Tải bản đầy đủ (.doc) (4 trang)

Lời tri ân của nhà thơ trẻ

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (166.03 KB, 4 trang )

Nhà thơ trẻ nói lời tri ân trong Ngày thơ VN
Hà Linh
Không có lễ khai bút trên dải lụa trắng dài đến 10 m như được hứa hẹn. Hôm nay,
trên sân Thái Miếu, Ban tổ chức Ngày thơ Việt Nam dường như quá vội vã với thơ,
nhưng lại thư thả, rông dài với âm nhạc và những thủ tục hành chính. Độc giả tìm
thấy nhiều thơ, nhiều thi sĩ trên sân chơi của những người trẻ.
Từ lối vào Ngày thơ lần thứ 5, tổ chức tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội), người yêu thơ đã
hòa nhập ngay vào không khí của lễ hội. Mỗi vị khách đều nhận một lời mời dự đối. Có bốn vế
đối thách từ Ban tổ chức: Xã hội đi lên, cuộc sống đi lên, cao tiết tháo văn chương vì cuộc sống;
Văn Miếu, miếu văn nêu chữ Đức; Thịt lợn, lòng heo kiêng ăn vào giờ Hợi; Học bảy nghề mà
thất nghiệp". Vậy là trên đường vào Sân Thái Miếu, các cụ già tóc trắng đã xì xào lẩm nhẩm:
"Thịt lợn thì đối với... " và hý hoáy giấy bút khoe tài, trổ chữ.
Độc giả tại các bàn cho chữ. Ảnh: Hoàng Hà.
Lễ khai mạc Ngày thơ năm nay không có gì mới, nếu không nói là phần nghi lễ đã được tiến hành
quá gọn, đến độ, độc giả chưa kịp ổn định thì những câu thơ hào sảng của Huỳnh Văn Nghệ và
tiếng thơ Nguyên Tiêu đã vụt trôi đi. Trên sân khấu quá nhỏ, hai con rồng không được múa một
cách hoành tráng, rộn rã mà chỉ đứng rung râu rồi uốn lượn vài vòng trong tư thế đuôi cao hơn
đầu. Tiếp đó, lãnh đạo Hội nhà văn Việt Nam liên tiếp đọc quyết định khen thưởng cho các nghệ
sĩ ngâm thơ, các tập thể, cá nhân có đóng góp lớn cho sự phát triển của thơ ca và văn học. Không
tham gia vào lễ trao giải ít trang trọng, nhiều nhốn nháo này, bác Văn Ba, quận Ba Đình, bày tỏ:
"Người ta đến đây hôm nay để nghe đọc thơ và nghe nói chuyện văn chương chứ có phải nghe
các quyết định đâu. Những thủ tục hành chính như thế có thể thực hiện trong cả năm còn lại cơ
mà. Thơ chỉ có mỗi một ngày thôi".
Bởi có ít khoảng trống dành cho thơ nên trên sân chính, độc giả quan tâm nhiều đến các bàn thư
pháp. Một bàn "đọ chữ" giữa các nhà thư pháp được mở ngay trên sân khấu, thu hút đông đảo
người xem. Nhưng khi hoàn thành, Ban tổ chức đã không dành chút thời gian nào để tác giả giảng
giải về ý nghĩa của các bức thư pháp. Minh Trung, sinh viên Đại học Mỹ thuật, tiếc nuối: "Em
xem vì thấy lạ, chứ không hiểu chữ, giá như được giải thích thì hay hơn bao nhiêu. Mà em tin là ở
đây, cũng có nhiều người như em, xem chứ không hiểu ý nghĩa của các thư pháp cổ đó".
Nhà thư pháp trổ tài trên sân khấu. Ảnh:
Hoàng Hà.


Trong khi đó, sân thơ Trẻ thực sự níu chân người xem bởi nhiều yếu tố: trẻ trung, vui nhộn trong
cách tổ chức, nhiều không gian thơ, nhiều người thơ và nhiều sự trân trọng với thơ ca, nhiều tri ân
với các bậc tiền bối... Sân trẻ năm nay không phải là cuộc độc hành của các nhà thơ trẻ. Họ không
tự coi mình như là một cây riêng biệt trong cả vườn thơ như năm trước. Họ dựa vào các nhà thơ
lớn, vào lớp người đi trước để vừa tôn vinh cha anh, vừa hé lộ con đường thơ chập chững của
mình. Với ý tưởng, các nhà thơ trẻ tự dựng chân dung về tác giả đi trước mà mình yêu thích, Ban
tổ chức đã thiết kế nên một cuộc hội ngộ ý nghĩa giữa những người "cùng liều" với thơ, nhưng
một bên là "xóm một thời liều với thơ" và một bên là "xóm đang liều với thơ". Phan Huyền Thư
giới thiệu Thanh Tâm Tuyền, Khô Nga, Nguyễn Bính với lời tâm sự: "Đây là 3 tác giả có phong
cách hoàn toàn khác nhau, nhưng họ đều ảnh hưởng đến tôi, đều dắt dẫn tôi đến với văn chương".
Dạ Thảo Phương kể về Bế Kiến Quốc với câu chuyện cảm động quanh câu thơ nổi tiếng trong bài
Hoa huệ: "Hoa huệ trắng và bức tường cũng trắng/ Sao bóng trên tường lại đen". Vì một sự nhầm
lẫn, chị đã tưởng tác giả Hoa huệ "đạo thơ" của H.Heine, để khi sự thật được làm sáng tỏ, cái
bóng của nhà thơ ngoại quốc mờ dần đi, còn lại trong chị sự tôn trọng và ngưỡng vọng lớn lao
dành cho nhà thơ của xứ mình. Cũng từ lời giới thiệu của các nhà thơ trẻ, độc giả nhớ lại một Lê
Đạt cần mẫn phu chữ, một Trần Dần âm thầm làm thơ trong lặng lẽ; một Nguyễn Bính với hành
trình thơ lang bạt hải hồ...
Ngày thơ năm nay là một dịp để các công ty sách giới thiệu sản phẩm, nhưng các nhà thơ thì lại
không tranh thủ bán thơ của mình. Chỉ có Vi Thùy Linh bày Đồng Tử, Nguyễn Vĩnh Tiến khoe
đĩa nhạc, nhưng như là để giới thiệu nhiều hơn là để bán. Độc giả vẫn hý hoáy chép những vần
thơ yêu thích trên từng poster. Cạnh chân dung cố nhà thơ Bế Kiến Quốc, vợ ông, nhà thơ Đỗ
Bạch Mai mang đến rất nhiều tập thơ của chồng nhưng không bán, chỉ tặng. Được biết thông tin
trên, một số sinh viên ồ lên sung sướng. Nhưng một độc giả lớn tuổi ghé tai họ, nhỏ nhẹ rằng:
"Chú nghĩ, mình cũng nên để tiền lại, dù ít dù nhiều, các nhà thơ nghèo lắm".
Các poster tự giới thiệu về mình hầu hết của những người đã nhiều năm làm thơ như Vi Thùy
Linh, Bình Nguyên Trang, Nguyễn Vĩnh Tiến, Ly Hoàng Ly... Còn các tác giả trẻ, họ đem thơ
đến cho độc giả bằng chính giọng đọc của mình trên sân khấu với những lời giao lưu, tung hứng
của nhà phê bình Nguyễn Hoài Nam và nhà thơ Dạ Thảo Phương.
Gần cuối trưa, trên sân "thơ già", cuộc thi câu đối đã có kết quả. Với 25 bài thi trên tổng số 400
phiếu phát ra, giải nhất đã thuộc về cụ Lý Văn Thăng (Hà Nội) với 4 vế đối: Thương trường tiến

tới, văn minh tiến tới, lớn công lao giảng dạy lớp người sau; Ngọc Sơn, Sơn Ngọc sáng nhân văn;
Cháo gà, xúp gà tránh nấu ở vườn kê; Dâng ba lễ vẫn tam tai.
Ngày hội của những người yêu thơ vẫn đang náo nức người vào kẻ ra ở Văn Miếu. Tối nay,
chương trình công bố 100 bài thơ hay nhất thế kỷ 20 do công chúng bình chọn sẽ diễn ra ở sân
Thái Miếu - Quốc Tử Giám.

×