Tải bản đầy đủ (.doc) (20 trang)

Một số kinh nghiệm giúp học sinh lớp 4 học tốt văn miêu tả

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (157.09 KB, 20 trang )

I. MỞ ĐẦU
1. Lí do chọn đề tài.
Môn Tiếng Việt ở Tiểu học là một trong những môn học có vị trí vô cùng
quan trọng, được chia thành nhiều phân môn. Mỗi phân môn đều có mục đích
riêng, yêu cầu riêng của nó, song đều có một điểm chung là hình thành và phát
triển 4 kĩ năng nghe, nói, đọc, viết thông qua hoạt động giao tiếp cho học sinh.
Riêng phân môn Tập làm văn có vị trí đặc biệt quan trọng, mang tính chất
thực hành, toàn diện, tổng hợp và sáng tạo, hình thành và phát triển ở học sinh
các kĩ năng sử dụng tiếng Việt để học tập và giao tiếp trong các môi trường hoạt
động của lứa tuổi đồng thời rèn luyện cho học sinh các thao tác của tư duy, các
kĩ năng sản sinh văn bản. Nhờ vậy Tiếng Việt không chỉ là một hệ thống cấu trúc
được xem xét từng phần từng mặt, qua từng phân môn mà trở thành công cụ
sinh động trong quá trình giao tiếp, tư duy và học tập.
Nói cách khác, phân môn Tập làm văn đã góp phần thực hiện hóa mục tiêu
quan trọng bậc nhất của việc dạy và học Tiếng Việt trong đời sống khoa học,
trong quá trình lĩnh hội các tri thức khoa học. Tập làm văn là thước đo đánh giá
kết quả học tập và giảng dạy các phân môn khác.
Để làm được một bài văn hay theo đúng nghĩa là một văn bản trọn vẹn cả ý
và lời, một văn bản có sáng tạo, mang dấu ấn cá nhân riêng là rất khó. Học sinh
phải nắm chắc các kiến thức về thể loại, hệ thống các kĩ năng phân tích đề, tìm
ý, lập dàn ý, kiểu bài,... Đặc biệt là phải có khả năng tư duy và kĩ năng diễn đạt
tương đối tốt. Nhưng thực trạng làm văn miêu tả hiện nay, bên cạnh nhiều điểm
tốt mang lại những kết quả nhất định vẫn còn khá nhiều khuyết điểm và nhược
điểm. Khuyết điểm lớn nhất, dễ nhận thấy nhất là bệnh công thức, khuôn sáo
máy móc, thiếu chân thực, vay mượn tình ý của người khác. Học sinh thường
sẵn sàng học thuộc một bài văn mẫu, một đoạn văn mẫu, một câu văn mẫu. Khi
làm bài, các em sao chép nó ra và biến nó thành bài làm của mình. Với cách làm
bài đó, các em không cần biết đến đối tượng miêu tả, không hề quan sát và
không có cảm xúc gì về chúng cả.
Mặt khác, bài viết của học sinh miêu tả một cách chung chung, hời hợt,
không có sắc thái riêng biệt nào của đối tượng được tả... Vì thế bài văn đó đem


gán cho đối tượng miêu tả nào cùng loại đều được, thay đổi họ tên của người
làm bài đi thì dùng cho học sinh nào cũng thế. Một bài văn miêu tả như vậy đọc
lên thấy nhạt nhạt, mờ mờ.
Trước thực trạng trên, rõ ràng vấn đề đặt ra đối với chúng ta là: Cần làm
thế nào để giúp học sinh cải thiện chất lượng viết bài văn miêu tả? Bản thân tôi
là một giáo viên dạy lớp 4, tôi đã suy nghĩ tìm tòi và cải tiến biện pháp dạy học
phân môn Tập làm văn để khắc phục tình trạng đó. Chính vì thế tôi đã mạnh dạn
đưa ra “Một số kinh nghiệm giúp học sinh lớp 4 học tốt văn miêu tả”
2. Mục đích nghiên cứu:
Giúp HS lớp 4: - Rèn kĩ năng quan sát, tìm ý, lập dàn ý; Kĩ năng dùng từ,
đặt câu, liên kết đoạn văn mạch lạc; Kĩ năng viết văn giàu hình ảnh, cảm xúc.

1


- Bồi dưỡng tình cảm yêu mến gắn bó, biết trân trọng những gì xung quanh các
em; Rèn luyện phương pháp tìm tòi, vận dụng kiến thức, phát triển tư duy. Từ đó
các em có thể viết văn miêu tả theo yêu cầu kiến thức, kĩ năng của chương trình,
sách giáo khoa và tạo tiền đề tốt để viết văn miêu tả ở lớp 5.
* Giúp giáo viên: - Nhìn nhận lại sâu sắc hơn việc dạy văn miêu tả cho học sinh
để vận dụng phương pháp, hình thức tổ chức dạy học một cách linh hoạt, tạo ra
cách dạy học văn miêu tả mới, chống lối dạy theo điệu "sáo".
- Tự tìm tòi, nâng cao khả năng đúc rút kinh nghiệm trong giảng dạy Tập làm
văn nói chung và dạy văn miêu tả nói riêng; Nâng cao khả năng nghiên cứu
khoa học cho bản thân.
3. Đối tượng nghiên cứu.
Nghiên cứu các thể loại văn miêu tả lớp 4. đối với học sinh lớp 4A trường
Tiểu học Lộc Sơn, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa.
4. Phương pháp nghiên cứu.
Trong quá trình thực hiện nội dung của sáng kiến, tôi đã sử dụng một số

phương pháp sau:
- Phương pháp mở vấn đề; Phương pháp nêu và giải quyết vấn đề; Phương
pháp trực quan; Phương pháp rèn luyện theo mẫu; Phương pháp nghiên cứu xây
dựng cơ sở lí thuyết; Phương pháp tổng kết kinh nghiệm; …
- Tìm hiểu thực tế dạy - học văn miêu tả.
- Khảo sát bài viết, bài nói của học sinh.
- Dạy thực nghiệm.
- Tổ chức cho học sinh đi trải nghiệm thực tế.
II. NỘI DUNG SÁNG KIẾN KINH NGHIỆM
1. Cơ sở lí luận của sáng kiến kinh nghiệm.
1.1. Văn miêu tả là gì?
Trong chương trình Tập làm văn lớp 4, thời lượng dành cho văn miêu tả khá
lớn, gồm: Miêu tả đồ vật, miêu tả cây cối, miêu tả con vật.
Vậy miêu tả là gì? - “Miêu tả là vẽ lại bằng lời những đặc điểm nổi bật của
con người, sự vật để giúp người nghe, người đọc hình dung được các đối tượng
ấy”.
1.2. Đặc trưng của văn miêu tả.
* Văn miêu tả mang tính thông báo thẩm mĩ chứa đựng tình cảm của người viết
Dù là tả một con gà, một cây bàng chuyển sắc lá mùa đông hay một con vật
nuôi gần gũi trong gia đình... Bao giờ người viết cũng đánh giá chúng theo một
quan điểm thẩm mĩ, cũng gửi vào bài viết quan điểm đánh giá, bình luận của
mình. Do vậy từng chi tiết trong bài văn miêu tả đều mang ấn tượng cảm xúc
chủ quan. Đặc điểm này làm cho miêu tả trong văn học khác với miêu tả trong
các văn phong khoa học khác.
* Văn miêu tả có tính sinh động và tạo hình.
Như ta đã biết, chất lượng bài văn miêu tả là nói ít gợi nhiều. Chi tiết nêu ra
không cần nhiều nhưng phải dẫn người đọc đến cảm giác cảm xúc nhất định,

2



dẫn đến những hình ảnh sinh động giúp người đọc “nhìn rõ” và có ấn tượng với
đối tượng miêu tả trong bài. Đương nhiên cảm xúc đó, hình ảnh sắc nét đó phải
thể hiện được lí tưởng thẩm mĩ của thời đại, phải hướng tới cái Chân - Thiện Mĩ, nâng cao tâm hồn và nhân cách con người.
* Ngôn ngữ miêu tả có tính cụ thể.
Sự cụ thể hóa nghệ thuật được thực hiện nhờ cách lựa chọn và tổ chức các
phương tiện ngôn ngữ. Dùng từ ngữ này thay cho từ ngữ có nghĩa khái quát là
một cách tiêu biểu nhất để tạo hình tượng cụ thể, tác động vào trí tưởng tượng
của người đọc. Sự cụ thể hóa nghệ thuật có thể đạt được một phương thức đặc
biệt gọi là “sự dẫn dắt bằng động từ”. Người viết văn gọi tên từng động tác, từng
giai đoạn biến đổi của trạng thái. Kết quả là nhiều động từ được sử dụng trong
một đoạn văn miêu tả có tác dụng khuyến khích trí tưởng tượng của người đọc.
1.3. Các kĩ năng làm văn miêu tả.
- Kĩ năng phân tích, xác định yêu cầu của đề bài.
- Kĩ năng quan sát, tìm ý, sắp xếp ý.
- Kĩ năng dựa vào dàn ý để nói (viết) thành đoạn văn (bài văn).
- Kĩ năng kiểm tra và hoàn thiện.
Trên đây là những vấn đề lí luận làm cơ sở để “Giúp học sinh lớp 4 học tốt
văn miêu tả ”. Từ cơ sở đó, người giáo viên sẽ xây dựng các tiết dạy học tập
làm văn ở lớp 4 một cách khoa học, phù hợp và đạt hiệu quả giờ dạy cao hơn.
2. Thực trạng của việc dạy và học Tập làm văn miêu tả lớp 4.
2.1. Về phía giáo viên.
* Ưu điểm:
- Giáo viên đã chú ý trang bị những kiến thức về văn miêu tả cho học sinh. Đó là
một số hiểu biết ban đầu về đặc điểm chính của văn miêu tả như: Thế nào là văn
miêu tả; Quan sát để miêu tả thêm sinh động; Trình tự miêu tả; Cấu tạo đoạn
văn, bài văn miêu tả.
- Giáo viên đã thực hiện rèn luyện kĩ năng viết văn miêu tả cho học sinh trên cơ
sở quy trình sản sinh ngôn bản mà chương trình yêu cầu. Đó là: Kĩ năng định
hướng văn bản (nhận diện văn bản miêu tả, phân tích đề văn miêu tả); Kĩ năng

tìm ý và lập dàn ý (xác định dàn ý của bài văn miêu tả đã cho, quan sát đối
tượng, tìm và sắp xếp thành dàn ý trong bài văn miêu tả); Kĩ năng kiểm tra, sửa
chữa văn bản (đối chiếu văn bản miêu tả nói - viết của bản thân với mục đích và
yêu cầu diễn đạt, sửa lỗi về nội dung và hình thức diễn đạt).
* Nhược điểm:
- Một số giáo viên còn nặng về việc giới thiệu các hiểu biết về lí thuyết thể văn,
việc hình thành kĩ năng làm bài chủ yếu là qua phân tích các bài văn mẫu.
- Để đối phó với việc học sinh làm bài kém, để đảm bảo “chất lượng” khi kiểm
tra thi cử,... nhiều giáo viên cho học sinh đọc thuộc một số bài mẫu để khi các
em gặp một đề bài tương tự cứ thế mà chép ra. Vì vậy dẫn đến tình trạng cả thầy
và trò nhiều khi bị lệ thuộc vào mẫu, không thoát khỏi được mẫu.
- Đôi khi giáo viên ra đề văn không thích hợp với đối tượng học sinh.

3


- Giáo viên chưa tạo điều kiện cho học sinh đi quan sát, trải nghiệm thực tế nên
các em không có vốn kiến thức thực tế, cảm xúc của các em không có, dẫn đến
diễn đạt vụng về, thiếu chân thực.
- Giáo viên chưa sửa chữa, uốn nắn một cách kịp thời, cụ thể các lỗi trong bài
làm cho học sinh.
2.2. Về phía học sinh.
* Ưu điểm:
- Thông qua việc luyện tập các kĩ năng viết văn miêu tả, đa số học sinh biết cách
tạo lập một văn bản miêu tả hoàn chỉnh theo từng công đoạn một cách chắc
chắn.
- Bởi các em đã được làm quen với thể loại văn miêu tả từ lớp 2 nên các em đã
phần nào biết quan sát, biết thực hành viết, biết chắt lọc từ để viết thành một
đoạn văn có hình ảnh, biết vận dụng các từ ngữ thuộc chủ điểm để phục vụ cho
việc miêu tả, biết viết câu có đầy đủ bộ phận.

* Nhược điểm:
- Từ ngữ các em sử dụng để viết văn miêu tả rất nghèo nàn, chưa biết chắt lọc ý
và từ, không làm nổi bật được những đặc điểm riêng của đối tượng miêu tả.
- Trong bài làm, có rất ít học sinh thể hiện được cảm xúc của mình trước phong
cảnh thiên nhiên.
- Học sinh miêu tả dường như là một phép liệt kê, các chi tiết, đối tượng miêu tả
hiện ra khô cứng, đơn điệu, không cảm xúc, chưa tạo nên sự sinh động với
những chi tiết sống gây ấn tượng.
- Một số ít học sinh trình bày bài văn chưa rõ bố cục…
2.3. Chất lượng lớp 4A
Từ tuần học thứ 14 của năm học, học sinh lớp 4 bắt đầu được tiếp cận với
văn miêu tả - Thể loại miêu tả đồ vật. Với mong muốn nâng cao chất lượng môn
Tiếng Việt, nhất là phân môn Tập làm văn, sau khi hướng dẫn cho học sinh nhận
diện, phân tích, thực hành viết đoạn văn, tôi đã tiến hành khảo sát ở lớp 4A.
+Thời điểm khảo sát: Ngày 24 / 01 / 2019.
+Thời gian làm bài: 30 phút.
Đề bài: Hãy tả chiếc cặp sách của em.
Đáp án và biểu chấm
Mặc dù theo quy định của Thông tư 22/2016/TT- BGDĐT, không đánh giá bài
làm của học sinh Tiểu học bằng điểm số, nhưng để thuận lợi hơn cho việc phân
loại đối tượng học sinh trong quá trình thực nghiệm, tôi đã xây dựng biểu chấm
với thang điểm cụ thể như sau:
- Học sinh viết đúng thể loại, bố cục rõ ràng: 1 điểm.
- Bài viết thể hiện rõ nội dung, yêu cầu của đề bài, trình tự miêu tả hợp lí, diễn
đạt rõ ràng, mạch lạc; Bài văn xúc tích, giàu hình ảnh, làm nổi bật được vẻ đẹp
của cái cặp; Nêu được những kỉ niệm gắn với cái cặp đó: 6 điểm.
- Bài viết thể hiện tình cảm của học sinh đối với cái cặp: 2 điểm.
( Điểm trình bày và chữ viết toàn bài: 1 điểm)
Tổng hợp kết quả khảo sát:


4


Hoàn thành Tốt
Hoàn thành
Chưa hoàn thành
Số HS
(Mức điểm 9- 10)
(Mức điểm 5-8)
(Mức điểm dưới 5)
SL
TL
SL
TL
SL
TL
25
2
8,0
18
72,0
5
20,0
Qua thực tế nghiên cứu, tìm hiểu thực trạng việc dạy học Tập làm văn ở
đơn vị lớp mình trực tiếp giảng dạy, tôi thấy học sinh còn có nhiều tồn tại trong
việc làm bài văn miêu tả, dẫn đến kết quả học tập chưa cao. Từ đó, bản thân đã
có những định hướng mục tiêu cụ thể đối với học sinh trong quá trình dạy học
như sau:
- Học sinh biết trình bày bài văn với bố cục đầy đủ.
- Học sinh có hiểu biết về đối tượng miêu tả.

- Học sinh được quan sát đối tượng miêu tả để tránh việc làm bài qua trí tưởng
tượng hoặc dựa vào văn mẫu.
- Học sinh biết liên kết giữa các đoạn, các phần, biết cách dùng từ, diễn đạt lời
tả cần chân thực, tự nhiên.
- Học sinh có khả năng so sánh, liên tưởng, biết vận dụng hiểu biết thực tế khi
làm văn.
- Rèn cho học sinh bỏ thói quen học vẹt, tránh việc ghi nhớ máy móc, thụ động
tiếp nhận những điều có sẵn.
Như vậy, bằng việc phân tích đúng đắn, nhận ra ưu khuyết điểm chính từ
nhiều phía dẫn đến tồn tại trong việc thực hiện viết văn miêu tả của học sinh, tôi
thấy thuận lợi hơn trong quá trình thực nghiệm, cải tiến chất lượng viết văn miêu
tả cho học sinh lớp 4.

3. Các giải pháp đã sử dụng để giải quyết vấn đề.
Giải pháp 1: Nghiên cứu kĩ nội dung chương trình môn Tiếng Việt, đặc biệt
là phân môn Tập làm văn - phần viết văn miêu tả.
Qua tìm hiểu nội dung chủ yếu của dạy học Tiếng việt lớp 4, Phân môn Tập
làm văn - phần viết văn miêu tả, tôi thấy nội dung gồm:
Tuần 14: - Thế nào là miêu tả ( tiết 27)
- Cấu tạo bài văn miêu tả đồ vật ( tiết 28)
Tuần 15: - Luyện tập miêu tả đồ vật ( tiết 29)
- Quan sát đồ vật (tiết 30)
Tuần 16: - Luyện tập miêu tả đồ vật ( tiết 32)
Tuần 17: - Đoạn văn trong bài văn miêu tả đồ vật( tiết 33)
- Luyện tập xây dựng đoạn văn miêu tả đồ vật ( tiết 34)
Tuần 18: - Tả đồ dùng học tập hoặc đồ chơi ( tiết ôn tập thứ 8)
Tuần 19: - Luyện tập xây dựng mở bài trong bài văn miêu tả đồ vật ( tiết 37)
- Luyện tập xây dựng mở kết trong bài văn miêu tả đồ vật ( tiết 38)
Tuần 20: - Miêu tả đồ vật - Kiểm tra viết. ( tiết 12)
Tuần 21: - Trả bài văn miêu tả đồ vật ( tiết 41)

- Cấu tạo bài văn miêu tả cây cối ( tiết 42)
Tuần 22: - Luyện tập quan sát cây cối ( tiết 43)
- Luyện tập miêu tả các bộ phận của cây cối ( tiết 44)

5


Tuần 23: - Luyện tập miêu tả các bộ phận của cây cối ( tiết 45)
- Đoạn văn trong bài văn miêu tả cay cối ( tiết 46)
Tuần 24: - Luyện tập xây dựng đoạn văn miêu tả cây cối ( tiết 47)
Tuần 25: - Luyện tập xây dựng mở bài trong bài văn miêu tả cây cối ( tiết 50)
Tuần 26: - Luyện tập xây dựng kết bài trong bài văn miêu tả cây cối ( tiết 51)
- Luyện tập miêu tả cây cối (tiết 52)
Tuần 27: - Miêu tả cây cối - Kiểm tra viết ( tiết 53)
- Trả bài văn miêu tả cây cối ( tiết 54)
Tuần 28: - Tả đồ vật hoặc cây bóng mát hoặc cây ăn quả ( tiết ôn tập thứ 8)
Tuần 29: - Cấu tạo của bài văn miêu tả con vật ( tiết 58)
Tuần 30: - Luyện tập quan sát con vật ( tiết 59)
Tuần 31: - Luyện tập quan sát các bộ phận của con vật ( tiết 61)
- Luyện tập xây dựng đoạn văn miêu tả con vật (tiết 62)
Tuần 32: - Luyện tập xây dựng đoạn văn miêu tả con vật ( tiết 63)
Tuần 33: - Miêu tả con vật - Kiểm tra viết. ( tiết 65)
Tuần 34: - Trả bài văn miêu tả con vật ( tiết 67)
Tuần 35: - Tả ngoại hình của một con vật ( tiết ôn tập thứ 8)
Như vậy, nội dung văn miêu tả ở lớp 4 có thời lượng tương đối lớn. Yêu
cầu học sinh phải nắm được: thế nào là miêu tả? biết cách quan sát, tìm ý, lập
dàn ý, biết viết đoạn văn và liên kết đoạn văn thành bài văn miêu tả đồ vật, cây
cối, con vật. Điều này cho thấy việc giúp học sinh rèn luyện kĩ năng viết văn, kĩ
năng sản sinh văn bản là vô cùng quan trọng. Việc nghiên cứu, nắm vững các
nội dung dạy học phân môn đã giúp tôi chuẩn bị được: Nội dung đó dạy khi

nào? Dạy cái gì? Lựa chọn phương pháp dạy nào phù hợp? Sự chuẩn bị đó đã
giúp tôi hoàn toàn chủ động trong quá trình dạy học của mình.
Giải pháp 2: Lựa chọn phương pháp dạy phù hợp với nội dung dạy học.
Lựa chọn và sử dụng phương pháp dạy học Tiếng việt, nhất là dạy Tập làm
văn là một vấn đề quan trọng trong quá trình dạy học. Do đó đòi hỏi mỗi giáo
viên phải đầu tư nghiên cứu, tìm tòi để lựa chọn được phương pháp dạy học
đúng đắn sao cho phù hợp với đối tượng học sinh của mình.
Khi thiết kế bài học, tôi đã lựa chọn sử dụng phương pháp khác nhau với
từng bài cụ thể, bởi vì hơn ai hết, giáo viên là người nắm được ưu điểm cũng
như nhược điểm của từng phương pháp. Nên tùy vào từng yêu cầu cụ thể của
từng bài, từng tiết dạy mà lựa chọn và sử dụng phương pháp phù hợp thì sẽ thu
được kết quả, hiệu quả cao trong giờ học đó.
Mặc dù vậy ta vẫn phải hiểu rằng không có phương pháp dạy học nào là vạn
năng cả. Bởi vậy tôi đã nghiên cứu phối hợp các phương pháp sao cho linh hoạt,
sáng tạo trong quá trình dạy học của mình.
Ví dụ: Ở tuần học thứ 22 và 23, hai tiết Tập làm văn đều là “Luyện tập miêu tả
các bộ phận của cây cối”, nhưng tôi đã lựa chọn các phương pháp dạy học khác
nhau, hoặc cùng phương pháp nhưng sử dụng ở những thời điểm khác nhau của
giờ học, trong quá trình tổ chức cho học sinh học tập nhằm đạt được mục tiêu
giờ dạy. Chẳng hạn:

6


Tuần 22 (tiết thứ 44): Ở bài tập 1 - Tôi sử dụng phương pháp vấn đáp để
giúp học sinh nắm chắc yêu cầu của bài tập; Sử dụng phương pháp thảo luận
nhóm để học sinh nhận ra cách miêu tả của tác giả có điểm gì đáng chú ý; Sử
dụng phương pháp đàm thoại tổ chức cho học sinh trao đổi về những điểm đáng
chú ý khi tả lá, thân, gốc của cây. Cụ thể là:
- Gọi học sinh đọc yêu cầu và nội dung đoạn văn "Bàng thay lá" và "Cây sồi

già" trong sách giáo khoa.
- Học sinh thảo luận nhóm để nhận ra cách miêu tả của tác giả có điểm gì đáng
chú ý theo các câu hỏi gợi ý của giáo viên:
+ Tác giả miêu tả cái gì?
+ Tác giả dùng những biện pháp nghệ thuật gì để tả?
+ Em có cảm nhận gì về hình ảnh cây bàng, hình ảnh cây sồi dưới ngòi bút miêu
tả của tác giả?
- Tổ chức cho học sinh trình bày trước lớp về những điểm đáng chú ý khi miêu
tả của tác giả.
- Tổ chức cho học sinh trao đổi và nêu ý kiến của mình về những điểm đáng chú
ý khi tác giả tả lá, thân, gốc của cây.
- Yêu cầu học sinh có năng khiếu trình bày lại.
- Giáo viên tổng kết (trình chiếu trên máy) những điểm đáng chú ý trong cách tả
của tác giả ở mỗi đoạn văn.
Ở bài tập 2 - Tôi đã sử dụng phương pháp hỏi đáp giúp học sinh nắm đúng yêu
cầu của bài tập; Sử dụng phương pháp nêu vấn đề để khơi gợi óc sáng tạo để học
sinh hoàn chỉnh đoạn văn tả lá, thân hay gốc của một cây mà em thích; Sử dụng
phương pháp hoạt động đồng loạt để tổ chức cho HS trình bày kết quả bài làm
của mình. Cụ thể là:
- Nêu câu hỏi định hướng để học sinh thực hiện đúng yêu cầu bài tập (Bài tập
yêu cầu gì?)
- Khuyến khích học sinh miêu tả chân thực, tự nhiên, vận dụng được những
quan sát thực tế của các em vào trong quá trình làm bài văn viết, sử dụng các
biện pháp nghệ thuật khi miêu tả để bài viết thêm sinh động.
- Tổ chức cho học sinh trình bày kết quả bài làm:
+ Học sinh đọc to bài làm trước lớp.
+ Hướng dẫn học sinh nhận xét, sửa lỗi ngữ pháp, dùng từ, đặt câu cho học sinh.
Với việc thực hiện dạy học như trên, tôi thấy các em thực sự có hứng thú
trong tiết học, bài viết của từng em thể hiện được sự quan sát tỉ mỉ, có cảm nhận
riêng của cá nhân mình. Chẳng hạn bài viết của em Linh chọn tả lá bàng vào

mùa hè:
"Lá bàng dày và xanh ngắt. Những cái lá to như bàn tay người lớn, xoay
tròn nơi đầu cành, xếp chồng lên nhau làm cho cái nắng chói chang của mùa hè
cũng không lọt xuống được là bao, Màu xanh ấy làm tan biến những giọt mồ
hôi, làm chững lại những bước chân gấp gáp của lũ chúng em khi chơi trò chạy
đuổi. Màu xanh ấy mời gọi mấy chú chim đến hót và chuyền cành tíu tít..."
Hay đoạn văn chọn tả thân cây bàng của em Tuấn:

7


"Thân cây cao lên đến tận tầng hai của phòng Mĩ thuật trường em. Nó
thật to, đến chừng hai đứa học sinh chúng em vòng tay nhau mới ôm xuể. Trên
tấm thân chắc khỏe ấy có nhiều u, cục nổi lên, xù xì, thô ráp như bàn tay người
thợ. Cô giáo em nói đó là minh chứng của sự dãi dầu mưa nắng, là vết tích của
thời gian đã đi qua..."
Tuần 23 ( tiết thứ 45): Ở bài tập 1 - Tôi sử dụng phương pháp gợi mở để giúp
học sinh nêu nhận xét về cách miêu tả của tác giả về hoa sầu đâu và quả cà chua;
Sử dụng phương pháp thảo luận nhóm để tổ chức cho học sinh thảo luận theo
cặp, nêu lên nhận xét của các em về cách miêu tả của tác giả khi tả hoa trong bài
"Hoa sầu đâu" và tả quả trong bài "Quả cà chua"; Sử dụng phương pháp giảng
giải để giúp học sinh hiểu rõ hơn cách quan sát và chọn lọc chi tiết để tả. Cụ thể:
- Học sinh đọc yêu cầu và nội dung đoạn văn "Hoa sầu đâu" và "Quả cà chua".
- Hướng dẫn học sinh nhận xét về:
+ Cách miêu tả hoa, quả của nhà văn.
+ Câu văn miêu tả nét đặc sắc của hoa, quả.
+ Nghệ thuật tác giả sử dụng để miêu tả.
- Cho học sinh tự làm bài vảo vở bài tập
- Gọi học sinh trình bày kết quả bài làm và nhận xét bài làm của bạn,
- Giáo viên tổng kết (trình chiếu trên máy) phần nhận xét về cách miêu tả của tác

giả.
- Mở rộng, liên hệ khi tả các loài hoa, quả gần gũi với các em
Ở bài tập 2 - Tôi sử dụng phương pháp gợi mở để giúp học sinh ghi lại kết quả
quan sát một loài hoa hay một thứ quả mà em yêu thích, hướng dẫn học sinh
cách lựa chọn từ ngữ miêu tả phù hợp; Tổ chức cho học sinh thực hành viết
đoạn văn rồi đọc bài và nhận xét, sửa chữa những lỗi mắc phải.
Các công việc đã được tôi tiến hành là:
- Học sinh đọc yêu cầu bài tập.
- Học sinh xác định yêu cầu của bài (chọn viết đoạn văn tả một loài hoa hoặc
một thứ quả mà em thích)
- Học sinh làm bài cá nhân - hai em làm vào giấy to.
- Tổ chức cho học sinh đọc bài trước lớp
- Hướng dẫn học sinh sửa lỗi ngữ pháp, lỗi dùng từ, đặt câu.
Sau khi giúp học sinh nhận xét để học tập cách miêu tả hoa và quả của
nhà văn, cùng với sự hướng dẫn của cô, các em đã tái hiện kết quả quan sát vào
bài làm tương đối tốt. Nhiều đoạn văn viết của các em không sáo rỗng mà chân
thực và rất tự nhiên. Điều đáng quý là nhiều bài viết đã tạo được ấn tượng với
người đọc. Chẳng hạn đoạn văn tả hoa cúc của em Mai:
"Hoa cúc vàng tươi rực rỡ khoe sắc dưới nắng xuân. Một bông cúc có
hàng
mấy trăm cánh nhỏ, xếp chồng lên nhau trông thật quây quần, ấm áp. Cánh hoa
khum khum ôm ấp nhụy hoa yểu điệu bên trong. Hoa cúc thơm đặc biệt lắm:
mùi hương không nồng nàn như hương hoa hồng kiêu sa hay sực nức như nàng
dạ lý trong vườn mà thoang thoảng, dịu dàng như lòng người mẹ..."

8


Có thể nói, việc lựa chọn phương pháp dạy học ở từng bài sao cho phù
hợp và đạt hiệu quả cao là việc làm khó, yêu cầu người giáo viên phải nghiên

cứu kĩ và đặc biệt là phải có sự tâm huyết, say mê thì mới thu được kết quả như
mong muốn.
Giải pháp 3: Tạo điều kiện cho học sinh quan sát trực tiếp, tìm hiểu đối
tượng mà các em sẽ tả từ đó bồi dưỡng kĩ năng quan sát, tìm ý cho học sinh.
Để viết được một bài văn hay, thực sự có hồn thì việc phát huy vốn sống
của các em là một yếu tố quan trọng. Một bài văn dù có sử dụng ngôn ngữ hoa
mĩ đến mấy mà thiếu thực tế thì sẽ trở thành sáo rỗng, khoa trương. Để giúp học
sinh có vốn sống phong phú, tôi thường xuyên chú ý tạo điều kiện và bồi dưỡng
cho các em kĩ năng quan sát. Khi quan sát, tôi chú ý giúp học sinh xác định mục
đích và trọng tâm quan sát. Quan sát cũng cần kết hợp với trí tưởng tượng thì bài
văn mới được mở rộng, nâng cao và có chiều sâu. Qua quan sát, học sinh mới
tìm được những nét riêng, tiêu biểu của sự vật được miêu tả.
Bài văn miêu tả trước hết phải có nội dung phong phú, sinh động, tức là ý
phải phong phú. Muốn vậy, học sinh cần phải có hiểu biết về đối tượng miêu tả
ở mức độ sâu sắc. Nếu học sinh có hiểu biết hời hợt sẽ không có ý để đưa vào
bài văn mà chỉ có thể nói một cách chung chung. Vì thế để học sinh có thêm
hiểu biết về đối tượng miêu tả, tôi đã chủ động tạo ra những giờ trải nghiệm thực
tiễn dưới sự chỉ đạo nghiêm túc, thấu đáo của thầy cô. Trong quá trình đó, tôi
làm những việc sau:
Trước hết, để giúp học sinh thấy rõ được tác dụng của việc quan sát và có
thói quen quan sát đối tượng. Tôi đã đưa ra ví dụ qua đoạn văn:
"... Chị gà Mái Mơ đang phải ra sức xoạc hai chân để đứng vững và cố xòe
rộng đôi cánh để che mưa cho đàn con. Bởi phía dưới tấm thân gầy xác xơ của
chị là những chú gà con nhỏ bé, non nớt, còn phía trên là những làn mưa xối xả
mà tàu lá chuối cũng không làm cho chúng khỏi ướt. Dưới làn nước lạnh, đôi
mắt chị vẫn nhanh nhẹn đảo quanh khu vườn như đề phòng bất trắc, miệng chị
vẫn luôn kêu "cúc... cúc ... cúc..." như động viên, như khuyên bảo các con điều
gì..."
Đó là một đoạn văn miêu tả con gà mái với các hoạt động chăm sóc và bảo
vệ đàn con được gắn với khung cảnh thiên nhiên. Đây cũng là nét riêng độc đáo

trong quan sát. Vậy nên trước khi tổ chức cho học sinh quan sát một đối tượng
miêu tả, tôi đã chuẩn bị các câu hỏi để giúp học sinh có thể quan sát bằng nhiều
giác quan, phát hiện được các đặc điểm, chi tiết nổi bật của đối tượng. Chẳng
hạn:
- Tôi yêu cầu học sinh đọc to đoạn văn trước lớp.
- Hướng dẫn học sinh phân tích để nhận ra điểm đặc sắc trong đoạn văn miêu
tả các hoạt động chăm sóc và bảo vệ đàn con của gà mẹ được gắn với khung
cảnh thiên nhiên:
+ Đoạn văn tả con vật nào?
+ Hình ảnh chị gà mái Mơ được đặt trong khung cảnh nào?
+ Hình dáng chị gà được miêu tả như thế nào?

9


+ Chị gà mái Mơ có hoạt động gì nổi bật?
Sau đó tôi gợi mở thêm để giúp các em hiểu việc đặt đối tượng miêu tả trong
khung cảnh thiên nhiên sẽ làm cho hình ảnh miêu tả cụ thể, chân thực và sinh
động hơn
Khi học sinh đã nhận ra cách quan sát chung các đối tượng miêu tả, tôi
hướng dẫn các em quan sát trực tiếp, tạo điều kiện để học sinh rèn luyện các
thao tác tư duy như so sánh, phân tích, tổng hợp... Khi quan sát, khuyến khích
các em nêu lên những nhận xét riêng về đối tượng, phát huy sự liên tưởng,
tưởng tượng của các em. Tạo điều kiện để các em nắm vững và biết sử dụng các
phương tiện ngôn ngữ (từ ngữ, hình ảnh, câu) và các biện pháp tu từ (so sánh,
nhân hóa) để diễn đạt. Trong quá trình tổ chức cho học sinh thực hành quan sát
trực tiếp, tôi đã chuẩn bị những tình huống, câu hỏi phù hợp để giúp học sinh có
thể quan sát, thu nhận được những hiểu biết về đối tượng thật phong phú, chân
thực và sâu sắc. Chẳng hạn: Đề bài: “Em hãy miêu tả cây bàng trên sân
trường em vào mùa hè”.

Với mục đích: Giúp học sinh biết quan sát tìm ý để tả cây bàng (thấy được
đặc điểm của cây ở thời điểm và nơi quan sát cụ thể); Biết lựa chọn từ ngữ chính
xác, gợi tả, có cảm xúc để diễn đạt ý về các đặc điểm chi tiết của cây bàng và
bồi dưỡng lòng yêu thiên nhiên, ý thức bảo vệ môi trường cho học sinh, tôi đã tổ
chức cho học sinh cả lớp quan sát trực tiếp cây bàng trên chính sân trường mình.
bằng hệ thống câu hỏi gợi mở giúp các em quan sát một cách có hiệu quả:
- Tập trung học sinh dưới cây bàng.
- Chia nhóm học sinh - Nêu nhiệm vụ quan sát.
- Nêu các câu hỏi gợi mở cho học sinh quan sát, chẳng hạn:
* Giới thiệu cây bàng định tả.
+ Em hãy quan sát và tả bao quát cảnh sân trường?
+ Cây bàng do ai trồng? có từ bao giờ?
* Hướng dẫn tả bao quát hình dáng của cây.
+ Nhìn từ xa, hình dáng cây bàng như thế nào?
+ Lại gần, em thấy cây bàng như thế nào?
* Tả chi tiết, cụ thể.
+Rễ cây có đặc điểm gì?
+Thân cây có màu gì? nhẵn hay xù xì?
+Từ dưới nhìn lên, em thấy cành cây như thế nào
+Tán bàng ra sao? Lá bàng thế nào? Hoa có đặc điểm gì?
* Cảnh vật xung quanh cây.
+Xung quanh cây bàng có những sự vật gì?
+ Những hôm trời nắng, đứng dưới gốc bàng em thấy thế nào?
*Tác dụng của cây.
+ Cây bàng có ích lợi gì?.....
- Khuyến khích học sinh đưa ra nhận xét riêng của mình khi quan sát.
- HS trả lời và kết hợp ghi chép vào vở nháp.

10



Sau khi tổ chức cho học sinh quan sát trực tiếp cây bàng tại sân trường, tôi
tiếp tục sử dụng phương pháp trực quan, trình chiếu trên máy cho học sinh được
quan sát kĩ hình ảnh của cây bàng trong bốn mùa xuân, hạ, thu, đông, giúp các
em thấy rõ sự khác nhau và thấy được vẻ đẹp riêng độc đáo của cây trong mỗi
mùa. Với các phương pháp và hình thức tổ chức tiết học, tôi thấy lớp học sôi
nổi, học sinh hứng thú tìm tòi các ý mới để miêu tả cây bàng. Sau đó tôi tổ chức
cho các em thực hành làm bài văn viết. Kết quả bài làm của các em khá tốt.
Nhiều bài viết thể hiện được sự quan sát tinh tế, có tính sáng tạo, hình ảnh đẹp,
biết sử dụng hiệu quả các biện pháp tu từ như so sánh, nhân hóa khi miêu tả.
Điều đáng mừng là bài viết của các em đã thể hiện được cảm xúc riêng trước
thiên nhiên. Chẳng hạn:
Đoạn viết của em Minh khi tả cây bàng trong mùa thu: "Khi những làn gió
heo may bắt đầu xuất hiện, cây bàng bỗng trở nên trầm tĩnh và trang nghiêm
như một người lính. Những chiếc lá bàng chuyển sang màu đỏ ối, có vẻ nhỏ hơn
hồi hè, các mép lá quăn lại, nhăn nhăn. Điều đặc biệt chúng em thích nhất là
được ngắm những chiếc lá bàng ấy: màu đỏ như đồng hun làm nổi bật những
đường gân lá màu vàng khỏe khoắn, chằng chịt như màng nhện. Cây bàng nổi
bật lên trong nền xanh thắm của hàng chục loài cây khác trong sân trường..."
Hay đoạn văn tả cây bàng trong mùa đông của em Huyền: "Khi chiếc lá
đỏ cuối cùng của mùa thu lìa cành, cây bàng trở thành một nhân vật đặc biệt
trong sân trường: cây không lá. Ôi chao! nó đứng đó, gồng mình chịu những
đợt gió rét buối của nàng tiên Mùa Đông mà không một lời ca thán. Ngày qua
ngày, những cành bàng khẳng khiu, gầy guộc vươn dài trong không gian giá rét,
hiên ngang và cứng cáp đến bất ngờ..."...
Ngoài ra, nhiều học sinh khác trong lớp chọn tả cây bàng ở thời điểm và
tại nơi quan sát cũng có nhiều đoạn viết hay, hình ảnh chân thực, có sự liên
tưởng, so sánh. Nhiều câu văn mang tính gợi tả, gợi cảm. Chẳng hạn đoạn viết
của em Tuyến khi tả quả bàng: "... Ẩn mình sau kẽ lá là những quả bàng màu
xanh lục, hình tròn và dẹt hai đầu, nhìn hao hao như quả trám. Bởi nó còn non

nên căng mọng một màu xanh thẫm. Nhưng em biết: chỉ một thời gian ngắn nữa
thôi, những quả bàng này sẽ chín, sẽ chuyển sang màu mật ong. Và trong những
tán lá xanh thẫm, ken dày này sẽ lấp ló những chùm quả vàng ươm, ngọt lịm
mời gọi lũ học trò chúng em ..."
Có thể nói rằng với cách thức tổ chức như trên, giờ học đã đạt được hiệu
quả tốt trong việc giúp học sinh tìm hiểu đối tượng mà các em sẽ tả và bồi
dưỡng kĩ năng quan sát, tìm ý cho các em.
Giải pháp 4: Khắc sâu kiến thức ở mỗi tiết học và làm giàu vốn từ ngữ cho
học sính
Mặc dù chương trình không đưa vấn đề cung cấp kiến thức cho học sinh lên
hàng đầu. Song tôi thiết nghĩ trên cơ sở của việc nắm bắt kiến thức, học sinh
mới rèn luyện kĩ năng viết văn đúng và hay. Chẳng hạn, nếu học sinh không hiểu
văn miêu tả là gì thì làm sao các em có định hướng đúng để viết đoạn văn
tả cái cặp, tả cây bút ...

11


Trong phần Ghi nhớ sách giáo khoa Tiếng việt lớp 4 - tập một (trang 140) có
viết: “Miêu tả là vẽ lại bằng lời những đặc điểm nổi bật của cảnh, của người,
của vật để giúp người nghe, người đọc hình dung được các đối tượng ấy”. Để
giúp học sinh khắc sâu được đặc điểm của văn miêu tả như trên, tôi đã giúp học
sinh hiểu thế nào là “vẽ lại bằng lời”, thế nào là “hình dung được đối tượng”.
Tôi đưa ra một đối tượng gần gũi nhất rồi cho học sinh thực hiện lại công việc
“vẽ lại bằng lời”. Học sinh thông qua việc “vẽ lại bằng lời” của bạn sẽ hình dung
được đối tượng miêu tả một cách rõ nét hơn.
Chẳng hạn, để giúp học sinh nắm được và vận dụng tốt về bố cục của một bài
văn, ở tiết “Cấu tạo của bài văn miêu tả đồ vật” - tuần 14, thông qua bài văn
“Cái cối tân”, tôi giúp học sinh khắc sâu: Bố cục bài văn miêu tả đồ vật gồm 3
phần: mở bài, thân bài, kết bài. Đặc biệt, ở mỗi phần đó cần viết những gì? Tác

giả đã viết những gì? Tả ra sao? Tả những nét nổi bật nào của vật? Mặt khác, tôi
cho học sinh thực hành luyện tập thông qua nhiều ví dụ cụ thể để xác định mở
bài, thân bài, kết bài. Và các nội dung trong phần thân bài. Có nắm chắc các
phần và nội dung cần thể hiện trong mỗi phần của bài văn thì khi học sinh viết
mới đảm bảo yêu cầu của một bài văn.
Bên cạnh việc khắc sâu kiến thức ở mỗi tiết học cho học sinh, việc chú ý
mở rộng và làm giàu vốn từ ngữ cho học sinh cũng được tôi đặc biệt quan tâm.
Bởi có vốn từ ngữ phong phú thì học sinh mới có thể viết lên những đoạn,
những bài văn hay.
Chính vì lẽ đó tôi luôn chú trọng làm giàu vốn từ ngữ bằng việc gợi mở, mở
rộng vốn từ cho học sinh trong mỗi tiết học, qua mỗi chủ điểm.
Chẳng hạn, khi cho học sinh tìm từ ngữ nói về chủ đề Lạc quan - Yêu đời,
các em đã tìm được các từ như:
+ vui, vui vẻ, phấn khởi, hăm hở, hân hoan, sung sướng, vui vui, vui nhộn, vui
tươi, vui thích, vui mừng,...
+ cười khanh khách, cười rúc rích, cười tủm tỉm,cười khúc khích, cười ha hả,...
Khi tổ chức cho học sinh sưu tầm từ ngữ nói về sự phát triển của cây lúa từ
khi cấy đến khi gặt, các em đã tìm được khá nhiều từ ngữ hay, sinh động như:
lúa bén rễ, lúa đương thì con gái, lúa tròn mình, lúa phơi màu, lúa uốn câu, lúa
đỏ đuôi, lúa chín đại trà,....
Có rất nhiều đề tài nhỏ có thể gợi cho học sinh tìm từ. Các đề tài này gắn chặt
với các thể văn đang học. Ví dụ: Khi học đoạn văn tả con vật, tôi hướng dẫn cho
học sinh tìm từ ngữ tả hình dáng, màu sắc, hoạt động, ... của con vật.
Làm giàu vốn từ cho học sinh giúp các em dùng từ chính xác, sát thực, phù
hợp, tránh được lối viết câu, dùng từ tối nghĩa, lủng củng. Thông qua tiết học
Luyện từ và câu, Tập đọc, tôi giúp học sinh củng cố, hệ thống hóa, mở rộng từ
ngữ thuộc chủ đề, chủ điểm đã học. Bên cạnh đó, thông qua giao tiếp hằng ngày,
tôi lưu ý học sinh sử dụng hợp lí các từ ngữ trong từng tình huống giao tiếp. Mặt
khác, giúp học sinh biết lựa chọn từ ngữ chính xác trong mỗi văn cảnh - tức là
sử dụng từ ngữ khi làm văn cho đúng sắc thái.


12


Ví dụ: Các em đã lựa chọn một trong các từ ngữ cho, biếu, tặng vào trong văn
cảnh sau:
“ Nhân dịp đầu năm học mới , bố đã .... em một món quà rất đáng yêu. Đó là
một cái cặp xinh xắn”.
Rõ ràng trong văn cảnh trên, các em sẽ không lựa chọn từ “cho” hay từ “biếu”
để điền vào chỗ chấm. Chọn từ ngữ “mua cho” cũng có thể được nhưng hợp lí
hơn cả là từ “tặng”.
Trong các tiết luyện viết đoạn văn, xây dựng đoạn văn, tôi đã giúp học sinh
tìm các từ cùng nghĩa, trái nghĩa và lựa chọn một cách đúng đắn khi viết một
câu, một đoạn. Chẳng hạn, tả âm thanh của cái khóa cặp khi mở ra có thể là:
lách cách, lách tách, một cái tạch,....
Bên cạnh đó, việc theo dõi, phát hiện cách dùng từ sai khi học sinh viết
đoạn văn vào vở cũng được tôi chú trọng sửa chữa, uốn nắn kịp thời. Với những
lỗi dùng từ phổ biến, tôi viết ngay lên bảng và giúp học sinh tự sửa lỗi. Ở các
tiết trả bài, tôi tổ chức cho học sinh tự tìm các lỗi trong bài làm của mình hoặc tự
sửa các lỗi đã được cô chỉ ra trong bài văn.
Ví dụ: Với đề bài ra là "Em hãy tả một cây hoa đang độ đẹp vào ngày
xuân". Học sinh đã làm bài theo yêu cầu. Trong đó có đoạn một học sinh viết:
"... Trong làn gió xuân lồng lộng, những cánh đào bắt đầu hé nở. Mỗi cánh hoa
cong cong, khum lại như muốn bảo vệ nhụy hoa rực rỡ bên trong. Đài hoa xanh
mướt, non tươi, đầy rẫy sức sống của ngày xuân ..."
Rõ ràng trong đoạn văn trên, học sinh đã tả được vẻ đẹp của bông hoa đào
với sự quan sát khá chi tiết các bộ phận của bông hoa, biết đặt vẻ đẹp của hoa
trong không khí của mùa xuân. Tuy nhiên có một số từ ngữ em sử dụng chưa
phù hợp. Khi trả bài, tôi đã thực hiện giúp các em sửa lỗi sai theo các bước sau:
Bước 1: Viết đoạn văn cần chữa lên bảng, cho học sinh đọc to đoạn văn, sau đó

yêu cầu các em tìm các từ dùng chưa phù hợp.
Bước 2: Yêu cầu học sinh lên bảng gạch dưới các từ cần sửa, thay thế. Giáo viên
công nhận hoặc bổ sung các từ cần sửa trong đoạn đó.
( Học sinh đã gạch dưới các từ: lồng lộng, rực rỡ, đầy rẫy )
Bước 3: Yêu cầu học sinh tìm và nêu các từ có thể thay thế.
( Học sinh đã nêu phương án: từ "ấm áp" thay cho từ "lồng lộng", từ "nhỏ bé"
thay cho từ "rực rỡ", từ " tràn trề" thay cho từ "đầy rẫy" ...)
Bước 4: Yêu cầu học sinh giải thích tại sao em lại sử dụng được các từ ngữ đó
để thay thế cho từ ngữ không phù hợp trong đoạn văn.
Bước 5: Cho học sinh đọc lại đoạn văn sau khi đã sử dụng các từ thay thế.
Bước 6: Củng cố cách sử dụng từ ngữ phù hợp với từng văn cảnh trong làm bài
văn miêu tả.
Muốn nâng cao chất lượng bài văn miêu tả, khâu làm giàu vốn từ ngữ
không thể bỏ qua. Vì thế tôi đã chú ý luyện cách sử dụng phù hợp các từ ngữ
gợi hình ảnh, gợi âm thanh, từ cùng nghĩa, gần nghĩa, trái nghĩa cho các em.
Giải pháp 5: Luyện viết câu văn ngắn gọn, xúc tích, dùng đúng các dấu câu.
Thực trạng cho thấy nhiều học sinh chưa biết dùng dấu câu đúng trong viết

13


văn. Có những bài văn, học sinh dùng dấu câu rất tùy tiện.
Ví dụ: Trong bài văn yêu cầu miêu tả một đồ chơi, một học sinh chọn tả cánh
diều tuổi thơ, có học sinh đã sử dụng dấu câu sai. Đoạn viết như sau: "...Chiếc
diều không lớn lắm. Được cắt dán tỉ mỉ, hình thoi, và có duôi dài. Được bố tô
nhiều màu sắc rất sặc sỡ. Ở gần đuôi diều. Bố có lắp một chiếc sáo nhỏ. Khi thả
diều phát ra tiếng sáo vi vu nghe tất vui tai, dây diều được làm bằng sợi dây dù
trắng. Rồi được cuốn vào một cái cán gỗ, cái diều của em bay rất cao. Tiếng
sáo thì trong và vang. Nghe du dương đến lạ ..."
Để khắc phục tình trạng này, ngay khi luyện cho học sinh viết đoạn văn,

tôi đã giúp học sinh ngắt nhỏ các ý khi diễn đạt bằng cách dùng dấu phẩy. Một
mặt giúp học sinh ghi nhớ một số dấu hiệu nhận biết cách dùng dấu câu đúng,
một mặt tạo cho học sinh thói quen. Đối với bài làm này, tôi đã tiến hành sửa sai
cho học sinh cụ thể là: Cho học sinh (hoặc chính giáo viên) đọc lên đoạn văn đó,
nêu những chỗ em đã dùng dấu câu, nếu chỗ nào chưa có dấu câu thích hợp thì
yêu cầu học sinh suy nghĩ để lựa chọn, nếu dùng sai dấu câu thì tôi giúp học sinh
thấy được chỗ chưa hợp lí và sửa chữa kịp thời.
Kết quả đoạn văn các em tự sửa là: "...Chiếc diều không lớn lắm, được
cắt
dán tỉ mỉ, hình thoi và có duôi dài, được bố tô nhiều màu sắc rất sặc sỡ. Ở gần
đuôi diều, bố có lắp một chiếc sáo nhỏ. Khi thả diều, tiếng sáo phát ra vi vu
nghe tất vui tai. Dây diều được làm bằng sợi dây dù trắng rồi được cuốn vào
một cái cán gỗ. Cái diều của em bay rất cao. Tiếng sáo thì trong và vang, nghe
du dương đến lạ ..."
Điều quan trọng là sau mỗi bài tập sửa cách sử dụng dấu câu như thế, tôi
đã chú ý khắc sâu kiến thức về việc sử dụng dấu câu, phải để học sinh tự giải
thích được: Tại sao ở vị trí đó trong câu em lại dùng dấu phẩy, dấu chấm? (Hoặc
các dấu câu khác)
Mặt khác, trong các tiết luyện tập viết văn, tôi đã tổ chức và hướng dẫn
học sinh viết nháp, gọi một số học sinh nêu kết quả, giúp học sinh sửa cách dùng
từ, cách diễn đạt, đưa ra phương án diễn đạt hay cho học sinh học tập. Sau đó
học sinh mới viết lại đoạn văn vào vở. Với những câu văn học sinh viết dài
dòng, không sáng ý, tôi thường yêu cầu học sinh nêu ý em cần thông báo là gì
rồi tập cho học sinh sắp xếp, lựa chọn từ ngữ để viết cho đảm bảo nội dung.
Giúp học sinh viết câu ngắn gọn không có nghĩa là phải chắt lọc cốt sao
cho đúng mà còn phải biết diễn đạt câu văn sao cho sinh động, gợi hình ảnh, âm
thanh. Ví dụ: Nếu học sinh viết: “ Búp bê của em có mái tóc đen và ngắn” sẽ
không sinh động bằng “Cô nàng búp bê ấy có mái tóc ngăn ngắn, đen và mượt
mà như nhung”.
Vì vậy khi luyện cho học sinh viết đoạn văn, bài văn, đặc biệt là phần thân

bài, tôi đã hướng dẫn và giúp cho học sinh diễn đạt câu văn được rõ ràng, mạch
lạc, sinh động, giàu hình ảnh bằng cách sử dụng hợp lí các từ láy, các biện pháp
tu từ, từ gợi tả, gợi cảm, có thể mở rộng nòng cốt câu nhưng lời văn phải rõ
ràng, tránh trùng lặp.

14


Việc lựa chọn, sử dụng linh hoạt các từ ngữ trong mỗi câu văn là một kĩ
năng khó, đòi hỏi học sinh phải luyện viết nhiều thì mới có được. Có thể học
sinh sẽ ngại viết nhiều. Do đó tôi đã thường xuyên động viên, khuyến khích học
sinh, đồng thời chú ý bồi dưỡng cho các em lòng yêu thích văn học.
Giải pháp 6: Hướng dẫn học sinh sử dụng hiệu quả các biện pháp tu từ đã
học.
Sử dụng các biện pháp tu từ trong bài văn là một nghệ thuật tinh tế, đòi hỏi
học sinh phải có trí tưởng tượng phong phú và khả năng tư duy logic. Ở bậc
Tiểu học, các biện pháp tu từ thường được sử dụng là: Nhân hóa, so sánh, điệp
từ. Trong đó phổ biến nhất là biện pháp nhân hóa và so sánh.
Trong văn miêu tả, sử dụng so sánh là một biện pháp tạo hình khiến sự vật
được so sánh trở nên đẹp đẽ, sinh động, hấp dẫn, cụ thể, lôi cuốn sự chú ý cho
người đọc, người nghe. Còn sử dụng nhân hóa để thể hiện kín đáo tình cảm, cảm
xúc, thái độ, sự đánh giá đối với sự vật, hiện tượng, làm cho đối tượng không
phải là con người lại mang dấu hiệu, thuộc tính của con người.
Xuất phát từ những suy nghĩ trên, khi dạy viết văn miêu tả, tôi đã rèn cho
học sinh kĩ năng sử dụng các biện pháp so sánh, nhân hóa. Muốn đạt được điều
đó, người giáo viên phải dạy tốt phân môn Luyện từ và câu, chú trọng ôn tập,
củng cố kiến thức, đặc biệt là phép so sánh, nhân hóa đã học ở lớp dưới, phát
hiện được giá trị nghệ thuật được sử dụng trong các bài tập đọc, học thuộc lòng
hay học thêm của phân môn Tập đọc.
Để giúp học sinh sử dụng có hiệu quả biện pháp so sánh khi làm văn, tôi

giúp học sinh tìm được những nét giống nhau, nét tương đồng giữa hai sự vật
được đem so sánh với nhau, lúc đó việc so sánh mới có hiệu quả và bài văn mới
trở nên sinh động, có hồn, các sự vật được miêu tả mới trở nên gần gũi và thân
thuộc. Tất cả mọi đồ vật xung quanh các em đều có thể gọi bằng những từ ngữ
thân thương: Bác nồi đồng, chị chổi, anh bút mực, cô nàng cặp sách,.... Hoặc
chỉ cần miêu tả một hoạt động nào đó của sự vật như hoạt động của con người,
hoặc hãy làm cho sự vật biết nói như con người, hoặc hãy nói với sự vật như nói
với người. Như vậy là em đã biết sử dụng biện pháp nhân hóa trong viết văn.
Mặt khác, tôi cho học sinh tự tìm thêm các câu thành ngữ có nội dung so sánh để
học sinh có thể vận dụng khi làm văn.
Bên cạnh đó tôi tích cực rèn kĩ năng sử dụng biện pháp nghệ thuật thông
qua các dạng bài tập thực hành sau:
Dạng 1: Điền vào chỗ chấm để có hình ảnh so sánh, nhân hóa.
Bài tập 1: Em hãy tìm những hình ảnh so sánh thích hợp điền vào chỗ chấm để
câu văn có hình ảnh so sánh phù hợp nhất:
a) Tiếng ve đồng loạt cất lên như ..................................... ( một dàn đồng ca)
b) Hoa chuối thập thò, hoe hoe đỏ như ............................. ( một mầm lửa non)
Bài tập 2: Em hãy chọn từ ngữ thích hợp viết vào chỗ chấm để các câu sau có
hình ảnh nhân hóa:
a) Mấy con chim đang ríu rít ............................... trên cành cây cao. (trò chuyện)
b) Những bông hoa đang ...................................... trong nắng sớm. (tươi cười)

15


Dạng 2: Thay thế từ ngữ để có hình ảnh so sánh, nhân hóa.
Bài tập 1: Hãy chọn những từ ngữ trong ngoặc, thêm từ "như" và thay thế các từ
in nghiêng để các câu văn sau có hình ảnh so sánh:
- Đất nước mình đâu cũng đẹp. ( một bài ca, một bức tranh, một bản nhạc)
- Cây bàng to tỏa bóng mát rượi. (một cây nấm, một chiếc ô khổng lồ, một cái

nón)
Bài tập 2: Em hãy lựa chọn từ ngữ để viết lại các câu sau cho có hình ảnh nhân
hóa:
a) Con gà mái có bộ lông màu vàng rất đẹp.
(Chị gà Mái khoác trên mình bộ lông vàng mượt như nhung trông rất đẹp.)
b) Con mèo hung chạy rất nhanh, vồ được ngay con chuột to tướng.
(Chú Mèo Hung lướt nhanh như chớp và chộp được ngay thằng chuột béo múp.)
Dạng 3: Luyện viết câu văn, đoạn văn có sử dụng biện pháp so sánh, nhân
hóa.
Bài tập 1: Em hãy sử dụng biện pháp so sánh để diễn đạt lại các câu sau cho sinh
động, gợi cảm:
a) Cô giáo của em rất trẻ và luôn tận tụy giảng bài.
b) Gà mẹ ra sức bảo vệ đàn con.
Bài tập 2: Em hãy viết một đoạn văn có sử dụng biện pháp so sánh để tả một con
vật em yêu thích.
Bài tập 3: Em hãy sử dụng biện pháp nhân hóa để diễn đạt các ý sau bằng nhiều
câu khác nhau:
a) Vườn cây nhà em đẹp.
b) Cây bàng trường em cao.
Bài tập 4: Em hãy viết một đoạn văn có sử dụng biện pháp nhân hóa để tả cảnh
gà mẹ chăm sóc, bảo vệ con.
Như vậy, bằng việc thông qua hệ thống bài tập như trên, tôi đã giúp học
sinh rèn kĩ năng sử dụng biện pháp so sánh, nhân hóa để viết văn một cách tích
cực và hiệu quả. Hoạt động đó cần được rèn luyện theo hướng từ dễ đến khó, từ
hệ thống bài tập dẫn đến việc vận dụng một cách thành thạo trong viết đoạn văn,
bài văn hoàn chỉnh. Chúng ta khẳng định: Một bài văn hay không thể thiếu việc
sử dụng các biện pháp tu từ và đó chính là một biện pháp quan trọng khi dạy học
sinh viết văn miêu tả.
Giải pháp 7: Nâng cao năng lực cảm thụ văn cho học sinh.
Cũng như tất cả các môn học khác, môn Tiếng việt góp phần giáo dục

thẩm mĩ cho học sinh. Thông qua các bài Tập đọc, học thuộc lòng, tôi chú ý giúp
học sinh cảm nhận được cái hay, cái đẹp trong thơ văn. Đó là cái hay, cái đẹp
của thiên nhiên, của con người trong quan hệ đối xử, trong lời ăn tiếng nói, là sự
hoàn thiện về phẩm chất của mỗi con người.
Cảm thụ được vẻ đẹp của thơ văn giúp học sinh viết văn có cảm xúc, biết
học tập cách viết văn hay. Vì vậy trong các tiết học, nhất là giờ học Tập đọc, tôi
giúp học sinh cảm nhận được nội dung ý nghĩa và nghệ thuật của mỗi bài thơ,
nâng cao kĩ năng đọc diễn cảm, biết hóa thân vào nội dung câu chuyện và hiểu

16


những điều được gửi gắm trong bài. Từ đó, trong tâm hồn các em được “chắt
dồn” những lời hay ý đẹp. Những cảm xúc và những hiểu biết trẻ thơ đó góp
phần làm cho bài văn bay bổng hơn, dễ đi vào lòng người hơn.
Ví dụ: Khi hướng dẫn học sinh tìm hiểu nội dung, ý nghĩa bài tập đọc "Bè xuôi
sông La", để giúp học sinh cảm nhận được vẻ đẹp của dòng sông quê hương và
tình cảm yêu quê hương của tác giả, đồng thời thấy được nghệ thuật mà tác giả
sử dụng trong bài, tôi đã tập trung hướng dẫn học sinh khai thác đoạn thơ:
"... Sông La ơi sông La
Trong veo như ánh mắt
Bờ tre xanh im mát
Mươn mướt đôi hàng mi…"
Sau khi học sinh đọc thầm đoạn thơ, tôi yêu cầu học sinh thảo luận theo
ba câu hỏi:
H: Khổ thơ miêu tả những nét đẹp gì của dòng sông La?
H: Qua khổ thơ, em thấy được tình cảm của tác giả đối với dòng sông quê
hương như thế nào?
H: Tác giả đã sử dụng nghệ thuật gì khi miêu tả vẻ đẹp của dòng sông?
Dựa trên ý hiểu và cách diễn đạt của học sinh, tôi đã giúp các em thấy:

Trong đoạn thơ, tác giả đã sử dụng thành công nghệ thuật so sánh (so sánh
nước dòng sông trong veo như ánh mắt). Qua đó thể hiện được một cách tài tình
vẻ đẹp của dòng sông quê hương. Vẻ đẹp đó thể hiện qua hình ảnh làn nước như
ánh mắt trong trẻo, chứa chan tình người, qua hình ảnh những bờ tre xanh mát
rủ bóng đôi bờ, xinh đẹp và đáng yêu như hàng mi thiếu nữ. Đoạn thơ đồng thời
thể hiện tình cảm yêu thương tha thiết và sự gắn bó sâu nặng của tác giả đối với
dòng sông quê hương.
Trong giờ học đó, học sinh thực sự có hứng thú trong học tập, các em tích
cực nêu ý kiến cá nhân, đặc biệt sự xúc cảm thể hiện rõ ở từng học sinh. Bởi
hình ảnh dòng sông quê là hình ảnh gần gũi, quen thuộc với các em rồi.
Để kiểm nghiệm khả năng thẩm thấu văn bản và khả năng vận dụng kiến
thức liên môn, trong thời gian đó tôi đã yêu cầu học sinh làm một đề văn là: "Em
hãy tả lại cảnh dòng sông quê em". Trong bài làm của mình, nhiều học sinh đã
miêu tả rất chân thực và sinh động hình ảnh dòng sông trà giang chảy qua chính
làng em, gần trường học của các em. Bởi dòng sông ấy rất gần gũi và đã gắn bó
với các em nên bài làm đã thể hiện được sự quan sát khá tinh tế. Bên cạnh
những câu văn miêu tả sinh động, gợi cảm, mang nét hồn nhiên tươi vui của trẻ
thơ, các em còn nói được những hoạt động của con người gắn với dòng sông
một cách giàu cảm xúc.
Giải pháp 8: Rèn luyện đức tính kiên trì bền bỉ cho học sinh khi làm bài.
Cha ông ta đã đúc kết: “Văn ôn võ luyện”. Đúng vậy, nếu học làm văn mà
chỉ lướt qua cách làm bài một lần thì chưa thể có được một bài văn hay và hoàn
chỉnh. Đặc biệt, đặc điểm học sinh tiểu học là rất mau quên. Bởi vậy, với các kĩ
năng cần rèn luyện, tôi thường cho học sinh thực hành nhiều lần. Để giúp cho
mọi học sinh có kĩ năng làm văn tốt thì yếu tố thời gian là rất cần thiết. Trong

17


các tiết học, tôi tổ chức cho học sinh luyện viết đoạn văn nhiều lần, giúp các em

chỉnh sửa, bổ sung để có những đoạn văn hay và hoàn chỉnh. Với những em viết
văn còn lỗi chính tả thì đây là thời gian tốt nhất giúp các em khắc phục các lỗi
đó. Tùy theo từng đối tượng học sinh, tôi cho các em tự đánh giá và phân chia
nhóm để tổ chức luyện tập viết văn cho phù hợp. Chẳng hạn:
- Những học sinh có năng khiếu viết văn: Tôi yêu cầu các em viết nâng cao
(sử dụng các biện pháp tu từ một cách linh hoạt và sáng tạo), viết theo nhiều
phong cách khác nhau, hoàn chỉnh một bài văn miệng để các bạn trong lớp học
tập, rút kinh nghiệm.
- Những học sinh có khả năng hoàn thành bài viết theo yêu cầu: Tôi giúp học
sinh rèn viết câu đúng, dùng từ đặt câu phù hợp, bố cục bài văn đầy đủ, rõ ràng.
Tuy nhiên giáo viên cũng cần yêu cầu học sinh nâng cao dần.
- Những học sinh gặp khó khăn khi thực hiện nhiệm vụ: Tôi giúp học sinh
luyện viết đúng bố cục bài văn, biết dùng từ đặt câu và sử dụng dấu câu, tập diễn
đạt dùng từ phù hợp, khắc phục các lỗi chính tả, ngữ pháp.
Ngoài giờ học trên lớp, tôi hướng dẫn học sinh cách học tập làm văn ở
nhà. Đó là việc tạo thói quen quan sát sự vật, tập nói câu có hình ảnh, thường
xuyên trau dồi ngôn ngữ nói cũng như ngôn ngữ viết... Đặc biệt là động viên
các em kiên trì, chịu khó luyện viết nhiều lần đoạn văn, bài văn nếu bản thân em
chưa thấy ưng ý. Tạo cho học sinh thói quen nháp bài - dù là đoạn văn hay bài
văn, chỉnh sửa cẩn thận (Có thể tự em sửa hay nhờ người thân góp ý hay nhờ
thầy cô chỉnh sửa, bổ sung) trước khi viết bài chính thức.
Tóm lại: Trên đây là một số “ Kinh nghiệm giúp học sinh lớp 4 học tốt
văn miêu tả” mà tôi đã áp dụng dạy trong năm học 2018 - 2019. Trong quá trình
giảng dạy và nghiên cứu, tôi đã có những phân tích, so sánh, đối chiếu và nhận
thấy việc áp dụng các biện pháp dạy học trên rõ ràng có kết quả tốt hơn, có
nhiều ưu thế trong quá trình hướng dẫn học sinh học tập, giúp các em hoàn
thành nhiệm vụ học tập của mình.

4. Hiệu quả của sáng kiến kinh nghiệm.
4.1. Đối với bản thân và đồng nghiệp trong trường.

Qua tìm tòi, nghiên cứu, vận dụng các biện pháp dạy học giúp học sinh
lớp 4 học tốt văn miêu tả vào thực tế dạy học, tôi thấy:
- Nhờ sự chủ động của người dạy, sự tổ chức hoạt động cho người học một
cách nhịp nhàng, hướng dẫn tỉ mỉ, hợp lí dẫn đến hiệu quả giờ dạy cao hơn.
- Bằng các phương pháp dạy học và hình thức tổ chức linh hoạt khi thực hiện
các biện pháp dạy học đã nêu, giáo viên có thời gian quan tâm đến từng học
sinh. Học sinh được thực hành quan sát trên thực tế nhiều dẫn đến kết quả làm
văn miêu tả nói riêng và chất lượng môn Tiếng Việt nói chung tốt hơn.

4.2. Đối với học sinh.
- Do được hoạt động độc lập, tích cực và chủ động, được quan tâm bồi dưỡng
đúng năng lực, phát huy được vốn hiểu biết để vận dụng vào viết văn nên học
sinh hào hứng, sôi nổi trong học tập. Kết quả làm bài của mỗi em có thể hiện
được dấu ấn cá nhân - Là điều quan trọng nhất trong viết văn.

18


- Học sinh được luyện nói nhiều, phát huy được tính độc lập sáng tạo, tự tìm tòi
khám phá và biết thể hiện cái mới, cái riêng trong bài văn.
Kết quả khảo sát sau khi thực nghiệm phần viết văn miêu tả là:
Số HS
25

Hoàn thành Tốt
(Mức điểm 9- 10)
SL
TL
10
40,0


Hoàn thành
(Mức điểm 5-8)
SL
TL
14
60,0

Chưa hoàn thành
(Mức điểm dưới 5)
SL
TL
0
0

Như vậy, qua tìm hiểu và điều tra, cho thấy các bài tập cũng như các bài
kiểm tra viết văn miêu tả, các em làm bài khá tốt. Số học sinh đạt điểm 9,10
tăng, phần lớn học sinh đạt điểm 7, 8. và điều đáng mừng là không còn học sinh
có điểm dưới 5. Chất lượng viết văn miêu tả đã được nâng lên rõ rệt.
III. KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ
1. Kết luận.
Môn Tiếng việt nói chung, phân môn Tập làm văn nói riêng góp phần quan
trọng trong việc hoàn thành mục tiêu giáo dục Tiểu học. Là cơ sở giúp học sinh
phát triển năng lực cá nhân, hình thành kĩ năng giao tiếp, kĩ năng sản sinh văn
bản một cách khả quan.
Cùng với sự đổi mới về nội dung là việc đổi mới các phương pháp dạy học.
Đó là quá trình dạy học có sự kết hợp nhuần nhuyễn các phương pháp dạy học
truyền thống với các phương pháp dạy học đặc thù của bộ môn sao cho phát
huy được khả năng sáng tạo, độc lập, chủ động, tích cực của học sinh trong quá
trình học tập.

Việc tổ chức cho học sinh được trải nghiệm thực tế trong quá trình dạy văn
miêu tả là một hướng đi đúng đắn, cần thiết, giúp học sinh phát triển được tư
duy và rèn hiệu quả kĩ năng diễn đạt khi làm văn.
2. Kiến nghị.
Là một giáo viên Tiểu học, tôi đã mạnh dạn nghiên cứu và tiến hành thực
nghiệm đối với phân môn Tập làm văn - phần viết văn miêu tả đối với học sinh
khối lớp 4, nhằm trang bị cho mình vốn kiến thức, kĩ năng nhất định và mong
muốn thành công hơn trong công tác của mình. Tôi thấy, muốn học sinh học tốt
hơn môn Tiếng Việt, đặc biệt là phân môn Tập làm văn, phần viết văn miêu tả,
cho học sinh lớp 4 mỗi giáo viên cần:
- Tăng cường thời lượng cho học sinh quan sát thực tế trước khi cho học sinh
làm bài văn miêu tả.
- Tuy tài liệu chỉ là tham khảo trong quá trình lên lớp, song trong kế hoạch bài
học của mình, giáo viên vẫn cần nêu cụ thể hơn các hoạt động của thầy và trò,
cách thức tiến hành trong một tiết dạy, không nên chung chung quá, bởi điều này
phần nào gây khó khăn cho giáo viên khi lên lớp - Trong lúc tổ chức các hoạt
động học tập và phân bố thời gian.
- Bản thân giáo viên phải không ngừng học hỏi và sáng tạo trong việc sử dụng
phương pháp và tổ chức các hình thức dạy học.

19


Trên đây là toàn bộ nội dung nghiên cứu “ Một số kinh nghiệm giúp học
sinh lớp 4 học tốt văn miêu tả ”, đã được áp dụng vào thực tế giảng dạy của tôi
và đã có chuyển biến tốt về chất lượng học sinh. Sáng kiến này cũng đã được
các đồng nghiệp trong trường nghiên cứu và bước đầu vận dụng một cách hiệu
quả. Tôi tin rằng nếu sáng kiến này được phổ biến rộng đến các đơn vị bạn thì sẽ
giúp giáo viên khắc phục được những hạn chế trong dạy học Tập làm văn nói
chung và nâng cao chất lượng viết văn miêu tả cho học sinh nói riêng. Song do

thời gian có hạn nên những điều tôi nghiên cứu và trình bày trong sáng kiến
kinh nghiệm khó tránh khỏi tồn tại nhất định. Vì vậy, tôi rất mong nhận được sự
góp ý của các đồng nghiệp trong trường, của lãnh đạo chuyên môn các cấp, để
nội dung sáng kiến kinh nghiệm được đầy đủ hơn và được ứng dụng vào dạy
học với kết quả cao nhất.
XÁC NHẬN CỦA THỦ
TRƯỞNG ĐƠN VỊ

Hậu Lộc, ngày 12 tháng 3 năm 2019.
Tôi xin cam đoan đây là SKKN của
mình viết, không sao chép nội dung của
người khác.
Người viết:

Trịnh Thị Hòa

20



×