Tải bản đầy đủ (.doc) (3 trang)

TÊN NHÂN VẬT TRONG TÁC PHẨM VĂN HỌC

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (91.03 KB, 3 trang )

TÊN NHÂN VẬT TRONG TÁC PHẨM VĂN HỌC


Trần Quang Đại


Nguyễn Minh Châu là nhà văn rất chi chút cho cái tên các nhân vật của
mình. Có lẽ xuất thân “đồ Nghệ” thâm thúy nên nhà văn thường đặt tên cho
nhân vật của mình những cái tên ẩn chứa nhiều ý nghĩa, phù hợp với ý đồ
nghệ thuật của tác phẩm. Truyện ngắn “Mảnh trăng cuối rừng” với cặp đôi
Nguyệt (trăng)-Lãm (nhìn, thưởng thức) đã rất quen thuộc. Chị của nhân vật
Lãm là Tính, cũng rất hợp với nhiệm vụ “mai mối”, tính toán, sắp đặt nên
một mối tình đẹp đẽ giữa người chiến sĩ lái xe với cô thanh niên xung
phong. Trong tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa”, tên các nhân vật cũng
được “thiết kế” một cách rất dụng công: Phùng nghĩa là gặp gỡ, kết quả của
sự kiếm tìm cái đẹp, chân lý nghệ thuật và chân lý cuộc sống. Đẩu có một
nghĩa là cái đấu để đong thóc gạo, phải chăng thể hiện vai trò “cầm cân nẩy
mực” trong cán cân công lý của anh ta (chánh án huyện), còn Phác nghĩa là
mộc mạc, chất phác-những phẩm chất của người dân quê. Trong truyện
“Phiên chợ Giát”, Nguyễn Minh Châu đã đặt cho nhân vật “chân quê” của
mình một cái tên độc đáo “lão Khúng”; cái tên vừa quê mùa, vừa nói lên
được tính cách xù xì, số phận nhiều trắc trở, cay đắng…

Mở đầu tác phẩm “A.Q chính truyện”, văn hào Lỗ Tấn đã thuyết minh kĩ
lưỡng về xuất xứ, ý nghĩa của cái tên rất đặc biệt của nhân vật trung tâm.
A.Q là một cái tên không có xuất xứ, chẳng biết viết sao cho đúng, Tây
chẳng ra Tây, Tàu chẳng ra Tàu, rất phù hợp với thành phần xuất thân, tính
cách “dở ông dở thằng” của nhân vật, vừa có ý mỉa mai những kẻ lai căng vô
lối, tính chất nước đôi của cuộc cách mạng Tân Hợi, lại thể hiện được “quốc
dân tính” hay “nhân loại tính” của nhân vật... Tóm lại, tên nhân vật A.Q góp
phần làm nên tầm vóc của kiệt tác. Trong một tác phẩm có những nét tương


đồng có xuất xứ Việt Nam là “Chí Phèo” của Nam Cao, nhiều người đã phân
tích quá trình tha hóa của nhân vật, từ “anh Chí” hiền lành lương thiện thành
“thằng Chí Phèo” hung dữ, coi trời bằng vung. Và cũng khó có cái tên nào
đắc địa hơn Thị Nở, dành cho một nhân vật xấu đến “ma chê quỷ hờn”. Cái
tên Bá Kiến phải chăng thể hiện “cao kiến” của một kẻ thống trị nhà nghề,
còn Lí Cường thì ngầm chỉ tính chất “hữu dũng vô mưu” của hắn (Cường
nghĩa là sức mạnh)?

Về nhân vật Trạch Văn Đoành trong truyện ngắn “Đôi móng giò”, Nam Cao
đã “cảm thán”: “Ngay cái tên cũng khó nghe rồi. Thà cứ là Kèo, là Cột, hay
là Hạ, là Đông. Là gì cũng còn dễ nghe. Nhưng hắn ta lại là Trạch Văn
Đoành. Nghe như súng thần công. Nó chọc vào lỗ tai”. Đúng là một cái tên
không tiền khoáng hậu, “đồng thanh tương ứng” với hình dáng cổ quái, tính
cách ương bướng, phá phách, cách xử sự khác thường của anh ta.
Nam Cao quả là “sâu sắc nước đời” trong việc chọn tên cho các nhân vật
của mình, hoặc phản ánh số phận, tính cách, hoặc thể hiện ý nghĩa về mặt
văn hóa…Đó là Bịch, Hài, Lộ, Đĩ Chuột, Lang Rận, Dần, lão Hạc, Lý
Nhưng…Dĩ nhiên là có nhiều nhân vật có những cái tên có vẻ ngẫu nhiên,
song chính đó cũng là một thủ pháp nghệ thuật, để phản ánh cuộc sống như
nó vốn có. Đây cũng là thủ pháp được sử dụng khá phổ biến trong văn học
hiện đại. Vì vậy đối với một số trường hợp, việc “cố tìm mà hiểu” tên nhân
vật chỉ lãng phí thời gian.
Tên nhân vật thường phản ánh phong cách nhà văn và không khí của tác
phẩm. Tên các nhân vật trong sáng tác của Thạch Lam thường mang một vẻ
hiền lành, trong sáng, thậm chí toàn thanh không dấu: Lan, Sơn, mẹ Lê, cụ
Thi, An, Liên…

Còn thế giới nhân vật trong “Số đỏ” của Vũ Trọng Phụng rất ấn tượng với
những cái tên lố lăng, quái dị hay rởm đời…nói chung là đậm chất trào
phúng: Xuân Tóc đỏ, Típ-phờ-nờ (Typn), “Văn-Minh”, Phó Đoan, cậu Tú

Tân, cảnh sát Min-đơ, Min-toa, ông Phán Mọc sừng, lang Tỳ, lang Phế…
Tương tự, Nguyễn Công Hoan đã “phổ”chất trào phúng khá rõ nét vào tên
những nhân vật của mình mà độc đáo nhất là cô Kếu trong truyện ngắn “Cô
Kếu, gái tân thời”. Thậm chí đã hình thành câu thành ngữ hiện đại có xuất
xứ từ sáng tác này: “cô kếu tân thời”. Một người nào đó tuy chưa biết đến
sáng tác của Nguyễn Công Hoan, nhưng vẫn có thể đoán được ý nghĩa của
câu thành ngữ trên, bởi “kếu” tuy không có nghĩa trong từ điển, nhưng lại
biểu thị một cái gì đó lai căng, kệch cỡm, lố bịch, oái ăm, thiếu thiện cảm…
Truyện ngắn “Tinh thần thể dục” của Nguyễn Công Hoan được đưa vào
chương trình đọc thêm trong SGK cũng có nhiều nhân vật với những cái tên
khá ấn tượng: Mịch, phó gái, phó Bính, thằng Cò…

Thế giới nhân vật trong truyện ngắn “Rừng xà nu” của Nguyễn Trung
Thành mang đậm màu sắc Tây Nguyên: Tnú, Dít, Heng, cụ Mết, bà Nhan,
bà Xút, ông Tâng, cụ Leng, anh Pre, chị Plom…Riêng việc đặt tên cho nhân
vật trung tâm đã khiến nhà văn trăn trở không ít: “…Tôi sẽ viết chuyện cuộc
khởi nghĩa của anh Đề, cuộc đời, số phận của anh Đề. Tôi có ngay cảm giác
phải tìm một cái tên khác cho anh Đề. Tên Đề nó “Kinh” quá, người Kinh
quá. Tnú, tôi gọi anh bằng tên ấy. Nó “không khí” hơn nhiều…”(1). Mặc dù
anh Đề chính là nguyên mẫu ở ngoài đời, một thanh niên dân tộc thiểu số,
nhưng nhà văn vẫn quyết định “thay tên đổi họ”, và chính điều ấy góp phần
làm nên thành công của tác phẩm. Đây là minh chứng cho chân lý nhân vật
văn học thật hơn cả sự thật ngoài đời.
Trong nhiều tác phẩm, có những nhân vật không có tên (không gọi tên).
Trừ những nhân vật quá phụ, quá mờ nhạt thì việc nhà văn không gọi tên
nhân vật cũng có dụng ý nhất định, phổ biến nhất là thể hiện tính chất phổ
biến, đại chúng, hoặc tính chất “dưới đáy” của thân phận con người: nhân
vật người “vợ nhặt” trong truyện cùng tên của Kim Lân, nhân vật người phụ
nữ hàng chài trong truyện “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh
Châu…Đôi khi, kiểu nhân vật không gọi tên hay tên được viết tắt cũng gợi

nên một nét huyền bí hay ngẫu nhiên nào đấy.

Nghĩ ra một cái tên cho nhân vật là một công việc vừa vất vả, vừa thú vị
của nghề văn. Về vấn đề này, có lẽ cần phải có một vài công trình nghiên
cứu công phu, kĩ lưỡng, ví dụ “Thi pháp đặt tên nhân vật trong văn xuôi Việt
Nam hiện đại” (hay của một nhà văn nào đó) chẳng hạn, chắc sẽ hứa hẹn
nhiều kết quả thú vị.

(1) Theo SGK Ngữ văn 10, tập 1, NXB GD, 2008, trang 44.

×