Tải bản đầy đủ (.doc) (5 trang)

Bai bao gia tri hop ly

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (66.95 KB, 5 trang )

Kế toán theo giá trị hợp lý ở Việt Nam và phương hướng áp dụng trong
thời gian tới
Ngày nay, hội nhập quốc tế về kinh tế, đầu tư, tài chính đang diễn ra sâu
rộng trên phạm vi toàn thế giới và từng quốc gia. Vì vậy, Việt Nam cũng không
nằm ngoài xu thế hội nhập này. Chính vì thế mà việc cải cách, đổi mới và hoàn
thiện công tác kế toán cho phù hợp với thông lệ quốc tế là một đòi hỏi khách quan
và cấp bách trong tình hình hiện nay. Một trong các yêu cầu đó là các qui định về
kế toán của Việt Nam phải cung cấp các thông tin tài chính của doanh nghiệp theo
giá trị hợp lý để các tài sản có thể hoặc giá trị một khoản nợ được thanh toán trong
sự trao đổi ngang giá. Tuy nhiên, hiện nay, để áp dụng được kế toán theo giá trị
hợp lý ở Việt Nam còn rất nhiều rào cản từ các yếu tố môi trường.
Kế toán theo giá trị hợp lý thực tế đã được qui định ở Việt Nam?
Ở Việt Nam Ngày 13/03/2006, Bộ Tài chính ban hành Thông tư
17/TT/BTC hướng dẫn Nghị định 101/2005 về thẩm định giá trong đó có quy định
các phương pháp định giá bao gồm: Phương pháp so sánh, phương pháp thu nhập,
phương pháp thặng dư, phương pháp lợi nhuận, phương pháp chi phí. Trong lĩnh
vực kế toán, về phương pháp xác định giá trị hợp lý, ngoại trừ đoạn 24 của Chuẩn
mực số 4 - Tài sản cố định vô hình - có đề cập đến phương pháp xác định giá trị
hợp lý của tài sản cố định vô hình, Thông tư 21/2006/TT-BTC ngày 20/03/2006
của Bộ Tài chính có hướng dẫn việc xác định giá trị hợp lý trong xác định giá phí
hợp nhất kinh doanh, Thông tư 210/2009/TT-BTC ngày 06/11/2009 về hướng dẫn
áp dụng Chuẩn mực kế toán quốc tế về trình bày báo cáo tài chính và thuyết minh
thông tin đối với công cụ tài chính theo giá trị hợp lý, đến nay chưa có hướng dẫn
chính thức và thống nhất về phương pháp xác định giá trị hợp lý trong kế toán.
Trong chế độ kế toán Việt Nam hiện hành, trong một số trường hợp, giá trị
hợp lý đã được sử dụng thay thế cho giá gốc như trường hợp nhận biếu tặng, viện
trợ tài sản, tài sản cố định thuê tài chính, các khoản phải thu bằng ngoại tệ ghi theo
giá trị hợp lý và dự phòng phải thu khó đòi.
Cơ sở của việc kế toán theo giá trị hợp lý là việc phải đánh giá được giá trị hợp lý
của tài sản và công nợ. Vấn đề này ở Việt Nam, được thể hiện qua hai góc độ sau:
Thứ nhất, căn cứ để các chuyên gia xác định giá trị tài sản và công nợ là


giá trị ghi sổ và giá thị trường của các chỉ tiêu trên báo cáo tài chính. Cả hai căn cứ
này hiện nay cũng chưa đảm bảo độ tin cậy. Rất nhiều doanh nghiệp, báo cáo tài
chính chỉ mang tính hình thức, đối phó với các cơ quan quản lý. Đối với giá thị
trường, khái niệm hàng hoá tương đương còn chung chung, không rõ ràng, không
có căn cứ tham chiếu cụ thể. Các chuyên gia định giá khi căn cứ vào giá thị trường
còn mang nặng tính chủ quan.


Thứ hai, các phương pháp định giá doanh nghiệp như phương pháp tài sản,
phương pháp giá thị trường hay phương pháp so sánh còn chưa được áp dụng
trong quá trình định giá một cách nhất quán. Kết quả của các phương pháp còn
nhiều mâu thuẫn và còn có sự chênh lệch lớn.
Việc xác định công nợ mới chỉ dừng lại ở việc kiểm tra đối chiếu công nợ
với khách hàng, chưa có một kỹ thuật, một phương pháp riêng nào để xác định
đúng giá trị hợp lý các khoản nợ.
Cho đến thời điểm này, các văn bản pháp luật về định giá doanh nghiệp đã
ban hành khá nhiều, đó là Nghị định 101/2005/NĐ-CP ngày 03/08/2005 và Thông
tư 17/2006/TT-BCT ngày 13/03/2006 về thẩm định giá; Quyết định 06/2005/QĐBTC ngày 18/01/2005 về việc ban hành quy chế tính giá tài sản, hàng hoá, dịch
vụ; … Tuy nhiên các văn bản trên còn chưa bao quát hết các trường hợp như xác
định giá trị quyền sử dụng đất, tài sản vô hình và các hàng hoá đặc thù.
Tạo lập cơ sở để áp dụng giá trị hợp lý trong thời gian tới ở Việt Nam
Trong thời gian tới, để có thể áp dụng được kế toán theo giá trị hợp lý, cần
tạo lập một số cơ sở nền tảng sau:
Thứ nhất, điều chỉnh Luật kế toán, Chuẩn mực kế toán số 01 – Chuẩn mực
chung, theo hướng đưa giá trị hợp lý là cơ sở tính giá trong kế toán, song song với
cơ sở giá gốc, chuẩn hóa các cấp độ sử dụng giá trị hợp lý, phương pháp xác định
giá trị hợp lý.
Trên cơ sở Luật kế toán và chuẩn mực kế toán số 01 – Chuẩn mực chung,
Bộ Tài chính ban hành hướng dẫn áp dụng giá trị hợp lý, để từng bước tạo lập
hành lang pháp lý cho việc áp dụng giá trị hợp lý trong kế toán, trước khi có một

chuẩn mực chính thức về đo lường giá trị hợp lý trong kế toán Việt Nam.
Thứ hai, bổ sung, cập nhật, nội dung các chuẩn mực kế toán hiện hành có
liên quan đến giá trị hợp lý theo hướng thống nhất với các chuẩn mực kế toán
quốc tế đồng thời cần quy định trong chuẩn mực các yêu cầu trình bày thông tin về
giá trị hợp lý.
Trước tiên, giá trị hợp lý nên được sử dụng trong ghi nhận ban đầu đối với:
bất động sản đầu tư, công cụ tài chính, hợp nhất kinh doanh, đầu tư vào công ty
liên kết, liên doanh, đầu tư vào công ty con để phản ánh được những thay đổi của
thị trường, cũng như giá trị của các khoản đầu tư.
Đối với ghi nhận sau ban đầu:
- Đối với công cụ tài chính:
Sau ghi nhận ban đầu, một số công cụ tài chính cần được đánh giá và ghi
nhân theo giá trị hợp lý, cụ thể:
+ Đối với các khoản đầu tư đến ngày đáo hạn: Tại thời điểm lập báo cáo
tài chính, khoản đầu tư đến ngày đáo hạn được phản ánh theo chi phí phân bổ =


bằng giá gốc ban đầu cộng (+) với lãi tính đến ngày lập báo cáo tài chính. Khoản
lãi này được ghi nhận tăng khoản đầu tư tương ứng với doanh thu hoạt động tài
chính trên báo cáo kết quả kinh doanh.
+ Đối với trái phiếu chuyển đổi: Đơn vị phải hạch toán riêng hai cấu phần
vốn và cấu phần nợ. Ngoài việc áp dụng như các khoản đầu tư đến ngày đáo hạn
đối với cấu phần nợ, đơn vị tiến hành đánh giá giá trị hợp lý của cấu phần vốn.
Việc tăng giảm giá trị do việc đánh giá lại này được ghi nhận thu nhập hoặc chi
phí trên báo cáo kết quả kinh doanh.
+ Đối với tài sản tài chính sẵn sàng để bán: Tại thời điểm lập báo cáo tài
chính, các khoản này được ghi nhận theo giá trị hợp lý. Các khoản chứng khoán
thương mại ngắn hạn được ghi nhận theo giá trị hợp lý (giá thị trường) cuối mỗi
kỳ, chênh lệch được ghi vào lãi lỗ chưa thực hiện trên báo cáo lãi lỗ. Các khoản
chứng khoán sẵn sàng để bán cũng được điều chỉnh theo giá trị hợp lý cuối kỳ,

nhưng nó được ghi tăng giảm vốn chủ sở hữu trên bảng cân đối kế toán
+ Về cơ sở lập dự phòng giảm giá các khoản đầu tư tài chính trong trường
hợp thiếu giao dịch thực tế (không có giao dịch ở HOSE, HNX, các công ty chứng
khoán...) tại ngày lập báo cáo tài chính, có thể trích lập dựa trên các căn cứ sau:
Đối với các khoản đầu tư tài chính thiếu giao dịch trên thị trường như các loại cổ
phiếu, trái phiếu OTC thì có thể dựa vào cơ sở sau để trích lập dự phòng:
(-) Đối với cổ phiếu OTC: Căn cứ vào giá của các cổ phiếu tương tự của
các doanh nghiệp khác trong ngành đã niêm yết, hoặc dựa vào mức giảm giá trung
bình của các cổ phiếu trong ngành đã niêm yết. Trường hợp không có cổ phiếu nào
trong ngành đã niêm yết thì có thể dựa vào mức điểm giảm của chỉ số chứng
khoán trên HOSE, HNX hoặc UPCOM làm căn cứ xác định và ghi nhận chi phí dự
phòng.
(-) Đối với các loại trái phiếu OTC: Căn cứ vào giá của các trái phiếu
tương tự của các doanh nghiệp khác trong ngành đã niêm yết hoặc có thể dựa
vào lãi suất trung bình của các ngân hàng thương mại trong năm, xác định giá trị
hiện tại của các khoản thu trong tương lai để xác định ra giá trị của trái phiếu tại
thời điểm lập báo cáo tài chính, làm cơ sở trích lập dự phòng giảm giá.
+ Đối với công cụ tài chính phái sinh:
Trong truờng hợp doanh nghiệp sử dụng công cụ tài chính phái sinh với
mục đích thương mại thì công cụ tài chính phái sinh được phân loại vào nhóm
“Tài sản tài chính hoặc nợ phải trả tài chính được ghi nhận theo giá trị hợp lý
thông qua Báo cáo kết quả kinh doanh”. Doanh nghiệp phải ghi nhận ngay các
khoản lãi lỗ phát sinh từ việc thay đổi giá trị hợp lý của tài sản phái sinh hoặc nợ
phải trả phái sinh vào Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh. Khi đó, giá trị hợp lý
của công cụ tài chính phái sinh được xác định dựa trên các nguyên tắc sau:


Trường hợp công cụ tài chính phái sinh được phân loại là tài sản: Việc xác định
giá trị hợp lý được xác định với mức độ ưu tiên giảm dần trong từng trường hợp
sau:

(-) Giá trị hợp lý của công cụ tài chính phái sinh được xác định dựa trên
giá niêm yết trên thị trường.
(-) Trường hợp không có giá niêm yết trên thị trường, doanh nghiệp phải
tự xác định giá trị hợp lý bằng các kỹ thuật định giá để xác định giá trị của tài sản
phái sinh vào ngày xác định giá trị như (i) Sử dụng giá trị của các giao dịch ngang
giá trên thị trường giữa các bên có đầy đủ sự hiểu biết và mong muốn thực hiện
giao dịch bình đẳng; (ii) Tham chiếu giá trị hợp lý của một loại công cụ phái sinh
tương tự; (iii) Phương pháp dòng tiền chiết khấu (iv) Sử dụng mô hình định giá
quyền chọn.
Trường hợp công cụ tài chính phái sinh được phân loại là nợ phải trả: Giá trị hợp
lý của công cụ tài chính phái sinh được xác định không nhỏ hơn giá trị phải trả
theo cam kết trong hợp đồng, tính từ ngày đầu tiên có thể phải trả tiền.
- Đối với hàng tồn kho:
+ Đối với các tài sản sinh học như cây trồng, vật nuôi: Các tài sản sinh học
và sản phẩm nông nghiệp như vùng nguyên liệu, vùng nuôi trồng thủy sản do
doanh nghiệp đầu tư nhưng đến thời điểm lập báo cáo tài chính chưa đến thời
điểm thu hoạch thì các sản phẩm dở dang này cần được đánh giá và trình bày trên
báo cáo tài chính theo giá trị hợp lý, không trình bày theo giá gốc.
+ Đối với tài sản nhận bàn giao của Nhà nước: Ghi nhận theo giá trị hợp
lý tại thời điểm bàn giao.
+ Đối với với quyền sử dụng đất đặc thù: “Trường hợp doanh nghiệp được
Nhà nước giao đất mà không phải trả tiền hoặc phải trả tiền thuê đất hàng năm thì
tiền thuê đất hàng năm được tính vào chi phí, không được ghi nhận quyền sử dụng
đất đó vào tài sản cố định vô hình”. Tại thời điểm lập báo cáo tài chính, doanh
nghiệp tiến hành xác định giá trị lợi thế quyền thuê đất và thuyết minh chi tiết vào
báo cáo tài chính doanh nghiệp.
Mọi con đường đều dẫn tới kế toán theo giá trị hợp lý. Kế toán theo giá trị
hợp lý là một tất yếu, phù hợp với nhu cầu hội nhập kinh tế quốc tế và nhu cầu nội
tại của mỗi nền kinh tế. Dù còn nhiều khó khăn nhưng kế toán theo giá trị hợp lý
tại Việt Nam vẫn sẽ diễn ra nhằm giúp cho thông tin tài chính trên thị trường ngày

càng minh bạch và công bằng, khẳng định vị trí của thị trường tài chính Việt Nam
so với các nước trên thế giới.
TÀI LIỆU THAM KHẢO


- Thông tư 21/2006/TT-BTC ngày 20/03/2006 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc
xác định giá trị hợp lý trong xác định giá phí hợp nhất kinh doanh
- Thông tư 210/2009/TT-BTC ngày 06/11/2009 hướng dẫn áp dụng Chuẩn mực kế
toán quốc tế về trình bày báo cáo tài chính và thuyết minh thông tin đối với công
cụ tài chính theo giá trị hợp lý
- Nghị định 101/2005/NĐ-CP ngày 03/08/2005 và Thông tư 17/2006/TT-BCT
ngày 13/03/2006 về thẩm định giá
- Quyết định 06/2005/QĐ-BTC ngày 18/01/2005 về việc ban hành quy chế tính
giá tài sản, hàng hoá, dịch vụ



Tài liệu bạn tìm kiếm đã sẵn sàng tải về

Tải bản đầy đủ ngay
×