Tải bản đầy đủ (.doc) (52 trang)

Hiện thực chiến tranh và số phận con người trong tiểu thuyết ăn mày dĩ vãng của chu lai

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (553.44 KB, 52 trang )

TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI 2
KHOA NGỮ VĂN
======

NGUYỄN THỊ NHƯ HUỆ

HIỆN THỰC CHIẾN TRANH VÀ SỐ PHẬN
CON NGƯỜI TRONG TIỂU THUYẾT
ĂN MÀY DĨ VÃNG CỦA CHU LAI
KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP ĐẠI HỌC
Chuyên ngành: Văn học Việt Nam

HÀ NỘI, 2019


TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI 2
KHOA NGỮ VĂN
======

NGUYỄN THỊ NHƯ HUỆ

HIỆN THỰC CHIẾN TRANH VÀ SỐ PHẬN
CON NGƯỜI TRONG TIỂU THUYẾT
ĂN MÀY DĨ VÃNG CỦA CHU LAI
KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP ĐẠI HỌC
Chuyên ngành: Văn học Việt Nam
Người hướng dẫn khoa học:

ThS. NGUYỄN PHƯƠNG HÀ

HÀ NỘI, 2019




LỜI CẢM ƠN
Sau một thời gian cố gắng, tôi đã hoàn thành khóa luận tốt nghiệp với
đề tài Hiện thực chiến tranh và số phận con người trong tiểu thuyết Ăn mày
dĩ vãng của Chu Lai. Tôi xin chân thành cảm ơn các thầy cô giáo trường Đại
học Sư phạm Hà Nội 2 nói chung, các thầy cô giáo khoa Ngữ văn nói riêng đã
tận tình giảng dạy cho tôi trong suốt quá trình học tập tại đây.
Tôi cũng xin gửi lời cảm ơn sâu sắc đến Thạc sĩ Nguyễn Phương Hà đã
tạo điều kiện giúp đỡ và nhiệt tình hướng dẫn để tôi hoàn thành khóa luận
này.
Tôi xin cảm ơn các cán bộ thư viện trường Đại học Sư Phạm Hà Nội 2
đã cung cấp tư liệu cho việc nghiên cứu để tôi hoàn thành khóa luận.
Xin trân trọng cảm ơn!
Xuân Hòa, tháng 05 năm 2019
Sinh viên

Nguyễn Thị Như Huệ


LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan khóa luận này do tôi tìm hiểu và nghiên cứu dưới sự
hướng dẫn của Th.s Nguyễn Phương Hà. Đề tài này không trùng với kết quả
của bất cứ công trình nào trước đây. Nếu sai, tôi xin hoàn toàn chịu trách
nhiệm.
Xuân Hòa, tháng 05 năm 2019
Sinh viên thực hiện

Nguyễn Thị Như Huệ



MỤC LỤC

MỞ ĐẦU ....................................................................................................... 1
1. Lí do chọn đề tài......................................................................................... 1
2. Lịch sử nghiên cứu ..................................................................................... 2
3. Mục đích, nhiệm vụ nghiên cứu. ................................................................ 6
3.1. Mục đích nghiên cứu: .............................................................................. 6
3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu: ............................................................................. 6
4. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu .................................................................. 6
4.1. Đối tượng nghiên cứu:............................................................................. 6
4.2. Phạm vi nghiên cứu ................................................................................. 6
5. Phương pháp nghiên cứu. ........................................................................... 6
6. Cấu trúc khóa luận...................................................................................... 7
NỘI DUNG.................................................................................................... 8
Chương 1: NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG......................................................... 8
1.1. Tiểu thuyết và những đặc trưng cơ bản của tiểu thuyết ............................
8
1.1.1. Khái niệm tiểu thuyết ........................................................................... 8
1.1.2. Đặc trưng của tiểu thuyết...................................................................... 9
1.1.2.1. Đặc trưng về mặt nội dung................................................................. 9
1.1.2.2. Đặc trưng về mặt hình thức................................................................ 9
1.2. Đề tài chiến tranh trong văn học Việt Nam............................................ 11
1.2.1. Đề tài chiến tranh trong văn học Việt Nam trước 1975 .......................
11
1.2.2. Đề tài chiến tranh trong văn học Việt Nam sau 1975 ..........................
12
1.3. Tác giả Chu Lai ..................................................................................... 13
1.3.1. Cuộc đời và sự nghiệp sáng tác văn học ............................................. 13
1.3.2. Tiểu thuyết Ăn mày dĩ vãng ............................................................... 14

Chương 2: HIỆN THỰC CHIẾN TRANH VÀ SỐ PHẬN CON NGƯỜI
TRONG TIỂU THUYẾT ĂN MÀY DĨ VÃNG – NHÌN TỪ PHƯƠNG DIỆN
NỘI DUNG.................................................................................................. 16
2.1. Hiện thực chiến trường .......................................................................... 16


2.1.1.Hiện thực chiến trường tàn khốc, hủy diệt ...........................................
16
2.1.2.Hiện thực chiến trường mất máu, đau thương ......................................
19
2.2. Số phận của người lính sau chiến tranh với những chấn thương tinh thần
..................................................................................................................... 22
2.2.1. Người lính với quá khứ ám ảnh .......................................................... 22
2.2.2. Người lính lạc thời.............................................................................. 23
2.2.3. Người lính với bi kịch trong tình yêu.................................................. 26
Chương 3: HIỆN THỰC CHIẾN TRANH VÀ SỐ PHẬN CON NGƯỜI
TRONG TIỂU THUYẾT ĂN MÀY DĨ VÃNG – NHÌN TỪ PHƯƠNG DIỆN
NGHỆ THUẬT ............................................................................................ 29
3.1.Cốt truyện............................................................................................... 29
3.2.Nghệ thuật miêu tả nhân vật ................................................................... 31
3.2.1.Miêu tả nhân vật qua ngoại hình và hành động ....................................
31
3.2.2.Miêu tả nhân vật qua độc thoại nội tâm ............................................... 33
3.3.Không gian và thời gian nghệ thuật ........................................................ 35
3.3.1.Không gian nghệ thuật......................................................................... 35
3.3.1.1.Không gian chiến trường .................................................................. 35
3.3.1.2. Không gian tâm linh, huyền ảo ........................................................ 37
3.3.2.Thời gian nghệ thuật............................................................................ 38
3.3.2.1.Thời gian lịch sử - sự kiện ................................................................ 38
3.3.2.2.Thời gian đồng hiện xen giữa thực tại và quá khứ ............................

40
KẾT LUẬN.................................................................................................. 42
TÀI LIỆU THAM KHẢO


MỞ ĐẦU
1. Lí do chọn đề tài.
Sau năm 1975 đất nước bước sang một thời kì mới nhưng dư âm của
cuộc kháng chiến chống Mỹ vẫn còn đọng lại trong tâm trí của những người
bước ra từ cuộc chiến tranh khốc liệt này. Chiến tranh đã đi qua nhưng dấu ấn
của đề tài này trong văn chương Việt Nam chưa bao giờ nguội lạnh. Tuy
nhiên, các tác phẩm viết về chiến tranh trong thời kì này có một sự khác biệt
lớn, đó là cuộc chiến tranh được soi chiếu ở nhiều chiều, nhiều góc độ. Chúng
ta có thể kể đến các tác phẩm như: Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh); Tướng
về hưu (Nguyễn Huy Thiệp); Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành, Lửa từ
những ngôi nhà, Miền cháy (Nguyễn Minh Châu)…, đặc biệt là tiểu thuyết Ăn
mày dĩ vãng của nhà văn Chu Lai.
Trong kháng chiến chống Mỹ, Chu Lai vốn là một người lính đặc công
trực tiếp cầm súng chiến đấu ở vùng ven đô Sài Gòn. Đó là khoảng thời gian
quý giá cho những ngày cầm bút của nhà văn sau này. Từng là người lính trực
tiếp tham gia chiến đấu nên Chu Lai thấu hiểu rõ cảnh ngộ của con người ở
nơi ranh giới giữa sự sống và cái chết. Vì vậy ông đã thành công khi viết về
đề tài chiến tranh, đặc biệt tái hiện chân thực hiện thực chiến tranh và số phận
của con người thời hậu chiến.
Tiểu thuyết Ăn mày dĩ vãng đã giúp Chu Lai trở thành một trong những
nhà văn quân đội có tên tuổi trong nền văn học sau 1975. Năm 1992, tác
phẩm này được chuyển thể thành phim Người đi tìm dĩ vãng và nhận được
hai giải thưởng văn học: Giải thưởng Hội đồng Văn học chiến tranh Cách
mạng và Lực lượng vũ trang của Hội Nhà văn Việt Nam vào năm 1993, Giải
thưởng Văn học Bộ quốc phòng và hai giải thưởng sân khấu, điện ảnh. Có thể

nói, Ăn mày dĩ vãng là tiểu thuyết viết về đề tài chiến tranh nhưng nó lại phơi
bày mọi mặt của cuộc sống từ cuộc chiến giữa ta và địch, những diễn biến
tâm lí của con người, tình yêu lãng mạn vượt lên trên cả sự khốc liệt của
chiến tranh, thậm chí cả những mặt trái trong thời chiến, thời bình đều được
tác giả lột tả để người đọc cảm nhận, chiêm nghiệm và suy tư.
Từ những lí do trên, chúng tôi lựa chọn đề tài Tìm hiểu đề tài Hiện
thực chiến tranh và số phận con người trong tiểu thuyết Ăn mày dĩ vãng
với mục đích giúp người đọc hiểu hơn bức tranh hiện thực thời chiến và số
1


phận của những người lính bước ra từ thời chiến. Qua đó góp phần khẳng
định tài năng và những đóng góp của Chu Lai đối với văn học đổi mới sau
1975. Đồng thời đây là nguồn tư liệu quan trọng, cần thiết cho giáo viên
THPT trong việc nghiên cứu, học tập và giảng dạy văn học Việt Nam giai
đoạn sau năm 1975.
2. Lịch sử nghiên cứu
Đề tài chiến tranh Đại hội Đảng lần thứ VI đã mở ra thời kì đổi mới
toàn diện trong văn học, các nhà văn đã có sự thay đổi quan niệm về đề tài
chiến tranh và tạo được nhiều tác phẩm gây ấn tượng sâu sắc với người đọc.
Tôn Phương Lan nhận xét: “Càng lùi về thập kỉ 80 sự thật trong văn xuôi
về chiến tranh càng được biểu hiện theo hướng khác. Một mặt ở chủ đề sáng
tạo, quan niệm về hiện thực không có nghĩa là sự sao chép về hiện thực ngoài
đời. Mặt khác, bản thân người đọc cũng muốn đi vào tìm hiểu thế giới tinh
thần của con người trong những diễn biến phức tạp. Con người trở thành đối
tượng khám phá của cả người viết lẫn người đọc, và hiện thực chiến tranh với
đầy đủ tính chất ác liệt của nó đã được hiện lên qua số phận và thế giới nội
tâm của con người” [20].
Trong nghiên cứu, phê bình văn học, nhà văn Chu Lai là một gương mặt
mới so với những cây bút kì cựu: Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Trung Thành,

Lê Lựu… Song những năm gần đây người ta bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến
văn học hậu chiến thì Chu Lai là cây bút được đề cập khá nhiều. Hầu hết, các
nhà nghiên cứu, độc giả đều ghi nhận tài năng của ông trong việc tiếp cận
hiện thực đời sống của người lính trong chiến tranh và hậu chiến.
Trong bài viết Bản chất của cuộc đời là bi tráng, đăng trên Tạp chí
Thanh niên số 355 (2003) tác giả Thu Hồng và Hương Lan khẳng định: sự
lãng mạn của chàng trai Hà Nội lẫn sự lì lợm của một tay lính đặc công, cộng
với tính cách cực đoan của dòng họ Chu “đã phả vào văn Chu Lai một chất
riêng. Nó khiến những cuộc chiến tranh của anh không thể đi đến một kết
thúc “tròn trịa” mà day dứt người ta mãi ngay cả khi trang cuối cùng khép
lại” [12]. Tác giả đã cho người đọc thấy một nhà văn Chu Lai hiện lên với vẻ
bụi bặm, ngang tàn nhưng cũng đầy tâm huyết: “Mái tóc bù xù, những nếp
nhăn như những đường giao thông hào cày sâu trên mặt. Cái nhìn như muốn
thọc sâu vào mọi ngõ ngách, tâm tư người đối diện, một bề ngoài phù hợp
với tính


cách và văn chương của Chu Lai. Có cảm giác trong mọi hoàn cảnh Chu Lai
luôn “cố thủ” cho mình m ột vẻ lạnh lùng, bất cần pha chút tai tái. Chỉ khi anh
kể những câu chuyện cảm động về tình người trong chiến tranh. Những câu
chuyện nghe xong có thể bật khóc, người ta mới phát hiện ra, khi người đàn
ông này cầm bút viết về chiến tranh là còn bởi một điều gì đó cao hơn cả nỗi
ám ảnh của máu và nước mắt” [12]. Rõ ràng, các tác giả đã khái quát được sự
nghiệp văn học của Chu Lai với “một đề tài không cạn kiệt”, đó là đề tài về
cuộc chiến tranh. Qua đó thể hiện cái tâm, cái tình của người cầm bút.
Chiến tranh đã kết thúc nhưng hậu quả của nó để lại là vô cùng lớn và
những mất mát hi sinh là không thể bù đắp nổi. Tác giả Bùi Viêt Thắng trong
bài Một cách tái hiện chiến tranh đăng trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội số
10 (1994), đã nhận đinh: “Viết về chiến tranh còn có nghĩa viết về hậu quả
của nó – bởi vì một cuộc chiến tranh ba chục năm đánh bại mấy đế quốc lớn,

dù chiến thắng lẫy lừng, to lớn nhưng hậu quả của nó chắc chắn dai dẳng,
phức tạp” [26]. Qua nhận định của tác giả, ta thấy đề tài chiến tranh trong
sáng tác của Chu Lai rất phong phú và đa dạng. Vì thế, đây chính là cơ sở để
nhà văn nhìn nhận lại hiện thực chiến tranh một cách toàn diện, trung thực
trong tác phẩm của mình.
Trong bài phê bình về Tập truyện ngắn Phố nhà binh đăng trên Tạp chí
Văn nghệ Quân đội tháng 7 (1993), tác giả Lý Hoài Thu đã phát biểu: “…Dù
trực tiếp viết về thời dĩ vãng mịt mùng bom đạn hay chuyển dịch sang tiếp
nhận những kênh thông tin mới xô bồ của hiện tại, bao giờ Chu Lai cũng
nghiền ngẫm suy tư về hiện thực với sự nhiệt tâm và lòng trung thực của
người lính” [29]. Sở dĩ, Chu Lai có được sự chiêm nghiệm, suy tư là do ông
đã từng tham gia chiến đấu, lăn lộn trên chiến trường. Tác giả Lý Hoài Thu
cũng đã khái quát lên một vấn đề không riêng gì trong văn Chu Lai mà có
trong một giai đoạn văn học thời hậu chiến: “Chu Lai đã tập trung khai thác
quãng đời thứ hai, quãng đời tồn tại phía sau của người lính” – họ chỉ biết
gắn với súng ống, binh nghiệp cả đời, có biết mỗi nghề là súng đạn, trở về sau
cuộc chiến, những người lính bơ vơ, lạc lõng. Vìì thế họ gặp bi kịchtrong
cuộc sống đời thường.
Trong bài Nội lực của Chu Lai đăng trên Tạp chí nhà văn, số 8 (2006),
tác giả Bùi Việt Thắng nhận xét về hình tượng người lính trong tiểu thuyết


của Chu Lai: “Nhân vật người lính trong tiểu thuyết Chu Lai thường ăn sóng
nói gió, thường bị cuộc đời quăng quật đều được tôi luyện qua lửa đỏ và nước
lạnh – vì thế họ trở nên rắn rỏi, từng trải, quyết đoán bên trong cách hành xử”
[27]. Đây chính là sự sáng tạo độc đáo tạo nên hình tượng người lính mới mẻ
mang đậm cá tính riêng của nhà văn.
Để truyền tải đến người đọc những vấn đề thời sự của đất nước, Chu Lai
đã không ngừng tìm tòi cho mình những hướng tiếp cận mới. Ở phương diện
này, tác giả Phan Cự Đệ với bài viết Tiểu thuyết Việt Nam những năm đầu

thời kì đổi mới in trên Tạp chí Văn nghệ quân đội số 3/2001 đã nhận xét:
“Tiểu thuyết của Chu Lai không chỉ đa dạng trên các phương thức tiếp cận
mà cả trong các biện pháp nghệ thuật, kết hợp độc thoại nội tâm, dòng ý
thức, nghệ thuật đồng hiện và có những thành công nhất định” [8].
Tôn Phương Lan trong bài Một vài suy nghĩ về con người trong văn xuôi
thời kỳ đổi mới đăng trên Tạp chí Văn học số 9(2005)- đã đi sâu vào sự đổi
mới trong quan niệm nghệ thuật về con người của các nhà văn sau 1975:
“Đây chính là thời kì mà trong văn học con người được soi chiếu từ rất nhiều
phía” [211]. Tác giả nhắc đến nhà văn Chu Lai với việc điểm qua các tác
phẩm Vòng tròn bội bạc, Ba lần và một lần, Ăn mày dĩ vãng nhằm “tập trung
khảo sát và xây dựng hình tượng người lính sau chiến tranh”, người lính đã
bước ra khỏi cuộc chiến tranh tàn khốc và bắt đầu một cuộc sống mới –
“cuộc sống của sự hòa trộn”. Trong sự xô bồ hỗn tạp ấy, có người bằng sự
nỗ lực vươn lên, kiên trì chịu đựng như Lãm trong tiểu thuyết Phố, hoặc là bị
tha hóa sẵn sàng hy sinh đồng bào đồng đội để chạy theo những danh vọng cá
nhân như Huấn trong tác phẩm Vòng tròn bội bạc hoặc chối bỏ quá khứ để
hòng yên thân với những vinh quang trên con đường tìm kiếm quyền lực như
Ba Sương trong Ăn mày dĩ vãng.
Đề cập đến sự thay đổi quan niệm nghệ thuật về con người, tác giả Nguyễn
Hà trong bài viết Cảm hứng bi kịch nhân văn trong tiểu thuyết văn học nửa
sau thập niên 80 đăng trên Tạp chí Văn học số 4 (2000 ) đề cập đến cảm
hứng bi kịch trong nhiều thể loại. Chúng ta có thể điểm qua các tác phẩm viết
về đề tài chiến tranh và thân phậncủa những người lính như Thời xa vắng (Lê
Lựu), Chim én bay (Nguyễn Trí Huân), Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh),
Mảnh đất tình yêu (Nguyễn Minh Châu)… Tác giả khẳng định:“Hiện thực


cuộc chiến tranh được nhìn nhận đời hơn, thực hơn được soi chiếu dưới cái
nhìn và qua tâm hồn của người lính và cũng qua đó người lính được thể hiện
với những phẩm chất rất người: trong họ có cái cao cả lẫn thấp hèn, có sự

thủy chung lẫn sự phản trắc. Chiến tranh và người lính gắn chặt với nhau và
được soi chiếu, nhìn nhận qua nhiều cửa khác nhau và trong tác phẩm của
Chu Lai cũng vậy” [10]. Tác giả bài báo còn đề cập đến nhân vật Hai Hùng
trong tác phẩm Ăn mày dĩ vãng bị chiến tranh vắt kiệt tuổi thanh xuân và hiện
tại anh chỉ là một kẻ đơn độc. Bi kịch của anh là “bi kịch của kẻ bị đánh lừa,
bị phản bội”.
Nghiên cứu về tác phẩm Ăn mày dĩ vãng, tác giả Xuân Thiều nhận xét:
“Có thể gọi tác phẩm này đầy chất lính, giọng văn băm bổ, sôi động, các thứ
tình cảm suy tư đều đẩy đến tận cùng. Cốt truyện có pha chút li kì bí hiểm
kiểu kiếm hiệp, đọc rất cuốn hút. Có những chương, những đoạn anh viết về
chiến trường hết sức linh động, nếu không là người trong cuộc, không dựng
lại không khí một địa bàn chiến đấu khá đặc biệt này…” [28]. Đồng thời tác
giả còn khẳng định: “Để viết được tác phẩm này, dường như Chu Lai phải vật
vã quặn đau như người trở dạ. Cái tâm huyết của tác giả được phơi bày ra, y
như người đọc có thể nghe rõ tiếng kêu tha thiết và đau đớn”.
Tác giả Thúy Vi trong bài Ăn mày dĩ vãng trên màn bạc in trên Tạp chí
Văn nghệ Quân đội tháng 8 (1995) cho rằng: “Người chiến binh đa tình đa
cảm Chu Lai lội ngược sòng chảy hai mươi năm để rồi trở thành “gã ăn mày
dĩ vãng”. Nhưng đây là một cuộc ăn mày quá đắt, một cuộc ăn mày bội thu”
[31].
Tiểu thuyết Ăn mày dĩ vãng cũng được chọn làm đối tượng nghiên cứu
của nhiều luận văn Thạc sĩ ở trường Đại học Sư phạm Hà Nội và Đại học Sư
phạm Hà Nội 2. Qua đó giúp người đọc thấy mối quan hệ gắn bó, tương đồng
giữa không gian và thời gian nghệ thuật. Hay trong một khóa luận khác có tên
Nhân vật trong tiểu thuyết Ăn mày dĩ vãng của Chu Lai, tác giả Vũ Ngọc
Chinh đã tìm hiểu, phân tích các kiểu nhân vật tiêu biểu và nghệ thuật xây
dựng nhân vật trong tác phẩm này. Tuy nhiên, những bài viết này chủ yếu
mang tính chất nghiên cứu lẻ tẻ, rời rạc, đặc biệt chưa đi sâu vào nghiên cứu
kĩ vấn đề hiện thực chiến tranh và số phận của con người trong tác phẩm Ăn
mày dĩ vãng. Vì thế trong khuôn khổ khóa luận này chúng tôi đi sâu vào



nghiên cứu đề tài Hiện thực chiến tranh và số phận con người trong tiểu
thuyết Ăn mày dĩ vãng của Chu Lai qua đó khẳng định vị trí, tài năng và
những đóng góp của Chu Lai đối với văn học đổi mới sau 1975.
3. Mục đích, nhiệm vụ nghiên cứu.
3.1. Mục đích nghiên cứu:
Thực hiện đề tài này, chúng tôi hướng tới mục đích sau:
- Tìm hiểu về Hiện thực chiến tranh và số phận con người thời hậu
chiến trong tác phẩm Ăn mày dĩ vãng của Chu Lai
- Khẳng định thành công, tài năng và vị trí của Chu Lai trong nền văn
học sau 1975.
3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu:
- Tìm hiểu các khái niệm về tiểu thuyết, đặc trưng tiểu thuyết…
- Tìm hiểu hiện thực chiến tranh và số phận con người trong tiểu
thuyết Ăn mày dĩ vãng nhìn từ phương diện nội dung: hiện thực chiến trường
tàn khốc, hủy diệt; hiện thực chiến trường mất mát, đau thương và số phận
của người lính sau chiến tranh (người lính với quá khứ ám ảnh, người lính lạc
thời, người lính với bi kịch tình yêu).
- Tìm hiểu hiện thực chiến tranh và số phận con người trong tiểu thuyết
Ăn mày dĩ vãng nhìn từ phương diện nghệ thuật: nghệ thuật xây dựng nhân
vật, cốt truyện, không gian và thời gian nghệ thuật…
4. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu
4.1. Đối tượng nghiên cứu:
Như tên gọi của đề tài, chúng tôi tìm hiểu, nghiên cứu Hiện thực chiến
tranh và số phận con người trong tiểu thuyết Ăn mày dĩ vãng của Chu
Lai.
4.2. Phạm vi nghiên cứu
Phạm vi nghiên cứu: tiểu thuyết Ăn mày dĩ vãng (Nxb Hội nhà văn,
2004).

5. Phương pháp nghiên cứu.
Để thực hiện đề tài này, tôi sử dụng những phương pháp sau đây:
− Phương pháp hệ thống: đề tài được đặt trong hệ thống các tác phẩm văn
học Việt Nam sau năm 1975 để thấy được những nét riêng, độc đáo của
Chu Lai trong việc khắc họa số phận người lính trở về sau chiến tranh.


− Phương pháp phân tích, bình giảng tác phẩm văn học: dựa vào đặc
trưng thể loại để làm sáng tỏ giá trị nội dung, giá trị tư tưởng trong tác
phẩm.
− Phương pháp tiếp cận thi pháp học: chú ý đến những yếu tố hình thức
tác phẩm như không gian, thời gian, ngôn ngữ, thể loại…
6. Cấu trúc khóa luận.
Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Tài liệu tham khảo, Nội dung của khóa
luận gồm ba chương:
Chương 1: Những vấn đề chung
Chương 2: Hiện thực chiến tranh và số phận con người trong tiểu
thuyết Ăn mày dĩ vãng - nhìn từ phương diện nội dung.
Chương 3: Hiện thực chiến tranh và số phận con người trong tiểu
thuyết Ăn mày dĩ vãng - nhìn từ phương diện nghệ thuật.


NỘI DUNG
Chương 1: NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG
1.1. Tiểu thuyết và những đặc trưng cơ bản của tiểu thuyết
1.1.1. Khái niệm tiểu thuyết
Theo Từ điển thuật ngữ văn học, tác giả Lê Bá Hán chủ biên, (Nxb
Giáo dục Việt Nam, năm 2007) định nghĩa: “Tiểu thuyết là tác phẩm tự sự cỡ
lớn,có khả năng phản ánh hiện thực đời sống ở giới hạn không gian, thời
gian. Tiểu thuyết có thể phản ánh sản phẩm của nhiều cuộc đời, những bức

tranh phong tục, đặc điểm xã hội, miêu tả các điều kiện sinh hoạt giai cấp, tái
hiện nhiều tính cách đa dạng” [11,tr.328].
Định nghĩa về tiểu thuyết trong cuốn sách do Phương Lựu chủ biên:
“Tiểu thuyết là một thể loại lớn nằm trong phương thức tự sự có khả năng
phản ánh hiện thực một cách bao quát ở mọi giới hạn không gian và thời gian,
khả năng khám phá một cách sâu sắc những vấn đề thuộc thân phận con
người thông qua những tính cách đa dạng, phức tạp và khả năng tái hiện
những bức tranh mang tính tổng thể rộng lớn về đời sống xã hội” [22].
Có thể thấy các định nghĩa trên đều khẳng định vai trò của tiểu thuyết:
đó là phản ánh hiện thực rộng lớn của đời sống xã hội, số phận con người.
Tiểu thuyết còn có khả năng phản ánh những biến cố của cuộc sống riêng tư,
nội tâm của con người cũng như khái quát lịch sử cuộc sống.
M.Bakhtin cho rằng: “Tiểu thuyết là sản phẩm tiêu biểu cho thời đại
mới của lịch sử loài người, là thành quả rực rỡ có giá trị như một bước nhảy
vọt vĩ đại của hàng năm văn chương thế giới”. Theo ông, xét về bản chất:
“Tiểu thuyết là thể loại văn chương duy nhất đang chuyển biến và còn chưa
định hình”. Điều đó có nghĩa: tiểu thuyết là thể loại không có những quy
phạm cố định nào cả. Thêm vào đó, tiểu thuyết có khả năng tổng hợp nhiều
nhất và đồng hóa các khả năng nghệ thuật của các thể loại văn học khác vào
mình. Điều này tạo ra sự:“mở rộng bến bờ của tiểu thuyết”, thúc đẩy nhanh
quá trình tìm tòi, thử nghiệm, cách tân không ngừng để đem lại cho thể loại
này những diện mạo mới, phù hợp với thời đại.
Từ những quan niệm trên, có thể thấy: tiểu thuyết là một thể loại văn
xuôi hư cấu, có khả năng miêu tả sâu sắc đời sống của con người, chạm tới
những góc khuất trong tâm hồn của con người đồng thời còn bao quát toàn


cảnh hiện thực ở phạm vi rộng lớn tạo nên một bức tranh khái quát một giai
đoạn, một thời kì lịch sử. Tuy nhiên, thể loại này không cố định mà luôn tìm
tòi, đổi mới cho phù hợp với thị hiếu của độc giả ở mọi thời đại.

1.1.2. Đặc trưng của tiểu thuyết
1.1.2.1. Đặc trưng về mặt nội dung
Khác với truyện ngắn, tiểu thuyết là một thể loại tự sự đồ sộ, có sức
chứa lớn. Tiểu thuyết mang một số đặc trưng về mặt nội dung:
Thứ nhất, tiểu thuyết miêu tả cuộc sống hiện tại không ngừng biến đổi,
hình thành trên cơ sở kinh nghiệm của cá nhân. Nếu đối tượng của sử thi là
nhân vật anh hùng thì tiểu thuyết lại cho ta thấy những con người sống ở hiện
tại, miêu tả cuỗ sống hiện thực.
Thứ hai, tiểu thuyết là thể loại mang tính chất văn xuôi. Được thấy ở
việc tiểu thuyết có thể chui vào mọi ngóc ngách của đời sống để phản ánh.
Chất văn xuôi được thể hiện rõ trong tác phẩm của Ban-zắc, Sô-lô-khốp, Nam
Cao, Vũ Trọng Phụng…
Thứ ba, nhân vật tiểu thuyết là con người nếm trải. Họ là những người
được tiểu thyết miêu tả rất cặn kẽ và tỉ mỉ; là những con người từng trải.
Chính vì vậy, tiểu thuyết có khả năng đi sâu, khai thác những góc khuất,
những mảnh đời của con người.
Thứ tư, tiểu thuyết có khả năng dựng lại một bức tranh rộng lớn về
không khí, thời đại, phong tục, lối sống – người ta gọi đó là những phần
“thừa” của cốt truyện. Những yếu tố “thừa” đó đã thể hiện một cách tỉ mỉ cái
chính yếu về con người, về thế giới, phân tích các diễn biến tư tưởng, tình
cảm, dựng lại chi tiết không gian và thời gian, giới thiệu cho người đọc tiểu
sử của nhân vật, quan hệ giữa người với người, giữa người với thế giới xung
quanh…
Thứ năm, tiểu thuyết hướng về miêu tả hiện thực bằng cách xóa bỏ
khoảng cách giữa người trần thuật và nội dung trần
thuật.
Thứ sáu, tiểu thuyết mang bản chất tổng hợp. Tiểu thuyết có khả năng
tổng hợp nhiều nhất đặc điểm của các thể loại văn học khác như thơ, kịch, ký,
các thủ pháp nghệ thuật của hội họa, âm nhạc, điêu khắc, điện ảnh …
1.1.2.2. Đặc trưng về mặt hình thức

●Về dung lượng


Dung lượng được hiểu là kích cỡ lớn, nhỏ. Nó không bị bó hẹp bởi số
lượng câu từ, nội dung phản ánh.
●Về nhân vật
Nhân vật tiểu thuyết được miêu tả tỉ mỉ để người đọc tìm hiểu, đánh giá
và dự báo số phận cũng như cuộc đời của nhân vật, để từ đó có cùng hướng
giải quyết với nhân vật. Số lượng nhân vật trong tiểu thuyết không giới hạn:
về một người, cả gia tộc, cả thế hệ, nhiều thế hệ.
●Về cốt truyện
Cốt truyện tiểu thuyết có thể đơn tuyến hay nhiều tuyến, đan bện nhiều
quãng thời gian. Cốt truyện có thể giàu kịch tính hay có thể pha loãng để thể
hiện chất triết lý hay chất trữ tình. Cốt truyện lthường tập trung ở phần khởi
đầu, kết thúc để tạo điểm nhấn.
●Về hoàn cảnh
Hoàn cảnh trong tiểu thuyết được khắc họa, phân tích rất chi tiết. Hoàn
cảnh không chỉ cung cấp thời gian, không gian cho nhân vật hoạt động, làm
phương tiện bộc lộ tính cách, phân tích tâm lí, phân tích xã hội, tạo không khí
chung cho tác phẩm. Tóm lại, không gian và thời gian nghệ thuật là một yếu
tố không thể thiếu trong tiểu thuyết. Sự góp mặt của không gian và thời gian
đã tạo ra đặc trưng nổi bật của tiểu thuyết.
●Về ngôn từ
Ngôn từ trong tiểu thuyết là rất phong phú, nó mang đậm tính chất của
văn xuôi, tức là nó tái hiện cuộc sống không lãng mạn hóa, thi vị hóa, lí tưởng
hóa như trong sử thi. Lời trần thuật trong tiểu thuyết mang tính chất đối thoại.
Có nhiều hình thức biểu hiện như lời văn thoại, lời mỉa mai, lời văn nửa trực
tiếp…
●Về kết cấu
Kết cấu của tiểu thuyết là sự tổ chức điểm nhìn và trật tự sự kiện để

người đọc đi vào thế giới nghệ thuật; xác lập mối quan hệ giữa người kể
chuyện - nhân vật - người đọc. Tiểu thuyết có điểm nhìn linh hoạt, đa dạng,
phong phú. Điểm nhìn của nhân vật trong tiểu thuyết có thể tái hiện bằng thư,
tiểu thuyết bằng nhật kí, qua trần thuật nửa trực tiếp và độc thoại nội tâm.


1.2. Đề tài chiến tranh trong văn học Việt Nam
1.2.1. Đề tài chiến tranh trong văn học Việt Nam trước 1975
Ở chặng đường 1945 – 1975 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và
đế quốc Mỹ trở thành đề tài được các nhà văn, nhà thơ nói tới rất nhiều. Cảm
hứng chủ đạo trong văn học thời kỳ này chính là chủ nghĩa yêu nước, khát
vọng tự do, độc lập, là niềm tự hào về sự nghiệp cứu nước vĩ đại của nhân dân
ta. Hiện thực cách mạng chính là mảnh đất màu mỡ để các nhà văn khai thác,
tìm hiểu. Đó là những con người mang trong mình khát khao giải phóng dân
tộc, mong muốn được làm chủ vận mệnh đất nước với mong muốn: “Không
có gì quý hơn độc lập tự do”. Bởi vậy, nhiều thế hệ thanh niên xác định mục
tiêu sống của mình là chiến đấu chống giặc ngoại xâm: “Cuộc đời đẹp nhất là
trên trận tuyến chống quân thù”. Họ mang trong mình lý tưởng: “Xẻ dọc
Trường Sơn đi cứu nước/Mà lòng phơi phới dậy tương lai”. Đối với họ đường
ra trận chính là Đường vui (Nguyễn Tuân), là chặng đường ghi dấu sự trưởng
thành, những chiến công oanh liệt của những chàng trai, cô gái thanh niên
xung phong.
Cảm hứng sử thi đã chi phối cách xây dựng nhân vật, tổ chức cốt
truyện và sự lựa chọn giọng điệu, ngôn từ... cho tác phẩm. Cốt truyện trong
giai đoạn trước năm 1975 luôn là chuỗi những sự kiện logic. Vì thế, tác
giả Hoàng Mạnh Hùng nhận định: “Cảm giác thời gian luôn gắn với sự kiện,
biến cố… nên dù tác giả có sử dụng kĩ thuật đảo thời gian trần thuật thì
người đọc vẫn có cảm giác câu chuyện được kể gần với lối tiểu thuyết
chương hồi truyền thống” [13,tr.147]. Qua tác phẩm Hòn Đất (Anh Đức),
Dấu chân người lính (Nguyễn Minh Châu) người đọc thấy rõ trật tự trần

thuật trong các tác phẩm này đều theo trình tự thời gian. Ở hai tác phẩm này
đều bám sát đến trình tự hành quân, cuộc chiến đấu của nhân dân từ lúc bắt
đầu chiến dịch cho đến lúc địch bị thua cuộc rồi rút lui.
Cách xây dựng nhân vật trong văn xuôi chiến tranh trước 1975 mang
nhiều nét đặc trưng riêng. Hầu hết các nhà văn đều dành rất nhiều tâm huyết
để xây dựng các nhân vật chính diện, họ là những anh hùng, là con người lí
tưởng mang trong mình những phẩm chất của nhân vật sử thi: đại diện cho vẻ
đẹp của cộng đồng, luôn vượt lên chiến thắng trước mọi hoàn cảnh, họ sống
với tư cách con người chính trị, con người của Đảng cộng sản. Dù bị kẻ thù


treo lơ lẳng trên cây nhưng chị Sứ luôn tự nhủ: “Bữa nay có lẽ mình chết.
Nhưng mình chỉ thấy tiếc chứ không ân hận mắc cỡ gì cả… Tới phút này đối
với Đảng, mình vẫn còn y nguyên, như chị Minh Khai, chị Võ Thị Sáu…nên
từ phút này trở đi, mình cũng phải giữ được như vậy…” [9,tr.166]. Trong tác
phẩm Dấu chân người lính, khi gặp con trai ngoài mặt trận, người cha đặt vận
mệnh dân tộc trên hết: “Chốc nữa anh báo cáo với tôi công việc anh đã làm từ
ngày đi bộ đội. Quyết tâm thư khi đi chiến trường anh viết ra sao?” [6,tr.67].
Như vậy, các tác phẩm viết về đề tài chiến tranh trong giai đoạn 19451975 luôn được nhìn bởi màu sắc sử thi với cảm hứng ngợi ca, con người
luôn đặt vận mệnh dân tộc lên trên hạnh phúc cá
nhân.
1.2.2. Đề tài chiến tranh trong văn học Việt Nam sau 1975
Nhìn chung, văn học Việt Nam sau 1975 phát triển theo hai chặng:
chặng đầu trong khoảng mười năm từ 1975 – 1985 được coi là chặng chuyển
tiếp, văn học từ chỗ trượt theo quán tính cũ đến chỗ dần xác định cho mình
con đường đổi mới; chặng hai là từ năm 1986 cho đến nay là thời kì văn học
đổi mới mạnh mẽ và toàn diện, “nó vượt qua những hạn chế của thời kì trước
cả về phương diện hình thức lẫn phương pháp tiếp cận hiện thực” .
Tiếp nối cảm hứng sử thi nhưng một số tác phẩm đã có sự quan tâm
hơn đến đời sống cá nhân con người. Điều đó được thể hiện khá rõ qua những

tác phẩm Miền cháy (1977) và Lửa từ những ngôi nhà (1977) của nhà văn
Nguyễn Minh Châu. Năm 1979, nhà văn quân đội Nguyễn Trọng Oánh cho ra
mắt tiểu thuyết Đất trắng. Qua những tác phẩm này, tác giả đã cố gắng tiếp
cận chiến tranh bằng cái nhìn trực diện, bằng thái độ dũng cảm trước sự thật,
nhấn mạnh cái giá phải trả cho mỗi chiến thắng.
Từ sau năm 1986 của Đại hội Đảng lần thứ VI, văn học như được thoát
ra khỏi phạm vi hẹp để vươn ra một bầu trời rộng lớn. Các nhà văn trong giai
đoạn này chuyển dần về cảm hứng sử thi, cảm hứng nhân bản, bi kịch người
lính hậu chiến đã trở thành cảm hứng chủ đạo của nhiều tác phẩm. Bên cạnh
việc tổ chức cốt truyện theo trình tự thời gian tuyến tính như Bến không
chồng (Dương Hướng), Thời xa vắng (Lê Lựu), Mảnh đất lắm người nhiều
ma (Nguyễn Khắc Trường)... nhiều nhà văn đã dùng nghệ thuật xáo trộn trật
tự trần thuật và tổ chức cốt truyện theo kiểu đồng hiện giữa quá khứ và hiện
tại như tiểu thuyết Cỏ lau (Nguyến Minh Châu), Chim én bay (Nguyễn Trí


Huân), Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh), Không phải trò đùa (Khuất Quang
Thụy)… Cách tổ chức cốt truyện như vậy đem lại hiệu quả nghệ thuật đặc
biệt khi thể hiện một sự thật nghiệt ngã: đối với những người lính bước ra từ
chiến tranh thì đoạn đời có ý nghĩa nhất của họ đã lùi xa theo những năm
tháng khốc liệt, cuộc sống hiện tại của người lính khó thích nghi, hòa nhập
được, vì thế cảm giác cô đơn, lạc lõng luôn tồn tại, thường trực trong mỗi
người..
Trong tác phẩm, cái nhìn của nhân vật và tác giả là không đồng nhất,
do đó ngôn ngữ của các nhân vật vì thế mà trở nên khác
nhau.
Đặt trong dòng chảy của các tác phẩm văn xuôi viết về đề tài chiến
tranh, tiểu thuyết Ăn mày dĩ vãng đã có những thành công vượt trội đặc biệt là
việc tái hiện lại hiện thực chiến tranh với tất cả những gì vốn có của nó, mang
lại một luồng gió mới cho văn học viết về chiến tranh thời kì đổi mới.

1.3. Tác giả Chu Lai
1.3.1. Cuộc đời và sự nghiệp sáng tác văn học
“Nhà văn Chu Lai có tên khai sinh là Chu Văn Lai, sinh ngày 5 tháng 2
năm 1946 tại xã Hưng Đạo, huyện Phù Tiên, nay là huyện Tiên Lữ, tỉnh
Hưng Yên. Ông là Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, hội viên Hội Nhà
văn Việt Nam từ năm 1980”.
( />Chu Lai xuất thân trong gia đình có truyền thống văn học. Cha ông là
nhà viết kịch Học Phi. Bản thân Chu Lai cũng sớm bộc lộ năng khiếu nghệ
thuật. Ngoài viết văn, Chu Lai còn có một số kịch sân khấu, kịch bản phim và
có tham gia đóng phim.
Hành trình sáng tác của Chu Lai được chia làm hai giai đoạn:
 Giai đoạn từ 1975 đến 1986: ông đã cho ra mắt bạn đọc rất nhiều các
tác phẩm: tiểu thuyết Nắng đồng bằng (1977), tập truyện Đôi ngả thời
gian (1975), tiểu thuyết Đêm tháng hai (1982), tiểu thuyết Út Teng
(1983), tiểu thuyết Gió không thổi từ biển (1985)…Ở các tác phẩm này
tuy đã có sự đổi mới nhưng hầu hết các tác phẩm của Chu Lai đều
mang âm hưởng sử thi .


 Giai đoạn từ 1986 đến nay: cùng với sự đổi mới của văn học, ngòi bút
của Chu Lai cũng có sự đổi mới mạnh mẽ và toàn diện. Từ những trăn
trở xoay quanh cuộc sống thời hậu chiến của những người lính, nhà văn
đã cho ra đời hàng loạt tiểu thuyết: Sông xa (1986), Bãi bờ hoang lạnh
(1990), Phố (1993), Ăn mày dĩ vãng (1994), Ba lần và một lần ( 2000),
Cuộc đời dài lắm (2002)… Hầu hết tác phẩm dần thoát khỏi cảm hứng
sử thi, đi sâu vào khám phá đời tư, quan tâm đến số phận con người,
tập trung miêu tả những chấn thương tinh thần của người lính sau khi
trở về, dường như đã trở thành một nỗi ám ảnh và phần nào khiến các
nhân vật đều rơi vào bi kịch.
Chu Lai xứng đáng là cây bút tiêu biểu, có sức sáng tạo mạnh mẽ, dồi dào, có

vị trí quan trọng trong dòng chảy văn học đương đại về đề tài người lính thời
hậu chiến.
1.3.2. Tiểu thuyết Ăn mày dĩ vãng
Tiểu thuyết Ăn mày dĩ vãng thể hiện chân thực hiện thực chiến tranh và
số phận của người lính trong và sau cuộc chiến, đặc biệt là hình tượng người
lính trở về với đời thường nhưng không nguôi nghĩ về quá khứ.
Ăn mày dĩ vãng xoay quanh một cựu binh Hai Hùng, một chiến sĩ quân
giải phóng vùng ven đô Sài Gòn. Sau khi trở về với cuộc sống đời thường,
anh đã có cuộc hành trình ngược về quá khứ nhằm tìm lại người yêu, đồng chí
ở chiến trường năm xưa của mình. Trong hành trình ngược đó, Hai Hùng đã
gặp người đàn bà với tất cả phong thái, dáng vẻ của người yêu cũ Ba Sương
từ thời chiến. Người con gái được cho là đã chết mà do chính tay Hai Hùng
cướp xác và chôn cất nào ngờ đâu vẫn hiện hữu trong cuộc sống với một cái
tên khác Tư Lan, hiện giờ thành đạt trên cương vị của một giám đốc Sở lâm
nghiệp đầy quyền uy. Cuộc tìm kiếm trong quá khứ của Hai Hùng diễn ra
gian nan khi người yêu cũ của anh khi thỏa hiệp với cái ác, cố tình chạy trốn
quá khứ để yên vị với cuộc sống hiện tại. Qua ngòi bút góc cạnh và đầy cá
tính của Chu Lai, người đọc luôn luôn hồi hộp trong suốt mười sáu chương
của cuốn tiểu thuyết, cuốn theo hành trình tìm lại ký ức với những day dứt, ân
hận của nhân vật Hai Hùng. Trong tác phẩm, Chu Lai viết về cuộc chiến tranh


tàn khốc song hành với tình yêu. Nó như một nguồn sống dạt dào, nó là niềm
tin, sức mạnh, là động lực mạnh mẽ để người lính chiến đấu.
Chiến tranh đã lùi xa hơn bốn mươi năm, người lính trở về với những
thương tích hằn sâu trên thân thể nhưng có lẽ sự mất mát về tinh thần còn dai
dẳng hơn nhiều. Tiếu thuyết Ăn mày dĩ vãng cho người đọc hình dung bức
tranh chiến tranh tàn khốc, hủy diệt, đầy mất mát, đau thương và cuộc sống,
số phận người lính bước ra từ cuộc chiến.



Chương 2: HIỆN THỰC CHIẾN TRANH VÀ SỐ PHẬN CON NGƯỜI
TRONG TIỂU THUYẾT ĂN MÀY DĨ VÃNG – NHÌN TỪ PHƯƠNG
DIỆN NỘI DUNG
2.1. Hiện thực chiến trường
2.1.1.Hiện thực chiến trường tàn khốc, hủy diệt
Nhà thơ Nguyễn Duy trong bài thơ Đá ơi từng viết:
Nghĩ cho cùng
Mọi cuộc chiến tranh
Phe nào thắng thì nhân dân đều bại
Dù với mục đích nào, chiến tranh cũng đều đưa đến một sự thật: đổ
máu, bi kịch. Với sự hiếu chiến của kẻ thù, chiến tranh đã gây ra nỗi đau quá
lớn cho nhân dân ta. Nó không chỉ hiện hữu trên những trang sử hùng hồn của
dân tộc, trong những thước phim tài liệu đầy chân thực mà nó còn hiện hữu
trên những con chữ của Chu Lai. Chiến tranh là hi sinh, chết chóc, tổn thất
nặng nề… Chu Lai đã từng nếm trải những ngày tháng oanh liệt nhưng không
kém phần khốc liệt của cuộc chiến nên trong các tác phẩm của ông, đề tài
luôn giữ vị trí đặc biệt là chiến tranh. Nhà văn viết: “Chiến tranh là một siêu
đề tài. Càng khám phá càng thấy những độ rung không mòn nhẵn miến là
người viết biết tìm ra một lối đi riêng. Và người lính cũng là một thứ siêu
nhân vật, miễn là biết tìm ra trong tâm hồn họ những khía cạnh sâu xa nhất. Ở
họ tất cả đã được lèn chặt, được kìm nén đến ngột ngạt. Nếu biết dùng ngòi
bút tháo bung ra thì đấy là đối tượng văn học vĩnh cửu nhất” [19]. Với ông,
chiến tranh và những mảnh đời luôn đi liền với nhau. Chiến tranh và những
con người áo xanh trong mỗi trang viết của Chu Lai được thể hiện ở nhiều
gam màu, góc cạnh khác nhau.
Trong cuốn Nhà văn Việt Nam hiện đại (Nxb Hội nhà văn, 1997 ), Phan
Cự Đệ đã trích lời của Chu Lai: “Tôi có mười năm cầm súng, kiệt sức và mệt
mỏi tưởng đã là tận cùng gian khổ. Nhưng hòa bình, còn sống, bắt tay vào
viết mới thấy cái lao động cầm bút cũng gian nan, vật vã chẳng kém gì nếu

như không nói có lúc ngàn lần mệt mỏi hơn… Tôi từng nghĩ, viết về chiến
tranh có thể đẩy ngòi bút đến tận cùng bi thảm nhưng không thể bỏ quên đằng
sau là cái nền bi tráng; cũng vậy, viết về đời thường, đừng ngại, hãy đẩy số
phận con người đến tận cùng ngang trái, thậm chí bất công, nhưng nên nhớ


phía sau còn có cái nền dịu ngọt của cõi sống, của con người” [7,tr.360].
Trong tiểu thuyết Ăn mày dĩ vãng, hiện thực chiến trường được lột tả với vẻ
khốc liệt, tàn bạo nhất.
Là người đã đi qua bao bom đạn nên trong những trang viết của Chu
Lai, chiến tranh được tái hiện với đầy đủ hình hài của nó. Ông đã có định
nghĩa về chiến tranh một cách tưởng như đơn giản nhưng lại ẩn chứa đau
thương ngút ngàn: “Chiến tranh là ngày nào cũng thấy người chết nhưng lại
chưa tới phiên mình” [17,tr.125]. “Chiến trường không phải là mảnh đất bằng
phẳng trồng toàn hoa” mà là “nơi xác người sấp ngửa, xác muôn thú cháy
thui”. Không còn là sự ngợi ca , hiện thực chiến tranh ở tác phẩm Ăn mày dĩ
vãng hiện ra với tất cả sự khốc liệt, bi thảm, ghê rợn. Sự hủy diệt của chiến
tranh được tái hiện qua cái nhìn của nhân vật Hai Hùng một cách chân thực,
sắc nét đến từng chi tiết: “Cả khu chốt bỗng chốc bị san thành bình địa như
nơi đây hàng ngàn năm chưa hề có dấu chân người qua lại [...] Bầu trời trên
cao cũng đỏ lòm, những áng mây phản sắc máu chung chiêng dừng lại…”
[17,tr.177]. Những dòng văn của Chu Lai làm cho người đọc cảm thấy không
thôi ám ảnh khi đọc xong. Tác giả đau trước sự hi sinh quá lớn của những
con người áo xanh và càng đau đớn hơn khi chết thân thể của họ không được
nguyên vẹn. Trong giai đoạn 1945 – 1975, đây là những vùng cấm kị, tránh
nói tới thì sau năm 1975 rất nhiều tác giả đã viết về đề tài này và trong tiểu
thuyết Chu Lai nói riêng lại xuất hiện với mật độ dày đặc, làm sống dậy giá
trị của những hy sinh, cống hiến của thế hệ trước cho những gì có được
hôm
nay.

Trong tác phẩm, sự ác liệt của chiến tranh còn trở thành sự ám ảnh
mạnh mẽ bởi mức độ tàn phá của bom đạn: “Hầu như không một căn hầm
nào không bị chà nát, không một thân cây nào không bị xích sắt nghiến gục.
Rừng đã biến thành bãi đất trống… lần trong cái tan hoang tơi tả, ngập ngụa
khói xanh, khói vàng… là thân người cả bên này lẫn bên kia nằm hỗn độn
chồng đè lên nhau”. Trong cảnh tượng chết chóc ấy, những số phận của
những người lính đang cận kề cái chết. Sức phá hủy của bom đạn đã gây ra
biết bao tình cảnh éo le, ranh giới giữa sự sống và cái chết mong manh hơn
bao giờ hết. Sự ác liệt ấy luôn trực chờ, săm tìm và đẩy con người vào hoàn
cảnh nguy hiểm, ranh giới giữa sự sống và cái chết là quá mong manh. Tính


mạng của Hai Hùng đã nhiều lần bị đe dọa, đặc biệt là trong một lần căn hầm
của anh bị bom đánh trúng: “vừa kịp thụt đầu vào, anh đã thấy tất cả tối sầm,
đất đá rùng rùng chảy về lèn chặt, bóp nghiến lấy hai bên sọ não…”
[17,tr.161]. Nếu không có bàn tay của Sương và Tuấn không ngừng đào bới
đất đá thì có lẽ giờ phút ấy anh đã nằm trong lòng đất vĩnh viễn.
Không còn những âm vang của sự hào hùng và cảm hứng ngợi ca như
trước , hiện thực của chiến tranh trong Ăn mày dĩ vãng hiện ra với tất cả sự bi
thảm, ghê rợn như nó đã diễn ra. Chiến tranh không còn vẻ cao cả như trước
đó người ta vẫn nghĩ hoặc buộc phải nghĩ. Chiến tranh thực chất là “luật chơi
tàn bạo”, là cuộc đọ sức, giành giật sự sống từng ngày, từng giờ, từng phút
thậm chí là từng giây. Cái chết lặp lại nhiều lần qua dòng hồi tưởng của Hai
Hùng “Còn đơn vị tôi không biết đã bị xóa phiên hiệu đi, xóa lại đến lần thứ
mấy nữa? […] Mỗi lần bị xóa là mỗi lần mấy đứa còn lại lủi thủi theo giao
liên ngược lên rừng già nhận thêm quân ở ngoài kia mới vào” [17,tr.210].
Chiến tranh cướp đi tuổi trẻ của biết bao con người, những người đã nằm
xuống mãi mãi ở độ tuổi lí tưởng nhất của cuộc đời để đổi lại hòa bình cho
dân tộc. Dường như trong tác phẩm này, màu đỏ của máu là gam màu nổi trội
như muốn nhuộm đỏ những trang văn, cuộc đời của người lính.

Với tiểu thuyết Ăn mày dĩ vãng, tác giả cho người đọc thấy chiến tranh
không chỉ có sự khốc liệt, tàn bạo mà chiến tranh còn liền kề với đói khổ và
cả sự thiếu thốn đủ điều “Mấy anh ngoài đấy vô đây sao cực quá! Ăn vậy sao
mà sống”. Sự thiếu thốn ấy của Hai Hùng và đồng đội của anh trong suốt
cuộc chiến tranh được nhà văn miêu tả qua chi tiết: “Cả chục năm... luôn luôn
đói ăn, đói muối, luôn luôn chỉ vận độc một chiếc quần xà lỏn đánh hết trận
này qua trận khác, hết mùa mưa qua mùa khô, hết ngày tạnh sang ngày
ướt…”. Cái đói đeo bám đã dẫn đến một bi kịch: “một chiến sĩ gan dạ đã bị
khai trừ ra khỏi Đảng vì đã tự tiện ăn hết phần gạo quy định bởi gạo lúc đó là
máu, là danh dự, là sống còn, xà xẻo vào gạo là xúc phạm đến tất cả”. Thậm
chí, ngay cả Hai Hùng cũng đã “lợi dụng bóng tối bò sang lán thương binh
móc bồng ăn cắp một hộp sữa. Sữa còn quý hơn gạo. Không dao, không kéo,
chỉ bằng hai hàm răng anh đã cạp thủng nắp hộp và mút một hơi đến đáy”
[17,tr.158]. Trong tình cảnh này, với chức vụ là người thủ trưởng vậy mà Hai
Hùng lại làm chuyện trái với lương tâm của mình. Có thể nói, cái đói đã làm


cho người lính mất hết lòng tự trọng, sự gào réo của dạ dày đã khiến họ hành
động như chẳng cần suy nghĩ cho dù biết rằng hành động đó là sai, là đáng
trách.
Trong tác phẩm Ăn mày dĩ vãng, Chu Lai đã dùng tài năng, tậm huyết
của mình để viết về bức tranh hiện thực mà trước kia được coi là vùng cấm
kị, tránh nói tới.
2.1.2.Hiện thực chiến trường mất mát, đau
thương
Qua tác phẩm Ăn mày dĩ vãng, tác giả cho ta nhìn thấy được sự thật của chiến
tranh nó tàn khốc đến như nào. Tôi còn nhớ cách đây vài năm khi tôi sang nhà
ông ngoại chơi, ông tôi bật nhạc cách mạng lên và bắt đầu ngắm nghía những
kỉ vật chiến tranh mình còn giữ lại được. Sau những phút lặng yên tôi thấy
khóe mắt ông bắt đàu lăn dài những giọt nước mắt rồi tôi chạy lại ông tôi đã

kể cho tôi nghe rất nhiều điều về chiến tranh. Điều khiến tôi ám ảnh nhất là sự
ra đi anh dũng của những con người không tên mà chính ở tác phẩm cũng đã
được đề cập đến “mặt mày đã bầm tím, sưng tấy, mồm miệng nhoe nhét
những dãi dớt trộn máu, trộn đất”. Đó còn là cái chết đầy thương cảm, oan
uổng của Bảo. Anh ra đi mãi mãi chẳng phải vì súng đạn mà địch rải xuống
nước ta mà anh chết do sự bất cẩn ở Tuấn- đã cướp cò súng B41 trong khi
súng đang được lau. Một cái chết đầy ám ảnh đối với người trong cuộc lẫn
độc giả: “Bảo vẫn chưa chết, cái miệng vẫn há ra ngáp ngáp, để lộ cả hàm
răng nhuộm máu. Máu đang phì bọt ở đằng mũi, máu ướt đầm hai vạt áo, máu
chảy xuống đùi. Máu… cùng với máu và những cục phân vàng là mấy con
giun đũa màu trắng đục, nhẫy nhụa, đang chuyển động loằng ngoằng…”
[17,tr.101]. Ai cũng cảm nhận được cái chết đau đớn của Bảo, nó cho thấy
tuổi trẻ, khát vọng và lí tưởng của người chiến sĩ mười tám tuổi này đều ngập
ngụa trong máu. Quả là một sự thật trần trụi được tái hiện đến từng chi tiết,
giống như một sự vật được nhìn dưới kính hiển vi.
Ở tác phẩm này, tác giả đã miêu tả chân thực về hiện thực chiến tranh. Sự ra
đi anh dũng của chị Sứ ở tác phẩm Hòn Đất được tác giả Anh Đức nhìn với
cảm hứng sử thi, bút pháp lãng mạn qua hình ảnh: “Thằng Xăm rút soạt lưỡi
“cúp cúp” sáng loáng, xông tới như một con thú […] Đây chính bởi lưỡi dao
chạm phải một suối tóc tươi tốt nhất, suối tóc của hai mươi bảy tuổi đời con
gái” [9,tr.456]. Trong tiếu thuyết này, Chu Lai đã gạt bỏ “lớp men trữ tình” để


×