Tải bản đầy đủ (.pdf) (97 trang)

Pháp luật và thực tiễn quốc tế về phòng chống tội phạm công nghệ cao kinh nghiệm cho việt nam

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (3.68 MB, 97 trang )

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

BỘ TƯ PHÁP

TRƯỜNG ĐẠI HỌC LUẬT HÀ NỘI

NGUYỄN QUỲNH ANH

PHÁP LUẬT VÀ THỰC TIỄN QUỐC TẾ
VỀ PHÒNG CHỐNG TỘI PHẠM CÔNG NGHỆ CAO
- KINH NGHIỆM CHO VIỆT NAM

Chuyên ngành : Luật Quốc tế
Mã số

: 8380108

LUẬN VĂN THẠC SĨ LUẬT HỌC
(Định hướng ứng dụng)

Người hướng dẫn khoa học: PGS. TS. Nguyễn Thị Thuận

HÀ NỘI - 2018


LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu khoa học độc lập của riêng
tôi.
Các kết quả nêu trong luận văn chưa được công bố trong bất kỳ công trình
nào khác. Các số liệu trong luận văn là trung thực, có nguồn gốc rõ ràng, được
trích dẫn đúng theo quy định.


Tôi xin chịu trách nhiệm về tính chính xác và trung thực của luận văn này.
TÁC GIẢ LUẬN VĂN

Nguyễn Quỳnh Anh


DANH MỤC TỪ VIẾT TẮT

APEC

:

Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương
(tiếng Anh: Asia-Pacific Economic Cooperation)

ASEAN

:

Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á
(tiếng Anh: Association of South East Asian Nations)

Aseanapol :

Tổ chức Cảnh sát các nước Đông Nam Á
(tiếng Anh: ASEAN National Police)

DoS

:


Tấn công từ chối dịch vụ
(viết tắt của Denial of Service)

DDoS

:

Tấn công từ chối dịch vụ phân tán
(viết tắt của Distributed Denial of Service)

EU

:

Liên minh châu Âu
(tiếng Anh: European Union)

Europol

:

Cục Cảnh sát châu Âu
(tiếng Anh: European Union Agency
for Law Enforcement Cooperation)

Interpol

:


Tổ chức Cảnh sát Hình sự quốc tế
(tiếng Anh: International Criminal
Police Organization)

Malware

:

Phần mềm độc hại
(viết tắt của Malicious Software)


MỤC LỤC

MỞ ĐẦU .................................................................................................. 1
1.

Tính cấp thiết của đề tài .............................................................. 1

2.

Tình hình nghiên cứu đề tài ........................................................ 2

3.

Mục đích, đối tượng và phạm vi nghiên cứu .............................. 4

4.

Các phương pháp nghiên cứu ..................................................... 5


5.

Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của đề tài .................................... 5

6.

Bố cục của Luận văn ................................................................... 6

Chương 1. TỔNG QUAN VỀ TỘI PHẠM SỬ DỤNG CÔNG NGHỆ
CAO VÀ HỢP TÁC QUỐC TẾ ĐẤU TRANH PHÒNG CHỐNG TỘI
PHẠM SỬ DỤNG CÔNG NGHỆ CAO........................................................ 7
1.1.

Khái niệm tội phạm sử dụng công nghệ cao ............................... 7

1.1.1. Định nghĩa tội phạm sử dụng công nghệ cao ....................... 7
1.1.2. Đặc điểm của tội phạm sử dụng công nghệ cao ................. 13
1.1.3. Phân loại tội phạm sử dụng công nghệ cao ....................... 15
1.2.

Thực tiễn tội phạm sử dụng công nghệ cao hiện nay ............... 18

1.2.1. Thực tiễn trên thế giới......................................................... 18
1.2.2. Thực tiễn tại Việt Nam ........................................................ 20
1.3.

Hợp tác quốc tế đấu tranh phòng chống tội phạm sử dụng công

nghệ cao .................................................................................................. 24

1.3.1. Sự cần thiết của hợp tác quốc tế về phòng chống tội phạm
sử dụng công nghệ cao ............................................................................ 24
1.3.2. Các hình thức hợp tác quốc tế phòng chống tội phạm sử
dụng công nghệ cao ................................................................................ 27
KẾT LUẬN CHƯƠNG 1...................................................................... 30


Chương 2. PHÁP LUẬT QUỐC TẾ VÀ PHÁP LUẬT MỘT SỐ
QUỐC GIA VỀ PHÒNG CHỐNG TỘI PHẠM SỬ DỤNG CÔNG NGHỆ
CAO ................................................................................................................ 32
2.1.

Pháp luật quốc tế ....................................................................... 32

2.1.1. Điều ước quốc tế chuyên biệt về phòng chống tội phạm sử
dụng công nghệ cao ................................................................................ 32
2.1.2. Một số điều ước quốc tế có liên quan đến phòng chống tội
phạm sử dụng công nghệ cao .................................................................. 37
2.2.

Pháp luật một số quốc gia trên thế giới về phòng chống tội

phạm sử dụng công nghệ cao .................................................................. 43
2.2.1. Pháp luật Liên bang Nga về phòng chống tội phạm sử dụng
công nghệ cao.......................................................................................... 43
2.2.2. Pháp luật Trung Quốc về phòng chống tội phạm sử dụng
công nghệ cao.......................................................................................... 45
2.2.3. Pháp luật Singapore về phòng chống tội phạm sử dụng công
nghệ cao


............................................................................................ 48

KẾT LUẬN CHƯƠNG 2...................................................................... 53
Chương 3. THỰC TRẠNG PHÁP LUẬT VỀ PHÒNG CHỐNG TỘI
PHẠM SỬ DỤNG CÔNG NGHỆ CAO TẠI VIỆT NAM ........................ 54
3.1.

Thách thức đến từ tội phạm sử dụng công nghệ cao ở Việt Nam
................................................................................................... 54

3.2.

Thành tựu của Việt Nam trong lĩnh vực pháp luật và thực thi

pháp luật phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao ....................... 56
3.2.1. Trong lĩnh vực pháp luật .................................................... 56
3.2.2. Trong lĩnh vực thực thi pháp luật ....................................... 61
3.3.

Hạn chế của Việt Nam trong lĩnh vực pháp luật và thực thi pháp

luật phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao................................ 64
3.3.1. Trong lĩnh vực pháp luật .................................................... 64
3.3.2. Trong lĩnh vực thực thi pháp luật ....................................... 66


3.4.

Một số giải pháp nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng chống tội


phạm sử dụng công nghệ cao tại Việt Nam ............................................ 68
KẾT LUẬN CHƯƠNG 3...................................................................... 73
KẾT LUẬN ............................................................................................ 74


1

MỞ ĐẦU
1.

Tính cấp thiết của đề tài

Bước vào thời đại số hóa, internet trở thành một phần không thể thiếu của
đời sống con người trong xã hội hiện đại. Cách mạng công nghiệp 4.0 được coi
là cuộc cách mạng chưa từng có trong lịch sử nhân loại, là sự kết hợp của công
nghệ trong các lĩnh vực vật lý, số hóa và sinh học, tạo nên một môi trường mà
máy tính, tự động hóa và con người nói chung sẽ cùng nhau làm việc theo một
cách hoàn toàn khác biệt, tạo ra những khả năng hoàn toàn mới và có tác động
sâu sắc đối với các hệ thống chính trị, xã hội, kinh tế của thế giới. Internet - hệ
thống thông tin toàn cầu có thể được truy cập công cộng gồm các mạng máy
tính được liên kết với nhau - có thể được coi là là một “huyết mạch” quan trọng
không thể thiếu của cuộc cách mạng công nghiệp này.
Internet đã trở thành phương tiện giúp việc truyền đạt, trao đổi thông tin,
hợp tác, giao lưu giữa mọi cá nhân, tổ chức và quốc gia trên khắp thế giới diễn
ra nhanh chóng và cực kỳ tiện ích với tốc độ tính bằng giây. Trong lĩnh vực
kinh doanh, cơ hội liên kết và hợp tác làm ăn trên mạng internet rất lớn, mở
rộng mạng lưới khách hàng và các đối tác tiềm năng ra phạm vi quốc tế. Internet
cũng đóng vai trò lớn trong việc hỗ trợ học tập tốt hơn. Nhờ Internet, mọi người
có thể học tập thông qua hình thức học trực tuyến hay tìm kiếm các tài liệu từ
trên mạng. Đồng thời, đây cũng là một phương tiện giải trí hữu ích của con

người, đặc biệt là trong cuộc sống xã hội hiện nay. Với sự tiện lợi và hữu ích
này, gần như không có quốc gia nào trên thế giới không đón nhận internet.
Tuy nhiên, đây cũng chính là con dao hai lưỡi. Môi trường internet tiềm
ẩn rất nhiều rủi ro. Sự phổ biến rộng rãi của internet đã bị nhiều cá nhân, tổ
chức lợi dụng để thực hiện hành vi xấu nhằm trục lợi. Các tội phạm trong lĩnh
vực công nghệ cao ngày càng gia tăng với tốc độ “phi mã”. Song, do tính chất
đặc biệt của loại tội phạm này, với đặc trưng là hoạt động trong môi trường khó
kiểm soát, hệ thống pháp lý về tội phạm sử dụng công nghệ cao vẫn chưa được


2

quy định đầy đủ và chặt chẽ. Xuất phát từ đặc điểm của internet có phạm vi
rộng khắp trên thế giới nên một quốc gia cũng không thể đơn phương ngăn
chặn các tội phạm này, đòi hỏi phải có một khung pháp lý rộng hơn, mang tính
toàn cầu, để không bỏ lọt tội phạm. Bên cạnh đó, thực trạng tội phạm sử dụng
công nghệ cao ở Việt Nam diễn biến phức tạp, thủ đoạn phạm tội ngày càng
tinh vi trong khi trình độ công nghệ thông tin của các lực lượng chức năng chưa
thực sự phát triển, các quy định pháp luật chưa đủ bám sát thực tế. Đặc biệt là
những năm gần đây tội phạm sử dụng công nghệ cao ngày càng gia tăng, đòi
hỏi cần phải được nghiên cứu chuyên sâu. Với sự phát triển của tội phạm sử
dụng công nghệ cao ở Việt Nam và những hệ lụy do loại tội phạm này gây ra
về kinh tế, chính trị, xã hội, việc nghiên cứu rất quan trọng, vừa mang tính cảnh
báo về loại hình tội phạm này đối với các cơ quan chức năng, vừa để hoàn thiện
các quy định pháp luật.
Hiện nay, tội phạm sử dụng công nghệ cao vẫn là một vấn đề khá mới với
thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng với nhiều khía cạnh chưa được nghiên
cứu đầy đủ, đánh giá kỹ lưỡng. Với tính chất ngày càng phức tạp, lĩnh vực này
đòi hỏi cần phải được quan tâm đúng mức. Yêu cầu tìm hiểu và làm rõ pháp
luật và thực tiễn quốc tế về phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đang

trở nên cấp thiết. Đồng thời cần rút ra bài học kinh nghiệm, lấy đó làm căn cứ
để xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về lĩnh vực này của Việt Nam.
Vì vậy, tác giả chọn đề tài: “Pháp luật và thực tiễn quốc tế về phòng chống tội
phạm công nghệ cao - Kinh nghiệm cho Việt Nam” làm đề tài nghiên cứu cho
Luận văn của mình.
2.

Tình hình nghiên cứu đề tài

Sự đa dạng, tốc độ và sức mạnh của những đổi mới công nghệ nổi lên
trong thế kỷ 21 đã và đang trở nên ngoạn mục. Mặc dù có tiềm năng tạo ra sự
chuyển đổi tích cực và giúp giải quyết những thách thức lớn về xã hội, những
công nghệ này cũng đi kèm với những lo ngại về các rủi ro và tác động bất ổn
của chúng. Vì lý do đó, có thể nói sự phát triển công nghệ này đã thúc đẩy sự


3

gia tăng của các công trình nghiên cứu về pháp luật và công nghệ, đòi hỏi quan
tâm đến việc nghiên cứu đầy đủ các khía cạnh pháp lý, xã hội và đạo đức của
sự đổi mới công nghệ.
Trong số các công trình nghiên cứu đã công bố của các tác giả ngoài nước
liên quan đến đề tài này, có thể kể đến tác phẩm “The Oxford Handbook of Law,
Regulation and Technology” của các tác giả Roger Brownsword, Eloise
Scotford và Karen Yeung. Cuốn sách được xuất bản vào tháng 7 năm 2017.
“The Oxford Handbook of Law, Regulation and Technology” cung cấp một cái
nhìn tổng quan về sự giao thoa giữa công nghệ mới và các quy định pháp luật
cần thiết, tập hợp các tài liệu về pháp luật và công nghệ, rút ra cái nhìn toàn
diện từ các nghiên cứu về các quy định này, đồng thời hỗ trợ phát triển các nhận
thức thực tế và lý thuyết phổ biến trong các lĩnh vực công nghệ khác nhau.

Được cấu trúc trong năm phần, cuốn sách tập hợp các công trình nghiên cứu
hiện có liên quan đến pháp luật và công nghệ cũng như cách quản lý, quy định;
nghiên cứu những thách thức đối với pháp luật trong việc ứng phó các tội phạm
công nghệ mới, tìm hiểu các quy tắc và quy định pháp lý đã được định hình,
trải qua sự thách thức do sự phát triển công nghệ như thế nào; khám phá sự
tương tác đa dạng giữa pháp luật, công cuộc quản lý và các công nghệ mới trên
một loạt các lĩnh vực xã hội quan trọng. Đặc biệt, trong số các công trình nghiên
cứu được tập hợp trong quyển sách này, bài viết của tác giả Thomas Cottier
(Trường Đại học Luật Bern - Bern University Law School) với nhan đề
“Technology and the Law of International Trade Regulation” (tạm dịch: “Công
nghệ và Pháp luật về các quy định trong thương mại quốc tế”) là công trình liên
quan trực tiếp đến đề tài pháp luật quốc tế về phòng chống tội phạm sử dụng
công nghệ cao. Bài viết phân tích phạm vi của các quy định pháp luật hiện nay
và dự đoán hướng phát triển của cách tiếp cận các quy định về công nghệ thông
tin trong tương lai.
Tại Việt Nam cũng đã có một số công trình nghiên cứu về đề tài tội phạm
sử dụng công nghệ cao. Cụ thể có các bài viết “Đặc điểm và các dạng hành vi


4

cơ bản của tội phạm tin học” của tác giả Nguyễn Mạnh Toàn đăng trên Tạp chí
Nhà nước và Pháp luật số 3/2002, “Giải pháp nâng cao hiệu quả đấu tranh với
tội phạm sử dụng công nghệ cao trong bối cảnh toàn cầu hóa” của tác giả Hồ
Thế Hòe đăng trên Tạp chí Dân chủ và Pháp luật số 6/2012 hay “Một số trao
đổi về tội phạm sử dụng công nghệ cao theo quy định của pháp luật Việt Nam”
của tác giả Hoàng Việt Quỳnh được đăng trên Tạp chí Khoa học giáo dục Cảnh
sát nhân dân số 79 (tháng 8/2016). Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 16/2015
có bài viết “Tính chất của tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao tại Việt
Nam, thủ đoạn phạm tội và dự báo” - tác giả Cao Anh Đức và số 2 + 3/2016 có

bài “Những vướng mắc trong đấu tranh, xử lý vi phạm pháp luật về tội phạm
công nghệ cao” - tác giả Trần Đoàn Hạnh. Cùng với đó còn có bài viết “Bảo
đảm an ninh kinh tế trước các loại tội phạm công nghệ cao - kinh nghiệm và
một vài kiến nghị” của Nguyễn Như Niên trên Tạp chí Kiểm sát số 7/2015 và
bài “Hoàn thiện cơ sở pháp lý về chứng cứ điện tử trong phòng, chống tội phạm
công nghệ cao” của Đào Anh Tới trên Tạp chí Kiểm sát số Xuân 1/2014. Mỗi
bài viết tiếp cận những khía cạnh riêng liên quan đến loại hình tội phạm này.
Tuy nhiên, mới chỉ có rất ít công trình nghiên cứu của các tác giả trong nước
tiếp cận vấn đề pháp luật và thực tiễn quốc tế phòng chống tội phạm sử dụng
công nghệ cao.
Trên thế giới đã có các công trình nghiên cứu khoa học xoay quanh vấn
đề pháp luật và thực tiễn phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, còn ở
Việt Nam, các nghiên cứu mới chỉ mang tính gợi mở. Tiếp cận từ một góc độ
khác, Luận văn sẽ tìm hiểu pháp luật quốc tế, từ đó đề xuất xây dựng khung
pháp lý chung mang tính toàn cầu, đồng thời kiến nghị hoàn thiện hệ thống
pháp luật và nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật phòng chống tội phạm sử
dụng công nghệ cao cho Việt Nam.
3.

Mục đích, đối tượng và phạm vi nghiên cứu

Luận văn tiến hành nghiên cứu pháp luật Việt Nam, pháp luật quốc tế và
pháp luật một số quốc gia về phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao.


5

Trên cơ sở nội dung nghiên cứu đó, Luận văn hướng đến mục tiêu nâng cao
nhận thức về mối nguy hại của loại tội phạm này, từ đó chỉ ra sự cần thiết phải
hoàn thiện hệ thống pháp luật, khẩn trương xây dựng và hoàn thiện khung pháp

lý chung mang tầm quốc tế và đề xuất giải pháp từ góc độ nghiên cứu để phòng
chống tội phạm sử dụng công nghệ cao.
Do dung lượng giới hạn nên khuôn khổ pháp lý được nghiên cứu chủ yếu
là trong các văn bản pháp luật quốc tế, pháp luật một số quốc gia và chú trọng
hơn với pháp luật Việt Nam trong lĩnh vực phòng chống tội phạm sử dụng công
nghệ cao. Phạm vi nghiên cứu của Luận văn còn bao gồm cả thực trạng thực
thi pháp luật về lĩnh vực này.
4.

Các phương pháp nghiên cứu

Trong quá trình nghiên cứu, Luận văn sử dụng phương pháp luận nghiên
cứu khoa học là duy vật lịch sử và duy vật biện chứng của triết học Marx-Lenin.
Để đạt được mục đích nghiên cứu, Luận văn chú trọng sử dụng các phương
pháp nghiên cứu truyền thống của khoa học pháp lý. Các phương pháp nghiên
cứu khoa học chủ yếu được dùng trong bài là phương pháp phân tích, tổng hợp,
so sánh, diễn dịch, quy nạp, … Cụ thể hơn, Luận văn phân tích các quy định
pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam, nghiên cứu và đánh giá thực trạng
pháp luật, so sánh và tổng hợp nhằm rút ra kinh nghiệm. Ngoài ra, Luận văn
còn thu thập thông tin, tài liệu, số liệu từ nhiều nguồn khác nhau.
5.

Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của đề tài

Luận văn tập hợp các quy định của pháp luật quốc tế, đồng thời hệ thống
hóa các quy định pháp luật của Việt Nam liên quan đến lĩnh vực phòng chống
tội phạm sử dụng công nghệ cao, trên cơ sở đó có thể đối chiếu, so sánh để thấy
được những điểm tương đồng và khác biệt, tìm ra những điểm Việt Nam có thể
kế thừa và cần tham khảo, học hỏi kinh nghiệm.
Việc nghiên cứu các quy định pháp luật hiện hành về phòng chống tội

phạm sử dụng công nghệ cao và chỉ ra yêu cầu cấp thiết đòi hỏi một khuôn khổ
pháp lý thống nhất cũng đóng vai trò thúc đẩy mỗi người cần phải nhận định


6

đúng mức sự nguy hiểm của tội phạm sử dụng công nghệ cao. Những vấn đề
nghiên cứu thuộc phạm vi của Luận văn sẽ góp phần bổ sung và hoàn thiện cơ
sở dữ liệu tham khảo nhằm xây dựng khung pháp luật về phòng chống tội phạm
sử dụng công nghệ cao trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng, đồng
thời nâng cao nhận thức và mức độ cảnh giác của mọi người đối với loại tội
phạm này.
Bên cạnh đó, việc hoàn thiện và bổ sung hệ thống quy phạm pháp luật về
phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao còn hướng đến tạo ra một môi
trường công nghệ thông tin lành mạnh để người dùng có thể tự do tận hưởng
sự nhanh gọn, tiện lợi mà internet mang lại, đảm bảo môi trường mạng an toàn
cho việc phát triển kinh tế, chính trị và xã hội trong thời kỳ cách mạng công
nghiệp 4.0.
6.

Bố cục của Luận văn

Ngoài phần mở đầu và kết luận, Luận văn được kết cấu gồm ba chương,
cụ thể:
Chương 1: Tổng quan về tội phạm sử dụng công nghệ cao và hợp tác quốc
tế đấu tranh phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao;
Chương 2: Pháp luật quốc tế và pháp luật một số quốc gia về phòng chống
tội phạm sử dụng công nghệ cao;
Chương 3: Thực trạng pháp luật về phòng chống tội phạm sử dụng công
nghệ cao tại Việt Nam.



7

Chương 1
TỔNG QUAN VỀ TỘI PHẠM SỬ DỤNG CÔNG NGHỆ CAO
VÀ HỢP TÁC QUỐC TẾ ĐẤU TRANH PHÒNG CHỐNG
TỘI PHẠM SỬ DỤNG CÔNG NGHỆ CAO
Dù mới chỉ hình thành và phát triển vài chục năm trở lại đây, song nhiều
lĩnh vực kinh tế, xã hội và văn hoá đã phải phụ thuộc vào các công nghệ mới
của cuộc cách mạng công nghệ thông tin hiện nay. Cũng như bất kỳ một thành
tựu khoa học nào của nhân loại, khi mà các thành tựu càng được ứng dụng rộng
rãi trong đời sống xã hội thì càng dễ bị lợi dụng hoặc trở thành mục tiêu của
giới tội phạm. Các thành tựu do công nghệ thông tin đem lại cũng không nằm
ngoài quy luật này. Đây hiện được xem là một trong những mối quan ngại của
cả cộng đồng thế giới và là một thách thức mới đối với các nhà làm luật cũng
như các cơ quan thực thi pháp luật trong việc định ra những quy định phù hợp
để có thể phòng ngừa và trấn áp một cách có hiệu quả loại tội phạm sử dụng
công nghệ cao này.
1.1.

Khái niệm tội phạm sử dụng công nghệ cao

1.1.1. Định nghĩa tội phạm sử dụng công nghệ cao
Trong thế giới ảo mà công nghệ thông tin đã tạo nên cho con người, một
khái niệm mới về loại tội phạm đã được hình thành, đó là tội phạm sử dụng
công nghệ cao. Tội phạm sử dụng công nghệ cao còn được biết đến với các tên
khác nhau như: tội phạm công nghệ cao, tội phạm về công nghệ thông tin, tội
phạm mạng, tội phạm tin học hay tội phạm liên quan đến máy tính. Xét về khái
niệm “tội phạm sử dụng công nghệ cao”, hiện nay luật pháp của nhiều nước

trên thế giới như Australia, Mỹ, Anh đã có định nghĩa liên quan đến tội phạm
này như: tội phạm công nghệ cao (high-tech crime); tội phạm máy tính
(computer crime): tội phạm liên quan đến máy tính (computer-related crime);
tội phạm mạng (cybercrime)… Ví dụ trong luật Hình sự năm 1995 của


8

Australia và phần 10.7 của luật Thịnh vượng chung (Commonwealth legislation
- Part 10.7: Computer Offences), tội phạm công nghệ cao (high-tech crime)
được định nghĩa “là sự xâm nhập máy tính một cách trái phép; sự sửa đổi trái
phép dữ liệu bao gồm việc phá hủy dữ liệu; tấn công từ chối dịch vụ (DoS); tấn
công từ chối dịch vụ phân tán (DDoS) có sử dụng botnets;1 tạo ra và phân phối
phần mềm độc hại”. Theo Từ điển luật học Black’s Law, tội phạm máy tính
(computer crime) được định nghĩa là “tội phạm đòi hỏi về kiến thức công nghệ
máy tính chẳng hạn như phá hoại hoặc ăn cắp dữ liệu máy tính hay sử dụng
máy tính để thực hiện một số tội phạm khác.”
Đây là những khái niệm mới không chỉ đối với Việt Nam mà còn đối với
nhiều nước trên thế giới. Mặc dù có sự khác biệt trong việc sử dụng thuật ngữ,
điển hình như: tội phạm công nghệ cao, tội phạm ảo, tội phạm công nghệ thông
tin, tội phạm mạng, tội phạm tin học, tội phạm liên quan đến máy tính, … song
các thuật ngữ này có điểm chung là đều liên quan tới công nghệ thông tin, liên
quan đến máy tính. Do đó, trong phạm vi Luận văn, tác giả lựa chọn sử dụng
thuật ngữ “tội phạm sử dụng công nghệ cao” để chỉ loại tội phạm này.
Trước hết, xét về bản chất, tội phạm sử dụng công nghệ cao cũng có đầy
đủ các tính chất, đặc điểm như mọi tội phạm truyền thống khác. Điều này đồng
nghĩa với việc tội phạm sử dụng công nghệ cao cũng được coi là những hành
vi nguy hiểm cho xã hội, bao gồm bốn cấu thành cơ bản của một tội phạm là
mặt khách quan, mặt chủ quan, khách thể và chủ thể của tội phạm. Điểm khác
biệt giữa tội phạm sử dụng công nghệ cao với tội phạm khác là công nghệ thông

tin, máy tính và mạng máy tính có vai trò, mức độ nhất định trong việc thực
hiện, che giấu và gây ra những hậu quả tác hại đối với xã hội của hành vi phạm
tội.2 Nhìn một cách tổng thể, đối với loại tội phạm sử dụng công nghệ cao, có
thể thấy công nghệ thông tin, máy tính và mạng máy tính đóng vai trò quan
Botnet là các mạng máy tính được tạo lập từ các máy tính mà tin tặc có thể điều khiển từ xa. Các máy
tính trong mạng botnet là máy đã bị nhiễm malware (phần mềm độc hại) và bị tin tặc điều khiển. Một mạng
botnet có thể có tới hàng trăm ngàn, thậm chí là hàng triệu máy tính.
2
Nguyễn Mạnh Toàn (2002), “Đặc điểm và các dạng hành vi cơ bản của tội phạm tin học”, Nhà nước
và Pháp luật, (3), tr. 29-33.
1


9

trọng trong quá trình phạm tội. Đó vừa có thể là khách thể của tội phạm, vừa
có thể là công cụ phạm tội.
Dưới góc độ là khách thể của tội phạm, hiểu theo nghĩa đơn giản nhất,
máy tính và các thiết bị có liên quan là một loại tài sản có giá trị, do vậy nó có
thể trở thành đối tượng các các tội về xâm phạm quyền sở hữu như ăn cắp hay
phá hoại tài sản. Hiểu theo một góc độ phức tạp hơn, máy tính với vai trò như
là khách thể của tội phạm còn được thể hiện trong việc tội phạm cố tình phá
hoại hay ăn cắp chúng nhằm xoá bỏ hoặc lấy cắp các thông tin mà nó chứa
đựng.
Dưới góc độ là công cụ phạm tội, máy tính và mạng internet ngày càng
được nhiều loại tội phạm khác nhau sử dụng vì những khả năng ưu việt nó đem
lại. Việc sử dụng máy tính và các thiết bị liên quan làm công cụ phạm tội cũng
được chia ra làm hai loại: loại thứ nhất sử dụng máy tính như là công cụ để thực
hiện các tội phạm truyền thống như tội đánh bạc, tội lừa đảo; loại thứ hai sử
dụng máy tính, các phần mềm máy tính và các bí mật được lưu giữ trong máy

tính như “miếng mồi” để dụ những người cả tin.
Mặc dù có thể tạm chia vai trò của công nghệ thông tin và máy tính đối
với từng quá trình diễn biến của tội phạm như trên, nhưng trên thực tiễn việc
nhận thức về vấn đề này rất khác nhau ở từng quốc gia, từng khu vực và phụ
thuộc vào trình độ phát triển khoa học công nghệ của mỗi quốc gia, khu vực
đó. Tuỳ thuộc vào nhận thức, khái niệm về tội phạm sử dụng công nghệ cao có
thể rất rộng nhưng cũng có thể rất hẹp.
Tiếp cận trên phạm vi rộng, thì việc xác định thế nào là tội phạm sử dụng
công nghệ cao cần dựa trên vai trò của máy tính trong tội phạm. Theo quan
điểm này thì tội phạm sử dụng công nghệ cao bao gồm những tội phạm có sự
liên can, dính líu của máy tính tới tội phạm với ba vai trò: (i) Máy tính là mục
đích của tội phạm; (ii) Máy tính là công cụ phạm tội; (iii) Máy tính là vật trung
gian để cất giấu, lưu trữ những thứ đã chiếm đoạt được. Theo quan điểm này
thì rất nhiều các loại tội phạm truyền thống cũng đều bị coi là tội phạm sử dụng


10

công nghệ cao, đặc biệt là những tội sử dụng máy tính, mạng máy tính làm công
cụ, phương tiện phạm tội, ví dụ như tội đánh bạc trên mạng, tội cung cấp các
dịch vụ mại dâm trực tuyến, tội truyền bá văn hoá phẩm đồi truỵ trên mạng…3
Một trong những định nghĩa rộng nhất về tội phạm sử dụng công nghệ cao thể
hiện quan điểm theo nghĩa rộng này được Bộ Tư pháp Mỹ đưa ra như sau: “Tội
phạm tin học là bất cứ các hành vi vi phạm pháp luật hình sự nào có liên quan
đến việc sử dụng các hiểu biết về công nghệ máy tính trong việc phạm tội, điều
tra hoặc xét xử”.4 Theo định nghĩa này thì bất cứ tội phạm nào cũng có thể được
xếp vào loại tội phạm sử dụng công nghệ cao vì chỉ cần trong quá trình điều tra
các điều tra viên sử dụng máy tính để tìm kiếm thông tin cũng thuộc phạm vi
điều chỉnh của định nghĩa.
Quan điểm hiểu tội phạm sử dụng công nghệ cao theo phạm vi rộng cũng

vấp phải một vấn đề khó khăn là cụ thể hoá các hành vi phạm tội cụ thể, từ đó
xác định tội danh cụ thể cho các hành vi này. Đây là công việc không dễ dàng
vì khi định tội danh, xét về bản chất nhiều tội danh lại trùng với các tội danh
truyền thống như tội lừa đảo, đánh bạc…, điểm khác biệt ở đây chỉ là việc sử
dụng công cụ là mạng máy tính.
Tiếp cận trên phạm vi hẹp, có nhà nghiên cứu cho rằng tội phạm sử dụng
công nghệ cao chỉ là tội phạm được thực hiện và gây hậu quả trên môi trường
thế giới ảo do thành tựu của khoa học công nghệ tin học đem lại và nó hoàn
toàn khác với các loại tội phạm truyền thống trước kia. Trên thế giới hiện nay
đã xuất hiện thêm nhiều hành vi được coi là tội phạm sử dụng công nghệ cao
khác hiểu theo phạm vi hẹp này như: tội vào cửa bằng mật khẩu ăn cắp; tội sao
chụp bất hợp pháp các chương trình phần mềm; tội đe doạ tấn công hệ thống
máy tính… Phương pháp tiếp cận theo phạm vi hẹp này tuy có ưu điểm là định
rõ được tội danh cần xử lý nhưng lại có nhược điểm là rất dễ bỏ sót tội phạm,
nhất là trong bối cảnh công nghệ thông tin đang phát triển như hiện nay. Một
3
Nguyễn Mạnh Toàn (2002), “Đặc điểm và các dạng hành vi cơ bản của tội phạm tin học”, Nhà nước
và Pháp luật, (3), tr. 29-33.
4
Mohamed Chawki (2005), A Critical Look at the Regulation of Cybercrime, Đại học Lyon III, Pháp,
tr. 7.


11

ví dụ điển hình trên thế giới hiện nay đang tranh cãi là về hành vi trộm cắp, lừa
đảo các tài sản mà người chơi có được khi chơi trò chơi trực tuyến. Nếu nhìn
dưới góc độ thế nào là tài sản theo quy định của pháp luật hiện hành, thì các
“tài sản ảo” này hoàn toàn không giá trị, vì nó thực chất không phải là tài sản
mà chỉ là những thứ được tạo ra trong thế giới ảo do một phần mềm máy tính

(những người xây dựng trò chơi trực tuyến) nghĩ ra. Tuy nhiên, nếu xét dưới
góc độ các tài sản này là do người chơi đã bỏ nhiều công sức để tạo lập được,
cùng với tính chất có thể “chiếm hữu, sử dụng và định đoạt” (thực chất chiếm
hữu, sử dụng và định đoạt ở đây cũng chỉ là tương đối) và đặc biệt là những tài
sản này có thể quy đổi sang giá trị thực (có thể bán cho những người chơi khác)
thì chúng lại thực sự cần được coi là một tài sản thực và cần được pháp luật bảo
vệ trước các hành vi như lừa đảo, trộm cắp như đối với các tài sản hữu hình
khác.
Mặt khác, nếu chỉ coi tội phạm sử dụng công nghệ cao giới hạn trong
phạm vi thế giới ảo, môi trường điện tử do công nghệ thông tin đem lại thì đối
với những tội phạm truyền thống sử dụng thành tựu công nghệ thông tin đem
lại để thực hiện hành vi phạm tội, việc truy tìm dấu vết, chính sách ngăn ngừa,
đấu tranh đối với hành vi này sẽ không có gì khác so với các phương pháp xử
lý truyền thống, trong khi về bản chất thì các hành vi phạm tội này khác hẳn,
chẳng hạn như kẻ phạm tội tống tiền trên mạng trong và sau khi thực hiện hoàn
toàn có thể xoá sạch toàn bộ dấu vết tội phạm bằng kỹ thuật công nghệ tin học,
gây không ít khó khăn cho hoạt động thu thập dấu vết nếu các phương pháp thu
thập, bảo quản chứng cứ không thay đổi phù hợp.5
Chính vì mỗi một quan điểm lại có những khiếm khuyết nhất định, nên
hiện nay trên thế giới vẫn chưa có được một khái niệm hoàn chỉnh về tội phạm
sử dụng công nghệ cao được các quốc gia thống nhất sử dụng. Tại cuộc họp lần
thứ 10 của Đại hội đồng Liên hợp quốc về ngăn chặn và xử lý tội phạm được
tổ chức tại thành phố Viên (Áo) từ ngày 10 đến ngày 17 tháng 10 năm 2000,
Nguyễn Mạnh Toàn (2002), “Đặc điểm và các dạng hành vi cơ bản của tội phạm tin học”, Nhà nước
và Pháp luật, (3), tr. 29-33.
5


12


một cuộc hội thảo đã được tổ chức để bàn về vấn đề tội phạm sử dụng công
nghệ cao. Tổng hợp các định nghĩa về tội phạm sử dụng công nghệ cao có thể
được tiếp cận dưới hai góc độ:
Thứ nhất, tội phạm sử dụng công nghệ cao theo nghĩa hẹp: được định
nghĩa là các hành vi phạm tội sử dụng máy tính và mạng máy tính với mục đích
xâm phạm đến an toàn của hệ thống máy tính và quy trình lưu trữ dữ liệu của
hệ thống đó. Loại tội phạm theo định nghĩa này có thể được hiểu là loại tội
phạm mới, có quan hệ trực tiếp đến máy tính, mạng máy tính, làm ảnh hưởng
và gây thiệt hại cho người sử dụng.
Thứ hai, tội phạm sử dụng công nghệ cao được hiểu theo nghĩa rộng: được
định nghĩa là các hành vi phạm tội sử dụng máy tính hoặc các phương pháp
khác có liên quan đến máy tính, mạng máy tính, bao gồm các loại tội phạm như
chiếm giữ bất hợp pháp và đe doạ hoặc làm sai lệch thông tin bằng phương
pháp sử dụng mạng máy tính. Loại tội phạm theo định nghĩa này là rất rộng,
bao gồm nhiều loại hành vi của tội phạm truyền thống được thực hiện với sự
trợ giúp của công cụ máy tính mà phổ biến hiện nay là các hành vi lừa đảo, trốn
lậu cước viễn thông, mạo danh…
Định nghĩa tội phạm sử dụng công nghệ cao theo nghĩa rộng tuy chưa phải
là một định nghĩa hoàn chỉnh nhưng có ý nghĩa quan trọng khi lần đầu tiên xác
định được thế nào là tội phạm sử dụng công nghệ cao, đã được các nước trên
thế giới thảo luận và đi tới nhất trí. Định nghĩa này đã được đa số các quốc gia
sử dụng và đưa vào hệ thống pháp luật. Luận văn sẽ tiếp cận các vấn đề thuộc
phạm vi nghiên cứu dưới góc độ định nghĩa này, theo đó, tội phạm sử dụng
công nghệ cao là những tội phạm liên quan đến máy tính và các mạng thông
tin, bao gồm cả các tội phạm mới hình thành trong môi trường của công nghệ
thông tin và cả những tội phạm truyền thống nhưng được thực hiện với sự giúp
đỡ của các công nghệ thông tin mới.


13


1.1.2. Đặc điểm của tội phạm sử dụng công nghệ cao
Thứ nhất, tội phạm sử dụng công nghệ cao xâm phạm trật tự an toàn thông
tin, gây tổn hại cho lợi ích của quốc gia, quyền và các lợi ích hợp pháp của các
tổ chức cá nhân. Cần nhận thức rằng, khách thể của các tội phạm sử dụng công
nghệ cao là trật tự an toàn thông tin, trong đó, trật tự an toàn thông tin được
hiểu là những quy tắc xử sự (pháp lý, đạo đức hoặc quy tắc chuyên môn…)
được Nhà nước và xã hội xác lập nhằm đảm bảo an toàn thông tin được lưu trữ,
xử lý trong các hệ thống máy tính, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các
cá nhân, tổ chức trong việc khai thác, sử dụng các thông tin đó. Theo Quyết
định số 201/QĐ-BTC ngày 12 tháng 02 năm 2018 của Bộ Tài chính quy định
về việc đảm bảo an toàn thông tin trên môi trường máy tính và mạng máy tính,
“an toàn thông tin mạng” được hiểu là sự bảo vệ thông tin số và hệ thống thông
tin khỏi bị truy nhập, sử dụng, tiết lộ, gián đoạn, sửa đổi hoặc phá hoại trái phép
nhằm bảo đảm tính nguyên vẹn, tính bảo mật và tính khả dụng của thông tin.
Như vậy, trật tự an toàn thông tin bao gồm các quy tắc đảm bảo an toàn thông
tin và những quy tắc liên quan đến trật tự pháp luật trong khai thác, sử dụng
thông tin. Một tội phạm sử dụng công nghệ cao cụ thể có thể tác động đến một
hoặc cả hai khía cạnh của trật tự an toàn thông tin.
Trong những hành vi phạm tội sử dụng công nghệ cao có những hành vi
thuần tuý xâm phạm an toàn thông tin. Những hành vi đó tác động trực tiếp đến
ba thuộc tính của an toàn thông tin là:
(i) Tính bảo mật (Confidentiality): là khả năng đảm bảo cho thông tin
trong hệ thống máy tính không bị tiếp cận, bị xem và tiết lộ bởi những người
không có những quyền đó;
(ii) Tính toàn vẹn (Integrity): là khả năng đảm bảo thông tin trên hệ thống
máy tính không bị thay đổi hay xoá bỏ bởi những người không có những quyền
đó;



14

(iii) Tính khả dụng (Availability): là khả năng đảm bảo cho thông tin trên
hệ thống máy tính luôn sẵn sàng để được khai thác, sử dụng bởi những người
có quyền khai thác, sử dụng hợp pháp.
Các hành vi truy cập trái phép, cản trở truyền tải dữ liệu, can thiệp vào dữ
liệu của mạng máy tính, mạng viễn thông, thiết bị số là những hành vi thuần
tuý xâm phạm an toàn thông tin vì chúng tác động trực tiếp vào tính bảo mật,
tính toàn vẹn và tính khả dụng của mạng máy tính, mạng viễn thông, thiết bị
số.
Thứ hai, tội phạm sử dụng công nghệ cao phải là những hành vi được xác
định là tội phạm theo quy định của pháp luật. Ở Việt Nam, một hành vi chỉ
được coi là tội phạm khi hành vi đó được quy định trong Bộ luật Hình sự. Vì
vậy, khi xem xét một hành vi xâm phạm đến trật tự an toàn thông tin, gây tổn
hại cho xã hội có phải là tội phạm sử dụng công nghệ cao phải xem hành vi đó
có được quy định trong Bộ luật Hình sự hay không.
Thứ ba, tội phạm sử dụng công nghệ cao được thực hiện bằng việc sử dụng
tri thức, kỹ năng, công cụ, phương tiện công nghệ thông tin ở trình độ cao.
Nghiên cứu cách xác định của Công ước Budapest năm 2001 về Tội phạm mạng
của Hội đồng châu Âu cho thấy các hành vi sau đây được chấp nhận phổ biến
là tội phạm sử dụng công nghệ cao như: truy cập bất hợp pháp; cản trở bất hợp
pháp việc truyền tải dữ liệu máy tính; can thiệp trái phép vào dữ liệu; can thiệp
trái phép vào hệ thống; sử dụng trái phép thiết bị; giả mạo liên quan đến máy
tính; gian lận liên quan đến máy tính; vi phạm liên quan đến hình ảnh trẻ em
khiêu dâm; vi phạm quyền tác giả và quyền liên quan qua hệ thống máy tính.
Ngoài những hành vi trên, pháp luật một số nước còn quy định thêm một số
hành vi khác là tội phạm sử dụng công nghệ cao. Chẳng hạn, tại Chương 33A
Mục 7 Luật Hình sự bang Texas của Mỹ quy định về tội phạm viễn thông
(Telecommunications crimes) có quy định các hành vi như: Điều 33A.04: Trộm
cắp dịch vụ viễn thông (Sec.33A.04. Theft of telecommunications service),

Điều 33A.05: Công bố thiết bị truy cập viễn thông (Sec.33A.05. Publication of


15

telecommunications access device)… Tuy nhiên, để được coi là tội phạm sử
dụng công nghệ cao, những hành vi đó phải có sự liên quan như một hệ quả
trực tiếp, một sự “kéo dài” của những hành vi truy cập, cản trở bất hợp pháp,
can thiệp trái phép vào dữ liệu và mạng máy tính, mạng viễn thông, thiết bị số.
Ngoài ra, do hoạt động trong môi trường mạng internet là thế giới ảo, không có
biên giới, nên tội phạm sử dụng công nghệ cao cũng có tính phi biên giới và
tính chất xuyên quốc gia. Cùng với đó, tính “ẩn danh” cũng là một đặc điểm
của loại tội phạm này.
Thứ tư, về chủ thể, tội phạm sử dụng công nghệ cao có thể được thực hiện
bởi bất kỳ ai có đủ năng lực trách nhiệm hình sự theo quy định của luật Hình
sự. Tuy nhiên, xuất phát từ tính chất của hành vi phạm tội, chủ thể trực tiếp
thực hiện tội phạm sử dụng công nghệ cao phải là những người có tri thức và
kỹ năng cần thiết để trực tiếp khai thác, sử dụng thiết bị, công cụ, phương tiện
công nghệ hoặc trực tiếp phát triển, ứng dụng công nghệ.
Thứ năm, tội phạm sử dụng công nghệ cao được thực hiện bởi lỗi cố ý.
Khi thực hiện tội phạm sử dụng công nghệ cao, người phạm tội phải ý thức rõ
hành vi của mình là trái quy định pháp luật, có thể gây hậu quả xấu cho các tổ
chức, cá nhân có liên quan nhưng vẫn thực hiện, mong muốn hoặc để mặc cho
những hậu quả xấu xảy ra. Động cơ, mục đích phạm tội sử dụng công nghệ cao
không phải là yếu tố bắt buộc trong cấu thành tội phạm. Tuy nhiên, trong thực
tế, tội phạm sử dụng công nghệ cao có thể được thực hiện do vụ lợi hoặc vì lợi
ích trong cạnh tranh hay giải quyết mâu thuẫn, trả thù cá nhân… hoặc cũng có
thể là sự tò mò, thử nghiệm, muốn chứng tỏ khả năng của bản thân.
1.1.3. Phân loại tội phạm sử dụng công nghệ cao
Tội phạm sử dụng công nghệ cao được phân loại dựa vào nhiều tiêu chí,

phụ thuộc vào mục đích nghiên cứu khác nhau. Cách phân loại phổ biến trên
thế giới là phân loại tội phạm sử dụng công nghệ cao theo cách thức, mục tiêu
thực hiện tội phạm. Chẳng hạn như trong bài viết: “Computers and Internet:
From a Criminological View” (tạm dịch: “Máy tính và Internet: Dưới góc nhìn


16

tội phạm học”), nhóm tác giả Masoud Nosrati, Mehdi Hariri, Alireza
Shakarbeygi đã phân loại tội phạm này thành hai nhóm. Nhóm thứ nhất: Tội
phạm có mục tiêu chính là mạng máy tính và thiết bị bao gồm: virus máy tính;
tấn công từ chối dịch vụ; mã độc (“Crimes that primarily target computer
networks or devices include: Computer viruses; Denial-of-service attacks;
Malware”). Nhóm thứ hai: Tội phạm sử dụng mạng máy tính hoặc thiết bị để
làm gia tăng hiệu quả phạm tội bao gồm: đe dọa quấy rối trên mạng; lừa đảo
trộm cắp thông tin nhân thân; chiến tranh thông tin; gửi thông điệp lừa đảo
(“Crimes that use computer networks or devices to advance other ends include:
Cyberstalking; Fraud and identity theft; Information warfare; Phishing
scams”). Tại Việt Nam, trong thực tiễn nghiên cứu và trong công tác đấu tranh
với tội phạm sử dụng công nghệ cao cũng thường chọn cách phân loại theo cách
thức, mục tiêu thực hiện tội phạm. Cụ thể, Hướng dẫn 16/HD-BCA-C41 ngày
31/12/2013 của Bộ Công an hướng dẫn thực hiện một số quy định trong các
Thông tư 18, 19, 20, 21, 22 ngày 01/04/2013 của Bộ trưởng Bộ Công an quy
định về công tác nghiệp vụ cơ bản của lực lượng Cảnh sát nhân dân có hướng
dẫn việc phân chia các nhóm đối tượng phạm tội có sử dụng công nghệ cao
thành hai hệ là: Hệ xâm phạm hoạt động của mạng máy tính, viễn thông và Hệ
lợi dụng mạng máy tính, viễn thông để hoạt động bất hợp pháp.
Theo cách thức phân loại như trên, tội phạm sử dụng công nghệ cao gồm
các loại: (i) Tội phạm sử dụng máy tính, thiết bị số, mạng máy tính, mạng viễn
thông gây tổn hại tính bảo mật, tính toàn vẹn và tính khả dụng của hệ thống

máy tính; và (ii) Tội phạm sử dụng máy tính, thiết bị số, mạng máy tính, mạng
viễn thông làm công cụ, phương tiện phạm tội.
Theo Bộ luật Hình sự Việt Nam số 100/2015/QH13, tội phạm sử dụng
máy tính, thiết bị số, mạng máy tính, mạng viễn thông gây tổn hại tính bảo mật,
tính toàn vẹn và tính khả dụng của hệ thống máy tính là nhóm tội phạm sử dụng
công nghệ cao thuần tuý xâm phạm trật tự an toàn thông tin. Các tội phạm sử
dụng công nghệ cao thuộc loại này bao gồm: Tội sản xuất, mua bán, trao đổi


17

hoặc tặng cho công cụ, thiết bị, phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp
luật (Điều 285), Tội phát tán chương trình tin học gây hại cho hoạt động của
mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử (Điều 286), Tội cản trở
hoặc gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện
điện tử (Điều 287), Tội xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn
thông hoặc phương tiện điện tử của người khác (Điều 289).
Tội phạm sử dụng máy tính, thiết bị số, mạng máy tính, mạng viễn thông
làm công cụ, phương tiện phạm tội gồm các tội phạm truyền thống nhưng được
thực hiện với thủ đoạn mới, tức sử dụng công nghệ thông tin để thực hiện tội
phạm. Tội phạm này được phân loại thành các loại cụ thể sau:
Thứ nhất, tội phạm sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện
điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản (Điều 290 Bộ luật Hình sự Việt
Nam số 100/2015/QH13), như: sử dụng thông tin tài khoản, thẻ ngân hàng của
cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc làm giả thẻ ngân hàng nhằm chiếm đoạt tài sản
của chủ thẻ hoặc thanh toán hàng hoá, dịch vụ; lừa đảo trong thương mại điện
tử, kinh doanh tiền tệ, huy động vốn tín dụng, mua bán và thanh toán cổ phiếu
qua mạng; truy cập bất hợp pháp vào tài khoản của cơ quan, tổ chức, cá nhân
tại các tổ chức tín dụng, thực hiện chiếm đoạt tài sản; lừa đảo bằng các dịch vụ
viễn thông qua lnternet (VoIP); gửi các tin nhắn lừa đảo…

Thứ hai, tội phạm sử dụng công nghệ cao vi phạm về nội dung là những
hành vi liên quan đến việc đưa, cung cấp trái pháp luật các thông tin, dịch vụ
trên các mạng thông tin, xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức
và cá nhân. Nghiên cứu các tài liệu của một số quốc gia về phân loại tội phạm
sử dụng công nghệ cao như Công ước Budapest về Tội phạm mạng (2001) của
Hội đồng châu Âu cho thấy một số hành vi thường được coi là tội phạm sử
dụng công nghệ cao vi phạm về nội dung đó là lạm dụng tình dục trên mạng
(Cyber Sexual Abuse); xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác hoặc uy tín
của các tổ chức trên mạng (Cyber Defamation); đe doạ, quấy rối trên mạng
(Cyberstalking); truyền bá các nội dung kỳ thị chủng tộc, phỉ báng tôn giáo, đồi


18

truỵ, bạo lực, cổ suý, lôi kéo thực hiện các hành vi phạm tội và vi phạm pháp
luật; sử dụng trái phép thông tin riêng qua mạng. Các tội phạm sử dụng công
nghệ cao về nội dung nêu trên hiện chưa được quy định thành những tội danh
độc lập trong Bộ luật Hình sự Việt Nam.
1.2.

Thực tiễn tội phạm sử dụng công nghệ cao hiện nay

1.2.1. Thực tiễn trên thế giới
Trong những năm qua, việc sử dụng mạng Internet và các hệ thống máy
tính kết nối ngày càng lớn đã dẫn đến sự gia tăng mạnh về số lượng các cuộc
tấn công trên không gian mạng. Ngày nay, hầu hết các cuộc xung đột chính trị,
kinh tế, quân sự đều có sự tham gia của yếu tố công nghệ cao. Trong khi tội
phạm sử dụng công nghệ cao ở châu Âu và Mỹ phần lớn nhằm vào việc kêu
gọi quyền lợi hoặc vì mục đích chính trị, thì việc tấn công mạng diễn ra ở châu
Á thường vì những nguồn lợi bất chính, gây nhiều tổn hại về mặt kinh tế.

Theo báo cáo của Tổ chức Cảnh sát Hình sự quốc tế (Interpol), tội phạm
sử dụng công nghệ cao đang trở thành mối nguy hại lớn trên thế giới với thiệt
hại mỗi năm khoảng 400 tỷ USD, cao hơn số tiền mà tội phạm buôn bán ma
túy thu được và cứ 14 giây lại xảy ra một vụ phạm tội sử dụng công nghệ cao.
Theo một báo cáo của bộ phận bảo mật McAfee thuộc Tập đoàn công nghệ
Intel, thiệt hại hàng năm do giới tội phạm sử dụng công nghệ cao gây ra cho
toàn thế giới ở mức khiêm tốn nhất cũng lên tới 375 tỷ USD, trong khi mức tối
đa sẽ rơi vào khoảng 575 tỷ USD. Báo cáo là kết quả tổng hợp dữ liệu của 51
quốc gia trải rộng khắp nơi có tổng thu nhập quốc dân khoảng 80% của toàn
thế giới.6 Một báo cáo đưa ra vào năm 2014 ước tính tội phạm sử dụng công
nghệ cao gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu khoảng 445 tỷ USD. Đầu năm
2016, một nghiên cứu khác của trung tâm Juniper Research ước tính thiệt hại
do loại tội phạm này gây ra có thể lên tới 2.100 tỷ USD vào năm 2019. Con số
này còn được dự đoán sẽ đạt 6 nghìn tỷ USD vào năm 2021 theo nghiên cứu
6
Số liệu lấy từ bài viết: Uyên San (2017), “Tội phạm công nghệ cao: Sẽ có “công cụ” xử lý hiệu quả”,
/>ngày
19/11/2017. Truy cập lần cuối ngày 25/07/2018.


19

mới nhất của Cybersecurity Ventures - dữ liệu đã được chứng thực bởi các hãng
truyền thông lớn, các nhà cung cấp công nghệ hàng đầu, các hiệp hội an ninh
thông tin, trường đại học có chuyên ngành đào tạo về an ninh mạng, các chuyên
gia trong ngành và các nhà phân tích công nghệ thông tin.7 Như vậy, lợi nhuận
thu được từ hoạt động bất hợp pháp này còn khủng khiếp hơn nhiều so với tội
phạm buôn lậu, ma túy. Lợi dụng sự phát triển rộng rãi của Internet, xu hướng
hành vi phạm tội sử dụng công nghệ cao không có biên giới giữa các quốc gia
ngày càng gia tăng, để lại hậu quả lớn và rất khó truy tìm dấu vết. Bất cứ nơi

nào có mạng Internet đều có thể là mục tiêu tấn công, xâm hại của tội phạm sử
dụng công nghệ cao. Với sự trợ giúp của Internet, hành vi tội phạm sử dụng
công nghệ cao lan tỏa nhanh và rộng khắp toàn cầu, đối tượng phạm tội ở một
nơi nhưng có thể gây án ở nhiều nơi khác nên số lượng người bị hại và thiệt hại
về vật chất là rất lớn.
Tội phạm sử dụng công nghệ cao không còn đơn thuần chỉ nhắm vào
những mục tiêu tài chính mà đã được xếp vào nhóm những nguy cơ đe dọa
nghiêm trọng đến an ninh của các quốc gia, ngang hàng với tấn công khủng bố,
vũ khí hóa học, thảm họa hạt nhân. Trang web của CIA (Central Intelligence
Agency - Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ) đã có lần bị thay cụm từ “Central
Intelligence Agency” thành “Central Stupidity Agency” (Cục ngu xuẩn trung
ương) và bị cài thêm một số điểm nối tham khảo đến các trang web khiêu dâm,
bởi lỗi từ phần mềm thiết kế trang web của CIA. Trên thế giới đã diễn ra nhiều
hoạt động phát tán thông tin, kêu gọi khủng bố, tấn công mạng để khủng bố
gây ảnh hưởng chính trị, ngoại giao, tâm lý và tổn thất cho xã hội, cộng đồng.
Điển hình như các tin tặc đã sử dụng mã độc Stuxnet tấn công các hệ thống
điều khiển giám sát và thu thập dữ liệu (SCADA), gây đình trệ hoạt động, phá
hủy hàng nghìn máy làm giàu uranium của nhà máy điện hạt nhân Busher của
Iran. Vụ việc được đánh giá làm chậm chương trình hạt nhân của Iran khoảng
7
Số liệu lấy từ bài viết: Cybersecurity Ventures (2016), “Cybercrime Damages $6 Trillion By 2021”,
tháng 8/2016. Truy cập lần cuối
ngày 25/07/2018.


×