Tải bản đầy đủ (.doc) (5 trang)

Về cách phân chia thời gian trong "Truyện Kiều"

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (123.38 KB, 5 trang )

Về cách phân chia thời gian trong "Truyện Kiều"

Hỏi về thời gian lưu lạc của Thúy Kiều thì một độc giả bình thường cũng dễ
dàng trả lời được là mười lăm năm, vì phần cuối "Truyện Kiều" nhiều lần đề
cập, khi thì tác giả, khi thì nhân vật nói lên điều ấy, như lời của Vương bà:

Từ con lưu lạc quê người
Bèo trôi sóng vỗ chốc mười lăm năm.
Lời của Thúy Vân:
Những là rày ước mai ao
Mười lăm năm ấy biết bao nhiêu tình.
Và lời của Nguyễn Du:
Những từ sen ngó đào tơ
Mười lăm năm ấy bây giờ là đây…

Thế nhưng hỏi rằng, trong mười lăm năm lưu lạc ấy, nàng Kiều từng sống
với các nhân vật khác trong bao lâu, thì ngay một chuyên gia về "Truyện
Kiều" cũng khó có được câu trả lời chính xác.

Không phải vì các nhà nghiên cứu "Truyện Kiều" không quan tâm điều đó,
mà vì một vấn đề phức tạp, khó phân định rõ ràng. Thời gian trong "Truyện
Kiều" phân bố không đều, có khi chỉ một câu lục bát đã diễn tả một năm trôi
qua như: Sen tàn cúc lại nở hoa / Sầu dài, ngày ngắn đông đà sang xuân.
Nhưng có khi chỉ chuyện trong một ngày đêm thanh minh, tác giả đã dùng
đến 204 câu, từ câu 39 đến câu 242.

Một trong những người tâm huyết với "Truyện Kiều" là ông Phạm Đan Quế
đã nghiên cứu vấn đề này và trong tác phẩm "Truyện Kiều và Kim Vân Kiều
Truyện" (nhà xuất bản Văn học, năm 2000, NXB Thanh niên tái bản năm
2003), trang 371, ông có cung cấp cho bạn đọc bảng tổng kết phân chia thời
gian sau đây (Xem bảng ở dưới)



Nhìn vào bảng tổng kết này, trong phần chứng cớ, ta thấy khi thì tác giả dựa
vào các câu Kiều, khi thì dựa vào các chương trong "Kim Vân Kiều truyện"
để tính toán và phân chia thời gian trong "Truyện Kiều". Điều này có hợp lý
hay không, chúng ta sẽ bàn sau. Trước hết ta đi vào một số chi tiết.

1- Thúy Kiều đi tu lần thứ ba, tức là sau khi được vớt từ sông Tiền Đường,
về ở trong thảo am với Giác Duyên, ông Phạm Đan Quế cho là vài tháng.
Theo tôi thì thời gian ngắn hơn thế.

Là vì: Khi Kim Trọng đi tìm Thúy Kiều, đến Hàng Châu thì được tin: Rằng
ngày hôm họ giao binh/ Thất cơ Từ đã thu linh trận tiền. Ta chú ý ba chữ
ngày hôm nọ, tức là thời gian chỉ mới xảy ra rất gần. Sau đó Kim Trọng liền
lập đàn tràng bên sông Tiền Đường để cầu hồn cho Thúy Kiều, vô tình Giác
Duyên đi tới, rồi dẫn về gặp Thúy Kiều ở thảo am.

Như thế Từ Hải thất cơ chỉ là "ngày hôm nọ", tất nhiên thời gian sống ở thảo
am của Thúy Kiều phải ít hơn từ "ngày hôm nọ" đến khi gặp Kim Trọng,
nên cũng chỉ một vài tuần chứ không tính bằng tháng. Trong tiếng Việt,
chuyện xảy ra từ vài tháng trước, không ai dùng ba chữ ngày hôm nọ cả.

2 - Nàng Kiều sống với Từ Hải giai đoạn đầu, ông Phạm Đan Quế cho rằng
gần nửa năm. Theo tôi, chữ gần là thừa ra, không chính xác, mà phải nói là
nửa năm, chứng cớ ở câu: Nửa năm hương lửa đang nồng/ Trượng phu thoắt
đã động lòng bốn phương. Có lẽ ông Quế thêm vào chữ gần là cốt để cân đối
trong phép cộng để có số thành là 15 năm!

3 -Thời gian Thúy Kiều chờ đợi Từ Hải, ông Phạm Đan Quế cho là gần ba
năm, theo tôi cũng là chưa chính xác, vì: Sau khi sống với nhau nửa năm, Từ
Hải chuẩn bị xuất quân đi đánh trận, Thúy Kiều đòi đi theo, Từ nói: "Đành

lòng chờ đó ít lâu/ Chầy ra là một năm sau vội gì". Nghĩa là Từ Hải bảo
Thúy Kiều chờ lâu nhất cũng chỉ một năm thôi.
Bảng phân chia thời gian trong "Truyện Kiều" của ông Phạm Đan Quế.
Khi chiến thắng trở về, Thúy Kiều ra đón, Từ Hải: "Cười rằng: cá nước
duyên ưa / Nhớ lời nói những bao giờ nữa không?". Tức là Từ nhắc lại lời
mình đã nói với Thúy Kiều trước lúc ra đi và bây giờ đã làm đúng như vậy.
Nếu hẹn Thúy Kiều lâu nhất một năm, mà gần ba năm mới trở về, thì Từ Hải
trước hết phải thanh minh với Kiều về sự chậm trễ, lỗi hẹn… chứ sao có thể
đàng hoàng nhắc Kiều nhớ lại lời mình đã nói như thế?
Hơn nữa, với Nguyễn Du, Từ Hải là một anh hùng, tôi không tin đại thi hào
lại để anh hùng Từ Hải lỗi hẹn với Thúy Kiều đến những hai năm trời! Vậy
nên, theo tôi, thời gian Thúy Kiều chờ đợi Từ Hải không quá một năm, đúng
như Từ Hải đã khẳng định trước khi chia tay

4 - Ông Phạm Đan Quế đã dựa vào lời nhà tiên tri Tam Hợp nói rằng chi kỳ
hội ngộ của Giác Duyên và Thúy Kiều là 5 năm để tính ra: sau khi Từ Hải
thắng trận trở về, Kiều còn sống với Từ Hải gần 5 năm. Nhưng ta biết rằng,
khi Từ Hải đi đánh trận, Thúy Kiều chờ đợi, nhớ cha mẹ, Nguyễn Du viết:
Chốc đà mười mấy năm trời
Còn ra khi đã da mồi, tóc sương.

Nghĩa là tính đến khi Từ Hải chưa trở về, nàng đã xa cha mẹ mười mấy năm
rồi. Nếu sau khi Từ Hải trở về, Kiều còn sống với Từ gần 5 năm nữa, thì
tổng thời gian lưu lạc sẽ là: Mười mấy năm cộng với gần 5 năm cộng thêm
thời gian ở thảo am (dù ngắn), thì tin chắc kết quả sẽ vượt con số 15 năm!
Mặt khác, ta nhớ rằng sau khi Từ Hải chết, nàng Kiều đã khóc trước mặt Hồ
Tôn Hiến:
Năm năm trời bể ngang tàng
Dấn mình đi bỏ chiến trường như không…


Hay như câu: Năm năm hùng cứ một phương hải tần cho chúng ta nghĩ rằng
cuộc nổi dậy của Từ Hải là 5 năm thì sao Từ có thể sống với Thúy Kiều gần
5 năm kể từ ngày chiến thắng trở về được? Dẫn đến mâu thuẫn này không
phải lỗi của người lập bảng phân chia thời gian ở trên!

Để có bảng phân chia thời gian trên, ông Phạm Đan Quế vừa sử dụng những
câu Kiều của Nguyễn Du, vừa căn cứ vào sự phân chia thời gian trong "Kim
Vân Kiều truyện" của Thanh Tâm Tài Nhân, như ở hồi thứ 20, "Kim Vân
Kiều truyện" chỉ ra lần đầu Kiều ở lầu xanh (lầu Ngưng Bích) gần 3 năm và
cuối hồi 17, nói rằng Kiều ở lầu xanh Châu Thai gần 1 năm; đầu hồi 18 nói
nàng chờ Từ Hải 3 năm.

Căn cứ vào các chương của Thanh tâm Tài Nhân là đúng đắn nếu dùng để
xem xét thời gian trong "Kim Vân Kiều truyện", chứ không thể dùng để xét
thời gian trong "Truyện Kiều", bởi rằng, Nguyễn Du chỉ dựa vào "Kim Vân
Kiều truyện" để sáng tác ra "Truyện Kiều", chứ không hề dịch "Kim Vân
Kiều truyện", nên ông hoàn toàn có quyền biến đổi thời gian lâu thành
chóng, ngắn thành dài.

Bởi vậy thời gian trong hai tác phẩm này không đồng nhất nhau. Vả lại,
"Truyện Kiều" là một tác phẩm thơ, Nguyễn Du cũng không có ý định chỉ ra
thật cụ thể số ngày, tháng, thậm chí cả số năm mà nàng Kiều từng sống với
các nhân vật khác, nên chúng ta không thể biết chính xác Thúy Kiều phải ở
lầu Ngưng Bích bao nhiêu năm, mà chỉ biết nàng đến đó vào mùa thu, rồi
Thúc Sinh quen nàng, hoàn lương nàng vào mùa xuân (mùa xuân của năm
tiếp theo hay của năm sau nữa cũng không thể biết!).

Cũng như vậy, chúng ta không thể xác định được đích xác thời gian Kiều ở
lầu xanh Châu Thai là bao lâu, mà chỉ nghe lời than cuối đoạn: "Biết thân
chạy chẳng khỏi trời/ Cũng liều mặt phấn cho rồi ngày xanh" mà thôi!

Lấy thời gian trong "Kim Vân Kiều truyện" làm chỗ dựa để chi phối thời
gian trong "Truyện Kiều" (dùng nó làm số hạng của phép cộng để tạo nên
tổng số 15 năm) là thiếu khoa học. Bởi vậy, trong bảng tổng kết trên, chỉ các
mục 2.3, 4,5,6,7 là tương đối chính xác, các mục còn lại, hoặc chưa thật
chính xác, hoặc không đủ tin cậy.
Ông Phạm Đan Quế đã có nhiều đóng góp trong việc nghiên cứu "Truyện
Kiều", đặc biệt là các công trình so sánh "Truyện Kiều" với "Kim Vân Kiều
truyện". Tuy nhiên việc ông muốn cung cấp cho bạn đọc một bảng phân chia
thời gian chi tiết trong 15 năm lưu lạc của Thúy Kiều, thật không dễ.

Là người từng bỏ nhiều thời gian nghiên cứu vấn đề này, có lần tôi tưởng
mình có thể làm được việc phân chia đó, nhưng qua nhiều lần thất bại, cuối
cùng tôi tự rút ra kết luận: không thể có bản phân chia thời gian tách bạch,
chính xác để chỉ ra nàng Kiều từng sống với các nhân vật khác trong bao
nhiêu lâu (có lẽ cụ Nguyễn Du cũng không muốn và không thể làm được
điều này!). Bởi thế bảng phân chia thời gian của ông Phạm Đan Quế còn
nhiều bất cập cũng là điều dễ hiểu

×