Tải bản đầy đủ (.pdf) (56 trang)

Quá trình tổ chức nông dân tỉnh hưng yên và thái bình khai hoang, phát triển kinh tế tại sơn la tt

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (877.37 KB, 56 trang )

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƢỜNG ĐẠI HỌC SƢ PHẠM HÀ NỘI

BÙI MẠNH THẮNG

QUÁ TRÌNH TỔ CHỨC NÔNG DÂN
TỈNH HƢNG YÊN VÀ THÁI BÌNH KHAI HOANG,
PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẠI SƠN LA (1961 - 1965)
Chuyên ngành: Lịch sử Việt Nam
Mã số: 9.22.90.13

TÓM TẮT LUẬN ÁN TIẾN SĨ LỊCH SỬ

HÀ NỘI - 2019


CÔNG TRÌNH ĐƯỢC HOÀN THÀNH TẠI:
TRƢỜNG ĐẠI HỌC SƢ PHẠM HÀ NỘI

Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS Vũ Thị Hòa

Phản biện 1: GS.TS Nguyễn Văn Khánh
Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn
– ĐHQG Hà Nội
Phản biện 2: PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà
Viện Lịch sử Đảng
Phản biện 3: PGS.TS Trần Đức Cƣờng
Viện Sử học

Luận án sẽ được bảo vệ trước Hội đồng chấm luận án cấp: Trường
Họp tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội


Vào hồi …..giờ … ngày … tháng … năm 2019

Có thể tìm hiểu luận án tại : Thư viện Quốc gia Việt Nam
hoặc Thư viện Trường Đại học Sư phạm Hà Nội


DANH MỤC CÁC CÔNG TRÌNH CỦA TÁC GIẢ
LIÊN QUAN ĐẾN LUẬN ÁN
1. Bùi Mạnh Thắng (6-2016), “Chủ trương phát triển kinh tế, văn
hóa miền núi miền Bắc của Đảng trong những năm 1961 - 1965”,
Tạp chí Khoa học Trường Đại học Tây Bắc, ISSN 2354-1091, số
5, tr. 89-94.
2. Bùi Mạnh Thắng (10-2016), “Tìm hiểu về chủ trương tổ chức
đồng bào miền xuôi phát triển kinh tế, văn hóa miền núi (1961 1965)”, Tạp chí Lịch sử Đảng, ISSN 0936-8477, số 311, tr. 83-87.
3. Bùi Mạnh Thắng (3-2017), “Quá trình hình thành các cơ sở khai
hoang của đồng bào miền xuôi tại tỉnh Sơn La giai đoạn (1961 1965)”, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, ISSN 0866-7497, số 3 (491),
tr. 32-41.
4. Bùi Mạnh Thắng (10-2017), “Quá trình tiếp nhận đồng bào miền
xuôi tham gia khai hoang miền núi tại tỉnh Sơn La (1961 - 1965)”,
Tạp chí Dân tộc học, ISSN 0866-7632.
5. Bùi Mạnh Thắng (11-2017), “Cuộc vận động đồng bào miền xuôi
tham gia phát triển kinh tế miền núi (1961 - 1965)”, Tạp chí Lịch
sử Đảng, ISSN 0936-8477, số 324, tr. 32-36.
6. Bùi Mạnh Thắng (12-2017), “Chủ trương tiếp nhận đồng bào
miền xuôi tham gia phát triển kinh tế miền núi của Đảng bộ Khu
Tây Bắc”, Tạp chí Khoa học Trường Đại học Tây Bắc, ISSN
2354-1091, số 11, tr. 60-66.




1

MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954),
nước Việt Nam tạm thời bị chia cắt thành hai miền, từng bước phát triển theo
hai khuynh hướng chính trị - xã hội đối lập nhau. Nhiệm vụ củng cố miền Bắc,
giải phóng miền Nam, tiến tới thống nhất đất nước đòi hỏi Đảng Lao động Việt
Nam phải lãnh đạo phát huy được tối đa sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Để
thực hiện nhiệm vụ đó, Đảng Lao động Việt Nam phát động trên miền Bắc một
số cuộc vận động, trong đó có cuộc vận động “Đồng bào miền xuôi tham gia
phát triển kinh tế miền núi”.
Cuộc vận động “Đồng bào miền xuôi tham gia phát triển kinh tế miền núi”
là một trong ba cuộc vận động lớn của miền Bắc trong những năm đầu thập kỷ
60 thế kỷ XX (cùng với cuộc vận động cải tiến quản lý hợp tác xã và cuộc vận
động “ba xây, ba chống”). Nội dung chủ yếu của cuộc vận động này là tổ chức
nông dân đồng bằng Bắc Bộ tham gia khai hoang, phát triển kinh tế miền núi.
Trong những năm 1961 - 1965, cuộc vận động đã được triển khai mạnh mẽ trên
toàn miền Bắc, đưa hàng chục vạn đồng bào miền xuôi lên khai phá các vùng
đất còn hoang vu, xây dựng hàng nghìn cơ sở khai hoang, tham gia phát triển
kinh tế và văn hóa miền núi. Kết quả của cuộc vận động góp phần giải phóng
sức lao động ở miền xuôi, nâng cao bình quân diện tích đất canh tác trên đầu
người, trên cơ sở đó thúc đẩy sản xuất phát triển, cải thiện năng suất lao động
và đời sống nhân dân.
Sơn La là một tỉnh miền núi thuộc Khu Tự trị Thái - Mèo, là địa bàn sinh
sống lâu đời của nhiều dân tộc, có tiềm năng phát triển kinh tế nhưng còn gặp khó
khăn, nhất là tình trạng thiếu lao động. Trong những năm 1961 - 1965, thực hiện
Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III, tỉnh Sơn La đã tiếp nhận hơn 1 vạn
nhân khẩu, chủ yếu từ hai tỉnh Hưng Yên, Thái Bình lên khai hoang, phát triển
kinh tế; xây dựng hàng chục hợp tác xã khai hoang. Lực lượng này đã có đóng góp

tích cực đối với các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị, an ninh - quốc
phòng của tỉnh Sơn La và sự nghiệp xây dựng, củng cố miền Bắc; đồng thời, tạo
tiền đề cho việc tiếp nhận nhân lực được bổ sung trong những giai đoạn sau.
Nghiên cứu quá trình tổ chức nông dân tỉnh Hưng Yên và Thái Bình khai
hoang, phát triển kinh tế tại Sơn La trong những năm 1961 - 1965 giúp thấy
được bối cảnh hình thành chủ trương tổ chức nông dân đồng bằng Bắc Bộ tham
gia phát triển kinh tế miền núi của Đảng và Nhà nước; chủ trương, chính sách
khai hoang nhân dân; quá trình xây dựng cơ sở, tổ chức khai hoang, sản xuất
trên quê hương mới; từ đó thấy được tác động của lực lượng khai hoang trên
các lĩnh vực: kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị, quốc phòng - an ninh. Nghiên


2
cứu đề tài còn góp phần làm rõ một giai đoạn phát triển trong lịch sử tỉnh Sơn
La, giúp nhận thức đầy đủ hơn về một trong những nhân tố quan trọng tạo nên
bức tranh văn hóa phong phú đậm đà bản sắc của Sơn La.
Mặt khác, nghiên cứu đề tài này còn có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc. Hiện nay,
công cuộc di dân tái định cư trên cả nước vẫn đang tiếp tục diễn ra, việc phân bố
lại dân cư, lao động giữa các vùng miền vẫn đang là một nhiệm vụ quan trọng của
Đảng, chính quyền các cấp. Trong sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại
hóa đất nước, quá trình triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng ở khu vực miền núi, đặc
biệt là xây dựng các công trình thủy điện lớn gắn bó chặt chẽ với công cuộc di dân
tái định cư, sắp xếp lại dân cư và lao động, rất cần thiết tham khảo những kinh
nghiệm của quá khứ để có những chính sách, giải pháp khoa học, phù hợp.
Những lý do nêu trên là căn cứ khoa học để chúng tôi lựa chọn vấn đề
“Quá trình tổ chức nông dân tỉnh Hưng Yên và Thái Bình khai hoang, phát
triển kinh tế tại Sơn La (1961 - 1965)” làm đề tài nghiên cứu cho luận án Tiến
sĩ lịch sử.
2. Đối tƣợng, phạm vi nghiên cứu
2.1. Đối tượng nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu của luận án là quá trình tổ chức nông dân hai tỉnh
Hưng Yên và Thái Bình khai hoang, phát triển kinh tế tại Sơn La.
2.2. Phạm vi nghiên cứu
- Không gian: Luận án tập trung nghiên cứu trên địa bàn tỉnh Sơn La; đồng
thời, luận án nghiên cứu địa bàn tỉnh Hưng Yên và Thái Bình.
- Thời gian: Luận án tập trung nghiên cứu trong khoảng thời gian từ năm
1961 đến hết năm 1965.
3. Mục đích, nhiệm vụ nghiên cứu
3.1. Mục đích nghiên cứu
Tái hiện quá trình tổ chức nông dân tỉnh Hưng Yên và Thái Bình lên Sơn
La xây dựng các cơ sở khai hoang, quá trình khai hoang, phát triển sản xuất;
làm rõ những tác động của đồng bào khai hoang trên các lĩnh vực kinh tế, văn
hóa, xã hội, chính trị, quốc phòng - an ninh.
3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu
- Làm rõ bối cảnh lịch sử và chủ trương tổ chức nông dân đồng bằng Bắc
Bộ tham gia phát triển kinh tế miền núi của Đảng, Nhà nước và các địa phương.
- Tái hiện quá trình tổ chức nông dân hai tỉnh Hưng Yên, Thái Bình
chuyển cư lên Sơn La; quá trình hình thành các cơ sở khai hoang trên địa bàn
tỉnh Sơn La.
- Dựng lại quá trình tổ chức khai hoang, các hoạt động sản xuất và phát
triển kinh tế của lực lượng khai hoang trên địa bàn tỉnh Sơn La.
- Phân tích, làm rõ những tác động của quá trình tổ chức nông dân hai tỉnh
Hưng Yên, Thái Bình khai hoang, phát triển kinh tế tại Sơn La.


3
4. Nguồn tƣ liệu, phƣơng pháp nghiên cứu
4.1. Nguồn tư liệu
- Các văn kiện của Đảng về cuộc vận động “Đồng bào miền xuôi tham gia
phát triển kinh tế miền núi”.

- Tư liệu lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III, các địa phương.
- Các báo địa phương: Tây Bắc, Sơn La, Hưng Yên, Thái Bình xuất bản
trong giai đoạn 1961 - 1965.
- Tư liệu điền dã, phỏng vấn nhân chứng tại một số địa điểm hợp tác xã
khai hoang trước đây trên địa bàn tỉnh Sơn La.
- Những nghiên cứu có liên quan đến nội dung đề tài luận án.
4.2. Phương pháp nghiên cứu
- Phương pháp luận: Luận án được thực hiện trên cơ sở chủ nghĩa duy vật
biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử; phương pháp luận sử học mácxít, quan
điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Việt Nam về vấn đề dân cư,
lao động, dân tộc và quan hệ dân tộc.
- Phương pháp nghiên cứu: Luận án sử dụng kết hợp phương pháp lịch sử,
phương pháp lôgic; phương pháp thu thập tư liệu thứ cấp, phương pháp thu thập
tư liệu sơ cấp; các phương pháp thống kê, phân tích, so sánh; thực hiện điền dã,
khảo sát thực tế để thu thập tư liệu, xác minh thông tin.
5. Đóng góp của luận án
- Về khoa học: tái hiện quá trình tổ chức nông dân tỉnh Hưng Yên, Thái
Bình lên Sơn La xây dựng các cơ sở khai hoang; hoạt động khai hoang, phát
triển sản xuất trong những năm 1961 - 1965; bước đầu rút ra nhận xét về tác
động của đồng bào khai hoang tại Sơn La.
- Về thực tiễn: Luận án cung cấp thêm tư liệu cho việc nghiên cứu một nội
dung quan trọng trong lịch sử tỉnh Sơn La; làm tài liệu tham khảo khi nghiên
cứu, giảng dạy về lịch sử địa phương; là tài liệu tham khảo, vận dụng vào quá
trình tổ chức di dân tái định cư trong giai đoạn hiện nay.
6. Bố cục của luận án
Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Tài liệu tham khảo, Phụ lục, luận án được
bố cục thành 5 chương:
Chương 1. Tổng quan tình hình nghiên cứu.
Chương 2. Bối cảnh lịch sử và chủ trương tổ chức nông dân tỉnh Hưng Yên
và Thái Bình khai hoang, phát triển kinh tế tại Sơn La.

Chương 3. Quá trình hình thành các cơ sở khai hoang của nông dân tỉnh
Hưng Yên và Thái Bình tại Sơn La (1961 - 1965).
Chương 4. Hoạt động khai hoang, phát triển kinh tế của nông dân tỉnh
Hưng Yên và Thái Bình tại Sơn La (1961 - 1965).
Chương 5. Tác động của quá trình tổ chức nông dân tỉnh Hưng Yên và
Thái Bình khai hoang, phát triển kinh tế tại Sơn La (1961 - 1965).


4
Chƣơng 1
TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU
1.1. Những nghiên cứu về cuộc vận động “Đồng bào miền xuôi tham
gia phát triển kinh tế miền núi”
Cuộc vận động “Đồng bào miền xuôi tham gia phát triển kinh tế miền núi”
khởi đầu từ Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III. Ngay trong những
năm triển khai cuộc vận động, đã có một số nghiên cứu về bối cảnh, chủ
trương, chính sách, quá trình tổ chức thực hiện. Tiêu biểu là các nghiên cứu:
“Tìm hiểu chính sách tăng vụ và khai hoang” của Xuân Thảo (năm 1962);
“Chung sức xây dựng miền núi” của Hoàng Bắc (năm 1963); “Vì sao phải tiến
hành cuộc vận động đồng bào miền xuôi tham gia phát triển kinh tế miền núi?”
của Hằng Anh (năm 1964); “Một số kinh nghiệm về xây dựng, củng cố hợp tác
xã khai hoang Quỳnh Giáo, xã Mường Báng, huyện Tuần Giáo, tỉnh Lai Châu”
(năm 1964); “Tham gia xây dựng miền núi là thiết thực chống Mỹ cứu nước”
của Hằng Anh (năm 1964).
Trong những năm 1961 - 1965, Tạp chí Học tập công bố nhiều bài viết liên
quan tới cuộc vận động, tiêu biểu là: “Bàn về nhân dân khai hoang” của Trần
Hữu Dực; “Tăng cường khối đoàn kết toàn dân tộc làm cho miền núi mau
chóng tiến kịp miền xuôi” của Lê Quảng Ba; “Khu Tự trị Thái - Mèo phấn đấu
để thực hiện khẩu hiệu “làm cho miền núi tiến kịp miền xuôi, các dân tộc thiểu
số tiến kịp dân tộc đa số”” của Bình Phương; “Làm tốt cuộc vận động đồng

bào miền xuôi tham gia phát triển kinh tế miền núi” của Nguyễn Dương Tâm...
Tạp chí Nghiên cứu Kinh tế cũng đăng tải nhiều bài nghiên cứu như: “Tình
hình khai hoang hiện nay” của Nguyễn Thiện Vỹ; “Một số ý kiến về vấn đề
khai hoang” của Hoàng Ước; “Những kết quả kinh tế bước đầu của công tác
vận động đồng bào miền xuôi tham gia phát triển kinh tế văn hóa miền núi” của
Nguyễn Thiện Vỹ; “Vấn đề củng cố các cơ sở khai hoang nông nghiệp ở miền
núi và trung du” của Ngô Văn Tình; “Thấu suốt căn cứ khách quan của cuộc
vận động “đồng bào miền xuôi tham gia phát triển kinh tế miền núi””; “Thắng
lợi to lớn của cuộc vận động “đồng bào miền xuôi tham gia phát triển kinh tế
miền núi” trong kế hoạch 5 năm lần thứ nhất” của Nguyễn Dương Tâm. Tạp
chí Đoàn kết Dân tộc đăng tải nhiều bài viết liên quan đến cuộc vận động như:
“Góp thêm ý kiến vào vấn đề khai hoang ở miền núi” của Nguyễn Văn Tủy;
“Chú ý hơn nữa quan hệ đoàn kết dân tộc giữa các lực lượng khai hoang và
nhân dân miền núi” của Trường Sơn; “Quán triệt chính sách dân tộc trong khi
tiến hành công cuộc vận động đồng bào miền xuôi tham gia phát triển kinh tế
miền núi” của Nguyễn Dương Tâm.


5
Từ cuối năm 1964, bên cạnh nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội và chi
viện cho miền Nam, miền Bắc còn phải đương đầu với cuộc chiến tranh phá hoại
của đế quốc Mỹ. Trong hoàn cảnh đó, việc tổ chức đưa nông dân đi phát triển
kinh tế miền núi nhiều khó khăn. Những hoạt động tìm hiểu, nghiên cứu về cuộc
vận động cũng tạm thời được đặt sang một bên để tập trung cho nhiệm vụ chiến
đấu và phục vụ chiến đấu. Phải đến hàng chục năm sau, đề tài mới được đề cập
trở lại và hiện diện trên những công trình nghiên cứu trong những năm cuối thế
kỷ XX, đầu thế kỷ XXI. Tiêu biểu là các nghiên cứu: “Di dân nội địa ở Việt
Nam: các chiến lược sinh tồn và những khuôn mẫu đang thay đổi” của Nguyễn
Văn Chính (năm 2000); công trình “Di dân, kinh tế mới, định canh định cư - lịch
sử và truyền thống” do Cục Định canh định cư và Vùng kinh tế mới tổ chức biên

soạn (năm 2001); nghiên cứu “Chính sách di dân trong quá trình phát triển kinh
tế - xã hội ở các tỉnh miền núi” của Đặng Nguyên Anh (năm 2006); công trình
Lịch sử Việt Nam, Tập 4 (từ năm 1945 đến năm 2015) do Lê Mậu Hãn chủ biên
(năm 2013); bài viết “Cuộc vận động, tổ chức nông dân miền Bắc xây dựng,
phát triển kinh tế miền núi (1961 - 1965)” của Trần Thị Kim Dung (Tạp chí Lịch
sử Đảng, năm 2013); bài viết “Di dân ở Việt Nam trong thời kỳ 1954 - 1975 và
những hệ quả” của Nguyễn Trọng Phúc (Tạp chí Lịch sử Đảng, năm 2015).
1.2. Những nghiên cứu về quá trình tổ chức nông dân tỉnh Hƣng Yên
và Thái Bình khai hoang, phát triển kinh tế tại Sơn La
Ngay trong những năm đầu tổ chức phong trào khai hoang xa, đã có một số
nghiên cứu về các cơ sở khai hoang tại Sơn La, Tây Bắc. Tiêu biểu là các bài
viết: “Nông dân Hưng Yên giương cao lá cờ đầu trên mặt trận khai hoang vùng
núi Tây Bắc” của Lê Quý Quỳnh (Tạp chí Nghiên cứu Kinh tế, năm 1961); bài
“Vấn đề đoàn kết dân tộc ở Tây Bắc” của Hoàng Bắc (Tạp chí Dân tộc, năm
1962); bài “Hợp tác xã khai hoang Hoa Mai đoàn kết dân tộc tốt” của Hoàng
Giang (Tạp chí Dân tộc, năm 1963).
Một số công trình nghiên cứu bước đầu đi sâu tìm hiểu về phong trào khai
hoang và tình hình các hợp tác xã khai hoang trên địa bàn tỉnh Sơn La, tiêu biểu
là các tác phẩm: “Đi khai hoang Tây Bắc” của Hữu Thọ (năm 1963); “Vài nét
về nông nghiệp Khu Tự trị Tây Bắc” của Bùi Công Trừng (năm 1965); công
trình “Địa chí Thái Bình” (năm 2011).
Bên cạnh những nghiên cứu nêu trên, cũng phải kể tới các công trình lịch
sử Đảng bộ liên quan như: “Lịch sử Đảng bộ tỉnh Sơn La, tập II (1954 1975)”; lịch sử Đảng bộ các huyện Thuận Châu, Mường La, Yên Châu, Mộc
Châu, Mai Sơn, Sông Mã, Quỳnh Nhai; các công trình lịch sử địa phương, lịch
sử các ban ngành trong tỉnh như: “Tây Bắc - Lịch sử kháng chiến chống Mỹ,
cứu nước (1954 - 1975)”; “Sơn La - Lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước
(1954 – 1975)”; “Tỉnh Sơn La 110 năm (1895 - 2005)”... Những ấn phẩm nêu
trên bước đầu đề cập tới nội dung luận án.



6
1.3. Nhận xét về tình hình nghiên cứu và nhiệm vụ khoa học đặt ra cho
luận án
Điểm qua những nghiên cứu trên, có thể rút ra một số nhận xét sau:
1) Số lượng nghiên cứu về cuộc vận động “Đồng bào miền xuôi tham gia
phát triển kinh tế miền núi” còn ít. Đến thời điểm hiện tại, chưa có một công
trình chuyên khảo về lịch sử cuộc vận động.
2) Các nghiên cứu liên quan chủ yếu tập trung làm rõ bối cảnh lịch sử,
những nội dung cơ bản về chủ trương tổ chức cuộc vận động “Đồng bào miền
xuôi tham gia phát triển kinh tế miền núi” của Đảng và Nhà nước.
3) Trong bối cảnh đó, nghiên cứu về quá trình khai hoang, phát triển kinh
tế của nông dân đồng bằng Bắc Bộ trên địa bàn tỉnh Sơn La còn khan hiếm và
nghèo nàn hơn. Cụ thể:
- Nghiên cứu trực tiếp về đề tài hầu như chưa có; chỉ có một số ít nghiên
cứu về những nội dung liên quan đến đề tài.
- Một số nghiên cứu đề cập tới tình hình một số cơ sở khai hoang trên địa
bàn Khu Tự trị Tây Bắc và tỉnh Sơn La, nhưng nội dung còn sơ sài.
- Một số công trình lịch sử địa phương đề cập tới số lượng đồng bào khai
hoang tại Sơn La nhưng số liệu công bố còn sai lệch với tư liệu gốc.
4) Có thể khẳng định, thời điểm hiện tại, chưa có công trình nghiên cứu
chuyên sâu về cuộc vận động, cũng như quá trình tổ chức nông dân hai tỉnh
Hưng Yên, Thái Bình khai hoang, phát triển kinh tế tại Sơn La.
5) Trên cơ sở kế thừa quan điểm, tư liệu và định hướng của những nghiên
cứu trước, dựa trên những tư liệu mới, đặc biệt là tư liệu lưu trữ, tư liệu điền dã,
luận án tập trung làm rõ những nội dung sau đây:
Thứ nhất, tái hiện bối cảnh lịch sử hình thành chủ trương tổ chức nông dân
đồng bằng Bắc Bộ tham gia khai hoang, phát triển kinh tế miền núi của Đảng,
Nhà nước và các địa phương.
Thứ hai, dựng lại quá trình tiếp nhận nhân lực khai hoang, xây dựng các cơ
sở khai hoang tại Sơn La trong những năm 1961 - 1965.

Thứ ba, phục dựng lại quá trình khai hoang, phát triển sản xuất của nông
dân hai tỉnh Hưng Yên và Thái Bình tại Sơn La trên các lĩnh vực: trồng trọt,
chăn nuôi, thủ công nghiệp, khai thác lâm thổ sản, phát triển kinh tế phụ,...
trong những năm 1961 - 1965.
Thứ tư, phân tích, làm rõ tác động của quá trình tổ chức nông dân hai tỉnh
Hưng Yên và Thái Bình tham gia khai hoang, phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh
Sơn La (1961 - 1965).
Thứ năm, chỉnh lý những tư liệu chưa chính xác trong các nghiên cứu
trước; bổ sung, trao đổi với những quan điểm, nhận định mà nghiên cứu sinh
cho rằng chưa thực sự thỏa đáng và phù hợp.


7
Chƣơng 2
BỐI CẢNH LỊCH SỬ VÀ CHỦ TRƢƠNG TỔ CHỨC NÔNG DÂN
TỈNH HƢNG YÊN VÀ THÁI BÌNH KHAI HOANG, PHÁT TRIỂN
KINH TẾ TẠI SƠN LA
2.1. Bối cảnh lịch sử và chủ trƣơng tổ chức nông dân đồng bằng Bắc
Bộ tham gia phát triển kinh tế miền núi của Đảng và Nhà nƣớc
2.1.1. Bối cảnh lịch sử
Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc thắng lợi. Theo quy định
của Hiệp định Giơnevơ (21-7-1954), nước Việt Nam tạm thời bị chia cắt thành
hai miền. Trong hoàn cảnh đó, Đảng Lao động Việt Nam xác định: phải củng
cố miền Bắc, chi viện cho miền Nam, tiến tới hoàn thành thống nhất nước nhà.
Trung ương Đảng chủ trương đẩy mạnh phát triển kinh tế và văn hóa ở miền
núi, đưa miền núi nhanh chóng tiến kịp miền xuôi; đồng thời phát huy tiềm
năng dồi dào của miền núi đóng góp vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội
ở miền Bắc và phục vụ cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất
nước.
Nhiệm vụ củng cố miền Bắc và phát triển kinh tế văn hóa miền núi sau

năm 1954 gắn bó chặt chẽ với hai lĩnh vực quản lý tài nguyên thiên nhiên và
quản lý dân cư, lao động. Trên cả hai lĩnh vực này, vì những nguyên nhân lịch
sử, đang tồn tại tình trạng đối lập, bất hợp lý giữa hai khu vực đồng bằng và
miền núi. Phân bố dân cư, lao động không đồng đều giữa đồng bằng và miền
núi đã dẫn tới thực trạng bất cập: đồng bằng Bắc Bộ dư thừa lao động nhưng lại
thiếu đất để mở rộng diện tích canh tác; trong khi đó, miền núi giàu tài nguyên,
có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế nhưng không đủ sức lao động. Thực trạng
bất hợp lý nêu trên đặt ra yêu cầu cấp thiết phải tổ chức phân bố lại dân cư, lao
động trên miền Bắc, chủ yếu giữa hai khu vực: miền núi và đồng bằng.
2.1.2. Chủ trương tổ chức nông dân đồng bằng Bắc Bộ tham gia phát
triển kinh tế miền núi của Đảng và Nhà nước
Để giải quyết tình trạng bất hợp lý trong phân bố dân cư, lao động giữa
đồng bằng và miền núi, Trung ương Đảng đề xuất chủ trương vận động, tổ chức
nông dân đồng bằng Bắc Bộ tham gia phát triển kinh tế miền núi. Đại hội Đảng
toàn quốc lần thứ III thông qua Nghị quyết khẳng định: “Phải phân bố hợp lý
sức sản xuất ở đồng bằng, trung du và miền núi, điều chỉnh sức người giữa các
vùng, quy hoạch từng bước các vùng kinh tế, thực hiện sự phân công phối hợp
giữa các vùng kinh tế với nhau”. Đó là một chủ trương lớn thể hiện quyết tâm
của Đảng đối với nhiệm vụ củng cố miền Bắc cũng như nhiệm vụ phát triển
kinh tế miền núi.


8
Từ ngày 26-3 đến ngày 8-4-1963, Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp
Hội nghị lần thứ tám để bàn về kế hoạch phát triển kinh tế quốc dân 5 năm lần
thứ nhất. Nghị quyết Hội nghị khẳng định: “Phải sớm có kế hoạch toàn diện, cụ
thể và phải tăng cường chỉ đạo để chuyển một phần nhân lực miền xuôi lên
miền núi”. Hội nghị chính thức phát động cuộc vận động “Đồng bào miền xuôi
tham gia phát triển kinh tế miền núi”.
2.2. Chủ trƣơng tổ chức nông dân tỉnh Hƣng Yên và Thái Bình khai

hoang, phát triển kinh tế tại Sơn La
2.2.1. Chủ trương tổ chức nông dân đi khai hoang xa tại Tây Bắc của
tỉnh Hưng Yên và tỉnh Thái Bình
Tỉnh Hưng Yên là địa phương đầu tiên tổ chức lực lượng lên khai hoang,
phát triển kinh tế tại Sơn La. Ngay từ cuối tháng 11-1960, tỉnh Hưng Yên đã
nghiên cứu và phát động phong trào đi khai hoang Tây Bắc. Từ chủ trương đó,
hợp tác xã Hoàng Văn Thụ đã ra đời. Đến tháng 3-1961, Đại hội Đảng bộ tỉnh
Hưng Yên lần thứ V đã quyết định trong 5 năm (1961 - 1965) sẽ đưa từ 3 đến 6
vạn lao động lên khai hoang tại Tây Bắc. Tỉnh ủy Hưng Yên xác định: “Chúng
ta đưa người lên Tây Bắc không những có một ý nghĩa kinh tế là điều chỉnh
nhân lực xây dựng miền núi, tạo ra những vùng sản xuất mới làm tăng thêm cơ
sở vật chất cho chủ nghĩa xã hội mà còn có ý nghĩa chính trị to lớn là nhân dân
miền núi miền xuôi bắt tay nhau theo Đảng cùng tiến lên”.
Tỉnh Thái Bình là địa phương thứ hai tổ chức nhân lực lên khai hoang, phát
triển kinh tế tại Sơn La. Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ V (tháng 2-1961) đã đề ra
chủ trương trong năm 1961: “đối với lao động thừa ở nông thôn, ngoài việc làm
tăng vụ, tăng diện tích, phát triển chăn nuôi, bước đầu nghiên cứu chuyển một số
dân lên xây dựng khu vực sản xuất mới ở trung du và Tây Bắc”. Đại hội Đảng bộ
lần thứ VI (tháng 7-1963) đã khẳng định 3 hướng tiến quân trong nông nghiệp
của tỉnh, trong đó hướng tiến quân thứ ba là mở rộng vận động chuyển dân đi
xây dựng kinh tế miền núi. Về quy mô, lúc đầu, tỉnh Thái Bình dự kiến trong 5
năm (1961 - 1965) sẽ đưa từ 15 vạn người trở lên đi khai hoang ở miền núi. Đến
tháng 7-1962, Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã quyết định nâng chỉ tiêu
chuyển dân đi khai hoang xa từ 20 đến 30 vạn trở lên, trong đó có từ 10 đến 12
vạn lao động chính; từ 18 đến 20 vạn lao động phụ và trẻ em.
2.2.2. Chủ trương tiếp nhận nhân lực khai hoang của Khu Tự trị Thái - Mèo
Khu Tự trị Thái - Mèo là địa phương miền núi đầu tiên trên miền Bắc tiếp
nhận đồng bào khai hoang theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III.
Để chuẩn bị cho đợt đầu tiên tiếp nhận đồng bào khai hoang, Ban Chấp hành
Khu ủy Tây Bắc xác định phải đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền, giáo

dục. Ngày 5-12-1960, Ban Tuyên huấn Khu ủy Tây Bắc ban hành Kế hoạch số


9
86 HC-TH tuyên truyền giáo dục về việc điều chỉnh nhân lực xây dựng mở
mang khu tự trị tiến lên chủ nghĩa xã hội. Ngày 26-12-1960, Ban Chấp hành
Khu ủy Tây Bắc ban hành Nghị quyết số 18 NQ-TB về đề án điều chỉnh nhân
lực miền xuôi lên góp phần củng cố, mở mang Khu Tự trị. Có thể thấy, Khu Tự
trị Thái - Mèo đã chuẩn bị sẵn sàng để đón tiếp đồng bào khai hoang tham gia
phát triển kinh tế miền núi.
2.3. Vài nét khái quát về tỉnh Sơn La
2.3.1. Địa giới hành chính
Trong giai đoạn 1961 - 1965, địa bàn tỉnh Sơn La bao gồm Thị xã Sơn La
và 7 huyện: Mộc Châu, Yên Châu, Mai Sơn, Thuận Châu, Quỳnh Nhai, Mường
La, Sông Mã. Toàn tỉnh có 142 xã và 3 thị trấn. Đó là phạm vi hành chính
chúng tôi tập trung nghiên cứu trong luận án.
2.3.2. Điều kiện tự nhiên
Phần lớn địa hình tự nhiên của Sơn La là một vùng rừng núi trùng điệp kéo
dài từ tỉnh Hòa Bình đến đỉnh đèo Pha Đin. Hai cao nguyên Mộc Châu và Nà
Sản là thế mạnh của Sơn La trong phát triển kinh tế. Đất đai của Sơn La đa dạng,
tạo điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp. Đặc trưng của khí hậu Sơn La
là sự trùng hợp giữa mùa nóng với mùa mưa, mùa lạnh với mùa khô. Trên các hệ
thống sông Đà, sông Mã và hàng trăm dòng suối, ngoài nguồn thủy sản phong
phú còn có thể khai thác thủy lợi, thủy điện. Tài nguyên khoáng sản và tài
nguyên rừng của Sơn La còn rất phong phú. Nhìn chung, Sơn La có nhiều điều
kiện thuận lợi để phát triển kinh tế.
2.3.3. Điều kiện xã hội
Theo kết quả điều tra, tổng số nhân khẩu của tỉnh Sơn La tính đến ngày 13-1960 là 182.258 người; mật độ dân số trung bình 15 người km2. Trong khi đó,
bình quân diện tích canh tác nông nghiệp trên đầu người rất lớn. Do đó, Sơn La
gặp khó khăn thiếu hụt lực lượng lao động.

Sơn La là địa bàn sinh sống của 12 dân tộc: Thái, Mông, Kinh, Mường,
Dao, Tày, La Ha, Xinh Mun, Kháng, Hoa, Lào, Khơ Mú. Năm 1960, dân tộc
Thái có số lượng đông nhất với 117.065 người, chiếm khoảng 64,2% so với
tổng dân số; tiếp đến là người Kinh với 26.828 người, chiếm khoảng 14,7%.
Dưới chế độ thuộc địa, những thủ đoạn thâm độc của thực dân, phong kiến
đã gây nên tâm lý sợ và ghét người Kinh trong đồng bào các dân tộc thiểu số ở
Tây Bắc. Trước khi diễn ra cuộc vận động “Đồng bào miền xuôi tham gia phát
triển kinh tế miền núi”, trong tâm lý, tình cảm của đồng bào các dân tộc thiểu
số vẫn còn nhiều thành kiến, hoài nghi với người Kinh.
2.3.4. Về quốc phòng - an ninh
Với vị trí chiến lược quan trọng, diện tích rộng, đặc biệt có 250 km đường
biên giới giáp Lào, Sơn La luôn nhận được sự quan tâm chú ý và là địa bàn hoạt


10
động của các thế lực thù địch. Trong những năm 1955 - 1960, tình hình an ninh
trật tự trên địa bàn Sơn La có nhiều diễn biến phức tạp. Đặc biệt, từ năm 1958
đến năm 1960, do những biến động chính trị ở Lào, tình hình biên giới Việt Lào trở nên căng thẳng.
Trước tình hình đó, công tác quốc phòng - an ninh được tăng cường và
củng cố. Nhờ những biện pháp tích cực, trật tự xã hội trong nội địa và an ninh
biên giới được giữ vững. Mặc dù vậy, những nguy cơ về quốc phòng - an ninh
trên địa bàn vẫn luôn hiện hữu, đòi hỏi lực lượng vũ trang và nhân dân phải nêu
cao tinh thần đoàn kết, luôn cảnh giác, sẵn sàng đánh bại âm mưu chống phá
của các thế lực thù địch.
Tiểu kết chƣơng 2
Xuất phát từ nhu cầu điều chỉnh nhân lực giữa các vùng miền, nhằm phát
huy nguồn nhân lực dồi dào của khu vực đồng bằng khai thác tiềm năng kinh tế
của khu vực miền núi, qua đó phát triển kinh tế, văn hóa miền núi “đưa miền
núi tiến kịp miền xuôi”, thực hiện mục tiêu xây dựng và củng cố miền Bắc, đưa
miền Bắc “tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc” lên chủ nghĩa xã hội, Trung

ương Đảng Lao động Việt Nam đã đề ra chủ trương vận động nông dân các tỉnh
đồng bằng Bắc Bộ lên khai hoang tại các tỉnh trung du và miền núi. Đó là chủ
trương lớn, thể hiện quyết tâm của Trung ương Đảng trong sự nghiệp xây dựng
và củng cố miền Bắc. Thực hiện chủ trương đó, các tỉnh đồng bằng có mật độ
dân số đông, bình quân diện tích đất canh tác hạn chế như Thái Bình, Hưng
Yên đã tích cực hưởng ứng, khẩn trương triển khai công tác tổ chức đưa nhân
dân đi khai hoang, phát triển kinh tế miền núi, lựa chọn địa bàn Tây Bắc để
thực hiện công tác thí điểm, từ đó nhân rộng mô hình ra các tỉnh miền núi phía
Bắc. Trong khi đó, Khu Tự trị Thái - Mèo và tỉnh Sơn La với đặc thù là địa
phương có mật độ dân số thưa thớt nhất trên miền Bắc, diện tích đất đai rộng
lớn nhưng thiếu lực lượng lao động, cũng chủ động, tích cực chuẩn bị, sẵn sàng
tiếp nhận nhân lực lên khai hoang. Chính quyết tâm của Trung ương Đảng cùng
với sự chủ động, tích cực của các địa phương đã mở đầu cho một cuộc vận
động cách mạng lớn trên toàn miền Bắc trong những năm đầu thập kỷ 60 thế kỷ
XX - cuộc vận động “Đồng bào miền xuôi tham gia phát triển kinh tế miền
núi”. Cùng với các phong trào thi đua trong giai đoạn thực hiện Kế hoạch Nhà
nước 5 năm lần thứ nhất (1961 - 1965), cuộc vận động “Đồng bào miền xuôi
tham gia phát triển kinh tế miền núi” đã góp phần mở ra một thời kỳ sôi động,
khí thế hăng say với mục tiêu tấn công vào nghèo nàn và lạc hậu; đưa đến sự
hình thành nhiều mối liên hệ giữa các địa phương đồng bằng và miền núi, trong
đó Hưng Yên, Thái Bình và Sơn La là những địa phương tiêu biểu.


11
Chƣơng 3
QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH CÁC CƠ SỞ KHAI HOANG
CỦA NÔNG DÂN TỈNH HƢNG YÊN VÀ THÁI BÌNH TẠI SƠN LA
(1961 - 1965)
3.1. Công tác tổ chức chuyển dân đi khai hoang tại Sơn La, Tây Bắc
của các tỉnh Hƣng Yên, Thái Bình

3.1.1. Tỉnh Hưng Yên
Để lãnh đạo công tác chuyển dân đi khai hoang, phát triển kinh tế miền
núi, tỉnh Hưng Yên thành lập bộ máy lãnh đạo công tác khai hoang từ cấp tỉnh
đến cấp xã. Đối với công tác khai hoang tại Tây Bắc, Tỉnh ủy Hưng Yên đề
xuất chủ trương: “mỗi huyện sẽ kết nghĩa với một châu trên đó”. Trong những
năm 1961 - 1965, tỉnh Hưng Yên đã phân công cho các huyện phụ trách địa bàn
khai hoang tại Sơn La, cụ thể: huyện Khoái Châu và huyện Mỹ Hào đi Mộc
Châu, huyện Kim Động đi Yên Châu, huyện Phù Cừ đi Mai Sơn, huyện Ân Thi
và huyện Văn Lâm đi Mường La, huyện Tiên Lữ và huyện Yên Mỹ đi Sông
Mã. Trên cơ sở bước thí điểm đầu tiên, tỉnh quyết định giao nhiệm vụ cho mỗi
huyện xây dựng thí điểm từ 1 đến 2 hợp tác xã khai hoang. Từ cuối năm 1961,
công tác thí điểm được giao về cho các huyện; dần dần, các huyện giúp mỗi xã
xây dựng 1 hợp tác xã khai hoang thí điểm, từ đó mở rộng quy mô khai hoang.
3.1.2. Tỉnh Thái Bình
Để lãnh đạo công tác khai hoang xa, tỉnh Thái Bình thành lập Ban Khai
hoang của Tỉnh ủy do đồng chí Ngô Duy Đông - Bí thư Tỉnh ủy trực tiếp làm
Trưởng ban; đồng thời yêu cầu thành lập bộ phận khai hoang của các huyện và các
xã. Cũng giống như tỉnh Hưng Yên, việc tổ chức đi khai hoang, tham gia phát
triển kinh tế miền núi của tỉnh Thái Bình trong những năm 1961 - 1965 được thực
hiện qua nhiều đợt. Mỗi đợt tổ chức chuyển dân đi khai hoang, tỉnh đều có chỉ
đạo cụ thể về thành phần tham gia; hướng dẫn cách thức viết đơn tình nguyện, tổ
chức xét chọn... Tỉnh hỗ trợ trang bị vật chất thiết yếu đối với người đi khai
hoang, phát động phong trào “xẻ người xẻ của” để ủng hộ phong trào khai hoang.
3.2. Quá trình tiếp nhận nhân lực khai hoang trên địa bàn tỉnh Sơn La
(1961 - 1965)
3.2.1. Thí điểm chuyển dân và tiếp nhận nhân lực khai hoang
Tháng 11-1960, tỉnh Hưng Yên cử một đoàn cán bộ lên làm việc với lãnh
đạo Khu Tự trị Thái - Mèo phối hợp xây dựng kế hoạch tổ chức đưa đồng bào
lên khai hoang. Tháng 12-1960, tỉnh Hưng Yên tiến hành đưa xã viên lên xây
dựng cơ sở khai hoang thí điểm tại Sơn La, lấy tên là hợp tác xã Hoàng Văn

Thụ. Phạm vi của hợp tác xã được bố trí dọc theo đường số 6 thuộc châu Mai
Sơn và châu Mường La. Tháng 2-1961, đoàn khai hoang thí điểm của tỉnh Thái


12
Bình bắt đầu lên đường đi Tây Bắc, xây dựng hợp tác xã Bình Thuận ở Thuận
Châu. Hợp tác xã tổ chức khai hoang, phát triển sản xuất dưới chân đèo Pha
Đin thuộc địa phận xã Chiềng Pha.
Hoàng Văn Thụ và Bình Thuận chính là hai hợp tác xã khai hoang thí điểm
đầu tiên trên miền Bắc của nông dân đồng bằng Bắc Bộ trong cuộc vận động
tham gia phát triển kinh tế miền núi.
3.2.2. Quá trình mở rộng tiếp nhận nhân lực khai hoang
Từ cuối năm 1961, Khu Tự trị Thái - Mèo tiếp tục đón nhận thêm nhiều
nhân lực từ hai tỉnh Hưng Yên và Thái Bình lên khai hoang. Riêng tỉnh Sơn La,
tính đến hết năm 1962, đã tiếp nhận tổng cộng 6.115 nhân khẩu, trong đó, tỷ lệ
lao động chiếm tới 78%. Từ hai châu Mai Sơn và Thuận Châu, đồng bào khai
hoang đã mở rộng địa bàn đến các địa phương khác trong toàn tỉnh.
Trong những năm 1963 - 1965, tỉnh Sơn La tiếp nhận thêm nhiều nhân lực
khai hoang. Qua 5 năm (1961 - 1965), không kể 870 cháu nhỏ được sinh ra trên
quê hương mới, tỉnh Sơn La đã tiếp nhận 14.046 người thuộc 3 tỉnh Hưng Yên,
Thái Bình, Hà Đông với tỷ lệ lao động chiếm 66,3%. Tuy nhiên, cũng trong 5
năm đó, đã có 263 lao động tham gia nghĩa vụ quân sự; 69 lao động thoát ly
tham gia công tác tại các cơ quan, các ngành kinh tế khác; và 4.302 người thuộc
các trường hợp bỏ về, được cho về hoặc đi khai hoang nơi khác. Tính đến cuối
năm 1965, tổng số đồng bào khai hoang trên địa bàn tỉnh Sơn La có 10.282
người, gồm 5.169 nam, 5.113 nữ, tỷ lệ lao động chiếm khoảng 48%.
3.3. Quá trình hình thành các cơ sở khai hoang tại tỉnh Sơn La (1961 1965)
3.3.1. Trong hai năm đầu 1961 - 1962
Trong giai đoạn đầu tiếp nhận nhân lực, Khu Tự trị Thái - Mèo chủ trương
xây dựng các hợp tác xã khai hoang độc lập ở những nơi thuận lợi, đảm bảo

điều kiện về đất canh tác, nguồn nước và đường giao thông. Hai hợp tác xã
Hoàng Văn Thụ và Bình Thuận được thành lập với mô hình hợp tác xã cấp cao,
trở thành hình mẫu cho các hợp tác xã khai hoang sau này học tập. Tính đến
thời điểm tái lập tỉnh (tháng 10-1962), đã có 19 hợp tác xã khai hoang độc lập
xây dựng ở 7 huyện trên địa bàn tỉnh Sơn La.
Trong giai đoạn đầu, quy mô của hợp tác xã khai hoang tương đối lớn.
Thực tế, quy mô trong hai năm đầu xây dựng hợp tác xã khai hoang chưa phù
hợp với điều kiện đất đai và trình độ quản lý của cán bộ, đó là hạn chế cần kịp
thời điều chỉnh, khắc phục.
3.3.2. Trong những năm 1963 - 1965
Từ năm 1963, tỉnh Sơn La quyết định chia nhỏ các hợp tác xã khai hoang
có quy mô quá lớn; tiếp tục thực hiện chủ trương xây dựng hợp tác xã khai


13
hoang theo hình thức độc lập, với quy mô loại nhỏ và loại vừa; tiến hành thí
điểm xen ghép một số đội, tổ khai hoang vào các hợp tác xã địa phương. Theo
phương hướng trên, đến cuối năm 1963, toàn tỉnh đã chia 10 hợp tác xã khai
hoang lớn thành 33 hợp tác xã loại vừa và nhỏ; bước đầu thực hiện thí điểm
xen ghép 2 đội sản xuất của đồng bào tỉnh Hưng Yên vào hợp tác xã địa
phương. Tính đến cuối năm 1963, toàn tỉnh Sơn La có 45 hợp tác xã khai
hoang độc lập và 2 đội khai hoang xen ghép.
Trong những năm 1964 - 1965, tỉnh Sơn La tiếp nhận thêm nhân lực khai
hoang bổ sung vào các hợp tác xã đã xây dựng trước đó, tiếp tục thành lập thêm
những hợp tác xã mới. Đến cuối năm 1965, toàn tỉnh có 80 cơ sở khai hoang,
gồm 78 hợp tác xã độc lập và 2 đội xen ghép với. Về quy mô, đến cuối năm
1965, trên địa bàn tỉnh Sơn La chỉ còn các hợp tác xã khai hoang quy mô vừa
và nhỏ, không còn hợp tác xã khai hoang quy mô lớn. Đó là một bước điều
chỉnh quan trọng trong quá trình tổ chức xây dựng hợp tác xã khai hoang tại
Sơn La.

Tiểu kết chƣơng 3
Thực hiện chủ trương điều chỉnh nhân lực giữa các địa phương của Trung
ương Đảng, trong những năm 1961 - 1965, các tỉnh Hưng Yên, Thái Bình đã
phát động phong trào đi khai hoang xa; tổ chức lựa chọn, đưa hơn 10.000 nhân
khẩu lên Sơn La xây dựng bản làng, tham gia phát triển kinh tế. Từ 2 cơ sở khai
hoang thí điểm ban đầu là hợp tác xã Hoàng Văn Thụ của nông dân Hưng Yên
tại Mai Sơn và hợp tác xã Bình Thuận của nông dân Thái Bình tại Thuận Châu,
đến cuối năm 1965, trên toàn tỉnh Sơn La, đồng bào khai hoang đã xây dựng
được 80 cơ sở ở khắp các huyện, tập trung đông nhất tại huyện Sông Mã. Sự
xuất hiện của đồng bào khai hoang và quá trình hình thành các cơ sở khai hoang
là những nhân tố mới, là biến đổi to lớn và sâu sắc trên địa bàn Sơn La trong
những năm đầu tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Quá trình hình thành các cơ sở khai hoang của nông dân hai tỉnh Hưng Yên
và Thái Bình trên địa bàn tỉnh Sơn La trong những năm 1961 - 1965 là quá
trình huy động sức mạnh tổng hợp và phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương,
vừa tổ chức vừa rút kinh nghiệm; là quá trình khắc phục khó khăn, gian khổ của
những người đi khai hoang để sớm ổn định, bắt tay vào sản xuất. Trong quá
trình đó, quy mô các cơ sở khai hoang được điều chỉnh, chia nhỏ cho phù hợp
với điều kiện địa dư, trình độ quản lý của cán bộ; hình thức tổ chức (hợp tác xã
độc lập) được xác lập và khẳng định; địa bàn khai hoang từng bước được mở
rộng. Đó là bước khởi đầu, đặt nền móng cho những đóng góp của nông dân hai
tỉnh Hưng Yên, Thái Bình trong công cuộc khai hoang, phát triển kinh tế miền
núi tại Sơn La; góp phần củng cố miền Bắc.


14
Chƣơng 4
HOẠT ĐỘNG KHAI HOANG, PHÁT TRIỂN KINH TẾ
CỦA NÔNG DÂN TỈNH HƢNG YÊN VÀ THÁI BÌNH TẠI SƠN LA
(1961 - 1965)

4.1. Quá trình khai hoang, mở rộng diện tích sản xuất
Nhiệm vụ đầu tiên của đồng bào khai hoang là tổ chức phát hoang, phá
rậm, dọn sạch nương đồi, mở rộng diện tích sản xuất. Qua 5 năm (1961 - 1965)
không kể số ruộng đất địa phương nhường lại và diện tích bị xói mòn phải bỏ,
các hợp tác xã đã khai hoang, phục hóa và đưa vào sản xuất được 1.849 ha. Đại
bộ phận đất canh tác của các hợp tác xã là đất nương đồi; bên cạnh đó, các hợp
tác xã cũng chú trọng khai phá ruộng nước để phát huy sở trường sản xuất lúa
nước.
Bình quân diện tích ruộng đất trên đầu người trong các hợp tác xã khai
hoang đã cao hơn nhiều so với ở quê cũ. Đến cuối năm 1965, mỗi nhân khẩu có
bình quân 2.000 m2 (tương đương hơn 5 sào Bắc Bộ), mỗi lao động có 4.280 m2
(tương đương 1 mẫu 2 sào Bắc Bộ). Đó là thành quả đầu tiên của đồng bào khai
hoang trên quê hương mới, cũng là thắng lợi đầu tiên trong cuộc đấu tranh cải
tạo tự nhiên, xây dựng cuộc sống mới.
4.2. Sản xuất nông nghiệp trong các cơ sở khai hoang
4.2.1. Trồng trọt
* Về kỹ thuật trồng trọt
Các hợp tác xã khai hoang đã có nhiều cố gắng trong công tác thủy lợi: tổ
chức đắp bờ, đập để giữ nước; đào hồ nhỏ, đào ao để chứa nước; đào đắp
mương, máng để dẫn nước. Để hạn chế ảnh hưởng xấu của thời tiết, các hợp tác
xã khai hoang được hướng dẫn và thực hiện sản xuất đúng thời vụ. Các hợp tác
xã khai hoang còn chú trọng bón phân, tận dụng hết các nguồn phân. Bên cạnh
đó, các biện pháp bảo vệ mùa màng khỏi sự phá hoại của sâu bệnh, thú rừng,
trâu bò thả rông,... cũng được chú trọng. Nhiều công cụ cải tiến được phát minh
trong quá trình lao động sản xuất đã góp phần nâng cao năng suất lao động.
* Về cơ cấu cây trồng
Cơ cấu cây trồng trong các hợp tác xã khai hoang tương đối toàn diện, bao
gồm: cây lương thực, cây công nghiệp (ngắn ngày và dài ngày). Trong cơ cấu
cây trồng, diện tích cây lương thực chiếm chủ đạo, từ 3 4 diện tích trồng trọt trở
lên; cây công nghiệp chiếm diện tích khiêm tốn hơn. Tuy nhiên, về xu hướng,

cây công nghiệp có chiều hướng phát triển qua các năm, từ 7,3% trong năm
1961 tăng lên 27,4% trong năm 1965, chiếm hơn 1 4 diện tích trồng trọt trong
các hợp tác xã khai hoang.


15
* Cây lương thực
Cây lương thực là cây trồng chủ yếu trong các hợp tác xã khai hoang nhằm
đảm bảo yêu cầu tự túc lương thực. Các loại cây lương thực chủ đạo là lúa, ngô;
ngoài ra còn có các loại cây có bột: khoai, sắn, dong riềng,... và các loại hoa
màu.
Lúa là cây lương thực chủ đạo, chiếm tỷ lệ khoảng 50% diện tích trồng cây
lương thực hàng năm, bao gồm lúa nương và lúa ruộng. Những năm đầu, lúa
nương chiếm diện tích áp đảo so với lúa ruộng. Trong những năm 1964 - 1965,
tình trạng này dần được cải thiện với việc các hợp tác xã khai hoang thu hẹp dần
diện tích lúa nương và mở rộng diện tích lúa ruộng.
Cùng với lúa, ngô là cây lương thực chủ đạo trong các hợp tác xã khai
hoang. Diện tích và sản lượng ngô tăng đều qua các năm. Trong thời gian 5
năm, sản lượng ngô của các hợp tác xã khai hoang ở Sơn La đã tăng hơn 10 lần,
từ 33 tấn năm 1961 lên 445,7 tấn năm 1965.
* Cây công nghiệp
Từ năm 1963, cây công nghiệp bắt đầu được quan tâm phát triển, một số hợp
tác xã khai hoang được giao nhiệm vụ chuyên canh sản xuất cây công nghiệp.
Diện tích và sản lượng cây công nghiệp của các hợp tác xã khai hoang tăng mạnh
qua các năm. Tổng hợp 5 năm, các hợp tác xã khai hoang đã thu hoạch được 9.426
tấn sản phẩm cây công nghiệp. Đó là khối lượng nguyên liệu lớn góp phần phục
vụ phát triển công nghiệp địa phương, thu lợi cho các hợp tác xã.
* Cây ăn quả
Cây ăn quả được trồng chủ yếu ở khu vực đất kiến thiết của các hợp tác xã và
đất sản xuất riêng của các hộ xã viên. Đáng chú ý là cây nhãn được đồng bào

Hưng Yên mang từ quê hương lên ươm trồng bằng hạt tại đất khai hoang, từng
bước trở thành loại cây cho giá trị kinh tế cao của tỉnh Sơn La.
4.2.2. Chăn nuôi
Bộ phận phụ trách chăn nuôi được hình thành trong các hợp tác xã khai
hoang ngay từ những ngày đầu đặt chân lên Tây Bắc. Trong quá trình phát
triển, có đội chăn nuôi lớn mạnh đã tách ra thành lập hợp tác xã chăn nuôi
riêng. Cơ cấu vật nuôi trong các hợp tác xã khai hoang bao gồm gia súc (đại gia
súc chủ yếu là trâu, bò; tiểu gia súc chủ yếu như lợn, dê) và gia cầm (gà, vịt,
ngan, ngỗng,...). Một số hợp tác xã còn tổ chức đào ao, hồ phát triển nghề nuôi
cá; một số nơi tổ chức nuôi ong mật.
Mặc dù vậy, sự phát triển của ngành chăn nuôi vẫn chưa tương xứng với
những điều kiện thuận lợi, chưa đạt vị trí quan trọng trong cơ cấu sản xuất của
các hợp tác xã khai hoang. Thu nhập về chăn nuôi tập thể hàng năm mới chiếm
khoảng 10% so với tổng thu nhập của các hợp tác xã.


16
4.3. Sản xuất thủ công nghiệp và khai thác các nguồn lợi tự nhiên
4.3.1. Sản xuất thủ công nghiệp
Sản xuất thủ công nghiệp là một hoạt động quan trọng trong các hợp tác xã
khai hoang. Đa số các hợp tác xã khai hoang sau khi được thành lập đều tổ chức
các đội, tổ thợ thủ công. Các ngành nghề phổ biến bao gồm mộc, rèn, may mặc,
cắt tóc, chế biến nông sản, đan lát, nung vôi, đóng gạch,... Đến cuối năm 1965,
trong số 78 hợp tác xã khai hoang ở Sơn La, có 5 hợp tác xã sản xuất thủ công
nghiệp cùng hàng chục đội, tổ thợ thủ công trong các hợp tác xã nông nghiệp.
Thu nhập từ sản xuất thủ công nghiệp là một nguồn thu đáng kể của các
hợp tác xã khai hoang. Tính trong 5 năm, tổng số tiền thu được từ sản xuất thủ
công là 832.478,46 đồng.
4.3.2. Khai thác các nguồn lợi tự nhiên
Một nguồn thu quan trong khác của các hợp tác xã khai hoang là khai thác

các sản vật tự nhiên. Ở những địa phương có diện tích rừng như Mộc Châu,
Sông Mã, Thuận Châu, các hợp tác xã khai hoang tổ chức lực lượng khai thác
lâm sản và làm nghề rừng; thu nhặt lâm, thổ sản. Một số hợp tác xã khai hoang
ven sông Mã và các suối lớn tổ chức đánh bắt cá để cải thiện bữa ăn cho xã
viên.
4.4. Phát triển kinh tế phụ của xã viên và gia đình xã viên
Kinh tế phụ là hoạt động sản xuất riêng của xã viên và gia đình; là nguồn
thu nhập thêm bên cạnh phần hoa lợi tập thể. Trong hai năm đầu, kinh tế phụ
chưa được chú ý đúng mức. Từ năm 1963, kinh tế phụ được các hợp tác xã khai
hoang tạo điều kiện, phát triển tương đối nhanh và mạnh, tận dụng được thời
gian nhàn rỗi, sức lao động của xã viên. Những hợp tác xã xây dựng được một
vài năm, hầu hết xã viên đều có nhà riêng, đất riêng sản xuất, có vườn trồng
rau, hoa màu, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Thu nhập từ kinh tế phụ có ý nghĩa
quan trọng với việc ổn định đời sống của đồng bào khai hoang trong những năm
đầu trên quê hương mới.
Tiểu kết chƣơng 4
Cùng với quá trình xây dựng cơ sở, các hợp tác xã khai hoang đã tích cực
tổ chức phát hoang, mở rộng diện tích canh tác, phát triển sản xuất. Tính đến
cuối năm 1965, trung bình mỗi nhân khẩu khai hoang tại Sơn La đã có trên
2.000 m2 đất canh tác tập thể. Diện tích đó đã hơn hẳn mức bình quân ruộng đất
khi còn ở quê cũ, chưa kể diện tích sản xuất kinh tế phụ do xã viên tự khai phá.
Đó là vốn liếng đầu tiên của đồng bào khai hoang trên quê hương mới. Trên
diện tích đất mới khai phá ấy, xã viên và các hợp tác xã khai hoang tích cực thi
đua sản xuất, tăng gia trồng các loại cây lượng thực, chủ yếu là lúa và ngô; một
số hợp tác xã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng cây công nghiệp. Các hợp tác xã


17
còn đẩy mạnh chăn nuôi, mở mang các nghề thủ công, tổ chức khai thác lâm
thổ sản và các nguồn lợi tự nhiên. Ngoài thời gian lao động tập thể, các xã viên

tích cực phát triển các hoạt động kinh tế phụ. Có thể nói, hoạt động kinh tế của
đồng bào khai hoang khá toàn diện, trong đó trồng cây công nghiệp, sản xuất
nghề thủ công và phát triển kinh tế phụ được xác định là 3 hướng làm giàu cơ
bản của hợp tác xã và xã viên.
Mới qua một vài năm phấn đấu trên quê hương mới, thời gian chưa nhiều
nhưng các hợp tác xã đã xây dựng được cuộc sống ổn định. Mặc dù thu nhập từ
kinh tế tập thể ở phần lớn các hợp tác xã chưa đảm bảo tự túc nhưng thu nhập
của xã viên đã được bù đắp đáng kể từ các hoạt động kinh tế phụ. Vượt qua
những khó khăn ban đầu, tích cực học hỏi kinh nghiệm sản xuất của địa
phương, các hợp tác xã khai hoang đã ổn định sản xuất, từng bước phấn đấu
thực hiện tự túc lương thực, tiến tới làm giàu cho bản thân, cho tập thể hợp tác
xã và cho địa phương. Những kết quả bước đầu đó khẳng định chủ trương điều
chỉnh nhân lực của Trung ương Đảng và các địa phương là đúng đắn; phản ánh
những nỗ lực và quyết tâm của đồng bào khai hoang trên quê hương mới; cho
thấy khả năng, sức mạnh to lớn của thiên nhiên và con người trong sự nghiệp
xây dựng chủ nghĩa xã hội trên miền Bắc; đồng thời đưa đến những tác động to
lớn và sâu sắc trên nhiều lĩnh vực.


18
Chƣơng 5
TÁC ĐỘNG CỦA QUÁ TRÌNH TỔ CHỨC NÔNG DÂN
TỈNH HƢNG YÊN VÀ THÁI BÌNH KHAI HOANG, PHÁT TRIỂN
KINH TẾ TẠI SƠN LA (1961 - 1965)
5.1. Tác động về kinh tế
5.1.1. Điều hòa nguồn nhân lực giữa các địa phương
Đối với hai tỉnh Hưng Yên và Thái Bình, việc điều chuyển lên miền núi hàng
chục vạn nhân khẩu, trong đó đưa lên Sơn La hơn 10.000 người trong một khoảng
thời gian ngắn đã giúp các tỉnh này giảm áp lực về mật độ dân số và tốc độ gia
tăng dân số. Những người đi khai hoang đã để lại diện tích ruộng đất lớn, giúp

nâng cao bình quân diện tích ruộng đất trên đầu người cho những nhân khẩu ở lại,
góp phần phá vỡ cái gọi là “xiềng 3 sào”, qua đó giải phóng sức lao động của
người nông dân, tạo điều kiện phát triển sản xuất, nâng cao sản lượng lương thực.
Đồng thời, quá trình đó đã điều chỉnh lực lượng lớn nhân lực lên Sơn La
tham gia phát triển kinh tế. Tính đến cuối năm 1965, tổng số nhân khẩu ở các
cơ sở khai hoang trên địa bàn tỉnh Sơn La có 10.282 người. Số nhân lực này
tương đương dân số huyện Quỳnh Nhai hoặc Thị xã Sơn La cùng thời điểm. Đó
thực sự là lực lượng đáng kể tham gia và đóng góp vào quá trình phát triển kinh
tế, văn hóa, củng cố an ninh, quốc phòng của tỉnh Sơn La.
5.1.2. Hình thành các cơ sở kinh tế mới, góp phần thúc đẩy tăng trưởng
kinh tế của tỉnh Sơn La
Hơn 70 hợp tác xã khai hoang độc lập chính là những cơ sở kinh tế mới
của tỉnh Sơn La. Qua 5 năm phấn đấu, đồng bào đã khai hoang, phục hóa được
gần 2.000 ha nương đồi, hàng trăm ha ruộng nước, biến đất hoang thành đất
thục, đặt cơ sở cho sự nghiệp phát triển sản xuất nông nghiệp ở quê hương mới.
Một trong những tác động quan trọng của các hợp tác xã khai hoang là đã
tăng cường tỷ lệ cây công nghiệp trong cơ cấu cây trồng của Sơn La, góp phần
nâng cao diện tích trồng cây công nghiệp của tỉnh. Đồng bào khai hoang tại Sơn
La còn bổ sung những nhân tố mới, tạo ra sự chuyển dịch trong sản xuất ở miền
núi. Đó là những giống cây trồng mới; những công cụ sản xuất mới giúp cải
thiện năng suất lao động trên quê hương mới; phổ biến những biện pháp kỹ
thuật mới, những kinh nghiệm sản xuất hay. Đồng bào khai hoang tại Sơn La
còn góp phần xây dựng cơ sở vật chất kĩ thuật cho chủ nghĩa xã hội.
5.1.3. Mở mang ngành nghề, thay đổi thói quen và trình độ sản xuất của
nhân dân địa phương
Các hợp tác xã khai hoang trên địa bàn Sơn La đã phát triển trên 20 ngành
nghề thủ công nghiệp, tham gia phát triển kinh tế hàng hóa. Nhiều hợp tác xã


19

hướng dẫn, đào tạo thợ thủ công, giúp địa phương phát triển ngành nghề, tận
dụng nhân công và thời gian nhàn rỗi, tăng thêm thu nhập.
Quá trình chung sống, đoàn kết trong sản xuất, trao đổi kinh nghiệm của
đồng bào khai hoang từng bước làm thay đổi thói quen canh tác của nhân dân
địa phương. Với sự hướng dẫn, giúp đỡ của cán bộ khai hoang, nhiều hợp tác xã
địa phương đã tăng cường năng lực quản lý. Tinh thần khắc phục khó khăn, cần
cù lao động của đồng bào khai hoang được nhân dân địa phương nhiều nơi ca
ngợi, học tập.
5.2. Tác động về xã hội
5.2.1. Góp phần cải thiện đời sống nhân dân
Qua một thời gian ngắn vừa xây dựng cơ sở, vừa phấn đấu lao động sản
xuất, cuộc sống của đồng bào khai hoang tại Sơn La đã có nhiều nét khởi sắc.
Đời sống vật chất từng bước được nâng cao; đời sống tinh thần được quan tâm,
chăm lo. Nhiều xã viên khẳng định cuộc sống trên quê hương mới đã hơn hẳn
quê cũ trước đây.
Với sự xuất hiện của đồng bào khai hoang, cuộc sống của nhân dân địa
phương có điều kiện để cải thiện tốt hơn. Nhiều hợp tác xã khai hoang sẵn sàng
giúp đỡ địa phương trong lúc gặp khó khăn. Cửa hàng của các hợp tác xã khai
hoang trở thành nơi mua bán tiện lợi phục vụ cho cả đồng bào địa phương. Đặc
biệt, trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cho nhân dân địa phương, đồng bào khai
hoang có tác động tích cực và rõ rệt.
5.2.2. Tác động đến dân số, dân cư tỉnh Sơn La
Đồng bào khai hoang góp phần đưa tỷ lệ gia tăng dân số tự nhiên của tỉnh
Sơn La tăng cao, làm thay đổi mật độ dân số của tỉnh Sơn La; góp phần làm cho
thành phần dân tộc Kinh tăng lên trong cơ cấu tộc người ở Sơn La. Đồng bào
khai hoang người Kinh đã phân bố rộng khắp các địa phương của tỉnh Sơn La,
ở cả vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng
trong việc củng cố và phát huy sức mạnh đoàn kết dân tộc trong sự nghiệp xây
dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Việc thành lập các hợp tác xã khai hoang đưa tới sự xuất hiện các đơn vị

dân cư mới, làm thay đổi bản đồ dân cư của tỉnh Sơn La. Nhiều khu vực biên
giới, vùng xa xôi, hẻo lánh trước đây không có hoặc có rất ít người ở, nay đã
xuất hiện những hợp tác xã khai hoang của người Kinh. Với sự xuất hiện của
đồng bào khai hoang, diện mạo một số thị trấn mới đã từng bước hình thành
như Mai Sơn, Sông Mã.
5.2.3. Thúc đẩy giao lưu và phát triển văn hóa
Đời sống văn hóa ở những địa điểm khai hoang có nhiều nét khởi sắc.
Đồng bào khai hoang trực tiếp góp phần nâng cao trình độ văn hóa cho nhân


20
dân địa phương. Cán bộ và giáo viên của các hợp tác xã khai hoang tham gia
công tác xóa mù chữ, bổ túc văn hóa cho nhân dân địa phương; hướng dẫn nhân
dân địa phương kiến thức khoa học, kỹ thuật; trao đổi kinh nghiệm lãnh đạo,
quản lý hợp tác xã,... góp phần nâng cao nhận thức và trình độ cho cán bộ và
nhân dân địa phương.
Sự xuất hiện ngày càng nhiều của đồng bào khai hoang còn đưa đến một
tác động tích cực, giúp việc sử dụng Tiếng Việt trong cộng đồng các dân tộc
thiểu số từng bước trở nên thông dụng và phổ biến hơn.
5.3. Tác động về chính trị, quốc phòng - an ninh
5.3.1. Góp phần củng cố hệ thống chính trị
Sự xuất hiện của đồng bào khai hoang góp phần củng cố và tăng cường sức
mạnh cho hệ thống chính trị của tỉnh Sơn La. Với sự bổ sung hàng nghìn cán
bộ, đảng viên, đoàn viên thanh niên, cùng hàng chục chi bộ Đảng, chi đoàn
thanh niên, chi hội phụ nữ ở các cơ sở khai hoang đã tăng thêm sức mạnh của tổ
chức Đảng và các đoàn thể quần chúng ở Sơn La. Quá trình trao đổi kinh
nghiệm giữa hợp tác xã khai hoang và địa phương cũng góp phần nâng cao
năng lực quản lý cho cán bộ của các hợp tác xã địa phương, đặc biệt trong công
tác “ba quản”.
Đồng bào khai hoang tại Sơn La có tác động tích cực trong việc thực hiện

chính sách dân tộc. Đồng bào khai hoang giúp đỡ nhân dân địa phương trong
đời sống, sản xuất; đoàn kết với nhân dân địa phương thực hiện nhiệm vụ
chung; đồng thời là cầu nối giữa các địa phương của hai tỉnh Hưng Yên, Thái
Bình với các địa phương của Sơn La.
Những thành công, hạn chế trong công tác tổ chức nông dân đồng bằng
Bắc Bộ khai hoang, phát triển kinh tế tại Sơn La là những trải nghiệm bổ ích,
quý giá, để lại những bài học kinh nghiệm sâu sắc đối với bản thân những
người tham gia khai hoang và các cấp ủy đảng, chính quyền trong công tác lãnh
đạo cuộc vận động trong giai đoạn tiếp theo.
5.3.2. Tăng cường sức mạnh quốc phòng - an ninh
Đồng bào khai hoang tại Sơn La đã góp sức xây dựng, củng cố thế trận
quốc phòng - an ninh thêm vững chắc trên một địa bàn có vị trí chiến lược hết
sức quan trọng - là phên dậu phía Tây Bắc Tổ quốc. Trong bối cảnh đế quốc
Mỹ leo thang chiến tranh ra đánh phá miền Bắc, đồng bào khai hoang và các
hợp tác xã khai hoang ở Sơn La tích cực chiến đấu và phục vụ chiến đấu chống
chiến tranh phá hoại, góp phần vào chiến công chung của nhân dân miền Bắc.


21
Tiểu kết chƣơng 5
Chỉ trong một thời gian ngắn (1961 - 1965), nông dân hai tỉnh Hưng Yên,
Thái Bình khai hoang, phát triển kinh tế tại Sơn La đã đạt được kết quả nhất
định, có tác động tích cực và sâu sắc trên nhiều lĩnh vực.
Về kinh tế, đồng bào khai hoang tại Sơn La góp phần điều hòa nguồn nhân
lực, giải phóng lực lượng sản xuất để tạo ra những điều kiện tốt hơn cho các địa
phương trong phát triển kinh tế. Sự xuất hiện của đồng bào khai hoang đưa tới
sự hình thành các cơ sở kinh tế mới, giúp mở mang ngành nghề sản xuất, góp
phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh Sơn La; đồng thời từng bước làm
thay đổi thói quen và trình độ sản xuất của nhân dân địa phương.
Về xã hội, quá trình tổ chức nông dân hai tỉnh Hưng Yên và Thái Bình lên

Sơn La tham gia phát triển kinh tế đã góp phần ổn định và nâng cao cuộc sống
của đồng bào khai hoang, giúp cải thiện đời sống một bộ phận nhân dân địa
phương. Đồng bào khai hoang còn đưa đến sự gia tăng số lượng người Kinh và
sự phân bố người Kinh ở các địa bàn trọng yếu; đưa đến sự hình thành các đơn
vị dân cư mới, làm thay đổi bản đồ dân cư Sơn La. Cùng với đó, sự xuất hiện
của đồng bào khai hoang còn có tác động thúc đẩy giao lưu văn hóa ở những
địa điểm khai hoang.
Đồng bào khai hoang góp phần củng cố và tăng cường sức mạnh cho hệ
thống chính trị của tỉnh Sơn La, tham gia thực hiện chính sách dân tộc của
Đảng và Nhà nước. Đồng bào khai hoang đã góp sức xây dựng, củng cố thế trận
quốc phòng - an ninh thêm vững chắc trên một địa bàn có vị trí chiến lược hết
sức quan trọng - là phên dậu phía Tây Bắc Tổ quốc; đồng thời tích cực tham gia
chiến đấu và phục vụ chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ.
Mặc dù còn có những hạn chế nhất định, nhưng tác động tích cực mà đồng
bào khai hoang tại Sơn La đem lại có ý nghĩa to lớn, sâu sắc và lâu dài. Quá
trình hình thành các hợp tác xã và hoạt động khai hoang, phát triển sản xuất trên
quê hương mới Sơn La trong những năm 1961 - 1965 tạo cơ sở vững chắc cho
những bước phát triển tiếp theo của cuộc vận động “Đồng bào miền xuôi tham
gia phát triển kinh tế miền núi”.


×