Thứ Sáu, 17/07/2009, 20:02 (GMT+7)
Giáo dục và thi cử
Giáo dục là vấn đề vô cùng hệ trọng, liên quan đến tương lai của từng con người, đến sự suy vong của
một quốc gia và ảnh hưởng đến sự phát triển của toàn xã hội loài người. Đó là một hệ thống các hành vi có
tổ chức của con người trong việc kế thừa, chọn lọc, ứng dụng những đạo đức, tri thức của những lớp
người đi trước và phát triển sáng tạo ra những giá trị mới phù hợp với yêu cầu phát triển, giúp cuộc sống
tương lai tốt đẹp và có ý nghĩa hơn.
Tình nguyện viên hướng dẫn thí sinh
vào phòng thi làm thủ tục tại Hội đồng
thi Đại học Kiến trúc TP.HCM (năm
2009) - Ảnh: Trần Tiến Dũng
Công việc của giáo dục rất đa dạng, thể hiện ở mọi hình thức, nhưng tập trung nhất, có tổ chức nhất là việc dạy và
học ở nhà trường - nơi thực hiện các mục tiêu giáo dục của một quốc gia.
Mỗi quốc gia đều có chiến lược phát triển giáo dục của mình, nhưng chiến lược đó ở từng nước có thể khác nhau
do có sự khác biệt về trình độ dân trí, trình độ phát triển kinh tế, nền tảng đạo đức, tín ngưỡng… Dù thế nào thì
mục tiêu của giáo dục vẫn là tạo nên con người phát triển toàn diện, gồm đạo đức, tri thức, trí tuệ, thể năng.
Kinh nghiệm nước ngoài
Sau Chiến tranh thế giới thứ II, các nước đều đề ra các chiến lược phát triển giáo dục, xem đó là mấu chốt quan
trọng nhất thể hiện nội lực tiềm tàng của quốc gia. Năm 1957, sau khi Liên Xô phóng vệ tinh nhân tạo lên quỹ đạo
làm sửng sốt cả thế giới thì tiêu điểm của sự tranh luận nội bộ của các cường quốc không phải là quân sự, kinh tế,
mà là chương trình giáo dục.
Tại Mỹ, ngoài Bộ Giáo dục phải chịu trách nhiệm gấp rút thảo ra một chiến lược giáo dục cho tương lai, các hiệp
hội giáo dục nổi lên ở khắp nơi để nghiên cứu về giáo dục, giáo trình, phương pháp giảng dạy, phương pháp học
tập… Công việc nghiên cứu trên của các nước không chỉ có Bộ Giáo dục làm mà các tổ chức nhân dân đều tham
gia, áp dụng thí điểm, từ đó tạo ra nhiều trường phái giáo dục tiên tiến.
Ở Mỹ, từ năm 1961 bắt đầu có chương trình giáo dục khoa học ở bậc tiểu học (Science - a Process Approach, gọi
tắt là SAPA) và đề án về giáo dục được đánh số 2061. Đây là chương trình cải cách được áp dụng từ năm 1985
đến năm 2061 (theo chu kỳ của sao chổi Halley), đặt vấn đề giáo dục khoa học lên hàng đầu, trọng tâm là giúp học
sinh nhận thức về bản chất kiến thức khoa học.
Nước Nhật mười năm trước đây đưa ra nội dung cải cách giáo dục, được gọi là “Bồi dưỡng và khai thác cái tâm
của thời đại mới” nhằm gắn gia đình với nhà trường và xã hội để đào tạo cho học sinh có được “thực lực sinh tồn”,
trong đó bao hàm quan niệm về luân lý, tình cảm cao đẹp, tư duy độc lập, thể chất khỏe mạnh.
Tại Đài Loan, cuộc tranh luận về cải cách chương trình giáo dục, thể thức thi cử diễn ra liên tục mấy năm qua. Trên
báo chí không có tuần nào không có bài viết về giáo dục. Kết luận của cuộc tranh luận là phải bỏ đi nội dung
chương trình giảng dạy cũ vốn “nhiều, rời rạc, nhồi nhét” mà phải đặt học sinh làm trung tâm.
Kế hoạch này được áp dụng từ năm 2000 với hàng loạt chương trình học, phương pháp dạy phải được sửa đổi.
Cụ thể là 22 môn học của bậc trung học cơ sở được soạn lại thành các môn tổng hợp nhằm vào việc đào tạo mười
năng lực trên ba lĩnh vực là khả năng của từng cá nhân, mối quan hệ con người với xã hội và con người và môi
trường thiên nhiên. Học trình bậc trung học được soạn thảo xoay quanh bảy lĩnh vực: ngữ văn, sức khỏe - thể
thao, xã hội, nghệ thuật nhân văn, toán học, tự nhiên và khoa học kỹ thuật, hoạt động tổng hợp (ngoại khóa).
Chiến lược giáo dục tại một quốc gia thể hiện khả năng nhận thức trạng thái thực tại của nước mình và sự hiểu
biết về thực trạng phát triển của thế giới. Do đó không có một khuôn mẫu chung cho mọi nước, nhưng khuôn mẫu
của các nước phát triển hay khuôn mẫu đang áp dụng tại các nước có trình độ phát triển ngang nhau đều là những
bài học đáng để tham khảo.
Liên hệ với Việt Nam
Trong thế giới ngày nay, mỗi giờ có hàng ngàn sáng kiến, sáng chế được tạo ra. Chúng ta không thể đưa các tri
thức đó nhét vào đầu học sinh để mong rằng mai sau họ đem kiến thức đó ra để kiếm sống. Nội dung cái học ngày
nay là rèn luyện một hệ thống tư duy biết tiếp nhận, xử lý các yếu tố phát sinh, biến nó thành những chất liệu tạo
nên con đường tiến lên của từng cá nhân để góp phần phục vụ gia đình, xã hội và cho cả nhân loại.
Các tri thức được sách vở, người thầy đưa đến không phải là nguồn vốn hoặc là loại lương thực tích trữ cho mai
sau, mà chỉ là những chất liệu ban đầu như “chất men” giúp trí tuệ phát triển và sau này được “chưng cất” lên
thành chất liệu hảo hạng.
Trong lĩnh vực giáo dục của nước ta hiện nay, có bốn yếu tố phải được xem xét nghiêm túc là dạy, học, giáo trình
và thi cử. Mọi người đều đang làm hết sức mình cho công tác giáo dục, nhưng học sinh đang bị bốn lực kéo làm
biến dạng tâm sinh lý phát triển của các em, mà các mâu thuẫn chủ yếu là:
- Học: Yêu cầu cuối cùng của sự học là sử dụng được kiến thức khi ra trường, nhưng khi ra trường thì học sinh
mới thấy bị hẫng, cho dù biết sự bất cập đó ngay khi còn đi học, nhưng vẫn phải học, nếu không sẽ không làm
được bài thi, không được lên lớp. Bằng giá gì học sinh cũng phải ráng thi đậu, còn học được cái gì thì… hạ hồi
tính!
- Dạy: Học sinh học để hiểu biết, để sử dụng cho mai sau, nhưng người thầy không thể dạy cái mình chưa thuần
thục hay chưa được phép dạy. Vì vậy họ phải bám sát chương trình vì cái chuẩn để đánh giá người thầy giỏi hiện
nay là tỷ lệ đậu cao của học sinh trong các kỳ thi. Trò không đậu thì thầy cũng rớt theo nên thầy phải cố gắng nhét
thêm được cái gì hay cái nấy cho trò. Xã hội lên án phương pháp dạy nhồi nhét, nhưng ai chịu trách nhiệm thay
cho thầy khi trò thi rớt?
- Giáo trình: Đã có bao lần cải cách sách giáo khoa nhưng kết quả vẫn không đạt yêu cầu. Trong kinh tế, tai họa
của tư duy bao cấp, duy ý chí đã rõ, nhưng nội dung sách giáo khoa lạc hậu, hay không phù hợp còn gây tác hại
lớn hơn và dài hơn trong tương lai. Tuy nhiên, hình như nội dung sách giáo khoa vẫn chưa được xem xét đúng từ
gốc, tức là từ việc đổi mới tư duy biên soạn sách.
- Thi cử: Thi cử là một sự sát hạch theo yêu cầu từng mục đích. Do đó, có nhiều loại thi cử khác nhau để đánh giá
và chọn lọc ra các đối tượng hoặc có được các kết quả kiểm chứng khác nhau. Khi chế độ thi cử sai thì ba yếu tố
dạy, học, giáo trình có đúng cũng không có ý nghĩa gì. Các nước Á Đông có chế độ thi cử rất sớm, do đó công việc
dạy và học trong dân phát triển rất sớm, nhưng nội dung thì chỉ tập trung vào Tứ Thư, Ngũ Kinh nên không phát
triển được khoa học kỹ thuật. Sự suy tàn của các nước Á Đông trong các thế kỷ qua có nguyên nhân rất lớn là chế
độ học và nội dung thi cử lạc hậu gây ra.
Việc tìm ra một nội dung giáo dục phù hợp với tình hình nước ta là một việc vô cùng hệ trọng, không thể chậm trễ
được nữa. Đây là công việc định đoạt số phận tương lai của một quốc gia nên không thể chỉ giao cho một bộ phận
hay một nhóm cán bộ trong ngành giáo dục thực hiện. Cần có sự tham gia rộng rãi của nhiều chuyên gia trong
nhiều lĩnh vực xã hội. Một điều đáng lưu ý là nếu chế độ và nội dung thi cử không được cải cách sẽ tiếp tục triệt
tiêu cơ hội học hành, triệt tiêu sự chọn lựa ngành học thuộc ưu thế bẩm sinh của từng học sinh.
Cuộc sống còn khó khăn, ai cũng muốn con em mình có một tương lai tươi đẹp hơn thông qua con đường học vấn,
đỗ đạt với mảnh bằng cao để vào đời một cách thuận lợi. Do đó, phụ huynh học sinh, các thầy cô đều mong học
sinh đỗ đạt nên thường ép con em học và học đủ thứ, phải thi đậu và đậu cao. Nhưng đậu cái gì, đậu ở đâu trong
cuộc đời?
Thử tịnh tâm nhìn vào quá khứ trong đời mỗi người, vào sự học và các kỳ thi đã trải qua để thấy cái gì còn lại trong
trí óc, cái nào hữu dụng, cái nào có giá trị, cái nào thật, cái nào giả, từ đó biết đâu chúng ta sẽ có định hướng mới
hợp lý hơn, thực tế hơn cho nền giáo dục của nước ta. Thiết nghĩ trước tiên cần nghiêm túc xem xét lại chế độ thi
cử hiện nay, có phải nó là một loại gông xiềng tuổi thơ của học sinh và là sự ức chế sáng tạo của thầy cô?
Thật ra, thi cử trong ngành giáo dục có những yêu cầu khác nhau. Có loại thi cử mang tính chọn lọc, phát hiện
những năng khiếu, nhưng tài năng riêng biệt, có loại thi cử mang tính sát hạch trình độ, nhưng hầu hết việc thi cử
ở trường chỉ là kiểm tra học lực của học sinh là chủ yếu. Do đó, nên để cho nhà trường và thầy cô ra đề thi.
Khi chuyển cấp, có thể giao cho phòng giáo dục hay sở giáo dục ra đề theo khung chuẩn do Bộ Giáo dục và Đào
tạo lập ra. Không nên lấy kết quả thi cử của học sinh làm cơ sở đánh giá thầy cô hay nhà trường để giảm bớt áp
lực cho thầy cô và cho các trường. Kết quả của việc dạy và học chính là sự tiến bộ về kiến thức cũng như phát
triển tư duy của học sinh. Điều này chỉ có được khi học sinh tự tin vào trình độ kiến thức của mình và có tư duy độc
lập, trình bày được suy nghĩ, tính toán của mình một cách sáng tạo, không bị áp đặt nặng bởi một bài giải mẫu duy
nhất. Do đó, cách ra đề thi và chấm điểm cũng phải khác.
Việc phân ban ngành học từ lớp 10 nên được khuyến khích. Học sinh có thể chọn những ngành học trong tương
lai chính từ sự phân ban (có thể chia làm bốn phân ban hay rộng hơn một chút). Như vậy, trước khi thi vào đại học,
các em đã có hướng đi rõ ràng và sẽ học đúng ngành nghề chuyên sâu mình ưa thích, theo kịp được yêu cầu mà
xã hội đang và sẽ đòi hỏi. Cũng trên cơ sở phân ban, việc thi vào các trường cao đẳng, đại học sẽ do chính từng
trường chọn môn thi và ra đề thi, sau này cũng chính trường cấp bằng tốt nghiệp nếu sinh viên đạt chuẩn kiến thức
của trường.
Hằng năm, Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể tổ chức một số kỳ thi ở chuẩn quốc gia cho sinh viên đã tốt nghiệp tại
các trường đào tạo theo các chuyên ngành khác nhau để phát hiện nhân tài. Như vậy, quá trình học hành của học
sinh sẽ không phải chịu gánh nặng thi cử quá sức và phụ huynh cũng như thầy cô, nhà trường, Bộ Giáo dục và
Đào tạo đều không phải lo ứng phó với việc thi cử hàng năm quá vất vả như hiện nay.
Theo PHAN CHÁNH DƯỠNG