Tải bản đầy đủ (.doc) (4 trang)

THẤU cảm Thấu cảm có nhiều định nghĩa khác nhau

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (29.9 KB, 4 trang )

THẤU CẢM
Thấu cảm có nhiều định nghĩa khác nhau, chứa đựng một chuỗi các trạng thái tâm lý thể hiện sự
hiểu biết sâu sắc của mình về người khác, có biểu hiện thương yêu chia sẻ với người khác như
thế ta đang ở vào tình huống ấy và phải giải quyết vấn đề mà người kia đang gặp phải. Từ đó,
chúng ta mở rộng tâm cảm thông, thương yêu, bao dung thông qua các biểu hiện như an ủi, chăm
sóc người khác và mong muốn giúp họ, khi chúng ta có những tình cảm trải nghiệm trùng hợp
với cảm xúc người khác, hiểu sâu sắc những gì người khác suy nghĩ hay cảm nhận, lý giải được
cách người khác phản ứng và sẵn lòng chấp nhận và trợ duyên họ nhiều nhất trong khả năng có
thể. Khi có thấu cảm, ta dễ dàng tha thứ người khác khi biết ướm chân mình vào đôi giày người
khác đang mang. Với thấu cảm, không còn ranh giới rõ ràng giữa ta và người. Mức độ thấu cảm
càng cao, ranh giới này càng nhạt nhòa, khi ấy, bằng trải nghiệm bản thân, ta hiểu người như thể
hiểu bản thân mình. Thấu cảm là cơ sở để nuôi dưỡng các hạnh lành của bản thân trong đời sống
xã hội, cụ thể sẽ được trình bày dưới đây.
Thấu cảm để sống thiện lành
Thấu cảm không phải là thông cảm, đồng cảm, thương hại mặc dù có sự liên quan giữa các trạng
thái tâm lý này. Tiếng Việt ta có nhiều từ “thấu” rất hay như thấu hiểu, thấu đáo, đau hay lạnh
thấu xương thấu tủy. Thấu có nghĩa là xuyên suốt, toàn diện, thấm nhuần, hòa lẫn, hòa nhập, giao
thoa trọn vẹn. Như vậy, khi thấu cảm trọn vẹn giữa ta và người, giữa ta và vật diễn ra, ta hoàn
toàn có thể cảm nhận thay, nghĩ thay, hiểu thay tâm trạng của người khác. Trên cơ sở này, người
thấu cảm nỗi khiếp sợ và khổ đau của một chúng sanh trước cái chết sẽ không giết hại sinh
mạng. Tương tự như vậy, nếu thấu cảm sự bất an, đau khổ và nhiều hệ lụy liên quan từ việc mất
mát tài sản mà chủ nhân nó phải làm việc vất vả lắm mới có được. Người thấu cảm được nỗi khổ
đau của người bị người bạn đời của mình phụ tình, bị lừa dối, không chung thủy sẽ không bao
giờ làm người thứ ba phá vỡ hạnh phúc hôn nhân của người khác. Người nào thấu cảm được nỗi
bất an và phiền toái do hậu quả của lời nói không chân thật, lời nói thêu dệt, lời nói đâm thọc và
lời nói thô ẩn chứa ác ý gây ra sẽ không bao giờ sử dụng lời nói như một thứ vũ khí lợi hại để
làm tổn thương người khác. Người nào thấu cảm được hậu quả tệ hại do một người say rượu gây
ra sẽ có cách giữ mình ra khỏi sự cám dỗ của rượu bia để không phải làm khổ bản thân và khổ
người thân của mình.
Tâm lý thấu cảm được hình thành qua nhiều tình huống trong cuộc sống, có khi chính bản thân
mình là nạn nhân thì tâm lý thấu cảm càng sâu sắc hơn. Tôi từng được nghe một phật tử nam


không uống rượu bia chia sẻ kinh nghiệm rằng, sở dĩ bạn ấy không để mình bị rượu bia cám dỗ
bì quá hiểu nỗi khổ của mẹ chịu đựng thường xuyên với ba mỗi khi ba say rượu đã ám ảnh bạn
ấy từ bé. Bạn ấy kể rằng, ba bạn ấy là người rất hiền lành, chăm làm, thương yêu vợ con nếu
không uống rượu. Một khi rượu vào, ba trở thành một con người hoàn toàn khác. Mỗi lần say,
thường là chiều tối, ba đuổi mẹ ra khỏi nhà, khóa cửa lại, giữ kỹ chìa khóa. Nhiều đêm mẹ phải
ngủ ngoài hành làng làm mồi cho muỗi. Con thì la hét đánh đập, mỗi đứa phải chọn một góc nhà
trốn thật kỹ khỏi tầm mắt của ba nếu không muốn no đòn. Mỗi lần như vậy, chính bạn ấy là
người canh chừng, lén lấy chìa khóa để mở cửa cho mẹ vào. Cần phải canh chừng làm sao để lấy
được chìa khóa, mở cửa thật nhẹ và mẹ vào nhà được rồi cũng phải trốn kỹ. Nếu ba thấy mẹ xuất


hiện trong nhà thì lần này, ba đuổi cả mẹ lẫn con ra ngoài, khóa cửa lại. Khi nào rượu chưa tha
cho ba thì ba không bao giờ tha cho vợ con được yên ổn. Việc này diễn ra trong gia đình bạn ấy
từ 3 đến 5 lần trong một tuần. Khi tỉnh rượu, ba không còn nhớ gì về những hành xử tồi tệ của
mình đối với vợ con, lại lầm lũi đi làm, chăm lo công việc, nhưng hễ chiều về, có người rủ là ba
đi. Một khi đi theo nhóm bạn, ba trở về với hình ảnh một con người hoàn toàn khác và là nỗi ám
ảnh khủng khiếp của mấy mẹ con. Từ nhỏ, bạn ấy ghê sợ tác hại của rượu và đây là động cơ để
bạn ấy không cho phép mình trở thành nạn nhân của bia rượu như người cha của mình. Thấu
cảm là như vậy đó.
Như vậy, trên cơ sở thấu hiểu tâm trạng của người khác, của sinh vật khác, ta có động cơ và mục
đích để chọn đời sống đạo đức thanh cao, tối thiểu là dựa trên năm nguyên tắc đạo đức dành cho
người tại gia mà đức Phật đã chế định.
Thấu cảm để thực hành tâm từ
Thấu cảm đòi hỏi phải có khả năng đặt mình vào vị trí người khác để hiểu rõ nguồn cơn, ngọn
ngành. Từ cái hiểu sâu sắc đó mới có cách ứng xử đúng đắn, phù hợp với lòng yêu thương thật
sự xuất phát từ đáy con tim. Đối với người bán hàng thì thấu cảm là đặt mình vào vị trí người
tiêu dùng để hiểu sau khi bỏ ra một khoản tiền như vậy, họ xứng đáng được sử dụng chất lượng
sản phẩm, mẫu mã, hình thức thế nào. Ai biết nghĩ như vậy sẽ có cái tâm thương người sử dụng
và lấy chất lượng sản phẩm làm chuẩn mực chứ không phải chỉ biết lợi nhuận mà bất chấp tất cả.
Đối với người bạn thân thì thấu cảm là đặt mình vào vị trí của người kia để hiểu được, mỗi khi

chạm mặt với những khó khăn, thử thách của cuộc sống, mình thấu hiểu tận ngọn nguồn và chia
sẻ hết lòng với bạn như thể mình đang đối mặt với những gì bạn đang đương đầu. Đối với người
tham đắm và dính mắc vật chất đời thường, ta hiểu rằng tâm họ không được chánh pháp soi sáng,
không may mắn gặp một người thầy tốt để có thể giúp họ mở tầm nhìn và hiểu rằng, sự bám víu
vào các pháp mang tính kết thành sẽ không bền, là nguyên nhân đưa đến bất an và đau khổ. Nếu
mình là nạn nhân của ai đó do tâm tham làm động cơ, ta nên hiểu ta không phải là nạn nhân của
người ấy, mà là nạn nhân của tâm tham. Mà tâm tham là “tài sản chung” của những người chưa
giác ngộ như chúng ta, nên ta cũng chẳng hơn gì họ. Thấu hiểu điều này, ta thấy họ đang bị tâm
tham sách nhiễu, điều động, họ đau khổ như chính bản thân ta vậy. Cảm nhận như vậy, tâm thấu
cảm giúp chúng ta hóa giải mọi phân biệt bỉ thử, đố kỵ hẹp hòi mà những gì còn lại là tình
thương yêu dành cho tất cả những ai bị tâm tham chi phối, trong đó có bản thân mình, trong đó
có người trực tiếp hoặc gián tiếp làm mình bị tổn thương.
Thường ta dễ dàng tha thứ cho chính mình mà rất khó tha thứ cho người khác. Chính vì dễ tha
thứ cho mình nên mỗi khi phạm phải sai lầm, ta có đủ lý do để thấy mình không lỗi, đùn đẩy
trách nhiệm lỗi lầm ấy về cho người khác chứ không phải là mình. Trong khi đó, người lỗi với ta
một tí là ta chấp chặt, khó bỏ qua, chôn kỹ trong lòng, thành hiềm thành hận. Sở dĩ ta có tâm lý
đó vì ta không hiểu và cảm thông cho người làm tổn thương mình. Người thấu cảm có đủ tâm
bao dung để tha thứ cho người như thể tha thứ cho chính mình vì họ hiểu rằng, bản thân mình
cũng vậy, không lúc này thì lúc khác, ai trong chúng ta đều mắc phải lỗi lầm. Ta chấp nhận lỗi
lầm là một phần của cuộc sống và từ đó, ta hoàn thiện hơn thì người khác cũng như vậy. Chấp
nhận điều này, việc tha thứ cho nhau là điều không phải quá khó vậy.


Nhờ thấu cảm mà niềm tin giữa con người trong xã hội được thiết lập và các mối quan hệ này
được nuôi dưỡng ngày càng bền chặt hơn nhờ chất liệu yêu thương. Khi chưa có thấu cảm nhau,
trách móc, giận hờn thường có mặt và ai cũng thấy mình đủ tốt và bao dung, đủ biết điều và dư
hy sinh còn phần khiếm khuyết, thiếu sót, ích kỷ thuộc về người kia. Sự co cụm về tâm lý, sự che
chắn bản ngã không để bị tổn thương, tự vệ kiểu “xù lông nhím” là sự phản vệ thường thấy ở tất
cả mọi người. Một khi thấu cảm được thiết lập thì những tâm lý tiêu cực vừa nêu trên không còn
nữa, chỉ còn lại lòng thương thuần túy, lòng thương chân thật, thương người như thể thương

chính bản thân mình. Từ đó, mọi suy nghĩ, hành động đều được thiết lập trên cơ sở của tâm lý
thấu cảm này và tinh thần gắn kết, xây dựng và hòa hợp được thiết lập và củng cố ngày càng tốt
hơn trong cộng đồng mình đang sống.
Thấu cảm là sống vô ngã vị tha
Để có được sự thấu cảm trọn vẹn với ai đó, ta cần phải chân thành tự đáy lòng, thương yêu đối
tượng ấy thật sự, thấu hiệu tận ngọn nguồn những gì đang tác động đến đối tượng và quan trọng
là những diễn biến tâm lý đang diễn ra trong ý thức và tiềm thức người đó, thành công trong việc
hòa nhập hoàn toàn khi đặt mình vào hoàn cảnh của người đối diện. Làm được như vậy là thấu
cảm, là tâm lý vượt lên cả hiểu, thương, thông cảm và đồng cảm.
Khi Đức Phật dạy tất cả chúng ta đều có những nỗi khổ niềm đau giống nhau khi mang thân
người. Do Đức Phật thấu hiểu được nỗi khổ niềm đau này là chung, không của riêng ai, giữa
Ngài và người khác không còn biên giới nữa. Đó là đạt đến thấu cảm với tất cả mọi người. Trong
thấu cảm, có sự tương giao sâu sắc, giao thoa hòa nhập hoàn toàn, không thấy sự khác nhau giữa
chủ thể và đối tượng nữa. Khi tâm đã cảm được nỗi khổ niềm đau của người khác một cách thấu
đáo, ta chỉ thấy khổ đau là điều cần phải chấm dứt, không phân biệt là ta khổ hay người khổ. Nỗi
khổ niềm đau của người cũng chính là nỗi khổ niềm đau của mình. Khổ diệt rồi, niềm an lạc có
mặt. Khi ấy, niềm vui của người cũng trở thành niềm vui của mình. Khi một người nào đó thể
hiện sự thấu cảm của mình, đối tượng cảm nhận được sự quan tâm và thấu hiểu của người ấy,
mối quan hệ trở nên gần gũi, thân thiết hơn, cõi lòng cảm thấy ấm áp hơn khi có người hiểu và
thay mình nói hộ nỗi lòng. Ranh giới ta-người xóa nhòa và tinh thần vô ngã hoàn toàn được thiết
lập trong xã hội. Bấy giờ, thay vì để tâm phân biệt, hơn thua, chấp người chấp ta, chúng ta hiểu
rõ sự vận hành của tâm mình và thấu hiểu tâm người thông qua kinh nghiệm bản thân để góp
phần chuyển hóa cuộc sống ngày càng tươi đẹp thêm.
Thấu cảm được nuôi dưỡng trên cơ sở thấu hiểu
Con người bình thường có thể thấu cảm ở một mức độ nào đó với nhiều người, nhưng thấu cảm
trọn vẹn, sâu sắc thì chỉ có thể với một vài đối tượng mà thôi. Kinh nghiệm thấu cảm trọn vẹn
chỉ có được với một số người trong mối quan hệ đặc biệt. Trong gần gũi, thân thiết, thấu cảm
được thiết lập, và rồi chính thấu cảm nuôi dưỡng mối quan hệ ấy ngày càng gắn kết nhiều hơn.
Khi mình cảm nhận được sự thấu cảm từ người khác, nghĩa là mình được hiểu, được thương, rõ
ràng là chúng ta cảm thấy an toàn để chia sẻ những suy nghĩ và cảm xúc cá nhân sâu sắc với đối

tác của mình và tin rằng họ thực sự quan tâm những điều chúng ta nói, trăn trở những nỗi khổ


niềm đau của chúng ta như chính của bản thân họ. Ta có thể cảm thấy hạnh phúc, ấm áp và thân
mật trong mối quan hệ ấy.
Hầu hết, những người đạt đến độ thấu cảm cao có thể hiểu được vấn đề người kia muốn nói dù
chưa mở lời, hoặc hiểu được cách phản ứng của đối tượng trong những tình huống cụ thể nào đó.
Những người thấu cảm tốt đối tượng có thể dùng từ ngữ trùng nhau khi phát biểu về một nội
dung nào đó hay nhận định về một sự việc, đánh giá một vấn đề nào đó. Thấu cảm là sự hòa nhịp
đến mức hoàn hảo của con tim và trí óc giữa hai hay nhiều người và là sự cộng hưởng tinh tế về
cả hai phương diện khối óc và con tim.
Mặc dù thấu cảm có mặt trong mỗi con người từ khi ta còn bé, nhưng nó sẽ không “lớn” thêm
nếu chúng ta không biết nuôi dưỡng. Quan sát tinh tế cuộc sống quanh ta, chịu khó lắng nghe
chính lòng mình, cảm xúc của mình và lắng nghe người khác, luôn thử đặt mình vào vị trí của
người đối diện để hiểu và hành xử tình huống, giải quyết vấn đề là những cách thiết thực nuôi
lớn kinh nghiệm thấu cảm.
Sự thấu cảm là một kinh nghiệm của trái tim thông thái và trí não biết yêu thương. Nó là dòng
chảy của sự sống. Nó chính là sự sống mà mỗi người có trí tuệ sáng suốt và trái tim nhân hậu
luôn nuôi dưỡng dọc theo hành trình cuộc sống vậy.



×