tồn tại, hạn chế xung quanh việc áp
dụng các quy định này;
- Đề xuất phương hướng và giải pháp hoàn thiện các quy định của pháp luật
về tội trốn thuế trong Bộ luật hình sự Việt Nam cũng như các giải pháp nâng cao
hiệu quả áp dụng pháp luật để xử lý tội phạm trốn thuế.
4. Đối tƣợng và phạm vi nghiên cứu

4.1. Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của luận văn là các quy định của Bộ luật hình sự về tội
trốn thuế, và thực tiễn áp dụng pháp luật để xử lý tội phạm trốn thuế.

4.2. Phạm vi nghiên cứu
Về mặt nội dung: luận văn nghiên cứu các quy định về tội trốn thuế trong bộ
luật hình sự trong đó tập trung nghiên cứu tội trốn thuế trong Bộ luật hình sự Việt
Nam năm 2015.
Về không gian và thời gian: Luận văn tập trung nghiên cứu thực tiễn áp dụng
pháp luật xử lý tội phạm trốn thuế trên địa bàn cả nước ta từ năm 2013 đến năm
2017.
5. Phƣơng pháp luận và phƣơng pháp nghiên cứu

5.1. Phương pháp luận
Việc nghiên cứu nội dung luận văn, dựa cơ sở lý luận của chủ nghĩa duy vật
lịch sử và chủ nghĩa duy vật biện chứng của chủ nghĩa Mác – Lê nin; tư tưởng Hồ
Chí Minh và chủ trương, quan điểm của Đảng và Nhà nước về xây dựng nhà nước
pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân.


5


5.2. Phương pháp nghiên cứu
Để thực hiện việc nghiên cứu đề tài, tác giải đã sử dụng các phương pháp
nghiên cứu chung, cũng như các phương pháp nghien cứu đặc thù đối với ngành luật
hình sự, cụ thể là:
- Phương pháp phân tích, tổng hợp
- Phương pháp phân loại và hệ thống hóa
- Phương pháp so sánh, đối chiếu
- Phương pháp lịch sử
- Phương pháp thống kê, đánh giá dựa trên số liệu thực tế về truy tố, xét xử
tội trốn thuế của các ngành tư pháp và một số phương pháp khác…
6. Ý nghĩa khoa học và ý nghĩa thực tiễn của luận văn

6.1. Ý nghĩa khoa học
Luận văn này là công trình nghiên cứu chuyên sâu, toàn diện, có hệ thống về tội
trốn thuế dưới góc độ các quy định của bộ luật hình sự năm 2015. Có thể xem những
nội dung sau đây là những đóng góp về khoa học của luận văn:
- Làm sáng tỏ một số vấn đề lý luận chung về tội trốn thuế, làm sáng tỏ các
dấu hiệu pháp lý hình sự của tội phạm trốn thuế trong bộ luật hình sự năm 2015.
- Luận văn là tài liệu tham khảo cho các nhà nghiên cứu, sinh viên, giảng viên
đang nghiên cứu, học tập trong các cơ sở đào tạo luật .
- Luận văn còn là ý kiến đóng góp vào công tác xây dựng pháp luật hình sự,
để các nhà làm luật, có cái nhìn khách quan, toàn diện trong việc xây dựng các quy
định của pháp luật về xử lý đối với tội phạm trốn thuế một cách chặt chẽ, khả thi và
có tính dự liệu cao.

6.2. Ý nghĩa thực tiễn của luận văn
Về mặt thực tiễn, luận văn có những đóng góp đáng kể như:
- Nghiên cứu đánh giá làm sáng tỏ tình hình áp dụng pháp luật về tội trốn
thuế trên địa bàn cả nước; những tồn tại, hạn chế của thực tiễn áp dụng pháp luật về

tội phạm này, cũng như nguyên nhân của các tồn tại hạn chế đó;
- Trên cơ sở nghiên cứu luận văn đã đề ra các giải pháp hoàn thiện pháp luật
thực định, cũng như nâng cao hiệu quả xét xử đối với tội trốn thuế.
- Luận văn còn tài liệu tham khảo cho các cán bộ đang công tác tại các cơ
quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án có nhận thức thống nhất, chính xác trong quá
trình giải quyết vụ án hình sự về tội trốn thuế được khách quan, có căn cứ và đúng
pháp luật.


6

7. Kết cấu luận văn
Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục các tài liệu tham khảo, luận văn gồm
2 chương:
Chương 1: Quy định của Bộ luật hình sự về tội trốn thuế
Chương 2: Thực tiễn áp dụng pháp luật và các giải pháp nâng cao hiệu quả áp
dụng pháp luật đối với tội trốn thuế tại Việt Nam


7

Chƣơng 1
QUY ĐỊNH CỦA LUẬT HÌNH SỰ VỀ TỘI TRỐN THUẾ
1.1. Khái niệm tội trốn thuế và các đặc điểm của tội trốn thuế
1.1.1. Khái niệm tội trốn thuế
Để phân tích khái niệm tội trốn thuế tác giả bắt đầu từ khái nệm về thuế. Có
nhiều định nghĩa khác nhau về thuế, theo G. Jeze trong cuốn “Public finance” cho
rằng “thuế là một khoản trích nộp bằng tiền, có tính chất xác định, không hoàn trả
trực tiếp do công dân đóng góp cho Nhà nước thông qua con đường quyền lực,
nhằm bù đắp những chi phí của Nhà nước”1. Có tác giả định nghĩa “Thuế là số tiền

thu của các công dân, hoạt động và đồ vật (như giao dịch, tài sản) nhằm huy động
tài chính cho chính quyền, nhằm tái phân phối thu nhập, hay nhằm điều tiết các hoạt
động kinh tế - xã hội”2. Theo quy định tại luật quản lý thuế của Việt Nam “Thuế là
nguồn thu chủ yếu của ngân sách Nhà nước. Nộp thuế theo quy định của pháp luật
là nghĩa vụ và quyền lợi của mọi tổ chức, cá nhân. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có
trách nhiệm tham gia quản lý thuế.”3. Sau quá trình tìm hiểu về thuế, chúng tôi thấy
rằng mặc dù quan điểm về thuế của G. Jeze trong cuốn “Public finance” là rất sơ
khai, tuy nhiên khái niệm này đã phản ánh được những đặc trưng cơ bản của thuế.
Trên cơ sở những quan điểm này theo chúng tôi Thuế là khoản thu nộp mang tính
bắt buộc mà các thể nhân hoặc pháp nhân phải nộp cho Nhà nước khi có đủ điều
kiện nhất định. Thuế là một hiện tượng xã hội do chính con người định ra, thuế ra
đời một cách tất yếu và khách quan, gắn liền với sự ra đời và phát triển của Nhà
nước.
Mặc dù, việc nộp thuế là nghĩa vụ bắt buộc đối với các cá nhân, tổ chức có đủ
điều kiện cần thiết, tuy nhiên trên thực tế, có nhiều cá nhân tổ chức vi phạm nghĩa
vụ nộp thuế dưới nhiều hình thức khác nhau, làm thất thu đáng kể nguồn ngân sách
Nhà nước. Trong đó, trốn thuế là một trong các hình thức vi phạm nghĩa vụ nộp thuế
1

Gaston Jeze (1998,Public finance, Kessinger Publising, tr 46.

2

Stiglitz, Joseph E(2000), Economics of Public Sector, Third Edition, W. W. Norton &
Company, tr 47.
3

Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2006), Luật quản lý thuế, Hà Nội,
Điều 4.



8

phổ biến của người có nghĩa vụ nộp thuế. Hành vi trốn thuế có nhiều định nghĩa
khác nhau,
“Trốn thuế là không nộp thuế cho nhà nước theo quy định của pháp luật”4.
Tùy vào tính chất và mức độ vi phạm mà người thực hiện hành vi trốn thuế có thể bị
xử phạt vi phạm hành chính, hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Hành vi trốn thuế chỉ trở thành tội phạm trốn thuế khi hành vi trốn thuế gây
nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến nền kinh tế quốc dân, gây thiệt hại cho lợi ích
của Nhà nước và xã hội thông qua việc vi phạm các quy định, các chính sách về thu,
nộp thuế. Đồng thời, hành vi trốn thuế đó phải thỏa mãn đầy đủ dấu hiệu pháp lý
được quy định trong BLHS, đó là: hành vi đó phải gây nguy hiểm cho xã hội; do
người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện với lỗi cố ý5.
Khoản 1 Điều 8 BLHS năm 2015, quy định:
“Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật
Hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại
thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn
vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc
phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm
phạm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, xâm phạm những
lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa mà theo quy định của Bộ luật
này phải bị xử lý hình sự.”
Từ những phân tích trên, và dựa vào khái niệm tôi phạm có thể đưa ra khái
niệm tội trốn thuế như sau: Tội trốn thuế là hành vi nguy hiểm cho xã hội được thực
hiện bằng việc trốn tránh nghĩa vụ nộp thuế theo quy định của pháp luật cho Nhà
nước, do người có năng lực trách nhiệm hình sự đạt độ tuổi luật định hoặc pháp
nhân thương mại thực hiện với lỗi cố ý xâm phạm trật tự quản lý kinh tế của Nhà
nước.
1.1.2. Các đặc điểm của tội trốn thuế


4

Đinh Văn Quế (2005), Bình luận khoa học Bộ luật hình sự, phần các tội phạm, Nxb Tp
Hồ Chí Minh, tr 111.
5

Lê Cảm (2005), Những vấn đề cơ bản trong khoa học Luật hình sự (Phần chung), Nxb

Đại học Quốc gia, Hà Nội, tr 297.


9

Từ khái niệm về tội phạm trốn thuế đã phân tích ở trên, có thể chỉ ra những
đặc điểm cơ bản của tội trốn thuế như sau:
Thứ nhất, Tội trốn thuế có tính nguy hiểm cho xã hội.
“Tội phạm luôn là hành vi có tính nguy hiểm đáng kể cho xã hội”6 tội trốn
thuế cũng vậy. Hành vi phạm tội trốn thuế có tính nguy hiểm cho xã hội bởi lẽ hành
vi trốn thuế thỏa mãn các điều kiện theo quy định của BLHS gây thiệt hại hoặc đe
dọa gây thiệt hại cho Nhà nước, biểu hiện như thiệt hại trực tiếp là việc Nhà nước sẽ
thất thu ngân sách mà đáng lẽ Nhà nước sẽ thu được; xâm phạm đến trật tự quản lý
của Nhà nước về chính sách thu nộp thuế. Thiệt hại gián tiếp có thể xuất phát từ việc
Nhà nước không thu được Ngân sách mà ảnh hưởng đến việc thực thi các chính sách
về kinh tế, quốc phòng, an ninh, văn hóa - xã hội…
Thứ hai, “Tội trốn thuế được thực hiện với lỗi cố ý”7
Theo quy định tại Điều 200 BLHS năm 2015, thì tội trốn thuế phải do chủ thể
có nghĩa vụ nộp thuế thực hiện với lỗi cố ý. Nghĩa là người không nộp thuế chỉ bị
truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trốn thuế nếu họ nhận thức được nghĩa vụ nộp
thuế của mình và cố ý thực hiện các hành vi trốn thuế để không phải nộp thuế, hoặc

nộp ít hơn số thuế mà mình có nghĩa vụ phải nộp.
Thứ ba, Hành vi phạm tội trốn thuế phải thỏa mãn các dấu hiệu được quy
định tại Điều 200 của BLHS năm 2015.
Theo quy định tại Điều 2 BLHS hiện hành, chỉ người nào phạm một tội đã
được BLHS quy định mới phải chịu TNHS. Đây là sự thừa nhận nguyên tắc “không
ai bị kết tội vì một hành vi mà lúc họ thực hiện luật pháp quốc gia hay quốc tế không
coi là tội phạm” được ghi nhận tại khoản 2 Điều 11 tuyên ngôn thế giới về nhân
quyền của Liên hợp quốc. Như vậy, để khẳng định một chủ thể phạm tội trốn thuế,
phải chứng minh được hành vi của chủ thể đó có tính trái pháp luật, phạm vào quy
định về tội trốn thuế tại Điều 200 BLHS năm 2015, hay nói cách khác là hành vi
phạm tội trốn thuế phải thỏa mãn đầy đủ dấu hiệu cấu thành của tội trốn thuế, đó là
thỏa mãn các yếu tố về khách thể, mặt khách quan, chủ thể và mặt chủ quan của tội
trốn trốn thuế.
6

Trừờng Đại học Luật Hà Nội (2010), Bộ luật Hình sự Liên bang Nga năm 1996, (Tài liệu
dịch tham khảo), Hà Nội, tr 39.
7

Trường Đại học kiểm sát Hà nội (2016), Giáo trình luật hình sự Việt Nam, (phần các tội
phạm, tập 1), nxb Đại học quốc gia Hà nội, Hà Nội, tr 267.


10

1.2. Các dấu hiệu pháp lý của tội trốn thuế theo quy định của Bộ luật
hình sự năm 2015
“Theo khoa học luật hình sự Việt Nam, cấu thành tội phạm là tổng hợp
những dấu hiệu pháp lý chung có tính đặc trưng cho một loại tội phạm cụ thể được
quy định trong luật hình sự”8. Cấu thành tội phạm được coi là là sự mô tả khái quát

về loại tội phạm nhất định trong luật hình sự. Trong khoa học luật hình sự, cấu thành
tội phạm gồm bốn yếu tố là: khách thể của tội phạm, mặt khách quan của tội phạm,
chủ thể của tội phạm và mặt chủ quan của tội phạm. Các dấu hiệu pháp lý, trong cấu
thành tội phạm được thể hiện trong từng điều luật, quy định về từng tội phạm cụ thể
trong bộ luật hình sự.
Theo quy định tại Điều 200 BLHS năm 2015, có thể chỉ ra bốn dấu hiệu pháp lý
chung, đặc trưng trong cấu thành tội phạm của tội trốn thuế, đó là:
1.2.1. Khách thể của tội trốn thuế
“Khách thể của tội phạm là quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ khỏi sự
xâm hại của tội phạm và bị tội phạm xâm hại”9. Khách thể của tội phạm bao gồm:
khách thể chung, khách thể loại và khách thể trực tiếp.
Khách thể chung của tội phạm là tổng hợp tất cả các quan hệ xã hội bị tội
phạm xâm hại và được luật hình sự bảo vệ. Khách thể chung của tội phạm là những
quan hệ xã hội được xác định tại khoản 1 Điều 8 BLHS năm 2015 gồm:
- Độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc;
- Chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh,
- Trật tự, an toàn xã hội,
- quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức; quyền con người, quyền, lợi ích hợp
pháp của công dân, những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa;
“Khách thể loại của tội phạm là nhóm quan hệ xã hội có cùng tính chất được
một nhóm các quy phạm pháp luật hình sự bảo vệ khỏi sự xâm hại của nhóm tội
phạm nhất định”10.
8

Trường Đại học luật Hà Nội (2013), Giáo trình Luật hình sự Việt Nam, tập 2, Nxb Công
an nhân dân, Hà Nội, tr 74.
9

Trường Đại học luật Hà Nội (2013), Giáo trình Luật hình sự Việt Nam, tập 2, Nxb Công
an nhân dân, Hà Nội, tr 86.

10

Trường Đại học kiểm sát Hà nội (2014), Giáo trình luật hình sự Việt Nam, (phần chung),
nxb Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, tr 77.


11

Khách thể trực tiếp của tội phạm là một hoặc một số quan hệ xã hội cụ thể bị
hành vi phạm tội cụ thể xâm hại. Thông qua việc gây thiệt hại hoặc đe doạ gây thiệt
hại, đối với khách thể trực tiếp mà tội phạm đã gây phương hại đến khách thể chung
và khách thể loại của tội phạm11.
Mỗi một tội phạm đều gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại cho một hoặc
một số khách thể nhất định. Đối với tội phạm trốn thuế là một trong những tội được
quy định trong nhóm: “Các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế”. Do đó, khách thể
chung mà tội trốn thuế xâm hại là chế độ kinh tế của nhà nước; khách thể loại mà tội
trốn thuế xâm hại là trật tự quản lý kinh tế của Nhà nước; mà cụ thể là trật tự quản lý
việc thu thuế, nộp thuế cho ngân sách Nhà nước.
Khách thể trực tiếp của tội trốn thuế xâm hại đến là các quy định của Nhà
nước về trách nhiệm phải đóng thuế nộp vào ngân sách cho Nhà nước khi tham gia
vào các hoạt động kinh doanh, sản xuất, dịch vụ, …12
Người phạm tội xâm hại đến khách thể của tội phạm thông qua việc tác động
vào đối tượng tác động của tội phạm; đối với tội phạm trốn thuế thì đối tượng tác
động của tội phạm này là số tiền thuế mà lẽ ra người phạm tội phải nộp theo quy
định của pháp luật. Thông qua việc tác động vào số tiền thuế này bằng cách trốn
tránh không nộp thuế, mà các đối tượng phạm tội gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt
hại đến các khách thể kể trên.
1.2.2. Mặt khách quan của tội trốn thuế
"Mặt khách quan của tội phạm là tổng hợp những biểu hiện của tội phạm
diễn ra hoặc tồn tại bên ngoài thế giới khách quan”13. Những biểu hiện ra bên ngoài

của tội phạm gồm có các yếu tố như:
Hành vi khách quan của tội phạm là những xử sự của người phạm tội thể hiện
ra bên ngoài thế giới khách quan dưới những hình thức nhất định, gây thiệt hại hoặc
đe dọa gây thiệt hại cho quan hệ xã hội được pháp luật hình sự bảo vệ14.
11

Trường Đại học kiểm sát Hà nội (2014), Giáo trình luật hình sự Việt Nam, (phần chung),
nxb Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, tr 79.
12

Nguyễn Hải Hưng (2012), Hoạt động phòng ngừa tội phạm trốn thuế theo chức năng của
lực lượng Cảnh sát kinh tế, Luận án tiến sĩ luật học, Học Viện cảnh sát nhân dân, tr 31.
13

Trường Đại học kiểm sát Hà nội (2014), Giáo trình luật hình sự Việt Nam, (phần chung),
nxb Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, tr 87.


12

Hậu quả nguy hiểm cho xã hội: là thiệt hại do tội phạm gây ra cho quan hệ xã
hội được luật hình sự bảo vệ.
Mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả; các điều kiện bên ngoài của
việc thực hiện hành vi phạm tội (công cụ, phương tiện, thủ đoạn, thời gian, địa điểm
phạm tội…).
Thứ nhất, Về hành vi khách quan của tội phạm:
Mỗi tội phạm có những biểu hiện ra bên ngoài khác nhau, song hành vi khách
quan nguy hiểm cho xã hội là dấu hiệu được thể hiện trong tất cả các tội phạm và là
dấu hiệu quan trọng nhất trong cấu thành tội phạm.
Trong luật hình sự, hành vi được hiểu là những “biểu hiện” của con người ra

bên ngoài thế giới khách quan dưới những hình thức cụ thể nhằm đạt được mục đích
có chủ định và mong muốn.15
Hành vi khách quan của tội trốn thuế, được thể hiện ở một trong 09 dạng
hành vi sau:
- Không nộp hồ sơ đăng ký thuế; không nộp hồ sơ khai thuế; nộp hồ sơ khai
thuế sau 90 ngày kể từ ngày hết hạn nộp hồ sơ khai thuế hoặc hết thời hạn gia hạn
nộp hồ sơ khai thuế theo quy định của pháp luật;
- Không ghi chép trong sổ kế toán các khoản thu liên quan đến việc xác định
số tiền thuế phải nộp;
- Không xuất hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ hoặc ghi giá trị trên hóa đơn
bán hàng thấp hơn giá trị thanh toán thực tế của hàng hóa, dịch vụ đã bán;
- Sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp để hạch toán hàng hóa, nguyên
liệu đầu vào trong hoạt động phát sinh nghĩa vụ thuế làm giảm số tiền thuế phải nộp
hoặc làm tăng số tiền thuế được miễn, số tiền thuế được giảm hoặc tăng số tiền thuế
được khấu trừ, số tiền thuế được hoàn;
- Sử dụng chứng từ, tài liệu không hợp pháp khác để xác định sai số tiền thuế
phải nộp, số tiền thuế được hoàn;
- Khai sai với thực tế hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu mà không khai bổ sung
hồ sơ khai thuế sau khi hàng hóa đã được thông quan, nếu không thuộc trường hợp
14

Trường Đại học kiểm sát Hà nội (2014), Giáo trình luật hình sự Việt Nam, (phần chung),
nxb Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, tr 89.
15

Trường đại học Luật Hà Nội (2010), Giáo trình Luật hình sự Việt Nam, tập 1, Nxb Công
an nhân dân, Hà Nội, tr 101-102.


13


quy định tại Điều 188 (tội buôn lậu) và Điều 189 (tội vận chuyển trái phép hàng
hóa tiền tệ qua biên giới) của Bộ luật hình sự;
- Cố ý không kê khai hoặc khai sai về thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập
khẩu, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 188(tội buôn lậu) và Điều 189
(tội vận chuyển trái phép hàng hóa tiền tệ qua biên giới) của Bộ luật hình sự;
- Câu kết với người gửi hàng để nhập khẩu hàng hóa, nếu không thuộc
trường hợp quy định tại Điều 188 và Điều 189 của Bộ luật hình sự;
- Sử dụng hàng hóa thuộc đối tượng không chịu thuế, miễn thuế, xét miễn
thuế không đúng mục đích quy định mà không khai báo việc chuyển đổi mục đích
sử dụng với cơ quan quản lý thuế.
- Chín dạng hành vi này của tội trốn thuế trong BLHS năm 2015 sửa đổi bổ
sung năm 2017 về cơ bản được pháp điển hóa từ một số quy định của Luật quản lý
thuế năm 2006; Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế năm 2012.
- Hành vi khách quan kể trên của tội trốn thuế phải có đầy đủ ba đặc điểm
trong hành vi khách quan của tội phạm đó là:
(1) Tính nguy hiểm cho xã hội:
Tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi trong tội trốn thuế thể hiện ở chỗ
các dạng hành vi này đã gây ra thiệt hại đáng kể cho quan hệ xã hội được luật hình
sự bảo vệ cụ thể là chính sách thuế của Nhà nước trong tất cả các lĩnh vực làm thất
thu ngân sách nhà nước, được thể hiện qua các quy định của Nhà nước về trách
nhiệm phải đóng thuế của các chủ thể khi tham gia vào hoạt động kinh doanh, sản
xuất, dịch vụ.
(2) Hành vi khách quan của tội phạm trốn thuế là hoạt động có ý thức và ý
chí:
Biểu hiện của con người ra bên ngoài thế giới quan chỉ được coi là hành vi
khi có mặt bên trong là sự kiểm soát của ý thức và sự điều khiển của ý chí, tức là
tính có lỗi của chủ thể thực hiện hành vi phải được thể hiện. Đối với hành vi khách
quan của tội trốn thuế cũng vậy, các hành vi này đều phải được thực hiện bởi con
người. Con người ấy có khả năng nhận thức được hành vi trốn thuế của mình là

không đúng, là trái quy định của pháp luật; có khả năng và điều kiện để lựa chọn
cách sử sự khác không trái với quy định của pháp luật nhưng vì vụ lợi muốn chiếm
đoạt tiền thuế đáng lẽ phải nộp cho Nhà nước mà họ chọn cách thực hiện hành vi
trốn thuế.


14

(3) Hành vi khách quan của tội phạm trốn thuế là hành vi trái pháp luật hình
sự: Đây là đặc điểm chung trong hành vi khách quan của bất cứ tội phạm cụ thể nào.
Các hành vi được nêu trong tội trốn thuế chỉ được coi là hành vi khách quan của tội
phạm nếu hành vi đó thỏa mãn đầy đủ những đặc điểm của hành vi khách quan của
tội phạm được quy định trong Bộ luật hình sự, đó là tính trái pháp luật hình sự.
- Hình thức thể hiện của hành vi trong tội trốn thuế:
Hành vi khách quan của tội phạm trốn thuế được thực hiện qua hai dạng hành
vi là hành động phạm tội hoặc có thể là không hành động phạm tội.
* Hành động phạm tội:
Hành động phạm tội là hình thức của hành vi khách quan làm biến đổi tình
trạng bình thường của đối tượng tác động của tội phạm, gây thiệt hại cho khách thể
của tội phạm qua việc chủ thể làm một việc bị pháp luật cấm.16
Các hành vi thuộc dạng hành động phạm tội của tội trốn thuế cụ thể là:
+ Nộp hồ sơ khai thuế sau 90 ngày kể từ ngày hết hạn nộp hồ sơ khai thuế
hoặc hết thời hạn gia hạn nộp hồ sơ khai thuế theo quy định của pháp luật;
+ Ghi giá trị trên hóa đơn bán hàng thấp hơn giá trị thanh toán thực tế của
hàng hóa, dịch vụ đã bán;
+ Sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp để hạch toán hàng hóa,
nguyên liệu đầu vào trong hoạt động phát sinh nghĩa vụ thuế làm giảm số tiền thuế
phải nộp hoặc làm tăng số tiền thuế được miễn, số tiền thuế được giảm hoặc tăng số
tiền thuế được khấu trừ, số tiền thuế được hoàn;
+ Sử dụng chứng từ, tài liệu không hợp pháp khác để xác định sai số tiền

thuế phải nộp, số tiền thuế được hoàn;
+ Khai sai với thực tế hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu mà không khai bổ
sung hồ sơ khai thuế sau khi hàng hóa đã được thông quan, nếu không thuộc trường
hợp quy định tại Điều 188 (tội buôn lậu) và Điều 189 (tội vận chuyển trái phép hàng
hóa tiền tệ qua biên giới) của Bộ luật hình sự;

16

Trường đại học Luật Hà Nội (2010), Giáo trình Luật hình sự Việt Nam, tập 1, Nxb Công
an nhân dân, Hà Nội, tr 105.


15

+ Khai sai về thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, nếu không thuộc
trường hợp quy định tại Điều 188(tội buôn lậu) và Điều 189 (tội vận chuyển trái
phép hàng hóa tiền tệ qua biên giới) của Bộ luật hình sự;
+ Câu kết với người gửi hàng để nhập khẩu hàng hóa, nếu không thuộc
trường hợp quy định tại Điều 188 và Điều 189 của Bộ luật hình sự;
+ Sử dụng hàng hóa thuộc đối tượng không chịu thuế, miễn thuế, xét miễn
thuế không đúng mục đích quy định mà không khai báo việc chuyển đổi mục đích
sử dụng với cơ quan quản lý thuế.
* Không hành động phạm tội:
Không hành động phạm tội là hình thức của hành vi khách quan làm biến đổi
tình trạng bình thường của đối tượng tác động của tội phạm, gây thiệt hại cho khách
thể của tội phạm qua việc chủ thể không làm một việc mà pháp luật yêu cầu phải
làm mặc dù có đủ điều kiện để làm17.
Đối với trường hợp không hành động phạm tội trốn thuế thì chủ thể là đối
tượng có nghĩa vụ phải đóng thuế, mặc dù có đủ điều kiện để đóng thuế song đã cố ý
không thực hiện nghĩa vụ của mình nhằm chiếm đoạt số tiền thuế mà họ có nghĩa vụ

phải nộp.
Các hành vi thuộc dạng không hành động phạm tội của tội trốn thuế cụ thể là:
+ Không nộp hồ sơ đăng ký thuế; không nộp hồ sơ khai thuế;
+ Không ghi chép trong sổ kế toán các khoản thu liên quan đến việc xác
định số tiền thuế phải nộp;
+ Không xuất hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ;
+ Cố ý không kê khai về thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, nếu
không thuộc trường hợp quy định tại Điều 188(tội buôn lậu) và Điều 189 (tội vận
chuyển trái phép hàng hóa tiền tệ qua biên giới) của Bộ luật hình sự.
Thứ hai, về hậu quả của tội trốn thuế:
Người thực hiện một trong các hành vi trốn thuế kể trên, chỉ bị truy cứu trách
nhiệm hình sự về tội trốn thuế, nếu số tiền trốn thuế thuộc một trong ba trường hợp sau:
- Trốn thuế với số tiền từ 100.000.000 đồng trở lên.

17

Trường đại học Luật Hà Nội (2010), Giáo trình Luật hình sự Việt Nam, tập 1, Nxb Công
an nhân dân, Hà Nội, tr 105.


16

- Trốn thuế với số tiền dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt hành
chính về hành vi trốn thuế. Đây là trường hợp trước đó người có hành vi trốn thuế kể
trên, đã bị xử phạt hành chính về hành vi trốn thuế và chưa hết thời hạn được coi là
chưa bị xử lý vi phạm hành chính nay lại có hành vi vi phạm, nghĩa là chưa quá một
năm kể từ ngày thi hành xong quyết định xử phạt vi phạm hành chính hoặc từ ngày
hết hiệu lực thi hành quyết định xử phạt mà lại vi phạm (Điều 7, luật xử lý vi phạm
hành chính năm 2012).
- Trốn thuế với số tiền dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị kết án về tội

trốn thuế hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 188, 189, 190, 191, 192,
193, 194, 195, 196, 202, 250, 251, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật
hình sự năm 2015, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
Đối với pháp nhân thương mại phạm tội trốn thuế, nếu thực hiện một trong
các hành vi khách quan đã phân tích ở trên. Đồng thời số tiền trốn thuế thuộc một
trong các trường hợp sau:
- Trốn thuế với số tiền từ 200.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng.
- Trốn thuế với số tiền từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng
nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế hoặc đã bị kết án về tội
này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 188, 189, 190, 191, 192, 193,
194, 195 và 196 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
Như vậy, hành vi phạm tội trốn thuế có thể gây ra hậu quả trực tiếp hoặc hậu
quả gián tiếp. Hậu quả trực tiếp của hành vi trốn thuế là gây thiệt hại cho ngân sách
nhà nước, làm Nhà nước không thu được một khoản ngân sách nhất định mà lẽ ra
phải thu được. Hậu quả gián tiếp có thể xảy ra, vì kinh tế quyết định các vấn đề về
chính trị, xã hội nên việc hao hụt ngân sách Nhà nước có thể kéo theo những hệ quả:
chế độ phục vụ nhân dân về các mặt như chế độ y tế, giáo dục bị giảm sút… làm
chậm quá trình phát triển và của đất nước.
Thứ ba, về mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả của tội trốn thuế,
được thể hiện: Việc thực hiện một trong các hành vi trốn thuế kể trên phải là nguyên
nhân trực tiếp dẫn tới việc trốn số tiền thuế đã nêu trong phần hậu quả của tội trốn
thuế và hành vi trốn thuế này phải được thực hiện trước và có khả năng thực tế dẫn
tới việc người có nghĩa vụ nộp thuế không nộp hoặc nộp ít hơn số tiền thuế theo quy
định của pháp luật.
Ngoài các yếu tố trên, thì các yếu tố khác như công cụ, phương tiện, thời gian
thực hiện tội phạm trốn thuế không phải là dấu hiệu bắt buộc của loại tội phạm này.


17


Tóm lại, mặt khách quan của tội trốn thuế theo Điều 200 BLHS năm 2015 đòi
hỏi phải có các dấu hiệu cần và đủ, hay nói cách khác một người chỉ có thể bị truy
cứu TNHS về tội trốn thuế khi thỏa mãn đồng thời các dấu hiệu sau:
Thứ nhất, thực hiện một trong các hành vi trốn thuế được liệt kê tại khoản 1
Điều 200 của BLHS 2015.
Thứ hai: đối với người phạm tội trốn thuế với số tiền từ 100.000.000 đồng trở
lên hoặc trốn thuế dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính
về hành vi trốn thuế hoặc bị kết án về tội trốn thuế hoặc một trong các tội quy định
tại cácĐiều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196, 202, 250, 251, 253, 254,
304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật hình sự năm 2015, chưa được xóa án tích mà
còn vi phạm.
Với pháp nhân thương mại trốn thuế số tiền từ 200.000.000 đồng đến dưới
300.000.000 đồng, hoặc từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng đã
bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế hoặc đã bị kết án về tội này hoặc
về một trong các tội quy định tại các Điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195 và
196 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
1.2.3. Chủ thể của tội trốn thuế
Theo quy định tại BLHS năm 2015, chủ thể của tội phạm không chỉ bao gồm
cá nhân, mà đối với một số tội phạm chủ thể của tội phạm bao gồm cả pháp nhân
thương mại18.
Để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với một cá nhân (con người) thực hiện
hành vi phạm tội, đòi hỏi cá nhân đó phải thỏa mãn đủ hai dấu hiệu bắt buộc là: phải
đạt độ tuổi nhất định do luật hình sự quy định và có năng lực trách nhiệm hình sự.
Người có năng lực TNHS là người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội có khả
năng nhận thức được tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình và có khả
năng điều khiển được hành vi ấy19.
Đối với pháp nhân thương mại thực hiện hành vi phạm tội thuộc các tội danh
mà pháp nhân thương mại phải chịu TNHS, chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự nếu

18


Viện kiểm sát nhân dân Tối cao (2016), Tài liệu tập huấn bộ luật hình sự năm 2015, Hà
Nội, tr 89.
19

Trường đại học Luật Hà Nội (2010), Giáo trình Luật hình sự Việt Nam, tập 1, Nxb Công
an nhân dân, Hà Nội, tr 122-123.


18

hành vi phạm tội của pháp nhân thương mại thỏa mãn đầy đủ các điều kiện theo quy
định tại điều 75 BLHS năm 2105, như sau:
“Điều 75. Điều kiện chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại:
1. Pháp nhân thương mại chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự khi có đủ các
điều kiện sau đây:
a) Hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh pháp nhân thương mại;
b) Hành vi phạm tội được thực hiện vì lợi ích của pháp nhân thương mại;
c) Hành vi phạm tội được thực hiện có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận
của pháp nhân thương mại;
d) Chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 2 và
khoản 3 Điều 27 của Bộ luật này.”
Theo quy định tại điều 200 BLHS năm 2015, thì chủ thể của tội phạm trốn
thuế bao gồm cả pháp nhân thương mại và cá nhân.
Đối với cá nhân phạm tội này phải đủ 16 tuổi trở lên (theo quy định tại điều
12 BLHS 2015), và có đầy đủ năng lực chịu TNHS. Đối với pháp nhân thương mại,
thì chỉ bị truy cứu TNHS về tội phạm này khi thỏa mãn các điều kiện để truy cứu
TNHS được quy định tại điều 75 BLHS 2015.
Tuy đây không phải là dạng chủ thể đặc biệt, nhưng không phải cá nhân,
pháp nhân thương mại nào cũng có thể trở thành chủ thể của tội này, chỉ những

người, pháp nhân thương mại mà theo quy định của pháp luật họ có nghĩa vụ phải
nộp thuế thì mới có thể trở thành chủ thể của tội phạm.
Chủ thể của tội phạm phụ thuộc vào những người phải nộp các loại thuế theo quy
định của Nhà nước. Ví dụ như: Chỉ những người có đăng ký kinh doanh mới phải
chịu thuế thu nhập doanh nghiệp; hay chỉ những người mua xe mới phải nộp thuế
trước bạ…
Khi nghiên cứu những quy định của BLHS năm 2015 và các văn bản pháp
luật có liên quan về tuổi của người thực hiện hành vi phạm tội trốn thuế có một
số vấn đề chưa có cách hiểu thống nhất đó là: Hành vi trốn thuế là một vi phạm
hành chính cố ý, do đó, người có hành vi này có thể bị các cơ quan Nhà nước có
thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính khi họ dưới 16 tuổi. Sau
khi đủ 16 tuổi họ lại có hành vi trốn thuế ở mức dưới 100 triệu đồng thì họ có bị
xử lý về tội trốn thuế hay không?
Về vấn đề này, có hai quan điểm khác nhau, quan điểm thứ nhất cho rằng:
trường hợp này không được xử lý hình sự về tội trốn thuế do chưa thỏa mãi điều


×